ĐÁNH GIÁ HÌNH ẢNH TỔN THƯƠNG ĐỘNG MẠCH VÀNH QUA CHỤP
MẠCH XOÁ NỀN TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH QUẢNG NAM
Phạm Ngọc Ẩn, Trần Lâm, Nguyễn Lương Quang, Trần Quốc Bảo
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam
TÓM TẮT:
Mục tiêu nghiên cứu: Đánh giá hình ảnh tổn thương động mạch vành qua chụp mạch vành tại
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam. Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả. Kết quả: Tuổi
trung bình của bệnh nhân thực hiện thủ thật là 76,58±6,24, yếu tố nguy cơ thường gặp là tăng huyết áp
(80,5%) rối loạn lipid máu (62,9%), đái tháo đường (25%), thuốc lá (29,6%). Tổn thương động mạch
liên thất trước là thường gặp (39,8%). Tỷ lệ hội chứng chuyển hóa ở bệnh nhân mắc bệnh mạch vành
là 46,4%, trong các thành phần của hội chứng chuyển hóa, tăng huyết áp là thường gặp nhất với
57,1%. Kết luận: Bước đầu triển khai chụp động mạch vành tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam
đã mang lại những kết quả khả quan, tỷ lệ tử vong và biến chứng trong giới hạn cho phép. Cần sớm
triển khai trắc nghiệm gắng sức, phẫu thuật tim để điều trị tối ưu cho những bệnh nhân mạch vành.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Bệnh động mạch vành là nguyên nhân bệnh lý gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Ở Việt Nam
tình hình bệnh động mạch vành cũng ngày đang tăng cao. Theo thống kê của Viện Tim mạch Việt Nam
vào năm 1991 tỷ lệ mắc bệnh mạch vành chỉ chiếm 3% thì đến năm 1996 tỷ lệ này là 6,1% và đến năm
1999 đã lên đến 9,5%.
Hình ảnh động mạch vành qua chụp mạch cho đến nay được xem là tiêu chuẩn để chẩn đoán
bệnh và đánh giá tổn thương mạch vành. Tại Việt Nam, Viện Tim Mạch Quốc Gia (bệnh viện Bạch
Mai) đã tiến hành chụp ĐMV chọn lọc đầu tiên từ tháng 8/1995 và tại Huế kỹ thuật này đã được tiến
hành từ năm 1998. Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Quảng Nam triển khai chụp động mạch vành từ tháng 2
năm 2013, chúng tôi nghiên cứu đề tài: “Đánh giá hình ảnh tổn thương động mạch vành qua chụp
mạch xóa nền tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam” với 2 mục tiêu:
1. Đặc điểm bệnh nhân bị bệnh động mạch vành tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam.
2. Đánh giá hình ảnh tổn thương động mạch vành qua chụp động mạch vành chọn lọc.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU
Gồm 108 bệnh nhân có chỉ định chụp ĐMV tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam từ tháng 2
đến tháng 4 năm 2013.
2.2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
- Chẩn đoán hội chứng chuyển hoá theo NCEP ATP III áp dụng cho người châu Á:
+ Béo phì trung tâm: Số đo vòng bụng: nam ≥ 90cm, nữ ≥ 80cm;
+ Triglycerid máu tăng ≥ 150mg/dL (≥ 1,7mmol/L);
+ HDL-C giảm: nam < 40mg/dL (< 1,03mmol/L), nữ < 50mg/dL (< 1,29mmol/L);
+ Tăng HA: HATT ≥130mmHg và/hoặc HATTr ≥ 85mmHg;
+ Tăng glucose huyết tương tĩnh mạch khi đói ≥ 6,1mmol/L
- Chỉ định chụp ĐMV theo khuyến cáo Hội Tim mạch Việt Nam 2008.
- Phân độ đau thắt ngực theo Hiệp hội Tim mạch Canada (CCS- Canadian Cardiovascular Society).
- Máy chụp mạch sử dụng: Máy chụp mạch xóa nền số hóa OEC 9900 ELITTE của hãng GE Healthcare.
