1
PHẦN I
GIỚI THIỆU CHUYÊN ĐỀ THỰC TẬP
Hiến pháp và pháp luật của nhà nước ta quy định rõ chức năng của từng
cơ quan trong bộ máy nhà nước(BMNN). Trong đó có tổ chức Toà án, Điều 127
Hiến pháp 1992 (sửa đổi năm 2001) khẳng định: “Toà án nhân dân tối cao, các
toà án nhân dân địa phương, các toà án quân sự và các toà án khác do luật định
là những cơ quan xét xử của nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Từ quy
định này ta có thể thấy Toà án nhân dân(TAND) có vị trí vô cùng quan trọng
trong tổ chức BMNN, chỉ có Toà án mới có thẩm quyền xét xử. Hoạt động của
BMNN đạt hiệu lực và hiệu quả cao khi mà chức năng của từng cơ quan được
tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh. Nhưng thực tế vẫn còn diễn ra không ít
những sai phạm về chức năng làm ảnh hưởng không tốt đến hiệu lực, hiệu quả
hoạt động của cả hệ thống chính trị. Hơn nữa chúng ta đang hướng tới xây dựng
nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đòi hỏi mọi người mà trước hết là các
Đảng viên, các công chức nhà nước phải sống và làm việc theo Hiến pháp và
pháp luật, phải thực hành đúng chức năng của cơ quan mình và tôn trọng chức
năng của cơ quan khác. Do đó việc tìm hiểu chức năng của TAND nói riêng, các
cơ quan trong BMNN nói chung là rất quan trọng.
Thanh Oai là huyện với diện tích tương đối rộng của tỉnh Hà Tây, nằm
dọc theo quốc lộ 21B. Trong những năm gần đây Thanh Oai đang trên đà phát
triển về kinh tế, văn hoá và xã hội. Tuy nhiên cùng với sự phát triển kinh tế - xã
hội thì tình hình phạm tội và những mâu thuẫn do mặt trái của cơ chế kinh tế thị
trường ngày càng tăng. Quá trình xét xử của TAND huyện Thanh Oai được thực
hiện như thế nào có phù hợp với quy định của pháp luật không là một vấn đề rất
đáng được quan tâm. Chính vì vậy, em đã quyết định tìm hiểu đề tài: “Chức
năng xét xử của toà án nhân dân địa phương thực trạng và giải pháp” trong
quá trình thực tập tại TAND huyện Thanh Oai để làm chuyên đề báo cáo thực
tập cho sinh viên cuối khóa.
2
Do lần đầu nghiên cứu một đề tài rộng nên việc tìm hiểu không thể tránh
khỏi những thiếu sót và sơ suất. Kính mong các thầy cô và các bạn quan tâm
đóng góp ý kiến để đề tài của em đạt kết quả tốt hơn.
Em xin chân thành cảm ơn!
3
PHẦN II
QUÁ TRÌNH TÌM HIỂU THU THẬP THÔNG TIN
1. Mục đích, nhiệm vụ, tình hình nghiên cứu
1.1. Mục đích nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu về chức năng xét xử là nhằm xem xét sự phù hợp
giữa quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng những quy định đó trong quá
trình thực hiện chức năng xét xử tại toà án nhân dân địa phương nơi thực tập
(huyện Thanh Oai- tỉnh Hà Tây). Qua việc tìm hiểu thực trạng xét xử của toà án
nhân dân địa phương để từ đó có ý kiến đề xuất đúng đắn nhằm góp phần hoàn
thiện hơn nữa những quy định của pháp luật về chức năng của toà án nhân dân.
1.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Về lý luận: Nghiên cứu bản chất của việc xét xử – chức năng riêng có
của toà án nhằm làm rõ tính đúng đắn, hợp pháp trong việc áp dụng pháp luật tại
toà án địa phương.
- Tìm ra những điểm thuận lợi, khó khăn và hạn chế trong thực tiễn áp
dụng ở địa phương nơi thực tập và có những đánh giá , kiến nghị đúng đắn , hợp
lý.
1.3. Giới hạn nghiên cứu
Đây là một đề tài tương đối phức tạp và rộng. Phạm vi nghiên cứu của đề
tài đề cập đến thực tiễn quá trình thực hiện chức năng xét xử của TAND địa
phương như thế nào, có những thuận lợi, khó khăn hạn chế và giải pháp khắc
phục.
