1
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
ĐẶNG LÊ TUYẾT TRINH
MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM TRONG SỰ VẬN ĐỘNG
CỦA TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
QUA TRUYỆN NGẮN ĐỖ CHU VÀ NGUYỄN HUY THIỆP
LUẬN VĂN THẠC SĨ
Chuyên ngành: Lý luận văn học
Hà Nội - 2012
2
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
ĐẶNG LÊ TUYẾT TRINH
MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM TRONG SỰ VẬN ĐỘNG
CỦA TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
QUA TRUYỆN NGẮN ĐỖ CHU VÀ NGUYỄN HUY THIỆP
Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận văn học
Mã số:
60 22 01 20
Người hướng dẫn khoa học: TS. Nguyễn Văn Nam
Hà Nội – 2012
3
LỜI CẢM ƠN
Trước hết tôi xin chân thành cảm ơn thầy giáo Nguyễn Văn Nam đã tận
tình hướng dẫn, góp ý và động viên tôi trong suốt quá trình thực hiện luận văn
tốt nghiệp này.
Xin chân thành cảm ơn quý thầy cô trong Khoa Văn học - Trường Đại
học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa Sau Đại học - Đại học Quốc gia Hà
Nội đã giảng dạy và nhiệt tình giúp đỡ tôi trong suốt thời gian khóa học.
Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến thầy cô, đến các anh chị đồng nghiệp
của tôi tại Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội - nơi tôi công tác trong suốt
thời gian tham gia khóa học, đã ủng hộ, giúp đỡ và tạo điều kiện cho tôi hoàn
thành khóa học.
Những lời cảm ơn sau cùng, tôi xin dành cho bố mẹ, chồng và các em
trong gia đình đã hết lòng quan tâm, động viên và tạo điều kiện tốt nhất để tôi
hoàn thành luận văn này.
Đặng Lê Tuyết Trinh
4
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan rằng, đây là công trình nghiên cứu thực sự của cá
nhân tôi, có sự hỗ trợ của Thầy hướng dẫn, những người tôi đã cảm ơn. Nội
dung luận văn có tham khảo và sử dụng các tài liệu, thông tin được đăng tải
trên các sách, tạp chí, web theo danh mục tài liệu của luận văn. Các nội dung
nghiên cứu và kết quả trong đề tài này là trung thực và chưa từng được ai
công bố trong bất cứ công trình nào.
Hà Nội, ngày 2 tháng 5 năm 2012
Tác giả
Đặng Lê Tuyết
Trinh
5
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU 3
1. Lý do chọn đề tài 3
2. Lịch sử nghiên cứu 4
2.1. Tình hình nghiên cứu truyện ngắn Đỗ Chu 4
2.2. Tình hình nghiên cứu truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp 5
2.3. Tình hình nghiên cứu truyện ngắn Việt Nam sau Đổi mới 5
3. Phạm vi nghiên cứu 6
4. Phương pháp nghiên cứu 6
5. Cấu trúc luận văn 7
NỘI DUNG 8
Chương 1: TRUYỆN NGẮN ĐỖ CHU VÀ NGUYỄN HUY THIỆP
TRONG DÒNG CHẢY LỊCH SỬ VÀ VĂN HỌC
1.1. Một số vấn đề về truyện ngắn 8
1.2. Truyện ngắn Đỗ Chu trong dòng chảy lịch sử và văn học trước Đổi mới 11
1.2.1. Vài nét về tác giả Đỗ Chu 11
1.2.2. Dòng chảy lịch sử và văn học trước Đổi mới và vị thế truyện ngắn
Đỗ Chu 12
1.2.2.1. Giai đoạn trước năm 1975 12
1.2.2.2. Giai đoạn sau năm 1975 15
1.3. Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp trong dòng chảy lịch sử và văn học
đương đại 16
1.3.1. Vài nét về tác giả Nguyễn Huy Thiệp 16
1.3.2. Dòng chảy lịch sử - văn học sau Đổi mới và vị thế truyện ngắn
Nguyễn Huy Thiệp 17
Chương 2: MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM VẬN ĐỘNG VỀ NỘI DUNG
CỦA TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
QUA TRUYỆN NGẮN ĐỖ CHU VÀ NGUYỄN HUY THIỆP
2.1. Sự tiếp cận, chiếm lĩnh hiện thực cuộc sống 23
2.1.1. Sự chiếm lĩnh hiện thực khách quan của Đỗ Chu 24
2.1.2. Sự chiếm lĩnh hiện thực đời sống của Nguyễn Huy Thiệp 28
2.2. Từ quan niệm về con người đến những kiểu nhân vật đặc trưng 34
2.2.1. Quan niệm nghệ thuật về con người và những kiểu nhân vật
trong truyện ngắn Đỗ Chu 35
6
2.2.1.1. Nhân vật đời thường với những vẻ đẹp thời đại, hòa mình vào
đời sống cộng đồng 36
2.2.1.2. Kiểu nhân vật có biểu hiện tiêu cực 40
2.2.2. Quan niệm nghệ thuật về con người và những kiểu nhân vật
trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp 43
2.2.2.1. Nhân vật đời thường phản ánh đúng bản chất xã hội hiện đại 45
2.2.2.2. Nhân vật người anh hùng 49
2.2.2.3. Con người dị dạng, dị biệt (ngoại hình, tính cách, tâm hồn) 60
Chương 3: MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM VẬN ĐỘNG VỀ NGHỆ THUẬT
CỦA TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
QUA TRUYỆN NGẮN ĐỖ CHU VÀ NGUYỄN HUY THIỆP
3.1. Sự vận động về nghệ thuật xây dựng cốt truyện và kết cấu 65
3.1.1. Nghệ thuật xây dựng cốt truyện 65
3.1.1.1. Cốt truyện trong truyện ngắn Đỗ Chu 65
3.1.1.2. Cốt truyện trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp 68
3.1.2. Kết cấu 71
3.1.2.1. Kết cấu trong truyện ngắn Đỗ Chu 72
3.1.2.2. Kết cấu trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp 76
3.2. Sự vận động về nghệ thuật trần thuật 81
3.2.1. Ngôn ngữ 81
3.2.1.1. Ngôn ngữ truyện ngắn Đỗ Chu 81
3.2.1.2. Ngôn ngữ truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp 87
3.2.2. Giọng điệu trần thuật 93
3.2.2.1. Giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Đỗ Chu 94
3.2.2.2. Giọng điệu trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp 96
3.2.3. Nhịp điệu trần thuật 100
3.2.3.1. Nhịp điều trần thuật trong truyện ngắn Đỗ Chu 100
3.2.3.2. Nhịp điệu trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp 102
KẾT LUẬN 106
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 111
7
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Xét đến cùng thì bất cứ nền văn học nào cũng hình thành trên cơ sở
hiện thực nhất định, bất kì nhà văn nào cũng được thoát thai từ một môi
trường sống nào đó và bất cứ tác phẩm nào cũng soi chiếu một vấn đề nào đó
trong cuộc sống. Khi hiện thực đời sống có những biến đổi thì nhà văn sẽ là
người “thư ký trung thành” song hành và phản ánh hiện thực cuộc sống. Sau
năm 1975, đặc biệt là từ 1986, đời sống đặt ra yêu cầu bức thiết là phải đổi
mới toàn diện, sâu sắc. Văn học - một trong những hình thái ý thức xã hội tất
yếu cũng làm mới mình để đáp ứng yêu cầu này. Đổi mới như một nhu cầu tất
yếu của văn chương để phù hợp với đời sống xã hội.
