A. ĐẶT VẤN ĐỀ
Nhiều năm nay, cả nước ta đã và đang tiến hành công cuộc đổi mới giáo dục.
Chương trình học và sách giáo khoa được thay đổi theo hướng tích cực cả nội dung
lẫn hình thức nhằm theo kịp với xu thế phát triển của nền giáo dục thế giới. Thực
trạng giáo dục nước ta qua nghiên cứu cho thấy việc giảng dạy kiến thức nói chung
và kiến thức môn Ngữ văn nói riêng chỉ được tiến hành theo lối “thông báo - tái
hiện”. Giáo viên chủ yếu chú trọng vào việc hoàn thành bài giảng, phương pháp
dạy học theo lối truyền thụ một chiều, học sinh tiếp thu một cách thụ động, ít phát
huy được khả năng chủ động, tư duy sáng tạo của người học.
Những năm gần đây, vấn đề nâng cao chất lượng dạy học môn Ngữ văn
trong trường phổ thông đã được giới nghiên cứu và dư luận xã hội chú trọng. Từ
nhiều góc độ, cấp độ, phạm vi khác nhau, nhiều giải pháp, phương pháp đã được đề
xuất, trong đó đáng chú ý là vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng sâu vùng
xa, vùng đặc biệt khó khăn. Có thể nói, đây là địa bàn cư trú của cư dân dân tộc
thiểu số, trình độ dân trí thấp, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, chưa ổn định.
Do đó, con em họ chưa được đến trường thường xuyên, đúng độ tuổi làm ảnh
hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học của các trường phổ thông đóng ở địa
bàn đó.
“Văn học là nhân học”, văn học là cuộc sống. Thông qua ngôn từ và hình
tượng nghệ thuật sinh động, nó cung cấp cho người đọc kiến thức về cuộc sống
cũng như khám phá cái đẹp trong tâm hồn con người. Đến với Văn học, chúng ta
tìm thấy vẻ đẹp nhân văn qua mỗi sự vật, hình tượng trong tác phẩm. Từ đó, nó tác
động tới tâm tư, tình cảm, góp phần quan trọng để hình thành và phát triển nhân
cách, hướng con người đến giá trị chân - thiện - mĩ. Vì thế, môn văn là môn không
khô khan như các môn khoa học tự nhiên khác trong chương trình phổ thông. Mặt
khác, thầy cô giáo dạy Văn là những nghệ sĩ bởi ngoài việc giảng dạy tri thức, họ
còn mang thiên chức bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, cảm xúc và những rung động
thẩm mĩ cho học sinh.
Vì những lí do trên và qua thực tế giảng dạy môn Ngữ văn ở trường sở tại,
tôi muốn chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp Một số biện pháp nâng cao chất lượng
dạy học môn Ngữ văn ở trường THPT Mường Lát.
1
B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
I. Cơ sở lý luận
1.Quá trình dạy học
Quá trình dạy học là quá trình dưới sự lãnh đạo, tổ chức, điều khiển của
người giáo viên, người học tự giác, tích cực chủ động tự tổ chức, tự điều khiển hoạt
động nhận thức, học tập của mình nhằm thực hiện những nhiệm vụ dạy học.
Quá trình dạy học bao gồm hai hoạt động: dạy và học. Trong đó, hoạt động
dạy là sự điều khiển, tổ chức của người giáo viên tối ưu quá trình học sinh lĩnh hội
tri thức để hình thành và phát triển nhân cách người học sinh. Hoạt động dạy có
chức năng là truyền đạt thông tin và điều khiển hoạt động học.
Hoạt động học là sự tự giác, tích cực và sáng tạo của người học dưới sự tổ
chức, điều khiển của người dạy (thầy, cô giáo) nhằm chiếm lĩnh tri thức khoa học.
Từ đó, hình thành cấu trúc tâm lý mới, phát triển nhân cách của người học.
Như vậy, các hoạt động của quá trình dạy học có mối liên hệ mật thiết, tương
tác và quy định lẫn nhau.
2. Vai trò của môn Ngữ văn và việc dạy học văn
Nếu biết khám phá, hiểu sâu và lĩnh hội hết giá trị tư tưởng cũng như nghệ
thuật của tác phẩm văn học, người học sẽ nhận thấy những chức năng đặc thù của
nó trong việc bồi đắp tâm hồn, hình thành nhân cách. Văn học trang bị những cảm
xúc nhân văn, giúp con người hướng tới Chân - Thiện - Mỹ. Nhờ có Văn học mà
đời sống tinh thần của con người ngày càng giàu có, phong phú, tinh tế hơn. Tâm
hồn trở nên bớt khô khan, thờ ơ, bàng quan trước những số phận, cảnh đời diễn ra
xung quanh mình hàng ngày, trước thiên nhiên và tạo vật. Điều này càng quan
trọng khi chúng ta đang sống trong nhịp sống sôi động, hối hả của cuộc sống hiện
đại. Văn học bồi đắp cho học sinh lòng yêu nước, thái độ trân trọng truyền thống
lịch sử và tiếng Mẹ đẻ Thời nào cũng vậy, tác phẩm Văn học chân chính có khả
năng kì diệu là thanh lọc tâm hồn con người, làm người “gần người hơn” bởi văn
học xuất phát từ con người và luôn hướng tới con người. Môn Ngữ văn còn có vai
trò quan trọng trong việc rèn luyện khả năng sử dụng ngôn ngữ, diễn đạt, cách thức
tạo lập các dạng văn bản phục vụ cho quá trình giao tiếp trên mọi lĩnh vực của con
người trong cuộc sống, công việc. Vì vậy, chúng ta cần phải có biện pháp cụ thể
giúp cho học sinh có hứng thú học môn Văn trở lại.
2
II. Thực trạng của vấn đề nghiên cứu
Mặc dầu có vai trò, vị trí quan trọng đặc biệt như vậy nhưng hiện nay đang
xuất hiện tình trạng nhiều học sinh không thích học môn Ngữ văn. Vị trí của môn
học này ngày càng mờ nhạt trong tâm thức học sinh. Đa số học sinh THPT tỏ ra
không có hứng thú với những giờ học Văn trong nhà trường, mà thường xác định là
chỉ cần học để đối phó với các kì thi mà thôi. Học sinh thờ ơ với những vấn đề đặt
ra trong tác phẩm. Số phận nhân vật, tiếng nói tâm tình của tác giả ít gây được sự
đồng cảm với chúng. Các em không cảm nhận được hết cái hay, cái đẹp mà tác
phẩm mang lại.
