Tải bản đầy đủ (.docx) (15 trang)

tạp chí kinh tế đối ngoại đề tài VAI TRÒ CỦA MÔI TRƯỜNG PHÁP LÝ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG THANH TOÁN QUỐC TẾ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (147.01 KB, 15 trang )

VAI TRÒ CỦA MÔI TRƯỜNG PHÁP LÝ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG THANH TOÁN
QUỐC TẾ
VAI TRÒ CỦA MÔI TRƯỜNG PHÁP LÝ
ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG THANH TOÁN QUỐC TẾ
Thạc sĩ Đỗ Viết Anh Thái
[1]
Tạp chi KTĐN số 62
Môi trường pháp lý có vai trò quan trọng đối với hoạt động thanh toán
quốc tế. Tuy nhiên để có thế thấy rõ vai trò của môi trường pháp lý đối với
hoạt động thanh toán quốc tế, cần phải làm rõ khái niệm về môi trường pháp
lý, về hoạt động thanh toán quốc tế và trên cơ sở đó phân tích vai trò của môi
trường pháp lý đối với hoạt động thanh toán quốc tế. Đó cũng là ba nội dung
cơ bản của bài viết này.
1. Khái niệm và đặc điểm của hoạt động thanh toán quốc tế
Cho đến nay, khái niệm về hoạt động thanh toán quốc tế (TTQT) vẫn là
vấn để còn bỏ ngỏ, chưa có nhiều tác giả đi sâu phân tích để đi đến sự thống
nhất về khái niệm này.
Giáo sư Đinh Xuân Trình, trong Giáo trình Thanh toán Quốc tế, không đưa
ra khái niệm về hoạt động TTQT mà đưa ra khái niệm về TTQT:“Thanh toán
quốc tế là tổng hợp các yếu tố cấu thành cơ chế thanh toán giữa các quốc gia
như quy định về chủ thể tham gia thanh toán, lựa chọn tiền tệ, các công cụ và
các phương thức đòi và hoặc chi trả tiền tệ” và “Tổng hợp các yếu tố cấu
thành cơ chế đó tạo thành thanh toán quốc tế giữa các quốc gia” (Đinh Xuân
Trình, 2006, tr.11). Tác giả Nguyễn Văn Tiến, trong cuốn sách Thanh toán
quốc tế và tài trợ ngoại thương, cũng không nêu ra khái niệm về hoạt động
TTQT mà nêu khái niệm về TTQT, theo đó “Thanh toán quốc tế là việc thực
hiện các nghĩa vụ chi trả và quyền hưởng lợi về tiền tệ phát sinh trên cơ sở
các hoạt động kinh tế và phi kinh tế giữa các tổ chức, cá nhân nước này với
tổ chức cá nhân nước khác, hay giữa một quốc gia với tổ chức quốc tế thông
qua quan hệ giữa các ngân hàng của các nước liên quan” (Nguyễn Văn Tiến,
2005, tr.100). Về mặt pháp lý, Nghị định số 64/2001/NĐ-CP ngày 20 tháng 9


