Tải bản đầy đủ (.pdf) (109 trang)

Đặc điểm thi pháp truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.4 MB, 109 trang )




ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN





NGUYỄN TH THU HIN







ĐC ĐIM THI PHP TRUYN NGN
NGUYÊ
̃
N QUANG SA
́
NG









LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC








HÀ NỘI - 2010



ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN





NGUYỄN THI
̣
THU HIÊ
̀
N





ĐC ĐIM THI PHP TRUYN NGN
NGUYÊ
̃
N QUANG SA
́
NG


CHUYÊN NGÀNH : LÝ LUẬN VĂN HỌC
MÃ SỐ : 60.22.32





LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC




Người hướng dẫn khoa học:
PGS.TS. LÝ HOÀI THU



HÀ NỘI – 2010



1


MỤC LỤC

Mở đầu 3
Chương 1: Quan niệm nghệ thuật về con người của Nguyễn Quang Sáng
13
1.1. Con người giản dị mà phi thường trong cuộc sống chiến đấu 14
1.2. Con người phức tạp, dần bị tha hoá trong cuộc sống hậu chiến 22
1.3. Con người ân tình, nhạy cảm trong đời sống riêng tư 30
Chương 2: Không gian và thời gian nghệ thuật 38
2.1. Không gian nghệ thuật 38
2.1.1. Không gian sông nước Tháp Mười 39
2.1.2. Không gian phố thị Sài Gòn 47
2.2. Thời gian nghệ thuật 51
2.2.1. Thời gian quá khứ qua cái nhìn hồi tưởng 52
2.2.2. Thời gian hiện tại qua các mảng màu tâm trạng 60
Chương 3: Kết cấu- giọng điệu và ngôn ngữ 65
3.1. Kết cấu 65
3.1.1. Kết cấu sự kiện- tâm lí 66
3.1.2. Kết cấu đảo lộn trật tự thời gian 69
3.1.3. Kết cấu truyện lồng trong truyện 72
3.1.4. Kết cấu luận đề 75


2
3.2. Giọng điệu 77
3.2.1. Giọng ngợi ca khẳng định 78
3.2.2. Giọng cảm khái xót xa 81
3.2.3. Giọng “uy mua” 85
3.3. Ngôn ngữ 88

3.3.1. Ngôn ngữ đậm chất Nam Bộ 88
3.3.2. Ngôn ngữ vừa đậm tính kịch vừa giàu chất trữ tình 93
Kết luận 98
Tài liệu tham khảo 101


















3
MỞ ĐẦU

I. Lý do chọn đề tài
Nguyễn Quang Sáng đến với văn chương từ những năm 60 của thế kỉ
trước trong mối “cơ duyên” được xe trên chiến trường ác liệt. Suốt 50 năm
hành trình đi tìm kiếm chân lý nghệ thuật, Nguyễn Quang Sáng đã từng thử
sức trên nhiều lĩnh vực: tiểu thuyết, truyện vừa, kí, kịch bản phim…và cũng

đạt được những thành công nhất định. Nhưng thế mạnh thực sự của ông lại
thuộc về thể loại truyện ngắn bởi cứ nhắc đến Nguyễn Quang Sáng là độc giả
lại nhớ đến một cây bút viết truyện ngắn tài năng.
Kể từ tác phẩm đầu tay Con chim vàng (1958) đến nay, Nguyễn Quang
Sáng đã cho ra mắt bạn đọc hơn 100 truyện ngắn gắn liền với hàng loạt các
giải thưởng uy tín: giải thưởng cuộc thi truyện ngắn báo Thống Nhất (1959)
với tác phẩm Ông Năm Hạng, giải thưởng cuộc thi truyện ngắn Tạp chí văn
nghệ quân đội (1959) cho tác phẩm Tư Quắn, giải thưởng Hội nhà văn Việt
Nam (1994) cho những thể nghiệm thành công trong Con mèo của Fuojita,
giải Cây bút vàng (1998) trong cuộc thi truyện ngắn do Bộ công an và Hội
nhà văn tổ chức cho Về lại bức tranh xưa…Năm 2000, Nguyễn Quang Sáng
được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Không chỉ có vậy,
nhiều truyện ngắn của ông còn được đưa vào giảng dạy trong chương trình
phổ thông hoặc được chuyển thể thành kịch bản phim như Chiếc lược ngà,
Con gà trống, Quán rượu người câm, Chị Nhung, Tên của đứa con, Con khỉ
mồ côi…Đó là những cống hiến đáng trân trọng của nhà văn có thực tài này
với thể loại truyện ngắn nói riêng và nền văn xuôi Việt Nam hiện đại nói
chung.
Ngày nay nhìn lại có thể thấy Nguyễn Quang Sáng không gây choáng
ngợp bởi số lượng truyện ngắn đồ sộ mà tạo dấu ấn bền lâu nhờ phong cách


4
nghệ thuật độc đáo. Bạn văn, nhà phê bình và độc giả luôn nhớ tới ông như là
một nhà văn Nam Bộ điển hình, một người kể chuyện bẩm sinh. Tô Hoài khi
đọc Vểnh râu đã nhận xét: “Lần này đọc của Sáng, tôi đã thấy thuần lắm của
cốt cách văn phong một trung tâm- miền Nam là một trung tâm, mà trong văn
không có cái nhàn nhạt chữ nghĩa dùng cho miền nào cũng được” [7; tr.659].
Trần Đăng Khoa cũng suy nghĩ tương tự khi đọc Một chuyện vui: “Nó sống
động, nó sục lên cái mùi vị sông nước Tháp Mười, cả cái chất Nam Bộ đậm

đặc không thể trộn lẫn” [7; tr.660]. Còn Phan Đắc Lập cho rằng: “Nguyễn
Quang Sáng có biệt tài kể chuyện. Bằng một lối văn mộc mạc, anh cứ thủ thỉ
kể hết cuộc tình này đến cuộc tình khác như một người nông dân Nam Bộ kể
chuyện đời xưa và chuyện tiếu lâm. Ấy vậy mà với những trang viết mộc mạc
ấy, Nguyễn Quang Sáng đã chạm tới những rung động vi nhiệm của tình yêu”
[82; tr.102]. Thiết nghĩ đó mới là “giải thưởng” lớn nhất mà Nguyễn Quang
Sáng đạt được trên hành trình văn học của mình.
Đến nay tuy tuổi đã cao nhưng Nguyễn Quang Sáng vẫn miệt mài trên
những trang viết, như ông chưa thoả mãn những gì đã đạt được. Ông vẫn trăn
trở với tập truyện ngắn về miền Tây, vẫn nỗ lực tự đổi mới chính mình để
theo kịp bước đi của lịch sử và thời đại.
Trước những cống hiến không ngừng nghỉ của nhà văn Nam bộ “lão
thành”, chúng tôi thiết nghĩ phải có công trình nghiên cứu một cách hệ thống
về đặc trưng truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng. Luận văn này mong muốn góp
phần tìm hiểu truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng từ góc độ thi pháp để khẳng
định sự đóng góp cũng như tài năng, cá tính sáng tạo của ông đối với nền văn
học hiện đại Việt Nam.
II. Lịch sử vấn đề
Nguyễn Quang Sáng bắt đầu cầm bút từ 1952 hồi ở U Minh đánh Pháp. Kể
từ đó đến nay, hơn 70 năm tuổi đời, 50 năm tuổi nghề, Nguyễn Quang Sáng vẫn


