PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trung Quốc là một quốc gia rộng lớn, đông dân vào bậc nhất thế giới.
Trong cộng đồng cư dân Trung Quốc, người Kinh là một dân tộc thiểu số, tập
trung phần lớn ở Kinh Đảo, Giang Bình, Đông Hưng, Quảng Tây. Ngôi làng
Vạn Vĩ nằm trong khu vực Kinh Đảo, là nơi người Kinh tập trung sinh sống từ
khi đến đảo (cách đây gần 500 năm). Trải qua 5 thế kỉ định cư thăng trầm nơi
vùng đảo biên cương, ở Vạn Vĩ vẫn tồn tại khung cảnh làng quê, ngôn ngữ, văn
hoá Việt Nam trong lòng một đất nước khác. Người Kinh ở Vạn Vĩ đã định hình
một kho tàng văn hoá vừa dung hoà các yếu tố văn hoá Hán vừa mang đậm nét
văn hoá truyền thống của người Kinh.
Tín ngưỡng là biểu hiện sắc thái văn hóa tộc người, là tấm gương phản
ánh đời sống thực của họ. Nằm trong kho tàng văn hoá đặc sắc, hệ thống tín
ngưỡng của người Kinh ở Vạn Vĩ đã phản ánh sinh động đời sống xã hội và
đời sống tinh thần của con người nơi đây. Toàn bộ tư liệu thu thập trong luận
văn này sẽ phác họa tương đối đầy đủ, toàn diện về tín ngưỡng của người
Kinh ở Vạn Vĩ.
Nghiên cứu về tín ngưỡng của người Kinh ở Vạn Vĩ giúp chúng ta làm
rõ và nhận diện những đặc điểm văn hoá của một dân tộc thiểu số trong cộng
đồng các dân tộc Trung Quốc. Ghi nhận sự thay đổi từng bước, sự thích nghi,
sáng tạo, hội nhập và phát triển của cộng đồng cư dân người Kinh làng Vạn
Vĩ trong xã hội Trung Quốc đồng thời có thể thấy được sự giao lưu văn hoá
trong tín ngưỡng giữa người Kinh và với các dân tộc khác.
Ngày nay, cùng với quá trình giao lưu và hội nhập, không chỉ người
Kinh mà các tộc người thiểu số khác ở Vạn Vĩ đều chịu tác động từ bên
ngoài. Quá trình ấy đã mang lại những thành tựu to lớn về kinh tế, xã hội và
văn hóa song cũng chính điều đó cũng làm nảy sinh những nguy cơ và thách
1
thức mới. Đặc biệt là sự mai một của những giá trị văn hóa truyền thống của
người Kinh. Vì vậy nghiên cứu các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong
tín ngưỡng của người Kinh nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị ấy là việc
làm cần thiết.
Ở Việt Nam, đã từng có rất nhiều đề tài nghiên cứu về tín ngưỡng, tôn
giáo của người Kinh trong vai trò là chủ thể của đất nước. Nhưng tìm hiểu về
tín ngưỡng của người Kinh với vai trò là dân tộc thiểu số ở Trung Quốc còn
rất ít, chưa hệ thống và mang tính chuyên khảo. Với lòng khát khao tìm hiểu
một phần văn hóa của người Kinh ở Trung Quốc nói chung và Vạn Vĩ nói
riêng, cùng với những nỗ lực hết mình, chúng tôi mong muốn sẽ thực hiện tốt
đề tài này. Vì vậy, chúng tôi mạnh dạn chọn đề tài “Tín ngưỡng của người
Kinh ở làng Vạn Vĩ, Giang Bình, Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc”
làm đối tượng nghiên cứu và tìm hiểu.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Từ trước đến nay, nghiên cứu về tín ngưỡng tôn giáo của người Kinh
với vai trò là chủ thể ở Việt Nam đã thu hút rất nhiều của các học giả trong và
ngoài nước với nhiều công trình tương đối hệ thống, toàn diện. Nhưng khai
thác về tín ngưỡng của người Kinh với vai trò là một dân tộc thiểu số ở một
đất nước đông dân như Trung Quốc thì chưa được giới học giả quan tâm
nhiều. Ở Việt Nam và thế giới, trong giới Sử học, Dân tộc học, Việt Nam học,
Quốc tế học… chưa có công trình nào nghiên cứu về tín ngưỡng của người
Kinh một cách có hệ thống và mang tính chuyên khảo.
Cuốn “Các dân tộc trên thế giới”, Nhà xuất bản Giáo dục Maxcơva, xuất
bản năm 1984 do tác giả Tolxtov (chủ biên), là một công trình đồ sộ về các dân
tộc trên thế giới. Các dân tộc ở Trung Quốc trong đó có người Kinh với tư cách
là một dân tộc thiểu số cũng là một trong số những đối tượng được tác giả
nghiên cứu. Tuy nhiên tác phẩm cũng chỉ giới thiệu một cách chung nhất về
2
người Kinh ở Trung Quốc. Văn hóa nói chung và hệ thống tín ngưỡng nói riêng
cũng chưa được trình bày hệ thống, cụ thể.
Tác phẩm “Kinh tộc” của Hán Minh, Nhà xuất bản dân tộc Bắc Kinh,
xuất bản 1994 (chữ Hán) là công trình viết về người Kinh ở khu vực Kinh
Đảo, thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc rất có giá trị. Tác giả đã theo sát
bước chân người Kinh từ khi họ đến sinh cơ, lập nghiệp trên vùng đất mới
này. Thông qua những trang viết tác giả đã dựng nên bức tranh sinh động đời
sống của cư dân người Kinh ở Kinh Đảo với các mảng như: điều kiện tự
nhiên, kinh tế, văn hoá, hôn nhân, gia đình, tín ngưỡng, phong tục tập quán…
Trong các lĩnh vực mà tác giả quan tâm nghiên cứu thì hoạt động kinh tế và
những tập quán trong nghề đánh cá ở biển khơi chiếm một thời lượng đáng
kể. Tuy nhiên, đây chỉ là tác phẩm rất tổng quan về người Kinh, những thông
tin chỉ cập nhật đến 1994.
Tác phẩm “Tôn giáo dân gian Trung Quốc” của nhiều tác giả là các nhà
nghiên cứu Trung Quốc, Nhà xuất bản Thiên Tân ấn hành năm 1996 (chữ
Hán), cũng đề cập đến các loại hình tôn giáo dân gian của 56 dân tộc ở Trung
Quốc. Trong tác phẩm này, các hình thức tín ngưỡng trong gia đình và cộng
đồng của người Kinh cũng được các tác giả nghiên cứu một cách khái lược.
Năm 1996, 1997, nhà nghiên cứu Trung Quốc Kiều Thu Hoạch đã công
bố 2 bài viết có giá trị về văn hóa có liên quan đến người Kinh ở Trung Quốc.
Đó là bài “Sơ bộ tìm hiểu truyện Tấm Cám ở Trung Quốc”, tạp chí Văn hóa
Dân gian, số 4, 1996 và bài “Sức sống trường tồn - truyện Nôm bình dân”, tạp
chí Văn học, số 2, 1997 đã đề cập phần nào các hình thức lưu truyền và bảo
tồn văn hóa dân gian của cộng đồng người Kinh ở vùng Kinh Đảo.
Cũng với đề tài tìm hiểu về dân tộc Kinh ở Trung Quốc, tác giả Vương
Văn Quang - giáo sư chuyên ngành lịch sử dân tộc thuộc Đại học Vân Nam,
Trung Quốc có tác phẩm “Trung Quốc Nam phương dân tộc sử”, Nhà xuất
3
bản dân tộc, Bắc Kinh, ấn hành năm 1999. Trong tác phẩm này tác giả có
trình bày về người Kinh trong mục “Kinh tộc” dưới các góc độ: lịch sử hình
thành, văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần, phong tục, tập tục, quan hệ dân
tộc Qua bản dịch của Hoàng Quân cho thấy vấn đề được tác giả đề cập
nhiều nhất là nguồn gốc của Kinh tộc còn các lĩnh vực khác chỉ được trình
bày một cách ngắn gọn. Phạm vi thời gian của tác phẩm còn giới hạn, chưa
bao gồm cả giai đoạn hiện tại.
