Lối đi tâm linh trong thơ Hoàng Cầm
Chỉ có “Trường thơ Loạn” và nhóm “Xuân thu nhã tập” trước năm 1945 là hai thi
phái hiện đại duy nhất ở Việt Nam có những quan tâm thật sự về tâm linh trong
thơ, tâm linh theo nghĩa là một thứ “linh khí” của sáng tạo. Tâm linh trong thơ ca
của người Việt vẫn còn là mảnh đất tiếp tục mới.
Tâm linh và văn học vốn được xem là một mối quan hệ phức tạp, đa nghĩa, “dễ
phiền toái”, “gây hệ lụy” nên cả người viết lẫn người đọc đều không có khuynh
hướng mổ xẻ, giãi bày nó làm gì. Hơn nữa, “tâm linh” (xét như một tính chất của
tác phẩm văn học) là một trong số những từ ngữ khó xác định nội hàm nhất. Đức
tin, hồn ma, mộng mị, thần thánh, ảo giác huyền hồ, ân oán trả đền, kiếp trước
kiếp sau, tiên cảm tiên tri,… có phải tất cả đều là tâm linh, là cái mà lý trí thông
thường khó chấp nhận? Sẽ giải thích thế nào trước một thực tế: Kinh Thánh Thiên
Chúa giáo là suối nguồn vô tận cho những đỉnh cao văn học châu Âu, Kinh Thi,
Đạo đức Kinh, Nam hoa Kinh của Trung Hoa đã làm nên biết bao tượng đài thơ ca
châu Á, Kinh Veda của Ấn Độ, hệ thống Kinh điển Phật giáo Đại thừa Đông Á đã
“hiến tế” cho nhân loại những nghệ sĩ thượng thặng. Trong sâu xa, cảm hứng “nói
bằng sự kính tin” và “nói với đấng kính tin” có lẽ là cội nguồn miên mật của ngôn
ngữ tôn giáo và cuộc sáng tạo bất tận của văn chương.
Bởi vậy, những thiên tài văn chương qua nhiều thế kỷ của nhân loại thường được
ca tụng là “nhà tiên tri”, “kẻ thấu thị”, “người có con mắt trông thấu sáu cõi”,
“tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời”… Tâm linh là những phần suy tư sâu sắc nhất được
chưng cất mãnh liệt của con người về những cảm nghiệm sống, vượt qua nhiều
giới hạn không gian và thời gian. Tâm linh là một giá trị của văn học.
Để có thể nói được những điều sâu kín mà phổ quát nhất, tác phẩm chắc chắn cần
đến một bệ đỡ là những suy tư tâm linh mà sau đó sẽ biến thành quả ngọt sáng
tạo. Không thể có những tiếng nói đa thanh đa nghĩa đến cốt tủy nếu tác giả của
những tiếng nói ấy lại là người sơ sài về “khả năng tâm linh”.
Đương nhiên, cũng không có nguyên tắc nào để khẳng định chỉ có văn học tâm
linh mới là đáng giá. Nhưng tâm linh trong văn học và văn học tâm linh là hai
chuyện khác nhau, và cũng thật khó tin rằng những tác phẩm đã bỏ mặc tiếng gọi
của tâm linh sâu xa mà vẫn có thể đạt tới những giá trị lớn.
Honoré de Balzac, bậc thầy chủ nghĩa hiện thực châu Âu, cũng là tác giả của
“Miếng da lừa” huyền hoặc – một phúng dụ cay đắng về giá trị con người trong
thử thách của xã hội đồng tiền, một huyền thoại giàu ý nghĩa tâm linh bổ sung vào
cái nền hiện thực tàn bạo và đáng chán.
Trở lại câu chuyện của thơ ca Việt, có quá nhiều lý do khách quan và chủ quan để
nói rằng: “tâm linh” là một chủ đề nhạy cảm không thua kém bất kỳ sự nhạy cảm
chính trị, tôn giáo nào. Nó từng được ủ men trong Trường thơ Loạn, bởi chủ soái
Hàn Mặc Tử vốn cũng là người yêu mến và am hiểu Thiên Chúa giáo, người đã rọi
một thứ ánh sáng khác biệt xuống khoái cảm nghệ thuật của độc giả đương thời,
một thứ ánh sáng ẩn mật, đau đớn và giàu ý nghĩa thần học. Nhưng Trường thơ
Loạn cũng sớm kết thúc sứ mệnh tâm linh ngắn ngủi cùng với sự ra đi của Hàn.
Đoàn Phú Tứ của Xuân thu nhã tập viết: “Còn những bạn nào nữa đây, ở những
bến trời xa lạ, cùng chúng ta “giũ áo lên Đền”, trong một điệu đàn thanh khí”[1].
Lần này, ở quãng cuối của trào lưu thơ mới, một tuyên ngôn đậm đặc yếu tính
tâm linh lại xuất hiện. Nó không nhận mình là “điên”, là “loạn” mà nhận là “thanh
khí”, là “nhã”. Thơ trở thành “Thi Đền”. Sang trọng biết bao! Nhưng rồi nhóm
Xuân thu nhã tập cũng biến mất cùng tiếng chuông lịch sử năm 1945, “cáo chung”
thời đại cũ. Thơ ca kháng chiến cuồn cuộn đưa con người vào cơn lốc chiến tranh,
khó có chỗ cho tâm linh trú ngụ.
Từ bấy đến nay, câu chuyện thơ ca và tâm linh vẫn còn là mối dở dang. May thay,
có một người gợi cho tôi niềm tin mạnh mẽ về một thứ văn nghệ “biết đến tâm
linh” và “biết đến cái đẹp của tâm linh”. Người ấy là nhà thơ Hoàng Cầm.
Một sớm du xuân về Thuận Thành, đứng ở chùa Dâu, rồi ngồi giữa đồng cạnh
chùa Bút Tháp, tôi thấy hồn thơ Hoàng Cầm trở về không dứt. Quả không phải chỉ
Hoàng Cầm “về Kinh Bắc”. Sẽ còn nhiều độc giả tiếp tục cuộc trở về ấy, không phải
chỉ vì lời dụ gọi của những làn điệu quan họ mà hẳn còn vì họ muốn nhìn thấy
muôn nghìn Kinh Bắc khác nữa, qua người dẫn đường kỳ lạ, người kể chuyện độc
nhất vô nhị, người được Kinh Bắc sinh ra và sinh ra “Kinh Bắc”: Hoàng Cầm.
Nếu đem đặt chất thôn quê bình dị của Nguyễn Khuyến, Nguyễn Bính với “hồn
quê Việt” của Hoàng Cầm thì chẳng có gì sai, nhưng cách ấy không khéo rất dễ
làm mờ tan ít nhiều phong vị ám ảnh từ âm ba cây đàn lia mà chàng hoàng tử bé
xứ Bắc Ninh xưa gẩy lên mê hoặc. Vẫn cảnh quang và dải yếm quê mùa của cư
dân vùng đồng bằng sông Hồng, song, cốt cách Hoàng Cầm vẫn không thể chia sẻ
với giọng quê truyền thống. Ông là một đối thoại rất khác biệt với truyền thống.
1. Cảm hứng hồi tưởng – tâm linh hóa ký ức
Thơ Hoàng Cầm là tiếng nói của hồi tưởng. Nhà thơ Hoàng Hưng có một bài viết
lấy nhan đề Hoàng Cầm – Một đời nhớ tiếc, một đời “níu xuân xanh”. Nỗi nhớ tiếc
trong thơ Hoàng Cầm nhiều đến mức tạo nên “điệu nhớ” dai dẳng, và cũng giúp
ta cắt nghĩa được nhiều nỗi đa đoan trong nội tâm phong phú, u huyền của thi sĩ.
Nhớ và tiếc triền miên – đó là điệu thơ của người không bao giờ chịu già nua
trong cảm xúc và ước mong.
Nếu anh còn trẻ như năm ấy
Quyết đón em về sống với anh
Những khoảng chiều buồn phơ phất lại
Anh đàn em hát níu xuân xanh
Nhưng thuyền em buộc sai duyên kiếp
Anh lụy đời quên bến khói sương
Năm tháng năm dây chùng phím nguyệt
Bao giờ em hết nợ Tầm Dương (…)[2]
Bài thơ được viết năm 1941. Câu chuyện một mối tình buồn ở những bước đầu
của sự nghiệp thơ ca đã sớm ghi dấu một khả năng dẫn dắt trường từ ngữ đến
gần cửa ngõ tâm linh, qua cách nói: khoảng chiều buồn phơ phất/ níu xuân xanh/
sai duyên kiếp/ bến khói sương/ nợ Tầm Dương.
