MỤC LỤC
TT NỘI DUNG TRANG
1 Phần thứ nhất: Đặt vấn đề 3
2 Phần thứ hai: Giải quyết vấn đề 4
3 1- Cơ sở lý luận 4
4 2- Thực trạng của vấn đề 5
5 3- Giải pháp tổ chức thực hiện 7
6 4- Kiểm nghiệm về hiệu quả 13
7 Phần thứ ba: Kết luận và đề nghị 15
8 Phần phụ lục 16
2
PHẦN THỨ NHẤT: ĐẶT VẤN ĐỀ
Môn Công nghệ lớp 10 có nhiệm vụ cung cấp những kiến thức khoa học
cơ bản, có tính ứng dụng cao vào thực tế đời sống cho các em học sinh, đặc biệt
là học sinh vùng nông thôn (qua đó trở thành một kênh truyền tải kiến thức tới
người nông dân, góp phần vào công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất
nước mà hiện nay đang được thể hiện qua việc đẩy mạnh xây dựng “Nông thôn
mới” trên khắp cả nước). Tuy nhiên, môn học Công nghệ đã và đang được coi
là môn học phụ, do đó không có được sự quan tâm, chú ý của học sinh. Vì vậy,
việc tạo hứng thú học tập cho học sinh và đưa kiến thức khoa học đi vào thực tế
cuộc sống là yêu cầu mà mỗi giáo viên giảng dạy môn Công nghệ 10 cần phải
quan tâm nghiên cứu giải quyết.
Chương 1 môn Công nghệ 10 gồm các nội dung: Giống cây trồng, Đất
trồng, Phân bón và Bảo vệ thực vật. Nếu giáo viên không được đào tạo chuyên
ngành sư phạm kỹ thuật hoặc không chịu khó nghiên cứu tìm hiểu sẽ cho rằng
các nội dung này không có sự gắn kết, bổ trợ lẫn nhau. Qua thực tế giảng dạy
một số năm và qua tìm hiểu ở các đơn vị bạn, tôi thấy nếu không có sự kết nối
kiến thức giữa các nội dung trên sẽ dẫn tới một số hạn chế cả về kết quả tiếp thu
kiến thức, ý thức học tập và định hướng ứng dụng vào thực tế đối với học sinh.
Với phương châm vừa đạt mục tiêu giáo dục vừa phù hợp với điều kiện
thực tế của nhà trường và tăng khả năng áp dụng kiến thức vào thực tế sản xuất
tại địa phương, tôi đã nghiên cứu đề tài “Kết nối kiến thức một số bài trong
chương 1, môn Công nghệ 10 nhằm nâng cao chất lượng dạy - học và tính
ứng dụng vào thực tế đời sống”.
Đề tài được thực hiện trong năm học 2012 – 2013 tại trường Trung học
phổ thông Tĩnh Gia 1.
3
PHẦN THỨ HAI: GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
1- Cơ sở lý luận:
Trong sản xuất trồng trọt truyền thống, năng suất, chất lượng của cây
trồng phụ thuộc vào các yếu tố: Biện pháp kỹ thuật canh tác, điều kiện khí hậu
thời tiết, đất đai và tình hình sâu, bệnh hại. Xuất phát từ việc nắm bắt được đặc
điểm khí hậu thời tiết, tính chất đất và quy luật phát sinh sâu, bệnh hại cây trồng
trong từng mùa vụ cụ thể của từng địa phương để từ đó đề xuất các biện pháp kỹ
thuật canh tác kèm theo các biện pháp bảo vệ thực vật phù hợp là tiền đề cho
việc đem lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất.
Trong yếu tố sâu – bệnh hại cây trồng thì nhóm các loài giun tròn ký sinh
gây bệnh ở thực vật là những đối tượng có đời sống gắn liền với đất trồng, hầu
như chỗ nào có đất, có cây trồng là có sự tồn tại của giun tròn ký sinh thực vật.
