Tải bản đầy đủ (.docx) (13 trang)

tạp chí kinh tế đối ngoại đề tài VAI TRÒ BẢO HỘ CỦA QUY TẮC XUẤT XỨ TRONG THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (138.92 KB, 13 trang )

VAI TRÒ BẢO HỘ CỦA QUY TẮC XUẤT XỨ TRONG THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
Vai trò bảo hộ của quy tắc xuất xứ trong thương mại quốc tế
Khương Duy
Tạp chí KTĐN 56
Tóm tắt:
Trên thế giới, từ lâu quy tắc xuất xứđã trở thành như một nội dung
quan trọng trong chính sách thương mại và pháp luật hải quan. Tuy nhiên,
việc nghiên cứu và giảng dạy về quy tắc xuất xứ tại Đại học Ngoại thương
chưa được triển khai theo hướng này. Chủ yếu, quy tắc xuất xứ chỉ được đề
cập dưới góc độ một khâu trong quy trình nghiệp vụ hải quan nhằm xác định
thuế suất của hàng hóa nhập khẩu. Để góp phần làm rõ một trong số các vai
trò của quy tắc xuất xứ, bài viết sau đây sẽ đưa ra những luận điểm cơ bản về
tính bảo hộ của quy tắc xuất xứ trong thương mại quốc tế, cụ thể là quy tắc
xuất xứ ưu đãi trong các khu vực mậu dịch tự do (Free Trade Area - FTA) và
chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập mà các nước phát triển dành cho các
nước đang và kém phát triển (Generalized System of Preferences - GSP).
Từ khóa: quy tắc xuất xứ, thương mại quốc tế
1. Khái quát về qui tắc xuất xứ
Trong thương mại quốc tế, việc xác định xuất xứ hàng hóa có ý nghĩa
hết sức quan trọng bởi lẽ xuất xứ hàng hóa là cơ sở để áp dụng các công cụ
chính sách thương mại đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu. Theo Điều 3(b)
Hiệp định về quy tắc xuất xứ của WTO, “một nước được xác định là nước xuất
xứ của một hàng hóa cụ thể nếu như hàng hóa được hoàn toàn sản xuất ra ở
nước đó hoặc khi nhiều nước cùng tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng
hóa đó, thì nước Xuất xứ hàng hóa là nước thực hiện công đoạn chế biến cơ
bản cuối cùng.”
Để xác định xuất xứ hàng hóa, nhất là khi hàng hóa được sản xuất bởi
nhiều quốc gia khác nhau, cần phải dựa trên quy tắc xuất xứ được áp dụng.
Điều này hàm nghĩa, xuất xứ hàng hóa có tính chất tương đối. Cùng một hàng
hóa được sản xuất và xuất khẩu bởi một quốc gia nhưng tùy thuộc vào quy
tắc xuất xứ được áp dụng trong mỗi trường hợp, hàng hóa đó có thể được coi


