VỀ NGUYÊN TẮC CẤM DÙNG VŨ LỰC HOẶC ĐE DỌA
DÙNG VŨ LỰC
TRONG QUAN HỆ QUỐC TẾ
Ngày nay, trong các mối quan hệ quốc tế, với xu thế toàn cầu hóa, các quốc gia ngày càng
xích lại gần nhau, không một quyết định chính trị nào có thể trở thành niềm hy vọng và
mang ý nghĩa trong đời sống quốc tế nếu nó không được xây dựng trên cơ sở các nguyên
tắc cơ bản của luật quốc tế. Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất để giải quyết các
vấn đề tranh chấp giữa các quốc gia là nguyên tắc không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ
lực trong quan hệ quốc tế. Nguyên tắc này được áp dụng để giải quyết các tranh chấp về
lãnh thổ, khai thác sử dụng biển, nhân quyền... Do bất cứ lĩnh vực nào trong quan hệ giữa
các quốc gia hiện nay đều có thể bị đe dọa bởi việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ
lực nên việc tuân thủ nguyên tắc này là điều hết sức cần thiết cho sự ổn định, phát triển
trong hòa bình an ninh của thế giới ngày nay.
1. Sự hình thành và phát triển
“Không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực” trước khi được thừa nhận là nguyên tắc cơ
bản của luật quốc tế đã được các văn bản pháp lý quốc tế như Công ước Lahay năm 1899
về giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế và Công ước năm 1907 về hạn chế sử dụng
vũ lực đối với quốc gia vi phạm cam kết quốc tế đề cập tới nhưng mới chỉ thể hiện được ở
một số khía cạnh. Như vậy lần đầu tiên các công ước quốc tế đã ghi nhận việc tiến hành
chiến tranh không còn là quyền của quốc gia, nhưng cũng chưa đưa ra những quy định
ngăn cấm chiến tranh, mà chỉ kêu gọi các quốc gia “với khả năng có thể” thì ngăn ngừa
nguy cơ dẫn tới dùng vũ lực.
Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 – 1918) đã xuất hiện Quy chế Hội Quốc Liên.
Điều 12 Quy chế Hội Quốc Liên quy định các nước thành viên không được sử dụng chiến
tranh khi chưa áp dụng các biện pháp hòa bình. Như vậy, mặc dù đã có bước tiến mới so
với Công ước Lahay 1899 và Công ước năm 1907 nói trên nhưng Quy chế Hội Quốc Liên
vẫn chưa đưa ra quy định cấm dùng vũ lực, vẫn coi việc áp dụng vũ lực là phương pháp
cuối cùng để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Tiếp đến là Hiệp định Paris 1928 về khước
từ chiến tranh. Hiệp định này xác định: “Các quốc gia thành viên lên án việc sử dụng
chiến tranh để giải quyết các tranh chấp, xung đột quốc tế và cam kết không dùng chiến
tranh như một công cụ quốc sách trong quan hệ với nhau”. So với các công ước quốc tế về
vấn đề cấm sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế thì Hiệp định Paris
1928 quả là một bước tiến quan trọng.
Tuy nhiên, trước khi vấn đề này được cả thế giới công nhận, loài người đã phải trải qua
những thảm họa kinh hoàng của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 –1945). Sau sự
kiện đó, các quốc gia trên thế giới đã lập ra một tổ chức quốc tế lấy tên là Liên Hiệp Quốc
(LHQ). Với mục tiêu cao cả là “phòng ngừa cho thế hệ mai sau khỏi thảm họa chiến
tranh”, Hiến chương LHQ không chỉ dừng lại ở mức cấm chiến tranh xâm lược mà nâng
lên thành nguyên tắc “cấm sử dụng vũ lực hoặc đe dọa bằng vũ lực trong quan hệ quốc tế”.
Khoản 2 Điều 4 Hiến chương LHQ quy định: “Tất cả các nước thành viên LHQ từ bỏ đe
dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả
xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào cũng như bằng
cách khác trái với những mục đích của LHQ”. Như vậy Hiến chương LHQ đã khẳng định
nguyên tắc “cấm dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế”. Cùng với
sự phát triển của xã hội loài người, các văn kiện của LHQ sau này đã góp phần bổ sung,
làm sáng tỏ hơn những tư tưởng tiến bộ của nguyên tắc nói trên thông qua một số văn kiện
như Tuyên ngôn 1970 của LHQ, Nghị quyết LHQ 1974, Công ước Luật biển 1982...
