Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

Phân tích chức năng giám sát tối cao của Quốc hội theo pháp luật hiện hành.

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (65.28 KB, 3 trang )

Phân tích chức năng giám sát tối cao của Quốc hội theo pháp luật hiện hành.
Trong bộ máy nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quốc hội được xác định
là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, đồng thời là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Bên cạnh thẩm quyền lập hiến, lập pháp và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước
thì Quốc hội nước ta còn có thẩm quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của nhà
nước. Có thể nói đây là một chức năng quan trọng của Quốc hội đã được ghi nhận ngay trong
bản Hiến pháp đầu tiên và ngày càng được hoàn thiện một cách cụ thể, đầy đủ hơn.
Trước hết cần hiểu giám sát là theo dõi, xem xét, kiểm tra và nhận định về một việc
làm nào đó đúng hay sai với những điều đã quy định. Giám sát là hoạt động có mục đích, luôn
gắn với chủ thể, đối tượng nhất định và được tiến hành trên cơ sở những quy định cụ thể. Hiến
pháp 1946 là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên quy định thẩm quyền giám sát tối cao của
Quốc hội. Trên cơ sở kế thừa và phát triển quy định về quyền giám sát tối cao của Quốc hội
trong các bản Hiến pháp trước, điều 83 Hiến pháp 1992 quy định “…Quốc hội thực hiện
quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước”.Để nhằm cụ thể hóa hơn nữa
về cơ sở pháp lý và nâng cao tính hiệu quả, hiệu lực của chức năng này, ngày 17/6/2003 Quốc
hội ta đã chính thức thông qua Luật hoạt động giám sát của Quốc hội.
Theo chức năng, nhiệm vụ của mình, giám sát việc thực hiện Hiến pháp và pháp luật do
nhiều cơ quan nhà nước tiến hành như Hội đồng nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân…Nhưng
sự giám sát của Quốc hội là sự giám sát cao nhất bởi: Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước đều
thuộc về nhân dân. Mà Quốc hội là do nhân dân trực tiếp bầu ra vì vậy Quốc hội là cơ quan
đại biểu cao nhất của nhân dân đồng thời là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất (điều 83
Hiến pháp 1992). Mặt khác nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ta là
nguyên tắc tập quyền, quyền lực tối cao thuộc về Quốc hội. Các cơ quan nhà nước khác như
Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có chức năng, quyền hạn
theo luật định nhưng đều phải có trách nhiệm báo cáo trước Quốc hội và chịu sự giám sát của
Quốc hội.
Mục đích việc thực hiện quyền giám sát tối cao của Quốc hội đó là nhằm đảm bảo cho
những quy định của Hiến pháp và pháp luật được thi hành triệt để, nghiêm chỉnh và thống
nhất. Quốc hội giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước nhằm bảo đảm cho các cơ quan
này hoàn thành nhiệm vụ, quyền hạn đã được quy định, làm cho bộ máy nhà nước hoạt động


