Tải bản đầy đủ (.doc) (48 trang)

Văn học trung đại 1

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (219.7 KB, 48 trang )

Chương I:
MỘT SỐ VẤN ÐỀ CHUNG VỀ
VĂN HỌC TRUNG ÐẠI VIỆT NAM
I. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC TRUNG ĐẠI
Xét trong toàn bộ tiến trình văn học dân tộc, văn học trung đại Việt Nam có một vị trí đặc biệt
quan trọng, bởi, suốt hàng nghìn năm phát triển, văn học trung đại đã phản ánh được đất nước
Việt, con người Việt, đồng thời là ý thức của người Việt về tổ quốc, dân tộc. Nền văn học ấy đã
nảy sinh từ chính quá trình đấu tranh dựng nước, giữ nước vĩ đại của dân tộc, đồng thời lại là sức
mạnh tham gia vào quá trình đấu tranh này. Chính từ văn học trung đại, những truyền thống lớn
trong văn học dân tộc đã hình thành, phát triển và ảnh hưởng rất rõ đến sự vận động của văn học
hiện đại. Vì lẽ đó, nghiên cứu văn học trung đại nhằm mục đích:
- Tìm về với quá khứ hào hùng của dân tộc trong một nghìn năm dựng nước và giữ nước
- Nâng cao lòng tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc
- Tìm hiểu những nét đặc sắc trong đời sống vật chất và tinh thần của người Ðại Việt xa
xưa
- Góp phần lý giải các quy luật phát triển của văn học dân tộc.
II. NHỮNG YÊU CÂUD CÓ TÍNH PHƯƠNG PHÁP LUẬN KHI NGHIÊN CỨU VHTĐ
- Phải đảm bảo yêu cầu trung thực, khách quan, không võ đoán, phiến diện.
- Phải có lượng kiến thức phong phú về ngôn ngữ, triết học, sử học đặc biệt là những hiểu
biết về lịch sử và văn chương Trung Quốc.
- Phải đặt văn học trung đại trong mối quan hệ với văn học dân gian và văn học hiện đại để
tìm ra sự kế thừa, phát triển.
III. NHỮNG KHÓ KHĂN KHI NGHIÊN CỨU VĂN HỌC TRUNG ĐẠI
- Kho tàng VHTÐ đã mất mát khá nhiều theo thời gian do nhiều nguyên nhân khách quan
và chủ quan:
+ Do chiến tranh, loạn lạc, sách vở bị thiêu hủy.
+ Do các vụ án chính trị có dính dáng đến các nho sĩ quan liêu, lực lượng sáng tác chủ
yếu của văn học trung đại.
+ Do công tác bảo tồn, sưu tầm tư liệu chưa được quan tâm đúng mức.
- Một số tác phẩm chưa xác định được thời điểm ra đời, tác giả, tính chính xác của văn
bản


- Việc tiếp cận, đánh giá tác phẩm khó tránh khỏi suy diễn, áp đặt do thiếu tư liệu để kiểm
chứng.
IV. CƠ SỞ HỆ Ý THỨC VÀ QUAN ĐIỂM SÁNG TÁC
1.Cơ sở hệ ý thức:
VHTÐ được sáng tác dựa trên cơ sở hệ ý thức Nho- Phật- Lão, chủ yếu là đạo Nho. Ảnh
hưởng của các học thuyết triết học này đã dẫn đến việc hình thành những nét đặc thù trong quan
niệm của con người trung đại về:
+ Bản chất của vũ trụ
+ Không gian và thời gian
+ Thiên nhiên
+ Con người
Những quan niệm này có quan hệ đến việc hình thành những đặc trưng về nội dung và hình
thức nghệ thuật của văn chương trung đại. Vì vậy, muốn lý giải những vấn đề thuộc về bản chất
của văn chương trung đại, cái hay, cái đẹp của các tác phẩm thời trung đại, tất yếu, phải dựa trên
cơ sở những quan niệm nghệ thuật đặc thù về thế giới và đời sống con người ở thời kỳ trung đại.
2. Về quan niệm sáng tác
Văn học viết là sản phẩm của trí thức dân tộc. Ngày xưa, các tầng lớp trí thức luôn chịu
ảnh hưởng rõ rệt của Nho học. Từ lâu, Nho gia đã gắn văn với đạo: Văn sở dĩ tải đạo dã. Chu
Ðôn Di đời Tống, qua nhận định của mình, thừa nhận một quan niệm rất quan trọng của rất nhiều
thế hệ Nho gia trước đó về tính chất và ý nghĩa của văn học. Quan niệm này coi văn là cái hình
thức, cái để chứa, để chuyên chở đạo lý. Vì vậy, đạo mới chính là nội dung. Mệnh đề văn dĩ tải
đạo và thi ngôn chí có thể khái quát được một cách căn bản quan niệm sáng tác của các nhà văn
thời trung đại.
Người xưa đời hỏi tác phẩm phải thực sự chân thành, văn học phải là tiếng nói phát ra từ
đáy lòng nhưng nội dung đó phải được thống nhất trong một hình thức đẹp để phục vụ, làm cho
nội dung thêm hay.
Do nhận thức rằng văn là dùng để biểu hiện các chân lý phổ biến, là hình thức đẹp để
chuyển tải nội dung đi xa (Ngôn nhi vô văn, hành chi bất viễn- Khổng Tử) nên ở thời kỳ trung
đại, phạm vi của văn học được quan niệm rất rộng. Từ công việc chép sử, luận triết học, viết
chiếu, chế, biểu, cáo, hịch, đều trau chuốt hình thức câu văn sao cho ý đẹp lời hay.

Văn dùng để chuyên chở đạo lý nên người xưa rất xem trọng văn chương. Nó có chức năng
giáo hóa (giáo dục, làm thay đổi nhân cách của con người theo hướng tốt đẹp hơn) và di dưỡng
tính tình (giúp bản thân nhà văn thanh lọc tâm hồn, bày tỏ tâm sự trung quân ái quốc, nuôi dưỡng
nhân cách người quân tử).
Nhìn chung, quan niệm Văn chở đạo ảnh hưởng rất rõ đến mục đích viết văn, phạm vi đề
tài, hình thức thể hiện. Tuy nhiên, càng tách rời khỏi giáo điều Nho gia, càng gần với thực tế
cuộc sống dân tộc, các tác giả trung đại càng phát huy được mặt tích cực của quan niệm đó. Xu
hướng này thể hiện rất rõ trong suốt chiều dài phát triển của VHTÐ.
V. PHÂN KỲ LỊCH SỬ VHTĐ
Lịch sử văn học luôn quan hệ mật thiết với vận mệnh dân tộc, đến cuộc đấu tranh dựng
nước và giữ nước của dân tộc. Mỗi khi dân tộc bước vào một thử thách mới, lập tức, nội dung
văn học cũng phải có sự chuyển biến và dần dần diễn ra những thay đổi về nội dung, hình thức
thể hiện.
Lịch sử văn học có những quy luật nội tại và tính độc lập tương đối của nó. Trong từng giai
đoạn, có thể không có sự trùng hợp hoàn toàn giữa lịch sử văn học và lịch sử dân tộc nhưng vẫn
có thể căn cứ vào lịch sử dân tộc để phân kỳ lịch sử văn học, bởi, xét đến cùng, văn học bao giờ
cũng là tấm gương phản ánh trung thành thời đại. Căn cứ vào các yếu tố lịch sử, đặc trưng nội
dung và hình thức nghệ thuật, có thể phân kỳ lịch sử VHTÐ VN như sau:
+ Giai đoạn văn học Lý- Trần (Từ TK XI đến TK XIV)
+ Giai đoạn văn học đời Lê (TK XV)
+ Giai đoạn văn học từ TK XVI đến nửa đầu TK XVIII
+ Giai đoạn văn học từ nửa sau TK XVIII đến nửa đầu TK XIX
+ Giai đoạn văn học nửa cuối TK XIX (Văn học yêu nước chống Pháp)
VI. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM
1. Chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân đạo- hai dòng chủ lưu của
VHTÐVN.

