Tải bản đầy đủ (.pdf) (171 trang)

Quan hệ giữa nhà nước quân chủ Lý, Trần với phật giáo

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (2.08 MB, 171 trang )

I HC QUI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
*




HOÀNG ĐỨC THẮNG
(THÍCH MINH TRÍ)


QUAN HỆ GIỮA NHÀ NƯỚC QUÂN CHỦ LÝ, TRẦN
VỚI PHẬT GIÁO

LUẬN ÁN TIẾN SĨ KHOA HỌC LỊCH SỬ










HÀ NỘI, 2012
1

I HC QUI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
*




HOÀNG ĐỨC THẮNG
(THÍCH MINH TRÍ)


QUAN HỆ GIỮA NHÀ NƯỚC QUÂN CHỦ LÝ, TRẦN
VỚI PHẬT GIÁO

Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam cổ đại và trung đại
: 62 22 54 01

LUẬN ÁN TIẾN SĨ KHOA HỌC LỊCH SỬ


ng dn khoa hc:
GS.TSKH. Vũ Minh Giang



HÀ NỘI, 2012
3

MỤC LỤC

Trang
MỞ ĐẦU
6
1. Lý do chọn đề tài
6

2. Về các nguồn sử liệu và lịch sử nghiên cứu vấn đề
9
3. Mục tiêu của Luận án
14
4. Giới hạn, phạm vi nghiên cứu
15
5. Phương pháp nghiên cứu và cách tiếp cận
15
6. Đóng góp mới của Luận án
16
Chương 1

KHÁI LƯỢC VỀ PHẬT GIÁO
VÀ TÌNH HÌNH PHẬT GIÁO VIỆT NAM TRƯỚC TRIỀU LÝ
17
1.1. Khái lược về Phật giáo
17
1.1.1. Sự xuất hiện của Phật giáo
17
1.1.2. Tóm lược hệ thống giáo lý cơ bản của Phật giáo
24
1.1.3. Ảnh hưởng và giá trị của Phật giáo đối với xã hội
34
1.2. Phật giáo Việt Nam trước triều Lý
45
1.2.1. Sự du nhập Phật giáo vào Việt Nam
45
1.2.2. Hệ thống tư tưởng Phật giáo được du nhập vào Việt Nam
47
1.2.3. Vai trò của Phật giáo trong thời kỳ Bắc thuộc

49
1.2.4. Phật giáo và tình hình chính trị dưới triều Ngô, Đinh và Tiền Lê
53
Tiểu kết Chương 1
61
Chương 2

QUAN HỆ GIỮA VƯƠNG TRIỀU LÝ VỚI PHẬT GIÁO
63
2.1. Bối cảnh chính trị - xã hội và sự kiến lập triều Lý
63
2.1.1. Bối cảnh chính trị - xã hội
63
4

2.1.2. Vai trò của thiền sư Vạn Hạnh trong công cuộc kiến tạo triều

65
2.1.3. Lý Công Uẩn với việc định đô Thăng Long
70
2.2. Tình hình Phật giáo thời Lý
72
2.2.1. Quan hệ giữa triều Lý với Phật giáo
72
2.2.2. Trải nghiệm tâm linh của một số vị vua triều Lý
84
2.3. Nội dung cơ bản của chính sách đối với Phật giáo của triều Lý
91
2.3.1. Chính sách của nhà Lý đối với tôn giáo
91

2.3.2. Thực hiện chính sách phát triển Phật giáo
96
2.4. Vai trò và ảnh hưởng của Phật giáo dưới triều Lý
103
2.4.1. Phật giáo giúp vua trong công cuộc trị quốc, an dân
103
2.4.2. Phật giáo và văn hóa nghệ thuật
115
Tiểu kết chương 2
122
Chương 3

QUAN HỆ GIỮA VƯƠNG TRIỀU TRẦN VỚI PHẬT GIÁO
123
3.1. Bối cảnh lịch sử
123
3.2. Tình hình Phật giáo thời nhà Trần
125
3.2.1. Tam tông quy nhất tông
125
3.2.2. Ảnh hưởng của các dòng phái khác
130
3.2.3. Sinh hoạt của Tăng đoàn Phật giáo thời nhà Trần
134
3.3. Quan hệ giữa triều Trần với Phật giáo và đóng góp của Phật
giáo vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước
139
3.4. Chính sách của triều Trần đối với Phật giáo
148
3.4.1. Chính sách bình đẳng tôn giáo và tự do tín ngưỡng của nhà

Trần
148
3.4.2. Đưa Phật giáo nhập thế để trị quốc, an dân
151
5

3.4.3. Nội dung cơ bản của chính sách triều Trần đối với Phật giáo
155
3.5. Góp phần tìm hiểu nguyên nhân suy thoái của triều Trần
158
Tiểu kết chương 3
160
KẾT LUẬN
162
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ CÓ LIÊN QUAN
ĐẾN LUẬN ÁN
165
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
166



6


MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài
Phật giáo được du nhập vào Việt Nam đã trên dưới 2000 năm, gắn bó đồng
hành cùng dân tộc và có mối quan hệ khăng khít với văn hóa, kinh tế, chính trị, xã

hội trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phật giáo có mục đích
cao cả là đem lại hạnh phúc và an lạc cho chư Thiên và loài người. Trên nguyên tắc
đoàn kết, hòa hợp, tùy thuận chúng sinh, nên tuy là một yếu tố văn hóa “ngoại sinh”
nhưng đã được dân tộc Việt Nam đón nhận một cách rất tự nhiên như cây cần có
nước và đã được hấp thụ, chuyển hóa thành một bộ phận hữu cơ và tạo nên những
nét đặc sắc trong văn hóa dân tộc. Phật giáo đã ảnh hưởng sâu đậm trong ý thức, tư
tưởng, tình cảm của người Việt, đúng như Đức Phật đã từng dạy các đệ tử của mình
khi lãnh trách nhiệm đi hoằng dương chính pháp:
“Này các Tỳ kheo, hãy lên đường thuyết pháp vì hạnh phúc, vì an lạc cho
chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và
loài người ” [82, tr.502].
Với tư tưởng hòa đồng, đồng thời với tinh thần từ bi và trí tuệ, tư tưởng Phật
giáo đã trở thành một điểm tựa tinh thần vững chắc, một công cụ sắc bén để giữ gìn
bản sắc dân tộc, chống lại âm mưu đồng hóa của phong kiến phương Bắc suốt hơn
1000 năm Bắc thuộc. Trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua các thời kỳ
lịch sử, tinh thần Phật giáo đã được các chính quyền vận dụng vào những kế sách trị
nước an dân. Bản thân Phật giáo cùng các bậc cao tăng cũng đã có những đóng góp
đáng kể vào sự hưng thịnh của quốc gia, trường tồn của dân tộc. Chính vì vậy mà
một số triều đại phong kiến đều rất chú trọng đến quan hệ với Phật giáo. Trong số
các triều đại phong kiến Việt Nam, đặc biệt triều Lý và Trần là hai vương triều
thành công nhất trong các chính sách với Phật giáo và cũng đã gặt hái được những
thành tựu rực rỡ nhất về mọi mặt, từ quan hệ từ văn hóa, chính trị, kinh tế, ngoại
giao v.v Những chính sách đó xuất phát từ ba yếu tố cơ bản sau đây:
7

- Nhu cầu khách quan trong việc xây dựng một xã hội đồng thuận, quốc gia
thống nhất dựa trên nền tảng của bầu không khí làng xã và quan hệ Làng – Nước
hòa đồng.
- Sự sùng mộ đạo Phật của các bậc quân vương và nhận thức của họ về vai
trò xã hội của Phật giáo.

