ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
NGUYỄN
VĂN
TÚ
TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ DỊCH VỤ PHỤC VỤ DU LỊCH
TẠI CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA
TRÊN ĐỊA BÀN HÀ NỘI
(Nghiên cứu trường hợp: Văn Miếu-Quốc Tử Giám,
Hoàng thành Thăng Long, Khu di tích Phủ chủ tịch)
LUẬN VĂN THẠC SĨ DU LỊCH
Hà Nội, 2011
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
NGUYỄN
VĂN
TÚ
TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ DỊCH VỤ PHỤC VỤ DU LỊCH
TẠI CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HÓA
TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Nghiên cứu trường hợp: Văn Miếu-Quốc Tử Giám,
Hoàng thành Thăng Long, Khu di tích Phủ Chủ tịch)
Chuyên ngành: Du lịch
(Chương trình đào tạo thí điểm)
LUẬN VĂN THẠC SĨ DU LỊCH
HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS. PHẠM QUỐC SỬ
Hà Nội, 2011
1
MỤC LỤC
MỤC LỤC 1
DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT 4
DANH MỤC BẢNG, BIỂU, SƠ ĐỔ 5
MỞ ĐẦU 6
1. Tính cấp thiết của đề tài 6
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề 7
3. Mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu 9
4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu 9
5. Phương pháp nghiên cứu 10
6. Đóng góp của luận văn 11
7. Kết cấu luận văn 11
CHƯƠNG 1: DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ - NGUỒN TÀI NGUYÊN
DU LỊCH NHÂN VĂN HÀNG ĐẦU CỦA HÀ NỘI 13
1.1. Mối quan hệ giữa di tích lịch sử, văn hóa và du lịch 13
1.1.1. Di tích lịch sử văn hóa 13
1.1.2. Di tích lịch sử văn hóa – nguồn tài nguyên du lịch nhân văn 14
1.1.3. Du lịch góp phần bảo tồn, tôn tạo và nâng cao giá trị của di tích 15
1.2. Hệ thống di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn Hà Nội 16
1.2.1. Khái quát về Hà Nội 16
1.2.2. Hà Nội - vùng đất ngàn năm văn vật 18
1.2.3. Di tích lịch sử, văn hoá - nguồn tài nguyên du lịch của Hà Nội 22
1.3. Quan niệm về dịch vụ du lịch tại các di tích lịch sử, văn hóa 40
1.3.1. Phục vụ du lịch và dịch vụ du lịch 40
1.3.2. Dịch vụ du lịch tại các di tích lịch sử, văn hóa 41
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG TỔ CHỨC, QUẢN LÝ DỊCH VỤ DU LỊCH
TẠI CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA Ở HÀ NỘI 44
2.1. Thực trạng việc quản lý các di tích lịch sử, văn hóa ở Hà Nội 44
2
2.2. Thực trạng việc tổ chức, quản lý dịch vụ du lịch tại các di tích lịch sử, văn
hóa nói chung 46
2.2.1. Thực trạng bộ máy tổ chức dịch vụ du lịch 47
2.2.2. Thực trạng việc quản lý các dịch vụ du lịch 48
2.3. Thực trạng việc tổ chức, quản lý dịch vụ du lịch tại các di tích lịch sử, văn
hóa tiêu biểu 52
2.3.1. Tại Di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám 52
2.3.2. Tại Khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long 62
2.3.3. Tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch 67
2.4. Những ưu điểm, hạn chế và vấn đề đặt ra trong việc tổ chức, quản lý các
dịch vụ du lịch tại các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn Hà Nội 74
2.4.1. Những ưu điểm 74
2.4.2. Những hạn chế và vấn đề đặt ra trong việc tổ chức, quản lý các dịch vụ
du lịch tại các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn Hà Nội 78
CHƯƠNG 3: ĐỊNH HƯỚNG MÔ HÌNH TỔ CHỨC, QUẢN LÝ DỊCH VỤ
DU LỊCH TẠI CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ, VĂN HOÁ Ở HÀ NỘI 86
3.1. Các nguyên tắc xây dựng mô hình tổ chức, quản lý các dịch vụ du lịch tại
các di tích lịch sử, văn hóa 86
3.1.1. Tuân thủ các công ước quốc tế, luật và các văn bản pháp quy 86
3.1.2. Phù hợp với định hướng chiến lược phát triển đất nước, địa phương 87
3.1.3. Phù hợp với thuần phong, mỹ tục, truyền thống và giá trị di tích 88
3.1.4. Đảm bảo sự phát triển bền vững của di tích 89
3.1.5. Thỏa mãn tối đa nhu cầu chính đáng của du khách 91
3.2. Mô hình tổ chức, quản lý các dịch vụ du lịch tại di tích lịch sử văn hóa 92
3.2.1. Bộ máy tổ chức nhân sự 92
3.2.2. Các dịch vụ du lịch tại các di tích lịch sử, văn hóa 93
3.3. Thử áp dụng mô hình tổ chức, quản lý các dịch vụ du lịch tại các di tích
lịch sử, văn hóa tiêu biểu của Hà Nội 95
3
3.3.1. Tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám 95
3.3.2. Tại di tích Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long 105
3.3.3. Tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch 112
3.4. Một số giải pháp hỗ trợ để áp dụng thành công mô hình tổ chức, quản lý
dịch vụ du lịch tại các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn Hà Nội. 118
3.4.1. Thay đổi nhận thức trong việc phát huy giá trị di tích 118
3.4.2. Lập quy hoạch bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích phù hợp với định hướng
phát huy giá trị bằng các dịch vụ du lịch 119
3.4.3. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu, tổ chức du lịch 119
3.4.4. Tăng cường bộ máy quản lý di tích, bộ phận dịch vụ du lịch 120