a. Chủ nghĩa yêu nước:
Văn hóa Ðại Việt, văn chương Ðại Việt khởi nguồn từ truyền thống sản xuất và chiến đấu
của tổ tiên, từ những thành tựu văn hóa và từ chính thực tiễn hàng nghìn năm đấu tranh chống

giặc ngoại xâm phương Bắc.
Hiếm thấy một dân tộc nào trên thế giới lại phải liên tục tiến hành những cuộc chiến
tranh chống giặc ngoại xâm như dân tộc Việt Nam. Nhà Tiền Lê, nhà Lý chống Tống. Nhà Trần
chống Nguyên Mông. Nhà Hậu Lê chống giặc Minh. Quang Trung chống giặc Thanh. Những
cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại được tiến hành trong trường kỳ lịch sử nhằm bảo vệ nền độc
lập, thống nhất của Tổ quốc không những tôi luyện bản lĩnh dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự tin,
khí thế hào hùng của dân tộc mà còn góp phần làm nên một truyền thống lớn trong văn học Việt
Nam: Chủ nghĩa yêu nước.
Ðặc điểm lịch sử đó đã quy định cho hướng phát triển của văn học là phải luôn quan tâm
đến việc ca ngợi ý chí quật cường, khát vọng chiến đấu, chiến thắng, lòng căm thù giặc sâu sắc, ý
thức trách nhiệm của những tấm gương yêu nước, những người anh hùng dân tộc quên thân mình
vì nghĩa lớn. Có thể nói, đặc điểm này phản ánh rõ nét nhất mối quan hệ biện chứng giữa lịch sử
dân tộc và văn học dân tộc.
Quá trình đấu tranh giữ nước tác động sâu sắc đến sự phát triển của văn học, bồi đắp,
phát triển ý thức tự hào dân tộc, tinh thần độc lập tự chủ. Cho nên, chế độ phong kiến có thể
hưng thịnh hay suy vong nhưng ý thức dân tộc, nội dung yêu nước trong văn học vẫn phát triển
không ngừng.
Các tác phẩm văn học yêu nước thời kỳ này thường tập trung thể hiện một số khía cạnh
tiêu biểu như:
- Tình yêu quê hương
- Lòng căm thù giặc
- Yï thức trách nhiệm
- Tinh thần vượt khó, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc
- Ý chí quyết chiến, quyết thắng
- Ðề cao chính nghĩa của người Việt Nam trong những cuộc kháng chiến.
b. Chủ nghĩa nhân đạo
Văn học do con người sáng tạo nên và tất yếu nó phải phục vụ trở lại cho con người. Vì
vậy, tinh thần nhân đạo là một phẩm chất cần có để một tác phẩm trở thành bất tử đối với nhân
loại. Ðiều này cũng có nghĩa là, trong xu hướng phát triển chung của văn học nhân loại,
VHTÐVN vẫn hướng tới việc thể hiện những vấn đề của chủ nghĩa nhân đạo như:

- Khát vọng hòa bình
- Nhận thức ngày càng sâu sắc về nhân dân mà trước hết là đối với những tầng lớp thấp
hèn trong xã hội phân chia giai cấp
- Ðấu tranh cho hạnh phúc, cho quyền sống của con người, chống lại ách thống trị của
chế độ phong kiến.
- Ca ngợi vẻ đẹp của con người lao động
- Tố cáo mạnh mẽ và đấu tranh chống những thế lực phi nhân.
2. Văn học viết phát triển dựa trên những thành tựu của văn học dân
gian

- Văn học viết Việt Nam hay bất kỳ một nền văn học dân tộc nào khác đều phải phát triển
trên cơ sở kế thừa những tinh hoa của văn học dân gian. Trong tình hình cụ thể của VHTÐVN,
mối quan hệ giữa văn học viết và văn học dân gian chủ yếu là do các nguyên nhân sau:
+ Sau khi nước nhà độc lập, nhu cầu thiết yếu mà nhà nước phong kiến Việt Nam
cần phải chú ý là việc xây dựng một nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, chống lại âm mưu
bành trướng, đồng hóa của kẻ thù phương Bắc và nâng cao lòng tự hào dân tộc.
+ Những tác phẩm bằng chữ Hán trong thời kỳ này thường dễ xa lại với quần
chúng bình dân, tác phẩm ít được truyền tụng rộng rãi. Vì vậy, càng về sau, nhu cầu quần chúng
hóa, dân tộc hóa tác phẩm ngày càng mạnh mẽ. Trong quá trình giải quyết vấn đề này, chỉ có văn
học dân gian là nhân tố tích cực nhất.
Quá trình kế thừa, khai thác VHDG là một quá trình hoàn thiện dần các yếu tố tinh lọc từ
VHDG bắt đầu từ thơ ca Nguyễn Trãi về sau (Thời Lý- Trần, việc tiếp thu nguồn VHDG chưa
được đặt ra đúng mức).
+ Văn học viết tiếp thu từ văn học dân gian chủ yếu là về đề tài, thi liệu, ngôn ngữ,
quan niệm thẩm mỹ, chủ yếu là khía cạnh ngôn ngữ và thể loại.
+ Trong quá trình phát triển, hai bộ phận luôn có mối quan hệ biện chứng, tác
động, bổ sung lẫn nhau để cùng phát triển (Những tác động trở lại của văn học viết đối với văn
học dân gian.
3. Văn học viết phát triển dựa trên cơ sở tiếp thu, tinh lọc những yếu tố
tích cực của hệ ý thức nước ngoài


- Sự du nhập của các học thuyết vào Việt Nam chủ yếu do các nguyên nhân sau:
+ Vấn đề giao lưu văn hóa giữa các dân tộc là một vấn đề mang tính quy luật. Từ
xưa, nước ta và các vùng phụ cận đã có sự giao lưu văn hóa nhưng chỉ trong phạm vi hẹp, chủ
yếu là từ Trung Quốc sang.
+ Hơn 1000 năm bắc thuộc, dân tộc ta không tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi sự bành
trướng văn hóa và nhất là âm mưu đồng hóa của kẻ thù. Những tên quan lại phương Bắc sang đô
hộ Việt Nam không chỉ bóc lột, vơ vét tài nguyên mà còn truyền bá rộng rãi các học thuyết triết
học có nguồn gốc từ Trung Quốc vào Việt Nam một cách khéo léo và thâm hiểm.
+ Khi nhà nước phong kiến VN bắt đầu hình thành, giai cấp thống trị không có
mẫu mực nào khác hơn là nhà nước PK TQ đã tồn tại trước đó hàng nghìn năm và có rất nhiều
kinh nghiệm trong việc lợi dụng các học thuyết triết học như một công cụ đắc lực trong việc
củng cố ngai vàng, thống trị nhân dân.
- Các học thuyết Nho- Phật- Lão đều có những điểm tích cực nhất định nên các nhà tư
tưởng lớn của Việt Nam thời Trung đại đã chú ý khai thác, tinh lọc, vận dụng sao cho nét tích
cực đó phát huy tác dụng trong hoàn cảnh cụ thể của từng giai đoạn lịch sử.
4. Văn học chữ Hán phát triển song song với văn học chữ Nôm
Ngay từ khi được các nhà văn mạnh dạn đưa vào sáng tác văn học, chữ Nôm ngày càng
khẳng định vị trí của mình bên cạnh chữ Hán vốn đã có ảnh hưởng sâu sắc trong văn học thời Lý
Trần.
Sự phát triển của Văn học chữ Nôm khẳng định ý thức dân tộc phát triển ngày càng cao,
biểu hiện lòng tự hào, ý thức bảo vệ ngôn ngữ, văn hóa dân tộc chống lại âm mưu đồng hóa của
kẻ thù.
Ở thời Lý, Trần, việc sử dụng chữ Nôm trong sáng tác văn học chưa được phổ biến.
Từ thế kỷ XV về sau, Nguyễn Trãi đã mạnh dạn đưa chữ Nôm vào sáng tác văn học. Thơ
ông tuy chưa được trau chuốt nhưng đậm đà bản sắc dân tộc.Thành công của Nguyễn Trãi chính
là tiền đề cho con đường phát triển của văn học chữ Nôm đến đỉnh cao Truyện Kiều.
5. Thơ phát triển sớm và mạnh hơn văn xuôi.
Ở thời trung đại, văn chính luận mang tính quan phương chủ yếu là công cụ của nhà nước
phong kiến. Mặt khác, những đặc thù trong tư duy nghệ thuật, truyền thống sáng tác dẫn đến một