Trường THPT Mường Lát đóng trên địa bàn miền núi xa xôi, tách biệt (cách
thành phố Thanh Hóa 250 km), đường đi khó khăn, trắc trở, ba mặt tiếp giáp với
nước bạn Lào. Mọi điều kiện sống về vật chất và tinh thần đều thiếu thốn, nghèo
nàn. Nơi đây sáu dân tộc: Kinh, H’Mông, Thái, Dao, Mường, Khơmú tạo thành
một cộng đồng dân cư với những nét văn hóa, phong tục tập quán nhiều khác biệt.
Trình độ dân trí thấp, công tác xã hội hóa Giáo dục chưa phát triển, kinh tế trì trệ,
phương thức canh tác lạc hậu. Học sinh đa số là con em đồng bào dân tộc thiểu số,
chất lượng đầu vào thấp và còn tồn tại tình trạng học sinh ngồi sai lớp (15%). Các
em ít có điều kiện đọc sách báo, thông tin xã hội ít tiếp xúc, lập gia đình sớm, nạn
tảo hôn khá phổ biến trong lứa tuổi học sinh… Một số hộ gia đình bỏ mặc con em
ở nhà để đi làm ăn xa, học sinh phải nghỉ học lên nương rẫy thay bố mẹ. Điều này
đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc học hành của con em họ. Nhiều em chưa có đủ
sách vở, đồ dùng học tập, chưa có thời gian cho việc học tập ở nhà, vì thế rất khó
khăn cho học sinh khi tiếp thu bài giảng của giáo viên.
Mặt khác, kiến thức văn học tương đối nhiều mà khả năng ghi nhớ của học
sinh còn hạn chế, bên cạnh đó, các em gần như bị thiếu hụt kiến thức cơ bản từ các
lớp dưới nên việc dạy và học Ngữ văn ở các khối lớp trong trường gặp không ít khó
khăn, trở ngại.
Do trình độ nhận thức thấp nên các em rất ngại đi học. Đến trường như một
cực hình. Cánh cửa vào đại học quá xa vời đối với học sinh nơi đây. Vì vậy, các em
không hứng thú học môn Văn nói riêng cũng như các môn khoa học khác nói
chung, có chăng học chỉ để đối phó với kiểm tra, thi cử. Đến lớp, nhiều em không
học bài cũ. Bài giảng hôm nay, hôm sau đã quên hoặc chỉ nhớ loáng thoáng. Khi
cho đề về nhà làm thì lên mạng hoặc tìm sách tham khảo, mượn bài của bạn chép
3
vào. Khi cho làm dàn ý lại không biết cách diễn đạt thành bài văn hoàn chỉnh. Nếu
có tiết kiểm tra trên lớp thì làm qua loa cho có bài nộp, không bao giờ lập dàn ý
trước khi viết văn.
Cơ sở vật chất (sách báo, thiết bị, tranh ảnh) tuy đã được nhà trường trang bị
nhưng vẫn chưa thể đầy đủ, đa dạng để đáp ứng hết nhu cầu của từng tiết dạy. Vậy
nên, trong một số tiết dạy còn gặp khó khăn, nhất là với những đội ngũ giáo viên
trẻ mới ra trường như chúng tôi. Bên cạnh đó, còn một số thầy cô ngại sử dụng
thiết bị dạy học nên tiết dạy không đạt hiệu quả như mong muốn.
Đội ngũ giáo viên bộ môn Ngữ văn trong trường còn rất trẻ cả về tuổi đời lẫn
tuổi nghề, tuy rất nhiệt tình, chịu khó học hỏi nhưng lại thiếu đi kinh nghiệm.
Đó cũng là lí do khiến chất lượng giáo dục của nhà trường thấp. Tuy nhiên
nhờ sự lãnh đạo của Chi bộ, BGH nhà trường cũng như sự theo dõi sát sao từ các
Tổ bộ môn, đặc biệt là sự tận tâm nhiệt tình của mỗi thầy cô giáo nên chất lượng
của trường đang từng bước được nâng lên, nhưng vẫn còn thấp so với mặt bằng
chung của toàn tỉnh Thanh Hoá. Từ những sự việc trên, tôi mạnh dạn đưa ra một số
giải pháp để nâng cao chất lượng dạy học văn cho học sinh trường THPT Mường
Lát, giúp các em học tốt hơn.
III. Giải pháp và cách thức tổ chức thực hiện
Người giáo viên khi đứng trên bục giảng luôn mong muốn truyền đạt một
cách hiệu quả nhất những điều mình biết tới học sinh, muốn dẫn dắt các em đi tới
con đường chiếm lĩnh tri thức nhanh nhất và tối ưu nhất. Nhưng không phải ai cũng
làm được điều đó, bởi ngoài tri thức, vốn sống đòi hỏi người giáo viên phải có
phương pháp, phải linh hoạt qua các khâu lên lớp, phải tùy cơ ứng biến trước
những đối tượng học sinh khác nhau thì mới có thể tạo ra sức hấp dẫn, lôi cuốn
trong giờ dạy.
1. Giáo viên tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ
Từ người giáo viên luôn tồn tại kênh thông tin hai chiều: vừa truyền đạt kiến
thức đồng thời vừa thu nhận kiến thức. Cuộc sống xã hội là kho tri thức vô cùng
phong phú nên dù giáo viên giảng dạy môn Ngữ Văn đều được đào tạo chuẩn về
chuyên môn nghiệp vụ từ trong trường Đại học nhưng cần phải tích cực, thường
xuyên tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho bản thân. Năm học 2008 - 2009 là
năm mà Bộ Giáo dục chọn là năm ứng dụng công nghệ thông tin vào việc dạy học.
Vì thế, tất cả các trường trong cả nước đều được hỗ trợ lắp đặt mạng Internet.
4
Trường THPT Mường Lát cũng không ngoại lệ. Phòng Internet do Đoàn Thanh
niên quản lí luôn mở cửa phục vụ cán bộ, giáo viên và học sinh tìm kiếm, khai thác
thông tin. Việc lắp đặt mạng sẽ giúp các thầy cô giáo tự bồi dưỡng kiến thức và có
thể học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè, đồng nghiệp để nâng cao năng lực chuyên môn.
