Tải bản đầy đủ (.pdf) (215 trang)

Căn cứ địa cách mạng ở trung trung bộ trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (5.06 MB, 215 trang )

ĐẠI HỌC HUẾ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM



TRẦN THÚY HIỀN


CĂN CỨ ĐỊA CÁCH MẠNG Ở TRUNG TRUNG BỘ
TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ
(1954-1975)
Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam
Mã số: 62 22 03 13

LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ

Người hướng dẫn khoa học:
1. PGS.TS Trần Ngọc Long
2. PGS.TS Trương Công Huỳnh Kỳ


HUẾ - NĂM 2015
0
DANH MỤC NHỮNG CHỮ VIẾT TẮT

An toàn khu: ATK
Ban Chấp hành Trung ương: BCHTƯ
Bộ Tư lệnh: BTL
Hà Nội: HN
Hội đồng nhân dân: HĐND
Lực lượng vũ trang: LLVT


Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam: MTDTGPMN
Mặt trận Dân tộc giải phóng: MTDTGP
Nhà xuất bản: Nxb
Phủ Thủ tướng: PTT
Trung tâm lưu trữ: TTLT
Thành phố: Tp
Ủy ban nhân dân cách mạng: UBNDCM
Việt Nam Cộng hòa: VNCH










1
MỤC LỤC

Trang phụ bìa i
Lời cam đoan ii
Lời cảm ơn iii
Mục lục 2

DANH MỤC NHỮNG CHỮ VIẾT TẮT 0
MỞ ĐẦU 6
1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI 6
2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU 9

3. MỤC ĐÍCH VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU 10
4. NGUỒN TƯ LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 11
5. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN ÁN 12
6. BỐ CỤC CỦA LUẬN ÁN 12
CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU 13
1.1. Tình hình nghiên cứu 13
1.1.1. Nhóm các công trình nghiên cứu về căn cứ địa cách mạng nói chung. 13
1.1.2. Nhóm các công trình nghiên cứu về căn cứ địa cách mạng ở miền Nam
trong kháng chiến chống Mỹ 18
1.1.3. Nhóm các công trình trực tiếp phản ánh hoạt động xây dựng và bảo vệ
căn cứ địa cách mạng ở Trung Trung Bộ 19
1.2. Những vấn đề luận án kế thừa từ các công trình nghiên cứu đã xuất
bản 30
1.3. Những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu 30
CHƯƠNG 2: KHÔI PHỤC VÀ BẢO VỆ CĂN CỨ ĐỊA CÁCH MẠNG Ở
TRUNG TRUNG BỘ (1954-1960) 32
2.1. Những yếu tố tác động đến quá trình xây dựng, bảo vệ và phát huy
vai trò căn cứ địa cách mạng ở Trung Trung Bộ 32
2

2.1.1. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế – xã hội 32
2.1.2. Truyền thống yêu nước và cách mạng của nhân dân Trung Trung Bộ . 43
2.1.3. Căn cứ địa cách mạng ở Trung Trung Bộ trong quá trình vận động
Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống thực dân Pháp 48
2.2. Quá trình phục hồi căn cứ địa cách mạng ở Trung Trung bộ (1954-
1960) 56
2.2.1. Âm mưu và thủ đoạn xóa bỏ căn cứ địa cách mạng của địch 56
2.2.2. Chủ trương của ta 59
2.2.3. Quá trình phục hồi căn cứ địa cách mạng ở Trung Trung Bộ đáp ứng
yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 62

2.3. Cuộc đấu tranh bảo vệ căn cứ địa cách mạng 73
* Tiểu kết chương 2 78
CHƯƠNG 3: KẾT HỢP XÂY DỰNG VỚI BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY VAI
TRÒ CĂN CỨ ĐỊA CÁCH MẠNG Ở TRUNG TRUNG BỘ (1961-1975). 80
3.1. Căn cứ địa cách mạng ở Trung Trung Bộ trong giai đoạn chống
chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961-1965) 80
3.1.1. Tiếp tục củng cố các căn cứ địa miền núi, phát triển căn cứ địa ở vùng
đồng bằng 80
3.1.2. Đẩy mạnh cuộc chiến đấu bảo vệ căn cứ địa 86
3.2. Chủ động xây dựng kết hợp với bảo vệ căn cứ địa cách mạng, góp
phần đánh thắng chiến lược “Chiến tranh cục bộ” (1965-1968) 92
3.2.1. Phát triển thực lực căn cứ địa cách mạng đáp ứng yêu cầu chống chiến
lược “Chiến tranh cục bộ” 92
3.2.2. Tổ chức chiến đấu, đánh thắng các cuộc hành quân càn quét của địch
vào căn cứ 98
3.2.3. Phát huy vai trò hậu phương tại chỗ của căn cứ địa cách mạng 104
3.3. Khôi phục căn cứ địa cách mạng, tạo thế và lực mới góp phần kết
thúc thắng lợi cuộc kháng chiến (1969-1975) 107
3
3.3.1. Củng cố căn cứ địa cách mạng sau Tổng tiến công và nổi dậy Mậu
Thân 1968 (1969-1973) 107
3.3.2. Đẩy mạnh phát triển thực lực căn cứ địa cách mạng (1973-1975) 114
* Tiểu kết chương 3 121
CHƯƠNG 4: ĐẶC ĐIỂM, VAI TRÒ VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM 124
4.1. Một số đặc điểm của căn cứ địa cách mạng ở Trung Trung Bộ 124
4.1.1. Căn cứ địa cách mạng ở Trung Trung Bộ phong phú về loại hình, đa
dạng về quy mô và hình thức tổ chức 124
4.1.2. Căn cứ địa cách mạng ở Trung Trung Bộ thường xuyên có sự biến động
129
4.1.3. Căn cứ địa cách mạng ở Trung Trung Bộ có khả năng đảm bảo sản xuất

tự túc, tự cấp 131
4.1.4. Hệ thống căn cứ địa cách mạng ở Trung Trung Bộ dễ bị chia cắt, cô lập
khi địch tập trung lực lượng đánh phá mạnh 133
4.2. Vai trò của căn cứ địa cách mạng ở Trung Trung Bộ 135
4.2.1. Nơi đứng chân và hoạt động của các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy
kháng chiến của Khu V và các tỉnh trên địa bàn 135
4.2.2. Là hậu phương tại chỗ, trực tiếp bảo đảm cung cấp sức người, sức của
cho các lực lượng kháng chiến; nơi nhân dân gửi gắm niềm tin vào thắng lợi
của sự nghiệp cách mạng 137
4.2.3. Là bàn đạp xuất phát tiến công của các LLVT tổ chức các chiến dịch,
trận đánh tiêu hao sinh lực địch và phát triển chiến tranh du kích 139
4.2.4. Là nơi tiếp nhận sự chi viện bằng đường bộ, đường biển cho chiến
trường Khu V, góp phần hình thành thế bao vây chia cắt, trực tiếp uy hiếp lực
lượng của địch ở Trung Trung Bộ 141
4.3. Một số bài học kinh nghiệm 144
4.3.1. Xây dựng căn cứ địa cách mạng phải chú trọng đặc điểm địa – chính trị,
địa – quân sự, địa – kinh tế, địa – văn hoá của địa phương 144
4
4.3.2. Phát huy vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân
dân trong quá trình xây dựng và bảo vệ căn cứ địa cách mạng 146
4.3.3. Tăng cường xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện tốt
chính sách dân tộc của Đảng 148
4.3.4. Xây dựng căn cứ địa cách mạng vững mạnh toàn diện, kết hợp xây
dựng với bảo vệ, bảo vệ để xây dựng 152
4.3.5. Kết hợp đồng thời việc xây dựng căn cứ địa cách mạng ở miền núi với
xây dựng căn cứ du kích ở vùng địch tạm chiếm, các cơ sở, “lõm chính trị”
trong nội đô 155
* Tiểu kết chương 4 157
KẾT LUẬN 158
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC LIÊN QUAN ĐÃ