Truyện ngắn, đó là một “kỳ quan nghệ thuật” nhỏ bé nhưng có sức
chấn động phi thường, là một trong những thể loại quan trọng của văn học
tất yếu cũng không nằm ngoài dòng chảy vận động ấy. Với đặc thù là một
thể loại nhỏ gọn và cơ động, truyện ngắn bắt nhịp rất nhanh với những biến
chuyển của đời sống. Tuy không phải là thể loại chủ chốt của nền văn học,
nhưng với thế mạnh riêng của một loại hình tự sự, truyện ngắn nhanh nhạy
len lỏi vào mọi ngóc ngách của xã hội, phản chiếu được toàn cảnh cuộc sống
trong từng mảnh ghép nhỏ. Trong quá trình đổi mới văn học đã gặt hái được
nhiều thành tựu nổi bật thì truyện ngắn là một trong những thể loại đi đầu.
Nhà phê bình Lã Nguyên từng nói: “So sánh là con đường tốt nhất để
khám phá chân lý. Muốn phân biệt mới - cũ, chắc chắn phải so sánh các giai
đoạn văn học trước và sau 1975” [37]. Đúng vậy, tư duy đổi mới văn học là
cả một hành trình với nhiều “vấp váp và trả giá” (Nguyên Ngọc), cùng sự
đóng góp âm thầm nhưng “quả quyết” của nhiều thế hệ nhà văn. Chúng tôi
muốn soi chiếu rõ hơn sự vận động này của truyện ngắn từ hai hiện tượng của
hai giai đoạn văn chương trước và sau năm 1975. Chọn hai hiện tượng văn
học Đỗ Chu và Nguyễn Huy Thiệp bởi đó thực sự là hai phong cách dường
8
như đối lập nhau và cũng là hai cá tính văn học điển hình cho hai thời kỳ văn
học. Đặc biệt truyện ngắn Đỗ Chu còn hiện diện ở cả hai chặng đường trước
và sau năm 1975, vì vậy khi soi chiếu vào hai chặng đường sáng tác này,
người đọc cũng thấy rõ hơn sự vận động của truyện ngắn Việt Nam.
2. Lịch sử nghiên cứu
2.1. Tình hình nghiên cứu truyện ngắn Đỗ Chu
Từ năm 1962, khi những truyện ngắn đầu tay của Đỗ Chu ra đời, văn
đàn đã xôn xao tán tụng. Nối tiếp những thành công từ các truyện đầu tay đó,
các tuyển tập truyện ngắn của Đỗ Chu đã ra đời. Có tuyển tập hay, được chú
ý, có tuyển tập cũng “tàm tạm” nhưng cũng có tác phẩm không mấy gây ấn
tượng. Tuy nhiên không thể phủ nhận được rằng các sáng tác của Đỗ Chu đã
góp phần làm cho đời sống văn học dân tộc thêm phong phú và sôi động.
Đề cập đến đặc điểm truyện ngắn Đỗ Chu, Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh
đã có một bài nghiên cứu về Truyện ngắn của Đỗ Chu khá cụ thể và chi tiết in
trên Tác phẩm mới (17/9/1971). Ông phân tích cách lựa chọn đề tài, hệ thống
nhân vật, bút pháp miêu tả nhân vật, kết cấu, cốt truyện, ngôn ngữ và khả
năng phản ánh hiện thực trong truyện ngắn của Đỗ Chu. Nhìn chung, truyện
ngắn Đỗ Chu có những điểm mạnh, điểm yếu riêng. Người đọc khen cũng
nhiều và chê cũng không ít. Những bài viết, bài nghiên cứu mang tính nhận
định khái quát, hoặc riêng lẻ một tập truyện hay một truyện ngắn nào đó, hay
công phu hơn là đã đi vào nghiên cứu mảng truyện ngắn như Lê Hương Thủy,
Thanh Tú và Phan Cự Đệ. Tuy nhiên các tài liệu này thiên về nói chung
chung, chưa đặt sáng tác của ông trong dòng chảy đổi mới của truyện ngắn
Việt Nam.
2.2. Tình hình nghiên cứu truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
Nguyễn Huy Thiệp là một nhà văn nở muộn trên văn đàn Việt Nam
(năm 1987). Nhưng sau hơn hai mươi năm xuất hiện trên văn đàn, nhà văn
Nguyễn Huy Thiệp đã khiến thế giới dư luận trong và ngoài nước tốn không
9
biết bao nhiêu giấy mực, người khen, người chê, người say đắm, kẻ hững hờ
Nhiều thế hệ đã đọc, suy ngẫm cùng truyện ngắn của nhà văn này. Tháng 1
năm 1987, “Những chuyện kể bất tận của thung lũng Hua Tát”, tác phẩm
đầu tay của Nguyễn Huy Thiệp được khởi đăng, song - tác phẩm này chưa
gây được tiếng vang trong dư luận. Phải đến khi “Tướng về hưu” trình làng
trên báo Văn nghệ số 24 ra ngày 20 tháng 6 năm 1987, và đặc biệt từ sau khi
chùm truyện “Kiếm sắc – Vàng lửa – Phẩm tiết ” liên tiếp ra mắt bạn đọc từ
tháng 4 năm 1988, dư luận về tác phẩm của ông mới trở nên sôi nổi, tạo thành
hai xu hướng: khẳng định và phủ định, trong đó xu hướng khẳng định giữ vai
trò chủ đạo.
