Tải bản đầy đủ (.doc) (16 trang)

Tiểu luận chuyên đề bạo lực gia đình: Bạo lực tình dục

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (167.5 KB, 16 trang )

LỜI MỞ ĐẦU
Những năm gần đây, do tác động của cơ chế thị trường, thiết chế gia đình
ngày càng lỏng lẻo nên vấn đề bạo lực gia đình đang có xu hướng tăng lên. Thực
trạng bạo lực gia đình, đặc biệt đối với phụ nữ đang xảy ra khá phổ biến tại Việt
Nam, nó diễn ra ở mọi vùng, cả đô thị lẫn nông thôn, trong các gia đình ở mọi mức
thu nhập. Bạo lực gia đình có nhiều hình thức biểu hiện khác nhau: bạo lực về thể
chất, bạo lực về tinh thần, bạo lực về tài chính – kinh tế, bạo lực về tình
dục v.v.Trong đó bạo lực tình dục đối với quan niệm theo truyền thống Á đông
như nước ta vẫn còn đang là một vấn đề “khó nói”. Tuy rằng Luật Phòng chống
bạo lực gia đình đã đưa ra những nhận thức và quy định tương đối cụ thể về vấn đề
này và các phương tiện thông tin đại chúng cũng đưa tin, bài viết và các nhận thức
về vấn đề này ngày một nhiều hơn, thế nhưng lĩnh vực này vẫn chưa được nhiều
người nhìn nhận một cách thích đáng hoặc dẫu có hiểu biết nhưng cũng còn khá
nhiều người thờ ơ và lảng tránh, coi nó là “chuyện riêng của mỗi gia đình”…
Bạo lực gia đình nói chung và bạo lực tình dục nói riêng gây nhiều hậu quả
nghiêm trọng, không chỉ cho người trong cuộc mà còn liên quan đến gia đình và
cộng đồng, xã hội, liên quan đến cả sức khỏe sinh sản. Để góp tiếng nói cho sự
bình đẳng giới, mà cụ thể là cho phái nữ - những người thường được coi là phái
yếu trong xã hội, thiết nghĩ chúng ta phải có cách nhìn đúng đắn và có những giải
pháp triệt để hơn nữa trong vấn đề bạo lực gia đình, đặc biệt là lĩnh vực bạo lực
tình dục – một hình thức bạo lực vẫn còn nhiều ẩn khuất, chưa được công khai và
chưa dám công khai trong hầu hết các gia đình và trong cả cách nhìn nhận của
nhiều người nhưng lại mang lại nhiều hậu quả đặc biệt nặng nề và sâu sắc cho phụ
nữ, cả về thể chất lẫn tinh thần và cho cả sự phát triển của thế hệ tương lai.
Ở Việt Nam, những nghiên cứu về thực trạng bạo lực tình dục còn khá ít,
đặc biệt là những số liệu cụ thể về thực trạng này hầu như vẫn chưa có được những
con số chi tiết và chính xác, bởi còn phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề, trong đó có cả
nhận thức của người dân và ảnh hưởng của truyền thống văn hóa phương Đông.
Chính vì thế để hoàn thiện chuyên đề chuyên sâu của mình về vấn đề bạo lực tình
dục, sinh viên đã mạnh dạn tiến hành một cuộc điều tra với quy mô nhỏ tại địa
phương nơi mình sinh sống để nhận thức được rõ ràng và thực tiễn hơn nữa về vấn