- Đóng góp thực tế của giới sư tăng mà trước hết và chủ yếu là các Quốc sư
với đất nước.
Trong suốt hơn 4 thế kỷ, vai trò Phật giáo được phát huy cao độ, tinh thần
Phật giáo đã là chất liệu cố kết nhân tâm, là cầu nối giữa chính quyền trung ương
với địa phương. Trong thời kỳ này, tinh thần đoàn kết hòa hợp dân tộc cũng đã
được vận dụng tối đa cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các vị quân
vương thời Lý - Trần đã xây dựng thành công một mô hình Nhà nước quân chủ rất
đặc thù, rất Việt Nam thời trung đại, đó là kiểu Nhà nước “tập quyền thân dân”. Với
mô hình này hai vương triều nói trên đã đưa dân tộc ta trở thành một trong những
quốc gia phát triển trong khu vực châu Á thời bấy giờ. Không phải ngẫu nhiên mà
nhiều học giả đã đưa ra nhận định rằng, thời Lý - Trần Phật giáo là Quốc đạo. Đây
là những vấn đề lớn vừa có giá trị học thuật vừa có ý nghĩa thực tiễn cao.
Về mặt khoa học, nghiên cứu về vấn đề này sẽ góp phần tìm hiểu sâu hơn
mối quan hệ tương tác mật thiết giữa tư tưởng Phật giáo với chính quyền hai triều
Lý - Trần. Trong đó, những vấn đề cần đặc biệt lưu ý là bối cảnh lịch sử, vai trò của
các vị Quốc sư với các vị quân vương, cũng như sự nhận thức của các bậc quân
vương đối với giá trị của hệ thống tư tưởng Phật giáo. Đây là những yếu tô cơ bản
đã được phát huy tích cực, mang lại hiệu to lớn nhất trong việc lãnh đạo đất nước,
trị quốc an dân. Một nghiên cứu chuyên sâu về mối quan hệ giữa Phật giáo với hai
vương triều nói trên chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ vào việc soi rọi, làm sáng tỏ
những khía cạnh độc đáo của lịch sử dân tộc trong một thời kỳ đầu của kỷ nguyên
Đại Việt.
Trên phương diện thực tiễn, từ năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng
sản, cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong sự nghiệp
8

giành và giữ độc lập dân tộc, Việt Nam đã chiến thắng các thế lực đế quốc, thực dân
hùng mạnh. Chiến thắng mùa xuân 1975 vĩ đại đã mở đường cho đất nước bước vào
kỷ nguyên hoàn toàn độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội. Khi hệ thống xã
hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, Liên Xô bị tan rã, Việt Nam đứng trước thử thách

hiểm nghèo. Dân tộc Việt Nam cần phải có lựa chọn đúng đắn để khẳng định chính
mình. Hơn lúc nào hết dân tộc ta cần một bệ đỡ tinh thần, một hệ tư tưởng chỉ đạo
xuyên suốt để chèo lái con thuyền của dân tộc đưa đất nước tới cái đích mà Đảng,
Bác Hồ cũng như cả dân tộc mong muốn là xây dựng một đất nước dân giầu, nước
mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Kiên định với con đường đã chọn, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định chủ
nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và lý luận. Nhưng
điều đó không có nghĩa là chúng ta đã có một bệ đỡ tư tưởng hoàn chỉnh. Để hoàn
thiện cần phải có một đường lối chính sách, một sách lược và thiết chế chính trị sao
cho vừa giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc, vừa đáp ứng được xu thế
hội nhập thế giới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước đã và đang gặt hái được
nhiều thành tựu trong công cuộc Đổi mới để hội nhập và phát triển. Với quan điểm
hội nhập mà không hòa tan theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ
V (khóa VIII) đề ra là: “bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây
dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, cần phải nghiên cứu
kỹ các bài học và kinh nghiệm lịch sử dân tộc để tìm ra những giải pháp phù hợp
đáp ứng được nhu cầu thực tế của đất nước hiện nay.
Đi theo hướng này, luận án của chúng tôi đề cập tới những nội dung mà nếu
giải quyết thấu đáo sẽ góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề quan trọng của lịch sử,
văn hóa của dân tộc và làm phong phú thêm cơ sở khoa học cho chính sách của
Đảng và Nhà nước. Lý – Trần là một thời kỳ lịch sử võ công rực rỡ, văn trị sáng
chói. Đây cũng là giai đoạn chính quyền và Phật giáo có mối quan hệ tương hỗ
khăng khít. Trong bối cảnh hiện nay, khi xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc là một
nhiệm vụ có tầm chiến lược, trong đó đoàn kết tôn giáo, để các tôn giáo đồng hành
9

cùng dân tộc, quan hệ giữa chính quyền và tôn giáo là những nội dung hết sức quan
trọng thì những bài học và kinh nghiệm lịch sử càng có ý nghĩa thực tiễn rất cao.
2. Về các nguồn sử liệu và lịch sử nghiên cứu vấn đề
Cho đến nay chưa có một tác phẩm nghiên cứu chuyên sâu nào về chính

sách tôn giáo của hai triều Lý – Trần và về mối quan hệ giữa Phật giáo với hai
vương triều này. Tuy nhiên, những đề tài liên quan cũng đã được nhiều nhà sử học
ở Việt Nam và nước ngoài quan tâm nghiên cứu. Những tư liệu về Phật giáo thời Lý
– Trần trong các thư tịch cổ Trung Hoa như Tống sử, Nguyên sử, và Tục tư trị thông
giám trường biên của Lý Đào … đã được các nhà sử học Việt Nam tổng hợp, phiên
dịch và khai thác phục vụ cho việc nghiên cứu những vấn đề lịch sử có liên quan tới
đề tài.
Trong số các bộ sử biên niên Việt Nam, Đại Việt sử ký toàn thư là bộ sử có
giá trị, được khắc in lần đầu tiên vào năm Chính Hòa thứ 18 (1697), gắn liền với tên
tuổi của những nhà sử học nổi tiếng như Ngô Sĩ Liên, Phạm Công Trứ, Lê Hy. Có
thể nói đây là nguồn sử liệu quan trọng để nghiên cứu tiến trình lịch sử dân tộc Việt
Nam từ khởi nguyên đến thời hậu Lê nói chung và Phật giáo nói riêng. Hầu như tất
cả các học giả sau này đều coi đây là tư liệu gốc cho việc nghiên cứu tư tưởng chính
trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao, quân sự và tôn giáo của các triều đại phong kiến
Việt Nam. Bên cạnh đó còn có các bộ sử sách cũ cũng được coi là những nguồn sử
liệu quý báu, có giá trị tham khảo cao, như Việt Sử lược (hay Đại Việt sử lược của
một tác giả khuyết danh đời Trần), An Nam chí lược của Lê Tắc, Kiến văn tiểu lục
và Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, Đại Việt sử ký tiền biên và Việt sử tiêu án
của Ngô Thì Sĩ, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú và sau này là bộ
sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn và
Việt sử cương mục tiết yếu của Đặng Xuân Bảng vv…. Đây là một trong những
nguồn thông tin quan trọng nhất mà Luận án này sử dụng.
Ngoài các thông tin từ Đại Việt sử ký toàn thư và các bộ sử cũ, bao gồm cả
một khối lượng rất lớn tài liệu văn bia, văn khắc đã được sưu tập và công bố, lịch sử
Phật giáo và lịch sử dân tộc thời Lý – Trần còn được phản ánh rất phong phú trong
10

nhiều bộ thư tịch Phật giáo. Đây là một nguồn sử liệu có giá trị tham khảo cao còn
chưa được khai thác đầy đủ. Trong đó, trước hết cần phải kể ra đây sách Thiền uyển
tập anh. Đây là bộ sách tập hợp hành trạng của những bậc chân tu, cao tăng thạc

