SUY NGẪM VỀ TÍN NGƯỠNG NGƯỜI VIỆT QUA ĐỀN, CHÙA VÀ
LỄ HỘI
(st)
Nguời Việt Nam ngày nay về cơ bản theo hai đạo: Phật giáo và Thiên Chúa giáo (cùng
những biến tướng của nó). Đó là hai tôn giáo lớn trên thế giới.
Nhưng ngay từ trước khi tiếp nhận Phật giáo, người Việt cổ đã có những tín ngưỡng riêng
của mình. Trải qua những hoàn cảnh lịch sử khắc nghiệt, tín ngưỡng ấy không phát triển
thành tôn giáo được, song có một sức sống dai dẳng trong tâm linh mọi người. Có mảng nay
còn rất được tôn trọng và dễ dàng nhận ra như đạo thờ Tổ tiên trong gia đình, sau mở ra với
thờ Thành hoàng ở đình làng, thờ anh hùng dân tộc hay Tổ chung của cả nước ở đền. Cũng
có mảng nhận ra không khó lắm, như đạo thờ Mẫu ở một số phủ và ghép vào trong hầu hết
các chùa. Lại có những mảng tín ngưỡng bị tàng ẩn dưới những trò chơi trong các lễ hội mà
dân làng tuân theo nghiêm ngặt, nhưng đã quên mất ý nghĩa, các nhà nghiên cứu phải dày
công tìm hiểu mới "đọc" được phần nào. Người Việt cổ từ thời đại đồ đá mới đã có những
cộng đồng chiếm lĩnh miền núi thuộc văn hóa Bắc Sơn và cộng đồng chiếm lĩnh miền biển
thuộc văn hóa Hạ Long. Sang giai đoạn muộn hơn, các cộng đồng thuộc văn hóa Quỳnh Văn
và văn hóa Bàu Trò bên cạnh việc săn thú rừng, nông nghiệp trồng lúa nước đã phát triển,
nghề đàn cá ven biển cũng tương đối phát triển. Khoảng 4000 năm trước, người nguyên
thủy phát hiện ra đồng trong lúc đã đẩy mỹ thuật chế tác đá lên đỉnh cao, thì họ đã tiến vào
lưu vực sông Hồng chinh phục đồng bằng, đưa kinh tế trồng trọt và chăn nuôi lên vị trí hàng
đầu. Các giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun phát triển liên tục và trực
tiếp đã chuẩn bị tại chỗ cho văn hóa Đông Sơn đạt tới đỉnh cao thành văn minh Đông Sơn
mà các sử gia xưa gọi là nhà nước Văn Lang của các vua Hùng, rồi nối tiếp là nhà nước Âu
Lạc của An Dương Vương. Chính trong quá trình phát triển trên đây, các tín ngưỡng bản địa
của người Việt cổ được hình thành, lưu lại dấu vết trên một số hiện vật mà tiêu biểu là trống
đồng. Sau đó trong cuộc chinh phục và mưu đồ đồng hóa văn hóa của phương Bắc, văn hóa
Đông Sơn bị đập nát chỉ lưu lại được ít hiện vật và những "mảnh vụn văn hóa" thông qua
hội làng và một số đền thờ nhỏ. Tiếp theo, trong cuộc tiếp xúc hòa bình với văn hóa Ấn Độ,
một số vị thần bản địa được Phật hóa.
Rồi khi bước vào kỷ nguyên độc lập, với tinh thần tự hào và tự tôn dân tộc, nhiều vị thần cũ
được nâng cấp, thêm nhiều vị thần mới nữa được lịch sử hóa, hội làng được định hình thành
lệ. Cứ thế, những lớp phù sa văn hóa mới phủ lên lớp cũ. Lắng tâm phân tích sinh hoạt ở
chùa, đền, đình và lễ hội, chúng ta có thể nhận ra những tín ngưỡng bản địa của người Việt
Nam
Chùa là của làng, của vùng, nên ở chùa ngoài một số lễ hội Phật giáo thống nhất trong các
chùa, còn có lễ hội theo tín ngưỡng địa phương. Lễ trọng của Phật giáo có lễ Phật đản rằm
tháng Tư (ngày tháng ở đây đều theo âm lịch), lễ Phật thành Đạo rằm tháng Chạp, lễ Vu lan
rằm tháng Bảy. Ở chùa còn có lễ "Tam nguyên" gồm lễ Thiên quan tích phúc vào rằm tháng
Giêng, lễ Địa quan xá tội trùng với lễ Vu lan, và lễ Thủy quan giải ách vào rằm tháng Mười.
