Tải bản đầy đủ (.pdf) (116 trang)

Chủ thể nhận thức tiên nghiệm trong triết học Immanuin Cantơ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (883.9 KB, 116 trang )



ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
***







VŨ THỊ HỒNG NHUNG


CHỦ THỂ NHẬN THỨC TIÊN NGHIỆM
TRONG TRIẾT HỌC IMMANUIN CANTƠ



LUẬN VĂN THẠC SỸ
Chuyên ngành: Triết học







Hà Nội - 2012



ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
***







VŨ THỊ HỒNG NHUNG


CHỦ THỂ NHẬN THỨC TIÊN NGHIỆM
TRONG TRIẾT HỌC IMMANUIN CANTƠ


LUẬN VĂN THẠC SỸ
Chuyên ngành: Triết học
Mã số : 60.22.80



Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS.Nguyễn Vũ Hảo




Hà Nội - 2012


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan luận văn này là kết quả nghiên cứu của tôi dưới sự
hướng dẫn của PGS. TS Nguyễn Vũ Hảo.
Tôi cũng xin cam đoan đề tài này không trùng với bất cứ đề tài luận
văn nào đã được công bố ở Việt Nam.
Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung của đề tài.





Hà Nội, tháng 10 năm 2012
Tác giả luận văn




Vũ Thị Hồng Nhung




















LỜI CẢM ƠN

Tôi xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo Khoa Triết học - Trường Đại
học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội đã tạo điều kiện
thuận lợi giúp đỡ cho tôi trong suốt quá trình học tập và hoàn thành luận văn.
Đặc biệt tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới thầy giáo PGS.TS
Nguyễn Vũ Hảo là người trực tiếp hướng dẫn tôi trong suốt quá trình học tập
và hoàn thiện luận văn.
Tôi xin trân trọng cảm ơn các thầy cô trong Hội đồng chấm luận văn
đã tận tình chỉ bảo hướng dẫn, đóng góp nhiều ý kiến quý báu cho luận văn
được hoàn chỉnh.
Tôi cũng chân thành cảm ơn gia đình, đồng nghiệp và bạn bè đã tạo
điều kiện giúp đỡ và động viên tôi trong suốt quá trình làm luận văn.


Học viên




Vũ Thị Hồng Nhung






1
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU 3
1. Lý do chọn đề tài 3
2. Tình hình nghiên cứu đề tài 5
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn 9
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn 10
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu 10
6. Đóng góp của luận văn 11
7. Kết cấu của luận văn 11
NỘI DUNG 12
CHƯƠNG 1: BỐI CẢNH VÀ NHỮNG TIỀN ĐỀ RA ĐỜI NHẬN THỨC
LUẬN CỦA I.CANTƠ 12
1.1.Immanuin Cantơ: con người và tác phẩm. 12
1.2. Những điều kiện và tiền đề cơ bản cho sự ra đời nhận thức luận
của Cantơ 13
1.2.1. Những điều kiện kinh tế - xã hội cho sự ra đời nhận thức luận của
Cantơ 14
1.2.2. Những tiền đề tư tưởng cho sự ra đời nhận thức luận của Cantơ . 18
1.3.Vị trí của nhận thức luận trong hệ thống triết học Cantơ 44
CHƯƠNG 2: NỘI DUNG CỎ BẢN CỦA CHỦ THỂ NHẬN THỨC
TIÊN NGHIỆM TRONG TRIẾT HỌC I.CANTƠ
2.1. Cuộc cách mạng Côpécníc trong nhận thức luận Cantơ: chủ nghĩa
duy tâm tiên nghiệm và chủ thể nhận thức tiên nghiệm 50
2.2. Cấu trúc và những năng lực của chủ thể nhận thức tiên nghiệm

trong nhận thức luận của Cantơ 54
2.2.1. Cảm tính 56
2.2.2. Giác tính. 64
2
2.2.3. Thông giác 72
2.2.4. Lý tính 77
2.3. Chủ thể nhận thức kinh nghiệm và chủ thể nhận thức tiên nghiệm:
giới hạn năng lực nhận thức của chủ thể 87
2.3.1. Chủ thể nhận thức kinh nghiệm và chủ thể nhận thức tiên nghiệm87
2.3.2.Giới hạn năng lực nhận thức của chủ thể 90
2.4. Những giá trị, hạn chế và ảnh hưởng của quan niệm Cantơ về chủ
thể nhận thức tiên nghiệm 94
KẾT LUẬN 99
PHỤ LỤC 103
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 105

















3
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Với tư cách là người sáng lập triết học cổ điển Đức, Immanuin Cantơ
có những đóng góp không nhỏ cho nền triết học thế giới. Đánh giá về học
thuyết triết học Cantơ, C.Mác đã từng viết rằng: “Triết học Cantơ là học
thuyết Đức của cuộc cách mạng Pháp” [32, tr.131]. Nhân danh cá nhân và
những người đồng quan điểm với mình, Ph.Ăngghen đã từng công khai tuyên
bố: “Nếu các thầy giáo của giai cấp tư sản dìm cái ký ức về các triết gia Đức
vĩ đại và về phép biện chứng do họ sáng tạo ra vào vũng lầy của một chủ
nghĩa chiết trung buồn thảm, - đến mức mà chúng tôi phải kêu gọi khoa học
tự nhiên hiện đại làm chứng cho rằng, phép biện chứng tồn tại trong thực tế
thì chúng tôi, những người xã hội chủ nghĩa Đức, lấy làm tự hào cho rằng
chúng tôi xuất thân không những từ Xanh Ximông, Phuriê, Ôoen, mà cả từ
Cantơ, Phíchtơ và Hêghen” [35, tr.461].
Ngay từ trong các tác phẩm thời kỳ “tiền phê phán” khi Cantơ chuyên
chú về các vấn đề khoa học tự nhiên và triết học tự nhiên, chúng ta thấy rất rõ
quan niệm của ông về sự phát triển trong tự nhiên. Trong cuốn “Lịch sử tự
nhiên đại cương và học thuyết về bầu trời” xuất bản năm 1755, được
Ph.Ăngghen đánh giá là tác phẩm thiên tài vì “vấn đề cái hích đầu tiên đã bị
loại bỏ, trái đất và tất cả hệ thống mặt trời hiện ra như là một cái gì đã hình
thành trong thời gian” [36, tr.466], Cantơ không chỉ giải thích cấu tạo hiện
thời của hệ mặt trời mà còn giải thích cả sự xuất hiện và phát triển của nó nữa.
Có thể khẳng định rằng, học thuyết của Cantơ về mâu thuẫn đã đặt ra cơ sở
cho các hệ thống biện chứng của Phíchtơ, Sêlinh và Hêghen. Do vậy, có thể
nói, Cantơ là người sáng lập ra biện chứng cổ điển Đức. Các tư tưởng biện
chứng đã được Cantơ phát triển đặc biệt là trong lôgic học và lý luận nhận
thức. Cantơ đã đặt ra những nền tảng cho tư tưởng về lôgic biện chứng, về vai
4

