Tải bản đầy đủ (.pdf) (115 trang)

Cảm hứng thế sự đời tư trong thơ Việt Nam mười năm đầu thế kỷ XXI

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.16 MB, 115 trang )


I HC QUC GIA H NI
TRNG I HC KHOA HC X HI V NHN VN






TRN TH MINH TM







cảm hứng thế sự đời t- trong thơ việt nam
m-ời năm đầu thế kỷ xxi






LUN VN THC S CHUYấN NGNH VN HC VIT NAM















H Ni - 2012

I HC QUC GIA H NI
TRNG I HC KHOA HC X HI V NHN VN







TRN TH MINH TM





cảm hứng thế sự đời t- trong thơ việt nam
m-ời năm đầu thế kỷ xxi






Lun vn Thc s chuyờn ngnh Vn hc Vit Nam
Mó s: 60 22 34




Ngi hng dn khoa hc: GS.TS. Lờ Vn Lõn






H Ni - 2012


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU 1
1. Lý do chọn đề tài 1
2. Lịch sử vấn đề 2
3. Mục đích, đối tƣợng, phạm vi nghiên cứu 6
4. Phƣơng pháp nghiên cứu 7
5. Cấu trúc luận văn 7
NỘI DUNG 8
Chƣơng 1. TÌNH HÌNH XÃ HỘI VÀ THƠ CA VIỆT NAM MƢỜI NĂM
ĐẦU THẾ KỶ XXI 8
1.1. Xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XXI 8

1.2. Đời sống thơ ca mƣời năm đầu thế kỷ XXI 9
1.2.1. Cách tân là vấn đề cấp thiết của thơ ca 9
1.2.2. Phong trào cách tân và cuộc cách mạng thơ chưa thành 13
1.3. Những cảm hứng chính của thơ mƣời năm đầu thế kỷ XXI 24
1.3.1. Cảm hứng sử thi 25
1.3.2. Cảm hứng thế sự 27
1.3.3. Cảm hứng đời tư 29
Chƣơng 2. NHỮNG CẢM HỨNG CHÍNH TRONG THƠ VIỆT NAM
ĐẦU THẾ KỶ XXI 31
2.1. Cảm hứng thế sự trong thơ Việt Nam mƣời năm đầu thế kỷ XXI . 31
2.1.1. Ký ức chiến tranh vẫn còn ám ảnh 31
2.1.2. Thơ mở rộng phản ánh các hiện trạng xã hội trên bình diện đạo
đức 33
2.1.3. Niềm tin vào những điều tốt đẹp 39
2.1.4. Trở về với các giá trị truyền thống 39
2.1.5. Hà Nội - kinh đô văn hiến nghìn năm 44

2
2.1.6. Những suy ngẫm về thơ ca 48
2.2. Cảm hứng đời tƣ trong thơ Việt Nam mƣời năm đầu thế kỷ XXI . 50
2.2.1. Nhu cầu thể hiện cái tôi 50
2.2.2. Tình yêu là đề tài vĩnh cửu 55
2.2.3. Tình cảm gia đình 60
2.2.4. Thế giới tâm linh 62
Chƣơng 3. PHƢƠNG THỨC THỂ HIỆN TRONG THƠ VIỆT NAM
MƢỜI NĂM ĐẦU THẾ KỶ XXI 67
3.1. Thể loại 67
3.1.1. Duy trì các thể thơ truyền thống 69
3.1.2. Tự do hoá hình thức thơ 74
3.2. Ngôn ngữ 80

3.2.1. Ngôn ngữ đời thường, trần tục 81
3.2.2. Ngôn ngữ trong sáng, giản dị 83
3.2.3. Ngôn ngữ hàm súc 85
3.3. Hình ảnh 87
3.3.1. Những hình ảnh mang tính dân gian 87
3.3.2. Những hình ảnh đời thường, trần tục hóa 88
3.3.3. Những hình ảnh lạ hóa mang màu sắc siêu thực 93
3.4. Giọng điệu 95
3.4.1. Giọng giãi bày, tâm sự 96
3.4.2. Giọng chiêm nghiệm, triết lý 97
3.4.3. Giọng tự sự khách quan 99
3.4.4. Giọng cảm thương 100
KẾT LUẬN 103
TÀI LIỆU THAM KHẢO 106

1
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Trong những năm gần đây thơ không đạt được nhiều thành tựu như
là tiểu thuyết. Điều này không lạ bởi lẽ quy luật sáng tạo thẩm mĩ cho thấy
các thể loại không bao giờ phát triển song hành cùng nhau. Tuy vậy, thơ vẫn
là thể loại văn học giàu truyền thống nhất trong các thể loại văn học. Xét về
mặt lịch sử, thơ là một “thể loại già”, còn tiểu thuyết là một “sinh ngữ trẻ”.
Thơ ra đời bắt đầu từ lúc loài người có nhu cầu bộc lộ đời sống tâm hồn, tình
cảm và nó đã song hành cùng loài người với bao thăng trầm từ đó đến nay.
Cho dù ở thời điểm này, thơ đang ở trong cơn “bĩ cực” nhưng nó vẫn xứng
đáng được quan tâm, nghiên cứu.
1.2. Về thơ Việt Nam đương đại, hiện có nhiều đánh giá khác nhau.
Người bảo “nền rộng nhưng thiếu đỉnh”. Người bảo “thơ đi ngang”. Người lại
quả quyết, thơ hiện nay “ngang ngửa” thậm chí “chất lượng và bề thế hơn”

thơ các giai đoạn trước… Những đánh giá ấy, dĩ nhiên, xuất phát từ những
góc nhìn và tâm thế khác nhau. Nhưng sự tản mạn, không thống nhất về thơ
hiện nay là điều có thể hiểu được, vì, thứ nhất, độ lùi đánh giá chưa xa; và,
thứ hai, so với thơ ca trước đây, thơ Việt kể từ sau 1975 phức tạp hơn, tính ly
tâm cao hơn. Phức tạp bởi các nhà thơ không còn bó mình trong một kiểu
nghĩ, một trường thẩm mỹ chung. Ly tâm bởi muôn nẻo kiếm tìm và phương
cách biểu đạt bản thể. Thêm nữa, mỹ cảm nghệ thuật hiện đại/ hậu hiện đại đã
khai mở và kích thích những cuộc phiêu lưu bất tận của nhà thơ, cái toàn trị
đã dần nhường chỗ cho cái phân mảnh, tiếng nói cộng đồng đã nhường chỗ
cho tiếng nói cá nhân,… Giờ đây, người ta đang chứng kiến sự hiện diện cùng
lúc nhiều loại hình giá trị: trung tâm và ngoại vi, chính thống và phi chính
thống, cao sang và suồng sã, cổ điển và phi cổ điển,… Ấy là chưa nói đến sự