là có hoặc không có xuất xứ tại chính quốc gia này.
Chương 1, Phụ lục K Công ước Kyoto về đơn giản hóa và hài hòa hóa
thủ tục hải quan (sửa đổi năm 1999) nêu rõ khái niệm về quy tắc xuất xứ.
Theo đó, “quy tắc xuất xứ là các quy định được pháp luật quốc gia hoặc các
điều ước quốc tế xây dựng, được một quốc gia áp dụng để xác định xuất xứ
của hàng hóa.”
Có thể phân chia quy tắc xuất xứ theo nhiều cách khác nhau. Nếu dựa
trêntiêu chí xuất xứ, quy tắc xuất xứ bao gồm quy tắc về xuất xứ thuần túy và
quy tắc về xuất xứ không thuần túy. Xuất xứ thuần túy là thuật ngữ chỉ
trường hợp thứ nhất trong khái niệm về xuất xứ hàng hóa của WTO - khi
hàng hóa hoàn toàn được sản xuất ra tại một quốc gia. Đa số các quy tắc về
xuất xứ thuần túy trên thế giới đều giống nhau về nội dung, và chủ yếu liên
quan tới các mặt hàng nông lâm thủy hải sản và khoáng sản. Xuất xứ không
thuần túy là xuất xứ hàng hóa có thành phần nhập khẩu, được đề cập tới ở
trường hợp thứ hai trong khái niệm về xuất xứ hàng hóa của WTO. Trường
hợp này xảy ra khi có nhiều hơn một quốc gia tham gia vào quá trình sản
xuất ra hàng hóa.
Nhìn chung, các quy tắc xuất xứ đều yêu cầu để được hưởng ưu đãi,
hàng hóa có xuất xứ không thuần túy phải được gia công chế biến đầy đủ tại
nước thành viên. Để xác định mức độ gia công chế biến, người ta thường căn
cứ vào sự chuyển đổi mã số HS (CTC), hàm lượng giá trị gia tăng hay hàm
lượng giá trị khu vực (RVC) hoặc các tiêu chí cụ thể được quy định riêng với
một số sản phẩm (PSR).
[1]
Nếu dựa vào mục đích sử dụng, quy tắc xuất xứ có thể chia thành quy
tắc xuất xứ ưu đãi và không ưu đãi. Theo Khoản 2 và 3, Điều 3, Nghị định
19/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về xuất xứ hàng hóa do
Chính phủ ban hành ngày 20 tháng 2 năm 2006:
“2. Quy tắc xuất xứ ưu đãi là các quy định về xuất xứ áp dụng cho hàng hóa
có thoả thuận ưu đãi về thuế quan và ưu đãi về phi thuế quan.

3. Quy tắc xuất xứ không ưu đãi là các quy định về xuất xứ áp dụng cho hàng
hóa ngoài quy định tại khoản 2 Điều này và trong các trường hợp áp dụng
các biện pháp thương mại không ưu đãi về đối xử tối huệ quốc, chống bán
phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, hạn chế số lượng hay hạn ngạch thuế quan,
mua sắm chính phủ và thống kê thương mại.”
Như vậy, quy tắc xuất xứ ưu đãi được sử dụng để xác định xuất xứ
hàng hóa nhằm các mục đích ưu đãi như cho hưởng thuế suất ưu đãi đặc
biệt. Ngược lại, quy tắc xuất xứ không ưu đãi được sử dụng để xác định xuất
xứ hàng hóa nhằm các mục đích không ưu đãi như trừng phạt thương mại.
Do sự gia tăng của các FTA trong WTO, quy tắc xuất xứ ưu đãi đa dạng hơn
hẳn so với quy tắc xuất xứ không ưu đãi. Bản thân Hiệp định về quy tắc xuất
xứ của WTO chỉ quy định về quy tắc xuất xứ không ưu đãi, còn quy tắc xuất
xứ ưu đãi sẽ được các thành viên xây dựng khi đàm phán FTA hoặc cấp ưu
đãi GSP. Mỗi thành viên WTO chỉ có một quy tắc xuất xứ không ưu đãi nhưng
có thể có nhiều quy tắc xuất xứ ưu đãi khác nhau. Quy tắc xuất xứ không ưu
đãi phải được áp dụng trên nguyên tắc không phân biệt đối xử, còn quy tắc
xuất xứ ưu đãi không chịu sự ràng buộc này.
Ở Việt Nam, chỉ có Nghị định 19/2006/NĐ-CP quy định về quy tắc xuất
xứ không ưu đãi nhưng có rất nhiều quy tắc xuất xứ ưu đãi trong các hiệp
định thương mại song phương và đa phương mà nước ta là thành viên. Việt
Nam hiện nay đã ký kết rất nhiều hiệp định với tư cách thành viên ASEAN
hoặc với tư cách riêng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia,
New Zealand, Chile. Đặc biệt, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giữa Việt Nam
và Nhật Bản hiện nay có thể được xác định xuất xứ dựa trên ba quy tắc xuất
xứ ưu đãi (GSP, AJCEP, VJEPA).
[2]
Điều đó cho thấy sự đa dạng, phức tạp của
các quy tắc xuất xứ ưu đãi trong thương mại quốc tế.
Do quy tắc xuất xứ ưu đãi không có tính chất phân biệt đối xử nên
trong nội dung bài viết này, người viết sẽ chỉ xem xét các quy tắc xuất xứ ưu