CÔNG BỐ 162
TÀI LIỆU THAM KHẢO 163
NHÂN CHỨNG LỊCH SỬ 1










5

MỞ ĐẦU

1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Trong các cuộc khởi nghĩa, chiến tranh hay vận động cách mạng, vấn đề căn
cứ địa – hậu phương trở thành vấn đề mang tính quy luật, đồng thời là nhân tố
thường xuyên quyết định thắng lợi của cuộc chiến tranh, khởi nghĩa hay các cuộc
cách mạng. Tiến trình lịch sử thế giới và lịch sử dân tộc Việt Nam đã khẳng định
điều này.

Kế thừa truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc, trên cơ sở quán triệt và
vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin về khởi nghĩa và chiến tranh cách mạng
vào nước ta, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng
Cộng sản Việt Nam hết sức chú trọng vấn đề xây dựng căn cứ địa, đây là một trong
những nhân tố tạo nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám
năm 1945 thắng lợi một phần là nhờ có Căn cứ địa Bắc Sơn – Vũ Nhai, Căn cứ địa

Cao Bằng, Khu giải phóng Việt Bắc và hàng chục chiến khu trong cả nước. Bước
vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương
Đảng chọn và xây dựng Căn cứ địa Việt Bắc trở thành trung tâm đầu não của cuộc
kháng chiến. Nhiều vùng tự do, căn cứ địa – hậu phương đã được xây dựng trên
khắp cả nước: Thanh – Nghệ – Tĩnh, Nam – Ngãi – Bình – Phú, Đồng Tháp Mười,
U Minh, Chiến khu Đ… Đây là một nhân tố hết sức quan trọng đưa đến thắng lợi
của cuộc kháng chiến chống Pháp và can thiệp Mỹ (1945-1954).
Từ năm 1954 đến 1975, để chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc
Mỹ – một nước đế quốc mạnh nhất thế giới từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến
nay, Đảng ta đã tiến hành cuộc chiến tranh cách mạng để giải phóng miền Nam, bảo
vệ miền Bắc, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân
trong cả nước. Để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng to lớn này, ngoài việc xây dựng
miền Bắc thành hậu phương vững mạnh, thành căn cứ địa cách mạng của cả nước,
Đảng ta còn chủ trương xây dựng và phát triển hệ thống căn cứ địa trên các địa bàn
chiến lược ở miền Nam như Trị Thiên, Tây Nguyên, Trung Trung Bộ, Nam Trung
6


Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ… Do tác động của mục tiêu và nhiệm vụ cách
mạng đặt ra, cũng như các điều kiện tự nhiên, kinh tế, chính trị, xã hội ở khu vực,
vùng miền mà ở miền Nam thời chống Mỹ có nhiều loại hình căn cứ địa với các quy
mô khác nhau. Mặt khác, các căn cứ địa cách mạng ở miền Nam thời chống Mỹ có
những điểm giống nhau nhưng cũng có nhiều nét riêng do điều kiện lịch sử địa
phương quy định. Song, tất cả các căn cứ địa đã góp phần tạo ra tiềm lực to lớn
để quân và dân miền Nam đánh thắng các chiến lược chiến tranh xâm lược của
đế quốc Mỹ.
Với vai trò và vị trí to lớn trên đây, vấn đề căn cứ địa trở thành một phận hữu
cơ của cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam thời chống Mỹ. Đây là một đối
tượng lịch sử cần được nghiên cứu để làm sáng tỏ vai trò và vị trí của một phương
thức chiến tranh cách mạng, góp phần làm sáng tỏ đầy đủ về lịch sử của cuộc kháng

chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại do dân tộc ta tiến hành. Vấn đề căn cứ địa thời
chống Mỹ không chỉ cần và phải được khôi phục, đánh giá một cách khách quan với
những biểu hiện của nó, mà còn phải làm rõ những điểm nổi bật có tính vùng miền
của các căn cứ địa trên các địa bàn chiến lược ở miền Nam.
Để góp phần thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu trên, vấn đề nghiên
cứu căn cứ địa cách mạng ở khu vực Trung Trung Bộ (bao gồm các tỉnh, thành phố:
Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên) cũng đặt ra hết sức cần
thiết. Đây là địa bàn chiến lược hết sức quan trọng ở Khu V; là cửa ngõ từ Biển
Đông vào miền Trung và Tây Nguyên; là bàn đạp để tỏa đi các hướng chiến lược và
các chiến trường khác, đồng thời cũng là điểm đầu tiếp nhận sự chi viện từ miền
Bắc vào bằng đường bộ và đường biển. Vì vậy, Trung Trung Bộ là địa bàn giao
tranh ác liệt giữa ta và địch. Tại đây, nhiều căn cứ địa cách mạng đã được xây dựng
như: Khu Sông Đà (Đà Nẵng), Nước Oa, Nước Là, Sơn – Cẩm – Hà, Tiên Sơn
(Quảng Nam), Trà Bồng, Sơn Tây (Quảng Ngãi), Núi Bà, Hòn Chè (Bình Định),
Thồ Lồ, Vân Hòa (Phú Yên)… Các căn cứ địa cách mạng ở Trung Trung Bộ đã
hoàn thành tốt chức năng và nhiệm vụ của mình, góp phần to lớn vào thắng lợi của
7


cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước tại địa bàn cũng như trong sự nghiệp kháng
chiến chống Mỹ nói chung của cả dân tộc.
Lịch sử hình thành, phát triển cùng những đóng góp của các căn cứ địa cách
mạng ở Trung Trung Bộ trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từ lâu đã thu hút
sự quan tâm của giới nghiên cứu. Tuy nhiên, cho đến nay, vì nhiều lý do khác nhau,
vấn đề căn cứ địa cách mạng ở Trung Trung Bộ mới chỉ được đề cập một cách khái
lược trong các công trình nghiên cứu về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên
chiến trường Khu V cũng như trong các công trình tổng kết lịch sử truyền thống địa
phương. Do vậy, việc nghiên cứu vấn đề Căn cứ địa cách mạng ở Trung Trung Bộ
trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) sẽ mang lại nhiều ý nghĩa khoa học và
thực tiễn.