- Chẩn đoán có bệnh mạch vành khi động mạch vành hẹp > 50% trên hình ảnh chụp mạch và được ít
nhất 2 bác sỹ can thiệp tim mạch phân tích.
- Xử lý số liệu: Sử dụng phần mềm Microsoft Office Excel 2003 và SPSS 11.5 for Windows. Có ý nghĩa
thống kê khi p < 0,05.
III. KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN
3.1. Đặc điểm lâm sàng và cận lâm sàng của đối tượng nghiên cứu
3.1.1. Nhóm tuổi
Bảng 1: Phân bố đối tượng nghiên cứu theo nhóm tuổi
Nhóm tuổi <50 50-70 >70
Số bệnh nhân (n=108 ) 20 40 48
Tỷ lệ (%) 18,5 37 44,4
Tuổi trung bình 76,58±6,24
Tuổi trung bình của đối tượng nghiên cứu là 76,58±6,24, độ tuổi thường gặp nhất là trên 70 tuổi,
bệnh nhân lớn tuổi nhất là 82, tuổi trẻ nhất trong nghiên cứu của chúng tôi là 39. Kết quả này tương tự
một số tác giả trong nước như Bùi Long (2009), Dương Đình Chỉnh (2012)…
3.1.2. Giới
Bảng 2: Phân bố đối tượng nghiên cứu theo giới
Giới Nam Nữ
Số bệnh nhân (n=108 ) 67 41
Tỷ lệ (%) 62,1 37,9
Trong số bệnh nhân chụp mạch vành, nam chiếm tỷ lệ cao hơn nữ, kết quả này cũng phù hợp
với những đặc điểm giới tính của bệnh mạch vành và mô hình bệnh tật tại khoa Nội Tim mạch bệnh
viện chúng tôi.
3.1.3. Chẩn đoán lâm sàng trước chụp động mạch vành
Bảng 3: Phân bố đối tượng nghiên cứu theo lâm sàng
Chẩn đoán Số bệnh nhân (n=108) Tỷ lệ (%)
Đau thắt ngực ổn định 69 63,8
Đau thắt ngực không ổn định 21 19,4
Nhồi máu cơ tim ST không chênh 7 6,4
Nhồi máu cơ tim ST chênh 11 18,4
Trong nghiên cứu của chúng tôi, phần lớn bệnh nhân được chẩn đoán bệnh động mạch vành
mạn tính điều trị nội khoa đáp ứng kém (63,8%), số còn lại được chẩn đoán hội chứng vành cấp, với
18,4% nhồi máu cơ tim ST chênh lên, 6,4% nhồi máu cơ tim ST không chênh lên, còn lại được chẩn
đoán cơn đau thắt ngực không ổn định. Trong số 11 bệnh nhân nhồi máu cơ tim ST chênh lên, có 2
bệnh nhân chưa đồng ý chụp ĐMV thì đầu, chúng tôi tiến hành dùng tiêu sợi huyết, sau đó chụp ĐMV
một tuần sau, cả 2 bệnh nhân đều hẹp dưới 70%, không có chỉ định can thiệp.
3.1.4. Yếu tố nguy cơ của đối tượng nghiên cứu
Bảng 4: Phân bố đối tượng nghiên cứu theoYTNC
YTNC Số bệnh nhân (n=108 ) Tỷ lệ (%)
Thuốc lá 32 29,6
Tăng huyết áp 87 80,5
Rối loạn Lipid máu 68 62,9
Đái tháo đường 27 25
Béo phì 18 16,6
Nhồi máu cơ tim cũ 22 20,3
Tiền sử gia đình 11 10,1
Trong các yếu tố nguy cơ, tăng huyết áp chiếm tỷ lệ cao nhất (80,5%), tiếp đến là rối loạn lipid
máu, thuốc lá, đái tháo đường…Kết quả này phù hợp với nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước về
YTNC trong bệnh mạch vành.
