Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

Phân tích đoạn trích trong tác phẩm Số phận con người của A.Sôlôkhốp

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (121.37 KB, 6 trang )

Phân tích đoạn trích trong tác phẩm số phận con người của A. Sô-lô-khốp
Đề bài: Anh chị hãy Phân tích đoạn trích trong tác phẩm số phận con người của A. Sô-lô-
khốp trong sách giáo khoa văn học lớp 12.
Nhà văn Sô-lô-khốp tên họ đầy đủ là Mi-khai-in A-lếch-xan-đrô-vích Sô-lô-khốp. Ông sinh năm
1905 tại thị trấn Vi-ô-sen-xcai-a, tỉnh Rô-xtốp thuộc vùng Sông Đông, Liên Xô (cũ). Thời trẻ,
ông đã phải trải qua rất nhiều nghề lao động vất vả để kiếm sống. Vượt lên khó khăn, thử thách,
Sô-lô-khốp tự học, tự đọc rất chuyên cần và bắt tay vào sáng tác với ước nguyện sẽ đưa hình ảnh
quê hương, đất nước và con người thân yêu vào trong tác phẩm của mình. Cuộc đời và sự nghiệp
văn chương của Sô-lô-khốp gắn liền với các sự kiện lịch sử lớn lao, trọng đại trong cuộc chiến
tranh vệ quốc đau thương và oanh liệt của nước Nga Xô viết chống phát xít Đức xâm lược. Với
những tác phẩm nổi tiếng như tiểu thuyết Sông Đông êm đềm, Đất vỡ hoang, truyện ngắn Số
phận con người…, năm 1965, Sô-lô-khốp vinh dự được nhận Giải thưởng Nô-ben về văn học và
được đánh giá là một trong những nhà văn vĩ đại nhất thế kỉ XX của nước Nga và thế giới.
Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc bằng chiến thắng vẻ vang của Hồng quân Liên Xô trong
trận tiến công vào tận sào huyệt phát xít Đức ở Béc-lin. Sự mất mát, hi sinh to lớn của nước Nga
Xô viết đã giúp nhân loại thoát khỏi hiểm họa phát xít đáng ghê tởm. Hòa bình lập lại, nhân dân
Nga hối hả bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Các chiến
sĩ Hồng quân giải ngũ trở về với cuộc sống lao động bình thường. Nhưng mọi điều đều không dễ
dàng. Bao gian khổ, khó khăn trên con đường đi tới tiếp tục thử thách lòng dũng cảm, ý chí và
nghị lực của họ. Nhà văn Sô-lô-khốp cảm phục trước sức mạnh tinh thần của nhân dân Nga trong
thời hậu chiến, trăn trở trước số phận và tương lai của con người nên đã sáng tác truyện ngắn Số
phận con người. Có thể nói đây là tác phẩm hiện thực xuất sắc đầu tiên xuất hiện sau chiến tranh
mà tác giả dám nhìn thẳng vào những vấn đề gai góc, nan giải của cuộc sống, của những số phận
bất hạnh, để từ đó ca ngợi và tôn vinh phẩm chất kiên cường, nhân hậu của nhân dân Nga mà
ông hết lòng yêu mến và trân trọng.
Nhân vật chính của truyện là Xô-cô-lốp, một chiến sĩ Hồng quân trực tiếp tham gia chiến đấu
chống phát xít Đức và đã trải qua hai năm khủng khiếp trong trại tù binh của quân thù. Nhờ dũng
cảm, mưu trí, anh đã bắt sống tên thiếu tá Đức, cướp xe vận tải rồi tìm cách chạy về phía quân ta.
Đến lúc này anh mới biết tin vợ và hai đứa con gái nhỏ đã bị chết trong một trận máy bay Đức
ném bom quê anh năm 1942. Con trai lớn của anh cũng tham gia trận tấn công vào Béc-lin và đã
bị kẻ thù sát hại đúng vào ngày chiến thắng. Số phận Xô-cô-lốp thật bất hạnh. Hòa bình rồi


nhưng anh không thể trở về quê hương vì không còn ai là người thân. Anh sống phiêu bạt nay
đây mai đó với cuộc sống bấp bênh và những cơn ác mộng kinh hoàng khiến trái tim anh luôn rỉ
máu.

