SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
ĐỀ TÀI:
"VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỂ ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ XÂY DỰNG
TRƯỜNG HỌC ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN
TRẦN VĂN THỜI, TỈNH CÀ MAU"
I. PHẦN MỞ ĐẦU
Chuẩn quốc gia về trường học được xem là thước đo đánh giá hình thức hoạt động và
hiệu quả đạt được của các loại hình trường, trên cơ sở đó để thực hiện mục tiêu nâng cao
dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa,
hiện đại hóa đất nước.
Là một huyện còn khó khăn về kinh tế, đời sống nhân dân ở mức trung bình, địa bàn
rộng, giao thông chưa thuận lợi, cơ sở vật chất trường lớp đầu tư chưa nhiều, nguồn lực
hạn chế, nhưng thời gian qua huyện Trần Văn Thời luôn là đơn vị dẫn đầu trong công tác
xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (ĐCQG) của tỉnh Cà Mau, đặc biệt là hai năm trở lại
đây. Tuy nhiên so với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển giáo dục thì kết quả đó chưa đáp ứng
yêu cầu.
Theo Nghị quyết của huyện Đảng bộ Trần Văn Thời lần thứ XII, đến năm 2015 toàn
huyện có ít nhất 70% trường ĐCQG. Đây là chỉ tiêu mang tính đột phá đối với sự nghiệp
giáo dục của huyện. Bởi vì, để nâng cao chất lượng giáo dục, để giáo dục phát triển,
không có giải pháp nào khác là xây dựng trường theo hướng ĐCQG. Bên cạnh, xây dựng
trường ĐCQG cũng là một tiêu chí quan trọng trong đề án xây dựng nông thôn mới hiện
nay.
Với kinh nghiệm bản thân trong việc xây dựng trường ĐCQG thời gian qua cho thấy, xây
dựng được một trường ĐCQG là một quá trình chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt, phải có sự
nỗ lực, quyết tâm cao của các ngành, các cấp cùng với sự hỗ trợ tích cực của xã hội, bên
cạnh là vai trò nòng cốt là ngành giáo dục. Tỷ lệ 70% trường ĐCQG đến năm 2015 thật
sự là một thách thức, nếu không có biện pháp, giải pháp tốt thì khó có khả năng đạt được.
Với mong muốn chia sẻ kinh nghiệm với các cấp quản lý trong việc thực hiện nhiệm vụ
xây dựng trường ĐCQG thời gian tới, tôi chọn chủ đề sáng kiến kinh nghiệm “Về một số
giải pháp để đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn
huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau” với nội dung trình bày dưới đây, mong được góp
một phần nhỏ cho nhiệm vụ chung của địa phương.
II. PHẦN NỘI DUNG
1. Cơ sở lý luận:
- Xây dựng trường học ĐCQG là mục tiêu quan trọng trong phát triển sự nghiệp giáo dục,
đồng thời là yêu cầu phát triển mới của đất nước, của địa phương. Yêu cầu đó phải được
quán triệt cả về nhận thức và hành động từ cấp ủy Đảng, chính quyền, đến các đoàn thể,
các tổ chức chính trị- xã hội và nhân dân ở địa phương; phải đặt dưới sự lãnh đạo sâu sắc
của Đảng.
- Trong chỉ đạo phải có trọng tâm, trọng điểm để tập trung, tránh đầu tư dàn trải, hiệu quả
thấp. Trong thực hiện phải gắn chặt mục tiêu phổ cập giáo dục, chất lượng giáo dục và
các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương; phải chú trọng số lượng và chất
lượng trong đó chất lượng là quan trọng.
- Việc đầu tư xây dựng phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường lớp gắn
với đề án xây dựng nông thôn mới. Hệ thống nhà trường phải được phân bổ hợp lý, vừa
đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh, phù hợp với phân bố dân cư lâu dài, vừa đáp ứng
với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
2. Thực trạng và nguyên nhân công tác xây dựng trường học ĐCQG giai đoạn 2000
– 2010.