trò của các phạm trù, đặc biệt về vai trò của chủ thể nói chung và chủ thể
nhận thức tiên nghiệm nói riêng.
Cantơ đã làm cuộc cách mạng trong triết học. Điều đã khơi dậy cuộc
cách mạng này trong đầu óc Cantơ chính là sự quan tâm sâu sắc tới một vấn
đề mà triết học thời ông không thể giải quyết thành công hay thỏa đáng. Các
yếu tố trong vấn đề của ông được gợi ý từ nhận định mà ông đưa ra: “Tôi
càng suy ngẫm nhiều thì có hai điều càng làm cho tâm hồn tôi kinh ngạc và
tôn kính hơn là: bầu trời ở trên đầu tôi và quy tắc đạo đức ở trong tôi” [59,
tr.757]. Tức là, ông bắt đầu quan tâm tới vũ trụ, triết học tự nhiên và đặc biệt
là cấu trúc và những năng lực trong nhận thức của con người với tư cách là
chủ thể nhận thức tiên nghiệm. Đồng thời, ông cũng đưa ra những định hướng
và cách luận chứng mới cho những vấn đề trên mà các nhà triết học trước ông
chưa giải quyết được. Với tính chất và nhiệm vụ như vậy cuộc cách mạng
trong triết học của Cantơ mà ông gọi là cuộc cách mạng Côpécnic đã để lại
nhiều dấu ấn về vai trò và năng lực của tư duy con người đối với các nhà triết
học sau Cantơ, đặc biệt là những nhà sáng lập ra chủ nghĩa Mác.
Có thể nói, với hệ thống triết học khá đồ sộ mà tập trung chủ yếu trong
ba tác phẩm: “Phê phán lý tính thuần túy” (1781); “Phê phán lý tính thực
tiễn” (1788); “Phê phán năng lực phán đoán” (1790), Cantơ đã có những
đóng góp quan trọng cho triết học cổ điển Đức nói riêng và lịch sử triết học
thế giới nói chung. Quan niệm của Cantơ về chủ thể tiên nghiệm nói chung và
chủ thể nhận thức tiên nghiệm nói riêng có thể coi là xuất phát điểm cho việc
xây dựng lý luận nhận thức của triết học Mác sau này. Bởi lẽ, khi đánh giá
chủ thể của quá trình nhận thức ở mặt này, Cantơ đã đánh dấu bước ngoặt
trong nhận thức về con người.
Vấn đề chủ thể nhận thức tiên nghiệm trong triết học Cantơ hiện nay,
tuy vậy, chưa được nghiên cứu một cách hệ thống, thậm chí còn có những
5
đánh giá trái ngược nhau. Điều này đã gây ra khó khăn cho các nhà nghiên
cứu trong việc đánh giá vị trí của quan niệm về chủ thể nhận thức trong lịch

sử triết học, đặc biệt là triết học Mác. Vì tư tưởng này được các nhà sáng lập
ra chủ nghĩa Mác tiếp thu và phát triển trên cơ sở quan niệm của Cantơ.
Hơn nữa, trong thực tiễn ở Việt Nam, vấn đề con người với tư cách là
chủ thể nhận thức và vai trò của tư duy con người luôn dành được sự quan
tâm lớn. Để góp phần nâng cao tri thức, trí tuệ và phát huy nhân tố con người,
chúng ta cần đi sâu nghiên cứu vấn đề chủ thể của quá trình nhận thức và vai
trò của chủ thể nhận thức.
Về phần mình, trong những năm qua, khi học tập và nghiên cứu lịch sử
triết học, tôi rất say mê tìm hiểu triết học Cantơ, nhất là vấn đề chủ thể nhận
thức tiên nghiệm. Bởi lẽ, đó là vấn đề khá thú vị còn chưa được nghiên cứu
đúng mức.
Vì vậy, tôi mạnh dạn lựa chọn đề tài: “Chủ thể nhận thức tiên nghiệm
trong triết học Immanuin Cantơ ” với hy vọng có thể đóng góp phần nào vào
việc nhìn nhận những giá trị của triết học Cantơ đối với lịch sử triết học thế
giới nói chung và triết học Mác nói riêng.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Ở Việt Nam, việc giảng dạy triết học Cantơ đã được đưa vào chương
trình từ bậc đại học và sau đại học. Có khá nhiều nhà nghiên cứu viết về triết
học của ông. Tuy nhiên, cho đến nay, việc nghiên cứu trực tiếp quan niệm của
Cantơ về chủ thể nhận thức tiên nghiệm còn ít được đề cập đến và chưa được
xem xét đầy đủ. Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là do: Nghiên cứu
di sản triết học đồ sộ mà ông để lại cho chúng ta, đòi hỏi một sự kiên nhẫn và
thời gian dài lâu. Triết học của Cantơ được trình bày và diễn đạt bằng một
ngôn ngữ “rất Cantơ,” nghĩa là rất khó hiểu ngay cả với những người chuyên
sâu vào nghiên cứu triết học của ông.
6
Để đánh giá tình hình nghiên cứu quan niệm của Cantơ về chủ thể nhận
thức tiên nghiệm hiện nay thì việc phân chia các hướng nghiên cứu triết học
của Cantơ theo nhóm là cần thiết. Có thể khái quát kết quả nghiên cứu về triết
học Cantơ nói chung, nhận thức luận Cantơ và chủ thể nhận thức tiên nghiệm