3.4.5. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa cơ quan quản lý và cơ sở tôn giáo 121
3.4.6. Phối hợp chặt chẽ giữa ban quản lý di tích và chính quyền địa phương,
cơ quan trật tự, an ninh sở tại………………………………………………121
3.4.7. Cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra việc tuân thủ quy tắc
bảo tồn, tu tạo di tích……………………………………………………….122
KẾT LUẬN 124
TÀI LIỆU THAM KHẢO ……………………………………………… 127
PHỤ LỤC……………………………………………… …………………131
4
DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT
BQL Ban quản lý
DT&DT Di tích và Danh thắng
DTLSVH Di tích lịch sử - văn hóa
DTPCT Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
DVDL Dịch vụ du lịch
HTTL Hoàng thành Thăng Long
TCQL Tổ chức và quản lý
UBND Ủy ban nhân dân
UNESCO Tổ chức Văn hóa, Khoa học, Giáo dục của Liên Hiệp Quốc
VHKH Văn hóa, khoa học
VHTT&DL Văn hóa, Thể thao và Du lịch
VM-QTG Văn Miếu-Quốc Tử Giám
5
DANH MỤC BẢNG, BIỂU, SƠ ĐỔ
TT
Bảng Nội dung bảng Trang
1 Bảng 1.1 Bảng số lượt khách tham quan Hà Nội từ 2005-2010 23
2 Sơ đồ 1.1 Sơ đồ kiến trúc di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám 29
3 Sơ đồ 1.2 Sơ đồ kiến trúc Khu di tích Trung tâm HTTL 36
4 Sơ đồ 1.3 Sơ đồ kiến trúc Khu DTPCT 38
5 Sơ đồ 2.1 Mô hình quản lý di tích trên địa bàn Hà Nội 46
6 Bảng 2.1 Số lượt khách đến tham quan các di tích tiêu biểu 77
7 Sơ đồ 3.1 Mô hình cơ cấu bộ máy tổ chức, quản lý DTLSVH 93
6
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Nằm ở trung tâm Bắc Bộ, với bề dày hàng ngàn năm lịch sử, Hà Nội có
tiềm năng và lợi thế so sánh đa dạng và phong phú để thu hút khách du lịch.
Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng và giá trị tài nguyên của
các di tích lịch sử-văn hoá (DTLSVH), nhất là từ khi Hà Tây được sáp nhập
vào Thủ đô. Tuy số lượng du khách đến Hà Nội tăng mạnh trong những năm
qua, tốc độ tăng trưởng cao nhưng tăng trưởng ngành du lịch của Hà Nội chưa
xứng với tiềm năng và lợi thế của mình [41, tr.134]. Một trong những yếu tố
tạo nên sức hấp dẫn, đem lại hiệu quả và là nhân tố, thế mạnh phát triển du
lịch của thủ đô là tài nguyên du lịch nhân văn mà trong đó, hệ thống
DTLSVH của Hà Nội đóng vai trò quan trọng.
Trong những năm qua, công tác tổ chức và quản lý (TCQL) dịch vụ du
lịch (DVDL) tại các DTLSVH trên địa bàn Hà Nội đã có hiệu quả nhất định,
song chưa phát huy hết tiềm năng giàu có của nguồn tài nguyên nhân văn vô
cùng lớn này của Hà Nội. Mặc dù các DTLSVH trên địa bàn Hà Nội đều đặt
dưới sự quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước nhưng việc TCQL các
DVDL chưa có hệ thống, chưa thống nhất và chưa thực sự phong phú, nhiều
dịch vụ được thực hiện tự phát, nhằm đáp ứng nhu cầu đột xuất của khách
tham quan hay tổ chức du lịch. Tại nhiều di tích, nhiều DVDL lại do tư nhân,
cá thể không thuộc cơ quan quản lý thực hiện nên chất lượng dịch vụ thấp,
không phù hợp với giá trị di tích, trùng lặp ở nhiều di tích nên không đáp ứng
được nhu cầu của du khách, thậm chí còn gây phản cảm, ấn tượng xấu cho du
khách sau chuyến tham quan, khiến cho việc quảng bá, thu hút khách cũng
như hiệu quả kinh tế trong việc phát huy di tích bị hạn chế. Chính vì thế, để
phát huy tiềm năng du lịch của Hà Nội, tăng cường hơn tính hấp dẫn của tài
nguyên du lịch nhân văn của thủ đô, cần phải nhanh chóng xây dựng được mô
7
hình TCQL các DVDL tại các DTLSVH sao cho có hiệu quả cao, để trước
mắt áp dụng thí điểm với một số điểm di tích tiêu biểu rồi từ đó rút kinh
nghiệm và nhân rộng ra các điểm di tích khác.
Đáp ứng yêu cầu đó, học viên chọn đề tài: Tổ chức và quản lý dịch vụ
du lịch tại các di tích lịch sử-văn hoá trên địa bàn Hà Nội (Nghiên cứu
trường hợp Di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Khu trung tâm Hoàng thành
Thăng Long, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch) cho luận
văn Thạc sĩ khoa học du lịch, với mục đích vừa là đề tài tốt nghiệp, vừa mong
muốn có được đóng góp thiết thực cho việc phát triển du lịch văn hoá trên địa
bàn Hà Nội.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên quan đến nhiều ngành nghề
khác nhau và có tiềm năng kinh tế rất lớn. Chính vì thế, trên thế giới đã có
nhiều công trình nghiên cứu về du lịch, về các DVDL. Các công trình nghiên
cứu như: Tourism: A New perspective của Peter Burns, Andrew Holden do
NXB Prentice Hall, New Jersey xuất bản năm 1995; Tourism: Principles and
practice của Cooper C., Fletcher J., Gibbert D. do NXB Longman, New York
xuất bản năm 2000 hay Marketing tourism places của Gregory Ashworth &
Brian Goodall do NXB Routledge, New York xuất bản năm 1990 đã chỉ rõ
những nhân tố tạo nên nhu cầu của du khách khi đi du lịch, các dịch vụ đáp
ứng cho du khách từ đó làm cơ sở cho việc tổ chức các dịch vụ cho du khách
ở các điểm đến. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào đề cập cụ thể đến việc
TCQL các DVDL tại các DTLSVH.