thực tế là các tác phẩm văn xuôi hình tượng chỉ chiếm một số lượng khiêm tốn so với các tác
phẩm thơ ca.
Thể thơ thường sử dụng nhất trong VHTÐ là thơ Ðường luật. Ðây là hệ quả của quá trình
giao lưu văn hóa lâu dài và nằm trong quan niệm thẩm mỹ của các nhà thơ cổ điển. Trong thời
kỳ này, thơ Ðường luật đã được chính quy hóa trong văn chương trường ốc và văn chương cử
tử. Cho nên, sự thống trị văn đàn của thơ Ðuờng luật trong bất kỳ một tập thơ nào thời trung đại
là một điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, việc sử dụng thơ Ðường luật với tư cách là một thể thơ chính thống trong các
kỳ thi và trong sáng tác đã gây không ít trở ngại trong nội dung thể hiện do bị chi phối bởi sự
ngặt nghèo của luật thơ chặt chẽ.
Ở thời Nguyễn Trãi, thơ luật Ðường biến thể thành thơ thất ngôn xen lục ngôn đầy sáng
tạo, độc đáo, phóng khoáng, rất phù hợp với cách nghĩ, cách nói, tâm lý của dân tộc nên được
một số nhà thơ đời sau tiếp tục sử dụng (Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm).
6. Việc sử dụng điển tích và các hình ảnh tượng trưng ước lệ- những
thủ pháp nghệ thuật được sử dụng phổ biến trong văn chương trung đại

Ðể miêu tả, người ta cho rằng cần phải có những mẫu mực mà qua nhiều thời kỳ đã được
mặc nhiên chấp nhận sử dụng. Quan điểm ước lệ không chú ý đến logic đòi sống, đến mối quan
hệ thực tế của các hình ảnh mang tính chất mẫu mực, công thức. Vì thế, khi phân tích các hình
ảnh ước lệ, chúng ta không cần đặt vần đề có lý hay không có lý, đúng hay không đúng thực tế
mà chỉ xem xét sức mạnh khơi gợi của hình tượng có sâu sắc hay không, hình tượng có được
dùng đúng tình đúng cảnh và thể hiện được tư tưởng tình cảm của nhà thơ hay không.
VII. NHẬN XÉT CHUNG VỀ TIẾN TRÌNH VHTĐ
Chương 2:
KHÁI QUÁT VĂN HỌC LÝ- TRẦN
Chọn thời đại Lý- Trần làm giai đoạn mở đầu cho VHTÐ Việt Nam, các nhà nghiên cứu
nhằm khẳng định rằng đây chính là thời đại phục hưng của văn hóa dân tộc, thời đại mở đầu cho
nền văn minh Thăng Long, đánh dấu bước trưởng thành của một dân tộc vừa giành lại độc lập tự
chủ sau hơn một nghìn năm Bắc thuộc
I. HOÀN CẢNH LỊCH SỬ

1. Về chính trị:

- Thời đại Lý- Trần đảm đương hai sứ mệnh lịch sử to lớn: Hưng văn trị và định vũ công,
bảo vệ tổ quốc, chống họa xâm lăng và xây dựng nền móng vững chắc cho chế độ phong kiến
vừa hình thành.
- Ðời Lý, Lý Thường Kiệt chống Tống; đời Trần, Trần Hưng Ðạo chống Nguyên Mông
(3 lần). Thời kỳ này, triều đại Lý- Trần còn phải tiến hành những cuộc chiến tranh chống họa
xâm lăng phương Nam (Chiêm Thành). Chiến tranh tất yếu phải có hủy hoại, hao người tốn của
nhưng tính chất chính nghĩa và thắng lợi vẻ vang của những cuộc kháng chiến vệ quốc đã tạo
thêm khí thế hào hùng, bản lĩnh, sự tự tin cho một dân tộc nhỏ bé ở phương Nam.
- Mặt khác, thời đại Lý- Trần còn phải đảm đương sứ mệnh xây dựng chế độ phong kiến,
chế định kỷ cương, điển lễ, văn hiến cho một quốc gia phong kiến có chủ quyền, tạo nền tảng
cho sự ổn định và phát triển của chế độ phong kiến Việt Nam trong các thế kỷ sau.
2. Về kinh tế:

a. Chế độ đại điền trang là một đặc điểm kinh tế cơ bản thời Lý- Trần. Nó dựa trên cơ sở
xâm lấn đất đai của các làng xã, biến người nông dân thành người nông nô. Ruộng đất trong thời
kỳ này thuộc về công điền. Về thực tế, ruộng đất do các làng xã quản lý và sử dụng bằng cách
chia cho nông dân lĩnh canh rồi nộp tô thuế cho triều đình. Ðó là nguồn thu nhập chủ yếu của
chính quyền trung ương vì ruộng đất công chiếm đại bộ phận trong thời đó. Vua có quyền lấy
ruộng đất công bất kỳ lúc nào để dùng vào những mục đích riêng của mình. Theo Thiền uyển tập
anh, sau kkhi chữa được bệnh cho Lý Thần Tông, nhà sư Nguyễn Minh Không bèn được phong
mấy trăm hộ. Ruộng thực hộ là do nông dân tự do cày cấy và nộp tô.
(Xét đến cùng, nến kinh tế độc lập- điền trang cho phép bọn quý tộc vừa có nông nô, địa
vị, thế lực chính trị và đôi khi còn có cả lực lượng quân đội riêng trong điền trang. Ðây là một
trở ngại lớn cho xu hướng trung ương tập quyền khi chế độ phong kiến Việt Nam dần đi vào con
đường ổn định, phát triển)
- Ở thời Lý, chế độ đại điền trang vẫn còn mang một số yếu tố tích cực nên vẫn có khả
năng thúc đẩy sự phát triển của kinh tế xã hội.
- Ðến đời Trần, kinh tế đại điền trang đi vào con đường lạc hậu. Vua chúa, quý tộc lợi

dụng chính sách này để cướp giật ruộng đất của nông dân ngày càng nhiều. Sự khủng hoảng của
nền kinh tế đại điền trang đã dẫn đến sự bùng nổ của rất nhiều cuộc khởi nghĩa của nông nô, nô
tỳ và một số ý kiến cải cách của các sĩ phu. Tính chất công điền dần lỗi thời nhường chỗ cho chế
độ sở hữu cá nhân về mặt ruộng đất sẽ được thực hiện vào thời kỳ nhà Hậu Lê.
- Những năm Hồ Quý Ly ở ngôi, ông đã có một số cải cách quan trọng về kinh tế đặc biệt
là thực hiện nghiêm khắc chính sách hạn điền hạn nô nhưng những cải cách đó đều thất bại do
các nho sĩ và quần chúng không ủng hộ chế độ ngụy triều.
b. Các triều vua đầu thời kỳ Lý- Trần đều rất quan tâm phát triển sản xuất nông nghiệp.
Từ đời Lê Hoàn đã tổ chức lễ cày ruộng để thể hiện tinh thần coi trọng nghề nông (Cứ đến đầu
tháng giêng, nhà vua đích thân cày một thửa ruộng mở đầu năm sản xuất). Hệ thống đê ở các con
sông lớn được quan tâm triệt để nhằm bảo vệ mùa màng, chống lụt lội. Các chức quan Hà đê
(chánh sứ và phó sứ) đưọc đặt ra để chuyên coi việc đào kênh ngòi, đắp đê phục vụ giao thông,
thủy lợi. Việc mở rộng diện tích canh tác, tổ chức khuyến khích khai hoang cũng được quan tâm.
c. Thủ công nghiệp, nhờ được quan tâm, cũng ngày càng phồn thịnh. Nghề dệt gấm, sản
xuất nông cụ, vải lụa, đồ gốm, đồ sứ, đồ đồng, vũ khí, xe thuyền, khắc bản in, nung vôi, dệt the,
đã phát triển mạnh ở các làng nghề, phường hội truyền thống
3. Về xã hội