Nắm vững kiến thức chung cho chương trình cấp học để có cái nhìn bao quát
về nội dung ở từng khối lớp.
Soạn - giảng theo đúng chương trình mà Bộ GD&ĐT đã quy định trong
khung phân phối chương trình.
Khi giảng dạy cần chú ý đến từng loại đối tượng học sinh trong lớp học để có
phương pháp giảng dạy phù hợp. Tôi cũng đã phân loại học sinh bởi dù là lớp chọn,
lớp đại trà hay lớp yếu kém thì mức độ tiếp thu, học tập của học sinh có sự khác
nhau. Từ đó xác định học sinh yếu kiến thức, kĩ năng nào để tìm nguyên nhân, biện
pháp khắc phục còn đối với học sinh giỏi bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kĩ năng đã
học để tạo hứng thú trong việc học tập bộ môn.
2. Hướng dẫn học sinh cách học bài
Trong chương trình THPT, môn Ngữ văn bao gồm ba phân môn: Phân môn
Đọc văn, Tiếng việt và Làm văn. Vì vậy, tôi hướng dẫn học sinh xác định nội dung
học tập cả trên lớp và ở nhà cho từng phân môn cụ thể.
+ Đối với phân môn Đọc văn (Phần văn bản), tôi yêu cầu:
Học sinh đọc thành thạo văn bản. Học sinh trường THPT Mường Lát đa số là
con em dân tộc thiểu số nên khả năng nói và viết tiếng Việt chưa chuẩn xác. Học
sinh viết sai nhiều lỗi chính tả, có em học đến lớp 12 mà khả năng đọc văn bản vẫn
chưa rành rọt từng câu chữ. Đây có thể xem là trọng trách thuộc về giáo viên dạy
Ngữ văn. Vì thế, bằng nhiều phương pháp và hình thức khác nhau, dù ở trên lớp
hay về nhà, tôi phải luyện cho các em viết chính tả và đọc văn bản. Từ đó, các em
sẽ dễ dàng học thuộc các loại văn bản thơ, tóm tắt được nội dung của văn bản văn
xuôi, học thuộc dẫn chứng văn học.
Với những tác phẩm có tác giả: Học sinh cần nắm chắc về tiểu sử, sự nghiệp
văn chương, hiểu được hoàn cảnh sáng tác tác phẩm.
Ví dụ: Huy Cận tên khai sinh là Cù Huy cận, sinh năm 1919 trong một gia
đình nhà nho gốc nông dân ở Hà Tĩnh. Lớn lên ông học ở trường cao đẳng Canh
Nông. Từ 1942 ông tham gia phong trào sinh viên và mặt trận Việt Minh. Sau cách
mạng tháng 8 – 1945 ông được cử giữ các chức vụ bộ trưởng, thứ trưởng của
5
chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà và sau này là cộng hoà xã hội chủ nghĩa
Việt Nam. Năm 1996 ông được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học
nghệ thuật. Trước cách mạng tập thơ tiêu biểu của ông là tập “Lửa thiêng” 1940.
Sau cách mạng tháng Tám thơ ông thể hiện niềm vui và niềm tự hào trước cuộc
sống mới, đất trời mới. “Tràng giang” được ra đời vào tháng 9/1939, bài thơ được
viết trong khung cảnh của một buổi chiều khi nhà thơ đứng trên bờ đê sông Hồng
nhìn thấy cảnh sông dài trời rộng.
Sau khi học xong bài học, các em nắm được giá trị nội dung và nghệ thuật
đặc sắc của tác phẩm (tìm hiểu qua phần nội dung cần đạt, phần ghi nhớ). Đặc biệt,
biết phân tích, cảm thụ một số câu thơ, đoạn thơ được cho là đặc sắc (đối với học
sinh khá giỏi).
+ Đối với phân môn Tiếng Việt, tôi yêu cầu học sinh :
Học thuộc các khái niệm, vận dụng làm tốt các bài tập trong sách giáo khoa.
Với các biện pháp tu từ biết phát hiện đúng, nêu được tác dụng của phép tu
từ đó trong hoàn cảnh sử dụng và thực hành thành thạo các bài tập trong sách giáo
khoa, sách bài tập.
Ví dụ: Tìm biện pháp tu từ trong hai câu thơ sau và nêu tác dụng?
“Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao”.
Biết viết câu, viết đoạn (mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn) với nhiều chủ đề và
yêu cầu khác nhau (Diễn dịch, quy nạp…)
+ Đối với phân môn Làm văn, học sinh cần:
Nắm được khái niệm, đặc trưng các thể loại: Tự sự, Nghị luận (nghị luận văn
học, nghị luận xã hội), Thuyết minh,…
Sau khi đọc đề bài, phải biết tìm hiểu đề, tìm ý; biết cách lập dàn ý; biết viết
các đoạn để hoàn chỉnh bài viết. Phần đa học sinh trong trường chưa nhận biết
được yêu cầu của đề ra nên không biết tìm luận điểm cho phần lập dàn ý. Chính vì
thế, các em lúng túng khi tiến hành viết bài văn. Nắm được yếu điểm của đa số học
sinh trong trường, tôi đã hướng dẫn học sinh cách làm bài văn nghị luận, đặc biệt là
kĩ năng viết phần mở bài cho bài văn nghị luận.
Từ lớp 8 đến lớp 12, học sinh phổ thông làm quen với một thể loại làm văn
mới đó là Làm văn nghị luận. Không ít học sinh tỏ ra ngại ngần và lo lắng thậm chí
còn sợ sệt mỗi khi làm văn thuộc thể loại này. Dù đề bài thuộc về lĩnh vực nghị
6
luận văn học hay nghị luận xã hội. Do đó, trước khi làm bài, các em cần đọc kỹ đề
bài, phải chú ý từ ngữ, hiểu ý nghĩa của từng từ, từng câu; thậm chí chú ý cả dấu
chấm hay ngắt câu trong đề bài để nắm rõ yêu cầu của đề ra. Đối với đề bài văn
nghị luận xã hội lấy kiến thức, thông tin và cả những kinh nghiệm có trong cuộc
sống để minh chứng cho lý lẽ của mình. Do vậy, đòi hỏi học sinh cần có một kiến
thức sống khá phong phú; có sự tinh tế và nhạy bén trong nhận định một vấn đề.