Về ý nghĩa khoa học, luận án làm rõ quá trình hình thành, phát triển, vai trò,
vị trí, đặc điểm của căn cứ địa cách mạng ở Trung Trung Bộ trong cuộc kháng chiến
chống Mỹ, cứu nước. Qua đó, bổ sung một số tư liệu làm rõ vai trò lãnh đạo của các
cấp ủy Đảng đối với vấn đề căn cứ địa; sự linh hoạt, sáng tạo trong hoạt động tổ
chức, xây dựng căn cứ địa cách mạng ở các vùng miền. Kết quả nghiên cứu sẽ góp
phần làm sáng tỏ đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng và chiến lược xây dựng
căn cứ địa đã được vận dụng một cách sáng tạo vào thực tiễn cuộc kháng chiến
chống Mỹ, cứu nước ở Trung Trung Bộ.
Kết quả nghiên cứu của luận án còn góp phần bổ sung kiến thức nghiên cứu
về lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, đặc biệt là đối với
Trung Trung Bộ nói riêng.
Về ý nghĩa thực tiễn, từ những cứ liệu nghiên cứu để bước đầu rút ra những
bài học kinh nghiệm là một yêu cầu cần thiết nhằm phục vụ việc thực hiện nhiệm vụ
xây dựng thế trận an ninh – quốc phòng trên địa bàn hiện nay. Kết quả nghiên cứu
của luận án cũng sẽ góp phần vào việc giáo dục truyền thống yêu nước và cách
mạng cho các tầng lớp nhân dân, là cơ sở để trùng tu và bảo tồn các di tích căn cứ
địa kháng chiến thời chống Mỹ. Đây còn là nguồn tài liệu quý báu để nghiên cứu và
dạy học về lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở các bậc học.
8


Từ những ý nghĩa khoa học và thực tiễn trên đây, chúng tôi chọn vấn đề Căn
cứ địa cách mạng ở Trung Trung Bộ trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) làm
đề tài nghiên cứu cho luận án Tiến sĩ Lịch sử chuyên ngành Lịch sử Việt Nam.
2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
Đối tượng nghiên cứu:
Quá trình xây dựng, bảo vệ và phát huy vai trò của căn cứ địa cách mạng ở
Trung Trung Bộ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Phạm vi nghiên cứu:
Về thời gian: Từ năm 1954 đến năm 1975. Tuy nhiên, để việc trình bày nội

dung chính được logic, luận án có đề cập khái quát các căn cứ địa cách mạng trước
năm 1954.
Về không gian: Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, địa bàn Trung
Trung Bộ bao gồm các địa phương: Quảng Nam – Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình
Định, Phú Yên. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, từ tháng 7-1962, chính quyền
Việt Nam Cộng hòa chia Quảng Nam – Đà Nẵng thành hai tỉnh Quảng Nam và
Quảng Tín. Tỉnh Quảng Nam gồm 9 quận: Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Đức
Dục, Hiếu Đức, Hiếu Nhơn, Hòa Vang, Quế Sơn, Thượng Đức và thị xã Đà Nẵng.
Tỉnh Quảng Tín gồm 6 quận: Hậu Đức, Hiệp Đức, Lý Tín, Tam Kỳ, Tiên Phước và
Thăng Bình. Về phía chính quyền cách mạng, từ cuối năm 1962 đến năm 1967, tỉnh
Quảng Nam – Đà Nẵng được tách lại thành 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà. Tỉnh
Quảng Nam (chính quyền Việt Nam Cộng hòa gọi là tỉnh Quảng Tín) gồm các
huyện Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Tiên Phước, Phước Sơn, Trà My. Tỉnh
Quảng Đà (địch gọi là tỉnh Quảng Nam) gồm các huyện Hòa Vang, Đại Lộc, Điện
Bàn, Duy Xuyên, Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, thị xã Hội An và thành phố
Đà Nẵng. Từ năm 1964 đến tháng 11-1967, thực hiện sự chỉ đạo của Khu ủy V,
thành phố Đà Nẵng tách ra khỏi tỉnh Quảng Đà, gồm 3 quận: quận Nhất, quận Nhì
và quận Ba. Tháng 11-1967, trước cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân,
tỉnh Quảng Đà và thành phố Đà Nẵng hợp nhất thành Đặc khu Quảng Đà. So với
các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, mặc dù Quảng Nam – Đà Nẵng là địa
bàn trải qua nhiều lần tách, nhập, song về cơ bản địa giới hành chính của địa
9


phương này không thay đổi. Do vậy, từ đây đến khi kết thúc cuộc kháng chiến
chống Mỹ, cứu nước, Trung Trung Bộ bao gồm: Quảng Nam, Quảng Đà, Quảng
Ngãi, Bình Định, Phú Yên.
Như vậy, về cơ bản địa bàn Trung Trung Bộ không có sự thay đổi, chủ yếu
vẫn bao gồm các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định,
Phú Yên.

Về nội dung: Luận án nghiên cứu những vấn đề lý luận về căn cứ địa cách
mạng trong chiến tranh giải phóng; những yếu tố tác động đến quá trình phục hồi,
xây dựng, bảo vệ và phát huy vai trò căn cứ địa (điều kiện địa lý tự nhiên, dân cư,
tình hình kinh tế – xã hội, truyền thống lịch sử; tình hình xây dựng căn cứ địa trước
khi bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ); những âm mưu, thủ đoạn đánh phá căn
cứ của Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa; chủ trương của Đảng về xây dựng
căn cứ địa trong mỗi giai đoạn cách mạng; hoạt động xây dựng căn cứ về các mặt:
chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa – xã hội; các cuộc chiến đấu bảo vệ căn cứ; đặc
điểm, vai trò và một số bài học đúc rút từ quá trình xây dựng và bảo vệ căn cứ địa
cách mạng ở Trung Trung Bộ trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).
3. MỤC ĐÍCH VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU
Mục đích:
Nghiên cứu, phục dựng một cách căn bản và tương đối đầy đủ về hệ thống căn
cứ địa cách mạng ở Trung Trung Bộ nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy,
giáo dục truyền thống và bổ sung tư liệu về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
của quân và dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, luận án góp phần cung cấp những luận
cứ cho việc xây dựng thế trận an ninh – quốc phòng ở địa bàn Trung Trung Bộ
trong tình hình mới.
Nhiệm vụ:
Để đạt được mục đích nêu trên, luận án tập trung giải quyết một số nhiệm vụ
chủ yếu sau:
- Luận giải và làm rõ những yếu tố tác động đến quá trình xây dựng, bảo vệ
và phát huy vai trò căn cứ địa cách mạng ở Trung Trung Bộ.
10


- Phân tích những âm mưu, thủ đoạn của Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng
hòa trong việc xóa bỏ căn cứ địa; chủ trương, biện pháp xây dựng và bảo vệ căn cứ
địa cách mạng của Trung ương Đảng và đảng bộ các địa phương; hoạt động của
quân và dân các tỉnh Trung Trung Bộ trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát huy

vai trò của căn cứ địa, hậu phương tại chỗ.
- Luận giải và làm rõ những đặc điểm của căn cứ địa cách mạng ở Trung
Trung Bộ đặt trong mối quan hệ đối sánh với căn cứ địa ở một số vùng miền; đúc
rút những bài học kinh nghiệm về xây dựng, bảo vệ căn cứ địa cách mạng ở Trung
Trung Bộ.
4.
NGUỒN TƯ LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Nguồn tư liệu bao gồm:
- Các văn kiện: Hệ thống các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà
nước và Quân đội nhân dân Việt Nam về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
- Tác phẩm của các vị lãnh tụ và lãnh đạo: Tác phẩm của Hồ Chí Minh, lãnh
đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội về cách mạng giải phóng dân tộc, về cuộc kháng
chiến chống Mỹ, về căn cứ địa cách mạng trong chiến tranh giải phóng dân tộc.
- Tài liệu lưu trữ: Các tài liệu liên quan đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu
nước hiện được lưu trữ ở Bộ Tư lệnh Quân khu V; Trung tâm lưu trữ Quốc gia II,
thành phố Hồ Chí Minh; Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam; Viện Lịch sử Đảng; Ban
Tuyên giáo các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định,
Phú Yên.
- Các công trình nghiên cứu đã công bố: Các công trình nghiên cứu về cuộc
kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Viện Mác –
Lênin, Viện Lịch sử Đảng; Các chuyên khảo, bài viết, báo cáo khoa học đã được
công bố trên các tạp chí chuyên ngành trong những năm gần đây; Các công trình
Lịch sử Đảng bộ, Lịch sử kháng chiến và Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân địa
phương các tỉnh, thành phố, quận (huyện) trên địa bàn; Các luận án, luận văn về đề
tài căn cứ địa cách mạng đã được bảo vệ và xuất bản.
- Tài liệu khảo sát thực tế: Tài liệu khảo sát thực địa tại các di tích căn cứ địa
cách mạng trên địa bàn nghiên cứu.
11