2.1. Thực trạng:
Trường học ĐCQG được Bộ GD&ĐT triển khai từ năm 1996. Huyện Trần Văn Thời là
một trong những đơn vị đầu tiên của tỉnh Cà Mau xây dựng đề án triển khai thực hiện
trên địa bàn huyện từ những năm 2000. Qua 10 năm thực hiện (tính đến năm 2010), toàn
huyện có 9 trường được công nhận ĐCQG, chiếm tỷ lệ 11,1%. Mặc dù có nhiều cố gắng
trong triển khai thực hiện, nhưng kết quả đạt được còn thấp, chưa đáp ứng với kế hoạch
đề ra. Vì thế mà chất lượng giáo dục giữa các trường trong huyện chưa được đồng đều, tỉ
lệ học sinh, kưu ban, bỏ học, học sinh xếp loại học lực yếu kém còn cao, cơ sở vật chất,
trang thiết bị phục vụ cho dạy và học còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, chưa đáp ứng với
yêu cầu phát triển giáo dục.
2.2. Nguyên nhân:
Có nhiều nguyên nhân, trong đó có các nguyên nhân chủ yếu sau: Công tác tham mưu, đề
xuất chưa được thường xuyên, hiệu quả chưa cao; công tác quy hoạch, kế hoạch chưa phù
hợp với thực tế và yêu cầu phát triển. Công tác tuyên truyền chưa mang tính chiều sâu;
một số cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể và một bộ phận nhân dân chưa thật sự
quan tâm đến công tác xây dựng trường học ĐCQG. Cán bộ quản lý một số trường chưa
đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về trình độ đào tạo và kiến thức phụ trợ khác; một số giáo
viên chưa nhiệt tình trong công tác, tay nghề yếu, chậm đổi mới phương pháp giảng
dạy…; tỷ lệ học sinh yếu kém, lưu ban, bỏ học khá cao, bình quân trên 5%. Nguồn vốn
hạn hẹp, đầu tư thiếu tập trung; nhiều điểm trường thiếu diện tích, mặt bằng để xây dựng;
công tác xã hội hoá giáo dục còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp.
Từ những nguyên nhân trên nên tiến độ, kết quả xây dựng trường học ĐCQG giai đoạn
2001- 2010 chưa đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra.
3. Một số giải pháp, biện pháp xây dựng trường học ĐCQG đã được triển khai thực
hiện trong thời gian qua tại huyện
Thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy, HĐND huyện về xây dựng trường học ĐCQG giai
đoạn 2010-2015, Phòng GD&ĐT đã tham mưu UBND huyện tập trung nhiều giải pháp,
biện pháp triển khai thực hiện. Sau hơn hai năm đã xây dựng được 13 trường học ĐCQG,
nâng tổng số trường ĐCQG trong toàn huyện lên 22 trường. Sau đây xin nêu một số giải
pháp, biện pháp kinh nghiệm trong việc xây dựng trường ĐCQG thời gian qua.
Thứ nhất, tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục trên địa bàn
đến năm 2015 và năm 2020; điều chỉnh bổ sung hoàn chỉnh mạng lưới trường lớp đến
năm 2020. Phối hợp với các ngành liên quan và các xã, thị trấn quy hoạch, sử dụng đất
đảm bảo đủ điều kiện, diện tích xây dựng trường học ĐCQG theo quy định. Điều tra thực
trạng 5 tiêu chuẩn của trường học ĐCQG để làm cơ sở xây dựng kế hoạch cho cả giai
đoạn và từng năm phù hợp với thực tế. Khi có đủ các điều kiện trên, tham mưu cho
Huyện ủy, HĐND, UBND huyện ban hành Nghị quyết, Kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo
về xây dựng trường học ĐCQG giai đoạn 2010- 2015 nhằm để huy động cả hệ thống
chính trị và xã hội cùng vào cuộc.
Giai đoạn trước đây, Phòng GD&ĐT chỉ tham mưu ban hành kế hoạch xây dựng trường
ĐCQG giai đoạn 2001-2010 không có tham mưu ban hành Nghị quyết, Kế hoạch của
Huyện ủy, HĐND huyện; không có điều tra thực trạng, không có giải pháp cụ thể…Cho
nên, trong thực hiện không tập hợp được sức mạnh và nguồn lực của hệ thống chính trị,
của xã hội để đầu tư xây dựng trường học ĐCQG.