Trong hội nghị thông báo Dân tộc học, Viện dân tộc học năm 2004,
Tiến sĩ Nguyễn Duy Bính với bài viết “Khái quát về người Kinh (Việt) ở
Trung Quốc”, đã dưa ra cái nhìn khái quát về người Kinh ở khu vực Kinh Đảo
trên các phương diện: lịch sử hình thành, tộc danh, địa bàn cư trú, vai trò của
người Kinh trong lịch sử Trung Quốc. Tác giả cũng trình bày khái lược về các
loại hình kinh tế, các dạng thức văn hóa, phong tục tập quán của người Kinh ở
nước này.
Tác giả Nguyễn Duy Bính cũng có bài viết “Dân tộc và chính sách dân
tộc của Trung Quốc” trên tạp chí Dân tộc học số 5 (131) năm 2004. Bài viết
cho người đọc một cái nhìn khái quát về dân số, sự phân bố dân cư, tình hình
kinh tế xã hội các dân tộc ở Trung Quốc. Đặc biệt tác giả dành thời lượng
đáng kể viết về các chính sách của Đảng cộng sản và Chính phủ Trung Quốc
đối với các dân tộc thiểu số trong đó có người Kinh.
Năm 2005, Nguyễn Duy Bính có 2 bài “Nhóm Việt tộc (Kinh tộc)” và
“Hoạt động kinh tế của người Kinh ở Trung Quốc” trên tạp chí Dân tộc và
Thời đại, số 80 và 81. Trong những bài viết của mình, tác giả chú ý đến các
hoạt động kinh tế và những tập quán trong hoạt động kinh tế của người Kinh
ở Trung Quốc.
Cũng trong năm 2005, trong Kỷ yếu Hội nghị thông báo dân tộc học,
Viện dân tộc học, Nhà xuất bản Khoa học xã hội 2005, tác giả Nguyễn Duy
4
Bính còn có bài “Những quy tắc và nghi lễ trong hôn nhân của người Kinh ở
Trung Quốc”. Tác giả đã nghiên cứu những quan niệm, quy tắc hôn nhân và
những nghi lễ trong hôn nhân của người Kinh ở Kinh Đảo trong lịch sử cũng
như sự biến đổi của nó trong hiện tại.
Tác phẩm “Đương đời Trung Quốc đích Kinh tộc” của hai tác giả Ngô
Mãn Ngọc, Tiễn Thiếu Hoa, Nhà xuất bản Học viện Xã hội Quảng Tây, 2006 đã
đề cập toàn diện về lịch sử nguồn gốc, khu vực cư trú, kinh tế, chính trị, ngôn
ngữ, tiết khánh tập tục, hôn nhân, gia đình, giáo dục, khoa học kĩ thuật… của
người Kinh ở Quảng Tây. Trong đó tín ngưỡng của người Kinh ở khu vực này
cũng chỉ được giới thiệu một cách khái quát chưa đầy đủ, sâu sắc.
Nguyễn Thị Phương Châm có tác phẩm “Nghi lễ hôn nhân của người
Kinh ở Làng Vạn Vĩ, Giang Bình, Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc”, Nhà
xuất bản Văn hoá thông tin, xuất bản 2006. Đây là công trình nghiên cứu một
cách tương đối hệ thống và toàn diện về nghi lễ hôn nhân của người Kinh ở
Vạn Vĩ: bao gồm đầy đủ các bước trong một hệ thống lễ nghi; những nền tảng
văn hoá, kinh tế, xã hội cho sự hình thành, tồn tại và biến đổi các nghi lễ này;
tác giả có so sánh nghi lễ hôn nhân của người Kinh với các tộc người khác ở
Việt Nam và Trung Quốc. Bên cạnh đó, tác giả cũng đã đề cập tới văn hoá vật
thể và phi vật thể để giúp chúng ta có cái nhìn khái quát về Vạn Vĩ.
Có thể thấy các phẩm, tác giả nêu trên đã có cái nhìn tổng quan về
người Kinh ở Trung Quốc dưới nhiều góc độ khác nhau: nguồn gốc, kinh tế,
văn hoá, chính sách dân tộc, hôn nhân… Và như vậy chưa có tác phẩm nào
nghiên cứu chuyên sâu về tín ngưỡng của người Kinh ở Trung Quốc. Tuy
nhiên đây là những nguồn tư liệu rất quý để chúng tôi tham khảo trong quá
trình hoàn thành đề tài về tín ngưỡng của người Kinh ở vạn Vĩ từ thế kỉ XX
đến nay.
5
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
+ Đối tượng nghiên cứu
Các loại hình tín ngưỡng cụ thể đã từng tồn tại, đang tồn tại và giữ vị trí
quan trọng đặc biệt trong đời sống văn hoá tinh thần của của người Kinh ở
Giang Bình, Đông Hưng, Quảng Tây Trung Quốc là đối tượng nghiên cứu
chính của đề tài.
+ Phạm vi nghiên cứu
- Phạm vi không gian: Phạm vi nghiên cứu chính của khoá luận là làng
Vạn Vĩ, Giang Bình, Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc.
- Phạm vi thời gian: khoá luận giới hạn phạm vi nghiên cứu về thời gian
từ thế kỉ XX đến nay. Đây là khoảng thời gian mà tín ngưỡng của người Kinh
còn bảo lưu khá nhiều những yếu tố truyền thống, đồng thời cũng đang diễn
ra những biến đổi trong đời sống của họ. Tất nhiên, khi nghiên cứu tín
ngưỡng của người Kinh ở Vạn Vĩ trong thời gian này, chúng tôi có đề cập đến
tín ngưỡng của giai đoạn trước thế kỷ XX để đảm bảo tính liên tục và hệ
thống của đề tài; đồng thời cũng để làm rõ hơn những đặc điểm về tín ngưỡng
của người Kinh ở Vạn Vĩ trong cộng người Kinh ở Trung Quốc.
- Phạm vi nội dung: Nội dung nghiên cứu là hệ thống tín ngưỡng truyền
thống trong cộng đồng người Kinh ở Vạn Vĩ và sự giao lưu của nó với các
dân tộc khác.
4. Phương pháp nghiên cứu và nguồn tư liệu
+ Phương pháp luận
Để hoàn thành luận văn này tác giả sử dụng phương pháp biện chứng,
phương pháp logic và phương pháp lịch sử là chủ yếu. Sử dụng phương pháp
biện chứng, tác giả đặt đối tượng nghiên cứu là tín ngưỡng của người Kinh ở
Vạn Vĩ trong mối liên hệ, tác động qua lại với tín ngưỡng của người Hán và
các dân tộc anh em khác ở Trung Quốc nói chung và Vạn Vĩ nói riêng. Trong
6
các mối liên hệ đó, tín ngưỡng của người Kinh ở Vạn Vĩ giao lưu, tiếp biến
với tín ngưỡng của người Hán và các dân tộc khác ở Trung Quốc và với
người Kinh ở Việt Nam.
+ Phương pháp cụ thể
Các phương pháp cụ thể được tác giả sử dụng chủ yếu trong luận văn là
phương pháp nghiên cứu dân tộc học. Đặc biệt là phương pháp nghiên cứu
điền dã. Tác giả tiến hành nghiên cứu thực địa tại địa bàn có đông người Kinh
sinh sống đó là khu vực Kinh Đảo nhưng chủ yếu là ở làng Vạn Vĩ… Trong
chuyến đi điền dã, tác giả đã trực tiếp quan sát các hoạt động diễn ra trong đời
sống kinh tế, xã hội của người Kinh ở Vạn Vĩ, nhất là những sinh hoạt tín
ngưỡng; cố gắng phỏng vấn những người Kinh hiện đang sinh sống trên địa
bàn này để cảm nhận những biểu lộ tâm lý và tình cảm của họ. Bằng phương
pháp xã hội học, tác giả thực hiện những cuộc phỏng vấn sâu và phỏng vấn
trên diện rộng. Sau đó dùng phương pháp liên ngành như thống kê, phân tích
định lượng để thu được những kết quả nghiên cứu về tín ngưỡng của người
Kinh ở Vạn Vĩ đồng thời cũng để nhằm xác định mức độ ảnh hưởng của tín
ngưỡng trong đời sống, kinh tế, văn hóa xã hội của người Kinh nơi đây.