đề này. Chuyên đề bạo lực tình dục của em được thực hiện tại thôn La Văn Cầu, xã
Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình – một địa phương có mức sống tương
đối khá giả nhưng lại có khá nhiều gia đình không hạnh phúc vì bạo lực, ly hôn, ly
thân hoặc các nguyên nhân khác.
Tìm hiểu vấn đề bạo lực tình dục ở khu La Văn Cầu, em không mong đợi
đưa ra được kết quả về thực trạng bạo lực tình dục nơi đây vì nhiều nguyên nhân
như trên đã nói, kết quả chỉ để kiểm chứng và đưa ra những nhận thức rõ ràng hơn
cho chuyên đề chuyên sâu của mình với đề tài: “Nguyên nhân, các hình thức biểu
hiện và một số giải pháp về bạo lực tình dục tại thôn La Văn Cầu – Thượng Cốc –
Lạc Sơn – Hòa Bình”.
Qua đây, em xin gửi lời cảm ơn chân thành đến cô giáo – TS. Bùi Thị Xuân
Mai đã trực tiếp giảng dạy và hướng dẫn tận tình để em hoàn thành được chuyên
đề chuyên sâu này. Vì thời gian cũng như kiến thức chuyên môn của sinh viên về
vấn đề này còn có hạn, nên trong phạm vi chuyên đề này không tránh khỏi những
thiếu sót, mong cô giáo bổ sung và góp ý.
Em xin chân thành cảm ơn!
Sinh viên:
Đỗ Thị Minh
I – CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ BẠO LỰC GIA ĐÌNH VÀ BẠO LỰC TÌNH DỤC.
1. Bạo lực gia đình
1. Khái niệm bạo lực gia đình.
● Theo Luật Phòng chống bạo lực gia đình:
Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên trong gia đình gây tổn
hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với
thành viên khác trong gia đình (Điều 1, Khoản 2 – Luật Phòng chống
bạo lực gia đình của Việt Nam, tr.1)
● K/n bạo lực trên cơ sở giới:
Bạo lực đối với phụ nữ là bất kỳ hành động nào gây ra hoặc có thể
gây ra hậu quả làm tổn hại hoặc gây đau khổ cho phụ nữ về thân thể,
tình dục hay tâm lý, kể cả những lời đe dọa hay độc đoán tước quyền

tự do, dù sảy ra ở nơi công cộng hay đời sống riêng tư (Tuyên bố của
Liên hợp quốc về bạo lực chống lại phụ nữ…
2. Các dạng bạo lực gia đình:
● Bạo lực thể chất: là những hành vi ngược đãi, gây tổn thương về thực
thể ở nạn nhân.
● Bạo lực tinh thần: còn được gọi là bạo lực tâm lý, là những hành vi
đối xử tồi tệ gây áp lực tạo tổn thương tức thời hay tiềm ẩn về mặt
tâm lý cho nạn nhân.
● Bạo lực tài chính, kinh tế: là hành vi kiểm soát tài chính, bắt phụ
thuộc vào tài chính đối với thành viên trong gia đình.
● Bạo lực tình dục: Ép bạn đời làm tình và xem hình ảnh khiêu dâm. Ép
“chăn gối” sau khi đánh đập. Cố tình dày vò bộ phận sinh dục, không
cho dùng thuốc ngừa thai, làm tình hậu môn. Cưỡng hiếp khi bạn đời
ngủ, đau ốm; coi người phối ngẫu như một thứ đồ chơi…
● Sao nhãng: được định nghĩa như bất cứ hành động đối xử tồi tệ như
bỏ qua, không quan tâm chăm sóc, không cung cấp đầy đủ điều kiện
cần thiết cho sự tồn tại, sự phát triển về tình cảm, thể chất về thành
viên trong gia đình đặc biệt là trẻ em hoặc người già.
2. Bạo lực tình dục.
1. Khái niệm bạo lực tình dục
Bạo lực tình dục là hành vi sử dụng vũ lực để ép buộc người kia có
quan hệ tình dục hoặc hành vi cố lôi kéo họ vào hoạt động tình dục
ngay cả khi họ không có khả năng từ chối bởi các lý do như sức
khỏe, bị ảnh hưởng bởi các chất kích thích, chưa đủ năng lực hiểu
biết về hậu quả của quan hệ tình dục đó, hoặc sự hăm dọa, quấy rối
tình dục.
2. Một số hành vi về bạo lực tình dục:
● Cưỡng ép quan hệ tình dục.
● Sử dụng những hình thức quan hệ tình dục gây đau đớn.
● Sử dụng những lời lẽ liên quan tới tính dục gây khó chịu về tâm lý

