Tải bản đầy đủ (.doc) (5 trang)

Phân tích bài thơ chiều tối của HCM

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (76.88 KB, 5 trang )

Đã từ lâu, chiều muộn luôn là khởi nguồn cho cảm hứng thi ca của nhiều thi sĩ. Trong đó không
thể không nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh – dưới tư cách là một nhà thơ – với một phong cách
“thơ chiều” hoàn toàn khác biệt! Có thể thấy, ngay từ tập thơ “Ngục trung nhật kí” (Nhật kí trong
tù), Người đã không ít lần rung động trước vẻ đẹp gợi cảm của cảnh chiều buông để rồi cho ra
đời những áng thơ bất hủ như “Vãn chiều hôm”, “Hoàng hôn”… Song phải kể đến trước tiên có
lẽ là “Mộ” (Chiều tối) – bài thơ được sáng tác trong thời gian bác đang trên đường chuyển lao từ
Tĩnh Tây đến Thiên Bảo vào cuối thu năm 1942. Đây thực sự là một áng thơ tuyệt bút bởi nó
không chỉ đẹp ở ý thơ mà còn đẹp trong tài hoa và nhân cách sáng ngời của Hồ Chủ tịch:
“Quyện điểu qui lâm tầm túc thụ
Cô vân mạn mạn độ thiên không
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.
Dịch:
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa từng không
Cô em xóm núi xay ngô tối
Xay hết lò than đã rực hồng.
(Nam Trân dịch)
Ngay ở nhan đề của bài thơ đã toát lên nội dung chủ đạo chính là cảnh chiều tối, tuy nhiên, nếu
để ý, ta dễ dàng thấy được trong bài thơ không hề có một chữ “chiều” nào. Ấy vậy mà cảnh
chiều vẫn được Bác khắc họa một cách rõ nét, đẹp và đầy gợi cảm trong tâm trí người đọc.
Bằng lối viết thi trung hữu họa mang phong vị cổ thi cùng những thi liệu gần gũi, thi sĩ giờ đây trở
thành họa sĩ vẽ ra trước mắt người đọc một bức tiểu họa về thiên nhiên miền sơn cước giữa
cảnh chiều tối: cánh chim mệt mỏi (quyện điểu) tìm về chốn rừng sâu (quy lâm) sau một ngày
kiếm ăn vất vả; những chòm mây đơn độc, lẻ loi (cô vân) chầm chậm (mạn mạn) trôi giữa bầu
trời vô tận (độ thiên không). Chỉ bằng vài nét chấm phá của bút pháp ước lệ, tác giả đã khéo léo
đưa hình ảnh “cánh chim” và “chòm mây” – những hình ảnh quen thuộc trong thơ chiều xưa và
nay – vào bài thơ như một sự ẩn dụ không chỉ mang tính chất không gian mà còn có ý nghĩa thời
gian. Tất cả tạo nên một phông lớn làm nền cho cảnh chiều.
“Cánh chim” vốn là hình ảnh không mấy xa lạ với thế giới nghệ thuật cổ phương Đông. Có lẽ
cũng vì vậy mà mỗi khi nhìn thấy cánh chim bay về rừng lại làm người ta liên tưởng về một buổi