Ngoài ra các biện pháp kỹ thuật như chụp ảnh, ghi âm… cũng được sử dụng
nhằm minh họa những nội dung thiết yếu
+ Nguồn tư liệu
- Nguồn tư liệu bậc 1: Tài liệu khảo cổ, tài liệu hiện vật, quan trọng
nhất là tư liệu thu thập qua điền dã của chính tác giả tại địa bàn làng Vạn Vĩ,
những hiện vật ở bảo tàng, các khu di tích đình, miếu…
- Các nguồn tư liệu khác như sách báo, tạp chí chuyên ngành, các trang
website có liên quan đến người Kinh ở Trung Quốc.
5. Đóng góp của luận văn
Luận văn sẽ đi sâu tìm hiểu tín ngưỡng của người Kinh ở Vạn Vĩ, Giang
Bình, Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc từ thế kỉ 20 đến nay. Đây có thể
7
được coi là công trình đầu tiên nghiên cứu một cách tương đối có hệ thống,
mang tính khái quát về tín ngưỡng của cộng đồng người Kinh nơi đây.
Trên cơ sở nghiên cứu đầy đủ các loại hình tín ngưỡng của cộng đồng
người Kinh ở Vạn Vĩ giúp người đọc thấy được những nét đặc trưng trong đời
sống tinh thần của một dân tộc thiểu số Trung Quốc có nguồn gốc từ Việt
Nam. Kết quả nghiên cứu của luận văn với những tư liệu mới về hệ thống tín
ngưỡng của người Kinh ở Vạn Vĩ có ý nghĩa thực tiễn và lí luận sâu sắc trong
việc tìm hiểu nguồn gốc tộc người, lịch sử hình thành, ổn định và phát triển
của người Kinh trong cộng đồng các dân tộc ở Trung Quốc.
Nội dung luận án còn góp phần bảo tồn, phát huy hơn truyền thống văn
hoá tốt đẹp của người Kinh ở Quảng Tây, làm tăng thêm tình đoàn kết giữa
cộng đồng người Kinh ở Quảng Tây và các dân tộc ở Việt Nam đồng thời
củng cố quan hệ ngoại giao Việt - Trung.
6. Bố cục của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, phụ lục luận
văn chia làm 3 chương:
Chương 1: Khái quát về người Kinh ở Vạn Vĩ
Chương 2: Tín ngưỡng
Chương 3: Giao lưu văn hoá trong tín ngưỡng của người Kinh ở
Vạn Vĩ với các dân tộc khác.
8
Chương 1
KHÁI QUÁT VỀ NGƯỜI KINH Ở VẠN VĨ
1.1. Lịch sử hình thành
Người Kinh ở Kinh Đảo nói chung và Vạn Vĩ nói riêng đã đến nơi này
định cư từ rất lâu. Từ những bước chân khai phá buổi đầu tiên cho đến nay,
người Kinh ở Vạn Vĩ đã trải qua một chặng đường lịch sử đầy biến động. Vậy
họ từ đâu đến và có mặt ở Vạn Vĩ khi nào? - đó là một trong những câu hỏi
mà tôi rất muốn tìm hiểu khi điền dã ở làng này.
Những tư liệu thành văn cho biết nguồn gốc và sự hiện diện của người
Kinh rất ít. Hương ước của làng là một trong những tư liệu thành văn quan
trọng của người Việt ở đây. Mặc dù trong “Cách mạng văn hoá” hương ước,
gia phả đã bị đốt nhưng một phần của nó được ghi lại trong vài cuốn sách
nghiên cứu về tộc Kinh của các học giả Trung Quốc. Cuốn Giản sử kinh tộc
viết: “Hương ước làng còn ghi: Thừa tiên tổ phụ Hồng Thuận tam niên quán
tại Đồ Sơn, lưu lạc xuất đáo… lập cơ hương ấp nhất xã nhị thôn, các hữu đình
từ…” [23: 6]. Cuốn Ghi chép về phong tục của dân tộc Kinh ghi: 1953 tìm
thấy hương ước ở Vạn Vĩ ghi: tổ tiên quê ở Đồ Sơn, vào năm 1511 đi biển
gặp bão phiêu bạt đến lập cư hương ấp xã nhị thôn, có đình miếu thờ các liệt
vị hương hoả… Hương ước này lập năm Tự Đức thứ 28 tức thời Tự Đức
hoàng đế triều Nguyễn của Việt Nam. Năm Tự Đức thứ 28 tức là Đức Tông
Quang Tự nguyên niên đời Thanh ở Trung Quốc (1875)” [12: 34].
Gia phả các dòng họ họ lớn trong làng cũng là nguồn tư liệu có giá trị
để ta tìm hiểu về nguồn gốc người Kinh. Gia phả họ Tô ghi rằng ông tổ họ Tô
đến đảo này vào khoảng giữa thế kỷ XVI, nay đã định cư được hơn 10 đời.
“Ngồi buồn nghĩ chuyện đời xưa
Cha ông truyền lại là người Đồ Sơn
9
Từ đời Hồng Thuận Tam niên
Cha ông lưu lạc Phúc Yên chốn này”
Đó là những lời ca nói về lịch sử làng, nguồn gốc tổ tiên mà hầu hết
người dân nào sinh sống ở Vạn Vĩ đều thuộc.
Anh Tô Minh Bân - ở làng chài Vạn Vĩ cho hay hầu hết cư dân trên đảo
Vạn Vĩ là người gốc Hải Phòng, định cư ở vùng đất này được khoảng 9-10
đời. “tổ tiên tôi là gốc Đồ Sơn (Hải Phòng), định cư từ thế kỷ XVI, theo gia
phả tính đến đời tôi là đời thứ 9 những người như tôi trên đảo Vạn Vĩ có
đến 8.000 người. Người Trung Hoa gọi chúng tôi là Kinh tộc, là một trong
những dân tộc thiểu số ít người nhất của đại lục rộng lớn này” [52: 1].
Nghiên cứu về buổi đầu tiên định cư của người Kinh ở Vạn Vĩ nói riêng
và Kinh Đảo nói chung, các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng đã có sự đồng
nhất về mốc thời gian người Kinh đến Kinh Đảo. Tác giả Hán Minh trong tác
phẩm Kinh tộc có ghi “Tổ tiên của dân tộc Kinh từ thế kỷ XVI đã bắt đầu lần
lượt di chuyển từ Đồ Sơn (Việt Nam) đến”. Tác giả Vương Văn Quang trong
cuốn Trung Quốc Nam phương dân tộc sử cũng cho rằng “Người Kinh từ Đồ
Sơn, Việt Nam sang Trung Quốc vào khoảng đời Minh… do theo đuổi đàn cá
ở vùng vịnh Bắc bộ mà lạc đến nơi này… thấy làng xóm vắng vẻ lại thuận
tiện trong việc đánh bắt cá, họ bèn định cư hẳn không về nữa” [33: 14]. Trong
bài ca kể về lịch sử làng người dân hát rằng:
"Tổ tiên ta ở Đồ Sơn
Theo đàn cá Sủ mới lên đầu Dồi"
(Dồi là tên gọi dân gian của núi Bạch Long - núi trên biển phía đông
Vạn Vĩ, nay thuộc địa phận hương Giang Sơn). Theo truyền thuyết, do mải
đuổi theo đàn cá Sú (song), cha ông của họ đã lưu lạc đến Tam Đảo, lúc đó là
hòn đảo hoang vắng. Mãi đến nhưng năm 60 của thế kỷ trước. Vạn Vĩ vẫn
còn là rừng rậm, thân cây mấy người ôm không xuể [53: 1].