Một vài bài thơ trước 1954 của Hoàng Cầm, dù đi giữa những quan tâm lớn lao về
cuộc kháng chiến chống Pháp, vẫn hé lộ một hướng tư duy, một hứng thú viết,
một thiên bẩm về sự kiến tạo chiều sâu tâm linh cho thơ, ví dụ như những câu:
cõi đời nghiêng ngửa giấc u minh (Lại gặp), ngọn gió điên rồ trên đất lạ/ là mắt em
hay thần mộng anh linh/ nước sâu gạn đục, ánh giăng nhiệm màu (Sám hối), từ
trên nguồn thơ dại/ em chải tóc rừng xanh (Tiếng hát sông Lô).
Bài thơ Bên kia sông Đuống (4-1948) của Hoàng Cầm là một trong những hồi
tưởng lớn và thiêng liêng nhất của Hoàng Cầm. Điều lạ là cái cách nói của bài thơ
này, nỗi nhớ của nó, không có nhiều nét chung với bức tranh thơ ca kháng chiến
hồi ấy (thậm chí khó mà được lòng cái “đại chúng” mơ hồ và quyết liệt của một
thời) nhưng nó vẫn được yêu mến, được truyền tụng, được “chính thức hóa”
(từng được đưa vào chương trình sách giáo khoa trung học phổ thông, trở thành
đề thi đại học nhiều năm). Được như thế có phải vì sức thuyết phục của một dòng
chảy tâm thức thơ đạt tới mức “hoạt hóa cõi siêu thức”, đi thẳng vào tâm linh
người đọc, bất chấp mọi “húy kị” chăng?
Chất giọng thanh tao pha lẫn nỗi mê sảng và cách đặc tả sang trọng đầy sức vẫy
gọi đâu có dễ hiểu dễ cảm.
Ai về bên kia sông Đuống
Cho ta gửi tấm the đen
Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên
Những hội hè đình đám
Trên núi Thiên Thai
Trong chùa Bút Tháp
giữa huyện Lang Tài
Gửi về may áo cho ai
Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu
Thần thái Bên kia sông Đuống có lẽ nằm ở những tia sáng ẩn khuất của tâm linh
hiện ra trong bài thơ. Trong nỗi nhớ tiếc cuồng dại và thắm thiết, nhà thơ đã mở
hoàn toàn cánh cửa tâm linh cho ký ức được trở về trong chiếc bóng khác. Nó
không còn là cảm xúc, tâm lý. Nó vượt qua kỷ niệm để trở thành tưởng niệm,
vượt qua hình ảnh để trở thành ám ảnh, vượt qua không gian địa lý để trở thành
không gian tâm cảm. Ký ức trở thành tâm linh là một trong nhiều sở trường của tư
duy nghệ thuật Hoàng Cầm.
Nỗi nhớ chỉ dừng ở cảm xúc cũng có thể sản sinh ra cái đẹp. Nhưng nỗi nhớ đã
thành tâm linh thì chính nó là cái đẹp. Quang Dũng từng có câu thơ “thần sầu”:
Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
(Tây Tiến)
Đâu còn là nhớ Tây Tiến, đâu còn là chuyện một chiến sĩ nhớ một vùng đất, một
nhiệm vụ, một thời. Đó là sự sống nhớ cái chết, thần hứng nhớ địa linh.
Nỗi nhớ có màu sắc tâm linh đã biến “tấm the đen” của thi sĩ Hoàng Cầm thành
một dải lụa kì bí mở ra một trời quá khứ cố hương. Cụm từ “thấp thoáng mộng”
không chỉ hô ứng với “tấm the đen” phía trước mà còn gọi được cả những thứ
“linh phù” phía sau: Thiên Thai, Bút Tháp, áo, ai, chuông chùa, ở đâu. Nếu quả có
một thế giới khác thực sự đã hiện ra sau tấm the đen mờ ảo kia thì tôi tin hồn vía
đoạn thơ đã nhập cả vào không gian Thuận Thành xứ Dâu Keo. Đó không phải là
tâm linh thì biết gọi là gì?
Hoàng Cầm kể lại cái thế giới sống trong hồi ức ấy: Con cò trắng bay vùn vụt/ Lướt
ngang dòng sông Đuống về đâu…; Lá đa lác đác trước lều/ vài ba vết máu loang
chiều mùa đông/ Đêm buông xuống dòng sông Đuống / Con là ai – con ở đâu về;
Khuôn mặt bừng lên như dựng giăng/ ngậm ngùi tóc trắng đang thầm kể/ những
chuyện muôn đời không nói năng; Em đi trảy hội non sông/ cười mê ánh sáng
muôn lòng xuân xanh. “Viết như đang chiêm bao” thế này, “nói như tiếng mơ hồ”
thế này, về sau, trong bài Đi tìm ẩn ngữ thơ Hoàng Cầm (tìm hiểu tập Về Kinh
Bắc), Đỗ Lai Thúy đã cắt nghĩa thành thủ pháp của “giấc mơ với những liên tưởng
đứt đoạn, những hình ảnh rời rạc và rất nhiều khoảng trắng, các dấu lặng… Tất cả
trôi đi trong một nhịp điệu thôi miên” và thế giới thơ ông là “một thực tại siêu
thực trong vô thức”. Tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng, cái “khoảng trắng”, “dấu
lặng” được nhắc đến đó chính là lối đi của một thứ tâm linh nhạy bén trong bản
năng thơ của Hoàng Cầm. Một nhà thơ dân dã, bình dị, đầy chật những quan
niệm Nho gia buổi giao thời như Nguyễn Đình Chiểu cũng có lúc buột ra một câu
thơ sâu thẳm: “Ba nghìn thế giới ta là vô danh”. Thơ ca gắn với tâm linh như là
bản mệnh. Một nhà thơ trong một đời thơ cũng ít nhiều “buột ra” những câu thơ
đi vào vĩnh cửu bởi sự hội tụ tâm linh đạt tới mức lấp lánh. Nhưng Hoàng Cầm
không thuộc kiểu thi sĩ đôi khi buột ra hiếm hoi theo cách ấy. Ông tư duy trên tâm
linh. Bản năng thi sĩ của ông nằm ở đó. Thành tựu của thơ ông chảy từ nguồn đó.
Những mảng hồi ức hóa tâm linh còn len lỏi tinh tế trong những bài thơ cắm sâu
vào lòng người đọc như Lá diêu bông, Chùa Hương, Cây tam cúc, Cỏ Bồng Thi, Hội
yếm bay… Đó là những: Buồn pha lê thiên không nức nở/ mù xanh thủng đáy
chúa tiên rơi; Em cầm chiếc lá/ đi đầu non cuối bể/ gió quê vi vút gọi/ Diêu Bông
hời…; ù ù gió thổi/ e vọng ai đâu mà hóa đá; thả tịnh vàng cưới Chị võng mây trôi/
Em đứng nhìn theo Em gọi đôi… Đã có nhiều bút mực của công chúng yêu thơ cho
thế giới “siêu nghiệm” của Hoàng Cầm. Điều làm người đọc phải suy tư nhiều
chính là ở khả năng tâm linh hóa những biến cố tinh thần, tình cảm ở nhà thơ. Có
phải vì khả năng ấy mà những câu chuyện tình dị thường, diễm lệ, buồn đau riêng
của ông cũng trở thành “điển cố” cho chính ông, ở lại trong lòng người đọc một
cách lâu bền bởi những ngôn từ “tha tâm thông” (thấu lòng người) một cách tự
nhiên.
2. Lằn ranh nhục cảm và tâm linh
Niềm sung sướng không cưỡng được của người đọc khi nhẩn nha những câu thơ
“đầm đìa sắc dục” của Hoàng Cầm xuất phát từ chỗ nó vẫn không ngừng dính líu
với vẻ đẹp nguyên sơ của tinh thần. Đó là một thứ khoái cảm chính đáng và hiếm
hoi.