đức của Phật giáo đã vận dụng trí tuệ do tu chứng để giúp cho Đạo pháp và Dân tộc
dưới các triều đại Việt Nam cho đến thời Lý - Trần. Theo ý kiến của một số chuyên
gia, Thiền uyển tập anh được biên soạn dưới triều Lý và hoàn thành vào triều Trần.
Trải qua một thời gian khá dài, bộ sách này đã bị thất tán và cũ nát, nên đến thời
hậu Lê nhà sư Thích Như Trí cùng các đệ tử đã tổ chức in lại vào năm Vĩnh Thịnh
thứ 11 (1715). Đến đầu thế kỷ XX, một bậc danh tăng uyên bác là Phúc Điền lại
một lần nữa hiệu chỉnh và cho khắc in lại dưới tựa đề “Trùng khắc Đại Nam thiền
uyển truyền đăng tập lục”. Trong lần hiệu chỉnh này, hòa thượng Phúc Điền đã viết
lại truyện của thiền sư Không Lộ, còn các phần khác thì hầu như không sửa chữa gì.
Với những giá trị tư liệu đặc biệt, sách Thiền uyển tập anh đã được các học giả danh
tiếng như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú sử dụng để biên soạn các tác phẩm của mình.
Lê Quý Đôn từng nhận xét về giá trị của sách này như sau: “Nước ta từ khi gây
dựng, văn minh không kém gì Trung Quốc Hai vua Thánh Tông, Nhân Tông nhà
Lý đều giỏi sách hay thơ, nhưng nay không biết tra tìm vào đâu, chỉ thấy Thiền uyển
tập anh còn chép được của Thái Tông hai bài, của Nhân Tông hai bài…”[63, tr.24].
Bên cạnh Thiền uyển tập anh, trong nguồn sử liệu Phật giáo phải kể đến các
tác phẩm Tam Tổ thực lục là tập truyện về ba vị Tổ Thiền phái Trúc lâm đời Trần,
bản in sớm nhất còn lại vào năm Cảnh Hưng thứ 16 (1765) do Sa môn Quảng Điền
và Hải Lượng hiệu đính và trùng san; Thánh đăng lục là tiểu truyện về 5 vị Thiền sư
đồng thời là vua Triều Trần, đó là Trần Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông, Anh
Tông và Minh Tông, bản in sớm nhất còn lại vào năm Cảnh Hưng thứ 11 (1750) do
sư Quảng Đức hiệu đính và đề tựa; Ngự chế Thiền uyển thống yếu kế đăng lục, do
Thiền sư Như Sơn biên soạn, được khắc bản vào năm Giáp dần (1734); Khóa hư lục
của Trần Nhân Tông. Ông là Tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm, pháp hiệu Điều
ngự Đầu đà, biên soạn sách này khi đã nhường lại ngôi vua lên núi tu hành.
11

Đến thập niên 30 - 40 của thế kỷ XX, hòa cùng phong trào yêu nước là trào
lưu chấn hưng Phật giáo. Từ đây dưới sự lãnh đạo của các bậc cao tăng và cư sĩ ở cả
ba miền, Phật giáo như được hồi sinh. Trong thời kỳ này bắt đầu xuất hiện những

công trình nghiên cứu. Đáng kể nhất là cuốn Việt Nam Phật giáo sử lược của hòa
thượng Thích Mật Thể, xuất bản lần đầu vào năm 1943, sau được tái bản vào các
năm 1970, 1996. Có thể coi đây là cuốn sử Phật giáo đầu tiên của thời cận đại Việt
Nam được biên soạn tương đối bài bản với các tư liệu có giá trị để dựng nên một
bức tranh tổng thể của Phật giáo Việt Nam bằng chữ Quốc ngữ. Cuốn sách này tuy
tính học thuật chưa thật cao, nhưng những sự kiện lịch sử đã được tác giả sắp xếp có
lớp lang khiến cho người đọc dễ nhớ. Điều quan trọng ở đây chính là sự mở màn
cho phong trào tu học và nghiên cứu của tăng ni cũng như các học giả sau này.
Về mối quan hệ giữa chính quyền với tôn giáo, cụ thể là triều Lý với Phật
giáo, không thể không nói tới tác phẩm Lý Thường Kiệt – Lịch sử ngoại giao và
tông giáo triều Lý của Hoàng Xuân Hãn, xuất bản lần đầu vào năm 1941 và được
chỉnh lý tái bản nhiều lần. Đây là một tác phẩm có giá trị cao về mặt học thuật và có
nhiều tư liệu quý lần đầu được công bố. Tuy tác phẩm tập trung nghiên cứu về
đường lối ngoại giao và tôn giáo triều Lý, trong đó Lý Thường Kiệt là nhân vật
trung tâm, nhưng toàn bộ xã hội thời Lý và cuộc chiến chống Tống đã được tái hiện
một cách chân thực và sinh động.
Từ 1945 đến 1975 mặc dù đất nước còn đang chiến tranh, mọi nguồn lực
phải dồn vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nhưng một số tác phẩm có giá trị
liên quan tới lịch sử Phật giáo cũng đã được biên dịch và xuất bản, trong đó đáng kể
nhất là bộ Thơ văn Lý – Trần. Một số vấn đề có liên quan đến lịch sử Phật giáo
Việt Nam cũng được khảo cứu và bàn luận trong quyển I của bộ sách về lịch sử tư
tưởng nổi tiếng của Trần Văn Giàu với tiêu đề Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam
từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám (Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1973).
Trong khi đó, ở miền Nam từ năm 1967 Thích Nhất Hạnh đã cho ra đời cuốn
sách Vietnam: Lotus in a Sea of Fire (Việt Nam: hoa sen trong biển lửa), công bố
tại New York (Mỹ). Có lẽ đây là lần đầu tiên Phật giáo Việt Nam được giới thiệu ra
12

thế giới bên ngoài dưới hình thức một nghiên cứu khoa học. Tiếp đó, năm 1973 nhà
xuất bản Lá Bối đã công bố bộ sách Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang.

Đây là một trong những khảo cứu công phu nhất về lịch sử Phật giáo Việt Nam,
trong đó có Phật giáo thời Lý – Trần. Tác phẩm của Nguyễn Lang được xuất bản
lần đầu vào năm 1973 và sau đó được tái bản có chỉnh lý, sửa chữa vào các năm
1977, 1992, 2000. Trong lần tái bản gần đây nhất, tác giả đã cho hợp cả ba tập thành
một quyển. Sau mỗi lần cho in và xuất bản, tác giả đều có hiệu chỉnh và thêm vào
những chứng cứ sử liệu, đến lần tái bản thứ tư bộ sách đã được tương đối hoàn thiện.
Bên cạnh đó phải kể đến công trình của Trần Văn Giáp Phật giáo Việt Nam từ khởi
nguyên đến thế kỷ XIII được Đại học Vạn Hạnh công bố ở Sài Gòn năm 1973.
Nghiên cứu Phật giáo có xu hướng phát triển mạnh từ thập kỉ 80 của thế kỉ
XX trở về đây. Do kinh tế đất nước ngày một phát triển, nhu cầu nhận thức khoa
học và hội nhập ngày càng cao, các ngành khoa học có điều kiện và phải tự vươn
lên để tự khẳng định mình. Trong bối cảnh đó đã xuất hiện một số công trình về lịch
sử Phật giáo. Trước hết phải kể đến cuốn Lịch sử Phật giáo Việt Nam của tập thể tác
giả do Nguyễn Tài Thư chủ biên, công bố bởi Nxb. Khoa học Xã hội tại Hà Nội
năm 1991. Công trình này tiếp cận lịch sử Phật giáo Việt Nam chủ yếu từ góc độ
lịch sử tư tưởng. Bên cạnh đó còn có một số nghiên cứu đáng chú ý của Lê Mạnh
Thát, như Lịch sử Phật giáo Việt Nam (2 quyển) do Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh
xuất bản năm 2001, Mâu Tử (xuất bản năm 1982), Khương Tăng Hội toàn tập (xuất
bản năm 1975), Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh (xuất bản năm 1999)
Cùng với các tác phẩm nói trên, còn phải kể đến tác phẩm Thiền sư Việt Nam
của hòa thượng Thích Thanh Từ, xuất bản năm 1972. Đây là một cuốn sách hệ
thống lại các nguồn sử liệu về hành trạng của các Thiền sư Việt Nam. Về mặt tư
liệu tuy không có gì mới, nhưng điều đáng lưu ý ở đây là tác giả đã dịch một số tài
liệu chữ Hán sang chữ Quốc ngữ và đưa ra những kiến giải mới về hành trạng của
các Thiền sư mà trước đó chưa ai đề cập. Tác phẩm Đạo Phật và dòng sử Việt của
Đức Nhuận, xuất bản năm 1996 tại Hoa Kỳ cũng là một tác phẩm đáng lưu ý.
13

