SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
ĐỀ TÀI:
“MỘT SỐ BIỆN PHÁP GIÚP TRẺ TÍCH CỰC KHÁM PHÁ THIÊN
NHIÊN”
1/ Sự cần thiết, mục đích của việc thực hiện sáng kiến:
- Đối với trẻ em, thiên nhiên là một trong những đối tượng và là phương tiện quan
trọng để phát triển toàn bộ nhân cách đứa trẻ. Thiên nhiên làm cho đứa trẻ thích thú, chú
ý, quan tâm đến xung quanh hơn, nó làm phát triển năng lực quan sát, trí thông minh và
vốn sống thực tiễn của trẻ.
- Thông qua việc khám phá thiên nhiên còn giúp trẻ hiểu biết muôn loài, nhận biết
tầm quan trọng của môi trường thiên nhiên đối với đời sống con người. Từ đó trẻ biết
chăm sóc cây xanh, vật nuôi, bảo vệ môi trường, biết yêu qúy lao động, nhất là lao động
chân tay, bởi vì dù khoa học kĩ thuật có phát triển tới đâu đi nữa thì thiên nhiên vẫn cần
phải được con người chăm sóc và bảo vệ, thông qua khám phá thiên nhiên giúp trẻ ham
hiểu biết và thích khám phá những điều mới lạ.
- Qua nhiều năm công tác tôi suy nghĩ rất nhiều về vấn đề cho trẻ tiếp xúc với thiên
nhiên qua những giờ hoạt động ngoài trời: Phải làm thế nào để giúp trẻ tiếp cận và tích
cực khám phá thiên nhiên, làm thế nào để trẻ hiểu rằng xung quanh chúng còn rất nhiều
điều mới lạ mà chúng chưa khám phá hết được, làm thế nào để thế hệ trẻ thơ hiểu được
những điều lớn lao mà thiên nhiên mang lại cho con người.
- Nên thông qua hoạt động ngoài trời sẽ giúp trẻ được khám phá thiên nhiên, được
tự mình trải nghiệm, tìm tòi khám phá nhiều điều kỳ thú, qua đó trẻ tích lũy được nhiều
kinh nghiệm cảm tính, trẻ được trực tiếp nhìn thấy hiện tượng tự nhiên trong môi trường
sống thực với tất cả những mối quan hệ và sự phụ thuộc lẫn nhau. Trẻ được dạo chơi
thoải mái tạo ra sự sung sướng, thỏa mãn khi được tiếp xúc với môi trường xung quanh.
- Tóm lại: Thiên nhiên xung quanh rất gần gũi, gắn bó và có vai trò quan trọng đối
với người lớn cũng như trẻ em. Thiên nhiên tạo cho con người sự sống. Thiên nhiên
chính là nguồn lực sống để tái tạo, trau dồi vào tâm hồn trẻ thơ giúp chúng ứng dụng
khoa học kĩ thuật tốt hơn. Thiên nhiên có tầm quan trọng đối với con người như vậy nên
con người phải luôn có ý thức bảo vệ thiên nhiên.
- Mục đích của việc thực hiện sáng kiến: Trước hết là giúp giáo viên đứng lớp có
những biện pháp tổ chức hướng dẫn trẻ hoạt động ngoài trời đạt hiệu quả cao, giúp trẻ
tích cực khám phá thiên nhiên, hiểu biết về thế giới muôn loài xung quanh trẻ, hiểu về
tầm quan trọng của việc phải bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường.
2/ Phạm vi triển khai thực hiện:
- Các biện pháp giúp trẻ tích cực khám phá thiên nhiên thông qua hoạt động ngoài
trời được triển khai và thực hiện thí điểm tại lớp Lá 2 trường Mầm non Sông Đốc đạt kết
quả cao, các biện pháp này có thể áp dụng cho tất cả các độ tuổi trong trường Mầm non.
3/ Mô tả sáng kiến:
Sáng kiến: Gồm có 6 biện pháp để giúp trẻ tích cực khám phá thiên nhiên thông
qua hoạt động ngoài trời.
a/ Chuẩn bị tốt về đồ dùng, đồ chơi, tâm lý, sức khỏe cho buổi hoạt động:
- Để buổi hoạt động ngoài trời đạt kết quả cao trước hết người giáo viên phải:
+ Xác định đối tượng, số lượng, vị trí các đối tượng, khu vực tổ chức hoạt động của
trẻ, dự kiến những ảnh hưởng của thời tiết đến các đối tượng trẻ sẽ quan sát khám phá.