2
hòa trộn thể loại, sự xóa nhòa phong cách, sự tương tác giữa các loại hình
nghệ thuật đang diễn ra mạnh mẽ, khiến cho lý luận về thể loại và lý thuyết về
văn học phải nhanh chóng điều chỉnh, thay đổi nếu muốn bắt kịp những
chuyển động cũng như những kết hợp nghệ thuật mới Trong bối cảnh một
nền thơ đang vận động và phong phú, đa dạng như vậy cần có những cái nhìn
khách quan và nghiêm túc để nhận diện một nền thơ mới.
1.3. Nhìn một cách khái quát, thơ Việt Nam mười năm đầu thế kỷ XXI
là tiếp nối mạch thơ đổi mới cuối thế kỷ XX với cảm hứng thế sự và đời tư
giữ vai trò là cảm hứng chủ đạo. Hai dòng cảm hứng này đã chiếm lĩnh thơ ca
Việt Nam từ sau năm 1975, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới sau 1986. Nhưng
trong những năm gần đây, với việc toàn cầu hoá diễn ra mạnh mẽ, với bao
biến cố lớn mà nhân loại nói chung và đất nước nói riêng đang phải đối mặt,
nội dung thế sự, đời tư trong thơ ca cũng có nhiều thay đổi so với giai đoạn
trước. Nghiên cứu cảm hứng thế sự đời tư trong thơ ca mười năm đầu thế kỷ
XXI chính là một cách nhận diện thời kỳ văn học mới.
2. Lịch sử vấn đề

2.1. Tình hình nghiên cứu về thơ ca mười năm đầu thế kỷ XXI.
Mười năm đầu thế kỷ vừa mới đi qua, khoảng cách thời gian từ đó đến
nay chưa đủ để các nhà phê bình, nghiên cứu đưa ra một công trình bàn về thơ
Việt Nam giai đoạn này. Tuy vậy, trên các báo viết, báo mạng và trong các cuộc
hội thảo văn học có một vài ý kiến bàn về thơ hiện nay, chủ yếu xung quanh hai
vấn đề chính: đánh giá về thực trạng của thơ và vấn đề thơ hiện đại, hậu hiện đại.
Đánh giá về thực trạng thơ hiện nay, trong hội thảo Thơ Việt hiện đại
nhìn từ miền Trung, nhiều ý kiến tỏ ra bi quan “thơ đang có vấn đề và cần đổi
mới nó” (Hữu Thỉnh), “tình trạng vè hóa thơ” (Nguyễn Trọng Tạo), “thơ của
chúng ta èo uột, làng nhàng, thiếu bứt phá, thiếu thăng hoa” (Nguyễn Hoàng
Đức), “Cái khó mà thơ lâm phải hiện nay là thời kỳ giáp hạt tư tưởng, sự

3
khủng hoảng của nó cũng do đó mà ra.” (Vũ Quần Phương), “thơ đang mất
chỗ đứng trong ồ ạt của cạnh tranh thị trường… Nhiều bài thơ nhợt nhạt,
quanh quẩn, ngô nghê, được viết với một trạng thái vô cảm… thơ Việt đang
trong cơn bĩ cực trên cả hai phương diện chủ quan và khách quan” (Lê
Thành Nghị), “Sự kiện thơ ca mất giá như thế diễn tiến qua nhiều năm”
(Nguyễn Chí Hoan) [59]. Nhưng cũng nhiều ý kiến nhận định lạc quan về thơ
đương đại “Quan sát trên thi đàn Việt những năm gần đây có thể thấy các tác
giả trẻ đang khao khát thể hiện tiếng nói của thế hệ mình như một giá trị. Giá
trị ấy được đảm bảo bằng cái mới, cái hiện đại trong quan niệm về thơ, trong
giọng điệu, bút pháp, hình thức thể hiện Dù có thể những tìm tòi, cách tân
chưa trở thành xu hướng chủ đạo, chưa dễ tìm được sự đồng thuận trong
đánh giá và tiếp nhận của người đọc nhưng vẫn có thể cảm nhận được một
nguồn sinh lực mới đang tiềm ẩn trong thơ hiện nay” [78], “còn về giá trị, về
định tính, chắc chắn rằng nhiều tác giả và tác phẩm thi ca của ta tuy đến
chậm nhưng ít nhiều đã có chỗ đứng trong lòng độc giả bè bạn (nhiều hội
thơ, nhiều tuyển thơ các nước đã có tác giả Việt xuất hiện, một vài thi phẩm
đã được dịch, độc giả các nước đánh giá cao). Dẫu vậy thì cũng cần công

nhận một điều là bằng cái nhìn khách quan thì thơ ta chưa tạo được một vệt
đậm, một địa vị khả quan trên nền thơ thế giới như công chúng mong đợi,
mặc dù, thơ Việt Nam không ít thành tựu và hứa hẹn nhiều tiềm năng…” [63].
Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Inrasara còn cho rằng thơ đương đại đang
vận động và phát triển không ngừng, nhưng phê bình hiện đại thì không theo
kịp sự phát triển của thơ để làm nhiệm vụ cầu nối giữa thơ và công chúng:
“Các nhà thơ đương đại không viết khi đã xác định con đường, hay nói theo
giọng thời thượng - khi đã "tìm thấy mình", mà vừa viết vừa tự khám phá
chính mình… Họ viết - thế thôi. Liên tục chuyển động và thay đổi. Không
nhiều nhà phê bình nhận ra điều đó. Rất ít nhà phê bình theo kịp sự chuyển

4
động của họ. Không theo kịp, nhà phê bình mãi ở lại căn chòi mĩ học cũ để
nhìn về thơ đương đại, nhận định và phán xét nó. Tiếc thay!” [35]
Cuộc trao đổi - đối thoại về chủ nghĩa hậu hiện đại trên phương diện lý
thuyết và biểu hiện thực tế của nó trong văn học Việt Nam tạo thành một sự
kiện đáng chú ý trên một số diễn đàn, gồm cả báo mạng internet và báo viết.
Báo điện tử Tổ quốc có chuyên đề: “Câu chuyện về một kiểu cắt nghĩa xã
hội” (Lã Nguyên), “Văn chương Hậu hiện đại, nhìn từ góc độ sáng tác” (Lê
Anh Hoài), “Đối thoại về con đường đi vào văn chương hậu hiện đại Việt
Nam” (Inrasara), “Một cái nhìn về thực tiễn văn chương hậu hiện đại” (Phùng
Gia Thế). Tạp chí Hồng Lĩnh cũng đăng loạt bài: “Tiếp nhận những cách tân
của chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại” (Hoàng Ngọc Hiến), “Về lối viết hậu
hiện đại trong văn học ta” (Hà Quảng). Bản tin LLPB văn học nghệ thuật số
10/2009: “Nhận biết về chủ nghĩa hậu hiện đại trong nghệ thuật” (Hồ Sĩ
Vịnh) Đến cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, nhận diện phê bình văn
học hậu hiện đại (trong đó có nhận diện, phê bình thơ hậu hiện đại) ở nước ta
tạo thành một vệt đậm và gây chú ý cả các tác giả ở hải ngoại.
Nhìn chung các ý kiến đánh giá về thơ hậu hiện đại có thể quy về ba
nhóm. Nhóm thứ nhất kịch liệt phản đối loại thơ này. Nhà thơ Đỗ Hoàng coi