Thuở ấy Chị chưa về thơ Anh
Áo tơ dính chặt bó khuôn hình
Đến khi xé lụa bừng da thịt
Ngửa mặt phù du khép gió xanh
Rung suốt dây si nhịp quá mê
Nghe nghìn thế giới trượt ghềnh V
Lung liêng hồn liệng quỳ khe núi
Van suối trần tâm khép nép về
(Dâng thơ)
Dòng thơ “dềnh dàng” giữa cảm thức thánh thiện và cảm giác nhục dục được tạo
thành từ nữ sĩ thiên tài Hồ Xuân Hương. Dòng thơ ấy được nối tiếp bằng Bích Khê,
Hàn Mặc Tử, Bùi Giáng và Hoàng Cầm. Ở mỗi thi sĩ, nhục cảm và tâm linh chi phối
lẫn nhau bằng một cấu trúc khác biệt. Nếu thơ Hồ Xuân Hương được cảm nhận từ
phía “cổ mẫu”, từ những “hoài niệm phồn thực”[3] thì thơ Bích Khê là tiếng nói
tân kỳ về cái đẹp tĩnh tại của xác thân. Phong cách tượng trưng và yếu tố tương
giao cảm giác ở nhà thơ này chiếm ưu thế hơn ấn tượng tâm linh. Hàn Mặc Tử thì
gắn triết lý thần học về thánh giá với nỗi đau riêng, chuyển hóa cảm xúc tình dục
thành những ảo giác tâm linh về sự chết. Bùi Giáng với “tài năng rồ dại” đã trộn
lẫn hoàn toàn phần tâm linh và phần nhục cảm đến độ tự nhiên, thuần thục khó
ngờ, với thú chơi chữ và lối cấu tứ không thể lặp lại ở bất kỳ một cây bút nào
khác. Tâm linh và nhục cảm không quí ở chủ đề. Nó quí vì sự thử thách. Bởi hầu
hết những tài năng thiên phú về văn chương đều ít nhiều để lại tầm vóc họ qua
những cái bẫy nghiệt của đẳng cấp chữ nghĩa, nơi cái thanh và cái tục giải mã
được cho nhau.
Cách riêng của Hoàng Cầm là trút hết cái nhấn nhá tài hoa của xứ sở “mấy trăm
năm thấp thoáng mộng bình yên” vào dáng vẻ nhục cảm. Trong ngòi bút của nhà
thơ, hồn đất hồn người hồn quê hồn nước nhập hết làm một, tràn vào mỗi hình
tượng, cảm xúc, biến tất cả những trạng thái tính giao thành những cuộc cung
hiến nồng nhiệt ở cõi thanh cao. Trong tâm điểm cung hiến, Hoàng Cầm đã “thiên
thai hóa” mọi niềm vui của cuộc đời hạn hẹp, kéo nó thành vô hạn và cao sang:
sau “xé lụa bừng da thịt” thì sẽ là “ngửa mặt”, “khép gió xanh”, “nghìn thế giới”,
“trượt ghềnh V”, “hồn liệng”, “quỳ khe núi”, “van”, “suối trần”, “khép”. Những từ
ngữ này càng mang vẻ thiêng liêng bao nhiêu thì càng “lồ lộ” một cuộc “mây
mưa” bấy nhiêu. Đó là bức tranh cuộn vẽ thiên nhiên đang cơn lạc thú, một thiên
nhiên có thần thức của con người.
Nếu lọc ra những từ ngữ “kì dị” của thi sĩ xứ Kinh Bắc, người ta càng sửng sốt, ví
dụ từ “chắp” trong câu: Hai người chợt tiếc mùa xuân/ Vội chắp lại đêm xuân thứ
nhất/ Nhờ đó tôi ra đời (Tôi người làng quan họ); “sấp ngửa”, “ổ rơm thơm” trong
câu: Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa/ Ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì (Cây tam
cúc); “tính”, “nhẵn nhụi”, “tròn lăn” trong câu: Quân cờ chí chát đêm Kinh Bắc/
Mấy ngón tay tính nước vào ra/ Vân vê nhẵn nhụi cạnh ngà/ Tròn lăn cung cấm
trẻ con chơi (Hội đền Tám vua triều Lý); “chảy”, “nhún” trong câu: Luồn tay ôm
say/ Giấc bay lay đỉnh núi/ Tuột hàng khuy lơi yếm tóc buông mành/ Đùi chảy búp
dài thon nhún vội/ Bàng hoàng tia chớp liệng nghiêng xanh (Thi đánh đu). Thật
chẳng thua gì bà chúa thơ Nôm ngày trước, những là “giọt nước hữu tình”, “con
thuyền vô trạo”, “nhảy ngựa”, “vén phứa”, “đầy phè”…
Thơ Hoàng Cầm ở những khúc đoạn “nhạy cảm” thường không tinh nghịch đến
cùng. Điều ấy giữ cho thơ ông một màu sắc ẩn nhã dù chẳng xa niềm chăn gối.
Tâm linh đã làm công việc đó, xoay xở cho những thú vui nghìn đời kia của loài
người trở thành những lời khấn bằng thể xác. Mỗi cử động, mỗi xúc động là một
khấn nguyện trước hư vô. Bởi vậy mới có những câu thơ:
Yếm may ba ngày mẹ vá lại
Khuya nghe buồng động bóng đêm rằm
(Đêm Mộc)
Chuông chiều cởi yếm
Chuông sớm đội khăn
…
Gió ra hồng da trinh nữ
…
Lụa sồng nén nghẹn búp thanh xuân
…
Tờ kinh đắp mặt ru bươm bướm
(Đêm Thủy)
Hỗn mang mê vô cùng
Địa đàng say tới tấp
Không giờ không
Thăm thẳm nguyện cầu hơi em nồng
(Hội chen Nga Hoàng)
Hỗn mang, địa đàng, thăm thẳm, “không”, đó là những tên gọi khác của cuộc giao
hòa cùng tận.
Đỗ Lai Thúy bình: “Mưa là một phiếm thể, dễ thay hình đổi dạng (mưa ngâu, mưa
xuân, đi lối mưa, thềm hong mưa, lun phun mưa, mưa hoa nhài, mưa nằm, mưa
ngồi, ao mưa nhòe nắng, mắt nhìn như mưa trắng…). Mưa là biểu tượng của tinh
dịch Trời ban xuống cho Đất. Mưa trong thơ Hoàng Cầm, bởi vậy, mang màu sắc
tính dục đậm”[4]. Nền tảng mỹ học và triết học phương Tây cho phép người đọc
thấm thía đến mức ấy những câu thơ mơ sảng của Hoàng Cầm. Đọc lại mấy Mưa
Thuận Thành mới thấy quả đúng thế:
Nhớ mưa Thuận Thành
long lanh mắt ướt
là mưa ái phi
tơ tằm óng chuốt
Ngón tay trắng nuột
nâng bồng Thiên Thai
(…)
Phủ Chúa mưa lơi
Cung Vua mưa chơi
lên ngôi hoàng hậu
… Lách qua cửa hẹp
Mưa càng chứa chan
…
mưa nằm lẳng lặng
hỏi gì xin thưa
nhớ lụa mưa lùa
sồi non yếm tơ
……………….
Thuận Thành đang mưa…
…………………
(Mưa Thuận Thành)
Có cái gì đó như là tất yếu khi đất chùa Dâu sinh ra thi sĩ Hoàng Cầm. Từ đầu công
nguyên, Bắc Ninh đã là một xứ Phật, được biết đến với cái tên “trung tâm Phật
giáo Luy Lâu”. Mọi câu chuyện kỳ diệu của huyền sử, lịch sử, không khí thiền đạo,
tinh túy văn nghệ, các bậc tầng văn hóa cổ truyền… đều xoay xung quanh mảnh
đất này. Bởi vậy, viết về Kinh Bắc mà thiếu tâm linh thì làm cách nào để người ta
cảm nhận được Kinh Bắc? Khí chất tâm linh, khả năng “siêu cảm” là vốn trời cho ở
Hoàng Cầm. Tâm linh ở đây không chỉ là câu chuyện của tôn giáo, tín ngưỡng.
Tâm linh gắn với một nền tảng “vô thức tập thể” mà những nghệ sĩ lớn đời nào
cũng tìm ra con đường để “hoạt hóa”. Hoàng Cầm được sinh ra và làm thơ để làm
sống dậy hình hài Kinh Bắc trong tất cả những thăng trầm của nó. Cái dáng nằm
“nghiêng nghiêng” của sông Đuống là kỳ quan tinh thần của nhà thơ để lại cho đời
hơn là một phát hiện mang tính địa lý. Chiếc yếm bay không có mấy chiều sâu nếu
nó không được khắc vào trong những câu thơ “nguồn sống tuôn thơm nhựa ứa
đầy/ một chiều hoảng sợ mấy chiều say”; “Hương ngát em lồng kín cõi – anh/
Yếm đào trút lại phía vô linh/ đung đưa gác lửng nghênh xuân ấy/ đôi núm hồng
em nở hết mình” (Hội yếm bay).