trong triết học của ông nói riêng, thành các nhóm chủ yếu sau:
Nhóm thứ nhất, gồm các công trình nghiên cứu chuyên khảo về triết
học Cantơ có thể kể đến các công trình như:
Cuốn “Triết học Kant”(Cantơ) của Trần Thái Đỉnh được nhà xuất bản
Văn Mới xuất bản năm 1974 và nhà xuất bản Văn hóa Thông tin tái bản năm
2005. Với kiến thức triết học và nguồn tài liệu phong phú, tác giả đã đề cập và
phân tích khá toàn diện hệ thống triết học của I.Cantơ thời kỳ phê phán, riêng
đối với nhận thức luận, tác giả cũng đưa ra nhiều luận giải khá sâu sắc. Theo
tác giả, Phê phán lý tính thuần túy đã vạch rõ giới hạn của lý tính con người
nhằm chứng tỏ ranh giới của những gì con người có thể biết và không thể
biết, rằng không thể sử dụng tri thức kinh nghiệm để đạt tới đối tượng của
siêu hình học, rằng không thể có siêu hình học theo kiểu một khoa học thực
nghiệm, mà chỉ có thể có khoa học siêu hình xây dựng trên lý tính thực tiễn,
tức lý tính đạo đức mà thôi. Theo Trần Thái Đỉnh, khi phê phán lý tính thuần
túy, Cantơ không nhằm phá hủy siêu hình học mà, trái lại, nỗ lực xây dựng
một siêu hình học mới; và cho rằng, mục đích chủ yếu của Phê phán lý tính
thuần túy là trả lời câu hỏi: “theo khả năng tri thức của con người thì có thể có
khoa học siêu hình không? Nghĩa là con người có thể tri thức về những thực
tại siêu hình như linh hồn và Thượng đế không”[13, tr.19].
Cuốn“Triết học Imanuin Cantơ” của tác giả Nguyễn Văn Huyên do
nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản năm 1996. Trong công trình này, tác
giả đã phân tích khá sâu những nội dung và đặc điểm cơ bản triết học Cantơ
nói chung và vấn đề của nhận thức luận nói riêng.
7
Bên cạnh những công trình nghiên cứu chuyên khảo trên là một số
công trình của các tác giả nước ngoài đề cập trực tiếp hay gián tiếp về triết
học cổ điển Đức nói chung và triết học của I.Cantơ nói riêng dã được dịch
sang tiếng Việt. Chẳng hạn như: Lịch sử phép biện chứng mácxít (tập 3),
Lôgic học biện chứng của E.V.Ilencôv cũng đã ít nhiều đề cập đến vấn đề
nhận thức luận và khả năng nhận thức của chủ thể.

Đặc điểm chung của các nghiên cứu này là tập trung làm rõ những nội
dung chủ yếu trong triết học của I.Cantơ như: lý luận nhận thức, triết học thực
tiễn, triết học tôn giáo và quan niệm của Cantơ về nhân học…
Nhóm thứ hai, gồm những công trình nghiên cứu chuyên sâu về nhận
thức luận Cantơ chẳng hạn như:
Cuốn “I.Cantơ - Người sáng lập nền triết học cổ điển Đức” của các tác
giả Viện Triết học được nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản năm 1997.
Công trình này đã tập hợp những bài viết về những nội dung chủ yếu của triết
học Cantơ trong đó có một số bài viết đã ít nhiều đề cập đến vấn đề năng lực
của chủ thể trong quá trình nhận thức, chẳng hạn: “Quan niệm của I.Cantơ về
tính tích cực của chủ thể nhận thức” của tác giả Nguyễn Trọng Chuẩn; “Học
thuyết về antinomia và lôgic tiên nghiệm của Cantơ” của tác giả Vũ Văn
Viên; “Về học thuyết phạm trù trong triết học Cantơ” của tác giả Lê Công
Sự…
Cùng với quá trình đổi mới đất nước, việc nghiên cứu lịch sử triết học
cũng có những bước phát triển nhất định. Trong xu hướng chung đó, triết học
cổ điển Đức nói chung và di sản triết học của Cantơ nói riêng ngày càng thu
hút được sự quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà khoa học. Năm 2004, nhân
kỷ niệm 200 năm ngày mất của I.Cantơ, Hội thảo Quốc tế: Triết học cổ điển
Đức - Những vấn đề nhận thức luận và đạo đức học diễn ra từ 21 - 22/
12/2004 tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia
8
Hà Nội (Kết quả của Hội thảo lớn này đã được in thành Kỷ yếu Hội thảo
Quốc tế năm 2006). Trong cuốn Kỷ yếu này đã tập hợp rất nhiều bài viết liên
quan đến vấn đề nhận thức luận và đạo đức học của Cantơ, phân tích ảnh
hưởng của triết học cổ điển Đức đối với sự hình thành triết học Mác và các
trào lưu triết học phương Tây hiện đại khác sau này như: “Quan niệm của
Cantơ về bản chất của nhận thức và ý nghĩa của nó” của tác giả Vũ Văn Viên;
“Thực chất “cái siêu việt” của lý tính trong lý luận nhận thức của I.Cantơ và
tư tưởng của ông về một nền triết học khoa học” của tác giả Phạm Văn

