Tải bản đầy đủ (.doc) (7 trang)

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIẢNG DẠY CÁC HỌC PHẦN CHUYÊN NGÀNH KẾ TOÁN

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (118.99 KB, 7 trang )

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIẢNG DẠY
CÁC HỌC PHẦN CHUYÊN NGÀNH KẾ TOÁN
TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC QUẢNG BÌNH
ThS Phan Thị Thu Hà
ThS Trương Thùy Vân
Khoa Kinh tế - Du Lịch
1. Đặt vấn đề
Trong cuộc trao đổi với ông Ian Lydall, tổng giám đốc Price Water House
Coopers - một công ty Kiểm toán hàng đầu Việt Nam cho rằng, việc đào tạo nhân lực
cho ngành kế toán, kiểm toán tại Việt Nam chưa thực sự đúng phương pháp. Theo
ông “Đào tạo kế toán tại các trường đại học của Việt Nam có phần giới hạn người
học về quyền lựa chọn các khối lượng kiến thức phù hợp với khả năng của mình về
phát triển nghề nghiệp sau này. Cách đào tạo này cung cấp một khối lượng kiến thức
như nhau cho mọi sinh viên, trong khi thực tế có nhiều sinh viên có nhu cầu chuyên
sâu về mảng kế toán quản trị, hệ thống thông tin hay kiểm toán, do vậy đào tạo ra
một khối lượng kiến thức nhiều, rộng nhưng chưa thật sự giỏi và sắc bén”.
Ông Mai Thanh Tòng, phó chủ tịch Hội kế toán TP Hồ Chi Minh cho biết:
“Sinh viên tốt nghiệp ngành kế toán Việt Nam mới ra trường rất ít người có thể áp
dụng một các rành rọt những gì mình đã học được ở nhà trường vào công việc mà
doanh nghiệp giao cho, dù là một công việc không phức tạp…”
Như vậy có thể thấy rằng với cách thức đào tạo như hiện nay, kết quả của việc
đào tạo kế toán và nhu cầu tuyển dụng khó có thể gặp nhau. Một trong những
nguyên nhân chủ yếu là việc lựa chọn phương pháp cũng như mô mình tổ chức
giảng dạy trong các học phần kế toán chưa thật sự phù hợp. Xuất phát từ thực tế đó,
bài viết sẽ trình bày một số quan điểm về giảng dạy kế toán trên thế giới và từ đó đề
xuất một số phương pháp giảng dạy các học phần kế toán, nhằm nâng cao chất
lượng đào tạo ngành kế toán tại trường Đại học Quảng Bình.
2. Một số quan đểm về giảng dạy Kế toán trên thế giới
Cho tới nay có nhiều nghiên cứu mang tính đột phá trong phát triển đào tạo kế
toán. Stoner anh Milner cho rằng, đào tạo kế toán nên làm việc với các bên liên
quan để chuẩn bị cho việc học tập và cơ hội nghề nghiệp của sinh viên. Các nghiên