Không khí tâm linh trong thơ Hoàng Cầm mang hơi hướng “cứu chuộc” những cái
bị cho là thô xấu, tội lỗi. “Dâng hiến” và “cứu chuộc” là bản chất sâu xa của mọi
niềm tin tôn giáo. Đó là những khái niệm không còn là khái niệm. Dâng hiến và
yêu thương là một. Làm cho đẹp cũng là cứu chuộc. Hình ảnh nhục cảm mà gợi
nên những sự đẹp đẽ thì chính nó đã cứu chuộc cho những ý nghĩ thấp tối về nó.
Bài Cầu Phật của Hoàng Cầm chứng tỏ kiểu thơ tâm linh ấy:
Ngủ quỳ chân Phật thức thâu đêm
Nghìn mắt không soi tỏ nỗi niềm
Mảnh lá run xanh khe suối nép
Nghìn tay sao nỡ thắt y xiêm
Chế Lan Viên, một đối chọi về phong cách với Hoàng Cầm, từng viết: “Phật trăm
tay anh giấu mình vào cánh tay thứ mấy/ Nhiều tay chi thêm bối rối trước đời”.
Lời than vãn thông minh này là một triết lý nho nhỏ nhưng rất sâu, gợi ra hình ảnh
một con người suy tưởng. Còn vị Bồ Tát Chuẩn đề của Hoàng Cầm lại hiện lên
theo cách khác, không phải trong hình dung của lý trí bảo ban, mà như một lời
thốt, lời van đa đoan: “sao nỡ thắt y xiêm”; điều đó có nghĩa rằng: những cánh tay
cứu chuộc kia có thể nào đóng lại vĩnh viễn những khát khao cùng tận thể xác của
con người? khép lại mọi nhục dục của con người? Có thể nào như thế không? …
Xứ Phật nghìn năm vẫn làm rơi ra những câu thơ táo bạo và “liều lĩnh” bực ấy.
Nhà thơ của những sợi cỏ Bồng Thi vẫn tiếp tục liều lĩnh với đám thơ nửa tiên nửa
tục:
Cởi xiêm y mà thành cởi cả bóng chiều:
Trăng đêm qua chẳng nhớ về
Áo mong manh cởi chiều mê mải sầu
(Đi bên em)
Những “chạm”, “đau”, “khát”, “phun” đa nghĩa:
Ngón tay chạm hờ
Sợi cỏ đau điếng
Khát em đầy miệng
Bập bồng phun mưa
(Mưa chiều nắng chếch)
Những “vùng khe sâu”, “ngồi”, “đứng”, “chìm”, “nổi” vừa tạo hình thủy mặc
thanh nhã vừa gợi những ẩn tình…
Em lấy cõi mưa nhung
Miên miên tơ óng xuôi vùng khe sâu
Em ngồi đâu chị đứng đâu
bỗng dưng hai đứa hai đầu hư không…
Em chìm chưa Chị nổi chưa
bỗng dưng hai đứa hai bờ tháng năm
(Gọi đôi)
Trộn lẫn “đỉnh”, “ngực” vào tiếng chuông xuất thế:
Ôm em đỉnh núi sao buông thấp
hai ngực hòa tan một tiếng chuông
(Chùa Hương)
Đẩy những trụi trần vào chốn âm dương huyền vi:
Tình cờ đâu triệu triệu năm
Bỗng nằm
bỗng thắm
bỗng chằm hai thân
Bỗng âm dương toát mình trần
Để sinh chi chit mắt ngần chớp mi
Để thành em của huyền vi
Âm vang khối sét cành si khuấy trời
…
Vỡ anh bừng tiếng kêu thầm
Vũng mê nũng gối nguyệt cầm gọi đôi
…
Đứng lên tiếng
gợn anh linh
suối mê động cửa khép mình thương sao
(Thèm)
Hoàng Cầm đánh bẫy người đọc bằng kiểu viết hoa của ông. Nhất là hai nhân vật
trữ tình thuộc loại đáo để nhất là Chị và Em, khiến người ta hay có xu hướng cảm
nhận đó là ám ảnh duy nhất của thơ ông. Nhưng ông còn viết hoa cả chữ Anh
nữa. Vậy đâu phải trong ông chỉ có niềm ám ảnh tình “chị chị em em” sến sẩm.
Trong thế giới được tâm linh hóa đến từng cử chỉ, từng ước vọng đa tình, mỗi đại
biểu đa tình ấy đều được nhà thơ viết hoa. Con người hiện ra như một sinh thể
linh thiêng, thế giới hiện ra như một khối linh thiêng, cuộc giao hoan hiện ra như
một nghi lễ linh thiêng. Đó là sự cô đặc đến kiệt cùng một lối tư duy chọn tâm linh
làm nơi giải mã mọi bi hoan của đời.
3. Nghĩ về một “mỹ cảm linh hóa” trong thơ Hoàng Cầm
Rất nhiều nhà thơ vẫn là đỉnh cao dù họ chỉ xuất hiện một vài lần với một vài bài
thơ hoặc một vài câu thơ trứ danh. Một vài lần đáng giá ấy cho thấy họ được sinh
ra từ một nền mỹ học nào đó, kết quả của một đợt “kết tụ” thầm lặng nào đó
những giá trị mỹ học mà họ đã dung hóa được. Còn một số ít nhà thơ khác thì
ngược lại, chính họ sinh ra mỹ học bởi khối trước tác khổng lồ về nhiều mặt của
họ. Nguyễn Du là một thi hào đẻ ra mỹ học cho truyện thơ Nôm, cho lục bát, cũng
như Hồ Xuân Hương đẻ ra mỹ học cho một kiểu thơ Nôm dạn dày phồn thực . Ở
thời hiện đại, những nhà thơ biết đẻ ra một mỹ học cho mình không phải nhiều.
Tất nhiên “mỹ học” ấy là một cách nói đứng từ góc độ thưởng thức hơn là từ
quan niệm khoa học. Trong con số ít ỏi đó có Hoàng Cầm.
Thơ Hoàng Cầm gợi cho tôi ý nghĩ về một “mỹ cảm linh
hóa”.
Tránh từ “thiêng hóa” vì trong thế đối trọng sẽ có từ “giải thiêng”. Hoàng Cầm
không phải là người thiêng hóa rồi giải thiêng. Không có cuộc lật đổ nào trong thơ
ông cả. Thế giới đó linh thiêng từ đầu đến cuối.
Nụ cười của nàng hàng xén phải là “mùa thu tỏa nắng”, chiếc yếm cổ truyền dù bị
“phanh” ra, “quăng” hết nhưng phải là “yếm đào trút lại phía vô linh”, lá rơi thì
không phải “vèo qua” mà phải là “rơi trên bờ lạnh thuở hồng hoang”, còn ngày
gặp lại em thì “Bao giờ Anh xế về Em/ Ôm cây cỏ đắng ủ men cuối đời/ Cung đàn
hoàng tử ngậm ngùi/ nghĩ sao thuở ấy hé cười ánh trăng”, lên chùa Hương chẳng
giản đơn mà “Em trẩy chùa Hương phía giải oan”, “Anh trẩy chùa Hương phía xót
thương” để rồi “Cầm tay em lạnh đưa đi mãi/ mê mải rừng mai thấp thoáng
hương”… Không nỡ để bất kỳ một hiện hữu nào thiếu đi bóng tâm linh, thơ Hoàng
Cầm khiến người đọc không yên, hiểu ít hiểu nhiều cũng đều không yên, bởi
những phấp phỏng rất thật và rất lạ trong mỗi bài thơ. Cũng vì thế, mỗi câu thơ
đắc địa của Hoàng Cầm đều mở ra những chân trời thăm thẳm. Suy cho cùng, tâm
linh cũng là một quyền lực. Trong một bài phỏng vấn, Hoàng Cầm trả lời rất trong
sáng: “Thần linh đọc Diêu Bông, tôi chép Diêu Bông”. Không, có lẽ không phải
thần tiên giáng bút đâu. Ông nâng niu cảm hứng của mình, đặt cho nó cái tên là
Thần linh. Linh hóa chính cảm hứng của mình, điều ấy sẽ dắt đưa ông đến những
bờ thơ ít người lai vãng, nhưng âm vang của nó lại xuyên biết bao không gian thời
gian. Dịch thơ Hoàng Cầm ra tiếng nước ngoài hẳn là rất khó, vì phần hồn ảo diệu
mơ hồ trong đó quá nhiều. Dịch ngôn từ thì sao khó bằng dịch hồn. Mà hồn thì có
cách nào dịch được?