Sự phát triển của các học thuyết Nho- Phật- Lão trong giai đoạn đầu tiên của chế độ
phong kiến Việt Nam đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành, phân chia đẳng cấp trong xã hội
Lý- Trần. Cụ thể:
a. Ở thời Lý, đạo Phật lan truyền khắp nước ta, có xu hướng phát triển thành quốc giáo,
chủ yếu do các nguyên nhân sau:
+ Chiến tranh ly loạn, lòng người chán nản muốn tìm đến con đường siêu thoát của
đạo Phật.
+ Ðạo Phật đã du nhập vào Việt Nam khá sớm, trong thời kỳ Bắc thuộc và đã có
ảnh hưởng rất sâu sắc ở thời kỳ Ðinh, Tiền Lê.
+ Vua Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) là người xuất thân từ đạo Phật. (Ðời Lê Ngọa
Triều, ông giữ chức Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ. Về sau, vua Lê Ngọa Triều hoang dâm, hung
ác, triều thần nổi dậy lật đổ ngôi vua Tiền Lê, đưa Lý Công Uẩn lên ngôi báu, sáng lập ra nhà

Lý). Do xuất thân từ đạo Phật, Lý Thái Tổ đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của Phật giáo ở
Việt Nam.
+ Nhân dân ta vốn có truyền thống nhân đạo nên rất dễ tiếp thu các lý thuyết từ bi,
bác ái của đạo Phật
- Vai trò độc tôn của Phật giáo đã dẫn đến việc phân chia các giai cấp trong xã hội thời
Lý như sau:
+ Giai cấp được trọng vọng nhất thời Lý là giai cấp quý tộc và tăng lữ. Các nhà sư
thường có vị trí cao trong triều đình và thậm chí còn có mối quan hệ huyết thống với hoàng tộc.
(Sư Viên Chiếu là người trong hoàng tộc, sư Mãn Giác là con quan đại thần, )
+ Giai cấp quần chúng bị trị thời Lý gồm nông dân ở các làng xã, nông nô, nô tỳ ở
các điền trang, thợ thủ công, lái buôn.
b. Ở thời Trần, đạo Phật vẫn còn ảnh hưởng rất sâu sắc đến đời sống tinh thần của dân tộc
nhưng vị trí độc tôn của nó đã dần phải nhường chỗ cho Nho giáo do những nguyên nhân chủ
yếu sau:
- Từ triều Trần trở đi, tính chất trung ương tập quyền cao hơn dẫn đến nhu cầu gạt bỏ vị
trí cố vấn tối cao của các vị quốc sư trong triều đình.
- Chính sách đề cử và thế tập bị bãi bỏ. Nhà Trần tổ chức các kỳ thi để tuyển chọn nhân
tài vào làm việc cho triều đình. Nội dung thi cử là kinh sách của đạo Nho. Thực tế này đã dẫn
đến việc hình thành một tầng lớp Nho sĩ tham gia ngày càng nhiều vào công việc triều chính, lấn
át dần vị trí của các nhà sư tham gia triều chính trong giai đoạn trước đó. Nhân sinh quan của các
Nho sĩ có phần đối lập với nhân sinh qua Phật giáo vì thế, ngay từ rất sớm, đã diễn ra hàng loạt
các cuộc đấu tranh trên phương diện tư tưởng của các Nho sĩ nhằm chống lại Phật giáo mà
những người tiêu biểu là Ðàm Sĩ Mông, Lê Văn Hưu, Trương Hán Siêu,
- Do đạo Nho phát triển, nho sĩ trở thành giai cấp được trọng vọng bên cạnh giai cấp quý
tộc và trở thành lực lượng chính trong công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc, góp phần nắm giữ,
thiết chế kỷ cương, ca ngợi, bảo vệ uy quyền phong kiến và đấu tranh chống nạn ngoại xâm.
Các giai cấp bị trị thời Trần vẫn là nông dân, nông nô, nô tỳ, thợ thủ công, lái buôn,
4. Về giáo dục và nghệ thuật:

a. Việc giáo dục đã được quan tâm từ rất sớm. Năm 1070, Lý Thánh Tông lập Văn Miếu

ở quốc đô Thăng Long. Năm 1075, Lý Nhân Tông mở khoa thi tam trường và năm 1076 mở
Quốc Tử giám chuyên lo việc giảng thuật Nho giáo. Các năm 1086, 1152, 1165, 1193 đều có mở
kỳ thi. Ðến đời Trần, các kỳ thi Nho giáo được tổ chức thường lệ và có quy mô rộng rãi hơn thời
Lý.
b. Tiếp thu những thành tựu rực rỡ của văn nghệ dân gian, các ông vua thời Ðinh, Tiền
Lê, Lý, Trần đã nối tiếp xây dựng một nền văn nghệ cung đình giàu bản sắc dân tộc. Ca múa
nhạc cung đình ở các triều Lý- Trần đều bắt nguồn từ ca múa nhạc dân gian (Múa rối, hát chèo,
hát tuồng thường được các ông vua thời Lý- Trần đặc biệt yêu thích)
Phần lớn các công trình kiến trúc điêu khắc ở thời Lý- Trần đã bị hủy hoại trong 20 năm
đô hộ của giặc Minh nhưng theo các tài liệu sử học, khảo cổ học và một số di chỉ còn lại, có thể
khẳng định rằng vương triều Lý- Trần đã cho xây dựng nhiều công trình lớn (Năm 1031, có 950
ngôi chùa được xây. Tháp Báo Thiên cao 12 tầng. Tháp Sùng Thiên ở Sơn Nam, Hà Nam Ninh
ngày nay, cao đến 13 tầng. Các di tích chùa Một cột, chùa Keo, chùa Thầy, tháp Bình Sơn,
chuông Quy Ðiền, đều cho thấy sự phát triển rực rỡ của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc thời
Lý Trần)
II VĂN HỌC ĐỜI LÝ
1. Văn học đời Lý mang nặng hệ ý thức Phật giáo

a. Ðặc điểm của văn học đời Lý là lực lượng các nhà sư sáng tác chiếm đa số trên văn
đàn. Theo sách Thiền uyển tập anh, đời Lý có khoảng hơn 40 nhà sư sáng tác với những tên tuổi
tiêu biểu như: Mãn Giác, Viên Chiếu, Viên Thông, Không Lộ, Quảng Nghiêm, Trong số đó,
nhiều nhà sư chiếm địa vị cao trong xã hội và triều đình nhà Lý. Sự thống lĩnh văn đàn chủa các
nhà sư đời Lý có thể giải thiïch bằng những nguyên nhân sau:
- Ở thời kỳ này, Phật giáo chiếm địa vị độc tôn trong đời sống tinh thần của dân tộc. Sự
bành trướng của Phật giáo dẫn đến nhu cầu rộng rãi trong nhân dân là tìm hiểu, học tập những
vấn đề triết lý của đạo Phật. Ðể đáp ứng nhu cầu đó, bên cạnh việc thuyết giảng, các nhà sư còn
tìm cách truyền phổ đạo Phật bằng cách thể hiện các nội dung triết lý vốn rất trừu tượng khó hiểu
qua hình thức các bài kệ ngắn gọn, sinh động, dễ nhớ, dễ hiểu để giúp người học đạo được thuận
lợi hơn trong quá trình nghiên cứu, học tập.
- Văn học thời kỳ này viết bằng chữ Hán nên chủ yếu, chỉ có các nhà sư mới có đủ trình