2. Quá trình tìm hiểu, thu thập thông tin nơi thực tập
2.1. Thời gian thu thập thông tin
Trong khoảng thời gian thực tập tại Toà án nhân dân huyện Thanh Oai từ
ngày 08/01/2008 đến ngày 18/04/2008, em đã được tiếp cận với cách làm việc
của một công chức Toà án, được nghiên cứu và đọc một khối lượng khá lớn các
loại án xét xử những năm gần đây . Ngoài ra, em còn được tìm hiểu đề tài này
4
thông qua công tác xét xử công khai bằng việc trực tiếp tham dự phiên toà xét
xử các vụ án hình sự , dân sự, hôn nhân và gia đình.
2.2. Phương pháp thu thập
Một đề tài nghiên cứu đạt được kết quả cao hay không phụ thuộc rất nhiều
vào phương pháp thu thập tài liệu. Chủ nghĩa Mác – Lênin về nhà nước và pháp
luật, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về tổ chức bộ máy nhà nước,…là cơ
sở quan trọng để từ đó có cách nhìn toàn diện, khách quan về căn cứ, nội dung,
trình tự của việc thực hiện chức năng xét xử của TAND địa phương.
Để có một cái nhìn toàn diện về trình tự thực hiện chức năng xét xử của
toà án nhân dân địa phương, em đã tiến hành thu thập thông tin bằng cách thống
kê, nghiên cứu hồ sơ các loại án trong những năm gần đây, đọc báo cáo tổng kết
hàng năm với những số liệu cụ thể tại Toà án nhân dân huyện Thanh Oai. Em
còn trực tiếp thu thập thông tin thông qua việc tiếp cận với quá trình nhận và thụ
lý đơn; đi xác minh tại các xã trong huyện và tham dự các phiên toà.
Nhằm làm cho đề tài sinh động và hoàn chỉnh tôi đã sử dụng có chọn
lọc các nguồn tư liệu thu thập được. Những thông tin, số liệu mà em có được dù
bằng các phương pháp khác nhau nhưng đều mang tính thực tế và gắn với trọng
tâm của đề tài.
2.3. Nguồn thu thập tư liệu
Đề tài được hoàn thành qua việc thống kê, phân tích, tổng hợp đánh giá
các số liệu ở các nguồn tài liệu sau:
- Hồ sơ các loại án của TAND huyện Thanh Oai từ năm 2004 đến năm
2007.
- Báo cáo công tác xét xử giải quyết án của TAND huyện Thanh Oai từ
năm 2004 đến năm 2007.
- Thống kê hàng năm của TAND huyện Thanh Oai.
3. Nội dung của quá trình thu thập thông tin
3.1. Trình tự thực hiện chức năng xét xử của Toà án nhân dân địa
phương
5
Với chức năng, nhiệm vụ là cơ quan xét xử, chịu sự quản lý của TAND
tối cao và TAND tỉnh, dưới sự lãnh đạo của huyện uỷ Thanh Oai , sự giám sát
của
Hội đồng nhân dân, TAND huyện Thanh Oai theo quy định của pháp luật tố
tụng có nhiệm vụ xét xử các vụ án hình sự, giải quyết các tranh chấp về dân sự,
hôn nhân và gia đình, kinh tế, lao động, hành chính xảy ra trên địa bàn huyện.
Tuy nhiên, do đặc điểm tình hình địa phương, kinh tế mới đang trên đà phát
triển, người dân làm ăn buôn bán nhỏ lẻ nên TAND huyện Thanh Oai chủ yếu
tiến hành xét xử các loại án hình sự , dân sự, hôn nhân và gia đình. Trình tự thực
hiện chức năng xét xử của TAND huyện Thanh Oai đối với từng loại án được
thể hiện như sau:
3.1.1. Trình tự giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình
Được tiến hành qua 3 giai đoạn:
• Giai đoạn 1: Khởi kiện và thụ lý vụ án
Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2005 thì cá nhân cơ quan
, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ
án tại Toà án có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Người khởi kiện có thể trực tiếp gửi đơn hoặc gửi qua đường bưu điện. Thực
hiện quy định trên lãnh đạo Tòa án đã phân công một cán bộ đảm nhiệm công
việc này. Với thái độ làm việc nghiêm túc, hiểu được nguyện vọng của người
khởi kiện cán bộ Toà án đã tận tình hướng dẫn người dân làm đúng, đủ thủ tục
đáp ứng điều kiện nhận đơn. Toà án chỉ tiến hành nhận đơn khởi kiện khi có đủ
điều kiện, cụ thể như:
- Đối với tranh chấp về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất
người khởi kiện phải có đơn khởi kiện, biên bản hòa giải của Uỷ ban nhân dân
xã, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các giấy tờ khác theo quy định của
Luật đất đai 2003.