nhịp nhàng, có hiệu lực và hiệu quả, chống những biểu hiện tham nhũng, quan liêu.
Thông qua các văn bản quy phạm pháp luật như: Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội,
Luật hoạt động giám sát của Quốc hội cho thấy chức năng giám sát tối cao của Quốc hội được
thể hiện qua một số nội dung sau:
Về nội dung và đối tượng giám sát: Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với
toàn bộ hoạt động của các cơ quan nhà nước bao gồm hoạt động theo dõi tính hợp hiến và hợp
pháp đối với nội dung các văn bản do các cơ quan nhà nước chịu sự giám sát trực tiếp của
Quốc hội ban hành, cũng như tính hợp hiến, hợp pháp trong hoạt động thực tiễn của các cơ
quan nhà nước. Như vậy có thể thấy đối tượng chịu sự giám sát của Quốc hội là các cơ quan
nhà nước chịu sự giám sát trực tiếp của Quốc hội như chủ tịch nước, chính phủ, Tòa án nhân
dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao…
Về thẩm quyền giám sát, chủ thể thực hiện quyền giám sát: Theo quy định tại Điều
1 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội: “Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối
với toàn bộ hoạt động của nhà nước. Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao của mình tại
kỳ họp Quốc hội trên cơ sở hoạt động giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân
tộc, Uỷ ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội”. Để cụ thể hoá hơn
nữa quy định này, Điều 3 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội đã quy định về thẩm quyền
giám sát đối với từng chủ thể.
Về căn cứ thực hiện quyền giám sát của Quốc hội: Quốc hội là cơ quan duy nhất có
quyền lập hiến, lập pháp và quyền giám sát tối cao nhưng trong hoạt động của mình Quốc hội
cũng phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật vì Quốc hội cũng là một cơ quan nằm trong bộ
máy nhà nước chứ không phải là một tổ chức đứng trên nhà nước. Do đó để đảm bảo tính
khách quan trong hoạt động giám sát, bảo đảm cho Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao
theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật, khi thực hiện chức năng giám sát của mình,
Quốc hội phải có những căn cứ nhất định: Thứ nhất, căn cứ vào những quy định của Hiến
pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Thứ hai, căn
cứ vào nội dung văn bản đã ban hành của các cơ quan nhà nước chịu sự giám sát của Quốc hội
và căn cứ vào thực tế hoạt động của những cơ quan nhà nước đó.
Các phương pháp thực hiện chức năng giám sát tối cao của Quốc hội: Quốc hội xem
xét báo cáo của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, chính phủ, Tòa án nhân dân tối

cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, định kỳ nghe các cơ quan nhà nước trung ương báo cáo.
Giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Với thẩm quyền huỷ bỏ hoặc đình chỉ
việc thi hành các văn bản trái với quy định của Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của
Quốc hội, của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, có thể nói rằng, Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc
hội có chức năng rất quan trọng trong việc giám sát ban hành các văn bản pháp luật. Bằng việc
thực hiện chức năng này, Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội bảo đảm cho việc thực hiện
pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh và thống nhất trong cả nước, bảo đảm thực hiện chức
năng là cơ quan lập pháp cao nhất. Giám sát trực tiếp hoạt động của các cơ quan qua việc tổ
chức các đoàn đi giám sát. Chất vấn và trả lời chất vấn là một phương pháp giám sát quan
trọng của đại biểu Quốc hội. Theo quy định tại điều 98 Hiến pháp 1992 đại biểu Quốc hội có
quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các
thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm
sát nhân dân tối cao. Quốc hội còn giám sát thông qua việc xem xét đơn thư khiếu nại của
nhân dân, qua các thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Những phương pháp
giám sát trên của Quốc hội có quan hệ gắn bó, hỗ trợ cho nhau. Trong thực tế hoạt động giám
sát, Quốc hội có thể lựa chọn những phương pháp giám sát khác nhau tùy thuộc vào nội dung
của vấn đề cần giám sát và vào đối tượng chịu sự giám sát của Quốc hội. Bên cạnh đó Luật
Hoạt động giám sát của Quốc hội cũng quy định rất sụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện các
phương pháp giám sát của Quốc hội.
Như vậy, có thể nói, giám sát tối cao là một trong những chức năng cơ bản và chủ yếu
của Quốc hội; cùng với lịch sử phát triển của Quốc hội Việt Nam, chức năng này đã, đang và
sẽ tiếp tục được hoàn thiện cả về lý luận và thực tiễn để ngày càng phát huy hiệu quả của nó
trong việc bảo đảm cho Hiến pháp, luật được thi hành nghiêm chỉnh và thống nhất trong cả
nước, trước hết là từ các cơ quan nhà nước; bảo đảm nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa;
làm cho bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm tôn trọng, phát
huy quyền dân chủ của công dân, đồng thời duy trì trật tự nhà nước, trật tự xã hội và bảo vệ
quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

×