đãi.
2. Vai trò bảo hộ của quy tắc xuất xứ
Dù Tổ chức Thương mại Thế giới WTO được thành lập với mục đích
tạo ra một sân chơi bình đẳng dựa trên nguyên tắc không phân biệt đối xử,
Điều XXIV Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) vẫn cho phép
lập ra các liên minh hải quan và FTA như một ngoại lệ. Các thành viên WTO
được phép ký kết các FTA và dành cho nhau mức ưu đãi cao hơn mức ưu đãi
tối huệ quốc với điều kiện sẽ không đối xử với các thành viên ngoài FTA kém
ưu đãi hơn so với trước khi FTA được thành lập.
Một cơ chế đối xử đặc biệt khác là hệ thống GSP. Các thành viên phát
triển dành ưu đãi cao hơn mức tối huệ quốc ở một số lĩnh vực và trong một
giai đoạn nhất định cho các thành viên đang và kém phát triển. Cùng với
những cơ chế ưu đãi đặc biệt này, quy tắc xuất xứ trong khuôn khổ các FTA
và các hệ thống GSP ra đời để đảm bảo các ưu đãi được dành cho đúng đối
tượng. Thí dụ, nếu thiếu các yêu cầu về xuất xứ, hàng hóa Trung Quốc sẽ
được nhập khẩu vào Lào sau đó xuất khẩu sang Nhật để lợi dụng các ưu đãi
thuế quan theo hiệp định AJCEP mà Trung Quốc không là thành viên. Khi có
quy tắc xuất xứ, hành vi này trở thành một hình thức gian lận thương mại và
sẽ bị kiểm soát chặt chẽ. Cơ chế này phần nào cho thấy tính chất bảo hộ của
quy tắc xuất xứ trong thương mại quốc tế. Dưới đây, bài viết sẽ phân tích bản
chất bảo hộ này theo mối quan hệ giữa các nước trong và ngoài FTA, các
nước cùng trong FTA, các nước cho hưởng và được hưởng GSP.
2.1. Vai trò bảo hộ của quy tắc xuất xứ giữa các nước trong và
ngoài FTA
Các FTA được thành lập với mục đích để các nước thành viên FTA dành
cho nhau sự ưu đãi cao hơn các nước ngoài FTA. Mỗi FTA sẽ có một quy tắc
xuất xứ với các tiêu chí xuất xứ nhằm xác định hàng hóa xuất khẩu, nhập
khẩu giữa các thành viên FTA có đủ điều kiện hưởng ưu đãi hay không.
Hai sản phẩm nhập khẩu có chất lượng và giá như nhau, nhưng giữa
sản phẩm đáp ứng được và sản phẩm không đáp ứng được tiêu chí xuất xứ