● Bắt phải chứng kiến cảnh sinh hoạt tình dục, bộ phận sinh dục
● Buộc ở một nhà hay ngủ một giường với người tình.
● Cưỡng ép kết hôn, ly hôn.
● Cưỡng ép thực hiện các hành vi khiêu dâm, các thuốc kích dục
● Kích động tình dục, khiêu dâm
● Sờ mó bộ phận sinh dục của nạn nhân
● Khoe bộ phận sinh dục của mình cho người khác
● Rình, xem trộm hoặc sử dụng các hình ảnh khiêu dâm
● Cưỡng ép sinh đẻ hay phá bỏ thai nhi
● Cắt bỏ bộ phận sinh dục
II – THỰC TRẠNG BẠO LỰC TÌNH DỤC ĐỐI VỚI PHỤ NỮ
1. Thực trạng bạo lực tình dục đối với phụ nữ trên thế giới.
Theo Nghiên cứu sâu của Văn phòng Tổng Thư ký Liên hợp
quốc thì hiện nay bạo lực đối với phụ nữ là nghiêm trọng và phổ biến
trên khắp thế giới.
Các nghiên cứu về bạo lực đối với phụ nữ được tiến hành ở ít
nhất 71 nước cho thấy một tỷ lệ đáng kể phụ nữ bị bạo lực về thân thể,
tình dục hoặc tâm lý. Một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới tại 11
nước cho thấy tỉ lệ phụ nữ là đối tượng của bạo lực tình dục bởi bạn
tình có từ 6% đến 59% ở Nhật Bản, Séc-bi-a, Mông-tê-nê-grô và Ê-ti-
ô-pi-a.
2. Thực trạng bạo lực tình dục đối với phụ nữ ở Việt Nam
Nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, cứ 4
phụ nữ có 1 người phải chịu bạo lực tình dục ít nhất một lần trong đời
do chính chồng hay bạn tình của mình gây ra. Với quan niệm của
người Á Đông, nhất là người Việt Nam, không ai mang chuyện
“phòng the” ra trước ánh sáng, nhưng kết quả nghiên cứu của WHO
đưa ra khiến chúng ta phải suy nghĩ.
Theo UNICEF, cứ 100 trẻ em được hỏi thì có 3 em đã bị hiếp
dâm hoặc các hình thức xâm hại khác khi còn nhỏ và 2 trong số đó bị

ép buộc 1 lần hoặc vài lần. Trong số những trường hợp này, cứ 100
người thì có hơn 9 người gây ra hành vi lạm dụng tình dục được xác
định là họ hàng, hơn 1 là cha, cha dượng hoặc người tình của mẹ.
Cũng theo số liệu điều tra, bạo lực tình dục chiếm khoảng 10 – 69%
các vụ bạo lực gia đình
Trong một nghiên cứu mới đây của Chính phủ về bạo lực tình
dục, Tổng cục thống kê đã công bố những con số làm cả xã hội phải
giật mình: 10% phụ nữ đã kết hôn từng bị bạo lực tình dục, 34% phải
gánh chịu cả về bạo lực thể xác và bạo lực tình dục và tỷ lệ này ở
nông thôn cao hơn ở thành phố (10,1% và 9,5%). Bạo lực tình dục
duy trì ở mức gần giống nhau tại nhiều nhóm tuổi (cho tới gần tuổi
50) và trình độ học vấn của phụ nữ.
Trong một nghiên cứu mới đây về bạo lực gia đình, Tổng cục
thống kê công bố một thực tế đáng buồn: Gần 60% phụ nữ từng bị bạo
lực đã biết về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, thế nhưng 87%
phụ nữ bị bạo lực chưa hề tìm đến sự hỗ trợ từ các dịch vụ, hoặc
những người có thẩm quyền giúp đỡ; 50% trong số ấy thì chọn giải
pháp an toàn bằng cách im lặng.
III – NGUYÊN NHÂN, CÁC HÌNH THỨC BIỂU HIỆN VÀ MỘT SỐ GIẢI
PHÁP VỀ BẠO LỰC TÌNH DỤC TẠI THÔN LA VĂN CẦU – THƯỢNG CỐC –
LẠC SƠN – HÒA BÌNH.
1. Vài nét khái quát về địa bàn – vấn đề nghiên cứu.
Thôn La Văn Cầu là một khu dân cư có đời sống tương đối khá giả tại
xã Thượng Cốc – huyện Lạc Sơn – tỉnh Hòa Bình. Người dân trong thôn hầu
hết là những gia đình người xuôi lên khai hoang đất đai vùng núi; ngoài
buôn bán và canh tác nông nghiệp, hơn chục năm trở lại đây công việc khai
thác than trong hầm lò ở khu đồi xóm Cổm – một ngôi làng bên núi đã khiến
kinh tế La Văn Cầu phát triển lên ngày càng nhanh chóng. Cùng với sự phát
triển về kinh tế, sự thay đổi về mặt xã hội cũng kéo theo. Bên cạnh những
thay đổi tích cực về mặt xã hội lại cũng có những hệ quả tiêu cực của nó: lối