Tác phẩm Tư tưởng Phật giáo Việt Nam của Nguyễn Duy Hinh, xuất bản
năm 1999 chủ yếu đi sâu nghiên cứu hệ tư tưởng của Phật giáo nói chung và của

các bậc cao tăng đức độ trong Phật giáo, trong đó có cả các bậc minh quân xuất gia
tu hành giác ngộ, qua đó cho thấy vai trò của Phật giáo trong xã hội đương thời và
mối quan hệ giữa Phật giáo và hệ thống chính trị của triều đại Lý – Trần. Còn phải
kể đến tác phẩm Truyền thống văn hóa và Phật giáo Việt Nam của tác giả Minh Chi,
xuất bản năm 2003. Trong tác phẩm tác giả đã đưa ra quan điểm chỉ trích “cái hại
của tệ sùng đạo Nho” và đề cao “chủ nghĩa bình đẳng, từ, bi, bác ái, tư tưởng
không giáo điều, không cố chấp của đạo Phật”, cho đó là một trong những cơ sở để
“phát động một cao trào tự hào, tự cường dân tộc, toàn dân đoàn kết nhất trí, đánh
thắng bao lần giặc Tống và giặc Nguyên”. Đứng trên quan điểm Phật giáo, tác giả
đã nhìn nhận như một mối nguy hại tệ hủ Nho, coi đó là văn minh giả tạo của phong
kiến phương Bắc tác động đến lịch sử Việt Nam trong suốt một thời gian dài từ Lê
sơ đến nhà Nguyễn.
Trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, đã xuất hiện
nhiều công trình khoa học đánh giá sâu sắc hơn lịch sử dựng nước và giữ nước của
dân tộc dưới hai triều đại Lý và Trần, trong đó vai trò và sự đóng góp của Phật giáo
với lịch sử dân tộc nói chung và công cuộc xây dựng, phát triển thủ đô Thăng Long
nói riêng được làm rõ. Từ đây có thể hiểu thêm tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo
Phật.
Cùng với những công trình của các nhà khoa học phải kể đến Tập san của
Viện nghiên cứu Phật học Việt nam – tủ sách Phật giáo và dân tộc. Đây là tập hợp
những bài viết của Tăng ni sinh khóa VI chuyên ngành Phật giáo Việt Nam thực
hiện để chào mừng Đại lễ 1000 năm của dân tộc, với tựa đề “Phật giáo đời Lý” do
nhà xuất bản Tôn giáo in năm 2010. Qua các bài viết của tăng ni sinh, có thể thấy
được giá trị hào hùng của dân tộc qua hàng nghìn năm nhưng vẫn còn đang lưu
chảy trong huyết quản của mỗi người dân Việt Nam nói chung và của tăng ni nói
riêng.
14

Liên quan đến đề tài của Luận án này còn có hàng trăm công trình của các
nhà nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài về lịch sử Việt Nam giai đoạn Lý – Trần

nói riêng và lịch sử Việt Nam thời kỳ trung đại nói chung. Đây là những công trình
có giá trị tham khảo cao, song, trong khuôn khổ của Luận án, chúng tôi không đi
sâu mô tả, tóm lược và phân tích được. Có thể nêu ra đây một số vấn đề chính đã
được các công trình này tập trung khảo cứu. Thứ nhất là nhóm công trình đề cập
đến lịch sử chiến tranh, chủ yếu là các cuộc kháng chiến chống xâm lược phương
Bắc của dân tộc ta trong thời kỳ Lý – Trần. Thứ hai là nhóm công trình khảo cứu
khía cạnh lịch sử kinh tế, nhất là chế độ ruộng đất thời kỳ Lý – Trần. Thứ ba là
nhóm các công trình nghiên cứu các khía cạnh xã hội, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật
thời Lý – Trần. Thứ tư là nhóm các công trình nghiên cứu về lịch sử chính trị, bao
gồm thân thế, hành trạng các vị vua, đại thần, danh tướng vv… thuộc về nhóm này,
gần đây có hai tác phẩm do Vũ Minh Giang biên soạn và làm chủ biên có liên quan
trực tiếp đến đề tài của Luận án. Đó là các cuốn Lịch sử Việt Nam truyền thống và
hiện đại và Những đặc trưng cơ bản của bộ máy quản lý đất nước và hệ thống
chính trị nước ta trước thời kỳ đổi mới xuất bản năm 2008 và 2009. Tuy không trực
tiếp nghiên cứu về Phật giáo nhưng có nhiều phát hiện mới về các giá trị truyền
thống và hệ thống chính trị Việt Nam, trong đó có đề cập đến mối quan hệ giữa các
chính quyền thời phong kiến với Phật giáo.
3. Mục tiêu của Luận án
Luận án nhằm đạt được các mục tiêu sau đây:
1) Thông qua việc nghiên cứu các chính sách và hoạt động thực tiễn liên
quan đến Phật giáo của hai triều Lý – Trần và những đóng góp của Phật giáo với
lịch sử dân tộc trong thời kỳ này làm rõ mối quan hệ tương hỗ giữa hai vương triều
nói trên với Phật giáo trong sự nghiệp chấn hưng, dựng xây và bảo vệ đất nước.
2) Trên cơ sở nghiên cứu so sánh lịch đại, góp phần chỉ ra vị trí của Phật giáo
trong bệ đỡ tư tưởng của mô hình tập quyền thân dân và những mặt ưu việt của mô
hình này so với các thiết chế tập quyền khác trong lịch sử.
15

3) Từ phân tích những kinh nghiệm và bài học lịch sử, tác giả luận án hy
vọng sẽ góp phần minh định vai trò của Phật giáo trong xã hội Việt Nam không chỉ

trong quá khứ đã cùng dân tộc tạo dựng một quốc gia thịnh vượng, mà ngay cả hiện
tại. Với đường lối hiện nay của Đảng, Nhà nước Phật giáo là một thành tố quan
trọng để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, là điểm tựa tinh thần vững
chắc cho công cuộc đổi mới và hiện đại hóa đất nước.
4. Giới hạn, phạm vi nghiên cứu
Luận án tập trung nghiên cứu các chính sách của hai triều Lý và Trần đối với
Phật giáo, những hoạt động thực tiễn tác động đến Phật giáo của nhà nước quân chủ,
và ngược lại, nghiên cứu những hoạt động và đóng góp của Phật giáo với chính
sách trị quốc an dân của hai triều đại này. Từ đây, luận án sẽ nghiên cứu làm rõ mối
quan hệ giữa nhà nước quân chủ dưới hai vương triều Lý và Trần với Phật giáo, trên
cơ sở đó kết nối truyền thống với hiện đại để rút ra những kinh nghiệm lịch sử nhằm
góp phần hoàn thiện nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, củng cố khối
đại đoàn kết toàn dân, đặc biệt là ý thức dân tộc, xây dựng một quốc gia hòa bình
thịnh vượng của nhà nước độc lập và dân chủ.
Về thời gian, giới hạn nghiên cứu của Luận án tập trung chủ yếu vào thời kỳ
tồn tại của hai triều đại Lý và Trần (1009-1400) trải suốt gần bốn trăm năm. Trong
quá trình nghiên cứu, luận án có đề cập tới thời kỳ trước đó (các triều Ngô, Đinh,
Tiền Lê) và sau đó (triều Lê sơ) nhưng chủ yếu chỉ để minh họa, so sánh làm nổi bật
thời kỳ trọng tâm.
5. Phương pháp nghiên cứu và cách tiếp cận
Phương pháp nghiên cứu chủ đạo được sử dụng trong Luận án là duy vật
biện chứng và duy vật lịch sử cùng các phương pháp tiếp cận của khoa học lịch sử
và tôn giáo học. Ngoài ra, trong một mức độ nhất định Luận án còn áp dụng phương
pháp phân tích định lượng và nghiên cứu so sánh kết hợp với tiếp cận chính trị học,
văn hóa học đồng thời giữ vững tính thống nhất giữa lôgíc và lịch sử.
Ở đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh hơn đến cách tiếp cận vấn đề theo hướng
liên ngành của Luận án, trong đó đặc biệt chú trọng đến sự phối hợp giữa tiếp cận
16

