Đề 2 : Phân tích các đặc điểm của thuế. Ý nghĩa pháp lý của việc xác định
đặc điểm của thuế trong việc xây dựng hệ thống pháp luật thuế hiện hành.
Bài làm.
Hiện nay có rất nhiều khái niệm về thuế nhưng ta có thể rút ra những nét
chung sau : “Thuế là khoản thu nộp mang tính bắt buộc mà các tổ chức hoặc
cá nhân phải nộp cho nhà nước ki có đủ những điều kiện nhất định” (Giáo
trình Luật thuế Việt Nam trường ĐH Luật Hà Nội). Nó vừa là một phạm trù
kinh tế, vừa là phạm trù lịch sử. Thuế được ra đời một cách tất yếu và khách
quan, gắn với sự hình thành của nhà nước. Do vậy mà Thuế có những đặc
điểm nhất định. Việc xác định được những đặc điểm của Thuế có ý nghĩa rất
quan trong trong việc xây dựng hệ thống phát luật thuế hiện hành. Sau đây,
chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu những đặc điểm của Thuế và ý nghĩa pháp lý
của việc xác định những đặc điểm này trong việc xây dựng hệ thống pháp
luật thuế hiện hành.
1.Các đặc điểm của Thuế :
Thứ nhất, thuế là khoản thu nộp bắt buộc vào ngân sách. Tính chất bắt
buộc thể hiện ở chỗ, đối với người nộp thuế, đây là nghĩa vụ chuyển giao tài
sản của họ cho nhà nước khi có đủ điều kiện mà không phải là quan hệ thanh
toán dù trong hợp đồng hay ngoài hợp đồng.
Tính chất bắt buộc của thuế có mối quan hệ mật thiết với tính không
hoàn trả. Do thuế không có tính hoàn trả, về lí thuyết khó tìm thấy sư tự
nguyện khi nộp thuế - hành vi chuyển giao một khối lượng tài sản cho nhà
nước và chắc chắn sẽ không nhận lại chúng trong tương lai. Vì vậy, để thực
hiện thu thuế ổn định, phải sự dụng biện pháp bắt buộc như một thuộc tính
cơ bản của thuế.
Thứ hai, thuế gắn với yếu tố quyền lực. Tính quyền lực của thuế được
xuất phát bởi lí do xuất hiện các khoản thu về thuế của nhà nước. Thuế xuất
hiện cùng với sự xuất hiện của nhà nước, thực hiện việc cung cấp cơ sở vật
chất cho nhà nước thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của mình. Các nhà
kinh tế chính trị đều thống nhất cho rằng thuế là biện pháp chủ yếu của nhà
nước can thiệp vào nền kinh tế. Bằng quyền lực chính trị, nhà nước tạo ra
cho thuế tính cố định, sự tuân thủ của đối tượng nộp thuế. Các yếu tố như
đối tượng nộp thuế, thuế suất... được quy định trước và mang tính ổn định
trong một thời gian nhất định. Chỉ gắn với yếu tố quyền lực, thuế mới đảm
bảo hoàn thành nhiệm vụ tạo nguồn thu nhập tài chính cho nhà nước.
Thứ ba, thuế không mang tính hoàn trả đối giá, không hoàn trả trực
tiếp. Thuế không phải là khoản phải trả phí khi các đối tượng nộp thuế đã
nhận được một lợi ích hay quyền lợi cụ thể nào từ phía nhà nước. Bất kì ai,
khi đủ điều kiện đều phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đối với nhà nước,
không phân biệt họ đã nhận được lợi ích công nào. Điều này cho phép phân
biệt thuế với các khoản thu nộp do đối tượng nộp chỉ thực hiện nghĩa vụ của
mình khi đã nhận được một lợi ích nhất định từ phía nhà nước. Đó là các
khoản thu từ phí và lệ phí.
Thuế xuất hiện do nhu cầu chi tiêu của nhà nước, của các chủ thể quản
lý xã hội. Kết quả của việc sử dụng các khoản thu từ thuế chủ yếu là các sản
phẩm công (những lợi ích, không thể xác định theo giá trị vật chất). Điều đó
lý giải tại sao thuế phải là các khoản thu không có tính chất hoàn trả. Tuy
vậy, kết quả những sản phẩm do nhà nước sử dụng các khoản thu từ thuế lại
được hưởng thụ bởi chính những đối tượng nộp thuế, đó là sự bình yên xã
hội, sự phát triển và thịnh vượng, chế độ phúc lợi công cộng… Nói khác đi,
người nộp thuế được hoàn trả một cách gián tiếp những khoản tiền nộp cho
nhà nước.
2. Ý nghĩa pháp lý của việc xác định đặc điểm của thuế trong việc xây dựng
hệ thống pháp luật thuế hiện hành.
Việc xác định đặc điểm của thuế có ý nghĩa pháp lý đặc biệt quan trọng
trong việc xây dựng hệ thống pháp luật thuế hiện hành. Trên phương diện
xây dựng hệ thống pháp luật thuế hiện hành, việc xác định đặc tính của thuế
giúp cho các nhà làm luật lựa chọn điều chỉnh pháp luật phù hợp đối với
thuế; mặt khác, giúp cho các đối tượng có liên quan thực hiện đầy đủ chức
trách và nhiệm vụ của mình.
Vì là một khoản thu mang tính bắt buộc, cho nên khi xây dựng pháp
luật về thuế, các nhà làm luật phải đặc biệt chú trọng khi xây dựng hệ thống
pháp luật về thuế. Bởi nhẽ, đây là một trong những dấu hiệu quan trọng để
phân biệt thuế với các khoản thu khác trên cơ sở tự nguyện. Cũng bởi vì thuế
là một khoản thu mang tính chất bắt buộc, nên cần phải có một hệ thống các
cơ quan thu thuế nhằm đảm bảo nguồn thu ngân sách này cho nhà nước. Do
đó, ban hành kèm theo các luật thế là những quy định về chức năng nhiệm
vụ quyền hạn của các cơ quan thu thuế. Điều đó giúp cho đảm bảo được
nguồn thu ngân sách nhà nước, đồng thời cũng đảm bảo cho người nộp thuế
được thực hiện nghĩa vụ của mình một cách công bằng, không có xự phân
biệt đối xử trong quá trình thu và nộp thuế.
Bởi thuế mang tính chất quyền lực nhà nước, cho nên để gắn được yếu
tố quyền lực nhà nước, thuế luôn được ghi nhận ở văn bản pháp luật có hiệu
lực pháp lý ở mức cao nhất – các luật thuế. Điều đó cũng gián tiếp đảm bảo
tính ổn định trong việc xác định nguồn thu nhập tài chính của nhà nước và
đảm bảo tính ổn định của thuế. Và để đảm bảo cho tính chất quyền lực nhà
nước của thuế, pháp luật còn quy định những cơ quan nhà nước riêng,
chuyên trách trong lĩnh vực thuế.
Do thuế không mang tính hoàn trả đối giá và đồng thời nó cũng là một
khoản thu mang tính bắt buộc. Cho nên không thể xây dựng một hệ thống
thuế một cách tùy tiện, mà phải xây dựng sao cho hiệu quả phù hợp, cân
bằng giữa lợi ích của người nộp thuế và nhà nước. Đồng thời cũng phải xây
dựng các quy định chặt chẽ về việc sử dụng thuế sao cho có hiệu quả, đảm
bảo lợi ích cho người dân được hưởng những giá trị do thuế mang lại. Có
như vậy, người dân mới chấp hành nghiêm chỉnh nghĩa vụ nộp thuế của
mình.