Trường hợp Hoàng Cầm là cả một sự mâu thuẫn: viết như ông ít người hiểu, ít
người bắt chước được, nhưng viết như ông thì được công chúng yêu mến “điên
cuồng”. Những ý thơ như: “Anh đàn em hát níu xuân xanh”, “yếm rách còn ngăn
được gió – tình em dang dở yếm nào che”, “diêu bông hỡi diêu bông”… đều đã
sống tươi tắn trong những giai điệu đẹp của nền nhạc nhẹ Việt Nam.
Hoàng Cầm là nhà thơ được nhiều độc giả yêu mến và “lựa” được người đọc
mình. Bài viết “Hoàng Cầm – một đời nhớ tiếc, một đời níu xuân xanh” của Hoàng
Hưng, người đồng hương, người cùng hội cùng thuyền thơ ca, chứa đựng rất
nhiều ý tưởng quan trọng trong việc định hướng tiếp cận giá trị thơ Hoàng Cầm:
“Trong suốt hai thập niên trở thành gương mặt văn học “ăn khách” bậc nhất, ông
luôn xuất hiện như một khách thơ tài hoa đa tình quanh quẩn với hai loại tình:
tình quê hương quan họ và tình “chị - em” độc đáo, ông như bị chế biến thành
món giải trí dễ dãi cho một số đông tò mò hơn là thực sự thưởng thức văn
chương”, và “Rất ít người để ý đến một Hoàng Cầm mới lạ của tổ khúc thơ rock
siêu thực – xuất biểu có một không hai trong thơ Việt Nam”, rằng tập thơ Về Kinh
Bắc là “thế giới hoài niệm với thơ là nơi bấu víu, là nguồn sống, là năng lượng giải
thoát độc nhất”, rằng nhạc điệu thơ Hoàng Cầm là thứ nhạc “dặt dìu, đón đưa,
dan díu, buông bắt”. Những ý tưởng này không phải của một người đọc bình
thường, mà là sản phẩm của một niềm yêu vô kể và đớn đau vô kể, sản phẩm của
một người đọc tri kỷ và nhẫn chịu nhiều phiền lụy từ tình yêu thơ. Tiểu luận
Hoàng Cầm, gã phù du Kinh Bắc của Chu Văn Sơn là bức phù điêu tạc tượng thơ
Hoàng Cầm. Nhãn tự của bài viết là chữ “phù du” – một thứ nhãn tự nói được quá
nhiều khí chất, tư dung, ám gợi và cảm nghiệm của nhà thơ Hoàng Cầm. Và rất
đáng chú ý, bài viết Đi tìm ẩn ngữ trong thơ Hoàng Cầm của Đỗ Lai Thúy nhận
được “một đảm bảo vàng” từ Hoàng Cầm với lời bình luận rằng người viết đã
“bóc ra đúng cái con người thầm kín ở trong ông”.
Bấy nhiêu tên tuổi ở ngay buổi đương đại này cũng là những “đảm bảo” đáng giá
cho sức sống của một tài thơ. Thơ khó đọc mà chọn được cả người đọc, chọn
được cả công phu và sở trường của người đọc là rất hiếm. Hoàng Cầm, người thơ
xứ Thuận Thành, người mãi ham mê “vớt mắt em về bến hóa sinh” đã làm được
việc ấy. Hoàng Cầm đánh thức tinh hoa của những người chịu đọc ông. Tôi cho
rằng đó là vinh dự lớn hơn hết của một đời thơ; dường như hơn cả niềm vinh dự
“được tuổi trẻ hoan nghênh” như chàng Xuân Diệu năm xưa.
ĐI TÌM PHONG CÁCH THƠ HOÀNG CẦM
TỪ ĐẶC ĐIỂM TÂM LÝ NGƯỜI LÀNG QUAN HỌ
Sự tích hợp của môi trường văn hóa sinh thái nhân văn trong tư tưởng cảm
xúc thẩm mĩ thơ Hoàng Cầm là vấn đề quan tâm của văn học – văn hóa. Trong đó,
thi pháp thơ Hoàng Cầm được xem như một sự tích hợp đáng kể những đặc điểm
tâm lý cư dân người Việt vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Vì vậy, việc diễn
giải về sự khúc xạ, biến dịch và tịnh tiến của các giá trị văn hóa truyền thống trong
thơ Hoàng Cầm sẽ góp phần nhận diện sáng rõ hơn phong cách tác giả.
Ở bài viết này, chúng tôi không có tham vọng bàn về sự đa dạng của tâm lý
người Việt lưu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng, mà chỉ xin phác thảo một vài
nét văn hóa ứng xử tình nghĩa, lịch lãm, dễ thương kết tinh trong bề sâu đời sống
tinh thần người vùng Quan họ. Những đặc điểm tâm lý ấy đã di thực vào thơ
Hoàng Cầm, tồn tại vĩnh cữu như một quy ước ngầm, và góp phần tô điểm, tạo
dựng nên một phong cách, diện mạo riêng không thể trộn lẫn, nhòa mờ trong số
các gương mặt thơ thành danh thế kỷ XX. Theo nhà nghiên cứu Phan Ngọc “Phong
cách là một cấu trúc hữu cơ của tất cả các kiểu lựa chọn tiêu biểu, hình thành một
cách lịch sử, và chứa đựng một giá trị lịch sử có thể cho phép ta nhận diện một
thời đại, một thể loại, một tác phẩm hay một tác giả”[3, 31]. Rõ ràng, sau mỗi
mùa hội làng, sau canh hát dân ca; cái còn đọng lại chen lẫn vào cõi thơ Hoàng
Cầm là bóng hình thấp thoáng của những liền chị, liền anh bên dòng sông, ngọn
núi, đình chùa, bãi bờ làng quê xứ Bắc. Và một lớp nhân quần trong lễ hội nhân
sinh vẫn thấy lòng mình còn nặng nợ, vương vấn, nhớ tiếc thủa ngày xưa, vẫn
dàng díu, xoắn bện, dùng dằng với thế thái nhân tình.
1. Có thể nói ước lệ rằng, “dùng dằng” là một cụm từ đắc địa mà cụ Nguyễn Tiên
Điền sử dụng để mô tả về sự lưu luyến, phải lòng nhau của hình tượng cặp đôi
“trai tài gái sắc” Kim Trọng – Thúy Kiều trong thời khắc trẩy hội mùa xuân “Dùng
dằng nửa ở nửa về/ Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần” (Truyện Kiều). Đây
không chỉ là nét đặc thù được hư cấu từ góc nhìn thiện cảm của Nguyễn Du với
những con người tài tử, mà còn là nét phổ biến lắng đọng bên trong tâm thức cư
dân người Việt lưu vực đồng châu thổ sông Hồng. Bởi vì, xét từ góc nhìn địa văn
hóa, tâm lý “dùng dằng” được xem như một sự khúc xạ từ độ bằng phẳng nhàn
hạ của bước chân người nông dân chốn đồng bằng, hoặc in dấu từ sự uốn lượn
của các dòng sông, bãi bờ phù sa ngoắt nghéo, và khác biệt với bước chân của cư
dân vùng cao với dốc núi cheo leo, trèo trượt, hơi thở gấp gáp hổn hển, gắng gỏi
của con người. Có lẽ, đặc điểm này đã được biểu hiện khá rành rõ trong tâm lý
người làng quan họ nói riêng, và suối nguồn thơ ca người Việt nói chung. Bởi ở đó
có dòng sông Cầu “lơ thơ nước chảy”, sông Đuống “nghiêng nghiêng”, và sông
Thương “nước chảy đôi dòng”. Đặc biệt, qua sự đọc các văn bản thơ Hoàng Cầm,
độc giả rất dễ nhận ra một sự “dùng dằng” như một kiểu tích hợp của các giá trị
văn hóa truyền thống trong không gian thơ. Quả vậy, có một mô hình nhà Nho tài
tử ít nhiều biến dịch và chi phối không nhỏ đến thơ ông. Và nếu nhìn từ phía gia
đình, có thể nhận thấy hình ảnh một người cha là nhà nho cuối mùa ít nhiều xê
dịch, một người mẹ quan họ thôn quê mộc mạc, hồn nhiên, lúng liếng đa tình. Có
lẽ, chỉ ở những thi sĩ tắm mình trong sinh quyển ngôn ngữ dân ca, dân nhạc xứ
đồng quê Kinh Bắc, đồng thời hít thở trong bầu “sinh quyển” văn hóa Quan họ, và
gắn bó tâm hồn mình với nền nếp ứng xử nền nã, hữu tình mới có thể khúc xạ
được vào máu thịt nhiều giá trị nhân văn có sức sống lâu bền, bởi lẽ “Cái gì cổ còn
lại với chúng ta ngày nay hẳn đã biến đổi ít nhiều qua các thời đại, nhưng cốt lõi
xưa vẫn còn”[1, 81].