2. Nội dung chủ yếu của nguyên tắc
Nội dung của nguyên tắc cấm dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế
được ghi nhận cụ thể trong Tuyên bố 1970 của Đại hội đồng LHQ: “Mỗi quốc gia có
nghĩa vụ từ bỏ việc đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng vũ lực để vi phạm biên giới quốc gia
của các nước khác hoặc dùng nó làm phương tiện để giải quyết các tranh chấp quốc tế, kể
cả các tranh chấp về lãnh thổ và các vấn đề có liên quan đến biên giới các nước”.
Nguyên tắc cấm dùng vũ lực hoăc đe dọa dùng vũ lực được khái quát hóa trong Tuyên bố
1970 ở những nội dung sau:
• Cấm xâm chiếm lãnh thổ quốc gia hoặc sử dụng lực lượng vũ trang vượt qua biên
giới tiến vào lãnh thổ quốc gia khác;
• Cấm cho quân vượt qua biên giới quốc tế, trong đó có giới tuyến hòa giải;
• Cấm các hành vi đe dọa trấn áp bằng vũ lực;
• Không cho phép quốc gia khác sử dụng lãnh thổ của mình để tiến hành xâm lược
chống nước thứ ba;
• Không tổ chức, khuyến khích, xúi giục, giúp đỡ hay tham gia vào nội chiến hay các
hành vi khủng bố tại quốc gia khác;
• Không tổ chức, giúp đỡ các băng đảng vũ trang, nhóm vũ trang, lính đánh thuê đột
nhập phá hoại lãnh thổ quốc gia khác;
• Cấm tuyên truyền chiến tranh xâm lược.
Như vậy nguyên tắc này không chỉ bao gồm việc cấm sử dụng lực lượng vũ trang hoặc
khuyến khích sử dụng vũ trang mà còn cấm cả những biện pháp khác nhằm chống lại chủ
quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia.
Thuật ngữ “vũ lực” theo Hiến chương LHQ không chỉ đơn thuần là sức mạnh vũ trang.
Khái niệm “vũ lực” được sử dụng trong Hiến chương được hiểu là sức mạnh vũ trang hay
bao gồm cả các loại sức mạnh phi vũ trang khác như sức mạnh về kinh tế, chính trị, sử
dụng lực lượng vũ trang không nhằm tấn công xâm lược quốc gia khác nhưng để gây sức
ép, đe dọa đến quốc gia đó. Ví dụ: tập trung quân ở biên giới với số lượng lớn, chuẩn bị
một cuộc tấn công tập trận ở biên giới nhằm biểu dương lực lượng đe dọa quốc gia láng
giềng, gửi tối hậu thư đe dọa quốc gia khác... Những hoạt động này cũng bị coi là vi phạm
nguyên tắc “cấm dùng vũ lực hoặc đe dọa bằng vũ lực”.
3. Quyền tự vệ trong nguyên tắc cấm dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong
quan hệ quốc tế
Do việc sử dụng vũ lực đã bị nghiêm cấm, mọi thành viên của LHQ trong quan hệ đối
ngoại của mình, đều không được phép sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực. Tuy nhiên
cùng với xu thế phát triển của thời đại, các quan hệ quốc tế ngày càng phức tạp. Nhằm đối
phó với tình hình, bảo vệ nền hòa bình và an ninh quốc tế, bên cạnh nguyên tắc “cấm dùng
vũ lực hoặc đe dọa bằng vũ lực”, tại khoản 4 Điều 2, Hiến chương LHQ còn đưa ra những
quy định ngoại lệ đối với việc sử dụng vũ lực, trong trường hợp xảy ra tấn công vũ trang
nhằm vào bất kỳ thành viên nào của LHQ mà Hội đồng Bảo an LHQ chưa áp dụng những
biện pháp cần thiết để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thì tại Điều 51 đã ghi
nhận: “Bất kỳ nội dung nào trong Hiến chương này đều không được hủy hoại quyền tự vệ
cá thể hoặc quyền tự vệ tập thể”. Hai điều khoản này có tác dụng bổ trợ nhau, tạo thành
nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện nay là “cấm sử dụng vũ lực”; đây là những căn cứ
pháp lý cơ bản để cộng đồng quốc tế áp dụng vào những trường hợp cụ thể.
Như vậy, với quyền tự vệ cá nhân hay tập thể chính đáng, các nước thành viên LHQ có thể
sử dụng vũ lực một cách hợp pháp chống lại quốc gia xâm lược. Tại Điều 51 Hiến chương
LHQ khi đề cập đến quyền tự vệ của quốc gia đã nhấn mạnh rằng quyền này chỉ có được
trong trường hợp quốc gia bị tấn công vũ trang, nghĩa là chỉ khi nào bị tấn công bằng lực
lượng vũ trang, quốc gia bị tấn công mới có quyền dùng vũ lực để đánh trả sự tấn công đó.
