VIỆC NGHIÊN CỨU, GIỚI THIỆU VĂN HỌC TRUNG QUỐC
TRÊN TẠP CHÍ NAM PHONG
NGUYỄN VĂN HIỆU
Khảo sát việc nghiên cứu, giới thiệu văn học Trung Quốc ở Việt Nam
là một trong những yêu cầu rất cơ bản để nghiên cứu mối quan hệ văn hoá
giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhất là trong giai đoạn mối quan hệ văn học
giữa hai nước có chuyển biến về chất khi Việt Nam xây dựng “nền quốc văn
mới” và từng bước hiện đại hoá tiến trình văn học dân tộc.
Đây là vấn đề chưa được nhiều người nghiên cứu đến. Trong bài viết
này, chúng tôi bước đầu tìm hiểu việc nghiên cứu, giới thiệu văn học Trung
Quốc trên Tạp chí Nam Phong- tạp chí được gọi là tiêu biểu nhất, đậm chất
văn hoá- học thuật nhất trong số báo chí 30 năm đầu thế kỷ.
1. Nghiên cứu giới thiệu văn hoá- văn học Trung Quốc, cũng như chủ trương
bảo tồn văn hoá dân tộc, thực ra không nằm ngoài chủ đích chính trị của
những người sáng lập Nam Phong. Tồn tại suốt 18 năm (1917-1934) với 210
số, Nam Phong tạp chí theo chủ thuyết Albert Sarraut- thay chân Đông
Phương tạp chí, ca tụng “Đại pháp”, hô hào xây dựng nền văn hoá mới, dung
hoà Đôn- Tây, khuấy lên phong trào say mê nghiên cứu văn hoá để làm lãng
quên những vấn đề chính trị- “chủ trương lấy chính trị làm tôn chỉ không
bằng làm chủ nghĩa” (Nam Phong được mười tuổi. NP số 119/7/1917). Về
phía chủ bút Phạm Quỳnh, trên Nam Phong, Pham Quỳnh tuyên truyền cho
“chủ nghĩa quốc gia”, cho “chính sách bảo hộ” một cách không che dấu.
Theo Phạm Quỳnh, “về đường chính trị phải ban bố một độc lập ở cái thế
giới cạnh tranh này, nên phải nấp bóng dưới một cường quốc, nhờ che chở
cho “Quốc học và chính trị, NP số 168/8-9/1931) Phạm Quỳnh kêu gọi:
“Nhà văn muốn thờ nước không có phương tiện nào hay bằng: giúp cho
nước có một nền quốc văn xứng đáng” (Quốc học và Quốc văn. NP số
161/7/1931), và chính Phạm Quỳnh tự nhận mình là người tiên phong trong
phong trào gây dựng văn hoá, ông viết nhiều về tất cả các vấn đề thuộc văn
hoá khoa học Đông- Tây nhằm giới thiệu “văn minh thái Tây” cũng như
“văn minh Á Đông”…. Phải chăng đó là “chủ nghĩa quốc gia” dưới chiêu
bài văn hoá của Phạm Quỳnh?
Nghiên cứu Tạp chí Nam Phong không thể bỏ qua khía cạnh chính trị
này. Tuy nhiên, chúng ta không thể không chú ý đến một mặt khác của vấn
đề: cùng với Đông Phương Tạp chí trước đó, Nam Phong đánh dấu bước
phát triển mạnh mẽ của báo chí Việt Nam, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống
văn hoá giai đoạn. Chủ trương xây dựng nền học thuật mới, giới thiệu văn
hoá Đông- Tây, bảo tồn quốc hồn, quốc tuý, “đoàn luyện quốc văn” v.v….