5
giữ được sức sáng tạo và đổi mới dồi dào. Sáng tác của ông, bởi thế, cũng thu
hút được sự chú ý của không ít nhà phê bình, nghiên cứu. Các bài viết thường
được triển khai theo hai hướng: hoặc khái quát đặc trưng truyện ngắn Nguyễn
Quang Sáng qua tổng kết hàng loạt tác phẩm, hoặc đi sâu vào tìm hiểu một
truyện ngắn tiêu biểu của ông. Ở hướng tiếp cận nào thì các công trình đi trước
đều đưa ra những gợi ý thú vị cho người thực hiện luận văn này.
Năm 1969, tác giả Nguyễn Nghiệp đã có bài viết Đất nước và con người

miền Nam trong Chiếc lược ngà của Nguyễn Sáng đăng trên Tạp chí văn học
số 1. Bài viết là những nhận xét khái quát nhất về tập truyện ngắn Chiếc lược
ngà. Nguyễn Nghiệp chủ yếu thiên về tóm tắt lại nội dung các câu chuyện và
bước đầu đã đưa ra một số phát hiện về đặc điểm truyện ngắn Nguyễn Quang
Sáng: “Lối kể chuyện tưởng chừng như rất thoải mái, tuỳ hứng, nhưng thực ra
đã thông qua bàn tay rất chủ động của tác giả (…) Quá khứ với hiện tại xen
lẫn nhau, gắn bó với nhau theo lôgic bên trong của tính cách (…) Những chi
tiết đều là chọn lọc và đã được khai thác đúng mức, hành động bên ngoài nói
lên được tâm trạng bên trong” [68; tr.26]. Bài viết này có ý nghĩa như là một
trong những bài phê bình đầu tiên về truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng.
Năm 1975, trên Tạp chí Văn học số 2, tác giả Vân Thanh đã có một bản
tổng kết “dày dặn” và toàn diện hơn về Truyện ngắn Nguyễn Sáng. Nhìn lại
chặng đường sáng tác của Nguyễn Quang Sáng từ 1958- 1975, Vân Thanh đã
chỉ ra những đặc điểm nổi bật làm nên phong cách truyện ngắn của ông: “Nói
được một cái gì thật kì diệu trong những điều tưởng chừng rất bình thường
của cuộc sống, đó là đóng góp đáng chú ý của Nguyễn Sáng (…) Nhưng làm
quen với Nguyễn Sáng, người đọc được tiếp xúc nhiều hơn với những câu
chuyện được xây dựng trên những tình tiết ngẫu nhiên, bất ngờ, lắm khi gay
cấn, căng thẳng đầy tính kịch” [75; tr.17]. Vân Thanh còn đưa ra nhiều nhận
định sắc sảo, chính xác về chi tiết, nhân vật, tính kịch trong truyện ngắn


6
Nguyễn Quang Sáng như: “Truyện Nguyễn Sáng giàu chi tiết sống. Nhưng
chi tiết đối với anh không phải là một thứ trang sức để phô bày. Chi tiết được
anh dùng trước hết là nhằm khắc hoạ nhân vật… Cùng miêu tả lớp trẻ, nhưng
Nguyễn Sáng, mỗi người một nét khác nhau… Cùng miêu tả các cô giao liên,
nhưng qua ngòi bút Nguyễn Sáng, mỗi người vẫn có một vẻ riêng”. “Nhân vật
trong truyện ngắn Nguyễn Sáng là những con người được vươn lên trong ánh
sáng của cách mạng. Những nét u buồn không đọng lâu trong con người họ.

Khó khăn, mất mát, chết chóc là điều khó tránh khỏi trong cuộc chiến đấu ác
liệt này, nhưng điều đó không làm giảm lòng tin của họ vào chiến thắng ngày
mai”. Hay “lắm tình huống bất ngờ, truyện Nguyễn Sáng thường mang nhiều
chất kịch. Đó là phong cách của anh. Truyện của anh bao giờ cũng có khía
cạnh làm người đọc hồi hộp, chờ đợi. Kết thúc truyện bao giờ cũng đột ngột,
người đọc khó đoán được” [75; tr.24]. Có thể nói bài viết của Vân Thanh đã
bước đầu hình thành được trong lòng bạn đọc một phong cách truyện ngắn
Nguyễn Quang Sáng: chứa đựng những yếu tố kì diệu, giàu chi tiết sống, lắm
tình huống bất ngờ, đậm tính kịch nhưng vẫn mang nhiều chất trữ tình.
Những năm sau đó, giới phê bình cũng rải rác có một số bài viết về
Nguyễn Quang Sáng và truyện ngắn của ông. Có thể kể đến bài viết của Trần
Hữu Tá về chân dung nhà văn trên Từ điển văn học với những nhận định ngắn
gọn mà khái quát: “Nguyễn Quang Sáng có một phong cách viết truyện ngắn
độc đáo. Truyện thường lắm tình huống bất ngờ, ngẫu nhiên nhưng tự nhiên,
giàu chi tiết sống động và kì diệu nhưng hợp lý, tính kịch rất nổi nhưng cũng
đậm đà chất trữ tình” [68; tr.114].
Đáng kể hơn nữa là các Lời giới thiệu Tuyển tập Nguyễn Quang Sáng
của Bùi Việt Thắng và Phan Đắc Lập. Với những cảm nhận tinh tế của ngòi
bút chuyên phê bình truyện ngắn, tác giả Bùi Việt Thắng đã “lẩy” ra một số
đặc điểm quan trọng trong phong cách Nguyễn Quang Sáng: cốt truyện tiêu


7
biểu hấp dẫn, chi tiết chọn lọc, tình huống đặc sắc và kịch tính cao, chất Nam
Bộ đậm nét trong lời văn, lối kể chuyện rất “hoạt”. Đồng thời, Bùi Việt Thắng
cũng bước đầu phác vẽ nên chân dung một con người nhạy cảm “dựa hẳn vào
tình cảm để viết” nhưng cũng không kém phần hài hước, dí dỏm; lại có bản
lĩnh, “thấu thị nhiều điều trong cuộc sống”. So với các bài viết trước đó thì
nghiên cứu của Bùi Việt Thắng có tầm bao quát rộng hơn: khái quát lại được
cả hai chặng đường truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng (trước và sau 1975),

