Tải bản đầy đủ (.docx) (106 trang)

365 câu chuyện giúp trẻ khôn lớn mỗi ngày (tập 1)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (570.11 KB, 106 trang )

Lời nói đầu
Tuổi thơ là một khúc ca vô tư lự mà những nốt nhạc bay bổng chính là tiếng cười giòn tan của
con trẻ; khôn lớn là đôi cánh ước mơ, đưa con trẻ bay qua những niềm vui nỗi buồn.
Tâm hồn của trẻ nhỏ như một trang giấy trắng, làm thế nào để quá trình khôn lớn của trẻ phong
phú, nhiều màu sắc, đây chính là vấn đề mỗi bậc phụ huynh luôn quan tâm. Quá trình trưởng thành
của trẻ không chỉ có tiếng cười niềm vui mà còn có những phiền muộn lo lắng không biết phải giải
quyết thế nào. Nên làm thế nào để học cách cùng chơi với bạn? Nên quan tâm và giúp đỡ những
người xung quanh như thế nào? Những chi tiết nhỏ của cuộc sống có thể sẽ ảnh hưởng tới trẻ
trong suốt cuộc đời.
Lựa chọn phương pháp giáo dục trẻ như thế nào để đạt đến mục đích giúp con đường phát triển
của trẻ bằng phẳng, vững chắc? Các nhà chuyên gia đưa ra lời khuyên: Những câu chuyện chính là
người thầy tốt nhất đi theo trẻ trong suốt quá trình phát triển. Chính những câu chuyện xúc động,
sâu lắng sẽ khiến con trẻ từ ngây thơ non nớt dần dần khôn lớn, sở hữu một khối kiến thức phong
phú. Những hình tượng nhân vật cao đẹp trong truyện sẽ là tấm gương cho trẻ học tập, những chi
tiết hấp dẫn cảm động trong truyện có thể bồi dưỡng, hun đúc những tình cảm sâu lắng trong tâm
hồn trẻ.
Cuốn sách “365 câu chuyện giúp trẻ khôn lớn mỗi ngày”, gồm 365 câu chuyện mang ý nghĩa
giáo dục sâu sắc được chọn lọc từ kho tàng truyện cổ tích thiếu nhi. Mỗi một câu chuyện tuy nhỏ
nhưng đều ẩn chứa những ngụ ý sâu sắc, sẽ giáo dục con trẻ nhiều nguyên tắc, đạo lý đối nhân xử
thế, vì vậy, đây là một cuốn sách hay đi cùng quá trình khôn lớn của trẻ.
Cuốn truyện này kết hợp hình vẽ với lời văn sinh động, dễ đọc dễ nhớ, rất phù hợp với con trẻ.
Chúng tôi tin rằng, cuốn truyện sẽ trở thành người thầy, người bạn tốt của trẻ, tăng thêm sự tự tin,
giúp con trẻ bay cao bay xa hơn.
Hướng dẫn cách đọc cuốn truyện này
Đối tượng đọc truyện
Trẻ từ 6 đến 12 tuổi.
Chủ đề câu chuyện
Vun đắp tình yêu thương ở trẻ nhỏ, để mầm chân, thiện, mỹ đâm chồi, nẩy lộc trong tâm hồn trẻ.
Giúp trẻ hiểu được thế nào là tình thân, tình bạn và tình yêu, đồng thời học được cách biết ơn và
đền đáp.
Cách đọc


Bố mẹ cùng đọc truyện với con cái.
Đặc điểm của cuốn truyện
- Đặc điểm nổi bật của cuốn truyện là sự kết hợp hoàn hảo giữa câu từ và hình ảnh. Những câu
từ đẹp kết hợp với những hình ảnh sinh động sẽ khơi gợi hứng thú tìm hiểu và giúp trẻ hiểu rõ hơn
ý nghĩa, ngụ ý của truyện. Đối với trẻ, hình ảnh hấp dẫn dễ thu hút sự chú ý của chúng, đây là biện
pháp quan trọng giúp trẻ thích đọc truyện hơn.
- Một năm được chia thành bốn mùa xuân, hạ, thu và đông, vì vậy, cuốn truyện đã chia các câu
chuyện thành bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông nhằm khơi dậy ham muốn đọc truyện của con trẻ. Từng
mùa, từng tháng khác nhau sẽ có những hình ảnh có màu sắc vô cùng phong phú khiến trẻ không
chỉ đắm mình trong những câu chuyện sinh động mà còn giúp đầu óc trẻ tràn đầy những hình ảnh
tự nhiên xinh đẹp.
- Câu nói của mỗi ngày sẽ làm tăng thêm kiến thức hiểu biết của con trẻ. 365 ngày là 365 câu nói
rất thú vị, những câu nói về lễ tết, danh ngôn Như vậy, trẻ sẽ học được nhiều hơn, có nhiều kiến
thức hơn.
Hướng dẫn cách đọc
- Kiên trì mỗi ngày một câu chuyện, nhớ là phải theo thứ tự:
Cuốn truyện này được chia thành bốn mùa xuân, hạ, thu và đông, mỗi ngày là một câu chuyện
nhỏ hết sức thú vị. Cần phải kiên trì theo nguyên tắc đọc có thứ tự và mỗi ngày một câu chuyện.
Tốt nhất là đánh dấu truyện đầu tiên mình đọc bắt đầu từ ngày hôm nay, chẳng hạn, ngày 1/6, vậy
bạn hãy mở câu chuyện của ngày 1/6 ra đọc. Nào, bây giờ hãy mở đến trang của ngày hôm nay và
đắm mình vào những câu chuyện thú vị.
- Trước hết, bố mẹ hãy hướng dẫn, chỉ bảo con mình bắt đầu từ hình ảnh
Khi bắt đầu mở trang đầu tiên của câu chuyện, bố mẹ không nên yêu cầu con đọc truyện ngay
mà để trẻ quan sát bức tranh và nói lên những suy nghĩ về bức tranh mình đã xem, rồi đoán xem nội
dung chính của câu chuyện là gì. Phương pháp này giúp tăng khả năng quan sát cho trẻ, mặt khác,
rèn cho trẻ óc tưởng tượng và trí sáng tạo. Bố mẹ hãy thảo luận với con về nguyên 3 nhân, quá trình
cũng như kết quả của câu chuyện. Cách này cũng làm cho việc đọc trở nên thú vị hơn rất nhiều.
- Bố mẹ và con cùng đọc to câu chuyện
Ở giai đoạn này có thể rèn luyện cho con khả năng nói và khả năng diễn đạt ngôn ngữ. Nhiều
đứa trẻ tuy biết đọc chữ nhưng khi phải đọc to thì lại lắp ba lắp bắp, diễn đạt kém. Bố mẹ có thể

đọc to cùng con trẻ, nghĩa là, bố mẹ đọc một đoạn rồi đoạn sau lại đến con, con đọc xong thì bố mẹ
chỉ ra cho con những chỗ sai và những điểm cần hoàn thiện.
- Bố mẹ nêu vấn đề đối với con
Đọc xong câu chuyện không có nghĩa là nhiệm vụ đọc đã xong. Sau khi kết thúc câu chuyện, bố
mẹ cần hỏi con một số vấn đề. Chẳng hạn, con thấy câu chuyện này gợi mở cho con điều gì? Con
cảm động nhất với đoạn nào trong truyện? Tại sao cậu bé ấy lại làm như vậy? Nếu con là nhân vật
chính của câu chuyện thì con sẽ làm thế nào? Những câu hỏi được nêu ra cần gắn bó chặt chẽ với
câu chuyện, đồng thời, từng câu hỏi có sự khác nhau rõ nét.
Ngày 1 tháng 3: Ngày của Báo biển. Báo biển là loài động vật quý hiếm trên thế giới, con người
săn bắt tràn lan và nước biển bị ô nhiễm đã đe dọa nghiêm trọng tới sự sống còn của loài Báo
biển.
Những câu chuyện tháng 3
Trên thảo nguyên bao la rộng lớn kia, có hai mẹ con chú sư tử.
Một ngày nọ, sư tử con tự mình đi tìm thức ăn, nghe thấy một chú lợn rừng nói với các con của
nó: “Các con thân yêu của mẹ, các con chỉ cần cố gắng sống thật tốt, các con sẽ đạt được hạnh
phúc”. Lợn rừng con không hiểu hết lời mẹ nói, liền hỏi: “Mẹ ơi, “hạnh phúc” là cái gì ạ?”. Lợn
rừng mẹ mỉm cười âu yếm trả lời: “Các con yêu quý của mẹ, các con còn nhỏ, sau này các con lớn
rồi sẽ hiểu ngay thôi”. Ừ nhỉ, hạnh phúc là cái gì, sư tử con cảm thấy vô cùng hiếu kỳ. Nó vừa đi
vừa nghĩ, nhưng vẫn chẳng thể tìm ra lời giải đáp, liền chạy như bay về nhà, dồn dập hỏi mẹ của
mình. “Mẹ ơi, con nghe thấy rất nhiều loài động vật nói về hạnh phúc, thế hạnh phúc là cái gì vậy
ạ? Nó có ăn được không ạ? Hạnh phúc ở nơi đâu hả mẹ?”. Sư tử mẹ trả lời: “Hạnh phúc không phải
là đồ vật, hơn nữa, không thể cầm nắm, càng không thể ăn. Nó ở trên đuôi của con”.
Sư tử con nghe mẹ nói hạnh phúc ở ngay trên đuôi của mình, vì thế không ngừng chạy, đuổi bắt
cái đuôi… nhưng mãi vẫn chẳng thể bắt được.
Sư tử mẹ nhìn dáng vẻ ngây thơ, hồn nhiên của sư tử con, không nhịn được cười, bèn nói: “Ngốc
yêu, hạnh phúc không phải đạt được theo cách đó. Chỉ cần con ngẩng cao đầu tiến thẳng về phía
trước, hạnh phúc sẽ luôn đi theo con!”.
Chúng ta thường không ngừng tìm kiếm hạnh phúc, thường cảm thấy hạnh phúc cách bản thân
mình rất xa.Thực ra, khi chúng ta bỏ qua công danh lợi lộc, dùng con tim để cảm nhận, tận hưởng
tất cả những gì đang có, hạnh phúc sẽ thường trực bên chúng ta.

Ngày 2 tháng 3: Mùa xuân đem đến tình yêu nồng ấm, giống như tình yêu thương, sự quan tâm
to lớn của bố.
Triều Đường có một nhà thơ tên là Uông Luân, thời niên thiếu ông sống ở một thị trấn nhỏ bên
bờ đầm hoa đào của huyện Kinh, tỉnh An Huy. Ông rất ngưỡng mộ đại thi hào đương thời Lý Bạch,
chỉ tiếc là không có duyên gặp gỡ, nên luôn mong muốn tìm cơ hội tận mắt ngắm nhìn phong thái
phi phàm của “tiên thơ”.
Một hôm, người hầu của gia đình ông bỗng vui mừng chạy đến báo tin: “Lý Bạch ngao du núi
Đại Xuyên, đã đến Hoàn Nam (tên khác của tỉnh An Huy), lần này thì tiên sinh có thể hoàn thành
tâm nguyện gặp mặt Lý Bạch rồi!”. Uông Luân nghe xong liền nghĩ, Lý Bạch không phải người
phàm thường, nếu mạo muội đi mời, ông ấy chưa chắc đã tới, có cách gì có thể kết giao với Lý
Bạch đây? Ông bỗng nhớ ra, Lý Bạch trong đời có hai sở thích lớn: một là thích uống rượu, hai là
thích hoa đào. Vì thế, ông liền nghĩ ra một diệu kế, viết ngay một lá thư mời Lý Bạch. Trong thư có
viết:
- “Tiên sinh thích du ngoạn? Nơi đây có mười dặm hoa đào.Tiên sinh thích uống rượu? Nơi đây
có vạn quán rượu”.
Lý Bạch sau khi nhận thư, vừa xem qua đã thấy hợp ý mình, liền vui vẻ đến đầm hoa đào gặp
Uông Luân. Sau khi hai người hàn huyên, Lý Bạch nói: “Ta đến đây đặc biệt để ngắm mười dặm
hoa đào, nếm rượu của vạn quán rượu”.
Lúc này, Uông Luân mới nói thật với Lý Bạch: “Mười dặm hoa đào là chỉ đầm hoa đào có tên
Mười Dặm, vạn quán rượu là chỉ quán rượu do một người họ Vạn ở bờ tây đầm Vạn Gia mở”.
Lý Bạch nghe xong mới biết mình đã “mắc lừa” Uông Luân, liền phá lên cười, và khen Uông
Luân thông minh.
Lý Bạch ở nhà Uông Luân chơi một vài ngày, khi chia tay, để cảm tạ tấm thịnh tình của Uông
Luân, liền sáng tác một bài thơ tuyệt cú có tên “Tặng Uông Luân” để tặng ông.
Ngày 3 tháng 3: Ngày cả nước yêu đôi tai. Đôi tai là cơ quan quan trọng của cơ thể, chúng ta cần
phải chăm sóc, yêu quý đôi tai.
Một buổi sớm mùa xuân, một con chim sơn ca bay đến làm tổ trong đồng lúa mạch xanh mơn
mởn, nuôi dưỡng mấy chú chim sơn ca nhỏ vô cùng đáng yêu. Khi lúa mạch sắp chín cũng là lúc
lông cánh của các chú chim sơn ca nhỏ cứng cáp, sức lực cũng đã khỏe mạnh hơn.
Một ngày nọ, người chủ cánh đồng lúa mạch tới, nhìn thấy lúa mạch sắp chín, liền nói với bản