Một điều thú vị nữa là, khi thưởng thức các văn bản thơ trữ tình của Hoàng
Cầm, độc giả sẽ dễ dàng tri nhận được dư âm dìu dặt của một số làn điệu dân ca
quan họ giao duyên, và cảm giác bắt gặp nhiều điệp khúc bịn rịn khép lại lễ hội
mùa xuân “Người ơi người ở…đừng về”. Cũng có khi “Hội đã tan rồi không buông
vạt áo”, và dĩ nhiên là những liền chị, liền anh quan họ sau buổi chia tay đám bạn
hát, từ sâu thẳm trong đầu vẫn còn hoài nhớ “Người về cởi áo cho nhau/ Người
về cởi áo gối đầu lấy hơi/ Người về đằng ấy xa xôi/ Xin người nghỉ lại với tôi bên
này” (Người về bỏ bạn sao đành – Dân ca quan họ), vẫn luôn canh cánh đợi chờ
vào một ngày “đến hẹn lại lên” ở mùa hội năm sau. Phải chăng, cái “hương âm”
ngọt ngào của nhiều canh hát ngồi tựa mạn thuyền, trên đê, đầu đình, hay một
sườn đồi thoai thoải, hoặc tựa song đào ở nhà một “bọn quan họ” mạnh thường
quân nào đấy vẫn còn đằm sâu trong ký ức. Có những kỷ niệm thăng hoa trong
âm nhạc, lời ca mà liền anh, liền chị Kinh Bắc thường mang về sau mỗi mùa hội
làng ngắn ngủi, là nỗi nhớ thương da diết về một “khoảng trời riêng”, hoặc một sự
ám ảnh từ ánh mắt, bờ môi, nụ cười duyên dáng làm “nghiêng mái chèo” và rất
khó diễn giải thành lời. Nó như những “khoảng lặng” ùa đến bất chợt bên vợ, bên
chồng, thậm chí “Đồng sàng dị mộng” như một niềm riêng khó nói. Vì vậy, nhiều
khoảnh khắc tự do tươi mát của con người trong lễ hội mùa xuân như : sự ngẫu
hứng ứng tác tài hoa, sự quy cũ trong “đặt câu bẻ giọng”, “giọn chữ cho nền nã”,
nhả chữ cho nhịp nhàng “vang rền nền nẩy” cứ chập chờn thức dậy và ám ảnh
bên trong cõi lòng. Như vậy, lễ hội nguyên sinh đã phần nào hòa giải được mối
thân tình cộng cảm giữa con người trong làng, trong nước. Mặt khác, chúng lại
tích tụ, nhức nhối nơi miền vô thức, tiềm thức, cũng có lúc bất chợt ùa về đày ải,
dồn đuổi người nghệ sĩ. Hơn nữa, một điều không thể chối cãi là những quy luật
tuần hoàn bất tận của tự nhiên, của dòng đời cứ lặng lẽ trôi về phía trước, và ở
một phút lắng sâu, tạm dừng nào đó, người ta chợt “ngộ ra” trong lòng mình vẫn
còn thương thầm, nhớ trộm “buổi ngày xưa”, chợt nuối tiếc, xót xa cho “cái tuổi
trăng tròn chợt khuyết theo thời gian”, và cố níu kéo “cái thuở xuân xanh khuất
bóng sau luỹ tre làng”.
2. Văn chương và con người vùng Quan họ có tính chất như vậy, “dùng dằng” khi
phải lòng “một người tình không quen biết” (Tản Đà) trong đám hội làng, “dùng
dằng” trong giấc ngủ và hoài niệm đau đáu với “Cái thở ban đầu lưu luyến ấy/
Ngàn năm chưa dễ đã ai quên” (Thế Lữ). Thơ Hoàng Cầm cũng nằm trong nguồn
mạch văn hóa đó, và góp phần cấu kiện lên một phong cách thơ có nhiều sự
“dùng dằng”.
2.1. Trước hết, sự “dùng dằng” được minh chứng bằng một tình yêu quê hương
da diết, cháy bỏng mà Hoàng Cầm đã nhờ nỗi nhớ bắc hộ cho mình cây cầu hoài
niệm qua dòng sông Đuống, để gửi niềm thương về “Quê hương ta ngụt lửa
hoang tàn”. Ông nhớ cái hương vị ngày mùa của “lúa nếp thơm nồng” ở bên kia
sông – “bên bão tố” phảng phất ùa về “bên bình yên” làm cho không gian tưởng
tượng ở một miền ký ức trong trẻo được kéo về gần. Bên kia sông Đuống là bài
thơ có nhiều cung bậc “dùng dằng”. Đó là vào một đêm cuối năm 1948, vào cái rét
Nàng Bân, tâm trạng Hoàng Cầm “như một bãi cỏ rối lút người” khi nghe tin quê
hương rơi vào tay giặc, và trong xa xăm, có một giọng nữ nào đó khẽ khàng đọc
hộ nhà thơ một kiệt tác với rất nhiều hoài niệm dư ba. Dĩ nhiên, Hoàng Cầm phải
thật sự gắn bó với miền đất Kinh Bắc như chính máu thịt thì mới có đủ sức để gọi
dậy những điệu hồn ông cha, “hồn xưa đất nước”, hồn vía làng mạc cùng đồng
hiện trong tâm thức văn hóa. Chẳng hạn, hình tượng một dòng sông “nghiêng
nghiêng” đôi bờ cát trắng có từ thời tiền sử, đồng thời cũng là hình ảnh trường
tồn của một nền văn hóa trồng lúa nước bốn nghìn năm. Nơi ấy đã cho ta những
hạt nếp cái hoa vàng gói lá sen xanh với bao dư vị ngọt ngào, cùng tấm lòng thơm
thảo, thành kính mà ông cha đã gói cả hương vị đất trời, dâng lên người xưa vào
ngày giỗ Tổ. Đặc biệt, là sự tiếc thương, “dùng dằng” với các di sản văn hoá vật
thể như : gánh trầu cau, giấy dó, phẩm hồng mà người mẹ Kinh Bắc đáng thương
“bước cao thấp” trên con đường trơn lạnh ngắt, và xót xa hơn khi những báu vật
gia truyền ấy bị dẫm nát. Tuy nhiên, sự “dùng dằng” lưu luyến, đáng lưu tâm nhất
lại ở những giá trị văn hóa phi vật thể của dòng hội họa làng Hồ như : Đám cưới
chuột, Mẹ con đàn lợn âm dương. Cũng vậy, sự tiếc nhớ đượm buồn còn hằn in
trong nỗi cô đơn, sự vắng bóng những nụ cười dìu dịu của “cô hàng xén răng đen”
như một nỗ lực nhằm níu giữ nét duyên quan họ còn hằn sâu bên trong tục ăn
trầu người Việt. Rõ ràng “Vượt lên trên tất cả là cái ân, cái nghĩa. Lòng thủy chung
đã trở thành một chuẩn mực đạo đức khiến mọi người khát khao vươn tới, một
nguyên tắc tối cao trong quá trình xây dựng mối quan hệ lành mạnh giữa bầu
bạn” [4, 120].Vì vậy, ở cuối bài thơ Bên kia sông Đuống, Hoàng Cầm đã đưa ra
một lời hẹn ước vào ngày “trẩy hội non sông”, ở đó, ông có thể say sưa chiêm
nghiệm, ngưỡng phục một thế giới trang phục sang trọng chùng chình của liền chị
Kinh Bắc như : dải yếm thắm, thắt lưng lụa hồng, và tắm gội thỏa thích trên tinh
thần cộng hưởng hợp sinh hài hòa giữa hai giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể,
đồng thời lấy vẻ đẹp của nụ cười mê say đầy ánh sáng làm trung tâm.