cứu này cũng đề xuất về những thay đổi chính đối với việc dạy và học kế toán trong
việc chuẩn bị cho sinh viên làm việc trong nghề kế toán. Theo Howieson, đào tạo kế
toán cần có những thay đổi lớn trong thập niên mới phù hợp với thay đổi trong môi
trường kinh doanh. Ngược lại, nó có thể ảnh hưởng tới định hướng trong đào tạo kế
toán – kiểm toán trong tương lai.
Jackling cho rằng các mô hình nhấn mạnh tới khả năng ghi nhớ và “hồi tưởng”
thực tế được xem là kém khả thi khi dạy kế toán và dẫn tới sự thụ động của sinh
viên. Albrecht và Sack nhấn mạnh tới tầm quan trọng của phát triển kỹ năng từ các
chương trình kế toán. Còn Kavanagh and Drennan cho rằng mô hình dạy hiện tại
không đặt trọng tâm vào việc phát triển năng lực kế toán thực hành cho sinh viên.
Theo quan điểm của Howieson thì các chuyên ngành kế toán cần xác định rõ sự
chuyển hướng trong kỹ năng của các kế toán viên bằng các phát triển các khóa học
và phương pháp dạy học mà hiện tại chúng liên quan tới nhiều vấn đề học thuật và
phân tích trong định hướng của họ. Một số nghiên cứu trong đào tạo kế toán nhấn
mạnh vào tầm quan trọng của việc giải quyết các vấn đề về kỹ năng làm việc theo
nhóm. Farrell and Farrell cho rằng mục tiêu làm việc nhóm trong một trường đại
học là sự chuẩn bị tốt cho việc thực hành nghề nghiệp tại công ty. Zakaria anh Iksan
khẳng định rằng sinh viên kế toán phải làm việc theo nhóm- đây là kỹ năng tối thiểu
trong môi trường kinh doanh hiện tại. Mohidin cho rằng thông qua làm việc nhóm,
sinh viên kế toán có sự tham gia tốt hơn, tự tin hơn và có khả năng lãnh đạo tốt hơn.
Hầu hết các nhà tuyển dụng đều không mong muốn nhân viên chỉ biết ngồi và ghế
và hoàn thành công việc với đồng nghiệp mà không giao tiếp với họ, Vì thế, dạy kế
toán nên thúc đẩy sinh viên phát triển theo khả năng giao tiếp và kỹ năng kinh
doanh cần thiết (Albrecht &Sack; Jones &Abraham).
Fortin and Legault phát hiện thấy việc sử dụng các phương pháp giảng dạy
tổng hợp đã khuyến khích các kỹ năng khái quát của sinh viên kế toán hơn là những
bài giảng truyền thống. Mohidin ủng hộ vai trò quan trọng của việc thực hiện giảng
dạy trợ giúp sinh viên tốt như là một phương pháp rèn luyện. Những nhà đào tạo kế
toán phải thực hiện những phương pháp giảng dạy để trợ giúp cho đào tạo nhằm đạt
được các mục tiêu một cách có hiệu quả.

Những quan điểm nói trên trên đều khuyến khích tính tích cực, chủ động của
người học hay có thể khẳng định rằng nền giáo dục hiện đại hiện nay phát triển theo
xu hướng khuyến khích việc lấy người học làm trung tâm. Với rất nhiều quan điểm
và phương pháp giảng dạy khác nhau trên thế giới đối với ngành Kế toán, câu hỏi
đặt ra là lựa chọn phương pháp giảng dạy nào nâng cao chất lượng đào tạo chuyên
ngành Kế toán phù hợp với tình hình thực tế hiện nay?
3. Giải pháp đổi mới phương pháp giảng dạy Kế toán tại Trường Đại học
Quảng Bình
Để tìm được một mô hình giảng dạy, phương pháp giảng dạy kế toán phù hợp
cho các trường đại học trong cả nước nói chung và trường Đại học Quảng Bình nói
riêng là một vấn đề đang rất được quan tâm. Đổi mới phương pháp giảng dạy ở bậc
đại học là một yêu cầu thực tế khách quan nhằm tạo ra nguồn lao động đáp ứng nhu
cầu của xã hội. Vấn đề đặt ra đối với việc đào tạo nguồn nhân lực kế toán không chỉ
cần về số lượng mà còn cả về mặt chất lượng để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt
khe của thị trường.
Hiện nay chương trình đào tạo chuyên ngành kế toán tại trường đại học Quảng
Bình có một số học phần thuộc chuyên ngành đào tạo cử nhân kế toán bao gồm:
Nguyên lý kế toán, Kế toán tài chính (1,2,3), Kế toán hành chính sự nghiệp, Kế toán
máy, Kế toán chi phí, Kế toán quản trị, Kế toán ngân hang, Kế toán thương mại
dịch vụ, Kiểm toán, Phân tích báo cáo tài chính…Đây là các học phần cốt lõi về
chuyên sâu, chuyên ngành giúp trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cần thiết để
sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể làm tốt công việc đúng chuyên môn được học.
Theo chúng tôi, việc đổi mới phương pháp giảng dạy kế toán không có nghĩa
là bỏ hẳn phương pháp này thay thế bằng phương pháp khác và cũng không có
nghĩa xây dựng một phương pháp giảng dạy cố định cho mỗi môn học, mỗi học
phần mà giảng viên phải căn cứ vào đặc điểm của mỗi học phần, từng chương, từng
phần để vận dụng linh hoạt các phương pháp theo hướng nâng cao năng lực và
phương pháp tự học, tự nghiên cứu, tăng cường tính chủ động, tích cực sáng tạo của
sinh viên. Giảng viên cần ứng dụng phương pháp giảng dạy tích cực, hướng tới việc
hoạt động hóa, tích cực hóa hoạt động nhận thức của người học chứ không phải tập