sử học, chính trị học và văn hóa – tôn giáo học nhằm làm sáng tỏ những khía cạnh

nhập thế, tham chính của Phật giáo và những trải nghiệm tâm linh mang đặc sắc
Phật giáo của các vị quân vương hai triều Lý và Trần, trên cơ sở đó mà phân tích
mối quan hệ tương hỗ giữa nhà nước quân chủ Việt Nam và Phật giáo trong một
thời kỳ lịch sử đặc biệt. Đây là cách tiếp cận vừa đảm bảo yêu cầu khoa học nghiêm
cẩn của Luận án, vừa phù hợp với vị thế là một tỳ kheo Phật giáo của tác giả luận án.
6. Đóng góp mới của Luận án
- Đây là lần đầu tiên mối quan hệ giữa chính quyền thời Lý – Trần và Phật
giáo được nghiên cứu một cách hệ thống và kết quả nghiên cứu chỉ ra vai trò và ảnh
hưởng của Phật giáo trong xã hội đương thời trên các phương diện chính trị, văn
hóa, kinh tế, ngoại giao và quân sự, trong đó điểm trọng yếu chính là nhận thức của
các vua quan đối với tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng để định hướng
đường lối chính sách vừa bảo đảm khối đại đoàn kết toàn dân, nhưng vẫn phát huy
được những tinh hoa văn hóa của dân tộc. Trong đó nổi bật là vai trò lãnh đạo của
các bậc minh quân, cũng như vai trò của các vị quốc sư trong quá trình hình thành
nên hệ tư tưởng chủ đạo của các bậc quân vương cũng như quần chúng.
- Đưa ra những nhận định mới về vị trí của tư tưởng và thái độ, phương thức
nhập thế của Phật giáo thời Lý-Trần trong lịch sử dân tộc, lịch sử Phật giáo và lịch
sử tư tưởng Việt Nam.
- Nêu lên những kiến nghị mang tính giải pháp về mối quan hệ giữa chính
quyền và Phật giáo phù hợp với hoàn cảnh lịch sử và văn hóa Việt Nam hiện nay.
17


Chương 1
KHÁI LƯỢC VỀ PHẬT GIÁO
VÀ TÌNH HÌNH PHẬT GIÁO VIỆT NAM TRƯỚC TRIỀU LÝ

1.1. Khái lược về Phật giáo

1.1.1. Sự xuất hiện của Phật giáo

Trong lịch sử thế giới, Ấn Độ là một trong những quốc gia có nền văn minh
sớm nhất của nhân loại. Trước khi Đức Phật xuất thế, vùng đất phía bắc Ấn Độ
ngày nay, bao gồm cả một phần lãnh thổ của Pakistan, Nepal, Bangladesh đã phát
triển tới một trình độ tương đối cao cả về kinh tế, chính trị và văn hóa. Vào khoảng
thời gian 3000 – 3500 năm cách ngày nay, một nhánh thuộc tộc người Aryan đã di
cư đến vùng sông Ấn, đem theo truyền thống văn hóa, khi ấy đã phát triển triển
tương đối cao của họ, trong đó có hệ thống ngôn ngữ khá hoàn chỉnh, sau này trở
thành ngôn ngữ chính thức và phổ biến là tiếng Sanskrit (tiếng Phạn) và những nghi
lễ tôn giáo hiến tế các vị thần tượng trưng cho các thế lực của thiên nhiên như Indra,
Agni và Varuma. Đặc biệt, người Aryan đã đem đến vùng này bộ kinh Veda (Vệ Đà
hay Phệ Đà). Lâu đời nhất là tập Rig Veda (1.500 - 1.200 Tr. C.N.). Đặc điểm của
Kinh Veda là hướng con người đến những giá trị chân, thiện, mỹ và là bước chuyển
tiếp từ những nghi lễ mang tính hình thức vào những trải nghiệm nội tâm. Kinh
Veda có quan hệ rất mật thiết với tư tưởng của Đức Phật sau này.
Cùng với quá trình phát triển nền văn minh, sau bộ kinh điển Rig Veda (Lê
câu Phệ đà), cư dân vùng sông Ấn-Hằng tiếp tục sáng tạo nên các bộ kinh điển khác
như Bràhmana (Phạm thư) và Upanishad (Áo nghĩa thư). Đây là những bộ kinh điển
quan trọng của Bà La Môn giáo, nó không chỉ hàm chứa những tư tưởng triết học về
nhân sinh quan và thế giới quan, mà nó còn ảnh hưởng rất lớn tới vấn đề chính trị,
tôn giáo. Thời kỳ trước khi Đức Phật xuất thế, guồng máy chính trị của Ấn Độ là
thể chế quân chủ, nhưng cũng chính vì sự phân biệt đẳng cấp ngày một rõ rệt, khiến
18

cho xã hội của thể chế cộng hòa ngày một suy tàn và thay vào đấy là thể chế quân
chủ chuyên chế.
Tuy rằng Ấn Độ là một quốc gia có nền văn minh sớm, nhưng cũng lại là
đất nước mà sự phân biệt đẳng cấp vô cùng nặng nề. Cho đến ngày nay, những di
tồn của sự phân biệt đẳng cấp vẫn còn tồn tại ít nhiều trong xã hội Ấn Độ. Thời kỳ
cổ đại, xã hội Ấn Độ bị chia thành 4 đẳng cấp (caste) đó là: đẳng cấp Bà La Môn
(Brāhmaṇa), đây là đẳng cấp mà mọi người phải kính nể và tôn trọng nhất bao gồm

các tu sĩ, triết gia, học giả, chuyên thực hiện các nghi thức tế lễ và ban bố các giới
luật. Đẳng cấp vua chúa quý tộc (Kshastriya), đây là đẳng cấp cai trị, nắm quyền
bính trong xã hội, họ tự cho có quyền sinh quyền sát với bất cứ ai. Đẳng cấp thương
nhân và thợ thủ công nghiệp (Vaisya), đây là đẳng cấp chuyên làm những việc giao
dịch buôn bán và làm những nghề thủ công hay nông nghiệp nhỏ. Đẳng cấp nô lệ
(Soudra) thấp kém nhất trong xã hội, họ hầu như không có một quyền lợi gì trong
xã hội, suốt đời phải làm thuê làm mướn.
Đến thời Đức Phật xuất thế, tại Ấn Độ loạn lạc liên miên làm cho xã hội bị
xáo trộn, ngay cả đẳng cấp Bà La Môn cũng bị lay chuyển tới cả gốc rễ, do đó lúc
này đã hình thành lên rất nhiều trường phái triết học khác nhau như: Kỳ Na giáo
(Jain), Lục Sư ngoại đạo (Sat- Tirthakarah) vv… Các học thuyết này chỉ hình thành
một thời gian ngắn rồi tuyệt diệt. Ngoài Lục Sư ngoại đạo ra, còn có sáu trường
phái triết học khác. Những trường phái triết học này, có trường phái tích cực, cũng
có trường phái mang tư tưởng tiêu cực, về quan điểm nhân sinh quan và thế giới
quan, có trường phái lấy duy tâm làm cơ bản, nhưng cũng có những trường phái lấy
duy vật làm nền tảng cho học thuyết của mình. Và có thể nói, tất cả nền văn hóa,
cũng như các trường phái tư tưởng và triết học này, ít nhiều có ảnh hưởng tới quá
trình hình thành và phát triển của Phật giáo.
Đấng giáo chủ của đạo Phật là Đức Phật tổ Siddhārtha Gautama (Tất Đạt Đa
Cồ Đàm
1
. Ngài sinh trưởng trong một gia đình hoàng tộc thuộc xứ Sakya (Thích

