Tải bản đầy đủ (.pdf) (5 trang)

Bệnh hoc - u xơ tử cung và u nang buồng trứng.pdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (174.87 KB, 5 trang )

U xơ tử cung & U nang buồng trứng
U xơ tử cung là gì?
Cứ khoảng 4 – 5 phụ nữ trong độ tuổi trên 35 lại có một người bị u xơ tử cung. Đây là một loại
khối u không phải ung thư của tử cung xuất hiện trong thời kỳ sinh đẻ của người phụ nữ. Vị trí
của u xơ có thể xuất hiện bên trong hoặc bên ngoài nội mạc tử cung, cũng như bên trong hoặc
bên ngoài lớp cơ của thành tử cung. Thường u xơ bắt nguồn từ chỉ một tế bào cơ trơn rồi tiếp
tục phát triển lên. Tên gọi đầy đủ là U xơ cơ tử cung (gọi tắt là u xơ tử cung).

Một người có thể có một hoặc nhiều u xơ cùng lúc trên tử cung. Kích thước của nó có thể thay
đổi từ cỡ hạt đậu đến quả bưởi. Đa số u xơ có kích thước nhỏ, nhưng đôi khi khối u phát triển
đến kích thước không ngờ. Khối u xơ có thể phát triển chậm chạp, nhưng đôi khi lại rất nhanh.
Trong suốt thời gian phát triển, u xơ gần như vô hại. Nó không làm tăng nguy cơ ung thư tử cung
và hầu hết không tiến triển thành ung thư.

Nếu khối u gây đau chói đột ngột vùng chậu thì cần phải được điều trị cấp cứu. Biến chứng này
hiếm xảy ra. Nói chung u xơ tử cung ít gây khó chịu và hiếm khi cần phải điều trị. Người ta có thể
sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật để làm giảm kích thước hoặc cắt bỏ hoàn toàn khối u.

Dấu hiệu và triệu chứng
Có thể bạn không cảm thấy bất thường gì xảy ra trong cơ thể nếu bạn bị u xơ tử cung. Đến hơn
50% phụ nữ bị u xơ không biểu hiện triệu chứng. Hầu hết các u xơ tử cung được phát hiện tình
cờ khi thăm khám vùng chậu định kỳ hoặc theo dõi trước khi sanh. Những dấu hiệu thường gặp
nhất của u xơ tử cung là:
• Chảy máu kinh bất thường - nặng hơn hoặc kéo dài hơn.
• Đau bụng hoặc đau lưng vùng thấp.
• Giao hợp đau.
• Triệu chứng thiếu máu (do mất nhiều máu kinh).
• Tiểu khó hoặc tiểu lắt nhắt do khối u xơ chèn ép lên bàng quang.
• Tăng áp lực vùng chậu.
• Vô sinh hoặc sẩy thai.
• Táo bón.


Nguyên nhân
Hiện nay nguyên nhân còn chưa rõ ràng. Yếu tố di truyền có lẽ đóng một vai trò nào đó trong
bệnh này. Bạn có nhiều khả năng bị u xơ tử cung hơn nếu như trong gia đình bạn cũng có người
nữ từng bị u xơ.

Sự phát triển của u xơ dường như cũng chịu ảnh hưởng của yếu tố hormone, nhất là estrogen. U
xơ có xu hướng phát triển suốt trong giai đoạn sinh đẻ của người phụ nữ và phát triển rất nhanh
trong thai kỳ khi nồng độ estrogen tăng cao nhất. Sau mãn kinh khối u xơ thường thu nhỏ lại do
nồng độ estrogen suy giảm. Một số hormone khác, như progesterone, cũng ảnh hưởng đến sự
phát triển của u xơ.