Chỉ tính riêng trong giới phê bình văn học, không kể đến những bài
báo liên quan đến ông, có lẽ Nguyễn Huy Thiệp là hiện tượng gây tranh cãi
nhiều nhất trong suốt hai mươi năm qua. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên
còn chủ sự cả tập Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, với rất nhiều ý kiến phê bình của
nhiều tên tuổi uy tín như Hoàng Ngọc Hiến, Đỗ Đức Hiểu, Greg Lockhart,
Lại Nguyên Ân… hay những nhà văn, nhà thơ đứng đối chiều như Trần Đăng
Khoa, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh
2.3. Tình hình nghiên cứu truyện ngắn Việt Nam sau Đổi mới
Không khó để các nhà nghiên cứu văn học nhận ra sự biến đổi sâu sắc
và rõ rệt của truyện ngắn Việt Nam thời kỳ đổi mới. Các nhà phê bình đã
dành khá nhiều bút lực để đánh giá, nghiên cứu về thời kỳ phát triển này của
truyện ngắn. Các tác giả Vũ Tuấn Anh, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Thị Huệ
khẳng định, văn học đương đại phát triển theo xu hướng dân chủ hóa, có ý
nghĩa bổ sung, hoàn thiện những quan niệm hiện thực về con người cho văn
học giai đoạn trước. Đặc biệt các công trình, bài viết nhìn chung đều đánh giá
cao đóng góp của truyện ngắn trong việc phản ánh hiện thực đời sống xã hội.
Những đổi mới về nội dung tất yếu dẫn đến sự thay đổi về hình thức thể loại
10
truyện ngắn. Nhà phê bình Bùi Việt Thắng nhận xét: Về khía cạnh thi pháp,
truyện ngắn 1986 - 2000 đã trở nên phong phú về hình thức, phong cách và
bút pháp. Ngoài ra còn có nhiều bài viết phần lớn đều nêu lên những suy nghĩ,
cảm nhận về nội dung hoặc nghệ thuật, về những phương diện đổi mới của
từng truyện ngắn hay tập truyện ngắn cụ thể. Qua đó góp phần khẳng định xu
thế đổi mới tất yếu của thể loại cũng như của nền văn học Việt Nam trong giai
đoạn này.
Như vậy có rất nhiều bài viết nghiên cứu về vấn đề đổi mới truyện ngắn
Việt Nam, cũng có nhiều người biết và ấn tượng về truyện ngắn Đỗ Chu và
Nguyễn Huy Thiệp. Song để nghiên cứu một cách có hệ thống các sáng tác
của nhà văn cũng như khái quát toàn diện sự vận động của truyện ngắn Việt
Nam thời kỳ đổi mới nhìn từ hai hiện tượng văn học trên thì còn rất hiếm. Rải
rác các bài phát biểu và nghiên cứu trên báo, tạp chí và một số ít sách nghiên
cứu phân tích một khía cạnh nào đó của sự vận động truyện ngắn Việt Nam
thời kỳ đổi mới những thiết nghĩ chừng đó là chưa đủ khẳng định sức sống, sự
phát triển của một thể loại văn học quan trọng như vậy. Luận văn của chúng
tôi mong tiếp nối cái phần còn để ngỏ ấy.
3. Phạm vi nghiên cứu
Trong phạm vi là một luận văn thạc sỹ, chúng tôi chỉ dừng lại nghiên
cứu trong giới hạn 35 truyện ngắn trong hai tập Chuyện mùa hạ và Lão Mai của
nhà văn Đỗ Chu được Nhà xuất bản Nhà văn phát hành vào tháng 11/2010 và
tập Nguyễn Huy Thiệp truyện ngắn do Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản 2004.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có sự mở rộng so sánh, đối chiếu với các tác giả,
tác phẩm trong giai đoạn trước và sau Đổi mới.
4. Phương pháp nghiên cứu
- Trong luận văn này, chúng tôi chủ yếu sử dụng phương pháp phân
tích tác phẩm, phương pháp so sánh.
11
- Bên cạnh đó, luận văn còn vận dụng một số phương pháp khác như:
phương pháp xã hội học, phương pháp văn hoá học, phương pháp thi pháp
học…
5. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, phần nội dung chính của luận văn gồm 3
chương:
- Chương 1: Truyện ngắn Đỗ Chu và Nguyễn Huy Thiệp trong dòng chảy lịch
sử và văn học
- Chương 2: Một số đặc điểm vận động về nội dung của truyện ngắn Việt Nam
hiện đại qua truyện ngắn Đỗ Chu và Nguyễn Huy Thiệp
- Chương 3: Một số đặc điểm vận động về nghệ thuật của truyện ngắn Việt Nam
hiện đại qua truyện ngắn Đỗ Chu và Nguyễn Huy Thiệp
12
NỘI DUNG
Chương 1
TRUYỆN NGẮN ĐỖ CHU VÀ NGUYỄN HUY THIỆP
TRONG DÒNG CHẢY LỊCH SỬ VÀ VĂN HỌC
Chúng tôi trình bày chương này như là sự giải thích một phần cho câu
hỏi tại sao chúng tôi lại chọn hai hiện tượng văn học Đỗ Chu và Nguyễn
Huy Thiệp để vẽ lại đồ thị vận động của truyện ngắn Việt Nam trước và sau
Đổi mới. Có thể nhận thấy hai nhà văn này là hai cây bút tiêu biểu, điển hình
cho hai giai đoạn văn học trước và sau Đổi mới. Từ cái nhìn so sánh, đối
chiếu hai thế giới nghệ thuật của hai nhà văn này, chúng ta có thể nhận thức
được tương đối chính xác diện mạo phát triển của truyện ngắn trong hai thời
kỳ văn học trên.
1.1. Một số vấn đề về truyện ngắn
Mặc dù thuật ngữ truyện ngắn ra đời muộn (khoảng cuối thế kỷ XIX)
nhưng bản thân truyện ngắn đã xuất hiện và tồn tại ngay từ buổi bình minh
của nhân loại, khi con người mới biết sáng tác văn chương. Trải qua hàng
ngàn năm, với bao biến cố thăng trầm trong tiến trình phát triển văn học và
của lịch sử thể loại, ngày nay, khi con người bị dồn ép về mặt thời gian nhiều
hơn bao giờ hết thì truyện ngắn càng có khả năng chiếm lĩnh được vị trí quan
trọng trên văn đàn trong kỉ nguyên Hiện đại, Hậu hiện đại. Con người hiện đại
dường như không có đủ thời gian dành cho những bộ tiểu thuyết đồ sộ như:
Tây du kí, Tam quốc diễn nghĩa, Hồng Lâu Mộng, Những người khốn khổ,
Chiến tranh và hòa bình, Sông Đông êm đềm… Truyện ngắn với sự hàm chứa
điều sâu sắc, thú vị trong một hình thức nhỏ, gọn, đã chinh phục độc giả
đương đại.