năm 2001 của Chính phủ về hoạt động thanh toán qua các tổ chức cung ứng
dịch vụ thanh toán không đưa ra khái niệm về hoạt động TTQT mà đưa ra
khái niệm về hoạt động thanh toán, theo đó “Hoạt động thanh toán là việc
mở tài khoản, thực hiện dịch vụ thanh toán, tổ chức và tham gia các hệ thống
thanh toán của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và việc mở tài
khoản, sử dụng dịch vụ thanh toán của người sử dụng dịch vụ thanh
toán” (Điều 3 khoản 1 của Nghị định). Nghị định này cũng quy định rằng nó
được áp dụng cho các hoạt động TTQT.
Trên cơ sở phân tích một số quan điểm nêu trên về khái niệm TTQT người
viết cho rằng có thể có nhiều cách tiếp cận khác nhau về khái niệm hoạt động
TTQT nhưng cách tiếp cận đúng đắn nhất là cách tiếp cận nhấn mạnh vào
yếu tố quốc tế của hoạt động này, từ cả góc độ vĩ mô và góc độ vi mô. Từ góc
độ vĩ mô, hoạt động TTQT liên quan đến ít nhất là hai quốc gia với nhau và từ
góc độ vi mô, hoạt động TTQT liên quan đến các doanh nghiệp, các ngân hàng
của các nước khác nhau với nhau khi họ tham gia vào các quan hệ TTQT. Về
nội dung, hoạt động TTQT là những hoạt động liên quan đến việc mở tài
khoản, thực hiện dịch vụ thanh toán, tổ chức và tham gia các hệ thống thanh
toán của các ngân hàng thương mại ở các nước khác nhau. Ngoài ra, nói đến
hoạt động TTQT là nói đến ngoại tệ vì tiền tệ thanh toán phần lớn là ngoại tệ
tự do chuyển đổi và nói đến mối quan hệ giữa các ngân hàng trong hệ thống
ngân hàng của một nước với các ngân hàng trong hệ thống ngân hàng nước
ngoài khi tham gia hoạt động TTQT.
Từ những phân tích ở trên, có thể nêu khái niệm về hoạt động TTQT như
sau: Hoạt động TTQT là những hoạt động thanh toán có yếu tố quốc tế liên
quan đến các quốc gia
khác nhau, các DN và ngân hàng ở các nước khác nhau với nhau xung quanh
việc mở tài khoản, cung cấp dịch vụ thanh toán, tổ chức và tham gia vào hệ
thống thanh toán liên quan đến các hoạt động XNK hàng hóa và dịch trong
thương mại quốc tế. Đây là cách hiểu rộng, có tính bao quát về hoạt động
TTQT nhưng nhấn mạnh vào yếu tố quốc tế của hoạt động TTQT và do đó yếu

tố quốc tế cũng chính là đặc điểm của hoạt động TTQT.
So với hoạt động thanh toán trong nước, hoạt động TTQT có các đặc điểm
dưới đây:
-Đặc điểm về các bên tham gia. Nhà nước tham gia vào hoạt động
thanh toán nằm thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Chức năng quản lý
nhà nước thường thể hiện ở việc ban hành các văn bản pháp luật về TTQT
theo thẩm quyền nhằm tạo lập môi trường pháp lý phù hợp cho hoạt động
TTQT phát triển; cấp phép, đình chỉ hoạt động thanh toán đốivới các tổ chức
tín dụng và các tổ chức khác; nghiên cứu, đề xuất chính sách mở rộng và phát
triển TTQT không dùng tiền mặt; kiểm tra, thanh tra và xử lý theo thẩm
quyền đối với các hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức cung ứng dịch vụ
TTQT và người sửdụng dịch vụ TTQT.Trong hoạt động TTQT, chức năng quản
lý nhà nước có đặc điểm là chức năng này liên quan đến ít nhất là hai Nhà
nước. Vì vậyđể thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động TTQT, các
quốc gia phải có sự hợp tác chặt chẽ với nhau trong việc xây dựng môi
trường pháp lý phù hợp cho hoạt động TTQT phát triển ở phạm vi từng nước
cũng như ở phạm vi quốc tế. Như vậy, vai trò và chức năng của các Nhà nước
khi tham gia vào hoạt động TTQT sẽ phức tạp hơn, nặng nề hơn so với chức
năng quản lý hoạt động thanh toán nội địa. Các doanh nghiệp (DN) tham
gia vào hoạt động TTQT là những DN có nhu cầu mở tài khoản để thực hiện
nghĩa vụ trả tiền theo các giao dịch hoặc theo hợp đồng thương mại quốc
tế.Tuy nhiên, trong hoạt động TTQT, nghĩa vụ trả tiền thường phát sinh từ
việc thực hiện các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và theo quy định của
pháp luật quốc tế
[2]
cũng như pháp luật quốc gia
[3]
, chủ thể của các hợp đồng
này phải là các thương nhân có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đáp
ứng các yêu cầu để được ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa và dịch vụ quốc