Chúng gây hại với hầu khắp các bộ phận của cây trồng, đặc biệt là bộ rễ cây,
làm ảnh hưởng đến tuổi thọ, năng suất và chất lượng cây trồng. Hiện nay chưa
có biện pháp nào hữu hiệu để loại bỏ giun tròn ký sinh thực vật ra khỏi đất canh
tác. Tiếc rằng, trong nội dung phần Bảo vệ thực vật sách giáo khoa công nghệ
10 không đề cập đến đối tượng này, bên cạnh đó, nhiều giáo viên cũng chưa
được cập nhật những kiến thức về đối tượng giun tròn ký sinh thực vật. Đây
chính là điểm khác biệt quan trọng, nếu được cung cấp, lý giải tại sao bộ rễ của
cây trồng trong đất sớm bị hư hỏng, tuổi thọ cây ngắn và có năng suất, chất
lượng thấp, từ đó sẽ làm nổi bật những ưu điểm của phương pháp thủy canh
(Trồng cây trong dung dịch hoặc còn gọi là trồng cây không cần đất). Chính vì
vậy, nếu sử dụng kiến thức của nội dung bảo vệ thực vật sẽ giúp lý giải làm cho
học sinh hiểu rõ hơn về đặc điểm của đất canh tác và mối liên hệ giữa đất – sâu
bệnh – cây trồng, đồng thời biết được ưu nhược điểm của các phương pháp
trồng cây truyền thống và hiện đại, từ có có hướng nhìn mới về nền nông nghiệp
nước nhà trong tương lai gần.
4
2- Thực trạng của vấn đề:
Trong nội dung chương 1, chỉ có 2 bài nói về đất trồng (trong đó có 1 bài
thực hành xác định độ chua), với những kiến thức của bài 7 “Một số tính chất
của đất trồng”, học sinh chỉ mới hiểu được phần nào về vai trò của đất đối với
trồng trọt mà chưa hiểu được mặt hạn chế của đất, vì trong đất có chứa sẵn
nguồn sâu, bệnh hại cây trồng (đặc biệt là nhóm giun tròn ký sinh thực vật). Vì
vậy khi giảng dạy các bài 14, 15 và 16 nếu giáo viên biết kết hợp các nội dung
kiến thức sẽ giúp làm sáng tỏ nhiều nội dung và cung cấp nhiều kiến thức bổ
ích, có tính thực tiễn rất cao trong cuộc sống, tạo nên sự ham thích cho học sinh
khi học tập.
Về nội dung bài 14 “Thực hành trồng cây trong dung dịch”, tôi đã có sáng
kiến kinh nghiệm: “Làm dụng cụ và cải tiến cách dạy bài 14: Thực hành trồng
cây trong dung dịch” được xếp loại B cấp tỉnh năm 2010. Phải khẳng định rằng,
trong tương lai không xa, phương pháp thủy canh sẽ được ứng dụng rộng rãi
trong sản xuất và đời sống (Hiện nay, ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà
Nẵng, TP Hồ Chí Minh và một số nơi khác, đã có nhiều hộ gia đình lắp đặt hệ
thống thủy canh quy mô nhỏ để tự túc nguồn rau sạch cho bữa ăn hàng ngày.
Như vậy chắc chắn sẽ có một số học sinh có được những hiểu biết cơ bản về
phương pháp này). Phương pháp này có ưu điểm quan trọng nhất đó là không có
nguồn sâu bệnh hại như ở trong đất, từ đó giúp bảo toàn bộ rễ, giúp cho cây
trồng tăng tuổi thọ, tăng năng suất và chất lượng gấp nhiều lần so với cây trồng
trên đất. Tuy nhiên do điều kiện thời gian dạy bài 14 không đủ để giáo viên trình
bày thêm quá nhiều lấn sang lĩnh vực Bảo vệ thực vật, nên việc chứng minh ưu
điểm đó cần được giải quyết ở một bài học khác có liên quan.
Về nội dung bài 15 “Điều kiện phát sinh, phát triển của sâu, bệnh hại cây
trồng, một thực tế đáng buồn là đại đa số học sinh không biết thế nào là sâu, thế
nào là bệnh hại cây trồng, thậm chí đến một số giáo viên còn đánh đồng sâu -
bệnh là như nhau. Bên cạnh đó, nhiều giáo viên chưa tìm tòi để cung cấp những
5
bằng chứng làm sinh động và làm rõ hơn các nội dung của bài này để từ đó hình
thành nên ý thức phòng trừ sâu bệnh trong thực tế sản xuất.