đồng thời tìm ra được mối tương quan phát triển giữa hai chặng đường này:
“Khi nghiên cứu bước đường sáng tác của một nhà văn ta thường thấy có hiện
tượng: ở thời điểm nào đó với những ảnh hưởng và biến đổi nào đó, nhà văn
viết khác trước, và cái sự khác này tạo ra một bước ngoặt. Nhưng có nhà văn,
dù cố tình “rẽ ngoặt’ thì vẫn không được, anh ta phải trở lại chính mình mới
được công nhận. Nguyễn Quang Sáng ở vào trường hợp thứ hai”. Theo Bùi
Việt Thắng, truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng viết trước 1975 “ròng ròng sự
sống, một sự sống đa dạng cung bậc, màu sắc, có tiếng khóc và tiếng cười, có
khổ đau và hi vọng” nhưng sau 1975 “khi ông cố đổi giọng cho có vẻ hợp
thời thì người đọc thấy chán- đó là khi đọc Tôi thích làm vua, Thế võ, Nhân
vật ấy không được chết…” [79; tr.3]. Chỉ đến loạt truyện Con mèo của
Foujita, Người đàn bà đức hạnh, Người dì tên Đợi… thì Nguyễn Quang Sáng
mới “phát sáng trở lại”. Nhận định này cũng đáng để chúng ta suy nghĩ.
Tuy khiêm tốn tự nhận “những dòng tôi viết chỉ là những cảm nhận sơ
lược của một độc giả viết cho một nhà văn nổi tiếng” nhưng Phan Đắc Lập
cũng đã góp phần không nhỏ vào việc định hình rõ hơn phong cách Nguyễn
Quang Sáng. Một mặt, tác giả vẫn đồng tình với đa số nhà phê bình khác khi
thừa nhận lối kể chuyện có duyên, giọng văn dí dỏm, hồn cốt Nam Bộ, sức hấp
dẫn của kịch tính và chi tiết đã tạo nên “chất văn” Nguyễn Sáng. Mặt khác,
Phan Đắc Lập như muốn “bàn luận” với các ý kiến cho rằng các tác phẩm sau


8
1975 của Nguyễn Quang Sáng khiến cho ông bớt “phát sáng” (như ý kiến của
Bùi Việt Thắng). Ông viết: “Có người đã cho hàng loạt các tác phẩm này của
anh là những thử nghiệm bất thành, vì nó là những chuyện luận đề, giống như
văn của Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn đầu thế kỉ hai mươi. Một số bạn bè
độc giả, trong đó có tôi lại nghĩ khác. Chúng tôi rất thích những Tôi thích làm
vua, Thế võ, Con khướu sổ lồng…Tôi cho rằng, cùng với truyện ngắn xuất sắc
của anh thời kháng chiến như Chiếc lược ngà, Chị xã đội trưởng…, một số

truyện ngắn có thể xếp vào hàng những truyện ngắn hay nhất của văn học Việt
Nam từ 1945 trở lại đây” [82; tr.106]. Bằng những dẫn chứng, phân tích sinh
động cả về khoa học lẫn thực tế đời sống, Phan Đắc Lập đã cho thấy nhận xét
trên không hoàn toàn là cảm tính. Bởi lẽ, dù trong những tác phẩm viết về
chiến tranh hay những trang viết sau 1975, thì Nguyễn Quang Sáng vẫn giữ
được giọng văn uy- mua, các chi tiết đắt giá cùng những tình huống giàu kịch
tính (Bài học tuổi thơ, Người bạn lính,…). Chính những đặc trưng ấy đã giúp
tác phẩm của ông “có khả năng chịu đựng sự thử thách khắc nghiệt của thời
gian để còn gây được xúc cảm thẩm mĩ cho thế hệ mai sau”.
Trong các bài viết tổng hợp về truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng, đáng chú
ý nhất là bài nghiên cứu trong cuốn Truyện ngắn Việt Nam hiện đại -Lịch sử -
Thi pháp - Chân dung (Phan Cự Đệ chủ biên). Với dung lượng gần chục trang
sách, tác giả Lý Hoài Thu đã triển khai súc tích hai nội dung quan trọng:
- Nguyễn Quang Sáng và những bước đi của truyện ngắn: tóm tắt lại đặc điểm
hai chặng đường sáng tác truyện ngắn của ông (từ 1956- 1975, từ 1975 đến nay)
- Vài nét về phong cách truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng: một nhà văn
ưa “chơi bố cục” và tình huống, nhà văn của những chi tiết “biết nói và ám
ảnh”, ngôn ngữ văn phong mang đậm chất Nam Bộ.
Không dừng lại ở tính chất “đọc sách, điểm sách”, tác giả đưa ra cái nhìn
toàn diện và tổng quát hơn cả về truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng. Thấu suốt


9
cả chặng đường dài sáng tác của nhà văn; chừng mực nhưng cũng không kém
phần chính xác, tinh tế khi đưa ra nhận định là nét nổi bật của bài phê bình.
Công trình này cũng cho chúng ta thấy một văn phong phê bình mới khi bước
đầu có hướng tiếp cận truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng từ góc độ thi pháp.
Có thể nói, đây chính là những gợi ý rất quý báu cả về nội dung và phương
pháp cho luận văn của chúng tôi.
Bên cạnh những công trình nghiên cứu tổng quát về các chặng đường

truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng, chúng tôi còn bắt gặp những bài viết tập
trung tìm hiểu sâu một truyện ngắn tiêu biểu của nhà văn Nam bộ này. Có thể
kể đến lời nhận xét của Tô Hoài khi đọc Vểnh râu, của Trần Đăng Khoa khi
đọc Một chuyện vui hay của Vũ Tú Nam khi biểu dương Con mèo Foujita…
Hay các bài viết về truyện Chiếc lược ngà của Nguyễn Lộc, Phạm Văn Nam;
về Quán rượu người câm của Trọng Khanh; về Bông cẩm thạch của Liên
Phương Có thể nói, những bài viết trên đã đưa lại cho chúng tôi cái nhìn cụ
thể nhưng không kém phần đa dạng về đặc trưng truyện ngắn Nguyễn Quang
Sáng.
Cuối cùng không thể không nhắc đến một số khoá luận nghiên cứu
truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng như: Truyện Nguyễn Sáng (Nguyễn Thu Hà,
1976), Hình ảnh con người Nam Bộ trong truyện ngắn Nguyễn Sáng (Nguyễn
Thị Việt Hoa, 1982), Một số đặc điểm thi pháp truyện ngắn Nguyễn Quang
Sáng (Phạm Minh Phú, 1993), Nghệ thuật xây dựng cốt truyện trong truyện
ngắn Nguyễn Quang Sáng (Vũ Thị Kim Ngân, 2007). Tiếc rằng, các công
trình này hoặc chọn hướng tiếp cận xã hội học hoặc mới chỉ dừng lại ở mức
khởi điểm về mặt lý luận thi pháp.
Như vậy, đề tài Đặc điểm thi pháp truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng vẫn
còn để ngỏ nhiều hướng nghiên cứu mới cho người đi sau. Các bài nghiên cứu
trên sẽ là những gợi mở cho chúng tôi tiếp cận truyện ngắn Nguyễn Quang