tế, do đó, trong thực tế, các bên có nhu cầu mở tài khoản để trả tiền cho đối
tác nước ngoài là các DN XNK. Ngân hàng thương mại là tổ chức được
cung ứng dịch vụ thanh toán theo quy định của pháp luật. Ví dụ ở Việt Nam,
tổ chức được quyền cung cấp dịch vụ thanh toán là Ngân hàng Nhà nước,
ngân hàng, tổ chức khác được làm dịch vụ thanh toán
[4]
. Theo quy định của
Luật các Tổ chức Tín dụng năm 2010, chỉ những tổ chức nào được quyền
thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng thì mới có chức năng cung cấp dịch
vụ thanh toán. Riêng với hoạt động TTQT ở Việt Nam, Điều 7 khoản 3 của
Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 khẳng định rằng“Mọi giao dịch thanh toán và
chuyển tiền liên quan đến XNK hàng hóa và dịch vụ phải thực hiện thông qua
tổ chức tín dụng được phép”. Điều này có nghĩa là ở Việt Nam, chỉ có các
ngân hàng thương mại mới được tham gia vào hoạt động TTQT.
-Đặc điểm về nội dung của hoạt động TTQT. Hoạt động TTQT có nội
dung rất rộng, bao gồm việc mở tài khoản ngoại tệ, thực hiện dịch vụ thanh
toán, tổ chức và tham gia các hệ thống thanh toán của các NHTM của các
nước khác nhau và việc mở tài khoản, sử dụng dịch vụ thanh toán của
các DN XNK ở các nước khác nhau. Nói cách khác, hoạt động TTQT bao gồm
nhiều khâu và liên quan đến tất cả các bên tham gia như Chính phủ các
nước, DN các nước, ngân hàng các nước, còn dịch vụ TTQT chủ yếu liên quan
đến DN XNK và ngân hàng các nước khi các DNXNK ở nước này phải thực
hiện việc trả tiền cho DN ở nước khác. Dù hiểu theo cách nào thì điều quan
trọng mà các bên tham gia vào hoạt động TTQT phải chú ý là sẽ dùng đồng
tiền nào làm đồng tiền thanh toán trong hoạt động TTQT.
-Đặc điểm về đồng tiền thanh toán.Đồng tiền thanh toán trong hoạt
động TTQT là đơn vị tiền tệ được sử dụng để thanh toán công nợ phát sinh từ
các hoạt động thương mại quốc tế hoặc thanh toán tiền hàng hóa và dịch vụ
theo quy định của hợp đồng XNK trong đó việc thanh toán tiền hàng từ hợp
đồng XNK chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động TTQT. Đồng tiền thanh

toán trong hợp đồng XNK có thể là đồng tiền nội tệ của nước mình hoặc đồng
nội tệ của nước bạn hàng. Với các nước đang phát triển như Việt Nam, là
những nước có đồng nội tệ chưa được tự do chuyển đổi, đồng tiền thanh toán
trong hoạt động TTQT và theo quy định trong các hợp đồng XNK thường là
ngoại tệ. Tùy theo sự thỏa thuận giữa các bên hoặc theo tập quán buôn bán
trong thương mại quốc tế, đồng tiền ngoại tệ dùng để thanh toán cho các
giao dịch TMQT là đồng USD, EURO, GBP… Vì vậy, các DN có liên quan thường
phải chú ý nghiên cứu các quy định của Nhà nước về tỷ giá hối đoái, về chính
sách tiền tệ, về sự ổn định hay biến động của đồng ngoại tệ để cân nhắc nên
sử dụng đồng tiền thanh toán trong hoạt động TTQT của mình.
2. Môi trường pháp lý và các yếu tố cấu thành môi trường pháp lý của hoạt
động thanh toán quốc tế
Khái niệm về môi trường pháp lý cho hoạt động thanh toán quốc tế chưa
được phân tích nhiều trong các sách báo và công trình nghiên cứu. Có chăng
là khái niệm về môi trường. Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học
(do NXB Đà Nẵng phát hành năm 1997) “môi trường là nơi xảy ra một hiện
tượng hoặc diễn ra một quá trình trong mối quan hệ với hiện tượng, quá
trình ấy” (Từ điển Tiếng Việt, 1997, tr.618). Khái niệm này nhấn mạnh vào
mối quan hệ giữa hiện tượng, sự vật với môi trường, tức là nơi phát sinh ra
chúng. Từ điển Tiếng Việt (Tường giải và liên tưởng) cho rằng môi trường là
khái niệm bao gồm hai nội dung trong đó nội dung thứ nhất chỉ “Toàn thể
hoàn cảnh tự nhiên tạo thành những điều kiện sống bên ngoài của một sinh
vật” và nội dung thứ hai chỉ “ Toàn thể hoàn cảnh xã hội (phong tục, tập
quán, tín ngưỡng, văn hóa, nghề nghiệp, gia đình…) chung quanh con người,
có ảnh hưởng đến đời sống và sự phát triển của con người” (Từ điển Tiếng
Việt, 1999, tr.529). Khái niệm này nhìn nhận môi trường từ hai góc độ là môi
trường tự nhiên của một sinh vật và môi trường xã hội của con người. Mặc
dù có cách nhìn nhận khác nhau nhưng những quan điểm nêu trên có điểm
chung là đã xem xét khái niệm về môi trường như là tổng hòa các yếu tố về tự
nhiên và xã hội ở xung quanh con người và có tác động đến sự hình thành,