đây là thơ “vô lối” như đã từng đánh giá thơ hiện đại. Nhà nghiên cứu
Nguyễn Hoà thì cho rằng: “hậu hiện đại là một cái áo quá rộng cho một cơ
thể còm” và đề xuất “hãy đi hết hiện đại đã rồi hãy nghĩ đến hậu hiện đại”
[28]. Nhà văn Đỗ Ngọc Yên thì cho thơ cách tân (hiện đại, hậu hiện đại) chỉ là
một mớ hỗn độn “nhân danh cách tân nhiều người đã cho ra đời một thứ
chẳng biết gọi là gì: văn nói, ghi chép, nhật ký, chỉ biết rằng nó giống như
món “óc sống” khiến công chúng không thể nào tiêu hóa nổi” [82]. Ở phía
bên kia, Inrasara là người nhiệt thành ca ngợi thơ hậu hiện đại: “Thơ hậu hiện
đại là trò chơi địa phương của những kẻ tự nguyện sáng tác ngoài lề trong

5
thời đại toàn cầu hóa. Với tinh thần phá chấp triệt để qua tầm nhìn rộng mở
và thái độ dân chủ tuyệt đối, thế hệ nhà thơ hậu hiện đại hôm nay là kẻ sáng
tạo tiền vệ đang đổi mới thơ Việt, đổi mới cách viết và cách đọc, qua đó thúc
đẩy công cuộc giải lãnh thổ hoá deterritorialize, giải quốc gia hoá
denationalize và giải địa phương hóa delocalize văn học. Họ đang có đó, như
một hiện tượng” [35]. Thậm chí Inrasara còn kỳ vọng thơ hậu hiện đại có thể
“làm một cuộc cách mạng cho thơ Việt” [35]. Một số nhà nghiên cứu thì có
cái nhìn toàn diện hơn, một mặt họ thừa nhận những sáng tạo thơ theo lối hiện
đại và hậu hiện đại là những nỗ lực đáng được trân trọng trong hành trình
cách tân thơ Việt, có những tác phẩm thực sự giá trị; mặt khác họ phê phán
những sáng tạo cực đoan đang phá hoại giá trị thẩm mĩ của thơ ca. Tiêu biểu
cho khuynh hướng đánh giá này là các tác giả Nguyễn Đăng Điệp, Lưu
Khánh Thơ, Trần Quang Đạo, Nguyễn Thanh Tâm
2.2. Những vấn đề liên quan đến đề tài
Cảm hứng thế sự, đời tư là một trong cảm hứng chính của thơ ca Việt
Nam từ xưa đến nay; tuỳ vào từng thời kỳ mà hai dòng cảm hứng này hoặc
nổi trội hoặc mờ nhạt so với cảm hứng sử thi. Cảm hứng chủ đạo của văn học
Việt Nam nói chung và thơ ca nói riêng giai đoạn 1945 - 1975 là cảm hứng sử
thi, nhưng sau 1975, đặc biệt là sau đổi mới 1986, cảm hứng thế sự đời tư

chiếm vị trí chủ đạo. Điều này đã được khẳng định trong nhiều công trình
nghiên cứu về thơ sau 1975.
Tác giả Nguyễn Đăng Điệp trong bài viết Thơ Việt Nam sau 1975 - cái
nhìn toàn cảnh [15] đã khẳng định trong thơ sau 1975 thể tài thế sự, đời tư trở
nên nổi bật và gắn liền với nó là chất giọng tự thú và chất giọng giễu nhại. Từ
đó tác giả nêu lên bốn xu hướng nổi bật về nội dung của thơ sau 1975 là: xu
hướng viết về chiến tranh qua những khúc ca bi tráng về số phận của dân tộc;
xu hướng trở về với cái tôi cá nhân, những âu lo của đời sống thường nhật; xu
hướng đi sâu vào những vùng mờ tâm linh đậm chất tượng trưng siêu thực; xu

6
hướng hiện đại (và hậu hiện đại). Cũng trong bài viết này, tác giả còn đề cập
đến sự vận động thể loại và đặc điểm ngôn ngữ thơ sau 1975.
Tác giả Mã Giang Lân trong công trình Văn học hiện đại Việt Nam:
Vấn đề - tác giả [46] đã tổng quan về thơ sau 1975 và chỉ ra những đặc điểm
nổi bật của thơ giai đoạn này đó là: khẳng định con người cá tính; trở về quá
khứ, khai thác truyền thống để tìm kiếm những giá trị tinh thần; chiêm
nghiệm về lịch sử, dân tộc, thế sự nhân sinh; xuất hiện những bài thơ theo xu
hướng hiện đại chủ nghĩa.
Tác giả Bích Thu qua bài viết Nhận diện thơ qua hệ thống thể tài [58]
đã chỉ ra các chủ đề chính của thơ Việt Nam sau chiến tranh, là: “Cảm hứng
về sự thật và con người”, “Đi tìm bản thân, trở về cái tôi, khẳng định cá tính”,
“Tình yêu trong thơ”, “Cảm nhận thời gian, cái chết”, “Thế giới tâm linh”
Sự dịch chuyển từ cảm hứng sử thi sang cảm hứng thế sự, đời tư đã dẫn
đến sự thay đổi dần dần về giọng điệu, ngôn ngữ, hình ảnh, thể loại của thơ
sau chiến tranh. Điều này được phân tích trong các công trình Những cấu trúc
của thơ của tác giả Mã Giang Lân [45]; Mấy vấn đề về thơ Việt Nam 1975 –
2000 của tác giả Phạm Quốc Ca [5]
Tác giả Trịnh Thị Hằng trong luận văn Cảm hứng thế sự đời tư trong thơ
Việt Nam 1975 - 2000 [25] đã lần lượt phân tích các biểu hiện của nội dung thế

sự đời tư cùng với những đăc điểm về hình thức thể hiện thơ giai đoạn này.
Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi, cho đến thời điểm này vẫn chưa
có ý kiến nào bàn về cảm hứng chủ đạo nói chung và cảm hứng thế sự, đời tư
nói riêng trong thơ Việt Nam mười năm đầu thế kỷ XXI. Việc nghiên cứu
cảm hứng thế sự đời tư trong thơ Việt Nam đầu thế kỷ XXI là một việc làm
cần thiết để góp phần làm rõ hơn sự vận động của thơ Việt Nam hiện đại.
3. Mục đích, đối tƣợng, phạm vi nghiên cứu
3.1. Mục đích

7
Luận văn hướng tới mục đích khảo sát, tìm hiểu những đặc điểm về nội
dung và hình thức nghệ thuật của thơ ca mười năm đầu thế kỷ XXI, từ đó góp
phần nhận diện nền thơ ca Việt Nam đương đại.
3.2. Đối tượng
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là những tác phẩm, tác giả tiêu biểu
của thơ ca Việt Nam mười năm đầu thế kỷ XXI.
3.3. Phạm vi nghiên cứu
Do số lượng tác phẩm thơ được in ấn và xuất bản trong mười năm đầu
thế kỷ XXI là rất nhiều nên luận văn chú trọng tìm hiểu các tác phẩm tiêu
biểu đã được tuyển chọn trong tuyển thơ Thơ mười năm đầu thế kỷ XXI (2
tập) do Nxb Hội nhà văn phát hành tháng 10 năm 2010 [65]. Khi cần thiết
chúng tôi mở rộng tới một số bài thơ khác (nằm ngoài tuyển thơ trên) nhằm
làm rõ hơn những nhận định của luận văn.
4. Phƣơng pháp nghiên cứu
Luận văn sử dụng các phương pháp chủ đạo là:
- Phương pháp phân tích và tổng hợp
- Phương pháp thống kê
- Phương pháp so sánh
- Phương pháp xã hội học lịch sử
- Phương pháp hệ thống

Ngoài ra chúng tôi còn sử dụng một số thao tác bổ trợ của thi pháp học.
5. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, nội dung chính của luận văn được
triển khai qua ba chương:
- Chương 1: Tình hình xã hội và thơ ca Việt Nam mười năm đầu thế kỷ XXI
- Chương 2: Cảm hứng thế sự, đời tư trong thơ Việt Nam đầu thế kỷ XXI
- Chương 3. Phương thức thể hiện trong thơ mười năm đầu thế kỷ XXI.