chiều muộn nhiều hơn. Chất ước lệ càng được nâng cao khi các nhóm từ “Phi yến thu lâm”,
“Quyện điểu quy lâm” thường được sử dụng trong thơ chữ Hán. Trong “Truyện Kiều”, khi miêu tả
cảnh chiều, đại thi hào Nguyễn Du đã điểm vào bức tranh chút chuyển động của cánh chim:
“Chim hôm thoi thót về rừng”. Hay trong thơ Bà Huyện Thanh Quan cũng thế: “Ngày mai gió cuốn
chim bay mỏi”. Hoặc với Huy Cận, bóng chiều như đang sà xuống cùng cánh chim đang nghiêng
dần về phía cuối trời: “Chim nghiêng cánh nhỏ bong chiều sa”… Dường như với thi nhân, cảnh
chiều “không thể hoàn thiện” nếu thiếu cánh chim. Nhưng qua đây ta cũng thấy được một điều:
thơ văn xưa nhắc đến “cánh chim” thường chỉ như một chi tiết nghệ thuật thuần túy để gợi tả
cảnh chiều cũng như gợi cảm giác về sự xa xăm, phiêu bạt, chia lìa:
“Chúng điểu cao phi tận” – Lí Bạch
Hay:
“Thiên sơn điểu phi tuyệt” – Liễu Tông Nguyên
Cánh chim “phi tuyệt”, “phi tận” trong thơ Lí Bạch và Liễu Tông Nguyên khiến ta có cảm giác tất
cả như đang rơi vào trạng thái bay vào chốn xa xăm, vô tận, mang một ý niệm siêu hình. Đó
dường như đã trở thành “lối mòn”, một cấu trúc không thể thay thế trong thơ văn cổ. Nhưng vượt
qua rào cản ấy, Bác đã đưa cánh chim của chính mình ra khỏi thế giới siêu hình để trở về với
thực tại:
“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ”
Dịch:
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Không còn mang tính quan sát từ trạng thái bên ngoài (hoạt động “bay”), cánh chim trong thơ
Bác là sự cảm nhận trạng thái từ bên trong, một sự cảm nhận của con người hiện đại dựa trên ý
thức sâu sắc của cái “tôi” cá nhân trước ngoại cảnh (cánh chim bay). Câu thơ cho ta thấy sự
tương đồng, gần gũi, hòa hợp giữa tâm hồn nhà thơ với cảnh vật, thiên nhiên: Suốt một ngày
rong ruổi khắp nơi kiếm ăn cánh chim đã mỏi đang bay về tổ ấm để nghỉ ngơi, người tù cũng mệt
mỏi sau một ngày vất vả lê bước đường trường và cũng đang khao khát tìm được một nơi để
dừng chân nghỉ tạm. Chính sự đồng điệu đến tuyệt vời của người tù với cánh chim đã làm nên
hình tượng mới mẻ của thi ca – “quyện điểu”. Cánh chim giờ đây đã thực sự có phương hướng,
điểm dừng cũng như mục đích bay rõ ràng. Từ đây, ta nhận thấy cách nhìn đầy yêu thương, trìu
mến trước biểu hiện nhỏ nhoi của sự sống của Bác. Trong chiều sâu tâm hồn của Bác chính là