thân: “Một vụ mùa bội thu sắp tới rồi, ta nhất định sẽ mời tất cả hàng xóm láng giềng tới giúp ta thu
hoạch”.
Một chú chim sơn ca nhỏ, sau khi nghe thấy những lời nói ấy, vội vội vàng vàng bay ngay về tổ,
báo với chim mẹ, tỏ ra rất lo lắng và hỏi mẹ: “Mẹ ơi, mẹ ơi, chúng ta lần này nên chuyển tổ đi đâu
ạ?”. Chim sơn ca mẹ điềm tĩnh trả lời: “Con yêu, đừng quá kinh hoàng, ông ấy chưa gấp rút phải
thu hoạch ngay đâu, mới chỉ nghĩ tới việc mời hàng xóm giúp đỡ mà thôi, chúng ta không cần thiết
phải di dời tổ. Đợi đến khi ông ấy quyết định thu hoạch, chúng ta chuyển tổ cũng chưa muộn”.
Vài ngày sau, người chủ cánh đồng lúa lại đến, nhìn thấy lúa mạch đã chín vàng rộ, thậm chí có
những bông lúa đã rụng xuống đất, ông ấy liền nói: “Hàng xóm không thể giúp ta nhiều, nếu ta
không chủ động thu hoạch, lúa mạch của ta sẽ rụng hết mất. Ngày mai ta cùng những người giúp
việc trong gia đình, và nếu cần sẽ thuê thêm người ngoài tới thu hoạch lúa”.
Chim sơn ca mẹ sau khi nghe thấy những lời đó, liền nói với chim con: “Các con, giờ chúng ta
nên chuyển tổ, vì người chủ ruộng lúa lần này thật sự đã sốt ruột rồi. Ông ấy không còn ỷ lại vào
hàng xóm mà đã quyết định tự mình thu hoạch”.
'1 Ngày 4 tháng 3: Ngày 15 tháng giêng âm lịch là ngày Tết Nguyên tiêu, đây là đêm đoàn tụ đầu
tiên trong năm của cả gia đình, ngày này còn được gọi là “Tết Thượng nguyên”.
Một chú chim ưng và một chú chim sơn ca không hẹn mà gặp ở một hòn nham thạch trên ngọn
núi cao. Chim sơn ca cất tiếng chào: “Chào bác chim ưng”.
- “Chào”, chim ưng thô lỗ đáp lại, “chúng ta là loài chim mang lại may mắn, và ngươi nên biết,
chúng ta là vua của các loài chim”.
Chim sơn ca liền đáp: “Tôi cứ tưởng chúng ta đều là một gia đình”.
Chim ưng dùng ánh mắt khinh thường nhìn sơn ca và nói: “Ai nói ngươi và ta đều thuộc một gia
đình?”.
Sơn ca không cam thấp hèn, liền trả lời: “Chẳng phải đó sao, tôi cũng có thể bay cao như bác, tôi
còn có thể cất tiếng hót vang, đem niềm vui đến cho muôn loài trên trái đất này”.
Lời nói của sơn ca khiến chim ưng vô cùng tức giận: “Tên nhỏ bé kia, mi dám cả gan làm loạn,
chỉ cần ta dùng mỏ gõ cho mi một cái, cuộc đời của mi lập tức kết thúc”.
Sơn ca vọt bay lên, đậu trên lưng của chim ưng, khiến chim ưng tức giận đến tột bậc, nó ra sức
bay cao, hy vọng có thể quăng đi sơn ca đáng ghét, nhưng nó thất bại, sơn ca như dính liền trên
thân, nó làm cách nào cũng không thể ném đi. Cuối cùng, nó đành hạ cánh xuống hòn nham thạch

trên ngọn núi cao vừa rồi, chỉ có điều, sơn ca vẫn nằm trên lưng nó, nó càng tức giận, nguyền rủa
cái thời khắc đen đủi này.
Lúc đó, vừa hay một chú rùa nhỏ đi ngang qua, nhìn thấy cảnh tượng trước mắt, không nhịn
được liền phá lên cười, nó cười nhiều đến mức tay chân khua khoắng trước sau, suýt nữa lật mai
mà ngã xuống. Chim ưng căn bản không coi rùa ra gì, liền nói: “ Đồ chậm chạp kia, mi cười cái gì
hả?”.
Rùa ta trả lời: “Ơ kìa, tôi thấy bác biến thành một chú ngựa, để cho một chú chim nhỏ cưỡi trên
lưng”.
Chim ưng nói với rùa: “Mày bớt xen vào chuyện thiên hạ, đây là chuyện giữa tao và chú em sơn
ca, chuyện trong gia đình tao”.
5 Ngày 5 tháng 3: Tình yêu chiến thắng tất cả.
Có một chú sơn dương, sớm sớm chiều chiều chung sống cùng các loài động vật khác cũng nhỏ
yếu giống như mình trong một khu rừng rậm. Chúng đi đâu cũng đều rất cẩn thẩn, thậm chí lúc ăn
cỏ cũng vẫn phải nhìn đông nhìn tây, luôn nơm nớp lo sợ, phải cảnh giác trước sự tấn công bất ngờ
của mãnh thú. Sơn dương cảm thấy bản thân sống quá tủi thân, nếu có thể giống như hổ báo oai
phong thì tốt biết bao.
Một ngày nọ, sơn dương một mình đi trong rừng sâu, nó bỗng phát hiện thấy một tấm da hổ trên
đất, sơn dương lấy hết dũng khí, nhặt tấm da hổ lên, nó cảm thấy rất hứng thú. Nó đột nhiên nảy ra
ý nghĩ: Ta khoác tấm da hổ này lên người chẳng phải sẽ rất oai phong sao? Ai phát hiện ra ta chỉ là
một con hổ giả? Nghĩ sao làm vậy, sơn dương liền khoác lên mình tấm da hổ, đi đi lại lại trong
rừng sâu.
Khi sơn dương đi đến chỗ ở của chính mình, những động vật nhỏ yếu như nó bỗng nhiên nhìn
thấy “hổ” đến, đều vô cùng sợ hãi, bỏ chạy toán loạn mong tìm chỗ thoát thân.
Sơn dương nhìn thấy cảnh tượng đó, trong lòng cảm thấy bản thân thực sự rất giỏi giang. Bây
giờ nó không còn phải sống trong cảnh ngày ngày nơm nớp lo sợ nữa, vừa nghĩ nó vừa tiến thẳng ra
bãi cỏ rộng lớn.
Đúng lúc sơn dương ngửi thấy hương cỏ thơm ngào ngạt từ thảo nguyên, đột nhiên có một con
sói rừng đi tới. Sơn dương dù đang khoác trên mình tấm da hổ nhưng sợ hãi tới mức toàn thân run
lên bần bật, khiến sói ta dù đã ngập ngừng dừng bước cũng chẳng thể hiểu chuyện gì, hổ sao lại biết
ăn cỏ? Chỉ có sơn dương mới biết rõ sự tình bên trong, nó suốt đời là miếng mồi ngon mà hổ sói

báo hằng săn đuổi. Vừa nhìn thấy mãnh thú, sơn dương đã hồn bay phách lạc, đến nỗi hoàn toàn
quên mất việc mình đang khoác trên thân tấm da hổ.
Khi sói phát hiện ra đó chẳng qua chỉ là một chú sơn dương non, liền không ngần ngại xông tới
tấn công và ăn thịt sơn dương một cách ngon lành.
Ngày 6 tháng 3: Tiết Kinh trập (Ngày 17 tháng 1 Âm lịch). Xuân đến đánh thức những loài động
vật đang ngủ đông dưới đất.
Chim sơn tước mẹ xây một cái tổ bên bờ biển, từ trong tổ có thể nhìn ra biển lớn và cánh rừng
rậm phía xa xa. Những chú chim sơn tước con chưa biết bay, rất thích đứng trong tổ ngắm biển
xanh mênh mông.
Một ngày, khi chim sơn tước mẹ đã rời tổ đi tìm thức ăn, một chú chim sơn tước con liền nói:
“Tôi muốn ra biển chơi”. Vừa nói dứt lời, nó liền bay ra khỏi tổ. Kết quả có thể đoán ngay được là,
chú chim sơn tước con từ trước tời giờ chưa từng học bay ngay lập tức đã rơi xuống biển, bị sóng
biển dìm chết.
Chim mẹ trở về biết chuyện, liền bay đến bên bờ biển, nói khoác với người đời rằng: “Ta sẽ đốt
cạn biển lớn, để các con của ta không còn bị dìm chết nữa”.
Toàn thế giới đều tỏ ra kinh hoàng, bàn luận sôi nổi về hành động kỳ quặc của chim sơn tước.
Người dân rất đỗi kinh ngạc, chen vai thích cánh chạy nhanh về phía biển khơi, các loài chim kết
thành từng bầy từng đàn bay về phía bờ biển, các loài thú rừng cũng đông như mắc cửi đua nhau
chạy đến xem. Mọi người đều rất hiếu kỳ, muốn xem nước biển có thể bị đốt cháy bằng cách nào.
Mọi người chen vào với nhau thành một khối, mở rộng miệng, mở to mắt. Họ âm thầm chăm
chú theo dõi từng động tĩnh của biển cả, liên tục có người hô hoán: “Mau nhìn! Mau nhìn! Nước
biển sắp dâng trào rồi! Nước biển sắp bốc cháy rồi!”.
Thời gian trôi qua rất lâu, rất lâu, mọi người có vẻ không thể kiên nhẫn thêm nữa: “Không phải
rồi! Lẽ nào nước biển đang bốc cháy sao? Không, biển không cháy, đến nước biển còn chưa nóng
lên cơ mà”.
Chim sơn tước đã nói khoác, kết quả thì sao? “Anh hùng” nói khoác, làm gió làm mưa gây ồn ào
khắp thiên hạ, vậy mà lại chẳng thể đốt cháy biển khơi, đành xấu hổ tháo chạy về tổ cũ.
Ngày 7 tháng 3: Những con chim hô hào bạn bè mình bằng những tiếng hót thánh thót trong
những tán lá, bông hoa, điều ấy đã khiến cả mùa xuân tươi đẹp hơn.
Trên đôi cánh của chim đại bàng mọc ra một chiếc lông vũ rực rỡ sáng tươi, vô cùng bắt mắt.

Trong số nhiều lớp lông vũ, chiếc lông vũ này thật đặc biệt, khác thường, nó thường xuyên phát ra
những tia sáng lấp lánh, sáng chói, khiến các loài chim khác phải ngưỡng mộ ước ao. Đại bàng
cũng thường lấy đó làm niềm tự hào, thậm chí đắc ý vênh váo, tự cao tự đại, ra vẻ ta đây không ai
sánh nổi. Có một ngày, cánh lông vũ tuyệt đẹp ấy đắc ý ngạo mạn nói với những chiếc lông khác:
“Khi chim đại bàng dang cánh bay, trông cường tráng hùng vĩ như vậy, chẳng phải đều nhờ ta cả
sao”. Những chiếc lông khác sau khi nghe xong cùng đồng thanh đáp lại: “Phải! Phải rồi. Không có
anh, đại bàng sao có thể đẹp đến nhường ấy? Anh là chiếc lông vũ đẹp nhất”.
Thời gian qua đi, chiếc lông vũ ấy ngày càng kiêu ngạo, càng ra sức khẳng định với anh em
rằng: “Công lao của ta là lớn nhất, nếu không có ta, đại bàng sao có thể bay cao như thế?”.
Chiếc lông vũ tuyệt đẹp ấy suốt ngày chìm đắm trong sự tự cao tự đại, không thể dứt ra được,
cuối cùng có một ngày nó dõng dạc tuyên bố trước mọi người: “Ta thấy, đại bàng đã trở thành gánh
nặng to lớn cho cuộc đời ta, nếu không phải tấm thân to nặng của đại bàng đè lên ta, ta chắc chắn
có thể tự do tự tại, không ràng buộc bất cứ điều gì, bay đến khắp mọi nơi, hơn nữa, càng có thể bay
cao bay xa hơn, có thể khiến tất cả mọi người đều chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của ta”. Nói xong, nó
dùng hết sức lực của bản thân, nỗ lực để thoát khỏi thân đại bàng. Cuối cùng nó cũng đạt được tâm
nguyện của mình, từ đôi cánh của đại bàng rơi xuống, chỉ có điều, nó chưa được rong chơi trong
không trung bao lâu liền bị rơi xuống bùn lầy một cách âm thầm lặng lẽ, từ đó không còn cách nào
bay cao nữa.
Ngày 8 tháng 3: Ngày Quốc tế phụ nữ. Đây là ngày kỷ niệm phụ nữ các nước trên thế giới đòi
hỏi sự hòa bình, bình đẳng và phát triển về giới.
Ở chỗ đất mà tàu hỏa thường chạy qua chỉ có những lùm cỏ nhỏ tồn tại, chưa bao giờ có cây lớn
sinh trưởng tại nơi này. Một ngày nọ, khi tàu hỏa chạy qua, ai đó đã vô ý làm rơi hạt mầm cây cao
su xuống khoảng trống giữa hai đường ray.
Sự xuất hiện của cây cao su khiến những lùm cỏ vô cùng vui sướng, chúng hân hoan reo hò.
Nhưng chúng vẫn khuyên cây cao su nên quay về chỗ cũ: “Hạt mầm cây cao su, bạn mau quay về
đi, bạn từ đâu đến thì hãy quay về chỗ đó. Môi trường nơi đây bạn cũng đã nhìn thấy rồi đó, thường
xuyên có xe lửa chạy qua, hoàn toàn không phù hợp cho cây to phát triển, nơi đây chỉ có thể mọc
lên những bông hoa nhành cỏ nhỏ bé như chúng tôi mà thôi”.
Tuy nhiên, hạt mầm cây cao su đã hạ quyết tâm, sẽ bắt rễ định cư chốn này: “Tôi quyết định
chắc chắn rồi, tôi sẽ ở lại đây, sẽ bắt rễ nảy mầm và sinh trưởng thành một cây cao su oai phong

