Tải bản đầy đủ (.doc) (5 trang)

Đề 8 - Kiểm tra Ngữ văn 9

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (111.14 KB, 5 trang )

Kiểm tra NV 9 - Đề8 Nguyễn Ảnh 1
Đề 8 :
Câu1 :
Cho đoạn trích:
“ Con bé thấy lạ quá, nó chớp mắt nhìn tôi như muốn hỏi đó là ai, mặt nó bỗng tái đi, rồi vụt chạy
và kêu thét lên : “Má! Má!”. Còn anh, anh đứng sững lại đó, nhìn theo con, nỗi đau đớn khiến mặt
anh sầm lại trông thật đáng thương và hai tay buông xuống như bị gãy.”
(Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục 2009, tr.196)
1. Đoạn trích trên được rút từ tác phẩm nào, của ai? Kể tên hai nhân vật được người kể
chuyện nhắc tới trong đoạn trích.
2. Lẽ ra, cuộc gặp mặt sau tám năm xa cách sẽ ngập tràn niềm vui và hạnh phúc nhưng trong
câu chuyện, cuộc gặp ấy lại khiến cho nhân vật “anh” “đau đớn”. Vì sao vậy ?
3. Hãy viết một đoạn văn nghị luận khoảng 12 câu theo phép lập luận quy nạp làm rõ tình
cảm sâu nặng của người cha đối với con trong tác phẩm trên, trong đoạn văn có sử dụng câu bị động
và phép thế (gạch dưới câu bị động và những từ ngữ dùng làm phép thế).
Câu 2
Phân tích so sánh hình ảnh mùa xuân trong thơ cổ Trung Quốc :
Phương thảo thiên liên bích
Lê chi sổ điểm hoa
(Cỏ thơm liền với trời xanh – Trên cành lê có mấy bông hoa)
với cảnh mùa xuân trong câu thơ Kiều của Nguyễn Du:
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Câu 3: Cảm nhận của em về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam qua một số tác phẩm thơ văn hiện
đại đã học trong chương trình Ngữ văn lớp 9.
BÀI GIẢI GỢI Ý
Câu1:
1) Đoạn trích trên được rút từ tác phẩm “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng.
Hai nhân vật được người kể chuyện nhắc tới trong đoạn trích là : Bé Thu, nó(con bé) và anh Sáu
(anh).
2) Lý do khiến nhân vật anh Sáu đau đớn là vì: Trên mặt anh bấy giờ có một “cái thẹo” bởi


chiến tranh gây ra, khiến mặt anh không giống với tấm hình bé Thu có được cho nên “nó” đã không
nhận anh là cha.
3)(Yêu cầu của đề : Viết đoạn văn nghị luận khoảng 12 câu theo phép lập luận quy nạp làm
rõ tình cảm sâu nặng của người cha (anh Sáu) đối với con( bé Thu) trong tác phẩm “Chiếc lược
ngà”, trong đoạn văn có sử dụng câu bị động và phép thế (gạch dưới câu bị động và những từ ngữ
dùng làm phép thế))
Gợi ý:
-Sau tám năm trời xa cách,anh Sáu lúc nào cũng canh cánh bên lòng tình cảm thương nhớ
con.
- Trong tám năm ấy,anh chỉ thấy con qua tấm ảnh nhỏ.
-Đến lúc được trở về, cái tình cha cứ nôn nao trong người anh.
- Khi xuồng vào bến, thấy một đứa bé độ tám tuổi mà anh đoán biết là con, không thể chờ
xuồng cập bến anh nhún chân nhảy thót lên xô chiếc xuồng tạt ra và cất tiêng gọi con.
-Nhưng trái với lòng mong ước và suy nghĩ của anh, bé Thu nhất quyết không nhận anh là
cha.
- Anh vô cùng đau đớn.
-Suốt mấy ngày anh luôn mong được nghe một tiêng “ba” của con bé, nhưng cái tiếng ấy
vẫn không được nó thốt ra.
-Chỉ đến lúc anh chuẩn bị ra đi và khi bé Thu đã hiểu ra sự việc, “nó” mới cất lên một tiếng
gọi “ba” đến “xé ruột”.
Kiểm tra NV 9 - Đề8 Nguyễn Ảnh 2
-Nhưng vì nhiệm vụ, anh vẫn phải lên đường với bao xúc động và lưu luyến.
- Những ngày ở tại chiến trường miền Đông, lúc nào anh cũng thương nhớ con, hối hận đã
đánh “nó” và kiên trì làm chiếc lược bằng ngà để tặng con.
- Thậm chí, lúc hấp hối anh vẫn không quên nghĩ đến con, nhờ đồng đội gửi chiếc lược ấy
lại cho con.
- Anh quả thật là một người cha có tình cảm sâu năng đối với con.
Câu 2 :
So sánh hình ảnh mùa xuân trong thơ cổ Trung Quốc :
Phương thảo thiên liên bích