Chung; “Lý luận nhận thức của I.Cantơ thời kỳ “phê phán” - giá trị và hạn
chế” của tác giả Trần văn Phòng…
Nhóm thứ ba, các nghiên cứu liên quan trực tiếp đến đề tài luận văn,
có thể kể đến một số công trình như sau:
Bài viết “Tư tưởng của I.Cantơ (I.Kant)về sự thống nhất của lý luận
nhận thức, đạo đức trong nhân học” của tác giả Nguyễn Vũ Hảo. Xuất phát từ
quan điểm của Cantơ coi triết học chính là nhân học và xem xét nhân học tư
biện như là lý luận tư biện về chủ thể, về con người, tác giả đã luận giải quan
niệm của Cantơ khi nghiên cứu những năng lực nhận thức của chủ thể và làm
rõ cấu trúc bên trong của chủ thể nhận thức dưới góc độ nhân học tư biện.
Trong bài viết “Phương thức tư duy chủ thể tính của I.Cantơ (I.Kant)
về những gợi mở của nó đối với đương đại” tác giả Âu Dương Khang đã phân
tích nét độc đáo trong triết học Cantơ là ở chỗ ông đã chuyển đối tượng
nghiên cứu của triết học từ thế giới bên ngoài vào trong chính bản thân con
người (thực hiện cuộc cách mạng Côpécnic), đồng thời chỉ rõ đặc điểm của
phương pháp tư duy mang tính chủ thể từ góc độ năng lực, phạm vi và giới
hạn của chủ thể, lấy chủ thể làm trục xuyên suốt để giải quyết vấn đề nhận
thức luận, đem tính năng động trong nhận biết của chủ thể để giải thích cho
khả năng nhận thức, để cho khách thể vận động xoay quanh chủ thể.
9
Một vài năm trở lại đây, ba trong số các nguyên tác của I.Cantơ trong
thời kỳ phê phán đã được dịch giả Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải cặn kẽ
bằng tiếng Việt. Đó là Phê phán lý tính thuần túy (2004), Phê phán lý tính
thực hành (2007), Phê phán năng lực phán đoán (2007). Điều này thực sự là
hữu ích cho những ai quan tâm đến triết học của ông.
Ngoài ra, còn có một số các luận án, luận văn nghiên cứu về triết học
I.Cantơ nói chung, chẳng hạn như: luận án Tiến sĩ của tác giả Lê Công Sự:
Học thuyết phạm trù trong triết học I.Cantơ (2004); luận văn Thạc sỹ của tác
giả Hà Huy Tuấn: Quan niệm của I.Cantơ về bản chất của nhận thức trong
tác phẩm phê phán lý tính thuần túy (2005); luận văn Thạc sỹ của tác giả

Khuất Duy Dũng: Chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm trong nhận thức luận của
I.Cantơ (2006) v.v
Qua phần tổng quan tình hình nghiên cứu ở trên, có thể thấy rằng các
công trình chủ yếu tập trung vào nghiên cứu nội dung cơ bản trong triết học
I.Cantơ nói chung và vấn đề lý luận nhận thức trong triết học của ông nói
riêng. Còn đi sâu vào nghiên cứu trực tiếp nhằm làm sáng tỏ quan niệm của
Cantơ về chủ thể nhận thức tiên nghiệm đặc biệt liên quan đến cấu trúc và các
năng lực cơ bản của chủ thể nhận thức tiên nghiệm: cảm tính, giác tính, thông
giác, lý tính; vấn đề “vật tự nó” và giới hạn năng lực nhận thức của chủ thể thì
cho đến nay vẫn còn chưa được khai thác đúng mức. Khi tiếp cận vấn đề này,
Cantơ đã đánh dấu bước ngoặt lớn so với các trường phái triết học trước ông.
Vì vậy, cần phải đi sâu nghiên cứu hơn nữa nhằm làm rõ đóng góp này của
Cantơ đối với triết học.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn
Mục đích của luận văn: Mục đích của luận văn là phân tích làm rõ
quan niệm của Cantơ về chủ thể nhận thức tiên nghiệm, từ đó đưa ra những
đánh giá về những giá trị và hạn chế của quan niệm này.
10
Nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn: Để đạt được mục đích nghiên cứu
trên, luận văn thực hiện những nhiệm vụ sau:
Một là: phân tích những tiền đề cơ bản cho sự hình thành quan niệm
Cantơ về chủ thể nhận thức tiên nghiệm, chủ yếu đi sâu vào hai trào lưu triết
học Cận đại: chủ nghĩa duy kinh nghiệm và chủ nghĩa duy lý;
Hai là: phân tích một cách có hệ thống, làm rõ quan niệm của Cantơ về
chủ thể nhận thức tiên nghiệm, đặc biệt liên quan đến các năng lực cơ bản của
chủ thể nhận thức: cảm tính, giác tính, thông giác, lý tính; vấn đề “vật tự nó”
và giới hạn của nhận thức luận;
Ba là: đưa ra nhận xét và đánh giá về những giá trị và hạn chế của quan
niệm Cantơ về chủ thể nhận thức tiên nghiệm.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận văn

Đối tượng nghiên cứu của luận văn: luận văn tập trung trước hết vào
việc phân tích, đánh giá quan niệm của Cantơ về chủ thể nhận thức tiên
nghiệm, đặc biệt là các năng lực của chủ thể nhận thức tiên nghiệm như: cảm
tính, giác tính, thông giác và lý tính.
Phạm vi nghiên cứu của luận văn: Do điều kiện hạn chế về thời gian
và tư liệu, luận văn giới hạn chủ yếu ở việc nghiên cứu vấn đề chủ thể nhận
thức tiên nghiệm trong tác phẩm “Phê phán lý tính thuần túy” của Cantơ.
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
Ngoài tác phẩm “Phê phán lý tính thuần túy”, luận văn có xem xét, kế
thừa các kết quả của các công trình nghiên cứu liên quan đến vấn đề nhận
thức luận, chủ thể nhận thức tiên nghiệm trong triết học Cantơ ở các học giả
đi trước. Luận văn dựa trên nền tảng lý luận và phương pháp mácxít nghiên
cứu lịch sử triết học.
11
Phương pháp nghiên cứu được sử dụng ở đây chủ yếu là phương pháp
biện chứng, phương pháp quy nạp và diễn dịch, phương pháp lôgic và lịch sử,
phương pháp phân tích và tổng hợp, phương pháp so sánh…
6. Đóng góp của luận văn
Đóng góp chủ yếu của luận văn là ở chỗ trình bày một cách có hệ thống
quan niệm về chủ thể nhận thức tiên nghiệm trong triết học Cantơ, góp phần
làm sáng tỏ những tư tưởng của Cantơ về cấu trúc và năng lực của chủ thể
nhận thức tiên nghiệm, từ đó đưa ra những đánh giá về những giá trị và hạn
chế của quan niệm trên đối với sự phát triển của lịch sử triết học.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, phần kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận
văn gồm 2 chương 7 tiết.
12
NỘI DUNG
CHƯƠNG 1
BỐI CẢNH VÀ NHỮNG TIỀN ĐỀ RA ĐỜI NHẬN THỨC LUẬN