Ở Việt Nam, ngành du lịch phát triển muộn hơn nhưng đã có những
công trình nghiên cứu liên quan đến nhu cầu và khả năng đáp ứng nhu cầu
của du khách của từng vùng, miền cụ thể trên đất nước, từ đó đề ra các loại
hình dịch vụ phục vụ du khách. Các công trình nghiên liên quan đến đề tài
8
như: Luận án tiên sĩ của Lê Đức Thắng (1996) với đề tài: Quy hoạch các điểm
du lịch với việc khai thác di sản kiến trúc văn hóa - lịch sử khu vực Hà Nội
[26]; Luận án tiến sĩ (1996) của Bùi Thị Nga với đề tài: Những giải pháp chủ
yếu để phát triển du lịch trên địa bàn Hà Nội [19]; Luận án tiến sĩ của Từ
Mạnh Lương (2003) với đề tài: Một số chính sách và giải pháp kinh tế - xã
hội chủ yếu nhằm bảo tồn, tôn tạo và nâng cao hiệu quả khai thác di tích lịch
sử - văn hoá của dân tộc giai đoạn phát triển mới của đất nước [16]; Giáo
trình quản lý di sản văn hoá với phát triển du lịch [17] của Lê Hồng Lý (chủ
biên), Dương Văn Sáu, Đặng Hòa Thu (2010); Các công trình này chỉ ra các
nguyên tắc bảo tồn, và phát huy DTLSVH để phát triển du lịch trên khía cạnh
là điểm tham quan, là tài nguyên du lịch nhân văn. Một số công trình như Tổ
chức phục vụ các dịch vụ du lịch [18] của Trần Văn Mậu (2001), Nhu cầu của
du khách trong quá trình du lịch [6] của Đinh Thị Vân Chi (2004)… đã đề
cập đến các nguyên tắc tổ chức DVDL trong các cơ sở du lịch như nhà hàng,
khách sạn, khu vui chơi giải trí, và các dịch vụ bổ sung ở đó trên cơ sở các
nhu cầu của du khách khi đi tham quan, du lịch. Năm 2006, Viện Nghiên cứu
Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch) đã thực hiện đề án: Tổ chức, khai thác
không gian kiến trúc cảnh quan tại các khu DTLSVH thuộc thành phố Hà Nội
và phụ cận nhằm phục vụ cho chiến lược phát triển du lịch thủ đô [38]. Đề án
này đã đề xuất một số nguyên tắc sử dụng kiến trúc và cảnh quan di tích để tổ
chức DVDL tại các DTLSVH, đề xuất việc quy hoạch cảnh quan, kiến trúc
một số di tích trong việc tổ chức dịch vụ du lịch. Ngoài ra, trong các tham
luận hội thảo khoa học về việc bảo tồn, phát huy giá trị DTLSVH, hoặc các
báo cáo tổng kết năm của các BQL di tích, việc tổ chức các dịch vụ thường
được đề cập đến ở khía cạnh biểu dương hoặc phê phán những mặt chưa được
hoặc tập trung vào việc đánh giá dịch vụ có phù hợp với di tích, có quảng bá
cho văn hóa không. Một số văn bản pháp luật về quản lý DTLS đã đề cập đến
việc quản lý các DVDL tại các DTLSVH ở Hà Nội. Không dừng lại ở việc kế
9
thừa những nghiên cứu về biện pháp quản lý và phát huy giá trị DTLSVH phục
vụ cho du lịch, luận văn đề xuất nguyên tắc tổ chức các DVDL tại các
DTLSVH và đưa ra mô hình cụ thể cho các di tích, áp dụng mô hình đó cho 3
di tích cụ thể là VM-QTG, HTTL, DTPCT.
3. Mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu
Mục tiêu nghiên cứu: Xây dựng nguyên tắc, mô hình TCQL các DVDL
tại các DTLSVH nhằm góp phần tích cực vào việc khai thác tối đa tiềm năng
của các di tích của Hà Nội với vai trò là một nguồn tài nguyên du lịch nhân
văn cho phát triển bền vững du lịch thủ đô và cả nước nói chung.
Nhiệm vụ nghiên cứu: - Xác định giá trị của các DTLSVH của Hà Nội
đối với phát triển du lịch, đánh giá mức độ thu hút khách của các di tích của
Hà Nội nói chung và của 3 di tích được đề cập cụ thể trong luận văn.
- Tiến hành khảo sát thực tiễn việc TCQL các DVDL tại các DTLSVH
trên địa bàn Hà Nội. Trên cơ sở các nguyên tắc về TCQL văn hóa và kinh
doanh đánh giá mặt tích cực và hạn chế của hoạt động dịch vụ hiện có.
- Đề xuất các nguyên tắc TCQL DVDL và đưa ra mô hình, định hướng
việc TCQL DVDL nói chung và áp dụng vào 3 di tích tiêu biểu của thủ đô Hà
Nội.
4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
DVDL tại các DTLSVH là tất cả những hoạt động nhằm tạo điều kiện
cho du khách tham quan di tích thuận lợi và thỏa mãn những nhu cầu chính
đáng của du khách tại các DTLSVH. Tổ chức và quản lý DVDL là việc cung
ứng những dịch vụ này cho du khách tại DTLSVH theo những cách thức nhất
định nhằm đạt được mục tiêu đã định một cách tốt nhất. Như vậy đối tượng
nghiên cứu của luận văn là các hoạt động phục vụ cho khách tham quan tại di
10
tích và cách thức cung ứng, thực hiện những hoạt động này tại các DTLSVH
trên địa bàn Hà Nội nói chung, và cụ thể là 3 DTLSVH tiêu biểu của Hà Nội
là VM-QTG, HTTL, DTPCT.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Luận văn chỉ nghiên cứu DVDL và việc TCQL những dịch vụ này tại
các DTLSVH trên địa bàn Hà Nội nói chung, trên cơ sở đó đi sâu nghiên cứu
tại 3 di tích tiêu biểu thuộc 3 loại hình: Di tích kiến trúc-văn hóa, di tích Lịch
sử - khảo cổ học và di tích Danh nhân, lịch sử - cách mạng trên địa bàn Hà
Nội là VM-QTG, HTTL, DTPCT.
5. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp tiếp cận hệ thống: Nghiên cứu các DVDL tại một
DTLSVH cụ thể phải đặt di tích vào trong hệ thống các DTLSVH trong địa
bàn nghiên cứu. Xây dựng nguyên tắc, mô hình TCQL các DVDL cho từng di
tích phải tính đến mối tương quan, ảnh hưởng của dịch vụ ở đó với các di tích
khác trên cùng tuyến du lịch tại địa bàn và khu vực. Ngoài ra, mô hình TCQL
các DVDL phải được xây dựng trên cơ sở hệ thống hóa các DTLSVH trên địa
bàn và toàn quốc.
- Phương pháp khảo sát thực địa và thu thập tài liệu: + Điều tra, khảo
sát thực tế các di tích, phỏng vấn các cán bộ chuyên trách quản lý di tích tại
các phòng Văn hóa, thông tin quận, huyện Hà Nội, các nhân viên trực tiếp
quản lý di tích.
+ Thu thập nguồn dữ liệu thứ cấp từ các kết quả nghiên cứu, sách báo
tạp chí, các trang web điện tử, các tài liệu, báo cáo của cơ quan quản lý và
BQL di tích.
- Phương pháp phân tích tổng hợp: Phân tích mối quan hệ giữa nhu cầu
của du khách và DVDL, tổng hợp các nguyên tắc bảo tồn, tôn tạo, phát huy
11
giá trị, so sánh với việc TCQL một số DVDL ở các di tích khách trên thế giới
từ đó đề ra nguyên tắc xây dựng mô hình TCQL DVDL tại di tích.
- Phương pháp chuyên gia: Tham khảo ý kiến từ các báo cáo của các
chuyên gia về bảo tồn, tôn tạo di tích phục vụ du lịch. Tư vấn các chuyên gia,
các nhà kinh doanh và phục vụ du lịch nhằm tránh được những đề xuất giáo
điều, lý thuyết.
6. Đóng góp của luận văn
Nguyên tắc xây dựng mô hình và các mô hình TCQL DVDL tại
DTLSVH cụ thể trên địa bàn Hà Nội có thể làm cơ sở cho các nhà quản lý vĩ
mô đưa ra những văn bản quản lý phù hợp để phát triển du lịch vùng, các
BQL DTLSVH khác trên địa bàn áp dụng để TCQL hiệu quả tài nguyên của
mình. Mô hình TCQL tại 3 di tích được đề cập trong luận văn là cơ sở thực
tiễn, khoa học cho những di tích chưa có các họat động du lịch khởi lập, tổ
chức dịch vụ nhằm phát huy hiệu quả giá trị di tích.
Kết quả nghiên cứu của luận văn còn giúp cho các doanh nghiệp du lịch
nghiên cứu, tổ chức các tuyến du lịch đặc thù, tạo ra chương trình du lịch mới,
tăng thêm sức cạnh tranh cho doanh nghiệp lữ hành.
Mô hình TCQL này có thể áp dụng cho các DTLSVH ở các địa phương
khác trong toàn quốc tùy theo điều kiện cụ thể của mình.
7. Kết cấu luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, phần nội
dung luận văn gồm 3 chương:
Chương 1: Di tích lịch sử, văn hóa – nguồn tài nguyên du lịch nhân văn
hàng đầu của Hà Nội.
Chương 2: Thực trạng tổ chức và quản lý DVDL tại các DTLSVH trên
địa bàn Hà Nội.
12
Chương 3: Định hướng mô hình TCQL các DVDL tại các DTLSVH
trên địa bàn Hà Nội (thử áp dụng cho các điểm: VM-QTG, HTTL, DTPCT)
13
CHƯƠNG 1
DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ - NGUỒN TÀI NGUYÊN DU LỊCH
NHÂN VĂN HÀNG ĐẦU CỦA HÀ NỘI
1.1. Mối quan hệ giữa di tích lịch sử, văn hóa và du lịch
1.1.1. Di tích lịch sử, văn hóa
1.1.1.1. Khái niệm
Di tích là là dấu vết của quá khứ còn lưu lại trong lòng đất hoặc trên
mặt đất có ý nghĩa về mặt văn hóa và lịch sử.
Có nhiều cách quan niệm khác nhau về DTLSVH. Luật Di sản văn hóa
xác định: “Di tích lịch sử- văn hóa là công trình xây dựng, địa điểm và các di
vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử,
văn hoá, khoa học” [21, tr. 13]. Tác giả Từ Mạnh Lương (2003) định nghĩa:
“DTLSVH là một không gian vật chất cụ thể, khách quan, nó không những
kết tinh giá trị lao động do con người trong lịch sử tạo ra mà còn chứa đựng
những giá trị điển hình về lịch sử, văn hóa, khoa học” [16, tr. 13]. Như vậy có
thể thấy, DTLSVH là những di tích do con người tạo ra tại một địa điểm cụ
thể có giá trị điển hình, có ý nghĩa về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học.
DTLSVH là tài sản quý giá của nhân loại, của mỗi quốc gia, dân tộc, địa
phương. DTLSVH bao gồm những nơi chứa đựng một bộ phận giá trị văn hóa
khảo cổ học, dân tộc học; những nơi diễn ra những sự kiện lịch sử, chính trị
trọng đại, những công trình kiến trúc, nghệ thuật có giá trị cao, những nơi lưu
niệm, ghi dấu về những danh nhân, anh hùng dân tộc…
1.1.1.2. Phân loại di tích lịch sử văn hóa
Theo nội dung của di tích, có thể phân thành các loại như sau:
14
- Di tích văn hóa khảo cổ: là những địa điểm chứa đựng, ẩn dấu một bộ
phận giá trị văn hóa thuộc về thời kỳ lịch sử xã hội loài người thời kỳ cổ đại
hoặc trước đó.