Yếu tố nguy cơ
Chỉ có một vài yếu tố nguy cơ của u xơ đã được biết, ví dụ như độ tuổi sinh đẻ. Những yếu tố
nguy cơ tiềm ẩn khác vẫn còn chưa được biết rõ. Một số nghiên cứu cho thấy phụ nữ béo phì có
nguy cơ bị u xơ cao hơn, ngược lại một số khác lại không cho thấy có mối liên hệ nào. Vấn đề
cũng tương tự như vậy khi một số nghiên cứu chứng tỏ phụ nữ sử dụng thuốc ngừa thai uống và
nữ vận động viên điền kinh ít có nguy cơ bị u xơ, trong khi có những nghiên cứu phản bác điều
này.

Khi nào bạn cần lời khuyên của Bác sĩ?
Bạn cần đến Bác sĩ khi xuất hiện những cơn đau vùng chậu dai dẳng không dứt, cơ đau có thời
gian hoặc cường độ quá mức, ra máu âm đạo bất thường giữa các kỳ kinh nguyệt, giao hợp đau,
tiểu khó hoặc lắt nhắt, thường xuyên táo bón,...Đáng lưu ý nhất là đột ngột ra máu âm đạo nhiều
hoặc đau chói vùng chậu.

Tầm soát và chẩn đoán
Nhằm phát hiện khối u xơ, các bác sĩ sẽ khám bụng, khám vùng chậu và thăm âm đạo. Trong
nhiều trường hợp, bác sĩ sẽ đề nghị bạn làm siêu âm – một phương tiện thăm khám không gây
đau, sử dụng sóng âm thanh cao tần để chuyển hình ảnh tử cung của bạn lên màn hình. Các
hình ảnh này sẽ rất hữu ích cho chẩn đoán, nhất là để theo dõi sự phát triển của khối u.


Soi buồng tử cung cũng có thể được sử dụng. Đó là một thủ thuật không xâm nhập, người ta
dùng một đầu camera nhỏ, phát sáng đưa vào trong buồng tử cung thông qua ngõ âm đạo và cổ
tử cung. Phương pháp này cho phép bác sĩ nhìn thấy được lớp nội mạc buồng tử cung và có thể
lấy một mẫu mô nhỏ nếu cần thiết (để làm tế bào học).

Biến chứng
U xơ tử cung thường không nguy hiểm, nhưng đôi khi có thể gây khó chịu, hoặc có thể có biến
chứng như thiếu máu (do mất nhiều máu hơn khi hành kinh), khó thụ thai vì khối u có thể làm
biến dạng tử cung và lớp nội mạc tử cung, gây bất lợi cho sự làm tổ của trứng. Đôi khi khối u có
thể gây cản trở hoặc tắc nghẽn ống sanh, nhất là các u nằm ở eo tử cung, có thể gây khó khăn
cho cuộc sanh. Tuy nhiên, thường u xơ tử cung mềm đi khi có thai và ít khi gây trở ngại cho thai
kỳ.

Trong một số hiếm trường hợp, khối u nằm dưới thanh mạc, ngoài lớp cơ tử cung và có cuống,
nó thể bị xoắn vặn gây nên cơn đau chói nặng nề và đột ngột ở vùng bụng dưới của bạn. Trường
hợp này cần phải được phẫu thuật gấp.

Điều trị
Nếu khối u xơ không có triệu chứng gì, bạn chỉ cần theo dõi thường xuyên, thăm khám và siêu
âm theo dõi kích thước của nó. Nếu u xơ có triệu chứng, bác sĩ của bạn sẽ áp dụng một trong
những biện pháp sau đây:

Dùng thuốc
Thuốc ngừa thai uống hoặc các hormone sinh dục giúp kiểm soát triệu chứng cường kinh. Tuy
nhiên các thuốc này không làm thay đổi kích thước khối u. Các thuốc đồng vận với hormone Gn-
RH (Hormone phóng thích hormone hướng sinh dục) (như Lupron, Viadur, …) có thể làm giảm
kích thước khối u xơ do hạ thấp nồng độ estrogen trong cơ thể bạn. Điều trị này không thể dùng
lâu dài, thường áp dụng để chuẩn bị cho phẫu thuật. Không may là các chất đồng vận của Gn-
RH gây ra nhiều triệu chứng của mãn kinh như cơn nóng bừng, tính khí nóng nảy, nhức đầu, khô

âm đạo và mất xương. Nếu sử dụng các thuốc này, bác sĩ thường phải dùng kèm thêm các thuốc
điều trị các triệu chứng mãn kinh nói trên. Khối u xơ thường tái phát sau khi ngưng thuốc. Hầu
hết các thuốc điều trị u xơ được sử dụng như một liệu pháp tạm thời trong mãn kinh sớm hoặc
chuẩn bị cho phẫu thuật.

