Tải bản đầy đủ (.pdf) (103 trang)

Người kể chuyện xưng Tôi trong Gatsby vĩ đại.PDF

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (979.43 KB, 103 trang )


1
MỤC LỤC
1. Lý do chọn đề tài 5
2. Lịch sử vấn đề 7
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu 10
4. Phương pháp nghiên cứu: 12
5. Kết cấu luận văn 12
Chương1. Người kể chuyện xưng “tôi” và cốt truyện 13
1.1. Nick - người kể chuyện xưng “tôi” và sự tham gia vào cốt truyện 13
1.1.1. Khái niệm “người kể chuyện” 13
1.1.2. Khái niệm “cốt truyện” 14
1.1.3. Sự tham gia của người kể chuyện xưng “tôi” vào cốt truyện 18
1.2. Nick - người kể chuyện xưng “tôi” và điểm nhìn 24
1.2.1. Khái niệm “điểm nhìn” 24
1.2.2. Tiếp cận điểm nhìn của người kể chuyện xưng “tôi” – Nick theo
lý thuyết của Genette 27
1.2.3. Tiếp cận điểm nhìn của người kể chuyện xưng “tôi” – Nick theo
một số quan điểm khác 30
1.3. Hào quang Gatsby - cái “tôi” kể 33
► Tiểu kết: 37
Chương 2. Người kể chuyện xưng “tôi” và nhân vật trung tâm 39
2.1. Khái niệm “nhân vật trung tâm” 39
2.2. Nick - người kể chuyện xưng “tôi” và Gatsby 39
2.3. Bóng tối Gatsby - cái “tôi” được kể 43
2.4. Độc thoại nội tâm của người kể chuyện xưng “tôi” 50
►Tiểu kết: 58
Chương 3. Người kể chuyện xưng “tôi” và thời gian sự kiện 61
3.1. Tình yêu 63

2


3.2. Cái chết 68
3.3. Giấc mơ Mỹ 72
► Tiểu kết: 77
► Kết luận: 79
Tài liệu tham khảo 84
Phụ lục 87




















3
LỜI CẢM ƠN

Em xin trân trọng cảm ơn PGS.TS. Đào Duy Hiệp, người thầy trực tiếp

hướng dẫn, chỉ dạy em trong quá trình nghiên cứu và thực hiện đề tài
Người kể chuyện xưng “tôi” trong Gatsby vĩ đại. Nhờ sự quan tâm, động
viên của thầy, em đã hoàn thành luận văn này.
Em xin chân thành cảm ơn các thầy cô trong Hội đồng bảo vệ đề cương
tháng 4/ 2011. Nhờ sự nhiệt tình chỉ dẫn của các thầy cô, em đã khắc phục
được những thiếu sót trong luận văn.
Xin cảm ơn sự hỗ trợ quý báu về mặt tinh thần của gia đình, bè bạn, đặc
biệt là ThS. Nguyễn Nhật Tuấn - chuyên ngành dịch thuật tại Đại học tổng
hợp quốc gia Lviv, Ukraine đã giúp đỡ em tiếp cận và dịch một số tài liệu
có nguồn gốc nước ngoài.


Hà Nội, tháng 11/ 2011
Người viết luận văn


Lê Thị Thu Ngọc







4
LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đề tài Người kể chuyện xưng “tôi” trong Gatsby vĩ
đại và toàn bộ nội dung luận văn không phải là sự sao chép bất cứ một
công trình khoa học hay luận văn nào đã được công bố trong và ngoài

nước.
Trong khuôn khổ luận văn, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về:
- Sự phù hợp giữa tên đề tài với nội dung nghiên cứu, với chuyên ngành
cũng như mã số đào tạo
- Tính trung thực và đầy đủ của các trích dẫn tài liệu tham khảo
- Độ tin cậy của các phương pháp nghiên cứu.

Xin chân thành cảm ơn.
Hà Nội, tháng 11/ 2011
Người viết luận văn


Lê Thị Thu Ngọc









5
1. Lý do chọn đề tài
F. Scott Fitzgerald (1896- 1940) là một trong những nhà văn Mỹ lớn
nhất thế kỷ XX. Sinh thời ông viết nhiều truyện ngắn và bốn cuốn tiểu
thuyết: This Side of Paradise, The Beauty and Damned, The Great Gatsby
và Tender is the Night. The Great Gatsby sau này đã trở thành “kinh điển”
(dù không đem lại tiền bạc, danh tiếng cho nhà văn như cuốn This Side of
Paradise), nó được chuyển thể thành phim, được đưa vào giảng dạy tại các

trường phổ thông, đại học nhiều quốc gia trên thế giới.

Chân dung F. Scott Fitzgerald
Khi viết The Great Gatsby, Fitzgerald rất phân vân giữa hàng loạt tựa
đề: Gatsby; Among Ash-Heaps and Millionaires; Trimalchio; Trimalchio in
West Egg; On the Road to West Egg; Under the Red, White and Blue; Gold-
Hatted Gatsby và The High-Bouncing Lover. Ban đầu, ông nghiêng về tựa
đề Trimalchio, vốn là tên một nô lệ trong cuốn Satyricon của tác giả La Mã
cổ đại Petronius. Song khác với nhân vật chính của Fitzgerald, sau khi phất
lên, Trimalchio tỏ ra mê say những tiệc tùng bê tha do y khởi xướng. Nhà
văn chuyển sang cái tên Gatsby nhưng không hiểu vì lẽ gì, ngày 7/11/1924,

6
ông gửi thư cho một người bạn là Perkins để tuyên bố: “Tôi vừa quyết định
đặt tên cuốn sách là Trimalchio ở West Egg”. Perkins nhận xét rằng nó quá
trừu tượng. Vợ Fitzgerald và Perkins đều ủng hộ tựa đề The Great Gatsby.
Một tháng trước ngày xuất bản, tác giả đề nghị đổi nó thành Trimalchio or
Gold-Hatted Gatsby nhưng bạn ông phản đối. Vào ngày 19/3, Fitzgerald
tiếp tục yêu cầu đặt tên sách là Under the Red, White and Blue song không
kịp. The Great Gatsby ra mắt công chúng ngày 10/4/1925 mà theo lời nhà
văn thì “cái tựa này chỉ thường thường bậc trung thôi”. Có lẽ ông cũng
không ngờ cuốn sách với “cái tựa thường thường bậc trung” đó sẽ được tôn
vinh là kiệt tác.
Mặc dù nhà xuất bản Modern Library xếp The Great Gatsby trong danh
sách 100 Tiểu Thuyết Hay Nhất Thế Kỷ XX, còn tạp chí Time đã bình chọn
nó vào 100 Tiểu Thuyết Hay Nhất bằng Tiếng Anh từ 1923 đến 2005
nhưng cuốn tiểu thuyết vẫn xuất hiện khá lặng lẽ ở nước ta. Mãi tới khi một
tác phẩm best seller của Nhật là Rừng Nauy ra mắt công chúng Việt Nam,
trong đó trân trọng nhắc tới The Great Gatsby thì nó mới được quan tâm.
Nhân vật Nagasawa quan niệm không đọc một tác phẩm nếu tác giả chưa