Tạp chí Nam Phong đã góp phần không nhỏ trong việc đáp ứng nhu cầu sinh
hoạt văn hoá tinh thần, học thuật đương thời. Nam Phong thu hút được nhiều
tri thức cũng như đông đảo bạn đọc trong nước. Nhưng cây bút chủ lực của
Nam Phong phần nhiều là những người uyên thâm cựu học, lại có vốn Tây
học. Chính những công trình biên dịch, khảo cứu của họ đã góp phần đem
lại cho Nam Phong không khí học thuật vừa thâm trầm vừa mới mẻ. Và
không ai trong số họ cũng thấm nhuần “chủ nghĩa quốc gia” của Phạm
Quỳnh. Trong số họ có thể có không ít người còn ảo tưởng về chính trị
nhưng lại rất nhiệt tâm xây dựng học thuật nước nhà. Không phải ngẫu nhiên
nhiều học giả tên tuổi như Dương Quảng Hàm, Nguyễn Đông Chi.. đã từng
ghi nhận công lao của Nam Phong tạp chí, của Phạm Quỳnh đối với sự phát
triển của văn học nước ta trong buổi đầu của nền văn học hiện đại. Ngay từ
năm 1933, nhà phê bình Thiếu Sơn đã ghi nhận: “Có những kẻ không hiểu
biết gì về văn chương Pháp và Trung Hoa, nhưng với tạp chí Nam Phong, họ
có thể có được một trình độ tri thức cần thiết cho sự sống hàng ngày… và
khi đọc tạp chí này người ta có thể học hỏi được nền văn hoá Đông Phương”
(1)
Việc nghiên cứu, giới thiệu văn học Trung Quốc trên Tạp chí Nam
Phong và ý nghĩa của nó xuất phát từ yêu cầu chủ quan và khách quan trên.
2. Với 210 số, khổ lớn, dày trên dưới 100 trang, xuất bản đều đặn trong 18
năm (1917-1934), Tạp chí Nam Phong cho ra đời nhiều bài mục, thời sự…
trong đó những vấn đề liên quan đến văn hoá- học thuật, văn học Trung
Quốc chiếm số lượng không nhỏ, dù mục đích chủ yếu của Nam Phong là
tuyên truyền văn hoá thái Tây, chủ yếu là văn minh Pháp trong buổi văn hoá
cổ truyền của Trung Quốc không còn đủ sức chống lại sự du nhập mới từ
Phương Tây (Lời nói đầu NP số 1/7/1917). Hầu hết các bài viết trên Nam
Phong đầu ít nhiều liên hệ đến văn hoá học thuật Trung Quốc dù bàn về giáo
dục, quốc học, quốc văn, xã hội… Điểm nổi bật ở đây là tinh thần học thuật,
là thái độ ứng xử đối với văn hoá Trung Hoa trong buổi “hỗn hiệp” văn hoá
Đông Tây, xây dựng học thuật nước nhà. Điều đó cho thấy mối quan hệ văn
hoá nói chung, văn học nói riêng, giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được đặt
trên tầm quan hệ mới, phá vỡ mối quan hệ theo đặc trưng giao lưu Trung đại
có từ ngàn năm. Ông Tuyết Huy bàn khá thấu đáo về việc cần học chữ Hán,
“lựa những chữ Hán có thể dùng làm quốc văn”, “đón được cái mới vẫn tốt,
giữ được cái cũ vẫn hay”, và “dịch được nhiều sách thì cái tinh hoa văn hoá
vẫn còn” (Bàn về vấn đề học chữ Hán. NP số 24/6/1919). Nguyễn Bá Trác
kêu gọi các nhà Tây học “lấy cái con mắt nhà Tây mà phán đoán, mà tả chân
ra làm thành sách vở quốc ngữ truyền lại nghĩa lý Hán học cho người đời
sau… Tôi chỉ trông rằng sau này sẽ có một ngày kia, học mới học cũ cùng
chung đúc lại một lò, mà thành ra một nền văn học riêng củaViệt Nam ta”
(Bàn về Hán học, NP số 40/10/1919).Ông Tùng Vân trong “Bàn về lịch sử
nước Tàu” viết “Người Nam ta đối với lịch sử nước Tàu,chỉ nên chú ý về
lịch sử văn hóamà thôi… xét trong lịch sử Khổng học, đời nào là đời Khổng
học mờ tối, và Khổng học có ích cho xã hội thế nào, kẻ khảo về Đông