1
Về thân thế của Đức Phật có rất nhiều quan điểm khác nhau, từ dòng tộc đến ngày tháng năm sinh
của Ngài. Căn cứ vào tài liệu của Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm, thì có khoảng 70 thuyết khác
19

Ca). Sau này được xưng tụng là Sakya Mouni (Thích Ca Mâu Ni / Người thông tuệ
xứ Thích Ca). Ngài là một nhân vật lịch sử, năm sinh của Ngài tính theo Phật lịch

thì đến nay đã 2556 năm. Khi tròn 19 tuổi Ngài xuất gia, 30 tuổi thành đạo, trụ thế
thuyết pháp suốt trong 49 năm. Năm 80 tuổi Ngài nhập Niết bàn.
Vốn xuất thân từ dòng dõi hoàng tộc, Ngài là con vua Suddhodana (Tịnh
Phạn) và hoàng hậu Maya (Ma Da), trị vì ở thành Kapilavastu (Ca Tỳ La Vệ), nay
thuộc Nepal. Vì hoàng hậu hiếm muộn, chỉ sinh một con nên Ngài đã được phong
làm Thái tử khi vừa mới chào đời. Không may, hoàng hậu qua đời sau khi sinh nở
mới được bẩy ngày. Thái tử đã được dì ruột là Ma Ha Ba Xà Ba Đề nuôi dưỡng.
Hiện nay vẫn còn cây trụ đá đã được vua A Dục dựng lên để lưu dấu tích và kỷ
niệm nơi Thái tử đản sinh và tại thủ đô Kathmandu của Nepal hiện vẫn còn cả một
khu mang dòng họ Gautama (Cồ Đàm). Tất cả những điều đó cho thấy Đức Phật là
một nhân vật lịch sử, chứ không phải là một nhân vật huyền thoại.
Có thể nói, sự vĩ đại của Thái tử đã bắt đầu từ bước chân đầu tiên khi rời
khỏi cung điện. Danh vọng cũng như tất cả cuộc sống của một bậc vương giả, Thái
tử đã vứt bỏ như một chiếc dép rách, không một chút luyến tiếc. Phàm rằng con
người thường có một thói quen dễ thực hiện đó là, từ một cuộc sống nghèo khổ mà
bước tới một cuộc sống sung sướng thì dễ hơn là từ bỏ một cuộc sống sung sướng
để dấn thân vào cuộc sống khổ hạnh đầy thiếu thốn. Thái tử đã quyết chí bước trên
con đường tìm kiếm phương pháp giải thoát đau khổ cho chúng sinh, chính nhờ có
trái tim từ bi mãnh liệt tìm cầu chân lý đó, mà những cám dỗ thế gian cũng như khó
khăn gian khổ Thái tử đều có thể vượt qua. Ngài đã sống bằng lý tưởng của mình,

nhau về ngày tháng năm sinh của Đức Phật, tất nhiên có rất nhiều lý do, chính vì thế, Đại hội Phật
giáo thế giới lần thứ 3 đã thống nhất lấy năm 554 trước công nguyên là năm Phật nhập Niết bàn.
Đây là kết quả suy luận từ niên đại ghi trên văn bia của vua Ca la Tì la (Siri khàravela Mala –
Meghavàhana ) của nước Kiệt Lăng Già (Kalinga) ở miền nam Ấn Độ. Về dòng tộc của Đức Phật
các học giả đều thống nhất dòng họ Thích Ca thuộc đẳng cấp Sát- đế - lợi (Kshastriya), dòng dõi
vua Cam Giá phát xuất từ họ Cồ Đàm mà ra, nhưng về chủng tộc lại có nhiều ý kiến khác nhau,
cho chủng tộc của dòng tộc Thích Ca thuộc người Aryan da trắng, cũng có thuyết nói là tộc người
Mông Cổ da vàng. Nhưng Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm dựa vào tài liệu Tây vực kí, thì thời
Đức Thế Tôn chưa có tộc da vàng nào xâm nhập vào Ấn Độ, phải tới vương triều Quí Xương mới

có dân tộc Đại Nguyệt thị vào đất Ấn Độ. Do vậy, tộc Thích Ca không thuộc huyết thống Aryan
thuần nhất.
20

đó là sống cho nhân loại và vì hạnh phúc của nhân loại. Từ tấm gương sống cuộc
sống mộc mạc nhưng thanh cao của Đức Phật, đã khiến một thi nhân Hồi giáo
Abdul Atahiya phải có một nhận xét dưới tiêu đề “Người cao quí nhất của nhân
loại”, ông viết:
“Nếu bạn muốn thấy người cao quí nhất của loài người, bạn hãy nhìn vị
hoàng đế trong y phục một người ăn xin; chính là Ngài đó, siêu phàm thánh tính
của Ngài thật vĩ đại giữa con người ” [44, tr.31].
Căn cứ vào những tài liệu lịch sử cuộc đời Đức Phật, sau những ngày tháng
tầm thầy học đạo, từ nhà đại học giả trứ danh của Ấn Độ đương thời là Ra La Ca
Lan và Uất Đà Ka La Ma Tử, mà vẫn chưa đạt được chân lý, cuối cùng Ngài quyết
định vào rừng tu khổ hạnh sáu năm. Sáu năm là một cực hình với người bình
thường, bởi mỗi ngày Ngài chỉ ăn có một bữa lúa hoang và vừng dại, uống nước
suối. Tuy khổ hạnh là vậy, nhưng vẫn chưa tìm ra được chân lý. Cuối cùng, Ngài đã
quyết định bỏ lối tu khổ hạnh này và thực hiện phương pháp dưỡng thân để tu hành
theo phương pháp trung dung, đó là: không nên quá tham đắm vào vật chất, nhưng
cũng không nên quá ép xác, vì cả hai đều không phù hợp cho con đường tìm cầu
chân lý, đây chính là sự khơi nguồn của tư tưởng “Trung đạo” cơ bản trong hệ
thống giáo lý Phật giáo sau này. Sau khi quyết định như vậy, Ngài đã xuống dòng
sông Ni Liên Thiền tắm gội, rồi tới dưới gốc cây Bồ đề thiền định suốt 49 ngày đêm.
Ngài đã dùng toàn bộ tâm lực vào việc quán chiếu, soi xét lại tất cả quá trình tu
hành của mình cũng như áp dụng phương pháp quán thập nhị nhân duyên và duyên
khởi, rồi đến đêm thứ 48 Ngài đạt được giác ngộ, hiểu rõ chân tướng của vạn pháp,
tất cả đều vô ngã, như trong kinh Trung A hàm đã thuật lại cảm nhận của Ngài:
“Nảy sinh trí tuệ, nảy sinh nhận thức, định được đạo, đánh giá được pháp,
cuộc đời đã hết, phạm hạnh đã thành, điều cần làm đã làm xong, không còn trở lại
kiếp người, biết được như chân thật ”. [12, tr. 32].

