Tải bản đầy đủ (.pdf) (115 trang)

Nghiên cứu đặc điểm ngôn ngữ văn bản thông cáo báo chí

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (812.23 KB, 115 trang )



0


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
KHOA NGÔN NGỮ HỌC



Nguyễn Thị Mai Phương


NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ
VĂN BẢN THÔNG CÁO BÁO CHÍ





LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC




Hà Nội - 2009



1




ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
KHOA NGÔN NGỮ HỌC




LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC



NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ
VĂN BẢN THÔNG CÁO BÁO CHÍ



CHUYÊN NGÀNH: NGÔN NGỮ HỌC
MÃ SỐ: 60 22 01
GIÁO VIÊN HƯỚNG DẪN: PGS. TS. NGUYỄN HỮU ĐẠT
HỌC VIÊN THỰC HIỆN: NGUYỄN THỊ MAI PHƯƠNG




Hà Nội - 2009


3



MỤC LỤC
MỞ ĐẦU 5
Chương 1 - NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG 9
1.1. Vị trí của phong cách báo chí trong các phong cách chức năng 9
1.2. Các đặc điểm cơ bản của phong cách báo chí 13
1.3. Tiêu chí phân loại văn bản báo chí 14
1.4. Thông cáo báo chí 16
1.4.1. Các quan niệm về thông cáo báo chí 16
1.4.2. Đặc điểm của văn bản thông cáo báo chí 21
1.4.3. Phân loại thông cáo báo chí 25
1.5. Tiểu kết 25
Chương 2 - ĐẶC ĐIỂM KẾT CẤU VĂN BẢN THÔNG CÁO BÁO CHÍ 27
2.1. Khảo sát các kiểu cấu trúc trong văn bản TCBC 27
2.1.1. Về dữ liệu khảo sát 27
2.1.2. Phân loại các kiểu cấu trúc trong văn bản TCBC 28
2.1.3. Kết quả khảo sát 33
2.1.4. Nhận xét 34
2.2. Khảo sát cấu trúc tiêu đề TCBC 49
2.2.1. Chức năng và tính chất của tiêu đề TCBC 49
2.2.2. Tư liệu khảo sát 51
2.2.3. Kết quả khảo sát 54
2.2.4. Nhận xét 55
2.3. Kết cấu văn bản TCBC 61
2.3.1. Khái niệm và phân loại kết cấu văn bản 61
2.3.2. Khuôn hình của văn bản TCBC 62
2.3.3. Các thành tố trong kết cấu văn bản TCBC 68
2.4. Tiểu kết 74



4


Chương 3 - ĐẶC ĐIỂM VỀ CÁCH SỬ DỤNG NGÔN NGỮ TRONG VĂN BẢN
THÔNG CÁO BÁO CHÍ 76
3.1. Sử dụng trích dẫn trong văn bản TCBC 76
3.1.1. Định nghĩa về trích dẫn 76
3.1.2. Phân loại trích dẫn 76
3.1.3. Khảo sát trích dẫn 82
3.2. Sử dụng số liệu trong văn bản TCBC 93
3.2.1. Độ chính xác của số liệu 94
3.2.2. Hình thức thể hiện số liệu 95
3.3. Sự chuyển hóa và so sánh giữa văn bản TCBC và văn bản báo chí 99
3.3.1. Quá trình chuyển hóa 99
3.3.2. So sánh TCBC với các thể loại cùng phong cách 100
3.4. Tiểu kết 107
KẾT LUẬN 108
TÀI LIỆU THAM KHẢO 111



5


MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài
1.1. Thông cáo báo chí (TCBC) là một loại hình văn bản mới xuất hiện ở
Việt Nam trong thời gian gần đây. Với sự phát triển của ngành truyền thông đại

chúng, TCBC là phương tiện hữu hiệu, giúp các cơ quan, tổ chức công bố thông tin
trước công chúng một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Trong thực tế, TCBC đã
ngày càng trở thành một công cụ không thể thiếu cho các bộ, ngành, các cơ quan
nhà nước, các tổ chức và doanh nghiệp khi cần công bố các thông tin trên các
phương tiện truyền thông đại chúng.
1.2. Trong bối cảnh đó, TCBC trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều
ngành khác nhau như Báo chí, Truyền thông Đại chúng, Quan hệ Công chúng,…
Hầu hết các công trình nghiên cứu về quan hệ công chúng hoặc truyền thông đều
nhắc đến TCBC như là “phương tiện cơ bản nhất để tiếp cận giới truyền thông”
[26], “là điểm mấu chốt trong hoạt động báo chí của chính phủ để nói về một câu
chuyện, thông báo một sự kiện và cung cấp những con số” [69]. Tuy nhiên, từ góc
độ ngôn ngữ học, chúng tôi chưa tìm thấy công trình nào chuyên sâu nghiên cứu
loại hình văn bản này. Đề tài “Nghiên cứu đặc điểm ngôn ngữ văn bản thông cáo
báo chí” từ góc độ phong cách học là một hướng mới trong cách tiếp cận loại hình
văn bản này.
1.3. Chỉ trong quá trình hoạt động lời nói mới diễn ra sự lựa chọn có mục
đích đối với các phương tiện ngôn ngữ. Chính từ những cách lựa chọn khác nhau
đó đã dần hình thành nên những phong cách khác nhau. Đến lượt mình, phong cách
lại có tác dụng chi phối việc lựa chọn các phương tiện ngôn ngữ. “Phong cách chức
năng chính là những khuôn mẫu trong hoạt động lời nói hình thành từ những thói
quen sử dụng ngôn ngữ có tính chất truyền thống, tính chất chuẩn mực, trong việc
xây dựng các lớp văn bản tiêu biểu” [23; 306]. Với đề tài này, chúng tôi đã khảo sát


6


từ thực tế các văn bản thông cáo báo chí bằng tiếng Việt, từ đó cố gắng đi tìm một
khuôn mẫu có tính chất chuẩn mực đối với thể loại văn bản còn rất mới mẻ này.


