Tải bản đầy đủ (.docx) (200 trang)

Giáo án ngữ văn 9 ôn thi vào 10 theo khung chuẩn 2015

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (961.33 KB, 200 trang )

PHẦN I: VĂN CHÍNH LUẬN
BÀI 1: HỊCH TƯỚNG SĨ
(Trần Quốc Tuấn)
I. VỀ TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM
1. Tác giả
Trần Quốc Tuấn (1231 - 1300), tức Hưng Đạo Vương là một danh tướng kiệt xuất của dân
tộc. Năm 1285 và năm 1287, quân Mông - Nguyên xâm lược nước ta, lần nào ông cũng được
Trần Nhân Tông cử làm Tiết chế thống lĩnh các đạo quân ra trận, và cả hai lần đều thắng lợi vẻ
vang. Đời Trần Anh Tông, ông về trí sĩ ở Vạn Kiếp (nay là xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh
Hải Dương) rồi mất ở đấy. Nhân dân tôn thờ ông là Đức thánh Trần và lập đền thờ ở nhiều nơi
trên đất nước.
2. Thể loại
Một thể văn thư cổ mà các tướng lĩnh, vua chúa hoặc người thủ lĩnh một tổ chức, một phong
trào dùng để kêu gọi cổ vũ mọi người hăng hái chiến đấu tiêu diệt kẻ thù.
Bài hịch tiêu biểu và có giá trị nhất trong văn học Việt Nam là bài Hịch tướng sĩ văn của
Trần Hưng Đạo (thế kỉ XIII). Thời kì Pháp xâm lược nước ta (nửa sau thế kỉ XIX) nhiều hịch
bằng chữ Nôm xuất hiện và được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân (như Hịch đánh Tây của
Lãnh Cồ, Hịch đánh chuột của Nguyễn Đình Chiểu ).
Hịch thường được viết theo lối văn tứ lục, cũng có khi viết bằng văn xuôi hay thơ lục bát.
Một bài hịch thường được cấu trúc theo ba phần chính:
Phần đầu: nêu lên một nguyên lí đạo đức hay chính trị làm cơ sở tư tưởng, lí luận.
Phần giữa: nêu thực trạng đáng chú ý (thường là kể tội kẻ thù).
Phần cuối: nêu giải pháp và lời kêu gọi chiến đấu. Hịch viết xong thường được vào ống hịch
và do các sứ giả truyền đi khắp nơi. Nếu như hịch khẩn cấp thì trên đầu ống hịch thường có một
chùm lông gà (do vậy mà gọi là vũ hịch). (Theo Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục,
1992).
3. Tác phẩm
Nửa cuối thế kỉ XIII, chỉ trong ba mươi năm (1257 - 1287), giặc Mông – Nguyên đã ba lần
kéo quân sang xâm lược nước ta. Lúc bấy giờ thế giặc rất mạnh, muốn đánh bại chúng phải có
sự đồng tình, ủng hộ của toàn quân, toàn dân. Trần Quốc Tuấn đã viết bài hịch này để kêu gọi
tướng sĩ hết lòng đánh giặc.


Để kêu gọi lòng dân, người viết có thể dùng nhiều cách khác nhau. Có khi chỉ cần nêu lên
thực trạng, khơi gợi truyền thống yêu nước, căm thù giặc Trong bài hịch này, Trần Quốc Tuấn
đã sử dụng một giọng điệu, cách viết rất phong phú. Khi thì ông lấy tấm gương của người đời
xưa, khi thì dùng cách "khích tướng", có khi lại an ủi, vỗ về đối với đối tượng Đó chính là cái
hay, cái độc đáo của tác phẩm này.
II. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Bài hịch bố cục thành 4 đoạn:
- Đoạn 1 (từ đầu đến "đến nay còn lưu tiếng tốt."): tác giả nêu ra các gương "trung thần
nghĩa sĩ, bỏ mình vì nước" đã được lưu truyền trong sử sách để khích lệ lòng người.
- Đoạn 2 (từ "Huống chi ta" đến "ta cũng vui lòng."): từ việc phơi bày bộ mặt xấu xa của sứ
giặc, tác giả bày tỏ lòng căm thù giặc sâu sắc.
- Đoạn 3 (từ "Các ngươi ở cùng ta" đến "không muốn vui vẻ phỏng có được không ?"): từ
khắc sâu mối gắn bó ân tình giữa chủ và tướng, tác giả phân tích rõ thiệt hơn, được mất, đúng sai
để chấn chỉnh những sai lạc trong hàng ngũ tướng sĩ (từ "Các ngươi" đến "muốn vui vẻ phỏng có
được không ?") và đi đến việc vạch ra đường hướng hành động đúng, hứa hẹn tương lai (từ "Nay
ta bảo thật" đến "không muốn vui vẻ phỏng có được không ?").
- Đoạn 4 (từ "Nay ta chọn binh pháp" đến hết): nêu ra việc trước mắt phải làm và kết thúc
bằng những lời khích lệ nghĩa khí tướng sĩ.
2. Tác giả lột tả sự ngang ngược và tội ác của giặc:
"Ngó thấy sứ giặc đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình,
đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ, thác mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa, để thoả lòng tham
không cùng, giả hiệu Vân Nam Vương mà thu vàng bạc, để vét của kho có hạn. Thật khác nào
như đem thịt mà nuôi hổ đói, sao cho khỏi để tai vạ về sau !"
- Bộ mặt của quân giặc được phơi bày bằng những sự việc trong thực tế : đi lại nghênh
ngang, sỉ mắng triều đình, bắt nạt tể phụ, đòi ngọc lụa, thu vàng bạc, vét của kho có hạn
- Để lột tả sự ngang ngược và tội ác tham tàn của giặc, đồng thời bày tỏ thái độ căm thù,
khinh bỉ cực độ, tác giả đã dùng lối nói hình ảnh so sánh, ẩn dụ:
+ Hình ảnh chỉ quân giặc: lưỡi cú diều, thân dê chó, hổ đói,…
+ Các hình ảnh được đặt trong thế đối sánh để tỏ rõ thái độ căm thù, khinh bỉ: uốn lưỡi cú
diều - sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó - bắt nạt tể phụ.

- Tố cáo tội ác của giặc, tác giả đã khơi gợi lòng tự trọng dân tộc, khắc sâu lòng căm thù
ngoại xâm ở tướng sĩ.
3. Sau khi tố cáo tội ác của giặc, Trần Quốc Tuấn đã bày tỏ lòng yêu nước, căm thù giặc của
mình, có thể xem đây là đoạn văn hay nhất của bài hịch: "Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm
vỗ gối; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa được xả thịt lột da, nuốt gan
uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa,
ta cũng vui lòng."
- Nỗi đau trước cảnh nước mất nhà tan được diễn tả thống thiết: quên ăn, mất ngủ, lòng đau
như dao cắt, nước mắt đầm đìa. Uất hận trào dâng đến cực điểm khi tác giả bộc lộ thái độ của
mình đối với kẻ thù: chỉ căm tức chưa được xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù.
- Vị tướng đã tự xác định một tinh thần hi sinh hết mình cho đất nước: Dẫu cho trăm thân
này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng.
- Qua đoạn văn này, hình tượng người anh hùng yêu nước, sẵn sàng xả thân vì đất nước được
khắc hoạ rõ nét. Những lời tâm huyết, gan ruột của vị tướng có sức lay động mạnh mẽ, truyền
cho tướng sĩ tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng căm thù giặc sục sôi và một thái độ xả thân, chấp
nhận hi sinh vì non sông xã tắc.
4. Sau khi nêu mới ân tình giữa chủ soái và tướng sĩ, Trần Quốc Tuấn phê phán những hành
động sai của tướng sĩ, đồng thời khẳng định những hành động nên làm nhằm thức tỉnh sự tự ý
thức, trách nhiệm, tự nhìn nhận lại mình để điều chỉnh suy nghĩ cũng như hành động của tướng
sĩ.
Khi phê phán hay khẳng định, tác giả đều tập trung vào vấn đề đề cao tinh thần cảnh giác,
chăm lo rèn luyện để chiến thắng kẻ thù xâm lược. Bởi vì, bài hịch này dù trực tiếp là nhằm
khích lệ tiến sĩ học tập cuốn Binh thư yếu lược do chính Trần Quốc Tuấn biên soạn, nhưng mục
đích cao nhất chính là kêu gọi tinh thần yêu nước quyết chiến quyết thắng với ngoại xâm.
5. Trong bài hịch, giọng văn lúc thì là của vị chủ soái với tướng sĩ dưới quyền lúc lại là của
người cùng cảnh ngộ (suy cho cùng, chủ soái hay tướng sĩ khi đất nước lâm nguy thì đều cùng
một cảnh ngộ):
- Khi muốn bày tỏ ân tình hay khuyên răn thiệt hơn, tác giả lấy giọng gần gũi, chân tình của
người cùng chung cảnh ngộ để nói: "Các ngươi ở cùng ta coi giữ binh quyền đã lâu ngày, ( )
lúc trận mạc xông pha thì cùng nhau sống chết, lúc ở nhà nhàn hạ thì cùng nhau vui cười." ,

"Lúc bấy giờ, ta cùng các ngươi sẽ bị bắt, đau xót biết chừng nào! Chẳng những thái ấp của ta
không còn, mà bổng lộc của các ngươi cũng mất; chẳng những gia quyến của ta bị tan, mà vợ
con các ngươi cũng khốn; chẳng những xã tắc tổ tông ta bị giày xéo, mà phần mộ cha mẹ các
ngươi cũng bị quật lên "
- Khi nghiêm khắc của trách, cảnh cáo những hành động sai, thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm
của tướng sĩ trước vận mệnh đất nước, tác giả thẳng thắn đưa ra những lời lẽ gay gắt, như là sỉ
mắng: "không biết lo", "không biết thẹn", "không biết tức", "không biết căm" Thực ra, gia thần
của ông như Dã Tượng, Yết Kiêu, các môn khách như Phạm Ngũ Lão, Trần Thì Kiến, Trương
Hán Siêu, Phạm Lãm, Trịnh Dũ, Ngô Sĩ Thường, Nguyễn Thế Trực đều là những người trung
nghĩa. Trung nghĩa là nét nổi bật của tinh thần Đông A (tức nhà Trần). Cho nên, số người cầu an,
hưởng lạc tuy vẫn có, nhưng có phần chắc là Trần Quốc Tuấn dùng phép khích tướng, kích họ
bằng sỉ nhục, đẩy họ vào thế phải chứng tỏ tấm lòng biết lo, biết thẹn, biết tức, biết căm mà
đồng lòng hiệp sức cùng chủ tướng đánh dẹp quân thù."(Trần Đình Sử)
- Dù là khuyên răn bày tỏ thiệt hơn hay là lời nghiêm khắc cảnh cáo thì cũng đều nhằm khơi dậy
ý thức về trách nhiệm, bổn phận của tướng sĩ đối với giang sơn xã tắc, đều hướng tới cái đích
kêu gọi đồng tâm hiệp lực tiêu diệt quân xâm lược, đối phó với kẻ thù.
6. Một số đặc sắc nghệ thuật đã tạo nên sức thuyết phục cho bài hịch tướng sĩ.
- Thủ pháp so sánh - tương phản: đoạn 2,3
- Thủ pháp trùng điệp - tăng tiến; được sử dụng kết hợp với thủ pháp so sánh - tương phản, các
điệp từ, điệp ngữ, điệp ý được sử dụng triệt để nhằm tạo ra âm hưởng cho bài hịch, đồng thời
gợi, khắc sâu vào tâm trí người đọc (đoạn 3).
7*. Hịch tướng sĩ là một áng văn chính luận đặc sắc, với phong cách văn biền ngẫu có sức
lay động lòng người.
Với kết cấu chặt chẽ, bài hịch cho thấy sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ với tình cảm, giữa
lập luận với hình ảnh, dẫn chứng giàu sức thuyết phục.
Có thể thấy được cách triển khai lập luận của bài hịch qua lược đồ kết cấu sau:
Khích
lệ lòng
căn thù
giặc và

nỗi
nhục
của kẻ
mất
nước.
Khích lệ
lòng trung
quân ái
quốc, lòng
ân nghĩa
thuỷ
chung của
những
người
cùng cảnh
ngộ.
Khích lệ
ý chí lập
công và
tinh thần
xả thân
vì nước
của
tướng sĩ.
Khích lệ
lòng tự
trọng và
danh dự
cá nhân
của mỗi

