VIỆC XÁC ĐỊNH CƠ QUAN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP
VÀ CHỌN LUẬT ÁP DỤNG
ĐỐI VỚI HỢP ĐỒNG DÂN SỰ CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI
Khác với hợp đồng trong nước, việc xác định cơ quan tài phán nước nào có thẩm quyền
giải quyết tranh chấp và hệ thống pháp luật nước nào được dùng để điều chỉnh hợp đồng
dân sự có yếu tố nước ngoài không phải là chuyện dễ dàng. Với tư cách là một quan hệ dân
sự có yếu tố nước ngoài, tranh chấp về hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài hoàn toàn có
khả năng được giải quyết ở cơ quan tài phán của các nước khác nhau bởi không tồn tại một
hệ thống pháp luật tố tụng “xuyên quốc gia” để trả lời cho câu hỏi về thẩm quyền xét xử
của cơ quan tài phán trong các trường hợp này. Khi đó, việc xác định cơ quan tài phán có
thẩm quyền đối với tranh chấp từ hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài dựa trên cơ sở
nào?
Khởi nguồn từ “nguyên tắc vàng” của hợp đồng là tự do thỏa thuận, pháp luật của các
nước trên thế giới cũng như các điều ước quốc tế đều mở ra cơ hội cho các bên chủ thể
quyết định hệ thống pháp luật được áp dụng để điều chỉnh hợp đồng của họ. Nhìn vào các
hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài, ngoài những nội dung cơ bản được đề cập như mọi
hợp đồng, đó là đối tượng, chất lượng, số lượng, giá cả, phương thức thanh toán... thì
thường xuất hiện điều khoản luật áp dụng (applicable law). Nhưng liệu hệ thống pháp luật
được các bên thỏa thuận trong hợp đồng có “hợp pháp” hay không, nghĩa là có được cơ
quan tài phán chấp nhận sử dụng khi giải quyết tranh chấp hay không?
1. Xác định thẩm quyền của trọng tài, tòa án
Thẩm quyền của trọng tài
Thẩm quyền của trọng tài phụ thuộc vào thỏa thuận trọng tài của các bên chủ thể. Điều đó
có nghĩa là các chủ thể của hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài có quyền thỏa thuận lựa
chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp giữa họ. Pháp luật của các nước, các điều ước quốc
tế đều không ngăn cản quyền tự do đó của các bên chủ thể. Lẽ dĩ nhiên, trọng tài chỉ có
thẩm quyền trong lĩnh vực tranh chấp thương mại chứ không phải là dân sự nói chung.
Như vậy, trọng tài một nước sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về hợp đồng dân sự có
yếu tố nước ngoài nếu như các bên chủ thể nêu rõ trong thỏa thuận trọng tài và thỏa thuận
đó có hiệu lực. Cũng giống như các vụ việc trong nước, khi tranh chấp về hợp đồng dân sự
có yếu tố nước ngoài đã thuộc về thẩm quyền giải quyết của trọng tài thì tòa án phải “để
lại” vụ việc đó cho trọng tài xử lý.
Thẩm quyền của tòa án
Trong trường hợp các bên chủ thể không lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng
trọng tài, hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài có thể được giải quyết bằng con đường tòa
án. Thẩm quyền xét xử hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài của tòa án một nước phụ
thuộc vào quy định của điều ước quốc tế mà quốc gia đó là thành viên về vấn đề này và
pháp luật tố tụng dân sự của quốc gia đó. Nhưng nhìn chung, thẩm quyền xét xử vụ việc
dân sự có yếu tố nước ngoài của tòa án các nước có hai dạng: thẩm quyền xét xử chung và
thẩm quyền xét xử riêng biệt.
Thẩm quyền xét xử chung là thẩm quyền đối với những vụ việc mà tòa án nước đó có
quyền xét xử nhưng tòa án nước khác cũng có thể xét xử (điều này tùy thuộc vào tư pháp
quốc tế của các nước khác có quy định là tòa án nước họ có thẩm quyền với những vụ việc
như vậy hay không). Khi mà tòa án nhiều nước đều có thẩm quyền xét xử với một vụ việc
dân sự có yếu tố nước ngoài, thì quyền xét xử thuộc về tòa án nước nào phụ thuộc vào việc
nộp đơn của các bên chủ thể.