lòng yêu thương cuộc sống, cảm quan của Bác cũng chính là cảm quan nhân đạo.
Cũng mang phong cách Đường thi nhưng câu thơ thứ hai của bài thơ lại gợi chút cảm giác cô
đơn, quạnh quẽ bởi hình ảnh của “cô vân”. Tuy nhiên, bản dịch dù đã dịch khá hay và uyển
chuyển vẫn bỏ sót chữ “cô” và không thể hiện hết ý nghĩa của từ “mạn mạn” do vậy làm mất đi ý
thơ vốn rất sâu sắc của nguyên tác. Trong thơ xưa, chòm mây thường gợi lên vẻ cô độc, thanh
cao, phiêu diêu, thoát tục và nỗi khắc khoải của con người trước cõi hư không: “Cô vân độc khứ
nhàn” (Lí Bạch). Còn với “Chiều tối”, chòm mây không chỉ đơn thuần là “chòm mây trôi nhẹ giữa
tầng không” mà cũng là một chòm mây lẻ loi, cô độc, chầm chậm trôi giữa bầu trời. Câu thơ làm
ta nhớ tới những áng mây trong thơ Thôi Hiệu: “Bạch vân thiên tải không du du” (Nghìn năm mây
trắng bây giờ còn bay – Tản Đà dịch), áng mây trắng mang hơi hướng của sự vĩnh hằng trong
khi “chòm mây trôi nhẹ” làm sống dậy bao nỗi khắc khoải, mong chờ. Nhưng trên hết, chính hình
ảnh “cô vân” đã tạo nên chiều cao, chiều sâu của bức tranh ngoại cảnh. Núi rừng Quảng Tây
trong chiều thu như hiện ra trước mắt người đọc với bầu trời cao rộng, trong trẻo, êm ả. Chòm
mây lẻ loi giữa bầu trời bao la, rộng lớn, trải dài đến vô tận càng khiến cho cảm giác trống trải, cô
đơn được nhân đôi. Vì sự cô đơn ấy không chỉ của chòm mây lẻ bóng, mà còn là tâm trạng của
người đang ngắm nó.
Chỉ với những hình ảnh thơ rất đỗi quen thuộc, người nghệ sĩ – chiến sĩ Hồ Chí Minh đã vượt
qua khuôn khổ thường tình của thi ca cổ điển để khắc họa bức tranh chiều trên đất khách quê
người. Nhiêu đó thôi cũng đủ để thấy được tấm lòng yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống vô hạn của
Người. Nhưng phảng phất đâu đó trong hai câu thơ là một nỗi buồn thấm thía. Cánh chim bay
tìm đường về tổ như một sự nhắc nhở nhẹ nhàng về giấc mơ đoàn viên. Người tù đang phải chịu
cảnh tù đày nên ắt hẳn luôn hướng về quê hương, gia đình, nhìn thấy cánh chim phía cuối trời,
cái mong ước nhỏ nhoi ấy lại càng trào dâng, mãnh liệt khiến ai dù không mấy mặn nồng với quê
hương cũng phải đau đớn, huống hồ Bác là một người yêu nước tha thiết. Thêm vào đó, bóng
mây chầm chậm trôi về phía trời xa gợi niềm xót xa cho thân phận nổi nênh, lênh đênh, trôi dạt
giữa nơi đất khách càng làm cho khát vọng tự do được bay như chim, trôi như mây giữa trời của
người tù trở nên mạnh mẽ, dứt khoát hơn bao giờ hết. Bức tranh ngoại cảnh và bức tranh tâm
cảnh đã thực sự hoàn làm một. Cũng từ đây ta thấy được vẻ đẹp sáng ngời trong nhân cách
HCM – đó là một con người dù trong hoàn cảnh nào cũng vẫn không để mất đi dù chỉ một mảy
may tình yêu cái đẹp, khả năng rung cảm trước cuộc đời, một con người sống trọn vẹn cuộc

sống con người, dù trong hoàn cảnh có khác loài người.
Không dừng lại ở việc miêu tả cảnh sắc thiên nhiên, Bác bắt đầu đi vào xây dựng hình tượng
trung tâm cho bức tranh. Bút pháp cổ điển giờ đây được thay thế bằng những hình ảnh mang
phong cách hiện đại. Bức tranh không còn đơn điệu mà như được thổi hồn bởi sự xuất hiện của
con người – cô gái xay ngô – và bếp lửa hồng. Khung cảnh thiên nhiên nhường chỗ cho bức
tranh sinh hoạt của con người. Đó là một luồng gió mới làm thay đổi toàn bộ “cục diện” của bức
tranh:
“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.”
Giữa rừng núi hoang sơ, hẻo lánh, trong lúc nỗi buồn thầm kín đang bủa vây lấy tâm trí thì đập
vào mắt người tù là hình ảnh “cô em xóm núi” đang “xay ngô tối” cắt ngang mọi dòng suy nghĩ
lẫn cảm xúc. Khi niềm hy vọng trong việc tìm kiếm điểm dừng chân sau một ngày đi đường mệt
mỏi đang dần vụt tắt thì “xóm nùi” hiện ra trước mắt người tù, hệt như một giấc mơ, khiến bao
mệt mỏi, lo toan dường như biến mất. Cái vẻ bình yên của xóm núi càng khiến lòng người thêm
ấm áp bởi sự hiện diện của người thiếu nữ. Vẻ đẹp trẻ trung đầy sức sống của người thiếu nữ
trong tư thế lao động (xay ngô) trở thành tâm điểm của bức tranh thiên nhiên buổi chiều, tạo nên
sự tươi vui, khỏe khoắn cho cả bài thơ. Đáng chú ý là hình tượng người thiếu nữ trong thơ Bác
hoàn toàn khác với người thiếu nữ trong cổ thi. Nhiều thi nhân xưa thường ví người thiếu nữ như
“Liễu yếu đào tơ”, sống trong cảnh “Phòng khuê khép kín”, chỉ cần biết “cầm, kì, thi, họa” là đủ:
“Thông minh vốn sẵn tính trời,
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.
Cung thương làu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.”
(“Truyện Kiều” – Nguyễn Du)
Trong khi người thiếu nữ trong thơ Bác thì gắn liền với công việc lao động bình dị, đời thường,
khỏe khoắn đầy sức sống. Bên cạnh đó, cùng đề cập đến con người nhưng trong thơ xưa, con
người xuất hiện mà thiếu hẳn sức sống, dường như chỉ để tôn thêm cái hùng vĩ, hoang sơ của
đất trời, thiên nhiên, mang một nỗi niềm hoài cổ, sầu muộn:
“Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên song chợ mấy nhà”