người
trước vận
mệnh
quốc gia.
Khích lệ lòng yêu nước và ý chí quyết
tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược.
III. RÈN LUYỆN
Chứng minh bài Hịch tướng sĩ vừa có lập luận chặt chẽ, sắc bén vừa giàu hình tượng, cảm
xúc, do đó có sức thuyết phục cao.
Gợi ý: Tham khảo đoạn văn sau.
“…Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn đặc biệt sắc sảo trong lời văn và hiệu quả ở giọng
điệu. Tác giả mở đầu tác phẩm không hề rào đón mà trực tiếp nêu cao khí tiết của những người
anh hùng trong lịch sử. Đặt vấn đề theo cách này, Hưng Đạo Vương đã ngay lập tức khơi đúng
vào cái mạch truyền thống của “con nhà võ tướng” - đó là cái thể hiện và sự xả thân. Lời lẽ
hùng hồn khiến binh lính đều phải tự nhìn lại chính mình, xem mình đã làm được gì cho dân,
cho nước. Trong trình bày luận điểm, chúng ta dễ dàng nhận thấy, Trần Quốc Tuấn luôn gắn
liền quyền lợi và nghĩa vụ của mình với dân với nước, đặt ngang hàng quyền lợi của mình với
muôn ngàn tướng sĩ. Binh lính vì thế mà vừa tin tưởng, vừa nể phục vị đại tướng quân. Và như
vậy cũng có nghĩa là tướng sĩ trên dưới một lòng.
Sự khéo léo của Trần Quốc Tuấn trong lập luận còn nằm ở chỗ, tác giả xen kết hài hoà giữa
phê phán và khích lệ, kiểm điểm với động viên. Điều cốt yếu nhất mà Đại vương đã làm được đó
là khơi vào nỗi nhục của bản thân và quốc thể từ đó mà thắp lên sự căm hờn trong mỗi người:
"Chẳng những gia quyến của ta bị tan mà vợ con các ngươi cũng khốn, chẳng những tổ tông ta
bị giày xéo, mà phần mộ cha mẹ các ngươi cũng bị quật lên". Câu văn khơi gợi vô cùng bởi
chẳng ai là không căm uất, không muốn đứng lên tiêu diệt những kẻ dã tâm giày xéo, chà đạp
dã man lên quê hương, đất nước, gia đình mình.
Lời hịch của Trần Quốc Tuấn cứ thế thắt mở lôi cuốn quân sĩ vào cuộc chiến. Cứ thế tạo cho
họ một tâm thế, một khí thế sục sôi sẵn sàng tuân theo thượng lệnh mà ra trận.
Tuy nhiên sự thuyết phục của Hịch tướng sĩ còn ở giọng điệu hùng hồn, ở những hình ảnh và
những câu văn giàu cảm xúc. Thử hỏi có ai không thấy nhục khi "ngó thấy sứ giả đi lại nghênh

ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tế
phụ ". Câu văn rất giàu hình ảnh và cảm xúc. Lối ví von hình tượng dấy lên lòng tự ái, tự tôn
dân tộc trong lòng mỗi con người.
Hoặc có lúc tự viết về mình, câu văn của Đại vương cũng rất giàu hình ảnh và đầy tâm sự
"Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa ".
Một câu văn mà xen chồng liên tiếp nhiều vị ngữ. Tất cả đều vừa giàu hình ảnh lại vừa tràn
trề cảm xúc. Nó hừng hực sôi trào và căm giận xiết bao.
Hịch tướng sĩ còn rất nhiều câu văn giàu hình ảnh. Nó cộm lại rồi cuộn lên có lúc như dòng
thác. Hơi văn như hơi thở mạnh hừng hực khí thế khiến người đọc liên tục bị cuốn theo và rồi bị
thuyết phục không biết tự lúc nào…”
BÀI 2: NƯỚC ĐẠI VIỆT TA
(Trích Bình Ngô đại cáo  Nguyễn Trãi)
I. VỀ TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM
1. Tác giả
Nguyễn Trãi (1380-1442), hiệu là Ức Trai, con của Nguyễn Phi Khanh, quê gốc ở xã Chi
Ngại, huyện Chí Linh, Hải Dương, sau dời đến làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây.
Ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn với vai trò rất lớn bên cạnh Lê Lợi. Nguyễn Trãi trở thành
nhân vật lịch sử lỗi lạc, hiếm có. Ông được UNE SCO công nhận là danh nhân văn hoá thế giới.
Nguyễn Trãi để lại một sự nghiệp văn chương đồ sộ, phong phú, trong đó có Bình Ngô đại
cáo, Ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập, Quân trung từ mệnh tập,
2. Hoàn cảnh ra đời của bài Cáo
Đầu năm 1428, sau khi quân ta đại thắng (tiêu diệt và làm tan rã 15 vạn viện binh của giặc,
buộc Vương Thông phải rút quân về nước), Nguyễn Trãi đã thừa lệnh vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi)
soạn thảo Bình Ngô đại cáo để bố cáo với toàn dân về sự kiện có ý nghĩa trọng đại này.
3. Thể loại
Cáo là một thể loại văn bản hành chính của nhà nước quân chủ, thường được dùng cho các
phát ngôn chính thức, hệ trọng của vua chúa hoặc thủ lĩnh, nhằm tổng kết một công việc, trình
bày một chủ trương xã hội chính trị cho dân chúng biết. Cáo đã có ở Trung Quốc từ thời Tam
Đại.
Cáo có thể được viết bằng văn xuôi, nhưng thường là được viết bằng biền văn. Được biết

đến nhiều nhất trong thể loại này ở văn học chữ Hán của Việt Nam là Bình Ngô đại cáo (1428)
do Nguyễn Trãi soạn, nhân danh vua Lê Thái Tổ tuyên cáo với thiên hạ về thắng lợi của cuộc
kháng chiến chống quân Minh, được viết theo thể văn tứ lục". (Theo Từ điển văn học Việt Nam
từ nguồn gốc đến hết thế kỉ XIX, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001).
4. Đoạn trích
Văn bản này rút từ phần mở đầu bài Bình Ngô đại cáo nổi tiếng, Nguyễn Trãi viết để tổng
kết mười năm kháng chiến chống quân Minh xâm lược.
Đoạn trích đã thể hiện một trong những nội dung cơ bản nhất của tác phẩm, đó là lòng tự hào
dân tộc, ý thức độc lập tự chủ đã phát triển đến đỉnh cao.
II. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Văn bản Nước Đại Việt ta là phần mở đầu của bài cáo. Tuy ngắn gọn nhưng đoạn này nêu
lên những tiền đề cơ bản, làm nổi bật những quan điểm tích cực, có ý nghĩa then chốt đối với nội
dung của toàn bài. Những tiền đề đó là chân lí về nhân nghĩa và chân lí về sự tồn tại độc lập có
chủ quyền của dân tộc Đại Việt.
2. Cốt lõi tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi là “yên dân”, “trừ bạo”. Yên dân là làm cho
dân được hưởng thái bình, hạnh phúc. Mà muốn yên dân thì trước hết phải diệt trừ bọn tàn bạo.
Người dân mà tác giả nói đến ở đây là những người dân Đại Việt đang phải chịu bao đau khổ
dưới ách thống trị của giặc Minh. Như vậy khái niệm nhân nghĩa của Nguyễn Trãi gắn liền với
lòng yêu nước, gắn liền với quốc gia, dân tộc.
Những kẻ bạo ngược mà tác giả nói đến ở đây không phải ai khác, đó chính là bọn giặc
Minh.
3. Để khẳng định chủ quyền độc lập của dân tộc, Nguyễn Trãi đã dựa vào các yếu tố như:nền
văn hiến lâu đời, cương vực lãnh thổ, phong tục tập quán, lịch sử riêng, chế độ riêng. Với những
yếu tố căn bản này, tác giả đã đưa ra một khái niệm khá hoàn chỉnh về quốc gia, dân tộc.
So với ý thức về quốc gia dân tộc trong bài thơ Sông núi nước Nam, thì ở Nguyễn Trãi, ta
thấy nó vừa có sự kế thừa lại vừa có sự phát huy và hoàn thiện. Ý thức về nền độc lập của dân
tộc thể hiện trong bài Sông núi nước Nam được xác định ở hai phương diện: lãnh thổ và chủ
quyền; còn trong bài Nước Đại Việt ta, ý thức dân tộc đã phát triển cao, sâu sắc và toàn diện.
Ngoài lãnh thổ và chủ quyền, ý thức về độc lập dân tộc còn được mở rộng, bổ sung thành các
yếu tố mới: đó là nền văn hiến lâu đời, đó là phong tục tập quán riêng, truyền thống lịch sử anh

hùng. Có thể nói, ý thức dân tộc đến thế kỉ XV đã phát triển sâu sắc, toàn diện hơn nhiều so với
thế kỉ X.
4. Những nét đặc sắc về nghệ thuật trong đoạn trích:
- Tác giả sử dụng nhiều lớp từ ngữ diễn đạt tính chất hiển nhiên, vốn có lâu đời của nước Đại
Việt ta. Các từ như: từ trước, vốn xưng, đã lâu, đã chia, cũng khác,…
- Biện pháp so sánh kết hợp với liệt kê cũng tạo cho đoạn văn hiệu quả cao trong lập luận
(tác giả đặt nước ta ngang hàng với Trung Hoa về nhiều phương diện như: trình độ chính trị, văn
hoá,…).
- Những câu văn biền ngẫu chạy song song liên tiếp với nhau cũng giúp cho nội dung nghệ thật
và chân lí mà tác giả muốn khẳng định chắc chắn và rõ ràng hơn.
5*. Sức thuyết phục của văn chính luận Nguyễn Trãi là ở chỗ kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và
thực tiễn. Quả đúng như vậy! Người anh hùng Nguyễn Trãi đã tự tin khẳng định truyền thống
văn hiến lâu đời của nước Việt ta. Và quả thực chúng ta rất tự hào bởi trên thực tế:
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Nhân dân ta có chủ quyền, có thuần phong mỹ tục riêng làm nên hai phương Bắc - Nam khác
biệt. Ta có nền độc lập vững vàng được xây bằng những trang sử vẻ vang. Hùng cứ cùng Hán,
Đường, Tống, Nguyên ở phương Bắc là các triều Triệu, Đinh, Lý, Trần ở phương Nam. Hơn thế
nữa, bao đời nay :
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau
Song hào kiệt đời nào cũng có
So với Nam quốc sơn hà, khái niệm quốc gia dân tộc của Nguyễn Trãi hoàn thiện hơn nhiều.
Vậy là sức mạnh của nhân nghĩa, một khái niệm chung chung trừu tượng đã được người anh
hùng dân tộc làm cho sinh động bằng chính thực tiễn lịch sử oai hùng của dân tộc.
6*. Trình tự lập luận của đoạn trích có thể được mô hình hoá như sau:
NGUYÊN LÍ NHÂN NGHĨA
Yên dân Trừ bạo

CHÂN LÍ VỀ SỰ TỒN TẠI ĐỘC LẬP CÓ CHỦ QUYỀN CỦA
DÂN TỘC

SỨC MẠNH CỦA NHÂN NGHĨA, CỦA ĐỘC LẬP
DÂN TỘC
.
PHẦN II: TRUYỆN NGẮN HIỆN ĐẠI LỚP 8
BÀI 1: TỨC NƯỚC VỠ BỜ
(Trích tiểu thuyết Tắt đèn - Ngô Tất Tố)
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Về tác giả:
Nhà văn Ngô Tất Tố (1893-1954) quê ở làng Lộc Hà (nay thuộc huyện Đông Anh, ngoại thành
Hà Nội).
- Trước 1945, Ngô Tất Tố làm nhiều nghề: dạy học, bốc thuốc, làm báo, viết văn. Ông từng
cộng tác với nhiều tờ báo: An Nam tạp chí, Đông Pháp thời báo, Thần chung, Phổ thông, Đông
Phương, Công dân, Hải Phòng tuần báo, Hà Nội tân văn, Thực nghiệp, Tương lai, Thời vụ, Con
ong, Việt nữ, Tiểu thuyết thứ ba,
- Trong Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia Uỷ ban Giải phóng xã (Lộc Hà). Năm
1946: gia nhập Hội Văn hoá Cứu quốc và lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến
chống Pháp, Nhà văn từng là Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ Việt Bắc, hoạt động ở Sở Thông
tin khu XII, tham gia viết các báo: Cứu quốc khu VII, Thông tin khu VII, Tạp chí Văn nghệ và
báo Cứu quốc Trung ương và viết văn. Ông đã là Uỷ viên Ban chấp hành Hội văn nghệ Việt
Nam (trong Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ I - 1948).
- Tác phẩm đã xuất bản: Ngô Việt xuân thu (dịch, 1929); Hoàng Hoa Cương (dịch, 1929); Vua
Hàm Nghi với việc kinh thành thất thủ (truyện kí lịch sử, 1935); Đề Thám (truyện kí lịch sử, viết
chung, 1935); Tắt đèn (tiểu thuyết, báo Việt Nữ, 1939; Mai Lĩnh xuất bản, 1940); Lều
chõng(phóng sự tiểu thuyết, 1940; đăng báo Thời vụ, 1941; Mai Lĩnh xuất bản, 1952); Thơ và
tình(dịch thơ Trung Quốc, 1940); Đường Thi (sưu tầm, chọn và dịch, 1940); Việc làng (phóng
sự, báo Hà Nội tân văn, 1940; Mai Lĩnh xuất bản, 1941); Thi văn bình chú (tuyển chọn, giới thiệu,
1941); Văn học đời Lí (tập I) và Văn học đời Trần (tập II, trong bộ Việt Nam văn học - nghiên cứu,
giới thiệu, 1942); Lão Tử (soạn chung, 1942); Mặc Tử (biên soạn, 1942); Hoàng Lê nhất thống
chí(dịch, tiểu thuyết lịch sử, 1942; báo Đông Pháp, 1956); Kinh dịch (chú giải, 1953); Suối
thép (dịch, tiểu thuyết, 1946); Trước lửa chiến đấu (dịch, truyện vừa, 1946); Trời hửng (dịch, truyện