CỦA I.CANTƠ

1.1.Immanuin Cantơ: con người và tác phẩm.
Immanuin Cantơ (Immanuel Kant) sinh ngày 22/04/1724 ở
Koênícxơbéc; mất ngày 12/02/1804 tại Koênícxơbéc.
Cantơ chính là nhà triết học sáng lập ra nền triết học cổ điển Đức. Ông
có công rất lớn đối với sự nghiệp phát triển phép biện chứng. Triết học của
Cantơ nói riêng, và triết học cổ điển Đức nói chung, là một trong những
nguồn gốc lý luận trực tiếp của triết học Mác - Lênin. Chủ nghĩa duy tâm tiên
nghiệm do Cantơ sáng lập đã có một ảnh hưởng rất mạnh mẽ và dài lâu đối
với Phíchtơ, Hêghen và cả nền triết học của nhân loại kế tiếp sau này.
Cantơ sinh tại nước Phổ, ở Koênícxơbéc trong một gia đình thợ thủ
công. Năm 1745, ông tốt nghiệp khoa Thần học tại trường đại học tổng hợp
Koênícxơbéc. Sau khi học tập, nghiên cứu triết học, toán học và Thần học,
Cantơ có một thời gian làm nghề gia sư. Năm 1755, ông được nhận danh hiệu
phó giáo sư và từ năm 1770 được phong hàm giáo sư giảng dạy môn lôgic
học và siêu hình học tại trường đại học tổng hợp Koênícxơbéc.
Ông sống độc thân suốt đời và chưa bao giờ đi ra khỏi thành phố
Koênícxơbéc. Đặc biệt là có rất nhiều giai thoại về sự chính xác như một
chiếc đồng hồ sống trong sinh hoạt hàng ngày của Cantơ: toàn bộ cuộc sống
của ông luôn nhịp nhàng, được tính toán và giống như một chiếc đồng hồ
chính xác nhất. Vào đúng 10 giờ tốt ông đi ngủ và dậy đúng 5 giờ sáng. Trong
suốt 30 năm ông không một lần dậy không đúng giờ. Ông đi dạo vào đúng 19
13
giờ. Người dân Koênícxơbéc chỉnh đồng hồ của mình theo Cantơ [Xem 59,
tr.758-759].
Với hệ thống triết học khá đồ sộ, các tác phẩm chủ yếu của I Cantơ có thể
kể đến như: Lịch sử đại cương về tự nhiên và lý thuyết về bầu trời (1755) hay
là thử phác thảo từ nguồn gốc cơ học về toàn bộ vũ trụ, theo các nguyên tắc
Niutơn; Thuyết đơn tử vật lý (1756); Phê phán lý tính thuần túy (1781); Sơ

luận về bất kỳ môn Siêu hình học tương lai nào muốn có thể xuất hiện như
một khoa học (1783); Phê phán lý tính thực tiễn (1788); Đặt cơ sở cho Siêu
hình học về đạo đức (1785); Phê phán năng lực phán đoán (1790)…
Theo thông lệ, người ta phân biệt hai giai đoạn trong triết học của ông:
giai đoạn tiền phê phán (tới đầu những năm 70, thế kỷ XVIII) và giai đoạn
phê phán được thể hiện với chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm của ông trong các
tác phẩm chính đã nêu ở trên.
1.2. Những điều kiện và tiền đề cơ bản cho sự ra đời nhận thức luận của
Cantơ
Vấn đề nhận thức luận được đặt ra từ rất sớm trong lịch sử triết học.
Con người có khả năng nhận thức được thế giới hay không? Đó là câu hỏi
được đặt ra trong suốt quá trình phát triển của lịch sử nhân loại. Để lý giải câu
hỏi đó, các nhà triết học, từ thời Cổ đại đến nay đang đi tìm câu trả lời, song
do những điều kiện và tiền đề khác nhau, nên trong mỗi thời kỳ lịch sử cách
luận chứng cũng khác nhau.
Đối với I. Cantơ, lý luận nhận thức có thể coi là đóng vai trò chủ đạo
trong hệ thống triết học của ông. Ở đó, ông đưa ra nhiều câu hỏi nhằm hướng
đến giải quyết một câu hỏi lớn nhất: Con người là gì? Cantơ nhấn mạnh đến
vị trí của con người với tư cách là chủ thể của quá trình nhận thức, là trung
tâm của mọi hoạt động. Chính vì vậy, ông phê phán triết học trước mình là
chỉ hướng về giới tự nhiên, coi giới tự nhiên chứ không phải con người là đối
14
tượng của triết học. Vậy, bối cảnh nào đã dẫn đến những nhận định đó của
I.Cantơ, cũng như những tư tưởng nào ảnh hưởng trực tiếp đến sự luận giải đó
của ông?
1.2.1. Những điều kiện kinh tế - xã hội cho sự ra đời nhận thức luận của
Cantơ
Đến cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản đã được thiết
lập ở một loạt các nước Tây Âu như Italia, Anh, Pháp…đem lại một nền sản
xuất phát triển chưa từng có trong lịch sử tỏ ra ưu việt hơn hẳn so với tất cả