trung vào phát huy tính tích cực của người dạy. Để phương pháp này thực sự phát
huy hiệu quả thì người giảng viên phải nỗ lực hơn nhiều so với giảng dạy theo
phương pháp thụ động. Phương pháp này được cụ thể hóa bằng việc giảng viên
đóng vai trò hướng dẫn sinh viên hoàn thành việc học tập và nghiên cứu của mình.
Sinh viên phải tiến hành thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau như sách tham
khảo, giáo trình, trung tâm dữ liệu, trung tâm học liệu, mạng internet…
Giảng viên nên vận dụng các kỹ thuật giảng dạy hiện đại bao gồm: thiết kế hệ
thống câu hỏi về học liệu bài giảng, tổ chức các buổi diễn thuyết, thuyết trình, các
buổi giải đáp thắc mắc, hướng dẫn sinh viên viết báo cáo, thảo luận, các bài kiểm
tra ngắn, học tập theo chuyên đề, làm bài tập nhóm, nghiên cứu tình huống, mô
phỏng đóng vai, hướng dẫn trực tiếp trên các phần mềm và đi thực tập thực
tế….Các phương pháp giảng dạy hiện đại áp dụng vào giảng dạy các môn chuyên
ngành kế toán có thể chia thành các nhóm sau:
Thứ nhất, phương pháp giảng viên nêu vấn đề, câu hỏi để sinh viên nghiên
cứu tài liệu, kết hợp lý thuyết với thực hành. Phương pháp này đang được áp dụng
hữu hiệu ở các trường đại học hàng đầu thế giới về đào tạo kế toán. Giảng viên
không chỉ đơn thuần dạy cả nguyên lý và học thuyết kế toán mà còn dạy các kỹ
năng thuộc khoa học thực hiện như phân tích dữ liệu kế toán. Các bài tập, câu hỏi
và chủ đề nghiên cứu thường được giao cho sinh viên tìm hiểu trước. Sau khi sinh
viên đã nghiên cứu kỹ các vấn đề đặt ra thì việc trao đổi, thảo luận và phản biện
nhau giữa người dạy và người học, giữa người học với người học là khá dễ dàng.
Từ đó, sinh viên tiếp cận được phần lý thuyết mới theo hướng tích cực chủ động tìm
hiểu chứ không phải là theo hướng bị truyền đạt. Theo chúng tôi phương pháp này
áp dụng tốt cho các học phần mang nặng tính lý thuyết như Nguyên lý kế toán, Kế
toán đại cương, Lý thuyết kiểm toán…cần có sự nghiên cứu tìm hiểu của sinh viên
trước khi giảng viên trình bày.
Thứ hai, phương pháp tổ chức thảo luận, thuyết trình theo nhóm. Phương pháp
này muốn áp dụng một cách hiệu quả thì đòi hỏi giảng viên phải phân công chia
nhóm hợp lý, yêu cầu các nhóm phối hợp thực hiện công việc và tổng hợp kết quả
từ khâu chuẩn bị thu thập tài liệu, xây dựng đề cương, soạn nội dung, thiết kế slides,