2. Ý nghĩa của luận văn
Về mặt lý luận, những kết quả nghiên cứu về các đặc điểm ngôn ngữ văn bản
TCBC sẽ giúp củng cố lý thuyết về khuôn hình văn bản. Đây đồng thời cũng là cơ
sở cho việc xây dựng lý luận về phong cách chức năng ở bình diện các thể loại.
Về mặt thực tiễn, những kết quả nghiên cứu về TCBC, vốn là thể loại văn
bản mới được hình thành gần đây sẽ cung cấp cho những người làm truyền thông
và quan hệ công chúng các kỹ năng để soạn thảo một TCBC có hiệu quả. Như vậy,
ngoài ý nghĩa về mặt lý luận, đề tài còn mang tính ứng dụng cho ngành truyền
thông – quan hệ công chúng mới mẻ ở Việt Nam.

3. Mục đích nghiên cứu
Luận văn có mục đích tìm hiểu các đặc điểm ngôn ngữ quan trọng của TCBC
và vai trò của chúng trong việc tạo nên chất lượng của văn bản.

4. Nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu
4.1. Nhiệm vụ nghiên cứu
Luận văn có nhiệm vụ:
(1) Tìm hiểu các mô hình cấu trúc văn bản TCBC phổ dụng nhất.
(2) Tìm hiểu đặc trưng trong cách sử dụng ngôn ngữ của văn bản TCBC.
(3) Nhận xét về sự thay đổi của các yếu tố ngôn ngữ trong quá trình chuyển
hóa một văn bản TCBC sang một tác phẩm báo chí.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu của luận văn bao gồm hơn 550 văn bản TCBC từ nhiều
nguồn khác nhau. Đây là các TCBC bằng tiếng Việt phát hành trong 5 năm trở lại


7


đây (từ năm 2003 đến năm 2008). Sở dĩ chúng tôi chọn mốc năm 2003 vì đây là

giai đoạn bắt đầu hình thành thể loại TCBC tại Việt Nam.

5. Phương pháp nghiên cứu
Các phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong luận văn là: phương pháp
phân tích phong cách học, phương pháp miêu tả. Ngoài ra, luận văn còn sử dụng
phương pháp so sánh và phương pháp thống kê.

6. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, luận văn gồm ba chương như sau:
Chương 1 - Những vấn đề lý luận chung
Trong chương 1, chúng tôi sẽ tìm hiểu các vấn đề lý luận cơ bản tạo cơ sở và
khung lý thuyết cho sự phân tích ở các chương tiếp theo. Đó là việc xác định vị trí
của phong cách báo chí trong hệ thống các phong cách chức năng, đặc điểm cơ bản
của phong cách báo chí, tìm hiểu khái niệm về thông cáo báo chí và các đặc điểm
chung của văn bản này.
Chương 2 - Đặc điểm kết cấu văn bản TCBC
Trong chương 2, chúng tôi sẽ khảo sát và miêu tả đặc điểm cấu trúc của văn
bản TCBC, đặc điểm của tiêu đề TCBC và tìm hiểu kết cấu của văn bản TCBC có
tính chất phổ dụng.
Chương 3 - Đặc điểm về cách sử dụng ngôn ngữ của văn bản TCBC
Ở chương 3, chúng tôi tập trung khảo sát và miêu tả các đặc trưng trong cách
sử dụng ngôn ngữ của văn bản TCBC. Ngoài ra, chúng tôi tìm hiểu sự thay đổi của
các yếu tố ngôn ngữ trong quá trình chuyển hóa một văn bản TCBC sang một tác
phẩm báo chí.
Sau cùng là Tài liệu tham khảo.



8



7. Triển vọng ứng dụng kết quả nghiên cứu
Thông qua luận văn này, chúng tôi hy vọng:
- Cung cấp thêm cứ liệu nghiên cứu, giảng dạy, học tập cho các sinh viên
chuyên ngành ngôn ngữ, báo chí, truyền thông.
- Hỗ trợ thêm khía cạnh lý luận cho những nhà thực hành viết thông báo cáo
chí và những người làm công tác truyền thông nói chung, nhất là ở Việt
Nam.
Cuối cùng, do đây còn là chủ đề mới mẻ, lại bị hạn chế bởi thời gian và điều
kiện làm việc nên luận văn chắc chắn không tránh khỏi thiếu sót. Chúng tôi rất
mong nhận được sự góp ý để có thể hoàn thiện hơn công trình này.


9


Chương 1 - NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG

Trong chương này, chúng tôi sẽ tập trung trình bày những vấn đề lý luận cơ
bản để tạo cơ sở và khung lý thuyết cho sự phân tích ở các chương tiếp theo.
1.1. Vị trí của phong cách báo chí trong các phong cách chức năng
Muốn hiểu được vị trí của phong cách báo chí trong hệ thống các phong cách
chức năng của một ngôn ngữ, trước hết, cần xem xét cách phân chia các phong
cách chức năng của các nhà phong cách học. Cho đến nay, đã có nhiều công trình
bàn về vấn đề này, nhìn chung có hai loại quan điểm:
i) Quan điểm coi báo chí là một loại hình văn bản nằm trong phong cách
báo chí - chính luận.
ii) Quan điểm coi báo chí là một phong cách chức năng độc lập với tên
gọi là phong cách báo chí.
Để hiểu rõ về vấn đề này, chúng tôi sẽ điểm qua một vài quan niệm của

những nhà phong cách học dưới đây.
Trong “Phong cách học Tiếng Việt hiện đại”, PGS. TS. Hữu Đạt khẳng định:
“Mỗi phát ngôn đều phải gắn với một phong cách chức năng nhất định. Trên thực
tế, không có lời nói nào lại nằm ngoài các phong cách chức năng vì nếu nằm ngoài
các phong cách chức năng, lời nói đó không có giá trị giao tiếp hay còn gọi là
không có mục đích và định hướng giao tiếp cụ thể [16; 65].
Có ba cơ sở để tiến hành việc phân chia các phong cách chức năng, đó là:
- Dựa trên chức năng giao tiếp
- Dựa trên hình thức thể hiện
- Dựa vào phạm vi giao tiếp
Từ đó, chúng ta có phương pháp phân chia các phong cách chức năng theo
quan điểm về hoạt động giao tiếp. Muốn phân tích đặc điểm ngôn ngữ của mỗi lời