Lê chi sổ điểm hoa
(Cỏ thơm liền với trời xanh – Trên cành lê có mấy bông hoa)
với cảnh mùa xuân trong câu thơ Kiều của Nguyễn Du:
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Với bút pháp gợi tả, câu thơ cổ Trung Quốc đã vẽ lên được vẻ đẹp riêng của mùa xuân, có hương
vị , màu sắc, đường nét. Đó là hương thơm của cỏ non (phương thảo) . Đó là màu xanh mướt của
cỏ tiếp nối với màu xanh ngọc của trời, cả chân trời, mặt đất đều một màu xanh xanh (liên thiên
bích). Đó còn là đường nét của cành lê thanh nhẹ điểm vài bông hoa (sổ điểm hoa) . Màu xanh của
cỏ tiếp giáp và hòa lẫn với màu xanh của trời . Cảnh đẹp mà dường như tĩnh tại.
Hai câu thơ trong truyện Kiều “Cỏ non xanh tận chân trời – Cành lê trắng điểm một vài bông
hoa” là bức họa tuyệt đẹp về mùa xuân . Gam màu làm nền cho bức tranh xuân là thảm cỏ non trải
rộng tới chân trời . Trên nền màu xanh non ấy điểm xuyết một vài bông hoa lê trắng . Câu thơ cổ
Trung Quốc chỉ nói cành lê điểm một vài bông hoa mà không nói tới màu sắc của hoa lê. Nguyễn
Du chỉ thêm một chữ “trắng” cho cành lê mà bức tranh mùa xuân đã khác. Trong câu thơ của
Nguyễn Du, chữ “trắng” trở thành điểm nhấn, làm nổi bật thần sắc của hoa lê và màu “ trắng” kết
hợp với từ “điểm” làm cho cảnh vật trở nên sinh động, có hồn chứ không tĩnh tại. Màu xanh của cỏ
non và sắc trắng của hoa lê làm cho màu sắc có sự hài hòa tới mức tuyệt diệu . Tất cả đều gợi lên
vẻ đẹp riêng của mùa xuân : mới mẻ, tinh khôi, giàu sức sống (cỏ non); khoáng đạt, trong trẻo
(xanh tận chân trời) , nhẹ nhàng, thanh khiết (trắng điểm một vài bông hoa).
So với hai câu thơ xưa, rõ ràng hai câu của Nguyễn Du đã trở thành bức họa tuyệt tác về cảnh
ngày xuân trong sáng, sinh động.
Câu3:
I- Dân tộc Việt Nam giàu lòng yêu nước, căm thù giặc. “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Trong
chiến đấu, phụ nữ Việt Nam “Anh hùng , bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Trong thơ văn , hình ảnh
những người mẹ , người chị thân thương của mỗi chúng ta được miêu tả thật chân thực, đã để lại
những ấn tượng sâu sắc trong trái tim bao thế hệ độc giả.
II- Trong mỗi gia đình Việt Nam, hình ảnh người bà, người mẹ, người chị là những hình ảnh trở
nên gần gũi, yêu thương nhất đối với con cháu.
+Bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt viết về người bà trong gia đình, với tình thương và đức hy sinh