10
Sáng một cách hệ thống dưới ánh sáng của thi pháp học.
III. Đối tượng, mục đích và phạm vi nghiên cứu
1. Tiếp nối con đường còn để ngỏ của những người đi trước, chúng tôi
trong luận văn này lấy “thi pháp truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng” làm đối
tượng nghiên cứu. Luận văn sẽ đi vào nghiên cứu những yếu tố hình thức
mang tính nội dung, mang tính quan niệm của truyện ngắn Nguyễn Quang
Sáng để có được cái nhìn hệ thống về đặc điểm truyện ngắn của ông, qua đó

khẳng định phong cách nhà văn.
Để làm được điều đó, chúng tôi tiến hành nghiên cứu thi pháp truyện
ngắn Nguyễn Quang Sáng ở những phương diện sau:
- Quan niệm nghệ thuật về con người
- Không gian nghệ thuật và Thời gian nghệ thuật
- Kết cấu - Giọng điệu và Ngôn ngữ
2. Nguyễn Quang Sáng là cây bút viết truyện ngắn rất đều tay từ
những năm 60 của thế kỉ XX cho đến nay. Bởi vậy, để có được cái nhìn
hệ thống về sáng tác của ông, chúng tôi sẽ nghiên cứu truyện ngắn
Nguyễn Quang Sáng ở cả hai thời kì (trước và sau 1975), tập trung vào 5
tập truyện chính:
- Con ma da- Chiếc lược ngà
- Người bạn lính
- Nó và tôi – Quán rượu người câm
- Dân chơi- Tôi thích làm vua
- Cánh đồng hoang và các truyện chuyển thể qua phim
IV. Phương pháp nghiên cứu
1. Phương pháp hệ thống
Phương pháp hệ thống là một phương pháp giúp người nghiên cứu có thể


11
xâu chuỗi những hiện tượng văn học đơn lẻ trong mối quan hệ biện chứng để
có cái nhìn toàn diện, hệ thống về đối tượng nghiên cứu. Do đó, phương pháp
này sẽ giúp chúng tôi trong việc khái quát một số phương diện thi pháp truyện
ngắn Nguyễn Quang Sáng
2. Phương pháp thống kê
Khảo sát thống kê là phương pháp nghiên cứu đặc trưng của thi pháp
học. Thông qua việc khảo sát thống kê tần số xuất hiện của những kiểu nhân
vật, kiểu thời gian, không gian nghệ thuật, kiểu ngôn ngữ…chúng tôi có thể

rút ra những kết luận khách quan, chính xác về thi pháp truyện ngắn Nguyễn
Quang Sáng. Luận văn khảo sát trên hai cấp độ: tác phẩm và toàn bộ sáng tác
truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng
3. Phương pháp so sánh đối chiếu
Trong quá trình nghiên cứu thi pháp truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng,
chúng tôi tiến hành so sánh đối chiếu truyện ngắn của ông ở cấp độ đồng đại
và lịch đại để thấy được những kế thừa, sáng tạo cũng như những đóng góp
của ông.
V. Cấu trúc của luận văn
Luận văn được bố cục 3 phần: Mở đầu, Nội dung và Kết luận. Phần nội
dung của luận văn được trình bày thành 3 chương:
Chương 1: Quan niệm nghệ thuật về con người của Nguyễn Quang Sáng
Chương 2: Không gian nghệ thuật và Thời gian nghệ thuật
Chương 3: Kết cấu - Giọng điệu và Ngôn ngữ







12




13
Chương 1: QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ CON NGƯỜI CỦA
NGUYỄN QUANG SÁNG


Sáng tạo văn chương là một hoạt động tinh thần, nhận thức nên bao giờ
cũng có tính quan niệm. Coi việc phản ánh và thể hiện con người là nhiệm vụ
trung tâm, tất yếu văn học không thể không có quan niệm về con người. Quan
niệm nghệ thuật về con người là một phạm trù quan trọng của thi pháp học
hiện đại. Trần Đình Sử trong Giáo trình dẫn luận thi pháp học đã định nghĩa:
“Quan niệm nghệ thuật về con người là sự lí giải, cắt nghĩa, sự cảm thấy con
người đã hoá thân thành các nguyên tắc, phương tiện, biện pháp hình thức thể
hiện con người trong văn học, tạo nên giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ cho các
hình tượng nhân vật đó” [72; tr.59]. Như vậy, các nhà thi pháp học quan tâm
đến việc cảm thụ, cắt nghĩa không phải con người trong thực tế mà là con
người trong văn học. Con người trong văn học thực chất là quan niệm về con
người được thể hiện bằng hình tượng nghệ thuật, trong hệ thống các hình ảnh
tượng trưng, các nguyên tắc miêu tả tâm lý, tính cách…Do đó, việc tìm hiểu
quan niệm của nhà văn về con người sẽ giúp ta khám phá, phát hiện cách cảm
thụ và biểu hiện chủ quan sáng tạo của chủ thể, ngay cả khi miêu tả con người
giống hay không giống so với đối tượng có thật. Chính quan niệm nghệ thuật
về con người sẽ chi phối thế giới nghệ thuật của nhà văn, tạo nên hạt nhân
phong cách của mỗi tác giả, làm thành thước đo của hình thức văn học và là
cơ sở của tư duy nghệ thuật.
Có thể nói, để hiểu một tác phẩm, một tác giả, một trào lưu, một giai đoạn
văn học, không thể không xem xét đến quan niệm nghệ thuật về con người. Bởi
xét cho cùng, con người bao giờ cũng là cái đích khám phá của nghệ thuật.
Hiểu được các nguyên tắc cắt nghĩa, cảm nhận con người sẽ hiểu được vai trò
sáng tạo của nhà văn trong việc thâm nhập và chiếm lĩnh đời sống.