nêu lên trong quy tắc xuất xứ của FTA sẽ có sự chênh lệch về thuế suất. Vì
thuế suất ưu đãi đặc biệt thấp hơn thuế suất ưu đãi tối huệ quốc nên giá bán
trên thị trường nước nhập khẩu của hàng hóa đáp ứng được tiêu chí xuất xứ
của FTA sẽ thấp hơn hàng hóa không đáp ứng được tiêu chí xuất xứ, nếu các
yếu tố khác không đổi. Mức giá chênh lệch tạo ra lợi thế cạnh tranh cho hàng
hóa có xuất xứ từ các nước thành viên FTA so với hàng hóa có xuất xứ ngoài
FTA.
Về mặt nguyên tắc, việc thành lập các FTA không được làm ảnh hưởng
tới các ưu đãi mà các nước thành viên FTA dành cho các nước ngoài FTA
nhưng quy tắc xuất xứ đã khiến hàng hóa của các nước ngoài FTA gặp bất lợi
một cách tương đốikhi thâm nhập thị trường nước nhập khẩu. Thí dụ, mặt
hàng X của Việt Nam và Bangladesh có đơn giá lần lượt là 10 USD và 9 USD
cùng được xuất khẩu vào Nhật Bản. Sau khi hiệp định VJEPA có hiệu lực, giả
sử thuế suất đối với mặt hàng X mà Việt Nam được hưởng là 0% trong thuế
suất áp dụng với Bangladesh vẫn giữ nguyên ở mức 20%. Khi đó, giá sau thuế
của mặt hàng X của Việt Nam từ chỗ cao hơn 1 USD sẽ trở nên thấp hơn 0,8
USD so với Bangladesh. Nói cách khác, quy tắc xuất xứ đã tạo ra sự phân biệt
giữa hàng hóa có xuất xứ trong và ngoài FTA, tạo ra một rào cản đối với
hàng hóa có xuất xứ ngoài FTA. Để giành lại lợi thế cạnh tranh, các quốc gia
ngoài FTA có xu hướng đàm phán tham gia vào FTA hoặc ký kết các FTA
khác. Điều này có thể góp phần lý giải cho sự gia tăng nhanh chóng của các
thỏa thuận ưu đãi thương mại trong khuôn khổ WTO hiện nay.
[3]
Quy tắc xuất xứ càng bộc lộ rõ tính chất bảo hộ khi xét tới việc có sự
tham gia của nhiều quốc gia vào việc sản xuất hàng hóa. Giả sử có bốn nước
A, B, C, D; trong đó B là nước sản xuất với nguyên vật liệu nhập khẩu từ C và
D sau đó xuất khẩu thành phẩm sang nước A. Nếu ba nước A, B, C ký kết một
hiệp định thương mại với quy tắc xuất xứ giả định rằng: hàng hóa xuất khẩu
từ một nước thành viên hiệp định tới một nước thành viên khác phải có hàm
lượng giá trị khu vực tối thiểu 40% mới đủ điều kiện hưởng ưu đãi thuế

quan. Đây là con số khá lớn, vì thế nếu như không áp dụng quy tắc cộng gộp
xuất xứ sẽ rất khó thực hiện
[4]
. Điều này thúc đẩy B nhập khẩu nguyên liệu từ
C (do A, B, C cùng thuộc một FTA nên nguyên liệu nhập khẩu từ C đưa vào B
sản xuất sẽ được cộng gộp xuất xứ theo quy định của đa số các quy tắc xuất
xứ hiện nay) và hạn chế nhập khẩu từ D. Rõ ràng, FTA này không điều chỉnh
việc B nhập khẩu nguyên liệu từ D nhưng quy tắc xuất xứ của nó đã gián tiếp
khiến B chuyển hướng nhập khẩu nguyên vật liệu từ D sang C. Vì thế, trong
trường hợp này, quy tắc xuất xứ đã tạo ra rào cản với D và bảo hộ sản xuất ở
các nước thành viên FTA (A, B và C).
Hiện nay, quá trình sản xuất hàng hóa ngày càng có sự tham gia của
nhiều quốc gia, khiến chuỗi giá trị của sản phẩm được phân chia ngày càng
nhỏ hơn. Các chuyên gia về xuất xứ nhận định con số 30-40% của tiêu chí RVC
rất khó đạt được vì mỗi quốc gia chỉ tham gia vào một khâu nhỏ trong quá
trình tạo ra thành phẩm.
[5]
Để hưởng lợi từ các FTA, các quốc gia sẽ tận dụng
quy định cộng gộp xuất xứ của các quy tắc xuất xứ. Do đó, khi độ chênh lệch
thuế suất trong và ngoài FTA đủ lớn, chuỗi giá trị sẽ có xu hướng “nằm gọn”
trong các FTA, hay các FTA sẽ mở rộng đủ để chứa đựng chuỗi giá trị.
2. 2. Vai trò bảo hộ của quy tắc xuất xứ giữa các nước trong FTA
Việc tạo ra một sân chơi công bằng giữa hàng hóa nội địa và hàng hóa
nhập khẩu là một mục tiêu có tính lý tưởng của WTO. Trong thực tế, sự phân
biệt đối xử vẫn luôn tồn tại thông qua các biện pháp bảo hộ ngày càng tinh vi.
Xem xét mối quan hệ giữa quy tắc xuất xứ và các hiệp định thương mại song
phương, đa phương sẽ cho thấy điều này.
Dù không thể phủ nhận vai trò thúc đẩy thương mại nội vùng của các
FTA nhưng quy tắc xuất xứ có thể coi như chiếc “phanh hãm” nằm trong
chính các FTA. Nếu không có các quy tắc xuất xứ chặt chẽ, một tỷ lệ rất lớn

