Tải bản đầy đủ (.doc) (45 trang)

Ngôn ngữ và giọng điệu trong truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (261.99 KB, 45 trang )

GIỌNG ĐIỆU VÀ NGÔN NGỮ TRẦN THUẬT
TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN QUANG SÁNG
3.1. Giọng điệu trần thuật
Trong Từ điển Thuật ngữ văn học của nhóm tác giả Lê Bá Hán, Trần
Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, giọng điệu được hiểu là “ thái độ, tình cảm, lập
trường tư tưởng đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả thể
hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình
cảm, cách cảm thụ xa gần, thân, sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay
châm biếm”[13,91]. Giọng điệu trong tác phẩm văn học là giọng điệu nghệ
thuật, nó “ là một phạm trù thẩm mỹ của tác phẩm văn học. Nó đòi hỏi
người trần thuật kể chuyện hay như thơ trữ tình phải có khẩu khí, giọng điệu
riêng. Giọng điệu trong tác phẩm gắn với các giọng “trời phú” của tác giả
nhưng mang nội dung khái quát nghệ thuật phù hợp với đối tượng thể hiện.
Giọng điệu trong tác phẩm có giá trị đa dạng, có nhiều sắc thái trên cơ sở
một giọng điệu cơ bản chủ đạo chứ không đơn điệu”[13,91]. Trong sáng tạo
nghệ thuật, giọng điệu có vai trò rất lớn: “ hiệu suất của lối kể chuyện, của
hành động kịch, của lời lẽ trữ tình trước hết thể hiện ở giọng điệu chủ yếu”
(Khrapchenko) [34,294]. Đối với tác phẩm văn học, giọng điệu nghệ thuật
không chỉ là yếu tố hàng đầu của phong cách nhà văn, là phương tiện biểu
hiện quan trọng của tác phẩm mà còn là yếu tố có vai trò thống nhất mọi yếu
tố khác của hình thức tác phẩm mà còn là yếu tố có vai trò thống nhất mọi
yếu tố khác của hình thức tác phẩm vào một chỉnh thể. “Thiếu một giọng
điệu nhất định, nhà văn chưa thể viết ra được tác phẩm, mặc dù đã có đủ tài
liệu và sắp xếp trong hệ thống nhân vật”[13,91]. Hơn nữa, giọng điệu ở đây
không chỉ là một tín hiệu âm thanh có âm sắc đặc thù để nhận ra người nói
mà là một hiện tượng “siêu ngôn ngữ”, phụ thuộc vào cấu trúc nghệ thuật
của tác phẩm, khuynh hướng nghệ thuật của tác giả và của thời đại. Như
vậy, giọng điệu là biểu hiện của thái độ cảm xúc chủ thể đối với đời sống,
giọng điệu mang nội dung tình cảm thái độ ứng xử của nhà văn đối với hiện
thực được phản ánh, giọng điệu thể hiện ở điểm nhìn của chủ thể, ở quan hệ
của chủ thể đối với cái được miêu tả. Trong truyện, giọng điệu phức tạp hơn


thơ, “chủ yếu gồm hai giọng cơ bản: giọng nhân vật đối với thế giới và
giọng của người kể chuyện đối với nhân vật. Tùy theo đặc điểm tính cách số
phận nhân vật, người kễ và các mối quan hệ đa dạng của chúng mà ta có
giọng điệu đa dạng”[54,110]. Do giọng điệu gắn với việc dùng hình tượng
để miêu tả đối tượng sáng tác nên nó thể hiện cách nhìn nhận riêng của cá
nhân đối với đời sống. Nói cách khác, giọng điệu tác phẩm phụ thuộc vào
cảm hứng chủ đạo của nhà văn. Vì vậy, trong sáng tác, mỗi nhà văn thường
có một giọng điệu riêng khiến ta khi đọc văn của họ dễ dàng nhận ra dáng vẻ
và cốt cách riêng ở mỗi người. Nguyễn Công Hoan thì dí dỏm trào phúng.
Thạch Lam thì nhẹ nhàng, mượt mà đằm thắm và sâu lắng …Còn Nguyễn
Quang Sáng là nhà văn xuất sắc của văn xuôi thời kỳ hiện đại, đặc biệt trong
thời chống Mỹ cứu nước và đổi mới, ông đã tạo cho mình một giọng điệu
trần thuật riêng. Đó là giọng điệu sử thi, hào hùng đan xen với giọng chiêm
nghiệm, triết lý, khác với giọng điệu đằm thắm tha thiết trữ tình của Anh
Đức, giọng tâm tình hòa lẫn chất dân gian của Nguyễn Thi.
3.1.1. Giọng điệu sử thi, hào hùng
Trong giai đoạn 1954- 1975, vận mệnh của Tổ Quốc đang đứng trước
những thử thách gay gắt, cả dân tộc muôn người như một sát cánh trong
cuộc chiến đấu vì lí tưởng chung là độc lập tự do và thống nhất Tổ Quốc.
Nền văn học của giai đoạn lịch sử ấy không thể là tiếng nói của những số
phận cá nhân mà phải là tiếng nói của cả cộng đồng dân tộc và nhân dân.
Những chủ đề bao trùm trong nền văn học giai đoạn ấy là những vấn đề về
vận mệnh của cộng đồng, hiện thực mà văn học phản ánh là hiện thực lịch
sử dân tộc, nhân vật tiêu biểu nhất là người anh hùng đại diện cho sức mạnh
và phẩm chất của dân tộc, giai cấp, cho thời đại và nhà văn cũng là người
phát ngôn cho tư tưởng, lập trường, tình cảm, quan niệm của cộng đồng,
nhân danh cộng đồng mà ca ngợi và lên án, kêu gọi và cổ vũ. Đó là một nền
văn học theo khuynh hướng sử thi, nó tiếp cận và phản ánh thực tại từ quan
điểm sử thi. Nền văn học ấy đã sáng tạo một thế giới nghệ thuật, bao gồm cả
bức tranh đời sống và những hình tượng con người - mang một vẻ đẹp riêng,

đậm màu sắc sử thi và chất lãng mạn.
Khuynh hướng sử thi đã chi phối hầu khắp các sáng tác thuộc đủ mọi
thể loại. Nó không chỉ thể hiện trong tiểu thuyết mà còn ở truyện ngắn và kí.
Khuynh hướng sử thi đã hình thành từ những bước khởi đầu của nền văn học
mới sau Cách mạng tháng Tám, nhưng từ những năm cuối cuộc kháng chiến
chống Pháp và nhất là trong thời kỳ chống Mỹ, khuynh hướng ấy càng phát
triển mạnh mẽ và bao trùm cả nền văn học.
Khuynh hướng sử thi chi phối từ việc lựa chọn đề tài, chủ đề đến việc
xây dựng hình tượng nhân vật và chi phối cả đặc điểm kết cấu tác phẩm,
nghệ thuật trần thuật trong văn xuôi. Văn học theo khuynh hướng sử thi
cũng tất yếu tìm đến những phương thức nghệ thuật phù hợp với nội dung sử
thi, đồng thời cũng tạo nên giọng điệu đặc trưng là giọng ngợi ca, trang
trọng.
Và giọng điệu sử thi, hào hùng cũng là “giọng nền” chủ đạo ở những
truyện ngắn sáng tác trước năm 1980 của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
Nguyễn Quang Sáng chủ yếu tập trung ngợi ca vẻ đẹp tinh thần của con
người Nam Bộ bằng cái nhìn ngưỡng mộ, say mê. Những con người kiên
cường anh dũng trong đấu tranh, thủy chung nhân hậu trong cuộc sống đời
thường và lạc quan tràn đầy niềm tin ở tương lai. Hầu hết các truyện ngắn
của ông trong thời kỳ này đều tập trung khai thác cuộc sống và chiến đấu
của nhân dân, đồng bào vùng đồng bằng Sông Cửu Long, đó là vùng Đồng
Tháp Mười và An Giang. Cũng khai thác đề tài chiến tranh cách mạng như
nhiều nhà văn khác nhưng Nguyễn Quang Sáng lại đi sâu khai thác tình cảm
ruột rà, máu mủ của tình cha con ( Chiếc lược ngà ), tình mẹ con ( Bông
cẩm thạch ), hay tình yêu đôi lứa ( Chị xã đội trưởng ), tình cảm vợ chồng (
Tên của đứa con ), tình đồng chí, đồng đội ( Bạn hàng xóm ). Đó là tình cảm
vốn rất thiêng liêng nhưng chiến tranh đã làm cho họ bị chia cắt.
Truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng cũng đồng thời tập trung khai
thác cuộc sống và chiến đấu của những con người rất đỗi bình thường. Đó
là những con người bình thường nhưng vĩ đại vì mang trong mình lý tưởng