các chế độ xã hội trước đó. Sự phát triển kinh tế tư bản đã phá tan quan hệ sản
xuất cát cứ phong kiến trên cơ sở xuất hiện nhiều ngành sản xuất mới, làm
thay đổi phương thức tổ chức lao động, thay đổi kết cấu giai cấp và đời sống
xã hội nói chung. Điểm nhấn của quá trình này là các cuộc cách mạng xã hội.
Nếu cách mạng tư sản lần đầu tiên nổ ra ở Hà Lan (thế kỷ XVI) báo hiệu thời
kỳ Trung cổ đã suy tàn, thì cách mạng tư sản Anh (1640 - 1660) là cuộc cách
mạng đầu tiên có ý nghĩa lớn đối với quá trình hình thành chủ nghĩa tư bản
trên phạm vi châu Âu và thế giới. Cơ sở kinh tế của cuộc cách mạng này là
các ngành công nghiệp ở Anh đã phát triển rất mạnh mẽ, những phát minh về
kỹ thuật, nhất là những hình thức tổ chức mới trong lao động, đã làm cho
năng suất lao động ở các công trường thủ công ngày càng tăng. Trong đó,
ngành len dạ rất phát triển đã mở ra cuộc xâm thực của công nghiệp đối với
nông nghiệp, làm thay đổi kết cấu giai cấp và các nhóm xã hội. Tômát More
(1478 - 1535) - nhà văn nhân đạo chủ nghĩa, nhà hoạt động chính trị, quốc vụ
khanh nước Anh - đã mô tả: "những con cừu xưa kia ngoan ngoãn hiền hậu
biết bao, bây giờ đều trở thành những con vật hung hãn, tham lam. Cừu ăn
thịt người, phá hoại ruộng vườn, nhà cửa và thành thị". Tình trạng "cừu ăn thịt
người" thực tế là sự tước đoạt ruộng đất của nông dân do nhà tư bản công
15
nghiệp và địa chủ liên kết tiến hành, nhằm "biến đồng lúa thành đồng cỏ"
dành cho việc chăn nuôi cừu phục vụ ngành dệt len”.
Ngành thương nghiệp ở Tây Âu cũng không ngừng mở rộng, nhất là
ngoại thương, cùng với chế độ thực dân xâm chiếm thuộc địa. Một loạt các
công ty thương mại lớn ra đời như: công ty châu Phi (1553) chuyên buôn
vàng, ngà voi, nô lệ da đen; công ty Moscow buôn bán dọc sông Vônga vào
Ba Tư và Ấn Độ; công ty Tây Ban Nha (1577); công ty phương Đông (1579)
buôn bán ven biển Ban Tích; công ty Thổ Nhĩ Kỳ (1581), công ty Đông Ấn
(1600) cạnh tranh với thương nhân Hà Lan và Pháp. Sở giao dịch của Trung
tâm mậu dịch và tài chính khu City (London) cũng được thành lập từ khá sớm
vào năm 1568 để đáp ứng nhu cầu phát triển trao đổi hàng hoá. Thương

nghiệp đã góp phần quan trọng vào quá trình tích luỹ nguyên thuỷ tư bản và
hình thành chủ nghĩa thực dân.
Sự bành trướng hệ thống thuộc địa đạt tới mức độ cao chưa từng có
trong thế kỷ XVII-XVIII, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, cùng với
cách mạng ruộng đất ở Anh; điều đó đòi hỏi một khối lượng sản phẩm công
nghiệp lớn mà nền sản xuất công trường thủ công không đáp ứng nổi. Xuất
phát từ yêu cầu khách quan của xã hội và những điều kiện sẵn có, nước Anh
bước vào giai đoạn cách mạng công nghiệp. Khởi điểm của cuộc cách mạng
này là sự xuất hiện máy móc cơ khí, là sự nhảy vọt từ lao động thủ công sang
lao động bằng máy móc dựa trên những thành tựu số học, cơ học, vật lý học,
hoá học và động lực học kết hợp với trình độ phân công lao động, chuyên
môn hoá khá hoàn thiện của nền sản xuất. Mở đầu là các phát minh trong
ngành bông vải sợi. Năm 1733, nhà kỹ thuật Giôn Kay (John Kay) phát minh
ra thoi bay làm cho năng suất sợi tăng gấp đôi. Năm 1735, Abraham Đácbi
phát minh ra phương pháp nấu than cốc từ than đá để luyện gang, góp phần
phát triển ngành luyện kim và cơ khí. Năm 1765, người thợ dệt Giêm Hácrivơ
16
phát minh ra máy kéo sợi có 16 đến 18 cọc suốt so với xa kéo sợi một cọc
suốt thủ công trước đây. Năm 1769, máy kéo sợi chạy bằng sức nước ra đời
mang tên áccraitơ sau đó được công nhân Xamyen Crơmtơn cải tiến tới trình
độ cao hơn. Nhưng hạn chế của loại máy kéo sợi này là phải xây dựng nơi sản
xuất gần nguồn nước. Cùng năm đó, một thực nghiệm viên là Giêm Oát
(James Watt) (1736-1812) tìm ra nguyên tắc máy hơi nước mở đường cho
việc giải phóng sức lao động. Vài năm sau, máy dệt chạy bằng hơi nước ra
đời có năng suất tăng gấp 39 lần. Nhờ có những phát minh vĩ đại ấy, lao động
bằng máy đã thắng lao động bằng chân tay ở hầu hết các ngành công nghiệp
chủ yếu của nước Anh. Cách mạng công nghiệp có ảnh hưởng sâu sắc đến đời
sống xã hội, làm phân hoá kết cấu giai cấp, thay đổi nhận thức của con người
đối với giới tự nhiên và xã hội.
Những thành tựu kinh tế và văn hóa thời kỳ này, mà đỉnh cao là cách

mạng công nghiệp ở Anh, càng khẳng định sức mạnh của con người trong
nhận thức và cải tạo thế giới. Cùng với cách mạng tư sản Pháp làm rung
chuyển cả Châu Âu, chúng đánh dấu sự mở đầu của nền văn minh công
nghiệp trong lịch sử nhân loại. Trong khi đó, ở nước Đức vẫn còn trong tình
trạng lạc hậu cả về kinh tế lẫn chính trị: nền kinh tế bị ràng buộc bởi quan hệ
sản xuất phong kiến lạc hậu, sự tập trung ruộng đất trong tay địa chủ, những
tàn dư chế độ nông nô, chế độ phường hội trong thành thị đã làm năng suất
lao động thấp, đời sống của đại đa số quần chúng nhân dân trở nên nghèo nàn
cùng cực. Hơn nữa, sự phân chia lãnh địa của hàng trăm cát cứ phong kiến và
cùng với đó là sự phân chia về kinh tế và chính trị đã cản trở nước Đức phát
triển theo con đường tư bản chủ nghĩa. Cả đất nước bao trùm bầu không khí
bất bình của đông đảo quần chúng, như Ph.Ăngghen nhận xét: “Mọi cái đều
tồi tệ và tâm trạng bất mãn đã bao trùm cả nước. Không có giáo dục, không
có phương tiện ảnh hưởng đến ý thức quần chúng, không tự do báo chí, không
17
có dư luận xã hội, thậm chí không có buôn bán tương đối lớn với các nước
khác - không có gì cả ngoài sự đê tiện và tự tư tự lợi; lề thói con buôn hèn
mạt, xun xoe, nịnh hót thảm hại, đã thâm nhập toàn dân. Mọi thứ đều nát bét,
lung lay, xem chừng sắp sụp đổ, thậm chí chẳng còn lấy một tia hy vọng
chuyển biến tốt lên, vì dân tộc thậm chí không còn đủ sức vứt bỏ cái thây ma
rữa nát của chế độ đã chết rồi”[33, tr.754]. Có thể coi đây là một trong những
thời kỳ yếu hèn nhất trong lịch sử nước Đức.
Thêm vào đó, những tiến bộ đáng kể của khoa học, nhất là các ngành
khoa học tự nhiên, ngày càng chứng tỏ sự hạn chế của phương pháp tư duy
siêu hình thống trị trong tư tưởng Tây Âu suốt thế kỷ XVII, XVIII. Việc phát
minh ra điện và sử dụng điện năng góp phần tạo ra bước nhảy vọt trong sự
phát triển của sản xuất từ công trường thủ công tới công nghiệp cơ khí, đồng
thời chứng thực những phát triển đầu tiên của khoa học về sự bảo toàn và biến
hóa năng lượng và vật chất của vũ trụ. Phát minh của Lavoariê ra ôxi và bản
chất của sự cháy đã đánh đổ thuyết nhiên tố, mở ra giai đoạn phát triển mới