hàng hóa giữa các nước thành viên FTA sẽ được hưởng ưu đãi và có khả
năng làm gia tăng đột biến lượng nhập khẩu, ảnh hưởng tới sản xuất trong
nước. Các quy tắc xuất xứ phức tạp làm cho việc đáp ứng yêu cầu xuất xứ để
được hưởng ưu đãi theo FTA trở nên khó khăn hơn. Có thể nói, quy tắc xuất
xứ giúp cho FTA không mở hoàn toàn ngay cả với các nước thành viên FTA.
Sự phức tạp này thể hiện ở chỗ có những tiêu chí xuất xứ hết sức khắt
khe. Chẳng hạn quy tắc xuất xứ của Hiệp định thương mại song phương giữa
Hoa Kỳ và Chi-lê áp dụng tiêu chí thay đổi nhóm (CTH) với mặt hàng nước
cam ép (thuộc nhóm 20.09), kèm theo yêu cầu nguyên liệu nhập khẩu không
được phép thuộc nhóm 08.05 (đây là nhóm chứa mặt hàng trái cam). Nghĩa
là, nếu Chi-lê sản xuất nước cam ép từ cam nhập khẩu thì sản phẩm này
không thể có xuất xứ Chi-lê. Các quy định theo dạng này gần như buộc hàng
hóa phải đạt xuất xứ thuần túy hoặc phải có hàm lượng giá trị gia tăng rất
cao. Bên cạnh đó, các nước thành viên FTA có xu hướng đặt ra các tiêu chí
xuất xứ khắt khe hơn với các mặt hàng phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu
để bảo hộ sản xuất trong nước.
Hơn nữa, trong các quy tắc xuất xứ, yêu cầu về cấp và kiểm tra giấy
chứng nhận xuất xứ (C/O) là một nội dung hết sức quan trọng. Không chỉ
phải đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ mà để được hưởng ưu đãi, thương nhân
còn phải xuất trình được C/O phù hợp với chứng từ vận tải, hóa đơn thương
mại và tuân thủ các quy định khác của cơ quan cấp và kiểm tra Chẳng hạn,
trước năm 2011 quy tắc xuất xứ của Hiệp định về khu vực thương mại tự do
ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) không chấp nhận hóa đơn thương mại do một
bên thứ ba cấp cho dù hàng hóa đáp ứng tiêu chí xuất xứ.
[6]
Cho tới nay, yêu
cầu vận đơn phải được cấp ở nước xuất khẩu theo quy định của hiệp định
ATIGA vẫn khiến nhiều thương nhân gặp khó khăn. Vì thế, trong nhiều
trường hợp các thương nhân sẵn sàng từ bỏ ưu đãi về thuế quan, lựa chọn
mức thuế MFN để tiết kiệm thời gian và chi phí liên quan tới xuất xứ hàng