Mường Lát là một huyện miền núi xa xôi, đường đi khó khăn trắc trở nên học sinh
ít có điều kiện giao lưu với cư dân bên ngoài. Hơn nữa, hiểu biết xã hội của các em
còn khuyết nhiều ảnh hưởng đến kiến thức làm văn nghị luận xã hội. Đối với đề bài
văn nghị luận văn học, dạng đề này đòi hỏi người viết phải lấy kiến thức đã được
truyền thụ tại lớp học; những tư liệu có từ các bài đọc thêm hay sách vở; tư liệu sưu
tầm từ các nguồn khác để minh chứng cho lập luận mà mình cần chứng minh hay
phân tích. Trước tiên, cho học sinh tiếp cận một số bài mẫu, nhận thức cách viết và
tìm cho mình một cách viết thích hợp. Trong quá trình học văn bản, các em đã học
thuộc lòng Hoàn cảnh sáng tác, Ý nghĩa văn bản hay chủ đề, tóm tắt nội dung tác
phẩm … Sẵn ưu thế này, hướng dẫn các em viết một mở bài hoàn chỉnh :
Giới thiệu tác giả, tác phẩm.
Hoàn cảnh sáng tác.
Nêu chủ đề, tóm tắt nội dung.
Chép đoạn thơ, bài thơ, dẫn ý kiến, nhận định, đặc điểm nhân vật…
Nêu thao tác nghị luận.
Ví dụ : Phân tích hình tượng người lính trong bài Tây Tiến của Quang Dũng.
“Tây Tiến” là một trong những bài thơ hay của Quang Dũng, được sáng tác
tại Phù Lưu Chanh năm 1948 khi Quang Dũng được chuyển sang đơn vị khác. Bài
thơ là cả một nỗi nhớ về đơn vị cũ. Tác giả nhớ về cuộc sống gian khổ, nhớ những
đêm liên hoan, về cái âm u hoang dã của núi rừng miền Tây. Đặc biệt là nỗi nhớ về
người lính Tây Tiến.
Sau mỗi tiết dạy, tôi củng cố kiến thức bằng cách ra bài tập và hướng dẫn
cách làm bài, những nội dung cụ thể cần học thuộc, cần ghi nhớ để học sinh chuẩn
bị cho tiết học sau. Nhiều giáo viên hay xem nhẹ hoặc thường bỏ qua công đoạn
này. Học sinh có hiểu bài, nhớ bài hay không một phần là nhờ nó. Cho các em xếp
tập sách lại, trên bảng chỉ còn những ý chính, giáo viên đặt câu hỏi, gợi ý, học sinh
trả lời đúng cho điểm, có thể sửa điểm kém hay cộng thêm điểm và hỏi các em
7
không hiểu chỗ nào giáo viên sẽ giảng lại. Làm vậy, học sinh sẽ cố lắng nghe, cố
nhớ, cố ghi để cuối giờ trả lời. Như vậy, giáo viên có thể giúp các em hiểu bài,
thuộc bài ngay trong giờ học.
Ví dụ: Học xong truyện ngắn “Người trong bao”, em hãy nêu ý nghĩa khái
quát biểu tượng “cái bao” và từ đó khái quát chủ đề tư tưởng của tác phẩm?
3. Đa dạng, linh hoạt trong kiểm tra và đánh giá
Sở giáo dục Thanh Hóa đưa ra Quy định về việc kiểm tra, đánh giá kiến thức
của học sinh trong năm học 2012-2013 thông qua hai hình thức: kiểm tra thường
xuyên và kiểm tra định kì. Việc kiểm tra định kì đã được cố định thời gian cụ thể
nên giáo viên cần nhắc nhở trước từ một đến hai ngày để các em chuẩn bị kiến
thức. Đối với việc kiểm tra thường xuyên, giáo viên cần đa dạng hoá để học sinh
phải tự giác học tập bằng nhiều cách khác nhau. Mỗi thầy cô giáo có nhiều cách
thức kiểm tra kiến thức của học sinh khác nhau. Về phần mình, tôi lần lượt thực
hiện các bước sau:
Kiểm tra sách giáo khoa vào đầu tiết dạy: Sách giáo khoa vừa là phương tiện,
vừa là công cụ giúp học sinh thu nhận, tìm kiếm tri thức. Vì vậy, học sinh khi đi
học phải mang đầy đủ các loại sách giáo khoa nói chung và sách Ngữ văn nói riêng.
Nhưng, do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn mà học sinh ở Mường Lát khi đến
trường không có tiền để mua sách giáo khoa. Nhà trường đã tạo điều kiện bằng
cách mở thư viện cho các em mượn sách học trong cả năm. Tuy nhiên, số lượng
sách có hạn nên chưa thể đáp ứng đủ cho tất cả học sinh. Vào đầu năm học, công
việc đầu tiên của tôi là kiểm tra sách giáo khoa ở các lớp được phân công giảng
dạy: 11B, 11D, 11G, 10B và 10C. Kết quả là mỗi lớp có từ 5 đến 7 em thiếu sách,
chủ yếu rơi vào những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Tôi khuyến khích các
em đi photo lại sách để học hoặc mượn thêm sách bổ sung tại thư viện; đồng thời
thông qua giáo viên chủ nhiệm kêu gọi sự ủng hộ từ học sinh trong lớp.
Ngoài ra, tôi giới thiệu một số sách tham khảo có trong thư viện trường cho
học sinh sưu tầm để học tập.
Kiểm tra vở ghi: Trong quá trình gọi học sinh lên trả bài cũ, tôi kết hợp kiểm
tra vở ghi của các em. Tôi kiểm tra chữ viết, kiểm tra nội dung ghi chép có đầy đủ
không và nhắc nhở, nhận xét về cách ghi chép, chữ viết. Lần kiểm tra tiếp theo, tôi
tiến hành vào tiết Tự chọn.
8
Kiểm tra vở soạn của học sinh: Đối với môn Văn, học sinh phải soạn nội
dung của bài học mới trước khi tới lớp bằng cách trả lời các câu hỏi trong sách.