ngắn, 1946); Duyên máu (dịch, truyện ngắn, 1946); Doãn Thanh Xuân (dịch, truyện ngắn,
1946, 1954);Nữ chiến sĩ Bùi Thị Phác (chèo, 1951).
Tác phẩm của Ngô Tất Tố sau này được tập hợp trong tuyển tập: Ngô Tất Tố và tác phẩm,
gồm 2 tập, do Nhà Xuất bản Văn học ấn hành, 1971 - 1976.
- Nhà văn đã được nhận hai giải thưởng trong giải thưởng văn nghệ 1949 -1952 của Hội Văn
nghệ Việt Nam: Giải ba dịch (Trời hửng, Trước lửa chiến đấu) và giải khuyến khích (vở
chèo Nữ chiến sĩ Bùi Thị Phác); Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (năm 1996).
2. Về tác phẩm:
a) Đoạn Tức nước vỡ bờ trích từ chương XVIII của tác phẩm Tắt đèn - tác phẩm tiêu biểu
nhất của nhà văn Ngô Tất Tố.
b) Trong đoạn trích, tác giả phơi bày bộ mặt tàn ác, bất nhân của chế độ thực dân phong kiến,
đồng thời thể hiện sâu sắc nỗi thống khổ cũng như sức mạnh phản kháng tiềm tàng của người
nông dân. Có đủ các hạng người được khắc hoạ sinh động trong bức tranh thu nhỏ của nông thôn
Việt Nam trước Cách mạng ấy. Giữa cái đám sâu bọ hại dân lúc nhúc ở cái làng quê u ám đang
rên xiết trong vụ thuế kinh tởm ấy sáng lên một chị Dậu đảm đang, chịu thương chịu khó hết
mực vì chồng vì con, một chị Dậu lam lũ, nhẫn nhục nhưng cũng đầy sức mạnh phản kháng,
quyết không để đói khổ làm hoen ố phẩm hạnh. Hình tượng nhân vật này được xem là điển hình
cho người phụ nữ nông dân bấy giờ.
c) Đoạn trích Tức nước vỡ bờ có thể coi là cao trào của một vở kịch mà mâu thuẫn, xung đột
được thể hiện tập trung trong mối quan hệ giữa nông dân và địa chủ. Những người nông dân bị
đẩy đến bước đường cùng đã bật lên hành động phản kháng. Tuy chỉ là hành động tự phát nhưng
nó đã báo hiệu ngày tận thế của chế độ thực dân nửa phong kiến đã gần kề.
Bằng thiện cảm và thái độ bênh vực, tác giả đã làm nổi bật hình ảnh người phụ nữ nông dân thật
thà chất phác, tha thiết yêu chồng con, sẵn sàng bất chấp hiểm nguy để bảo vệ hạnh phúc gia
đình. Đó là biểu hiện của vẻ đẹp tâm hồn, sức sống tiềm tàng mạnh mẽ. Đồng thời, qua vài câu
đối thoại và hành động cụ thể, tác giả đã làm bật lên bức chân dung vừa bỉ ổi, đểu cáng, độc ác
vừa hèn hạ, nhu nhược của giai cấp phong kiến thống trị đương thời.
d) Đoạn trích cũng thể hiện một trình độ điêu luyện của tác giả: từ sự khéo léo trong khắc
hoạ nhân vật cho đến việc lựa chọn sử dụng từ ngữ để lột tả chính xác, sinh động những diễn
biến đầy kịch tính. Ông đã dựng lên một cảnh tượng cực kì sống động, một cảnh tượng đẹp, tươi

sáng trong cái khung cảnh chung u ám, đen tối của Tắt đèn. Nội dung đoạn trích dự báo một khả
năng, một sức mạnh lớn của người nông dân nói chung, phụ nữ nông dân nói riêng mà sau này,
sức mạnh ấy được tập hợp thành vũ bão quật đổ thực dân, phong kiến trong Cách mạng tháng
Tám 1945.
II. RÈN LUYỆN KỸ NĂNG
1. Tóm tắt:
Gia đình chị Dậu đã dứt ruột bán con mà chưa đủ tiền nộp sưu. Anh Dậu đang ốm cũng bị
bọn tay sai lôi ra đình, đánh cho dở sống dở chết. Được bà hàng xóm cho bát gạo, chị Dậu vừa
nấu xong nồi cháo thì cai lệ và người nhà lí trưởng ập đến. Mặc dầu chị Dậu hết lời van xin, cai
lệ vẫn toan hành hạ anh Dậu. Chị Dậu xông vào đỡ tay, bị cai lệ đánh, và chị đã túm cổ đẩy tên
này ngã chổng quèo. Người nhà lí trưởng sấn sổ giơ gậy định đánh thì bị chị Dậu túm tóc lẳng
cho một cái ngã nhào ra thềm.
Câu 1. Khi bọn tay sai xông vào, tình thế chị Dậu rất thảm thương:
- Chị mới vừa rón rén bưng bát cháo cho chồng và đang hồi hộp “chờ xem chồng chị có ăn ngon
miệng không”.
- Anh Dậu vừa “run rẩy cất bát cháo anh mới kề vào đến miệng” thì hai tên tay sai đã “sầm sập
tiến vào” trong tay đầy những “roi song, tay thước và dây thừng” chúng là hiện hình của tai họa.
Câu 2. Phân tích nhân vật cai lệ:
- Là một tên tay sai chuyên nghiệp rất thạo nghề làm tay sai:
+ Là cai, cầm đầu đám lính lệ ở huyện đường (loại lính chuyên làm tay sai hầu hạ chống quan
nha chứ không phải lính chiến đấu).
+ Hắn là tiêu biểu nhất của hạng tay sai, công cụ đắc lực của cái trật tự xã hội ấy.
- Tên cai lệ được phái về làng Đông Xá để giúp lí trưởng làng này đốc thuế.
Hắn rất mẫn cán, thường lăm lăm cầm roi song theo gã người nhà lí trưởng vào những nhà có
người thiếu thuế để quát nạt, chửi bới, đánh trói.
+ Đánh trời là “nghề” của hắn, hắm làm có kĩ thuật, thành thạo.
+ Hắn là sản phẩm được đào tạo đúng quy cách của cái chế độ tàn bạo đó. Chế độ ấy rất cần
những hạng người, những tư cách ấy.
Hôm trước, ở đình làng, tên phó lí Đông Xá đã bảo hắn: “Sao ông không giã cho nó (chị Dậu)
một mẻ. Ông lí tôi mời ông về đây chỉ có thế!”.

+ Trong kì sưu thuế giống như một cuộc săn thú này, cai lệ là một con chó săn nòi hung dữ, rất
được việc! Dường như toàn bộ ý thức của hắn lúc này chỉ là rat ay trừng trị kẻ thiếu thuế:
Vừa “sầm sập” xông vào nhà chị Dậu cùng gã người nhà lí trưởng, hắn đập roi xuống đất, quát
thét ra oai, rất hống hách và đểu cáng: “- Thằng kia! Ông tưởng mày chết đêm qua, còn sống đấy
à? Nộp tiền sưu! Mau!”. Anh Dậu vừa chết đi sống lại, hắn đâu thèm có để ý. Mà nếu anh Dậu
chết đêm qua thì chính là hắn phải chịu trách nhiệm trước tiên, chứ không phải ai khác. Vì chính
tay hắn hôm trước đã trói gô anh rất chặt, rồi điệu ra đình cùm kẹp giữa lúc anh đang ốm nặng.
Vậy mà, giờ đây, trước những lời van xin của chị Dậu mong hắn tha cho anh, hắn đáp lại bằng
thái độ hết sức phũ phàng.
Mở miệng, hắn chỉ thét, quát, hầm hè , tức là “ngôn ngữ” của thú dữ chứ đâu phải tiếng nói của
con người!
Và hắn cũng có nghe gì người khác nói đâu, nên mới không cho lọt vào tai bất cứ một lời nào
của chị Dậu, để cuối cùng, chị Dậu hoảng sợ quá, van xin hắn: “Cháu van ông, nhà cháu vừa
mới tỉnh được một lúc, ông tha cho! Thì hắn đã đáp lại bằng thứ ngôn nữ riêng của hắn, tàn ác và
đểu giả:
“Tha này! Tha này! Vừa nói hắn vừa bịch luôn vào ngực chị Dậu mấy bịch rồi lại sấn đến để trói
anh Dậu”.
- Trong cái đám đông tay sai của quan phủ, lí trưởng, cai lệ chỉ là một nhân vật “chạy cờ”, một
gã tay sai mạt hạng, vô danh. Nhưng bộ mặt hung dữ, đểu cáng của hắn vẫn có một giá trị tiêu
biểu riêng; hắn là một thứ “Thiên lôi”, một cái búa sắt trong tay bọn thống trị, tức là tiêu biểu
cho chức năng đàn áp của cái chế độ tàn bạo ăn thịt người. Hắn dữ tợn, gây tội ác không hề chùn
tay nhưng tất cả đều nhân danh “nhà nước”, “phép nước”. Vì vậy, có thể nói, cái tên cai lệ không
chút tình người đó chính là hiện tượng đầy đủ, “thật thà” nhất của cái trật tự tàn bạo dã man
đương thời.
Câu 4. Phân tích diễn biến tâm lí của chị Dậu:
- Khi hai tên tay sai “sầm sập tiến vào”, nỗi nguy đã ập đến, vấn đề đặt ra với chị Dậu khi đó là
sự sống chết của chồng:
+ Anh Dậu ốm yếu quá khiếp đảng “lăn đùng ra không nói được câu gì”.
+ Chị Dậu đã phải một mình đứng ra đối phó với chúng để bảo vệ chồng.
- Lúc này, vận mạng của anh Dậu là ở trong tay của chị. Tình thế thật là hiểm nghèo, nhưng

chính trong tình huống hiểm nghèo ấy, hình ảnh chị Dậu đã nổi bật lên với những phẩm chất thật
bất ngờ:
+ Ban đầu, chị “cố thiết tha” van xin bọn chúng. Trong tình thế của chị lúc ấy chỉ có cách van
xin. Chúng có những hai tên rất hung hãn, tay lăm lăm “những roi song, tay thước và dây thừng”
– toàn những thứ để đánh, trói người. Và điều quan trọng hơn – chúng là “người nhà nước”,
nhân danh “phép nước” để trừng trị kẻ có tôi. Mà anh Dậu chính là kẻ “có tội” hiển nhiên: đang
thiếu thuế (dù chỉ là thiếu suất thuế của “chú Hợi” đã chết từ năm ngoái). Vợ chông chị, những
người nông dân cùng khổ, xưa nay hầu như chỉ biết an phận, đâu cưỡng lại “phép nước” được.
+ Nhưng khi tên cai lệ đáp lại những lời van xin thống thiết lễ phép của chị Dậu bằng “trợn
ngược hai mắt” quát, thét, bằng những quả bịch vào ngực chị Dậu và cứ chồm đến anh Dậu, thì
chỉ đến lúc ấy, “hình như tức quá không thể chịu được, chị Dậu liều mạng cự lại”.
Sự “liều mạng cự lại” của chị Dậu cũng có hai bước, mức độ khác nhau. Thoạt tiên chị “cự lại”
bằng lí:
+ “ – Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ!” Kì thực, chị Dậu đâu biết đến luật pháp
cụ thể, chị chỉ nói cái lí tự nhiên, cái nguyên tắc đạo lí tối thiểu của con người. Tư thế của chị
Dậu lúc này khác hẳn trước: không phải là một kẻ bề dưới cúi đầu van xin, mà là tư thế người
ngang hàng, đanh thép cảnh cáo kẻ ác.
Nhưng khi tên cai lệ hung dữ như chó sói ấy quay lại “tát vào mặt chị đánh bốp, rồi hắn cứ nhảu
vào cạnh anh Dậu”, thì chị Dậu đã bật dậy với sức mạnh ghê ghớm bất ngờ.
Chị Dậu “nghiến hai hàm răng” (biểu hiện của sự nổi giận cao độ, không nén nổi) và ném ra lời
thách thức quyết liệt, dữ dội: “Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem!”. Không còn đấu lí
nữa, chị quyết rat ay đấu lực với bọn ác ôn này.
Chị Dậu đã rat ay với sức mạnh của sự căm thù, phẫn nộ:
“Túm ngay cổ” tên cai lệ, “ấn dúi ra cửa” làm cho “hắn ngã chỏng queo”.
- Nhận xét: Hành động của chị Dậu hiển nhiên là liều lĩnh, cô độc và tự phát; trước sau, chị vẫn
chỉ là nạn nhân bất lực của hoàn cảnh, vì vậy lời anh Dậu khuyên can vợ là cái sợ “cố hữu” của
anh.
Những từ ngữ miêu tả và giọng văn pha chút hài hước của tác giả ở đây đã làm nổi bật sức mạnh
ghê gớm của chị Dậu và hình ảnh bất lực thảm hại của tên cai lệ khi bị chị “ra đòn” bất ngờ.
Chúng ta cũng đồng tình với thái độ của chị Dậu. Ta thấy chị là con người đáng thương và đáng