3.1.5. Tỷ lệ hội chứng chuyển hoá ở bệnh nhân có bệnh mạch vành thực sự
Bảng 5: Tỷ lệ hội chứng chuyển hoá ở bệnh nhân có bệnh mạch vành
HCCH Số bệnh nhân (n=56) Tỷ lệ (%)
Có HCCH 26 46,4
Không có HCCH 30 53,6
Tổng 56 100
Tỷ lệ hội chứng chuyển hoá ở những bệnh nhân có bệnh mạch vành thực sự tương đối cao khi
so sánh với tỷ lệ này trong cộng đồng. Theo nghiên cứu dịch tể học tại Hoa Kỳ, tỷ lệ HCCH trong cộng
đồng là 23,7%, tại Trung Quốc là 16,7%. Theo Lê Nguyễn Trung Đức Sơn, tại TP HCM tỷ lệ HCCH ở
người trên 20 tuổi là 18,5%. Theo tác giả Bela C. Solymoss tỷ lệ HCCH ở bệnh nhân có bệnh mạch
vành là 51%; tại Việt Nam, theo Trương Quang Bình và cộng sự, tỷ lệ này là 46,8%.
3.1.6. Tỷ lệ các thành phần HCCH ở bệnh nhân có bệnh mạch vành
Bảng 6: Tỷ lệ các thành phần HCCH ở bệnh nhân có bệnh mạch vành
Thành phần Số bệnh nhân (n=56) Tỷ lệ (%)
Tăng huyết áp 32 57,1
Tăng triglicerid 18 32,1
Tăng glucose máu 26 46,4
Tăng vòng bụng 12 21,4
Giảm HDL-C 13 23,2
Trong các thành phần HCCH, tỷ lệ tăng huyết áp thường gặp nhất, chiếm 57,1% trong các bệnh
nhân có bệnh mạch vành. Như trên, trong nghiên cứu của chúng tôi, trong các yếu tố nguy cơ thì THA
chiếm tỷ lệ cao nhất. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi tương tự một số tác giả trong nước; theo tác giả
Dương Đình Chỉnh, tỷ lệ này là 53,92%, theo tác giả Hồ Thượng Dũng tỷ lệ tăng huyết áp ở bệnh nhân
có bệnh mạch vành tuổi trung bình 70 tuổi là 58,7%.
3.2. Đánh giá hình ảnh tổn thương động mạch vành
3.2.1. Kết quả chụp động mạch vành
Bảng 7: Kết quả chụp động mạch vành
Hình ảnh chụp ĐMV Số bệnh nhân (n=108) Tỷ lệ (%)
Hẹp < 50% 22/108 20,4
Hẹp 50-70% 30/108 27,8
Hẹp > 70% 26/108 24
Cầu cơ 04/108 3,8
Tỷ lệ hẹp 50-70% khẩu kính ĐMV chiếm tỷ lệ cao nhất (27,8%), tiếp theo là hẹp mức độ >70%.
Điều này hoàn toàn phù hợp vì như đã phân tích ở trên, mức độ hẹp này thường gặp ở đối tượng nghiên
cứu là đau thắt ngực ổn định. Tuy nhiên, trong nghiên cứu của chúng tôi tỷ lệ hẹp 20-30% còn khá cao.
Trong tương lai, bệnh viện chúng tôi sẽ triển khai trắc nghiệm bằng thảm lăn, trang bị máy MSCT,
chúng tôi sẽ sàng lọc tốt hơn nữa những trường hợp chụp ĐMV để tăng tỷ lệ dương tính. Như vậy, tỷ lệ
hẹp động mạch thực sự ở bệnh nhân được chẩn đoán bệnh động mạch vành là 51,9%, chưa tính 4 bệnh
nhân đau ngực do cầu cơ ĐMV.
3.2.2. Đặc điểm tổn thương động mạch vành
Bảng 8: Đặc điểm tổn thương động mạch vành
Đặc điểm tổn thương ĐMV Số bệnh nhân (n=108) Tỷ lệ (%)
Thân chung trái (LM) 2 1,8
ĐM liên thất trước (LAD) 43 39,8
ĐM mũ (LCx) 18 16,6
ĐM vành phải (RCA) 19 17,5
Chúng tôi nhận thấy bệnh động mạch vành bị tổn thương hay gặp là động mạch liên thất trước,
động mạch vành phải và động mạch mũ có kết quả tương đương nhau. Tổn thương thân chung ĐMV
trái chiếm tỷ lệ tương đối thấp (1,8%).