10


nói ra xem nó thuộc phong cách chức năng nào thì cần phải đặt lời nói ấy trong
những quan hệ và hoàn cảnh giao tiếp nhất định. Quy trình giao tiếp được mô tả
như sau [16;65]:
Hướng giao tiếp
Người nói A > Người nghe B
Lời nói ra
Viết < Đọc
Hướng phản hồi

Tác giả của công trình [16] cũng đã nêu rõ quy trình giao tiếp khép kín và
phân tích mối quan hệ giữa người nói/viết A và người nghe/đọc B có tác động như
thế nào đến giao tiếp. Theo đó:
- Nếu A và B có quan hệ ngang bằng, không bị ràng buộc bởi địa vị xã hội

thì “lời nói ra” thường thuộc các phong cách chức năng: Phong cách khoa học,
phong cách báo chí, phong cách văn học – nghệ thuật và phong cách khẩu ngữ.
- Nếu A chi phối B thì “lời nói ra” thường thuộc cách phong cách hành chính
công vụ với các hình thức cụ thể là Chỉ thị, Mệnh lệnh, Quyết định, Quyết nghị,
Điều lệnh, Nhật lệnh,…
- Nếu A phụ thuộc B thì “lời nói ra” thường thuộc phong cách hành chính
công vụ với các hình thức cụ thể là Đơn xin, Đơn đề nghị, Đơn khiếu nại,…
- Nếu A và B nằm trong mối quan hệ sáng tạo và tiếp nhận, ta có phong cách
văn học nghệ thuật.
- Nếu A và B nằm trong mối quan hệ truyền tin và tác động, trong đó A là
người cung cấp thông tin, là người tác động và thuyết phục, còn B là người nhận tin
và chịu sự tác động thuyết phục thì “lời nói ra” thường có phong cách báo chí –
chính luận.
Căn cứ vào quan hệ (A và B) và hoàn cảnh giao tiếp (trực tiếp hoặc gián
tiếp), tác giả Hữu Đạt đề xuất bảng phân loại các phong cách chức năng:


11



Bảng 1: Phân loại phong cách chức năng theo quan điểm của Hữu Đạt


(Dẫn theo “Phong cách học tiếng Việt hiện đại” [16;72])
Theo sơ đồ trên, chúng ta thấy phong cách báo chí là một trong 6 phong cách
chức năng của tiếng Việt. Nó có vị trí rất quan trọng trong hoạt động trao đổi thông
tin của xã hội. Ở phong cách này không có sự đối lập giữa nói và viết. Tuy nhiên,
phong cách báo chí được nghiên cứu ở đây chủ yếu có hình thức thể hiện là ngôn
ngữ viết.

Một quan điểm phổ biến khác về việc phân chia các phong cách chức năng
thường được trích dẫn là quan điểm của Morohovski (1984) với bảng phân loại như
sau [3;89]:

Bảng 2: Phân loại phong cách chức năng theo quan điểm của Morohovski


12



(Dẫn theo “Văn bản và liên kết trong tiếng việt” [3;89])
Ưu điểm của bảng phân loại này là sự phân chia tương đối tỉ mỉ và bao quát
được hầu hết các kiểu loại và thể loại văn bản. Tuy nhiên, tính ứng dụng của lối
tiếp cận này không cao do bản chất phức tạp, nhiều tầng nấc, ngóc ngách của nó.
Chính vì vậy, chúng tôi lựa chọn cách tiếp cận đơn giản và hiệu quả hơn: đó là cách
tiếp cận của tác giả Hữu Đạt như đã nêu ở trên.


13


Như vậy, trong ngôn ngữ, thuộc về bình diện lời nói, chúng ta có các kiểu
văn bản, các thể loại văn bản và các phong cách của văn bản riêng lẻ. Nếu các kiểu
văn bản phân biệt trên cơ sở khác biệt về nội dung sự vật – logic (như văn bản hành
chính, văn bản văn học nghệ thuật, văn bản báo chí) thì các thể loại văn bản lại
được chia ra dựa trên sự khác biệt về kết cấu, về tu từ (như kiểu văn bản báo chí có
các thể loại tin, phóng sự, tường thuật…).
1.2. Các đặc điểm cơ bản của phong cách báo chí
Trong “Phong cách học Tiếng Việt hiện đại”, tác giả Hữu Đạt khẳng định

nếu quan hệ giữa nguồn và đích nằm trong mối quan hệ truyền tin và tác động,
trong đó nguồn là người cung cấp thông tin, là người tác động và thuyết phục, còn
đích đến là người nhận tin và chịu sự tác động thuyết phục thì “lời nói ra” thường
có phong cách báo chí - chính luận [16]. Trước đây, phong cách báo chí - chính
luận được xem là một phong cách chức năng, về sau, các công trình nghiên cứu
phong cách học chỉ ra rằng phong cách báo chí là một phong cách chức năng khác,
độc lập với phong cách chính luận. Tác giả Hữu Đạt cũng cho rằng “Phong cách
báo chí là một phong cách chức năng, được sử dụng hàng ngày trên các báo, tạp chí
ấn hành từ trung ương xuống địa phương”.
GS. Nguyễn Đức Dân khi đề cập đến những đặc điểm của báo chí cho rằng
“Báo chí cung cấp thông tin… Do vậy, các bài tin (the news story) – các bài phản
ánh – chiếm vai trò trung tâm.” [12;21]. Tác giả chỉ ra ba đặc điểm chính của báo
chí là: tính thời sự, tính trung thực, tính hấp dẫn. Những đặc điểm này quy định
cách viết của báo chí “Ngắn gọn thì hay” (Short is beautiful), “càng ngắn gọn, càng
súc tích càng hay” (Shorter is even better) [12;30]. Điều này là do:
- Ngôn ngữ báo chí là ngôn ngữ sự kiện, thứ ngôn ngữ khách quan về những
hoạt động, những gì đang xảy ra đúng như hiện thực khách quan.