chết ba mươi năm, song khi Toru phản bác “Fitzgerald mới chết được hai
mươi tám năm” anh ta đáp: “Thì đã sao? Hai năm ư? Với Fitzgerald tính
thêm lên thế được rồi”. Đối với Gatsby, anh ta khẳng định “bất kỳ người
bạn nào của Gatsby cũng là bạn của tôi”.
Dù tại Việt Nam, cuốn tiểu thuyết đã được đón đọc nhiều hơn song số
lượng bài giới thiệu, nghiên cứu The Great Gatsby, đặc biệt là về người kể
chuyện vẫn ít ỏi. Chính vì vậy chúng tôi lựa chọn đề tài: Người kể chuyện
xưng “tôi” trong Gatsby vĩ đại với hi vọng tìm hiểu “niềm tự hào” của nền
văn học Mỹ nói chung và vấn đề người kể chuyện nói riêng.
Về mặt lí luận, từ việc vận dụng lí thuyết trần thuật học cùng một số

7
quan điểm thi pháp học và cấu trúc văn bản trong quá trình tìm hiểu The
Great Gatsby, người làm luận văn hi vọng chứng tỏ được hiệu quả của
những lí thuyết đó đối với một tác phẩm cụ thể. Về mặt thực tiễn, người
làm luận văn mong muốn góp phần nhỏ giới thiệu The Great Gatsby tới
độc giả Việt Nam cũng như đóng góp một cách đọc cuốn sách.
2. Lịch sử vấn đề
Thế giới có rất nhiều bài giới thiệu, nghiên cứu The Great Gatsby đăng
trên các tạp chí, báo, website, sách hoặc từ điển. Tuy nhiên, đa phần chúng
chưa được tập hợp, dịch thuật và công bố ở Việt Nam. Thêm nữa, khi tiếp
cận với những tài liệu từ internet, chúng tôi đã gặp khó khăn trong việc xác
định nguồn gốc. Dưới đây là một số tài liệu liên quan tới The Great Gatsby
mà chúng tôi tin tưởng vào bản quyền, nguồn gốc.
- Tom Quirk, Fitzgerald and Cather: The Great Gatsby, Duke University
Press, 1982.
- Matthew Joseph Bruccoli (editor), New Essays on The Great Gatsby,
Cambridge University Press, 1985.
- Kathleen Parkinson, The Great Gastby, Penguin Books, 1987.
- Peter Conn, Literature in America – An Illustrated History, Cambridge

University Press, 1989.
- Bryant Mangum, The Great Gatsby, Encyclopedia of the Novel, Fitzroy -
Dearborn Publisher, 1998.
- Frederick C. Millett, Analysis: The Great Gatsby, Michigan State
University‟s website, 1998.
- Jonathan Yardly, Gatsby: The Greatest of Them All, The Washington
Post, 2000.
- Ruth Prigozy (editor), The Cambridge Companion to F. Scott Fitzgerald,
Cambridge University Press, 2002.

8
- Kirk Curnutt, A Historical Guide to F. Scott Fitzgerald, Oxford
University Press, 2004.
- Harold Bloom, F. Scott Fitzgerald (Bloom’s Modern Critical Views),
Chelsea House Publications, 2006.
Frederick Millett, tác giả bài viết Analysis: The Great Gatsby đánh giá
cao tiểu thuyết The Great Gatsby trên phương diện xã hội - lịch sử:
“Dường như tác phẩm lớn nhất của F. Scott Fitzgerald, The Great Gatsby
không chỉ là một câu chuyện tuyệt vời mà còn là một cái nhìn thấu đáo về
những góc khuất của xã hội trong “Kỉ nguyên phát triển”. Nhiều ý kiến cho
rằng cuốn tiểu thuyết là một biểu tượng của “Thời đại Jazz”, thời đại kỳ lạ
của vật chất và ảo vọng, song The Great Gatsby còn hơn thế, nó đại diện
cho sự thật của thập niên, nó chiếm một vị trí bền vững trong nền văn học
Mỹ. Cuốn tiểu thuyết diễn ra ở nhiều cấp độ, gây ấn tượng bởi những nhân
vật, những sự kiện cũng như những vấn đề về vật chất và tinh thần của
nước Mỹ” [33, p5] (xin xem phụ lục).
Giống như Frederick C. Millet, Jonathan Yardly, tác giả cuốn Gatsby:
The Greatest of Them All nhận định tổng quan: “Đối với cá nhân tôi, không
một cuốn tiểu thuyết Mỹ nào vượt trội và giúp chúng ta nhìn nhận lại mình
thấu đáo hơn Gatsby. Với độ nén lạ thường, khoảng 50.000 từ, Fitzgerald

đã khiến ta phải suy ngẫm những vấn đề trọng tâm nhất của nước Mỹ - hoài
bão, khát vọng và ám ảnh: khát khao cuộc sống mới, ám ảnh giai cấp, thèm
muốn giàu sang và “giấc mơ cuối cùng và lớn lao nhất của loài người” [37,
24] (xin xem phụ lục).
Còn Tom Quirk, trong cuốn Fitzgerald and Cather: The Great Gatsby
đã nhận xét điểm nhìn của người kể chuyện xưng “tôi” - Nick như sau:
“Quan sát tự nhiên và tham gia bất đắc dĩ vào các sự kiện, Nick mang một
điểm nhìn “kép” trong truyện, vừa dàn trải vừa cô đọng. Điểm nhìn kép này