10
Các học giả Trung Quốc còn cho rằng người Việt là cư dân làm nghề đánh
cá. Họ đã định cư ở đây ít nhất từ 16 đến 17 đời, nếu tính mỗi đời là 25 năm thì
đến nay đã hơn 400 năm, đối chiếu với bản hương ước trên thì rất hợp lý.
Có thể thấy các học giả Trung Quốc đã đồng nhất về mốc thời gian mà
người Kinh di cư dến khu vực Kinh Đảo, đó là từ thế kỷ XVI.
Một trong những nguyên nhân lý giải về việc di dân của người Việt ở
Đồ Sơn Việt Nam đó là bởi sự biến động của chế độ phong kiến Đại Việt vào
thế kỷ XVI.
Sau một thời gian dài phát triển cực thịnh, đầu thế kỷ XVI, triều đình
nhà Lê suy sụp. Các cuộc khởi nghĩa nông dân liên tiếp nổ ra. Các thế lực
phong kiến nhân việc đem quân đánh dẹp các cuộc khởi nghiã, đã xung đột
nhau, tranh chấp quyền hành. Nhà Lê sụp đổ. Nhà Mạc thành lập. Một số cựu
thần nhà Lê không chấp nhận nhà Mạc đã khởi binh ở Thanh Hoá. Giữa
những năm 30, Nam Triều thành lập và cuộc chiến tranh Nam Bắc triều bùng
nổ kéo dài gần 50 năm. Năm 1592 nhà Mạc bị lật đổ. Nhà Lê được lập lại ở
Kinh đô Thăng Long trong thế lưỡng đầu. Thời gian này nảy sinh mâu thuẫn
gay gắt giữa hai dòng họ Trịnh và Nguyễn. Cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn
nổ ra, kéo dài 45 năm… Những cuộc nội chiến kéo dài làm cho tình hình đất
nước rối loạn, khó khăn, đời sống nhân dân vô cùng cực khổ. Vì thế những
cuộc di dân của dân chúng trở nên bức bách. Thời kỳ đó, từ năm 1511 trở đi,
sau khi một số ngư dân ở Đồ Sơn, Thanh Hoá trong khi đánh cá đã phát hiện
ra 3 hòn đảo là những nơi có thể khai thác ngư nghiệp và lâm nghiệp thuận lợi
vì thế họ đã quyết định cùng nhau ở lại sinh sống. Sau một thời gian ổn định,
dần dần họ đã đưa gia đình, họ hàng đến nơi đây sinh cư lập nghiệp. Những
người đến tiếp sau đó không chỉ là người Đồ Sơn, Thanh Hoá mà còn từ các
vùng biển lân cận khác cũng đến định cư ở vùng đảo này. Và như vậy, bộ mặt
làng xóm dần dần hình thành.
11
Từ những bước chân khai phá buổi đầu tiên đến nay, người Kinh ở Vạn
Vĩ đã phải trải qua một chặng đường lịch sử đầy biến động và thử thách.
Những ngư dân đầu tiên đến Vạn Vĩ đã phải đối mặt với một vùng biển mênh
mông, rừng rậm đầy hùm beo, hổ báo. Sự khốn khó ấy nay vẫn còn được
người già trong làng ngâm ngợi trong những bài ca kể lại lịch sử dân tộc:
"Thơ lai chẳng biết đông tây
Tứ vi hải thuỷ giữa rày sơn lâm
Tai nghe hươu vượn nó gầm
Chim kêu vượn hót càng thêm buồn rầu"
Trước vô vàn khó khăn và thử thách, những ngư dân đã đoàn kết nhau
dựng lên xóm làng, cùng lao động và dần ổn định cuộc sống.
Sau một thời gian dài lập nghiệp trên vùng đất mới, họ đã thích nghi
với cuộc sống nơi đây nhưng vẫn phải đứng trước những khó khăn mới. Đó là
nạn cướp bóc trên biển và đất liền, cùng với chế độ hà khắc của phong kiến
Trung Quốc. “Sau khi đến vùng đất mới, phần lớn người Việt đã trở thành tá
điền bị giai cấp địa chủ, phong kiến Trung Quốc thuộc các triều đại Minh,
Thanh thống trị. Không những thế, trong xã hội của cộng đồng người Việt ở
vùng đất mới vẫn tiếp tục tồn tại chế độ đẳng cấp phong kiến hết sức nghiêm
ngặt” [7: 25]. Sự áp bức bóc lột của chế độ đẳng cấp khắt khe làm cho đời
sống của người dân ở đây đã cực khổ lại càng cực khổ hơn.
Đến thế kỷ XIX, lịch sử của Trung Quốc cũng như lịch sử của hòn đảo
này bắt đầu thời kỳ đầy biến động “Năm 1840 đế quốc Anh tấn công cửa
biển Vạn Vĩ. Dân tộc Kinh lúc này chịu sự áp bức “một cổ hai tròng” của cả
chủ nghĩa đế quốc và phong kiến khiến cho đời sống dân chúng khốn cùng.
Năm 1883 rồi 1886 thực dân Pháp xâm chiếm khu vực Bạch Long Vĩ, Giang
Bình, cưỡng bức người Kinh và Người Hán ở đây xây dựng pháo đài và
doanh trại bắt đầu cho cuộc chiếm lĩnh lâu dài. Người Kinh ở Vạn Vĩ cùng
12
với người Hán ở khu vực Giang Bình tiến hành nhiều cuộc nổi dậy đánh lại
Pháp, thành lập tổ chức vũ trang “Nghĩa quân kháng địch ở Giang Bình”.
Đến năm 1887 nghĩa quân Kinh - Hán đã đuổi được bọn xâm lược ra khỏi
Giang Bình” [12: 38].
Một sự kiện lịch sử quan trọng xác định vị trí hành chính của Vạn Vĩ
được cuốn Ghi chép về phong tục dân tộc Kinh ghi lại: “Ngày 6/5/1887 trong
cuộc đàm phán về biên giới giữa công sứ Pháp đóng tại Trung Hoa và chính
phủ Trung ương nhà Thanh, Trung - Pháp đã ký hiệp định hoạch định biên
giới Trung - Việt. Theo đó sông Bắc Luân là biên giới, nhân dân các dân tộc
Kinh, Hán, Choang ở Giang Bình được xác nhận lại là thuộc về lãnh thổ
Trung Quốc, Móng Cái từ đó thuộc về Việt Nam” [41: 9].
Nửa đầu thế Kỷ XX, tình hình chính trị Trung Quốc nói chung khá
phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân Vạn Vĩ. Năm
1911 thực dân pháp lại gây chiến, người Kinh ở Tam Đảo lại một lần nữa cầm
vũ khí chống Pháp ở Đông Hưng. Cũng năm này, Cách mạng Tân Hợi do Tôn
Trung Sơn lãnh đạo thành công, lật đổ triều đình Mãn Thanh - chế độ phong
kiến cuối cùng ở Trung Quốc và Chính phủ Dân quốc lâm thời được thành lập
ở Nam Kinh. Dưới thời Quốc dân đảng, người Kinh ở đây lại phải đối mặt với
chính sách đàn áp, bóc lột tàn bạo. Chúng đặt ra nhiều thứ thuế như thuế đất
đai, thuế biển, thuế muối, thuế heo, thuế buôn bán, thuế giấy “chứng minh
nhân dân”, tiền gạo phòng thủ… Không những thế, Chính phủ Quốc dân đảng
còn bắt con em người Việt đi lính. Cuộc sống của người dân dưới chế độ
Quốc dân Đảng vô cùng cực khổ, nhiều người phải bán vợ, đợ con, tù tội, biệt
xứ. Năm 1921, Đảng cộng sản Trung Quốc thành lập. Trong thời kỳ kháng
chiến chống Quốc dân đảng và phát xít Nhật, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng
sản Trung Quốc, đồng bào người Kinh đã tích cực tham gia vào các hiệp hội
nông dân, công hội, các đội du kích… góp phần đáng kể vào sự nghiệp cách
13
mạng đưa đến việc giải phóng hoàn toàn Trung Quốc vào năm 1949. Tháng
11 - 1952 thành lập thôn tự trị người Việt ở Vạn Vĩ, định danh là Tộc Việt.