Việc soạn bài giúp học sinh nắm trước nội dung bài học để việc truyền đạt, mở
rộng kiến thức của giáo viên thuận tiện hơn; đồng thời tạo hứng thú cho các em
trong tiết học nếu người dạy biết cách khơi dậy. Mỗi kì tôi thu vở soạn 4 lần, mỗi
lần lưu kết quả lại và cuối kì cộng điểm cho học sinh nào soạn đầy đủ qua các lần
kiểm tra. Khi kiểm tra lần đầu, học sinh nào chưa soạn đầy đủ theo yêu cầu, tôi
nhắc nhở, phê bình và hẹn tuần sau kiểm tra lại.
Kiểm tra đầu giờ (kiểm tra miệng và kiểm tra 15 phút): Nội dung kiểm tra đã
nhắc từ tiết trước qua phần củng cố bài học. Giáo viên cần đặt ra những câu hỏi dễ
để khuyến khích nhiều học sinh xung phong trả bài, tạo cơ hội cho các em gỡ điểm.
Việc kiểm tra bài cũ được thực hiện vào 10 - 15 phút đầu tiết học, có thể gọi từ 2, 3
đến 4 em và mạnh dạn cho đến điểm 10. Câu hỏi kiểm tra phải phù hợp từng đối
tượng học sinh.
Đối với học sinh khá giỏi, sau khi trả lời xong câu hỏi theo yêu cầu phải có
câu hỏi phụ kèm theo. Ví dụ: Khái quát chân dung, tính cách con người Bê-li-cốp
trong truyện ngắn “Người trong bao”, qua đó nêu nội dung tư tưởng của truyện và
liên hệ bản thân?
Đối với học sinh có học lực trung bình và yếu, các em trả lời đúng nội dung
câu hỏi theo yêu cầu mặc dù chưa lưu loát nhưng tôi cũng mạnh dạn cho điểm 10.
Ví dụ: Khái quát chân dung, tính cách con người Bê-li-cốp trong truyện ngắn
“Người trong bao” của Sê-khốp?
Ở trường THPT Mường Lát, số lượng học sinh trung bình và yếu chiếm tỉ lệ
cao (hơn 70%) nên khi kiểm tra bài, tôi chú trọng khuyến khích tinh thần xung
phong lên bảng trả bài, tạo mọi cơ hội cho các em lấy điểm. Những em không
thuộc bài tạm thời cho điểm kém và hẹn hôm sau (ngày bất kỳ) sẽ trả bài lại. Đối
với học sinh chưa thuộc kĩ hoặc không thuộc. Lần đầu, cho kiểm tra vào cuối tiết.
Lần 2, cho học lại và kiểm tra vào tiết học tự chọn bám sát. Lần tiếp theo, có thể bố
trí riêng một buổi để kiểm tra và cho các em tự chọn nội dung học (thuộc phần nào
lên trả bài phần ấy) hay cho phép đọc thuộc bài thơ, đoạn thơ em thích trong
chương trình học, nếu vẫn không sửa chữa sẽ xử lý bằng hình thức chép phạt theo
số lần giáo viên đưa ra. Đối với những học sinh cá biệt như lười học, yếu kĩ năng
9
có thể cho phép các em lựa chọn nội dung trả bài. Đồng thời, giáo viên nên lập một
danh sách riêng để chú ý kiểm tra nhiều hơn.
Tùy vào tính chất từng buổi học, lớp học giáo viên có thể phân chia thời
gian cho việc kiểm tra bài cũ khác nhau. Có những hôm, nhiều học sinh yếu xung
phong lên trả bài, tôi mạnh bạo kéo dài thời gian kiểm tra đến 15 phút/tiết học. Đối
với một số em thường xuyên không thuộc bài hoặc trả bài chỉ đạt điểm 4, 5 có thể
gọi 5 hoặc 6 lần/ học kỳ, điểm nào lớn nhất thì lấy. Thỉnh thoảng tôi nhắc các em :
“Một, hai tuần nữa sẽ có kiểm tra 15 phút” nhưng không quy định cụ thể ngày nào.
Việc này tạo cho học sinh tâm thế sẽ bị giáo viên kiểm tra bất cứ lúc nào khi đến
lớp, buộc các em phải học bài trước ở nhà, nếu không muốn bị điểm kém.
Có thể nói, học sinh trong trường không chỉ ngại học, lười học mà còn yếu kĩ
năng giao tiếp và xử lí tình huống. Vì thế, khi giáo viên đặt câu hỏi kiểm tra bài cũ
chỉ cần thay đổi vài từ thì học sinh không trả lời được. Có những em biết câu trả lời
lại không dám xung phong vì tính quá nhát. Có em dù ở nhà đã thuộc bài nhưng khi
lên bảng trả bài lại quên vì “run quá”. Do vậy, thầy cô giáo phải đặt câu hỏi dễ, chỉ
dùng hình thức đánh đố hoặc đưa câu hỏi phụ đối với học sinh khá giỏi. Câu hỏi
cũng cần chia nhỏ để các em dễ lấy điểm và đặc biệt, tạo không khí tự nhiên, thoải
mái về mặt tâm lí cho các em khi kiểm tra miệng.
4. Bao quát học sinh trong giờ dạy
Do tâm lí ngại học, lực học kém nên học sinh thường làm việc riêng hoặc
ngủ gật trong lớp. Việc này làm ảnh hưởng đến chất lượng giờ dạy và kiến thức của
học sinh nên giáo viên phải bao quát lớp trong tiết dạy để nhắc nhở kịp thời.
Trước khi cho học sinh đọc bài, tôi nhắc nhở cả lớp theo dõi để sau đó tóm
tắt văn bản, chia bố cục và nêu nội dung… bắt buộc các em phải chú ý bài. Khi cho
học sinh đọc, tôi quan sát xem các em có dò bài theo không. Thông thường các em
hay lợi dụng thầy cô giáo chú tâm vào bài đọc mà làm việc riêng, nói chuyện riêng,
sử dụng điện thoại hoặc gục xuống bàn ngủ… nên sau khi học sinh đọc xong, tôi
đặt câu hỏi và gọi nhiều đối tượng trả lời hoặc nhận xét, bổ sung câu trả lời, chú
trọng nhiều đến những em yếu kém.
Ví dụ:
- Truyện ngắn “Người trong bao” được sáng tác năm nào? Trong hoàn
cảnh xã hội như thế nào?
- Bố cục của truyện chia thành mấy phần? Nêu nội dung mỗi phần?
10
- Tìm hiểu ý nghĩa biểu tượng cái bao?