9
giống như chiếc thấu kính giúp ta quan sát rõ từng góc độ của nhân vật
tưởng chừng không liên hệ gì với nhau, song nếu mất đi tính chất thiếu liên
hệ đó, câu chuyện sẽ trở nên vô vị” [34, 111] (xin xem phụ lục).
Joseph Bruccoli, giáo sư trường đại học Nam Carolina lại lưu tâm đến
thời gian, đây cũng là vấn đề mà luận văn phân tích ở chương 3: “Bất kể sự
hư cấu, The Great Gatsby vẫn trở thành nguồn tư liệu cho các sử gia nhờ
cảm quan thời gian của Fitzgerald… Có những nhà văn trở nên khác biệt
bởi họ hướng về quá khứ; còn Fitzgerald lại sở hữu một cảm quan phức tạp
và tinh tế về cái hiện tại đang trôi qua” [30, 78] vv. (xin xem phụ lục).
Còn ở nước ta, những tài liệu liên quan đến Fitzgerald chưa thực sự
phong phú như với trường hợp E. Hemingway, người bạn thân của ông.
Chúng tôi đã tiếp cận được một số tư liệu sau:
- Lê Đình Cúc, Sự xuất hiện của các nhà văn “thế hệ bỏ đi” trong văn học
Mỹ, Tạp chí Văn học số 4, 2000.
- Lê Đình Cúc, Văn học Mỹ - Mấy vấn đề và tác giả, NXB Khoa học xã
hội, 2001.
- Lê Đình Cúc (biên soạn), Lịch sử văn học Mỹ, NXB Giáo dục, 2007.
- Lê Huy Bắc, Từ điển văn học nước ngoài, Tác gia – Tác phẩm, NXB
Giáo dục 2009.
- Lê Huy Bắc, Lịch sử văn học Hoa Kỳ, NXB Giáo dục Việt Nam, 2010.

Tác giả Lê Đình Cúc đưa ra cái nhìn tổng quan về cuộc đời - sự nghiệp
của F. Scott Fitzgerald và chủ yếu xem xét thế giới nhân vật, ông đánh giá
nhân vật Gatsby không mấy thiện cảm: “Cả Tom và Gatsby đều là những
kẻ giàu có, thô lỗ và đều vô học. Hợm hĩnh vì tiền, chơi ngông, làm sang
chỉ vì ý muốn ngông cuồng” [11, 365], “…anh ta đã bất chấp thủ đoạn ngoi
lên giàu có và để chinh phục tình yêu đã chết, anh ta ngông cuồng khoe mẽ
giàu sang” [11, 366].

10
Ở cuốn Từ điển văn học nước ngoài, Tác gia - Tác phẩm, tác giả Lê
Huy Bắc cũng giới thiệu khái quát về F. Scott Fitzgerald và tóm lược nội
dung The Great Gatsby. Ông chỉ nhận xét về nhân vật trung tâm Gatsby “là
một trong những nhân vật mở đầu cho kiểu nhân vật thuộc “thế hệ mất
mát” trong văn học Hoa Kỳ và châu Âu sau chiến tranh thế giới thứ nhất.
Những nhân vật này dù nỗ lực đến mấy cũng không thể hòa nhập lại với
đời sống bình thường. Họ tìm niềm vui trong hoan lạc, rượu và du ngoạn.
Rốt cuộc, càng cố vượt thoát nỗi cô đơn bao nhiêu họ càng rơi vào cảnh cô
đơn bấy nhiêu. Họ luôn là những kẻ bên lề cuộc đời, xa lạ với mọi toan tính
ích kỷ của người đời, để cuối cùng họ là nạn nhân của những toan tính ấy”
[8, 365]. Như vậy, Lê Huy Bắc nhìn nhận Gatsby bằng con mắt cảm thông,
đi sâu vào tổn thương tinh thần của anh ta.
Đến cuốn Lịch sử văn học Hoa Kỳ, Lê Huy Bắc quan tâm tới vấn đề mà
luận văn cũng đang từng bước tìm hiểu, đó là nghệ thuật trần thuật và
người kể chuyện trong tiểu thuyết The Great Gatsby. Ông đưa ra thuật ngữ
trần thuật đa năng nhằm chỉ “lối trần thuật mở, trần thuật hướng trọng tâm
đến người đọc” [7, 605, 606], ông nhận định về người kể chuyện là “một
nhân vật tham gia vào cốt truyện”, “đóng vai một thám tử”.
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
■ Đối tượng nghiên cứu: Tiểu thuyết The Great Gatsby:
- Nguyên bản tiếng Anh đăng tải trên website

- Bản dịch của Trịnh Lữ với tiêu đề tiếng Việt là Đại gia Gatsby (Nhà
xuất bản Hội nhà văn, 2009). Luận văn sẽ sử dụng bản dịch này làm tài liệu
tham khảo, các trích dẫn đều được chú thích theo đúng quy cách, song song
với việc trích dẫn nguyên bản tiếng Anh.
Tuy sử dụng bản dịch mới nhất của Trịnh Lữ nhưng người viết xin phép
dùng tựa đề Gatsby vĩ đại (tác phẩm còn một số tựa tiếng Việt khác). Trong

11
bản dịch Rừng Nauy, Trịnh Lữ dùng tựa Gatsby vĩ đại, tuy nhiên khi trực
tiếp dịch tiểu thuyết này ông lại đổi nó thành Đại gia Gatsby. Ai đã đọc
cuốn sách cũng có thể công nhận với đời sống xa xỉ, thời thượng nhường
ấy, Gatsby đích thực là đại gia, nhưng nếu chỉ dừng ở đó thì mất đi ý nghĩa
hàm ẩn của từ “great”.
Trường hợp thứ nhất, nếu nhìn nhận Gatsby là nhân vật mang một ý chí
quyết liệt thay đổi số phận, một tình yêu cháy bỏng đến lúc trút hơi thở
cuối cùng, có thể dịch “great” thành “vĩ đại” với sắc thái nể trọng. Trường
hợp thứ hai, căn cứ vào tư duy của người Mỹ, họ không dùng từ “great”
cho những danh nhân như Washington, Jefferson, Kennedy… mà lại dùng
cho những người diễn trò như ảo thuật gia hay đô vật. Vậy “great” cũng có
thể được dịch là “vĩ đại” với sắc thái mỉa mai, mỉa mai giấc mơ hào nhoáng
nhưng tan vỡ như bong bóng.
Lê Đình Cúc trong một bài phân tích thì lựa chọn tên sách là Gatsby cừ
khôi, từ “cừ khôi” xác nhận năng lực của nhân vật, mặc dù vậy nó không
bao quát được những thương tổn tinh thần mà Gatsby gánh chịu. Dường
như Gatsby trở nên “vĩ đại” nhờ vào chính những vết thương ẩn kín trong
tâm hồn.
Cá nhân người viết ủng hộ tựa đề Gatsby vĩ đại (như bản dịch của
Hoàng Cường, Nxb Tác phẩm mới, 1982).
■ Phạm vi nghiên cứu: Trong khuôn khổ luận văn, chúng tôi xin tập
trung vào vấn đề người kể chuyện xưng “tôi”: sự tham gia của người kể

chuyện xưng “tôi” vào cốt truyện, mối quan hệ giữa anh ta với nhân vật
trung tâm và sự biến hóa của thời gian qua việc anh ta “kể”. Do giới hạn đề
tài, chúng tôi chỉ đề cập khái quát mà không đi sâu nghiên cứu cốt truyện,
nhân vật trung tâm hay thời gian để đảm bảo tính cô đọng cho luận văn.
Những phần trong luận văn như Hào quang Gatsby - cái “tôi” kể hoặc