tồn tại và phát triển của cả xã hội loài người nói chung và của con người nói
riêng. Tác giả Nguyễn Thị Mơ, trong công trình nghiên cứu khoa học cấp
Bộ
[5]
có tên gọi “ Môi trường pháp lý cho hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và
vừa ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và giải pháp” đã đưa ra khái niệm về
môi trường pháp lý của doanh nghiệp vừa và nhỏ, theo đó cho rằng “Môi
trường pháp lý của doanh nghiệp vừa và nhỏ là tổng hòa các yếu tố pháp lý
tác động, ảnh hưởng đến sự hình thành, tồn tại, phát triển và tiêu vong của
doanh nghiệp vừa và nhỏ” (Nguyễn Thị Mơ, 1997, tr.16).
Từ những phân tích ở trên, có thể hiểu môi trường pháp lý của hoạt động
TTQT là môi trường xã hội, nơi có sự hiện diện và sự tác động của pháp luật
nói chung và của các yếu tố pháp lý có liên quan đến hoạt động. Một cách đầy
đủ hơn, môi trường pháp lý của hoạt động TTQT là tất các yếu tố pháp lý tác
động đến quan hệ của các chủ thể pháp luật khi các chủ thể này tham gia vào
hoạt động TTQT. Môi trường pháp lý của hoạt động TTQT được cấu thành bởi
ít nhất là 02 yếu tố cơ bản dưới đây:
Hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động TTQT là yếu tố đầu tiên cấu
thành môi trường pháp lý của hoạt động TTQT. Điều này có nghĩa làhoạt
động TTQT cũng chịu sự điều chỉnh của pháp luật. Nói cách khác, khi tham
gia vào hoạt động TTQT, các bên tham gia phải thực hiện đúng quy định của
pháp luật, ví dụ như quy định về vai trò và chức năng của Nhà nước trong
việc xây dựng chính sách về tỷ giá, về kiểm tra, giám sát hoạt động TTQT; quy
định về điều kiện để DN được mở tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ tại
ngân hàng, điều kiện để DN được mua ngoại tệ để chi trả tiền cho khách hàng
nước ngoài, điều kiện để NH được cung cấp dịch vụ TTQT và chuyển tiền ra
nước ngoài…Khác với hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động thanh toán
trong nước, hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động TTQT phức tạp hơn vì
nó không chỉ bao gồm luật của một nước mà bao gồm luật của ít nhất là hai
nước (nước XK và nước NK), luật quốc tế (các hiệp định về thanh toán quốc

tế có liên quan…) và các tập quán quốc tế hình thành và được thừa nhận
rộng rãi trong thực tiễn của hoạt động TTQT.
Cơ chế bảo đảm để các quy định của pháp luật về hoạt động TTQT được
thi hành nghiêm minh là yếu tố thứ hai cấu thành môi trường pháp lý
của hoạt động TTQT. Khi nói đến cơ chế bảo đảm để các quy định của pháp
luật về hoạt động TTQT được thi hành nghiêm minh là nói đến các cơ quan có
thẩm quyền xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp và các chế tài được áp dụng
khi có những vi phạm pháp luật về hoạt động TTQT. Như đã phân tích ở trên,
vì hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động TTQT bao gồm cả điều ước quốc
tế, luật quốc gia và tập quán quốc tế, do đó cơ chế bảo đảm để các quy định
của pháp luật về hoạt động TTQT được thi hành nghiêm minh được quy định
cả trong luật quốc tế, trong luật quốc gia và trong các tập quán quốc tế liên
quan đến hoạt động TTQT.
3. Vai trò của môi trường pháp lý đối với hoạt độngthanh toán quốc tế.
3.1. Môi trường pháp lý, thông qua hệ thống pháp, có vai trò tạo lập cơ
sở pháp lý vững chắc để hoạt động thanh toán quốc tế phát triển
-Pháp luật xác định địa vị pháp lý của các chủ thể là các doanh nghiệp và
các ngân hàng trong nền kinh tế thị trường khi họ tham gia vào hoạt động
TTQT. Địa vị pháp lý của các chủ thể là DN khi họ tham gia vào hoạt động
TTQT liên quan đến quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chính DN khi tham
gia vào hoạt động này. Ví dụ, hợp đồng XNK hàng hóa đã ký giữa một DN Việt
Nam với một DN của Hoa Kỳ, theo đó quy định bên mua là DN Việt Nam sẽ
phải trả tiền hàng cho bên bán là DN Hoa Kỳ bằng phương thức tín dụng
chứng từ (L/C) và đồng tiền thanh toán là đồng USD. Trong ví dụ này có sự
tham gia của hai DN XNK ở hai nước khác nhau và đồng tiền thanh toán là
ngoại tệ đối với DN Việt Nam. DN nhập khẩu Việt Nam muốn thanh toán tiền
hàng cho DN xuất khẩu Hoa Kỳ thì phải nghiên cứu các quy định của Việt
Nam về chính sách tỷ giá, về việc chuyển tiền ra nước ngoài và đặc biệt phải
lựa chọn một ngân hàng có uy tín để mở L/C. Ngoài ra, việc mua và nhận
USD, việc mở tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ, việc chi trả cho người bán