Thẩm quyền xét xử riêng biệt là trường hợp quốc gia sở tại tuyên bố chỉ có tòa án nước họ
mới có thẩm quyền xét xử đối với những vụ việc nhất định. Nếu tòa án nước khác vẫn tiến
hành xét xử đối với những vụ việc thuộc thẩm quyền xét xử riêng biệt, hậu quả là bản án,
quyết định được tuyên bởi tòa án nước khác sẽ không được công nhận, cho thi hành tại
quốc gia sở tại. Trong trường hợp này, kể cả các bên chủ thể thỏa thuận tòa án nước khác
thì về nguyên tắc, tòa án nước đó cũng cần phải từ chối thụ lý vụ việc để tôn trọng thẩm
quyền xét xử riêng biệt của quốc gia sở tại.
Câu hỏi đặt ra là: làm sao biết được tranh chấp về hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài
giữa các bên chủ thể có thuộc về thẩm quyền xét xử riêng biệt của tòa án nước nào đó trên
thế giới hay không? Trước hết, phải thấy rằng, các quốc gia khi xác định thẩm quyền xét
xử của tòa án nước mình về một vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài nào đó thường dựa
trên cơ sở tính hợp lý của nó mà không quy định một cách chung chung, tùy tiện. Tính hợp
lý nằm ở chỗ vụ việc có liên quan gì tới quốc gia đó hay không (như quốc tịch, nơi cư trú
của các bên chủ thể; sự kiện xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ; đối tượng của quan hệ
đang phát sinh tranh chấp). Thông thường, quốc gia ấn định thẩm quyền xét xử riêng biệt
của mình đối với những vụ việc có tính chất hết sức quan trọng tới an ninh, trật tự của
quốc gia (ví dụ: Việt Nam xác định thẩm quyền xét xử riêng biệt đối với các vụ án dân sự
có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam [1]) hay
nhằm mục đích bảo vệ cho các cá nhân, pháp nhân, một lĩnh vực ngành nghề nào đó trong
nước (ví dụ: Việt Nam xác định thẩm quyền xét xử riêng biệt đối với tranh chấp phát sinh
từ hợp đồng vận chuyển mà người vận chuyển có trụ sở chính hoặc chi nhánh tại Việt
Nam). Vì thế, để chắc chắn rằng vụ việc có thuộc thẩm quyền xét xử riêng biệt của quốc
gia nào đó hay không, chỉ cần xem xét pháp luật của các quốc gia có mối liên hệ mật thiết
tới hợp đồng.
Trở lại với những lập luận trên, về lý thuyết có thể rút ra là: trừ những trường hợp thuộc
thẩm quyền xét xử riêng biệt của tòa án một nước nào đó, các bên chủ thể hoàn toàn có
quyền thỏa thuận lựa chọn tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về hợp đồng giữa
họ [2]. Nhưng xét dưới khía cạnh pháp lý, khác với thẩm quyền giải quyết tranh chấp của
trọng tài phát sinh trên cơ sở thỏa thuận của các bên chủ thể, về nguyên tắc, thẩm quyền
xét xử của tòa án là do pháp luật quy định. Thỏa thuận chọn tòa án nước nào có thẩm
quyền giải quyết tranh chấp mới chỉ là sự thống nhất giữa các bên chủ thể, chứ nó không
có giá trị mang tính chất “bắt buộc” hay đương nhiên “tạo nên thẩm quyền” cho tòa án
được lựa chọn. Tòa án có thẩm quyền hay không sẽ phụ thuộc vào tư pháp quốc tế của
nước đó (phần quy định về thẩm quyền xét xử của tòa án). Vì thế, các bên cần nghiên cứu
kỹ tư pháp quốc tế nước có tòa án được thỏa thuận lựa chọn. Cần có một cái nhìn tổng
quan rằng, không phải pháp luật nước nào cũng quy định về việc cho phép các bên chủ thể
hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài thỏa thuận chọn tòa án xét xử.
Nước ta hiện nay đã quy định về một số trường hợp được phép chọn tòa án để giải quyết
tranh chấp, chẳng hạn, theo Khoản 2 Điều 4 của Bộ luật Hàng hải năm 2005: “Các bên
tham gia trong hợp đồng liên quan đến hoạt động hàng hải mà trong đó có ít nhất một bên
là tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài thì có quyền thỏa thuận áp dụng luật nước ngoài hoặc
tập quán hàng hải quốc tế trong các quan hệ hợp đồng và chọn Trọng tài, Tòa án ở một
trong hai nước, hoặc ở một nước thứ ba để giải quyết tranh chấp”. Nhưng đây cũng chỉ là
một vài quy định đơn lẻ, còn đối với hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài nói chung,
pháp luật Việt Nam không chỉ rõ liệu các bên chủ thể có quyền thỏa thuận chọn tòa án
nước nào đó giải quyết hay không. Với tư duy “người dân được làm những gì mà pháp luật
không cấm, còn công chức, cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật cho
phép”, rõ ràng, tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết đối với tranh chấp về một hợp
đồng dân sự có yếu tố nước ngoài nào đó hay không sẽ không phụ thuộc vào việc các bên
chủ thể đó thỏa thuận chọn tòa án Việt Nam, mà quan trọng là vụ việc đó phải thuộc các
trường hợp thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt
Nam và các điều ước quốc tế liên quan. Tuy nhiên, xu thế phổ biến hiện nay là các nước
cho phép chủ thể hợp đồng lựa chọn tòa án của một nước nào đó để giải quyết tranh
chấp [3]. Vì thế, điều khoản giải quyết tranh chấp với sự lựa chọn tòa án của một nước
trong hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài trở nên khá quen thuộc trên thực tế.