- Tóm tắt truyện ngắn trong vòng 15-20 câu.
5. Sử dụng phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh
Đổi mới phương pháp dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông đang là vấn đề
cấp bách được đặt ra trong những năm gần đây. Chúng ta phải mạnh dạn đổi mới.
Nhưng trước khi tiến hành đổi mới phải căn cứ vào đặc điểm chung của học sinh
trong trường. Đổi mới phương pháp dạy học không phải là xóa bỏ toàn bộ cái cũ
mà phải là sự kế thừa, chọn lọc các phương pháp truyền thống kết hợp với hiện đại.
Trong các cuộc họp bàn về chuyên môn và chất lượng giáo dục, BGH nhà
trường luôn chú trọng vấn đề đổi mới phương pháp dạy học kết hợp với sử dụng
thiết bị và ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy có hiệu quả. Căn cứ vào
nhận thức của đa số học sinh trong trường, nhà trường nhận thấy phải thực hiện
linh hoạt các phương pháp dạy học, kết hợp giữa cũ và mới. Vì thế, phương pháp
thuyết trình vẫn giữ vai trò chủ đạo.
Thuyết trình trong dẫn dắt, gợi mở, trong bình giảng ý nghĩa các chi tiết,
hình tượng, hình ảnh độc đáo… Một lời giảng bình đẹp, sâu sắc có thể theo các em
đi suốt cuộc đời, có tác dụng bồi đắp tâm hồn, hướng thiện, tạo sức cuốn hút cho
một giờ học văn. Có thể nói, khả năng thuyết trình thể hiện năng lực của người dạy
văn. Tuy nhiên, cần chú ý đến thời lượng nên dừng ở mức độ nào.
Trong báo cáo sơ kết học kì I năm học 2012-2013 của trường, kết quả xếp
loại học lực của học sinh cụ thể như sau:
TT Cấp độ Tỉ lệ (%)
1 Giỏi 1,9 %
2 Khá 26,9 %
3 Trung bình 68,8 %
4 Yếu 2,5 %
5 Kém 0 %
Số học sinh xếp loại học lực trung bình và yếu chiếm tỉ lệ cao (73%), đa số
tập trung vào lớp cơ bản khả năng tiếp thu chậm, ghi bài chậm, thậm chí có em
không ghi được nội dung bài học (như Giàng A Say, Hơ Văn Hua lớp 10B, Giàng
A Trư, Lý A Dó lớp 10C,…), không có khả năng diễn đạt, không biết phân tích
những ý chính mà giáo viên tổng hợp thì cũng cần phải đọc-chép. Điều này cần sự
linh hoạt từ phía giáo viên, phần nào cần và phần nào không cần đọc để bảo đảm
thời lượng của tiết học theo phân phối chương trình.
11
Trong tiến trình đổi mới, người giáo viên đang dần đi đến vận dụng mọi
phương pháp với thế mạnh riêng của nó. Ngoài các phương pháp truyền thống thì
phương pháp dạy học tích cực được chú ý quan tâm, đặc biệt là phương pháp dạy
học theo nhóm. Việc sử dụng giáo án điện tử là điều cần thiết và đang được khuyến
khích. Tuy nhiên, không phải bất cứ trường phổ thông nào cũng có điều kiện thuận
lợi để làm được điều đó, nhất là ở những trường đóng trên địa bàn miền núi như
Mường Lát. Nơi đây cơ sở vật chất (máy móc, trang thiết bị, phòng máy…) phục
vụ công tác dạy học đang còn thiếu thốn nhiều. Vì vậy, tổ chức thảo luận nhóm sẽ
khắc phục được những thiếu thốn về cơ sở vật chất đồng thời mang lại hiệu quả
cao. Trong quá trình tiến hành, tôi nhận thấy học sinh rất hứng thú với phương
pháp dạy học theo nhóm bởi nó giúp các em phát huy được tính chủ động, sáng tạo
vốn có. Để tiết dạy đạt hiệu quả cao thì học sinh phải có sự chuẩn bị trước ở nhà
với hệ thống câu hỏi thảo luận được đưa ra từ tiết trước. Tùy theo nội dung của
từng bài học để chia nhóm. Có thể chia lớp thành 3 hoặc 4 nhóm và giao nhiệm vụ
cụ thể cho mỗi nhóm.
Hoạt động nhóm của học sinh trường THPT Mường Lát
Ví dụ trước khi dạy bài “Vội vàng” của Xuân Diệu, tôi yêu cầu mỗi nhóm
chuẩn bị những vấn đề sau:
Nhóm 1: Những yếu tố về cuộc đời ảnh hưởng đến hồn thơ Xuân Diệu.
Nhóm 2: Cảm thức thời gian trong thơ Xuân Diệu là nguyên nhân dẫn đến
cách sống vội vàng. Ý kiến của em về vấn đề này?
Nhóm 3: Hoài Thanh khẳng định: “Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong
những nhà thơ mới”. Suy nghĩ của em về nhận định đó?
12
Khi lên lớp, trên cơ sở kiến thức trong sách giáo khoa và sự chuẩn bị ở nhà,
tôi yêu cầu các nhóm làm việc độc lập và trình bày theo mỗi phần của bài học, các
nhóm khác nhận xét, bổ sung. Sau đó, tôi chuẩn xác kiến thức.
6. Giữ mối quan hệ thân thiện giữa thầy và trò
Để tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục toàn diện cho
học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường
học thân thiện, học sinh tích cực”. Sự thân thiện ở đây không chỉ là mối gắn kết
giữa học sinh với học sinh mà còn là mối quan hệ giữa thầy và trò. Vì thế, người
giáo viên phải luôn phát huy vai trò chủ đạo để giữ vững quan hệ này.
Tuy nhiên, một số giáo viên trong trường có suy nghĩ phải nghiêm khắc với
học sinh ngay từ tiết đầu bước vào lớp vì thế biểu hiện bằng vẻ mặt “hình sự” luôn
được giữ trong suốt buổi học, thậm chí cả năm học khiến tâm lí học sinh ức chế ảnh
hưởng đến chất lượng giờ học. Một số giáo viên khi bước vào lớp có nhiều học
sinh yếu kém, học sinh cá biệt trong lòng đã cảm thấy không vui, gọi một vài em
lên trả bài nhưng đều không thuộc lập tức chửi cho một lúc khoảng 10 phút, đôi khi
nhiều hơn nữa rồi bắt đầu dạy. Gương mặt thầy/ cô khi ấy trở nên “hình sự” hơn
bao giờ hết. Đó là điều tối kỵ trong một giờ giảng văn. Giờ học căng thẳng quá sẽ
làm học sinh khó tập trung, không tiếp thu được bài giảng, dẫn đến không hiểu bài.