nước ngoài và thậm chí cả việc nhận tiền hàng bằng ngoại tệ … đều phải tuân
thủ các quy định của pháp luật quốc gia (nước người bán và nước người
mua), của pháp luật quốc tế … nếu có. Nếu vi phạm quy định này thì các DN sẽ
phải chịu trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật. Ví dụ, theo quy định
tại Điều 7 của Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005, các DN Việt Nam được phép
mua ngoại tệ để thanh toán NK hàng hóa và dịch vụ nhưng chỉ được mua
ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng được phép và phải chuyển toàn bộ ngoại tệ
có được từ việc XK hàng hóa và dịch vụ vào tài khoản ngoại tệ mở tại các tổ
chức tín dụng được phép ở Việt Nam. Về mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài,
Điều 23 quy định rằng các DN Việt Nam có chi nhánh, văn phòng đại diện ở
nước ngoài hoặc có nhu cầu mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài để thực hiện
hợp đồng với bên nước ngoài phải được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho
phép…Và Điều 43 quy định rất rõ rằng tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm
các quy định của Pháp lệnh này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị
xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây
thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Điều 10 Luật các Tổ
chức Tín dụng năm 2010 của Việt Nam (Luật TCTD) quy định rằng các ngân
hàng cung cấp dịch vụ TTQT phải có nghĩa vụ từ chối việc điều tra, phong tỏa,
cầm giữ, trích chuyển tiền gửi của khách hàng, trừ trường hợp có yêu cầu
của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được
sự chấp nhận của khách hàng. Điều 11 quy định rõ rằng các tổ chức tín dụng,
chi nhành ngân hàng nước ngoài phải có trách nhiệm xây dựng quy định nội
bộ về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố; không được che dấu hoạt động
kinh doanh liên quan đến khoản tiền đã có bằng chứng về nguồn gốc bất hợp
pháp; không đượcthực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền, tài trợ
khủng bố và phải hợp tác với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc
điều tra hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố…
- Pháp luật thừa nhận giá trị của các tập quán quốc tế và cho phép áp
dụng luật nước ngoài trong hoạt động TTQT. Hoạt động TTQT có thể chịu sự
điều chỉnh và tác động của pháp luật nhiều nước và của cả tập quán quốc tế.