kính nể (“thà ngồi tù chứ không cho chúng làm tình làm tội mãi, tôi không chịu được”).
Câu 4. Em hiểu như thế nào về nhan đề Tức nước vỡ bờ đặt cho đoạn trích? Theo em, đặt tên
như vậy có thỏa đáng không? Vì sao?
Quy luật “Có áp bức có đấu tranh”. Hành động của chị Dậu xuất phát từ một quy luật: “Con giun
xét lắm cũng quằn”. Vì vậy đặt nhan đề Tức nước vỡ bờ cho đoạn trích là thỏa đáng vì đoạn
trích nêu những diễn biến phù hợp với cái cảnh tức nước vỡ bờ.
Mặc dù tự phát, sonh hành động của chị cho thấy sức mạnh tiềm tàng của người nông dân. Sức
mạnh ấy bắt nguồn từ ý thức nhân phẩm, từ tình yêu thương. Đây là đoạn văn sảng khoái nhất
trong hơn một trăm trang Tắt đèn…
Câu 5. Hãy chứng minh nhận xét: “Cái đoạn chị Dậu đánh nhau với tên cai lệ một đoạn tuyệt
khéo”.
“Cái đoạn chị Dậu đánh nhau với tên cai lệ là một đoạn tuyệt khéo vì sự phát triển rất phù hợp
với logic và tính cách nhân vật.
Tình thế đặt chị Dậu trước sự lựa chọn: hoặc là để yên cho chúng giày xéo, hoặc đứng lên chống
lại chúng. Một cách tự phát của diễn biến, chị đã vùng dậy một cách quyết liệt.
- Lúc đầu, làm sự nhịn nhục của kẻ dưới, chị “cố thiết tha” van xin. Van xin là cách duy nhất để
“mong hai tên tay sai tha cho anh Dậu”.
- Trước sự đểu giả và tàn bạo của cai lệ, chị liều mạng cự lại “tức quá không thể chịu được”.
+ Không còn van xin ( mà có van xin thì cũng vô ích), chị đấu lí: “Chồng tôi đau ốm, ông không
được phép hành hạ”. Cách xưng hô cho thấy chị không còn “nằm yên” trong tư cách kẻ dưới mà
ngang hàng.
+ Mày trói chồng bà đi, bà cho mày xem. Chị Dậu đã chuyển sang một tư thế khác: bà – mày.
Đó là tư thế của kẻ bề trên. Sự căm giận, khinh bị kẻ thù đã lên tới tột độ. Trong màn đấu lực,
chị đã thắng.
Vì vậy nhà văn phê bình Vũ Ngọc Phan mới nhận xét cái đoạn chị Dậu đánh nhau với tên cai lệ
mà một đoạn tuyệt khéo.
Câu 6. Nhà văn Nguyễn Tuân cho rằng, với tác phẩm Tắt đèn, Ngô Tất Tố đã “xui người nông
dân nổi loạn”. Em hiểu như thế nào về nhận xét đó? Hãy làm rõ ý kiến trên.
Tắt đèn đã làm toát ra một chân lí: quần chúng nghèo khổ bị áp bức chỉ có một con đường sống
là vùng dậy đấu tranh để tự cứu mình, không có con đường nào khác. Như vậy chẳng phải là

“xui người nông dân nổi loạn” hay sao? Đó cũng chính là “dư vị chính trị” của Tắt đèn.
Có thể nói tiểu thuyết Tắt đèn với hơn một trăm trang truyện hầm hập không khí oi bức trước
cơn bão, chính là sự thể hiện nghệ thuật sinh động các quy luật của hiện thực nông thôn đương
thời. Nguyễn Tuân không quá quắt chút nào khi nói rằng: Tác giả Tắt đèn đã “xui người nông
dân nổi loạn”.
Câu 7. Nghệ thuật.
Đoạn trích như một màn bi hài kịch, các tình tiết diễn ra đúng với cái tên gọi của đoạn trích là
“Tức nước vỡ bờ”.
“Chị Dậu là cái đốm sáng đặc biệt của tác phẩm Tắt đèn” (Nguyễn Đăng Mạnh).
Câu 8. Ý nghĩa.
Có thể nói, chính đoạn Tức nước vỡ bờ miêu tả sự vùng dậy đầy hào hứng của người nông dân,
đã thể hiện rõ rệt nhất cai tinh thần “xui người nôn dân nổi loạn”, đó là cái “dư vị chính trị” tích
cực của tác phẩm.
Cảnh Tức nước vỡ bờ để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc về nhân vật chị Dậu.
Hoàn cảnh của chị thật đáng thương. Chị là người vợ, người mẹ giàu tình thương chồng, con…
Nhưng chị cũng là người đàn bà cứng cỏi đã dám chống lại bọn cường hào để bảo vệ chồng.
Đối lập với nhân vật chị Dậu là bọn cai lệ, tên hầu cận lí trưởng, là đầu trâu, mặt ngựa với tay
thước, roi song, dây thừng xông vào nhà chị, chúng tưởng sẽ làm mưa làm gió, nhưng đã bị một
sự chống trả quyết liệt của chị Dậu.
BÀI 2: LÃO HẠC
(Nam Cao)
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Về tác giả:
Nhà văn Nam Cao (1915(1)-1951) tên khai sinh là Trần Hữu Tri, quê ở làng Đại Hoàng (nay
thuộc xã Hoà Hậu, huyện Lí Nhân, tỉnh Hà Nam).
- Khi còn nhỏ, Nam Cao ở làng và thành phố Nam Định. Từ 1936, bắt đầu viết văn in trên
các báo: Tiểu thuyết thứ bảy, ích hữu Năm 1938, dạy học tư ở Hà Nội và biết báo. Năm 1941,
ông dạy học tư ở Thái Bình. Năm 1942, ông trở về quê, tiếp tục viết văn. Năm 1943, Nam Cao
gia nhập Hội Văn hoá cứu quốc. Cách mạng Tháng Tám 1945, ông tham gia cướp chính quyền ở
phủ Lí Nhân và được cử làm chủ tịch xã. Năm 1946, ông ra Hà Nội, hoạt động trong Hội Văn

hoá cứu quốc và là thư kí toà soạn tạp chí Tiên phong của Hội. Cùng năm đó, ông tham gia đoàn
quân Nam tiến với tư cách phóng viên, hoạt động ở Nam Bộ. Sau đó lại trở về nhận công tác ở
Ti Văn hoá Nam Hà. Mùa thu 1947, Nam Cao lên Việt Bắc, làm phóng viên báo Cứu quốc và là
thư kí toà soạn báo Cứu quốc Việt Bắc. Năm 1950, ông nhận công tác ở tạp chí Văn nghệ (thuộc
Hội Văn nghệ Việt Nam) và là Uỷ viên Tiểu ban Văn nghệ Trung ương. Năm 1951, ông tham gia
đoàn công tác thuế nông nghiệp ở khu III. Bị địch phục kích và hi sinh.
- Tác phẩm đã xuất bản: Đôi lứa xứng đôi (truyện ngắn, 1941); Nửa đêm (truyện ngắn,
1944); Cười (truyện ngắn, 1946); ở rừng (nhật kí, 1948); Chuyện biên giới (bút kí, 1951); Đôi
mắt (truyện ngắn, 1948); Sống mòn(2) (truyện dài, 1956, 1970); Chí Phèo (truyện ngắn,
1941);Truyện ngắn Nam Cao (truyện ngắn, 1960); Một đám cưới (3) (truyện ngắn, 1963); Tác
phẩm Nam Cao (tuyển, 1964); Nam Cao tác phẩm (tập I: 1976, tập II: 1977); Tuyển tập Nam
Cao (tập I: 1987, tập II: 1993); Những cánh hoa tàn (truyện ngắn, 1988); Nam Cao - truyện
ngắn tuyển chọn (1995); Nam Cao - truyện ngắn chọn lọc (1996).
Ngoài ra ông còn làm thơ, viết kịch (Đóng góp, 1951) và biên soạn sách địa lí cùng với Văn
Tân (Địa dư các nước châu Âu (1948); Địa dư các nước châu á, châu Phi (1949); Địa dư
ViệtNam (1951).
- Ông đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật (đợt I - năm 1996).
2. Về tác phẩm:
a) Đối với lão Hạc, con chó không chỉ là kỉ vật của con trai, mà đó còn là một người bạn. Vì
thế, việc phải bán on chó, tâm trạng của lão rất day dứt, ăn năn vì tự thấy như mình đã lừa con
chó. Lão bật khóc hu hu, đó là tiếng khóc của người sống tình nghĩa, thuỷ chung. Lão ân hận vì
đã ngăn không cho con trai bán vườn cưới vợ. Lão xót xa vì nỡ lừa, nỡ bán con chó.
b) Tình cảnh đói khổ, túng quẫn đã đẩy lão Hạc đến tình trạng tuyệt vọng: lão không thể giữ
con chó, lão không thể đợi con trai trở về. Lòng thương con không cho phép lão phạm vào tài
sản của con trai. Lão tự chọn cái chết để giải thoát cho mình và giữ trọn mảnh vườn cho con trai.
Những điều lão Hạc thu xếp nhờ cậy ông giáo rồi sau đó tìm đến cái chết cho thấy: lão Hạc ở
trong tình cảnh đau khổ và bi quẫn, nhưng cũng rất tự trọng và kiên quyết.
c) Thái độ và tình cảm của nhân vật “tôi” đối với lão Hạc diễn biến đa dạng theo tình huống của
tác phẩm: từ dửng dưng đến cảm thông (nghe lão Hạc nói chuyện bán chó, nghe lão kể về đứa
con), thoáng buồn và nghi ngờ (khi nghe binh Tư kể), kính trọng (khi chứng kiến cái chết dữ dội

của lão Hạc).
d) Cái hay của truyện thể hiện rõ nhất ở việc miêu tả tâm lí nhân vật và cách kể chuyện. Diễn
biến tâm lí của lão Hạc xung quanh việc bán chó, sự thay đổi trong ý nghĩ của ông giáo từ dửng
dưng đến cảm thông và kính trọng lão Hạc được miêu tả rất hợp lí, tự nhiên. Nhân vật kể xưng
"tôi" làm cho câu chuyện gần gũi; đồng thời, có lúc "tôi" hoá thân vào nhân vật lão Hạc và các
nhân vật khác mà kể, tạo cho tác phẩm có nhiều giọng điệu.
e) ý nghĩ của nhân vật “tôi” (có thể coi là tác giả): “ Chao ôi! Đối với những người ở quanh
ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi
toàn là những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng
thương;không bao giờ ta thương( ) Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau,
ích kỉ che lấp mất” thể hiện một quan niệm và một triết lí sống sâu sắc và tiến bộ. Đây là một
thái độ yêu thương, trân trọng nhằm khám phá những nét tốt đẹp của con người.
g) Đoạn trích Tức nước vỡ bờ và truyện ngắn Lão Hạc được sáng tác theo phong cách hiện
thực, phản ánh cuộc đời và tính cách của người nông dân trong xã hội cũ. Họ là người sống khổ
cực vì bị áp bức bóc lột nặng nề, phải chịu sưu cao thuế nặng. Cuộc sống của họ lâm vào cảnh
bần cùng, bế tắc. Tuy vậy, họ có những phẩm chất đáng quý là trong sạch, lương thiện, giàu tình
thương yêu. Họ quyêt liệt phản kháng hoặc thậm chí dám chọn cái chết để giữ gìn phẩm chất
trong sạch của mình. Điều đó cho thấy: người nông dân trong xã hội cũ tiềm tàng một sức mạnh
của tình cảm, một sức mạnh phản kháng chống lại áp bức, bất công.
II. RÈN LUYỆN KỸ NĂNG
1. Tóm tắt:
Lão Hạc là người hàng xóm của ông giáo. Lão có người con trai đi phu đồn điền cao su. Lão
sống với con chó vàng - kỉ vật của con trai lão để lại. Hoàn cảnh khó khăn, nhưng lão đã từ chối
mọi sự giúp đỡ. Quyết không xâm phạm vào mảnh vườn để dành cho con, lão bán con chó, tự
trù liệu đám ma của mình và tự tử bằng bả chó.
Câu 1. Phân tích diễn biến tâm trạng của lão Hạc xung quanh việc bán chó. Qua đó, em thấy lão
Hạc là người như thế nào?
- Tình cảm của lão Hạc đối với “cậu Vàng” của lão được tác giả thể hiện thật cảm động:
+ “Lão gọi nó là cậu Vàng như một bà hiếm hoi gọi đứa con cầu tự”.
+ “Thỉnh thoảng không có việc gì làm, lão lại bắt rận cho nó hay đem nó ra ao tắm”.