14
Hơn nữa, với thi pháp học thì nhân vật là sự biểu hiện tập trung nhất
quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn. Các nhà thi pháp học cho
rằng: “Nhân vật văn học nào cũng biểu hiện một cách hiểu của nhà văn về con

người theo một quan điểm nhất định và qua các đặc điểm mà anh ta lựa chọn.
Nhân vật văn học chính là mô hình về con người của tác giả” [72; tr.65]. Do
đó, muốn khám phá sự cảm nhận về con người tới mức độ nào thì cần phải
khám phá quan niệm nghệ thuật về con người thể hiện trong hình thức miêu tả
nhân vật: “Phân tích thi pháp là khám phá cách cảm nhận con người qua việc
miêu tả nhân vật chứ không phải chỉ ra những nội dung phong phú được thể
hiện trong nhân vật” [72; tr. 60].
Vì thế, chúng tôi thiết nghĩ công việc đầu tiên phải làm khi tiến hành
triển khai đề tài này là tìm hiểu, lí giải quan niệm nghệ thuật về con người qua
các nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng.
Nguyễn Quang Sáng là một cây bút có những đóng góp đáng kể cho văn
học Việt Nam hiện đại. Đóng góp ấy trước tiên ở khía cạnh quan niệm nghệ
thuật về con người của nhà văn. Trong truyện ngắn của mình, ông đã tạo ra
một thế giới nhân vật có đặc điểm rất riêng
1.1. Con người giản dị mà phi thường trong cuộc sống chiến đấu
Nguyễn Quang Sáng kể, ông “bắt đầu cầm bút từ 1952 hồi ở U Minh
đánh Pháp”. Gia nhập quân đội từ khi mới 14, 22 tuổi tập kết ra Bắc và xuất
bản những truyện ngắn đầu tiên, 32 tuổi trở lại miền Nam và bắt đầu giai đoạn
“chín muồi” của ngòi bút. Gắn bó, lăn lộn với cuộc chiến đấu của dân tộc,
Nguyễn Quang Sáng thuộc thế hệ nhà văn cầm bút để trả nợ nghĩa ân của
cách mạng và nhân dân đã nuôi lớn ngòi bút và tâm hồn mình. Vì lẽ ấy, hình
ảnh con người Việt Nam trong chiến đấu ở truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng
được chuyển tải bằng dư vị đặc biệt - giản dị, tự nhiên nhưng đầy xúc động.
Ngay từ năm 1975, Vân Thanh đã nhận ra đặc điểm nổi bật này khi nhận


15
xét: “Truyện Nguyễn Sáng chứa đựng những yếu tố kỳ diệu như thế. Nói kỳ
diệu là nói những chuyện lạ, Nhưng với Nguyễn Sáng, đó là những chuyện lạ
đã trở thành bình thường, những chuyện lạ không phải do phép tiên mà có, nó

được làm nên bởi những con người bình thường” [75; tr.17]. Quả thật,
Nguyễn Quang Sáng không xoáy ngòi bút vào việc mô tả dáng vẻ phi thường
của những anh hùng trong chiến đấu mà lại quan tâm đặc biệt cách người ta
sống ra sao giữa bom đạn tàn khốc để vẫn là một- con- người- bình- thường
như bao người bình thường khác: một cô giao liên đeo mãi bông cẩm thạch cũ
kĩ vì đó là kỉ vật tình yêu của người cha đã mất và người mẹ của cô (Bông
cẩm thạch), một cậu lính nhỏ ngày đêm lo lắng làm sao để con gà được cất
tiếng gáy giữa chiến trường mà không bị trừng phạt (Con gà trống), một anh
nông dân vui mừng vì được hút thuốc nhờ đạn hoả tiễn của giặc đúng lúc
quên mang theo hộp quẹt (Một chuyện vui), một người chiến sĩ khi gặp con
gái chỉ mong được nghe tiếng gọi “ba” từ con bé (Chiếc lược ngà)…
Đạn bom của chiến tranh càng đẩy con người vào cảnh ngộ bất bình
thường thì nhân vật của Nguyễn Quang Sáng càng nổi bật lên bản chất giản
dị, hồn nhiên. Dung trong truyện Chị xã đội trưởng là trường hợp như thế.
Trong vai trò xã đội trưởng, Dung đối mặt hàng ngày với cuộc chiến khốc
liệt: “chẳng những chỉ huy du kích, nhận càn, bắn máy bay, chị còn lãnh đạo
cả việc đi cấy, đi gặt, đi đấu tranh chính trị” [55; tr.135]. Súng lục, trực thăng,
bom napan… bất cứ lúc nào cũng có thể lấy đi tính mạng hay đốt cháy từng
phần cơ thể của người con gái xinh đẹp ấy nhưng không sao “cướp” được ở
chị những rung cảm đời thường. Vừa bước ra khỏi cuộc họp, Dung đã ngay
lập tức quên đi không khí căng thẳng của trận công đồn chuẩn bị diễn ra để
ngẩn ngơ trước màu đỏ của hoa ô môi: “Trong ánh sáng chói chang, hoa ô
môi đỏ rực như những lá cờ lớn trải trên tàn cây, nối tiếp nhau từ đầu làng đến
cuối làng. Làng bỗng rực rỡ, sáng đẹp lạ lùng… Còn Dung, Dung cứ đứng


16
lặng nhìn về phía làng với vẻ mặt đầy xúc động” [55; tr.150]. Từ khoảnh khắc
đậm chất thơ ấy, hình ảnh chị xã đội trưởng hiện lên thật dịu dàng, trong trẻo
và vô cùng gần gũi. Và giữa bom đạn ngút trời, giữa những trận càn liên tiếp,

chị vẫn yêu- một tình yêu cũng rắc rối, hồn nhiên và tinh nghịch như bao cô
gái khác. “Cách đây ba tháng”, nghe tin trong làng có một cô gái bị cháy cả
mặt và hai tay vì bom napan, Khương (người yêu Dung) lo lắng viết thư về
hỏi. Hơn một tháng sau, anh nhận được thư Dung với tuồng chữ khác lạ.
Dung bảo người cháy mặt, cháy tay chính là Dung và chị khẩn thiết khuyên
anh hãy quên chị đi. Lá thư khiến Khương vừa đau khổ, vừa buồn, vừa
thương, vừa giận và càng thấy yêu thương Dung hơn. Giữa lúc khổ tâm nhất,
Khương lại nhận được lá thư thứ hai nói “em không bị cháy gì hết, vẫn y
nguyên” nhưng lại “chua” thêm dòng tái bút: “chừng anh về, biết đâu em là
người bị cháy thật” [55; tr.158]. Thế đấy, hoá ra Dung đã biến sự tàn bạo của
chiến tranh thành cái cớ để thử thách lòng chung thuỷ của người yêu, để được
sống với cảm xúc thăng trầm, hồi hộp, ngượng ngùng của tình yêu như muôn
đời nay các cô gái vẫn vậy: “Tôi không dám luận bàn về tình yêu, nhưng tôi
nghĩ, điều mà chị xã đội bày ra cho thêm rắc rối đó là cái chất trẻ đẹp của tình
yêu mà bom đạn của giặc Mỹ không thể nào giết chết được. Đứng trong cuộc
sống chiến đấu đầy bom đạn, chẳng biết lúc nào mình bị hy sinh, bị tàn tật,
nhưng điều đó không ám ảnh được chị. Chị vẫn sống một cách bình thường,
vẫn yêu, yêu một cách rắc rối, hồn nhiên như vậy đó” [55; tr.158].
Còn anh Tư già (Dân chơi) dù mặc nhiên thừa nhận “chiến tranh thì đâu
có gì bình thường” [19; tr.24] nhưng lại coi cuộc chiến khốc liệt thành một
cuộc chơi lớn. Mặc cho trực thăng quần đảo hàng ngày trên đầu, B52 “ba đợt
dội ngay đội hình”, và “mỗi lần thay đổi cù lao là phải vượt sông dưới tầm
súng của tàu tuần” [54; tr.26], anh Tư già vẫn bình thản, nhàn nhã như đang
sống giữa thời bình. Câu chuyện viết về chiến tranh mà chẳng khác gì đang kể