Như vậy tất cả các lễ hội Phật giáo đều tiến hành vào ngày rằm âm lịch, tức là Ngày trăng
tròn. Trăng tròn là "mãn nguyệt" đầy đặn, tròn trịa, trong sáng, chứa đựng một cái gì thiêng
liêng, màu nhiệm, huyền bí.
Các lễ hội khác ở từng chùa thường được xem là gắn với ngày kỵ của vị sư tổ tiếng tăm,
nhưng thực ra đó chỉ là một cách giới thiệu thuộc lớp văn hóa muộn, lật tìm về nguồn nó
chính là hội xuân cổ truyền trai gái giao duyên của dân gian. Chẳng hạn hội chùa Thầy (Hà
Tây) vào mồng 7 tháng Ba, ngoa truyền là ngày kỵ nhà sư Từ Đạo Hạnh, nhưng sử cũ ghi rõ
Từ Đạo Hạnh hóa thân trút xác vào mùa hạ, tháng Sáu năm Bính Thân ( 1116 ). Và ở đây,
đáng ra phải trang trọng thì lại là cảnh trai gái chơi núi, chơi hang:
Gái chưa chồng nhớ hang Cắc Cớ
Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy
Chùa Hương (Hà Tây) là cả một quần thể kiến trúc và hang động, hội kéo dài cả mùa xuân,
trai gái trẩy hội chính là để thỏa mãn khát vọng tuổi trẻ giữa thiên nhiên đang bừng thức
sức xuân.
Hội đền cũng thế, từ đền thờ anh hùng huyền thoại đến đền thờ anh hùng lịch sử đều có
dáng dấp hội tín ngưỡng xa xưa. Hội đền Hùng thờ Đức Quốc Tổ, nhưng sử gia xưa đã xếp
giai đoạn lịch sử Hùng Vương vào "ngoại kỷ", sự tích các vua Hùng đầy huyền tích, thì ngày
hội mồng 10 tháng Ba xem là ngày hóa của Đức Quốc Tổ chỉ là ngoa truyền. Đền Hùng ở
trên núi, truy về nguồn cũng chỉ là một đền thần núi. Và như thế hội ở đền Hùng cũng chỉ là
một thử hội xuân của địa phương được lịch sử hóa để cố kết cả dân tộc được nâng lên từ tín
ngưỡng thờ tổ tiên. Rồi hội đền Gióng (Hà Nội) mồng 9 tháng Tư kỷ niệm Đức Thánh Gióng
đại thắng giặc Ân. Các diễn xướng anh hùng ca bồi dưỡng cho mọi người lòng tự hào về quá
khứ với một "kỳ tích Việt Nam", nhưng lễ hội cho phép hôm đó trai gái được vào nương dâu
tình tự. Đây là lúc thời tiết thất thường chuyển từ khô hạn sang mùa mưa dông, phải chăng
là dịp kết thúc hội xuân, trai gái vui chơi thỏa tình, để rồi sau đấy chuyển sang nhịp lao
động khẩn trương. Đến đền thờ anh hùng lịch sử như các đền thờ Hai Bà Trưng ở Đồng
Nhân (Hà Nội) vào ngày mồng 6 tháng Hai, ở Hát Môn (Hà Tây) vào mồng 8 tháng Ba và ở
Hạ Lôi (Vĩnh Phúc) rằm tháng Giêng coi như ngày "Thánh hóa". Còn sử cũ cho biết Hai Bà
Trưng mất vào tháng Năm, mùa hè năm 43. Rõ ràng các đền thờ Hai Bà Trưng đã đưa văn
hóa thờ Hai Bà vào trong nội dung và trùm lên lớp văn hóa hội chơi xuân xa xưa của địa
phương. Hội đền vua Đinh và đền vua Lê (Ninh Bình) cũng mở vào ngày mồng 10 tháng Ba,
và một hội ở vùng Trương Yên có nhiều núi đá với những hang động, thung lan, và sông
Hoàng tạo một địa bàn cho hội chơi xuân của trai gái. Về sau phủ lên việc tưởng niệm vua
Đinh và vua Lê, có các sinh hoạt hội theo sự tích lịch sử nhưng cũng ở đó đã bộc lộ sự thức
tỉnh thiên nhiên để cho mưa thuận gió hòa, và rộn ràng vẫn là những cảnh trèo núi chơi
hang.