- Các hồi ký cách mạng: Hồi ký và lời kể của các cán bộ lão thành cách mạng,
nhân chứng lịch sử sống và hoạt động ở địa bàn Trung Trung Bộ.
Phương pháp nghiên cứu:
Kết hợp sử dụng phương pháp lịch sử và phương pháp logic là chủ yếu. Ngoài
ra, trong quá trình nghiên cứu còn sử dụng một số phương pháp: so sánh, thống kê,
phân tích, tổng hợp, khái quát trên cơ sở khảo cứu các nguồn tư liệu văn bản, thực
địa và tiếp xúc nhân chứng lịch sử. Riêng đối với nguồn tư liệu khai thác từ các
nhân chứng lịch sử, tác giả tiến hành đối chiếu, so sánh với các tư liệu văn bản để
chọn lọc, khai thác những thông tin có giá trị tin cậy.
5. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN ÁN
- Luận án phục dựng một cách tổng thể về hệ thống căn cứ địa cách mạng ở
Trung Trung Bộ trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
- Thông qua những phân tích, luận giải có tính khoa học, luận án khẳng định
tính đúng đắn, sáng tạo trong quá trình vận dụng quan điểm, chủ trương của Đảng
về xây dựng căn cứ địa, hậu phương vào thực tiễn cách mạng ở Trung Trung Bộ.
- Đánh giá một cách tương đối khách quan về vai trò của căn cứ địa đối với
cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở Trung Trung Bộ.
- Kết quả nghiên cứu của luận án có thể sử dụng làm tài liệu nghiên cứu, giảng
dạy lịch sử kháng chiến chống Mỹ, lịch sử địa phương và giáo dục truyền thống ở
Trung Trung Bộ.
6. BỐ CỤC CỦA LUẬN ÁN
Ngoài Mở đầu (7 trang), Kết luận (4 trang), Danh mục các công trình khoa học
liên quan đã công bố (1 trang), Tài liệu tham khảo (15 trang), Phụ lục (34 trang),
nội dung chính của luận án được chia làm 4 chương.
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu (19 trang)
Chương 2: Khôi phục và bảo vệ căn cứ địa cách mạng ở Trung Trung Bộ
(1954-1960) (48 trang)
Chương 3: Kết hợp xây dựng với bảo vệ và phát huy vai trò căn cứ địa cách
mạng ở Trung Trung Bộ (1961-1975) (44 trang)
Chương 4: Đặc điểm, vai trò và bài học kinh nghiệm (34 trang)

12


CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

1.1. Tình hình nghiên cứu
Liên quan đến nội dung luận án đã có một số công trình trong nước phản ánh,
đề cập với nhiều cấp độ và từ nhiều cách tiếp cận khác nhau. Trong đó, tựu trung lại
có thể khu trú vào các nhóm như sau:
1.1.1. Nhóm các công trình nghiên cứu về căn cứ địa cách mạng nói chung
Vấn đề căn cứ địa được đề cập trước hết phải kể đến là công trình Chiến thuật
du kích của Hồ Chí Minh (Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia,
HN, 2011) và Chọn căn cứ địa của Trường Chinh (Cách mạng dân tộc dân chủ
nhân dân Việt Nam, Tập 1, Nxb Sự Thật, HN, 1976). Các công trình này xác định
căn cứ địa là nơi có địa thế hiểm yếu, vừa có lợi cho việc tiến công, vừa có lợi cho
việc phòng ngự của lực lượng du kích. Việc xây dựng căn cứ địa gắn liền với xây
dựng lực lượng vũ trang (LLVT). Một trong những vấn đề có ý nghĩa quyết định
trong việc lựa chọn địa bàn xây dựng căn cứ địa là phải có sự ủng hộ, giúp đỡ của
đông đảo quần chúng nhân dân.
Vấn đề căn cứ địa còn được đề cập khá cụ thể ở một số công trình, trong đó
có thể kể đến là Bài giảng về đường lối quân sự của Đảng của Võ Nguyên Giáp
(Viện Khoa học Quân sự, HN, 1974). Ở công trình này, tác giả đã khái quát những
đặc trưng cơ bản của căn cứ địa cách mạng trong chiến tranh giải phóng; phân tích
và luận giải về vai trò của căn cứ địa cách mạng. Trong đó, nhấn mạnh sự cần thiết
phải giải quyết vấn đề xây dựng địa bàn đứng chân và tiềm lực kháng chiến, nếu
không có đường lối đúng đắn để thực hiện vấn đề này thì không thể tiến hành chiến
tranh cách mạng lâu dài nhằm đi đến thắng lợi. Tác giả khẳng định chỗ đứng chân
của cách mạng để tiến hành khởi nghĩa và chiến tranh là cơ sở chính trị, căn cứ địa,
hậu phương. Đây là vấn đề quan trọng trong đường lối quân sự của Đảng. Bên cạnh

đó, tác giả cũng vạch ra quy luật hình thành và phát triển của cơ sở chính trị, căn cứ
13


địa, hậu phương trong chiến tranh nhân dân ở nước ta là phải triệt để dựa vào nhân
dân, đi từ xây dựng cơ sở chính trị của quần chúng đến xây dựng căn cứ địa, hậu
phương từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ chưa hoàn chỉnh đến ngày càng hoàn
chỉnh. Bài giảng xác định trong chiến tranh nhân dân rộng lớn, địa bàn nông thôn là
chỗ dựa vững chắc và lâu dài của cách mạng. Do vậy, việc xây dựng căn cứ địa, hậu
phương vững mạnh ở nông thôn rừng núi và đồng bằng là yêu cầu “có tính chất
chiến lược của chiến tranh nhân dân” [103, tr. 231]. Ngoài ra, cũng phải hết sức coi
trọng việc xây dựng cơ sở chính trị ở thành thị. Có xây dựng được căn cứ địa, hậu
phương tại chỗ ở khắp nơi, cách mạng mới có thể xây dựng, phát huy được tiềm lực
của từng địa phương, từng chiến trường để đánh địch một cách rộng khắp, tạo thành
thế cài răng lược giữa ta và địch. Do đó, có thể uy hiếp và tiến công địch một cách
thường xuyên. Tập Bài giảng đường lối quân sự của Đảng thể hiện sự chỉ đạo hết
sức sâu sắc của Võ Nguyên Giáp đối với vấn đề xây dựng căn cứ địa – hậu
phương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Trong công trình Nghiên cứu văn kiện của Đảng về chống Mỹ, cứu nước của
Viện Mác – Lênin và Viện Lịch sử Quân sự – Bộ Quốc phòng, (Nxb Sự Thật, HN,
1986) có bài Vấn đề hậu phương – căn cứ địa và tuyến hậu cần chiến lược trong
kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Ngô Vi Thiện. Bài viết phân tích chủ trương
của Đảng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng hậu phương lớn miền Bắc, xây
dựng căn cứ địa ở chiến trường miền Nam và tuyến hậu cần vận tải – chiến lược
trong kháng chiến chống Mỹ.
Căn cứ địa cách mạng: truyền thống và hiện tại của Văn Tạo đăng trên Tạp
chí Lịch sử quân sự số 4-1995, phân tích nội dung và bản chất của căn cứ địa cách
mạng. Trong đó, tác giả luận giải điều kiện hình thành căn cứ địa, tính chất dân tộc
và cách mạng của căn cứ địa thể hiện trên các mặt: địa – chính trị, địa – quân sự, địa
– kinh tế, địa – văn hóa; đặc điểm, vai trò của căn cứ địa cách mạng trong hai cuộc

kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Nhìn chung, những công trình trên đã khái quát những điều kiện hình thành
cũng như việc lựa chọn địa bàn xây dựng căn cứ địa; đồng thời luận giải, phân tích
14


vai trò của căn cứ địa trong chiến tranh giải phóng. Những vấn đề mang tính lý luận
này sẽ trở thành tư tưởng chỉ đạo và “kim chỉ nam” cho quá trình xây dựng, bảo vệ
và phát huy vai trò căn cứ địa cách mạng.
Vấn đề căn cứ địa cách mạng cũng được đề cập cụ thể hơn trong một số công
trình lịch sử trong đó có thể kể đến như: Quân khu 5. Thắng lợi và những bài học
trong kháng chiến chống Mỹ, Tập Hai, (Nxb Quân đội nhân dân, HN, 1982); Tổng
kết cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thắng lợi và bài học (Nxb Chính trị
Quốc gia, HN, 1996); Chiến tranh cách mạng Việt Nam (1945-1975). Thắng lợi và
bài học (Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2000). Đây là những công trình tổng kết sự
lãnh đạo của Đảng đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong đó tập
trung vào một số nội dung cơ bản và cốt yếu: đường lối chiến lược, sách lược và
phương pháp cách mạng; những bài học kinh nghiệm được đúc kết trong quá trình
tiến hành chiến tranh cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch
Hồ Chí Minh. Ở các công trình này, vấn đề căn cứ địa được luận giải, phân tích
dưới góc độ là “một vấn đề lớn trong đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”
[11, tr. 237], “vấn đề cốt tử trong chiến tranh cách mạng” [61, tr. 161]. Vai trò của
căn cứ địa trong quá trình kháng chiến được làm rõ: là nơi đứng chân của các cơ
quan lãnh đạo, chỉ huy kháng chiến, nơi xây dựng lực lượng cách mạng; là bàn đạp
xuất phát của LLVT tiến công địch, nơi tiếp nhận mọi nguồn chi viện và khai thác
tại chỗ ngày càng nhiều sức người sức của phục vụ cho nhu cầu chiến trường. Một
trong những bài học cơ bản được các công trình luận giải khá sâu sắc là phải dựa
vào nhân dân, phát huy sức mạnh nhân dân trong xây dựng và bảo vệ căn cứ vững
mạnh. Đánh giá về vấn đề xây dựng hệ thống căn cứ địa và hậu phương trong hai
cuộc kháng chiến, các công trình khẳng định đây là bước phát triển mới về lý luận

chiến tranh nhân dân, chiến tranh cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bộ Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) gồm 9 tập của Bộ
Quốc phòng – Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (Nxb Chính trị Quốc gia – Sự Thật,
HN, 2013) là công trình nghiên cứu toàn diện và có hệ thống về cuộc kháng chiến
chống Mỹ, cứu nước. Ở Tập IX của bộ sách này có đề cập khá sâu vấn đề căn cứ
15


địa cách mạng ở miền Nam với tư cách là “nhân tố trực tiếp bảo đảm thắng lợi của
cuộc kháng chiến chống Mỹ ”[44, tr. 368]. Công trình khái quát những đóng góp
của căn cứ địa cách mạng miền Nam: cung cấp sức người, sức của cho chiến
trường; cơ sở để xây dựng, duy trì và phát triển lực lượng cách mạng; địa bàn đứng
chân của bộ đội chủ lực; một trong những nhân tố cơ bản để xây dựng thế chiến
lược của chiến tranh nhân dân; nơi tiếp nhận, bảo quản, phân phối vũ khí, phương
tiện chiến tranh, hàng hóa từ miền Bắc chi viện cho miền Nam; một trong những
nhân tố cơ bản để xây dựng và tăng cường tiềm lực, sức mạnh của cách mạng. Tuy
nhiên, do đối tượng nghiên cứu và phạm vi phản ánh rộng, bao gồm các chiều cạnh
của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nên vấn đề căn cứ địa cách mạng chỉ
được đề cập, phản ánh một cách khái lược, chủ yếu tập trung vào đánh giá vai trò của
căn cứ địa cách mạng, chưa có điều kiện tập trung khảo cứu quá trình phát triển cũng
như đặc điểm của căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Dưới góc độ nghiên cứu sâu về hậu phương – căn cứ địa trong chiến tranh
cách mạng Việt Nam, cuốn Hậu phương chiến tranh nhân dân Việt Nam (1945-
1975) (Nxb Quân đội nhân dân, HN, 1997) là công trình nghiên cứu có tính chất hệ
thống và toàn diện nhất về quá trình xây dựng và phát huy vai trò của hậu phương
trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Công
trình tập trung kiến giải về vai trò của các căn cứ địa cách mạng với tư cách là hậu
phương tại chỗ ở miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ; đồng thời khẳng định
hậu phương tại chỗ là một trong những nhân tố cơ bản để xây dựng và tăng cường
tiềm lực, sức mạnh của cách mạng và phát triển chiến tranh nhân dân trên khắp ba

vùng chiến lược. Thế và lực của cách mạng có thể chuyển hóa từ yếu sang mạnh
dựa trên cơ sở của việc xây dựng hệ thống căn cứ địa – hậu phương vững chắc.
Công trình đặc biệt nhấn mạnh vai trò của nhân dân trong việc xây dựng căn cứ địa
– hậu phương vững mạnh: nói đến căn cứ địa – hậu phương là nói đến vai trò của
nhân dân, căn cứ địa – hậu phương vững chắc trước hết và chủ yếu là ở lòng dân.
Có dân là có tất cả [33, tr. 281- 282].
16