phương học, thực cũng nên biết.” (NP số 80/2/1924). Khảo sách “Xuân Thu
tả truyện”, Ông Nguyễn Trọng Thuật viết : “Cái mục đích của sự học vấn là
phải lấy phép thực nghiệm mà xét tìm cho kỳ đến chốn chân lý có thể căn cứ
được mới thôi” (NP số 127/3/1938). “Khảo về lối văn mới của người Tàu” ,
ông Nguyễn Tiến Lãng hy vọng “Tân thanh niên và tân học giả nước ta cũng
có thể biết tường tận cái chân tướng về cuộc vận động cải tạo rất quan hệ
cho văn học và cho cả xã hội Tàu ngày nay, phong trào ấy có nhiều vẻ đáng
kể cho ta bắt chước” (NP số 210/12/1934 ). Về tinh thần dịch thuật, Ông Đồ
Nam (Nguyễn Trọng Thuật ) viết : “Cái nền dân tộc học thuật đã phải bao
hàm, lại phải lấy tiếng nói của dân tộc làm căn bản, thì sự phiên dịch là rất
cần”, kể cả “những sách Tây đã dịch ra Hán ta cũng có thể chọn mà dịch lại
được” (NP số 196/12/1933)… Tuy có tính chất không thuần nhất trong hàng
ngũ các cây bút Nam Phong, nhưng có thể nói , trên đây cũng là tinh thần
học thuật khá nhất quán đối với những người khảo dịch văn hoá phương
Đông nói chung do yêu cầu khách quan, khoa học của phong trào gây dựng
văn hoá- học thuật nước nhà.
3. Về phương diện học thuật, nhìn chung các cây bút Nam Phong chú ý
nhiều hơn đến các vấn đề cổ học Trung Hoa và biên dịch nhiều hơn. Về
khảo luận đáng chú ý có bài của Trần Trọng Kim về Nho giáo (NP
65,66/1922), Đạo giáo (NP số 67, 8, 74, 75/1923); của An Khê về Triết học
Khổng giáo (NP số 83, 86/ 1923), học thuyết các môn đồ Khổng Tử (NP số
91,93/1924 ); các bài Bàn về học thuật nước Tàu (NP số 15/1918), bàn về
Hán học (NP số 40/1920 )của Nguyễn Bá Trác… Nhân vật cận hiện đại
Trung Quốc, Lương Khải Siêu, cũng được bàn đến, tác phẩm của Lương
Khải Siêu cũng được dịch giới thiệu khá nhiều . Về biên dịch, đáng kể các
bản dịch của Phạm Quỳnh như “ Khổng Phu Tử luận”, dịch của Edoward
Charannes (NP số 13/1918 ), “Khổng giáo luận” của Hovelaque (NP số
50/1921 ), “Cái tư tưởng căn bản của Khổng Mạnh” của giả Nhật, Phục Bộ
Vũ Chi Cát (NP số 85/1924 ), “Khảo về triết học nước Tàu” của Auroussean
(NP số 87/1924 )v.v… Nhưng dịch giả quan trọng nhất giới thiệu học thuật
Trung Hoa trên Nam Phong phải kể đến Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến. Ông
có mặt trong 18 năm tồn tại của Nam Phong, chuyên về học thuật Đông
Phương . Sự nghiệp dịch thuật của ông khá đồ sộ, cả cổ học Việt Nam lẫn
Trung Hoa. Về học thuật Trung Hoa ông dịch đủ mọi lĩnh vực : triết học, xã
hội học, văn học, lịch sử, phong tục … Về triết học, đáng kể là công trình
dịch tác phẩm “Khảo về học thuật nước Tàu” của Lương Khải Siêu (NP từ
số 163/1931 đến 187/1931); Khảo dịch “Mạnh tử quốc văn giải thích” (từ
NP số 78/1923 đến số cuối) và “Luận ngữ quốc văn giải thích” (cùng với
Nguyễn Đôn Phục ); về văn học, ông dịch các bài khảo về Khuất Nguyên,
Đào Uyên Minh, Tô Đông Pha… và đáng kể là ông dịch bộ “Văn học sử
nước Tàu” của Vương Mộng Tăng (NP 56 đến số 63/1922), và “Khảo về các
lối văn Tàu” (không ghi xuất xứ. Từ NP số 72 đến 76/11923). Đây là hai
công trình về văn học Trung Quốc được giới thiệu qui môn nhất từ trước đến
đó ở Việt Nam, góp phần không nhỏ trong việc giới thiệu văn học Trung
Quốc một cách có hệ thống ở Việt Nam.