độ uyên bác để sáng tác thơ văn
b. Thiền Tông là chi phái thể hiện khà rõ quan niệm triết học trong tác phẩm của các nhà
sư đời Lý. Nó thiên về sự tu dưỡng tự thân, lấy tâm định làm phép tu dưỡng. Ðiều này được
Thượng sĩ Trần Quốc Tảng tóm tắt trong một câu ngắn gọn nhưng có giá trị khái quát toàn bộ
những vấn đề cơ bản của triết học Thiền tông: Phật tức tâm, tâm tức Phật (Phật tâm ca)
c. Quan niệm Thiền tông rất gần với đạo Phật nguyên thủy ở thuyết phiếm thần luận, cho
rằng:
+ Thiên địa vạn vật cùng một bản thể và chính vì thế, trước đức Phật, mọi người
đều bình đẳng. Dựa trên quan niệm đó, văn học Phật giáo đời Lý thường thể hiện sự tương đồng,
sự vĩnh cửu của bản ngã
Bát nhã chân vô tông
Nhân không ngã diệc không
Quá hiện vị lai Phật
Pháp tính bản tương đồng (Lý Thái Tông)
Bản ngã của mọi người đều giống nhau, đều quy về chữ Không vốn là bản thể vũ trụ, là cái
hằng thường, bất diệt, là điểm tận cùng của mọi quá trình biến đổi. Cho nên, Ðoàn Văn
Khâm trong bài Vãn Quảng Trí thiền sư đã viết:
Các đạo hữu không nên đau thương về sự vĩnh biệt
Nùi sông trước chùa trông ra ấy là chân hình của nhà sư
Nhà sư đã mất nhưng chân thể, bản thể vẫn còn tồn tại trong thế giới, trong vạn vật. Ðó
chính là sự tương đồng và vĩnh cửu của bản ngã.
+ Quan niệm Sắc không cho rằng thế giới biến hóa vô cùng. Kiều Bản Tịnh trong
Kính trung xuất hình tượng đã so sánh cái có trong thế giới hiện hữu của con người thực chất chỉ
là huyễn, cái không mới chính là thực, là sự tồn tại vĩnh cửu của con người. Ðiều này giống như
sự tồn tại của cái bóng trong gương:
Huyễn thân bản tự không tịch mịch
Do như kính trung xuất hình tượng
Hình tượng giác liễu nhất thiết không
Huyễn thân tu du chứng thực tướng
Nguyên phi Ỷ Lan kêu gọi hãy gạt bỏ mọi phán đoán về cái sắc và cái không trong thế

giới vật chất và chỉ có như vậy, người học đạo mới tiến đến chỗ khế hợp với chân tông:
Sắc tức không, không thị sắc
Không thị sắc sắc tức không
Sắc không câu bất quản
Phương đắc khế chân tông
Bài kệ nổi tiếng Cáo tật thị chúng của nhà sư Mãn Giác là một ví dụ tiêu biểu cho quan
niệm sắc không thâm thúy của nhà Phật qua sự đối sánh giữa thời gian tuần hoàn, vô cùng vô tận
của vũ trụ với thời gian tuyến tính ngắn ngủi trong cuộc đời con người. Bài thơ tuy thể hiện quan
niệm triết học của Phật giáo nhưng cũng mang lại niềm hy vọng cho con người trong cuộc sống:
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Ðình tiền tạc dạ nhất chi mai
d. Tuy nhiên, là nhà thơ, các vị tăng lữ vẫn trải cảm xúc chân thành của mình trong những
bài thơ tả cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Khung cảnh thiên nhiên trong thơ của các nhà sư vẫn
chịu sự chi phối của cái nhìn sắc không. Chẳng hạn:
Vạn lý thanh giang vạn lý thiên
Nhất thôn tang giá nhất thôn yên
Ngư ông thụy trước vô nhân hoán
Quá ngọ tỉnh lai tuyết mãn thuyền (Ngư nhàn- Không Lộ)
e. Mặt khác, trong thơ văn của các nhà sư đời Lý, ta còn có thể bắt gặp những tư tưởng
tích cực, tiến bộ, xa lạ với quan niệm của phật giáo chính thống:
- Những ý kiến chống quan điểm giáo điều của trường phái cực đoan cho rằng phải tuyệt
đối thoát ly trần tục.
- Thái độ nhiệt tình, ý thức trách nhiệm của các nhà sư, khát vọng hòa nhập vào cuộc đời,
tham gia gánh vác những khó khăn của đất nước trong thời kỳ đầu xây dựng.
2. Thơ văn đời Lý phản ánh tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc


Có thể nói, bắt đầu từ thời Lý, truyền thống yêu nước trong văn học hình thành và phát
triển mãi mãi trong các giai đoạn sau. Hai tác giả tiêu biểu của chủ nghĩa yêu nước trong văn học
đời Lý là Lý Công Uẩn và Lý Thường Kiệt. Chủ đề yêu nước trong thơ văn họ thường thể hiện ở
những cung bậc trầm hùng khác nhau nhưng ý nghĩa chung nhất vẫn là tiếngnói lạc quan, chiến
đấu của thời đại, tiếng nói tự hào của một dân tộc đang vượt qua những thử thách để khẳng định
mình
a. Tác giả Lý Công Uẩn: Trong lịch sử văn học, tên tuổi của ông gắn liền với bài Chiếu
dời đô có giá trị lịch sử to lớn bởi lẽ việc đổi quốc hiệu, quốc đô đánh dấu bước chuyển mình
trong công cuộc xây dựng cơ đồ độc lập tự chủ của dân tộc Ðại Việt, đáp ứng nhu cầu củng cố
vương quyền phong kiến và nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Giá trị văn học của tác phẩm là ở chỗ nó đánh dấu những thành công bước đầu về nghệ
thuật viết văn chính luận trong VHTÐ.
Bài chiếu đã nâng Lý Thái Tổ lên một tầm cao khác thường. Nó khẳng định một cái nhìn
đúng đắn về xu hướng phát triển tất yếu của lịch sử của vị vua khai sáng nhà Lý cách đây gần
nghìn năm.
b. Tác giả Lý Thường Kiệt: Tên tuổi của ông gắn liền với chiến công chống Tống và hai
tác phẩm có giá trị là Văn lộ bố và bài thơ Thần.
- Văn lộ bố:
Ðặc điểm của bài văn là ngắn gọn, trang trọng, nêu cao chính nghĩa, vạch trần phi nghĩa,
lời lẽ hòa nhã nhưng không kém phần đanh thép và thuyết phục
- Bài thơ Thần:
Chiến thắng quân Tống vẻ vang gắn liền tên tuổi của Lý Thường Kiệt với bài thơ Nam
quốc sơn hà nổi tiếng. Ra đời trong khoảnh khắc nhưng bài thơ lại có giá trị vĩnh viễn bởi nó
biểu hiện bản lĩnh, khí phách dân tộc, khẳng định chân lý ngàn đời: chính nghĩa bao giờ cũng
thắng phi nghĩa. Bài thơ còn là viên ngọc quý trong kho tàng văn học cổ:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
3. Nhận định chung về văn học đời Lý:


- Với một lực lượng sáng tác đông đảo, các nhà sư đời Lý đã góp phần không nhỏ vào
kho tàng văn học cổ. Hướng sáng tác của các nhà sư tuy tập trung thuyết lý cho đạo phật nhưng
vẫn chứa đựng những yếu tố tích cực.
- Giá trị chủ yếu của văn học đời Lý vẫn là những tác phẩm thể hiện chủ nghĩa yêu nước
mà trong đó, Chiếu dời đô và bài thơ Thần là hai viên ngọc ngời sáng, một bản tuyên ngôn dựng
nước, một bản tuyên ngôn giữ nước. Số lượng sáng tác không nhiều nhưng chủ nghĩa yêu nước
vẫn được nêu cao và hình thành như một truyền thống phát triển mãi mãi trong các giai đoạn sau.
III. VĂN HỌC ĐỜI TRẦN
1. Bối cảnh lịch sử và những đồi thay trong tầng lớp nho sĩ đời Trần