Tháng 5 - 1958 huyện tự trị các dân tộc Đông Hưng đổi thành huyện tự trị các
dân tộc Phòng Thành. Khi thành phố Đông Hưng được thành lập thì Vạn Vĩ,
Giang Bình lại thuộc về thành phố này.
Sau khi nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa thành lập, đồng bào người
Kinh thực sự trở thành chủ nhân của đất nước trong cộng đồng 56 các dân tộc
ở Trung Quốc. Cuộc sống của dân tộc Kinh ở Tam Đảo yên bình trở lại nhưng
vẫn gặp nhiều biến động khó khăn do hậu quả của chiến tranh để lại. Năm
1952 - 1954 cùng với cả nước, Vạn Vĩ tiến hành cải cách ruộng đất, thành lập
hợp tác xã. Chính sách tập thể hoá trong lao động sản xuất cũng đã đem lại
cho Vạn Vĩ những kết quả nhất định nhưng chẳng bao lâu nó đã bộc lộ nhiều
hạn chế. Đời sống của người dân ở Vạn Vĩ trong thời kỳ này vẫn còn nhiều
khó khăn, sản xuất không phát triển. Sau đó thời kỳ “Cách mạng văn hoá”
kéo dài 10 năm (1966 - 1976) với tư tưởng cực đoan đã làm cho đời sống
nhân dân lâm vào khủng hoảng trầm trọng cả về kinh tế lẫn tinh thần, đặc biệt
là các giá trị văn hoá bị tàn phá nghiêm trọng. Trong công cuộc cải cách mở
của của Đảng cộng sản Trung Quốc từ năm 1979 với chính sách khoán ruộng
đến từng hộ, xoá bỏ dần chế độ điền chủ, ngư bá vốn trước khá phổ biến ở
Vạn Vĩ, làm cho đời sống của người dân khá dần lên. Từ năm 80 trở đi những
chính sách mở cửa, phát triển kinh tế cụ thể của Chính phủ cho từng giai
đoạn, từng khu vực được thực hiện triệt để đã đưa kinh tế Trung Quốc nói
chung và Vạn Vĩ nói riêng tăng trưởng rõ rệt. Đến nay Vạn Vĩ là một trong 3
làng của Kinh Đảo có sự giao lưu văn hoá rộng mở, lại có đời sống khá nhất,
còn giữ vị trí trung tâm, là nơi mang đặc trưng Kinh tộc nhất trong cộng đồng
người Kinh ở Trung Quốc.
14
Người dân ở Kinh Đảo nói chung và Vạn Vĩ nói riêng, khi nói đến lịch
sử hình thành khu vực này thường kể về những truyền thuyết: Truyền thuyết
về Thần Thên (thần rết), Truyền thuyết về một vị Tiên ban phúc và Truyền
thuyết về đảo ngọc trai.
- Truyền thuyết về thần Thên (rết): núi Bạch Long - trên biển phía đông
Vạn Vĩ (nay thuộc địa phận hương Giang Sơn) là nơi ở của thần Thên. Thần
Thên là một con rết khổng lồ chuyên ăn thịt người. Các thuyền bè của ngư
dân khi đi qua cửa hang mỗi thuyền đều phải nộp một người cho thần Thên ăn
thịt. Có vị thần biển quyết tâm tiêu diệt thần Thên để trừ hoạ giúp dân. Một
ngày kia, ông giả làm người ăn mày xin đi nhờ một thuyền buôn. Chủ thuyền
rất vui vẻ cho người ăn mày lên thuyền và tiếp đãi rất chu đáo vì nghĩ rằng có
người gánh hoạ cho cả thuyền. Người ăn mày yêu cầu chủ thuyền chuẩn bị
quả bí đỏ to và nướng cho thật nóng. Khi thuyền đi qua cửa hang, theo thói
quen thần Thên há miệng chờ sẵn, người ăn mày ném quả bí đang nóng rực
vào miệng nó. Vừa nuốt xong quả bí ngô nóng rực đó, người nó quay cuồng
rồi đứt làm ba khúc. Đầu của nó trôi về vùng biển phía Tây mắc lại ở đó hình
thành nên hòn đảo Vu Đầu, bụng trôi về phía Bắc hình thành nên đảo Sơn
Tâm, đuôi trôi về phía Đông hình thành nên đảo Vạn Vĩ. Người có công giết
được thần Thên chính là Bạch Long Trấn Hải đại vương, ông được người dân
Kinh Đảo tôn sùng và thờ trong đình cả ba làng.
- Truyền thuyết về một vị Tiên ban phúc: vào một đêm, có ba con
thuyền đang buông lưới ngoài khơi, bỗng đột ngột gặp một cơn bão lớn.
Trong trận cuồng phong bỗng xuất hiện một đàn cá mập lớn hung dữ đang lao
nhanh đến định nuốt chửng cả ba con thuyền nhỏ bé. Đúng lúc này, từ trên
trời loé lên một ánh chớp, một vị Tiên hiện ra trên tay cầm một thanh bảo
kiếm chỉ vào đàn cá mập làm chúng biến mất ngay lập tức chúng biến mất.
Sau đó vị Tiên lấy kiếm vẽ lên mặt biển ba vòng tròn nhỏ và đọc thần chú: từ
15
ba vòng tròn ba đụn cát hiện dần lên, to và cao dần rồi biến thành ba hòn đảo.
Những ngư dân vừa thoát nạn vui sướng trèo lên ba hòn đảo và trên đảo thấy
một dòng suối mát trong, họ đã khoẻ mạnh trở lại khi uống nguồn nước ngọt
ngào đó. Cùng lúc từ trên đám mây hiện ra đàn chim sẻ mang đến cho họ
những hạt giống và họ đã lấy chúng để gieo trồng. Từ đó đàn ông thì cày
ruộng, phụ nữ thì dệt vải. Họ vừa sửa thuyền, đan lưới, đánh cá vừa trồng trọt,
quyết định ở lại trên hòn đảo Tiên ban để sinh sống.
- Truyền thuyết về đảo ngọc trai: ngày xưa, xung quanh núi Bạch Long
có rất nhiều cá mập hoa thành tinh sinh sống, con cầm đầu gọi là Biên Hải
vương. Lúc đó ông tổ họ Nguyễn có một người con gái rất sinh đẹp lấy chàng
trai mồ côi tên là Anh Vũ. Một hôm, A Muội nhìn thấy một con tôm hoa lớn
có năm đuôi đang bị một con cá mập đuổi theo. A Muội tìm cách giết chết cá
mập cứu được tôm hoa. Sau khi lên thuyền của A muội đã biến thành cô gái
xinh đẹp. Cô gái thực ra là con của Hải thần vì ham chơi nên đã biến thành
tôm hoa để du ngoạn trên mặt biển. Để đền ơn cứu mạng con gái đã tặng A
Muội một hạt ngọc trai và chỉ cho A Muội cách gặp nhau. Hạt ngọc trai đó đã
giúp cho dân làng thoát khỏi nạn đại dịch. Tin đó đến tai Biên Hải Vương,
hắn bắt phải giao lại hạt ngọc, nhưng khi muốn dùng lại bị mất tác dụng. Tức
tối, hắn đã bắt Anh Vũ và ép chàng phải nói ra cách dùng. Anh Vũ đã vùi viên
ngọc xuống cát cho hết linh khí. Biên Hải Vương vô cùng tức giận đã ra lệnh
giết toàn bộ người dân trên đảo. Để cứu dân làng A Muội đành phải hứa với
hắn sẽ tìm một viên ngọc giống như cũ. Biên Hải vương đồng ý và hạn cho A
muội trong 3 ngày phải tìm được. A Muội đã tìm đến Sách Chu năn nỉ đưa
mình đến gặp Hải thần. Hải thần biết chuyện đã mất một viên ngọc quý nên
rất tức giận biến A Muội thành chim hải âu. Mặc dù vậy A Muội vẫn quyết
tâm cứu dân làng, cô đã tìm cách ăn trộm ngọc quý. A Muội đã hai lần lấy
được 2 viên ngọc ra khỏi hang, nhưng cả hai lần A Muội đều bị phát hiện và
16
bị truy bắt, cả hai viên ngọc đều rơi xuống biển. Không nản chí cô tiếp tục ăn
trộm lần thứ ba. Lần này cô lại bị Hải thần phát hiện đã bắn cô rơi xuống biển
và chết. Không lấy được ngọc nhưng dân làng đã được thần linh cứu sống.