Ý nghĩa của việc của việc dịch thuật tác phẩm Trung Quốc của Đông
Châu Nguyễn Hữu Tiến nói riêng, của Tạp chí Nam Phong nói chung, có thể
mượn lời của Nguyễn Khắc Xuyên để khái quát: “Như các nhà khảo cứu đã
nhận xét về Đông Châu: nếu với nền Pháp văn minh thịnh hành ở nước ta,
người ta ít chú trọng đến những bài giới thiệu văn học thái Tây của Phạm
Quỳnh thì nền Hán học suy vong, người ta càng cần đến những bài dịch
khảo cứu về học thuật và tư tưởng nước Tàu. Phải chăng đó là khía cạnh có
thể trường tồn được của Nguyễn Hữu Tiến?” (2).
Có thể nói, đến Tạp chí Nam Phong, nhiều vấn đề học thuật Trung
Quốc cổ trung đại mới được trình bày một cách phong phú và khá có hệ
thống, ở một mức độ nhất định, Nam Phong đã phát ra một cái nhìn có tính
khái quát về học thuật Đông Phương trên tinh thần học thuật mới.
Các dịch giả Nam Phong còn ít chú ý những vấn đề học thuật Trung
Quốc đương thời. Điều đó cũng dễ hiểu vì bấy giờ Trung Quốc cũng như
Việt Nam, đang vận động xây dựng học thuật mới. Mặt khác, phần nào do
cái nhìn chủ quan, hạn chế của không ít trí thức Nho học nước ta đương thời.
Năm 1933, ông Lê Dư có nhắc đến Hồ Thích và cuộc vận động tân học,
nhưng theo ông “sự đó ta đã làm trước nước Tàu ngót nghìn năm rồi” và ông
không thể chịu được “lời thơ mới của Hồ Thích xướng ra, không vần không
luật” (Nguồn gốc văn học nước nhà và nền văn học mới. NP 190/1933).
Người đầu tiên giới thiệu văn mới của Trung Quốc là Nguyễn Tiến Lãng.
Trong bài “Văn mới của người Tàu” (Nam Phong. 210/1934) ông ca ngợi
Hồ Thích, Trần Độc Tú trong cuộc vận động tân văn học. Về thơ, ông nhắc
đến thơ Từ Chi Ma “diễm lệ có đặc tính riêng”, thơ Quách Mạc Nhược “tư
tưởng và trang nhã”. Về văn, ông giới thiệu Lỗ Tấn với tác phẩm “Đời
Ahy”, nhắc đến Lão Xá, Mao Thuẩn, Đinh Linh… Ông viết: “Xem qua ta đủ
thấy người Tàu biết nhận cái ảnh hưởng của thái Tây về hình thức cũng như
về tinh thần. Đó cũng là một cái gương cho ta noi theo”.
Trên Nam Phong, khảo cứu chuyên về văn học chưa được dịch và giới
thiệu nhiều; bài viết của tác giả Việt Nam về văn học Trung Quốc cũng rất
ít. Văn mới Trung Quốc, thực ra phải đến 1945, với Đặng Thai Mai, nền
“văn học mới” của Trung Quốc mới được chú ý đúng mức.