+ “Cho nó ăn cơm trong một cái bát như một nhà giàu (…)”.
+ “Lão cứ nhắm vài miếng lại gắp cho nó một miếng như người ta gắp thức ăn cho con trẻ”.
+ “Rồi lão chửi yêu nó, lão nói với nó như nói với đứa cháu bé về bố nó”.
- Tình thế cùng đường khiến lão phải tính đến việc bán “cậu Vàng” thì trong lão diễn ra một sự
dằn vặt đau khổ.
+ Lão kể lại cho ông giáo việc bán “cậu Vàng” với tâm trạng vô cùng đau đớn: “Lão cười như
mếu và đôi mắt ầng ậng nước”. Đến nỗi ông giáo thương lão quá “muốn ôm chầm lấy lão mà òa
lên khóc”.
+ Khi nhắc đến việc cậu Vàng bị lừa rồi bị bắt, lão Hạc không còn nén nỗi đau đớn cứ dội lên:
“Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái
đầu lão nghẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc”.
Lão Hạc đau đớn đến không phải chỉ vì quá thương con chó, mà còn vì lão không thể tha thứ cho
mình vì đã nỡ lừa con chó trung thành của lão. Ông lão “quá lương thiện ấy cảm thấy lương tâm
đau nhói khi thấy trong đôi mắt con chó bất ngờ bị trói có cái nhìn trách móc…”. “Thì ra tôi già
bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó”.
Phải có trái tim vô cùng nhân hậu và trong sạch thì mới bị dày vò lương tâm đau đớn đến thế,
mới cảm thấy có lỗi với một con cho như vậy.
Câu 2. Em hiểu như thế nào về nguyên nhân cái chết của lão Hạc? Qua những điều lão Hạc thu
xếp nhờ cậy ông giáo rồi sau đó tìm đến cái chết, em suy nghĩ gì về tình cảnh và tính cách của
lão Hạc?
- Lão Hạc không muốn hàng xóm nghèo phải phiền lụy về cái xác già của mình, đã gửi lại ông
giáo toàn bộ số tiền dành nhìn ăn nhịn tiêu của lão để nhờ ông giáo đem ra, nói với hàng xóm lo
giúp cho lão khi lão chết. Con người hết sức hiền hậu ấy cũng là con người hết sức tự trọng,
quyết không nhận của bố thí, chỉ biết sống bằng bàn tay lao động của mình.
- Lão Hạc đã tìm đến cái chết trong khi vẫn còn trong tay mấy chục bạc (không kể vẫn còn mảnh
vườn đáng giá mà không ít kẻ nhòm ngó). Lão thà nhịn đói chứ không tiêu xu nào vào món tiền
của lão cậy ông giáo cầm giúp đó. Với lòng tự trọng cao độ và nhân cách hết sức trong sạch, khi
đã đem gửi hết đồng tiền cuối cùng, lão chỉ còn ăn uống đói khát qua bữa, bằng khoai ráy, củ
chuối, rau má… Nhưng lão lại kiên quyết từ chối mọi sự giúp đỡ của người khác, kể cả sự giúp
đỡ của ông giáo mà chắc lão hiểu rõ là chân tình, “lão từ chối một cách gần như là hách dịch”.

Với cái chết đau đớn dữ dội mà lão Hạc tự chọn, lão Hạc đã thể hiện một khí tiết cao quý, có ý
thức nhân phẩm rất cao. Lão Hạc là con người “đói cho sạch, rách cho thơm”, “chết vinh hơn
sống nhục”, là con người coi trọng nhân phẩm hơn cả cuộc sống.
Câu 3. Em thấy thái độ, tình cảm của nhân vật “tôi” đối với lão Hạc như thế nào?
- Người kể chuyện (cũng chính là tác giả tuy không nên đồng nhất hoàn toàn nhân vật với
nguyên mẫu) đã phát biểu suy nghĩ về cách nhìn người: “Chao ôi! Đối với những người ở quanh
ta, nếu ta không cố tìm và hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi,
toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn, không bao giờ ta thương”.
- Trong Lão Hạc, nhà văn cho rằng, đối với người nông dân lao động, phải “cố tìm mà hiểu họ”
thì mới thấy rằng chính những con người bề ngoài lắm khi “gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa,
bỉ ổi” ấy chính là “những người đáng thương” và có “bản tỉnh tốt”, có điều “cái bản tính tốt” ấy
của họ thường bị những nỗi khổ cực, những lo lắng trong cuộc sống “che lấp mất”. Tức là, nhà
văn đặt ra vấn đề phải có tình thương, có sự cảm thông và phải có cách nhìn có chiều sâu, không
hời hợt, phiến diện chỉ thấy cái bề ngoài, nhất là không thành kiến, tàn nhẫn.
- Suy nghĩ của nhân vật “tôi” trên đây chính là một quan điểm quan trọng trong “đôi mắt”, ý
thức sáng tạo của nhà văn Nam Cao.
Câu 4. Ý nghĩa của nhân vật “tôi” như thế nào?
- Phải chăng ông giáo – nhân vật “tôi” thấy cái đáng buồn là người ta không thể hiểu nỗi khổ của
nhau và ngờ vực lẫn nhau.
+ Lão Hạc sống lủi thủi, thầm lặng, bề ngoài lão có vẻ như lẩm cẩm, gàn dở.
+ Vợ ông giáo cũng chẳng ưa gì lão: “Cho lão chết! Ai bảo lão có tiền mà chịu khổ! Lão làm lão
khổ chứ ai làm lão khổ!”.
+ Chính ôn giáo cũng có lúc nghĩ là lão “quá nhiều tự ái”.
+ Còn Binh Tư thì “bĩu môi” nhận xét: “Lão làm bộ đấy! Thật ra lão chỉ tâm ngẩm thế, nhưng
cũng ra phết chứ chả vừa đâu”. Binh Tư còn cho biết lão Hạc xin hắn bả chó để bắt chó nhà hàng
xóm.
+ Ông giáo đã ngờ vực lão Hạc. Nhưng khi lão Hạc chết thì ông giáo lại cảm thấy “cuộc đời
chưa hẳn đã đáng buồn hay vẫn đáng buồn theo một nghĩa khác”.
Lão Hạc không chỉ là câu chuyện bi thảm về số phận con người mà còn là câu chuyện đầy xúc
động về một nhân cách cao quý.

Câu 5. Việc truyện được kể bằng lời của nhân vật “tôi” có hiệu quả nghệ thuật gì?
- Việc kể chuyện bằng lời kể của nhân vật “tôi” có hiệu quả nghệ thuật rất cao vì nó gây xúc
động cho người đọc.
- Cái hay của truyện thể hiện rõ nhất ở chỗ:
+ Rất mực chân thực.
+ Thấm đượm cảm xúc trữ tình.
- Qua nhân vật “tôi”, người kể chuyện – tác giả đã biểu lộ tự nhiên những cảm xúc, suy nghĩ của
mình.
- Chất trữ tình thể hiện ở giọng kể, ở những câu cảm thán. Nhiều khi không nén được cảm xúc,
tác giả đã gọi tên nhân vật lên để trò chuyện, than thở: “Lão Hạc ơi! Bây giờ thì tôi hiểu tại sao
lão không muốn bán con chó Vàng của lão?” “Hỡi ơi lão Hạc! Thì ra đến lúc cùng lão có thể làm
liều hơn ai hết…”, “Lão Hạc ơi! Lão hãy yên lòng nhắm mắt…”.
Câu 6. Em hiểu thế nào về nhân vật “tôi” qua đoạn trích: “Chao ôi! … che lấp mất”.
- Em hiểu ý nghĩa của nhân vật “tôi là ở chất trữ tình, thể hiện ở những lời mang giọng tâm sự
riêng của “tôi” như:
+ Chung quanh việc “tôi” phải bán mấy quyển sách – “ôi những quyển sách rất nâng niu (…) kỉ
niệm một thời hăng hái và tin tưởng đầy những say mê đẹp và cao vọng”.
+ Và thể hiện rõ nhất là những đoạn văn trữ tình đậm màu sắc triết lí:
“Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta…”
Những câu văn triết lí đó là những suy nghĩ gan ruột nên có sức thuyết phục đặc biệt.
Câu 7. Qua đoạn trích Tức nước vỡ bờ và truyện ngắn Lão Hạc, em hiểu thế nào về cuộc đời và
tính cách của người nông dân trong xã hội cũ?
- Nói về cuộc đời.
Đây là những số phận thật nghiệt ngã, thương tâm, nghèo khổ, bần cùng trong xã hội thực dân
nửa phong kiến cái nghèo khổ cùng cực trước cảnh sưu thuế tàn nhẫn, như gia đình chị Dậu phải
bán chó, bán con và đẩy người ta vào cảnh khốn quẩn như lão Hạc.
- Nói về tính cách: Cũng từ các tác phẩm này ta thấy được vẻ đẹp tâm hồn cao quý, lòng nhân
hậu, sự hi sinh với người thân như thế nào?
+ Ở Tức nước vỡ bờ là sức mạnh phản kháng của con người khi bị đẩy đến bước đườn cùng.
+ Còn ở truyện Lão Hạc là ý thức về nhân cách, về lòng tự trọng trong nghèo nàn, khổ cực.

Câu 8. Nghệ thuật.
Nhân vật Lão Hạc được xây dựng bằng phương pháp đối lập. Lão Hạc bề ngoài có vẻ lẩm cẩm,
gàn dở, thậm chí còn bị nghi là đánh bả chó nữa, nhưng bên trong là con người lương thiện, giàu
lòng tự trọng và cũng giàu lòng vị tha. Nhân vật lão Hạc được miêu tả qua những chi tiết về
ngoại hình, qua bộ dạng, hành vi, ngôn ngữ đối thoại nội tâm.
Câu 9. Ý nghĩa.
Truyện vừa nêu bật một hình ảnh đáng thương, đáng kính của một con người với cái chết đau
đớn, vừa thể hiện một cách chân thực, cảm động số phận đau thương của người nông dân trong
cái xã hội tàn nhẫn, mục nát và phẩm chất cao quý tiềm tàng của họ.
BÀI 3: TRONG LÒNG MẸ
(Trích hồi kí Những ngày thơ ấu - Nguyên Hồng)
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Về tác giả:
- Nhà văn Nguyên Hồng (1918-1982) tên khai sinh là Nguyễn Nguyên Hồng, quê ở thành
phố Nam Định. Nguyên Hồng sống chủ yếu ở thành phố cảng Hải Phòng. Ông viết nhiều thể
loại truyện ngắn, tiểu thuyết, kí, thơ. Ông được nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về
văn học nghệ thuật năm 1996.
Các tác phẩm chính của Nguyên Hồng: Bỉ vỏ (tiểu thuyết, 1938); Những ngày thơ ấu (hồi kí,
1938); Trời xanh (tập thơ, 1960); Cửa biển (bộ tiểu thuyết 4 tập: 1961, 1967, 1973, 1976); Núi
rừng Yên Thế (bộ tiểu thuyết lịch sử nhiều tập chưa viết xong); Bước đường viết văn (hồi kí,
1970).
2. Về tác phẩm:
a) Thể loại
Hồi kí còn gọi là hồi ức; một thể thuộc loại kí, nhằm ghi những sự việc thuộc quá khứ, qua
sự nhớ lại. Hồi kí đòi hỏi phải hết sức tôn trọng tính chân thực của câu chuyện; sự việc, số liệu,
thời gian phải chính xác. Hồi kí gần với truyện, và nếu viết về những sự kiện tiêu biểu, những
nhân vật tiêu biểu, hồi kí lại gần với sử. Hồi kí có thể là một câu chuyện mà tác giả là người
được chứng kiến, hoặc vừa chứng kiến vừa tham dự, hoặc chính tác giả là nhân vật trung tâm.
Người viết hồi kí lấy bản thân mình làm địa bàn chính để nhớ lại sự việc đã qua (có thể kể lại
cho một người khác ghi). Lời văn của hồi kí cốt chính xác, trung thực, giàu suy nghĩ và cảm

tưởng cá nhân.
Nguyễn Xuân Nam
(Từ điển văn học, tập một, NXB Khoa học xã hội, 1983)
b) Xuất xứ
Văn bản Trong lòng mẹ được trích từ tập hồi kí Những ngày thơ ấu, kể về tuổi thơ cay đắng của
chính tác giả. Cả một quãng đời cơ cực (mồ côi cha, không được sống với mẹ mà phải sống với
người cô độc ác) được tái hiện lại sinh động. Tình mẫu tử thiêng liêng, tình yêu tha thiết đối với
mẹ đã giúp chú bé vượt qua giọng lưỡi xúc xiểm độc ác của người cô cùng với những dư luận
không mấy tốt đẹp về người mẹ tội nghiệp. Đoạn tả cảnh đoàn tụ giữa hai mẹ con là một đoạn
văn thấm đẫm tình cảm và thể hiện sâu sắc tinh thần nhân đạo.
2. Giá trị nghệ thuật và nội dung:
a) Thái độ cười hỏi của bà cô thể hiện trong truyện đã cố tình khoét sâu hố ngăn cách giữa
mẹ và con, làm cho cậu bé Hồng rất xót xa cho hoàn cảnh của mẹ. Mặc dầu bé Hồng đã phát
khóc, nước mắt ròng ròng nhưng bà cô vẫn tươi cười kể chuyện, cố ý làm cho bé đau khổ, giận
dỗi mẹ. Có thể nói bà cô là người có ý đồ muốn bé Hồng xa lánh, khinh miệt mẹ mình. Bé Hồng
đã nhận ra vẻ rất kịch của bà cô, đằng sau cái vẻ quan tâm là một ý đồ xấu.
b) Bé Hồng không những không bị những lời thâm hiểm của bà cô làm nhu nhược mà càng biết
hoàn cảnh của mẹ, Hồng càng thương mẹ hơn. Biểu hiện rõ nhất là chú bé cố kìm nén tình cảm
nhưng “nước mắt ròng ròng rớt xuống hai bên mép rồi chan hoà đầm đìa ở cằm và ở cổ”. Cậu bé
vẫn tin tưởng, kính yêu mẹ. Đặc biệt là Hồng chỉ thoáng thấy bóng mẹ, đã nhận ra và líu ríu
chạy theo. Khi ở trong lòng mẹ, Hồng đã thật sự sung sướng, thực sự được sống trong tình mẫu
tử, đến mức ù cả tai, và bỗng nhiên quên hết những lời dèm pha độc địa của bà cô.
c) Giọng văn của Nguyên Hồng giàu chất trữ tình, bởi:
Trước hết, tình huỗng đặt ra trong câu chuyện dễ làm cho người con oán trách mẹ mình,
nhưng tình cảm của người con ở đây không hề một chút mảy may thay đổi; ngược lại, vẫn tràn
đầy niềm yêu thương, tin tưởng và còn có mơ ước phá tan mọi cổ tục để cho mẹ không bị đau
khổ.
- Dòng cảm xúc của nhân vật được thể hiện mãnh liệt qua những chi tiết miêu tả cảm động
nghẹn ngào. Sự căm giận, sự xót thương, sự đau khổ và niềm hạnh phúc dường như đều ở đỉnh
điểm của tâm trạng.