sống người dân ngày càng thay đổi, tầng lớp thanh niên ngày càng ăn chơi
đua đòi hơn, đặc biệt là thiết chế gia đình ngày càng lỏng lẻo. Nhiều ông
chồng kiếm được nhiều tiền hơn cũng tham gia rượu chè, hội hè… nhiều
hơn, số vụ bạo lực trong gia đình cũng tăng nhiều hơn, xuất hiện những gia
đình ly hôn, ly thân và những gia đình không hạnh phúc vì nhiều nguyên
nhân khác.
Bạo lực tình dục không phải là vấn đề dễ nhìn thấy tại mỗi gia đình,
để tiếp cận được vấn đề này, sinh viên dựa chủ yếu vào tầng lớp cơ quan ban
ngành như bác trường thôn, công an viên, và đại diện chi hội phụ nữ thôn La
Văn Cầu cùng với 15 phiếu hỏi cho 15 hộ gia đình đại diện khác nhau (có
gia đình thường xuyên đánh nhau, gia đình có vẻ rất hạnh phúc, gia đình khá
giả, gia đình khó khăn, đông con…)
2. Thực trạng bạo lực tình dục tại thôn La Văn Cầu.
Kết quả điều tra trong 15 hộ gia đình tại thôn cho thấy: có khoảng 20% phụ
nữ trong số đó trả lời rằng đã không ít lần bị chồng cưỡng ép quan hệ tình
dục trong lúc không mong muốn, chủ yếu vào những thời điểm như sau khi
sinh, trong lúc ốm hoặc mệt mỏi, có chị thậm chí còn chia sẻ: “từ khi lấy
chồng, “việc ấy” đối với chị cứ như là nghĩa vụ…xong thì thôi, công việc
của chị là làm lụng chăm chồng, nuôi con ăn học là chính chứ chuyện đó có
quan trọng gì”. Khoảng 6,6% phụ nữ cho rằng chồng mình có hành vi sử
dụng những lời lẽ liên quan tới tính dục gây khó chịu về tâm lý, đó thường là
lúc người chồng đang trong trạng thái say xỉn, hoặc vừa đánh chửi xong bắt
chị quan hệ rồi vừa nói những lời lẽ thô tục (sinh viên xin phép không dẫn
chứng). 30% phụ nữ công nhận đã từng bị chồng cưỡng ép sinh đẻ, trong số
đó đặc biệt có trường hợp của cô Bùi Thị M. trong một thời gian dài thường
xuyên bị chồng đánh đập, chửi bới vì tội không muốn sinh thêm con trai. Đó
là những con số và những hình thức bạo lực tình dục điển hình tại thôn La
Văn Cầu – Thượng Cốc – Lạc Sơn – Hòa Bình. Trong quá trình điều tra,
sinh viên cũng nhận thấy một điều: không chỉ trong những gia đình thường
xuyên đánh đập, to tiếng mới có bạo lực gia đình, bạo lực gia đình cũng sảy