Do vậy, điều quan trọng là pháp luật quốc gia của mỗi nước phải thừa nhận
giá trị pháp lý của các tập quán quốc tế trong TTQT cũng như cho phép
các DN, NH nước mình được quyền áp dụng luật nước ngoài khi cần thiết.
Trong thực tiễn TTQT, pháp luật hầu hết các nước trên thế giới đều thừa
nhận giá trị pháp lý của các tập quán về TTQT như UCP 600 hay URC 522…và
cho phép các bên được quyền chọn luật nước ngoài để giải quyết tranh chấp
về TTQT nếu các bên chấp nhận luật nước ngoài hay các tập quán quốc tế
đó.Ví dụ, Điều 3 Luật TCTD năm 2010 cho phép các tổ chức, cá nhân tham gia
hoạt động ngân hàng được quyềnthỏa thuận áp dụng tập quán thương mại,
gồm Tập quán thương mại quốc tế do Phòng Thương mại Quốc tế ban
hành và Tập quán thương mại khác không trái với pháp luật của Việt Nam
[6]
.
Tương tự như vậy, Điều 5.2 Luật Thương mại Việt Nam năm 2005 quy
định:“Các bên trong giao dịch thương mại có yếu tố nước ngoài được thoả
thuận áp dụng pháp luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế nếu pháp
luật nước ngoài, tập quán thương mại quốc tế đó không trái với các nguyên
tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”.
Những phân tích ở trên cho thấy vai trò của môi trường pháp lý thể hiện
ở chính vai
tròtạo lập cơ sở pháp lý vững chắc để hoạt động thanh toán quốc tế phát
triển.
3.2. Vai trò của môi trường pháp lý đối với hoạt động thanh toán quốc
tế thể hiện thông qua cơ chế bảo đảm để các quy định của pháp luật
được thi hành nghiêm minh
-Các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động TTQT được thành lập và hoạt
động đã
góp phần tăng cường sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước đối với hoạt động
TTQT. Để hướng dẫn các bên tham gia vào hoạt động TTQT thực hiện các
hoạt động này theo đúng pháp luật, các nước thường thành lập cơ quan

quản lý nhà nước đối với hoạt động này. Cơ quan này ở Hoa Kỳ là Cục dự trữ
Liên Bang Mỹ, ở EU là Ngân hàng EU… Hoạt động của các cơ quan này đều
được luật hóa một cách cụ thể trong các văn bản pháp luật với chức năng,
nhiệm vụ và quyền hạn rõ ràng. Ví dụ ở Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước
đối với hoạt động TTQT bao gồm Chính phủ, Ngân hàng nhà nước, Bộ, các cơ
quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các cấp. Điều 158 LTCTD năm 2010 quy
định: 1). Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng
trong phạm vi cả nước; 2). Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm trước
Chính phủ thực hiện việc quản lý nhà nước vềtổ chức, hoạt động của các tổ
chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; 3). Bộ, cơ quan ngang bộ
trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quản lý nhà
nước đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy
định của pháp luật; 4). Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện việc quản lý nhà
nước đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động
tại địa phương theo quy định của pháp luật.Điều 157 quy định rằng,
trong trường hợp cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, Ngân
hàng Nhà nước có quyền phong tỏa một phần hoặc toàn bộ vốn, tài sản của
chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Điều 146 quy định trách nhiệm của Ngân
hàng Nhà nướctrong việc kiểm tra, phát hiện kịp thời những trường hợp có
nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán và khi phát hiện
những trường hợp có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh
toán thì Ngân hàng Nhà nướcphải đặt các ngân hàng nàydưới sự kiểm soát
trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước…Những quy định nêu trên không chỉ góp
phận tạo lập môi trường pháp lý lành mạnh cho sự phát triển của các hoạt
động TTQT mà còn tạo lập cơ chế bảo đảm để pháp luật về hoạt động TTQT
được thi hành nghiêm minh
- Sự đa dạng hóa các hình thức giải quyết tranh chấp trong hoạt động
thanh toán quốc tế có vai trò quan trọng trong việc tạo cơ sở để các bên
được tự do lựa chọn hình thức phù hợp để giải quyết tranh chấp phát
sinh. Tranh chấp về thực hiện các phương thức và quy trình TTQT là tranh