14


- Phong cách ngôn ngữ báo chí là phong cách thiên về cách viết trực tiếp. So
với ngôn ngữ thường, ngôn ngữ báo chí nhiều động từ hơn, ít tính từ hơn và
câu cũng ngắn hơn.
Tác giả Nguyễn Đức Dân cho rằng “Văn bản báo chí thuộc một thể loại
phong cách riêng: phong cách ngôn ngữ truyền thông đại chúng.” [12;32]. Mặc dù
tác giả không nêu bảng phân loại đầy đủ về các phong cách chức năng để chỉ rõ
“phong cách ngôn ngữ truyền thông đại chúng” có phải là một phong cách chức
năng lớn hay không nhưng theo chúng tôi, vấn đề ở đây chỉ là tên gọi. Nội hàm

khái niệm “phong cách ngôn ngữ truyền thông đại chúng” của tác giả Nguyễn Đức
Dân [12] cũng trùng với khái niệm “phong cách báo chí” như các tác giả Diệp
Quang Ban [3], Hữu Đạt [16].
1.3. Tiêu chí phân loại văn bản báo chí
Vấn đề phân loại văn bản báo chí hay còn gọi là phân chia thể loại báo chí
hiện còn nhiều tranh luận. “Từ điển tiếng Việt” định nghĩa thể loại là “khuôn khổ,
lối viết và hình thức viết” [41].
Trong chương I “Những quy định chung”, điều 1 “Giải thích từ ngữ” của
Nghị định 51/2002/NĐCP ban hành ngày 26/04/2002 nói “tác phẩm báo chí là tên
gọi chung cho tất cả các thể loại tin, bài, ảnh… đã được đăng, phát trên báo chí”
[4].
Ở công trình “Các thể loại báo chí thông tấn”, tác giả Đinh Văn Hường cho
rằng: “Thể loại là hình thức biểu hiện cơ bản, thống nhất và tương đối ổn định của
các tác phẩm, được phân chia theo phương thức phản ánh hiện thực, sử dụng ngôn
ngữ và các công cụ khác để chuyển tải nội dung sự kiện, vấn đề, con người mang
tính tư tưởng, thẩm mỹ và ý đồ nhất định của người thể hiện…” [31;11].
Từ những ý kiến trên, chúng tôi cho rằng “thể loại báo chí” là khái niệm
dùng để chỉ hình thức biểu hiện có tính đặc trưng của tác phẩm báo chí. Đó là các


15


thể loại xã luận, bình luận, phỏng vấn, ghi nhanh, tường thuật, tin, phóng sự, điều
tra… được sử dụng phổ biến, rộng rãi trên các loại hình báo chí hiện nay”.
Tác giả Đinh Văn Hường [31] đưa ra năm tiêu chí chung để nhận diện thể
loại báo chí như sau:
Thứ nhất là khả năng nắm bắt hiện thực đời sống xã hội (chọn sự kiện, vấn
đề, nhân vật nào… để phản ánh, hay nói cách khác phản ánh cái gì trong thời điểm
đó).

Thứ hai là mức độ phản ánh, phân tích, lý giải vấn đề của người viết.
Thứ ba là năng lực trình bày, triển khai tác phẩm về vấn đề mà người viết lựa
chọn.
Thứ tư là mức độ ảnh hưởng và tác động của tác phẩm đối với công chúng,
đối với xã hội trong thời điểm đó hoặc lâu dài, hay còn gọi là hiệu quả tác động.
Thứ năm là tác phẩm đó có tên gọi cụ thể, có tính lý luận, khoa học, có tiêu
chí, được thực tiễn kiểm nghiệm và tồn tại ổn định trong đời sống thực tiễn báo chí.
Trong giới nghiên cứu báo chí ở Việt Nam, hiện có nhiều quan điểm phân
chia các thể loại báo chí khác nhau. Chúng tôi chấp nhận cách phân chia thể loại
trong công trình “Các thể loại báo chí thông tấn” [31]. Theo đó, tác giả này cho
rằng hệ thống thế loại báo chí gồm ba nhóm:
i) Nhóm các thể loại báo chí thông tấn gồm tin, phỏng vấn, tường thuật… có
thế mạnh để phản ánh, thông báo kịp thời, nhanh chóng các sự kiện, vấn đề vừa xảy
ra, đang xảy ra hoặc sắp xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. Các hiện tượng, quá
trình, sự kiện hay nhân vật được phản ánh trong các thể loại này thường đơn lẻ, độc
lập hoặc tập hợp một số sự kiện tiêu biểu cho cái mới, cái thật, cập nhật của xã hội.
Thông tin sự kiện có yếu tố bình luận mức độ là tính trội của nhóm các thể loại báo
chí thông tấn.
ii) Nhóm các thể loại báo chí chính luận gồm xã luận, bình luận, chuyên
luận, điều tra, bài phê bình,… với chất trí tuệ, tư duy, lý luận, lý lẽ, hùng biện trong
tác phẩm. Tính trội của nhóm các thể loại báo chí chính luận là thông tin lý lẽ.