ghép các vấn đề, đưa ra các tình huống có thể gặp phải và tìm hướng giải quyết. Các
nhóm muốn làm việc có hiệu quả thì nên hạn chế về số lượng, nên từ khoảng 2-5
sinh viên để đảm bảo các thành viên đều có sự đóng góp trong thành quả chung của
nhóm. Thảo luận nhóm phù hợp với một số các học phần như Nguyên lý kế toán,
Kiểm toán, Kế toán tài chính, Hệ thống thông tin kế toán…
Ví dụ, trong học phần Nguyên lý kế toán, đây là học phần cơ bản đầu tiên của
kế toán, giới thiệu cho sinh viên những khái niệm cơ bản, những lý luận chung về
kế toán, đặt những viên gạch đầu tiên để có thể học chuyên sâu các môn chuyên
ngành khác. Những khái niệm đưa ra có thể rất mới mẻ và khó hình dung cụ thể. Để
củng cố lý thuyết và giúp sinh viên có thể hình dung ra công việc của người kế toán,
giảng viên có thể cho sinh viên làm các bài thuyết trình thảo luận về cách phân loại
chứng từ, các loại sổ sách, các báo cáo tài chính tại những doanh nghiệp cụ thể trên
địa bàn tỉnh Quảng Bình làm ví dụ minh họa cho bài học. Thông qua việc thu thập
số liệu, xử lý và trình bày bài báo cáo sẽ là một cơ hội tốt giúp sinh viên rèn luyện
khả năng làm việc theo nhóm, khả năng thuyết trình và trình bày vấn đề trước đám
đông, khả năng thiết kế và sử dụng các công cụ tin học văn phòng, đây là những kỹ
năng rất cần thiết đối với các sinh viên chuyên ngành kinh tế nói chung và chuyên
ngành kế toán nói riêng trong tương lai.
Thứ ba, phương pháp ứng dụng thực hành trong giảng dạy một số học phần kế
toán. Hiện nay, việc giảng dạy các môn chuyên ngành kế toán tại trường Đại học
Quảng Bình đã có những học phần thực hành trên máy vi tính như Kế toán máy,
Tin học ứng dụng trong kế toán; thực hành trên sổ sách như: Kế toán tài chính 3, Tổ
chức kế toán. Tuy nhiên, theo chúng tôi với một chuyên ngành mà tính ứng dụng và
khả năng vận dụng lý thuyết vào công việc thực tế cao như nghề kế toán thì cần
tăng thời gian thực hành trên máy vi tính và thực hành trên chứng từ, sổ sách, báo
cáo thực tế của các doanh nghiệp, các đơn vị hành chính sự nghiệp để rèn luyện kỹ
năng vận dụng lý thuyết vào thực tiễn công tác kế toán. Có thể thấy rằng, sinh viên
kế toán ra trường đang yếu về một số kỹ năng cơ bản như chưa thành thạo trong các
việc tưởng chừng như rất đơn giản của kế toán đó là viết và quản lý chứng từ (phiếu
thu, phiếu chi, phiếu xuất kho, nhập kho, hóa đơn giá trị gia tăng ). Mặc dù lý

thuyết đã được trang bị đầy đủ nhưng nếu chưa bao giờ được thực hành thì cũng sẽ
gây khó khăn, bỡ ngỡ cho sinh viên. Kỹ năng thực hành trên các phần mềm kế toán
cũng đòi hỏi sinh viên cần vận dụng thường xuyên. Có rất nhiều phần mềm kế toán
đang được sử dụng trên thị trường hiện nay như Misa SME, Misa Mimosa, Fast,
Acsoft, Bravo, Misa Bamboo, Das….Do vậy để vận dụng lý thuyết vào thực tế
không gì tốt hơn là tăng thời lượng thực hành trên máy tính cho sinh viên với việc
mở rộng nhiều phần mềm hơn. Hiện nay tại trường Đại học Quảng Bình mới đưa
vào giảng dạy phần mềm kế toán Misa SME.net cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong khi đó, sinh viên ra trường làm kế toán không chỉ cho các doanh nghiệp mà
có thể làm kế toán cho các đơn vị hành chính sự nghiệp hay hợp tác xã … Do vậy,
việc đưa thêm một số phần mềm vào giảng dạy cho sinh viên là hết sức cần thiết và
sẽ giúp nâng cao khả năng vận dụng vào thực tế của sinh viên sau khi ra trường.
Ngoài ra, trong tương lai cần hướng tới việc xây dựng các phòng kế toán ảo mô
phỏng công việc của một phòng kế toán tại doanh nghiệp để giúp sinh viên thật sự
tiếp cận công việc thực tế, các yêu cầu của doanh nghệp về quản lý tài chính –
thuế….
Thứ tư, phương pháp giảng dạy dựa vào việc nghiên cứu tình huống. Giảng
viên có thể thiết kế các tình huống gắn liền với thực tế công việc trong quá trình
giảng dạy. Theo chúng tôi, phương pháp này áp dụng hiệu quả cho các học phần Kế
toán tài chính, Kế toán hành chính sự nghiệp, Kế toán thương mại dịch vụ. Đối với
các học phần Kế toán tài chính, khối lượng kiến thức nghiệp vụ cung cấp trong từng
chương, từng tiết giảng rất lớn về cả lý luận nghiệp vụ cũng như thực hành nghiệp
vụ. Mục tiêu của học phần Kế toán tài chính I cung cấp các kiến thức liên quan đến
kế toán trong doanh nghiệp sản xuất, Kế toán tài chính II đưa ra các vấn đề về kế
toán trong các loại hình doanh nghiệp khác, Kế toán tài chính III tổng hợp các kiến
thức và giúp sinh viên thực hành sổ sách kế toán theo các hình thức ghi sổ kế toán.
Nhìn chung, cách dạy học phần này chủ yếu đòi hỏi sinh viên phải ghi nhớ rất
nhiều định khoản các nghiệp vụ kinh tế theo chế độ kế toán. Nội dung giảng dạy
dàn trải, chi tiết và khó nhớ cho sinh viên. Việc đổi mới phương pháp dạy học phần
này cần có sự thay đổi theo hướng các bài tập và tình huống đưa ra phải gắn với