- Cách thể hiện thông qua kết cấu lớp lang, hình ảnh so sánh gây ấn tượng mạnh, giàu sức
gợi cảm. Lời văn dạt dào tình cảm.
II. RÈN LUYỆN KĨ NĂNG
1. Tóm tắt:
Đoạn trích được bố cục theo mạch tự truyện của nhân vật "tôi". Gần đến ngày giỗ cha, người mẹ đi
tha phương cầu thực ở Thanh Hoá vẫn chưa về. Người cô cứ xoáy vào cậu bé Hồng những lời cay
độc. Rồi mẹ cậu bé cũng về thật. Cậu nghẹn ngào sung sướng lăn vào lòng mẹ và cảm nhận hạnh
phúc của tình mẫu tử.
I. Đọc – hiểu văn bản.
Câu 1.
Sự xuất hiện của nhân vật người cô: Tuy xuất hiện không nhiều, chủ yếu qua một đoạn đối thoại
với chú bé, nhưng đây cũn là một nhân vật gây ấn tượng mạnh cho người đọc. Đây rõ ràng là
một nhân vật thâm độc, xảo quyệt, bênh vực và bảo vệ những lề thói tàn nhẫn trong xã hội
đương thời. Qua một đoạn văn ngắn, bà cô đã hiện lên khá sống động nhờ nghệ thuật miêu tả
hành động, ngôn ngữ và tâm lí nhân vật một cách chân thực của Nguyên Hồng.
- Đặc điểm nội bật của con người này là sự tàn nhẫn, độc ác.
+ là người trong gia đình chắc chắn cô không lạ gì nỗi khổ xa mẹ, tình cảm của đứa cháu mồ côi,
chắc chắn bà thừa hiểu Hồng là một chú bé dễ xúc cảm, rất mau nước mắt.
+ Cô cũng biết rõ về tình cảm khốn khổ của chị dâu mình. Trong hoàn cảnh này, những người
khác sẽ chăm sóc, an ủi đứa cháu, giúp nó dịu bớt nỗi đau mất cha và nhất là nỗi đau xa mẹ.
Người cô ở đây đã xử sự hoàn toàn khác.
- Cô đã nói bé Hồng về chuyện mẹ bé không phải để động viên, chia sẻ, cảm thông, mà ngược
lại, với một mục đích đen tối: cố ý gieo rắc vào đầu đứa trẻ ngây thơ, tội nghiệp này những hoài
nghi để nó “khinh ghét, ruồng rẫy” mẹ.
- Nhằm thực hiện mục đích này, người cô cố tạo ra vẻ tươi cười vờ hỏi cháu: “Có muốn vòa
Thanh Hóa chơi với mẹ không?” rồi bằng giọng ngọt ngào, người cô vừa trách cháu vừa đưa tin:
“Mợ mày phát tài lắm, có như trước đâu”. Khi đứa cháu khốn khổ sắp phát khóc, bà ta vỗ vai nó
và lại tiếp tục nói những nói ngọt ngào như cứa vào tim thằng bé.
+ Lời nói của người cô xảo quyệt, lươn lẹo trước sau mâu thuẫn. Bà ta vừa bảo bé Hồng “Mợ
mày phát tài lắm”, nhưng ngay sau đó lại tươi cười kể rành rọt: Có người, một hôm đi qua chợ

thấy mẹ Hồng ngồi cho con bú ở bên một rổ bóng đèn, ăn vận rách rưới, mặt mày xanh bủng,
người gây rạch đi, thấy thế bà tha thương tình toan gọi hỏi xem sao thì mẹ Hồng vội quay đi, lấy
nón che…
- Qua đoạn đối thoại, người đọc có thể nhận thấy người cô tìm cớ xui bé Hồng vào thăm mẹ
(thậm chí bà còn hứa cho cháu tiền tàu) cốt để thông báo chuyện mẹ cháu đã sinh con khi chưa
đoạn tang chồng.
- Bằng việc làm này, chứng tỏ bà cô tìm các hành hạ, giễu cợt nỗi đau xa mẹ của bé Hồng.
Bà ta rắp tâm chia lía tình cảm mẹ con, hủy diệt niềm yêu thương, kính trọng của bé Hồng đối
với người mẹ khốn khổ.
- Đồng thời bà ta cũng lấy làm hả hê, thích thú trước tình cảnh khốn khổ của người chị dâu
mình.
Câu 2. Tình yêu mãnh liệt của chú bé Hồng đối với người mẹ bất hạnh được thể hiện qua:
- Mặc dù đã ngót một năm chú bé không nhận được tin tức gì của mẹ, đặc biệt mặc dầu bị bà cô
xúc xiểm chia rẽ tình mẹ con, nhưng “tình thương và lòng kính mẹ” của bé Hồng vẫn nguyên
vẹn.
- Bé Hồng không hề trách mẹn nếu quả là mẹ “đã chửa đẻ với người khác”. Tuy non nớt, nhưng
bé hiểu “vì tội góa chồng, vì túng bần quá mà mẹ mình phải bỏ các con đi tha phương cầu thực”.
- Khi nghe những lời ngọt ngào, thâm độc của bà cô, bé Hồng chỉ thấy xiết thương mẹ, có trách
chăng chỉ là ở chỗ mẹ không dám “chống lại” những thành kiến tàn ác “để đến nỗi phải xa lìa
hai đứa con, sống trốn tránh như một kẻ giết người.”. Hồng căm ghét cực độ những hủ tục đã
đày đọa mẹ mình.
- Lòng căm nghét của bé Hồng được tác giả diễn đạt bằng những câu văn có nhiều hình ảnh cụ
thể, gợi cảm và có nhịp điệu dồn dập như sự uất ức của bé ngày một tăng tiến: “Cô tôi nói chưa
dứt câu, cổ họng tôi đã nghẹn ứ không ra tiếng. Giá những cổ tục đày đọa mẹ tôi là một vật như
hòn đá, cục thủy tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ ngay lấy mà cắn, mà nhai, mà nghiền cho kì nát
vụn mới thôi”.
- Không những thương mẹ, Hồng còn hiểu nỗi lòng mẹ.
Câu 3.
Lời chế giễu của bà cô khiến bé Hồng không những thương mẹ, Hồng còn hiểu nỗi lòng mẹ.
(Nếu chính mình chưa phải trải qua nỗi đau xa mẹ, chưa có niềm sung sướng tột độ gặp mẹ, chắc

Nguyên Hồng khó có được đoạn văn gây ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc đến thế).
- Có lẽ vì tình thương và niềm tin mãnh liệt ấy nên bé Hồng có sự linh cảm hết sức nhảy bén,
chính xác.
- Chỉ cần thoáng qua, bé đã phát hiện ra chính xác mẹ mình. Gặp mẹ, Hồng vui sướng cao độ.
Niềm vui sướng ấy như thấm vào da thịt.
- Nhà văn diễn tả trạng thái tình cảm nói trên của chú bé vô cùng thấm thía và cảm động. Đoạn
văn kể về chuyện chú gặp mẹ có thể coi là một đoạn văn đặc biệt hấp dẫn.
- Để khắc họa niềm khao khát gặp mẹ, nhà văn có cách so sánh cụ thể gợi cảm. Bé Hồng khao
khát được mẹ như người bộ hành giữa sa mạc khao khát dòng nước và bóng râm.
- Để tô đậm niềm sung sướng tột độ của đứa bé mất cha, xa mẹ lâu ngày nay được ngồi bên mẹ,
lúc thì nhà văn miêu tả những cảm giác cụ thể (“tôi ngồi trên đệm xe, đùi áp vào đùi mẹ tôi, đầu
ngả vào cánh tay mẹ tôi, tôi thấy những cảm giác ấm áp đã bao lâu nay mất đi bỗng lại mơn man
khắp da thịt”), lúc thì lại chen vào những lời bình luận thấm đẫm chất trữ tình. “Phải bé lại và
lăn vào lòng một người, áp mặt vào bầu sữa nóng của người mẹ (…) mới thấy mẹ có một êm dịu
vô cùng”), khi thì sử dụng nghệ thuật miêu tả tâm lí (gặp mẹ là một niềm vui bất ngờ quá lớn lao
nên bé Hồng “không mảy may nghĩ ngợi gì nữa” đến câu nói độc ác của bà cô).
Câu 4. Qua văn bản trích, em hiểu hồi kí là một thể loại ghi lại những điều còn nhớ sau khi đã
trải qua, đã chứng kiến sự việc…
Câu 5.
Nguyên Hồng là cây bút “giàu chất trữ tình”, ông thường viết về những phụ nữ và trẻ em chịu
nhiều đau khổ, bất hạnh (như trong các tác phẩm Những ngày ấu thơ, Bi vỏ, Cửa biển…)
Qua chương Trong lòng mẹ, ta cũng có thể thấy điều đó. Ở đây, Nguyên Hồng chẳng những đã
thể hiện thái độ cảm thông, tôn trọng đối với mẹ Hồng và bé Hồng, mà còn luôn khẳng định
những phẩm chất tốt đẹp, cao quý của họ ngay trong những tình huống khắc nghiệt của cuộc
sống.
Trong lòng mẹ thực sự hấp dẫn, gây xúc động đối với người đọc có lẽ bởi trong từng câu chữ
đều thấm đẫm tình cảm chân thành, tâm huyết của nhà văn.
Câu 6. Nghệ thuật.
Lối tự truyện chân thành, truyền cảm, thấm đượm chất trữ tình. Nghệ thuật miêu tả hành động,
ngôn ngữ và tâm lí nhân vật một cách chân thực của Nguyên Hồng.

Câu 7. Ý nghĩa.
Đoạn trích Trong lòng mẹ thể hiện chủ nghĩa nhân đạo trong hồi kí Những ngày ấu thơ của
Nguyên Hồng. Nhân vật chính trong đoạn trích này là bé Hồng.
Bé ở trong những tình huống hết sức tội nghiệp:
- Bố chết, mẹ phải đi bước nữa vì gia đình nhà chồng ruồng rẫy.
- Bé Hồng phải sống nhờ họ hàng và bị hắt hủi, soi mói, tàn nhẫn.
- Em thương mẹ, nhớ mẹ vô cùng mà phải xa mẹ.
PHẦN III: TRUYỆN TRUNG ĐẠI VN
BÀI 1: CHUYỆN NGƯỜI CON GÁI NAM XƯƠNG
(Trích Truyền kì mạn lục)
Nguyễn Dữ
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Có thể hình dung bố cục của truyện Chuyện người con gái Nam Xương thành ba phần.
Phần thứ nhất (từ đầu cho đến “lo liệu như đối với cha mẹ đẻ mình.”) kể về cuộc hôn nhân giữa
Vũ Nương và Trương Sinh, biến cố chia li và phẩm hạnh của Vũ Nương khi chồng đi chiến trận.
Phần thứ hai (từ “Qua năm sau, giặc ngoan cố” cho đến “nhưng việc trót đã qua rồi!”) kể về nỗi
oan khuất và cái chết thương tâm của Vũ Nương. Phần cuối (từ “Cùng làng với nàng” cho đến
hết) kể về cuộc gặp gỡ tình cờ giữa Phan Lang và Vũ Nương trong động của Linh Phi vợ vua
biển Nam Hải và việc Vũ Nương được giải oan.
2. Vũ Nương là nhân vật trung tâm của truyện. Để khắc hoạ vẻ đẹp tâm hồn của Vũ Nương,
tác giả đã đặt nhân vật này vào những hoàn cảnh khác nhau để miêu tả.
Trước hết, tác giả đặt nhân vật vào mối quan hệ vợ chồng trong cuộc sống hằng ngày:
“Trương Sinh có tính đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá sức.”; trong hoàn cảnh này, Vũ Nương
đã “giữ gìn khuôn phép, không từng lần nào vợ chồng phải đến thất hoà.”.
Tiếp đến, tác giả đặt Vũ Nương vào trong tình huống chia li để nhân vật này bộc lộ tình
nghĩa thắm thiết của mình với chồng: “Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấn
phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là
đủ rồi. […] Nhìn trăng soi thành cũ, lại sửa soạn áo rét, gửi người ải xa, trông liễu rủ bãi hoang,
lại thổn thức tâm tình, thương người đất thú! Dù có thư tín nghìn hàng, cũng sợ không có cánh
hồng bay bổng.”.