2.2. Hơn nữa, Hoàng Cầm là một nhà thơ được sinh ra và lớn lên ở vùng “phên
dậu kinh thành”, một vùng “quê thiêng Kinh Bắc”. Nơi có những làn điệu quan họ
mênh mang “Khi mùa Xuân trở về/ Tiếng hát bay theo đầu ngọn gió/ ngập ngừng
nơi ruộng lúa, bờ mương” (Khi mùa Xuân trở về). Ở đó, hình dáng yêu kiều của
liền chị Kinh Bắc còn đọng lại qua nét đằm thắm duyên quê, được kết tinh trong
thơ ca, âm nhạc, hội họa, và như một nguồn cảm hứng vô tận cho người đời sau.
Đó là “má đồng tiền tủm tỉm”, những “mắt bồ câu long lanh” như một “vùng núi
sự tích” chảy ra “biển trữ tình” và “trầm đầy một nỗi phương Đông…”[2, 81]. Mặt
khác, nét duyên quan họ còn phát lộ qua áo tứ thân mớ bảy, mớ ba thấp thoáng
bên bờ sông Đuống, sông Cầu. Cũng có khi chỉ là nửa khuôn mặt thanh tú, e lệ nép
mình đằng sau “nón quai thao chòng chành”. Thậm chí, nét duyên mặn mòi của
người con gái Kinh Bắc còn được tô điểm qua những “yếm thắm”, “lụa hồng”,
“yếm đào lụa nõn Bắc Ninh”… Trong bối cảnh mùa xuân mát mắt những gã trai
làng, Hoàng Cầm cũng là một trường hợp không nằm ngoài ngoại lệ. Ông như một
“kẻ khờ” đang mê mẩn, đắm mình trong hương sắc mùa xuân, đang căng mở mọi
giác quan để thỏa sức hít thở thứ hương vị trầu cay còn phả ra trên cặp môi hồng,
hay một mùi hương nồng toả ra từ da thịt, vương nơi tóc ấm của người “Chị” lớn
tuổi, và còn thơm lâu ngây ngất, ngưng đọng ở trong lòng.
2.3. Một điều thú vị nữa là, Hoàng Cầm đã góp phần làm sống dậy những cái
“dùng dằng” của người quan họ trong thơ mình. Ông sáng tạo ra những thi đề, thi
tứ độc đáo để ít nhiều mô tả các cung bậc tình cảm quanh co như những khúc
quành khó nói. Và có lẽ, ở những bài thơ để lại ấn tượng sâu sắc, có giá trị nghệ
thuật cao, và neo lại trong lòng bạn đọc như : Bên kia sông Đuống, Cây Tam cúc,
Quả vườn ổi, Lá Diêu bông, Cỏ Bồng Thi, Mưa Thuận Thành, Giọt mưa phương
Nam… đã minh chứng cho điều đó. Các văn bản trên như một cứ liệu giúp chúng
tôi lần tìm được một vài đầu mối quan trọng để lý giải về một phong cách thơ độc
đáo. Bởi thế, khi đọc bài thơ Lá Diêu Bông, độc giả sẽ ít nhiều suy nghĩ về một mối
tình đầu của “Gã trai làng Kinh Bắc”. Đó là một người em đã đến tuổi dậy thì mà
con tim thường rất khó bảo. Và do nhân vật trữ tình đã đặt niềm tin tuyệt đối vào
một lời bông đùa của người Chị, nên cứ nhủng nhẳng chạy theo để mà yêu, để mê
mẩn mà quên cả bản thân mình. Thậm chí, quá say sưa, đắm đuối với mối tình
đầu mà chẳng thèm quan tâm để ý về đời Chị đã mấy độ sang trang. Tuy nhiên,
trên hành trình đi tìm Chị qua những “Mùa Đông sau em tìm thấy lá”, bóng dáng
người em đã khúc xạ thành một hình tượng “dùng dằng”. Lá Diêu bông đã khiến
cho độc giả sau khi hoàn tất một quá trình tiếp nhận mà vẫn có nhiều ám ảnh,
tiêng tiếc, không sao dứt ra được. Tuy nhiên, để minh định vì sao lại như vậy, thì
rất khó. Phải chăng, những mơ ước lãng mạn mà ai đó muốn được quay về cái
thời trắng trong, được trở lại với chính mình để đi tiếp trên cánh đồng chiều còn
nhiều rơm rạ, được nhảy chân sáo trên con đê về làng, để rồi tiếc nuối với cái
thuở “Sao em nỡ vội lấy chồng” (tên bài hát Lời ru buồn, nhạc Trần Tiến, ý thơ
Hoàng Cầm). Đó chính là các giá trị văn hoá ngầm chảy bền bỉ bên trong tâm hồn
con người, và chỉ chợt chói sáng ở một phút giây thăng hoa, bất chợt nào đó
trong trí nhớ của người nghệ sĩ tài hoa đa tình.
Tiếp nữa, ở bài thơ Quả vườn ổi, Hoàng Cầm đã đưa độc giả dạo gót trong một
khu vườn “Em mười hai tuổi đi theo Chị/ Qua cầu bà Sấm bến cô Mưa/ Đi…/ Ngày
tháng lụi tìm không thấy/ Giải yếm lòng trai mãi phất cờ”. Người em đi trong
vườn ổi có cả “quả chín”, “quả ương”, và dù có cố van xin Chị nhưng tất cả cũng
chỉ là một sự đón nhận những “điều không thấy”. Vì thế, người khách bộ hành
bỗng trở thành một kẻ đơn độc trong cuộc tình “Lẽo đẽo Em đi vườn mai sau/ cúi
nhặt chiều mưa dăm quả rụng”. Mảnh vườn mà Hoàng Cầm đã tạo dựng, đón mời
đôi tình nhân đến dạo chơi, song đó cũng chỉ là những bước chân khập khiễng,
mơ ước, và đứa Em ở tuổi mười hai sẽ mãi là người lỡ nhịp muộn mằn. Do vậy,
nhân vật Em cứ một đời níu kéo, cứ khao khát được đi qua cầu Bà Sấm, bến Cô
Mưa để được lắng nghe dư âm của “tiếng sét ái tình”, suy cho cùng, đây là một sự
nỗ lực nhằm khẳng định về vấn đề tồn tại vĩnh viễn của tuổi trẻ và tình yêu. Cho
dù có phải đọa đày trong chiều mưa tê tái, nhưng nhân vật Em vẫn quyết tâm
nhặt được “dăm quả rụng” dưới gót chân người Chị lớn tuổi.
Để minh định cho phong cách “dùng dằng”, chúng tôi xin dẫn thêm bài thơ Cỏ
Bồng Thi làm luận chứng. Điều dễ thấy ở hai nhân vật Chị - Em trong bài thơ ấy là
họ cứ xoắn luyến, bện chặt vào nhau trên một con đường “Chị đưa Em đến bến
này/ cheo leo mỏm đá”. Nhân vật Chị đã dùng thứ “bùa ngải” tình yêu làm mê
mẩn và trói chặt chân đứa Em tội nghiệp bằng “Thòng lọng tơ gì quấn gót” để đưa
nhau về chốn rừng xanh có nhiều dự cảm chẳng lành. Dù cho cái số kiếp đa tình
nhiều lận đận “Em vọng ai đâu mà hoá đá” cũng tỏ ra mệt mỏi, thấm thía về sự
trắc trở ngang trái của tình yêu trong các qui chuẩn đạo đức thời văn minh. Phải
chăng, qua vai người Chị, người đọc sẽ soi ngắm rõ hơn về hình tượng người Em,
và ngược lại qua vai người Em lại thấy được sự đỏng đảnh đa tình của người Chị
như “Lắc đầu hoa tím rụng/ ngó rừng xanh Em hỏi cội nguồn/ Biết rồi/ Thôi/ nghe
hoa tím hát”. Câu thơ trên như một chứng tích của mẫu gốc vẫn còn bỏ ngỏ, và
cho đến tận ngày nay, người đời vẫn rất cần một sự nỗ lực để bù đắp cho những
băn khoăn, thắc mắc, và chưa thể giải quyết cho thật tường tận, thỏa đáng. Tình
yêu là vậy, dù Hoàng Cầm có tự vấn về thân phận con người, về sự mỏng manh
của một mối tình “trước vực sau khe”, và cũng chính vì đứa Em biết nhận thức, vỡ
lẽ về vấn đề trên quá muộn mằn, nên tất cả chỉ là sự “dùng dằng” trong tâm thức.