cách mạng cao đẹp, sẵn sàng xả thân vì độc lập tự do cho Tổ quốc. Tất cả
đều “sống chung” với bom đạn Mỹ nhưng họ dám coi thường để vượt lên tất
cả mọi nguy hiểm.
Chất giọng trữ tình ngợi ca trước hết thể hiện qua việc tái hiện cuộc
kháng chiến của đồng bào miền Tây Nam Bộ, đó là những câu chuyện kể về
cuộc chiến chống Mỹ hào hùng mà bi tráng của nhân dân miền Nam được
Nguyễn Quang Sáng kể lại bằng một giọng tự hào. Một chuyện vui kể
chuyện anh Bảy Ngàn trên đồng nước bị trực thăng vây bố, sau hai lần hụt
chết, ung dung đến ngồi bên cạnh cây tràm bị tên lửa bắn, còn nghi ngút
khói, hút thuốc, thở khói phà phà. Câu chuyện mấy lần hụt chết đó lại cứ
như là “một chuyện vui”, chẳng mùi mẽ gì, thế nhưng cái điều kỳ diệu về tư
thế ung dung, coi thường nguy hiểm, xem thường kẻ địch lại gây ra một ấn
tượng sâu trong người đọc. Đó là “một bức tranh được đồng bào trong ấy,
nhất là anh chị em du kích rất hoan nghêng và đã phóng to trên các tường
phòng thông tin. “ Bức tranh có ba ô. Ô thứ nhất: chiếc máy bay trực thăng
sà xuống, mấy anh du kích lũi nấp vào bụi, rụt cổ, lè lưỡi nói với nhau: “ Ôi,
thứ này khiếp quá! “. Ô thứ hai: một anh du kích thò cổ ra, chỉa chiếc “
hoành tầm sàu” về phía máy bay: “ bắn một phát thử coi sau?”. Ô thứ ba:
chiếc trực thăng rơi nằm kềnh dưới đất. Mấy anh du kích trèo lên thân máy
bay cười hỉ hả: “ ngó như vậy mà ngon xơi đa! ” . Thì ra cái câu chuyện
đánh dấu một giai đoạn của cuộc đọ sức giữa bà con ta trong đó với vũ khí
hiện đại của quân thù…” .Cảnh, người, cuộc chiến đấu của miền Nam giờ
đây sau mà thân thiết thế! Nó đã sống và sống mãi trong lòng chúng ta, đi
vào vốn luyến tinh thần của mỗi người chúng ta, trở thành một sợi dây tình
cảm nhạy bén nhất trong tâm hồn chúng ta. Chỉ cần khêu nhẹ vào đó một
chút là sợi dây đó rung lên trong tìềm thức của chúng ta. Trong nội dung yêu
nước của chúng ta, từ bao giờ rồi, đã bao hàm tình yêu đối với miền Nam.
Quá trình Thu ( Chiếc lược Ngà) nhận ra bố do ngoại khêu gợi cũng
là quá trình em bé học được bài học vỡ lòng đầu tiên về Cách mạng và
kháng chiến, Thu đã hiểu ra vì sao bố con phải xa cách bảy, tám năm ròng ?

Vì sao bố Thu đã phải già đến nỗi không giống bức hình chụp trước kia
nữa ? Thu đã nhận ra tội ác của thằng Tây ở cái sẹo trên mặt bố, cái sẹo làm
cho Thu không nhận ra bố nữa và do đó cũng nhớ lại được tội ác của chúng
ở ngay cái bót vàm.
Đừng tưởng Thu là một cô bé khô khan. Trái lại, Cái tiếng “Ba…a…
ba !” mà Thu thốt lên khi nhận ra bố, mới cảm động làm sao, tiếng “Ba”
nhưng xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng “Ba” mà nó
cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng “Ba” như vỡ tung ra từ đáy lòng
nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và
dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó – Tôi thấy làn tóc tơ sau ót nó như dựng
đứng lên.
Nhưng lúc này, trong cái sung sướng được nhận ra “ba” cũng như
trước đây, trong cái gan lì không nhận ra “ba” Thu vẫn là một em bé cứng
cỏi, biết làm chủ cảm xúc của mình. Sau những cử chỉ rất tự nhiên như
muốn níu “ba” ở lại khi biết “ba” phải ra đi, cuối cùng Thu đã ôm “ba” một
lần nữa và mếu máo:
- Ba về ! Ba mua cho con một cây lược nghe ba – Nó nói trong tiếng
nấc, vừa nói vừa từ từ tuột xuống.
Vẫn rất trẻ thơ mà đã có cái gì thật là lớn. Và ở đây, trong phút chia
tay này, Thu lại học được bài học vỡ lòng thứ hai về Cách mạng qua lời dỗ
dành của người mẹ:
- Thu ! Con. Để ba con đi. Thống nhất rồi ba con về”.
“Thống nhất rồi ba con về”, bài học đó hẳn sẽ soi rọi mãi cuộc đời
chiến đấu anh hùng mà thằm lặng của cô gái giao liên Thu sau này. Thù nhà,
nợ nước, truyền thống kháng chiến trước và sau nhiệm vụ cách mạng tương
lai…hình như tất cả những gì cần thiết để tạo nên một phẩm chất anh hùng
đã đến với Thu ngay từ ngày thơ ấu ấy và đã đến với Thu trong một hoàng
cảnh độc đáo làm sao, với một cá tính độc đáo làm sao!
Chính mấy nét về bé Thu tám tuổi trên đây đã soi tỏ, đã giải thích khá
đầy đủ những hành động anh hùng của cô giao liên Thu sau này: cái bình