ra đối với những gia đình vẻ ngoài tưởng chừng như rất hạnh phúc nhưng
trong đó chất chứa một hình thức bạo lực ngầm: bạo lực tình dục mà trong
đó có cả những hình thức tinh vi hơn như hình thức “bỏ lửng”, không đoái
hoài gì đến chuyện “chăn gối” hay đụng chạm đến cơ thể người vợ một thời
gian dài làm người phụ nữ gặp nhiều sức ép năngk nề về tâm lý.
3. Nguyên nhân bạo lực tình dục tại thôn La Văn Cầu
1. Nguyên nhân chủ quan (từ phía người phụ nữ):
Phỏng vấn sâu cô Nguyễn Thị Giang – chi hội trưởng hội phụ nữ thôn,
và bác Bùi Văn Hải – trưởng thôn về nguyên nhân gây ra bạo lực tình
dục đối với có những nguyên nhân sau:
● Do quan niệm của người phụ nữ: hầu hết những người phụ nữ họ đều
cho rằng: “thuyền theo lái, gái theo chồng”, “chuyện ấy” là việc của
đàn ông hoặc phục vụ nhu cầu của đàn ông. Phần lớn chị em chưa ý
thức được hưởng thụ khoái cảm tình dục là quyền lợi mà chỉ nặng về
nghĩa vụ. Cho nên họ thường không bộc lộ cho người phối ngẫu của
mình biết có thỏa mãn hay không thỏa mãn trong quan hệ. Thái độ
nhẫn nhục, phục tùng một cách vô điều kiện khi chồng có nhu cầu là
điểm dễ nhận thấy ở các chị
● Do hiểu biết của phụ nữ về vấn đề này còn hạn chế: bác Bùi Văn Hải
chia sẻ: “nhiều phụ nữ còn không hiểu những quyền lợi của mình
trong “chuyện đó” mà chỉ biết đó là nghĩa vụ thì làm gì biết được
mình bị mất quyền lợi hay bị bạo lực, cũng như người ta nếu không
biết mình đáng lẽ có cái gì đó thì làm sao biết mình mất”. Bác còn nói
thêm: “Luật Phòng, chống bạo lực gia đình giờ đây cũng đã nhiều
người biết đến nhưng người dân tại khu vực nông thôn miền núi như
địa phương mình có mấy ai biết rõ nội dung của nó như thế nào,
nhiều phụ nữ chỉ khi bị đánh đập quá sức chịu đựng hoặc hành hạ về
thể xác, nguy hiểm đến tính mạng thì mới lên tiếng, mới chạy đi tìm
chính quyền chứ mấy ai biết rõ về bạo lực tình dục đâu.”
● Do phụ nữ không có “phản ứng mạnh”: Phụ nữ nói chung, đặc biệt là

phụ nữ nông thôn nói riêng sẵn có bản tính hiền lành và tư tưởng chịu
đựng, nhẫn nhịn, miễn sao cho gia đình yên ấm. Họ sợ chuyện vỡ ra
bên ngoài mọi người sẽ chê cười, sợ gia đình, họ hàng nhà chồng dè
bỉu, con cái phải xấu hổ với bạn bè…sự nhẫn nhục của người phụ nữ
với lý do giản đơn: “một sự nhịn, chín sự lành”, “xấu chàng hổ ai” và
để trành cho con cái buồn phiền và ảnh hưởng. Chính dựa vào sự sợ
hãi và quan niệm “cơm sôi nhỏ lửa” của người phụ nữ bị bạo hành nói
chung và bạo hành tình dục nói riêng bị đè nén trong chính bản thân
mình, không dám lên tiếng, chia sẻ với các tổ chức đoàn thể như Hội
phụ nữ; thậm chí nhiều phụ nữ “không biết bệnh để chữa” nên không
biết tâm sự những “điều thầm kín” đó với ai, chỉ biết nhẫn nhịn, chịu
đựng, sống để nuôi con…
● Một số phụ nữ hạn chế về kỹ năng trong ứng xử, giao tiếp, “kỹ thuật
phòng the”: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng: phụ nữ càng có kiến thức,
và kỹ năng trong giao tiếp ứng xử và kỹ thuật chiều chồng nói chung
và kỹ thuật chiều chồng trong “phòng the” nói riêng thì càng biết cảm
nhận hạnh phúc vợ chồng và càng giảm bớt vấn đề bạo lực tình dục,
so với những người phụ nữ chỉ biết “chỉ đâu đánh đấy” hoặc để chồng
“chinh chiến một mình”, muốn làm gì thì làm.
2. Nguyên nhân khách quan:
Qua việc điều tra bằng phiếu hỏi, sinh viên xin được tổng hợp thành các
nhóm nguyên nhân chính sau đây:
STT Nhóm nguyên nhân Số lượng Tỷ lệ (%)
1 Do nhận thức, tính cách và
đặc điểm sinh lý của người
chồng
6 40
2 Do nhận thức xã hội – bất
bình đẳng giới
11 73.3