Không bao lâu trên biển nổi lên ba hòn đảo nhỏ. Ba hòn đảo đó là do ba viên
ngọc trai mà A Muội làm rơi xuống biển hoá thành. Do đó Kinh Đảo còn gọi
là đảo Trân Châu, tức đảo ngọc trai [12].
Ba truyền thuyết trên đã phản ánh được quá trình lập nghiệp đầy gian
nan vất vả của người Kinh ở Kinh Đảo. Họ đã phải đấu tranh bền bỉ trước sự
bất thường của tự nhiên, sự nguy hiểm của biển cả, sự hung bạo của thú dữ…
Họ luôn mơ ước có lực lượng siêu nhiên giúp đỡ, bảo vệ, động viên giúp họ
vượt qua những trở ngại trong quá trình lập nghiệp ở vùng đất mới. Đồng thời
những truyền thuyết này cũng là chứng cứ quan trọng cho thấy sợi dây kết nối
giữa người Kinh nơi đây với cội nguồn Việt Nam.
1.2. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên
1.2.1. Vị trí địa lý
Địa bàn cư trú tập trung nhất của Người Kinh ở Trung Quốc là Kinh
Đảo thuộc trấn Giang Bình, Thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung
Quốc. Vùng biển Kinh Đảo nằm giáp vịnh Bắc bộ thuộc biển phía Nam Trung
Quốc. Kinh Đảo gồm 3 hòn đảo: Vạn Vĩ, Sơn Tâm và Vu Đầu, từ năm 1971
đến nay đã lần lượt thành bán đảo, vì thế còn có tên là Tam Đảo. Khu vực này
cách cửa khẩu Móng Cái Việt Nam khoảng 25 km. Từ trung tâm thị xã Móng
Cái, địa đầu nước ta đi bộ khoảng ngàn thước, qua cầu biên giới Bắc Luân là
sang thị Trấn Đông Hưng. Từ Đông Hưng theo đường hàng tỉnh đi về hướng
thị trấn Giang Bình. Từ Đông Hưng đến Giang Bình 18 km, nhưng chỉ tới km
13 thì rẽ phải. Ngay đầu đường rẽ có cổng chào bằng đá rất lớn có đề hàng
chữ “Khu danh lam thắng cảnh Kinh Đảo Đông Hưng” bằng cả tiếng Việt và
tiếng Trung [phụ lục 3]. Đi theo 9 km đường bờ biển là tới Vạn Vĩ.
17
Trong ba bán đảo trên, Vạn Vĩ là lớn nhất với diện tích 13.7 km
2
, (Vu
Đầu là 5.13 km
2
; Sơn Tâm 7km
2
) [12: 29]. Vạn Vĩ là ngôi làng có thế đất hình
con cá heo, phình to ở đầu đông và vót nhọn ở đầu tây. Vạn Vĩ là tên gọi của
cả bán đảo lớn về cơ cấu hành chính nhà nước tương đương với cấp xã dưới
sự quản lý của chủ nhiệm và bí thư đảng uỷ. Bán đảo Vạn Vĩ được chia thành
3 thôn: Vạn Đông, Vạn Tây và Vạn Vĩ trong đó thôn Vạn Vĩ là trung tâm của
bán đảo. Đến trước năm 1949 thôn Vạn Vĩ nay vẫn là làng mang tên Phúc
Yên, nơi người Kinh tập trung sinh sống từ khi đến đảo.
1.2.2. Điều kiện tự nhiên
Vu đầu, Sơn Tâm và Vạn Vĩ là ba hòn đảo nằm cách bờ hàng chục km
và có độ cao so với mực nước biển là 8m. Vạn Vĩ lớn nhất có diện tích là 13,7
km
2
. Vùng khí hậu của khu vực thuộc miền nhiệt đới Châu Á. Mùa hè dài,
mưa nhiều, nhiệt độ cao, mùa đông không lạnh lắm. Nhiệt độ trung bình hàng
năm là 21.5 - 23.3 độ C, nhiệt độ cao nhất là 34 độ C, thấp nhất 3.4 độ C.
Thời tiết 4 mùa không rõ ràng, là nơi “Cỏ qua đông mà không tàn, hoa chưa
đến xuân lại nở”. Tuy nhiệt độ không khí của mùa hè hơi cao, nhưng có sự
pha trộn giữa gió và biển nên khí hậu không khô khan, oi bức. Lượng mưa ở
đây tương đối dồi dào. Lượng mưa trung bình hành năm đạt 1300mm.
Nằm trong khu vực Vịnh Bắc Bộ, nên Vạn Vĩ rất phong phú về tài
nguyên, sản vật. Vì vịnh Bắc Bộ là nơi các hệ thống sông ngòi đổ ra biển,
nguồn nước ngọt đội vào lượng lớn chất hữu cơ và vô cơ, thêm vào đó nhiệt
độ không khí và nước thích hợp, đây là nơi nuôi dưỡng và sản sinh trứng của
các loài cá, sò, rong tảo. Tại vùng biển này có hơn 700 loài cá, trong đó có
nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao như cá mập, cá hường, cá bông, cá mực…
Thêm vào đó là các loại cua biển, sứa biển, tôm hùm… vốn đã nổi tiếng và
ưa thích trên thị trường thế giới. Tỷ lệ muối của nước biển ở đây khoảng
31.01% - 33,9%.
18
Thổ nhưỡng của Vạn Vĩ chứa rất nhiều lớp cát, thích hợp cho việc canh tác
các loại cây: đậu phộng, các loại đậu khoai lang, lạc, mít, nhãn, đu đủ, chuối…
Tuy nhiên, do trên đảo nguồn nước ngọt ít nên trước kia ruộng nước rất ít,
đại đa số cư dân ở đây không biết trồng lúa nước. Sau khi nước Cộng hoà nhân
dân Trung Hoa thành lập (1949), Nhà nước đã đắp đê, lấn biển, hệ thống nước
ngọt đã được dẫn từ đất liền ra đảo, cộng đồng người Việt ở đây đã bắt đầu trồng
lúa nước. Từ đó đến nay, đồng bào đã hoàn thành tự túc được lương thực [27].
Vạn Vĩ ngày nay có bãi biển phẳng lặng, mở rộng, có đê lớn chống ẩm,
bao bọc xung quanh là rừng trúc lâm xanh tốt, dải rừng phòng hộ um tùm rậm
rạp, tươi tốt, cảnh quan hùng vĩ, tươi đẹp, quả là danh lam thắng cảnh tuyệt dẹp.
1.3. Dân cư và sự phân bố dân cư
Dân tộc Kinh là một dân tộc thiểu số trong số 56 dân tộc cùng sinh sống
ở đất nước Trung Quốc rộng lớn. Theo điều tra dân số năm 2000 của Trung
Quốc, “tổng số người Kinh đang sinh sống ở nước này là 22.500 người” [12: 28]
và trong số đó có 21.000 người tập chung ở Quảng Tây. Quảng Tây là nơi duy
nhất lưu giữ nền văn hóa truyền thống của dân tộc Kinh ở Trung Quốc.