của hóa học. Những công trình nghiên cứu của Lamác, Linnơ, việc phát hiện
ra tế bào của Lơvenhúc…đòi hỏi phải có cách lý giải mới về bản chất của sự
sống.
Bối cảnh lịch sử đó ở Tây Âu và nước Đức đặt trước các nhà triết học
nhiều vấn đề: siêu hình học thế kỷ XVII (với các đại biểu chính như Đềcáctơ,
Lépnít, Xpinôda…) từng đóng vai trò to lớn trong việc phát triển tư duy lý
luận và hệ thống hóa tri thức con người đã không còn đáp ứng được nhu cầu
phát triển và tư tưởng Tây Âu thế kỷ XVIII, khi mà hàng loạt các khoa học đã
đủ sức phát triển tách ra khỏi cái nôi triết học của mình, trở thành những lĩnh
vực nghiên cứu độc lập. Ngay từ cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, xuất
hiện nhiều xu hướng xét lại siêu hình học và các giá trị tư tưởng truyền thống.
Tuy nhiên, triết học Tây Âu Phục hưng và Cận đại (ngay cả triết học khai
18
sáng Pháp thế kỷ XVIII) từng là ngọn cờ lý luận của giai cấp tư sản trong thời
kỳ bình minh đầy tính cách mạng của nó, về cơ bản vẫn chưa thoát khỏi quan
niệm cơ học về thế giới, đồng thời bất lực trong công việc lý giải bản chất của
thực tiễn xã hội đang diễn ra cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỳ XIX. Trong tình
hình đó, Cantơ đã nhìn thấy rõ những điểm hợp lý trong các triết học trước
ông, song ông còn thấy rõ hơn tính chất giáo điều của triết học duy lý và tính
chất hoài nghi thiếu cơ sở trong triết học theo kinh nghiệm luận. Những hạn
chế này, theo Cantơ, đã trở thành “căn bệnh trầm kha” trong lĩnh vực tư tưởng
ở thời đại ông. Điều này, khiến Cantơ tự đặt ra cho mình nhiệm vụ phân tích
có phê phán các trào lưu triết học trước đó, nhằm xem xét và đánh giá lại khả
năng nhận thức của con người, giải phóng nhận thức luận khỏi cách tiếp cận
đang thống trị lúc đó, mà theo Cantơ là cách tiếp cận giáo điều.
Do đó, bằng cách đặt vấn đề hết sức độc đáo của mình, Cantơ đã hình
thành triết học phê phán và quan niệm về chủ thể nhận thức tiên nghiệm và
khả năng của nó trong nhận thức luận trên cơ sở dung hòa hai trường phái
triết học duy lý cực đoan và duy kinh nghiệm cực đoan. Có thể nói, trong bối
cảnh xã hội Đức có trình độ lạc hậu hơn rất nhiều so với một số nước phát

triển tư bản chủ nghĩa đi đầu ở Tây Âu, triết học I.Cantơ là sự khai phá tiến
bộ trên lĩnh vực tư tưởng.
1.2.2. Những tiền đề tư tưởng cho sự ra đời nhận thức luận của Cantơ
a. Chủ nghĩa duy kinh nghiệm như là cơ sở lý luận cho nhận thức luận
của Cantơ
Bước sang thời kỳ Cận đại, bắt đầu từ thế kỷ thứ XVII, các nước Tây
Âu đã đạt được sự phát triển khá thịnh vượng về kinh tế - xã hội. Giai cấp tư
sản ngày càng khẳng định được vai trò và vị thế của mình trong đời sống xã
hội. Họ tập hợp lực lượng chống lại chế độ phong kiến lỗi thời, và điều này đã
có những ảnh hưởng không nhỏ tới tất cả các lĩnh vực văn hóa – xã hội trong
19
đó có triết học, đặc biệt phải kể đến triết học ở Anh. Lúc này Anh đã trở thành
một cường quốc tư bản lớn và các nhà triết học Anh cũng trở thành ngọn cờ
lý luận của giai cấp tư sản trong cuộc cách mạng tư sản (1642-1648). Không
những thế, sự phát triển mạnh mẽ của sản xuất và khoa học thực nghiệm đã có
những tác động không nhỏ đến lập trường tư tưởng của các nhà triết học Anh.
Họ là những nhà tư tưởng đầu tiên đưa ra các phương pháp khoa học cho việc
phát triển tri thức và cố gắng sử dụng các phương pháp này cho hoạt động
triết học. Do vậy, trong số họ, nhiều nhà triết học thời kỳ này đã đề cao vai trò
của thực nghiệm, của cảm tính trong nhận thức và đặc biệt vai trò của chủ thể
nhận thức. Quan niệm này là sự đúc rút những giá trị hợp lý trong nhận thức
luận của các nhà triết học cổ đại như Arixtốt, Đêmôcrit, và phương pháp tư
duy khoa học mới của các ông trong hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ. Để hiểu
thấu đáo hơn về chủ nghĩa duy kinh nghiệm với tư cách là một trong những
tiền đề lý luận cho sự hình thành quan niệm của Cantơ về chủ thể nhận thức,
cần xem xét cụ thể sự phát triển tư tưởng của một số đại diện tiêu biểu trong
thời kỳ này.
* Xu hướng duy cảm trong nhận thức luận của Ph.Bêcơn
Ph.Bêcơn (Francis Bacon) (1561-1626) được C.Mác đánh giá là “Ông
tổ của chủ nghĩa duy vật Anh và khoa học thực nghiệm” [68, tr.264].