13
Ở Việt Nam, quan niệm về truyện ngắn cũng vô cùng phong phú và đa
dạng. Trong cuốn Từ điển văn học, truyện ngắn được định nghĩa: “là hình thức
tự sự loại nhỏ. Truyện ngắn khác với truyện vừa ở dung lượng nhỏ hơn, tập
trung mô tả một mảnh của cuộc sống: Một biến cố hay một vài biến cố xảy ra
trong một giai đoạn nào đó của đời sống nhân vật, biểu hiện một mặt nào đó của
tính cách nhân vật, thể hiện một khía cạnh nào đó của vấn đề xã hội”.
Nhà nghiên cứu Phương Lựu trong Lý luận văn học đã phát biểu:
“Truyện ngắn là hình thức ngắn của tự sự. Khuôn khổ ngắn nhiều khi làm cho
truyện ngắn có vẻ gần gũi với các hình thức truyện kể dân gian như truyện cổ,
giai thoại, truyện cười hoặc gần với những bài ký ngắn. Nhưng thực ra không
phải. Nó gần với tiểu thuyết hơn cả bởi hình thức tự sự tái hiện cuộc sống
đương thời” [10].
Theo Từ điển thuật ngữ văn học của nhóm tác giả Lê Bá Hán, Trần
Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi thì truyện ngắn là: “Tác phẩm tự sự cỡ nhỏ. Nội
dung của thể loại truyện ngắn bao trùm hầu hết các phương diện của đời sống:
Đời tư, thế sự hay sử thi, nhưng cái độc đáo của nó là ngắn” [8].
Chưa có một định nghĩa thống nhất về truyện ngắn nhưng từ một số khái
niệm trên, chúng ta có thể rút ra một số đặc điểm nhận diện của truyện ngắn là
(1) ngắn gọn là quy luật của việc cấu tạo truyện ngắn; (2) chi tiết truyện ngắn
rất cô đúc, hàm súc, (3) truyện ngắn thường chỉ phản ánh một khoảnh khắc, một
số phận con người; (4) có sức chứa lớn.
Raymond Carver – một trong những bậc thầy truyện ngắn thế giới ghi
nhận: ngày nay “tác phẩm hay nhất, tác phẩm hấp dẫn và thỏa mãn nhất về
nhiều mặt, thậm chí có lẽ tác phẩm có cơ hội lớn nhất để trường tồn, chính là
tác phẩm được viết dưới dạng truyện ngắn”. Truyện ngắn với lợi thế nhỏ gọn
đang bùng nổ với tốc độ chóng mặt. Người đọc quen và thích đọc truyện
ngắn trong vài chục phút hoặc trong một vài giờ. Hơn nữa, sau nhiều năm
14
chiếm lĩnh văn đàn, thơ, kịch, tiểu thuyết dường như đang vắt kiệt về khả
năng hồi sinh và đổi mới thể loại. Trong khi đó truyện ngắn còn là mảnh đất
tương đối trống, điều này tạo điều kiện hết sức thuận lợi để các cây bút trẻ
khẳng định tài năng. Ở Việt Nam, truyện ngắn cũng vì thế mà nở rộ và đạt
được những thành tựu nổi bật.
Lịch sử phát triển của nền văn học hiện đại và đương đại Việt Nam gắn
liền với truyện ngắn. Là thể loại năng động, bộ xương cấu thành thể loại của
truyện ngắn luôn thay đổi do tác động của điều kiện lịch sử, văn hoá, xã hội.
Thế kỷ XX truyện ngắn Việt Nam phát triển liên tục và vượt trội lên trên tất
cả các thể loại, bắt đầu từ những năm hai mươi với sự đóng góp của Nguyễn
Bá Học, Phạm Huy Tốn, Hồ Biểu Chánh,… Đến những năm 1930 – 1945,
truyện ngắn phát triển vượt bậc với tên tuổi của Nguyễn Công Hoan, Thạch
Lam, Nam Cao, Kim Lân, Tô Hoài, Bùi Hiển, Vũ Bằng… Từ sau Cách mạng
tháng Tám, truyện ngắn có chững lại nhưng vẫn chảy liên tục với tên tuổi:
Trần Đăng, Vũ Tú Nam, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng,
Vũ Thị Thường, Lê Minh, Nguyễn Minh Châu… Trước 1975, do tác động
của điều kiện hoàn cảnh chiến tranh và yêu cầu của Đảng về một nền văn
nghệ cổ vũ, động viên cho hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, văn học
nói chung, truyện ngắn nói riêng mang đặc trưng “ký hoá” và “sử thi hoá” rõ
nét. Trong điều kiện hoàn cảnh mới của đất nước sau 1975, thể loại nhạy cảm
này chắc chắn có những thay đổi quan trọng. Giới nghiên cứu cũng như giới
sáng tác hầu như đều thống nhất sau 1975, truyện ngắn là thể loại gặt hái
nhiều thành công, “được mùa thể loại”. Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng tiếp
theo “những vụ được mùa của truyện ngắn, đây có thể coi là giai đoạn có
nhiều truyện ngắn hay trong văn học Việt Nam”. Nhà nghiên cứu Bùi Việt
Thắng trong công trình Truyện ngắn, những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể
loại cũng khẳng định sự thành công của truyện ngắn sau 1975 là: “ truyện
15
ngắn phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng”, “truyện ngắn có bước
đột khởi nhờ vào ngọn gió lành của công cuộc đổi mới” [16].
Có thể nói, khi chiến tranh kết thúc, truyện ngắn vượt lên tỏ rõ sự ưu
việt của mình trong sự khám phá nghệ thuật đời sống. Nhất là 1986 trở đi,
truyện ngắn gần như đã độc chiếm toàn bộ văn đàn, hằng ngày trên các báo và
các tạp chí có trên dưới hai mươi truyện ngắn được in. Thực tế ấy đã kích
thích mạnh đến việc sáng tác, phê bình – lý luận về truyện ngắn những năm
gần đây. Để thấy được rõ hơn sự vận động của thể loại văn học này, chúng ta
có thể lấy ra hai ví dụ tiêu biểu, đó là Đỗ Chu và Nguyễn Huy Thiệp. Mỗi nhà
văn với một phong cách riêng đã tạo nên “hiệu ứng” truyện ngắn hay và được
gắn với các tên gọi “bội thu”, “thăng hoa”, điều đó chứng tỏ truyện ngắn đã
được đổi mới.