- Đối với vụ án ly hôn điều kiện khởi kiện gồm: đơn khởi kiện, giấy
chứng nhận kết hôn (nếu có), giấy khai sinh của con (nếu có), giấy tờ về quyền
sở hữu
6
tài sản liên quan đến quan hệ cần giải quyết.
Sau khi nhận đơn, Toà án thực hiện việc xem xét, áp dụng pháp luật để
tiến hành việc thụ lý hay trả lại đơn hoặc yêu cầu bổ sung thêm tài liệu. Công
việc này được tiến hành trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn.
Toà án thụ lý vụ án trong các trường hợp sau:
- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Toà án về
việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện có đến nộp tiền tạm ứng án phí.
Tòa án thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
- Khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu chứng cứ kèm theo trong trường
hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án
phí.
Sau khi thụ lý, Chánh án TAND ra Quyết định phân công thẩm phán giải
quyết vụ án. Thẩm phán được phân công tiến hành các bước: thông báo việc thụ
lý vụ án cho bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến việc giải
quyết vụ án; yêu cầu đương sự nộp tài liệu, chứng cứ khi phát sinh tranh chấp
với người thứ ba. Khi đương sự không thể tự mình thu thập thêm chứng cứ và có
yêu cầu toà án thu thập thì Thẩm phán tuỳ từng vụ việc có thể gửi văn bản yêu
cầu cá nhân, cơ quan có liên quan cung cấp tài liệu cần thiết, lấy lời khai,…
• Giai đoạn 2: Hoà giải và chuẩn bị xét xử.
Thời hạn chuẩn bị xét xử đối với vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình
là bốn tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Trong thời hạn trên, những vụ án không
thuộc trường hợp không được hoà giải hoặc không tiến hành hoà giải được thì
toà án tiến hành hoà giải để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết
vụ án. Thành phần tham gia phiên hoà giải gồm: Thẩm phán chủ trì phiên hòa
giải; Thư ký ghi biên bản; Các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của các
đương sự. Nếu các đương sự tự nguyện thoả thuận được với nhau về vấn đề phải
giải quyết trong vụ án thì Toà án lập biên bản hòa giải thành và gửi ngay cho các
đương sự tham gia hoà giải. Hết thời hạn bảy ngày kể từ ngày lập biên bản hoà
giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến thì Thẩm phán được phân
công ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự. Quyết định công
7
nhận được gửi cho các đương sự và Viện kiểm sát (VKS) cùng cấp trong thời
hạn năm ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định. Quyết định có hiệu lực kể từ
thời điểm ban hành.
Khi vụ án đã được điều tra đầy đủ, hoà giải không thành và không thuộc
trường hợp tạm đình chỉ, đình chỉ thì trong thời hạn chuẩn bị xét xử Toà án ra
Quyết định đưa vụ án ra xét xử. Quyết định này được gửi cho các đương sự và
Viện kiểm sát cùng cấp ngay sau khi ban hành. Toà án tiến hành gửi hồ sơ vụ án
cho Viện kiểm sát cùng cấp nghiên cứu nếu vụ án đó có Viện kiểm sát tham gia
phiên tòa. Trong thời hạn một tháng kể từ ngày có Quyết định đưa vụ án ra xét
xử thì Toà án mở phiên toà xét xử, trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời
hạn này là hai tháng.
• Giai đoạn 3: Phiên toà sơ thẩm
Thành phần Hội đồng xét xử(HĐXX) phiên toà sơ thẩm gồm một Thẩm
phán, hai Hội thẩm nhân dân. Trong trường hợp đặc biệt có thể gồm hai Thẩm
phán và ba Hội thẩm. Trước khi khai mạc phiên toà, thư ký toà án tiến hành ổn
định trật tự phòng xử án; phổ biến nội quy phiên toà; kiểm tra sự có, vắng mặt
của những người tham gia phiên tòa theo giấy triệu tập, giấy báo của toà án; yêu
cầu mọi người trong phòng xử án đứng dậy khi HĐXX vào phòng xử án.