tĩnh đặc biệt của Thu dưới làn ánh sáng chói chang, ma quái của trực thăng
địch khi chúng đi soi đêm trên cái dòng kênh để phát hiện xuồng ta; cái mưu
trí dày dặn kinh nghiệm và lòng dũng cảm đầy tự tin của Thu khi phải đối
phó bất ngờ với bọn biệt kích địch; cái xúc động đến bàng hoàng của Thu
khi nhận được chiếc lược ngà, vật kỉ niệm của người cha suốt đời xa cách
cũng như cái trấn tĩnh phi thường của Thu khi phải nhắc đến cái chết của
người cha mà chính người trao vật kỉ niệm này tìm cách giấu giếm; “ Cháu
chịu đựng được, bác đừng ngại, cháu nghe tin ba cháu chết đã hai năm rồi,
sau đó thì cháu xin má cháu đi giao liên”.
Có thể nói, trong khuôn khổ của một thiên truyện ngắn, Nguyễn Sáng
đã dựng lại cho ta không phải một người anh hùng chung chung nào đó mà
là một tính cách anh hùng sinh động, độc đáo.
Câu chuyện mở đầu bằng cuộc gặp gỡ với ba nhân vật chính: cha, con
và một đồng chí chiến đấu của cha (người kể chuyện này). Trong cuộc gặp
gỡ ấy, Thu hầu như chỉ mới biết có một thứ tình cảm: tình cha con – tất
nhiên không phải tình cha con thông thường mà là tình cha con trong Cách
mạng. Câu chuyện kết thúc cùng bằng một cuộc gặp gỡ giữa hai ba người:
Chiếc lược ngà hay là hiện thân tấm lòng của người cha chiến sĩ đã khuất,
người con hay là cô gái giao liên Thu và người đồng chí chiến đấu của cha
xưa, cũng là người khách Thu có trách nhiệm đưa đường. Bao quanh cô gái
giao liên lúc này không phải chỉ có những cánh lúa xanh mà là một thế giới
tình cảm cũng dạt dào như sóng lúa vậy: tình cha con, tình đồng chí, tình
cảm quá khứ, với người đã khuất và tình cảm với con người hiện tại, tất cả
như hòa vào nhau, chuyển hóa với nhau, thống nhất làm một trong khung
cảnh của quê hương đang chiến đấu và sinh sôi nẩy nở. Có phải đây chính là
biểu hiện cụ thể của một thứ tình cảm mới mà chúng ta gọi chung bằng một
cái tên cao quý: tình cảm Cách mạng !
Toàn truyện là một bài thơ, trong đó chất hùng ca quyện chặt với chất
trữ tình làm một, cái trữ tình riêng của tác giả lẫn kín trong không khí tình
cảm khách quan của câu chuyện. Có thể nói Chiếc lược ngà là một tác phẩm

trong bản lĩnh riêng của Nguyễn Sáng được bộc lộ trên khá nhiều mặt đặc
sắc. Lối kể chuyện tưởng chừng như rất thoải mái, tùy hứng, nhưng thật ra là
đã thông qua ban tay rất chủ động của tác giả.
Giọng sử thi, hào hùng trong Quán rượu người câm : Ba Hoành là
đảng viên, hơn bốn mươi tuổi, bị địch bắt vì hồi kháng chiến chín năm anh
là ủy viên nông hội đo đất tạm cấp cho dân làng – qua ba tháng chịu mọi cực
hình tra tấn, anh vẫn giữ được khí tiết đảng viên, không khia báo gì. Nhưng
cùng lúc đó, có một tên phản bội không chịu nổi ngón đòn tra tấn, hắn đã
khai người cháu gọi bằng chú – là liên lạc của mình. Người cháu bị bắt thấy
chú mất tinh thần như thế tỏ ra khinh bỉ và để biểu lộ khí chí kiên cường của
mình, đã cắn lưỡi đứt ra hi sinh. Ba Hoành đặt đầu lưỡi cô gái trên tay khóc
và nhổ nước miếng vào mặt tên phản bội. Sau đó trong một trận tra tấn anh
bị địch dùng bù loong đập lên cổ nên bị câm. Không khai thác gì được ở anh
nữa, chúng phải thả ra.
Về nhà anh mở quán bán rượu để nuôi vợ và ba con. Nơi đây trở
thành điểm tụ họp của bà con. Người ta kể lại mọi tin tức về địch khủng bố,
bắt bớ tra tấn người, nhiều chuyện rất thương tâm.
Mỗi khi khách về hết anh uống rượu – đúng hơn là rót thẳng vào họng
những chén rượu và khóc.
Ngoài chuyện trong lòng, ngoại huyện, bản thân anh còn có một nỗi
đau thầm lặng trong lòng ! Đó là vì đói nghèo nên mất người yêu, vì vậy đến
năm ba mươi sáu tuổi mới lấy vợ. Vợ anh là người đàn bà luống tuổi – người
yêu của một vệ quốc đoàn đã hi sinh…
Hình tượng Ba Hoành, trước hết đó là một đảng viên trung kiên, dũng
cảm. Sự thử thách quyết liệt đối với anh là vượt qua được sự yếu hèn, sợ hãi
để giữ cho được khí tiêt đảng viên. Trước mặt quân thù và đồng bọn anh trân
trọng hi sinh của một cô gái, phỉ nhổ vào mặt tên phản bội cũng phải có
dũng khí mới làm được. Ba Hoành là biểu tượng của sự tất thắng trong chiến
đấu. Bởi vì thời kì này có thể coi là hoàn cảnh điển hình làm bật ra những
mâu thuẫn, những lí tưởng sống, con người phải bộc lộ bộ mặt thật của

mình, phải chọn cho mình một chiến tuyến giữa hai cực đối lập nhau: cao
thượng và thấp hèn, sống và chết, công và tội…Là người câm nhưng tai vẫn
nghe chuyện đời, lòng vẫn đau xót khi được tin đồng bào bị giết hại, nhưng
khóc thì không có nước mắt. Mỗi khi khách về hết, anh ngửa cổ lên dốc
thẳng vào ống họng những chén rượu, nhờ chất men làm khoây đi cái cay
đắng, căm thù ? Không, lòng Ba Hoành “sóng đang nổi lên từ đáy lòng
người ta gọi đó là sóng ngầm”.
Tác giả đã giành một phần khá dài để tả về sự ra đời và cuộc đấu tranh
của đội quân “tóc dài”. Ba Hoành vẫn là người chủ quán rượu, quán rượu đã
biến thành diễn đàn tranh luận về cuộc tranh đấu. Anh đã trịnh trọng đưa cho
bà Tư Trầu một ly rượu màu hồng quân – người ta đã biến thế trận từ bị
động sang tiến công làm cho quân địch nhục với “đàn bà”. Và ông chủ quán
ấy đã cổ vũ cuộc đấu tranh này bằng chính tay mình cất rượu trái cây riêng
cho đàn bà, uống vào ngọt mà không say…
Phần cuối của truyện ngắn làm người đọc hể hả, sung sướng với
những tình tiết bất ngờ bởi kĩ thuật phục bút của tác giả rất khóe léo, tài tình.
Chúng giết “bà Tư Trầu và những người khác nữa. Trong làng có
thêm những đứa bé chít khăn tang” nhưng quán rượu vẫn không hết khách !
Người đọc xót xa thấy sự im lặng bao trùm lên xóm làng, nhưng nó không
phải là sự im lặng của đau thương. Mà sự im lặng giống như sự bị câm của
Ba Hoành ! Nghĩa là trong sự im lặng đó đang có những đợt sóng tràn trào
trong lòng mọi người. Rồi bỗng một đêm nhà thờ, chùa chiền đánh chuông,
người ta đánh mõ, đánh trống, thùng thiếc, xoong nồi… cái gì có tiếng kêu
đều đực huy động vào cuộc chiến đấu. Nhân dân đã nhất tề đứng lên làm
cuộc “Đồng khởi”. Và đã san bằng đồng bót bằng những tiếng kêu đó, hòa
trong lớp sóng người !
Một sự bất ngờ sững người, kinh người: trong ánh lửa hồng người chỉ
huy hiện lên trước khán đài…
“… Bốn năm nay tôi không nói, không phải tôi câm. mà tôi im lặng.
Đã đến lúc chúng ta không im lặng được nữa. Đã đến lúc chúng ta phải…