12
Bóng tối Gatsby - cái “tôi” được kể đều nhằm trả lời câu hỏi liên quan đến
người kể chuyện xưng “tôi”: anh ta đã chia sẻ “đặc quyền” kể với một số
cái “tôi” kể khác như thế nào, sự tiếp nhận thông tin từ những cái “tôi” kể
khác có tác dụng gì trong quá trình trần thuật của anh ta…
4. Phương pháp nghiên cứu:
- Lý thuyết trần thuật học
- Một số quan điểm thi pháp học và cấu trúc văn bản nghệ thuật
- Phương pháp phân tích, tổng hợp
- Phương pháp thống kê, so sánh
5. Kết cấu luận văn
Người kể chuyện là một phương diện không thể thiếu trong lý thuyết tự
sự, khi người kể chuyện xuất hiện thì hành vi kể mới bắt đầu. W.Kayser
cho rằng: “Ở nghệ thuật kể, không bao giờ người kể chuyện là vị tác giả đã
hay chưa nổi danh, nhưng là cái vai mà tác giả bịa ra và chấp nhận”, thông
qua người kể chuyện mà tác giả đưa được câu chuyện của mình đến độc
giả. Song người kể chuyện không chỉ đơn thuần làm cầu nối như vậy mà
còn tham gia vào kết cấu của tác phẩm, dễ nhận thấy nhất là ở cốt truyện,
nên Todorov coi “người kể chuyện là một nhân tố chủ động trong việc kiến
tạo thế giới hư cấu”. Trong thế giới hư cấu ấy, người kể chuyện mang mối
liên hệ với nhân vật, sự kiện và thời gian sự kiện, thậm chí anh ta giữ vai
trò “cắt nghĩa những sự việc xảy ra”.
Nhằm làm rõ vai trò quan trọng của người kể chuyện, luận văn được kết
cấu theo 3 chương (ngoài phần mở đầu và kết luận):

Chương 1. Người kể chuyện xưng “tôi” và cốt truyện
Chương 2. Người kể chuyện xưng “tôi” và nhân vật trung tâm
Chương 3. Người kể chuyện xưng “tôi” và thời gian sự kiện


13
Chương1. Người kể chuyện xưng “tôi” và cốt truyện
1.1. Nick - người kể chuyện xưng “tôi” và sự tham gia vào cốt truyện
1.1.1. Khái niệm “người kể chuyện”
Từ điển thuật ngữ văn học gọi “người kể chuyện” là “hình tượng ước lệ về
người trần thuật trong tác phẩm văn học, chỉ xuất hiện khi nào câu chuyện
được kể bởi một nhân vật cụ thể trong tác phẩm. Đó có thể là hình tượng của
chính tác giả, dĩ nhiên không nên đồng nhất hoàn toàn với tác giả ngoài đời; có
thể là một nhân vật đặc biệt do tác giả sáng tạo ra; có thể là một người biết một
câu chuyện nào đó” [15, 221]. Cũng từ điển này định nghĩa “người trần thuật”
là một nhân vật hư cấu hoặc có thật, mà văn bản tự sự là do hành vi ngôn ngữ
của anh ta tạo thành” [15, 221].
Cuốn Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học
ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỷ 20 coi “người trần thuật” (Pháp: Narrateur; Anh:
Narrator) là “người tường thuật, người kể chuyện (…) mang tính chất cực kỳ
hình thức và đối lập dứt khoát với khái niệm “tác giả thực”, “tác giả cụ thể” [19,
244], và dẫn ý kiến của W. Kayser: “đó là một hình hài được sáng tạo ra, thuộc
về toàn bộ chỉnh thể tác phẩm văn học” [19, 245], ý kiến của R. Barthes:
“Người trần thuật và các nhân vật về thực chất là những sinh thể trên giấy,
không ai có thể lầm lẫn tác giả của câu chuyện với người tường thuật lại câu
chuyện ấy” [19, 245].
Từ điển Oxford định nghĩa “narrator” là “a person who narrates something,
especially a character who recounts the events of a novel or a narrative poem”:
“một người kể lại một điều gì đó, đặc biệt là một nhân vật kể lại các sự kiện
trong một tiểu thuyết hoặc một bài thơ có tính tự sự”.

Người viết luận văn cho rằng việc tách “người kể chuyện” và “người trần
thuật” như Từ điển thuật ngữ văn học đã làm là không cần thiết bởi chúng trùng
nhau. Còn Từ điển Oxford chỉ định nghĩa “người kể chuyện” một cách khái

14
quát. Luận văn tán thành cách trình bày khái niệm trong cuốn Các khái niệm và
thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỷ
20 và sẽ coi đây là một cơ sở để tìm hiểu người kể chuyện trong Gatsby vĩ đại.
Tóm lại, người kể chuyện là một hình tượng hư cấu với mục đích “kể”, giữ vị
trí trung tâm trong truyện kể, ảnh hưởng tới kết cấu tác phẩm (tiêu biểu là cốt
truyện), tới các nhân vật được kể, tới dòng thời gian vv. Có người kể chuyện
ngôi thứ nhất hoặc người kể chuyện ngôi thứ ba, Gatsby vĩ đại là một tác phẩm
tiêu biểu cho kiểu NKC ngôi thứ nhất (first-person narrator). Ở các phần và
chương sau, luận văn sẽ tìm hiểu sự tham gia của người kể chuyện xưng “tôi”
vào cốt truyện, mối quan hệ giữa anh ta với nhân vật trung tâm và yếu tố thời
gian biểu hiện qua lời kể của anh ta.
1.1.2. Khái niệm “cốt truyện”
Từ điển thuật ngữ văn học định nghĩa “cốt truyện” là “Hệ thống sự kiện
cụ thể, được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định, tạo
thành bộ phận cơ bản, quan trọng nhất trong hình thức động của tác phẩm
văn học thuộc các loại tự sự và kịch” [15, 99].
Cuốn 150 thuật ngữ văn học trình bày thuật ngữ “cốt truyện” là “Sự
phát triển hành động, tiến trình các sự việc, các biến cố trong tác phẩm tự
sự và kịch, đôi khi cả trong tác phẩm trữ tình” [5, 112].
Nhà văn Anh Andrew Taylor coi “cốt truyện là “ông ngoáo ộp” dọa
dẫm người cầm bút và cũng là nguyên nhân chung dẫn đến sự bế tắc của họ
trong quá trình triển khai tác phẩm”. Còn tiểu thuyết gia E.M. Forster hiểu
“cốt truyện là sự trần thuật về chuỗi sự kiện mà điểm nhấn rơi vào quan hệ
nhân quả”.
Để kể câu chuyện tiêu biểu cho Thời đại Jazz (Jazz Age), Fitzgerald đã

xây dựng một cốt truyện không nên chỉ được hiểu đơn giản là cái khung
của truyện, nó là “sự phát triển hành động, tiến trình các sự việc, biến cố”