17
về những chuyến đi dã ngoại kì thú và nhân vật chính như đang du ngoạn
khám phá sự giàu đẹp của mảnh đất phương Nam. Cũng như nhân vật “tôi”,
người đọc vừa ngỡ ngàng vừa thích thú trước những thú chơi của anh Tư già

giữa chiến trường. Thứ nhất là thú ăn: “trong cái bồng mang trên lưng anh
không chỉ có quần áo mà như có cả một cái bếp lưu động. Cái bếp có đủ gia
vị: hành khô, ớt khô, tiêu tỏi muối đường, bột ngọt và cả nước mắm khô…, có
cả một con dao thái thịt bằng hai ngón tay, lại còn có một hộp lưỡi câu. Hôm
nào đến trạm sớm chưa đúng bữa ăn thì anh chặt một nhánh cây rừng, chuốt
thành cần câu, anh đi ra suối… muộn nhứt là một tiếng, anh thường trở về với
một xâu cá rô mè. Một bữa cơm chiến trường thật ngon lành” [54; tr.17]. Thứ
nhì là thú nhậu- thú chơi rất quen thuộc của người Nam bộ mà mồi nhậu được
anh Tư “nâng lên” thành hàng độc đáo. Có khi là miếng chuối chiên bột- “cái
mà ở rừng không thể có” [54; tr.15]. Có khi là món nhái nướng “ngon mà
ngọt mà thơm lạ”- thứ như được anh bắt bằng bùa chú: “trong tay một cái túi
may bằng áo mưa màu xanh đã cũ nát, bước ra đám cỏ dưới cơn mưa lất phất,
rồi anh giả giọng nhái, anh giả giọng thế nào mà nhái từ đâu trong đám cỏ,
như thót bụng vọt qua ngọn cỏ tới anh, anh đưa tay chớp gọn, nhét vào bọc
nilon, rồi lại giả giọng và nhái lại bươn bả nhảy tới chân anh” [54; tr.21]. Có
khi là da cá thác lác phơi trên cây rừng, đem nướng, quéo lại thơm lừng. Đi
vào cuộc chiến tranh này, một cuộc chiến quá khốc liệt, ai cũng có một tâm
trạng nào đó, có lúc sơ hở, có lúc cuống cuồng còn anh Tư già cứ nhàn nhã,
nhởn nhơ. Chính anh đã biến chiến tranh thành sự kiện hết sức bình thường và
chiến trường thành chốn nghỉ dưỡng tuyệt vời để sống cho thoả những đam
mê. Dân chơi là câu chuyện viết về chiến tranh nhưng không để lại dư âm
nặng nề của mưa bom bão đạn mà gợi ta liên tưởng đến những trang văn “xê
dịch” của Nguyễn Tuân một thời.
Có thể nói, trong truyện Nguyễn Quang Sáng, bối cảnh chiến tranh chỉ là


18
phông nền, còn quỹ đạo cuộc sống, tình cảm, lí trí của con người mới là tâm
điểm của bức tranh hiện thực. Chiến tranh không thể biến Dung (Chị xã đội
trưởng), Tư già (Dân chơi), Thu (Chiếc lược ngà), Mì (Bông cẩm

thạch)…thành những cỗ máy cứng nhắc, hay thành những anh hùng “lên gân”
mà họ luôn là chính họ, là từng cảnh ngộ, từng thân phận, từng nỗi niềm, từng
bản lĩnh…mộc mạc đến đáng yêu. Con người Nam bộ là thế. Bản chất giản dị
và hồn nhiên đã theo họ từ thuở khai hoang vùng đất mới đến tận cuộc kháng
chiến chống Mỹ gian khổ này.
Bình thường, giản dị, không cao giọng “lên gân”- chính những đặc tính
đó- đặt trong tương quan với sự tàn khốc của chiến tranh ác liệt lại khiến nhân
vật trong truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng hiện lên thật phi thường, “kì diệu”,
cao cả.
Luôn bị đẩy vào những nghịch cảnh, những tình thế tâm lý trớ trêu, chịu
nhiều thương tổn do chiến tranh gây ra nhưng nhân vật của Nguyễn Quang
Sáng vẫn kiên cường vươn lên, vượt qua những mất mát để đến đích cuối
cùng, không đánh mất những lí tưởng và tín điều thiêng liêng trong họ. Đó là
chị Bảy Quyên (Tên của đứa con), anh Ba Hoành (Quán rượu người câm),
ông Năm Hạng (ông Năm Hạng), Thu (Chiếc lược ngà)…
Chị Bảy Quyên trong Tên của đứa con rơi vào nghịch cảnh thật éo le: bị
tên cảnh sát nguỵ ngày đêm ve vãn, dụ dỗ và người chồng (tưởng rằng đã hi
sinh) lại chưa chết, bí mật trở về. Ở vào tình thế đó, khi chị mang thai với
chồng, không tránh khỏi bị hiểu lầm, dị nghị. Mọi người trong làng khinh rẻ
xa lánh người đàn bà “chồng mới chết, mồ mả chưa ráo mà đã tằng tịu với
một sĩ quan vốn là kẻ thù của chồng mình” [53; tr.91]. Thậm chí chính mẹ
chồng, mẹ đẻ cũng khinh bỉ, căm giận, ruồng rẫy chị. Thay vì niềm hạnh phúc
vô bờ lần đầu được làm mẹ, Bảy Quyên đã phải chịu nỗi oan khuất không biết
bày tỏ cùng ai. Xấu hổ, tủi thân, đau đớn nhưng chị cắn răng nén nỗi đau