1.2. Truyện ngắn Đỗ Chu trong dòng chảy lịch sử và văn học
trước Đổi mới
1.2.1. Vài nét về tác giả Đỗ Chu
Đỗ Chu tên thật là Chu Bá Bình. Bút danh Đỗ Chu lấy họ mẹ và họ cha
ghép thành. Ông sinh năm 1943 tại Phủ Lạng Thương, Bắc Giang (có một số tài
liệu viết là năm 1944). Đỗ Chu vào nghề viết từ 1962, khi còn ngồi trên ghế
nhà trường với truyện ngắn Ao làng trích trên tạp chí Văn nghệ quân đội. Từ
năm 1962, khi những truyện ngắn đầu tay của Đỗ Chu ra đời, văn đàn đã xôn
xao tán tụng. Ông sớm nổi tiếng với những truyện ngắn đầy phong vị trữ tình,
được chào đón như một nhà văn tiêu biểu của thế hệ mới, sau thế hệ “tiền
chiến” và “kháng chiến”. Nối tiếp những thành công từ các truyện đầu tay đó,
các tuyển tập truyện ngắn của Đỗ Chu đã ra đời. Với hơn 40 năm cầm bút, Đỗ
Chu đã miệt mài viết và thử sức với rất nhiều thể loại văn học như tiểu thuyết,
tùy bút, ký sự… nhưng bạn đọc nhớ tới ông nhiều hơn cả vẫn là với truyện
ngắn. Đỗ Chu đã vinh dự được nhận giải Nhà nước về văn học - nghệ
16
thuật năm 2001, giải thưởng Hội Nhà văn năm 2003 với tác phẩm Một loài
chim trên sóng, nhận giải văn học ASEAN năm 2004. Giải thưởng quốc tế
này thêm một lần nữa khẳng định đóng góp của Đỗ Chu đối với văn học
dân tộc đồng thời tôn vinh vị thế của văn học Việt Nam trên bản đồ văn
học khu vực. Hai tập truyện ngắn Chuyện màu hạ và Lão Mai gồm 35
truyện ngắn xuất sắc được chính nhà văn tuyển chọn và được Nhà xuất bản
Văn học in tháng 11/2010.
1.2.2. Dòng chảy lịch sử và văn học trước Đổi mới và vị thế
truyện ngắn Đỗ Chu
Con đường văn nghiệp của Đỗ Chu trải qua hai giai đoạn: trước và sau
năm 1975. Hai giai đoạn này đã chứng kiến những đổi mới nghệ thuật và tư
duy của nhà văn.
1.2.2.1 Giai đoạn trước năm 1975
Sau Cách mạng tháng Tám, đất nước ta phải tiếp tục trải qua ba mươi
năm chiến tranh giải phóng dân tộc. Lúc này vận mệnh đất nước được đặt lên
hàng đầu. Nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam (trong đó có văn học
nghệ thuật) là phục vụ công cuộc kháng chiến kiến quốc, cổ vũ lòng yêu nước
và khơi dậy tinh thần chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Văn học được xem như một
mặt trận và nghệ sỹ là chiến sỹ trên mặt trận ấy. Các nhà văn bị cuốn vào
không khí chính trị sôi nổi và hào hứng chuốt nhọn vũ khí văn chương để
phục vụ cho cách mạng. Trước hết đó là văn học phục vụ chính trị. Những
vấn đề chính trị trở thành nội dung trực tiếp của tác phẩm và nhà văn có nghĩa
vụ tuyên truyền những quan điểm chính trị, những nhiệm vụ của công tác
chính trị trong sáng tác của mình. Là tiếng nói chính thống, quan phương của
tư tưởng quốc gia, trước 1975, văn học sử thi đặt ra những vấn đề mang tầm
vóc lịch sử, liên quan tới vận mệnh và sự sống còn của cả một dân tộc. Nó bổ
đôi và phân chia thế giới thành hai nửa “địch” và “ta” đối đầu với nhau như
17
nước với lửa, sống với chết. Trong thế giới ấy, “lịch sử chọn ta làm điểm
tựa”. Ta đốt lửa trong tim, hoá thành Đancô, phơi phới một niềm tin “làm
người lính đi đầu”. Tuy nhiên cũng vì vậy mà văn học đã tự thu hẹp một phần
chức năng của mình. Nhưng nhờ truyền thống gắn bó với đời sống (“văn dĩ
tải đạo”), nhờ sức mạnh của lý tưởng giải phóng dân tộc và thống nhất đất
nước, nhờ sức hấp dẫn của hình ảnh xã hội tương lai tươi đẹp“Những ngày tôi
sống đây là những ngày đẹp nhất”, “Đường lên hạnh phúc rộng thênh
thênh”, văn học trong đó có truyện ngắn giai đoạn này đã tích cực tham gia
vào hoạt động chính trị và đã tạo ra được những tác phẩm chân thành, cảm
động, góp phần vào thắng lợi của kháng chiến. Văn học giai đoạn này bao giờ
cũng đứng trên đỉnh cao của lý tưởng để nói thay lời của dân tộc và thời đại.
Trong kháng chiến, khi nói về cách viết, Hồ Chí Minh đã đặt câu hỏi
“viết cho ai” và Người trả lời: “Viết cho đại đa số công nông binh (…). Để
giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng”. Với việc
phục vụ chính trị, văn học đồng thời cũng phục vụ công nông binh, lấy công
nông binh làm đối tượng miêu tả, đối tượng tuyên truyền, coi công nông binh
là người đọc duy nhất, quan trọng nhất, người thẩm định giá trị của mọi sáng
tạo nghệ thuật. Quan điểm này nhiều khi bị vận dụng một cách giản đơn và
thô mộc, thậm chí có trường hợp thành thô thiển. Tuy vậy nó lại phát huy hiệu
quả trong việc tuyên truyền chính trị và nhờ bắt gặp bản năng yêu thích văn
chương của người Việt, nó đã kích thích được một phong trào đọc sách rất
rộng rãi, làm cho văn học càng có điều kiện đi sâu vào đời sống con người,
nhất là quần chúng lao động.
Về phương diện nội dung, các tác phẩm của văn nghệ cách mạng
hướng trước hết vào việc ghi chép những thành tích, những chiến công,
những hành động tốt đẹp của con người trong lao động, chiến đấu, tức là
hướng ngòi bút của mình tới cuộc sống mới và con người mới. Đó là một
18
nguyên tắc sáng tác cơ bản, quan trọng của phương pháp sáng tác hiện thực
xã hội chủ nghĩa. Cơ sở xuất phát của phương pháp sáng tác này là quan niệm
về bản chất của hiện thực trong xã hội Việt Nam, ở đó cái tốt, người tốt chiếm
ưu thế, chủ nghĩa anh hùng là nét cơ bản của hiện thực, văn học chỉ cần phản
ánh hiện thực, ghi chép trung thực đời sống cũng đã đủ, cũng đã có ý nghĩa to
lớn. Nếu âm hưởng chính của chủ nghĩa hiện thực phê phán là sự phủ định thì
âm hưởng chủ đạo của phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa chính là nhiệt
tình khẳng định, ca ngợi, là tiếng reo vui không ngớt về cuộc đời đổi mới.