Dân Tộc Kinh cũng là dân tộc thiểu số duy nhất ở Trung Quốc sống ở
vùng ven biển, tập trung chủ yếu ở Kinh Đảo: Vạn Vĩ, Sơn Tâm và Vu Đầu,
ngoài ra còn sống rải rác ở các địa phương Như Đầm Cát, Dốc Đỏ, Hằng
Vọng, Trúc Sơn… thuộc huyện Đông Hưng, Quảng Tây.
Bảng số liệu phân bố người Kinh ở Kinh Đảo theo khu vực
Đơn vị
Diện tích
(km
2
)
Đội sản suất
(đội)
Số người
Tỉ lệ người Kinh
(chiếm %)
Vạn Vĩ 13,7 23 4026 69 %
Sơn Tâm 7,0 7 1700 95 %
Vu Đầu 5,13 6 1600 90 %
[Tổng hợp từ: 12]
19
Trong ba hòn đảo, Vạn Vĩ là bán đảo có diện tích lớn nhất, số lượng
dân cư đông nhất, gồm 3 thôn Vạn Đông, Vạn Tây và Vạn Vĩ trong đó Vạn
Vĩ là thôn trung tâm của bán đảo lớn.
Hiện nay, dân số người Kinh ở thôn Vạn Vĩ có 1146 nhân khẩu, 316 hộ
trên tổng số 4026 khẩu và 1002 hộ của cả bán đảo Vạn Vĩ, có 6 đội sản xuất trên
tổng số 23 đội sản xuất của cả bán đảo. Mỗi đội sản xuất có khoảng 200 lao
động, hiện nay đội sản xuất phân chia hành chính theo cụm chứ không mang
tính chất tập thể nữa. Phần lớn dân cư ở đây làm nghề chài lưới, còn lại thì làm
ruộng. Số ít làm cán bộ ở huyện, tỉnh. Như vậy, đây nguyên là một vạn chài.
Người Kinh ở Vạn Vĩ tất cả có 12 họ: Đỗ, Cao, Hoàng, Bùi, Tô, Nguyễn,
Vũ, Cung, Ngô, La, Khổng, Lương trong đó ba họ lớn nhất, lâu đời nhất và có
uy tín nhất trong làng là Tô, Nguyễn, Đỗ. Nhưng lớn hơn cả là dòng họ Tô,
tính từ thế kỷ XVI đến nay họ đã định cư được hơn 10 đời. Tương truyền ban
đầu từ Đồ Sơn sang có những 12 họ, sau đó 6 họ quay trở về [54: 3]. Trong quá
trình sinh sống người Kinh đã tiếp xúc và cộng cư với các dân tộc thiểu số khác
ở Trung Quốc như người Hán, Choang, Nguồn (tiếng địa phương chỉ chung
các dân tộc thiểu số khác từ trên miền núi xuống).
Cộng đồng cư dân ở Vạn Vĩ có các thành phần: người Kinh gốc, Người
Kinh tự nhận, người Kinh mới và người Kinh theo.
Người Kinh gốc là người Kinh đã định cư ở các làng trên từ 5 đến 10
đời, còn duy trì tiếng Kinh và tập quán Kinh.
Người Kinh mới là những người đến Vạn Vĩ rải rác từ đầu thế kỷ 20
đến nay chủ yếu là những người buôn bán, đi tàu, lao động ở các bến bãi, họ
học phong tục Hán, nói tiếng Hán để phục vụ cuộc sống và rất ít có liên hệ
với người Kinh gốc.
Người Kinh tự nhận là người Hán tự nhận mình là người Kinh trong
chính sách dân tộc của chính phủ Trung Quốc vào những năm 80 (khi đó
20
chính phủ để cho dân tự khai về thành phần dân tộc của mình). Kết quả là
nhiều người Hán ở Vạn Vĩ đã tự khai ông, bà tổ tiên của họ là người Kinh để
được công nhận và hưởng những quyền lợi ưu tiên cho người Kinh với tư
cách là một dân tộc thiểu số. Trên thực tế họ không hề biết tiếng kinh, xa lạ
với lịch sử và phong tục tập quán của người Kinh.
Người Kinh theo là những người Hán hoặc các dân tộc thiểu số khác
kết hôn với người Kinh, con cái họ sau một vài đời cũng được coi là người
Kinh. Vì vậy, các thành phần cư dân ở Vạn Vĩ vừa có sự tương đồng, vừa có
sự khác biệt. Điều này càng thể hiện rõ nét khi xem xét các yếu tố văn hoá, xã
hội của họ. Theo kết quả diều tra tháng 8-2009 thì thành phần người Kinh gốc
chiếm số lượng rất ít chỉ khoảng 15% còn lại là các thành phần cư dân khác.
Sự phân biệt các thành phần cư dân nói trên không ảnh hưởng đến quan
hệ cộng đồng nơi đây, có chăng nó chỉ gắn với niềm tự hào của người Kinh
gốc về nguồn gốc, về lịch sử văn hóa truyền thống của mình. Có thể thấy, các
dân tộc, các thành phần cư dân ở Vạn Vĩ đã hòa nhập, đoàn kết, góp sức để
tạo dựng nên cuộc sống phong phú và đặc sắc ở vùng bán đảo này.
1.4. Kinh tế
Do điều kiện tự nhiên và hoàn cảnh địa lý ở Kinh Đảo nói chung và
Vạn Vĩ nói riêng đã quy định nền kinh tế truyền thống của bán đảo này là ngư
nghiệp còn nông nghiệp, thủ công nghiệp chỉ là thứ yếu. Những người già
nơi đây kể lại đời cha ông họ chỉ có làm bãi, tất cả cuộc sống quanh năm hầu
như chỉ trông vào biển cả.
Theo điều tra vào những năm 50 (thế kỷ XX) của nhóm tác giả sách Giản
sử Kinh tộc, lúc đó 70% dân số Vạn Vĩ sống chủ yếu bằng việc làm bãi, bên
cạnh đó người ta còn làm nông nghiệp và thủ công nghiệp. Việc làm bãi có thể
nuôi sống họ 9 tháng, còn nông nghiệp, làm muối có thể giúp họ nốt ba tháng
còn lại. Có thể thấy vào những năm 50 đến những năm 70 của thế kỷ XX, kinh
21
tế người Kinh ở Vạn Vĩ về cơ bản là sự tiếp nối các hoạt động kinh tế truyền
thống của giai đoạn trước. Hoạt động kinh tế chủ đạo vẫn là ngư nghiệp, đánh
bắt cá còn thủ công nghiệp, nông nghiệp chỉ được tiền hành vào thời gian người
dân rảnh rỗi, không đi biển. Nhưng trong thời kì này buôn bán cũng đã giữ vị trí
quan trọng trong nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu hàng ngày của cư dân.
Hiện nay cơ cấu nghề nghiệp của Vạn Vĩ có sự thay đổi nhất định. Từ
khoảng 20 năm nay cả làng không còn hộ nào trồng lúa nữa. Thủ công nghiệp
chỉ còn lại nghề đóng bè mảng và một số công cụ phục vụ cho nghề đi biển.
Nghề biển truyền thống của làng phát triển mở rộng đa dạng hơn trước rất
nhiều. Thương mại ngày càng phát triển với việc buôn bán nội vùng, ngoại
vùng và quốc tế. Đó là kết quả tất yếu của chính sách cải cách, mở cửa của
Chính phủ Trung Quốc cùng với sự nỗ lực hết mình của cư dân Vạn Vĩ. Hiện
cơ cấu nghề nghiệp của làng gồm:
- Nghề đánh cá
Nghề đánh bắt cá vẫn duy trì và chiếm vị thí chủ đạo trong đời sống của
dân tộc Kinh ở Vạn Vĩ. Hiện “Vạn Vĩ có 8 đội đánh cá liên hợp, 500 người
tham gia, có 3 thuyền lớn với 600 lưới, trong phạm vi gia đình người dân
đóng mảng gắn máy để khai thác gần lưới nhỏ” [12: 44]. Như vậy, trong giai
đoạn hiện tại cư dân ở đây vẫn duy trì các hình thức đánh bắt cổ truyền đó là
đánh bắt xa bờ và đánh bắt gần bờ.