Phẫu thuật
Đôi khi cần phải phẫu thuật để cắt bỏ khối u. Một phương pháp thường dùng là thủ thuật cắt bỏ u
cơ, trong thủ thuật này người ta chỉ cắt bỏ khối u và giữ nguyên tử cung. Đây là một biện pháp
quan trọng nếu bạn còn muốn tiếp tục có con. Một phẫu thuật khác là cắt tử cung. Biện pháp này
điều trị u xơ hữu hiệu nhất, nhưng chỉ nên thực hiện nếu u xơ gây triệu chứng. Phẫu thuật cắt tử
cung ít biến chứng hơn phẫu thuật cắt khối u xơ và đó là giải pháp điều trị tận gốc. Nếu cắt khối
u xơ, tỷ lệ tái phát khoảng 10%.

Trong 10 năm gần đây, thế giới đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của những kỹ thuật ít xâm
nhập như cắt u xơ qua soi buồng tử cung hoặc nội soi ổ bụng. Người ta dùng một camera rất
nhỏ gắn vào đầu một que nhỏ dài với nguồn sáng lạnh đưa vào bên trong buồng tử cung (qua
âm đạo và cổ tử cung) hoặc trong ổ bụng (qua một đường rạch nhỏ vùng giữa thành bụng), hình
ảnh ghi được từ camera được truyền theo dây cáp quang ra một màn hình theo dõi bên ngoài.
Với thủ thuật này, sự lành vết thương hết sức mau chóng và để lại sẹo nhỏ. Tuy nhiên hiện nay
chúng chỉ được áp dụng cho các u xơ nhỏ hoặc các u xơ mới hình thành nhưng có tốc độ phát
triển nhanh. Nói chung phẫu thuật qua nội soi hiếm khi cần vì thường các u xơ nhỏ không cần
điều trị.

Gây tắc động mạch nuôi khối u
Phương pháp không phẫu thuật và rất ít xâm nhập này có thể là một lựa chọn tốt cho những
bệnh nhân không muốn phẫu thuật. Thủ thuật này làm nhỏ khối u bằng cách cắt hoặc gây tắc
động mạch cấp máu nuôi dưỡng chúng. Bác sĩ - dưới sự hướng dẫn của X quang, luồn một ống
nhỏ (catheter) qua động mạch chi dưới vào động mạch tử cung, rồi vào nhánh động mạch nuôi
khối u. Khi catheter đã định vị trí chính xác, người ta đưa vào một mảnh plastic hoặc gelatin nhỏ
gây tắc hoàn toàn dòng máu vào khối u. Sau một thời gian, u xơ không được cấp máu sẽ thu nhỏ

kích thước hoặc biến mất hoàn toàn.

Đây là một phương pháp tương đối mới mẻ trong điều trị u xơ tử cung, đặc biệt được dùng nhiều
trong các u xơ gây chảy máu nhiều sau sanh. 85% phụ nữ được điều trị theo phương pháp này
hoàn toàn không còn các triệu chứng đau hoặc các triệu chứng do khối u. thường bệnh nhân
phải nằm lại trong bệnh viện để theo dõi một ngày, và hầu hết các bệnh nhân áp dụng biện pháp
này đều có triệu chứng co thắt cơ bụng trong vài giờ đến vài ngày sau thủ thuật. Tỷ lệ sang chấn
tử cung cũng như nhiễm trùng rất thấp. Các nghiên cứu về khả năng có thai trở lại sau thủ thuật
hiện chưa hoàn thành. Tỷ lệ tái phát u xơ cũng chưa được biết rõ, và những ảnh hưởng lâu dài
của thủ thuật còn phải được nghiên cứu thêm.