Cảm hứng lạc quan, anh hùng phải là cảm hứng cơ bản của tác phẩm. Nguyên
lý sáng tác của các tác phẩm giai đoạn này là “phản ánh hiện thực trong xu
thế phát triển cách mạng của nó”. Nhà văn phải miêu tả cuộc sống sao cho
người đọc thấy yêu mến chế độ, tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng, tin
tưởng vào tương lai của chủ nghĩa xã hội. Cái bi là một phạm trù được xem
như không tồn tại trong thời đại chiến thắng của chủ nghĩa xã hội, trong xã
hội mới, vì vậy cảm hứng bi không có lý do để tồn tại trong văn học cách
mạng giai đoạn này, mỗi biểu hiện của nỗi buồn, đau thương đều được coi là
dễ làm nảy sinh những tình cảm tiểu tư sản, tiêu cực, vì vậy nó phải được thay
thế bằng cảm hứng anh hùng. Truyện ngắn giai đoạn này nói chung và truyện
ngắn Đỗ Chu nói riêng cũng nằm trong quy luật sáng tác hiện thực xã hội chủ
nghĩa như vậy.
Hiện thực được phản ánh trong văn học 1945 - 1975 gắn bó chặt chẽ
với cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, âm vang hào khí thời đại. Đó là
một hiện thực vận động xuôi chiều và nhìn chung rất lạc quan (trừ một số bài
thơ chống Pháp có nói đến cái bi tráng). Lúc này, văn học là vũ khí đấu tranh
làm nhiệm vụ chiến đấu, hướng tới mục tiêu tất cả cho chiến thắng. Đặc biệt
vào những năm đầu của thập kỷ 60 của thế kỷ XX, cả dân tộc, đặc biệt là thế
hệ trẻ miền Bắc vừa như náo nức, mê say trước những phác họa đầu tiên của
Kế hoạch năm năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng thời lại cũng trải qua
19
ngay cái phập phồng, chờ đợi cuộc trường chinh lần thứ hai trước những
diễn tiến mau lẹ của cách mạng miền Nam. Hình như phải thấy cội nguồn
của cả hai tác động tâm lý ấy mới lý giải nổi chất lãng mạn bao trùm khắp
xã hội lúc bấy giờ. Trong một bối cảnh như thế, những truyện ngắn của Đỗ
Chu không chỉ là sự phản ánh tâm lý của thế hệ anh, mà sự đón nhận, tung
hô tài năng trẻ Đỗ Chu là minh chứng xác đáng cây bút trẻ này đã cất lên
một tiếng nói tươi tắn, mới lạ để kể lại những ước ao, khát vọng, cách sống
của thế hệ mình. Chuyện mùa hạ - tuyển tập 1, bắt đầu từ truyện ngắn đầu
tay Hương cỏ mật. Truyện ngắn này, theo nhà văn Nguyễn Trí Huân, khi
xuất hiện đã gây xôn xao trong tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1963. 18
truyện ngắn trong Chuyện mùa hạ in từ năm 1963 – 1972 được Ðỗ Chu viết
khi vừa rời trường cấp III đã tham gia ngay vào quân đội, đối diện trực tiếp
với chiến tranh phá hoại của Mỹ.
1.2.2.2. Giai đoạn sau năm 1975
Sau năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất. Hơi thở chủ yếu của
thời kỳ chiến tranh không còn nữa, xã hội bước vào một thời kỳ hậu chiến đầy
cam go và đang lần mò tìm con đường phát triển mới. Không khí xã hội và
lịch sử này đã tác động rất nhiều đến các nhà văn trong đó có Đỗ Chu. Mười
năm đầu sau hòa bình thống nhất đất nước (1975 - 1985) có thể coi là bước
đệm, là sự chuẩn bị cần thiết trong đó văn học đã dần thoát khỏi quán tính của
giai đoạn văn học trước 1975. Từ sau 1986, văn học Việt Nam trong đó có
truyện ngắn đã thể hiện một bước nhảy vọt thể hiện sự đổi mới không ngừng.
Lão Mai, tuyển tập 17 truyện ngắn được Đỗ Chu sáng tác sau năm 1975.
Ngọn lửa, truyện ngắn đầu của tập sinh ra ngay chiến thắng năm 1975, khi
Việt Nam hoàn toàn thống nhất đã thể hiện khá rõ tính chất cầu nối trong hai
giai đoạn văn học trên. Những truyện ngắn tiếp theo như Mê lộ, Mảnh vườn
xưa hoang vắng, Người của muôn năm trước, Họa mi hót, Một loài chim trên
20
sóng… lại là minh chứng cho sự đổi mới về cả tư tưởng và hình thức nghệ
thuật của truyện ngắn Việt Nam sau năm 1986. Lão Mai là tập hợp những
sáng tác của một nhà văn đã có nhiều trải nghiệm cuộc sống và trải nghiệm
văn hóa, để nhìn rõ thêm cuộc đời bằng con mắt minh triết phương Ðông,
chín chắn và tỉnh táo. Những tâm sự đa chiều của nhiều tầng lớp, nhiều phía
được ông rọi chiếu, chứ không bó hẹp ở phạm vi người lính, kể cả những
người do thời cuộc chính trị mà phiêu lạc. Chính vì thế Lão Mai làm rõ hơn
một Ðỗ Chu so với tập 1 – Chuyện mùa hạ: thuần Việt, sâu sắc, đằm thắm và
thâm trầm.