Trên Tạp chí Phát triển Nhân lực số 3(29)-2012 có bài viết Căn cứ địa, một
biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong 30 năm chiến tranh giải
phóng của Trần Đơn, đã luận giải về vấn đề căn cứ địa; đồng thời khái quát làm nổi
bật vai trò của căn cứ địa trong chiến tranh cách mạng Việt Nam: đó là khu vực tập
kết các cơ quan đầu não và lực lượng kháng chiến; nơi đứng chân và tổ chức chiến
đấu, bảo vệ các cơ quan lãnh đạo, chỉ huy; nơi củng cố và huấn luyện các LLVT
cách mạng của toàn miền, khu và các địa phương; là đầu mối các hành lang chiến
lược, là chỗ dựa tin cậy của các lực lượng kháng chiến, nơi bảo đảm một phần quan
trọng tiềm lực của cuộc kháng chiến; là chỗ dựa, nơi bày thế trận tiêu diệt đối
phương tại chỗ; đồng thời làm nơi xuất phát, bàn đạp cho các lực lượng kháng chiến
tiến công địch ngoài căn cứ…[102, tr. 36-37-38]. Tác giả bài viết khẳng định:
“Trong chiến tranh cách mạng Việt Nam, căn cứ địa đã tồn tại như một biểu tượng
của cuộc kháng chiến, tiêu biểu cho ý chí, sức mạnh tinh thần của toàn dân; là chỗ
dựa về mặt chính trị tinh thần, nơi hướng về, hy vọng và khích lệ đồng bào khắp
nơi kháng chiến” [102, tr. 39]. Tuy nhiên, do phạm vi bài đăng trên tạp chí bị giới
hạn bởi dung lượng, nên còn nhiều nội dung về căn cứ địa cách mạng chưa được
khảo cứu.
Tóm lại, qua các công trình nêu trên, những vấn đề lý luận về căn cứ địa đã
được làm sáng tỏ bao gồm: xây dựng căn cứ địa là vấn đề chiến lược, có ý nghĩa
quyết định đối với thắng lợi của chiến tranh nhân dân; địa bàn được lựa chọn để xây
dựng căn cứ phải đảm bảo thế tiến công và phòng ngự của LLVT; quy luật xây

dựng căn cứ là phải dựa vào nhân dân; vai trò của căn cứ địa đối với cuộc kháng
chiến chống Mỹ: địa bàn đứng chân của lực lượng kháng chiến, bàn đạp xuất phát
tiến công địch của LLVT, hậu phương tại chỗ của chiến tranh nhân dân… Những
vấn đề mang tính lý luận trên đây sẽ là cơ sở cho việc hoạch định đường lối kháng
chiến và thực tiễn chỉ đạo hoạt động xây dựng, bảo vệ, phát huy vai trò của căn cứ
địa cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
17


1.1.2. Nhóm các công trình nghiên cứu về căn cứ địa cách mạng ở miền
Nam trong kháng chiến chống Mỹ
Chủ đề căn cứ địa cách mạng ở miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ nói
chung cũng đã được khảo cứu trong một số công trình nghiên cứu, luận án Tiến sĩ
lịch sử:
Chiến khu ở miền Đông Nam Bộ (1945-1954),(Nxb Thành phố Hồ Chí Minh,
1996) của Hồ Sơn Đài là công trình nghiên cứu quá trình xây dựng, đặc điểm phát
triển và luận giải vai trò quan trọng của các chiến khu đối với cuộc kháng chiến
chống thực dân Pháp trên địa bàn miền Đông Nam Bộ. Căn cứ địa kháng chiến
chống Mỹ ở miền Đông Nam Bộ (1954-1975), luận án Tiến sĩ Lịch sử của Trần Thị
Nhung, Viện Khoa học Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, 2001 đã đi sâu khảo cứu
khá công phu về tổ chức và hoạt động của các căn cứ địa ở miền Đông Nam Bộ
trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975). Căn cứ địa cách mạng ở Tây Ninh trong
chiến tranh giải phóng (1945-1975) của Bộ Tư lệnh (BTL) Quân Khu 7 – Tỉnh ủy
Tây Ninh (Nxb Quân đội nhân dân, HN, 2002) là tập hợp những bài viết của nhiều
tác giả về quá trình xây dựng, bảo vệ và phát huy vai trò của căn cứ địa cách mạng
ở Tây Ninh trong kháng chiến chống Mỹ. Căn cứ địa U Minh trong hai cuộc kháng
chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975), luận án Tiến sĩ
Lịch sử của Trần Ngọc Long, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, 2006 là công trình
nghiên cứu về quá trình hình thành, phát triển và những đóng góp của Căn cứ địa U
Minh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược

(1945-1975). Căn cứ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở Cực Nam Trung Bộ (1954-
1975), luận án Tiến sĩ lịch sử của Chu Đình Lộc, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam,
2011 đi sâu nghiên cứu về quá trình xây dựng, bảo vệ và phát huy vai trò của các
căn cứ kháng chiến ở Cực Nam Trung Bộ trong kháng chiến chống Mỹ (1954-
1975). Kỷ yếu hội thảo khoa học Căn cứ địa cách mạng tỉnh Bình Thuận trong 30
năm chiến tranh giải phóng (1945-1975) của Quân Khu 7 và Tỉnh ủy Bình Thuận,
tháng 8-2012 là tập hợp các bài viết về quá trình xây dựng, bảo vệ và phát huy vai
18


trò của căn cứ địa cách mạng ở Bình Thuận trong hai cuộc kháng chiến chống thực
dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Nhìn chung, đây là những công trình chuyên khảo về một số căn cứ địa cụ thể
tiêu biểu ở miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bằng nhiều cách tiếp
cận, phân tích và luận giải khác nhau, các công trình nêu trên đều tập trung làm rõ
những nội dung thuộc về, hoặc liên quan đến căn cứ địa cách mạng như: bối cảnh ra
đời; sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với sự thành lập và
hoạt động của các căn cứ địa cách mạng; cuộc đấu tranh bảo vệ và phát huy vai trò
của căn cứ địa trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ; đặc điểm của các
căn cứ địa; những bài học kinh nghiệm được rút ra và vận dụng trong sự nghiệp bảo
vệ Tổ quốc hiện nay. Qua việc nghiên cứu những công trình kể trên, tác giả có điều
kiện kế thừa về mặt phương pháp luận trong nghiên cứu về căn cứ địa cách mạng.
Hơn nữa, đây cũng là một hệ thống tư liệu quý để tác giả thực hiện việc so sánh, đối
chiếu, trên cơ sở đó rút ra những đặc điểm riêng của địa phương.
1.1.3. Nhóm các công trình trực tiếp phản ánh hoạt động xây dựng và bảo
vệ căn cứ địa cách mạng ở Trung Trung Bộ
Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi (Nxb Quân đội nhân dân,
1975) là công trình phục dựng tương đối có hệ thống và toàn diện về cuộc khởi
nghĩa Trà Bồng và phong trào cách mạng ở miền Tây Quảng Ngãi trong những năm
1954-1960. Liên quan đến vấn đề căn cứ địa, công trình phản ánh cuộc chiến đấu

chống lại các hoạt động càn quét của địch, bảo vệ căn cứ địa cách mạng của quân
dân Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi; đồng thời tái hiện khá rõ hoạt động xây
dựng, củng cố Căn cứ địa Trà Bồng trên các mặt kinh tế, văn hóa, giáo dục.
Khu 5 – 30 năm chiến tranh giải phóng (Tập II, Tập III) của Trần Quý Cát
(BTL Quân Khu 5 xuất bản năm 1989) và Nam Trung Bộ kháng chiến (1945-1975)
của Hội đồng biên soạn lịch sử Nam Trung Bộ kháng chiến (Nxb Chính trị Quốc
gia, HN, 1995) là những công trình chủ yếu phục dựng một cách cơ bản cuộc kháng
chiến chống Mỹ, cứu nước trên địa bàn các tỉnh thuộc Khu V và Nam Trung Bộ.
Trong các công trình này, chủ trương của Đảng về xây dựng căn cứ địa cách mạng,
19