15
[5, 112], nó mang tính động chứ không tĩnh. Tính động được biểu hiện sơ
bộ qua chuỗi hành động của nhân vật, dễ nhận biết nó nếu cốt truyện chứa
“đột biến” như trường hợp Gatsby vĩ đại: hành động của nhân vật gây ra
những đổi thay bên ngoài đáng kể. Tất nhiên không phải tác phẩm nào
cũng như vậy, các sáng tác của A. Chekhov thường không dựa trên những
sự kiện đột biến. K.S. Stanislavskij bình luận kịch Chekhov như sau: “Kịch
của ông có nhiều hành động, chỉ có điều là không ở sự phát triển bên ngoài
mà là ở sự phát triển bên trong. Trong bản thân sự vô hành động của các
nhân vật do ông tạo ra chứa đựng một hành động bên trong phức tạp”. Ta
hiểu “hành động bên trong” là những biến thiên trong cảm xúc, tâm lý,
nhận thức.
Tính động của cốt truyện, sâu xa hơn, biểu hiện qua sự chuyển tiếp nội
tại của sự kiện; cốt truyện Gatsby vĩ đại gồm bốn phần: thắt nút - phát triển
- cao trào - kết thúc, mỗi sự kiện diễn ra đẩy sự kiện sau nó lên cấp độ cao
hơn, tới đỉnh điểm rồi thoái trào, dường như “cảm giác nhân quả đã ngả
bóng lên đó” (E.M. Forster). Ta hình dung cốt truyện này như một đường
gấp khúc, bốn phần đi theo trật tự biên niên, “nếu đổi thay hay tước bỏ một
bộ phận nào đó thì chỉnh thể sẽ đổi thay và bắt đầu biến động”.
Bảng 1.1. Biểu đồ cốt truyện Gatsby vĩ đại:
Climax





Exposition Resolution

Gatsby vĩ đại có một cốt truyện điển hình, không khuyết phần nào từ thắt

16
nút đến kết thúc, giữa chúng tồn tại mối quan hệ nhân quả khá chặt chẽ.
Song không phải cốt truyện nào cũng hình thành từ bốn (năm) phần đầy đủ,
tác giả hoàn toàn có thể “chỉ giữ lại một (hay một vài xung đột) để triển
khai cốt truyện hoặc là phá tung tính liên kết nhân quả của các tình tiết, sự
kiện…”[25, 184]. Trong cuốn Dẫn luận nghiên cứu văn học, Pospelov
nhận định các sự kiện tạo thành cốt truyện liên quan tới nhau theo nhiều
hơn một kiểu: có thể theo mối liên hệ thời gian (B xảy ra sau A) hoặc liên
hệ nhân-quả (B xảy ra vì A), thí dụ:
Nhà vua băng hà rồi hoàng hậu qua đời.
A B
A xảy ra trước B nhưng A chưa chắc là nguyên nhân của B, khác với: “Nhà
vua băng hà, hoàng hậu đau buồn và qua đời”, từ đó ông phân ra cốt truyện
biên niên, cốt truyện đồng tâm. Người viết luận văn cho rằng trên thực tế
khó phân biệt rạch ròi như vậy bởi nếu sự kiện A là nguyên nhân của sự
kiện B thì dĩ nhiên A xảy ra trước, trừ phi do cách kể của người kể chuyện,
các sự kiện bị đảo lộn: vụ tai nạn mà Daisy gây ra đã dẫn đến việc Wilson
bắn Gatsby và nó xảy ra trước cái chết của ông.
Khái niệm “cốt truyện” có khi vẫn bị nhầm với “truyện”, ta cần phân
biệt chúng. Lê Huy Bắc quan niệm “Truyện (story) là chuỗi những sự kiện
về một vấn đề (hoặc nhiều vấn đề) nào đó diễn ra theo trật tự tự nhiên, tuân
thủ thời gian tuyến tính, nương theo sự chảy trôi của cuộc sống theo quan
hệ nhân quả mà không có sự đảo lộn sắp đặt của người kể; cốt truyện (plot)
là sự sắp xếp thẩm mỹ, không tuân theo trật tự biên niên của sự kiện và
quan hệ nhân quả nghiêm ngặt, thống nhất theo ý đồ chủ quan của người
kể” [25, 180]. Song Lê Lưu Oanh và Phan Hồng Hạnh thì cho rằng: “Cốt
truyện (fabula) là cốt lõi cơ bản của diễn biến câu chuyện, với một hệ thống
sự kiện tiếp nối theo quan hệ nhân quả, còn truyện kể (story, siugiet) là cốt


17
truyện đã được gia công lại một cách nghệ thuật” [25, 257], họ xuất phát từ
trường phái hình thức mà B. Tomashevsky tổng kết: “Tổng thể các sự kiện
trong mối liên hệ qua lại nội tại của chúng, ta sẽ gọi là cốt truyện (fabula),
sự sắp xếp các sự kiện được xây dựng một cách nghệ thuật trong tác phẩm
thì gọi là truyện (siugiet)”. Lê Huy Bắc và Lê Lưu Oanh trình bày khái
niệm ngược nhau nhưng cùng căn cứ vào thời gian biên niên và quan hệ
nhân quả để phân biệt truyện/ cốt truyện.
Quan điểm của Lê Lưu Oanh giống quan điểm của một số tác giả như:
○ M.Bal – bà cho rằng cốt truyện (fabula) là logic của sự kiện còn câu
chuyện (story) là cốt truyện được trình bày theo một cách nào đó, nên
“cùng một cốt truyện, dưới ngòi bút của nhà văn này thì hấp dẫn, dưới ngòi
bút của nhà văn khác lại vô vị” [25, 82].
○ E.M. Forster – ông viết: “Truyện là sự trần thuật về một chuỗi sự kiện
được sắp xếp theo một trình tự thời gian nào đó. Một cốt truyện cũng là sự
trần thuật về chuỗi sự kiện, nhưng điểm nhấn rơi vào quan hệ nhân quả”
[27, 2]. Forster nhấn mạnh quan hệ nhân quả trong cốt truyện vì tính biên
niên trong cốt truyện là hiển nhiên, không làm cốt truyện này khác cốt
truyện kia.
Ngoài ra Lê Lưu Oanh còn chú ý tới “thành phần xen” nằm ngoài cốt
truyện, là “miêu tả ngoại cảnh, môi trường, đồ vật, giới thiệu lai lịch nhân
vật, miêu tả chân dung, tái hiện tâm trạng, độc thoại nội tâm, hồi tưởng, đối
thoại, lời trữ tình ngoại đề, những nhận xét mang tính triết lý, những bình
phẩm đi sát nhân vật, những biểu tượng hoặc những câu chuyện nhỏ bổ
sung, giải thích cho một chi tiết, một nhân vật” [24, 258]. Người kể chuyện
cũng ảnh hưởng đến thành phần xen, trong Gatsby vĩ đại, nhờ người kể
chuyện xưng “tôi” quan sát kĩ lưỡng mà các thành phần xen (khung cảnh
thiên nhiên, lai lịch, chân dung nhân vật…) trở nên “đầy đặn”. Thêm nữa,