16


iii) Nhóm các thể loại báo chí chính luận – nghệ thuật gồm phóng sự báo chí,
ký báo chí, tiểu phẩm báo chí, câu chuyện báo chí, ghi nhanh,… là những thể loại
kết hợp yếu tố chính luận của báo chí (tư liệu, số liệu, sự kiện, nhân vật có thật,
chất lý luận, hùng biện…) với các yếu tố của văn học nghệ thuật (ngôn ngữ, hình

ảnh, cảm xúc, thái độ,…) để thể hiện tác phẩm sinh động, sâu sắc, mềm mại và hấp
dẫn đối với công chúng. Thông tin sự kiện, lý lẽ và thẩm mỹ là tính trội của nhóm
thể loại này.
Tất nhiên, kết quả phân chia này cũng chỉ mang tính tương đối. Xu hướng
chung của thể loại báo chí hiện nay là sự đan xen, hòa quyện và chuyển hóa giữa
các nhóm và các thể loại. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra có mức độ, do vậy
không làm mất đi hoặc thay đổi bản chất của từng thể loại.
Việc xem xét đặc điểm phong cách chức năng báo chí và phân loại thể loại
báo chí chính là cơ sở để chúng tôi xem xét sự tương quan giữa phong cách văn
bản thông cáo báo chí với phong cách của từng thể loại của báo chí.
1.4. Thông cáo báo chí
1.4.1. Các quan niệm về thông cáo báo chí
Thông cáo báo chí (thuật ngữ tiếng Anh là News Release/ Media Release/
Press Release/ Press Statement) là một khái niệm mới, gắn với lĩnh vực truyền
thông, được hình thành ở Việt Nam trong một vài năm gần đây. Do sự mới mẻ của
nó, “thông cáo báo chí” chưa có tên trong các cuốn sách tiếng Việt nghiên cứu về
thuật ngữ chuyên ngành báo chí, truyền thông.
Công trình “Thuật ngữ Báo chí – Truyền thông” của tác giả Phạm Thành
Hưng [30] có nhắc đến một số khái niệm có liên quan như “bản tin thông báo”,
“người phát ngôn”, “quan hệ công chúng”,… nhưng không đề cập đến thuật ngữ
này. Chúng tôi cũng không tìm thấy một thuật ngữ khác tương đương để chỉ đối
tượng là “các văn bản được gửi đến các cơ quan truyền thông nhằm mục đích công
bố một thông tin nào đó” ở cuốn sách này.


17


Hiện nay, có hai cách hiểu phổ biến về thông cáo báo chí:
Cách hiểu hẹp: Cho rằng chỉ các cơ quan nhà nước, các tổ chức quốc tế mới

được quyền phát hành thông cáo báo chí. Trong “Từ điển Tiếng Việt”, “thông cáo”
được định nghĩa là “văn bản, thường là của tổ chức, cơ quan nhà nước, báo cho mọi
người biết tình hình, sự việc có một tầm quan trọng nhất định nào đó” [41]. TCBC,
theo cách hiểu chiết tự này, có thể xem là dạng văn bản, thường là của tổ chức, cơ
quan nhà nước, báo cho các cơ quan báo chí biết tình hình, sự việc có một tầm quan
trọng nhất định nào đó. Từ điển này cũng không nêu cụm từ mở rộng “Thông cáo
báo chí”.
Trước đây, chỉ văn bản của các cơ quan nhà nước, các tổ chức lớn gửi đến
các cơ quan truyền thông mới được xem là thông cáo báo chí. Với cách hiểu này,
TCBC là dạng văn bản của các cơ quan nhà nước, các tổ chức quốc tế có vai trò
quan trọng với xã hội gửi đến giới truyền thông nhằm công bố các thông tin liên
quan đến toàn xã hội.
Cách hiểu rộng: Cho rằng mọi tổ chức chịu trách nhiệm trước pháp luật về
các thông tin tổ chức đó cung cấp đều có thể phát hành thông cáo báo chí.
Với cách hiểu này, thông cáo báo chí cũng được các tổ chức nhỏ hơn (về mặt
hành chính) sử dụng như một công cụ hiệu quả để truyền thông. Đó là các dạng
thông cáo báo chí do các tổ chức như doanh nghiệp, các hiệp hội,… phát hành. Ví
dụ công ty Sữa Việt Nam Vinamilk phát hành TCBC “Về việc khẳng định uy tín
thương hiệu Dielac” ngày 14/03/2007 sau sự cố hạt chống ẩm và mạt sắt nghi ngờ
có thể bị lẫn trong thành phẩm sữa bột Dielac của công ty này.
Trong luận văn, chúng tôi chấp nhận cách hiểu rộng hơn về thông cáo báo
chí. Cách hiểu này sẽ giúp chúng tôi có sự so sánh đối chiếu trong quá trình phân
tích và xử lý tư liệu TCBC của các cơ quan/tổ chức khác nhau.
Trên thực tế, nhiều bộ, ngành, tổ chức ở Việt Nam đã sử dụng rộng rãi công
cụ này. Tuy nhiên, ở Việt Nam, chỉ các công trình về Quan hệ Công chúng (Public