4. Tác phẩm văn học dịch cũng chủ yếu là văn học cổ Trung Quốc, trừ một
vài truyện ngắn, tiểu thuyết. Có một tình hình chung, việc dịch các tác phẩm
văn học phương Tây thường gắn với ý thức nhằm giới thiệu lối văn mới để
người trong nước thưởng thức, học theo, và do đó, tác phẩm văn xuôi được
giới thiệu nhiều hơn. Phạm Quỳnh dịch truyện ngắn của Georges D’Esparles
trên NP số 2/1917 là nhằm giới thiệu “Truyện dịch sau này thuộc về lối
“đoản thiên tiểu thuyết” (Comte, Nouvelle). Lối ấy cũng là một lối hay trong
văn chương Tây, các nhà văn sĩ ta có thể bắt chước mà làm bằng tiếng Nôm.
Vì lối tiểu thuyết dài thì hiện nay người nước ta còn chưa đủ tư cách mà
khởi hành được”. Trong khi đó, việc dịch, việc thưởng thức giới thiệu tác
phẩm văn học Trung Quốc hầu như gắn với văn chương Á Đông hơn. Nhiều
dịch giả hầu như không quan tâm đến việc giới thiệu xuất xứ của tác phẩm
dịch, cả về thơ lẫn văn xuôi, có trường hợp không ghi cả tên người dịch, gây
khó khăn không ít cho người khảo cú.
- Về thơ, từ Nam Phong số 9/1918, với mục “Dịch thơ Đường”, Đông
Châu phụ trách, thơ cổ Trung Quốc được sao lục hoặc dịch mới, xuất hiện
khá đều trong mục “Văn uyển”, chỉ riêng thơ Đường đã có trên 300 bản
dịch.
Phần sao lục, đáng kể có sao lục của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến-
“Bản hội mới sao lục được một tập dịch Đường thơ, không biết của cụ nào.
Mỗi kỳ đăng mấy bài in cả nguyên thi chữ Nho để các nhà đọc báo tiện
xem” (NP số 9/1918), và sao lục của Lê Dư- “Nay tìm thấy được tập thơ
Đường diễn nôm này chưa rõ là nguyên nhân ai diễn”. (NP số 175/1932).
Sao lục của Đông Châu và của Lê Dư ngót 200 bản dịch thơ Đường lối thơ
rất thoát.
Mục dịch thơ Đường thu hút nhiều dịch giả trong cả nước, nhưng chủ
yếu là dịch giả miền Bắc, như Đàm Xuyên, Nguyễn Thế Nức, Trần Sở Kiều,
Nguyễn Kiểm, Phạm Hùng Kỳ… đáng kể có Phạm Sỹ Vỹ dịch “Thiên gia
thi”, 100 bài, in trên Nam Phong từ số 144/1929 đến số 149/1930, dịch theo
nguyên thể, nhiều bài được chọn in trong nhiều tuyển thơ Đường về sau.
Dịch giả quan trọng nhất dịch thơ cổ Trung Quốc trên Nam Phong là Tùng
Vân Nguyễn Đôn Phục với gần 100 bản dịch, từ thơ Nam Bắc triều đến
Đường, Tống. Vẫn nhiều nhất là thơ Đường. Thơ dịch của ông khi rải rác,
khi liền số, suốt từ 1922 đến 1934. Thơ dịch của ông thường có “Lời giải
kiêm lời bình”, xuất xứ rõ ràng. Ông chú trọng đến việc dịch theo nguyên
thể để “bảo tồn lấy thể cách”, nhưng thi thoảng cũng dịch theo thể thơ lục
bát và dịch rất tài hoa như bản dịch “Quy khứ lại từ” của Đào Tiềm (NP số
53/1921). Nhiều bản dịch của ông được coi là mẫu mực và được chọn in
trong hầu hết các tuyển thơ Đường. Xuân Diệu đã hết sức ca ngợi bản dịch
“Dữ Chu Sơn Nhân” (Đỗ Phủ) của ông (NP số 76/1923).