Điều 51 cũng cho phép: “Hội đồng Bảo an được áp dụng bất kỳ lúc nào những hành động
mà Hội đồng thấy cần thiết để duy trì hoặc khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế”;
và “Hội đồng Bảo an xác định thực tại mọi sự đe dọa hòa bình, phá hoại hòa bình hoặc
hành vi xâm lược và đưa ra những kiến nghị hoặc quyết định các biện pháp nào nên áp
dụng” (Điều 39). Như vậy, Hiến chương cho phép lực lượng liên quân đội của LHQ được
sử dụng vũ lực theo quyết định của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ để thủ tiêu mối đe dọa
hòa bình và an ninh thế giới. Tuy nhiên, HĐBA sẽ không áp dụng các biện pháp trừng phạt
bằng việc sử dụng lực lượng vũ trang, nếu như hành vi của bên vi phạm chưa đến mức đe
dọa hòa bình và an ninh quốc tế. Trong trường hợp này cộng đồng quốc tế sẽ thông qua
LHQ, và chỉ có quyền sử dụng sức mạnh phi vũ trang trong quan hệ với quốc gia vi phạm
như cấm vận kinh tế, phong tỏa, cắt đứt một phần hay toàn bộ quan hệ kinh tế, đường giao
thông bộ, biển, hàng không, cắt đứt quan hệ ngoại giao...
4. Thực tiễn áp dụng nguyên tắc
Mặc dù Hiến chương LHQ đã khẳng định nguyên tắc “cấm sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử
dụng vũ lực” khi xử lý các mối quan hệ quốc tế, nhưng ngày nay vẫn còn nhiều quốc gia vi
phạm nguyên tắc này. Mặc dù đã vi phạm luật quốc tế một cách trắng trợn nhưng bao giờ
họ cũng cố tìm ra những lý do có vẻ chính đáng để biện hộ cho hành vi sai trái của mình và
luôn giải thích rằng điều đó phù hợp với quy định của Hiến chương LHQ. Nguyên nhân
dẫn đến những sự vi phạm đó chủ yếu xuất phát từ những lý do sau:
- Chế độ xã hội và ý thức hệ khác nhau:
Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, có một số quốc gia vì thấy nước khác lựa chọn chế độ
xã hội hoặc ý thức hệ không giống với nước mình nên họ tiến hành can thiệp, thậm chí sẵn
sàng sử dụng vũ lực đối với nước đó. Ví dụ, hai siêu cường Mỹ và Liên Xô thường chọn
cách làm này. Đây là sản phẩm của chính trị cường quyền. Những kẻ cường quyền không
chỉ giành quyền chọn cho mình một chế độ xã hội và ý thức hệ độc lập mà còn có thể đưa
ra sự lựa chọn cho nước khác. Ví dụ, Mỹ đã khẳng định rõ quyền sử dụng vũ lực áp đặt,
khôi phục nền dân chủ cho Grenada và Nicaragoa... Vì vậy, “dân chủ” thường chỉ là cái cớ
để nước lớn thực hiện chính sách nhà nước cường quyền của họ. Trong chính sách đối
ngoại của Mỹ từ Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, Chính phủ Mỹ lấy việc “thân Mỹ
chống cộng” làm tiêu chuẩn để phân biệt bạn thù, chứ không phải lấy tiêu chí “nhà nước
dân chủ” làm thước đo... Ngày nay, cộng đồng quốc tế đã cơ bản đạt được nhận thức
chung đối với việc cấm các hành vi, vi phạm trắng trợn nguyên tắc “can thiệp vào công
việc nội bộ của quốc gia khác”. Do vậy, biện pháp dùng vũ lực để truyền bá chế độ xã hội
và ý thức hệ đã không còn là mối đe dọa chủ yếu nhất đối với nguyên tắc “cấm sử dụng vũ
lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”.
- Sự can thiệp về nhân quyền của chủ nghĩa nhân đạo
Trong một tình huống nào đó, sự can thiệp về nhân quyền của chủ nghĩa nhân đạo có thể
giải quyết được khủng hoảng về nhân quyền và cứu được rất nhiều sinh mạng vô tội.
Nhưng việc dùng vũ lực để can thiệp vào nước khác đương nhiên là mâu thuẫn với nguyên
tắc cấm sử dụng vũ lực của luật quốc tế. Vậy có thể coi đây là một ngoại lệ đặc biệt hay
không? Nhìn chung dư luận quốc tế đều cho rằng: trong trường hợp đặc biệt cấp bách, cần
phải có sự can thiệp nhưng phải tiến hành trong khuôn khổ LHQ, nếu không sẽ là phi pháp.