8
NỘI DUNG
Chƣơng 1. TÌNH HÌNH XÃ HỘI VÀ THƠ CA VIỆT NAM MƢỜI NĂM
ĐẦU THẾ KỶ XXI
1.1. Xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XXI
Mười năm đầu của thế kỉ XXI đã đi qua, trong khoảng thời gian
đó, xã hội Việt Nam đã có nhiều chuyển biến quan trọng ảnh hưởng sâu
sắc đến đời sống văn học.
Những năm đầu thế kỷ XXI, mặc dù thế giới có nhiều biến động
bất ổn nhưng nước ta vẫn giữ được ổn định chính trị - xã hội, kinh tế tiếp
tục tăng trưởng. Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào
nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình trên thế giới. Theo Văn
kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 1
năm 2011), trong giai đoạn từ 2001 - 2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình
quân của nước ta đạt 7,26%/năm; tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2010
theo giá thực tế gấp 3,26 lần so với năm 2000. Thể chế kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện; chủ
trương, đường lối đổi mới của Đảng tiếp tục được thể chế hóa thành luật
pháp, cơ chế, chính sách ngày càng đầy đủ, đồng bộ hơn. Giáo dục và đào
tạo, khoa học và công nghệ, văn hoá và các lĩnh vực xã hội có nhiều tiến bộ.
Vấn đề bảo vệ tài nguyên, môi trường được chú trọng. Đời sống vật chất và
tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, dân chủ trong xã hội tiếp tục

được mở rộng. Quốc phòng, an ninh được tăng cường.
Mười năm qua cũng đánh dấu quá trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ của
nước ta tiêu biểu là sự kiện gia nhập WTO vào năm 2006. Giao lưu văn hoá
phát triển, văn học nói chung và thơ ca nói riêng được tiếp cận với những trào
lưu nghệ thuật hiện đại của thế giới. Với sự phát triển của các phương tiện
thông tin truyền thông, đặc biệt là mạng Internet, tác phẩm văn học dễ dàng

9
đến với công chúng, đời sống văn học trở nên phong phú, sôi nổi hơn.
Internet đã thay đổi cách viết - công bố - đọc - nghĩ - cảm của người sáng tác
lẫn người đọc. Qua các website, blog cá nhân, các tác giả tự do trình bày
những thử nghiệm mới, từ đó ra đời những khuynh hướng, trào lưu mới trong
văn học. Có một sự thật là: số lượng người in sáng tác và đọc trên mạng là rất
lớn, vượt trội so với văn chương giấy và ngày càng tăng; các cuộc luận bàn
sôi nổi về văn chương cũng phần lớn diễn ra ở trên Internet.
Bên cạnh đó, nước ta cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, bất
ổn. Đầu thế kỷ XXI, thế giới lâm vào một cuộc suy thoái kinh tế có quy mô
toàn cầu; ảnh hưởng bởi điều đó tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nước giảm
sút rõ rệt. Thảm họa thiên tai do khí hậu biến đổi diễn ra thường xuyên hơn,
mức độ tàn phá khủng khiếp hơn không chỉ ở nước ta mà trên toàn thế giới
khiến loài người phải thực sự suy nghĩ nghiêm túc về sự tồn vong của mình.
Hội nhập quốc tế cũng làm nảy sinh nguy cơ mai một các giá trị văn hóa
truyền thống trước sự xâm thực của văn hóa ngoại lai. Cuối thập niên đầu tiên
của thế kỷ XXI, tình hình biển Đông trở nên vô cùng căng thẳng, chủ quyền
biển, đảo của nước ta bị đe doạ bởi các thế lực bành trướng…
Tất cả những vấn đề xã hội đó có tác động không nhỏ đến cảm hứng
chủ đạo trong thơ Việt Nam mười năm đầu thế kỷ XXI.
1.2. Đời sống thơ ca mƣời năm đầu thế kỷ XXI
1.2.1. Cách tân là vấn đề cấp thiết của thơ ca
Từ giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, nhiều người đã nói đến sự

“khủng hoảng thơ”. Có một nghịch lý là số lượng người viết thì đông lên,
đông như chưa từng có, còn người đọc thì giảm đi trông thấy, trên rất nhiều
chỉ số. Dường như người làm thơ và người đọc thơ hôm nay ít có tiếng nói
chung. Thơ có sự bùng nổ chỉ có điều là bùng nổ về số lượng chứ không
phải về chất lượng. Thơ in tràn lan, ước tính mỗi năm có khoảng bảy trăm tập

10
thơ ra đời, nhưng chẳng có mấy tập thơ gây được tiếng vang. Nói một cách
công bằng thì hiện nay không phải là không có thơ hay. Có điều thơ hay, thơ
sâu sắc thường rất hiếm. Thơ hay hôm nay vừa hiếm lại vừa bị chen lấn, bị
khuất lấp, bị đánh đồng với thơ dở. Nó tựa nụ hoa tí xíu trong đám cỏ rậm rạp
của những phế liệu, cần những con mắt công tâm và tinh tường của nhà phê
bình, gạn ra tinh tuý từ những phế liệu ngổn ngang kia. Cũng có người cất
công quyết “đãi cát tìm vàng”, đó là Nguyễn Việt Chiến với công trình Tuyển
thơ Việt Nam tìm tòi và cách tân 1975 - 2005 xuất bản tháng 12/2007. Đây là
một hợp tuyển thơ đáng để đọc nhưng không hiểu sao cho đến nay công
chúng không mấy ai quan tâm. Có phải là khâu quảng bá của tác phẩm kém
hay tại bởi một nguyên nhân khác là thơ đang bị “lép vế” trước những phương
tiện nghe nhìn đang ngày càng hiện đại? Thơ bị mất giá cũng là tình trạng
chung ở các quốc gia khác. Hiện nay, văn học của hầu hết các nước trên thế
giới đang chứng kiến một hiện tượng gần như có thể gọi là sự khủng hoảng
của thơ. Người ta đã dùng những từ ngữ như “hoang mạc thơ”, “thơ là món
hàng ế ẩm” hay “nhà thơ thất nghiệp”. Thơ ư, chẳng có mấy người đọc. Các
nhà xuất bản chẳng còn hào hứng bỏ vốn ra để in thơ. Các tác phẩm thơ hiện
nay phần lớn là do tác giả tự bỏ tiền túi ra để in. Còn tác giả có tác phẩm được
chọn in trong những hợp tuyển thơ sẽ được trả nhuận bút bằng… sách! Câu
hỏi đặt ra là “liệu thơ có nên còn tồn tại trong cuộc sống hôm nay?” Nhà phê
bình văn học đương đại Đức Macel Reich Ranicky nói một cách bi quan:
“Xin cứ nói thẳng: Thơ ư, có cần thật không? Hàng triệu người sống không
cần thơ có sao đâu? Họ chẳng biết gì đến thơ mà vẫn hoàn toàn hạnh phúc.