1.3. Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp trong dòng chảy lịch sử
và văn học đương đại
1.3.1. Vài nét về tác giả Nguyễn Huy Thiệp
Nguyễn Huy Thiệp viết văn khá muộn, tác phẩm đầu tiên của anh ra
mắt bạn đọc khi đã 37 tuổi (Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950). Con đường
đến với văn học của Nguyễn Huy Thiệp đầy bươn trải, sóng gió nhưng cũng
không thiếu hoa hồng. Ông viết rất nhiều thể loại khác nhau: truyện ngắn,
kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh, tiểu luận văn chương và tiểu thuyết
mini nhưng để lại ấn tượng đặc biệt với người đọc là truyện ngắn. Nguyễn
Huy Thiệp đột ngột xuất hiện chùm truyện Những ngọn gió Hua Tát được
đăng trên báo văn nghệ (1987). Tiếp đó truyện Tướng về hưu đã gây chấn
động dư luận xã hội… Dần dần từng bước, bằng tài năng của mình, Nguyễn
Huy Thiệp đã chọc thủng được bức màn vốn dửng dưng, nằm trong trạng thái
tĩnh của công chúng. Nhắc tới anh, người ta nhớ Tướng về hưu gây xôn xao
văn đàn trong một thời gian dài, bởi một cách viết rạch ròi, lạnh lùng đến trần
trụi; nhớ Muối của rừng tưởng như không đâu, tẻ nhạt mà hóa ra lại đượm
nhiều ý vị thâm trầm, kín đáo và sâu sắc; nhớ Một thoáng Xuân Hương với
phong cách lịch lãm, mang đậm phong vị kẻ sỹ Bắc hà; nhớ Con gái thuỷ thần
21
lẫn lộn hư thực, huyền ảo và phiêu diêu… Với mỗi một truyện ngắn, Nguyễn
Huy Thiệp như đang làm một cuộc phiêu lưu cho ngòi bút mà cũng là tự phác
ra chân dung văn học của mình.
1.3.2. Dòng chảy lịch sử - văn học sau Đổi mới và vị thế truyện ngắn
Nguyễn Huy Thiệp
Sinh ngày 29 tháng 4 năm 1950 tại Thanh Trì, Hà Nội, Nguyễn Huy
Thiệp từng có một tuổi thơ vất vả. Ông đã cùng gia đình lưu lạc khắp nhiều
vùng nông thôn của đồng bằng Bắc Bộ, từ Thái Nguyên qua Phú Thọ, Vĩnh
Yên… Sau khi tốt nghiệp Khoa Sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội,
Nguyễn Huy Thiệp đã có 10 năm giảng dạy ở miền núi Tây Bắc. Năm 1980,
ông trở về Hà Nội, làm việc tại Công ty Sách Giáo khoa thuộc Sở Giáo dục
Hà Nội. Ngoài công việc sáng tác, Nguyễn Huy Thiệp còn thử sức trong
nhiều công việc và ngành nghề khác nhau.
Sau chiến tranh, đặc biệt là từ năm 1986, xã hội Việt Nam có những
biến chuyển sâu sắc trên mọi phương diện. Cơ hội ấy đối với sự phát triển của
Việt Nam chính là công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi
xướng vào năm 1986. Cùng với “Perestroika” ở Liên Xô (cũ), khẩu hiệu đổi
mới đã thổi một luồng gió đầy sinh khí vào đời sống xã hội Việt Nam, kích
thích những cải cách kinh tế và khơi dậy những suy nghĩ mới, những tìm tòi,
sáng tạo trong giới trí thức, văn nghệ sỹ. Về kinh tế - xã hội, sự nghiệp công
nghiệp hoá, hiện đại hoá đã và đang được đẩy nhanh tốc độ phát triển.
Việc giao lưu, hội nhập đa phương với thế giới cũng được Đảng và Nhà
nước ta đặc biệt quan tâm trong xu thế mở cửa. Sự mở cửa này đã đưa văn
học dịch đến với người đọc Việt một cách quảng đại hơn. Và sự khởi động
của một thời kì văn học mới tất yếu cũng ảnh hưởng bởi mảng văn học dịch
này. Trước năm 1975, văn học nước ngoài đương đại được dịch và giới thiệu
ở Việt Nam chủ yếu là những sáng tác của các tác giả trong hệ thống các nước
22
xã hội chủ nghĩa. Sau 1975, hoạt động dịch, giới thiệu nền văn học đương đại
Âu - Mỹ diễn ra sôi nổi. Các tác phẩm đoạt giả Nôben, các tác phẩm thuộc
nhiều trường phái nghệ thuật khác nhau như tượng trưng, siêu thực, hiện sinh,
hiện đại, hậu hiện đại được dịch và công bố rộng rãi. Ngay cả một số tác
phẩm văn học các nước xã hội chủ nghĩa từng bị cấm như thơ Akhơmatôva,
tiểu thuyết của Paxtécnác cũng được bày bán. Mảng văn học dịch này có tác
động không nhỏ tới quá trình đổi mới văn học ở Việt Nam. “Nó làm thay đổi
thị hiếu nghệ thuật của thanh niên. Nhiều nhà văn từng sáng tác trong thời kì
chiến tranh nhận ra rằng nếu tiếp tục sáng tác như cũ họ sẽ tự đánh mất độc
giả. Nghĩa là văn học dịch đã làm cho các nhà văn Việt Nam thấy cần phải đổi
mới cách viết”.
Nghị quyết 05 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong
khi yêu cầu cụ thể hoá đường lối đổi mới trong lĩnh vực văn hoá văn nghệ:
“Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lí văn học nghệ thuật và văn
hoá, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học nghệ thuật và văn hoá phát triển
lên một bước mới” đã thúc đẩy việc đổi mới tư duy và dân chủ hoá xã hội. Về
văn học – nghệ thuật, văn học nói chung và văn xuôi nói riêng dần tách chia
thành hai tuyến. Đổi mới vừa là cơ hội vừa là thử thách đối với mỗi nhà văn.
Trong bối cảnh xã hội được dân chủ hoá, đời sống văn học dần mang một sắc
diện mới trong quan niệm và cách đánh giá. Sự đa dạng về nhu cầu và thị hiếu
của người đọc được tôn trọng, thị trường văn học được hình thành theo đúng
quy luật vừa rộng rãi vừa khắc nghiệt của cung - cầu. Lịch sử xã hội luôn tác
động và chi phối đến văn học. Đó là một quy luật. Văn học Việt Nam sau năm
1975 cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Là bộ phận nhạy cảm nhất của xã hội, văn học nghệ thuật hưởng ứng
hết sức mạnh mẽ đường lối đổi mới và thực thi ngay tư tưởng đổi mới trong
sáng tác, trong tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch, nhà lý luận
23
phê bình. Dần dần đến lượt mình, văn học cũng tự biến đổi trong công cuộc
đổi mới, có thêm những tác giả và tác phẩm mới, có những đặc điểm về
phong cách và nội dung khác với thời kỳ trước, cho phép nói về một giai đoạn
mới trong văn học.