cao cả.Bài thơ đã cho thấy tình yêu quê hương đất nước chan hòa với bao kỷ niệm tuổi thơ vô cùng
thiết tha về người bà kính yêu, người bà đôn hậu và tần tảo sớm khuya sáng bừng lên như một ngọn
lửa thần kỳ và thiêng liêng. -Hình ảnh đầu tiên hiện lên trong trí nhớ của tác giả là hình ảnh bếp lửa
ở một làng quê Việt Nam từ thời thơ ấu:
Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Từ hình ảnh bếp lửa liên tưởng tự nhiên đến người nhóm lửa, nhóm bếp - đến nỗi nhớ, tình thương
với bà của đứa cháu đang ở xa:
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa
“Biết mấy nắng mưa” là một cách nói ẩn dụ gợi ra phần nào cuộc đời vất vả lo toan của bà.
Kiểm tra NV 9 - Đề8 Nguyễn Ảnh 3
Một bếp lửa và một làn sương sớm. Tiếng tu hú và giọng kể chuyện của bà. Rồi những ngày cha mẹ
đi công tác xa. Rồi cháu làm cháu học với bà :
Mẹ cùng cha bận công tác không về
Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe
Bà dạy cháu làm , bà chăm cháu học
(Bằng Việt- Bếp lửa)
“cháu ở cùng bà”, “bà bảo”, “bà dạy”, “bà chăm” đã diễn tả một cách sâu sắc tấm lòng đôn hậu,
tình thương bao la , sự chăm chút của bà đối với cháu nhỏ. Trong nhiều gia đình Việt Nam, do
nhiều cảnh ngộ khác nhau, mà vai trò của người bà đã thay thế vai trò của người mẹ hiền.
Sống trong những năm chiến tranh, khi “giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi” được sự “đỡ đần” của
bà con hàng xóm,hai bà cháu mới dựng lại được túp lều tranh, thế nhưng bà vẫn “vững lòng” trước
mọi tai họa thử thách:
Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh:
“Bố ở chiến khu, bố còn việc bố
Mày có viết thư chớ kể này kể nọ
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!”
Lời dặn trực tiếp của bà khi cháu viết thư cho bố không chỉ giúp ta hình dung giọng nói, tiếng nói,
tình cảm và suy nghĩ của bà mà còn làm sáng lên phẩm chất của người bà, người mẹ Việt Nam yêu
nước, đầy lòng hy sinh, kiên trì nhóm lửa, giữ lửa