18
những bất thường về mặt thời gian (ngoái lại, đón trước vv.) có thể lại xảy
ra ở thành phần xen, chẳng hạn đan giữa bốn sự kiện chính không bị xáo
trộn trong Gatsby vĩ đại là những sự kiện bất tuân trật tự biên niên: ở
chương IV, cuộc tình của Gatsby năm 1917 hiện lên vào thời điểm năm
1922; chương IX, sinh hoạt của cậu thiếu niên James Gatz được tái hiện
sau khi Gatsby qua đời vv.
1.1.3. Sự tham gia của người kể chuyện xưng “tôi” vào cốt truyện
Người kể chuyện luôn đồng hành với truyện bởi đó là một “vai” nhà văn
hư cấu nhằm mục đích kể chuyện, song không phải lúc nào anh ta cũng
tham gia vào cốt truyện. Người kể chuyện ngôi thứ ba không xuất hiện
trong các sự kiện, biến cố của cốt truyện (Chí Phèo, Bà Bovary…), thậm
chí người kể chuyện ngôi thứ nhất cũng chưa chắc đã tham gia vào cốt
truyện. Thí dụ, truyện Dì Hảo (Nam Cao) có cốt truyện xoay quanh cuộc
đời ba người phụ nữ:
Ông tôi thua bạc bỏ nhà đi. Bà ngoại tôi đã trải qua những tháng ngày
khốn khổ “chịu trăm đồng bạc nợ”.

Chồng bà xã Vận qua đời, để lại cho bà hai đứa con. Bà dẫn Hảo đến
cho bà ngoại tôi. Dì Hảo làm con nuôi của bà.

Dì Hảo đi lấy chồng, bị chồng phụ bạc.
ta thấy sự tham gia vào cốt truyện của người kể chuyện xưng “tôi” không
đáng kể. Nhưng người kể chuyện xưng “tôi” trong Gatsby vĩ đại thì khác,
anh ta tham gia khá tích cực vào cốt truyện, tất nhiên không phải do anh ta
là tác giả. Không thể đồng nhất người kể chuyện và tác giả dù Nick
Carraway thừa nhận: “Gatsby, người tôi đã lấy tên để đặt cho cuốn sách
này…”. Dostoyevsky từng khẳng định qua trường hợp tiểu thuyết Những

19

người nghèo (Poor Folk): “Bạn đọc đều có thói quen nhìn thấy bộ mặt của
nhà sáng tác trong tất cả, nhưng tôi không bộc lộ bộ mặt của mình. Họ
không hề ngờ rằng đó là Devushkin nói chứ không phải tôi. Và Devushkin
thì không thể nói khác như thế được” [21, tr86]. Một số chi tiết ở người kể
chuyện xưng “tôi” như: chiến đấu trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất,
chuyển tới New York sinh sống, sở thích viết lách… dễ gợi liên tưởng về
Fitzgerald song hai hình tượng này thực chất vẫn tách biệt, việc NKC tham
gia vào cốt truyện khác với việc nhà văn xây dựng cốt truyện. Tóm lại, cần
nhìn nhận Nick Carraway ở cả vai trò nhân vật khi xét sự tham gia vào cốt
truyện.
Sự tham gia vào cốt truyện không liên quan tới khả năng biết trước, biết
tường tận mọi tình tiết, biến cố. Ở Những người khốn khổ (Les Misérables),
người kể chuyện đứng ngoài các sự kiện của cốt truyện song anh ta vẫn kể
lại trọn vẹn và nắm bắt được những bí mật như thân thế Jean Valjean, lai
lịch Gavroche, tình cảm thầm kín của Eponine vv. Trong lúc đó, dù tham
gia vào cốt truyện, người kể chuyện của Gatsby vĩ đại không toàn tri, anh ta
khó lòng mách nước cho độc giả, thậm chí còn bị Gatsby đánh lừa. Thomas
E. Boyle gọi là “khoảng cách giữa độc giả và người kể chuyện”:
“There is a good deal that is fishy about Gatsby which Nick does not
see. He seriously reports, for example, that Gatsby as a young man had
spent over a year "beating his way along the south shore of Lake Superior
as a clam-digger and salmon-fisher”, yet we know, as Fitzgerald must have
known, that Lake Superior contains neither edible clams nor salmon. Once
again there is distance between reader and narrator” [29, p22].
“Có khá nhiều điểm đáng nghi ở Gatsby mà người kể chuyện Nick
không rõ. Anh ta thuật lại rằng Gatsby là một quý ông trẻ tuổi đã từng trải
qua một năm “xuôi ngược dọc bờ nam hồ Superior đánh dặm bắt sò, bắt cá