- Thứ hai, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tuyên truyền phải mang tính chiều sâu,
bằng nhiều hình thức. Đây là giải pháp quan trọng để qua đó, làm cho các cấp ủy Đảng,
chính quyền, các ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội; cán bộ, giáo viên ngành giáo dục
và cha mẹ học sinh hiểu được sự cần thiết phải đầu tư xây dựng trường học ĐCQG mà có
trách nhiệm phối hợp với ngành giáo dục để cùng thực hiện.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nên những năm qua, công tác xây dựng trường học
ĐCQG đã được các ngành, các cấp và nhân dân tham gia tích cực, từ việc xây dựng
trường sở, cảnh quan, môi trường sư phạm đến việc quan tâm chất lượng giáo dục, tạo
điều kiện cho con em đến trường học tập…. Trước đây, công tác này chỉ có ngành giáo
dục thực hiện.
- Thứ ba, nâng cao năng lực quản lý của hiệu trưởng, cán bộ, giáo viên. Đây là yếu tố
quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. Vì vậy, phải thường xuyên tiến hành rà soát,
đánh giá, quy hoạch, bồi dưỡng để nâng cao năng lực của đội ngũ CBQL, giáo viên các
trường học đảm bảo đạt chuẩn kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng với yêu cầu
mà trước mắt phục vụ cho việc xây dựng trường học ĐCQG.
Hiện nay, năng lực đội ngũ cán bộ, giáo viên của ngành giáo dục huyện đã được nâng lên
một bước đáng kể. Trình độ đào tạo đạt chuẩn gần 100%, trong đó trên chuẩn hơn 70%
(tỷ lệ này trước đây là 80% và 30%). 100% hiệu trưởng đạt trình độ đào tạo trên chuẩn và
đảm bảo các kiến thức phụ trợ khác.
- Thứ tư, chỉ đạo tốt hoạt động dạy và học và các phòng trào thi đua trong nhà trường
nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và các hoạt động. Chú trọng bồi dưỡng học
sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém. Có kế hoạch mở rộng lớp học trên 6 buổi/tuần đối
với THCS, 9-10 buổi/ngày đối với tiểu học và bán trú đối với mầm non ở những nơi có
điều kiện.
Thực tế cho thấy, chất lượng các mặt giáo dục nói chung những năm gần đây đã được
nâng lên rõ rệt. Cụ thể, chất lượng giáo dục năm học 2008 – 2009, tỷ lệ học sinh khá giỏi
chiếm khoản 40%, yếu kém hơn 10%; năm học 2011 – 2012, tỷ lệ này là 60% và 5%.
Chất lượng giáo dục mũi nhọn tăng lên đáng kể, tỷ lệ học sinh giỏi các cấp năm sau cao
hơn năm trước. Đối với các trường học ĐCQG, tỷ lệ học sinh khá, giỏi, học sinh giỏi các
cấp đều cao hơn các trường khác. Tỷ lệ lớp học 2 buổi/ngày trên mức quy định.
- Thứ năm, cần tranh thủ các nguồn vốn của tỉnh, của huyện, các chương trình, dự án để
đầu tư và đầu tư theo hướng tập trung, tránh dàn trải, hiệu quả thấp. Đối với kinh phí sự
nghiệp giáo dục hàng năm phải dành ít nhất từ 30% từ kinh phí hoạt động để phục vụ xây
dựng trường học ĐCQG. Tranh thủ sự hỗ trợ từ ngân sách huyện cho việc mở rộng diệc
tích, san lắp mặt bằng, xây dựng công trình phụ, phòng chức năng, phòng hiệu bộ…
Do nguồn vốn khó khăn, nên việc lập kế hoạch xây dựng trường học ĐCQG phải thực
hiện theo thứ tự ưu tiên từ “dễ đến khó”. Những trường có đủ điều kiện, suất đầu tư thấp
thực hiện trước; những trường khó khăn về diện tích, mặt bằng, suất đầu tư lớn thực hiện
sau; nhưng trong thời gian này phải có kế hoạch khắc phục, đầu tư dần, như xây dựng các
công trình phụ, tạo cảnh quan, môi trường xanh-sạch-đẹp…Trước đây do đầu tư dàn trải,
không tranh thủ tốt các nguồn vốn, chương trình, dự án, nên tiến độ thực hiện rất chậm.