-Từ “bếp lửa”, đứa cháu nghĩ về “ngọn lửa”.Một hình tượng rất tráng lệ. “Bếp lửa bà nhen” sớm
sớm chiều chiều đã sáng bừng lên thành ngọn lửa bất diệt, ngọn lửa của tình thương “luôn ủ sẵn”,
ngọn lửa của niềm tin vô cùng “dai dẳng” bền bỉ và bất diệt. Cùng với hình tượng “ngọn lửa”, các
từ ngữ chỉ thời gian:”rồi sớm rồi chiều”, các động từ: “nhen”, “ủ sẵn” , “chứa” (chứa niềm tin dai
dẳng) đã khẳng định ý chí, bản lĩnh sống của bà, cũng là của người phụ nữ Việt Nam giữa thời loạn
lạc:
Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen
Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng
Bà thức khuya dậy sớm “Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa”, bà nhóm lửa cho thơm mùi
khoai sắn, và:
Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ
(Bằng Việt- Bếp lửa)
Ngọn lửa như một biểu tượng của tình thương vô cùng ấm áp . Hình ảnh người bà giàu yêu
thương và hình ảnh ngọn lửa cứ trở đi, trở lại trong bài thơ, song mỗi lần no lại mang một ý nghĩa
khác nhau.Khi thì nhóm bếp lửa ấp iu, nông đượm để sưởi ấm cho bà cháu qua cái lạnh của sương
sớm; đến câu tiếp theo thì đã vừa nhóm bếp luộc khoai, luộc sắn cho cháu ăn đỡ đói lòng mà như
còn đem đến cho đứa cháu nhỏ cái ngọt bùi của sắn khoai, của tình thương vô hạn của bà. Đến câu
tiếp theo thì lòng bà còn mở rộng hơn cùng với nồi xôi gạo mới là tình cảm xóm làng đoàn kết, gắn
bó, chia ngọt sẻ bùi và đến câu “Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ”thì hoàn toàn mang nghĩa
trừu tượng: nhóm dậy tâm tình tuổi nhỏ, nuôi dưỡng và làm bừng sáng những ước mơ,những khát
vọng của đàn cháu nhỏ.Bếp lửa bà đã nhóm lên ngọn lửa của tình yêu thương ấm áp.
Bà thương cháu bao nhiêu thì cháu lại kính yêu và biết ơn bà bấy nhiêu:
Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà , niềm vui trăm ngả
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở
Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?
Cuộc đời mới thật vui, thật đẹp,đã “có ngọn khói trăm tàu” đã “có ngọn lửa trăm nhà, niềm vui

trăm ngả”, nhưng cháu vẫn không nguôi nhớ bà, nhớ bếp lửa gia đình thương yêu. Không gian và
thời gian xa cách, và dù cuộc đời có đổi thay, nhưng tình thương nhớ bà vẫn thiết tha mãnh liệt.
Kiểm tra NV 9 - Đề8 Nguyễn Ảnh 4
-“Bếp lửa” là một bài thơ hay và độc đáo. Bài thơ không chỉ nói về bà, về tình bà cháu mà còn có ý
nghĩa triết lý thầm kín. Những gì là thân thiết nhất của tuổi thơ mỗi người đều có lúc tỏa sáng, nâng
đỡ con người suốt cả cuộc đời . Tình yêu thương và lòng biết ơn bà chính là một biểu hiện của tình
yêu thương , gắn bó với gia đình, quê hương và đó cũng là khởi đầu của tình người, tình yêu nước.
+ Sau hình ảnh người bà là hình ảnh người mẹ. Viết về người mẹ Việt Nam thời chống Mĩ , bài thơ
“Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm là một bài thơ độc đáo và
hay. Bà mẹ được nói đến là bà mẹ Tà-ôi có một tình thương mênh mông: thương con, thương làng
đói, thương bộ đội ,thương đất nước.
Bài thơ có 3 khúc ru được sáng tạo theo âm điệu dân ca, điệu ru con của đồng bào Tà-ôi trên
miền núi Trị Thiên. Ba khúc hát ru đều mở đầu bằng hai câu:
Em Cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ
và kết thúc bằng lời ru trực tiếp của người mẹ:
Ngủ ngoan A Kay ơi, ngủ ngoan A Kay hỡi.
đã thể hiện một cách đặc sắc tình cảm tha thiết , trìu mến của người mẹ giành cho con.
Hình ảnh của người mẹ được gắn với hoàn cảnh và công việc cụ thể qua từng khúc hát.
+ Khúc hát thứ nhất người mẹ giã gạo nuôi bộ đội:
Nhịp chày nghiêng và giấc ngủ em nghiêng
Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi
Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối
Lưng đưa nôi và tim hát thành lời
Mẹ vất vả nên em vất vả theo. Mồ hôi ướt đẫm má em nhưng bù lại em được say giấc nồng trên
lưng mẹ và trong lời ru của mẹ:
Lưng đưa nôi và tim hát thành lời
Trong lời ru của mẹ ta thấy chứa chan tình yêu con, tình yêu bộ đội, yêu cách mạng và kháng
chiến. Qua khúc hát ta thấy ước mơ của mẹ thật giản dị và cảm động biết bao: Mẹ ước mơ con lớn
“Vung chày lún sân”