3 Do tệ nạn xã hội 4 26.7
4 Do hệ thống pháp luật về
lĩnh vực này chưa được
phổ biến và thực thi triệt
để.
9 60
Qua bảng số liệu trên có thể thấy, nguyên nhân chính của vấn đề bạo lực tình
dục ở thôn La Văn Cầu – Thượng Cốc – Lạc Sơn – Hòa Bình phần nhiều vẫn là do
nhận thức chưa đầy đủ về vấn đề bình đẳng giới, chiếm tỷ lệ 73.3%. Khu La Văn
Cầu là một địa phương có trình độ dân trí cũng tương đối phát triển so với các
vùng khác trong toàn xã, có thể trong lĩnh vực lao động – việc làm, lĩnh vực học
tập hay nhiều lĩnh vực khác thì người dân cũng nhận thức được khá rõ nếu có xuất
hiện bất bình đẳng, nhưng về lĩnh vực giới tính, tình dục hay “chuyện vợ chồng”
thì nhiều người còn có tâm lý e ngại tìm hiểu và chia sẻ, sợ bị mọi người cho rằng
đồi trụy, sex hoặc “con mát”
Tiếp đến là nguyên nhân do nhận thức pháp luật về vấn đề này chưa được rõ
ràng và đầy đủ, như đã nói mọi người hầu như chưa được nhận thức đầy đủ về
Luật phòng, chống bạo lực gia đình và những nội dung của nó, nhiều người không
biết về bạo lực tình dục. Việc tuyên truyền về pháp luật mới chỉ dừng lại ở các buổi
tập huấn cho cán bộ địa phương và các cán bộ chuyên trách có liên quan như Hội
phụ nữ, Công an viên…những người đó biết về Luật nhưng lại không nhìn thấy
được vấn đề cần phải thi hành Luật, bởi người trong cuộc hầu như chẳng mấy khi
họ dám đề cập vấn đề đó với người có chức trách, thẩm quyền bởi họ cho rằng nếu
nói với những người đó phải là những vấn đề to tát hơn nữa, vấn đề chỉ mới tự giải
quyết bằng cách chấp nhận, hoặc cùng lắm là chia sẻ với người thân.
4. Một số khuyến nghị - giải pháp nhằm hạn chế bạo lực tình dục ở thôn
La Văn Cầu – Thượng Cốc – Lạc Sơn – Hòa Bình.
1. Các giải pháp dưới góc độ vĩ mô.
● Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về Luật Phòng, chống bạo lực gia
đình trên các phương tiện thông tin đại chúng cho người dân được tiếp