Về nội dung bài 16 “Thực hành nhận biết một số sâu bệnh hại lúa”, đây là
một bài thực hành khá hay. Nhưng rất tiếc là trong thực tế thì hầu như không
nhà trường nào tổ chức cho học sinh thực hành đúng như yêu cầu trong sách
giáo khoa, bởi lẽ khi dạy bài này thường là vào tháng 12, lúc này trên đồng
ruộng không còn lúa trồng mà chỉ còn gốc rạ nên không thể thu được mẫu vật
như trong sách giáo khoa yêu cầu (nhưng lại rất sẵn nguồn giun tròn ký sinh ở rễ
gốc rạ), bên cạnh đó giáo viên chưa có điều kiện thu thập và bảo quản mẫu vật
do điều kiện thực tế của mỗi nhà trường hiện nay đều còn khó khăn về cơ sở vật
chất. Vì vậy, giải pháp hữu hiệu nhất cho học bài này chính là khai thác nguồn
thông tin trên mạng và dạy cho học sinh bằng hình ảnh chiếu trên màn hình là
tốt nhất. Đặc biệt, giáo viên có thể sử dụng kết hợp bài này để làm sáng tỏ
những vấn đề mà các bài 14, 15 đặt ra.
Qua khảo sát từ các đồng nghiệp dạy cùng chuyên môn trong trường và ở
các đơn vị bạn, tôi thấy thực trạng phổ biến đó là các bài 14, 15, 16 được giảng
dạy theo đúng hướng dẫn của Bộ đã in trong sách giáo viên. Các thầy cô khi
giảng dạy đã không kết nối nội dung các bài để tạo nên tình huống kích thích sự
tìm hiểu kiến thức khoa học nhằm lý giải vấn đề đặt ra, từ đó giúp cho học sinh
nhận thức rõ hơn về tác hại của các đối tượng sâu, bệnh hại đối với cây trồng,
đồng thời làm nổi bật những ưu điểm của phương pháp thủy canh so với phương
pháp truyền thống. Thậm chí một số giáo viên (chứ chưa nói đến học sinh) vẫn
không giải thích được tại sao khi thu hoạch xà lách trồng thủy canh ở một số
nơi, người ta không cắt bỏ rễ mà lại quấn rễ quanh gốc và đóng vào hộp nhằm
mục đích gì?. Chính vì không có sự kết nối kiến thức và lý giải khoa học chính
xác đã làm cho nội dung giảng dạy trở nên đơn thuần, nhàm chán đối với học
sinh và rời xa mục tiêu áp dụng vào thực tế cuộc sống.
6
3- Giải pháp và tổ chức thực hiện:
Từ thực tiễn của vấn đề, tôi đề ra mục tiêu hướng tới như sau:
+ Bổ sung kiến thức, làm rõ về mối quan hệ giữa đất trồng và nguồn sâu,
bệnh hại cây trồng xét trên khía cạnh đất trồng là môi trường sống.
+ Làm rõ những ưu điểm của phương pháp thủy canh.
+ Từ những bằng chứng hình ảnh, những lý luận khoa học, tạo nên sự
hứng thú, nâng cao khả năng tự học, tự tìm tòi cho học sinh. Đồng thời với
những kiến thức khoa học được cung cấp sẽ hình thành trong tư duy của các em
những kỹ năng cần thiết cũng như nhu cầu ứng dụng vào thực tế đời sống.
Từ việc xác định mục tiêu nêu trên, ngoại trừ bài 14 được thực hiện như
nội dung đã đăng ở sáng kiến kinh nghiệm năm 2010: “Làm dụng cụ và cải tiến
cách dạy bài 14: Thực hành trồng cây trong dung dịch”, tôi đã đề xuất các giải
pháp và tổ chức thực hiện đối với 2 bài học 15 và 16 trong chương 1 như sau:
3.1- Chuẩn bị:
a- Về phương tiện:
+ Phòng học có hệ thống máy tính, máy chiếu Projector, loa ngoài (máy
tính được cài đặt phần mềm FLV-Media Player để chạy các File có đuôi .FLV
được tải về từ trang Youtube.com).