+ Khúc hát thứ hai, người mẹ tỉa bắp trên núi, nuôi làng nuôi bộ đội:
Lưng núi thì to lưng mẹ nhỏ
Hình ảnh đối lập gợi sự nhỏ bé của mẹ giữa rừng núi mênh mông heo hút, diễn tả sự chịu đựng
gian khổ của người mẹ Tà-ôi. Ở khúc hát này, trong lời ru của mẹ ta thấy tình yêu con, tình yêu làng
tha thiết và mẹ ước mơ con của mẹ lớn sẽ “Phát mười ka lưi ”
+Khúc hát thứ ba:
Mẹ đi chuyển lán, mẹ đi đạp rừng
Mẹ trực tiếp ra trận. “Mẹ đưa em đi để giành trận cuối”. Mẹ cùng em ra chiến trường , trực tiếp
tham gia chiến đấu cùng “Anh trai”, “Chị gái” . Giờ đây mẹ ước mơ được thấy Bác Hồ, ước mơ:
“Mai sau con lớn làm người tự do”.
Hình ảnh người mẹ hiện lên trong mỗi khúc hát vừa có sự lặp lại, vừa có sự phát triển. Không
gian làm việc của mẹ càng ngày càng mở rộng, từ giã gạo ở nhà đến phát rẫy trên nương và cuối
cùng mẹ ra chiến trường. Trong mỗi khúc hát ta thấy lúc đầu mẹ là mẹ chiến sĩ, về sau chính mẹ là
chiến sĩ.
Những lời ru của mẹ - “tim hát thành lời” đó là tình cảm của mẹ, là khát khao ước vọng của mẹ
đối với con mình. Nhưng ở đây tình mẫu tử thiêng liêng không phải chỉ dành cho một người con
duy nhất của mẹ , tình thương đó còn dành cho bộ đội, cho dân làng và cho đất nước. Hiện tại,
tương lai của con đều gắn liền với dân làng với cuộc kháng chiến của đất nước, dân tộc. Hình ảnh
mẹ trong bài thơ không chỉ mang ý nghĩa cụ thể về một người mẹ Tà-ôi mà còn mang ý nghĩa khái
quát. Trong cuộc kháng chiến thần thánh ấy có biết bao người như mẹ - những người mẹ Việt Nam
yêu con, yêu nước, sẵn sàng cống hiến , sẵn sàng tham gia vào cuộc kháng chiến vĩ đại vì độc lập tự
do của dân tộc.
+ Có những người bà, người mẹ anh hùng nên mới có những đàn con cháu anh hùng, có những thế
hệ anh hùng. Cô giao liên trong truyện “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang sáng đã đi tiếp con
Kiểm tra NV 9 - Đề8 Nguyễn Ảnh 5
đường chiến đấu gian khổ, vô cùng oanh liệt vẻ vang của cha anh dào dạt sức sống trẻ trung và
dũng mãnh. Cô lái xuồng giỏi, chỉ huy giỏi, có giác quan tinh tế kì lạ. Cô phân biệt chính xác mùi
lính Mĩ và mùi lính ngụy, ánh sao đêm và đèn máy bay địch, tiếng trực thăng ở xa và tiếng xuồng
máy ở gần. Cô mưu trí và dũng cảm lạ thường. Lọt vào phục kích của giặc, cô đã lập mưu đánh lừa
chúng, an toàn vượt qua đường nguy hiểm. Cô gái ương ngạnh ngày nào đã trở thành cô giao liên