- 1226- Nhà Trần cướp ngôi nhà Lý
- 1257, 1285, 1287- ba lần kháng chiến chống Nguyên Mông
- Nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc gắn liền với xây dựng đất nước.
- Thuật trị nước khoan sức dân tiến bộ đời Trần đã kích thích xã hội ngày càng ổn định và
phát triển
- Tầng lớp Nho sĩ trở thành lực lượng chính tham gia xây dựng đất nước. Họ gần gũi với
quần chúng hơn nên thơ họ phản ánh đúng nhu cầu, nguyện vọng của quần chúng.
- Những vấn đề văn hóa, xã hội, nghệ thuật cũng phát triển mạnh mẽ dưới triều Trần.
2. Nội dung văn học:

a. Văn học Trần phản ánh lòng yêu nước tinh thần dân tộc
- Cũng như mảng thơ văn đời Lý, văn học đời Trần tập trung xoáy mạnh vào đề tài chống
quân Nguyên xâm lược với cảm hứng chủ đạo là lòng yêu nước và tinh thần tự hào dân tộc. Ðiển
hình cho chủ nghĩa yêu nước trong văn học đời Trần là tác phẩm Hịch tướng siî của Trần Quốc
Tuấn, bởi lẽ tác phẩm tập trung phản ánh những khía cạnh sâu sắc nhất của lòng yêu nước cao
độ. Ðây là một tác phẩm có giá trị lịch sử và văn học cao, khẳng định bước tiến của lịch sử dân
tộc và lịch sử văn học.
- Bên cạnh đó, cuộc chiến đấu chống Nguyên Mông cũng là đề tài phong phú của nhiều
nhà thơ khác đời Trần. Tác phẩm của họ mang âm hưởng chung hào hùng, ca ngợi khí phách,

chiến thắng vẻ vang của dân tộc:
Ðoạt sóc Chương Dương độ
Cầm hồ Hàm Tử quan
Thái bình tu nỗ lực
Vạn cổ thử giang san
(Tùng giá hoàn kinh sư- Trần Quang Khải)
Các nhà thơ thường tập trung miêu tả hào khí Ðông A bằng những hình ảnh đẹp đẽ, kỳ vĩ
cùngvới ý thức trách nhiệm của mỗi người công dân trong công cuộc chiến đấu chung của toàn
dân tộc:
Hoành sóc giang san cáp kỷ thu
Tam quân tỳ hổ khí thôn ngưu
Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu
(Thuật hoài- Phạm Ngũ Lão)
Các nhà thơ cũng chú ý nêu cao sức mạnh của chính nghĩa, của vấn đề đức trong cuộc
chiến đấu bảo vệ tổ quốc:
Giặc tan muôn thuở thanh bính
Phải đâu đất hiểm cốt mình đức cao
(Bạch Ðằng giang phú- Trương Hán Siêu
Nội dung yêu nước không chỉ được thể hiện trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống xâm
lược mà còn phát triển trên những khía cạnh tình cảm phong phú của nhà thơ. Có khi, đó là nỗi
nhớ nhà thầm lặng nhưng mãnh liệt của một nhà Nho xa quê hương:
Dâu già lá rụng tằm vừa chín
Lúa sớm nở hoa cua béo ghê
Nghe nói quê nhà nghèo vẫn tốt
Giang Nam vui thú chẳng bằng về
(Quy hứng- Nguyễn Trung Ngạn)
Có khi, đó là niềm khát khao được xây dựng một đất nước thịnh vượng hòa bình muôn
đời:
Xã tắc hai phen bon ngựa đá

Non sông nghìn thuở vững âu vàng
(Xuân nhật yết Chiêu lăng- Trần Nhân Tông)
Yêu nước còn được thể hiện bằng niềm hạnh phúc được nhìn thấy đất nước hòa bình,
được sống trong hòa bình:
Trăng vô sự chiếu người vô sự
Nước ngậm thu lồng trời ngậm thu
Bốn bề đã yên nhơ đã lắng
Chơi năm nay thú vượt năm xưa
(Hạnh Thiên Trường hành cung- Trần Thánh Tông)
Có thể nói, trong lịch sử dân tộc, vương triều nhà Trần là một vương triều hùng mạnh nhất.
Ðây là thời kỳ mà mọi ý thức về quốc gia dân tộc đều phát triển mạnh mẽ và đó cũng chính là
nền tảng cho sự phát triển của văn học yêu nước.
b. Văn học đời Trần thể hiện lòng yêu mến cảnh thiên nhiên tươi đẹp
So với thiên nhiên trong thơ văn đời Lý, thiên nhiên trong thơ văn đời Trần thực hơn, đẹp
hơn. Các nhà thơ đã bắt đầu chú ý miêu tả đời sống thôn dã bình dị. Cảm xúc được thể hiện tinh
tế hơn. Ðặc biệt, qua việc miêu tả thiên nhiên, các tác giả thường chú ý bộc lộ niềm tự hào về
những chiến tích oanh liệt của dân tộc.
Bài thơ Thiên Trường vãn vọng của Trần Nhân Tông là một trong những ví dụ tiêu biểu
cho cái nhìn mới của các nhà thơ đời Trần đối với cuộc sống bình dị của người lao động:
Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên
Bán vô bán hữu tịch dương biên
Mục đồng địch lý ngưu quy tận
Bạch lộ song song phi hạ điền
Cảnh vật được miêu tả bằng ngôn từ giản dị nhưng vẫn thể hiện được cái thần, cái đẹp của
bức tranh đường đi Lạng Sơn, cảnh chùa Bảo Phúc, động Chi lăng, Thạch Môn sơn, cảnh Thiên
Trường, cảnh hồng rụng, tiếng chuông văng vẳng, tiếng sáo thuyền câu, :
Mưa tạnh vườn cây màn biếc rủ
Tiếng ve chiều tối rộng bên tai (Hạ cảnh- Trần Thánh Tông)
Hoặc:
Cổ tự thê lương thu ái ngoại

Ngư thuyền tiêu sắt mộ chung sơ
Thủy minh, sơn tĩnh, bạch âu quá
Phong định, vân nhàn, hồng thụ sơ
(Lạng Sơn vãn cảnh-Trần Nhân Tông)
Cảm xúc và cách miêu tả của nhà thơ thực sự tinh tế:
Thụy khởi khải song phi
Bất tri xuân dĩ quy
Nhất song bạch hồ điệp
Phách phách sấn hoa phi
(Xuân hiểu- Trần Nhân Tông)
Yêu thiên nhiên, các nhà thơ càng tự hào hơn nữa về những chiến tích oanh liệt của dân
tộc:
Lâu Lãi hang sâu hơn đáy giếng
Chi Lăng ải hiểm tựa trời cao
Ngựa leo, gió lướt ngoảnh đầu lại
Cửa khuyết trời tây mây ráng treo
(Ải Chi Lăng- Phạm Sư Mạnh)
Các tác giả thường khai thác đề tài sông Bạch Ðằng với cảm hứng ca ngợi đầy sảng khoái,
tự hào:
Ánh nước chiều hôm màu đỏ khé
Tưởng rằng máu giặc vẫn chưa khô
(Bạch Ðằng giang- Trần Minh Tông)
Có thể nói, thiên nhiên trong thơ văn đời Trần hết sức phong phú đa dạng. Các nhà thơ đã
phát hiện, cảm nhận những vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên chứng tỏ họ ngày càng gắn bó hơn
với cuộc đời, với con người.
c. Tinh thần nhân đạo và tư tưởng bi quan yếm thế trong thơ văn đời Trần
- Chủ nghĩa nhân đạo trong thơ văn đời Trần chủ yếu thể hiện qua sự tn tưởng vào khả
năng của con người, khát vọng một cuộc sống hòa bình, hạnh phúc, không còn chiến tranh đổ
máu, chết chóc. Trương Hán Siêu ca ngợi cái đức, cái chính nghĩa của dân tôc Ðại Việt. Sử Hy
Nhan trong Trảm xà kiếm bộc lộ ý muốn gói giáo kiếm vào da hùm, rèn binh khi làm nông cụ và

tuyên bố rõ thái độ chán ghét chiến tranh:
Kiếm này! Kiếm này là vật chẳng lành
Bậc thánh túng kế mới dùng phải đâu vật quý
- Tuy nhiên, càng về sau, nhà Trần không tránh khỏi con đường suy thoái. Một số nhà nho
tiết tháo chán nản lui về cảnh sống ẩn dật trong một tâm trạng đầy uất hận. Thơ của họ bộc lộ rõ
nỗi đau của kẻ sĩ chân chính bất lực trước tình cảnh khốn cùng của quần chúng. Những tư tưởng
yếm thế thoát ly của họ chứa đựng ít nhiều giá trị tích cực khi thấm nhuần tinh thần nhân đạo cao
cả:
Hạn rồi qua lụt đã bao phen
Thương nỗi đồng điền lúa chẳng lên
Ðống sách hóa ra chồng giấy nát
Bạc đầu luống những phụ dân đen
(Nhâm dần lục nguyệt tác- Trần Nguyên Ðán)
Không chỉ đau thương, phẫn uất, các nhà thơ còn bộc lộ niềm mong ước, khát vọng cứu dân giúp
đời của kẻ sĩ chân chính:
Ví làm ống bễ lò rèn được
Thổi thấu lòng người khắp chín châu (Nguyễn Phi Khanh)
Hoặc:
Liễu phố tam thu vũ
Quân bồng bán dạ thanh
Cô đăng minh hựu diệt
Hồ hải thập niên tình
(Hoàng giang dạ vũ- Nguyễn Phi Khanh)
- Tất nhiên, càng khát vọng, họ càng rơi vào cảnh bế tắc, tuyệt vọng cho nên, thơ của họ
chứa đựng những tình cảm bi quan, tiêu cực:
Trước mắt mọi chuyện đều đáng lo
Hết bệnh sao bằng bệnh vẫn mang (Nguyễn Phi Khanh)