như cha tôi vậy”.
Ban đầu, cây cao su hòa mình với những lùm cỏ, không có sự khác biệt nào rõ rệt.
Mỗi tháng, khi có tàu hỏa chạy qua, nó cũng như các lùm cỏ khác, cúi gập mình để tàu hỏa lướt
qua đầu.
Đông qua xuân tới, khi những lùm cỏ thức dậy sau một mùa đông dài lạnh lẽo, thấy cây cao su
vẫn hiên ngang đứng đó, cảm thấy vui mừng khôn xiết.
Ngày 9 tháng 3: Mùa xuân đến, hoa nở rộ khắp nơi, hương thơm ngào ngạt. Chim én đến bay
nhảy tung tăng trên các cành cây liễu
Một người nông dân nuôi một chú trâu biết cày ruộng và một chú vẹt biết nói. Ngoài hai con vật
ấy, trong nhà chẳng còn thứ gì đáng giá. Một lần, trâu từ ngoài ruộng trở về, vừa vào đến nhà liền
nằm ngay ra đất, không thể đứng dậy được. Vẹt nhìn thấy trâu ta toàn thân mồ hôi đầm đìa, nằm
thở phì phò, tỏ ra hết sức cảm thông: “Bác trâu à, bác vất vả cực nhọc là thế, vậy mà ông chủ đã nói
gì? Ông ấy chê bác cày ruộng chậm, ương ngạnh, bác đã vất vả mà chẳng được hoan nghênh, đời
bác thật đáng thương! Bác nhìn tôi đây này, chẳng cần làm việc, còn bắt ông chủ phải phục vụ
mình, vậy mà ông chủ vẫn không ngớt lời khen thưởng, khen tôi biết nói lời hay ý đẹp, thật đáng
yêu! Bác nói xem, như vậy có phải tôi thông minh hơn bác nhiều không? Bác quả là tên ngốc
không hơn không kém!”. Trâu liền nói: “Tôi biết tôi ngốc, nhưng tôi tin rằng ông chủ không ngốc.
Dựa vào lời nói thì chỉ được yêu quý nhất thời thôi, không thể được lâu dài”.
Vẹt nghe xong lời trâu, cho là không đúng. Thế là hai bên đều im lặng.
Đêm đến, kẻ trộm lẻn vào nhà người nông dân, uy hiếp buộc người nông dân phải đưa ra đồ vật
gì có giá trị, nếu không sẽ giết anh ta. Lúc này, vẹt ta thầm nghĩ, bình thường người nông dân
không ưa gì chú trâu, ông ấy nhất định sẽ giao trâu cho kẻ trộm.
Nhưng kết quả hoàn toàn nằm ngoài dự đoán của nó, người nông dân giao vẹt cho kẻ trộm.
Vẹt thấy không phục, bèn hỏi người nông dân, tại sao không giao trâu cho kẻ trộm? Người nông
dân trả lời dứt khoát: “Thật ra, điều này rất đơn giản, nếu không có trâu thì ta không thể cày ruộng,
ta sẽ phải chịu đói, thậm chí vì đói mà chết, còn nếu không có mi, vẹt à, ta chẳng qua chỉ thiếu đi
một vài lời nịnh hót mà thôi, chẳng quan trọng gì cả”.
Ngày 10 tháng 3: Mùa xuân đến, chúng ta ra ngoài chơi đùa thỏa thích. Tôi thả diều vào trong
không trung và cũng là lúc tôi thả cả hồn mình vào trong đó.
Năm 1779, nhà triết học Đức Kant cần phải đến một thị trấn nhỏ có tên là Perfen để thăm người

bạn tên là Peters. Kant trước khi lên đường đã viết một bức thư gửi bạn, trong thư có nói mình sẽ
đến trước 11 giờ trưa ngày 2 tháng 3.
Ngày 1 tháng 3 Kant đã tới thị trấn Perfen. Sáng hôm sau, ông thuê một chiếc xe ngựa để đến
nhà bạn mình. Nhà bạn ông là một nông trường cách trung tâm thị trấn 12 dặm Anh (1 dặm Anh =
1609,3 m), trên đường từ thị trấn đến nông trường còn phải qua một con sông nhỏ. Khi xe ngựa tới
bờ sông, vì cầu qua sông đã gãy nên không thể đi tiếp.
Kant chạy ngay tới một ngôi nhà cũ kỹ bên bờ sông, lịch sự hỏi người chủ ngôi nhà: “Xin hỏi,
ngôi nhà của bác bao nhiêu tiền bác mới chịu bán?”.
- “Nếu ngài thật sự muốn mua, ngài hãy trả tôi 200 franc Pháp”.
Kant sau khi trả tiền liền nói: “Nếu bác có thể dỡ vài cây gỗ dài của căn nhà xuống, ghép thành
một cây cầu qua sông trong 20 phút, tôi sẽ trả lại bác căn nhà này”.
Người nông dân gọi hai người con trai tới, bảo họ bắc cầu trong thời gian quy định. Nhờ thế, xe
ngựa qua cầu an toàn thuận lợi; và nhờ thế, Kant kịp đến nhà người bạn lúc 10 giờ 50 phút.
Ngày 11 tháng 3: Ngày kính trọng quốc tế. Ngày này có nguồn gốc từ phong trào phản đối vi
phạm nhân quyền năm 1999 ở Mỹ.
Ngày xưa, có một đôi vợ chồng nhà chuột, tuổi đã cao, vì vậy vô cùng sốt ruột, muốn tìm cho
con gái duy nhất của mình một người chồng có bản lĩnh nhất, tuyệt vời nhất trên trái đất này.
Thế là, sáng sớm hôm sau, chuột bố và chuột mẹ liền ra khỏi nhà, bắt đầu công cuộc tìm kiếm
chàng rể như ý.
Lúc này, từ phía đông, mặt trời dần dần ló ra, mang tới ánh sáng cho muôn loài, Chuột bố liền
nói:
- “Ông mặt trời chính là đối tượng lý tưởng mà chúng ta đang tìm”.
Ông mặt trời cười tươi nói với họ: “Ánh sáng của ta dù có thể chiếu sáng muôn nơi, nhưng một
khi mây đen kéo tới, ta cũng thành ảm đạm không màu”.
Vì thế, chuột bố và chuột mẹ dự định đi tìm mây đen.
Mây đen vội nói: “Không, không, gió mới là đối tượng lý tưởng của các bác, vì chỉ cần anh ấy
vừa tới, tôi liền bị thổi bay”.
Đang nói, bỗng nhiên một luồng âm thanh “ù ù” xuất hiện, gió bay đến, vung vẩy trong chiếc áo
khoác to của mình. Gió nói: “Nhìn tôi có lúc uy phong thế này nhưng chỉ cần có một bức tường
chắn, anh ta sẽ đánh bại tôi ngay”.

Chuột bố và chuột mẹ tiếp tục đi về phía trước, sau vài ngày, cuối cùng cũng tìm ra một bức
tường lớn. Họ vội vàng chạy đến, đang định cất lời liền nghe bức tường nhăn mày nhăn mặt ca
thán: “Nhìn xem! Lũ chuột chúng mày lúc nào cũng thích đục lỗ trên thân tao”.
Hóa ra, một chàng chuột thanh niên cường tráng đang đào lỗ dưới chân tường.
Đến lúc này, chuột bố và chuột mẹ mới tỉnh ngộ, thì ra, chúng cũng có những tài năng khiến
người khác phải ngưỡng mộ ước ao, vì thế, chúng quyết định gả con gái chuột cho chàng chuột
thanh niên cường tráng kia.
Ngày 12 tháng 3: Tết trồng cây. Để ghi nhớ công lao của Tôn Trung Sơn, Trung Quốc quy định
ngày ông qua đời là ngày Tết trồng cây.
Một ngày nọ, vài người phải đi làm việc xa. Thời tiết rất đẹp, từng áng mây lững lờ trôi trên nền
trời xanh biếc, con đường nhỏ của những chú chuồn chuồn bị cỏ xanh che kín, đặt chân lên đó mới
thoải mái làm sao. Bên cạnh còn có một dòng suối nhỏ, từng dòng nước trong vắt róc rách chảy
qua, giống như có ai đang tấu lên khúc nhạc êm đềm. Đắm mình trong khung cảnh tuyệt sắc như
thế, những người đi làm xa bỗng thấy trong lòng phơi phới niềm vui, trên suốt quãng đường xa
không dứt tiếng cười tiếng nói, nhờ thế, đi cả một quãng đường dài mà họ cũng không thấy mệt.
Đúng lúc mấy người đang cất cao tiếng hát, sải nhanh chân bước thì bỗng từ đâu bay đến một
con quạ một mắt. Sự xuất hiện bất ngờ của quạ khiến tất cả mọi người chú ý, họ cùng ngẩng cao
đầu, nhìn quạ đang bay vòng vòng trên không trung. Một người cất tiếng nói: “Đây có thể là một
điềm báo không lành, xem ra chúng ta nên mau quay về, mai xuất phát lại”. Câu nói này khiến
những người còn lại chột dạ, mây trắng dần bị thay thế bởi những áng mây đen, cỏ cây bỗng chốc
cũng mất đi thần sắc. Vì thế họ dự định quay trở về, ngày mai mới lên đường. Chỉ có một người
không đồng ý, anh ta vẫn một mực tiến về phía trước. Có người không cầm lòng được, bèn hỏi: “Lẽ
nào anh không sợ gặp điều không may mắn sao?”. Người đó trả lời: “Tại sao lại sợ sẽ gặp điều
không may mắn?”. Người kia đáp lại: “Con quạ kia chính là điềm báo trước của sự không may mắn
đang đến gần!”. Người đó cười mà trả lời: “Dự đoán tương lai là việc mà con người cũng chưa làm
được. Một con quạ sao có thể dự đoán tương lai cơ chứ? Nếu thật sự con quạ có khả năng như các
anh nói, có thể báo trước tai nạn, sao nó lại không thể lường trước việc một mắt của mình sẽ gặp tai
họa?”.
Ngày 13 tháng 3: Mưa xuân tạnh thì trong gió thoang thoảng mùi đất mới, pha lẫn mùi cỏ ngai
ngái và mùi hoa nồng nàn.

Mùa xuân đến, người nông dân gieo hạt giống trên những luống đất đã được cày sâu, hy vọng
một vụ mùa bội thu. Người nông dân và con trai cẩn thận canh giữ ngày đêm. Người con trai liền
nói: “Con mang theo súng cao su bố nhé!”. Người bố trả lời: “Ừ, khi ta hô “bắn”, con hãy bắn ngay
những chú chim đi nhé”.
Chim sẻ nhìn thấy người nông dân gieo hạt, liền rủ quạ cụt mũi cùng đi ăn trộm, quạ cụt mũi lo
lắng trả lời: “Họ sẽ dùng súng bắn chúng ta, tôi không dám đi đâu”.
Chim sẻ nhanh nhảu trấn an: “Anh nhát quá, có tôi ở đây, anh sợ gì nào?”. Quạ ta tin thật, liền
cùng chim sẻ đi ăn trộm. Chim sẻ quả nhiên vô cùng nhanh nhẹn, mỗi khi người nông dân hô bắn,
chim sẻ liền thông báo cho quạ cụt mũi, cùng nhau bay đi tránh đạn. Vì thế, người nông dân bèn
nghĩ ra một cách: “Con trai, chúng ta phải thay đổi phương pháp thôi, có thế mới đánh bại được
những chú chim ăn trộm kia. Lần sau khi ta ra hiệu cho con bắn, ta sẽ không hô bắn nữa, ta chỉ
“ừm” một tiếng, con hãy nhanh tay nhé”.
Chẳng bao lâu sau, những chú chim kia lại tới, người nông dân liền nói: “Ừm”. Chim sẻ dù đã
nghe thấy nhưng chẳng bận tâm. Vì thế, chỉ với phát súng đầu tiên, con trai của người nông dân đã
bắn trúng đầu một chú chim sẻ, phát thứ hai bắn gãy chân một chú chim sẻ khác, phát thứ ba bắn
gãy cánh của một chú chim sẻ khác nữa, những chú chim sẻ còn lại vội vàng bay đi.
Trên đường tháo chạy, chúng gặp một chú hạc. Hạc hỏi chúng chuyện gì đã xảy ra, quạ cụt mũi
liền trả lời: “Tốt nhất là không nên đến gần loài người, họ là đồ xấu xa. Họ nói một kiểu, thực tế lại
làm một kiểu khác, và chính điều đó đã lấy đi tính mạng của mấy người bạn đáng thương của
chúng ta”.
Ngày 14 tháng 3: Ngày Cảnh sát quốc tế. Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) được thành
lập vào năm 1923. Trụ sở của Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế đặt tại thành phố Lion của Pháp.
Một chú chim ưng trống sải rộng cánh bay, bay mãi lên tới đỉnh ngọn núi hùng vĩ Caucasus
và tạm nghỉ trên một cây tùng đã trăm năm tuổi.
Chim ưng phóng tầm mắt ra xa, mọi cảnh tượng đều được thu gọn trong tầm mắt của nó, từ đây
dường như có thể nhìn thấy đường chân trời. Dòng sông quanh co uốn lượn trên thảo nguyên bao
la, cây cỏ trong rừng xanh non mơn mởn, bên kia là đại dương rộng lớn với những con sóng cuồn
cuộn, nhìn từ xa là một màu đen nhánh bao trùm như đôi cánh của quạ. Chim ưng hưng phấn đến lạ
kỳ, cất cao giọng nói: “Tất cả các sinh linh đều ngợi ca người, thần Gius vĩ đại, người thống trị vạn
vật, người đã ban cho ta khả năng bay cao xuất sắc đến như vậy. Ta không sợ bất kỳ độ cao nào trên