Dự kiến về nội dung sẽ cho trẻ lao động, chăm sóc thiên nhiên.
+ Chuẩn bị phương tiện cho trẻ hoạt động, ngoài các đối tượng đã có trên sân,
vườn, cần chuẩn bị các dụng cụ cho trẻ hoạt động như: các đồ chơi cần thiết, các đồ
dùng, dụng cụ cho trẻ tham gia lao động, làm thí nghiệm. những đồ chơi cho trẻ chơi
đóng vai, đồ chơi cát.
+ Tìm hiểu tâm lí và tình trạng sức khoẻ của từng trẻ trước khi khám phá.
+ Tạo cơ hội để trẻ nói về những suy nghĩ của mình.
+ Sưu tầm các trò chơi mới lạ để thu hút trẻ.
+ Nhắc trẻ uống nước, đi vệ sinh trước khi ra sân.
- Không chỉ về học tập mà thông qua hoạt động khám phá thiên nhiên ngoài trời sẽ
tăng cường sức đề kháng cho cơ thể trẻ, giúp trẻ có một sức khoẻ dồi dào, chống lại sự
thay đổi đột ngột của thời tiết.
b/ Tạo bầu không khí thoải mái trước khi quan sát:
- Đối với trẻ nhỏ, sự động viên khích lệ của người lớn trước khi làm một việc gì đó
là rất quan trọng, nó tạo cho trẻ sự thoải mái, tự tin vào bản thân, trẻ dám làm, dám nghĩ
và dám nói ra những điều trẻ quan sát phát hiện ra, nếu bầu không khí không được thoải
mái trẻ sẽ không dám nêu lên những điều trẻ khám phá được vì trẻ sợ, nếu sai sẽ bị la,
nên việc tạo cho trẻ có tâm thế thoải mái khi quan sát sẽ giúp giờ học trở nên sôi động,
giúp trẻ tích cực hơn trong giờ khám phá đạt kết quả cao.
c/ Tổ chức quan sát trực tiếp các đối tượng, thường xuyên cho trẻ tiếp xúc với
môi trường sống:
- Hoạt động ngoài trời là cơ hội tốt nhất để tổ chức các hoạt động đa dạng tích cực
của trẻ, trong quá trình hoạt động trẻ được tiếp xúc với thiên nhiên: với mây, với nắng và
gió, với hoa, lá, cỏ, cây…
- Vậy nên khi tổ chức cho trẻ quan sát cần cho trẻ quan sát trực tiếp nhất là trẻ phải
được thường xuyên quan sát môi trường sống, trong quá trình quan sát, khả năng tri giác
của trẻ chính xác hơn, nhanh nhạy hơn, óc quan sát sắc nhọn và tinh tế hơn. Vì khi quan
sát trẻ sẽ được tận mắt nhìn thấy cây cỏ, hoa lá, các con vật và những công việc làm của
con người. Trẻ được nhìn, sờ tay, ngửi, ăn, nếm…những cái mới lạ trong thiên nhiên và
đích thực tai trẻ nghe thấy tiếng chim hót, gà gáy…nói chung trẻ sẽ được đắm mình trong
môi trường thiên nhiên và khám phá cuộc sống mới lạ.
Ví dụ: Khi khám phá các loại cây trẻ mẫu giáo lớn sẽ hiểu sâu hơn, rõ hơn, và cụ
thể hơn về các loại cây (thân đứng, thân bò, thân leo…)
Khi khám phá về các hiện tượng thiên nhiên: “gió” trẻ sẽ cảm nhận được gió có ích
lợi gì? Gió thổi cơ thể con người cảm thấy như thế nào? Tại sao con biết là đang có gió?
Lắng nghe gió thổi qua lá cây?
d/ Không biến buổi hoạt động ngoài trời thành tiết khám phá môi trường xung
quanh:
- Khi tổ chức cho trẻ khám phá thiên nhiên giáo viên cần xác định rõ mục đích và
yêu cầu của giờ hoạt động, tổ chức cho trẻ hoạt động cần tự do thoải mái, tránh gò bó áp
đặt, cần tiến hành trên nền cảm xúc và sự hứng thú của trẻ với đối tượng đang quan sát,
không nhất thiết phải thực hiện các nội dung theo một trật tự cứng nhắc mà phải linh hoạt
tùy vào tình hình của trẻ và diễn biến của giờ chơi.