+ Kính hiển vi quang học (Mượn của bộ môn Sinh học), đĩa pêtri, ống hút
b- Về mẫu vật:
+ Mẫu vật cây trồng theo phương pháp thủy canh (được chuẩn bị trước
khoảng 1 tháng cho dạy bài 14, lúc này bộ rễ đã phát triển mạnh). Kèm theo
mẫu vật cây trồng bình thường có bộ rễ đã bị hỏng (có u sần sùi, rễ thối, hỏng).
+ Mẫu vật sâu, bệnh (ngoài những mẫu vật có thể thu thập từ trước như
bài 16 trong sách giáo khoa): Trước khi giảng dạy khoảng 2 ngày, giáo viên tìm
nhổ lấy một số gốc rạ còn tươi (lúa chét), cắt lấy bộ rễ, rửa sạch sau đó dùng kéo
cắt nhỏ từng đoạn 0,5cm cho vào 1 chiếc rây lọc (hoặc túi vải) ngâm lơ lửng
trong 1 cốc to (chậu) nước. Vào giờ dạy, loại bỏ rây lọc, chắt bớt nước phía trên,
sau đó dùng ống hút phần nước ở đáy cốc cho vào đĩa pêtri để quan sát dưới
7
kính hiển vi. (Hoặc có thể lấy khoảng 200gam đất xung quanh gốc rạ, cho vào
xô loại 5 lít, cho vào khoảng 3
4 lít nước sạch, khuấy đều cho đất tan, tráo
qua, đổi lại giữa 2 chiếc xô khoảng vài chục lần để loại bỏ phần cặn, lấy phần
nước đục bên trên sau đó để lắng đọng và hút lấy phần nước dưới đáy có chứa
giun tròn ký sinh thực vật). Tốt nhất là chuẩn bị được cả 2 loại mẫu vật này.
c- Về hình ảnh (Tải từ Internet):
+ Truy cập trang Youtube.com để tải về 2 clip quan trọng sau:
- Gõ từ khóa:
clip có thuyết minh bằng tiếng Việt để tải về clip trồng rau xà lách thủy canh.
- Gõ từ khóa để
tải về clip hình ảnh Giun tròn ký sinh rễ có tiêu đề Wormula
+ Truy cập Google.com.vn, tìm kiếm trong công cụ “Hình ảnh” để tải về
các hình ảnh:
- Gõ từ khóa: Hydroponic để tải những hình ảnh cây trồng thủy
canh (những ảnh có hiển thị bộ rễ cây).
- Gõ từ khóa Nematodes để tải những hình ảnh bộ rễ cây bị các
khối u do giun tròn gây ra, hình ảnh tiêu bản rễ cây có giun tròn ở bên trong (đã
được xử lý nhuộm màu, giun tròn chuyển màu đỏ, rễ cây chỉ còn bộ màng tế bào
rễ), hình ảnh giun tròn đang chui vào rễ cây.
- Gõ các từ khóa: Rầy nâu; Sâu đục thân lúa 2 chấm; Sâu cuốn lá
nhỏ; Ruồi đục quả để tải hình ảnh và lấy các thông tin liên quan của các loại sâu
hại này.
3.2- Giải quyết vấn đề trong các giờ dạy:
a- Bài 14: Cuối bài 14 (giảng dạy theo đề xuất cải tiến đã nêu trong
SKKN năm 2010 của tôi), giáo viên cho học sinh xem (nếu đã chuẩn bị được)
mẫu vật bộ rễ cây trồng bình thường trong đất và bộ rễ cây trồng trong dung
dịch để các em quan sát và so sánh, yêu cầu học sinh tìm hiểu lý giải nguyên
nhân của sự khác nhau là do đâu?. Sự khác nhau đó dẫn đến kết quả như thế nào
về năng suất, chất lượng của cây trồng?. (Khuyến khích học sinh tìm hiểu trên
8
mạng Internet) để giải thích khi học bài 16. Tiếp đó, giáo viên chiếu clip: Thủy
canh xà lách ở Nhật Bản để học sinh xem, sau đó đặt câu hỏi: Tại sao người ta
lại quấn rễ cây xà lách rồi đóng hộp chứ không cắt bỏ rễ nhằm mục đích gì?
b- Bài 15:
+ Trước hết, giáo viên phải đặt ra câu hỏi: Thế nào là sâu?. Thế nào là
bệnh hại cây trồng?. (Vì thực tế tôi đã kiểm chứng hầu hết học sinh không nhớ
hoặc không biết khái niệm sâu là gì, bệnh là gì và trả lời lẫn lộn). Sau đó mới
giải thích cho học sinh biết các khái niệm cụ thể là:
- Sâu hại cây trồng: là phần lớn các loài côn trùng (6 chân) và một số loài
thuộc lớp hình nhện (8 chân) trong nhóm động vật không xương sống ngành
chân khớp.