Hoàn cảnh thứ ba: xa chồng, nuôi con nhỏ, chăm sóc mẹ già; trong hoàn cảnh này, Vũ
Nương là một người vợ thuỷ chung, yêu chồng tha thiết: “Ngày qua tháng lại, thoắt đã nửa năm,
mỗi khi thấy bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi, thì nỗi buồn góc bể chân trời không thể nào
ngăn được.”, một người mẹ hiền, dâu thảo, ân cần, hết lòng chăm sóc mẹ chồng lúc ốm đau:
“Nàng hết sức thuốc thang lễ bái thần phật và lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn.”, thương
yêu, lo lắng chu toàn: khi mẹ chồng mất “Nàng hết lời thương xót, phàm việc ma chay tế lễ, lo
liệu như đối với cha mẹ đẻ mình.”.
Một hoàn cảnh quan trọng khác, đó là tình huống Vũ Nương bị chồng nghi oan. Trong tình
huống này, khí tiết, phẩm hạnh của Vũ Nương được bộc lộ một cách rõ nét. Chú ý phân tích các
lời thoại của Vũ Nương với chồng và lời nói trước khi tự vẫn để thấy được tính cách tốt đẹp của
nhân vật này. Qua những lời tự minh oan cho mình, thuyết phục chồng, lời than thở đau đớn vì
oan nghiệt, Vũ Nương đã bộc lộ khao khát về tình yêu, hạnh phúc gia đình như thế nào? Tại sao
Vũ Nương lại phải trẫm mình tự vẫn? Hành động này cho thấy lòng tự trọng, ý thức giữ gìn danh
dự, tiết hạnh ở người phụ nữ này ra sao?
Tóm lại, bằng cách đặt nhân vật vào những hoàn cảnh, tình huống khác nhau, tác giả đã khắc
hoạ đậm nét một nhân vật Vũ Nương hiền thục, một người vợ thuỷ chung, yêu thương chồng con
hết mực, một người con dâu hiếu thảo, hết lòng vì cha mẹ, gia đình, đồng thời cũng là người phụ
nữ coi trọng danh dự, phẩm hạnh, quyết bảo vệ sự trong sạch của mình.
3. Tác giả đã xây dựng nhân vật Trương Sinh với tính cách rõ nét: “đa nghi, đối với vợ
phòng ngừa quá sức.”, nghe lời con trẻ mà không suy xét đúng sai: “Tính chàng hay ghen, nghe
con nói vậy, đinh ninh là vợ hư, mối nghi ngờ ngày càng sâu, không có gì gỡ ra được.”, hồ đồ,
độc đoán không đếm xỉa đến những lời thanh minh của vợ, đối xử tệ bạc, vũ phu với Vũ Nương:
“chỉ lấy chuyện bóng gió này nọ mà mắng nhiếc nàng, và đánh đuổi đi”. Chính Trương Sinh đã
đẩy Vũ Nương đến tình cảnh bi kịch, không lối thoát và phải chọn cái chết để giải thoát. Qua đây
cũng thấy được thân phận nhỏ nhoi, bèo bọt của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến, họ không
được làm chủ cuộc sống của mình, luôn luôn là kẻ bị động, hứng chịu những oan khiên, cay
đắng.
4. Trên cơ sở cốt truyện có sẵn trong kho tàng truyện cổ tích (Vợ chàng Trương), tác giả đã
sáng tạo lại, sắp xếp, đưa thêm những yếu tố mới để câu chuyện trở nên hấp dẫn, đầy tính bất
ngờ, mang ý nghĩa mới sâu sắc. Tác giả đã dẫn dắt câu chuyện có mở đầu, diễn biến, cao trào,

thắt nút, cởi nút, kết thúc, kết hợp với nghệ thuật xây dựng lời thoại nhân vật sinh động, giàu
kịch tính và lời dẫn chuyện giàu tính biểu cảm. Trong đó, các đoạn đối thoại, độc thoại của nhân
vật có một vai trò hết sức quan trọng, chứng tỏ nghệ thuật dựng truyện đặc sắc của tác giả. Chú ý
các lời thoại:
- Lời của Vũ Nương nói với Trương Sinh khi từ biệt;
- Lời của mẹ Trương Sinh nói với Vũ Nương;
- Đoạn đối thoại giữa hai cha con Trương Sinh;
- Ba lời thoại của Vũ Nương khi bị nghi oan.
Phân tích các lời thoại để thấy được tác dụng của chúng trong việc thể hiện tính cách nhân
vật, diễn biến tâm lí nhân vật, tạo kịch tính cho câu chuyện.
5. Truyền kì được hiểu là những điều kì lạ vẫn được lưu truyền. Yếu tố kì ảo trong truyện
truyền kì có một vai trò rất quan trọng. Nó khiến câu chuyện được kể trở nên lung linh, hư ảo.
Chẳng hạn: chuyện nằm mộng của Phan Lang, Chuyện Phan Lang và Vũ Nương dưới động rùa
của Linh Phi,… chuyện lập đàn giải oan, Vũ Nương hiện về ngồi trên kiệu hoa, cờ tán, võng
lọng rực rỡ đầy sông, lúc ẩn lúc hiện, rồi “bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần mà biến đi mất.”.
Đó là đặc điểm chung của thể loại truyền kì trung đại. Hơn nữa, Nguyễn Dữ đã sử dụng cách
đưa yếu tố truyền kì vào câu chuyện kết hợp với các yếu tố tả thực để tạo hiệu quả nghệ thuật về
tính chân thực của truyện (các yếu tố tả thực: địa danh, thời điểm lịch sử, sự kiện lịch sử, miêu tả
chân dung nhân vật, khung cảnh…). Ngoài ra, sự có mặt của các yếu tố kì ảo đã tạo ra một thế
giới ước mơ, khát vọng của nhân dân về sự công bằng, bác ái.
II. RÈN LUYỆN KỸ NĂNG
Đây là truyện có dạng truyền kỳ: các yếu tố hiện thực đan xen với những yếu tố kì ảo tạo nên
sự hấp dẫn đối với bạn đọc. Chủ đề của truyện cũng khá rõ ràng: đề cao, ca ngợi phẩm hạnh của
người phụ nữ, đồng thời thể hiện niềm cảm thương cho số phận bất hạnh của họ dưới chế độ
phong kiến.
Có thể tạm chia truyện thành hai phần, lấy mốc là việc Vũ Nương nhảy xuống sông tự tử:
Đoạn 1 (từ đầu đến "và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ"): bị chồng nghi oan. Vũ Nương tự
vẫn.
Đoạn 2 (còn lại): nỗi oan được giải, Vũ Nương được cứu sống nhưng vẫn không trở về đoàn
tụ cùng gia đình.

Câu 1. Đại ý và bố cục của văn bản Chuyện người con gái Nam Xương.
a. Đại ý: Truyện viết về số phận oan nghiệt của một người phụ nữ có nhan sắc, đức hạnh dưới
chế độ phong kiến, chỉ vì lời nói ngây thơ của một đứa trẻ mà bị chồng nghi ngờ, xỉ nhục, bị đẩy
đến chỗ chọn cái chết để giãi bày tấm lòng trong sạch. Truyện cũng đề cao ước mơ ngàn đời của
nhân dân là người tốt bao giờ cũng được đền trả xứng đáng, dù chỉ là ở một thế giới huyền bí.
b. Bố cục của truyện.
Đoạn 1: Cuộc hôn nhân giữa Trương Sinh và Vũ Nương, sự xa cách vì chiến tranh, phẩm hạnh
của Vũ Nương trong thời gian xa cách (từ đầu đến “cha mẹ đẻ mình”).
Đoạn 2: Nỗi oan khuất và cái chết bi thảm của Vũ Nương (Qua năm sau… trót đã qua rồi).
Đoạn 3: Vũ Nương được giải oang (còn lại).
Câu 2. Nhân vật Vũ Nương được miêu tả trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Ở mỗi hoàn cảnh,
Vũ Nương lại bộc lộ những đức tính tốt đẹp.
Trong cuộc sống vợ chồng bình thường nàng luôn “giữ gìn khuôn phép, không lúc nào để vợ
chồng phải đến thất hòa”. Lời dặn dò khi chồng đi lính thật ân tình, đằm thắm, làm mọi người
xúc động.
Khi xa chồng, Vũ Nương là người vợ thủy chung yêu chồng tha thiết. Nỗi buồn nhớ của nàng cứ
dài theo năm tháng. Nàng còn là người mẹ hiền, dâu thảo, một mình vừa nuôi con nhỏ, vừa tận
tình chăm sóc mẹ chồng yếu đau. Lời trăng trối của bà mẹ chồng trước khi chết thể hiện sự ghi
nhận nhân cách và đánh giá cao công lao của nàng đối với gia đình.
Khi bị chồng nghi oan, Vũ Nương đã cố phân trần để chồng hiểu rõ tấm lòng mình. Vũ Nương
nói đến tình nghĩa vợ chồng, khẳng định tấm lòng thủy chung trong trắng, cầu xin chồng đừng
nghi oan. Lúc bị dồn đẩy đến bước đường cùng, nàng đành mượn dòng nước sông quê để giãi tỏ
tấm lòng trong trắng. Hành động tự trẫm mình của nàng là một hành động quyết liệt cuối cùng
để bảo toàn danh dự.
Như vây, Vũ Nương rõ ràng là một người phụ nữ nết na, hiền thục, lại đảm đang tháo vát, hết
lòng vun đắp hạnh phúc gia đình. Nàng mang những phẩm hạnh tốt đẹp, cao quý của người phụ
nữ Việt Nam. Một con người như thể đáng ra phải được hưởng hạnh phúc trọn vẹn, vậy mà lại
phải chết một cách oan uổng đau đớn.
Câu 3. Qua cách xử sự của Trương Sinh ta thấy Trương Sinh là một người hồ đồ, độc đoán, chỉ
nghe một đứa trẻ lên ba mà không phán đoán phân tích, bỏ ngoài tai những lời phân trần của vợ,

không tin cả những nhân chứng bênh vực cho nàng, nhất quyết không nói ra duyên cớ để có cơ
hội minh oan, mắng nhiếc và đuổi nàng đi. Trương Sinh đã trở thành một kẻ vũ phu thô bạo đã
bức tử Vũ Nương. Nỗi oan khuất của Vũ Nương do nhiều nguyên nhân đưa đến. Nhưng tựu
chung là do xã hội phong kiến – Một xã hội gây ra bao bất công ấy, thân phận người phụ nữ thật
bấp bênh, mong manh, bi thảm. Họ không được bênh vực chở che mà lại còn bị đối xử một cách
bất công, vô lí, chỉ vì lời nói ngây thơ của đứa trẻ, vì sự hồ đồ, ghen tuông của người chồng mà
đến nỗi phải kết liễu cuộc đời mình.
Câu 4. Cách dẫn dắt tình tiết câu chuyện tạo kịch tính, lôi cuốn. Từ những chi tiết hé mở, chuẩn
bị thắt nút đến khi nút thắt ngày một chặt hơn đã tạo cho truyện trở nên hấp dẫn, sinh động.
Những đoạn đối thoại, độc thoại của nhân vật được sắp xếp rất đúng chỗ, làm cho câu chuyện kể
trở nên sinh động, góp phần khắc họa tâm lý nhân vật, tính cách nhân vật (lời nói của Vũ Nương
bao giờ cũng chân thành, dịu dàng, có tình có lý, lời đứa trẻ hồn nhiên, thật thà…).
Câu 5. Những yếu tố truyền kỳ trong truyện là: chuyện Phan Lang nằm mộng, gặp Vũ Nương,
hình ảnh Vũ Nương thể hiện ở bên Hoàng Giang…
Các yếu tố truyền kỳ được kể đan xen với những yếu tốt thực (địa danh, thời điểm, sự kiện lịch
sử, trang phục mĩ nhân, tinh cảnh nhà Vũ Nương…) khiến cho thế giới kỳ ảo, lung linh, mơ hồ
trở nên gần với đời thực hơn.
Những yếu tố truyền kỳ được đưa vào truyện làm hoàn chỉnh thêm những nét đẹp phẩm giá của
nhân vật Vũ Nương: dù đã ở thế giới khác vẫn quan tâm đến chồng con, khao khát được phục
hồi danh dự. Những yếu tố truyền kỳ cũng tạo cho truyện một kết thúc có hậu, thể hiện ước mơ
ngàn đời của nhân dân về lẽ công bằng, về sự chiến thắng cuối cùng của cái thiện. Tuy vậy tính
bi kịch vẫn tiềm ẩn ở ngay trong các yếu tố hoang đường kỳ ảo này.
BÀI 2: HOÀNG LÊ NHẤT THỐNG CHÍ
(Hồi thứ mười bốn)
Ngô gia văn phái