19
riêng vì chồng, vì anh em đồng chí đang được nuôi giấu ngay trong mấy
chòm điên điển hai bên hông nhà. Chị chỉ âm thầm hi vọng đến một ngày
kháng chiến thành công để đứa con sẽ không còn tên là Oan, mà sẽ đổi thành

Quang- sáng trong như tấm lòng của chị. Tên của đứa con là câu chuyện đầy
xúc động về sự hi sinh phi thường của người phụ nữ Nam bộ trong những
năm cách mạng còn ngặt nghèo, gian khổ. Viết truyện ngắn này, Nguyễn
Quang Sáng đau đáu một niềm tin: những nỗi đau mà chiến tranh gây ra
không bao giờ khiến đồng bào miền Nam khuất phục mà chỉ làm sáng lên ở
họ khả năng chịu đựng tuyệt vời cũng như tấm lòng sáng trong vì cách mạng.
Ông Năm Hạng trong truyện ngắn cùng tên cũng lâm vào tình thế tâm
lý thật trớ trêu chẳng kém gì Bảy Quyên: anh bộ đội được ông nuôi dưỡng,
che giấu trong nhà (Trọng) lại chính là người giết đứa con trai độc nhất mà
ông hết lòng thương yêu, hi vọng. Khi tên Lí đến tố giác Trọng, ta tưởng
như ông vì tấm lòng thương con mà có những sai lầm. Ngờ đâu, chính giây
phút cuối cùng, ông đã đưa tay chụp lấy súng, bắt tên Việt gian rồi gục đầu
vào vai Trọng mà khóc…Quả là chuyện bất ngờ đến làm ta nín thở vì căng
thẳng. Cuối cùng, bản tính thẳng ngay, lòng yêu chính nghĩa, thuỷ chung
với cách mạng đã giúp ông bố thương con vượt qua được thử thách khốc
liệt nhất đời mình.
Quán rượu người câm là câu chuyện anh Ba Hoành bị địch bắt năm
1956, tra tấn đến hoá câm. Anh về nhà ở với vợ, dọn một hàng rượu. Ở quán
rượu người câm được nghe đủ mọi thứ chuyện về tội ác của kẻ thù, về sức
căm thù quật khởi của nhân dân. Nghe đấy, nhưng khách rượu chỉ thấy mặt
anh cứ trơ ra, ngơ ngác đến ngớ ngẩn như một người điếc. Thảng hoặc người
ta mới bất ngờ thấy anh khóc “nhưng không khóc bằng nước mắt mà khóc
bằng nước miếng- kiểu khóc đặc biệt của người câm” [55; tr.108]. Cho đến
ngày đồng khởi, nhân dân chờ đợi người chỉ huy xuất hiện. Phút chờ đợi thật


20
nghiêm trang: “Người ta đứng im. Chỉ còn nghe tiếng lửa cháy rần rật. Tiếng
nổ đều đều của tàn đuốc” [55; tr.112]. Trong sự kinh ngạc của mọi người,
“trong ánh lửa hồng của hàng ngàn ngọn đuốc, người chỉ huy hiện lên trước

khán đài. Người ấy, một người cao, gầy gò, mặc bộ bà ba màu cháo lòng, tóc
bùm sùm. Đó là người câm của quán rượu. Anh Ba Hoành” [55; tr.113]. Và
anh cất tiếng: “Bốn năm rồi, tôi không nói, không phải tôi câm, mà tôi im
lặng. Đã đến lúc chúng ta không im lặng được nữa” [55; tr.113]. Bốn năm im
lặng trong tư thế một người câm! Một tiếng nói cất lên đúng vào hôm đồng
khởi cùng tiếng hò reo, tiếng súng nổ trời của nhân dân phá thế kìm kẹp của
kẻ thù! Cái thế giới mà người đọc được Nguyễn Quang Sáng đưa vào thật kì
lạ và sức chịu đựng của con người thật phi thường! Thông qua những chi tiết
dữ dội, căng thẳng đến nghẹt thở cùng nghệ thuật xây dựng nhân vật tài tình,
Quán rượu người câm đã miêu tả một cách sâu sắc quá trình tôi luyện gian
nan đến khó tin của một người chiến sĩ cộng sản, qua đó ca ngợi ý chí quyết
tâm và sự kiên cường bất khuất của đồng bào ta trong những năm chống Mĩ.
Tóm lại, trong truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng, chiến tranh vẫn hiện
lên với vẻ mặt tàn khốc nhất của nó, nhưng chiến tranh cũng là một cuộc thử
thách lớn lao và đáng quý đối với sức sống và nhân cách con người. Chính
những cuộc thử thách cam go đã khiến cho truyện Nguyễn Quang Sáng
trước 1975 thường mang nhiều chất kịch. Giàu chi tiết sống, lắm tình huống
bất ngờ, kết thúc bao giờ cũng đột ngột - những khía cạnh ấy luôn làm người
đọc hồi hộp. Nhưng có điều chất ly kỳ đó không phải hoàn toàn do ông bịa
đặt hay thêm thắt vào, mà chính do cuộc sống gợi ra. Quán rượu người câm,
Tên của đứa con… quả là chuyện lạ, nhưng trong cuộc sống miền Nam,
những chuyện lạ như thế đâu phải là hiếm. Đằng sau cái vẻ ngẫu nhiên bên
ngoài, Nguyễn Quang Sáng bao giờ cũng khéo dẫn dắt cho ta thấy cái cốt tất
yếu, hợp lý bên trong. Người đọc tự nghĩ: cuộc sống cách mạng là thế, đầy


21
những điều kì diệu!
Vẻ đẹp phi thường của con người trong truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng
đâu chỉ thể hiện ở phẩm chất kiên cường, bất khuất mà còn bộc lộ thật hồn