- Di tích lịch sử: là những di tích ghi dấu lại những đặc điểm lịch sử
riêng của mỗi quốc gia, dân tộc. Loại hình này bao gồm các di tích ghi dấu về
dân tộc học, về sự kiện chính trị trọng đại, tiêu biểu có ý nghĩa quyết định đến
sự phát triển của đất nước, địa phương hoặc những chiến công chống xâm
lược, những thành tựu trong lao động sản xuất…
- Di tích văn hóa nghệ thuật: những di tích gắn với các công trình kiến
trúc có giá trị đặc biệt về văn hóa, xã hội, tình thần.
- Danh lam thắng cảnh: những di tích gắn với những cảnh đẹp tự nhiên,
có giá trị văn hóa.
Theo mức độ quan trọng của DTLSVH, ở Việt Nam, có các loại di tích:
- Di tích cấp quốc gia đặc biệt
- Di tích cấp quốc gia
- Di tích cấp tỉnh, thành phố
- Di tích chưa xếp hạng
1.1.2. Di tích lịch sử văn hóa – nguồn tài nguyên du lịch nhân văn
Di tích lịch sử văn hóa là bằng chứng trung thành, xác thực, cụ thể nhất
về đặc điểm văn hóa của mỗi dân tộc, đất nước. Di tích chứa đựng tất cả
những gì thuộc về truyền thống tốt đẹp, tinh hoa, trí tuệ, tài năng, giá trị văn
hóa, nghệ thuật của mỗi quốc gia. Di tích lịch sử, văn hóa thu hút con người
tới khám phá, tìm hiểu. Đó là cơ sở để DTLSVH trở thành nguồn tài nguyên
du lịch nhân văn.
Tuy nhiên, để DTLSVH trở thành tài nguyên du lịch thì, DTLSVH đó
phải có giá trị cao, có sức hấp dẫn mạnh đối với khách du lịch và có khả năng,
15
điều kiện vật chất để khai thác cho du lịch. Các nhà nghiên cứu đánh giá giá
trị tài nguyên du lịch của DTLSVH trên cở sở:
- Mật độ và chất lượng di tích: thể hiện ở số lượng di tích trên một đơn
vị diện tích và cấp độ xếp hạng của di tích. Mật độ, hạng di tích càng cao thì
khả năng khai thác cho du lịch càng lớn, tài nguyên du lịch càng có gía trị
- Hạ tầng cơ sở: Di tích càng ở nơi dễ tiếp cận, các di tích ở gần nhau
thì chất lượng tài nguyên du lịch càng cao.
1.1.3. Du lịch góp phần bảo tồn, tôn tạo và nâng cao giá trị của di tích lịch
sử văn hóa
Di tích lịch sử văn hóa là tài sản văn hóa. Nếu DTLSVH không được
khai thác thì mãi mãi chỉ là di tích. Ngược lại, khai thác di tích phục vụ du
lịch văn hóa sẽ góp phần bảo tồn, tôn tạo di tích. Các giá trị lịch sử, văn hóa
trong di tích trở thành hàng hóa đặc biệt phục vụ nhu cầu khách tham quan,
chúng không mất đi mà có dịp để bảo tồn, gìn giữ. Phong tục, tập quán, sự
kiện lịch sử sẽ được sống lại, tái hiện lại khi khai thác phục vụ du lịch.
Hơn nữa, khai thác DTLSVH cho du lịch đem lại hiệu quả kinh tế, xã
hội: tăng thu nhập, tạo thêm việc làm, giải quyết công ăn việc làm cho cộng
đồng địa phương. Khi thu nhập tăng lên, di tích có điều kiện được tôn tạo,
công đồng địa phương tăng nhận thức, đánh giá cao giá trị di tích, có ý thức
bảo vệ, bảo tồn di tích.
Khai thác DTLSVH cho du lịch còn góp phần làm tăng trưởng kinh tế,
thay đổi cơ cấu kinh tế vùng, ngành…
Tuy nhiên, khai thác di tích cũng sẽ tạo tác động xấu đến tuổi thọ và giá
trị di tích nếu không tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu về bảo tồn, tôn tạo
và phát huy giá trị: như khai thác quá mức di tích, bóp méo, làm sai lệch giá
trị vốn có của di tích, thương mại hóa, làm ô nhiễm di tích…
16
1.2. Hệ thống di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn Hà Nội
1.2.1. Khái quát về Hà Nội
Hà Nội là Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hà Nội nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc bộ, ở phía hữu ngạn sông Đà
và hai bên sông Hồng, phía Bắc tiếp giáp với các tỉnh: Thái Nguyên, Vĩnh
Phúc; phía Nam giáp Hà Nam và Hoà Bình; phía Đông giáp Bắc Giang, Bắc
Ninh và Hưng Yên; phía Tây giáp Hoà Bình và Phú Thọ.
Với diện tích hiện nay là 3.324,92km², dân số tính đến ngày 30/10/2010
là 6.913 triệu người, Hà Nội là thành phố đứng đầu Việt Nam về diện tích tự
nhiên, đứng thứ hai về quy mô dân số sau Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay
Hà Nội có 10 quận, 18 huyện và một thị xã, đó là: các quận Hoàn Kiếm, Ba
Ðình, Ðống Ða, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Long Biên,
Hoàng Mai, Hà Đông; các huyện Ðông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Từ Liêm,
Gia Lâm, Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Hoài Đức, Mỹ Đức, Phú Xuyên,
Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa và Mê
Linh và thị xã Sơn Tây.
Cư dân Hà Nội chủ yếu là người dân tộc Việt (Kinh) chiếm tỷ lệ
99,1%; các dân tộc khác: Dao, Mường, Tày chiếm 0,9%; cư dân đô thị chiếm
tỷ lệ 41,1% và cư dân nông thôn là 58,9%; tỷ lệ nữ chiếm 50,7% và nam là
49,3% . Pháp lệnh Thủ đô đã xác định Hà Nội là trung tâm chính trị-hành
chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao
dịch của cả nước, nơi diễn ra các hoạt động đối nội, đối ngoại quan trọng
nhất của đất nước [23].