20
hồi” song chúng ta, cũng như Fitzgerald, biết rằng hồ Superior không có cả

sò lẫn cá hồi. Vậy là đã tồn tại một khoảng cách giữa độc giả và người kể
chuyện”.
Độc giả nhận ra sự vô lý trong điều Gatsby tiết lộ còn người kể chuyện lại
tin, tính “khờ khạo” đó khiến độc giả hoài nghi lời kể của Nick dẫu cho anh
ta trung thực khi trần thuật đi chăng nữa. Bị coi là một NKC “khờ khạo”
nhưng Nick giới thiệu bản thân rất tỉ mỉ với hàm ý mình không phải kẻ vẩn
vơ, hão huyền:
“My family have been prominent, well-to-do people in this middle-
western city for three generations. The Carraways are something of a clan
and we have a tradition that we‟re descended from the Dukes of
Buccleuch… I graduated from New Haven in 1915, just a quarter of a
century after my father, and a little later I participated in that delayed
Teutonic migration known as the Great War” [1,5].
“Gia đình tôi toàn những người danh giá khá giả đã ba đời ở cái thành
phố miền Trung Tây này. Nhà họ Carraway gần như là một gia tộc, chúng
tôi có truyền thống coi mình là hậu duệ của các Công tước Buccleuch…
Tôi tốt nghiệp đại học ở New Haven năm 1915, đúng một phần tư thế kỉ
sau cha tôi và ít lâu sau tham gia cuộc di cư Teutonic muộn mằn” [2, 9,10].
Đâu đó trong những dòng tự thuật là niềm tự hào, với vị trí xã hội này lời
kể của Nick mang sức nặng, khác hẳn một kẻ đưa chuyện tầm thường. Anh
ta nhấn mạnh việc dự vào các sự kiện ngay từ điểm khởi đầu: “the history
of the summer really begins on the evening I drove over there…” (“câu
chuyện của mùa hè năm ấy thực sự bắt đầu từ cái buổi chiều tôi lái xe sang
đó”), phân biệt mình với một nhân vật “ngoài lề”. Nó là một căn cứ để xác
định sự tham gia vào cốt truyện.
Ở phần thắt nút, người kể chuyện là nhân tố đẩy nhanh hành động của

21
nhân vật: nhờ Nick, Gatsby đã gặp lại Daisy một cách thuận lợi. Ở phần
này Nick tham gia sâu nhất vào cốt truyện, tạo nên “hiệu ứng domino” dẫn

tới những diễn biến tiếp theo: chuyện ngoại tình làm nảy sinh hiềm khích
giữa Gatsby với chồng Daisy và chính Tom xúi giục ông Wilson bắn chết
Gatsby.
Trong phần phát triển cốt truyện, người kể chuyện xưng “tôi” đóng vai
trò chứng nhân (eye-witness), trước cuộc đối đầu giữa Tom - Gatsby, anh
ta không hề tham gia đối thoại, không can ngăn mà chỉ lặng lẽ quan sát
biểu hiện xúc cảm của các nhân vật khác:
“A pause. Then Tom‟s voice, incredulous and insulting:
„You must have gone there about the time Biloxi went to New Haven‟.
(…)
„Wait a minute‟, snapped Tom, „I want to ask Mr. Gatsby one more
question.‟
„Go on‟, Gatsby said politely.
„What kind of a row are you trying to cause in my house anyhow? ‟
They were out in the open at last and Gatsby was content.
„He isn‟t causing a row.‟ Daisy looked desperately from one to the
other. „You‟re causing a row. Please have a little self control.‟ ” [1,136,
137].
“Một lúc im lặng. Rồi đến cái giọng đầy nghi ngờ và xúc phạm của
Tom:
„Chắc là ông đến đó cùng lúc với Biloxi đến New Haven‟.
(…)
„Gượm chút đã,‟ Tom cắm cảu, „tôi muốn hỏi ông Gatsby đây một câu
nữa.‟
„Xin mời ông,‟ Gatsby lễ độ nói.

22
„Vậy thì ông đang định gây gổ gì ở nhà tôi thế?‟
Cuối cùng thì họ đã công khai với nhau, và Gatsby chỉ mong có thế.
„Ông ấy không gây gổ gì cả,‟ Daisy tuyệt vọng nhìn hết người này tới

người kia. „Mình đang gây gổ thì có. Xin mình bình tĩnh một tí đi nào‟” [2,
181, 182].
Người kể chuyện mô tả họ tỉ mỉ và không giữ thái độ khách quan hoàn
toàn, đặc biệt khi dõi theo Tom, giọng điệu anh ta pha chút giễu cợt: “I was
tempted to laugh whenever he opened his mouth. The transition from
libertine to prig was so complete” [1,139] (“Tôi chực phì cười mỗi khi anh
mở miệng, gã điếm đàng đang hoàn toàn biến thành một kẻ lên mặt dạy
đời” [2, 183]).Vậy đôi lúc Nick Carraway đã để lộ bình luận về nhân vật
khác, điều này có khả năng ảnh hưởng đến cảm xúc của người đọc dành
cho nhân vật.
Ở cao trào, Nick Carraway trở thành “người nghe” câu chuyện mà
Gatsby kể trước khi anh ta thuật lại nó cho một người nào khác. Nick là
người đầu tiên và duy nhất biết Daisy đã gây ra tai nạn, việc anh ta giữ kín
bí mật vô tình tạo điều kiện cho Tom trả thù, dẫn đến cái chết của Gatsby ở
chương sau.
Tâm điểm của đoạn kết là hành động Wilson bắn Gatsby nhưng không
hề có nhân chứng, vì vậy Nick Carraway chỉ có thể kể lại hậu quả của hành
động ấy: “It was after we started with Gatsby toward the house that the
gardener saw Wilson‟s body” [1,173] (“Sau khi chúng tôi bắt đầu khiêng
Gatsby vào nhà thì người làm vườn mới nhìn thấy thi thể của Wilson” [2,
226]).
Như vậy, người kể chuyện tham gia vào các phần cốt truyện với mức độ
không đều, vai trò của anh ta giảm dần song Nick vẫn cố gắng thuật lại
những diễn biến bằng việc tìm hiểu chúng, đặc biệt ở phần kết (resolution),

23
người kể chuyện xưng “tôi” giống vị thám tử tường thuật quá trình điều tra:
“there were boys who had seen” (“những thằng bé đã thấy”), “and
motorists at whom he stared oddly from the side of the road” (“những
người lái xe nói rằng ông đã nhìn họ với vẻ rất lạ từ vệ đường”), “the police