nhiên qua sự lạc quan, bình thản trước chiến tranh. Nhớ lại những năm tháng
đã đi qua, Nguyễn Quang Sáng từng viết: “Những năm 1966, nước và giông
bão quét sạch cả ruộng đồng, cuốn cả nhà cửa trôi đi. Lợi dụng bão lụt, bọn
giặc mở nhiều cuộc hành quân lớn để dồn dân ra ấp chiến lược. Người dân
đồng bằng sông Cửu Long vừa chống nước vừa đánh giặc. Những bà mẹ có
con nhỏ, mỗi lần trực thăng giặc kéo đến bắn, người mẹ phải bỏ con vào bọc
nilông, ôm con lặn sâu xuống nước để tránh đạn. Ngày tháng ấy, người chết
cũng không có đất để chôn. Sau khi liệm xong, người ta gác những chiếc hòm
ấy trên ngọn cây cho nước rút (gọi là mả treo). Người người sống trên chiếc
xuồng, trôi nổi, lêu bêu…Muôn vàn gian khổ, nhưng cái đặc điểm là luôn
luôn lạc quan. Đặc tính của người miền Nam là lạc quan” [76; tr.9]. Anh Bảy
Ngàn (Một chuyện vui), anh Tư già (Dân chơi), Thanh (Bé Hai), Quỳnh Anh
(Người bạn gái), mười ba cô gái (Tiếng súng trên đường phố Sài Gòn)… là
những người như thế.
Một chuyện vui kể chuyện anh Bảy Ngàn trên đồng nước bị trực thăng
vây bố, sau hai lần hụt chết, ung dung đến ngồi bên cạnh cây tràm bị tên lửa
bắn, còn nghi ngút khói, hút thuốc, thở khói phà phà. Câu chuyện mấy lần hụt
chết đó lại cứ như “một chuyện vui”, chẳng mùi mẽ gì, thế nhưng cái điều kì
diệu về tư thế ung dung, coi thường nguy hiểm, xem thường kẻ địch lại gây
một ấn tượng sâu trong người đọc. Qua anh Bảy Ngàn ta thấy một nét tiêu
biểu về tính cách anh hùng của con người miền Nam.
Bị đẩy vào hoàn cảnh gay go, ác liệt nhưng người dân Nam bộ luôn tỏ ra
bình tĩnh, chủ động. Họ coi cuộc chiến tranh khốc liệt, không rõ sống chết chỉ
như một cuộc chơi. Hình ảnh anh Tư già (Dân chơi) bình thản uống rượu
“nhậu trực thăng” không khỏi khiến người đọc nở một nụ cười nhẹ nhõm mà


22
thán phục sự lạc quan của con người mặc mưa bom bão đạn.
Thậm chí, càng đối diện cận kề với cái chết họ lại càng thanh thản, yêu

đời. Đó chính là trường hợp của mười ba cô gái trong đội biệt động Sài Gòn
(Tiếng súng trên đường phố Sài Gòn). Suốt mấy đêm liền, các cô đã chiến đấu
với một tiểu đoàn hơn một trăm lính Mĩ. Cuối cùng, các cô đều bị thương
nặng. Biết mình không thể sống được nữa, họ bắn đến viên đạn cuối cùng rồi
nằm bên nhau cất cao tiếng hát. Lạ kỳ làm sao khi tiếng hát lạc quan, lời ca
chiến thắng vang dội trong lồng ngực mỗi người.
Có thể nói nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng là những
người được vươn lên trong ánh sáng của cách mạng. Những nét u buồn không
đọng lâu trong con người họ. Khó khăn, mất mát, chết chóc là điều khó tránh
khỏi trong cuộc chiến ác liệt này, nhưng điều đó không làm giảm lòng tin của
họ vào chiến thắng ngày mai. Niềm lạc quan và lòng tin đó toát lên trong mọi
truyện ngắn của Nguyễn Quang sáng. Đó là dụng ý của tác giả. Ông muốn
gieo vào lòng người đọc niềm tin, lòng yêu đời để sống và chiến đấu.
Mỗi nhà văn có một sở trường. Nguyễn Thi, Nguyễn Trung Thành cho ta
hình dung một cuộc sống rất mực dữ dội, khốc liệt trong sự đối mặt giữa ta và
địch. Anh Đức, Phan Tứ đi sâu vào quá trình vùng dậy của nhân dân. Trần
Hiếu Minh hướng vào cả một quá trình cuộc sống bề bộn các sự kiện. Nguyễn
Quang Sáng không thế, ông đi vào từng mảng nhỏ của đời sống, làm cho thấy
sự kết hợp giữa chất anh hùng cao cả và chất thơ trong trẻo. Tìm ra được
những điều kì diệu trong những con người rất bình thường là một đóng góp
của Nguyễn Quang Sáng làm phong phú thêm quan niệm nghệ thuật về con
người của văn học 1945- 1975.
1.2. Con người phức tạp, dần bị tha hoá trong cuộc sống hậu chiến
Sau 1975, chiến tranh đã kết thúc, cuộc sống trở lại thanh bình nhưng
những mối quan hệ xã hội mới đa tạp lại mở ra. Đó thực sự là “cuộc chiến


23
không tiếng súng”, âm ỉ lặng thầm nhưng không kém phần gay go ác liệt. Rời
chiến trường Đồng Tháp, trở về thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Quang Sáng

vẫn viết về đề tài kháng chiến (Người con đi xa, Bạn hàng xóm, Dấu chân…).
Nhưng vốn nhạy cảm với đời sống thường nhật, Nguyễn Quang Sáng không
thể quay lưng với hiện thực phồn tạp xung quanh. Bước vào thời kì đổi mới
văn học, không ít nhà văn cùng thế hệ với ông chững lại, ông thì không ngừng
tìm tòi để vài năm cho ra một tập truyện. Từ Tôi thích làm vua (1988) người
đọc bắt đầu thấy có một Nguyễn Quang Sáng khác với Nguyễn Quang Sáng
thời Chiếc lược ngà, Chị xã đội trưởng… Truyện của ông hướng về những
suy tư, những chiêm nghiệm về cuộc đời. Trước muôn nỗi sự đời ngổn ngang
hôm nay Nguyễn Quang Sáng đã nhận thấy rằng không thể chỉ dừng lại ở việc
“phản ánh”, “ghi chép”, “làm hộ báo công” nữa. Tuy không đọc lời “ai điếu”
cho một giai đoạn đã qua, nhưng ngòi bút của ông đã lặng lẽ chuyển sang một
hướng khác. Người đọc có cảm tưởng như gặp một Nguyễn Quang Sáng suy
tư nhiều hơn, nghĩ ngợi nhiều hơn về con người.
Nếu như trong chiến tranh nhân vật của Nguyễn Quang Sáng bị đặt trong
thử thách khốc liệt của cái chết, của nghịch cảnh éo le nhưng vẫn rất hồn
nhiên, giản dị thì giờ đây đối mặt với cuộc sống đời thường, họ lại hiện lên
với đầy đủ vẻ phức tạp, tuế toái.
Không thể phủ nhận, trong các tác phẩm của mình, Nguyễn Quang Sáng
luôn dành sự ưu ái cho nhân vật nữ. Thời kì chiến tranh, các cô giao liên, xã
đội trưởng như Dung, Mì, Thu, Nhung…hiện lên trong trang văn Nguyễn
Quang Sáng sao lại đẹp và lí tưởng đến vậy: dũng cảm, mưu trí, yêu đời, yêu
người, say mê lý tưởng! Hình như chẳng bao giờ người đọc thấy họ suy tính
cho bản thân, sống giả dối hay đi ngược lại với lợi ích chung của dân tộc. Họ
nhất quán từ ngoại hình, hành động đến suy nghĩ. Các nhà phê bình văn học
thường hay gọi đó là con người nguyên phiến, mang đậm cảm hứng lãng mạn

×