Để giảm áp lực, giáo viên nên khéo léo xử lí tình huống, vừa cứng rắn vừa mềm
dẻo để làm sao khiến các em nghe theo lời răn dạy mà lại không gây áp lực. Thầy,
cô có thể kể một số mẩu chuyện vui để nhắc nhở khéo léo tới học sinh. Trong tiết
học giáo viên cố gắng tạo trên môi các em nụ cười hồn nhiên, cởi mở, thân thiện.
Sự thân thiện giữa thầy và trò được nâng cao khi học sinh nhìn thấy dáng đi khoan
thai và nụ cười luôn nở trên môi người thầy.
7. Duy trì tiết học tự chọn ở tất cả các khối lớp
Mỗi khối lớp THPT theo PPCT của Bộ Giáo dục có 1 tiết tự chọn/tuần. Mặc
dù vậy, giáo viên không thể “lãng phí” tiết học này. Đây chính là thời gian thầy cô
giáo có thể bổ sung những kiến thức mà họ chưa kịp truyền đạt cho các em trong
tiết dạy, hoặc cung cấp thêm kiến thức bên ngoài cho học sinh theo chủ đề, dạy kĩ
năng đọc văn, làm văn, kĩ năng sống, kiểm tra vở soạn văn… Và đặc biệt, tôi tổ
chức luyện viết chính tả, luyện đọc cho các em yếu kém. Đây chính là nhiệm vụ đi
kèm, không kém phần quan trọng của tôi cũng như giáo viên trong tổ Văn-Sử-Giáo
dục công dân trường THPT Mường Lát.
13
Mường Lát là 1 trong 7 huyện miền núi nghèo của tỉnh Thanh Hóa, có nhiều
đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (Mường, Thái, H’Mông, Dao, Khơ mú…).
Trình độ dân trí, nhận thức cũng như sự hiểu biết của người dân còn rất hạn chế.
Ngôn ngữ bất đồng gây khó khăn trong công tác đọc, viết đúng tiếng Việt. Hơn
nữa, đồng bào dân tộc H’Mông chiếm gần 90% số đồng bào dân tộc Mông trên
toàn Tỉnh mà đa số học sinh người dân tộc này phát âm tiếng Việt chưa chuẩn, dẫn
đến tình trạng viết sai nhiều lỗi chính tả, đọc văn bản chưa thành thạo. Thực trạng
này do nhiều nguyên nhân, trong đó có thể do thói quen sử dụng ngôn ngữ bản địa,
do kết quả đào tạo từ các cấp học dưới để lại và do ít giao tiếp với người Kinh nên
ảnh hưởng đến việc đọc và viết của các em.
Theo thống kê của tổ Văn - Sử, năm học 2012-2013, chỉ tính riêng khối lớp
10 có khoảng từ 9 đến 10 học sinh trong một lớp viết chữ quá xấu và thường xuyên
sai lỗi chính tả. Tính tổng toàn khối 10 (7 lớp học) có gần 100 em. Tuy con số
không lớn nhưng nó lại là vấn đề khiến cho các thầy cô dạy môn Ngữ văn trong
trường lo ngại, nhất là đối với học sinh lớp 11, 12. Trong số lớp tôi trực tiếp giảng
dạy còn nhiều học sinh chưa đọc thông viết thạo, cụ thể như sau:
Lớp Tên học sinh Đọc kém
viết sai
chính tả
11B
- Lâu Văn Chống
- Giàng A Dế
- Hơ Cá Dính
- Vừ A Dơ
- Chá Văn Lâu
- Vàng A Phềnh
x
x
x
x
x
x
x
x
x
11D
- Hơ Văn Cấu
- Gia Văn Dế
- Hoàng Thị Dừa
- Vi Thị Hoa
- Lộc Văn Tập
x
x
x
x
x
x
x
11G
- Hơ Văn Hua
- Hà Văn Kiệu
- Giàng Thị Nắng
- Lý Thị Sống
- Lý A Sợ
x
x
x
x
x
x
x
x
14
10B
- Thào A Nhà
- Hơ Thị Pa
- Phàng A Pháo
- Thào A Phứ
- Giàng A Say
- Lương Văn Sậm
x
x
x
x
x
x
x
x
x
x
x
x
10C
- Sung Văn Chía
- Thao Thị Dế
- Giàng A Dế
- Lý A Dó
- Va Văn Hự
- Lò Văn Lần
x
x
x
x
x
x
x
x
x
x
Để góp phần dạy và học có chất lượng cao đối với môn Ngữ văn, tôi thiết
nghĩ việc đầu tiên phải giúp học sinh đọc, nói, viết đúng tiếng Việt ngay từ khi mới
bước vào trường. Nếu đọc tốt các em mới có thể hiểu và cảm thụ được nội dung,
mục đích của văn bản văn học. Đây là điều bản thân tôi trăn trở trong hơn một năm
qua trực tiếp làm công tác giảng dạy, cuối cùng tôi hiểu rằng để đạt được mục đích
giáo dục ở bậc phổ thông nói chung và môn Ngữ văn nói riêng việc đầu tiên là dạy
các em đọc, viết đúng tiếng Việt.
Trong thực tế, chúng tôi đã chuyển tiết tự chọn trở thành tiết luyện chính tả
và tập đọc cho số học sinh đọc và viết kém vào học kì I năm học 2012-2013. Việc
làm này đã được BGH nhà trường quan tâm và đồng tình, ủng hộ. Trong tiết học
ấy, giáo viên cho nhóm luyện chính tả và luyện đọc ngồi lại với nhau thực hành
dưới sự hướng dẫn của thầy cô, số học sinh còn lại làm bài tập theo chủ đề tự chọn
bám sát. Tôi quan tâm đến việc luyện đọc và viết cho các em bằng cách:
Yêu cầu học sinh dùng vở luyện chính tả của bậc Tiểu học, vở ô ly để thực
hành vào tiết tự chọn và khi về nhà.