thực tế của doanh nghiệp, đơn vị chứ không nên suy diễn từ lý thuyết. Muốn ứng
dụng tốt phương pháp này, giảng viên cần có nhiều kinh nghiệm, nghiên cứu các
tình huống có thật tại các doanh nghiệp và từ đó xây dựng nên hệ thống các bài tập
kế toán có tính ứng dụng vào thực tế công việc của kế toán viên.
Thứ năm, phương pháp ứng dụng các tiện ích của internet trong giảng dạy.
Môi trường học tập hiện nay là môi trường ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối
mạng toàn cầu, các hoạt động của lớp học không nên bó hẹp trong phạm vi lớp học.
Giảng viên nên thiết kế các hoạt động nhằm khai thác tối đa ứng dụng của tiện ích
00internet để tăng cường tính chủ động của sinh viên trong học tập. Trong mỗi chủ
đề của học phần, giảng viên có thể yêu cầu sinh viên tìm kiếm và chia sẻ tài liệu
trên mạng internet bằng cách thiết kế các trang web của lớp. Giảng viên và sinh
viên có thể chia sẻ cho nhau các tài nguyên liên quan đến các học phần nhằm đạt
được kết quả cao nhất.
4. Kết luận
Giáo dục hiện đại dù tiến hành theo mô hình nào cũng phải đặt người học vào
vị trí trung tâm của hoạt động dạy và học, xem cá nhân người học - với những phẩm
chất và năng lực riêng của mỗi người - vừa là chủ thể, vừa là mục đích của quá trình
đó, phấn đấu tiến tới cá thể hóa quá trình học tập với sự trợ giúp của các phương
tiện, thiết bị hiện đại, để cho tiềm năng của sinh viên được phát triển tối ưu.
Đổi mới phương pháp giảng dạy các học phần kế toán trong thời gian qua đã
có những chuyển biến tích cực nhưng chưa thật triệt để. Người học vẫn đang còn rất
thụ động trong việc học tập, người dạy thì vẫn chưa tìm được một phương pháp thật
sự phù hợp cho mình.
Để các phương pháp giảng dạy phát huy hiệu quả cần phải khơi gợi tính chủ
động, phát huy năng lực sáng tạo của người học, đồng thời đòi hỏi giáng viên phải
không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, có đầu óc sáng tạo và nhạy cảm mới
có thể đóng vai trò là người gợi mở, trợ giúp, hướng dẫn trong các hoạt động độc
lập của người học, đánh thức năng lực trong mỗi người học, chuẩn bị tốt cho người
học tham gia phát triển bản thân, lĩnh hội tốt kiến thức được truyền đạt, tích lũy kỹ
năng phát triển sau này.

Vì vậy giảng viên phải là người nhận thức được sâu sắc tinh thần của giáo dục
hiện đại, và cần đổi mới trong từng tiết giảng, từng lần giảng cũng như không
ngừng trau dồi kỹ năng giảng dạy để hoạt động dạy học đạt hiệu quả tốt nhất./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện
giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020.
[2] Nguyễn Thị Phương Hoa, “Sử dụng phương pháp nghiên cứu tình huống trong dạy
học giáo dục học”, Bộ môn tâm lý- giáo dục, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
[3] Nguyễn Đình Hựu, “Về một chiến lược phát triển nguồn nhân lực kế toán, kiểm
toán”, Tạp chí kế toán, số 77.
[4] Phan Trung Kiên, “Giảng dạy kế toán, kiểm toán trong các trường Đại học Việt
Nam: Thực trạng và việc lựa chọn mô hình phù hợp”, Hội thảo kế toán trường Đại học
Kinh tế Quốc dân, 2010.
[5] Trương Bá Thanh, Trần Đình Khôi Nguyên, “Đổi mới công tác đào tạo kế toán,
kiểm toán trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới”; Hội thảo kế toán 2010.
[6] Lê Quang Sơn, Bài giảng tâm lý học và phương pháp giáo dục đại học, Đại học
Đà Nẵng, 2013.
[7] International Journal of Business Research Publisher, Toward a global
accounting Education in Europe, International Academy of Business and Economics,
ISSN 1555-1296.

×