Trở lại lớp văn hóa Việt cổ, đi từ nguồn, nhất là khi các dân tộc Việt từ vùng núi và từ vùng
biển tiến vào chinh phục đồng bằng sông Hồng, tạo nên cuộc hôn phối Âu Cơ - Lạc Long
Quân tượng trưng cho hai yếu tố cơ bản là vùng cao/ vùng trũng hay Rừng/ Nước để sinh ra
trăm giống người Việt (Bách Việt) mà Lạc Việt và Âu Việt lại hòa đồng thành Âu Lạc là tổ
tiên trực tiếp của ngừời Việt Nam ngày nay. Người Việt chiếm lĩnh đồng bằng là những cư
dân trồng cấy lúa nước, trong tư duy của họ ở vùng thềm cao đồng bằng (tập trung là Sơn
Tây) tôn thờ thần Núi thành Thánh Tản Viên và vùng thềm trũng (tập trung là Bắc Ninh) tôn
thờ thần Sông thành Thánh Tam Giang. Rất nhiều làng quê có đình thờ các vị thần trên làm
Thành Hoàng. Làm nông nghiệp lúa nước (có kết hợp chăn nuôi gia đình), họ nhận ra Mặt
Trời trong sự chuyển xoay (ảo) đã tạo ra một quyền năng vô lượng, cần được tôn thờ ở vị trí
hàng đầu, mà bằng chứng là được khắc nổi ở trung tâm các mặt trống đồng, là những trò
chơi với quả cầu (và những biến tướng) được tuân thủ nghiêm ngặt trong nhiều lễ hội. Họ
cũng nhận ra mối quan hệ Âm - Dương tương sinh tương khắc mà cụ thể là giữa Giống Cái
và Giống Đực, rồi khái quát lên là các hiện tượng thiên nhiên như Nước/Lửa/Ngày/ Đêm
đối đãi nhau hòa hợp tạo sự phát triển, xung khắc gây tai biến, do đó con người phải tranh
thủ bằng nhiều hình thức mà tàn dư còn thấy ở nhiều lễ hội với các trò múa nõ nường chen,
tắt đèn. Trong tiềm thức của người làm ruộng nước, người Việt cổ nghĩ về các thần Rừng,
thần Nước, thần Đất, thần Lửa cũng như nhiều thần khác đều thuộc yếu tố Âm, nhân hóa
thành mẹ, đồng nhất với vũ trụ, khái quát thành Đạo Mẫu với Tam Toà và Tứ Phủ mà cho
đến nay còn được rất coi trọng trong các phủ và chùa.