Đoan trích nằm ở cuối tác phẩm, kể về chuyện Xô-cô-lốp nhận chú bé mồ côi Va-ni-a làm con
nuôi. Tình yêu thương con người đã sưởi ấm trái tim anh, khiến cho anh có thêm sức mạnh vượt
qua những bất hạnh của số phận và tiếp tục tin yêu cuộc sống.
Đúng như tên gọi của tác phẩm là Số phận con người, nhà văn Sô-lô-khốp dường như bám sát
những diễn biến trong cuộc sống của nhân vật Xô-cô-lốp và luôn đặt anh vào những tình huống
bất thường để bộc lộ tính cách. Điều bất hạnh lớn nhất mà Xô-cô-lốp phải đối đầu trong cuộc
sống hòa bình là anh đã mất tất cả những người thân yêu, mất niềm hi vọng sum họp gia đình sau
bao ngày chiến tranh ác liệt, luôn cận kề với cái chết. Anh không muốn trở về quê hương vì sợ
không chịu nổi sự nhức nhối, day dứt do bao nhiêu kỉ niệm êm đẹp gợi lên trong tâm trí. Lang
thang nơi đất khách quê người, anh chỉ còn nguồn an ủi duy nhất là vợ chồng người bạn chiến
đấu cũ, nay cũng phải lăn lộn vất vả mưu sinh. Xô-cô-lốp ở nhờ nhà họ và được bạn xin cho một
chân lái xe chở hàng trong đội vận tải. Công việc hằng ngày của anh là chở hàng hóa từ thành
phố về các huyện.
Sự thiếu thốn về vật chất cộng với nỗi đau tinh thần không thể nguôi ngoai khiến sức khỏe của
anh ngày một yếu đi. Anh chẳng có thú vui gì ngoài thói quen uống rượu: Thường cứ chạy xe
xong trở về thành phố, việc đầu tiên cũng dễ hiểu thôi, là tôi vào hiệu giải khát, nhấm nháp chút
gì đó và tất nhiên có uống một li rượu lừ người… Phải nói rằng tôi đã quá say mê cái món nguy
hại ấy… Xô-cô-lốp cố dùng rượu để giải sầu nhưng nỗi sầu chẳng hề vơi mà cứ kết lại thành
hình thành khối nặng trĩu trong lòng. Điều đó thể hiện tâm trạng đau đớn, bế tắc và tuyệt vọng
của anh.
Ngẫu nhiên, cũng chính ở cái hiệu giải khát ấy, anh đã để ý tới chú bé mồ côi Va-ni-a: Thế rồi
một hôm, tôi thấy chú bé ấy ở gần cửa hàng giải khát, hôm sau vẫn lại thấy… Cái dáng vẻ bên
ngoài khốn khổ của chú bé đập vào mắt anh, khơi dậy tình cảm xót thương: …thằng bé rách
bươm xơ mướp. Mặt mũi thì bê bết nước dưa hấu, lem luốc, bụi bặm, bẩn như ma lem, đầu tóc
rối bù nhưng cặp mắt – cứ như những ngôi sao sáng ngời sau trận mưa đêm. Nó vô tình khiến
anh nhớ lại đứa con trai kháu khỉnh, thông minh mà anh hết lòng yêu thương và kì vọng. Anh thú