Nền tảng của mọi sự đổi mới trong văn học thời kỳ này bắt nguồn từ sự
tự ý thức của văn học, tức là giác ngộ của văn học về vai trò của nó trong xã
hội, quan hệ giữa văn học và chính trị, ý nghĩa của nó đối với con người. Nghị
quyết 05 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam (1987) – Nghị quyết duy
nhất của Bộ Chính trị dành riêng cho văn nghệ từ trước tới lúc đó – đã mở ra
một cách nhìn mới về vị trí và chức năng của văn nghệ. Trên tờ báo Văn
Nghệ, cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam (số 49 &50, ra ngày
5/12/1987), Nguyễn Minh Châu cho in bài phát biểu nổi tiếng Hãy đọc lời ai
điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh hoạ. Bài báo vừa là tuyên ngôn lý
thuyết, vừa thể hiện tinh thần đổi mới văn học hết sức triệt để của giới sáng
tác. Không chỉ ý thức văn học được cởi trói, bản thân nhà văn cũng nỗ lực cởi
trói cho chính mình. Sự cởi mở nhiều chiều đã mang đến biến chuyển lớn lao
về tư duy. Là một bộ phận của nền nghệ thuật phát triển trong bối cảnh cuộc
sống thời bình, văn học Việt Nam sau 1986 phản ánh hiện thực theo cách nhìn
mới, quan niệm mới. Giờ đây văn học nghệ thuật không còn được hiểu đơn
giản chỉ như là công cụ của chính trị, là vũ khí của công tác tư tưởng, là
phương tiện tuyên truyền, giáo dục quần chúng, mà là “một bộ phận trọng yếu
của cách mạng tư tưởng và văn hóa”, “là bộ phận đặc biệt nhạy cảm của văn
hóa, thể hiện khát vọng của con người về chân, thiện, mỹ, có tác dụng bồi
dưỡng tình cảm, tâm hồn, nhân cách, bản lĩnh của các thế hệ công dân, xây
dựng môi trường đạo đức trong xã hội…”.
Mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị được đặt ra và thảo luận công
khai trên báo chí. Không khí ấy làm cho người cầm bút tự tin hơn trong
24
những tìm tòi sáng tạo của mình khi viết về các vấn đề phức tạp của cuộc
sống, mạnh dạn đưa ra những kiến giải của mình trước những tình huống,
những sự kiện và tính cách được miêu tả trong tác phẩm. Ở đây, đặt vấn đề
nhận thức lại mối quan hệ giữa văn nghệ và chính trị không phải là yêu cầu
tách rời văn nghệ với chính trị, như một số người đã nghĩ. Nhận thức này chỉ
giúp nhà văn hiểu rõ hơn đặc trưng của văn học cũng như vị trí và sứ mạng
riêng của mình đối với cuộc sống, khuyến cáo họ không chỉ nên minh họa các
khẩu hiệu, cổ vũ cho các phong trào, giúp vào việc thực hiện các chủ trương,
chính sách của nhà nước, mà phải miêu tả số phận của con người, mang đến
cho con người cái đẹp, tình yêu cuộc sống cũng như sự từng trải, làm phong
phú thêm kinh nghiệm sống của mỗi cá nhân, đồng thời phải nghiên cứu
những vấn đề của xã hội đang diễn ra hay đã lùi vào quá khứ, từ đó rút ra
những bài học, những tư tưởng mang tính khái quát, không chỉ quan trọng về
triết học, đạo đức, nhân sinh mà còn có thể mang ý nghĩa chính trị lớn lao.
Từ sau 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất nhưng cũng là thời kỳ đầy
khó khăn và thử thách đối với dân tộc Việt Nam. Trong 10 năm đầu sau ngày
thống nhất đất nước (1975 - 1985), Việt Nam tập trung vào nhiệm vụ khôi
phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, thống nhất nước nhà về mặt
Nhà nước, cải tạo và phát triển kinh tế với những mong muốn tiến nhanh,
tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Nhưng do hậu quả nặng nề của
cuộc chiến tranh, lại chịu sự bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch, cộng
với sự chủ quan duy ý chí của chúng ta, nên đất nước Việt Nam lâm vào tình
trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội sâu sắc. Kinh tế chậm phát triển, đời sống
nhân dân gặp nhiều khó khăn, chiến tranh biên giới xảy ra, các thế lực thù
địch bao vây, cô lập Việt Nam, niềm tin của nhân dân giảm sút Từ năm
1986, với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật”, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đổi
25
mới tư duy, tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Sự đổi mới này
đã mở ra chân trời mới cho văn học dân tộc.
Sau chiến tranh, đất nước thống nhất, hoà trong không khí đổi mới của
đất nước, văn nghệ cũng được cởi thoát sau khi đã đọc Lời ai điếu cho một
giai đoạn văn nghệ minh họa, các nhà văn được trả lại đúng với vị trí và sứ
mệnh của mình với tư cách là một chủ thể sáng tạo nghệ thuật đích thực. Sự
đổi mới tư duy này đã sản sinh ra một thế hệ văn chương mới, trong đó có
Nguyễn Huy Thiệp.
Trong một xã hội hiện đại, khi mà “sự biến đổi “hiện thực” và hình
thành một loạt các “hyper” buộc con người phải tìm kiếm một hệ hình mới để
“làm việc” với các dữ liệu, xử lý và giải mã các dữ liệu”. Với một tiền đề xã
hội - thẩm mỹ như thế, sự đổi mới của văn học Việt Nam sau năm 1975 là tất
yếu. Tuy vậy, chính nội lực của mỗi cá nhân, của các thế hệ nhà văn sẽ quyết
định thành công của công cuộc đổi mới trên lĩnh vực văn học nghệ thuật. Như
hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp, nhiều ý kiến đã nhận định Nguyễn Huy Thiệp
“là một dòng mạch xuất hiện đồng thời với đổi mới” (Nguyễn Đăng Mạnh);
thêm nữa, còn khẳng định mạnh mẽ ý nghĩa công cuộc Đổi mới đã sinh thành
nên nhà văn: “Phải nói ngay rằng không có công cuộc đổi mới trong đời sống
văn hoá văn nghệ hiện nay thì không thể có hiện tượng mới Nguyễn Huy
Thiệp. Anh gặp thời!” (Diệp Minh Tuyền). Có thể nói “hiện tượng Nguyễn huy
Thiệp là sản phẩm tất yếu của sự gặp gỡ giữa tài năng với khát vọng dân chủ và
đổi mới mà sự vận động ý thức xã hội cũng như văn học sau 1975 đem lại”
(Nguyễn Hải Hà - Nguyễn Thị Bình) [28].
Tiểu kết
Đỗ Chu và Nguyễn Huy Thiệp là hai nhà văn tiêu biểu, có vị trí quan
trọng cho những thời kỳ văn học trước và sau năm 1986. Mỗi tác phẩm của
họ khi xuất hiện đều trở thành những “tâm chấn” trong đời sống văn xuôi