18



Relations) mới có định nghĩa về TCBC [25] [32]. Điều này chứng tỏ thể loại văn
bản này chưa được chú ý đúng mức.
Các định nghĩa về TCBC thể hiện các quan điểm của từng tác giả, trường
phái đối với loại hình văn bản này.
Định nghĩa trên Từ điển Wordnet của Đại học Princeton (Mỹ) nhấn mạnh
tính văn bản hóa của TCBC: “Thông cáo báo chí là thông báo gửi tới báo chí nhằm
bổ sung hoặc thay thế ngôn ngữ nói” [55].
Định nghĩa của trang dictionary.com đề cập đến tính chính thống của chủ
thể: “Thông cáo báo chí là thông báo do cơ quan như chính phủ hoặc tổ chức PR
(quan hệ công chúng) soạn thảo và gửi đến báo chí” [56].
Nhấn mạnh tính thời sự của TCBC, TS. Đinh Thị Thúy Hằng trong cuốn
“PR – Lý luận và ứng dụng” định nghĩa: “Thông cáo báo chí là một trong những
công cụ thiết yếu để thu hút báo chí đưa tin nhằm thông tin chính sách, sáng kiến
hay hoạt động của ngành đến với công chúng. Thông cáo báo chí thường được gắn
với các sự kiện hoặc vấn đề hiện tại.” [25; 253]
Từ góc độ doanh nghiệp, Tash Hughes, nhà truyền thông có tiếng của
Australia, nêu: “TCBC giống như một bài báo ngắn được gửi đến các cơ quan báo
chí nhằm gây sự chú ý” [57]. Theo Hughes, nếu mọi việc diễn ra thuận lợi thì toà
soạn báo sẽ đăng tải một bài báo về nội dung được nêu trong TCBC đó. Như vậy
định nghĩa của Tash Hughes tập trung vào phần “ích lợi”, tức là mục đích của
TCBC. Chính vì vậy bà khuyên người viết TCBC (mà theo bà nên là nhân viên PR
của công ty) cố gắng tạo những điểm thu hút rộng rãi dư luận quan tâm, có như vậy
báo chí mới hào hứng đăng tải và công ty cũng đạt mục đích về truyền thông.
Marguerite H. Sullivan, tác giả của “Một văn phòng báo chí có trách nhiệm”
nêu định nghĩa tương đối toàn diện: “Thông cáo báo chí là bản tóm tắt những sự
thật về một chương trình hay một vấn đề mà bạn muốn giới truyền thông quan tâm.
Chúng được viết theo một mẫu chuẩn. Tiêu chí chính của một thông cáo báo chí là
nó phải chứa tin” [69]. Định nghĩa của Sullivan đề cập đến một đặc điểm cốt tử của



19


văn bản TCBC mà luận văn sẽ đề cập ở mục 4.2. của chương này, đó là tính trung
thực, độ chính xác cao bắt buộc của TCBC. Điều này cũng cho thấy sự khác biệt
với cách nhìn của Tash Hughes nêu ở trên, bởi Tash Hughes chỉ hướng tới việc gây
sự chú ý, quan tâm của độc giả (hàm ý có thể làm bóng bẩy TCBC mà không phải
quá bận tâm việc tôn trọng sự thật).
Trong khi đó, là nhà báo chuyên viết về công nghệ thông tin, Tom Foremski
thể hiện quan điểm trên tờ Silicon Valley Watcher số ngày 27/2/2006, như sau:
“TCBC là bản thông báo về một sản phẩm, dịch vụ, lễ khai trương văn phòng, báo
cáo tài chính, đối tác, khách hàng và hàng loạt những hoạt động thương mại khác”
[58]. Foremski nhấn mạnh văn phong của TCBC cần phải “đi thẳng vào vấn đề”,
tránh lối diễn đạt “vòng vo” (Faremski sử dụng thuật ngữ mới, đó là “spintastic” để
chỉ trích những TCBC viết quá dài).
Trong cuốn “Thông cáo báo chí: Hãy thực hành đúng” (Press Release:
When Nothing Else Will Do, Do it Right) của G. A. Marken, tác giả cũng chỉ ra
rằng để thông báo về một tổ chức, sản phẩm và cách ứng dụng, không có cách nào
tốt hơn, rõ ràng hơn và thuyết phục hơn việc sử dụng thông cáo báo chí [25]. Ông
cho rằng mục đích của thể loại này là thu hút sự quan tâm của truyền thông ở bất
kỳ hình thức nào: in ấn, điện tử hay phát thanh, truyền hình. Định nghĩa này đã
nhấn mạnh được vai trò và sức mạnh của TCBC trong xã hội hiện nay.
Trên cơ sở tổng hợp các cách tiếp cận trên, chúng tôi tạm đưa ra định nghĩa:
“Thông cáo báo chí là dạng văn bản của một tổ chức được gửi đến đại diện
của các cơ quan truyền thông đại chúng (báo in, báo điện tử, đài phát thanh, đài
truyền hình) với mục đích công bố một sự kiện nào đó có giá trị thông tin.”
Theo đó, các văn bản được gọi là TCBC phải hội tụ đủ các điều kiện sau:
- Về chủ thể phát: TCBC phải được phát hành bởi một cơ quan, tổ chức có tư
cách pháp nhân. Cơ quan, tổ chức này chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông
tin trước pháp luật. Luật Báo chí Việt Nam, chương III về “Nhiệm vụ và quyền hạn

của báo chí”, ở Điều 7 “Cung cấp thông tin cho báo chí” quy định: “Trong phạm vi


20


quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các tổ chức có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông
tin cho báo chí, giúp cho báo chí thông tin chính xác, kịp thời và chịu trách nhiệm
trước pháp luật về nội dung thông tin.” Như vậy, chủ thể phát có thể là các cơ quan
chính phủ, các tổ chức nước ngoài hoặc là các doanh nghiệp.
Một số ví dụ:
- TCBC của các cơ quan nhà nước Việt Nam:
+ “Hội thảo nâng cao năng lực quản lý trang thiết bị y tế” – TCBC của Bộ Y
tế ngày 30/7/2007.
+ Lễ công bố “Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2005” – TCBC
của Bộ Tài nguyên Môi trường ngày 16/12/2005.
- TCBC của các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam:
+ “Chính phủ Việt Nam và Ủy ban châu Âu ký kết dự án hỗ trợ kỹ thuật liên
quan tới thương mại trị giá 10 triệu euro” - TCBC của Ủy ban Châu Âu
ngày 17/6/2008.
+ “Đại sứ quán Đan Mạch phát động cuộc thi sáng tác âm nhạc thể nghiệm
2006” – TCBC của Đại sứ quán Đan Mạch ngày 4/10/2006
- TCBC của các doanh nghiệp tại Việt Nam:
+ “Lễ ra mắt tập đoàn Tài chính – Bảo hiểm Bảo Việt” – TCBC của Tập
đoàn Bảo Việt ngày 23/1/2008.
+ “VNPT và các đối tác thành lập mạng thanh toán điện tử VNPT EPAY –
TCBC của công ty VNPT ngày 4/4/2008.
- Về chủ thể nhận: TCBC phải được gửi đến các cơ quan truyền thông hợp
pháp, được cấp phép và giấy phép hoạt động còn có giá trị.
Thông thường, các tổ chức phát hành TCBC sẽ dựa trên tính chất thông tin

trong TCBC để quyết định chủ thể nhận là những cơ quan truyền thông nào. Một số
thông cáo báo chí được gửi đến tất cả những tòa soạn báo lớn nhất, ví dụ như
TCBC của Bộ Giao thông Vận tải về sự cố sập cầu Cần Thơ vì tầm ảnh hưởng dư
luận của nó là rất lớn. Tuy nhiên, cũng có những TCBC được gửi đến các tờ báo có