nhận: Tôi thích nó, và lạ thật, thích đến nỗi bắt đầu thấy nhớ nó, cố chạy xe cho nhanh để được
về gặp nó.
Có lẽ sự thiếu thốn tình cảm gia đình và khao khát có được người thân bên cạnh là nguyên nhân
của cảm giác ấy. Xô-cô-lốp cảm thấy ấm lòng khi nhìn thấy chú bé, nghĩ về chú bé. Lòng nhân
hậu đã làm sống lại tình phụ từ thiêng liêng trong anh. Trái tim anh tưởng chừng đã bị nỗi đau
đớn ghê gớm làm cho chai đá thì giờ đây lại ấm nóng và đập những nhịp rộn ràng. Nghe bé Va-
ni-a thở dài, trong lòng anh trào lên nỗi xót thương vô hạn: Một con chim con non nớt như thế
mà đã học thở dài ư? Đấy đâu phải việc của nó. Anh chủ động làm quen với chú bé tội nghiệp và
qua trò chuyện, anh biết chủ bé cũng là nạn nhân của cuộc chiến tranh tàn khốc: Tôi hỏi: “Bố
cháu đâu hả Va-ni-a ?"
Nó rỉ tai: “Chết ở mặt trận."
– "Thế mẹ cháu?"
– “Mẹ bị bom chết trên tàu hỏa khi mẹ con cháu đang đi tàu.”
– “Thế cháu từ đâu đến?"
– “Cháu không biết, không nhớ, ”
– “ Thế ở đây cháu không có ai là bà con thân thuộc à?”.
– “Không có ai cả."
– “Thế đêm cháu ngủ ở đâu”
– “Bạ đâu ngủ đó”.
Nghe cái giọng non nớt, tội nghiệp của cậu bé, Xô-cô-lốp xúc động không sao cầm được nước
mắt: Những giọt nước mắt nóng hổi sôi lên ở mặt tôi, và lập tức tôi quyết định : “Không thể để
cho mình với nó chìm nghỉm riêng rẽ được! Mình sẽ nhận nó làm con.” Những giọt nước mắt
của Xô-cô-lốp, người chiến binh dạn dày trận mạc, vào sống ra chết trong chiến tranh có ý nghĩa
nhân văn sâu xa. Nó thể hiện nỗi đau tột cùng không thể thốt nên lời; đồng thời tố cáo chiến
tranh phi nghĩa và tội ác của kẻ thù gieo rắc đau thương, tang tóc cho con người và đất nước Nga
thân yêu của anh.
Quyết định bất ngờ của Xô-cô-lốp bắt nguồn từ lòng nhân hậu vốn có của người Nga. Riêng đối
với anh, đây là quyết định hoàn toàn đúng đắn bởi trái tim nhạy cảm của anh thấu hiểu nỗi cô
độc của kẻ không gia đình, không nhà cửa, không quê hương, sống trơ trọi giữa cuộc đời gian
nan và đầy bất trắc. Đoạn văn tả cảnh Xô-cô-lốp đưa chú bé lên xe và chuyện trò với nó trong