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Hồi thứ mười bốn là một trong những phần hay nhất của tác phẩm Hoàng Lê nhất thống
chí. Qua hồi này, tác giả đã dựng lên hình ảnh người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ và sự thất
bại thảm hại tất yếu của bọn xâm lược và lũ vua quan phản nước, hại dân một cách chân thực,

sinh động. Nội dung này được cụ thể bằng những ý chính trong ba đoạn sau:
- Đoạn từ đầu đến “hôm ấy nhằm vào ngày 25 tháng chạp năm Mậu Thân (1788).”: Được tin
báo quân Thanh đã chiếm Thăng Long, vua Lê thụ phong, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên
ngôi Hoàng đế, tự mình đốc suất đại binh ra Bắc dẹp giặc.
- Đoạn từ “Vua Quang Trung tự mình đốc suất đại binh” cho đến “vua Quang Trung tiến
binh đến Thăng Long, rồi kéo vào thành…”: cuộc hành quân thần tốc và chiến thắng lẫy lừng
của vua Quang Trung đối với quân Thanh.
- Đoạn từ “Lại nói, Tôn Sĩ Nghị và vua Lê” cho đến hết: Thất bại thảm hại của quân Tôn Sĩ
Nghị và sự thảm hại của vua tôi Lê Chiêu Thống.
2. Hình tượng Quang Trung - Nguyễn Huệ được xây dựng chân thực, sinh động với hành
động, trí tuệ, tài điều binh khiển tướng, mưu lược… của một vị anh hùng dân tộc:
- Hành động mạnh mẽ, quyết đoán:
+ tiếp được tin báo quân Thanh chiếm đóng Thăng Long, liền họp các tướng sĩ, định thân
chinh cầm quân đi ngay;
+ lên ngôi hoàng đế, đốc suất đại binh ra Bắc dẹp giặc;
+ gặp Nguyễn Thiếp để hỏi cơ mưu;
+ tuyển mộ quân lính ở Nghệ An, duyệt binh, phủ dụ quân sĩ, lên kế hoạch tiến quân đánh
giặc;
- Trí tuệ sáng suốt, mẫn cán, điều binh khiển tướng tài tình:
+ Phân tích tình hình, quyết định tiến quân tiêu diệt giặc;
+ Lời lẽ sắc bén, chặt chẽ, kích thích được tinh thần tự tôn dân tộc của tướng sĩ: lời phủ dụ;
+ Vạch kế hoạch đánh giặc, sử dụng chiến lược, chiến thuật hợp lí, độc đáo (cách hành quân
thần tốc, cách chống lại súng của giặc, chiến thuật nghi binh…);
+ Biết dùng người đúng sở trường, ở đoản, đối đãi công bằng.
- Ý chí quyết chiến quyết thắng, tầm nhìn xa trông rộng: mạnh bạo, tự tin trong kế sách đánh
giặc, tính toán trước sau chu toàn (trước khi đánh giặc đã tính đến cả đối sách với giặc sau khi
chiến thắng)…
Hình tượng vua Quang Trung đã được miêu tả với đầy đủ những phẩm chất của một vị anh
hùng, mang vẻ đẹp oai phong lẫm liệt. Tác giả Ngô gia văn phái vốn trung thành với nhà Lê mà
vẫn viết về vua Quang Trung đầy tinh thần ngợi ca như vậy là vì họ đứng trên tinh thần dân tộc

mà phản ánh. Nhờ vậy, càng tạo ra cho tác phẩm sức thuyết phục, tính chân thực cao, chứng tỏ
tinh thần tôn trọng sự thật lịch sử. Đây cũng là điểm đặc sắc của thể loại tiểu thuyết lịch sử.
3. Sự thảm bại của quân tướng nhà Thanh và số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống
phản nước, hại dân:
- Quân tướng nhà Thanh:
+ Tôn Sĩ Nghị bất tài, không nắm được tình hình thực tế, kiêu căng tự mãn, trễ nải quân cơ:
“chỉ chăm chú vào yến tiệc, vui mừng, không hề lo chi đến việc bất trắc; khi quân Tây Sơn đánh
đến thì “sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc áo giáp, dẫn bọn lính kị mã
của mình chuồn trước qua cầu phao”…
+ Quân tướng hèn nhát, thảm bại: khi nghe tiếng quân Tây Sơn, quân Thanh ở trong đồn Hạ
Hồi “ai nấy rụng rời sợ hãi, liền xin ra hàng”; ở đồn Ngọc Hồi quân thì “bỏ chạy toán loạn, giày
xéo lên nhau mà chết”, tướng thì tự thắt cổ chết; thấy nghi binh thì “đều hết hồn hết vía, vội
trốn”; khi nghe tin Tôn Sĩ Nghị bỏ chạy “đều hoảng hồn, tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu
sang sông, xô đẩy nhau rơi xuống mà chết rất nhiều. Lát sau cầu lại bị đứt, quân lính đều rơi
xuống nước, đến nỗi nước sông Nhị Hà vì thế mà tắc nghẽn không chảy được nữa.”…
- Vua tôi Lê Chiêu Thống:
+ Vì lợi ích của dòng họ, vị thế nhà Lê mà trở thành những kẻ phản động, cõng rắn cắn gà
nhà, đi ngược lại quyền lợi của dân tộc;
+ Đớn hèn, nhục nhã trước quân Thanh;
+ Tháo chạy thục mạng, cướp cả thuyền của dân mà qua sông, khi đuổi kịp Tôn Sĩ Nghị thì
“nhìn nhau than thở, oán giận chảy nước mắt”, rồi chấp nhận phận vong quốc, sau này phải cạo
đầu tết tóc như người Mãn Thanh…
4. Về bút pháp của tác giả khi miêu tả hai cuộc tháo chạy (một của quân tướng nhà Thanh,
một của vua tôi Lê Chiêu Thống):
- Cảnh tháo chạy của quân tướng nhà Thanh được miêu tả dưới cái nhìn hả hê, mãn nguyện
của người thắng trận trước sự thất bại thảm hại của kẻ thù cướp nước: âm hưởng nhanh, gợi tả sự
tán loạn, tan tác…
- Cảnh bỏ chạy của vua tôi Lê Chiêu Thống được miêu tả dài hơn, âm hưởng chậm hơn, toát
lên vẻ chua xót, ngậm ngùi.
Sở dĩ có sự khác biệt đó là vì: mặc dù tôn trọng tính khách quan trong phản ánh, song không

thể chối bỏ được thái độ chủ quan khi quan sát, nhìn nhận; đối với quân tướng nhà Thanh, tác
giả miêu tả với một tâm thế khác với khi miêu tả cuộc tháo chạy của vua tôi Lê Chiêu Thống -
dẫu sao thì cũng là vương triều mình đã từng phụng thờ.
II. RÈN LUYỆN KỸ NĂNG
Văn bản này được trích từ Hồi 14 - tiểu thuyết chương hồi của Ngô gia văn phái - tái hiện lại
những diễn biến quan trọng trong cuộc đại phá quân Thanh của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Mặc dù là một tiểu thuyết lịch sử nhưng Hoàng Lê nhất thống chí (biểu hiện cụ thể ở đoạn trích
này) không chỉ ghi chép lại các sự việc, sự kiện mà đã tái hiện khá sinh động hình ảnh của vị anh
hùng dân tộc Nguyễn Huệ, sự thảm bại của quân xâm lược cùng với số phận bi đát của đám vua
tôi nhà Lê phản dân, hại nước.
Câu 1. Bố cục 3 phần.
Đoạn 1: từ đầu đến “năm Mậu Thân” – Được tin báo quân Thanh đã chiếm Thăng Long, Bắc
Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế, thân chinh cầm quân dẹp giặc.
Đoạn 2: tiếp đến “nỗi kéo vào thành” – Cuộc hành quân thần tốc và chiến thắng lẫy lừng của
vua Quang Trung.
Đoạn 3: Còn lại – sự đại bại của quân Thanh và tình cảnh thảm hại của vua tôi Lê Chiêu Thống.
Câu 2. Phân tích hình tượng người anh hùng Quang Trung.
- Con người hành động mạnh mẽ, quyết đoán: từ đầu đến cuối đoạn trích, Nguyễn Huệ luôn là
con người hành động một cách xông xáo, nhanh gọn, có chủ đích và rất quả quyết. Nghe tin giặc
đã chiếm Thăng Long, mà không hề nao núng “định thân chinh cầm quân đi ngay”. Chỉ trong
vòng một tháng, Nguyễn Huệ đã làm được bao nhiêu việc lớn: “tế cáo trời đất” lên ngôi Hoàng
Đế, “đốc xuất đại binh” ra Bắc, gặp gỡ “người công sỉ ở huyện La Sơn”, tuyển mộ quân lính, mở
cuộc duyệt binh lớn ở Nghệ An, phủ dụ tướng sĩ, định kế hoạch hành quan, đánh giặc, bàn kế đối
phó với nhà Thanh sau chiến thắng.
- Trí tuệ sáng suốt, sâu xa, nhảy bén. Sáng suốt trong việc phân tích tình hình thời cuộc và thế
tương quan chiến lược giữa ta và địch. Lời phủ dụ quân lính ở Nghệ An như bài hịch ngắn gọn
mà ý tứ sâu xa, phong phú, kích thích lòng yêu nước, tăng thêm tinh thần tự hào dân tộc cho
quân sĩ. Ông cũng sáng suốt trong việc xét đoán và dùng người, thể hiện cách xử trí với các
tướng sĩ tại Tam Điệp: Ông rất hiểu sở trường sở đoạn tướng sĩ, khen chê đều đúng người, đúng
việc.

- Ý chí quyết thắng và tầm nhìn xa trông rộng: mới khởi binh đánh giặc, chưa giành lại một tấc
đất nào, vậy mà vua Quang Trung đã nói chắc như đinh đóng cột “phương lược tiến đánh đã có
tính sẵn”, lại còn tính sẵn cả kế hoạch ngoại giao sau khi chiến thắng đối với một nước lớn, để
có thể dẹp “việc binh đao”.
- Tài dụng binh như thần: cuộc hành quân thần tốc do vua Quang Trung chỉ huy đến nay vẫn còn
làm chúng ta kinh ngạc. Ngày 25/12 bắt đầu xuất phát ở Phú Xuân (Huế) ngày 29 đã đến Nghệ
An, vượt qua khoảng 340 km núi đèo. Tại đâu vừa tuyển quân, tổ chức đội ngũ, vừa duyệt binh
lớn, chỉ trong một ngày. Hôm sau tiến ra Tam Điệp (150 km). Vậy mà đến 30 tháng Chạp đã lập
tức lên đường tiến quân ra Thăng Long. Mà tất cả đều là đi bộ. Hành quân xa như vậy, nhưng cờ
nào đội ấy vẫn chỉnh tề, cũng do tài tổ chức của người cầm quân. Hơn một vạn quân mới tuyển
đặt ở trung tâm, còn quân tinh nhuệ thì bao bọc ở bến doanh tiền, hậu, tá, hữu.
- Hình ảnh lẫm liệt trong chiến trận: Hoàng đế Quang Trung thân chinh cầm quân: tự thống lĩnh
một mũi tiến công, cưỡi voi đốc thúc, xông pha tên đạn… trong trận đánh đồn Ngọc Hồi (cảnh
“khóa hỏa mù trời” nổi bật hình ảnh nhà vua “cưỡi voi đi đốc thúc” – Có cuốn sử đã ghi vào đến
Thăng Long, tấm áo bào đỏ của vua đã xạm đen khói súng).
Đoạn văn trần thuật này không chỉ nhằm ghi lại những sự kiện lịch sử diễn ra gấp gáp, khẩn
trương mà còn chú ý miêu tả cụ thể từng hành động, lời nói của nhân vật chính. Qua đó, hình
ảnh người anh hùng được khắc họa khá đậm nét, có tính cách quả cảm, mạnh mẽ, có trí tuệ sáng
suốt, nhạy bén có tài dụng binh như thần, là linh hồn của chiến công vĩ đại.
Các tác giả có thể viết thực và hay như vậy, về người anh hùng Nguyễn Huệ, vì quan điểm phản
ánh hiện thực của họ là tôn trọng sự thực lịch sử. Dù có cảm tình với nhà Lê, song ý thức dân tộc
ở những người trí thức này khiến họ vẫn không thể bỏ qua sự thực là nhà Lê hèn yếu đã cõng rắn
cắn gà nhà và chiến công lẫy lừng của vua Quang Trung là niềm tự hào lớn của cả dân tộc.
Câu 3. Đoạn trích cũng miêu tả rõ sự thảm bại của bọn quân tướng nhà Thanh, tiêu biểu là Tôn
Sĩ Nghị. Y là một tên tướng bất tài, kiêu căng, tự mãn, chủ quan khinh địch. Khi quân Tây Sơn

×