Ví dụ: Khi trẻ đang chăm chú quan sát những bông hoa trong vườn trường, thì một
con bướm bay qua, tất cả trẻ đều nhìn theo con bướm, khi đó giáo viên phải linh động
chuyển mục đích quan sát bông hoa sang quan sát con bướm theo sự hứng thú của trẻ,
không bắt trẻ phải tiếp tục quan sát bông hoa khi trẻ không chú ý tới hoa nữa.
- Sau khi cho trẻ quan sát cần cho trẻ tự nói lên những điều mà trẻ quan sát được,
sau đó giáo viên sử dụng các câu hỏi để kích thích tính tò mò ham hiểu biết của trẻ. Hệ
thống câu hỏi đặt ra cho buổi hoạt động cần chuẩn bị chu đáo, chú ý câu hỏi đàm thoại
cần ngắn gọn, rõ ràng, đúng ngữ pháp có tác dụng rèn luyện, phát triển tư duy của trẻ.
Câu hỏi khó nên đặt đối với trẻ khá giỏi, câu hỏi dễ nên đặt cho cho trẻ yếu kém.
Ví dụ: Quan sát hoa đối với trẻ 5 – 6 tuổi:
- Câu hỏi đặt cho trẻ yếu kém.
+ Vườn hoa có những màu gì?
+ Những hoa nào có mùi thơm?
+ Những hoa nào không có mùi thơm?
+ Hoa hồng dùng để làm gì?
+ Hoa huệ dùng để làm gì?
+ Con thích hoa nào?
- Câu hỏi đặt cho trẻ khá giỏi.
+ Thế nào là bông hoa?
+ Thế nào là cành hoa?
+ Những hoa nào mọc thành cành?
+ Những hoa nào không mọc thành cành?
e/ Tổ chức cho trẻ khám phá xã hội thông qua lao động:
- Lao động là một hình thức tổ chức giáo dục quan trọng cho trẻ trong trường mầm
non, đây là một hoạt động được trẻ nhỏ ưa thích. Trong quá trình tham gia lao động, trẻ
sẽ tự tích lũy được các kinh nghiệm trong cuộc sống, tổ chức cho trẻ lao động là cơ hội
cho trẻ được thể hiện và rèn luyện các phẩm chất nhân cách quan trọng của người lao
động, đó là: sự cần cù, chịu khó, sự kiên trì, quyết tâm, cố gắng vượt khó để hoàn thành
nhiệm vụ.
- Có thể tổ chức cho trẻ lao động chăm sóc thiên nhiên như: Xới đất, nhổ cỏ, nhặt lá
úa cho cây, cho chim và thú nuôi ăn, nhặt lá rụng, tưới nước cho cây…
Ví dụ: Sau khi tổ chức cho trẻ quan sát cây trong sân trường, giáo viên có thể hỏi
trẻ: Làm gì cho cây mau lớn? các con có muốn tự mình chăm sóc cây không? Sau đó cô
cho trẻ sử dụng quốc, giá để vun đất cho gốc cây, sử dụng bình tưới để tưới nước cho
cây, tìm sâu trên lá cây…
g/ Tổ chức các trò chơi cho trẻ:
- Với trẻ Mầm Non chơi là hoạt động chủ đạo, chơi mà học - học mà chơi, thông
qua chơi trẻ lĩnh hội những hiểu biết về khoa học cũng như cuộc sống.
- Ngoài những hoạt động khám phá, tìm tòi thì với thiên nhiên ấy ta có thể xen lẫn
vào đó các trò chơi vận động, học tập, dân gian để củng cố tri thức mà trẻ vừa được khám
phá, trải nghiệm.
- Khi tổ chức các trò chơi giáo viên cần lưu ý tạo cho trẻ không khí sôi nổi, thoải
mái, lôi cuốn trẻ tham gia vào trò chơi tích cực. Cần xen kẽ trò chơi động và tĩnh để giúp
trẻ cân đối về thể lực. Có thể tận dụng các nguyên vật liệu thiên nhiên sẵn có trên sân để
tổ chức thành trò chơi học tập đơn giản, nhưng cũng nhằm mục đích củng cố tri thức và
phát triển tư duy ở trẻ.