quá trình ra đời, hoạt động chiến đấu bảo vệ căn cứ địa cách mạng của quân dân các
tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên được
trình bày một cách khái lược, đan xen với diễn biến của cuộc kháng chiến chống
Mỹ, cứu nước trên địa bàn Khu V và Nam Trung Bộ.
Những sự kiện lịch sử hậu cần chiến trường Khu V (1954-1975) của Cục hậu
cần – Quân Khu 5 (Nxb Đà Nẵng, 1989) và Công tác Đảng, công tác chính trị
LLVT Quân Khu V (1945-2000) – Biên niên, Tập 2, Quyển 1 (1954-1965) của Đảng
ủy – BTL Quân Khu V (Nxb Quân đội nhân dân, HN, 2002) là các công trình chứa
đựng những thông tin thuộc về hoặc liên quan đến vấn đề căn cứ địa được trình bày
dưới hình thức biên niên lịch sử bao gồm: chủ trương về xây dựng căn cứ địa cách
mạng của Liên Khu ủy V và Đảng bộ các địa phương; hoạt động xây dựng, đấu
tranh bảo vệ căn cứ địa cách mạng của Khu V, của các địa phương ở Trung Trung
Bộ; các hoạt động sản xuất lương thực, vũ khí, tiếp nhận, vận chuyển hàng chi viện
của miền Bắc cho chiến trường Khu V.
Trong công trình Một số kinh nghiệm chỉ đạo chiến tranh nhân dân địa
phương ở Khu 5 trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975) của BTL Quân
Khu 5 – Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (Nxb Quân đội nhân dân, HN, 1999), các
tác giả khái quát về đặc điểm tình hình và những bước phát triển của chiến tranh

nhân dân trên địa bàn Khu V. Qua đó, rút ra một số bài học kinh nghiệm về chỉ đạo
chiến tranh nhân dân ở địa phương trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đánh
giá quá trình xây dựng căn cứ địa cách mạng trên chiến trường Khu V, công trình
nhận định đây là “vấn đề chiến lược cơ bản trong chỉ đạo chiến tranh” [51, tr. 125].
Bàn về vấn đề căn cứ địa, hậu phương trực tiếp trên chiến trường Khu V, các tác giả
chỉ rõ: “căn cứ địa là những vùng ta đã giải phóng và đã được xây dựng toàn diện cả
về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội” [51, tr. 140]; việc xây dựng căn cứ
địa phải đáp ứng yêu cầu liên hoàn, nhiều huyện, nhiều tỉnh nhằm đảm bảo mọi nhu
cầu xây dựng và chiến đấu cho các lực lượng bám trụ và chiến đấu. Dựa trên thực
tiễn chiến đấu ở chiến trường Khu V, công trình đưa ra một số kiến giải về điều
kiện để xây dựng căn cứ địa, đó là: có cơ sở chính trị vững chắc, có LLVT mạnh, có
20


địa hình thuận lợi để tiến công và phòng thủ, có khả năng tối thiểu về đảm bảo cơ
sở vật chất, kỹ thuật. Đối với Khu V, địa bàn để xây dựng các căn cứ địa là Tây
Nguyên và miền Tây các tỉnh ven biển Nam – Ngãi – Bình – Phú. Có thể xem đây
là công trình đã đề cập tương đối sâu về căn cứ địa cách mạng trên địa bàn Khu V.
Chuyên đề Xây dựng và bảo vệ hệ thống căn cứ địa phương trên chiến trường
Khu 5 trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954-1975) do Bộ Tổng Tham mưu
biên soạn (Nxb Quân đội nhân dân, HN, 2001) có thể được coi là công trình tổng
kết có tính chất chuyên khảo đi sâu phân tích quá trình hình thành, xây dựng và bảo
vệ căn cứ địa cách mạng trên địa bàn Khu V; qua đó rút ra một số bài học kinh
nghiệm: xây dựng hệ thống căn cứ liên hoàn cả ở rừng núi và đồng bằng đảm bảo
cho yêu cầu phát triển của từng giai đoạn kháng chiến; từ những căn cứ địa nhỏ lẻ,
phát triển thành hệ thống căn cứ địa liên hoàn, hình thành hậu phương tại chỗ; xây
dựng đi đôi với bảo vệ căn cứ địa; căn cứ địa – hậu phương tại chỗ phải đáp ứng
yêu cầu chiến đấu và xây dựng của từng thời điểm chiến tranh. Đây là một chuyên
đề tổng kết; vả lại do địa bàn phản ánh khá rộng (bao gồm cả Tây Nguyên) nên
những nội dung được đề cập đều mang tính khái quát, sơ lược. Đặc biệt là quá

trình hình thành, phát triển, vai trò, nhiệm vụ cụ thể của từng căn cứ địa ở các
tỉnh, thành phố thuộc Trung Trung Bộ chưa được đi sâu nghiên cứu một cách có
hệ thống.
Công trình Vành đai diệt Mỹ trên chiến trường Khu 5 – một sáng tạo của
chiến tranh nhân dân Việt Nam của BTL Quân Khu 5 – Viện Lịch sử Quân sự Việt
Nam (Nxb Quân đội nhân dân, HN, 2002) cũng đề cập đến căn cứ địa cách mạng
thông qua cách tiếp cận từ việc khảo cứu các “căn cứ lõm”
0F
1
trong hoạt động của
“vành đai diệt Mỹ”. Một số bài viết trong cuốn sách đã tập trung luận giải sự khác
nhau giữa “căn cứ lõm” và căn cứ chiến đấu; đồng thời nêu bật vai trò của một số
1
Căn cứ lõm, căn cứ của lực lượng kháng chiến nằm sâu trong vùng địch tạm chiếm trong kháng chiến
chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ; xuất hiện trong chiến tranh nhân dân Việt Nam để đấu tranh chống
địch có hiệu quả. Căn cứ lõm thường có quy mô không lớn nhưng chiếm giữ vị trí xung yếu mà lực lượng
kháng chiến dựa vào đó để xây dựng và phát triển lực lượng phục vụ cho đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ
trang trong vùng địch hậu (Bộ Quốc phòng – Trung tâm Từ điển Bách khoa Quân sự (2007), Từ điển thuật
ngữ Quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, HN, tr. 96)
21