3. Nhận xét chung về thơ văn đời Trần


- Thơ văn đời Trần đánh dấu một bườc phát triển mới của VHTÐ
- Chủ đề yêu nước là chủ đề tập trung và đạt được nhiều thành tựu trong văn học đời Trần.
Tuy nhiên, thời kỳ này chưa có những tác phẩm mô tả một cách toàn bích cuộc chiến đấu mang
tầm vóc lịch sử to lớn. Ðây là một thiết sót mà văn học thế kỷ XV sẽ bổ sung.
CHƯƠNG 3:
VỀ TÁC PHẨM “HỊCH TƯỚNG SĨ” CỦA TRẦN QUỐC TUẤN
I. HOÀN CẢNH RA ĐỜI
Những ý kiến khác nhau về thời điểm ra đời của bài hịch
- Ý kiến 1: Cho rằng tác phẩm ra đời vào năm 1285 khi quân Nguyên Mông kéo sang nước
ta lần thứ II. (Trần Trọng Kim, Bùi Văn Nguyên, )
- Ý kiến 2: Cho rằng bài Hịch phải ra đời trước thời điểm 1285 (Khoảng 1282- 1283)
( Quan niệm của Hà Văn Tấn trong Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông xâm lược ở thế kỷ
XIII)
- Ý kiến 3: Cho rằng bài Hịch cần phải ra đời sớm hơn thời điểm 1282.
II THỂ LOẠI
- Hịch thuộc loại văn chính luận được vua, lãnh tụ khởi nghĩa hay tướng lĩnh quân đội viết
ra nhằm động viên mọi người chiến đấu. Văn phong hịch trang trọng, cách xưng hô rõ ràng, lập
luận chặt chẽ, bố cục hợp lý.
III. TỰA ĐỀ CỦA BÀI HỊCH
Hưng Ðạo đại vương dụ chư tỳ tướng hịch văn. Qua tựa đề có thể xác định:
- Tác giả viết bài hịch
- Ðối tượng chủ yếu cần thuyết phục
- Thể loại của tác phẩm
IV. PHÂN TÍCH TÁC PHẨM
1. Nêu gương trung thần nghĩa sĩ bỏ mình vì nước
2. Tâm trạng của tác giả trước họa xâm lăng và mối quan tâm của tác giả đối với các tỳ
tướng.
3. Phê phán thái độ thờ ơ vô trách nhiệm của các tỳ tướng và vạch ra hậu quả tai hại của
nó.
4. Xác định nhiệm vụ của các tỳ tướng trong tình thế khó khăn của đất nước và khẳng định

lập trường quan hệ bạn thù.
CHƯƠNG 4:
KHÁI QUÁT VĂN HỌC THẾ KỶ XV
I. HOÀN CẢNH LỊCH SỬ
1. Tình hình lịch sử- xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIV

- Chế độ phong kiến Việt Nam trong những năm cuối thế kỷ XIV bước vào tình trạng suy
sụp nghiêm trọng.
- Các vị vua cuối đời Trần ngày càng phản bội lại lợi ích của nhân dân, tự mãn, ăn chơi sa
đọa. Chính sách thuế khóa thắt ngặt. Bọn quý tộc lợi dụng chế độ Ðại điền trang để cướp đoạt
ruộng đất của nông dân biến họ thành nông nô và nô tỳ. Nền kinh tế bị kìm hãm cùng với nạn
mất mùa, đói kém xảy ra liên miên khiến nhân dân phải rơi vào tình cảnh cùng khốn, bất mãn
dẫn đến sự bùng nổ của rất nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân và nông nô
- Sự rối ren từ nhiều phía tạo nên một hoàn cảnh xã hội đầy phức tạp và mâu thuẫn dẫn đến
sự sụp đổ tất yếu của triều đại nhà Trần.
2. Tình hình lịch sử- xã hội Việt Nam thế kỷ XV

a. Chính sách cải cách của nhà Hồ:
Năm 1400, Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần lập nên nhà Hồ. Ông là người có tài, có đầu óc
tiến bộ, cải cách, có cái nhìn thực tế trước tình thế nguy ngập của đất nước. Ông đưa ra một loạt
cải cách quan trọng:
- Thiên đô về Thanh Hóa
- Tăng cường quân sự võ bị
- Ðề ra chính sách hạn điền hạn nô
- Phát hành tiền giấy
- Mở khoa thi chọn người tài với quan điểm trọng chữ Nôm hơn chữ Hán.
Tháng 11 năm 1406, quân Minh lấy chiêu bài Phù Trần diệt Hồ tràn sang xâm lấn nước ta.
Hồ Quý Ly tiến hành chống giữ nhưng thế yếu lại không được nhân dân tin theo nên đành chịu
thất bại. Tháng 4- 1407, trận phản công cuối cùng của Hồ Quý Ly cũng đại bại, cha con và toàn
bộ triều thần bị bắt về Ttrung Quốc.

b. Ách đô hộ của nhà Minh
Sau khi bình định được nước ta, nhà Minh thiết lập một chhế độ cai trị hà khắc và dã man:
- Ðổi nước ta thành Giao Chỉ, đặt bộ máy cai trị với hệ thống đồn trại khắp nơi để tiến
hành trấn áp ngay những cuộc khởi nghĩa của người Việt.
- Bóc lột nhân dân bằng hệ thống thuế khóa, khai thác, vơ vét tài nguyên, khoáng sản.
- Tiến hành chính sách đồng hóa, ngu dân, bắt người dân theo phong tục phương Bắc, thiêu
hủy kkho tàng, sách vở, bia mộ, hạn chế trường học, tuyên truyền mê tín dị đoan.
(Sắc lệnh của Minh Thành Tổ, ngày 21/8/1406:
Bắt và giải về Trung Quốc những người giỏi kinh sử, làm thuốc, địa lý, coi số âm dương,
bói toán, đờn ca, cũng như nghệ nhân, nhạc công, những thơ chuyên nghiệp gỏi về gạch ngói,
chế thuốc súng, biết điều khiển thuyền đi sông, đi biển. Ðối với các hạng kể sau- nghệ nhân,
công nhân chuyên nghiệp- thì sắc truyền phải bắt tất cả gia tiểu, đem toàn số về Yên Kinh
Sắc lệnh 1407:
Ta thường bảo các người nhất thiết An nam có thư bản văn tự gì cho đến các câu ca lý dân
gian, các sách dạy trẻ và các bia mà xứ ấy lập ra, hễ thấy là phải phá huỷ ngay lập tức, một
mảnh, một chữ cũng không để còn. Nay nghe nói những sách vở quân lính bắt được không ra
lệnh đốt ngay, để xem xét rồi mới đốt. Từ nay phải làm đúng lời sắc truyền cho quân lính hễ bất
cứ ở nơi nào nếu thấy sách vở, văn tự là phải đốt ngay lập tức, không được lưu lại.
- Trong tình hình đó liên tiếp những cuộc khởi nghĩa bùng nổ điển hình là hai cuộc khởi
nghĩa của các vị tông thất nhà Trần là Giản Ðịnh đế và Trùng Quang Ðế nhưng do sứ mệnh lịch
sử của nhà Trần đã chấm dứt nên cả hai cuộc khởi nghĩa lớn này đều thất bại.
c. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1417- 1427)
Ðược tiến hành trong 10 năm dưới sự chỉ huy của Lê Lợi, một người hào trưởng đất Lam
Sơn. Ông biết dựa vào dân, tập hợp quần chúng, dấy động phong trào kháng chiến mạnh mẽ.
Cuộc khởi nghĩa trải qua những thất bại ban đầu nhưng sau đó, nhờ biết tập hợp sức mạnh
của nhất dân, biết vận dụng những chiến lược, chiến thuật tài tình nên cuộc khởi nghĩa đã phát
triển mạnh và tiiến đến thắng lợi hoàn toàn vào cuối năm 1427.
Thành công của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đánh dấu một bước ngoặc mới trên con đường
trưởng thành của dân tộc, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên thịnh trị của triều đại Hậu Lê.
d. Giai đoạn xây dựng, củng cố địa vị thống trị của chế độ phong kiến Hậu Lê ở nửa sau