hóa.
Có thể nói, bản thân sự phức tạp của quy định liên quan tới xuất xứ có
tác dụng làm giảm độ hấp dẫn của các ưu đãi trong FTA. Đây chính là một
chiếc khóa an toàn để góp phần bảo hộ thương mại ở một mức độ nhất định
dù các bên tự nguyện tham gia ký kết các hiệp định song phương và đa
phương.
2.3. Vai trò bảo hộ của quy tắc xuất xứ giữa các nước trong các hệ
thống GSP
Không giống như quy tắc xuất xứ trong các FTA được xây dựng dựa
trên thỏa thuận của các nước thành viên, quy tắc xuất xứ trong các chương
trình GSP có tính áp đặt một chiều của bên cho hưởng đối với bên được
hưởng, vì thế tính chất rào cản của nó còn rõ rệt hơn. Chẳng hạn, quy tắc
xuất xứ GSP của EU tính hàm lượng nội địa của hàng hóa theo giá EXW thay
vì giá FOB, và với nhiều hàng hóa hàm lượng nội địa được yêu cầu lên tới
50%. Đây là tiêu chí xuất xứ rất khắt khe do hàm lượng giá trị gia tăng phải
bằng một nửa giá xuất xưởng. Chưa kể, tương tự trong các FTA, quy tắc xuất
xứ trong các hệ thống GSP cũng yêu cầu rất phức tạp về vận chuyển thẳng
cũng như hồ sơ chứng từ, gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi tiến hành
các thủ tục xin hưởng ưu đãi. Quy tắc xuất xứ theo chiều hướng cản trở như
vậy sẽ hạn chế đáng kể số hàng hóa đáp ứng tiêu và làm giảm nhu cầu chứng
minh xuất xứ để hưởng ưu đãi của các doanh nghiệp.
Mặt khác, quy tắc xuất xứ của các hệ thống GSP đều đề cập tới việc
cộng gộp xuất xứ giữa nước cấp và nước được hưởng (cộng gộp song
phương). Qui tắc này khiến các nước được hưởng ưu đãi có động lực dùng
nguyên vật liệu, bán thành phẩm của nước cấp GSP để sản phẩm xuất khẩu
đáp ứng được tiêu chí xuất xứ đặt ra. Mối quan hệ thương mại giữa nước cho
hưởng và nước được hưởng GSP về bản chất mang đặc điểm của hoạt động
gia công, bởi lẽ nước cho hưởng cung cấp nguyên vật liệu, sau đó sẽ nhận lại
thành phẩm. Giá trị gia tăng mà các nước được hưởng GSP tạo ra sau khi
khấu trừ đi phần nguyên vật liệu của nước cho hưởng thực tế không cao.

Có một số ý kiến cho rằng các nước cấp GSP sẽ gặp bất lợi nếu tạo ra
rào cản cho các nước được hưởng vì các nước được hưởng chủ yếu xuất
khẩu sản phẩm thô, rất thiết yếu đối với hoạt động sản xuất tại các nước cho
hưởng; và một mức thuế nhập khẩu kém ưu đãi sẽ không có lợi cho chi phí
sản xuất nội địa. Về luận điểm này cần lưu ý rằng, với các mặt hàng như
khoáng sản, nhiên liệu tiêu chí xuất xứ cần đáp ứng là xuất xứ thuần túy.
Đặc trưng của nhóm sản phẩm này khiến việc đáp ứng tiêu chí xuất xứ thuần
túy gần như đương nhiên. Do đó, sự khắt khe của quy tắc xuất xứ trong các
hệ thống GSP không ảnh hưởng tới nhóm sản phẩm thô mà chủ yếu nhằm
vào các sản phẩm xuất khẩu có gia công chế biến và có khả năng cạnh tranh
với hàng hóa nội địa tại các nước cho hưởng như gia dày, dệt may, thủ công
mỹ nghệ
Có thể thấy, về mặt hình thức, các nước cho hưởng GSP dường như đã
cấp ưu đãi sâu rộng cho các nước đang và kém phát triển, nhưng nhờ vào
quy tắc xuất xứ, các nước này đã thu hẹp mức độ ưu đãi và thúc đẩy các nước
được hưởng sử dụng nguyên vật liệu, bán thành phẩm của mình. Quy tắc
xuất xứ trong chế độ GSP thường yêu cầu cao hơn so với các FTA, điều này
khiến cho việc được hưởng ưu đãi trở nên hết sức khó khăn nếu nước được
hưởng ưu đãi không sử dụng nguyên vật liệu, bán thành phẩm của nước cho
hưởng. Từ đó, có thể thấy quy tắc xuất xứ đóng vai trò như một van an toàn
để điều chỉnh ảnh hưởng của cam kết ưu đãi trong các hệ thống GSP và góp
phần bảo hộ sản xuất trong nước tại các nước cho hưởng.
3. Kết luận
Dù xét từ mối quan hệ nào, cũng có thể thấy các quy tắc xuất xứ có tác
dụng như một công cụ chính sách với nhiều mục đích. Một mặt, quy tắc xuất
xứ góp phần làm giảm lợi thế cạnh tranh của các nước nằm ngoài FTA, tăng
cường thương mại vào giữa các nước thành viên FTA và thúc đẩy thương
mại song phương giữa nước cho hưởng và nước được hưởng GSP. Mặt khác,
quy tắc xuất xứ với các tiêu chí xuất xứ khắt khe và quy định phức tạp về cấp
và kiểm tra C/O có tác dụng giới hạn độ mở của các FTA và các hệ thống GSP,