thế giới, còn ai có thể giống như ta, đứng trên nơi cao vời vợi nhìn xuống nhân gian”.
Bỗng nhiên, một chú nhện từ trên cành cây ló đầu xuống cất tiếng nói: “Tôi thấy anh là một tên
khoác lác thiên tài! Anh xem, tôi chẳng phải đang đứng ở nơi cao hơn anh đó sao?”.
Chim ưng ngước mắt nhìn, quả thật nhện ta đang giăng tơ trên cành cây, bò đi bò lại, rất bận rộn,
dường như muốn che đi ánh mặt trời trên đỉnh đầu chim ưng.
Chim ưng cảm thấy rất kinh ngạc: “Anh làm thế nào để lên được trên đó vậy? Rất nhiều loài bay
cao đều không dám tới đó, vậy mà anh vừa không có cánh, vừa nhỏ bé thế kia, lẽ nào anh thật sự có
thể bò lên đó?”.
Nhện ta đắc ý trả lời: “Ta lên được đến đây là nhờ trí thông minh hơn người, ta ẩn trong đuôi của
anh, cùng anh bay từ mặt đất lên đây. Bây giờ không cần nhờ anh ta vẫn có thể đứng vững, vì thế
phiền anh đừng có phô trương kiêu ngạo trước mắt ta”.
Nào ai có ngờ, nhện ta chưa nói dứt lời, bỗng nhiên từ đâu thổi đến một cơn gió, thế là nhện ta
lại bị thổi bay xuống chân núi.
Ngày 15 tháng 3: Ngày quyền lợi của người tiêu dùng. Ngày này do cựu Tổng thống nước Mỹ là
John Kennedy đề xướng tại Quốc hội vào năm 1952.
Người thương nhân chuyển từ phương xa về một số lượng vải để bán trong chợ. Mọi người may
quần áo đều không thể thiếu được vải, vì thế, một năm bốn mùa, con người đều cần có vải. Tuy
vậy, nơi giao thông không thuận tiện như ở đây, rất ít người chuyển vải từ xa đến bán, nhờ đó, công
việc làm ăn của người thương nhân rất thuận lợi, khách hàng ra vào không ngớt.
Một chú nhện hay đố kỵ nhìn thấy cảnh tượng các loại vải được bán đi nhanh chóng, cực kỳ
ngưỡng mộ công việc buôn bán của người thương nhân. Sau vài ngày suy nghĩ, nhện ta cũng quyết
định sẽ dệt vải đem bán. Nó dự định sẽ mở một cửa hàng ngay bên cạnh cửa hàng của người
thương nhân để tranh giành khách hàng của ông. Sau khi đã chuẩn bị chu tất, nó thức trắng một
đêm để dệt vải trên một góc tường và trang trí cho sản phẩm của mình cực kỳ lộng lẫy, sau đó đắc ý
ngồi lỳ ở quầy hàng, một bước cũng không chịu rời xa. Niềm hân hoan vui sướng dâng trào, nó
tưởng tượng, trời chỉ vừa hửng sáng, tất cả các khách hàng sẽ bị cửa hàng của nó thu hút hết.
Cuối cùng, trời cũng đã sáng, nhưng kết quả thì sao? Một đám du côn hống hách xuất hiện, chỉ
một nhát chổi đã quét sạch tất cả những sản phẩm của nhện.
Nhện ta buồn muốn phát điên, căm giận, bất bình hét lên: “Hãy đợi đấy! Rồi có một ngày sẽ có
sự phán quyết công bằng! Ta sẽ chứng minh cho cả thế giới này biết rằng, sản phẩm của ta tinh xảo

hơn nhiều lần sản phẩm của người thương nhân!”.
Chú ong ở bên cạnh liền cất tiếng: “Đương nhiên là sản phẩm của bác đẹp hơn, đây là điều mà
mọi người đều biết rất rõ, khỏi cần tranh luận. Nhưng vấn đề mấu chốt là, thứ mà con người dệt là
vải, còn bác dệt là mạng nhện, mạng nhện thì không thể mặc được, càng không thể giữ ấm chống
rét, vậy còn tác dụng gì đây?”. Nhện ta nghe xong, đành ngậm miệng làm ngơ, chẳng thể than trách
gì thêm nữa.
Ngày 16 tháng 3: Ngày cùng với trẻ em nghèo cả nước nắm tay nhau hành động. Cả nước cùng
giúp đỡ những đứa trẻ ở các vùng nghèo trong cả nước.
Người xưa nói, bệnh phong thấp và loài nhện đều do quỷ sứ dưới địa ngục sinh ra. Khi chúng
lớn lên, bố chúng quyết định đưa chúng tới trần gian, đem theo bệnh tật, tai họa và khổ đau cho con
người.
Loài nhện lựa chọn đến những chốn phồn hoa đô thị, còn bệnh phong thấp lại lựa chọn tìm đến
những vùng thôn quê nghèo khó. Sau khi thương lượng xong, chúng cùng nhau đi tới trần gian.
Nhện định cư trong một ngôi nhà sang trọng, nó nghĩ, đầu tiên phải giăng vài cái mạng ở cửa sổ,
chỉ có như thế mới bắt đủ côn trùng. Nó miệt mài làm việc đến tận khi trời sáng, cuối cùng cũng
hoàn thành. Nhưng người giúp việc đã tới, một nhát chổi khiến bao công sức của nhện tan thành
mây khói. Nhện không cam tâm, bò lên cửa sổ tiếp tục giăng tơ, nhưng rồi lại thất bại. Chú nhện
đáng thương chẳng tìm được chỗ dung thân, bất kể nó giăng tơ ở nơi nào cũng đều bị người quét
sạch. Nhện tuyệt vọng, đành phải rời khỏi ngôi nhà sang trọng, tìm về chốn thôn quê thăm người
anh em bệnh phong thấp.
Số phận của bệnh phong thấp cũng chẳng kém phần bi đát. Người nông dân không quản bệnh tật
vẫn ra sức làm những công việc nặng nhọc như cắt cỏ, đốn củi, gánh nước. Người nông dân cho
rằng, chỉ có cách làm việc thường xuyên, không ngừng nghỉ mới hy vọng bệnh phong thấp không
còn đeo bám nữa.
Vì thế, nhện và phong thấp bàn bạc lại, quyết định đổi vị trí cho nhau. Nhện về nông thôn, nơi
đây không có chổi, trên tường, trên sàn, trong các góc nhà, đâu đâu cũng là môi trường để nó giăng
tơ tạo mạng. Ở đây, nó giăng mạng và bắt được rất nhiều côn trùng, nhờ thế không còn phải lo lắng
về nguồn lương thực hằng ngày nữa. Ngược lại, bệnh phong thấp từ biệt nông thôn, đến với thành
phố phồn hoa náo nhiệt. Nó đã “kết giao” được với một phú ông già trong một ngôi nhà vô cùng
sang trọng. Nó ngày ngày được cùng ông nằm trên một chiếc giường rộng rãi mềm mại, chẳng bao

giờ muốn rời xa nửa bước, từ đó, nơi đây trở thành thiên đường của nó.
Ngày 17 tháng 3: Ngày hàng hải quốc tế. Ngoài ra, để kỷ niệm lịch sử lâu đời của ngành hàng
hải, mỗi quốc gia đều có những ngày kỷ niệm hàng hải riêng của mình.
Trong rừng sâu có một con sông, nước sông chảy rất xiết, cứ cuộn sóng tung bọt tứ tung và chảy
về nơi xa. Trên con sông ấy có một chiếc cầu độc mộc, chiếc cầu hẹp đến nỗi mỗi lần chỉ được một
người qua.
Nhện biết cách giăng tơ, liền cho rằng bản thân đã trở thành nữ thần ngành dệt, có thể quyết định
số phận sống còn của người khác, và nghĩ rằng mạng nhện có thể bắt giữ tất cả các loài côn trùng
có cánh bay trên trái đất này. Còn chim én, nó luôn giành những con mồi của nhện. Nhện đứng ở
một góc mạng, khi chim én bay qua liền cất to tiếng gọi: “Chim én, ngươi đừng đến trước cửa nhà
ta bắt mồi nữa, những con con trùng kia đều là mồi của ta!”. Chim én vốn dự định sẽ bớt chút phần
mồi ăn cho nhện, giờ nghe thấy giọng điệu hống hách của nhện, liền thay đổi ý kiến, không khách
khí nữa, thầm nghĩ: “Ta không ăn thịt ngươi, ngươi nên cảm thấy may mắn mới phải, vẫn còn dám
chỉ trích ta à?”.
Chim én bay lượn trong không trung, không ngừng bắt ruồi muỗi, đem đến một bữa tiệc thật sự
cho bản thân và những đứa con của mình.
Nhện vẫn dùng một giọng điệu ngạo mạn rêu rao: “Trời ơi, chim én cứ đến đây cướp mất mồi ăn
trên mạng của ta. Chúng có thể kiếm ăn trong không trung hay dưới nước, vậy mà vẫn muốn cướp
đi những con ruồi bay qua cửa nhà ta. Ta cần phải nói với chúng rằng, những con ruồi trước cửa
nhà ta là của ta! Nếu con chim đáng chết kia không tới, mạng nhện của ta sẽ dính đầy những con
côn trùng có cánh, mạng nhện do ta dệt vô cùng chắc chắn, không bao giờ rách được”.
Nhưng cuối cùng, nhện ta đói đến mức không còn chút hơi thở, trở thành một bà lão giăng tơ vô
dụng. Chim én lại bay qua, mang theo cả mạng nhện và những con côn trùng dính trên đó. Bản thân
nhện ta dính trên một góc mạng cũng đành chờ ngày cái chết đến gần.
Ngày 18 tháng 3: Để tránh sa vào cạm bẫy, đôi khi người ta phải biết chấp nhận sai lầm.
Mùa xuân đến, người trồng rau bắt đầu xới tơi đất trong vườn nhà mình, bác là một người nông
dân cần cù chăm chỉ, làm việc hết sức cần mẫn. Nguyên vườn trồng dưa chuột, bác đã xới được
hơn 50 luống.
Bên cạnh vườn của người trồng rau là nhà của một trí thức, ông là người yêu thích việc làm
vườn, nhưng lại chỉ biết dựa vào sách vở và những kiến thức lý thuyết để nói về công việc. Ông

bỗng nổi hứng và cũng muốn trồng một ít dưa chuột.
Ngay sau đó ông cười chế giễu người trồng rau: “Bác hàng xóm, đừng nghĩ bác làm việc mồ hôi
đầm đìa là có kết quả tốt, cứ đợi đấy mà xem, dưa chuột tôi trồng chắc chắn sẽ vượt xa bác. Tôi hỏi
thật, hình như bác chưa bao giờ đọc qua sách gì phải không?”.
Người trồng rau liền trả lời: “Tôi không có điều kiện đi học. Sự cần cù, kinh nghiệm và hai bàn
tay chính là toàn bộ học vấn của tôi, dựa vào chúng, tôi có thể sống an lành”.
Nhà tri thức ngay lập tức chỉ trích bác trồng rau: “Người không biết gì như bác mà dám chống
đối khoa học sao?”.
Người trồng rau mỉm cười trả lời: “Không thưa ngài, xin đừng hiểu nhầm ý của tôi, lẽ nào bây
giờ không nên trồng rau sao? Dù tốt xấu gì tôi cũng đã trồng một ít rồi, còn ngài, đến đất của một
luống rau ngài cũng đã xới đâu”.
- “Đúng, ta vẫn đang tra cứu sách, muốn tìm hiểu rõ xem cách nào xới tơi đất tốt nhất. Thời gian
vẫn còn nhiều”.
- “Nhưng thời gian của tôi lại không nhiều”. Nói xong, người trồng rau liền cầm cuốc lên, xin
phép nhà tri thức, tiếp tục công việc của mình.
Nhà tri thức vẫn tiếp tục công việc tra cứu tài liệu của mình, ghi ghi chép chép, mãi mới trồng
được một chút. Nào ngờ, khi hạt giống vừa nảy mầm, ông lại thấy trong sách có phương pháp, cách
thức trồng rau mới, vì thế lại bắt đầu xới đất, gieo hạt lại từ đầu.
Kết quả thì sao? Người trồng rau có một vụ mùa bội thu, hoàn thành tâm nguyện kiếm tiền; còn
nhà tri thức, đến một cây dưa chuột cũng chẳng trồng được.
Ngày 19 tháng 3: Tôi lắng nghe tiếng xuân bằng lá cây, nhưng tiếng xuân bé quá, đó chỉ là tiếng
của bông hoa đang khẽ khàng hé nở.
Da Vinci là một họa sỹ nổi tiếng trên thế giới, ông được trời phú cho tài năng nghệ thuật tuyệt
vời. Một ngày mùa xuân, người bắn chim sau khi bắt được mấy chú chim dạ oanh trong rừng sâu,
liền đem nhốt chúng vào lồng. Chim dạ oanh bắt đầu cất tiếng hót. Chúng vốn chỉ thích sống tự do
trong rừng sâu nên khi bị nhốt trong lồng chật hẹp, nào có tâm trạng để ca hát? Nhưng vì chẳng có
việc gì làm nên đành mượn tiếng hót để giãi bày tâm trạng, có lúc thì ai oán đau thương, có lúc thì
u sầu phiền muộn. Trong đó, có một chú chim dạ oanh vô cùng đáng thương, nỗi khổ mà nó phải
chịu đựng lớn hơn nhiều lần các chú chim khác, bởi nó và người bạn đời, đang sống mà bị chia rẽ
đôi ngả. Cuộc sống không tự do, lại thêm sự chia cắt khiến nó hết sức đau lòng. Nó đành nuốt nước