Tín ngưỡng thờ Mặt Trời được phản ánh rõ ở các trò chơi với quả cầu mà âm cổ là cù. Đánh
phết, cướp cầu, vật cù, ném giỏ phổ biến ở vùng đất thuộc các tỉnh Phú Thọ, Bắc Ninh,
Thanh Hóa Quả cầu vốn là một khối tròn, to như quả bưởi, sơn son, vốn được thờ ở trong
cung đình, đến ngày hội sau khi làm lễ được rước ra chơi ở sân bãi. Đánh phết tiêu biểu ở
Phú Thọ với các hội Sơn Vi (l-3 tháng Giêng) hội Hiền Quang (13 tháng Giêng) Các người
chơi thuộc hai phe tranh nhau dùng gậy tre có nghéo đầu dưới để gạt và đẩy quả phết
xuống lỗ ở giữa sân bãi hoặc ở hai đầu đông và tây của sân bãi. Cướp cầu phổ biến ở Phú
Thọ với các hội Điêu Lương (mồng 4 tháng Giêng), hội Đông Viên (mồng 4 tháng Giêng), hội
cầu đảo Thạch Trúc (khi đại hạn); ở Bắc Ninh vận hội làng Yên (14 tháng Hai), hội cầu đảo
làng Diềm (khi đại hạn) và ở Thanh Hoá với hội làng Vạc (mồng 8 tháng Giêng) mà người
chơi thuộc hai phe đều dùng tay tranh cướp quả cầu đem bỏ vào lỗ cầu bên mình ở hai đầu
đông hoặc tây của sân bãi. Trò ném giỏ, tung cầu ở Phú Thọ với hội Lương Lỗ (mồng 10
tháng Ba), hội Gia Dụ (12 tháng Giêng), ở Bắc Ninh với hội Đào Xá (khi đại hạn), ở Thanh
Hóa với Vệ Yên (mồng 5 tháng Giêng) ở Hà Nam với hội làng Chẩy (mồng 2 tháng Giêng)…
chỉ khác trò cướp cầu là lỗ cầu thay bằng giỏ treo trên cao. Các trò chơi với quả cầu đỏ được
chuyển động cơ bản theo hướng đông - tây, tổ chức trên sân bãi là khu đất thường khi đưa
được vào lỗ (hoặc giỏ) thì kết thúc đã gợi lại tín ngưỡng thờ. Mặt Trời cho tới khi đạt được sự
hòa hợp âm - dương thì tạo sự phát triển cho muôn loài. Cũng tương tự các trò kéo co, đánh
đu là sự chuyển động luân chuyển của thời gian. Trò chọi trâu gợi lại tín ngưỡng thờ Mặt
Trăng, cặp sừng trâu là hình trăng khuyết. Thờ Mặt Trời, Mặt Trăng cũng như thơi gian chu
chuyển là tín Ngưỡng về thiên nhiên, vũ trụ có ảnh hưởng đến nông nghiệp mà cả ngư
nghiệp.
Các hội đua thuyền, bơi chải phổ biến trong cả nước, tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ vào các
tháng 3-4-5 và 8-9, có nơi kéo dài gần một tháng như hội Đại Than (Bắc Ninh) từ mồng
mười tháng Ba đến mồng năm tháng Tư. Nhiều cư dân trồng lúa và đánh cá ở Đông Nam Á
cũng phổ biến lễ hội này. Ta thấy ở đây tín ngưỡng thờ thần Nước với sự đánh thức thủy
thần và cầu những cơn dông đầu mùa cho mưa đúng lúc.
Hội pháo ở Đồng Kỵ (Bắc Ninh), Bình Đà (Hà Tây) với nhiều kiểu pháo đặc sắc, nhất là pháo
màn than cả dàn treo cao, đã tạo tiếng nổ vang và ánh sáng như sấm rền chớp giật, tạo cả
bầu trời khói vần vũ, như mong cho mưa thuận gió hòa, là tín ngưỡng thành phong tục xuân
của cư dân lúa nước.
Và nổi lên là các lễ hội biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực, như hội chen làng Nga Hoàng
(Bắc Ninh) trong dịp từ mồng 6 đến rằm tháng Giêng là dịp để nam nữ giao hòa. Nhiều hội
trong đêm rã hội, như hội Nga Hoàng và nhất là La Khê (Hà Tây) mồng 7 tháng Giêng có
tục tắt đèn để trai gái tự do đùa nghịch. Được lễ nghi hóa và đáy thành trò múa mo như ở
hội Đồng Kỵ (Bắc Ninh), Sơn Đồng (Hà Tây), Nam Cường và Lương Đài (Phú Thọ) hoặc trò
cướp nõ nường ở các hội Dị Nậu, Khúc Lạc, Gia Thanh, Hà Thanh, Thanh Uyên (đều ở Phú
Thọ) múa hát với bộ nõ và nường gợi hành động ân ái rồi tung cho mọi người cướp. Như
vậy, chùa, đền, đình, với những sinh hoạt lễ hội trang nghiêm, chúng ta có thể bóc tách ra
nhiều tầng văn hóa, để từ đấy tìm ra những tín ngưỡng của người Việt cổ còn lưu lại, cần
thiết cho cư dân lúa nước như sùng bái giới tự nhiên và phồn thực.