Hà Nội nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình
năm 24°C, độ ẩm trung bình 80 - 82%, lượng mưa trung bình 1.800mm/năm
và mỗi nǎm có khoảng 114 ngày mưa. Từ tháng 5 đến tháng 9 là mùa nóng và
mưa. Nhiệt độ trung bình là 29ºC, từ tháng 11 đến tháng 3 nǎm sau là mùa
đông lạnh và khô ráo, nhiệt độ trung bình là 15ºC. Giữa hai mùa đó lại có hai
17
thời kỳ chuyển tiếp (tháng 4 và tháng 10) cho nên Hà Nội có đủ bốn mùa
Xuân, Hạ, Thu, Ðông, mùa nào Hà Nội cũng có vẻ đẹp riêng. Dù có hình thái
địa hình khác nhau giữa các khu vực của Hà Nội hiện nay, nhưng sự khác biệt
thời tiết và chênh lệch về nhiệt độ giữa các địa phương của Hà Nội không lớn.
Hà Nội có cả đồng bằng, đồi núi và rừng, đồng bằng chiếm khoảng 3/4
diện tích tự nhiên, nằm bên hữu ngạn sông Đà, hai bên sông Hồng và chi lưu
các sông. Địa hình đồi núi thuộc địa phận các huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Quốc
Oai, Mỹ Đức, trong đó có một số đỉnh núi cao như: Ba Vì 1.281m; Gia Dê
707m; Chân Chim 462m; Thanh Lanh 427m; Thiên Trù 378m; Bà Tượng
334m; Sóc Sơn 308m; Núi Bộc 245m; Dục Linh 294m…
Hà Nội nằm cạnh hai con sông lớn là sông Đà và sông Hồng. Ðoạn
sông Hồng qua Hà Nội dài khoảng 163km. Ngoài ra, Hà Nội còn có các sông:
Đuống, Cầu, Cà Lồ, Đáy, Nhuệ, Tô Lịch, Kim Ngưu, …
Hà Nội có nhiều hồ, đầm, nổi tiếng như hồ Tây, Trúc Bạch, Hoàn
Kiếm, Thiền Quang, Bảy Mẫu, Ngải Sơn - Đồng Mô, Suối Hai, Mèo Gù,
Xuân Khanh, Tuy Lai, Quan Sơn
Từ thủ đô Hà Nội, có thể đi khắp mọi miền đất nước, ra nước ngoài
bằng các loại phương tiện giao thông khác nhau như đường không, đường bộ,
đường sắt, đường thủy.
Đường không: Du khách từ nước ngoài có thể đến Hà Nội qua sân bay
quốc tế Nội Bài cách trung tâm Hà Nội khoảng 35km. Sân bay Gia Lâm - sân
bay trực thăng phục vụ bay dịch vụ, trong đó có dịch vụ du lịch.
Đường bộ: Xe ô tô khách liên tỉnh xuất phát từ các bến xe Phía
Nam, Gia Lâm, Lương Yên, Nước Ngầm, Mỹ Đình theo quốc lộ 1A xuyên
Bắc – Nam, quốc lộ 2 đi Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang; quốc
lộ 3 đi Thái Nguyên, Cao Bằng; Quốc lộ 5 đi Hải Phòng, Quảng Ninh; Quốc
lộ 6 đi Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu…
18
Hà Nội là đầu mối giao thông của 5 tuyến đường sắt trong nước. Có
đường sắt liên vận sang Bắc Kinh (Trung Quốc). Hà Nội cũng là đầu mối giao
thông quan trọng bằng đường thủy với bến Phà Đen, bến Hàm Tử Quan đi
Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Việt Trì, Phả Lại…
Là trung tâm của vùng Bắc Bộ, là đầu mối giao thông quan trọng đi các
tỉnh và là thủ đô của cả nước, Hà Nội có khả năng to lớn để thu hút các nguồn
lực của cả nước, của nước ngoài cho sự phát triển của mình. Đồng thời, sự
phát triển của Hà Nội có vai trò to lớn thúc đẩy sự phát triển của cả vùng,
cũng như cả nước; sự phát triển của thủ đô Hà Nội là niềm tự hào của người
dân Hà Nội, đồng thời cũng là niềm tự hào của đất nước, của dân tộc.
1.2.2. Hà Nội - vùng đất ngàn năm văn vật
Thủ đô Hà Nội có lịch sử hàng ngàn năm, khởi đầu bằng sự kiện xảy ra
vào năm 255 TCN, khi An Dương Vương Thục Phán thống nhất hai bộ lạc: Âu
Việt và Lạc Việt lập nên nước Âu Lạc, đóng đô ở Phong Khê và cho xây Loa
Thành (Cổ Loa) [39, tr. 135]. Cổ Loa nay thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội.
Năm 208 TCN, Âu Lạc bị Triệu Đà (Trung Quốc) thôn tính. Cổ Loa
(Hà Nội) nằm dưới ách thống trị của Trung Hoa suốt nghìn năm. Trong thời
kỳ này, có nhiều cuộc nổi dậy chống lại ách đô hộ phương Bắc như cuộc khởi
nghĩa của Hai Bà Trưng xảy ra ở Mê Linh (40-43), của Lý Nam Đế, lập nên
nhà Tiền Lý (541-547), Dưới thời nhà Đường, thành Tống Bình là trung
tâm của An Nam đô hộ phủ, sau đó đổi tên là Đại La thành, cũng gọi là Long
Đỗ thành. Năm 938, Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán, kết thúc thời kỳ
đô hộ trên 1000 năm của phương Bắc, đóng đô tại thành Cổ Loa.
Dưới thời Đinh, Tiền Lê, Đại La là vùng đất đô hội, nơi gặp gỡ của
nhiều con đường thương mại.
19
Năm 1010, vua Lý Thái Tổ ban Chiếu dời đô để về thành Đại La và lấy
tên kinh đô mới là Thăng Long.
Từ đó đến nay, trải qua nghìn năm với nhiều thăng trầm của lịch sử,
Thăng Long, rồi Đông Đô, Đông quan, Hà Nội luôn biết tiếp nhận tất cả
những gì tinh tuý nhất của mọi vùng miền đất nước và xa hơn, của bạn bè
quốc tế, đã nhân lên những điều hay, xoá đi cái dở, làm nên một nền văn hoá
có bản sắc riêng và đầy quyến rũ - văn hóa Tràng An.