chấp mang tính thương mại. Các bên trong tranh chấp là các DN XNK và các
ngân hàng thương mại, do đó, theo quy định của pháp luật, một khi tranh
chấp về hoạt động TTQT phát sinh, các bên có thể lựa chọn các phương thức
như thương lượng, hòa giải, tòa án hoặc trọng tài để giải quyết tranh chấp.
Ví dụ, Điều 317 Luật Thương mại Việt Nam năm 2005 quy định các hình thức
giải quyết tranh chấp: “1.Thương lượng giữa các bên; 2. Hòa giải giữa các
bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chon làm
trung gian hòa giải; 3. Giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án.Thủ tục giải quyết
tranh chấp trong thương mại tại Trọng tài, Toà án được tiến hành theo các
thủ tục tố tụng của Trọng tài, Toà án do pháp luật quy định”. Mỗi một hình
thức giải quyết nêu ở trên đều phải tuân theo thủ tục, quy trình do pháp luật
quy định hoặc do các bên tự thỏa thuận quy định với nhau và mỗi hình thức
giải quyết tranh chấp đều có những ưu nhược điểm nhất định mà các bên
tranh chấp phải nghiên cứu kỹ trước khi lụa chọn hình thức giải quyết phù
hợp với mình.
Những phân tích ở trên cho thấy sự đa dạng hóa trong các hình thức giải
quyết tranh chấp liên quan đến hoạt động TTQT có vai trò quan trọng trong
việc giúp các bên tham gia vào hoạt động TTQT được tự do lựa chọn hình
thức phù hợp để giải quyết tranh chấp về hoạt động TTQT.
- Các chế tài xử lý vi phạm trong hoạt động thanh toán quốc tế được pháp
luật quy định cụ thể đã góp phần ngăn ngừa và hạn chế hành vi vi phạm
pháp luật. Pháp luật quy định một hệ thống các chế tài xử lý các hành vi vi
phạm pháp luật về hoạt động TTQT. Có 3 nhóm chế tài là chế tài hành chính,
chế tài dân sự và chế tài hình sự. Điều này được quy định tại Điều 321 Luật
Thương mại năm 2005:“1. Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả
xảy ra, tổ chức, cá nhân bị xử lý theo một trong các hình thức sau đây: a). Xử
phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; b). Trường
hợp hành vi vi phạm có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người vi phạm bị
truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. 2. Trường hợp
hành vi vi phạm gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp

pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của
pháp luật.” Đối với ngân hàng, chế tài hành chính được áp dụng khi ngân
hàng vi phạm hành chính trong hoạt động TTQT, ví dụ như thu hồi giấy phép
hoạt động của ngân hàng khi ngân hàng vi phạm nghiêm trọng quy định của
pháp luật về dự trữ bắt buộc, tỷ lệ bảo đảm antoàn trong hoạt
động
[7]
;Đặt ngân hàng dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước
do có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán
[8]
; Trong
trường hợp cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, Ngân hàng
Nhà nước phong tỏa một phần hoặc toàn bộ vốn, tài sản của chi nhánh ngân
hàng nước ngoài…Khi có sự vi phạm nghĩa vụ hợp đồng liên quan đến hoạt
động TTQT dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho bên bị vi phạm, bên bị vi phạm
có thể áp dụng các chế tài dân sự như: chế tài phạt vi phạm hợp đồng, chế tài
đòi bồi thường thiệt hại, chế tài hủy hợp đồng…
[9]

Bằng việc ấn định chế độ trách nhiệm về hành chính, về dân sự và về
hình sự với các chế tại cụ thể được áp dụng trong lĩnh vực hành chính, dân sự
và hình sự, pháp luật đã tạo lập một môi trường pháp lý tích cực cho hoạt
động TTQT. Điều này không chỉ góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật
của các DN, các ngânh hàng thương mại tham gia vào hoạt động TTQT mà
còn hạn chế và giảm thiểu tình trạng vi phạm hợp đồng liên quan đến hoạt
động TTQT.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thị Mơ (2000). Môi trường pháp lý cho hoạt động của doanh
nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và giải pháp hoàn
thiện. Đề tài NCKH cấp bộ (Bộ Thương mại), mã số B96-23-02;

2. Nguyễn Văn Tiến (2005). Thanh toán quốc tế và tài trợ ngoại thương. NXB
Thống kê;
3. Đinh Xuân Trình (2006). Giáo trình Thanh toán quốc tế. NXB Lao động-Xã
hội;
4. Luật Thương mại năm 2005;
5. Luật các Tổ chức Tín dụng năm 2010.

Giảng viên Khoa Luật Trường Đại học Ngoại Thương
Xem Điều 1 Công ước Viên năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
Xem Điều 6.1 và Điều 27 Luật Thương mại Việt Nam năm 2005
Điều 3 khoản 2 của Nghị định số 64/2001/NĐ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2001
của Chính phủ về hoạt động thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ
thanh toán
Công trình NCKH này do Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) quản lý
(mã số B96-23-02), được nghiệm thu năm 2000, xếp loại xuất sắc.
Xem Điều 3 Luật các tổ chức tín dụng của Việt Nam năm 2010
Xem thêm Điều 28 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010
Xem thêm Điều 146 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010
Xem thêm về các chế tài này tại Điều 292-314 Luật thương mại năm 2005.

×