- Thủ tục bắt đầu phiên toà.
+ Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa đứng dậy khai mạc phiên toà và đọc
quyết định đưa vụ án ra xét xử.
+ Thư ký báo cáo với HĐXX về sự có mặt, vắng mặt của những người
tham gia phiên toà theo giấy triệu tập và lý do vắng mặt. Nếu những người được
triệu tập có mặt đầy đủ hoặc sự vắng mặt của họ không làm ảnh hưởng đến việc
mở phiên toà thì Chủ tọa tiếp tục tiến hành các bước tiếp theo.
+ Chủ tọa kiểm tra căn cước của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi,
nghĩa vụ liên quan; phổ biến quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của Điều
58 Bộ luật tố tụng dân sự
+ Chủ tọa giới thiệu những người tiến hành tố tụng và hỏi những người có
quyền xin thay đổi người tiến hành tố tụng có yêu cầu thay đổi ai không. Nếu có
8
thì HĐXX hỏi rõ lý do xin thay đổi, căn cứ xin thay đổi và sau đó thảo luận tại
phòng nghị án để quyết định theo đa số là có chấp nhận hay không. Nếu không
có yêu cầu thay đổi hoặc không có lý do hoãn phiên toà thì Chủ toạ hỏi đương
sự có yêu cầu triệu tập thêm ai không, tuyên bố kết thúc thủ tục bắt đầu phiên
toà và chuyển sang thủ tục hỏi tại phiên toà.
- Thủ tục hỏi tại phiên toà.
+ Trước tiên, Chủ tọa hỏi các đương sự có bổ sung, thay đổi, rút một phần
hay toàn bộ yêu cầu hay không. Nếu có thì HĐXX căn cứ vào Điều 218 Bộ luật
tố tụng dân sự 2005 để giải quyết: Chấp nhận việc thay đổi , bổ sung yêu cầu
nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi
kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu; Chấp nhận và đình chỉ xét
xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đương sự đã rút nếu việc rút yêu
cầu của họ là tự nguyện.
+ Chủ tọa phiên tòa hỏi các đương sự có thoả thuận được với nhau về việc
giải quyết vụ án không. Nếu có sự thỏa thuận và sự thoả thuận của họ là tự
nguyện, không trái pháp luật, đạo đức xã hội thì HĐXX ra Quyết định công
nhận sự thoả thuận đó. Quyết định này có hiệu lực pháp luật.
+ Trong trường hợp các đương sự vẫn giữ nguyên yêu cầu và không có sự
thoả thuận về việc giải quyết vụ án thì HĐXX bắt đầu xét xử vụ án bằng việc
nghe lời trình bày của các đương sự . Trường hợp có luật sư, luật sư các bên
trình bày nội dung khởi kiện và các chứng cứ, sau đó các đương sự bổ sung vào
nội dung trình bày của luật sư bảo vệ cho mình. Nếu đương sự không có người
bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì họ có thể tự trình bày về yêu cầu, đề nghị
của mình và chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu, đề nghị đó.
+ Sau khi nghe các đương sự trình bày thì Chủ tọa phiên toà sẽ hỏi từng
người về từng vấn đề, tiếp đó đến Hội thẩm, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp của các đương sự, những người tham gia tố tụng khác. Đương sự có thể tự
trả lời hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trả lời thay và sau đó
họ trả lời bổ sung.
9
Khi nhận thấy các tình tiết của vụ án đã được xem xét đầy đủ và không có
ai yêu cầu hỏi thêm thì Chủ tọa tuyên bố kết thúc việc hỏi tại phiên toà.
- Tranh luận tại phiên toà.
Sau khi kết thúc phần hỏi, HĐXX chuyển sang phần tranh luận tại phiên
toà. Trước tiên, Chủ tọa mời người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên
đơn phát biểu tranh luận và nguyên đơn có quyền bổ sung ý kiến. Tiếp đó đến
lời tranh luận của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn, của người
có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và họ có quyền bổ sung. Trong trường hợp các
đương sự không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì họ có thể tự
mình trình bày tranh luận. Người tham gia tranh luận có quyền đáp lại ý kiến
của người khác. Chủ tọa phiên toà không hạn chế thời gian tranh luận nhưng có
quyền cắt những ý kiến không liên quan đến vụ án.