mắt, ngậm ngùi chịu đựng cuộc sống tù túng, không nguôi nhớ thương người bạn đời và luôn hy
vọng một ngày được trở về với rừng sâu.
Một ngày kia, chú chim dạ oanh nghĩ: Đau thương không thể làm nguôi ngoai sự đau khổ, chỉ kẻ
ngốc nghếch mới suốt ngày khóc lóc trước tai họa; khôn ngoan thì nên nghĩ cách, tìm hành động để
giảm bớt đau khổ. Ta vẫn có cơ hội thoát khỏi ngục tù hiện tại, vì người chủ bắt chúng ta không
phải để giết thịt. Nếu ta dùng tiếng ca đem đến niềm vui cho ông ấy, ông ấy có thể sẽ vì thế mà
thưởng cho ta, sẽ chấm dứt cuộc sống cầm tù của ta.
Sau khi nghĩ kỹ, chim dạ oanh bắt đầu cất tiếng hót. Nó dùng tiếng ca ngọt ngào ngợi ca vẻ đẹp
của buổi chiều tà, nó dùng tiếng ca mềm mại để đón chào bình minh. Nhưng kết quả thì sao? Nó
chỉ có thể kéo dài sinh mệnh của mình mà thôi. Người chủ vô cùng thích tiếng hót của chim dạ
oanh, nhưng không thể chỉ vì tiếng hót ấy mà mở cửa lồng giải phóng cho chim. Ngược lại, chú
chim dạ oanh đáng thương ấy càng hót hay bao nhiêu, xúc động lòng người bao nhiêu, người chủ
càng trông chặt nó bấy nhiêu.
Ngày 20 tháng 3: Dân gian có câu, ngày mùng 2 tháng 2 là ngày rồng ngóc đầu. Cách nói này
nghĩa là ngày hôm nay là ngày vua Long vương chuyên quản chuyện gió mưa ngóc đầu dậy.
Ngày xưa có một ông lão hồ đồ, không rõ sự đời nhưng lại rất yêu âm nhạc. Có một lần, trên
đường về nhà, ông đi qua một cánh rừng và nghe thấy tiếng chim dạ oanh hót. Đó quả thật là những
nốt nhạc tuyệt vời, khiến người nghe không khỏi đắm mình trong tiếng ca du dương. Trở về nhà,
ông không nguôi hồi tưởng tiếng chim hót, liền nảy ra ý định nuôi một chú chim như thế.
Ngày hôm sau, ông liền đi vào thành phố. Ông thầm nghĩ: “Ta chưa nhìn thấy loài chim đó bao
giờ, không biết hình dạng nó ra sao, nhưng tiếng hót của nó thì vẫn như vang đâu đây bên tai ta. Ta
nhất định phải mua cho được chú chim ấy. Trong thành có chợ chim, ta có thể tùy ý chọn”. Thế là
ông tìm đến chợ chim. Tại đây, ông nhìn thấy chim công và cũng nhìn thấy chim dạ oanh.
Ông nói: “Chú chim công này ta mua chắc rồi, vì lông của nó nhiều màu sắc vô cùng hấp dẫn,
tiếng hót chắc cũng sẽ rất hay. Đây chính là ý nguyện của ta. Xin hỏi con chim này bán giá bao
nhiêu?”.
Người bán hàng trả lời: “Khoan đã, thưa ngài! Nếu nói về tiếng hót, chim công không thành thạo
lắm. Ngài nên chọn chú chim dạ oanh bên cạnh”. Ông già hồ đồ nghe xong liền cảm thấy kỳ lạ, ông
lo sợ sẽ bị người bán lừa dối, hơn nữa ông cũng không xem trọng chú chim dạ oanh nhỏ bé, lông
cánh không nhiều. Ông thầm nghĩ: “Nó đâu có thể trở thành ngôi sao ca nhạc!”. Vì thế, cuối cùng

ông vẫn chọn mua chim công.
Ông già hồ đồ rất hài lòng, trên đường đi ông luôn nghĩ tới tiếng ca diệu kỳ của chim công. Về
đến nhà, ông nhốt chim công trong lồng và chim công cũng không phụ lòng ông chủ, liền cất cao
tiếng hót hơn chục lần. Nhưng tiếng hót ấy khó nghe hơn cả tiếng mèo kêu. Ông già hồ đồ đã hiểu
ra: Nhìn màu lông để chọn tiếng hót là cách làm ngu ngốc nhất trần đời.
Ngày 21 tháng 3: Tiết Xuân phân (vào khoảng ngày 20 và 21 tháng 3 âm lịch). Xuân đến thì
công việc nhà nông bắt đầu giai đoạn bận rộn nhất. Ngày này cũng là ngày Lâm nghiệp thế giới.
Dáng vẻ chim ưng bay lượn trong không trung trông mới cường tráng khỏe mạnh làm sao. Một
chú gà trống thấy vậy vô cùng ngưỡng mộ, vì thế thường ra dáng chim ưng trước mặt gà mái và gà
con. Nó hỏi gà mái: “Các em nhìn anh cường tráng thế này, lẽ nào anh không phải là chim ưng
sao?”.
- “Là chim ưng, là chim ưng”. Gà mái trả lời.
Đúng lúc này, một chú chó nhỏ chạy qua, nói: “Chú gà à, họ nói không đúng đâu, cháu biết chú
là ai, chú là gà trống”.
Gà trống vừa nghe đã rất không vừa ý, nghiêm mặt nói: “Nếu ta là chim ưng thì sao?”. Bộ dạng
hung hãn của gà trống làm chó con sợ hãi. Nó bèn thấp giọng nói: “Vâng thưa chú gà, chú là chim
ưng, là chim ưng”.
Lúc này mèo con đi qua, nói với gà trống: “Anh nói anh là chim ưng, sao anh không biết bay?”.
Gà trống tỏ vẻ hậm hực, nó vỗ vỗ cánh, nhảy lên bờ rào. Mèo cười nói: “Đây cũng có thể gọi là
bay ư? Tôi không có cánh cũng có thể nhảy lên cao như vậy”. Nói dứt lời mèo liền nhảy thẳng lên
cây.
Gà trống tức giận đến mức mào đỏ ửng lên, nó dùng toàn bộ sức lực, vỗ vỗ cánh lấy đà rồi nhảy
lên, vậy mà chẳng hiểu sao lại rơi xuống chú lợn già. Chú lợn đang ngủ say, bị đánh thức liền nhảy
dựng lên, va ngay vào cái bàn trước mặt, trên bàn lại có thùng nước, thế là nước trong thùng đổ cả
lên người gà trống. Lúc này, toàn thân gà trống ướt như chuột lột, trông thật xấu xí.
Gà trống phơi khô lông cánh dưới ánh nắng mặt trời. Không bao lâu sau lại cao giọng hỏi: “Ta
có phải là chim ưng không?”. - “Là chim ưng, là chim ưng!”. Gà mái lại trả lời. Thế rồi, một lúc
sau, trong vườn chỉ còn lại mình chú gà trống vì chẳng ai muốn tranh luận với nó nữa.
Ngày 22 tháng 3: Ngày nước thế giới. Nước chính là nguồn sinh tồn của sự sống, bạn hãy biết
quý trọng từng giọt nước mình có ngay từ bây giờ.

Gà trống đang tìm thức ăn trên đồng cỏ, phát hiện thấy một con cáo đang núp sau gốc cây nhìn
trộm về phía nó. Gà trống biết cáo chẳng có ý nghĩ gì tốt đẹp, bèn giả vờ như không nhìn thấy,
chầm chậm đi về phía xa.
Cáo nhìn thấy gà trống càng đi càng xa, thầm nghĩ: Miếng mồi sắp đến miệng, không thể để nó
chạy thoát! Thế là cáo chạy đuổi theo gà trống. Gà trống cũng dùng hết sức bình sinh chạy thật xa.
Đúng lúc đó, thấy trước mặt có một cái cây, gà trống liền nhảy lên cành cây. Cáo chạy đến bên gốc
cây, nhìn thấy gà trống đậu tít trên cao vẫn không chịu bỏ cuộc, nghĩ cách bắt bằng được gà trống.
- “Anh gà trống đáng kính, xin chào!”. Cáo ra vẻ rất khách sáo.
- “Xin chào bác cáo. Bác xem, mặt trời sắp lặn rồi, vậy mà cả ngày hôm nay bác vẫn phải chịu
đói sao?”. Gà trống cười chế giễu và thầm nghĩ: “Dù sao ngươi cũng chẳng thể lên đây được, để
xem ngươi có thể làm gì ta nào?”.
Cáo nghe gà trống nói vậy rất tức giận, nhưng nó vẫn giả vờ bình tĩnh: “Tôi đề nghị chúng ta
dùng hòa bình thay thế chiến tranh nhé! Tôi xin lỗi vì trước đây tôi đã bất kính với anh, mong anh
thông cảm, để hiềm khích trước đây tan biến, chúng ta sẽ là bạn tốt của nhau. Tôi sẽ đi khắp khu
rừng, báo với mọi người tin tốt lành này, anh có thể thoải mái vui chơi, mời anh xuống đây chúng
ta ôm hôn thắm thiết”.
- “Bạn thân mến, bạn nói vậy khiến tôi vô cùng hạnh phúc. Tôi thấy hai con chó săn đang chạy
tới hướng này, chúng nhất định là đến để nghe tin mừng này đây. Chúng đến rồi, tôi nhất định sẽ
ôm hôn anh”.
- “Bạn thân mến, thôi để lần sau vậy. Tôi vẫn còn một chút việc chưa làm xong, hẹn gặp lại lần
sau!”. Thế là cáo liền cong đuôi chạy mất.
Ngày 23 tháng 3: Ngày Khí tượng thế giới. Tháng 6 năm 1960, tổ chức Khí tượng thế giới
(WMO) đã quyết định lấy ngày 23 tháng 3 hàng năm làm ngày Khí tượng thế giới.
Có một đôi vợ chồng nhím rất giống nhau, lại sống rất tình cảm. Nhím vợ đang chuẩn bị cho
nhím con đi chơi xa. Nhím bố vừa đi đến bên cánh đồng lúa mạch thì gặp một chú thỏ. Nhím bố rất
lịch sự, cất tiếng chào: “Xin chào bác thỏ”. Thỏ ta tỏ ra vô cùng ngạo mạn: “Anh ra đường sớm
nhỉ?”.
- “Vâng, tôi đi dạo buổi sáng”.
- “Tôi nghĩ rằng chân anh thích hợp để làm những việc khác hơn”.
Chân nhím sinh ra vốn đã ngắn, vì thế nó ghét nhất những lời nói châm chọc kiểu như thế này.

- “Anh cho rằng chân anh tuyệt lắm sao?”.
- “Đương nhiên rồi”.
- “Tôi dám đánh cược rằng, nếu thi chạy, tôi sẽ về đích trước anh”. Nhím nói.
- “Ha ha, cung kính không bằng tuân lệnh. Nếu anh thắng, ta xin tặng anh hai đồng tiền vàng”.
Nhím bố trở về nhà kéo theo nhím mẹ cùng chạy tới cánh đồng lúa mạch. Đến bên bờ mương,
nó vội nói: “Anh và thỏ sẽ thi chạy ở cánh đồng phía trước. Thỏ chạy ở con mương kia. Anh chạy ở
con mương này. Em hãy đứng ở đây, không cần làm gì cả, thấy thỏ chạy tới em liền nói: “Ha ha, tôi
đã ở đây rồi”. Nhím bố đến địa điểm thi đấu, thỏ đã ở đó đợi sẵn.
- “Bắt đầu!”. Nhanh như gió, thỏ đã chạy thật xa. Nhím bố chạy vài bước liền quay lại vị trí ban
đầu. Đợi thỏ chạy đến đích, nhím mẹ liền hô to: “Ha ha, tôi đã ở đây rồi”. Thỏ sững người một lát,
nói: “Chạy về, chúng ta thi chạy về chỗ cũ”.
Và khi đến đích, nhím bố lại hô to: “Ha ha, tôi đã ở đây rồi”.
- “Không được, chạy thêm lần nữa”.
Cứ như thế, không biết thỏ ta đã phải chạy đi chạy về bao nhiêu lần, mãi cho tới khi mệt mà
chết, nó vẫn chẳng thể hiểu tại sao mình lại thua.
Ngày 24 tháng 3: Mưa báo thời tiết, giữa xuân có mưa. Gió thổi mưa bay đi vào đêm làm vạn vật
sinh sôi nảy nở một cách lặng lẽ.
Khi hổ lần đầu tiên nhìn thấy ếch, nó muốn ăn thịt ếch ngay. Nhưng ếch cười to, dọa hổ: “Ngươi
biết ta là ai không?”.
- “Không biết”.
- “Ta là vua ếch của nơi này. Nếu ngươi không tin, chúng ta có thể thi tài năng”. Ếch nói một
cách đầy khiêu khích, thực ra trong lòng đã sớm có chuẩn bị.
- “Chúng ta thi gì đây?”.
- “Thi nhảy xa đi, phía trước có một con sông, ai nhảy sang bờ bên kia xa hơn, người đó thắng
cuộc”.
Hổ đến địa điểm thi đấu, chuẩn bị một lúc, khi hổ gồng mình chuẩn bị nhảy, ếch liền thừa cơ cắn
chặt vào đuôi hổ, nhờ thế mà có thể cùng hổ nhảy sang bờ sông bên kia. Hổ quay đầu gọi to: “Ếch,
đến lượt ngươi rồi đó”. Lúc đó, ếch đã nhảy đến trước mặt hổ, dõng dạc: “Ta ở đây này!”. Hổ thấy
ếch nhảy xa hơn mình, trong lòng bắt đầu lo sợ.
Ếch nhổ ra túm lông hổ ngậm trong miệng, đắc ý mà nói: “Hôm qua ăn thịt một con hổ, ăn cả