buồng lái thật tự nhiên và cảm động: Ngay lúc ấy, tâm hồn tôi bỗng nhẹ nhõm và bừng sáng lên.
Tôi cúi xuống bên nó khẽ hỏi: "Va-niu-ska, có biết ta là ai không nào?”. Nó hỏi lại nghẹn ngào: “
Thế chú là ai?” Tôi nói lại cũng khẽ như thế: "Ta là bố của con!”. Trời ơi ! Thật không thể tưởng
tượng được. Nó nhảy chồm lên cổ tôi rồi hôn vào má, vào môi, vào trán và như con chim chích,
nó ríu rít líu lo vang rộn cả buồng lái: “Bố yêu của con ơi! Con biết mà! Con biết thế nào bố
cũng tìm thấy con mà! Thế nào cũng tìm thấy mà! Con chờ mãi mong được gặp bố". Nó áp sát
vào người tôi, toàn thân cứ run lên như ngọn cỏ trước gió. Còn mắt tôi thì cứ mờ đi, cả người
cũng run lên, hai bàn tay lẩy bẩy… Lòng yêu thương quả là có sức mạnh diệu kì làm tái sinh,
thay đổi hẳn con người, đem lại niềm vui sống.
Tâm hồn Xô-cô-lốp và Va-ni-a đều đang khao khát được sưởi ấm, được yêu thương, chia sẻ.
Dường như có một sự sắp đặt kì diệu nào đó đưa đẩy hai con người bất hạnh đến với nhau. Va-
ni-a tin rằng người đàn ông với thái độ cử chỉ đầy bao dung, che chở này chính là bố đẻ của
mình. Còn Xô-cô-lốp thực lòng yêu thương và chăm sóc chú bé Va-ni-a như con đẻ. Anh thương
xót, lo lắng cho chú bé với tất cả sự quan tâm và trách nhiệm của một người cha. Anh tắm rửa
cho chú bé sạch sẽ, đặt lên giường ngủ rồi chạy vội ra cửa hàng tạp hóa mua quần áo, mũ và dép
cho con trai mới. Xô-cô-lốp làm tất cà những việc đó với niềm vui khó tả. Những dòng nhà văn
miêu tả tâm lí nhân vật Xô-cô-lốp trong đêm đầu tiên ngủ cùng chú bé Va-ni-a thật tinh tế và làm
thổn thức trái tim người đọc: Tôi ngủ chung với nó, và lần đầu tiên, sao bao nhiêu năm tôi được
ngủ một giấc yên lành. Nhưng trong đêm cũng phải dậy đến vài bốn bận. Tôi thức giấc, thấy nó
rúc vào nách tôi như con chim sẻ dưới mái rạ, ngáy khe khẽ, tôi thấy lòng vui không lời nào tả
xiết! Tôi không dám trở mình để nó khỏi thức giấc, nhưng rồi không nén được, tôi nhẹ nhàng
ngồi dậy đánh diêm ngắm nhìn nó ngủ…
Xô-cô-lốp không giấu sự vất vả, khó khăn trong những ngày đầu nhận nuôi chú bé Va-ni-a. Nó
đòi hỏi ở anh lòng kiên nhẫn, đức vị tha, tình yêu thương cùng trách nhiệm của người cha, người
mẹ: Thời gian đầu, nó còn theo tôi trong các chuyến xe, nhưng rồi tôi hiểu ra rằng như thế không
có lợi. Chỉ một mình tôi thì có cần gì đâu? Một mẩu bánh mì, một củ hành với tí muối, thế là đủ
cho một ngày của đời lính. Nhưng thêm nó thì khác: Khi thì phải mua sữa cho nó, khi thì phải
luộc quả trứng, không có thức ăn nóng cho nó là không xong… Tuy nhiên, chú bé Va-ni-a dễ
thương gợi cho Xô-cô-lốp nhớ tới đứa con trai mà anh yêu quý và điều đó đã bù đắp cho anh tất
cả.