Chủ đề tác phẩm đã thể hiện một cách sâu lắng, nhưng rõ ràng: “sự
nổi dậy, đồng khởi của nhân dân miền Nam đã trải qua bao ngày gian khổ và
đã đưa cuộc chiến đấu chống Mỹ sang một bức phát triển mới mẻ”. Một
nhân vật với một tình tiết, tính cách Ba Hoành đi suốt chiều dọc câu chuyện,
nhưng người đọc vẫn thấy một sức hút kì lạ của nó.
Giọng điệu sử thi, hào hùng còn thể hiện ở sự trở về gặp gỡ của những
người con đi xa. Mùa xuân năm 1975 đã đánh dấu một mốc son chói lọi
trong lịch sử hào hùng của dân tộc. Chiến tranh đã khép lại, non sông quy về
một mối. Bao người con đi xa vì tiếng gọi thiêng liêng, có người đã nằm yên
dưới lòng đất mẹ, không được chứng kiến giây phút huy hoàng của ngày
toàn thắng. Những người còn lại, có người đã xa quê hương, xa người thân
trên 20 năm, nay trở về quê hương với niềm hân hoan, tự hào của người thân
và dân làng. Đó cũng là đề tài – tư tưởng cho rất nhiều truyện ngắn của
Nguyễn Quang Sáng, tập hợp lại thành tập Người con đi xa.
Sự trở về của Đại tá Trần Tất Đắc trong Người con đi xa đã là niềm
vui, niềm tự hào của bà con làng quê ông: “ Anh là người được bà con dòng
họ, bạn bè và dân làng đón tiếp niềm nở nhất so với những người đi kháng
chiến đã trở về thăm làng. Tấm lòng của dân làng đối với anh thật công
bằng, vô tư không ai có thể ganh tị được. Vì anh là một trong những người
ra đi sớm nhứt, từ ngày đầu năm 1945, đi đến mút mùa hai cuộc kháng
chiến. Đi đúng 30 năm mới trở về với cương vị Đại tá, Đại tá Trần Tất
Đắc . . . ”.
Đề tài tư tưởng này không chỉ giản đơn là xóa bỏ khoảng cách mà ẩn
ý sau xa hơn: sự trở về, sự hòa hợp, đoàn tụ của một dân tộc sau bao nhiêu
năm xa cách, nỗi đau thương mất mát vì thế mà dịu đi. Niềm vui, niềm hân
hoan, niềm tự hào của bà con hàng xóm đón người đi xa trở về cũng chình là
niềm vui mà bao năm tháng chờ đợi, chịu mất mát hi sinh nay được bù đắp,
được đền đáp.
Giọng sử thi cũng thể hiện rõ qua các hình ảnh trong tác phẩm:
“Trong ánh sáng chói chang, hoa ô môi đỏ rực. Những lá cờ lớn trải trên tán

cây, nối tiếp nhau từ đầu làng đến cuối làng. Làng bổng rực rỡ sáng đẹp lạ
lùng. Màu đỏ thắm của hoa ô môi như kích thích chúng tôi thấy yêu tha thiết
các làng của mình” [43, 63]. Khi kể về sự nổi dậy của nhân dân trong những
ngày đồng khởi nhà văn miêu tả như hình ảnh ngọn đuốc giàu tính tượng
trưng. Hình ảnh ngọn đuốc: “Cái đưa lên, cái đưa xuống rào rào như một
đám cháy. Người ta quơ đuốc cho cháy to hơn , quơ đuốc cho lửa bốc cao và
người ta phóng cả ngọn đuốc bay vọt lên không. Tưởng chừng như hàng
ngàn ngọn lửa đang đốt cả trời đêm” [43, 95]. Hình ảnh đã gởi lên ngọn lửa
cách mạng đang ngùn ngụt cháy, ngùn ngụt trào dâng trong lòng người miền
Nam quả cảm đứng lên trong tư thế của người chiến thắng. Nhà văn thể hiện
giọng điệu trữ tình, ngợi ca qua những hình ảnh tính tượng trưng để truyền
đạt được vẻ đẹp tự nhiên và nhân cách con người vào trong tác phẩm, cũng
như biểu hiện thái độ tình cảm của mình về những điều liên quan đến cái đẹp
và làm cho cái đẹp trở nên phong phú hoàn thiện hơn.
Như vậy, giọng sử thi hào hùng là giọng điệu chủ đạo trong sáng tác
của Nguyễn Quang Sáng trước 1980. Giọng điệu ấy được thể hiện qua: việc
tái hiện lại cuộc chiến đau thương mà hào hùng của dân tộc, ngày trở về của
những người con bao năm xa xứ vì nghĩa lớn và qua cách sử dụng những
hình ảnh giàu tính tượng trưng. Nhà văn miêu tả con người hòa quyện với
không khí đấu tranh, với thiên nhiên cây cỏ, với tâm hồn rộng mở bao la của
sông nước Cửu Long, với tình cảm nồng thắm như hoa ô môi đỏ rực sáng
ngời ý chí căm thù và chiến đấu của con người miền Nam.
3.1.2. Giọng xót thương, cảm thông
Nhờ yếu tố đa giọng điệu với khả năng điêu luyện trong nghệ thuật
trần thuật với chiều sâu nội dung phản ánh hiện thực mà truyện ngắn
Nguyễn Quang Sáng hấp dẫn người đọc. Truyện ngắn của Nguyễn Quang
Sáng không chỉ tập trung ngợi ca mà còn đi sâu vào từng ngõ ngách trong
tâm hồn của con người, nhất là những con người trong cuộc chiến, trở về sau
cuộc chiến và ngay cả những mảnh đời trong hiện tại.
Trong truyện ngắn Ông Năm Hạng, ông Năm Hạng được mô tả khi

trải qua nhiều bi kịch tâm lí. Trước cái chết bí ẩn của đứa con tình máu mủ
ruột rà trong ông trỗi dậy, là người cha thương yêu tự hào về con. Diễn biến
tâm trạng của ông có nhiều thay đổi khi nói về con mình: “ Sắc mặt của ông
trầm xuống, đôi mắt xếch long lên vừa rỉ ra hai giọt lệ, người ông như chìm
trong ý mghĩa đen mù”. Nhân vật tôi ướm hỏi: “ Nếu rủi như ảnh là Việt
gian thì bác nghĩ như thế nào?”. Thái độ của ông Năm Hạng chuyển đổi rõ
rệt, quả quyết và dứt khoát: “ Nó đi làm Việt gian thì để cha nó sẽ xử nó”.
Tâm lí của ông Năm Hạng thể hiện ở đây là tâm lí của một người cha
thương con, một nỗi niềm tâm sự hiển nhiên của người làm cha, làm mẹ. Sự
chuyển biến trong tâm lí, tính cách của ông Năm Hạng từ khi biết sự thật về
người giết con mình được thể hiện qua cảnh đối thoại giữa ông và tên Lý, đã
lột tả được bản chất con người bên trong của ông. Từ giọng nói “rưng rưng
nghẹn ngào bật lên tiếng nấc và hai cánh tay rụng xuống như cánh cung bị
gãy làm đôi” đến giọng của ông vừa căm hờn vừa đau xót “. . . mày mới giết
con tao”. Ngòi bút sắc lạnh của nhà văn đã thể hiện những diễn biến phức
tạp của tâm lí nhân vật. Ông Năm Hạng là một người cha thương con, đau
xót trước cái chết của đứa con, nhưng không phải vì vậy mà ông không phân
biệt được lẽ phải, chính nghĩa và gian tà.
Nhân vật Bảy Quyên ( Tên của đứa con) là người phụ nữ xinh đẹp
nhưng lại có số phận không bình lặng. Bảy Quyên có những ngày hạnh phúc
sau sự trở về của người chồng tưởng như đã chết, niềm vui như được nhân
đôi khi biết mình sắp được làm mẹ. tình huống khó xử xảy ra, một bên vì sự
an nguy dễ bề hoạt động cho chồng cô phải giấu là anh còn sống, một bên là
việc nói ai là cha đứa con cô mang trong bụng? Tình huống éo le đã đẩy
nhân vật vào bi kịch chịu tiếng oan “ bị mọi người khinh rẻ xa lánh”. Hình
ảnh Bảy Quyên đã thể hiện cách nhìn của nhà văn về con người cách mạng
dưới góc nhìn “đời tư”, “thân phận”. Nhân vật được nhà văn đặt vào hoàn
cảnh đặc biệt của chiến tranh, để từ đó sáng lên vẻ đẹp của con người bản
lĩnh, kiên nghị. Vẻ đẹp của Bảy Quyên tượng trưng cho vẻ đẹp của tư tưởng
nhân văn cách mạng.