2. Xác định hệ thống pháp luật được áp dụng
“Tự do trong khuôn khổ của pháp luật” - mọi thỏa thuận của các bên chủ thể hợp đồng,
trong đó bao hàm việc chọn luật áp dụng vẫn phải nằm trong phạm vi mà pháp luật cho
phép. Pháp luật cho phép là những quy định nào? Câu trả lời không quá khó cho những
hợp đồng trong nước, nhưng sẽ phức tạp hơn nhiều đối với các hợp đồng dân sự có yếu tố
nước ngoài khi mà tính chất “quốc tế” của chúng đưa lại hệ quả là “khả năng” tham gia chi
phối của nhiều hệ thống pháp luật của các nước khác nhau. Lúc đó, chúng ta phải soi rọi
vào pháp luật nào để tìm kiếm tính hợp pháp của việc chọn luật áp dụng?
Để điều chỉnh các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài nói chung, trong đó bao hàm hợp
đồng dân sự có yếu tố nước ngoài thì mỗi nước có một ngành luật riêng - tư pháp quốc tế,
một số nước gọi là Luật xung đột (Private International Law, Conflict of Law) [4]. Nhưng
như trên đã phân tích về thẩm quyền giải quyết, tranh chấp về hợp đồng dân sự có yếu tố
nước ngoài có thể được giải quyết bởi cơ quan tài phán nước này nhưng cũng có thể bởi cơ
quan tài phán nước khác. Về nguyên tắc, cơ quan tài phán một nước sẽ áp dụng tư pháp
quốc tế của nước đó để xem xét vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài. Vì thế, tư pháp quốc
tế của nước có cơ quan tài phán thụ lý tranh chấp về hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài
sẽ là nguồn pháp luật xác định thỏa thuận chọn luật áp dụng của các bên chủ thể là hợp
pháp hay không [5]. Phân tích này cho thấy, việc xác định hệ thống pháp luật được dùng
để đánh giá tính hợp pháp của thỏa thuận chọn luật giữa các bên chủ thể trong hợp đồng
dân sự có yếu tố nước ngoài phụ thuộc vào việc cơ quan tài phán thụ lý vụ việc tranh chấp
thuộc nước nào. Do đó, xem xét thỏa thuận chọn luật áp dụng cho hợp đồng dân sự có yếu
tố nước ngoài cần phải đặt trong sự gắn kết với từng con đường giải quyết tranh chấp.
-Trường hợp cơ quan giải quyết tranh chấp là trọng tài: Pháp luật các nước, các điều ước
quốc tế về trọng tài và quy tắc trọng tài của các tổ chức trọng tài trên thế giới đều cho
phép, khuyến khích các bên chủ thể thỏa thuận về luật áp dụng cho hợp đồng dân sự có yếu
tố nước ngoài nói chung khi sử dụng con đường giải quyết tranh chấp là trọng tài. Tuy
nhiên, hệ thống pháp luật được lựa chọn không có nghĩa là tự do mà vẫn phải tuân thủ quy
định pháp luật trong nước, điều ước quốc tế có liên quan. Chẳng hạn, Khoản 2 Điều 7 của
Pháp lệnh Trọng tài thương mại Việt Nam năm 2003 quy định: “Đối với vụ tranh chấp có
yếu tố nước ngoài, Hội đồng Trọng tài áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn. Việc lựa
chọn pháp luật nước ngoài và việc áp dụng pháp luật nước ngoài không được trái với các
nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”. Như vậy, khi lựa chọn trọng tài nước nào, các
bên chủ thể cần phải xem xét cả pháp luật nước đó, điều ước quốc tế mà nước đó là thành
viên có liên quan và quy tắc trọng tài (trong trường hợp đây là trọng tài quy chế) để biết
được loại hợp đồng giữa họ có được phép thỏa thuận lựa chọn luật không và hệ thống pháp
luật được lựa chọn có hợp pháp hay không?