thế kỷ XV.
Kháng chiến thành công, Lê Lợi lên ngôi vua lập nên nhà Hâụ Lê. Tuy nhiên, Lê Thái Tổ
chỉ là người đặt nền móng. Phải đợi đến triều đại của Lê Thánh Tông, chính quyền phong kiến
hậu Lê mới thực sự bước đến giai đoạn cực thịnh.
Ở thời Lê, các mặt kinh tế, văn hóa, chính trị, đều phát triển mạnh mẽ:
- Về chính trị, Lê Thánh Tông chủ trương xây dựng một chính quyền quân chủ chuyên chế
cao độ, tất cả quyền hành đều tập trung trong tay nhà vua. Thế lực của tầng lớp đại quý tộc bị
hạn chế tối đa, chính sách thân dân tiết kiệm được thực hiện nghiêm túc nhằm điều hòa mâu
thuẫn giữa nhân dân với giai cấp thống trị.
- Về kinh tế, nhà Lê thủ tiêu chế độ đại điền trang, thi hành chính sách quân điền, thực
hiện lĩnh canh nộp thuế (Phương thức sở hữu cá nhân về mặt ruộng đất).
- Dưới triều Lê Thánh Tông, một ông vua hay chữ, siêng năng đọc sách và làm chính trị,
việc giáo dục, thi cử, Nho học được kích thích phát triển mạnh mẽ.
II. TÌNH HÌNH VĂN HỌC
1. Một số đặc điểm của văn học thế kỷ XV

- Hai nội dung chủ yếu của văn học thế kỷ XV:
+ Ca ngợi cuộc kháng chiến chống Minh và người anh hùng Lê Lợi- Tập trung thể
hiện trong các tác phẩm ở giai đoạn nửa đầu thế kỷ XV
+ Ca ngợi sự thịnh trị của triều đại Hậu Lê và vua Lê Thánh Tông- tập trung thể
hiện trongcác tác phẩm ở giai đoạn nửa sau thế kỷ XV
- Sự thể hiện rõ nét hình ảnh quần chúng, những người làm nên lịch sử và những quan
niệm mới về đất nước, dân tộc của các nhà tư tưởng thời Hậu Lê.
- Văn học phản ánh phần nào ý thức cá nhân và khuynh hướng trữ tình.
2. Những nội dung chính:

a. Nội dung yêu nước, ca ngợi tinh thần quật khởi anh dũng và chiến thắng vẻ vang của
dân tộc:
Thơ văn viết về đề tài này tập trung vào giai đoạn nửa đầu thế kỷ XV, phát triển mạnh
mẽ, đa dạng với nhiều loại thể như: thực lục, chiếu, chế, biểu, cáo, văn bia, thơ, phú. Nổi bật nhất

và thành công nhất chính là tác phẩm Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi.
Rất nhiều bài phú xoay quanh chủ đề chống Minh xâm lược và chiến thắng oanh liệt của
dân tộc. Nhiều người cùng làm đề tài giống nhau, lựa chọn thể loại sáng tác giống nhau nhưng ý
tứ, tình cảm, phong cách có những khác biệt tạo nên tính đa dạng, phong phú cho các tác phẩm
phú thời kỳ này (Cùng đề tài Núi Chí Linh, rất nhiều tác giả đã viết phú núi Chí Linh như
Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng Tuân, Lý Tử Tấn
Thời kỳ này còn chứng kiến sự phát triển vượt bậc của loại văn chính luận mà Nguyễn
Trãi kế thừa ở những thời kỳ trước, phát triển thành một thứ vũ khí sắc bén phục vụ cho chiến
thuật Tâm công đặc sắc.
Nội dung chủ yếu của các tác phẩm xoay quanh quá trình chiến đấu từ lúc gian khổ, nếm
mật nằm gai:
Trời đất mịt mờ đang lúc
Sấïm mây gian khổ những ngày
(Chí Linh sơn phú- Nguyễn Mộng Tuân
đến lúc trưởng thành, chiến thắng oanh liệt:
Bốn cõi mây mờ quét sạch
Giữa trời ánh sáng huy hoàng
(Xương giang phú- Lý Tử Tấn)
- Các tác giả thường ca ngợi chính nghĩa, xem đó là cơ sở, giá trị của chiến thắng:
Nếu không gặp thánh tổ sao được gọi là hiểm
Nếu không nhân chiến thắng sao truyền mãi danh
(Phú Xương Giang- Lý Tử Tấn)
- Hơn thế, các tác giả còn ca ngợi, so sánh công lao của Lê Lợi với công lao của Hán Cao
Tổ, người sáng lập cơ nghiệp nhà Hán:
Cờ nghĩa vua ta cao phất
Che rợp cả bậc Hán Ðường
(Phú cờ nghĩa- Nguyễn Mộng Tuân)
- Ca ngợi công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ mới:
Phòng ngừa bờ cõi cần ra sức
Giữ vững cơ đồ phải gắng công

(Chinh Ðèo Cát Hãn hoàn quá Long Thủy đê- Lê Lợi)
- Thể hiện niềm tự hào sâu sắc:
Thung mộc mai hà xuân thảo lục
Ðộc lâu khiếu nguyệt dạ triều hàn
(Hàm Tử quan- Nguyễn Mộng Tuân)
(Chông gỗ chốn lòng sông bờ cỏ mùa xuân xanh biếc- Ðầu lâu kêu bóng nguyệt ngọn
triều đêm tối lạnh lùng)
b. Nội dung thù phụng, ca ngợi sự thịnh trị của chế độ phong kiến và tài đức của vua Lê
Thánh Tông.
Văn học nửa sau thế kỷ XV chứng kiến một sự bột phát về cả số lượng lẫn chất lượng tác
phẩm. Lực lượng sáng tác chủ yếu là các nho sĩ quan liêu, nhất là các triều thần được Lê Thánh
Tông tuyển chọn vào Hội Tao Ðàn. Các nhà thơ sáng tác dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của nhà vua về
đề tài, cảm hứng nên đôi khi, khuynh hướng ca ngợi, thù tạc không kém phần khiên cưỡng, thụ
động.
Một số tác giả không chịu sự gò bó theo những khuôn mẫu của văn học cung đình và đã
có những nét tiến bộ rõ rệt trong nội dung sáng tác:
Nguyễn Trực có nhiều nét độc đáo trong cách miêu tả thiên nhiên đơn giản nhưng có ý
nghĩa sâu sắc:
Xa đất nên bụi ít
Trên cao được trăng nhiều (Chùa Cực lạc)
Thái Thuận chú ý đến cái bình thường, dung dị của đời sống đồng quê:
Nhà cỏ in làn khói
Thuyền con ghé mái bồng
Trẻ con ba bốn tốp
Bắt cáy ở ven sông (Hoàng giang tức sự).
c. Xu hướng bất mãn thời thế
Ngay trong thời kỳ cực thịnh của nhà Hậu Lê, tư tưởng bất mãn thời thế vẫn có ở một số
sĩ phu tiết tháo, khao khát đem tài trí giúp đời nhưng bị vùi dập, phải trở về ở ẩn, trong đó có cả
Nguyễn Trãi, Nguyễn Húc, Tâm sự u ẩn của các nhà thơ phản ánh rõ bản chất xấu xa của chế
độ phong kiến.

CHƯƠNG 5
NGUYỄN TRÃI- CUỘC ÐỜI VÀ SỰ NGHIỆP
A. CUỘC ĐỜI NGUYỄN TRÃI

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×