Những năm tháng sau ngày giải phóng, ở miền Nam nổi cộm lên một
ván đề: dân cư ở thành phố quá đông đúc, không có công ăn việc làm. Cái
đói, cái nghèo và cuộc sống không ổn định là điều không tránh khỏi. Nhà
nước chủ trương di dân lên vùng kinh tế mới.
Khảo sát truyện ngắn sau 1975 của Nguyễn Quang Sáng, ta có thể thấy
nhà văn đã có những thay đổi căn bản so với trước đó. Nếu trước đây ông
tập trung miêu tả nhân vật ở vẻ đẹp cá tính, tâm hồn con người gắn trong
mối quan hệ với cộng đồng, với cách mạng thì sau 1975 vấn đề mà nhà văn
quan tâm là đạo đức của con người và những vai trò mới của con người
trong cộng đồng xã hội. Nhà văn cảm nhận về con người đời tư gắn liền với
“ mô típ” cá nhân lầm lỡ, mất mát, cô đơn. Nhân vật đời tư là những “con
người bé nhỏ” thường có số phận không may rơi vào hoàn cảnh éo le.
Truyện ngắn Hạnh và một số truyện ngắn khác của Nguyễn Quang
Sáng đã tập trung khai thác đề tài này. Việc từ bỏ chốn phồn hoa đô hội để
đến với vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh là điều không hề đơn giản. Mọi tình
tiết trong truyện ngắn này thể hiện được quá trình đấu tranh day dứt của
nhân vật.Qua đó nhà văn còn giúp người đọc thấy được số phận những
người nông dân, thị dân trong xã hội đó phải chịu bao nỗi chua cay, khắc
khổ của đói nghèo, cũng như những bi kịch của người lính sau cuộc chiến,
họ phải hứng chịu nhều bất trắc. Có thể nói, đằng sau những trang viết phản
ánh hiện thực đó là cả một tấm lòng, sự cảm thông trước bao đau khổ của
người dân lao động nghèo thấp cổ bé họng. Nguyễn Quang Sáng đã đau
cùng nỗi đau của đời. Trong truyện Cái gáo mù u là sự cảm thông cho
những mảnh đời nhỏ nhoi sống trong tàn tạ, đó là số phận, là cảnh đời cô gái
bán cháo đậu ở thành phố sau cuộc chiến: “Rồi cô ngửa mặt cười, người
xung quanh cười theo. Cô chấp nhận cái nợ đời ấy thật hồn nhiên, không
hờn, không giận, không tủi như chấp nhận cái thân phận của mình là cô bán
cháo đậu. Mờ sáng tôi đã thấy cô từ một cái hẻm nhỏ bên kia đường, trên
vai chiếc đòn gánh cong quằn, đầu trước là một rổ tô chén, đầu sau là nồi
cháo. Vừa bé lại vừa thấp, hai cái đầu gánh cứ nhún nhẩy theo bước chân

là dưới mặt đường. Chẳng biết nồi cháo lời được bao nhiêu mà nhọc nhằn
quá. Tôi hỏi, cô không nói rõ số tiền mà nói đắp đổi qua ngày”.[43,59]
Đó còn là bi kịch của người lính trở về sau chiến tranh, trong chiến
đấu họ là những anh hùng, lập được nhiều chiến công, anh dũng xem thường
cái chết, nhưng trở về với cuộc đời thường họ lại lạc lõng bơ vơ và không
thể hòa nhập, bị đẩy qua bên lề xã hội, khó khăn trong cuộc sống, chật vật
tìm kiếm miếng ăn: “Từ chiến trường Campuchia trở về, mất sức, anh xin
chuyển ngành, về phụ trách tổ chức cho một xí nghiệp. Qua một năm, Tấn
thấy công việc không hợp mình. Anh tự thấy mình không đủ sức hiểu người
trên, người dưới và người chung quanh. Họ không dễ hiểu dễ nhận như
những người lính của anh. Người ta tặng quà, anh không dám nhận, được
mời đi tiệc tùng cũng e ngại. Anh thấy đằng sau những buổi tiệc linh đình là
một cái gì đó sẽ đến với anh. Có được một bữa nhậu tình nghĩa thật hiếm
hoi. Đã đến cái tuổi muốn thảnh thơi, anh xin hưu. Hưu sống sao đây? Vợ
chồng anh sống sao cũng được, không đòi hỏi gì, chỉ thương hai đứa con bị
thua thiệt muốn xem tivi màu phải xem nhờ hàng xóm, đi học thì nhờ bạn bè
chở giúp. Vợ anh, thỉnh thoảng lại bị sốt rét rừng tái phát, vẫn xanh xao,
mỗi ngày mỗi yếu, không xông xáo như chị em.Cũng may, nhà có được cái
sân, anh che mát, làm trại mộc. Khởi đầu là sửa bàn ghế cho lối xóm, sau
đóng bàn đóng ghế cho các quán cà phê, quán bia vỉa hè. Chỉ cần đóng ghế
cóc thôi cũng đã có đồng ra đồng vào. Dần dần, khách đến đặt bàn, đặt tủ.
Một mình làm không xuể, anh về quê, kéo lên những tay nghề đang thất
nghiệp ” .
Trong Bàn thờ tổ của một cô đào: Cặp nhân vật Vân Tiên - Nguyệt
Nga trong truyện ngắn Bàn thờ Tổ của một cô đào là Châu và Thanh Sa-
Thanh Sa là một cô đào cải lương. Vai tuồng của cô là một nàng tiên vì khao
khát đời sống trần gian nên được Phật Bà cho xuống hạ giới một năm . Hết
hạn một năm cô tiên bay về trời. Bay trên sân khấu chẳng phải là cái gì khó
khăn. “Tuồng bay” đã một độ tha hồ hốt bạc. Khốn nỗi anh chàng kéo sợi
dây để tiên bay không đủ sức, dù anh đã buộc thêm cả một cục đá ở đầu dây

cho thêm sức nặng. Hay nhất là lớp tiên bay mà tiên không bay lên được thì
thất bại to. Tệ hơn là vì bay lên lại nhào xuống thì vừa khôi hài, vừa nguy
hiểm. Thanh Sa lo quá. May thay “lâm nguy mà được giải nguy” Châu xuất
hiện và động lòng nghĩa khí. Anh chỉ chồm phóng lên chụp sợi dây và sức
nặng của thân hình rắn chắc của anh kéo Thanh Sa ở đầu kia sợi dây bay vút
lên trời thật ngoạn mục. Cô đào thành công rực rỡ. Thế nhưng một lần sợi
dây bay vì dùng quá nhiều, bị ải và đứt, Châu ngã đập đầu vào tảng đá chết.
Từ đó Thanh Sa lập bàn thờ Châu bên cạnh bàn thờ Ông Tổ chung của các
đoàn hát. Thanh Sa thờ Châu như Nguyệt Nga thờ Vân Tiên vậy. Câu
chuyện kết thúc với một nỗi buồn man mác. Khi Châu đã tắt thở, đôi mắt
anh vẫn mở như muốn nói một lần nữa với Thanh Sa câu anh đã từng nói cổ
vũ cô đào: “Tôi sẵn sàng hạ xuống để Thanh Sa bay lên”. Và tác giả bình
luận thêm: chúng ta dù lớn dù nhỏ nhưng ai là người đang có một sự nghiệp
nhất định, chắc rằng trong mỗi chúng ta đều có một người nào đó đã “hạ
xuống cho ta bay lên”. Câu nói nhắn gởi rất nhiều.
Đối diện với ông lúc này không phải là đề tài sống, chết trong trận
chiến ác liệt mà là số phận cá nhân, là thế giới nội tâm vốn rất phong phú và
phức tạp của con người, trong đó bao hàm những mặt đối lập giữa cái tốt và
cái xấu, cái cao cả và cái thấp hèn, cái thật và cái giả . . . Những mặt đối lập
đó có khi tồn tại đan xen, khuất lấp nhau trong mỗi cá nhân, mỗi con người.
ta có thể thấy được điều đó qua các truyện như: Tôi thích làm vua, Thế võ,
Con chim quên tiếng hót,…
Giữa cuộc sống xô bồ, ồn ả ấy, nhiều khi người ta chạy theo những giá
trị vật chất hiện hữu nào đó mà quên đi sự tiềm ẩn bên trong một con người,
một cá nhân nào đó. Tư sang trong Thế võ là một minh chứng. Người ta chỉ
biết anh ta là một người “ gầy đen đúa” và “ làm nghề chăn vịt ở xóm dưới”.
Nhưng khi cần lên võ đài để cứu nhục cho cả làng thì anh đã thể hiện sức
mạnh của mình. Đó là sức mạnh của sự chính chắn, khiêm tốn và hiểu
người, hiểu ta. Chiến thắng của anh cho thấy: Giữa cái mạnh mẽ, tiềm tàng
bên trong của một con người, một cá nhân nhiều khi không đồng nhất với