Họ chẳng thấy thiếu gì hết và còn tránh được khối điều phiền toái. Bởi thơ là
một thể loại văn chương vô cùng đáng ngờ, và có đủ lý do để nhắc nhở ta hãy
coi chừng nó.” Ý kiến của Macel Reich Ranicky rõ ràng đã hơi quá. Chúng
tôi cho rằng thơ là một nghệ thuật luôn luôn cần thiết cho loài người, nói như

11
Hoài Thanh “… từ bao giờ đến bây giờ, từ Homère đến Kinh thi, đến ca dao
Việt Nam, thơ vẫn là một sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại. Nó đã ra đời
giữa những vui buồn của loài người và nó sẽ kết bạn với loài người cho đến
ngày tận thế” [75, tr. 42]. Vấn đề là ở chỗ làm sao để thơ “chạm” đến được
đời sống tinh thần của xã hội hôm nay, để theo kịp nhu cầu của bạn đọc. Thơ
phải cách tân, đó là vấn đề sống còn của thơ!
Cách tân thơ không chỉ là là đòi hỏi từ thực tiễn đời sống mà còn từ
chính nhu cầu nội tại của thơ. Thơ là một nghệ thuật mà nghệ thuật đồng
nghĩa với sự sáng tạo. Thế nhưng lối viết theo kiểu thơ Mới ra đời cách đây
gần một thế kỷ vẫn còn ảnh hưởng đến tận bây giờ, thậm chí có nhà thơ còn
cho rằng thơ hiện nay chỉ là vệt kéo dài của thơ Mới. Không ai phủ nhận
những thành tựu đột phá của thơ Mới đối với văn học dân tộc, nhưng cái hay
lặp đi lặp lại mãi cũng nhàm. Có một thực tế là những bài thơ giọng điệu đều
đều, du dương không còn thu hút được nhiều độc giả hiện nay.
Xã hội thay đổi, nhu cầu thẩm mĩ cuả con người cũng thay đổi, thơ
cũng cần thay đổi để đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ mới ấy. Theo những điều tra
xã hội học của nhóm nghiên cứu đề tài Công chúng và giao lưu quảng bá văn
học thời kỳ đổi mới do PGS.TS. Tôn Thảo Miên làm chủ nhiệm (Viện Văn
học - 2011), sự thay đổi thị hiếu thẩm mĩ của công chúng về mặt đề tài, chủ
đề được thể hiện khá cụ thể. Các đề tài, chủ đề được nêu ra nhằm khảo sát thị
hiếu của công chúng như đề tài chiến tranh, nông thôn, tình yêu, hôn nhân,
lịch sử, dã sử, trinh thám, viễn tưởng, kinh dị… đã giúp minh định những
diễn trạng thị hiếu thẩm mĩ trong đời sống văn học. Kết quả điều tra ngẫu
nhiên trên 636 đối tượng tại Hà Nội đã cho thấy 65.9% số người được hỏi đã

chọn đề tài hôn nhân, tình yêu cho sự đọc của mình. Các đề tài tiếp theo cũng
minh chứng một sự chuyển dịch trong thị hiếu thẩm mĩ của công chúng: đề tài
chiến tranh 37.1%, đề tài nông thôn 37%, lịch sử 31.9%, trinh thám 31%

12
Các tác phẩm hướng tới giá trị tư tưởng cao, mang tầm vóc nhân văn, nhân
bản thu hút được 69.1% số đối tượng tham gia khảo sát. Tiếp sau đó, các tác
phẩm đề cao tính nghệ thuật cũng thu hút được tới 50.2% công chúng. Các
chủ đề khác như tâm linh, vô thức thu hút 41.3%, trào phúng 38.8% [74]. Các
số liệu trên cho thấy công chúng ngày nay chuộng những vấn đề thuộc về
cuộc sống thường ngày như gia đình, tình yêu, chứ không phải những vấn
đề mang tầm vóc lớn như dân tộc, nhân loại. Công chúng cũng rất quan tâm
đến giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, đòi hỏi tác phẩm vừa phải có
tính nghệ thuật cao và phải mang giá trị nhân văn, nhân bản. Điều này vừa
định hướng phát triển cho thơ, vừa là thách thức đối với các nhà thơ hiện nay.
Từ cuối thế kỷ XX đến nay, chúng ta thấy rõ thơ có sự phát triển
nhanh chóng về lực lượng sáng tác. Thế hệ những nhà thơ trưởng thành trong
thời chống Mỹ như Thanh Thảo, Nguyễn Khoa Điềm, Ý Nhi, Nguyễn Duy,
Hữu Thỉnh có nhiều đổi mới trong giọng điệu và bút pháp Tiếp đó là những
nhà thơ trưởng thành sau 1975 như Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn,
Trần Tiến Dũng, Trần Anh Thái, Hoàng Trần Cương, rất sung sức và khát
khao sáng tạo. Cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, thi đàn chứng kiến sự nở nộ
của những nhà thơ rất trẻ thuộc thế hệ 7X, 8X như Văn Cầm Hải, Vi Thùy
Linh, Ly Hoàng Ly, Phan Huyền Thư, Lê Vĩnh Tài, Tuệ Nguyên , những
nhà thơ trẻ này mỗi người đang nỗ lực khám phá một lối đi riêng không giống
ai và thực sự họ là những người tiềm ẩn những khả năng làm thay đổi diện
mạo thơ Việt. Bên cạnh đó cũng phải kể đến lực lượng sáng tác ở hải ngoại
cũng đang góp phần làm hiện đại thơ Việt như các nhà thơ Tân hình thức ở
Mĩ và các tên tuổi khác như Đỗ Quyên, Lê Thị Thẩm Vân,
Như vậy, với một lực lượng sáng tác dồi dào, khát khao đổi mới cộng

với sự thôi thúc phải đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ mới của công chúng, cách tân
thơ là nhu cầu nội tại của thơ ca hiện nay