Phòng ngừa.
Mặc dù người ta đang đào sâu nghiên cứu về nguyên nhân bệnh sinh của u xơ nhưng hiện vẫn
còn nhiều điều chưa rõ ràng trong vấn đề này. Chính vì vậy mà việc phòng ngừa bệnh còn nhiều
trở ngại và chưa có biện pháp nào thực sự hiệu quả. Một điều may mắn là hầu hết các u xơ tử
cung đều không đòi hỏi phải điều trị.
U nang buồng trứng
là một loại u lành tính chiếm tuyệt đại đa số trong các loại u lành tính của buồng trứng
(loại u đặc buồng trứng thường chiếm tỷ lệ nhỏ và thường là ác tính).
U nang buồng trứng là những túi chứa đầy dịch ở trong hoặc trên bề mặt của buồng
trứng. Mỗi người phụ nữ bình thường có hai buồng trứng hình quả hạnh nằm hai bên tử
cung. Nhiều người phụ nữ bị u nang buồng trứng nhưng với kích thước nhỏ và không hề
gây bất cứ ảnh hưởng hay khó chịu nào, và tồn tại suốt đời của họ.
Tuy nhiên một số u nang có thể gây ra triệu chứng nặng có thể đe dọa tính mạng.
Các dấu hiệu và triệu chứng có thể xảy ra do u nang buồng trứng như:
• Xuất huyết âm đạo bất thường
• Đau vùng chậu (bụng dưới và hai hố chậu ) – liên tục hoặc từng cơn, có thể lan ra
sau lưng hoặc xuống hai đùi.
• Đau nhiều ở khung chậu khi bắt đầu hoặc kết thúc hành kinh.
• Đau khung chậu khi giao hợp.

• Nôn, buồn nôn hoặc căng vú tương tự như khi có thai.
• Đầy nặng bụng.
• Khối u nang buồng trứng có thể lớn gây đè ép lên trực tràng hoặc bàng quang
khiến bạn có thể đi cầu bón hoặc tiểu khó.
Những triệu chứng sau nếu xảy ra cần hết sức lưu ý và cần nhập viện ngay:
• Đau bụng tăng lên đột ngột dữ dội
• Đau bụng kèm theo sốt.
• Nôn mửa.
U nang buồng trứng thường ít gây ảnh hưởng cho cuộc sống của bạn, nhưng đôi khi
chúng có thể gây một số biến chứng, như:
• Tăng cường sản xuất hormone sinh dục khiến bạn bị xuất huyết âm đạo bất
thường hoặc bị chứng rậm lông.
• Chèn ép lên bàng quang gây ra tiểu lắt nhắt nhiều lần.
• Hiếm khi u nang buồng trứng chuyển sang ác tính.
• Làm tăng nguy cơ ung thư vú, nhất là sau mãn kinh. …
Điều trị:
Việc điều trị còn tuỳ thuộc vào lứa tuổi của bạn, loại u nang, kích thước u, và các triệu
chứng.
• Hãy quan sát và chờ đợi. Nếu bạn còn trong độ tuổi sinh đẻ, cần đến khám tại
chuyên khoa phụ khoa, kiểm tra vùng chậu bằng siêu âm thường xuyên để đánh
giá kích thước và những sự thay đổi bất thường của u nang.
• Nếu kích thước nang lớn, gây ra một số triệu chứng đáng kể, bác sĩ sẽ cho bạn
dùng một số loại thuốc ngừa thai uống, các thuốc này có thể giúp ngăn cản sự
thay đổi và phát triển u nang.
• Phẫu thuật thường dùng cho các u nang đường kính lớn hơn 2 inch (hơn 3cm),
mật độ chắc, kích thước thay đổi nhanh, tồn tại lâu,…Chỉ định phẫu thuật tùy
thuộc vào những đánh giá cụ thể của bác sĩ điều trị.

×