cái vỏ hình thức bên ngoài. Đó cũng chính là sự khẳng định giá trị của một
cá thể, một bản thể người theo cách riêng của Nguyễn Quang Sáng .
Linh Đa trong truyện ngắn cùng tên là cô gái có cá tính mạnh mẽ, giàu
nghị lực. Nhưng chiến tranh đã cướp đi cuộc sống bình yên của gia đình cô
từ một quả bom trộm làm chết “ ba đứa em bị vùi sâu dưới hố”. Gia đình dắt
dìu nhau về Sài Gòn sinh sống, ba cô bị trúng bom vào nhà thương, nhà cửa
bị bom đánh tan hoang. Nhất là chiến tranh đã cướp đi chàng trai tốt bụng,
mối tình đầu của cô “mối tình trong mơ tưởng đầy hạnh phúc, mối tình
không có chỗ cho khỏ đau”. Sự mất mát của gia đình cùng sự ra đi của
người yêu đã biến Nguyễn Thị Đa chân chất thành Linh Đa đầy ngang tàng,
trụy lạc. Cô sống trong “tiếng nhạc âm u dưới ánh đèn mờ”, “ từ cái vốn của
sòng bạc” và thậm chí bằng cả cuộc đời trắng trong của người con gái chỉ để
có tiền “ tiền để chạy thuốc cho cha, tiền để sửa lại ngôi nhà”.Cuộc đời
người con gái truân chuyên này sẽ ra sao nếu không có sự gặp gỡ bất ngờ
với nhan vật “tôi”- “người kể chuyện, người chứng kiến” là anh ruột của
người yêu cô đã cho cô biết về sự hi sinh cao cả của đứa em mình, người mà
cô dành trọn tình yêu thương và sự trân trọng. Cuộc gặp gỡ và câu chuyện
với nhân vật “tôi” về với cuộc sống lương thiện, làm lại cuộc đời mình. Nhà
văn đã nhấn mạnh đến hai mặt tưởng như trái ngược nhau nhưng vẫn là một
con người, một số phận: vừa liều lĩnh bất cần không hy vọng ở tương lai, lại
có những khát khao được sống hạnh phúc như một người phụ nữ bình
thường.
Trong truyện Con ma da, nhân vật Hiền là hiện thân của sự bất hạnh,
trái ngang. Nỗi đau của bi kịch “ lầm lỡ” được gia tăng khi nhà văn đưa chi
tiết “con ma da” lồng vào câu chuyện. Chi tiết này đã gợi lên những điều sâu
xa có ý nghĩa trong cuộc sống. Những hủ tục, mê tín lạc hậu đã làm cho con
người tin mù quáng, bảo thủ. Cái chết của thân phận đã khép lại một kiếp
người nhỏ nhoi. Những “ cái cũ”, “ định kiến” của những người có tư tưởng
bảo thủ, ít rộng lượng đã đẩy nhân vật rơi vào bế tắc của cuộc đời. Qua
những nhân vật trên, có thể nói nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã thể hiện

thành công giọng điệu xót thương,cảm thông cho những phận người, nhất là
những phận người bé nhỏ.
3.1.3. Giọng triết lý
Giọng điệu triết lí không phải lúc nào cũng được khái quát thành câu
văn phơi bày trên trang giấy mà đôi khi nó còn ẩn sau câu chữ. Qua sự lắp
ghép những câu chuyện, nhà văn thể hiện quan niệm về số phận của con
người trong xã hội.
Sau năm 1980, một số truyện ngắn thường có kiểu kết thúc mang đậm
tính triết lí của nhà văn về những vấn đề đạo đức, thế sự và nhân sinh (Con
chim quên tiếng hót, Con mèo của Foujita, Con khướu sổ lồng, Thế võ, Tôi
thích làm vua, Con khỉ mồ côi, Gà sanh đôi, Bài học tuổi thơ …). Ở những
tác phẩm này việc xây dựng cốt truyện thường ngắn gọn, hàm súc, giàu sức
biểu hiện. Ở đó, một chi tiết, một hình ảnh hay một sự kiện được tác giả sử
dụng nhiều lần, có tác dụng gây ấn tượng tạo nên chủ âm của tác phẩm, đặc
biệt là cấu kết. Khi kết thúc tác phẩm, nhà văn buông một vài lời tán tụng
hay khuyên răn giáo huấn. Điển hình là truyện Con chim quên tiếng hót chỉ
vẻn vẹn hai trang kể lại việc ông nội “tôi” có nuôi một con nhồng. Con
nhồng biết nói những câu “chào khách”, “em ơi em”. Nhưng dần, những đứa
nhỏ dạy thêm những câu “đồ đểu, cút đi”, nó nói miết thành quen và quên
dần tiếng hót. Một hôm, quan huyện đến nhà, nó cất tiếng nói: “đồ đểu, cút
đi”, vì sợ quan, ông nội đã đập chết ngay con nhồng. Sau cái chết của con
nhồng bà rút ra lời răn dạy: “Cho nên, biết thì nói, không biết thì đừng nói
theo lời người khác, chết oan đó các con”. Qua câu chuyện con chim có ý
nghĩ khuyên răn: con người hãy sống đúng với chính mình đừng đánh mất
bản thân. Truyện Thế võ kết thúc bằng câu chuyện chiêm nghiệm về thói
đời: “Thế võ không bằng cái thế ở đời”. Kết thúc truyện Bài học tuổi thơ là
một triết lí nhẹ nhàng:
“Chuyện của đứa học trò bị bài văn không điểm đã để lại trong tôi một
nỗi đau. Em bị không điểm, nhưng với tôi, người viết văn là một bài học, bài
học trung thực. Sáng tạo không đồng nghĩa với bịa đặt. Giữa những dòng