21


diện chuyên ngành hẹp hơn. Ví dụ: TCBC của hãng Samsung ra mắt điện thoại
OMNIA i900 tại Việt Nam lại chỉ gửi đến các báo liên quan đến công nghệ, tiêu
dùng,… Đó là cách các tổ chức, cơ quan phát hành TCBC nhắm đến đối tượng cần
tác động.
- Về thông điệp: Thông tin trong TCBC phải là các thông tin được chuẩn hóa
bằng văn bản viết, có giá trị tin tức, có mức độ quan trọng nhất định đối với cơ
quan truyền thông/công chúng.
- Về mã: Thông thường, ở Việt Nam, TCBC được viết bằng tiếng Việt. Đối
với một số TCBC đặc biệt có yếu tố quốc tế hoặc người nhận TCBC thuộc các cơ
quan truyền thông nước ngoài, các hãng tin quốc tế, các tờ báo bằng tiếng nước
ngoài thì TCBC ngoài bản tiếng Việt còn được dịch ra các ngôn ngữ khác mà vẫn
đảm bảo tính thống nhất của thông tin.
- Về kênh chuyền tải: TCBC phải được phát hành dưới một hình thức nào đó:
phát tận tay tại các cuộc họp báo, gửi văn bản qua email, fax hoặc qua đường bưu
điện… Hình thức phát văn bản TCBC tại các cuộc họp báo là kênh được sử dụng
nhiều nhất khi phát hành TCBC.
1.4.2. Đặc điểm của văn bản thông cáo báo chí
Từ các định nghĩa về TCBC, chúng tôi đưa ra các đặc điểm của TCBC:
1.4.2.1. Tính thời sự
Cũng như tin tức, TCBC cần phải nhanh chóng và kịp thời. Ngày phát hành
trên TCBC phải là ngày sớm hơn hoặc đồng thời với thời điểm xảy ra sự kiện.

Ngoài ra, để bảo đảm tính thời sự của TCBC ngày nay các hãng tin đã áp dụng các
công nghệ như đồng bộ hoá (synchronization) để chuyển phát thông tin đồng thời
tới nhiều đối tượng tiếp nhận; RSS (really simple syndication) để cung cấp dịch vụ
đặt thông tin dài hạn một cách đơn giản, tự động và nhiều khi là miễn phí cũng như
nhiều công nghệ tích hợp, truyền thông khác.


22


TCBC phát hành đúng thời điểm sẽ phát huy hiệu quả, tránh các biến cố,
khủng hoảng do việc thông tin chậm trễ gây nên. Chính vì đặc trưng này, yếu tố
thời gian trong một văn bản TCBC, đặc biệt là dạng TCBC công bố sự kiện, đều
đóng vai trò quan trọng hàng đầu, quyết định việc thông tin trên TCBC có được sử
dụng hay không. Nếu các thông tin đó đã lỗi thời, tòa soạn sẽ không sử dụng hay
đăng tải trên báo chí. Chính vì lý do này, hiện nay báo viết tiếp tục chịu sự cạnh
tranh quyết liệt từ các hình thức báo khác như báo mạng, báo nghe, báo hình, là các
phương tiện thông tin có để cung cấp thông tin cùng với thời gian thực (real time).
1.4.2.2. Tính nhất quán và chính thống
TCBC được phát hành nhằm đảm bảo tính nhất quán và chính thống của
thông tin.
Tính nhất quán và chính thống của thông tin là yếu tố rất quan trọng, phản
ánh quan điểm “trước sau như một” của tổ chức trước một vấn đề, sự kiện. Đối với
các tổ chức chính phủ, việc phát hành thông cáo báo chí là một hình thức của các
công tác vận động và tuyên truyền, đảm bảo tính nhất quán của thông tin từ các cơ
quan chính phủ đến người dân. Đối với các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, hoạt
động này sẽ giúp truyền thông một cách hiệu quả về hoạt động của tổ chức, công
bố các kết quả nghiên cứu cũng như các thông tin về tổ chức đến một số đối tượng.
TCBC được chịu trách nhiệm bởi người/nhóm người có tiếng nói đại diện cho quan
điểm của tổ chức đó.

Đối với các cơ quan, tổ chức nhà nước, TCBC thường được soạn thảo và phê
duyệt bởi các đơn vị có tên gọi khác nhau như Vụ Báo chí, phòng Thông tin, phòng
Tuyên truyền, phòng Truyền thông, phòng Quan hệ công chúng. Ở Bộ Ngoại giao
Việt Nam và một số bộ khác, trách nhiệm xét duyệt TCBC thuộc về Người phát
ngôn hoặc các lãnh đạo có chức vụ cao hơn.
1.4.2.3. Tính chính xác cao