(“Qua Đèo Ngang” – Bà Huyện Thanh Quan)
Nhưng “Chiều tối” với sự có mặt của cô gái xay ngô thực sự đã đem lại hơi ấm, hạnh phúc cho
không chỉ người tù đơn độc mà còn cho cả người đọc trước cái không khí âm u, heo hút của núi
rừng. Phải chăng vẻ đẹp lung linh của bức tranh là do sự khỏe khoắn ấy tạo nên?!?
Ở nguyên tác, Bác không cần dùng đến chữ “tối” như bản dịch nhưng vẫn cho ta thấy được sự
vận động không ngừng của thời gian: từ chiều tà đến chiều tối. Đó chính là nhờ sự hiện diện của
hình ảnh lò than hồng. Bởi phải vào thời điểm như thế người ta mới thấy hết sự rực hồng của
than trong lò, mà cái tài của nhà thơ ở đây là không cần dùng đến chữ “tối” nhưng ý nghĩa ấy vẫn
cứ hiện lên rõ mồn một. Hình ảnh lò than rực hồng trong đêm tối không chỉ làm nổi bật thêm tư
thế xay ngô của cô gái mà hơn hết, ánh than hồng đã xua tan đi bóng tối đang dần bao trùm lấy
vạn vật mà theo nhà thơ Hoàng Trung Thông – “Bác Hồ làm thơ và thơ của Bác”- NXB Tác phẩm
mới 1977, trang 231 đã nhận xét thì: “Với một chữ “hồng”, Bác đã làm sáng rực lên toàn bộ bài
thơ, đã làm mất đi sự mệt mỏi, sự uể oải, sự vội vã, sự nặng nề đã diễn tả trong ba câu đầu, đã
làm sáng rực lên khuôn mặt của cô em sau khi xay xong ngô tối. Chữ “ hồng” trong nghệ thuật
thơ Đường, người ta gọi là “thi nhãn” (con mắt thơ) hoặc là “nhãn tự” (chữ mắt), nó sáng bừng
lên, nó cân lại, chỉ một chữ thôi, với hai mươi bảy chữ khác dầu nặng đến mấy đi chăng nữa…”
Cũng vì thế mà hình ảnh lò than hồng có một sức lôi cuốn đặc biệt đối với mỗi người.
Thoát khỏi văn phong cổ điển, hai câu thơ cuối mang nhiều chất “bạch thoại”, mộc mạc, đời
thường và điều đó thể hiện rõ ở chữ “bao túc” xuất hiện đến hai lần. Cô gái miệt mài xay ngô mà
không hề để ý đến thời gian. Cứ hết túi ngô này (ma bao túc) rồi lại đến túi ngô khác (bao túc
ma) để rồi đến khi cô xay ngô xong (bao túc ma hoàn) thì mới nhận ra “lò than đã rực hồng” (lô dĩ
hồng). Qua hình ảnh trẻ trung mà bình dị, hiện đại ta thấy được niềm xót xa kín đáo mà sâu xa
của nhà thơ trước nỗi vất vả, khó khăn của cuộc sống con người lao động. Sự lặp đi lặp lại của
công việc xay ngô như một vòng quay nặng nề, luẩn quẩn của con tạo. Tình thương đối với nỗi
đau khổ của những con người lao động, cho dù họ không phải là đồng bào của Bác, không quen
thân, thậm chí chưa hề gặp mặt cũng theo đó mà chân thành hơn bao giờ hết. Song trên một
phương diện nào đó, câu thơ một lần nữa khơi gợi lại cảm giác về sự ấm áp, sum vầy, về một
thứ hạnh phúc bình dị trong một căn nhà ấm cúng. Đó như một cách nhấn mạnh nỗi lòng thườn
trực trong trái tim Bác. Bếp lửa đã cháy lên và công việc lao động cũng đã hoàn tất. Và như thế,
cái lớn của những dòng thơ là ở khả năng vô song của Bác, khả năng mà khó có ai vượt hơn,