chữ bịa đặt và trang giấy trắng, tôi xin để trang giấy trắng trung thực trên
bàn viết”.
Và cuối cùng Nguyễn Quang Sáng lại chọn loại truyện phúng dụ,
nhưng truyện phúng dụ của ông không nhằm mục đích châm biếm đả kích
một hiện tượng xã hội cụ thể, mà gần với những truyện ngụ ngôn chứa đạo
lý ở đời gần với ngụ ngôn Esope, La Fontaine, Krưlốp và những truyện
trong Cổ học tinh hoa Nhật. Con mèo của Foujita tả một anh chàng ranh
mãnh đã biết cách lùng được bức tranh con mèo của họa sĩ Foujta trong cuộc
triển lãm ở Sài gòn năm 1944, để bán được giá cao đến chóng mặt nhân dịp
kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Foujta, và đã nhận ra chân lý: “đồ chơi bán
đắt tiền hơn đồ thật”. Và ông cũng bày tỏ quan niệm về nghệ thuật của
mình : “ Từ đó đôi lúc tao nghĩ, hình như người nghệ sĩ không chấp nhận
cái xấu. Mà cái xấu và cái đẹp lại song song tồn tại với con người. Và đó là
bi kịch của người nghệ sĩ”.
Lối kết thúc mang nội dung giáo dục đạo đức toát ra từ việc truyền đạt
qua một hiện tượng, một nhân vật được tác giả nhắc lại nhiều lần. Bài học
đạo đức thường được kết thúc thành những lời khuyên răn giáo huấn, chứa
đựng hàm ý sâu xa của tác giả, có ý nghĩa nhận thức, giáo dục rất thâm thúy.
Nhìn chung, các kiểu kết thúc bất ngờ, kiểu kết thúc mang tính triết lí
trong tác phẩm là kết tinh của một ngòi bút giàu chất trí tuệ, nó mở rộng ý
nghĩa của câu chuyện, của tác phẩm, gợi ra những phương diện nào đó của
cuộc đời, chứa đựng những suy nghĩ, cảm xúc của nhà văn về cuộc sống và
con người.
3.2. Ngôn ngữ trần thuật
Văn học là nghệ thuật ngôn từ và nhà văn là nhà sáng tạo nghệ thuật
bằng chính ngôn từ. Hơn bất cứ thứ chất liệu và phương tiện nghệ thuật nào,
ngôn ngữ là chất liệu và là phương tiện tối ưu của nhà văn trong sáng tác.
Ngôn ngữ cho phép nhà văn sử dụng nó để thể hiện vẻ đẹp sống động, lung
linh của thế giới tự nhiên, của đời sống xã hội và cả nội tâm con người – tùy
thuộc vào chỗ đứng, cách nhìn, cách cảm khác nhau với đủ mọi sắc thái

cung bậc. Ngôn ngữ còn có ưu thế về tính khái quát, tính trừu tượng và tính
đa nghĩa, là nhân tố chắp cánh giúp cho nhà văn nhân lên rất nhiều lần hiệu
lực của sản phẩm mà họ sáng tạo nên. Ngôn ngữ là yếu tố quan trọng và điều
đáng lưu ý là ngôn ngữ bao giờ cũng gắn với thái độ và giọng điệu của nhà
văn. Khi xem xét ngôn ngữ nghệ thuật, Khrapchenko đã nêu ý nghĩa của nó
“ không phải chỉ như là những cơ sở đầu tiên của tác phẩm văn học mà còn
như là một hiện tượng của phong cách văn học” và “ với tư cách là một hiện
tượng của phong cách” [34,109 ]. Đối với trần thuật, ngôn ngữ người trần
thuật “ chẳng những có vai trò then chốt trong phương thức tự sự mà còn là
yếu tố cơ bản thể hiện phong cách nhà văn, truyền đạt cái nhìn, giọng điệu,
cá tính của tác giả”[13,235 ]. Sự biến đổi linh hoạt của giọng điệu góp phần
làm nên màu sắc đa dạng ở bình diện ngôn từ. Ngôn ngữ của Nguyễn Quang
Sáng là thế, nhà văn toàn tâm toàn ý với văn chương, dồn tụ cảm xúc vào cả
văn chương. Lúc ca ngợi câu văn dồn dập, mức độ tình cảm mãnh liệt, lúc
thương cảm câu văn thống thiết, xót xa, lúc bình dị chân chất đời thường . . .
Suốt một đời cầm bút, gắn bó thủy chung với văn chương, Nguyễn Quang
Sáng rất ý thức sự sáng tạo trong sáng tác để tìm cho mình hướng đi riêng,
trong đó có ngôn ngữ trần thuật. Ở đây trước hết là nhà văn có sự kết hợp tài
tình giữa ngôn ngữ kể và ngôn ngữ tả trong lời trần thuật.
3.2.1. Kết hợp linh hoạt ngôn ngữ tả và kể
Ngòi bút truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng tỏ ra rất sắc sảo trong việc
miêu tả nhân vật. Trước hết là miêu tác chân dung nhân vật. Trong truyện
ngắn Nguyễn Quang Sáng loại nhân vật tính cách có đặc điểm chung là lạc
quan, yêu đời tràn đầy niềm tin và hy vọng ở tương lai. Nhà văn Nguyễn
Sáng đã từng nói: “Càng đến những nơi bom đạn ác liệt, thì con người ở
những nơi đó lại càng tươi trẻ, lạc quan” [43, 759]. Chính sự tươi trẻ lạc
quan là sức mạnh tinh thân to lớn nâng đỡ con người vượt qua mọi khổ đau
của bản thân, sự khắc nghiệt của khói lửa chiến tranh đã hòa vào dòng thác
cách mạng. Nguyễn Sáng đã khắc họa một loạt hình ảnh của nhiều lớp người
khác nhau xuất hiện và lớn lên trong cuộc chiến tranh nhân dân ở miền Nam:

những thanh thiếu niên nhanh chóng trưởng thành trong cuộc kháng chiến
(Mì, Thu, Nhung, Dung); những người chiến sĩ cách mạng, cán bộ cơ sở
chịu nhiều mất mát nhưng một lòng vẫn hướng về cách mạng (Ba Hoành,
ông Năm Hạng); những con người quần chúng căm thù giặc sâu sắc, gắn bó
với đời sống kháng chiến (mẹ củ Mì, chị Bảy, anh Bảy Ngàn). Tác giả nêu
bật tính chất quần chúng của chiến tranh nhân dân ở miền Nam, tô đậm thêm
chủ nghĩa anh hùng cách mạng ở chính hành động anh hùng và phẩm chất
anh hùng. Cảm nhận nhà văn về những con người này được thể hiện qua
việc khắc họa những đặc điểm chân dung nhân vật – chân dung con người
lac quan yêu đời.
Trong miêu tả ngoại hình nhân vật , trạng thái con người lạc quan yêu
đời, nhà văn thường chú trọng các chi tiết ánh mắt, nụ cười của nhân vật.
Nhà văn chú trọng miêu tả những nét ngoại hình này không chỉ gợi lên sự
hình dung về dáng vẻ nhân vật mà còn gợi lên cả tâm tính, bản chất bên
trong cả nhân vật. Con người lạc quan yêu đời được tác giả miêu tả đẹp nhất
khi đối mặt với đạn bom, với kẻ thù nguy hiểm, qua những khuôn mặt luôn
tươi tắn rạng rỡ nụ cười, ánh mắt luôn tràn đầy niềm tin mãnh liệt.
Nhân vật cô giao liên Thu (Chiếc lược ngà) được tác giả khắc họa vẻ
đẹp chân dung đầy đặn từ hình thức đến nội dung. Một vẻ đẹp giản dị, thanh
khiết đối lập với bối cảnh thời chiến tranh khói lửa, bom đạn và bóng đen
thần chết luôn rình rập xung quanh. Trong suốt chuyến đi với sự chứng kiến
của người kể, nhân vật đã thể hiện được những phẩm chất, tính cách cao đẹp
của mình. Vẻ đẹp của Thu được tác giả tập trung miêu tả sau khi Thu chặn
địch, vừa bước ra khỏi chổ nguy hiểm mà “mặt cứ phơi phới”. Tác giả chỉ
miêu tả một chi tiết ngoại hình qua khuôn mặt cứ phơi phới để nói lên tính
cách lạc quan của cô giao liên, bên cạnh tính cách thông minh, bình tĩnh của
cô.
Nhân vật Dung (Chị xã đội trưởng) dũng cảm và rắc rối nhưng khuôn
mặt luôn nở nụ cười. Chị nhìn cây bá đỏ “Mĩm cười một mình”: chị gặp gỡ
mọi người “cười mĩm mĩm một mình”; trao lá thư gởi cho người yêu “chị