để chính các nước tham gia FTA hoặc các nước cho hưởng GSP tránh được sự
gia tăng nhập khẩu ngoài khả năng kiểm soát do ảnh hưởng của các ưu đãi
cao hơn mức MFN. Vì thế, quy tắc xuất xứ có cả tác dụng hướng ngoại và
hướng ngoại trong việc bảo hộ thị trường nội địa.
Có thể nói quy tắc xuất xứ phản ánh một điểm hết sức quan trọng của
thương mại quốc tế: xu hướng “mở” là chủ đạo tồn tại song song cùng các
biện pháp “đóng”, tự do hóa tồn tại song song với bảo hộ. Đây là mâu thuẫn
nội tại của hệ thống thương mại toàn cầu, là hai mặt của một vấn đề do
những yếu tố kinh tế và chính trị phức tạp quyết định.
Tài liệu tham khảo
1. Công ước Kyoto (sửa đổi) về đơn giản hóa và hài hóa hóa thủ tục hải
quan
2. Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT)
3. Hiệp định về quy tắc xuất xứ của WTO
4. Nghị định 19/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 2 năm 2006 của Chính phủ
quy định chi tiết Luật thương mại về xuất xứ hàng hóa
5. Quy tắc xuất xứ trong các hiệp định thương mại song phương và đa
phương Hoa Kỳ - Chi-lê, ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Nhật Bản, Việt
Nam - Nhật Bản.
6. Quy tắc xuất xứ trong chương trình GSP của EU và Nhật Bản
7. Patrick Low, Global supply chain and trade policy (tài liệu hội thảo tại
Viện Nghiên cứu Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản - RIETI
ngày 30/8/2012)
8. Stefano Inama, Rules of Origin in International Trade, Cambridge
University Press, 2009, ISBN-13: 9780521851909
9. Website của Tổ chức Thương mại Thế giới: www.wto.org
10.Website của Tổng cục Hải quan Việt Nam: www.customs.gov.vn
Tóm tắt
Bài viết này trình bày khái quát những vấn đề lý luận cơ bản về quy tắc
xuất xứ trong thương mại quốc tế và phân tích tính chất bảo hộ của quy tắc

xuất xứ từ các góc độ khác nhau. Bài viết chỉ ra rằng quy tắc xuất xứ ưu đãi
là một công cụ chính sách quan trọng. Một mặt, quy tắc xuất xứ có tác dụng
chuyển hướng nhập khẩu khiến cho các nước trong các khu vực mậu dịch tự
do tăng cường thương mại nội khối và các nước được hưởng ưu đãi thuế
quan phổ cập nhập khẩu nhiều hơn từ các nước cho hưởng. Mặt khác, sự
phức tạp của quy tắc xuất xứ có tác dụng làm giảm độ mở của các thỏa
thuận ưu đãi thương mại. Về bản chất, quy tắc xuất xứ là một công cụ nhằm
bảo hộ sản xuất trong nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu
vực ngày càng mạnh mẽ.
Abstract
The article aims at presenting fundamental theoretical issues on rules
of origin in international trade and analyzing the protectionist
characteristics of such rules from different aspects. The article has pointed
out that preferential rules of origin is a crucial policy instrument. On the one
hand, rules of origin function to redirect importation, enabling intra-trade
among FTAs’ members and encouraging GSP beneficiaries to import more
from their donors. On the other hand, complicated rules of origin narrows the
openness of preferential trade agreements. By nature, rules of origin is a
protectionist instrument which embraces domestic production in a context of
deeper international and regional economic integration.
Từ khóa: xuất xứ hàng hóa, quy tắc xuất xứ, FTA, GSP, bảo hộ
*Tác giả: Giảng viên Bộ môn Giao dịch thương mại quốc tế
Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, ĐHNT
Trong các quy tắc xuất xứ, hàng hóa được coi là đáp ứng được tiêu chí xuất
xứ nếu đáp ừng được riêng rẽ hay đồng thời một trong các tiêu chí xuất xứ.
Tiêu chí thứ nhất là tiêu chí về sự chuyển đổi từ mã số này sang mã số khác
trong biểu thuế quan được xây dựng dựa trên Công ước quốc tế về Hệ thống
hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa của Tổ chức Hải quan Thế giới (The
international Convention on harmonized commodity description and coding
system) thường được biết đến với tên gọi ngắn gọn là Danh mục HS. Sự