23


Một TCBC hiệu quả trước hết phải là TCBC cung cấp những thông tin xác
thực cho báo chí. Xét cho cùng giá trị của thông tin nằm ở tính chính xác và trung
thực của nó. Người soạn thảo văn bản cần đảm bảo tất cả những thông tin cung cấp
trong TCBC là sự thật. Khi TCBC gửi đến phóng viên, biên tập viên, họ sẽ kiểm
chứng thông tin trước khi đưa vào bài viết.
Bịa đặt khi viết TCBC là điều không được chấp nhận. Nếu tòa báo phát hiện
ra các thông tin sai sự thật, họ sẽ “tẩy chay” tổ chức phát hành. Tòa báo sẽ không
sử dụng những thông tin chưa chắc chắn bởi điều đó có thể gây ra những hệ luỵ về
mặt pháp lý cũng như đạo đức nghề nghiệp. Ngược lại, tổ chức phát hành TCBC
cũng phải chịu trách nhiệm về tính trung thực của nó.
“Chỉ viết sự thật” được xem là nguyên tắc vàng cho soạn thảo TCBC. Trên
thực tế, một tổ chức, do tính vị lợi chi phối, có thể cung cấp những điều đi quá hoặc
bóp méo sự thật. Tuy nhiên, đây chỉ là những trường hợp cá biệt bởi những hành vi
thiếu trung thực thường là không công khai và do đó không thông qua hình thức
đăng tải TCBC. Các tòa soạn chuyên nghiệp thường từ chối ngay các thông tin
thiếu trung thực, phóng đại sự việc do các tổ chức tung ra nhằm đạt được những
mục đích vị lợi. Chính vì điều này, một TCBC, như phần sau sẽ chứng minh, cần
có các thành tố cấu trúc nên một thông điệp hoàn chỉnh với độ chính xác cao: ở
đâu, lúc nào, liên quan đến ai, diễn ra như thế nào và vì sao.

Khi xảy ra việc đưa tin thiếu chính xác, tổ chức phát hành TCBC cần có
hành động đính chính ngay để tránh sự hiểu nhầm của báo chí và dư luận. Ngày
08/11/2008, ông Vibeke ENSEN - Trưởng Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã
gửi thư cho Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân để xin lỗi vì sự nhầm lẫn của
UNESCO khi đăng tải số liệu về học sinh bỏ học ở Việt Nam trong TCBC ngày
3/11/2008. UNESCO cũng đã gửi thông tin đính chính đến các tòa soạn báo và tin
về việc đính chính sau đó đã được đăng tải trên hầu hết các tờ báo lớn nhất Việt
Nam.
1.4.2.4. Tính quan trọng và hấp dẫn


24


Khác với các đòi hỏi về hình thức, tính quan trọng, hấp dẫn ở TCBC được
quyết định bởi chính bản thân sự kiện chứ không phải vì những bình luận của
người viết TCBC. Những “trường phái” chính thống về TCBC thường không lạm
dụng phần bình luận của người viết (thường thì khối doanh nghiệp mới có xu
hướng “đánh bóng” TCBC). Thông tin gây chú ý bởi tính chất quan trọng, thiết
thân của nó đối với người đọc. Đôi lúc tính chất bất ngờ cũng đem lại tầm quan
trọng và hấp dẫn cho TCBC.
TCBC chỉ ra đời khi có thông tin quan trọng liên quan đến một sự kiện nào
đó mà tổ chức nhận thấy cần phải công bố trước công chúng thông qua các phương
tiện truyền thông. Dĩ nhiên, không phải sự kiện nào cũng có thể hay cần phải phát
hành TCBC. Thông thường, mức độ quan trọng của thông tin trong TCBC được
đánh giá bởi:
i) Sự quan tâm của cơ quan truyền thông/công chúng đối với các thông
tin này;
ii) Mức độ tác động, tầm ảnh hưởng của thông tin này đối với công
chúng.

Điều này giải thích tại sao các TCBC của các cơ quan chính phủ, các tổ chức
phi chính phủ thường được sử dụng nhiều hơn so với TCBC của các doanh nghiệp.
Tác giả James L.Garnett, trong cuốn Thông tin hiệu quả trong chính phủ đã đánh
giá: “Do những quyết định và hành động của chính phủ thường ảnh hưởng đến
nhiều người hơn và với hậu quả lớn hơn, nên hoạt động thông tin trong chính phủ
rất quan trọng và thường là khó khăn hơn hoạt động thông tin trong doanh nghiệp”
[26;14].
Các cơ quan truyền thông chỉ sử dụng những thông tin quan trọng và hấp
dẫn, do vậy, TCBC - với tư cách là nguồn tin cho báo chí, cần phải có những đặc
điểm này.


25


1.4.3. Phân loại thông cáo báo chí
Dựa trên hình thức phát hành TCBC, chúng ta có thể phân loại TCBC thành
các dạng:
- TCBC phát hành qua họp báo
- TCBC phát hành qua thư điện tử (email)
- TCBC phát hành qua điện báo (fax)
Dựa trên tính chất của thông điệp, TCBC có thể được phân loại như sau:
- TCBC công bố sự kiện
- TCBC trình bày quan điểm
- TCBC đính chính thông tin
- …
Còn nếu dựa trên tiêu chí chủ thể phát hành thì TCBC có thể được chia
thành: TCBC của các cơ quan nhà nước Việt Nam (Chính phủ, các bộ, ngành từ
trung ương đến địa phương, các tổ chức đoàn thể); TCBC của các tổ chức nước
ngoài (bao gồm các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức liên chính phủ như Liên hợp

quốc, tổ chức thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán tại Việt
Nam, ); TTBC của các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Dĩ nhiên, còn những cách phân loại khác như theo ngôn ngữ, thời gian, khu
vực địa lý… tùy vào mục đích nghiên cứu. Trong luận văn này, để tiện cho việc
phân tích ở các phần sau và trên cơ sở dữ liệu đã có, chúng tôi lựa chọn cách phân
loại theo chủ thể.
1.5. Nhận xét
1.5.1. Như chúng tôi đã khẳng định, những cách lựa chọn ngôn ngữ khác
nhau đã tạo ra những phong cách khác nhau. Đến lượt chính các phong cách lại chi
phối việc lựa chọn ngôn ngữ. Chính vì vậy, các luận điểm về phong cách chức năng
nói chung và phong cách báo chí nói riêng có tác dụng trực tiếp nhất đối với đối
tượng nghiên cứu, bởi vì: i) Thông cáo báo chí là một thể loại của phong cách báo

×