Điều quan trọng hơn là Xô-cô-lốp luôn cố gắng tạo ra cho chú bé mồ côi một niềm vui, một
nguồn an ủi và tin tưởng vào anh – người mà nó tưởng là bố. Cho nên mỗi khi bất ngờ chú bẻ hỏi
anh về một thứ gì đó như cái áo bành tô bằng da mà trước đây bố nó hay mặc thì anh phải tìm
cách trả lời sao cho êm xuôi để Va-ni-a không nghi ngờ. Anh không muốn làm tổn thương trái
tim non nớt của chú bé tội nghiệp. Đó cũng là biểu hiện rất tự nhiên của tấm lòng nhân hậu.
Cuộc đời của hai bố con Xô-cô-lốp tưởng chừng cứ thế trôi qua trong yên bình, nhưng số phận
bất hạnh chưa buông tha anh. Đến tháng mười một thì Xô-cô-lốp gặp chuyện rủi ro: Xe anh đụng
phải chân một con bò đi ngang đường. Con bò chẳng làm sao nhưng người chủ của nó vẫn làm
ầm ĩ nên Xô-cô-lốp bị nhân viên kiểm soát giao thông thu hồi bằng lái. Anh mất việc, phải đi làm
thợ mộc kiếm sống qua ngày. Một người bạn cũ ở Ka-ra-sư hứa sẽ xin việc cho anh trong thời
gian chờ cấp bằng lái xe mới. Thế là bố con anh lại lên đường.
Hành trình của Xô-cô-lốp thật gian nan: anh phải đi bộ rất xa, từ vùng này sang vùng khác. Song
anh không nản chí. Chú bé Va-ni-a lúc khỏe thì chạy tung tăng bên bố, lúc mỏi chân thì được bố
cõng trên lưng hoặc cho ngồi lên vai, cứ như thế suốt hàng trăm dặm đường. Những lời tâm sự
chân thành của Xô-cô-lốp khiến chúng ta hiểu sâu hơn về tính cách đáng quý và càng thêm cảm
phục anh : …tất cả những điều ấy cũng chẳng sao, miễn là bố con chúng tôi sống được; nhưng
mà quả tim của tôi đã rệu rã lắm rồi, đến phải thay pít-tông thôi… Có khi tự nhiên nó nhói lên,
thắt lại và giữa ban ngày mà tối tăm mặt mũi. Tôi chỉ sợ lúc nào đó đang ngủ mà tôi chết luôn
làm cho con trai tôi phải khiếp sợ. Lại còn thêm một nỗi khổ này nữa: hầu như đêm nào tôi cũng
chiêm bao thấy những người thân đã quá cố. Và lúc nào cũng thế, tôi ở bên này, sau hàng rào
dây thép gai, còn vợ con thì tự do ở bên kia… Tôi nói đủ chuyện với I-ri-na, với các con nhưng
chỉ vừa mới toan lấy tay đẩy dây thép gai ra thì vợ con lại rời bỏ tôi, cứ như là vụt tan biến
mất… Và đây là một điều rất kì lạ: ban ngày bao giờ tôi cũng trấn tĩnh được, không hở ra một
tiếng thở dài, một lời than vãn, nhưng ban đêm thức giấc thì gối ướt đẫm nước mắt. Những giọt
nước mắt nóng hổi và mặn chát đau thương của Xô-cô-lốp quả đã làm rung động, thổn thức trái
tim người đọc.
Kết thúc truyện ngắn Số phận con người là hình ảnh: Chú bẻ chạy tới, đứng bên phải bố, túm lấy
vạt áo bông của bố, chạy lon ton cho kịp bước sải dài của người lớn. Hình ảnh ấy khơi dậy trong
lòng tác giả một cảm xúc khó tả, một suy ngẫm sâu xa: Hai con người côi cút, hai hạt cát đã bị
sức mạnh phũ phàng của bão tố chiến tranh thổi bạt tới những miền xa lạ… Cái gì đang chờ đón

họ ở phía trước? Thiết nghĩ rằng con người Nga đó, con người có ý chí kiên cường, sẽ đứng
vững được và sống bên cạnh bố, chủ bé kia một khi lởn lên sẽ có thể đương đầu với mọi thử
thách, sẽ vượt qua mọi chướng ngại trên đường nếu như Tổ quốc kêu gọi.
Tình cảm chân thành và sự thấu hiểu đến mức hóa thân vào nhân vật của nhà vốn Sô-lô-khốp đã
tạo nên giá trị hiện thực và nhân đạo to lớn của tác phẩm. Vì thế nên tuy hình thức là một truyện
ngắn nhưng nội dung ý nghĩa của nó lại mang tầm cỡ của một sử thi. Với truyện ngắn nổi tiếng
này, Sô-lô-khốp một lần nữa khám phá và tôn vinh vẻ đẹp tâm hồn của người Nga: dũng cảm,
hào hiệp và nhân hậu, vị tha. Đồng thời khẳng định: Sức mạnh của lòng nhân ái giúp con người
vượt lên số phận bất hạnh để sống một cuộc sống thực sự có ý nghĩa và tốt đẹp hơn.

×