cận một cách dễ dàng, dễ hiểu, dễ tiếp thu, đặc biệt là đối với người
dân nông thôn miền núi, vùng sâu vùng xa – nơi không có nhiều điều
kiện tiếp cận và tự tìm tòi học hỏi về chính sách, pháp luật cũng như
là các kiến thức về bạo lực gia đình, bạo lực tình dục.
● Luật Phòng chống bạo lực gia đình cần được triển khai và được thực
thi một cách triệt để và thực tiễn hơn. Cần có sự kết hợp giữa các cơ
quan, ban ngành đoàn thể để hỗ trợ kịp thời có giải pháp khắc phục và
giúp đỡ nạn nhân bị bạo lực gia đình nói chung, bạo lực tình dục nói
riêng. Cán bộ cần đi sâu đi sát hơn nữa cuộc sống của quần chúng
nhân dân, biết rõ những khó khăn, vướng mắc của nhân dân về vấn đề
này để kịp thời khắc phục, không làm ngơ trước cảnh ly thân, xung
đột gia đình bởi nó có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó
có nguyên nhân như bạo lực tình dục là một vấn đề tương đối khó nói
và khó giải quyết.
● Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, xã hội đồng thời loại
bỏ những tàn dư của văn hóa và những nếp nghĩ truyền thống cổ hủ
lạc hậu như: đàn ông là phái mạnh, còn phụ nữ là phái yếu, phụ nữ
luôn phải “hiền” và “thục” và nếp nghĩ “tam tòng”, răm rắp nghe theo
lời chồng và sự sắp đặt của chồng. Cùng với đó cần loại bỏ những ảnh
hưởng của những trào lưu văn hóa phương Tây như những hành động
ác dâm, khổ dâm, các trò chơi bạo lực tình dục…
● Tăng cường chiếu phim, ảnh, các câu chuyện về hạnh phúc lứa đôi,
hạnh phúc gia đình để mọi người, đặc biệt là người phụ nữ thấy rõ và
cảm nhận được những quyền lợi, hạnh phúc mà mình được hưởng
đồng thời thấy rõ những bất công mà mình gặp phải (nếu có) trong
cuộc sống.
● Xây dựng một hệ thống giáo dục đồng bộ, trong đó có đưa các môn
học về giới và giới tính chứ không phải chỉ là một vấn đề tự tìm hiểu
hoặc ngoại khóa, ai tìm hiểu thì hiểu, bởi điều đó mặc định cho ra kết
quả: những người nào quan tâm thì biết còn phần nhiều người không

quan tâm và chưa có thời gian quan tâm thì không biết về những vấn
đề thường trực trong cuộc sống của họ, đơn cử như những người học
về lĩnh vực xã hội thì hiểu rõ nhưng những người học về lĩnh vực tự
nhiên và kỹ thuật thì chẳng mấy quan tâm trong khi đó họ vẫn cần
phải có hiểu biết để sống tốt đối với các thành viên trong gia đình họ,
tránh bạo lực gia đình nói chung và bạo lực tình dục nói riêng. Ngoài
ra, ta cũng có thể tham khảo mô hình các lớp hoặc các khóa học kỹ
năng trước khi xây dựng gia đình.
2. Các giải pháp dưới góc độ trung mô
● Các cơ quan đoàn thể, mà đặc biệt là Hội phụ nữ cần tổ chức nhiều
chương trình giao lưu họp mặt, nhiều buổi tọa đàm chia sẻ và các buổi
học tập liên quan đến vấn đề phụ nữ và gia đình trong đó có những
kiến thức, kỹ năng làm vợ, làm mẹ, kiến thức về giới và giới tính,
đồng thời qua đó tìm hiểu về đời sống và hoàn cảnh của mỗi gia đình
để kịp thời có biện pháp can thiệp.
● Giải quyết tốt các vấn đề xã hội tại địa phương như loại bỏ nạn cờ
bạc, rượu chè, nghiện hút…xây dựng địa phương, làng xóm văn hóa.
● Nâng cao năng lực cán bộ, mở rộng đội ngũ cán bộ tư vấn, tình
nguyện đến cộng đồng.
3. Các giải pháp dưới góc độ vi mô.
● Về phía bản thân người phụ nữ: cần không ngừng nâng cao hiểu biết
và kỹ năng sống ngay cả trong gia đình. Phụ nữ trước tiên phải biết tự
chăm sóc và biết cách bảo vệ cho mình thì mới mong có người chồng
yêu thương, tôn trọng. Phụ nữ trước tiên phải biết chăm sóc chính bản
thân mình: biết cách tự làm đẹp cho chồng yêu, ăn nói và cư xử khéo
léo cho chồng thương, chồng quý; biết cách chăm sóc chồng và chăm
lo cho con cái và biết tự lực mình, không sống phụ thuộc để được
chồng nể trọng, nhiều khi cũng cần biết “đủ”, không quá tham vọng,
cầu tiến hơn chồng để chồng khỏi cảm thấy tự ti. Ngoài ra, còn phải
hiểu và biết chiều chồng đúng lúc. Đàn ông có hai bản năng mạnh mẽ