- Bệnh hại cây trồng (Do các đối tượng sinh vật gây ra): Gây ra chủ yếu
bởi các vi sinh vật (vi khuẩn, nấm, vi rut ) và đặc biệt là nhóm giun tròn ký sinh
ở thực vật (khác với giun tròn ký sinh ở động vật và ở người có kích thước lớn,
giun tròn ký sinh thực vật hầu hết có kích thước rất nhỏ chỉ nhìn thấy dưới kính
hiển vi quang học).
+ Khi dạy phần I – Nguồn sâu bệnh hại: Giáo viên có thể cho 1 số học
sinh lên quan sát trên kính hiển vi để thấy giun tròn ký sinh gắn liền với đất
trồng và có trong cây trồng. Sau đó đặt ra câu hỏi: Như vậy, trong phần lớn các
cây giống (cây con kèm theo bầu đất – VD: Nhãn, vải, xoài, hồng xiêm v.v )
được chúng ta mua về từ nơi khác chắc chắn có nguồn sâu, bệnh hại, mà như
các em đã thấy chủ yếu là giun tròn. Vậy ta phải làm gì để loại bỏ được giun
tròn?. Sau khi học sinh trả lời, giáo viên bổ sung và khẳng định: Phải thay thế
đất ươm cây bằng loại giá thể khác (Ví dụ như hỗn hợp, xơ dừa + mùn cưa +
trấu, rơm rạ mục trộn phân bón hiện được sử dụng phổ biến ở các tỉnh phía
Nam để làm bầu ươm cây giống, sản phẩm đã có bán ở địa phương Thanh Hóa
là cây giống mít Viên Linh), đảm bảo loại bỏ hoàn toàn giun tròn và một số loại
sâu bệnh khác sống trong đất.
9
(Chú ý: Giáo viên cũng có thể lồng ghép luôn nội dung dạy học tiết tiệm năng
lượng ở mục này đó là: Việc sử dụng những loại giá thể không phải là đất để
ươm cây giống giúp tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp, làm giảm sự ô
nhiễm môi trường, tăng hiệu quả kinh tế, đồng thời giá thể này nhẹ hơn đất nên
sẽ tiết kiệm được chi phí năng lượng khi vận tải đi xa).
c- Bài 16: Do những điều kiện khách quan thời gian khi dạy bài này như
đã nêu ở phần “Thực trạng của vấn đề”. Có thể chắc chắn rằng hầu hết giáo viên
ở các trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa không thực hiện dạy bài này theo đúng
như sách giáo khoa.
Theo quan điểm của tôi, bài 16 có thể mở rộng ra thành: “Thực hành nhận
biết một số loại sâu bệnh hại cây trồng” để giáo viên có thể dễ xử lý cho phù
hợp với thực tế và cũng là hợp lý với phương châm của Bộ GD & ĐT là cho
phép dạy bám sát với thực tiễn địa phương. Như vậy, nội dung về sâu bệnh hại
lúa có thể rút bớt, chỉ cần thiết cho học sinh tìm hiểu trong giờ học 2 đối tượng
chính là Rầy nâu và sâu đục thân lúa 2 chấm (hoặc sâu cuốn lá lúa loại nhỏ), còn
các đối tương khác học sinh tự đọc, tự nghiên cứu ngoài giờ học. Thời gian còn
lại, dành để bổ sung các đối tượng khác, đặc biệt là 2 đối tượng: Giun tròn ký
sinh thực vật và Ruồi đục quả, vì những lý do sau:
+ Giun tròn ký sinh thực vật là nhóm đối tượng gây hại phổ biến, gắn liền
với hệ sinh thái đất canh tác ở tất cả các nơi trên lãnh thổ Việt Nam nói chung,
tỉnh Thanh Hóa nói riêng (kể cả toàn thế giới). Đối tượng này là nguyên nhân
chính gây nên sự khác biệt về bộ rễ cây trồng trong đất bình thường so với cây
trồng thủy canh, là chìa khóa liên kết các bài 14, 15, 16.