tài ba, dũng cảm, đã làm cho người cán bộ già (bác Ba) như thức trong giấc mơ.
+ “Những ngôi sao xa xôi” là tác phẩm nổi tiếng của Lê Minh Khuê viết về những tấm gương anh
hùng của các cô thanh niên xung phong trên con đường chiến lược Trường Sơn đánh Mĩ.Truyện đã
ghi lại một cách chân thực chiến tích thầm lặng của tổ trinh sát mặt đường. Trọng điểm đang chìm
trong mưa bom bão lửa, cảnh tượng chiến trường vắng lặng đến phát sợ. Cảnh vật bị hủy diệt: cây
xơ xác, đất nóng, khói đen vật vờ từng cụm trong không trung. Phương Định dũng cảm và bình tĩnh
tiến đến gần quả bom. Thần chết đang đợi chờ! Hai mươi phút trôi qua, tiếng còi chị Thao rúc lên,
Định cẩn thận bỏ gói thuốc mìn xuống cái lỗ đã đào, châm ngòi vào dây mìn. Cô khỏa đất rồi chạy
nhanh về chỗ nấp Bom nổ, mảnh bom xé không khí, nổ váng óc Nguy hiểm căng thẳng không
thể nào kể xiết Nho bị thương. Bom nổ hầm sập. Chị Thao và Định phải moi đất bế Nho lên. Máu
tua ra ngấm vào đất. Chị Thao nghẹn ngào.Định rửa vết thương cho Nho, tiêm thuốc cho Nho, pha
sữa cho Nho Rồi chị Thao lại giục Phương Định hát. Đó là cuộc sống chiến đấu thường nhật của
họ. Tác giả đã tái hiện cảnh phá bom vô cùng nguy hiểm, dựng lên một tượng đài về khí phách anh
hùng lẫm liệt của tổ trinh sát mặt đường.Chiến công thầm lặng của họ bất tử với năm tháng và lòng
người.
Qua nhân vật Phương Định và các cô gái thanh niên xung phong, Lê Minh Khuê đã gợi cho
người đọc hình dung được phẩm chất tốt đẹp của thế hệ trẻ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ . Họ
phải sống và chiến đấu rất gian khổ, hiểm nguy. Đó là những chàng trai, cô gái trẻ, dũng cảm, hiến
dâng cả cuộc đời thanh xuân cho đất nước, sẵn sàng hy sinh tính mạng để hoàn thành nhiệm vụ . Họ
có một thế giới nội tâm phong phú, đa dạng và rất trong sáng . Đặc biệt , những hình ảnh cao đẹp
của các cô thanh niên xung phong trong truyện “Những ngôi sao xa xôi” tiêu biểu cho dân tộc Việt
Nam , cho thế hệ trẻ trong những năm tháng hào hùng của Tổ quốc.
Truyện “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê đã làm sống lại trong lòng ta hình ảnh
tuyệt đẹp và những chiến công phi thường của tổ trinh sát mặt đường của Định , Nho , của chị Thao,
của hàng ngàn, hàng vạn cô thanh niên xung phong thời chống Mĩ . Chiến công thầm lặng của
Phương Định và đồng đội là bài ca anh hùng.
Chiến tranh đã đi qua, hôm nay đọc truyện “Những ngôi sao xa xôi”, ta như được sống lại
những năm tháng hào hùng của đất nước. Những Phương Định gần xa vẫn tỏa sáng hồn ta với bao
ngưỡng mộ
III- Trên đây là một số gương mặt , tên tuổi, hình ảnh tuyệt đẹp về người phụ nữ Việt Nam . Đúng

như Bác Hồ đã nói : “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu
mà thêm tốt đẹp rực rỡ” . Nhà thơ Huy Cận trong bài “Ca ngợi người phụ nữ Việt Nam” có viết:
Chị em tôi tỏa nắng vàng lịch sử
Nắng cho đời nên cũng năng cho thơ

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×