supposed that” (“cảnh sát thì cho rằng”), “no garage man who had seen”
(“chẳng có chủ xưởng xe nào từng thấy”), “the chauffeur heard” (“anh tài
xế nghe thấy”). Mặc dù các manh mối sơ lược, mơ hồ buộc Nick phải dùng
từ ngữ giả định: “perhaps” (“có thể”), “if that was true” (“nếu đúng thế”)
nhưng không thể phủ nhận người kể chuyện rất nỗ lực tiếp cận nguyên
nhân Gatsby bị bắn nhằm bổ sung câu chuyện. Khi tuyên bố: “Now I want
to go back a little and tell what happened” (“Bây giờ tôi sẽ trở lại một tí để
kể xem”) anh ta đã chứng tỏ trách nhiệm đối với người nghe chuyện mình
hướng đến. Người chỉ quan tâm tới việc kể sẽ không tránh khỏi sự ngẫu
hứng trần thuật, còn người kể chuyện lưu tâm tới “người nghe” sẽ đảm bảo
tính trọn vẹn cho câu chuyện và cốt truyện hơn. Do đó, mặc dù Nick
Carraway từng thuật lại một câu chuyện dối trá của Gatsby nhưng không có
nghĩa là anh ta cũng muốn đánh lừa người nghe hoặc quyết định “dùng trò
chơi không muốn truyền đạt điều mà anh ta đối mặt” [26,171].
Nick không “tảng lờ”, bỏ sót một sự kiện, biến cố quan trọng nào, nhờ
đó cốt truyện không bị khuyết: “biến cố là đơn vị cực tiểu, bền vững của
cấu trúc cốt truyện” [21,396]. Cũng cần lưu ý, một biến cố trong mắt người
kể chuyện này chưa chắc đã là biến cố theo cách nhìn của chủ thể khác, thí
dụ: với Nick, việc Gatsby qua đời là biến cố nhưng giả sử Tom đóng vai trò
người kể chuyện thì anh ta sẽ không quan tâm. Lotman lý giải điều này dựa
trên quan điểm: “cùng một biến cố nhưng nhìn từ quan điểm này thì tồn tại,
từ quan điểm khác thì không có ý nghĩa, còn từ quan điểm thứ ba thì nói
chung lại là không tồn tại” [21,400]. Ông xem biến cố như “sự di chuyển

24
của nhân vật qua ranh giới của trường ngữ nghĩa” [21, 399], vì thế nó phụ
thuộc vào quan điểm của NKC. Từ lời kể của những người kể chuyện khác
nhau sẽ xác định được những biến cố và do đó những cốt truyện khác nhau.
Bảng 1.2. Cốt truyện Gatsby vĩ đại
ChV. Thắt nút (Exposition)

Gatsby gặp lại Daisy
ChVII. Phát triển (Rising Action)
Tom đối đầu Gatsby
ChVII. Cao trào (Climax)
Daisy lái xe đâm chết bà Wilson
ChVIII. Kết thúc/ Mở nút (Resolution)
Ông Wilson bắn chết Gatsby
Kết cấu của Gatsby vĩ đại gồm 9 chương trong đó sự kiện thắt nút nằm ở
chương V, phần phát triển và cao trào đều nằm trong chương VII, kết thúc:
chương VIII. Các sự kiện của cốt truyện dồn tụ ở 3/ 9 chương; từ chương I
đến IV và chương VI Nick hầu như kể những câu chuyện bên lề còn
chương IX có thể gọi là “vĩ thanh”. Cách kể ban đầu tưởng chừng thư thả
sau đó bỗng trở nên gấp gáp khiến người đọc bất ngờ, nhưng chính việc
thuật lại các biến cố một cách tập trung đã giúp ta dễ dàng xâu chuỗi chúng
để định hình cốt truyện.
1.2. Nick - người kể chuyện xưng “tôi” và điểm nhìn
Ở phần này, luận văn tìm hiểu điểm nhìn của NKC xưng “tôi” trong
truyện, đồng thời xác định anh ta mang điểm nhìn nào (bên trong hay bên
ngoài) trong các sự kiện chính làm nên cốt truyện.
1.2.1. Khái niệm “điểm nhìn”
Điểm nhìn là yếu tố cốt lõi trong nghệ thuật trần thuật, như Pospelov
nói: “Trong tác phẩm tự sự, điều quan trọng là tương quan giữa các nhân
vật với chủ thể trần thuật, hay nói cách khác, điểm nhìn của người trần
thuật với những gì mà anh ta miêu tả” [23, 90]. Hiểu một cách đơn giản thì
khi người kể chuyện miêu tả và kể lại, anh ta phải có một điểm nhìn (point
of view), nó xác nhận việc người kể chuyện nhìn và nhìn như thế nào.

25
Từ điển Oxford định nghĩa “điểm nhìn” là “the narrator‟s position in
relation to a story being told” (là vị trí của người kể chuyện trong quan hệ

với truyện đang được kể).
Từ điển thuật ngữ văn học (Lê Bá Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc
Phi đồng chủ biên) định nghĩa “điểm nhìn nghệ thuật” là “vị trí từ đó người
trần thuật nhìn ra và miêu tả sự vật trong tác phẩm”, “điểm nhìn nghệ thuật
có thể hiểu là điểm rơi của cái nhìn vào khách thể” [15, 113]. Từ điển
không phân chia trực tiếp điểm nhìn “biết tuốt”, bên ngoài, bên trong mà
dựa trên không gian, thời gian, tâm lí, quang học, mô hình văn hóa hoặc hệ
tư tưởng; trong đó điểm nhìn quang học hoàn toàn khách quan, điểm nhìn
tâm lý: “khi người trần thuật nhìn theo tầm mắt của nhân vật có đặc điểm
giới tính, lứa tuổi, quan hệ thân, sơ, bên trong hay bên ngoài” [15, tr113].
Ở bài viết Bàn về một vài thuật ngữ thông dụng trong kể chuyện, Đặng
Anh Đào cho rằng: “Về thuật ngữ, nhãn quan (vision), điểm nhìn (point de
vue) và tiêu điểm (focalisation) đã được sách lí luận coi là một (…) Nhìn
chung, nó (tức “điểm nhìn” - chú thích của người viết) quy tụ giới hạn
trường nhìn của người kể chuyện trước đối tượng được miêu tả và kể lại”
[25, 170]. Người viết luận văn hiểu “trường nhìn” là yếu tố cho thấy khả
năng biết sự việc của người kể chuyện: NKC có trường nhìn vô hạn thì
toàn tri, còn NKC có trường nhìn hạn chế thì chỉ kể được một số điều.
Ở bài Điểm nhìn trong lời nói giao tiếp và điểm nhìn nghệ thuật trong
truyện, Nguyễn Thái Hòa đã trình bày lý thuyết của Genette và đề xuất xác
định “điểm nhìn nghệ thuật” ở cấp độ thấp hơn văn bản (đoạn văn, hồi,
cảnh vv.) từ 3 tham số: tiêu điểm, khoảng cách, phương vị, nghĩa là tác giả
coi “điểm nhìn” ≠ “tiêu điểm”. Nó không đúng với lý thuyết của Genette vì
Genette dùng thuật ngữ “tiêu điểm” (focalization) nhằm tránh thiên về thị
giác như “điểm nhìn”, nhưng “tiêu điểm” vẫn trùng với “điểm nhìn”.

×