Từ đây, với tấm lòng từ bi và trí tuệ của mình, Ngài đã du hành khắp nơi để
truyền bá chân lý mà Ngài đã chứng ngộ được. Chân lý mà Ngài chứng ngộ đó, nó
siêu vượt không gian và thời gian, hay nói một cách khác, chân lý này phù hợp với
21

mọi hoàn cảnh thời gian cũng như không gian và cho tất thảy mọi chúng sinh,
không giống như những học thuyết chỉ có thể phù hợp hoặc áp dụng nhất thời cho
không gian và thời gian hữu hạn. Chính vì lòng từ bi vô lượng của Ngài và sự
chứng ngộ được chân lý tối thượng đó mà mọi người đã tôn xưng Ngài là Phật.
trong tiếng Phạn, chữ “Phật” là “Buddha”, chữ Hán dịch âm là “Phật Đà”, tức người
đạt được giác ngộ hay còn gọi là Giác giả, và người Việt xưa đọc âm Bhuddha là
“Bụt”.
Suốt 49 năm hoằng dương chính pháp, Đức Phật đã để lại cho nhân loại cả
một kho tàng giáo lý đồ sộ và vô cùng quí báu, từ những phương pháp trị quốc an
dân cho các vua chúa, đến những phương pháp tu tập để đạt tới giác ngộ và giải
thoát. Giáo pháp, giáo lý hay phương pháp đều là một cách gọi khác của chân lý,
tiếng Phạn là “Dharma”, chữ Hán dịch âm là Đạt ma, giáo pháp mà Đức Phật tìm ra
là để đối trị những đau khổ phiền não cho chúng sinh, trong đó có những điều thuộc
về quy luật tất yếu như sinh, lão, bệnh, tử mà trước đó, tuy rằng tại Ấn Độ, cũng đã
có nhiều nhà học giả danh tiếng, nhiều trường phái triết học quan tâm lý giải nhưng
vẫn chưa tìm ra được câu giải đáp về vấn đề nhân sinh quan này.
Chân lý hay giáo pháp mà Đức Phật chứng ngộ đã được Ngài thuyết giảng
trong suốt 49 năm, và bài pháp đầu tiên Ngài giảng về Tứ đế, hay còn gọi là Tứ diệu
đế, tức bốn chân lí đó là khổ, tập, diệt, đạo, đây được gọi là sơ chuyển pháp luân.
Dần dần, trình độ của thính chúng ngày một nâng cao, Đức Phật đã giảng tới những
tư tưởng sâu hơn, rộng hơn, bao hàm cả những pháp thế gian cũng như pháp xuất
thế gian. Cho đến trước khi Đức Phật nhập Niết bàn, những lời giáo huấn của Ngài
đã trở thành một hệ thống tư tưởng đầy đủ. Hệ thống giáo lý này có thể áp dụng cho
mọi tầng lớp, từ vua quan cho đến thứ dân, cả cho người cư sĩ tại gia cho đến những
người xuất gia. Đặc biệt, phương pháp diễn giảng của Đức Phật là tùy thuộc vào căn

cơ trình độ, tùy từng thời điểm, tùy từng địa phương mà thuyết giảng bài pháp nào
cho phù hợp, chính vì thế Đức Phật còn được tôn xưng là nhà đại sư phạm, hay Đại
y vương. Ngài đã tùy bệnh của chúng sinh mà cho thuốc. Đây cũng chính là một
trong những lý do để sau này Đại thừa Phật giáo phát triển, với tinh thần từ bi và
22

bác ái, kết hợp với đường hướng truyền đạo theo khuôn mẫu mà Đức Phật đã từng
làm là tùy thuận chúng sinh, nhân đó mà giáo pháp của Ngài dễ bề hòa nhập với tất
cả những vùng địa lí khác nhau vẫn không xẩy ra xung đột với văn hóa bản địa. Đây
chính là cội nguồn sâu xa của tính “nhập thế” của Phật giáo.
Người để duy trì và truyền bá những tư tưởng của Đức Phật chính là Tăng.
Chữ Tăng tiếng Phạn là “Sangha”, chữ Hán dịch âm là Tăng già, tức từ 4 vị Tỳ
kheo trở lên sống hòa hợp được gọi là Tăng. Sau khi Đức Phật chứng ngộ được
chân lý, Ngài quay trở về tìm năm người trước đây cùng tu khổ hạnh với Ngài và
thuyết giảng bài pháp đầu tiên cho họ và thâu nhận làm đệ tử. Bắt đầu từ năm người
đệ tử đầu tiên này mà Tăng đoàn chính thức được hình thành. Từ đây có đủ ba ngôi
như Phật giáo gọi đó là Tam bảo (Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo). Tiếp theo đó,
cũng tại vườn Lộc Dã, Đức Phật còn độ cho ông Trưởng giả Da Xá (Yassa), và
song thân của ông làm tại gia Phật tử, bên nam giới được gọi là Ưu bà tắc
(Upàsaka), bên nữ giới được gọi là Ưu bà di (Upàsika), như vậy hai chúng tại gia
cũng đã được hình thành từ đây.
Về tổ chức Tăng đoàn, đoàn thể trong Phật giáo gồm có bẩy chúng xuất gia
và tại gia; Chúng xuất gia gồm có 5 chúng đó là: Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, sa di, sa di ni
và thức xoa ma na; hai chúng tại gia gồm ưu bà tắc và ưu bà di. Tất cả Tăng đoàn
đều sinh hoạt theo giới luật của Phật chế. Giới luật là phương tiện để phòng phi chỉ
ác, tức là phòng ngừa những điều ác chưa làm, dừng lại tất cả những điều ác đã làm,
giúp cho hành giả đạt được tâm thanh tịnh, không khởi những tâm tham vọng và tạp
niệm gọi là định, nhờ có định tâm mà khi quán tưởng các công án thì sự việc mới
hiện rõ được chân tướng của vạn vật. Phật giáo gọi đây là “Tam vô lậu học”, tức là
giới học, định học và tuệ học. Xét về giới luật dưới góc độ lý tưởng thì không phân

biệt tại gia hay xuất gia, vì đều là Phật tử, là Phật giáo đồ, nếu quyết tâm tu hành
đều có thể đạt được giải thoát và giác ngộ. Còn về phương diện điều kiện khách
quan thuận lợi cho việc chuyên tâm tu hành thì Phật giáo cũng chia làm hai đó là:
giới của hàng tại gia, và giới của người xuất gia. Trong đó, giới của người tại gia
gồm có tam quy, ngũ giới, bát quan trai giới. Còn giới của hàng xuất gia gồm mười
23

giới sa di. Theo giới luật thì từ bẩy tuổi trở lên có thể thụ giới sa di, còn giới của Tỳ
kheo, yêu cầu giới tử phải đủ hai mươi tuổi trở lên, giới của Tỳ kheo có 250 điều,
và Tỳ kheo ni có 348 điều. Ngoài ra còn có giới Bồ tát, giới này dành cho cả hàng
tại gia cũng như xuất gia, nên còn được gọi là thông giới.
Xét về giới luật, chính vì Phật giáo chủ trương hướng nội và lấy con người
làm trung tâm điểm để giáo hóa, giúp cho mỗi con người hàng ngày phải tự phản
tỉnh tu dưỡng, để hoàn thiện chính mình, và cũng từ những cá nhân được tu dưỡng
hoàn thiện này mới có thể xây dựng một xã hội an lạc và hòa bình. Đồng thời, mọi
người theo hay không theo Phật giáo cũng là tự nguyện, không gò ép bắt buộc, do
vậy, giới luật của Phật giáo cũng lấy sự tự giác làm chính, nên những điều giới luật
cũng hết sức chi tiết cho từng hành vi của con người, từ đi, đứng, nằm, ngồi, nói
năng cho đến suy nghĩ đều dùng uy nghi phép tắc gọi là để “thúc liễm thân tâm”,
trau dồi giới đức vậy. Trong nghĩa của chữ Tỳ kheo là khất sĩ, là bần giả, nên tất cả
tài sản của Phật giáo nói chung đều là quyền sở hữu của Tăng già, không có tài sản
riêng của một ai, cuộc sống hàng ngày của Tăng già lấy lục hòa để duy trì. Chính từ
lục hòa này mà Phật giáo được coi là một tổ chức sinh hoạt dân chủ nhất, bình đẳng
nhất. Trong những điều giới luật của Phật giáo còn định ra mỗi tháng có hai ngày,
tất cả các tăng sĩ phải tận tập về một nơi để đọc lại những điều giới luật mà mỗi
người nguyện giữ để tự phản tỉnh chính bản thân, xem trong những điều giới mà
mình đã thọ có điều gì vi phạm hay không, nếu vi phạm sẽ căn cứ vào những quy
định do chư Tăng Yết ma mà đưa ra hình phạt phù hợp với tội danh, đồng thời cũng
tùy từng tội danh mà số lượng chư Tăng Yết ma nhiều ít khác nhau. Ngoài ra, giới
luật còn quy định thời gian tu học của chư Tăng, đó là mỗi năm có 3 tháng vào mùa