Ph.Bêcơn tự nhận nhiệm vụ cải cách triết học và khoa học. Khởi điểm lý luận
nhận thức của Bêcơn là sự phê phán của ông đối với lối học truyền thống
trong đó theo ông là học thức đã bị ngưng trệ. Khoa học bị đồng nghĩa với
học thức, và học thức chỉ có nghĩa là đọc các tác phẩm cổ: “Việc học y khoa
chẳng hạn, chủ yếu là lối từ văn chương và được thực hành bởi các nhà tu từ,
nhà thơ và các giáo sĩ mà trình độ thực hành của họ được đánh giá bằng khả
năng trích dẫn Hiporates và Galen. Triết học vẫn còn bị thống trị bởi Plato và
Aristotle và những lời giảng dạy của họ chỉ là những bóng ma” [53, tr.179].
20
Khi Bêcơn nhấn mạnh lợi ích của học thức coi “tri thức là sức mạnh”,
ông đặc biệt bị kích động bởi tính “vô bổ của lối học truyền thống”. Cái làm
cho lối học này vô bổ đó là khoa học bị pha trộn với mê tín. Theo ông, trong
đường lối khoa học này thiếu phương pháp thích hợp để khám phá xem thiên
nhiên là gì và nó hoạt động ra sao. Nhiệt thành ủng hộ sự phát triển của khoa
học với hoài bão xây dựng một cách nhìn mới về thế giới thực sự khách quan,
ông cũng chỉ ra những hạn chế trong khả năng nhận thức của con người.
Những hạn chế không phải chỉ dẫn đến những sai lầm vụn vặt và nhất thời,
mà là những sai lầm nghiêm trọng không thể tránh khỏi của con người trong
nhận thức. Ông gọi chúng ta là những ảo tưởng (idola - theo tiếng Hy Lạp cổ
nó có nghĩa là hình ảnh bị xuyên tạc) từ đó, ông đưa ra cách thức để nhận
thức chân lý và khắc phục được các ảo tưởng bằng việc vạch ra cơ chế và bản
chất của chúng. Trên thực tế, Bêcơn đã nhận thấy được khả năng nhận thức
của con người và đã tìm cách khai thác khía cạnh đó, bắt đầu từ việc chỉ ra
nguồn gốc và các loại ảo tưởng.
Theo ông các ảo tưởng có nguồn gốc hoàn toàn khách quan vì chúng có
trong bản chất của trí tuệ con người, một phần xuất hiện trong quá trình lịch
sử nhận thức của nhân loại, một phần nảy sinh trong tố chất sinh lý và nhân
cách của mỗi người, đó là những sai lầm trong nhận thức. Để khắc phục
những sai lầm đó, Ph.Bêcơn đưa ra vấn đề phương pháp.
Các phương pháp nhận thức mà Bêcơn đưa ra thực ra là những phương

pháp gắn liền với chủ nghĩa duy kinh nghiệm, chủ nghĩa duy cảm duy vật,
nhằm hướng tư duy và trí tuệ của con người vào việc khái quát và diễn giải
những tư liệu do cảm tính đem lại.
Với việc đưa ra những phương pháp nhận thức khoa học có xu hướng
duy cảm kinh nghiệm ấy, Bêcơn đã tháo cởi xiềng xích của tư duy kinh viện
và tạo đà cho các nhà triết học sau ông xem xét khả năng nhận thức của con
21
người một cách khoa học hơn trong đó có người đồng hương và người bạn
của ông nhà triết học Tômát Hốpxơ.
* Cảm giác với tư cách là khả năng nhận thức trong quan niệm của Hốpxơ
Cũng như Ph.Bêcơn, T.Hốpxơ (Thomas Hobbs) (1588 - 1679) cho rằng
“tri thức là sức mạnh” do vậy phải tăng cường phát triển các khoa học, nhất là
triết học. Lý luận triết học phải phục vụ thực tiễn của con người vì nó giúp
cho con người hiểu biết về các sự vật. Hốpxơ là người hệ thống và phát triển
các quan niệm duy vật của Bêcơn trong việc giải quyết các vấn đề xã hội,
trong đó, vấn đề con người và khả năng nhận thức của con người được coi là
tâm điểm trong triết học của ông.
Xuất phát từ quan niệm duy vật thừa nhận sự tồn tại khách quan của thế
giới có trước con người và không phải do chúa trời tạo ra. Hốpxơ đã bênh vực
chủ nghĩa duy cảm cho rằng chỉ có vật thể đơn lẻ tồn tại. Mọi khái niệm như:
“Thực thể”, “vật chất”…đều chỉ là những tên gọi. Ông nói: “Trong thế giới
chẳng có gì chung cả, ngoài các tên gọi” [68, tr.282], nên điều không tránh
khỏi là ông phải giải thích mọi thực tại và mọi quá trình theo kiểu các vật thể
chuyển động. Ở đây, sự chuyển động, theo ông, không chỉ là sự di dời chỗ mà
còn là quá trình biến đổi. Các sự vật đơn lẻ trở nên khác, vì bên trong chúng
đã có sự biến đổi ít nhiều. Và sự thay đổi này không chỉ áp dụng trong trạng
thái tự nhiên của con người, mà còn cả trong khả năng tư duy của con người
nữa.
Trí tuệ con người hoạt động bằng nhiều cách, từ tri giác, tưởng tượng
ghi nhớ đến suy nghĩ. Tất cả những cách hoạt động này của trí khôn cơ bản

đều giống nhau vì tất cả đều là những chuyển động trong cơ thể chúng ta.
Hốpxơ đặc biệt thấy rõ điều này. Hốpxơ viết: “Tri giác là khả năng chúng ta
cảm giác sự vật, nó là hành vi tinh thần cơ bản và các hành vi khác đều phát
xuất từ hành vi gốc này” [Trích theo 53, tr.185]. Toàn thể cấu trúc và quá

×