chuyển đổi này được gọi chung là chuyển đổi mã số thuế quan (change in
tariff classification - CTC), có thể xảy ra ở nhiều cấp độ, chẳng hạn cấp độ
chương (change in chapter - CC), cấp độ nhóm (change in tariff heading -
CTH), cấp độ phân nhóm (CTSH). Tiêu chí thứ hai là tiêu chí về hàm lượng giá
trị gia tăng mà hàng hóa phải đạt được sau quá trình gia công chế biến (local
value-added content). Tiêu chí giá trị gia tăng được biết đến trong các FTA
với tên gọi hàm lượng giá trị khu vực (regional value content - RVC). Tiêu chí
thứ ba được biết đến với tên gọi tiêu chí sản phẩm cụ thể (product specific
rule - PSR) hay tiêu chí gia công (processing criterion) vì tiêu chí này được
xây dựng trên cơ sở liệt kê các công đoạn chế biến cụ thể mà hàng hóa phải
trải qua để được coi là có xuất xứ tại một quốc gia hoặc một khu vực.
Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập GSP của Nhật Bản dành cho Việt
Nam sẽ kéo dài tới năm 2021. ASEAN và Nhật Bản ký kết Hiệp định đối tác
kinh tế toàn diện (ASEAN - Janpan Comprehensive Economic Partnership
Agreement - AJCEP) có hiệu lực từ 1/12/2008. Việt Nam và Nhật Bản ký kết
Hiệp định đối tác kinh tế (Vietnam - Japan Economic Partnership Agreement -
VJEPA) có hiệu lực từ 1/10/2009. Chương trình GSP và hai hiệp định này đều
có quy tắc xuất xứ riêng. Thương nhân sẽ được lựa chọn mức thuế suất thấp
nhất trong số các biểu thuế GSP, AJCEP hoặc VJEPA miễn là hàng hóa đáp ứng
được tiêu chí của quy tắc xuất xứ tương ứng.
Theo WTO, tính đến đầu năm 2013, có 546 thỏa thuận về ưu đãi thương mại
các loại được thông báo, trong đó có 354 hiệp định đang được thực thi
( truy cập
7/5/2013).
Cộng gộp xuất xứ khi xác định xuất xứ theo các quy tắc xuất xứ trong các FTA
khái niệm để chỉ việc giá trị của nguyên vật liệu có xuất xứ từ một nước
thành viên sẽ được cộng gộp vào giá trị của thành phẩm được sản xuất tại
quốc gia thành viên khác khi xác định xuất xứ của thành phẩm. Chẳng hạn
nguyên vật liệu xuất xứ Lào có giá trị 15 USD được nhập khẩu vào Việt Nam
để sản xuất một thành phẩm với giá trị cuối cùng là 100 USD, trong đó phần

giá trị gia tăng được tạo ra khi gia công, chế biến ở Việt Nam là 20. Nếu như
không được cộng gộp phần nguyên vật liệu của Lào thì theo tiêu chí RVC tối
thiểu 35% của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), mặt hàng
này không đủ điều kiện được coi là có xuất xứ Việt Nam. Chính quy tắc cộng
gộp đã giúp cho hàng hóa thành phẩm này có xuất xứ Việt Nam và được
hưởng ưu đãi thuế quan theo hiệp định này.
(truy cập 7/5/2013)
Xem thêm Công văn số 2706/TCHQ-GSQL ngày 7/6/2011 của Tổng cục Hải
quan hướng dẫn các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện đối với C/O mẫu
E được phát hành từ ngày 01/01/2011.

×