Theo luật hình sự Đức, khi nào người phạm tội chưa đạt bị truy cứu trách
nhiệm hình sự?
Theo quy định của Bộ luật hình sự Đức thì các giai đoạn thực hiên tội phạm
gồm: chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt và tội phạm hoàn thành. Trong đó:
“Phạm tội chưa đạt là trường hợp người phạm tội đã tìm cách thực hiện tội phạm
đến cùng nhưng phải dừng lại”.
Trách nhiệm hình sự đối với trường hợp phạm tội chưa đạt trong luật hình sự
Đức được quy định như sau: Điều 23:“Người phạm tội chưa đạt đối với một trọng
tội sẽ bị áp dụng hình phạt. Phạm tội chưa đạt đối với một khinh tội chỉ bị phạt khi
luật quy định”. Từ Điều luật trên có thể nhận thấy, người phạm tội chưa đạt theo
Luật hình sự Đức có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc không bị truy cứu
trách nhiệm hình sự, còn tùy vào tội phạm mà người đó thực hiện là trọng tội hay
khinh tội và quy định cụ thể của điều luật quy định về tội phạm đó. Theo quy định
tại khoản (1) Điều 23 Bộ luật hình sự Đức thì người phạm tội chưa đạt bị truy cứu
trách nhiệm hình sự khi thuộc một trong các trường hợp sau: Phạm tội chưa đạt đối
với một trọng tội; Phạm tội chưa đạt đối với một khinh tội mà điều luật về khinh
tội đó quy định phạm tội chưa đạt cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp thứ nhất, một người phạm tội chưa đạt đối với một trọng tội sẽ bị
truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Trọng tội” theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự Đức được định nghĩa như
sau: “Trọng tội là hành vi bị đe dọa áp dụng hình phạt tù thấp nhất là một năm hoặc
cao hơn”. Tức là, nếu một người phạm tội chưa đạt một tội phạm mà theo quy định
của Bộ luật hình sự Đức, tội phạm đó bị đe dọa áp dụng hình phạt tù từ một năm
trở lên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị áp dụng hình phạt nhẹ hơn so
với trường hợp tội phạm hoàn thành, trừ trường hợp quy định tại Điều 19, 20 Bộ
luật hình sự Đức (không có năng lực trách nhiệm hình sự theo độ tuổi hoặc do bị
bệnh tâm thần).
Ví dụ, một người phạm tội chưa đạt tội cướp tài sản theo khoản (1) Điều 249:
“Người nào dùng vũ lực chống người khác hoặc đe dọa dùng vũ lực gây thiệt hại
đến tính mạng, sức khỏe để lấy đi bất động sản của người khác, chiếm đoạt cho
mình hoặc người thứ ba sẽ bị phạt tù không dưới một năm” thì sẽ bị truy cứu trách
nhiệm hình sự, phải chịu hình phạt vì đây là một trọng tội (hình phạt bị đe dọa áp
dụng đối với hành vi này là không dưới một năm).
Bộ luật hình sự Đức quy định như vậy nhằm răn đe, cảnh báo những người có ý
định phạm những trọng tội, dù có là phạm tội chưa đạt đi chăng nữa thì họ vẫn sẽ
phải chịu trách nhiệm hình sự, quy định như vậy cũng nhằm nhấn mạnh tính
nghiêm trọng, nguy hiểm của các trọng tội được quy định trong Bộ luật.
Trường hợp thứ hai, một người phạm tội chưa đạt đối với một khinh tội mà
điều luật về khinh tội đó quy định phạm tội chưa đạt cũng bị truy cứu trách
nhiệm hình sự thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Khinh tội” theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự Đức được định nghĩa như
sau: “Khinh tội là hành vi bị đe dọa áp dụng hình phạt tù nhẹ hoặc phạt tiền”. Tức
là nếu một người phạm tội chưa đạt một tội phạm bị đe dọa áp dụng hình phạt tù
dưới một năm hoặc phạt tiền mà trong điều luật quy định về tội phạm đó có chỉ rõ
rằng trường hợp phạm tội chưa đạt cũng phải chịu trách nhiệm hình sự thì sẽ phải
chịu trách nhiệm hình sự và bị áp dụng hình phạt nhẹ hơn so với tội phạm hoàn
thành, trừ trường hợp quy định tại Điều 19, 20 Bộ luật hình sự Đức (không có năng
lực trách nhiệm hình sự theo độ tuổi hoặc do bị bệnh tâm thần). Ví dụ, người nào
phạm tội chưa đạt một trong các tội phạm quy định tại Điều 223 thì cũng bị truy
cứu trách nhiệm hình sự.
Bộ luật hình sự Đức quy định như vậy nhằm tránh không để lọt lưới tội phạm,
một số tội phạm tuy là khinh tội (tội phạm ít nghiêm trọng) nhưng nếu phạm tội ở
giai đoạn chưa đạt thì cũng phần nào thể hiện tính nguy hiểm của hành vi, cần phải
có chế tài áp dụng để răn đe tội phạm. Do không phải trường hợp phạm tội chưa
đạt một khinh tội nào cũng phải chịu trách nhiệm hình sự nên Bộ luật hình sự Đức
đã đưa quy định về vấn đề này vào từng điều luật cụ thể để ngững người thực thi
pháp luật dễ dàng hơn trong việc áp dụng.
Quy định của Bộ luật hình sự Đức khác với quy định của Bộ luật hình sự Việt
Nam. Theo đó, theo Điều 18 Bộ luật hình sự Việt Nam thì người phạm tội chưa đạt
phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt. Tức là trong mọi trường hợp,
người phạm tội chưa đạt đều phải chịu trách nhiệm hình sự. Còn Bộ luật hình sự
Đức thì chia là hai trường hợp, đối với trọng tội thì phải chịu trách nhiệm hình sự,
đối với khinh tội thì còn tùy thuộc vào điều luật đó có quy định về việc phạm tội
chưa đạt cũng phải chịu trách nhiệm hình sự hay không. Theo em, quy định của Bộ
luật hình sự Đức có ưu điểm là đã phân hóa được trách nhiệm hình sự đối với
người phạm tội chưa đạt theo phân loại tội phạm và quy định của các điều luật cụ
thể.