+ Ruồi đục quả là đối tượng kiểm dịch thực vật nguy hiểm có trong sách
đỏ kiểm dịch (Ở địa phương Thanh Hóa và các tỉnh phía Bắc, thường quen gọi
với cái tên: Ong đốt mướp, Ngâu vọc), Ruồi trưởng thành đẻ trứng vào các loại
quả (Cam, quýt, ổi, bòng bòng, na, nhãn, vải, mướp, mướp đắng v.v.) quanh
năm có mặt trên ruộng, vườn gây thiệt hại lớn về kinh tế. Tuy nhiên hiện nay ý
thức phòng trừ loại sâu hại này ở địa phương còn rất kém.
10
Từ quan điểm lý luận trên, tôi đã cải tiến cách dạy học bài 16, sử dụng hệ
thống máy tính + Projector và kính hiển vi thay cho việc quan sát mẫu như trong
sách giáo khoa với tiến trình giảng dạy như sau:
BÀI 16 – THỰC HÀNH: NHẬN BIẾT MỘT SỐ LOẠI SÂU BỆNH HẠI CÂY TRỒNG
(Tiết thứ: 16 - PPCT)
A- MỤC TIÊU: Khi học bài này, học sinh cần:
1- Kiến thức: Nhận biết một số loại sâu bệnh hại phổ biến trên đồng
ruộng. Liên hệ với các nội dung bài học trước để tìm tòi kiến thức mới.
2- Thái độ: Có ý thức học tập nghiêm túc, có ý thức trong việc phòng trừ
sâu bệnh trong thực tế.
3- Kỹ năng: Rèn luyện kỹ năng quan sát, phân tích.
B- PHƯƠNG TIỆN DẠY HỌC:
1- Chuẩn bị của giáo viên:
+ Máy chiếu Projector
+ Hình ảnh sâu bệnh (Slide Power point và Clip).
+ Kính hiển vi quang học, đĩa pêtri, ống hút
+ Mẫu vật: Các mẫu vật sâu, bệnh sưu tập được
C- PHƯƠNG PHÁP CHỦ YẾU:
* Thực hành trực quan, vấn đáp tìm tòi.
* Thuyết trình.
D- TIẾN TRÌNH BÀI HỌC:
Bước 1: Ổn định tổ chức, kiểm tra sỹ số.
Bước 2: Kiểm tra bài cũ:
* Có những nguồn sâu, bệnh nào gây hại cho cây trồng?.
* Điều kiện khí hậu, đất đai có ảnh hưởng như thế nào đến phát
sinh, phát triển của sâu, bệnh hại cây trồng?.
Bước 3: Giới thiệu và dạy bài mới.
Nội dung 1: Giới thiệu đối tượng Rầy nâu:
+ Giáo viên chiếu hình ảnh Rầy nâu lên màn hình, cho học sinh quan sát
và mô tả kết hợp với sgk.
11
+ Giáo viên nhấn mạnh: Rầy nâu là đối tượng dịch hại nguy hiểm số 1
trên lúa nhiệt đới vì các lý do:
- Khả năng đẻ trứng lớn: 1 rầy cái trưởng thành đẻ 400450 trứng.
- Vòng đời ngắn (trung bình 21 ngày trong điều kiện nóng ẩm).
- Có thể di chuyển linh hoạt qua sự hoán đổi cánh ngắn – cánh dài.
- Là trung gian (Vec tơ) truyền bệnh lùn xoăn lá.
Nội dung 2: Giới thiệu đối tượng Sâu đục thân lúa 2 chấm:
+ Giáo viên chiếu hình ảnh Sâu đục thân lúa hai chấm lên màn hình, cho
học sinh quan sát và mô tả kết hợp với sgk.
+ Giáo viên nhấn mạnh: Sâu đục thân lúa hai chấm là đối tượng dịch hại
nguy hiểm trên lúa vì các lý do:
- Sâu non có cơ chế đục vào thân lúa khá đặc biệt (không để lại dấu
vết bên ngoài) sâu non rất an toàn trong thân cây lúa.