bổng cười một mình”; bắt gặp hoa ô môi đỏ thắm “chị reo lên mừng rỡ”.
Nhân vật cô giao liên Ánh (Chị xã đội trưởng) được tác giả miêu tả
thông qua dáng vẻ “đầu đội mũ giải phóng màu xanh lá cây, ngồi dựa lưng
vào cột nhà, hai chân dũi thẳng trên đệm, cây bá đỏ gát ngang qua ghế” cũng
phần nào nói lên bản tính hồn nhiên, nhí nhảnh của nhân vật. Không những
thế, nụ cười luôn in dấu trên khuôn mặt cô “cô giao liên cười … reo lên” …
“anh nhìn tôi nheo một mắt bụm miệng cười”. Hai cô giao liên Nhung (Chị
Nhung) sau tám năm không gặp giữa anh Tám Sơn (người kể chuyện) và
Nhung ở tuổi trưởng thành nhưng đọng lại trong anh vẫn là “cái nét quen
thuộc tôi có thể nhớ và từ đó mà lần ra hình ảnh ngày xưa của cháu là cái
ánh lung linh trong đôi mắt”. Nhà văn đã miêu tả đôi mắt ngày xưa của
Nhung qua những sắc thái khác nhau: “một đôi mắt lung linh”… “đôi mắt
nhìn xoáy”… “đôi mắt bổng biến đi như cút bắt”… “đôi mắt lung linh đầy
nước mắt”. Đôi mắt ấy bộc lộ được tâm nguyện của Nhung lúc bé “ chú phải
hứa là chú phải giao cho cháu một công tác”. Anh Bảy Ngàn (Một chuyện
vui) kể lại chuyện một mình “suốt một ngày chống chọi với tàu chiến tối tân
của giặc mà như “một chuyện vui” cứ “ngứa cổ cười hè hè”, “tự nãy giờ cứ
cười hì hì”. Anh Ba Hoành (Quán rượu người câm) cũng có nụ cười khó
quên “ông cười mặt ông thảm hại làm sao. Mặt ông nghiêm, nhắm một con
mắt, miệng méo”, “lịch sự theo người câm nhe răng cười ú ớ”.
Như vậy, nhà văn Nguyễn Sáng có cách thức riêng trong khắc họa
chân dung nhân vật. Ông chú trọng miêu tả khuôn mặt, nụ cười và ánh mắt,
không mô tả dài dòng, chỉ nhấn mạnh một nét nào đó của bề ngoài nhân vật.
Đó là hình ảnh được nhắc lại nhiều lần qua “đôi mắt” của Thu, của Nhung
(Chiếc lược ngà), (Chị Nhung); “Nụ cười mỉm một mình” của Dung (Chị xã
đội trưởng). Với lối miêu tả này, chân dung dường như hòa tan vào hành
động được miêu tả và phần nào trở thành sự biểu thị hành vi, tính cách của
nhân vật. Nguyễn Sáng đi vào những nét bình thường để miêu tả nhân vật,
những cái bình thường đó không kém phần độc đáo ở việc nhà văn tỏ ra
nhạy cảm trong miêu tả đối tượng từ ánh mắt, khuôn mặt gắn liền với tính

cách, chân dung của một tầng lớp người chịu nhiều mất mát đau thương
nhưng biết vươn lên dưới ánh sáng cách mạng. Miêu tả chân dung nhân vật
theo cách đó, Nguyễn Sáng chỉ ra được những nét tính cách lạc quan yêu đời
của người Nam Bộ, lí giải được sức mạnh tinh thần to lớn của con người đã
chiến thắng kẻ thù xâm lược.
Không những đối với các nhân vật tính cách, Nguyễn Quang Sáng chú
ý khắc họa những chi tiết ngoại hình về “ánh mắt”, “nụ cười” đối với những
nhân vật đời tư – thế sự “nụ cười” và “ánh mắt” cũng được tác giả miêu tả rõ
nét khi con người gặp phải hoàn cảnh trái ngang, nhưng nụ cười vẫn nở trên
môi, gợi lên niềm tin hy vọng ở tương lai. Nhân vật Bảy Quyên (Tên của
đứa con) suốt câu chuyện tác giả không miêu tả nụ cười của cô nhưng cuối
cùng (cô cười), nụ cười ánh lên niềm tin yêu hy vọng: “trước sau gì cũng có
ngày trời quang đãng, cái nỗi oan của mẹ con tôi, của gia đình chị Ba Phấn
là điều bí ẩn của vợ chồng tôi sẽ sáng ra” [43, 250]. Nhân vật Linh Đa được
khắc họa qua hình ảnh đôi mắt: “Đôi mắt đen nhưng ánh xanh qua lớp son
trên khóe mắt, mũi dọc dừa, với đôi môi ước mọng xinh xinh” – đó là chân
dung của một con người từng trải, lăn lộn trong cuộc đời son phấn để mưu
sinh, hình ảnh “ánh xanh qua lớp son màu” đã nói lên được bản chất phóng
túng, ngang tàng của tính cách nhân vật. Nhưng bên cạnh tính cách ngang
tàng, Linh Đa vẫn là một cô gái có tính cách kín đáo, xúc động “cười nụ
cười hiền và quyến rũ” … “Đôi mắt mở tròn và ngỡ ngàng bổng trào lên
từng giọt nước mắt lăn ra, nối nhau chảy dài xuống đôi má”. Cô khóc không
phải vì đau khổ, cô khóc vì niềm tin hy vọng ở tương lai giúp cho cô vững
bước đi lên đi trên đường đời để xứng đáng với người yêu cô “người đã hy
sinh cho tổ quốc”.
Nhìn chung, những chi tiết miêu tả ngoại hình trong truyện ngắn
Nguyễn Sáng điều là những chi tiết sống động và hàm chứa bao điều ẩn giấu
bên trong. Việc dụng chi tiết ngoại hình để khắc họa tính cách nhân vật
không phải là biện phải nghệ thuật mới mẻ, nhưng nét độc đáo của Nguyễn
Sáng là đã vận dụng một số nét chi tiết ngoại hình về “ánh mắt”, “nụ cười”

thành hành vi biểu cảm của nhân vật.
Cũng như nhiều nhà văn khác, không chỉ miêu tả ngoại hình mà
Nguyễn Quang Sáng và đây mới điều quan trọng, đi sâu miêu tả nội tâm
nhân vật. Nguyễn Sáng miêu tả nội tâm nhân vật bằng việc sử dụng thủ pháp
độc thoại nội tâm. Độc thoại nội tâm là tiếng nói bên trong của tâm hồn nhân
vật, là lời nhân vật tự bộc lộ ở những trạng thái suy tư, dằn vặt, những cảm
xúc, xúc động của nhân vật tự nói với chính mình. Đây là việc nhà văn “thể
hiện trực tiếp quá trình tâm lí nội tâm, mô phỏng hoạt động cảm xúc, suy
nghĩ của con người trong dòng chảy trực tiếp của nó” [12,106]. Trong truyện
ngắn trước năm 1975, Nguyễn Sáng thường miêu tả thế giới nội tâm nhân
vật thể hiện qua sự chuyển biến tâm lý, tình cảm con người một lòng hướng
về cách mạng, về đời sống kháng chiến.
Nhà văn miêu tả nội tâm nhân vật qua lời độc thoại bằng các từ ngữ
trực tiếp tái hiện cảm xúc nhân vật như: “nghĩ thầm”, “thường nghĩ”, “tự an
ủi”, “phân vân” … Đoạn đối thoại nội tâm thể hiện dòng tâm tư tự nhiên của
chị Bảy (Người đàn bà Tháp Mười) trước cảnh chồng chị đi vắng một mình
nuôi sáu đứa con thật xúc động: “những lúc bị bom trực thăng chị thường

×