mưa, chư Tăng phải tập trung về một địa điểm thuận lợi để An cư, đây là quy định
từ thời Đức Phật còn tại thế, và Ngài là người thực hiện đầy đủ nhất quy định này
[31, tr.90]
1
.

1
Về niên đại của A Dục vương (vua Asoka), căn cứ vào các tài liệu lịch sử Phật giáo như “Vu Điền
huyền ký”, “Luật thiện kiến” quyển 1 đều đồng tình quan điểm A Dục vương tại vị trong khoảng
thời gian giữa thế kỷ thứ III trước Công nguyên.
24

Suốt 49 năm thuyết pháp của Đức Phật, với lòng từ bi và trí tuệ, Ngài đã cảm
hóa được hàng triệu trái tim, từ vua quan cho đến thứ dân, từ giàu sang cho đến
nghèo hèn nhất, từ những người mà công việc của họ được coi là cao quý như
những người Bà La Môn đến những người làm công việc bị coi là hèn mạt thấp kém
nhất, Đức Phật đều hoan hỉ nhận làm đệ tử tại gia hay xuất gia. Và từ câu nói kinh
điển của Ngài đã làm chấn động cả nhân loại, đó là: “Không có đẳng cấp trong dòng
máu cùng mặn, khi sinh ra mỗi người đều không có sẵn dấu tica trên trán ”. Đây là
một tuyên bố hùng hồn nhất, quan trọng nhất đối với nhân loại. Có thể nói, Đức
Phật là người xóa bỏ mọi hình thức phân biệt, kỳ thị xã hội đầu tiên trên thế giới.
Ngoài ra, trong các kinh điển của Phật giáo còn ghi lại lời tuyên bố của Đức Phật đó
là: “Tất cả chúng sinh điều có Phật tính, Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ
thành ”. Lời tuyên bố này cho thấy Đức Phật tôn trọng sự bình đẳng giữa con người
với con người và với vạn vật, bởi ai thực hiện đúng giáo pháp của Ngài đều cũng sẽ
thành Phật, cũng có nghĩa là sẽ ngang hàng với Ngài, và cũng chỉ có Đức Phật mới
dám tuyên bố đều này, chứ từ xưa tới tận thời hiện đại này, đâu ai có được tâm bình
đẳng như Ngài. Ngay cả các tôn giáo khác cũng vậy, là con Chiên hay tín đồ sẽ mãi
mãi chỉ là con Chiên hay tín đồ mà thôi. Có thể nói, tư tưởng của Đức Phật đã ảnh
hưởng rất lớn và sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội Ấn Độ.

1.1.2. Tóm lược hệ thống giáo lý cơ bản của Phật giáo
Hệ thống giáo lý của đạo Phật về cơ bản có ba tạng là Kinh, Luật, và Luận.
Thời Đức Phật còn tại thế, mỗi bài giảng được Ngài nhắc đi nhắc lại nhiều lần ở
những thời gian khác nhau, địa điểm khác nhau. Bên cạnh đó, những vị thị giả cũng
như những đại đệ tử thường có mặt khi Đức Phật thuyết pháp nên những lời giảng
của Ngài hoàn toàn được các đệ tử ghi nhớ trong đầu, chứ chưa được ghi chép thành
văn bản. Sau khi Đức Phật nhập Niết bàn, những bài thuyết pháp của Ngài mới
được các đệ tử kết tập lại thành các bộ kinh điển, quá trình phát triển và hoàn thiện
kinh điển đã trải qua bốn lần kết tập .
Lần kết tập thứ nhất có lý do sau khi Đức Phật nhập Niết bàn, trong hàng đệ
tử có người phát ngôn vi phạm giới luật, nói rằng: “Trong thời Đức Thế Tôn còn tại
25

thế mọi hành động điều phải bó buộc trong phạm vi giới luật, mất quyền tự do,
ngày nay Đức Thế Tôn đã diệt độ, từ đây trở về sau sẽ được tự do hành động, không
bị giới luật ràng buộc”. Tôn giả Ca Diếp sợ giới pháp của Đức Thế Tôn sẽ bị tà
thuyết pha trộn, nên quyết ý đề xướng ra Đại hội để kết tập lại lời Phật dạy. Lần kết
tập này được sự ủng hộ của vua Ajàtasatru (A Xà Thế) nước Magadha (Ma Kiệt
Đà)
1
. Ông đã cho xây tịnh xá tại hang Thất diệp làm hội tràng kết tập. Thời gian
diễn ra kết tập trong bảy tháng, với 500 vị đệ tử Phật đã chứng quả A La Hán. Ngài
Ma Ha Ca Diếp làm thượng thủ, Ngài A Nan (được coi là đa văn đệ nhất trong hàng
đệ tử của Đức Phật) được cử tụng lại pháp của Đức Thế Tôn. Còn Ngài Ưu Ba Li
(được coi là vị trì giới tinh nghiêm đệ nhất) được cử tụng lại những điều giới luật.
Sau khi tụng xong, tất cả đại chúng điều thảo luận và nhận thấy là đúng với lời Phật
nói. Lần kết tập này chỉ có Kinh và Luật, lần kết tập thứ nhất này chưa ghi chép
thành văn.
Lần kết tập thứ hai diễn ra sau Phật Niết bàn khoảng 100 năm. Do quan điểm
không thống nhất giữa các vị tỳ kheo thuộc dòng họ Tỳ Xá Li với các vị trưởng lão

xung quanh tính chất phi pháp của 10 điều giới luật (thập sự phi pháp). Do vậy, 700
vị Tỳ kheo thuộc dòng họ Tỳ Xá Li đã đứng ra tổ chức kết tập kinh điển. Lần kết
tập này được diễn ra tại Thành Phệ Xá Li, nên lần kết tập thứ hai này còn có tên là
“Phệ Xá Li kết tập ” hay “thất bách tập pháp”.
Lần kết tập thứ ba tại Hoa Thị Thành (Pataliputra). Do vua A Dục là người
kính tín Phật giáo sâu sắc, nên Phật giáo rất được phát triển, nhưng bên cạnh đó
cũng có nhiều ngoại đạo, tà giáo nhân cơ hội cũng xuất hiện để tranh thủ sự ưu ái
của vua nhưng kỳ thực họ lại không thành tâm tu hành gây ra nhiều mối phân tranh
sự đúng sai về giáo lý. Với tâm nguyện làm trong sáng những lời Phật dạy, nhà Vua
đã mời Ngài Mục Kiền Liên Tử Đế Tu (Moggalipputa) đang ẩn dật ở núi A Hô
Hằng Già giúp đỡ tuyển bạt 1000 vị Tăng để kết tập lại kinh điển. Lần kết tập này
hình thành cả tạng Luận, thời gian diễn ra trong 9 tháng thì hoàn thành.

1
Một quốc gia ở phía nam sông Hằng.

×