- Mỗi sâu non có thể đục phá nhiều dảnh lúa làm nõn héo, bông
bạc. Trong điều kiện thời tiết thích hợp có thể gây thiệt hại rất nặng
Nội dung 3: Giới thiệu các loài giun tròn ký sinh thực vật:
+ Giáo viên cho những học sinh chưa được quan sát mẫu vật giun tròn
trên kính hiển vi lên quan sát.
+ Giáo viên chiếu các hình ảnh về giun tròn và bộ rễ cây bị giun tròn phá
hại. (Xin xem phần phụ lục), yêu cầu học sinh quan sát và đưa ra nhận xét.
+ Giáo viên chiếu song song hình ảnh 2 bộ rễ cây: 1 bộ rễ cây trồng theo
phương pháp thủy canh, 1 bộ rễ trồng bình thường trong đất. Đặt vấn đề: Từ
những hình ảnh vừa quan sát các em hãy trả lời vấn đề đặt ra ở bài 14, thầy đã
yêu cầu các em lý giải sự khác nhau giữa 2 bộ rễ là do nguyên nhân chủ yếu
nào?. Sự khác nhau đó sẽ ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của cây trồng
như thế nào?.
+ Sau khi học sinh trả lời, giáo viên bổ sung và gợi ý để sau giờ học, học
sinh tự nghiên cứu và đưa ra kết luận về ưu điểm của phương pháp thủy canh so
với phương pháp trồng cây trong đất. Giáo viên cũng giải thích luôn việc quấn
12
rễ cây xà lách rồi đóng hộp nhằm mục đích lấy rễ cây để chứng minh đó là xây
trồng thủy canh chứ không phải cây trồng trong đất (Vì chỉ có rễ cây trồng thủy
canh mới dài và trắng như vậy).
Nội dung 4: Giới thiệu đối tượng Ruồi đục quả:
+ Giáo viên chiếu hình ảnh liên quan, yêu cầu học sinh quan sát, liên hệ
với mục I bài 15 và thực tế địa phương để trả lời các câu hỏi: Em có nhận xét gì
về mức độ gây hại của Ruồi đục quả?. Hiện nay ở địa phương em, người ta
phòng trừ Ruồi đục quả như thế nào, có những hạn chế gì cần khắc phục?.
+ Sau khi học sinh trả lời, giáo viên bổ sung và khẳng định để trừ Ruồi
đục quả cần phải:
- Tiêu hủy (chôn lấp) các quả, các phần quả có chứa trứng, ấu trùng
của Ruồi đục quả, không vứt bừa bãi.
- Sử dụng các loại bẫy bả (thay thế cho việc phun thuốc hóa học) để
diệt trừ nhằm đảm bảo hiệu quả tiêu diệt và đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường.
Bước 3: Hướng dẫn về nhà:
* Hoàn thiện kiến thức bài đã học; Chuẩn bị ôn tập học kỳ 1
4- Kiểm nghiệm về hiệu quả:
Qua triển khai áp dụng đề tài nghiên cứu trong năm học 2012 - 2013, so với
các năm học trước tôi thấy:
- Cách dạy – học theo hướng dẫn trong sách giáo khoa và sách giáo viên đã
không cung cấp đủ kiến thức cần thiết cho học sinh, học sinh tuy cũng chủ động
trong việc tìm tòi, tiếp nhận kiến thức nhưng ở trạng thái “chấp nhận miễn
cưỡng” sự hứng thú tìm tòi có nhiều hạn chế, chưa phát triển tư duy logic cho
học sinh trong việc kết nối và vận dụng các kiến thức của những nội dung khác.