thịt lẫn xương, giờ trong miệng vẫn còn lông của nó đây này”.
Hổ vừa nghe thấy vậy vội quay đầu tháo chạy. Trên đường nó gặp cáo. Cáo nói: “Ếch lừa anh
rồi, chúng ta cùng đi trừng trị nó”. Hổ vẫn không dám đi, cuối cùng, cáo đành buộc đuôi của hổ vào
đuôi của mình mới có thể cùng đi tìm ếch. Từ xa ếch đã nhìn thấy chúng, liền nói: “Cáo, ta bảo
ngươi buổi sáng phải đem đến một con hổ cho ta ăn sáng, sao giờ ngươi mới đưa tới hả?”. Hổ vừa
nghe, chẳng kịp đợi cáo trả lời, liền quay đầu tháo chạy. Vì thế, cáo bị hổ kéo chết.
Ngày 25 tháng 3: Mùa xuân giống như đứa bé vừa chào đời, tất cả đều mới mẻ.
Có hai người dân nông thôn chuẩn bị lên thành phố kiếm việc làm thêm lúc nông nhàn. Hai
người họ, một người mua vé đi New York, một người mua vé đi Boston. Sau khi đến nhà ga, nghe
mọi người kể chuyện, họ mới biết, người New York rất lạnh nhạt, đến chỉ đường cũng muốn thu
tiền, còn người Boston lại cực kỳ chất phác, luôn chan chứa yêu thương đồng cảm.
Người vốn định đi New York nghĩ, Boston vẫn tốt hơn, dù không kiếm được tiền cũng không lo
chết đói, thật may làm sao, tàu hỏa vẫn chưa tới, nếu không thì đúng là nguy hiểm hơn nhảy vào
biển lửa.
Người vốn định đi Boston lại nghĩ, New York vẫn tốt hơn, có nhiều cơ hội kiếm tiền hơn, may
mắn làm sao, tàu hỏa vẫn chưa tới, nếu không ta sẽ bỏ qua cơ hội kiếm tiền.
Cuối cùng, hai người họ đổi vé cho nhau, người ban đầu định đi New York giờ lại đến Boston,
người lúc đầu định đến Boston giờ lại đi New York.
Người đến Boston phát hiện, nơi đây thật sự rất tuyệt vời. Nước ở văn phòng ngân hàng có thể
uống thoải mái, ở các trung tâm thương mại thường có đồ điểm tâm miễn phí, thậm chí còn có thể
ăn bao nhiêu tùy thích. Vì thế, anh rất hài lòng vì sự lựa chọn của mình.
Người đi New York lại phát hiện, ở bất kỳ nơi đâu của New York đều có cơ hội kiếm tiền. Dựa
vào khả năng kinh doanh trời phú của mình, anh ta kiếm được 50 đô la một cách nhanh chóng. Sau
một năm, anh ta đã có thể mua được một gian hàng nho nhỏ.
Sau đó, anh lại mua thêm những dụng cụ quét dọn lau chùi để mở một công ty vệ sinh, chuyên
phụ trách công việc lau chùi bảng hiệu. Đến nay, công ty của anh ta đã có hơn 150 công nhân và
phạm vi kinh doanh đã mở rộng đến vài thành phố lân cận.
Không lâu sau, anh ngồi tàu đến Boston du lịch. Bên lề một con đường, một người nhặt rác chìa
tay xin tiền, anh ta liền rút ngay một tờ giấy bạc để vào tay người ăn xin. Lúc này, hai người đều
sững người ngạc nhiên, vì 5 năm trước họ đã từng đổi vé tàu cho nhau.

Ngày 26 tháng 3: Trời xanh ngắt, cây cỏ xanh tươi, gió xuân tháng 2 tràn đầy sức sống.
Có một nhà điêu khắc tay nghề không cao, do không cẩn thận đã làm hỏng một hòn đá Vân Nam
tuyệt đẹp. Ông đã đục nhầm một cái lỗ trên phần đá đáng lẽ để làm chân tượng, thế là hòn đá ấy
chẳng còn là đá Vân Nam đẹp đẽ nữa, giờ chỉ là một hòn đá vô cùng bình thường bị bỏ rơi trong
góc vườn nhà thờ.
Một ngày, có người mời Michel Angelo đến, họ cho rằng chỉ có ông, một nhà điêu khắc thiên tài
mới có thể khiến hòn đá vô tri ấy trở về đúng giá trị của nó. Michel Angelo sau khi ngắm nhìn hòn
đá liền đưa ra kết luận: Ông có thể chạm khắc thành một bức tượng người tuyệt mỹ, chỉ cần điều
chỉnh tư thế của pho tượng một chút để che đi lỗ hổng kia.
Sau khi suy nghĩ tìm tòi, Michel Angelo quyết định chạm khắc tượng người thanh niên David
tay cầm cung tên, sau đó sẽ đặt tượng ở quảng trường trung tâm thành phố. Sau vài tuần làm việc
cật lực, bức tượng gần như đã được chạm khắc xong. Trên quảng trường, ông tiến hành những công
đoạn sửa chữa cuối cùng. Một hôm, thị trưởng thành phố đi qua, ông ta tự cho mình là chuyên gia
trong lĩnh vực này, liền nói với Michel Angelo, đây là một kiệt tác nghệ thuật, chỉ có điều,
mũi tượng hơi to.
Michel Angelo biết rằng thị trưởng đang đứng chính diện ngay dưới pho tượng, vì góc nhìn chưa
đúng nên không nhìn ra hiệu quả đích thực. Vì thế, ông liền trèo lên giàn cao, bắt đầu dùng dao
chạm nhẹ vào đá, khiến vụn đá rơi xuống từng ít từng ít một. Trên thực tế, ông hầu như không hề
thay đổi gì phần mũi tượng, nhưng người ngoài nhìn vào thì lại cảm giác như ông đang rất cố gắng
để sửa chữa nó. Sau vài phút giả bộ, ông từ trên giàn cao trèo xuống, kéo thị trưởng sang một góc
khác và hỏi: “Giờ thì ngài thấy bức tượng thế nào?”.
- “Đẹp quá rồi, tôi rất thích bức tượng này, trông bức tượng mới sống động và có hồn làm sao”.
Thị trưởng vui vẻ trả lời.
Ngày 27 tháng 3: Chờ đợi, chờ đợi, chờ đợi bước nàng xuân đến gần. Sông núi tươi sáng hẳn
lên, nước cũng chảy dạt dào hơn và mọi thứ cũng tươi tắn hơn nhiều.
Có một chú bé lang thang bướng bỉnh, thường đi đi lại lại trong một khu chợ. Bởi những lời chú
bé nói thường có chút gì đó ngốc ngếch, mọi người vì thế đều cho rằng chú là tên ngốc, do vậy rất
hay đem chú ra để trêu đùa, lại còn nghĩ ra nhiều cách khác nhau để trêu chọc chú. Trong chợ có
vài người còn muốn xem chú ta ngốc đến mức độ nào, bèn hai tay cầm hai đồng tiền xu, một đồng
5 hào, một đồng 10 hào, rồi cho chú tự ý chọn lựa. Chú bé lang thang nhìn chăm chăm hai đồng xu,

suy nghĩ một lúc, cuối cùng quyết định lấy đi đồng 5 hào.
Những người trêu chọc thấy chú ngốc đến nỗi không phân biệt được đồng 5 hào và đồng 10 hào
nên đều ôm bụng cười ngặt nghẽo. Từ đó, những người này chỉ cần nhìn thấy chú đi qua liền giơ
tay ra hiệu trêu chú, còn chú lại cảm thấy vô cùng hài lòng vì nhìn thấy mọi người cười rạng rỡ và
cho rằng, đây là một việc đáng vui mừng. Thế là từ đó, mỗi khi mọi người bảo chú chọn lựa tiền
xu, chú đều không làm mọi người thất vọng, lần nào cũng chỉ lấy đồng 5 hào.
Bẵng đi một thời gian, một bà lão thấy chú bé đáng thương, lần nào cũng bị người khác bắt nạt,
bèn quyết định sẽ giúp chú. Bà gọi chú lại và bảo: “Ta bảo cháu cách phân biệt đồng 5 hào và 10
hào nhé, sau này sẽ không ai còn cười nhạo cháu nữa. Cháu hãy lấy đồng 10 hào cho họ biết rằng
cháu không ngốc như họ nghĩ”.
Chú bé lang thang cười hì hì cám ơn bà lão: “Dạ, cám ơn bà, cháu biết phân biệt, nhưng nếu
cháu lấy đi đồng 10 hào thì lần sau họ sẽ chẳng bao giờ cho cháu chọn đồng xu nữa”.
Bà lão nghe xong lời giải thích của chú bé mới biết rằng, chú không hề ngốc mà ngược lại, chính
những người cười nhạo chú mới thật ngốc.
Ngày 28 tháng 3: Sắc xuân nhẹ nhàng có nụ cười ngây thơ như một đứa trẻ. Trong rừng cây,
từng đám lộc non mơn mởn, chim cất tiếng ca vang, ong và bướm cứ lưu luyến mãi hương hoa.
Một ngày nọ, sứ thần nước của những người tí hon đến Trung Quốc, ông tiến cống cho hoàng đế
Trung Quốc ba tượng người nhỏ bé bằng vàng giống hệt nhau. Tượng người vàng nhỏ bé nhưng
luôn phát ra những tia sáng lấp lánh khiến cung điện của hoàng đế càng thêm lung linh nhiều màu
sắc, khiến hoàng đế rất vui.
Nhưng sứ thần nước những người tí hon lại cố ý làm khó dễ hoàng đế và toàn bộ văn võ bá quan
trong triều: “Tôi xin hỏi quý quốc một câu hỏi nhỏ, ba tượng người vàng nhỏ bé này, tượng nào
đáng giá nhất?”.
Hoàng đế và triều thần đều sững người, rõ ràng ba tượng người bằng vàng nhỏ bé này giống hệt
nhau, sao có thể lựa chọn ra tượng nào đáng giá nhất? Chẳng còn cách nào khác, họ đành mời thợ
kim hoàn đến kiểm tra, nhưng dù có cân đong đo đếm tỉ mỉ đến thế nào, cân trọng lượng, nhìn cấu
tạo, ba bức tượng vẫn giống nhau như đúc. Hoàng đế lại hỏi các triều thần và các trạng dân gian,
mọi người đều không biết phải trả lời câu hỏi này.
Làm thế nào bây giờ? Sứ thần vẫn đang chờ lời giải đáp. Đường đường là một nước lớn, chẳng
lẽ đến một câu hỏi nhỏ cũng không giải được? Hoàng đế và triều thần vô cùng lo lắng. Cuối cùng,

có một lão thần đưa ra cách giải của ông. Hoàng đế mời sứ thần đến điện lớn, vị lão thần trong lòng
đã định liệu trước tất cả, liền cầm cọng rơm, cắm vào tai ba bức tượng người bằng vàng nhỏ bé.
Bức tượng thứ nhất, cọng rơm vào tai bên này, ra tai bên kia; bức tượng thứ hai, cọng rơm vào từ
tai và ra từ miệng; còn bức tượng thứ ba, cọng rơm từ tai đi vào trong bụng, sau đó không thấy đi
ra, không có bất cứ động tĩnh gì.
Lão thần nói: “Bức tượng thứ 3 đáng giá nhất!”. Sứ thần lặng lẽ không nói lời nào, gật đầu tán
dương câu trả lời rất đúng của vị lão thần.
Ngày 29 tháng 3: Xuân đến với thế gian nhẹ nhàng với những bước nhảy tuyệt diệu. Tinh thần
tốt đẹp của mùa xuân đã đến với tâm hồn của mỗi người.
Một con sói mẹ sinh được một chú sói con, sói mẹ rất mực yêu thương chăm sóc sói con, luôn
mang về cho sói con những miếng mồi tươi ngon nhất.
Rất nhanh, sói con giờ đã trưởng thành, cao lớn, sức mạnh chẳng ai bì kịp. Sói mẹ đặt cho sói
con một cái tên thật kêu: “Sư Tử”.
“Sư Tử” ngày một dũng mãnh, nó càng vì cái tên của mình mà thêm phần kiêu ngạo. Dần dần,
nó chẳng coi đồng loại ra gì, cảm thấy dường như đi cùng đồng loại khiến nó mất hết sĩ diện. Giờ
đây, nó tự cho mình là một chú sư tử thực thụ. Nó nghĩ: Nếu ta còn đi cùng những con sói thân hình
nhỏ bé, ngốc nghếch kia, đó chẳng phải là đã tự hạ thấp, làm ô danh cái tên “Sư Tử” của ta hay
sao? Ta nên đi tìm sư tử, cùng ăn cùng ở với chúng mới đúng.
Sói mẹ biết ý nghĩ của sói con, nhưng cho rằng đó chỉ là ý nghĩ bồng bột nhất thời nên chẳng
quan tâm nhiều. Nào ngờ, sói con đã bị hư danh làm mờ lý trí, nó quả thật dám đi tìm sư tử.
Hôm ấy, nó vào rừng sâu tìm kiếm sư tử, vừa hay nhìn thấy một con sư tử đang nằm nghỉ dưới
gốc cây. Nó vui mừng chạy đến chào hỏi, kết quả ra sao không nói ai cũng biết, sói đã trở thành
bữa ăn ngon lành của sư tử. Mãi đến lúc sắp chết, sói con vẫn chẳng hiểu tại sao sư tử lại ăn thịt
mình. Cáo tận mắt chứng
kiến cảnh tượng ấy, thương tiếc mà kể lại rằng: “Tên ngu xuẩn ấy, dù nó có tên là gì đi chăng
nữa, nó vẫn chỉ là một con sói không hơn không kém, đây là sự thật không thể thay đổi. Uy danh
của cái tên “Sư Tử” không những không đem lại cho nó lợi lộc gì, ngược lại còn khiến nó tự đi nộp
mạng cho sư tử. Nếu nó không có cái tên đó, chắc chắn sẽ là một con sói oai hùng nhất!”.
Ngày 30 tháng 3: Cuộc đời là một quá trình tích lũy, cho dù có bị vấp ngã thì bạn cũng cần phải
nắm được nắm cát.