- Thứ sáu, thực hiện tốt công xã hội hóa giáo dục. Đây là giải pháp quan trọng nhằm huy
động tối đa các nguồn lực của xã hội phục vụ cho giáo dục theo chủ trương của Đảng và
Nhà nước. Chính vì thực hiện tốt công tác này, trong những năm qua đã huy động đáng
kể sự đóng góp của xã hội cho giáo dục nói chung, xây dựng trường ĐCQG nói riêng.
Trong hai năm qua, vận động nhân dân hiến được 3.000 m2 đất để mở rộng diện tích xây
dựng các trường đạt chuẩn; đóng góp công sức, vật chất để chăm lo, tu sửa, xây dựng
trường lớp trị giá hơn 5 tỷ đồng. Việc xây dựng trường ĐCQG được xem là trách nhiệm
chung của các ngành, các cấp và của xã hội.
III. Phần kết luận
1. Kết luận
Qua việc triển khai thực hiện các giải pháp, biện pháp nêu trên về xây dựng trường học
ĐCQG trong thời gian qua đã đem lại kết quả thiết thực. Trong hơn hai năm đã xây dựng
được 13 trường, tăng 4 trường so với mười năm trước đây. Điều này có thể khẳng định
rằng, những giải pháp, biện pháp đó là đúng đắn, phù hợp và hiệu quả.
Tuy nhiên, cái khó lớn nhất hiện nay trong xây dựng trường học ĐCQG là nguồn vốn,
trong khi kế hoạch xây dựng trường học ĐCQG thời gian tới rất nặng nề, số lượng nhiều,
suất đầu tư lớn, ngân sách eo hẹp. Theo tôi, để đạt được kế hoạch, UBND tỉnh, Sở
GD&ĐT Cà Mau cần nghiên cứu và có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo vận dụng linh hoạt
tiêu chuẩn về cơ sở vật chất cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để nhằm
giảm suất đầu tư, giải quyết khó khăn về nguồn vốn, như: sáp nhập và giảm bớt số phòng
chức năng không cần thiết, giảm bớt qui mô đầu tư một số hạng mục công trình (sân,
hàng rào ) bằng thảm cỏ, cây xanh…
2. Khuyến nghị và đề xuất
- Như đã trình bày ở trên, công tác xây dựng trường học ĐCQG đòi hỏi phải có sự chung
tay vào cuộc của các ngành, các cấp, trong đó vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng,
chính quyền là rất quan trọng. Không nên xem nhiệm vụ xây dựng trường học ĐCQG là
riêng của ngành giáo dục, từ đó giao khoán cho ngành giáo dục thực hiện. Làm như vậy
sẽ dẫn đến tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm và không huy động được sức mạnh
của hệ thống chính trị, của xã hội để đầu tư phát triển cho giáo dục.
- Hiện nay theo phân cấp của tỉnh, kinh phí đầu tư xây dựng trường ĐCQG đối với cấp
THCS do ngân sách tỉnh đảm nhiệm; cấp mầm non, tiểu học do ngân sách huyện đảm
nhiệm. Trên thực tế số trường tiểu học, mầm non gấp hai đến ba lần trường THCS, tương
ứng số trường ĐCQG theo kế hoạch cũng như vậy. Cho nên, theo phân cấp như trên,
ngân sách huyện không thể nào thực hiện đạt kế hoạch. Đề xuất với cấp tỉnh cần có cơ
chế phù hợp hơn để hỗ trợ cho cấp huyện trong việc đầu tư xây dựng trường ĐCQG thời
gian tới.
Mai Thanh Hải
Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện TVT, CM