13
1.2.2. Phong trào cách tân và cuộc cách mạng thơ chưa thành
Cách tân thơ Việt hiện đại không phải đến bây giờ mới bắt đầu thực
hiện. Đầu tiên phải kể đến Trần Dần rồi Hoàng Cầm, Thanh Thảo, Nguyễn
Duy, Lê Đạt, Dương Tường, Hoàng Hưng, Đặng Đình Hưng,… họ đã thử
nghiệm cách tân thơ từ thập niên 80 của thế kỷ XX. Sang thế kỷ XXI, thế hệ
các nhà thơ trẻ hơn có một khát khao mãnh liệt tiếp tục sự nghiệp làm mới thơ
của thế hệ tiền bối. Nhiều trào lưu, khuynh hướng sáng tác thơ ra đời làm
không khí thơ trở nên sôi động. Có thể kể đến các trào lưu tiêu biểu sau đây:
Thơ tân hình thức (new formalism poetry), là phong trào thơ do Khế
Iêm khai sinh ở Mĩ vào năm 2000 (chủ yếu đăng ở Tạp chí Thơ, Hoa Kì),
truyền bá sang Việt Nam, được các thi sĩ không chính lưu ở Sài Gòn tích cực
hưởng ứng, tạo không khí thơ sôi động một thời. Trong cuốn tiểu luận có tên
Tứ khúc (bản tự in), Khế Iêm cho rằng, Tân hình thức trong thơ Việt có
những đặc tính chính: cách nói thông thường, vắt dòng, kỹ thuật lặp lại và
tính truyện. Mặc dù Tân hình thức Việt với khát vọng cách tân thành thực,
chủ trương dòng thơ “mang tinh thần Việt, có khả năng hòa giải và tiếp
nhận rất cao, không hề có sự phân biệt giữa dòng này và dòng khác”, “thơ
Tân hình thức bỏ vần, tiếp tục hòa giải với nền văn hóa phương Tây. Và
cũng trong tinh thần hòa giải, giữa truyền thống và tự do, thơ Tân hình
thức Việt là một dòng chảy mới, như tiếng nói của mọi người Việt, tha thiết
với sự chuyển đổi, để có thể đập chung một nhịp đập với cộng đồng thế
giới rộng lớn. Và bởi tính cách bình dân của nó, thơ Tân hình thức có khả
năng chuyên chở tình cảm của mọi con người, phá vỡ tính cao cấp, khó
hiểu…có khả năng lấp đi khoảng cách giữa người đọc và sáng tác” [41],
nhưng đó chỉ là sự tiếp thu sơ sài, tùy tiện thi pháp New Formalism, thậm
chí có những lập luận khá cực đoan và sai lầm. Trong bài Thơ mở rộng

biên độ, nhà nghiên cứu Mã Giang Lân đã nhận xét: “Tân hình thức chỉ là

14
hình thức”. Ở những nhóm thơ này thường thấy lí luận chắp vá, cờ hiệu
ồn ào mà ít thấy tác phẩm. Nhà
thơ Thụy Khuê đã phê phán: “Nếu
chúng ta
chỉ sống trên những tên gọi: Siêu thực, Tự do, Tân hình thức, Hiện đại, Hậu
hiện đại, Truyền thống… mà không tìm hiểu dưới những cái tên ấy có nội
dung gì, thì khó có thể có một lên đường đích thực”. Insarasa thì khái quát
những hạn chế của thơ Tân hình thức như sau: “ vần và lặp lại nguy cơ (và
đã từng) đưa thơ vào sự quẩn quanh, nhàm chán; yếu tố tính truyện đã xô rất
nhiều bài thơ trở thành lan man và nhảm; ngôn ngữ đời thường khiến không
ít người làm thơ lạm dụng ngôn từ dung tục từ đó tầm thường hóa thơ” [34].
Quả thật, nhiều bài thơ Tân hình thức có nội dung nhảm nhí, hoặc “rỗng
nghĩa”, không đem lại hiệu quả thẩm mĩ gì:
Thùng thình lình anh vùng vẫy tay
xua đuổi em đi mặc dù (em
biết) anh thích em thậm chí nhiều
khi rất cần em lắm lúc ban
ngày em cũng đến với anh bất
cứ lúc nào chỗ nào anh muốn
em bởi vì (em biết) anh vẫn
thích em thậm chí rất cần có
em và sẽ một lần nào đó
đón em đến với anh mãi mãi …
(Thứ nguyên 4/534, 046
o
- Biển Bắc)
Với cái thân thể vừa được khâu vá lại đêm

Qua ghép tim heo phổi bò óc ni - lông răng
Giả và đôi tay từ cái thây ma của 1
Thằng mĩ trắng serial killer & da
Mặt là da đít và tứ chi bằng xương bằng

15
Thịt plastic hồng với con mắt cao đài độc
Nhãn & khối óc là một con chíp tôi thảo
Những program hạnh phúc dài hạn cho mai sau
Tôi ngó lại đời mình ôi nó mới tinh ôi
Nó mới tuyệt xinh ôi nó tột đỉnh ôi cám ơn
Ôi danke scho’n herr doctor frankensto’n
(Chỉnh hình mùa phục sinh - Nguyễn Đăng Thường)
Tuy vậy cũng phải thừa nhận rằng, trong thơ Tân hình thức thỉnh
thoảng cũng có những bài thơ hay, câu thơ hay, ý tưởng lạ:
Tôi sống trong ngôi nhà không cửa
Mỗi người đến thăm phải mang theo cửa
Trên lưng. Lắp vào ngồi nói chuyện, xong,
Khi từ biệt họ ra đi cùng với cửa
Sự riêng tư của tôi phụ thuộc vào
Việc viếng thăm của những người này
(Nhà không cửa - Phan Nhiên Hạo)
khát vọng tức tưởi máu xông từ
đầu mắt tay khi đỉnh điểm thái
dương loe lóe những con chữ bỗng
hiển linh thì nắng được tẩm liệm
trong suốt, trong suốt. Trong và suốt!
(Những con chữ nhảy lò cò - Lê Hưng Tiến)
Chỉ tiếc rằng những bài thơ như thế còn quá ít, chưa đủ để thơ Tân hình
thức thu hút được sự quan tâm của bạn đọc.

Thơ nữ quyền luận, không phải đến bây giờ nước ta mới có thơ nữ
quyền. Thời trung đại, Hồ Xuân Hương là một gương mặt nữ quyền đầy thú
vị. Từ sau Đổi mới, (1986), thơ nữ quyền cũng xuất hiện với các sáng tác của

16
Dư Thị Hoàn, Thảo Phương, Phạm Thị Ngọc Liên, Lê Khánh Mai, cùng vài
tên tuổi khác. Tuy vậy, nó vẫn còn khá mờ nhạt và bị lẫn với thơ hậu lãng
mạn. Phải đợi đến nhóm Ngựa Trời xuất hiện tại Sài Gòn bằng tập thơ Dự
báo phi thời tiết (2005), vấn đề nữ quyền trong văn chương mới hiển lộ rõ
hơn. Nhóm Ngựa trời gồm 5 cô gái: Thanh Xuân, Lynh Bacardi, Nguyệt
Phạm, Phương Lan, Khương Hà. Tham vọng thi ca của họ là muốn tạo ra một
cơn bão làm khuấy động thi đàn: “Tôi đi bằng những bức họa ở EL / rời khỏi
bầy đàn / âm thầm như cơn bão” (Bão cấp - Thanh Xuân). Trong thơ họ, ta
thấy khát vọng muốn nổi loạn để đi tìm cá tính: “Tôi đã rút ván khỏi tôi /
Khỏi đứa bé sinh ra để luôn được người ta nhắc đến làm gương, tị hiềm và
ngưỡng mộ / Khỏi đứa bé rất ngoan và giỏi / niềm hãnh diện to đùng của mẹ
cha / Đứa bé biết khoanh tay với cả những kẻ vô cớ bạt tai mình và nói: ạ,
cảm ơn, rất biết ơn trước khi biết cong cớn chửi thề” (Mặc cảm chiếm hữu -
Phương Lan). Trong tình yêu, họ muốn được là người chủ động: “Mình tự
nhủ, đã vậy, mình mua gỗ về khắc hình con chó / Bày ra giữa chợ mà gào:
“Chàng có thương thì chọn chó em / Nếu cả chàng cũng không thương thì
chó nó chọn em / Nhưng em thế này mà chàng không thương / thì em thà chọn
chó còn hơn chọn chàng” (Buồn không thể tả - Khương Hà). Tất nhiên, cũng
như các nhà thơ nữ quyền khác, họ không thể không nói đến vấn đề giải
phóng tình dục - sex (Yêu nhau ngày chảy máu, Vàng từng ngọn tóc - Lynh
Bacardi). Tuy nhiên sau vụ việc tập thơ Dự báo phi thời tiết bị thu hồi, ngoại
trừ Lynh Bacardi vẫn đều đặn viết, các thành viên còn lại của nhóm dường
như bị chững lại, cuộc cách mạng thơ của họ ngang chừng bị bỏ dở. Gần đây
trên văn đàn xuất hiện tên tuổi Đoàn Minh Châu, tác giả nữ được xem là
mang yếu tố nữ quyền nhất trong các khuôn mặt mới. Thơ Đoàn Minh Châu