Một hôm, Afanti đến nhà Bainimarama tham lam mượn nồi, Bainimarama đương nhiên không
muốn cho mượn, cuối cùng Afanti đành để con lừa nhỏ của mình ở lại làm vật tín chấp mới mượn
được chiếc nồi.
Ngày hôm sau, Afanti mang nồi đến trả, còn mang thêm một cái nồi con, và nói với
Bainimarama rằng: “Đây là nồi con do nồi của ngài đẻ ra, vì thế tôi đem cả hai đến trả lại ngài”.
Bainimarama chắc chắn không tin chuyện cái nồi có thể sinh thêm con, nhưng vì tham lam, ông
ta bèn giả bộ đáp: “À, đúng rồi! Hôm qua, khi tôi cho anh mượn nồi, nó đang mang thai đó”. Sau
đó, ông ta để Afanti dắt lừa về, còn nói với thêm: “Afanti, từ nay về sau cho dù anh muốn mượn bất
cứ đồ gì thì cứ đến mượn nhé!”.
Từ sau đó, mỗi lần Afanti mượn bất cứ cái gì, khi đem trả sẽ thêm một đồ vật con con,
Bainimarama vì lẽ đó vô cùng vui sướng.
Nửa tháng sau, Afanti mặt mày ủ ê đến tìm Bainimarama: “Thưa ngài Bainimarama, mẹ tôi lâm
bệnh rồi, tôi muốn mượn ngài cái nồi vàng gia truyền để sắc thuốc cho mẹ”.
Bainimarama nghĩ ngay đến việc vài ngày sau sẽ có thêm một cái nồi vàng con, liền không hề do
dự đem nồi cho Afanti mượn.
Một thời gian rất dài sau đó, Afanti vội vội vàng vàng chạy vào nhà Bainimarama, vừa thở hổn
hển vừa nói: “Ngài Bainimarama, không hay rồi, không hay rồi, cái nồi vàng ngài cho tôi mượn vì
khó đẻ nên không may qua đời mất rồi”.
Bainimarama lên tiếng mắng mỏ: “Nói láo, nồi sao có thể chết?”. Afanti liền đáp: “Ngài
Bainimarama, ngài đã tin nồi có thể sinh con thì tại sao ngài lại không tin nó vì khó đẻ mà chết?”.
Bainimarama tham lam bị lý lẽ của Afanti làm cho cứng họng, không nói thêm được gì nữa, ông
ta không chỉ mất đi cái nồi quý giá của nhà mình mà còn trở thành trò cười cho tất cả mọi người.
Ngày 31 tháng 3: Nếu bạn có được sự vui vẻ thì nghĩa là bạn đã có cả cuộc đời này, vì vui vẻ
luôn luôn là vô giá.
Những câu chuyện tháng 4
Trong thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ hai, nước Đức sau khi châm ngòi nổ chiến tranh đã lần
lượt xâm chiếm Phần Lan, Bỉ, Pháp và một số nước châu Âu khác. Nước Anh trước tình trạng ấy,
đành phải tuyên chiến với Đức. Các quốc gia khác như Liên Xô, Mỹ sau đó cũng tham gia chiến
tranh. Chỉ có người Thụy Sỹ tuyên bố giữ vị trí trung lập, không muốn tham chiến, vì thế, rất nhiều
người Do Thái chạy đến Thụy Sỹ lánh nạn. Viên quan chỉ huy của Đức, phòng thủ tại biên giới,

nhìn thấy cảnh tượng đó vô cùng khó chịu, luôn muốn tìm cơ hội cho Thụy Sỹ một bài học. Một
ngày, một binh sỹ Đức tuân lệnh mang đến một hộp quà được bọc cẩn thận đẹp đẽ để tặng riêng
cho quan chỉ huy phòng thủ của Thụy Sỹ. Viên quan này cẩn thận từng ly từng tý để mở hộp quà và
phát hiện bên trong là một đống phân ngựa thối vô cùng. Ngày hôm sau, viên quan Thụy Sỹ rất tức
giận, nhưng không thể tặng lại món quà giống hệt như vậy, bởi làm như vậy sẽ cho Đức một cái cớ
tiến đánh Thụy Sỹ. Sau một lúc suy nghĩ, ông thực hiện một phương án vẹn cả đôi đường.
Hôm sau nữa, một sỹ quan Thụy Sỹ cũng tuân lệnh mang theo một hộp quà đẹp đẽ tặng lại cho
viên quan chỉ huy của Đức. - “Không cần nghĩ cũng biết chúng sẽ tặng lại chúng ta cái gì”, viên chỉ
huy Đức từ xa cất giọng khinh khỉnh.
Nhưng khi binh sỹ mở hộp quà, tất cả mọi người không khỏi ngạc nhiên, bởi thứ mà họ nhìn
thấy trong hộp quà lại là một loại phomat cao cấp. Hộp quà còn đính kèm một tấm danh thiếp, trên
đó có viết: “Tuân theo phong tục quý quốc, xin trân trọng kính tặng ngài sản phẩm tốt nhất của đất
nước chúng tôi”.
Ngày 1 tháng 4: Ngày Cá tháng tư (tức là ngày nói dối) theo truyền thống của các nước phương
Tây. Trong ngày này, mọi người sẽ trêu đùa nhau bằng những lời nói dối đầy thiện ý.
Thời cổ đại, có một nhà tiên tri vừa có tài vừa có đức, đặc biệt là ông có biệt tài chỉ cái gì thì cái
đó liền biến thành vàng. Một lần, nhà tiên tri trên đường đi thị sát dân tình thì ốm nặng. Thật không
may, lúc đó ông lại đang một mình trên một ngọn núi cao không người giúp đỡ, ngẩng đầu nhìn,
đâu đâu cũng chỉ có núi cao nước xiết, mây trùng trùng điệp điệp, nhưng không hề có bóng dáng
con người. Mỗi bước đi ông đều phải dùng hết sức, cực khổ muôn phần, đến lúc không thể đi thêm
được nữa, toàn thân ông đều toát mồ hôi lạnh, chân tay rã rời và đột nhiên ông ngã quỵ xuống bất
tỉnh.
Khi tỉnh lại, ông thấy mình đã nằm trong nhà một người nông dân, người nông dân già đứng
ngay cạnh giường, ôn tồn nói: “Vừa rồi tôi lên núi đốn củi, thấy ngài nằm bất động trong rừng, toàn
thân run lên bần bật, liền gọi con trai đến cõng ngài về đây, vừa rồi thầy thuốc đã tới xem và kê đơn
thuốc, ngài uống thuốc xong sẽ khỏe lại ngay thôi”. Nhà tiên tri này nghe xong vô cùng xúc động.
Để thể hiện tấm lòng của mình, ông liền khiến cho tất cả đồ đạc trong gia đình người nông dân đều
biến thành vàng, thậm chí ngôi nhà cũng biến thành vàng.
Tuy nhiên, người nông dân lại khẩn cầu ông để mọi thứ trở về đúng trạng thái ban đầu, ông giải
thích: “Nhiều vàng như vậy chưa chắc đã là phúc, mà là họa cũng nên. Vàng nhiều, kẻ cường bạo

sẽ vì vàng mà gây hại đến tính mạng gia đình, con cái sẽ vì vàng mà sinh lười biếng, ăn không ngồi
rồi, không có nghề nghiệp, như vậy là sẽ hại một đời chúng. Tôi chỉ xin ngài dạy tôi một chút tài
nghệ chỉ đâu nơi đó biến thành vàng thôi, khi nào gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn hoặc nhìn thấy
người khác không có gì để ăn, liền chỉ ra một ít vàng…”.
Nhà tiên tri nghe rồi liền vui vẻ dạy ông tài nghệ chỉ đâu nơi đó thành vàng.
Ngày 2 tháng 4: Ngày sách nhi đồng quốc tế. Ngày này do liên minh đọc sách thiếu niên quốc tế
(IBBY) khởi xướng, đây cũng là ngày sinh của đại thi hào văn học chuyên viết cho trẻ em là
Andersen.
Cuối thời Đông Hán, Hoa Đà lúc đó 7 tuổi, đến nhà một thầy thuốc họ Thái xin nhận sư phụ học
nghề. Sau khi nhìn thấy sư phụ, Hoa Đà trật tự ngồi đó nghe thầy dặn dò.
Y thuật của thầy thuốc họ Thái vô cùng cao siêu, người đến xin học rất đông, nhưng không phải
ai thầy cũng nhận làm học trò, ông có một nguyên tắc là chỉ nhận những học trò thông minh, vì thế,
trước khi nhận học trò, ông đều đặt ra một câu hỏi để kiểm tra.
Ông gọi Hoa Đà đến trước mặt, chỉ về phía cây dâu trong vườn và hỏi: “Con nhìn xem, lá trên
cành cao nhất của cây dâu, người thường không thể với tới, vậy làm thế nào mới ngắt được lá
xuống?”.
- “Vậy dùng thang thưa thầy!”.
- “Nhà ta không có thang”.
- “Vậy con trèo lên ngắt lá”.
- “Không. Con không còn cách nào khác sao?”.
Hoa Đà tìm lấy một cái dây, trên một đầu dây buộc một hòn đá nhỏ, sau đó ném lên cành cao
nhất. Nhờ thế, cành cao nhất bị kéo xuống rất thấp, Hoa Đà có thể với tay ngắt được lá cây.
- “Tốt, rất tốt”. Thầy thuốc họ Thái vui mừng nói.
Một lúc sau, họ nhìn thấy hai con cừu đánh nhau trong vườn bên. Mấy đứa trẻ chạy lại kéo
chúng ra nhưng chẳng thể nào ngăn chúng không xông vào húc nhau.
- “Con có thể khiến hai con cừu không húc nhau nữa không?”. Thầy Thái hỏi Hoa Đà.
Hoa Đà quây vườn dâu lại, nhổ một nắm cỏ, đưa đến trước mặt hai chú cừu. Lúc này, cả hai chú
cừu đều đã rất đói, nhìn thấy cỏ liền lập tức dừng không húc nhau nữa.
- “Con đúng là một đứa trẻ thông minh. Ta rất vui trở thành thầy giáo của con”. Sau này, Hoa Đà
trở thành một danh y nổi tiếng.

Ngày 3 tháng 4: Đừng bao giờ coi thường những điều bé nhỏ, vì có thể những điều bé nhỏ ấy sẽ
giúp chúng ta thành công.
Trên một dòng sông trong vắt có thể nhìn thấu tận đáy, cá mẹ đưa đàn con đi tìm thức ăn. Bỗng
nhiên xuất hiện trước mặt chúng một vật gì màu đỏ cong cong, từ đó tỏa ra một mùi hương đầy
quyến rũ.
- “Mẹ ơi, cái đó nhất định sẽ ngon lắm đấy”. Một chú cá con nói rồi tranh lên trước định đớp lấy
ăn ngay. Cá mẹ vội ngăn chú cá con háu ăn lại: “Từ từ nào! Đây không phải thức ăn đâu, nó là lưỡi
câu do con người thả xuống đó”. Cá mẹ từ tốn giải thích cho cá con.
Cá con hỏi lại mẹ: “Nhưng sao nó lại hấp dẫn thế ạ? Hơn nữa, con đâu có nhìn thấy lưỡi câu
chứ. Làm cách nào con mới ăn được đồ ăn ngon như vậy hả mẹ?”.
Cá mẹ trả lời: “Lưỡi câu bị giấu bên trong, con không nhìn thấy đâu. Nếu con ăn nó, con sẽ phải
mạo hiểm. Vì thế, tốt nhất con nên tránh xa nó, càng xa càng tốt”.
- “Nhưng nó ở ngay trước mắt, rất dễ dàng ăn được. Làm thế nào vừa không mất công sức mà
vẫn ăn được nó ạ?”. Cá con vẫn không chịu thôi.
- “Con yêu của mẹ”, cá mẹ nhẫn nại khuyên nhủ, “không phải là không thể, mà cách tốt nhất để
đảm bảo an toàn là không nên động đến nó, nếu con nhất định muốn nếm thử miếng mồi ngon đó,
con có thể phải trả giá bằng cả tính mạng của mình. Vì thế, các con tuyệt đối không được động đến
nó”.
- “Vậy làm sao để biết bên trong nó có lưỡi câu hay không ạ?”. Đàn cá con tiếp tục hỏi.
- “Thực ra là như con vừa nói đó thôi”, cá mẹ trả lời, “miếng mồi ngon mà con không cần bỏ
chút sức lực nào vẫn có thể đạt được thì bên trong nó rất dễ có lưỡi câu”.
Ngày 4 tháng 4: Mỗi ngày hãy tìm cho mình vài lý do để vui vẻ, hãy tự nói với bản thân rằng
mình đang tận hưởng từng ngày vui vẻ.
Chỉ cần ông trời có mắt, cá nhỏ sẽ lớn lên, đây là điều không phải hoài nghi. Nhưng mỗi ngư dân
đều biết, nếu họ chê cá nhỏ mà thả chúng về với biển khơi, đợi chúng lớn rồi mới bắt lại thì thật
quá ngốc nghếch, vì chẳng ai có thể biết trước lần sau có bắt được chúng hay không.
Có một chú cá chép khi còn nhỏ đã không may bị ngư dân bắt bên bờ sông. Nếu đó là một ngư
dân chưa có kinh nghiệm và chú cá chép lại khéo ăn nói, thì có thể người ngư dân đó sẽ trả lại tự do
cho chú, nhưng tiếc rằng, đó không phải là một ngư dân thiếu kinh nghiệm.
- “Ôi, thật sự là quá nhỏ. Nhưng có còn hơn không, coi như bắt tạm vậy”. Người ngư dân bắt

chú cá chép lên tay, tự nhủ: “Đây có thể là điềm báo trước một bữa thịnh soạn, nhốt tạm nó vào
lồng vậy”. Chú cá đáng thương cất tiếng van xin người ngư dân: “Ngài xem, tôi chỉ là một chú cá
nhỏ. Tôi thì liệu có thể làm thành món gì đây? Kể cả có nấu thành món rồi, thì nhiều lắm ngài cũng
chỉ gắp được một hai đũa, ngài thả tôi đi mà! Để tôi lớn thành cá to, khi đó ngài bắt được tôi, biết
đâu còn có thể bán được giá cao? Nếu không, ngài phải bắt hàng trăm con cá nhỏ may ra mới làm
được một món vừa ý, như vậy quả là mất công. Tha cho tôi mà! Tôi quá nhỏ, thật chẳng đáng dùng
làm gì”.
- “Không làm gì ư? Không đâu!”, người ngư dân trả lời, “cá à, ngươi đẹp thế kia, lại biết ăn nói,
nhưng thật sự ngươi đã phí công thuyết phục rồi, ngươi vẫn phải lên chảo thôi, tối nay ta sẽ rán
giòn ngươi lên ăn”.
Ngày 5 tháng 4: Tiết Thanh minh (ngày 18 tháng 2 âm lịch). Đây là ngày nhớ tới những người đã
khuất. Vào ngày này, mọi người sẽ đi đạp thanh (tức là đi trên cỏ) và ra tảo mộ.
Có một con mèo luôn muốn khoe kho- ang thành tích và che đậy khuyết điểm, lỗi lầm của bản
thân, vì thế, mọi người thường xuyên nghe thấy nó giải thích bao biện cho lỗi lầm đã mắc.
Khả năng bắt chuột của nó không tốt, thường xuyên để chuột xổng mất ngay trước mũi. Trước
tình cảnh này, nó bao biện: “Ta thấy nó gầy quá, tạm để nó chạy thoát, đợi nuôi béo lên rồi bắt lại
sau”.
Khi mèo bắt cá bên bờ sông, đuôi cá chép quẫy mạnh đập lên mặt nó thật đau, sưng vù, nó lại
giả vờ cười mà rằng: “Đó là tại ta không muốn bắt nó mà thôi, bắt nó chẳng phải quá dễ sao? Ta
muốn mượn đuôi của nó để rửa mặt. Vừa rồi khi ta lên gác đã không cẩn thận mà làm bẩn mặt đó
thôi”.
Một lần, nó bị ngã vào đống bùn bẩn, toàn thân dính bùn nhem nhuốc. Mọi người nhìn nó đầy
ngạc nhiên, nó liền bao biện: “Trên thân ta dạo này có rận, ta xem sách thấy bảo dùng cách này có
thể trị hết rận, linh nghiệm không gì bằng”.
Sau đó, do nó không cẩn thận nên bị ngã xuống sông, mọi người định xuống cứu, nó lại nói:
“Các ngươi nghĩ rằng ta gặp nguy hiểm sao? Không, không đâu, ta nóng quá, muốn tắm một chút
đó thôi…”, nhưng chưa nói dứt câu đã chìm nghỉm. Một chú mèo vội vàng nói: “Không hay rồi, nó
bị chìm rồi, chúng ta mau cứu nó đi”.
- “Về thôi”, một chú mèo khác nói, “chúng ta một lòng muốn tốt cho nó, vậy mà lại bị coi là ác
ý. Thể nào một lúc nữa nó cũng nói nó đang trình diễn bơi lặn thôi”.