nhất là bản năng ăn uống và bản năng tình dục, người phụ nữ khéo léo
là người phụ nữ phải biết chiều chồng một cách tuyệt vời nhất có thể
để đảm bảo hạnh phúc vợ chồng, hạnh phúc gia đình. Nhưng chiều
chồng không phải là đáp ứng vô điều kiện và phục tùng theo kiểu
mệnh lệnh. Người phụ nữ khéo giữ hạnh phúc gia đình không phải là
người phụ nữ chỉ biết cam chịu và nhẫn nhịn.
● Về phía người đàn ông, người chồng: nguyên nhân chủ yếu vẫn là do
nhận thức, tính cách và đặc điểm sinh lý của người chồng. Nhận thức
và tính cách đều chịu ảnh hưởng rất nhiều từ phía xã hội và từ sự phát
triển tâm lý nhân cách từ tuổi thơ. Nếu những người đàn ông phát
triển trên một nền tảng xã hội như trên đã nói cộng với trình độ học
vấn cao sẽ giảm bớt đi sự chuyên quyền, độc đoán vì họ thấy rõ những
cái gì là được là mất, những điều gì nên làm và không nên làm, và
thường thì sự nhận thức càng cao thì họ sẽ biết cách tự kiềm chế bản
năng tính dục của mình khác với hành động của những loài động vật,
họ sẽ hành xử có tính “người” hơn, thậm chí nghệ thuật hơn trong vấn
đề “chăn gối” để đưa mình và bạn tình của mình đạt được cái gọi là
thăng hoa trong hạnh phúc
KẾT LUẬN
Tuy tỷ lệ bạo lực tình dục là không nhiều nhưng mức độ và hậu quả
lại nghiêm trọng hơn rất nhiều so với các loại bạo lực khác. Nhiều phụ nữ
cảm thấy khó khăn hơn khi tiết lộ những “trận đòn ngầm” của chồng, nhất là
phụ nữ nông thôn. Những kết quả điều tra tại một khu vực nông thôn miền
núi như La Văn Cầu chưa phản ánh hết những nỗi cực của người phụ nữ khi
chịu bạo lực tình dục, phụ nữ thôn La Văn Cầu vẫn chưa phải chịu những
thủ đoạn tinh vi của bạo lực tình dục như: “bỏ lửng” hoặc phải chịu những
hình thức bạo dâm như vừa làm “chuyện ấy” vừa đếm, vừa đánh vào cơ
quan sinh dục, lấy kìm kẹp, trói…Thế nhưng, những hình thức bạo lực đã
thống kê được tại địa phương cho thấy đó là những hình thức điển hình và
phần đa phụ nữ bị bạo lực mà không nhận thấy, không nhận rõ quyền lợi của

mình và những hậu quả mà bạo lực tình dục mang lại. Chuyên đề chỉ đưa ra
những nguyên nhân chủ yếu của vấn đề tương đối hóc búa này và một vài
giải pháp mang tính căn bản. Vì kiến thức và kinh nghiệm thực tế có hạn,
nên chuyên đề này không tránh khỏi những thiếu sót. Một lần nữa, kính
mong cô góp ý cho chuyên đề của em được hoàn thiện hơn.
Em xin chân thành cảm ơn cô!
Sinh viên
Đỗ Thị Minh
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình số 02/2007/QH12 được Quốc hội
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông
qua ngày 21/11/2007.
2. Website Y khoa Việt Nam:
3. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: chuyên mục “bạo hành gia đình”
4. Website Xã hội luận bàn:
5. Tin nhanh Việt Nam:

×