-Trường hợp cơ quan giải quyết tranh chấp là tòa án: Tư pháp quốc tế của nước có tòa
án sẽ là cơ sở để xem việc thỏa thuận chọn luật áp dụng của các bên có hợp pháp hay
không. Tư pháp quốc tế Việt Nam cũng như các nước trên thế giới hiện nay đều đi theo
hướng cho phép các bên có quyền thỏa thuận chọn luật áp dụng cho hợp đồng dân sự có
yếu tố nước ngoài nói chung. Tuy nhiên, quyền tự do thỏa thuận này cũng bị “tước bỏ”
trong một số hợp đồng đặc biệt. Theo quy định tại Điều 769 của Bộ luật Dân sự (BLDS)
năm 2005 của Việt Nam thì:
“1. Quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng được xác định theo pháp luật của nước
nơi thực hiện hợp đồng,nếu không có thỏa thuận khác.
Hợp đồng được giao kết tại Việt Nam và thực hiện hoàn toàn tại Việt Nam thì phải tuân
theo pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong trường hợp hợp đồng không ghi nơi thực hiện thì việc xác định nơi thực hiện hợp
đồng phải tuân theo pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Hợp đồng liên quan đến bất động sản ở Việt Nam phải tuân theo pháp luật Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Như vậy, hợp đồng được giao kết và thực hiện hoàn toàn tại Việt Nam và hợp đồng liên
quan đến bất động sản ở Việt Nam thì tòa án Việt Nam khi thụ lý sẽ luôn áp dụng pháp luật
Việt Nam và vô hiệu hóa thỏa thuận chọn luật áp dụng (nếu có) của các bên chủ thể. Vì
thế, khi thỏa thuận chọn luật áp dụng, cần thiết phải tìm hiểu một cách thấu đáo tư pháp
quốc tế của nước có tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về hợp đồng.
Luật áp dụng đối với hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài có được hiểu là áp dụng
cho mọi vấn đề của hợp đồng?
Thông thường, điều khoản về luật áp dụng trong hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài có
nội dung mang tính chất khuôn mẫu như “mọi tranh chấp phát sinh liên quan đến hợp đồng
này sẽ được giải quyết bằng pháp luật nước X”. Giả định rằng tranh chấp được đưa ra xét
xử tại tòa án nước Y và việc lựa chọn hệ thống pháp luật này là hợp pháp thì rốt cuộc có
phải “mọi vấn đề của hợp đồng” đều được xem xét bằng pháp luật nước X hay không? Câu
trả lời phụ thuộc vào tư pháp quốc tế nước Y. Nếu tư pháp quốc tế của nước Y cho phép
các bên có thể thỏa thuận luật áp dụng cho mọi vấn đề của hợp đồng, câu trả lời là “có”.
Nhưng đặt trường hợp tư pháp quốc tế của nước Y không cho phép thỏa thuận luật áp dụng
cho một vấn đề nào đó của hợp đồng, câu trả lời là “không”. Ví dụ, Điều 770 của BLDS
năm 2005 của Việt Nam quy định:
“1. Hình thức của hợp đồng phải tuân theo pháp luật của nước nơi giao kết hợp đồng.
Trong trường hợp hợp đồng được giao kết ở nước ngoài mà vi phạm quy định về hình thức
hợp đồng theo pháp luật của nước đó, nhưng không trái với quy định về hình thức hợp
đồng theo pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì hình thức hợp đồng được
giao kết ở nước ngoài đó vẫn được công nhận tại Việt Nam.
2. Hình thức hợp đồng liên quan đến việc xây dựng hoặc chuyển giao quyền sở hữu công
trình, nhà cửa và các bất động sản khác trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân theo pháp luật
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”
Như vậy, pháp luật Việt Nam không mở ra cơ hội thỏa thuận luật áp dụng về hình thức của
hợp đồng. Do đó, khi nước Y là Việt Nam thì rõ ràng vấn đề hình thức của hợp đồng sẽ
không được áp dụng theo hệ thống pháp luật mà các bên chủ thể thỏa thuận. Tương tự,
pháp luật Việt Nam hiện hành (Điều 761, 762, 765 của BLDS năm 2005 cũng như các quy
định khác) cũng không cho phép các bên chủ thể lựa chọn luật áp dụng về vấn đề năng lực
chủ thể giao kết, thực hiện hợp đồng.
Các bên chủ thể có thể lựa chọn hệ thống pháp luật của bất kỳ nước nào trên thế