thậm chí sánh nổi. Đó là khả năng quên đi nỗi đau khổ rất lớn của mình để đồng cảm, để vui với
những niềm vui bé nhỏ, giản dị của con người . Nhưng dù là ý nghĩa nào chăng nữa thì cũng đều
nói lên một phẩm chất chung, phẩm chất mà sau khi Bác mất, nhà thơ Tố Hữu mới nói đến thật
nhiều và thật thấm thía: “Chỉ biết quên mình cho hết thảy” hay: “Nâng niu tất cả chỉ quên mình”.
Chúng ta nhận ra “Chiều tối” mang những vần thơ quên mình vĩ đại.
Dẫu đang ở trong một cảnh ngộ tột cùng đau khổ nhưng Bác vẫn có thể rung động được với nỗi
khổ hoặc niềm vui của cảnh vật, con người bình thường khác mà Người tình cờ bắt gặp trên
đường đày ải. Bị trói, bị tù đày, bị giải đi ” Năm mươi ba cây số một ngày/Áo mũ dầm mưa rách
hết giày” nhưng dường như Người không hề để ý gì đến sự đau khổ của bản thân mình. Người
luôn hướng ngoại, lấy tình yêu của mình trải lên cả không gian bao la để quên đi nỗi nhọc nhằn.
Người coi thường gian khổ, chịu mọi cay đắng và không bao giờ than vãn. Đó chính là tinh thần
thép vĩ đại của người tù thi sĩ Hồ Chí Minh.
Trên phương diện văn học, “Chiều tối” vẫn luôn là một tác phẩm trữ tình và cái hồn của bài thơ
nằm ở những tình cảm, rung động mà nhà thơ đã trao gửi vào trong những dòng chữ. Đây là một
tác phẩm có thể nói là đẹp về nhiều mặt và thực sự là một bông hoa sáng ngời trong thế giới thơ
HCM. Mang phong cách cổ điển kết hợp với “hơi thở hiện đại”, bài thơ là bức chân dung tự họa,
phản ánh con người tinh thần và nét đặc sắc trong phong cách nghệ thuật của Bác. Như những
“vầng sáng” của lò than hồng trong câu thơ cuối, bài thơ thực sự trở thành một luồng sáng khai
nguồn cho một phong cách thi ca hiện đại trữ tình, hoàn toàn mới mẻ, thoát ly với văn phong cổ
điển. Và hơn cả, bài thơ là một điển hình mang dáng dấp nhân cách HCM bởi sự gởi gắm tất cả
tâm tư, tình cảm của Bác trong “sâu thẳm” nó. Đó cũng chính là những yếu tố làm nên vẻ đẹp có
“một không hai” của bài thơ.

×