Thế là, con mèo thích nói dối ấy chẳng còn cơ hội bao biện cho mình nữa. Nó bị chìm nghỉm
xuống đáy sông.
Ngày 6 tháng 4: Tham lam không được trở thành bản tính của con người. Tham lam phải được
đựng trong chiếc bình lý trí, và chúng ta không bao giờ được mở nắp chiếc bình này ra.
Một chú chó bụng đói meo, thất tha thất thểu lang thang trên đường. Từ sáng tới giờ, nó chẳng
tìm thấy gì, kể cả một chút vụn bánh mỳ. Bụng đói đến mức sôi lên ùng ục từng hồi không dứt, hai
tai ù đi như không nghe thấy gì nữa, vô cùng đáng thương.
Bỗng nhiên, có một chú chó con miệng tha một miếng xương toàn thịt đi đến trước mặt nó, chú
chó đói đến mức hết nhìn đông lại ngóng tây, dùng toàn bộ sức lực sủa vang, rồi nhảy về phía chú
chó con khiến nó sợ hãi, vứt cả cục xương lại mà bỏ chạy.
Chú chó lấy được miếng xương, vì muốn một mình hưởng thụ bữa ăn thịnh soạn nên quyết định
tìm một chỗ an toàn, hẻo lánh. Nó đi đến bên bờ một dòng sông nhỏ, nước sông trong vắt tận đáy,
không cầm lòng được liền soi mình xuống nước. Nhưng thật không may, vừa mới soi, nó đã thấy
trong nước có một chú chó khác cũng tha một khúc xương nhiều thịt như mình, đang mở to mắt
nhìn nó chằm chằm.
Chú chó tham lam thầm nghĩ: “Chú chó này trông mới ngốc nghếch làm sao, lại như sắp chết
đói, nó làm sao ăn hết khúc xương to nhiều thịt như thế được? Ta nhất định sẽ cướp lấy khúc xương
trong miệng nó, như vậy ăn mới thỏa thích”.
Miên man nghĩ, rồi không cầm lòng được, quên luôn việc mình đang đứng bên bờ sông, nó há
miệng, muốn diễn lại bài cũ, dùng tiếng kêu hoang dại của nó để xua đuổi chú chó kia. Nào ngờ,
tiếng kêu chưa kịp phát ra, khúc xương trong miệng đã rơi ngay xuống sông biến mất.
Khúc xương rơi xuống sông phá hỏng hình ảnh chú chó đói in trong nước. Giờ đây chú chó tham
lam chẳng còn gì, đứng bên bờ sông than thở một cách tội nghiệp.
Ngày 7 tháng 4: Ngày Y tế thế giới. Ngày này được đề xướng với mục đích cả thế giới phải quan
tâm tới môi trường y tế, nâng cao sức khỏe của con người.
Người nông dân cùng lúc trồng hai mầm cây ăn quả giống hệt nhau trong vườn. Mầm cây thứ
nhất nỗ lực hết mình hút chất dinh dưỡng từ trong lòng đất, âm thầm tích góp, tạo cho mình một
sức mạnh tiềm ẩn, và luôn trăn trở xem làm thế nào để hoàn thiện bản thân, nó luôn cố gắng để
trưởng thành. Mầm cây còn lại cũng nỗ lực hết mình hút chất dinh dưỡng từ trong lòng đất, âm
thầm tích góp, nhưng lại luôn muốn mình lớn nhanh hơn, ra hoa kết trái sớm hơn, mang đến cho

người nông dân niềm vui bất ngờ.
Khi mùa xuân vừa đến, mầm cây thứ nhất đâm chồi nảy lộc nhưng không có ý định ra hoa, kết
quả. Mầm cây thứ hai vừa mọc lá non đã vội vàng ra hoa nhỏ. Mục tiêu của mầm cây thứ nhất rất
rõ ràng, nó nhẫn nại, từ từ phát triển, rồi trở thành cây to, thẳng mình hiên ngang đón gió. Mầm cây
còn lại năm nào cũng ra hoa kết quả, mặc dù quả không to, thậm chí còn có vị chát, nhưng ban đầu
thật sự đã đem đến sự ngạc nhiên cho người nông dân. Nhưng vì cây chưa trưởng thành đã gánh
trách nhiệm ra hoa kết trái nên cả thân mình trĩu xuống dưới sức nặng của quả.
Thời gian qua đi, một hôm, mầm cây cả một thời gian dài không ra hoa giờ nhẹ nhàng thả những
mầm hoa xinh xinh. Do sức mạnh tiềm ẩn được tích trữ lâu ngày nên quả của cây vừa to vừa ngọt,
nhờ thế được người nông dân vô cùng yêu quý. Còn mầm cây vội vàng ra hoa kết quả kia lúc này
lại biến thành một cây khô, không còn sức sống, càng không thể ra hoa kết quả. Người nông dân
chẳng còn cách nào khác, đành chặt bỏ cây khô nhỏ yếu đó đi.
Ngày 8 tháng 4: Không tùy tiện tin tưởng bất cứ người lạ nào, đó mới là người thông minh.
Có một con sói rất gian ác. Lần đầu trong đời nó nhìn thấy một chú ngựa. Sói ta nhanh chóng đi
lên phía trước, nói với một chú cáo: “Anh nhìn xem, có một con vật đang ăn cỏ trên đất của chúng
ta! Nó cao to, trông mới lực lưỡng làm sao”.
- “Lẽ nào nó còn cường tráng hơn chúng ta”. Cáo cười mà hỏi.
Sói trả lời: “Trời mới biết được, có thể con mồi này ông trời sinh ra cho chúng ta!”. Thế là sói và
cáo cùng chạy đến đồng cỏ.
Chú ngựa đang ăn cỏ không mấy quan tâm tới hai con vật không mời mà tới này, nó liền rảo
bước định bỏ đi. Lúc này, sói ta nhanh chân bước lên trước, nói với ngựa: “Ông ngựa, người hầu
thấp cổ bé họng của ông muốn biết mọi người gọi ông như thế nào?”.
Ngựa không phải là loài thích chuyện tào lao, nó liền trả lời: “Thưa các ngài, các ngài có thể
nhìn thấy tên tôi được người thợ giầy gắn trên vó tôi đây”.
Sói mau chóng giở giọng văn vẻ: “Bố mẹ của cáo đều là văn sỹ nổi tiếng, nhờ thế cáo được
hưởng một nền giáo dục tốt”. Cáo nghe xong những lời nịnh nọt liền tiến lên phía trước, muốn xem
xem tên của ngựa được gắn trên vó ra sao. Kết quả, sự hám hư danh của cáo bắt nó phải trả giá
bằng bốn cái răng. Vó ngựa giơ thật cao, đá đúng vào cằm dưới của cáo khiến cáo ta chảy máu mũi,
bị thương khá nặng, toàn thân đau nhức. Sau khi sự việc xảy ra, sói vẫn ra vẻ ta đây thông minh,
nói với cáo: “Người anh em, việc này coi như để nghiệm chứng lời nói mà một người thông minh

từng nói với tôi, hôm nay chú ngựa này lại viết chúng lên cái cằm bị thương của anh, đó chính là:
“Đối với những người lạ mặt đều không nên tin tưởng một cách dễ dàng, thế mới xứng là người
thông minh”.
Ngày 9 tháng 4: Kiên trì chưa chắc đã thắng lợi nhưng buông xuôi thì chắc chắn sẽ thất bại!
Phần lớn diện tích đất nước Hà Lan đều thấp dưới mực nước biển. Từ xưa đến nay, người dân
Hà Lan đều ra sức bảo vệ, giữ gìn, gia cố con đê biển quyết định sự sống còn của họ, bởi chỉ có sự
che chắn của đê biển, đất liền mới không bị nước biển xâm lấn.
- “Lại đây, Peter”, mẹ gọi Peter lại. - “Con đem những chiếc bánh này cho các bạn bị mù sống
quanh đê biển nhé!”.
Khi cậu bé đi qua đê biển, cậu nhìn thấy sóng không ngừng đánh vào thân đê, có thể vì trận mưa
hôm qua, mực nước biển hôm nay đã cao lên nhiều.
Đúng lúc này, cậu nghe thấy tiếng nước chảy tí tách. Cậu dừng bước, nhìn xuống phía dưới, phát
hiện trên thân đê có một lỗ thủng nhỏ và nước biển đang ngấm dần qua đó vào bên trong.
Peter ngay lập tức ý thức được sự nguy hiểm đang rình rập. Một khi nước biển tạo thành lỗ nhỏ
trên thân đê, chẳng bao lâu sau lỗ này sẽ trở nên rất to, như thế hậu quả thật khó lường. Cậu bé
nhanh trí vứt ngay những chiếc bánh trên tay, trèo xuống triền đê, dùng ngón tay bịt lại lỗ thủng
nhỏ. Dòng nước vì thế cũng ngừng tuôn.
Khi mới bắt đầu, mọi việc khá suôn sẻ. Nhưng chẳng bao lâu sau, trời tối, không khí trở nên lạnh
hơn.
- “Dù thế nào, ta cũng phải kiên trì”. Cậu bé thầm nghĩ. Peter kiên trì quỳ trên một hòn đá bên
triền đê suốt một đêm dài, ngăn nước biển từ ngoài ngấm vào trong.
Sáng sớm hôm sau, một người đi đường từ trên đê cao phát hiện thấy Peter bé nhỏ. Còi báo động
vang lên, mọi người nhanh chóng mang dây thép tới, lấp đầy lỗ thủng nhỏ. Chẳng bao lâu sau, cả
thị trấn nhỏ đều biết chuyện đêm hôm đó Peter đã cứu mọi người ra sao.
Mãi đến hôm nay, người dân Hà Lan vẫn khắc ghi người anh hùng nhỏ bé mà dũng cảm ấy.
Ngày 10 tháng 4: Thái độ quyết định tất cả. Mỗi khi làm việc gì đó, chúng ta phải có quyết tâm
và nghị lực không sợ thất bại.
Có một hiệp sỹ trẻ cần phải qua cây cầu độc mộc, anh ta vừa đi được mấy bước liền gặp một phụ
nữ đang mang bầu. Anh ta nghiêng người lịch sự, nhường cho người phụ nữ ấy qua cầu trước. Vị
hiệp sỹ đợi cho người trên cầu đi hết mới vội vàng qua cầu. Nào ngờ, trước mặt lại có một người

nông dân đang đẩy xe một bánh. Anh ta bèn hỏi người nông dân: “Xin chào bác nông dân, tôi sắp
đi đến đầu cầu bên kia rồi, vậy bác có thể nhường tôi qua cầu trước được không?”.
Người nông dân không đáp lời, chỉ trợn mắt lên nhìn: “Anh không thấy tôi đang vội đẩy xe một
bánh cho kịp phiên chợ sao?”.
Hai người nói qua nói lại một lúc không được, thế là cãi nhau ngay trên cầu. Lúc này có một
chiếc thuyền nhỏ xuất hiện, trên thuyền có một nhà sư, hai người không ai bảo ai cùng cất tiếng
nhờ nhà sư phân giải. Nhà sư hai tay chắp lại, nhìn người nông dân và hỏi: “Anh thật sự rất vội
sao?”. Người nông dân trả lời: “Tôi thật sự rất vội, muộn một chút là không kịp đến chợ”.
Nhà sư liền nói: “Anh đã vội như vậy, sao không mau nhường đường cho vị hiệp sỹ đây? Chỉ
cần anh nhường vài bước thôi, vị hiệp sỹ có thể qua cầu rồi, như vậy chẳng phải anh cũng sớm
được qua cầu sao?”.
Nhà sư lại hỏi người hiệp sỹ: “Tại sao anh không nhường đường cho bác nông dân?”. Vị hiệp sỹ
bao biện: “Vừa rồi tôi cũng đã nhường đường cho rất nhiều người, nếu lại tiếp tục nhường đường
cho bác nông dân đây, có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ qua cầu được”.
- “Thế giờ chẳng lẽ anh qua được cầu rồi sao?”, nhà sư hỏi lại ngay, “anh đã nhường đường cho
nhiều người rồi, nhường thêm một lần nữa, dù không qua được cầu đi nữa thì ít nhất anh vẫn có thể
giữ gìn phong thái, sao anh lại không làm?”.

×