Hoạt động đánh bắt cá ven biển diễn ra chủ yếu vào mùa mưa rào và
nhất là từ mùa xuân đến giữa thu. Vào thời điểm này chủ yếu thu hoạch được
cá con, cá đẻ trứng, những loại cá này không có giá trị cao về kinh tế do đó
mà cư dân ở đây không chú trọng lắm đến hoạt động kinh tế này.
Hoạt động đánh cá xa bờ chỉ dành cho giới nam, có sức khỏe tốt, sự
kiên trì và cần nhiều thời gian. Để tiến hành đánh bắt lâu dài trên biển, cần
phải có phương tiện, thiết bị đánh bắt hiện đại để đảm bảo cho việc đánh bắt
22
an toàn, năng suất. Hoạt động đánh bắt này đem lại hiệu quả kinh tế cao nên
thu hút nhiều lao động tham gia. Trong 700 loại cá đánh ở đây thì hơn 200
loại có giá trị kinh tế cao và thu hoạch nhiều.
- Nuôi hải sản
Nghề này mới phát triển ở Vạn Vĩ từ khoảng những năm 80 trở lại đây.
Cư dân chủ yếu nuôi tôm với diện tích nuôi tôm ngày càng mở rộng đến hơn
3000 ha. Ngoài ra họ còn nuôi một số loại hải sản nữa như ngao, sò… Hoạt
động nuôi hải sản có nhiểu thuận lợi như có bãi nuôi rộng, nguồn nước biển
sẵn có, nhu cầu chế biến hải sản lớn… Nghề nuôi hải sản đem lại thu nhập
khá cao vì vậy thu hút nhiều ngư dân tham gia.
- Nông nghiệp
Nông nghiệp là nghề tay trái của cư dân Vạn Vĩ trong lúc hoạt động
đánh cá, khai thác biển tạm ngừng hoạt động vào mùa giông bão.
Nông nghiệp ở Vạn Vĩ tồn tại với ba loại hình chính là: ruộng nước,
ruộng khô và ruộng bậc thang. Do điều kiện tự nhiên không thuận lợi khiến
nông nghiệp trong buổi đầu định cư gặp nhiều khó khăn, phải tới khi có
nguồn nước ngọt dẫn ra đảo thì tình hình mới được cải thiện.
Từ những năm 80 của thế kỷ XX người dân trong làng không trồng lúa
nữa. Mặc dù vậy nhưng hoạt động trồng trọt vẫn tiếp tục với việc trồng các
loại rau xanh, nhiều loại cây ăn quả… Cây công nghiệp cũng được duy trì và
mở rộng quy mô nhằm đem lại thu nhập cho người dân nơi đây.
Ngoài trồng trọt, hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm được tiến hành
với quy mô nhỏ, trong từng hộ gia đình. Chỉ có hoạt động nuôi trồng thủy sản
được đẩy mạnh.
- Nghề thủ công
Thủ công nghiệp là nghề phụ trong hoạt động sản xuất của đồng bào
người Kinh ở đây nhằm phục vụ cho nhu cầu của cuộc sống. Những nghề thủ
23
công chính gồm có: nghề làm nước mắm, trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa, nghề đốt
vỏ sò làm vôi. Ngoài ra, bà con ở đây còn làm nghề mộc, đan lát, đóng giường,
làm thùng gỗ… Những nghề này có quy mô nhỏ lẻ, mang tính cá thể. Hoạt động
thủ công ở đây có mối quan hệ mật thiết với ngư nghiệp và nông nghiệp.
- Buôn bán qua biên giới
Vạn Vĩ ở vào vị trí tiếp giáp với biên giới Việt Nam bằng cả đường bộ,
đường rừng, đường biển nên việc buôn bán qua biên giới diễn ra khá sôi nổi,
nhất là từ đầu nhưng năm 90 của thế kỷ XX trở lại đây. Hoạt động buôn bán
này do người Vạn Vĩ làm và cả những người từ nơi khác đến đây làm đầu mối
để trao đổi hàng. Những mặt hàng buôn bán rất đa dạng: hải sản (là chủ yếu),
lâm sản, thực phẩm, đồ điện, may mặc, gang thép, phân bón, nông cụ…
Cơ cấu kinh tế mở năng động đã tạo ra nhiều việc làm cho người dân Vạn
Vĩ và thu hút nhiều người dân ở nơi khác về đây làm ăn. Nhiều ông chủ ở Vạn
Vĩ giàu nên nhờ nuôi tôm, đánh bắt sứa, đóng tàu, mở nhà hàng và khách sạn.
Anh Tô Xuân Phát chủ xưởng đóng bè (hiện nay anh cũng đang giữ chức Đình
trưởng Vạn Vĩ) nói rằng “giờ bà con mình khá rồi, trước chỉ có người bên ngoài
lấy vợ Vạn Vĩ, nay đàn ông người Kinh đã lấy được vợ ngoài thôn”.
Trong khoảng từ 20 năm trở lại đây dời sống của cư dân Vạn Vĩ có
nhiều thay đổi và phát triển nhanh chóng từ khoảng 10 năm trở lại đây. “Năm
2000 thu nhập bình quân đầu người ở Vạn Vĩ là 3740 NDT, năm 2003 đã là
4300 NDT. 80% số hộ trong thôn có nhà kiên cố từ hai tầng trở lên, trung
bình một xe máy, một điện thoại/hộ, có 10 người Kinh có ô tô…” [12: 46].
Đời sống của người Kinh ở Vạn Vĩ hiên nay ổn định ở mức cao so với các
dân tộc thiểu số ở Quảng Tây và cả nước. Bác Tô Duy Phương giải thích
“Cộng đồng Kinh tộc thiểu số trong 56 dân tộc của đại lục rộng lớn. Những
năm gần đây được nhà nước Trung Quốc đánh giá là một trong những dân tộc
thiểu số có mức sống khá giả nhất”
24
- Dịch vụ du lịch
Nghề này bắt đầu phát triển từ sau cải cách mở cửa đến nay, góp phần
đáng kể vào sự thay đổi diện mạo của làng xóm. Du lịch, dịch vụ phát triển
trước hết là do những chính sách chủ trương của Nhà nước Trung Hoa. Bên
cạnh đó cư dân ở đây còn biết khai thác tốt thế mạnh về địa lý, điều kiện tự
nhiên của làng mình. Ngành du lịch dịch vụ đem lại thu nhập khá cao cho
đồng bào ở đây và dần trở thành ngành kinh tế chủ đạo của làng. Nhiều người
trong làng giàu lên nhanh chóng từ việc kinh doanh khách sạn, nhà hàng ăn
uống, các của hàng dịch vụ khác trên bãi biển. Hiện tại trên bãi biển Kim
Than, Vạn Vĩ có hơn 100 dù với số lao động khoảng 400 người hoạt động
thường xuyên trên bãi biển vào mùa du lịch: cắm dù cho khách ngồi nghỉ, bán
hàng giải khát, bán đồ ăn nhanh, trông giữ quần áo, bán và cho thuê đồ tắm,
chụp ảnh… Hiện nay số lượng du khách đến Vạn Vĩ ngày càng đông, không
chỉ có khách ở nội địa mà có cả khách nước ngoài, đặc biệt du khách người
Việt Nam đến rất nhiều để tham quan, tìm hiểu về vùng đất con người nơi
đây, để nghỉ ngơi, thư giãn trên vùng biển đẹp đẽ này. [Phụ lục 4]
Có thể thấy du lịch không chỉ giúp cho đồng bào ở đây có thêm thu
nhập ổn định mà còn là cơ hội để giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của dân tộc
Kinh tới đông đảo du khách khi đặt chân tới nơi này.
Bảng biểu về cơ cấu nghề ở Vạn Vĩ
Khai thác
biển
Nông
nghiệp
Thủ công
nghiệp
Nuôi hải
sản
Buôn bán Dịch vụ
70% 8% 7% 8% 3%
4%
[Tài liệu điền dã tháng 8 – 2009]
25