3.2.3. Mức độ lan tỏa tổn thương động mạch vành
Bảng 9: Mức độ lan tỏa tổn thương động mạch vành
Mức độ tổn thương ĐMV Số bệnh nhân (n=108) Tỷ lệ (%)
Tổn thương 1 thân 46 42,5
Tổn thương 2 thân 30 27,7
Tổn thương 3 thân 8 7,4
Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ tổn thương 1 thân ĐMV chiếm cao nhất (42,5%). Tuy
nhiên tổn thương 2 hoặc 3 thân cũng chiếm tỷ lệ khá lớn trong nghiên cứu, điều này có thể được giải
thích là trong thời gian dài, bệnh viện chúng tôi chưa triển khai chụp và can thiệp ĐMV, nhiều bệnh
nhân có chỉ định nhưng vì hoàn cảnh địa lý và tài chính bệnh nhân chưa thể lên tuyến trên để can thiệp,
tổn thương ĐMV của bệnh nhân cũng tăng theo thời gian.
3.2.4. Biến chứng chụp động mạch vành
Bảng 10: Biến chứng chụp động mạch vành
Biến chứng Số bệnh nhân Tỷ lệ (%)
Biến chứng tại đường vào động mạch 2 1,8
Xuất huyết 0 0
Suy thận cấp do thuốc cản quang 0 0
Trong các biến chứng, có 2 bệnh nhân bị tụ máu nhẹ ở đường vào động mạch đùi, chúng tôi tiến
hành băng ép, cả 2 bệnh không cần can thiệp ngoại khoa. Không có bệnh nhân nào bị xuất huyết hay
suy thận cấp do thuốc cản quang.
IV. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
Bước đầu triển khai chụp và can thiệp động mạch vành tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam
đã mang lại những kết quả khả quan, tỷ lệ tử vong và biến chứng trong giới hạn cho phép, giúp cho
bệnh nhân tuyến tỉnh có cơ hội được hưởng kỹ thuật cao mà không phải chuyển lên tuyến trên, điều
này có ý nghĩa giảm tải cho bệnh viện tuyến trung ương, bệnh nhân cũng hạn chế được kinh phí đi lại.
Tuổi trung bình của bệnh nhân thực hiện thủ thật là 76,58±6,24, yếu tố nguy cơ thường gặp nhất
là tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, thuốc lá.
Tổn thương động mạch liên thất trước là thường gặp, can thiệp động mạch liên thất trước cũng
chiếm tỷ lệ cao nhất.
Cần sớm triển khai trắc nghiệm gắng sức và MSCT 64 để sàng lọc đối với những bệnh nhân có
bệnh động mạch vành mạn tính.
Cần triển khái phẫu thuật tim để giải quyết cho những trường hợp hẹp động mạch vành ngoài
khả năng can thiệp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đặng Vạn Phước (2011), Can thiệp động mạch vành trong thực hành lâm sàng, Nxb Y học TP
Hồ Chí Minh.
2. Phạm Gia Khải (2008), Khuyến cáo 2008 về các bệnh lý tim mạch và chuyển hóa, Nxb Y học.
3. Bùi Long (2009), Nhận xét bước đầu chụp và can thiệp động mạch vành tại Bệnh viện Hữu
Nghị Hà Nội từ năm 2008-2009, Tạp chí Nội khoa 3/2009, trang 572-575.
4. Trương Quang Bình và cs (2006), Tần suất hội chứng chuyển hoá ở bệnh nhân có bệnh động
mạch vành, Tạp chí y học Thành phố Hồ Chí Minh, tập 10, số 3, trang 159-166.
5. Antonio Colombo (2007), Problem Oriented Approaches in Interventional Cardiology, Informa.
6. Edward C. Jauch (2013), Guidelines for the Early Management of Patients
With Acute Ischemic Stroke, Stroke p. 1-7.