Điều đó có nghĩa là chỉ có LHQ mới có đủ uy quyền để thực hiện hành động này (trừ
trường hợp được nước chủ nhà cho phép, thậm chí yêu cầu). Như vậy Luật quốc tế không
cho phép áp dụng chủ nghĩa nhân đạo một cách bừa bãi, bởi nếu thế thì thế giới sẽ trở nên
hỗn loạn, chiến tranh sẽ xảy ra khắp nơi. Thế nhưng con bài “nhân quyền” hiện nay vẫn
được một số quốc gia dùng để đe dọa các quốc gia khác.
- Chủ nghĩa khủng bố
Hoạt động khủng bố quốc tế là một loại hoạt động phạm tội vô cùng nguy hiểm. Sự nguy
hại và tính nghiêm trọng của nó không chỉ biểu hiện ở số lượng các vụ khủng bố ngày càng
tăng mà còn biểu hiện ở việc dẫn đến sự biến động xã hội và gây ra cảm giác mất an ninh
cho mọi người, hình thành không khí khủng bố trong cộng đồng quốc tế. Nghiêm trọng
hơn nó còn dẫn đến những vụ tranh chấp quốc tế, ngày càng khơi sâu những mâu thuẫn
giữa các nước, các khu vực, các dân tộc và giữa các tôn giáo, trở thành nhân tố vô cùng
nguy hiểm đe dọa hòa bình và an ninh thế giới, đặt thế giới trong tình trạng bất ổn.
Hoạt động của chủ nghĩa khủng bố là một hoạt động tội phạm mang tính chất quốc tế, bởi
nó không chỉ vi phạm pháp luật của các quốc gia liên quan mà còn vi phạm pháp luật quốc
tế. Vấn đề đặt ra là cần phải tiến hành chống khủng bố như thế nào?
Trong thực tiễn, nhiều quốc gia đã áp dụng hành động đơn phương khi bị chủ nghĩa khủng
bố xâm hại. Do tính chất quốc tế của hoạt động khủng bố nên những nước bị khủng bố khi
áp dụng hành động đơn phương thường nhắm vào các nước khác chứ không phải chỉ một
cá nhân. Bởi vậy, hành động trả đũa đối với chủ nghĩa khủng bố thường được thể hiện ở sự
can thiệp nào đó, thậm chí can thiệp bằng vũ trang đối với những nước bị coi là đã dung
túng, khuyến khích, thực hiện những hoạt động khủng bố.
Vậy việc sử dụng vũ lực tấn công vào quốc gia khác để tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố có
hợp pháp không?Điều 51 Hiến chương LHQ có quy định “quyền tự vệ” của các quốc gia,
nhưng quyền này không cho phép tiến hành trả đũa đối với những cuộc tấn công trước đó.
Như vậy, luật pháp quốc tế không cho phép các quốc gia sử dụng vũ lực đối với những
nước đã tiến hành khủng bố.
Bởi muốn tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố không chỉ đơn thuần dựa vào sự trả thù của một
hoặc hai quốc gia, còn phát động chiến tranh để tiến hành trả đũa chủ nghĩa khủng bố là
điều vô cùng nguy hiểm. Cho dù là những siêu cường như Mỹ cũng không thể giải quyết
được vấn đề này vì những gì mà Mỹ làm được cùng lắm cũng chỉ tiêu diệt về mặt thể xác
một số phần tử khủng bố, hơn nữa cái giá phải trả chính là mạng sống của nhiều người dân
vô tội. Thực tế đã chứng minh, để trả đũa cho thảm họa khủng bố ngày 11/9, Mỹ đã tiến
hành chiến tranh đánh Afghanistan, để ngăn ngừa chủ nghĩa khủng bố Mỹ đã sử dụng vũ
trang tấn công Iraq; thế nhưng chủ nghĩa khủng bố mà Mỹ nhằm tiêu diệt vẫn chưa có kết
quả. Đúng như lời Tổng thư ký LHQ Kofi Annan đã từng nói: “Tôi không thể nói rằng thế
giới trở nên an toàn hơn khi bạo lực vẫn diễn ra xung quanh chúng ta, các vụ tấn công
khủng bố vẫn tiếp diễn trên khắp thế giới và nhất là những gì đang diễn ra tại Iraq” (1).
Như vậy, tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố không nên tiến hành bằng cách dùng vũ lực đơn
phương của các nước mà nên tiến hành thông qua sự hợp tác quốc tế trong khuôn khổ
LHQ, phù hợp với nguyên tắc an ninh tập thể do LHQ đề ra. Nếu làm được điều này thì
cuộc chiến chống khủng bố mới có tính hợp lý và hợp pháp, nó sẽ được đông đảo nhân dân
trên thế giới ủng hộ, đồng thời sẽ giảm bớt được những cuộc xung đột vũ trang và những
mâu thuẫn giữa các khu vực, giữa các quốc gia và giữa các dân tộc trên thế giới và điều cơ