Ví dụ: Trò chơi học tập khi trẻ mới học ở giờ toán với đề tài “Đếm đến 5, nhận biết
chữ số 5” ta có thể cho trẻ tìm 5 cây trong vườn giống nhau và tìm sô 5 gắn vào đó.
Cho mỗi trẻ nhặt 5 lá cây và xếp thành hình bé thích như: Hoa 5 cánh, ngôi sao 5
cánh…
- Tổ chức cho trẻ được chơi tự do theo ý thích: Cho trẻ chơi với cát, nước, xây mô
hình bằng cát, sỏi, vẽ trên sân, trên cát, đất hoặc trẻ có thể chơi các trò chơi đóng vai, leo
trèo, đánh đu, trốn tìm, đuổi nhau…chơi với các đồ chơi sẵn có ngoài trời.
- Thông qua trò chơi giúp cho trẻ có tính đoàn kết, yêu thương nhau, sự tự tin, can
đảm trước những sự việc biến đổi không ngừng của cuộc sống.
4/ Kết quả, hiệu quả mang lại:
- Khi chưa áp dụng thực hiện các biện pháp trên thì trẻ lớp tôi thường nhút nhát
trong hoạt động khám phá thiên nhiên, không tự tin nêu lên những điều trẻ quan sát được
nên buổi hoạt động đạt hiệu quả chưa cao, trẻ không hứng thú với đối tượng quan sát,
chưa có ý thức cao trong việc bảo vệ môi trường, yêu quý thiên nhiên, lao động.
- Sau khi áp dụng thực hiện vào giảng dạy đã giúp trẻ lớp tôi mạnh dạn tích cực
khám phá thiên nhiên, tham gia tích cực các hoạt động, giờ hoạt động ngoài trời đạt kết
quả cao.
BẢNG THỐNG KÊ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC TRÊN TRẺ
ĐẾN THÁNG 5/ 2013
Nội dung
Trước khi áp dụng các
biện pháp
Sau khi áp dụng các
biện pháp
Tăng
Số trẻ Tỉ lệ Số trẻ Tỉ lệ
Mạnh dạn, tự tin 18/ 35 trẻ 51 % 34/ 35 trẻ 97 % 46 %
Tích cực khám phá
thiên nhiên
26/ 35 trẻ 74 % 35/ 35 trẻ 100 %
26 %
Ý thức bảo vệ môi
trường
12/ 35 trẻ 34 % 35/ 35 trẻ 100 % 66 %
Yêu quý thiên
nhiên
12/ 35 trẻ 34 % 34/ 35 trẻ 97 % 63 %
Thích lao động
25/ 35 trẻ 71 % 35/ 35 trẻ 100 % 29 %
5/ Đánh giá về phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến:
- Bản sáng kiến này có ảnh hưởng trực tiếp đến giáo viên đứng lớp, giúp giáo viên
hiểu sâu về tầm quan trọng của việc khám phá thiên nhiên đối với sự phát triển của trẻ, từ
đó giáo viên sẽ có những biện pháp để tổ chức hướng dẫn trẻ khám phá thiên nhiên thông
qua hoạt động ngoài trời đạt hiệu quả cao.
- Sau khi áp dụng những biện pháp trên vào giảng dạy tôi nhận thấy có sự chuyển
biến rõ rệt trên trẻ, trước đây trẻ lớp tôi thường rất nhút nhát, làm gì cũng sợ, không tự tin
vào bản thân mình, tham gia các hoạt động thì chưa tích cực, xả rác lung tung, chưa có ý
thức bảo vệ thiên nhiên, từ khi áp dụng những biện pháp này thì trẻ rất tích cực hứng thú
tham gia vào các hoạt động khám phá thiên nhiên, cảm thụ được vẻ đẹp của thế giới xung
quang trẻ, trẻ được thực hành trải nghiệm lao động. Từ đó trẻ sẽ có ý thức giữ gìn vệ sinh
môi trường, bảo vệ thiên nhiên, yêu quý lao động.
6/ Kiến nghị, đề xuất:
- Kính mong các cấp lãnh đạo quan tâm hơn nữa đến giáo dục mầm non, đầu tư
trang thiết bị dạy và học nhiều hơn để phục vụ cho việc học tập vui chơi của trẻ.
- Sở, phòng GD&ĐT thường xuyên mở các buổi thao giảng chuyên đề cho các giáo
viên tham dự để học hỏi nâng cao tay nghề.