Qua tranh luận nếu xét thấy các tình tiết của vụ án được xem xét hết, đầy
đủ và không còn ý kiến tranh luận nữa thì Chủ tọa tuyên bố kết thúc phần tranh
luận mọi người trong phòng xét xử nghỉ tại chỗ, HĐXX chuyển sang nghị án.
- Nghị án và tuyên án.
+ Sau khi kết thúc phần tranh luận , HĐXX vào phòng nghị án để nghị án.
Tại phòng nghị án, các thành viên HĐXX giải quyết tất cả các vấn đề bằng biểu
quyết theo đa số và được ghi thành biên bản.
+ Nghị án xong, HĐXX vào phòng xử án để tuyên án. Mọi người trong
phòng xử án đứng tại chỗ nghe đọc bản án. Bản án do Chủ tọa hoặc một thành
viên trong HĐXX đọc và sau khi đọc xong giải thích thêm về việc các bên có
nghĩa vụ thi hành và kháng cáo bản án.
+ Sau khi tuyên án xong, việc sửa chữa, bổ sung bút ký phiên toà, được
thực hiện khi có lỗi về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai. Việc
sửa chữa, bổ sung phải thông báo cho: những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên
quan đến việc sữa chữa, bổ sung; người khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp.
Việc sữa chữa, bổ sung phải do các thành viên HĐXX thực hiện.
+ Trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày kết thúc phiên toà, các
đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện được Toà án cấp trích lục bản án. Bản án
10
được Toà án giao hoặc gửi cho các đương sự, cơ quan, tổ chức khởi kiện và
Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn mười ngày kể từ ngày tuyên án.
3.1.2. Trình tự thực hiện xét xử vụ án hình sự
Theo quy định tại chương XVI Bộ luật tố tụng hình sự 2003 về thẩm
quyền của Toà án các cấp thì TAND cấp huyện có thẩm quyền xét xử sơ thẩm
những vụ án hình sự về những tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng
và tội phạm rất nghiêm trọng trừ một số tội. TAND có thẩm quyền xét xử vụ án
hình sự là Tòa án nơi tội phạm được thực hiện. Tại thời điểm có hiệu lực của Bộ
luật tố tụng hình sự 2003 (ngày 01/07/2004) 90 Toà án cấp huyện và 17 Toà án
quân sự khu vực được thực hiện thẩm quyền xét xử vụ án hình sự mới. TAND
huyện Thanh Oai được tăng thẩm quyền từ ngày 01/10/2007. Để thực hiện chức
năng xét xử các vụ án hình sự, TAND huyện Thanh Oai tiến hành theo 3 giai
đoạn sau:
• Giai đoạn 1: Nhận hồ sơ và thụ lý vụ án.
Khi nhận hồ sơ do Viện kiểm sát cùng cấp chuyển đến, Toà án sẽ tiến
hành kiểm tra tài liệu trong hồ sơ có khớp với bản kê tài liệu không và bản cáo
trạng đã được giao cho bị can chưa. Nếu các tài liệu chưa đủ hoặc cáo trạng
chưa được gửi cho bị can thì Toà án không nhận hồ sơ. Nếu các tài liệu trong hồ
sơ đầy đủ và cáo trạng đã được gửi cho bị can thì Toà án tiến hành thủ tục nhận
hồ sơ và vào sổ thụ lý.
Sau khi nhận hồ sơ và thụ lý vụ án, Chánh án toà án quyết định phân công
Thẩm phán , Hội thẩm nhân dân giải quyết, xét xử vụ án hình sự và Thư ký tiến
hành tố tụng.
• Giai đoạn 2: Chuẩn bị xét xử .
- Thời hạn chuẩn bị xét xử đối với từng loại tội phạm là: 30 ngày đối với
tội phạm ít nghiêm trọng, 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, 2 tháng đối
với tội phạm rất nghiêm trọng kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án. Đối với những vụ án
phức tạp, Chánh án toà án có thể gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không
quá 15 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không