Đây là những hành động tâm lý mà Hoàng Cầm đã cố níu kéo, lưu giữ thành kỷ
niệm đẹp, và ở một phút giây loé sáng bất chợt nào đó, những “nỗi niềm tinh
vân” (chữ dùng của Huy Cận) ấy sẽ thăng hoa phát khởi thành thơ.
2.4. Phải chăng, “dùng dằng” là một trong những khí chất lưu truyền từ trong “nết
đất” của con người vùng quan họ. Dù cho ít người nói ra, nhưng nhiều người đều
thấu hiểu. Nó như một thứ luật bất thành văn, một quy luật bên trong của tình
cảm mà những liền chị, liền anh Kinh Bắc còn níu kéo nhau qua mấy mùa lễ hội,
mấy độ xuân về. Đây là một đặc điểm tâm lý nói chung của những người quan họ
có tâm hồn giàu chất đa tình, và Hoàng Cầm là một trong những con số không
nhiều đó. Mặt khác, nhân vật Em lại biết yêu, biết say, biết quen hơi những liền
chị quá sớm. Tuy nhiên, niềm khát khao của cái tôi trữ tình cũng chỉ được thực thi
ở mức độ một đứa em quá ư ngoan ngoãn và thật thà. Và khi biết thấm thía các
nguyên do dẫn đến những dang dở, tất yếu vấn đề này sẽ phần nào thức nhận sâu
sắc, và nhức nhối bên trong cõi lòng của người thi sĩ đã trót mang kiểu “gene” của
dòng giống “nòi tình”. Mâu thẫn ấy vừa tự hòa giải vừa tích tụ, đầy ải con người
bằng nhiều biến thái khác nhau của tình cảm, của sự “ham muốn”. Trong sự lỡ
nhịp ấy, con người cũng chỉ biết mang theo sự rạo rực trong mình mà lặng lẽ tìm
về “bến xưa”, nơi “đò đầy, đò đã sang sông”, “đến duyên em em phải lấy chồng”,
là những ẩn ức không thể giải tỏa, hoặc một miền hoài niệm, “dùng dằng” mà
Hoàng Cầm đã tạc vào thơ mình. Phải chăng, đây còn là một sự di thực tự nhiên
của các giá trị văn hóa dân gian Kinh Bắc vào trong thi ca, và chính Hoàng Cầm là
người đã thâu nhận, nuôi trồng được, và làm cho nó tỏa sáng nhờ vẻ đẹp lung
linh của ngôn ngữ.
2.5. Về sự vận động của không gian và thời gian, Hoàng Cầm đã ngắm nhìn hai đại
lượng này bằng nhãn quan của một chàng trai tinh ý, đa tình “Chiều qua chia nhớ
làm hai ngấn/ Một trắng manh mai một chéo hồng” (Chia nhớ). Có lẽ, sức cuốn
hút, sự mê hoặc của tình yêu đã làm cho thi nhân đắm đuối. Ông mê mẩn đến nỗi
phổ cả vào bức tranh của buổi hoàng hôn ráng đỏ một sắc màu đậm chất nhục
cảm. Ông nhìn áng mây ngũ sắc còn ánh lên vài tia nắng bảy sắc cầu vồng xiên
xiên rỉa quạt buổi hoàng hôn như một người thiếu nữ đài các cổ cao ba ngấn mà
dáng hình của họ vẫn còn in bóng ở tận chân trời. Chúng tôi nghĩ, đây là hai câu
thơ hay, xuất thần, bởi nó đã thâu tóm được sự luyến tiếc của một con người
đứng trước sự trôi chảy của thời gian. Vẻ đẹp đó dù có rất mong manh, cứ chợt
“vụt hiện” (chữ của Hoàng Hưng) rồi chợt ẩn mình trong bóng đêm, nhưng đã để
lại sự bất tử trong nghệ thuật.
2.6. Tiếp nữa, dường như cũng vì những cái “dùng dằng”, mà cái Tôi trữ tình đã
mấy lần bị “tiếng sét ái tình” suýt “đánh chết”. Cái Tôi ngu ngơ, non nớt ấy vẫn
chẳng chừa cái thói “dùng dằng” đã ăn vào máu. Và trải qua những cuộc tình
theo gió bay đi, thậm chí xa vời như “nắng vãn bên sông”, tàn tích còn lại, lắng
đọng vào trong cõi thơ Hoàng Cầm là cái “bản lai diện mục” (chữ dùng của Phật
học) của nhà nghệ sĩ. Phải chăng, đây là sự nhất quán trong các sáng tác của nhà
thơ. Những kỷ niệm “dùng dằng” không chịu ngủ yên, nó thường trở đi, trở lại,
thao thức thường trực cùng người nghệ sĩ và tạo nên những dòng chảy cảm xúc
bền bỉ, vô hình mà ta có thể suy luận, liên tưởng được qua một số sáng tác của
ông. Chẳng hạn, qua các bài thơ mà Hoàng Cầm viết về lễ hội Kinh Bắc như Thi sợi
bún, Thi ăn mía thổi cơm, Hội Vân Hà, Hội vật, Thi đánh đu, Hội chen Nga Hoàng,
Thi dệt vải, Thi thêu gấm, Hội Gióng…, người đọc có thể tri nhận được nhiều hệ
giá trị khác nhau. Tuy nhiên, điều mà độc giả có thể cảm nhận được qua những lễ
hội đó là những “má xuân hồng”, “cơn sốt bỏng môi hoa”, hay một hình bóng nào
đó vẫn còn tìm về trong mộng ở Hội chen nga hoàng một thời trên bộc trong dâu.
Đây chính là những trạng thái khiêu khích “dùng dằng” không dứt ra được.
3. Và nếu như trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh đã đưa những nhận định tinh
tế, đồng thời khái quát, thâu tóm được nhiều phong cách thơ mà tên tuổi của họ
đã góp phần quan trọng làm nên “Một thời đại trong thi ca” dựa trên tư tưởng
thẩm mĩ và nghệ thuật của tác phẩm. Chẳng hạn, Thế Lữ được xem như một
người khách bộ hành phiêu lãng, một hồn thơ “rộng mở”. Lưu Trọng Lư như một
kẻ chinh phu đang “mơ màng” trước vẻ đẹp của một mùa thu mang hồn xứ sở.
Huy Thông với âm vang Tiếng địch sông ô ngân nga những hồi trống giục từ trong
chuyện xưa, tích cũ đất Trung Hoa đã đưa ông trở thành một phong cách thơ
“hùng tráng” một thời. Nguyễn Nhược Pháp lại như một “ông già” tỉnh táo mơ
làm ông Nghè, ông Thám võng anh đi trước, võng nàng theo sau. Dù cho giấc mơ
ấy có rất mực ngộ nghĩnh, mang vài nét hồn nhiên và đáng yêu như những huyền
thoại trong mắt trẻ con. Bởi vậy, chúng ta có thể nói ví von rằng, Nguyễn Nhược
Pháp đã xây cất lên một “lâu đài cổ tích” bằng những tưởng tượng của một hồn
thơ “trong sáng” đến tuyệt vời.
Nhưng nếu chỉ so sánh phong cách thơ Hoàng Cầm với một số phong cách thơ
trên, có lẽ, chúng ta cũng chưa có đủ cơ sở để khẳng định về sự độc đáo, sự
thống nhất trong đa dạng của phong cách thơ Hoàng Cầm trong dòng chảy thơ
Việt Nam thế kỷ XX. Chúng tôi xin dẫn thêm một số kết quả nghiên cứu của Hoài
Thanh để tiếp tục công việc định danh này. Trong làng Thơ mới, Huy Cận được gọi
là “Một cái linh hồn nhỏ/ Mang mang thiên cổ sầu”, thơ ông đâu chỉ có áo trắng
buổi tan trường mà còn có cái buồn thương “ảo não” trước những đêm mưa,
những cảnh đời chia lìa đôi ngả, những tâm sự “mòn xói tâm can”. Chế Lan Viên –
một nhà thơ “kinh dị” lại có một chốn nương thân thoắt ẩn, thoắt hiện trong
những Tháp Chàm. Đọc thơ ông, ta thấy ám ảnh, rờn rợn bởi những đống xương
tàn, những kiếp “ma hời sờ soạng đêm thâu”, và cả một nền văn hóa Chàm chỉ
còn vang bóng. Đến với Hàn Mặc Tử, chúng ta bắt gặp một con người cô độc đến