- Cách dạy – học kết nối của đề tài ngay từ đầu đã tạo nên sự hứng thú đối
với học sinh, các vấn đề đưa ra đã thu hút học sinh chú ý tìm hiểu và giải thích
nguyên nhân. Đồng thời, việc cung cấp thêm một lượng thông tin bổ ích đã cuốn
hút học sinh hơn nhiều. Mặt khác, qua các bài học, học sinh thấy được rằng đất
canh tác hiện nay luôn có sẵn nguồn sâu, bệnh hại cây trồng (đặc biệt là giun
13
tròn gây bệnh cho cây trồng), vì vậy cần chú ý xử lý đất hoặc tìm các giá thể
thay thế đất phục vụ cho việc ươm cây giống, đồng thời chứng minh được
những ưu điểm vượt trội của phương pháp thủy canh, giúp cho học sinh có
những kiến thức cơ bản để phân biệt sản phẩm thủy canh và sản phẩm trồng
bình thường, định hướng cho các em về tương lai phát triển phổ biến rộng rãi
của phương pháp thủy canh cả trên quy mô lớn cũng như ứng dụng trong gia
đình không chỉ ở nông thôn mà sẽ rất phổ biến ở các đô thị mang lại hiệu quả
kinh tế thiết thực.
- Việc mở rộng kiến thức về các đối tượng sâu bệnh hại cây trồng (So với
sâu, bệnh hại lúa) cũng là cần thiết đối với học sinh, phù hợp với điều kiện thực
tế ở từng địa phương.
14
PHẦN THỨ BA: KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ
1- Kết luận: Việc kết nối kiến thức các bài 14, 15, 16 là cần thiết vì:
+ Góp phần tạo hứng thú, phát triển tư duy logic, tìm tòi cho học sinh
trong học tập, vận dụng kiến thức đã học để tìm hiểu, giải thích về kiến thức
mới. Tạo nên mạch kiến thức bổ trợ lẫn nhau trong chương 1 – Công nghệ 10
+ Cung cấp lượng kiến thức bổ ích, bám sát với thực tế địa phương, tạo
niềm tin tưởng vào môn học và góp phần thiết thực trong việc đưa kiến thức
khoa học vào đời sống. Đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ mà ngành giáo dục đã đề
ra.
2- Đề nghị:
1- Hội đồng khoa học ngành thẩm định, cho ý kiến đóng góp hoàn thiện và
cho phép bộ môn Công nghệ 10 ở các trường THPT trong tỉnh được triển khai
thực hiện đại trà việc theo nội dung của đề tài này.
2- Giáo viên Công nghệ ở các trường nên tiến hành thu thập và làm mẫu
quan sát về Giun tròn, kết hợp với sử dụng hệ thống kính hiểu vi quang học đã
được cấp để nâng cao chất lượng giảng dạy như mục tiêu mà đề tài này đặt ra.
Tùy điều kiện cụ thể của từng địa phương mà bổ sung những đối tượng sâu bệnh
khác để bài dạy bám sát với thực tế, có tính ứng dụng cao.
3- Có thể chuyển đổi lịch giảng dạy theo trình tự các bài: bài 15 bài 16
bài 14. Như vậy tự bản thân học sinh có thể lấy kiến thức đã học ở bài 15 và
bài 16 để chứng minh cho bài 14 mà không cần giáo viên phải hướng dẫn, gợi ý.
XÁC NHẬN CỦA THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
Tĩnh Gia, ngày 18 tháng 5 năm 2013
Tôi xin cam đoan đây là SKKN của mình
viết, không sao chép của người khác.
Nguyễn Duy Thành
PHẦN PHỤ LỤC
15
I- HÌNH ẢNH:
II- TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1- Giáo trình bộ môn Bảo vệ thực vật – Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội.
16
Bộ rễ cây trồng trong dung dịch thủy canh
Bộ rễ cây trồng trong đất bị Giun tròn gây hại
Hình ảnh các khối u ở rễ cây do giun tròn gây ra
Hình ảnh Giun tròn trong rễ cây
Tiêu bản nhuộm màu giun tròn trong rễ cây
2- Giáo trình Bệnh cây Chuyên khoa (chủ biên: Vũ Triệu Mân, Trường Đại học
Nông nghiệp Hà Nội, năm xuất bản: 2007)
3- Tài liệu bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 10
trung học phổ thông môn Công nghệ - NXB Giáo dục, 2006.
4- Sách hướng dẫn giáo viên môn Công nghệ 10.
5- />6- />7-
8- />(Nội dung bài 16 xin xem trên trang baigiang.violet.vn, mục: Giáo án Công
nghệ 10, bài 16 “Thực hành: Nhận biết một số sâu bệnh hại cây trồng” – Tác
giả: Nguyễn Duy Thành – Trường THPT Tĩnh Gia 1)
17