“căn cứ lõm” tiêu biểu như: Đa Mặn – Mỹ Thị, Thạc Gián ở Đà Nẵng trong những
năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tuy nhiên, đây là một cuốn kỷ yếu Hội
thảo; hơn nữa đối tượng nghiên cứu là “Vành đai diệt Mỹ” nên vấn đề căn cứ địa
cũng chưa được phản ánh nhiều.
Công trình Lịch sử Quân sự Việt Nam, Tập 11: Cuộc kháng chiến chống Mỹ,
cứu nước (1954-1975) của Bộ Quốc phòng – Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (Nxb
Chính trị Quốc gia, HN, 2005) cũng đề cập một cách khái lược đến sự hình thành

của một số căn cứ địa cách mạng ở Hiên (Quảng Nam), Trà Bồng, Sơn Hà, Ba Tơ
(Quảng Ngãi), Vĩnh Thạnh (Bình Định), Thồ Lồ, Ma Dú (Phú Yên), Bác Ái (Ninh
Thuận), trong đó tập trung vào hoạt động đấu tranh chống địch dồn dân, bảo vệ căn
cứ địa cách mạng của đồng bào Vĩnh Thạnh (2-1959), cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và
miền Tây Quảng Ngãi (8-1959).
Công trình Lịch sử Giao bưu – Thông tin các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh
Thuận và Tây Nguyên trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) do Bộ Bưu
chính Viễn thông – Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam biên soạn (Nxb
Bưu Điện, 2005) cung cấp những thông tin về quá trình hình thành, xây dựng và
phát triển của các tuyến hành lang, mạng lưới giao bưu, thông tin nội tỉnh, liên tỉnh
phục vụ đưa đón cán bộ, liên lạc, chuyển tài liệu về căn cứ ở các tỉnh từ Quảng Trị
đến Ninh Thuận và Tây Nguyên trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Công trình Lịch sử ngành hậu cần LLVT tỉnh Phú Yên (1945-1975) do Đảng
ủy – Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên xuất bản năm 2005 đã luận giải về quá trình
hình thành các căn cứ địa cách mạng ở Phú Yên cũng như hoạt động tiếp nhận, cất
giấu, vận chuyển vũ khí, thuốc men của Trung ương tại Vũng Rô theo tuyến
đường Hồ Chí Minh trên biển; công tác sản xuất tự cấp, tự túc, công tác quân y,
vấn đề sản xuất vũ khí ở các căn cứ địa trên địa bàn Phú Yên trong kháng chiến
chống Mỹ, cứu nước.
Công trình Lịch sử An ninh Khu V thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
(1954-1975) của Bộ Công an – Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân –
22


Viện Lịch sử Công an, (Nxb Công an nhân dân, 2008) phản ánh sự chỉ đạo, lãnh
đạo của Ban An ninh Khu V đối với hoạt động bảo vệ Đảng, bảo vệ vùng giải
phóng và căn cứ địa cách mạng. Bên cạnh đó, một số cuộc chiến đấu chống địch
càn quét, bảo vệ an toàn căn cứ địa cách mạng của khu, của các tỉnh thuộc Trung
Trung Bộ cũng được trình bày tương đối cụ thể trong công trình này.
Công trình Quá trình xây dựng và truyền thống của Ban Tổ chức Liên Khu ủy

V (1945-1975) (Ban liên lạc Ban tổ chức Liên Khu ủy V xuất bản năm 2008) đi sâu
làm rõ một số nội dung liên quan đến hoạt động xây dựng căn cứ địa bao gồm:
chuẩn hóa địa điểm đóng cơ quan của Liên khu V, Khu ủy V trong kháng chiến
chống Mỹ; diễn biến cuộc chiến đấu bảo vệ Mật khu Đỗ Xá (4-1963); phong trào
xây dựng làng chiến đấu; hoạt động sản xuất và huy động sự đóng góp của nhân
dân đối với cuộc kháng chiến.
Trong các công trình Lịch sử Đảng bộ cấp tỉnh: Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình
Định (1954-1975) (Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định xuất bản năm 1996); Lịch sử
Phú Yên kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) (Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy
Phú Yên ấn hành năm 1996); Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi (1954-1975) (Nxb,
Chính trị Quốc gia, HN, 1999); Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam – Đà Nẵng (1930-
1975) (Nxb Chính trị Quốc gia, HN, 2006), vấn đề căn cứ địa cách mạng được phản
ánh ở nhiều khía cạnh: chủ trương của Đảng bộ địa phương về xây dựng căn cứ địa
cách mạng; hoạt động chiến đấu của LLVT và nhân dân chống các cuộc hành quân
càn quét của Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa (VNCH), bảo vệ căn cứ địa; một
số thành quả trong quá trình xây dựng căn cứ địa, vùng giải phóng trên các lĩnh vực
quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế. Tuy nhiên, do phạm vi nghiên cứu khá
rộng nên những nội dung liên quan đến vấn đề căn cứ địa cũng chỉ được trình bày
một cách khái lược, không đầy đủ. Quá trình ra đời, quy mô, nhiệm vụ, vai trò của
từng căn cứ địa chưa được làm rõ. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu chủ yếu dựa
trên nguồn tư liệu của chính quyền cách mạng mà chưa có sự khai thác tài liệu của
chính quyền VNCH để có sự so sánh, đối chiếu, kiểm chứng nhằm phân tích một
cách khách quan khoa học về âm mưu, thủ đoạn đánh phá của địch đối với các căn
23


cứ địa cách mạng; địa điểm đóng cơ quan; tổ chức hoạt động, vai trò của các căn cứ
địa… Tuy nhiên, đây vẫn là nguồn tài liệu chính thống cung cấp những tư liệu, sự
kiện, những đánh giá có giá trị tin cậy cao đối với tác giả trong quá trình thực hiện
luận án.

Các công trình của LLVT cấp tỉnh: Quảng Ngãi Lịch sử chiến tranh nhân dân
30 năm (1945-1975), (Nxb Tổng hợp Nghĩa Bình và Bộ Chỉ huy Quân sự Nghĩa
Bình,1988); Bình Định Lịch sử chiến tranh nhân dân 30 năm (1945-1975), (Bộ Chỉ
huy Quân sự tỉnh Bình Định xuất bản năm 1992); Phú Yên 30 năm chiến tranh giải
phóng (1945-1975), (Bộ Chỉ huy Quân sự Phú Yên xuất bản năm 1993); Lịch sử
LLVT nhân dân tỉnh Quảng Nam, Tập II (1954-1975) (Nxb Quân đội nhân dân, HN,
2003) cũng đề cập một số nội dung thuộc về hoặc liên quan đến vấn đề căn cứ địa
bao gồm: chủ trương của Đảng bộ địa phương đối với công tác xây dựng căn cứ địa
cách mạng, âm mưu và thủ đoạn đánh phá của Mỹ và chính quyền VNCH đối với
các căn cứ, các cuộc chiến đấu của LLVT và nhân dân làm thất bại các cuộc càn
quét lớn của địch vào căn cứ địa, phong trào bố phòng chiến đấu bảo vệ căn cứ
địa Tuy nhiên, ở các công trình này, vấn đề căn cứ địa cách mạng cũng chỉ được
đề cập, phản ánh một cách khái lược chủ yếu trên lĩnh vực quân sự; các hoạt động
xây dựng căn cứ địa cách mạng về chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội hầu như chỉ
được đề cập thoảng qua.
Ngoài các công trình kể trên, còn có một số bài báo đăng trên các tạp chí
chuyên ngành đề cập đến hoạt động xây dựng căn cứ địa ở Khu V nói chung, hoặc
một số căn cứ tiêu biểu ở các địa phương.
Bài Tìm hiểu quá trình hình thành căn cứ địa miền núi Khu V trong kháng
chiến chống Mỹ, cứu nước của Trần Hữu Đính, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 3-
1986 đã phân tích, luận giải âm mưu và thủ đoạn đánh phá của địch đối với miền
núi Khu V; nhấn mạnh chủ trương của Đảng về xây dựng căn cứ địa cách mạng,
quá trình phát triển các “khu bất hợp pháp” thành những căn cứ đứng chân vững
chắc của cách mạng như căn cứ Tung Bủng, Cô Sia, Tân Túc, Đắc Min, xã Đoàn,
xã Hiếu (Kon Tum), huyện 2, huyện 7 (An Khê), Nam
– Bắc đường 9 (Trị Thiên),
24

×