có một giọng điệu riêng, vẫn là khát vọng muốn thể hiện cái tôi bản lĩnh
nhưng không ồn ào, không nổi loạn, phá phách mà lặng lẽ, âm thầm, quyết

17
liệt “… một cái tôi to đùng / tôi đã đem nhét dưới đáy chiếc ba lô cũ màu xám
xanh / tách khỏi những gương mặt quen / tôi / người lạ / buổi chiều, café vỉa
hè Nguyễn Du / ngồi nghe đường phố thở / nghe mình đang thở.” (Tôi), “mai
mốt người xa rồi / tôi sẽ đổ tuột thành phố vào dòng sông Hàn nguội ngắt”
(Thành phố). Ngoài thơ của các tác giả kể trên, xu hướng nữ quyền xuất hiện
nhiều trong thơ của một số tác giả nữ khác như Vi Thuỳ Linh, Phan Huyền
Thư, Trang Thanh …
Thơ thị giác (visual poetry) trong đó thơ trình diễn (poetry
performance) là một nhánh nổi bật. Thơ thị giác kết hợp thơ với ảnh chụp, với
hình vẽ, video đã được Đinh Linh, Đỗ Kh., Tam Lệ, Lê Văn Tài thực hiện
từ vài năm trước. Năm 2001, tại quán cafe EraWine - TP Hồ Chí Minh, họa sĩ
Như Huy là người khơi mào cho thơ trình diễn Việt Nam, bằng một màn trình
diễn thơ trước ít khán giả. Mãi năm 2005, Hà Nội mới biết đến loại hình
nghệ thuật mới này qua chương trình Chiều buông đầy những tiếng thở dài
của nhà thơ Dương Tường tại L’Espace (Trung tâm Văn hóa Pháp). Chỉ từ
năm 2007, với sự hỗ trợ đắc lực của Hội đồng Anh, sau đó là Trung tâm văn
hóa Pháp, thơ trình diễn mới rộ lên. Sau đó, qua nỗ lực của các tên tuổi nổi
tiếng như Roger Robinson, Francesca Beard của Anh, Jean-Michel Maulpoix,
André Velter của Pháp kết hợp với các nhà thơ Việt Nam: Nguyễn Vĩnh Tiến,
Dạ Thảo Phương, Vi Thùy Linh, Trương Quế Chi, Ly Hoàng Ly, Nguyệt
Phạm, Phương Lan, Thanh Xuân rồi tại Sân Thơ Trẻ ở Văn Miếu vào năm
2008 và 2009, thơ trình diễn đã tiến những bước đáng kể. Thế nhưng, tìm đâu
sợi dây kết liên giữa nhà thơ trình diễn và khán giả để tương tác trúng tiết tạo
hiệu quả nghệ thuật cao thì vẫn chưa có câu trả lời. Nhìn lại các buổi trình
diễn của các nhà thơ Việt Nam, hầu như không thấy có sự giao lưu giữa nhà
thơ và khán giả. Các nhà thơ chọn thơ/ trình diễn thơ hết sức bản năng và chủ

quan, không quan tâm đến việc khán/ thính giả của mình là ai, nhu cầu ra sao.

18
Từ đó dẫn tới việc không có sự kết nối giữa nhà thơ và khán/ thính giả. Tác
phẩm thơ vì thế cũng nhanh chóng rơi vào quên lãng, trừ khi nhà thơ đọc đi
đọc lại một bài thơ đã quá cũ (nhưng được đông đảo công chúng biết đến)
trong hai, ba buổi trình diễn khác nhau. Khi xem các buổi trình diễn thơ giao
lưu giữa các chuyên gia về trình diễn thơ của nước ngoài và các nhà thơ của
Việt Nam, có thể nhận ra rằng: trong khi các nhà thơ (Roger Robinson,
Francesca Beard của Anh, Jean - Michel Maulpoix, André Velter của Pháp)
“đọc thơ mình một cách giản dị, tự nhiên, truyền cảm chủ yếu bằng giọng đọc
và động tác hình thể có mức độ” (như nhận xét của nhà thơ Hoàng Hưng) thì
các nhà thơ Việt Nam quá lạm dụng các yếu tố phụ trợ như âm nhạc, tiếng
động đường phố, hình ảnh (video art), ánh sáng làm thơ từ yếu tố chính trở
thành phụ. Tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ VI, nhiều tác phẩm trình diễn thơ
minh họa vội và thô làm thơ trình diễn không thể đến được với công chúng. Ít
ai nhớ được các nhà thơ trẻ đọc bài gì, họ chỉ ghi nhận Vi Thùy Linh, Đào Kế
Đoàn biểu diễn kịch câm hình thể khá đạt; Đoàn Văn Mật cùng Tấn Cường
“chèo hóa” thơ; Dạ Thảo Phương cùng Minh Ánh, Dương Hoàng Yến kết hợp
thơ với nhạc nhưng nhạc lại có phần nổi trội; Hồ Huy Sơn sắp đặt thơ với
người rối, mặt nạ một cách máy móc, khiên cưỡng gây cho người xem cảm
giác tẻ nhạt, bức bối Bởi vậy, dù hiện nay trình diễn thơ đang rộ lên như
một phong trào nhưng thơ trình diễn vẫn chưa tạo được nhiều dấu ấn với
người khán/ thính giả.
Thơ hậu hiện đại là trào lưu thơ bắt đầu từ giữa thập niên 90 của thế kỷ
XX và cho đến nay nó có ảnh hưởng nhất định đến các nhà thơ trẻ. Vậy thế
nào là thơ hậu hiện đại? Trước hết ta cần làm rõ chủ nghĩa hậu hiện đại là gì.
Nhưng khái niệm này cho đến nay vẫn chưa có sự thống nhất giữa các nhà
nghiên cứu. Nguyễn Văn Dân đã khảo sát và phân ra ba nhóm quan niệm
chính về hậu hiện đại trong nghệ thuật như sau:


19
1. Chủ nghĩa hậu hiện đại như là đỉnh cao của chủ nghĩa hiện đại (quan
điểm của Lyotard, Hassan), nói một cách khác nó là “cơn kịch phát của chủ
nghĩa hiện đại”; hay là sự nối dài của chủ nghĩa hiện đại (quan điểm của
Robert Hughes);
2. Chủ nghĩa hậu hiện đại như là sự quay trở về với truyền thống để chống
lại chủ nghĩa hiện đại (Smith, Portoghesi, Lipovetsky ); đặc biệt là trong
kiến trúc và nghệ thuật tạo hình, trong đó có sự kết hợp chiết trung giữa hiện
đại với quá khứ (Christopher Masters);
3. Chủ nghĩa hậu hiện đại như là một sự vượt khỏi chủ nghĩa hiện đại, một
phong trào lai tạp mới và tương phản với chủ nghĩa hiện đại (Jencks,
Koehler ) [8].
Cho dù khái niệm về chủ nghĩa hậu hiện đại đến nay vẫn còn chưa
thống nhất nhưng trên thực tế đã hình thành quan điểm mỹ học hậu hiện đại.
Quan điểm mỹ học mang những đặc điểm như: xoá nhoà ranh giới giữa nghệ
thuật và đời sống thường ngày; phá bỏ những giai tầng văn hoá quý phái và
văn hoá đại chúng; phủ nhận tính chất nguyên thuỷ của một tác phẩm nghệ
thuật và cho rằng nghệ thuật cũng chỉ là một hiện tượng lặp lại; tính chất kết
dính nhiều mảng kết cấu khác nhau trong cùng một tác phẩm, tựa như một
bức tranh khảm có nhiều chất liệu dị biệt. Nghệ thuật hậu hiện đại cũng có
nhiều điểm tương đồng với quan niệm mỹ học hiện đại, như sự soi rọi nội
tâm, ý thức bản ngã, cách đoạn và không liên tục, tính đồng diễn… Nhưng
ngược lại, thái độ của chủ nghĩa hậu hiện đại trong mỹ học là phi cấu trúc, phi
tâm hoá và từ chối vai trò chủ thể của con người, một sự tiếp nhận, mô tả hiện
tượng không suy diễn, không chú ý đến chiều sâu, không diễn dịch bản chất
sự vật theo chủ quan tác giả; thay vào đó, tác giả cũng tham gia vào một trò
chơi ngoại biểu, tạo ra những đối kháng có tính chất mỉa mai và châm biếm
để người đọc tự tìm thấy trong tác phẩm và nếu cần tác giả sẽ chủ động lôi


20
kéo người đọc vào trò chơi đó.
Thơ hậu hiện đại là trào lưu thơ chịu ảnh hưởng của quan điểm mỹ học
hậu hiện đại. Nhận diện thơ hậu hiện đại Việt, Inrasara cho rằng: “Thơ hậu
hiện đại vận dụng mọi thủ pháp tiếp nhận từ đồng nghiệp trên thế giới để
sáng tạo nhiều loại thơ chưa từng có mặt trong truyền thống thơ ca Việt Nam
trước đó: phỏng nhại, siêu hư cấu sử kí, thơ phụ âm, thơ graphic, thơ thực
hiện, thơ cụ thể, thơ phân thân, thơ động tác, thơ tịnh tiến, vân vân. Không ít
nhà thơ viết truyện rất ngắn mà cứ xếp nó vào mục thơ, có kẻ viết thơ như viết
tiểu luận ngôn ngữ. Hậu hiện đại giải khu biệt hóa và phi tâm hóa ngay trong
các thể loại. Tất cả xuất phát từ cảm thức hậu hiện đại. Cảm thức thế giới là
hỗn độn, nhận thức thế giới của con người luôn đầy thiếu khuyết, các thiếu
khuyết được diễn dịch một cách chủ quan bằng giải trình ngôn ngữ
(discourse). Chúng hoàn toàn phụ thuộc vào kinh nghiệm cá nhân. Bất tín
nhận thức, hậu hiện đại coi đại tự sự (grand narratives) như là thứ huyền
thoại mang ở tự thân sự bạo động từng thao túng cuộc sống nhân loại, khiến
họ ngày càng chìm sâu hơn trong nỗi vong thân. Bên cạnh thức tỉnh nhân loại
tự thức trước những giấc mơ đại tự sự, hậu hiện đại thúc đẩy con người trực
diện với chính thời đại mình đang sống, một thứ hiện thực thậm phồn (hyper-
reality)” [35]. Với tư tưởng như thế, thơ hậu hiện đại cũng có những ưu điểm
riêng của nó như: đề cao tính dân chủ trong văn học, khuyến khích khả năng
sáng tạo không giới hạn của nghệ sĩ, tăng cường sự sáng tạo trong tiếp nhận
của độc giả.
Nhưng có một thực tế là không ít nhà thơ đã tiếp thu một cách sống
sượng, máy móc chủ nghĩa hậu hiện đại. Lấy cớ giải trung tâm, giải cấu trúc,
phân mảnh, xoá nhoà nghệ thuật và cuộc sống thường ngày… nhiều nhà thơ
viết những tác phẩm mà ngôn từ, hình ảnh chẳng ăn nhập gì với nhau; hoặc có
khi lạm dụng ngôn ngữ đời thường, tục tĩu gây phản cảm ở người đọc. Nói

21

như Đông La: “Tinh thần hậu hiện đại đã và đang phảng phất đâu đó trong
văn chương Việt Nam cũng là lẽ thường tình, nhưng không có tài, không hiểu
biết đến nơi đến chốn mà mê muội bắt chước, thì chỉ làm ra được những bản
sao tồi mà thôi. Cũng đã có những nhóm cực đoan đúng là đã làm ra được
văn chương hậu hiện đại thứ thiệt nhưng tiếc là chỉ mới ở dạng thấp nhất của
nó… Có quá nhiều sự thô bỉ, bẩn thỉu, nhầy nhụa và hằn học, thậm chí lưu
manh, trong văn chương “hậu hiện đại” này. Trong văn chương có hỗn loạn,
thô tục, bẩn thỉu, bởi cuộc sống có phần như thế, nhưng coi chúng là “đặc
trưng”, là “thi pháp” thì đã phi lý, phi mỹ, phi luân và cuối cùng là phi nhân
hóa những đặc tính của văn chương”. [42]
Thơ hậu hiện đại chưa tạo ra nhiều thành tựu như người ta mong đợi.
Nhưng thỉnh thoảng cũng xuất hiện một vài thi phẩm vận dụng có chọn lọc
một số thủ pháp hậu hiện đại tạo nên sự mới, lạ và hay, bài thơ Cánh cửa đỏ
của Văn Cầm Hải là một ví dụ, xin trích ra đây một đoạn:
người đồi mồi
hạt điện tử cô độc đất Việt.
đã bàng hoàng phím đàn tiên phong
bình luận biển Đông
vườn tôi đau ngọn sóng khô tràn tre nứa
bầy sói mọc lông ấm thành cổ
bởi mặt đất vắng dần âm tính
thơ lên cõi dương
một bàn tay lạc nốt
cảnh cửa đỏ ngặt nghẽo cảm giác
chúng điềm nhiên mời tôi ly trà đặc nắng
bã mặt trời nghẽn pha cuống họng

×