Trải qua hơn hai ngàn năm lịch sử, vùng đất nay là thủ đô Hà Nội mang
trong mình một hệ thống di sản văn hoá vật thể và phi vật thể phong phú, đa
dạng và mang đậm bản sắc của người Tràng An, trở thành một biểu tượng
của văn hoá Việt Nam.
- Về văn hóa vật thể: Hà Nội đứng đầu cả nước về số lượng di tích và
danh thắng (DT&DT): Tính đến tháng 6/2009, Hà Nội có 5.175 di tích, trong
đó hàng trăm đền, chùa, công trình kiến trúc, danh thắng nổi tiếng đã được
nhà nước xếp hạng cấp thành phố và cấp quốc gia [30, tr.11]. Hà Nội đứng
đầu cả nước về số lượng nhà bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa, câu lạc bộ, rạp
hát, rạp chiếu bóng, hiệu sách…Những DT&DT tiêu biểu như:
Khu phố cổ - nơi lưu giữ dấu ấn của một "Hà Nội 36 phố phường" thủa
xưa không chỉ là một trung tâm thương mại mà còn là một trung tâm văn hoá
đa dạng, đặc biệt là văn hoá ẩm thực rất phong phú.
Hoàng thành Thăng Long (HTTL) vừa mới phát lộ trong cuộc khai quật
khảo cổ những năm đầu thế kỷ XXI này. Di tích HTTL là minh chứng sống
động của một kinh đô được xây dựng cách đây hàng ngàn năm, là di tích duy
nhất mang tính biểu tượng cho cộng đồng người dân Hà Nội, có giá trị lịch sử
vượt thời gian, không gian, lớn về quy mô, độc đáo về kiến trúc và nghệ
thuật. Năm 2010, HTTL chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn
hóa thế giới
20
Cổ Loa: Một trong những toà thành cổ nhất ở Đông Nam Á, là minh
chứng về một nhà nước Âu Lạc hùng mạnh, độc đáo về kỹ thuật quân sự của
dân tộc Việt cách đây hơn 2000 năm, đồng thời cũng là bài học về bảo mật
quốc gia, tinh thần cảnh giác.
Chùa Một Cột khởi lập vào thế kỷ XI với hình tượng đoá sen, là điểm
độc đáo trong kiến trúc. Khối kiến trúc gỗ, đá được phù trợ bởi cảnh quan, có
ao, có cây cối đã tạo nên sự gần gũi, tinh khiết mà vẫn thanh lịch.
Văn Miếu-Quốc Tử Giám khởi lập vào năm 1070, thờ Khổng Tử, các bậc
Hiền triết của Nho giáo và là trung tâm giáo dục cấp cao nhất của Việt Nam
trong suốt các thế kỷ XI-XVIII. Đây là biểu tượng của trí tuệ và văn hóa Việt,
truyền thống hiếu học, thái độ trân trọng, tôn vinh người hiền tài của dân tộc.
Quảng trường Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc
lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng Hoà ngày 2/9/1945 lịch sử;
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu DTPCT là di tích ghi dấu về người con ưu
tú, anh hùng của dân tộc, danh nhân văn hóa nhân loại Hồ Chí Minh.
Hồ Tây từ nghìn năm xa xưa đã là danh thắng của Hà Nội với cung
Thúy Hoa thời Lý, điện Hàm Nguyên thời Trần, sau đến là chùa Trấn Quốc,
chùa Kim Liên
Hồ Gươm với cầu Thê Húc, Tháp Bút, Đài nghiên, đền Ngọc Sơn soi
bóng nước là điểm nhấn văn hóa, biểu trưng của Thủ đô Hệ thống chùa,
đình, cổng làng, các công trình mang nét kiến trúc của các triều đại xưa đã
tạo nên một quần thể các di sản văn hoá vật thể đặc sắc của Hà nội.
Nghề và làng nghề thủ công của Hà Nội vốn nổi tiếng từ xưa như nghề
gốm sứ Bát Tràng, nghề làm tranh dân gian Hàng Trống, nghề đúc đồng Ngũ
Xá, trạm khảm Vân Hà, lụa Hà Đông… Trong hàng ngàn năm, Hà Nội là nơi
tập trung những tinh hoa văn hóa của miền Bắc và cả Việt Nam, nơi quy tụ
của những nhân vật ưu tú, những thương nhân, những nghệ nhân, những thợ
21
thủ công lành nghề. Họ tới đây lập nghiệp, mang theo những phong tục, tập
quán địa phương và Hà Nội trở thành mảnh đất tiêu biểu cho nền văn hóa của
cả Việt Nam. Môi trường cạnh tranh của đất kinh thành khiến những thương
nhân, thợ thủ công trụ vững lại Hà Nội phải là những người xuất sắc, tài năng.
Vì thế, những sản phẩm của họ là những sản phẩm tiêu biểu, chất lượng cao
nhất. Hiện nay ở Hà Nội còn khoảng 30 làng nghề, phố nghề còn khả năng
sản xuất và tiêu thụ có hiệu quả [4, tr.61]
Tinh hoa văn hoá của Hà Nội còn là những di sản văn hoá phi vật thể
phản ánh một cách phong phú, đa dạng và chân thực truyền thống sinh hoạt
văn hoá của người Hà Nội. Văn hoá phi vật thể Hà Nội là tổng hoà các yếu tố
giao lưu, hội nhập, dung hoà, tiếp biến cởi mở, linh hoạt, để tạo nên bản sắc
Thăng Long - Hà Nội. Đó là hệ thống các lễ hội dân gian cổ truyền của người
Hà Nội. Lễ hội cổ truyền Hà Nội mang đậm màu sắc lịch sử, bởi Hà Nội là
trung tâm, là nơi tập trung các nhân vật lịch sử và những sự kiện lịch sử,
những dấu ấn lịch sử của môi trường văn hoá đô thành. Đó là những tục lệ,
hương ước của những làng cổ ở chốn kinh kỳ xưa. Hà Nội tuy là Kinh Đô, là
đô thị lớn nhất của cả nước nhưng ở đó vẫn có các thôn làng, phố phường đan
xen và cùng nhau tồn tại. Gắn với mỗi làng xã là những tục lệ, hương ước
riêng rất tiêu biểu và đặc trưng cho mỗi nơi, góp phần sâu sắc để định hình
nên bản sắc văn hoá Hà Nội, phong vị Hà Nội. Những món ăn như Phở Hà
nội, Nem, Bún chả, Giò chả Ước Lễ, Chả cá Lã Vọng, Xôi lúa Tương Mai,
cốm Vòng, Bánh cuốn Thanh Trì, rượu Mơ, dưa La, cà Láng với hương vị
quyến rũ riêng không nơi nào bắt chước nổi đã làm nên nghệ thuật ẩm thực
cái tinh tế của văn hoá và con người Hà Nội.