Mỗi tiết luyện tập, tôi đưa ra một đoạn văn bản cho học sinh đọc nhiều lần,
sau đó đọc cho các em tự chép lại và sửa lỗi. Hoặc tôi đưa ra một đoạn thơ khuyến
khích các em học thuộc sau đó chép lại theo trí nhớ.
Phân công các em khác đọc tốt và viết chính tả đúng, chuẩn ở trong lớp
luyện đọc, viết cùng bạn.
Cuối mỗi tiết luyện tập, tôi giao bài cho các em luyện đọc và viết ở nhà, giờ
sau kiểm tra và nhận xét, đánh giá.
15
Với sự kiên trì của tôi cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các em đã mang lại
kết quả khả quan: Học kì II số lượng học sinh viết chữ xấu, sai lỗi chính tả và đọc
chưa thành thạo giảm đi đáng kể, mỗi lớp chỉ còn lại 3-4 em.
IV. Kết quả đạt được
1. Kết quả
Từ sự cố gắng của thầy và trò trường THPT Mường Lát, năm học 2012-
2013, chúng tôi đã thu nhận được kết quả học tập của học sinh như sau:
Lớp Tổng số
học sinh
Giỏi Khá Trung bình Yếu
Hk1 Hk2 Hk1 Hk2 Hk1 Hk2 Hk1 Hk2
11B 46 1 2 8 15 31 29 6 0
11D 42 1 4 10 20 27 18 4 0
11G 46 1 3 10 18 30 25 5 0
10B 41 1 4 12 17 24 20 4 0
10C 44 1 3 10 15 31 26 2 0
2. Nhận xét chung
a. Ưu điểm
Ở học kì I (2012-2013), một số học sinh còn đọc kém, cuối năm đã đọc thành
thạo văn bản và hạn chế được lỗi chính tả khi viết bài văn.
Học sinh chăm chỉ học bài cũ hơn và mạnh dạn xung phong lên trả bài, nhất
là những tiết học thuộc lòng bài thơ, đoạn thơ.
Đa số học sinh có thói quen lập dàn ý trước khi viết văn.
Nhiều em phát huy được tính sáng tạo khi làm bài kiểm tra và đạt điểm cao.
Một số em có năng lực cảm thụ thơ văn rất tốt.
b. Nhược điểm
Vẫn còn tồn tại tình trạng học sinh viết sai lỗi chính tả khi làm văn.
Một số em còn giữ thói quen không lập dàn ý khi viết văn, nghĩ gì viết nấy.
Một số học sinh chưa tích cực, chủ động học bài, làm bài cả khi trên lớp và
về nhà.
C. KẾT LUẬN
Nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và môn Ngữ văn nói riêng luôn
được xã hội đặc biệt quan tâm. Muốn nâng cao chất lượng dạy học môn Ngữ văn
cần đưa ra những biện pháp cụ thể và có sự kết hợp thực hiện đồng bộ của nhiều
16
yếu tố, đối tượng trong đó hai đối tượng quan trọng là người dạy (thầy cô giáo) và
người học (học sinh).
Người giáo viên dạy văn không chỉ là người thầy mà còn là một nghệ sĩ trên
bục giảng. Thầy/ cô phải truyền cho học sinh mình ngọn lửa, nhiệt huyết của cuộc
sống, của lòng yêu nghề, sưởi ấm những trái tim thơ ngây, cùng học sinh trải qua
nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau (buồn vui, yêu ghét) trong thế giới văn học,
giúp học sinh thoát khỏi vùng trũng của kiến thức, vượt qua tâm thế sợ sệt và cảm
giác chán học môn Văn.
Tôi mong muốn góp một tiếng nói nhỏ từ những trăn trở, suy tư của mình
vào việc đổi mới phương pháp tổ chức, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và học
tập bộ môn Ngữ văn. Qua đó, tìm ra một hướng đi mới cho giờ dạy – học Ngữ văn
trong trường THPT nói chung và trường THPT Mường Lát nói riêng.
Trên đây là một số kinh nghiệm có thể áp dụng để nhằm nâng cao chất lượng
dạy học bộ môn Ngữ văn. Tuy nhiên chỉ là những ý kiến cá nhân được rút ra từ quá
trình giảng dạy ở trường THPT Mường Lát. Trong thực tế còn có rất nhiều các kinh
nghiệm từ các đồng nghiệp. Rất mong sự đóng góp của các quý thầy cô.
XÁC NHẬN CỦA THỦ TRƯỞNG
ĐƠN VỊ
Mường Lát, ngày 20 tháng 4 năm 2013
Tôi xin cam đoan đây là SKKN của
mình viết, không sao chép nội dung của
người khác.
Người thực hiện
Nguyễn Thị Linh
17
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phan Trọng Luận, Phương pháp dạy học văn, NXB Giáo dục, 1991.
2. Nguyễn Đăng Mạnh, Muốn viết được bài văn hay, NXB Giáo dục, 2001.
3. Phạm Toàn, Công nghệ dạy văn, ĐHQG Hà Nội, 2000.
4. Tài liệu bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục PTTH phục vụ cải cách
giáo dục.
MỤC LỤC
Trang
A. ĐẶT VẤN ĐỀ………………………………………………………………… 1
B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ………………………………………………………. 2
I. Cơ sở lí luận………………………………………………………………… 2
1. Quá trình dạy học…………………………………………………………… 2
2. Vai trò của môn Ngữ văn và việc dạy học văn……………………………….2
II. Thực trạng của vấn đề nghiên cứu………………………………………….3
III. Giải pháp và cách thức tổ chức thực hiện…………………………………4
1. Giáo viên tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ…………………………… 4
2. Hướng dẫn học sinh cách học bài………………………………………… 5
3. Đa dạng, linh hoạt trong kiểm tra và đánh giá………………………………8
4. Bao quát học sinh trong giờ dạy…………………………………………. 10
5. Sử dụng phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh………… 11
6. Giữ mối quan hệ thân thiện giữa thầy và trò……………………………… 13
7. Duy trì tiết học tự chọn ở tất cả các khối lớp…………………………… 13
IV. Kết quả đạt được………………………………………………………… 16
1. Kết quả………………………………………………………………………16
2. Nhận xét chung…………………………………………………………… 16
C. KẾT LUẬN……………………………………………………………………17
18