Những danh nhân, nhân cách lớn đã làm rạng danh cho Hà Nội và dân
tộc. Đó là Lý Công Uẩn - vị Vua anh minh đã chọn vùng đất này làm nơi định
đô cho muôn đời con cháu; đó là những con người như Lý Thường Kiệt, Chu
Văn An, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu,
22
Văn Cao, Nguyễn Đình Thi Có người sinh ra ở Hà Nội, cũng có người
không sinh ra ở Hà Nội, song tên tuổi, sự nghiệp của họ mãi bất tử với Hà
Nội, trở thành những di sản văn hoá thiêng liêng của văn hiến Thăng Long-
Hà Nội.
1.2.3. Di tích lịch sử, văn hoá - nguồn tài nguyên du lịch của Hà Nội
1.2.3.1. Giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa ở Hà Nội đối với du lịch
Thủ đô Hà Nội - mảnh đất tồn tại hàng ngàn năm song hành cùng với
lịch sử đất nước, từ những năm trước công nguyên, đã chứng kiến, đồng thời
ghi dấu lại những trang sử oai hùng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc
dựng nước và giữ nước. Những sự kiện đó đã góp phần làm nên truyền thống
vẻ vang, quý báu của dân tộc Việt Nam, đó là truyền thống yêu nước nồng
nàn, không khuất phục trước mọi kẻ thù; đó là truyền thống cần cù lao động,
chống lại mọi thế lực siêu nhiên để tạo nên một thủ đô với đặc điểm riêng biệt
của đất nước ở khu vực Đông Nam Á. Công cuộc đấu tranh giữ nước và xây
dựng đất nước đó đã gắn kết cộng đồng, tôi luyện nên một dân tộc với những
nét văn hóa rất riêng của mình, đó là bản sắc văn hóa của người Việt cùng
những dân tộc anh em sinh sống trên mảnh đất này.
Hệ thống DTLSVH trên địa bàn Hà Nội ghi lại những câu chuyện chiến
đấu oanh liệt chống lại giặc ngoại xâm và thiên nhiên, phản ảnh đời sống văn
hóa, tư tưởng của người dân Hà Nội trong cuộc sống thường ngày, trong cuộc
đấu tranh sinh tồn, đồng thời cũng là những minh chứng cho nét độc đáo văn
hóa của cư dân nơi đây. Chính vì vậy, mỗi một di tích là một câu chuyện lịch
sử, một huyền thoại thể hiện ước vọng, nguyện vọng của nhân dân, phản ảnh
một nét đặc trưng cho nền văn hóa của thủ đô.
Di tích lịch sử văn hóa là những dấu ấn phản ánh phong cách nghệ
thuật, đặc điểm nghệ thuật kiến trúc của con người thủ đô trong tiến trình lịch
23
sử tồn tại và phát triển. Những đặc điểm kiến trúc, nghệ thuật của thủ đô đặc
trưng, tiêu biểu cho sự phát triển về nghệ thuật, kiến trúc của dân tộc trong
từng thời điểm, song hành cùng sự phát triển của văn hóa rất riêng của dân
tộc. Những công trình kiến trúc phản ảnh tâm tư, nguyện vọng, khát vọng của
con người Hà Nội trong từng giai đoạn lịch sử xây dựng và bảo vệ tổ quốc,
như Chùa Một Cột với lối kiến trúc độc đáo thể hiện tài năng kiến trúc của
thời Lý, Điện Đại thành của Văn Miếu với những nét chạm khắc tinh vi, tiêu
biểu của kiến trúc thời Lê, Nhà hát lớn, Phủ Chủ tịch là kiến trúc thời Pháp
thuộc…
Hà Nội, với vị trí ở trung tâm, là thủ đô của đất nước, nên lịch sử của
đất nước, văn hóa của dân tộc luôn tồn tại và được phản ảnh trong lịch sử, nét
văn hóa của thủ đô. Từ những sự kiện hào hùng như xây thành Cổ Loa, đến
những cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, chiến thắng giặc Minh,
từ những nét văn hóa được thể hiện qua các lễ hội tại các di tích, qua các làng
nghề truyền thống, qua phong cách ăn mặc…đều là những nét đặc trưng nhất
của văn hóa Việt.
Du lịch với mục đích là thẩm nhận, trải nghiệm sự khác biệt sẽ được
đáp ứng tối đa khi được trải nghiệm những gì có trong hệ thống DTLSVH của
Hà Nội. Những gì mà DTLSVH của Hà Nội đem lại chính là những gì mà du
khách muốn tìm hiểu, khám phá đất nước ngàn năm lịch sử, văn hiến này.
Di tích lịch sử, văn hóa Hà Nội đa dạng, phong phú với đầy đủ các cấp
bậc, giá trị bao gồm di sản văn hóa thế giới, di tích lịch sử cấp quốc gia, cấp
thành phố. Có thể nói, DTLSVH Hà Nội mang đặc điểm tiêu biểu, phát ảnh rõ
nét nền văn hóa, truyền thống lâu đời của người và vùng đất Hà Nội nói riêng
và của cả Việt Nam.
Số liệu tổng kết của cơ quan du lịch Hà Nội cho thấy lượng khách du
lịch tới Thủ đô trong những năm gần đây thường xuyên tăng, từ 5,34 triệu