THIÊN TAI Ở THỪA THIÊN HUẾ VÀ CÁC BIỆN PHÁP
PHÒNG TRÁNH TỔNG HỢP
Nguyễn Việt
Trung tâm dự báo KTTV tỉnh Thừa Thiên - Huế
1. Điều kiện hình thành thiên tai ở Thừa Thiên Huế
1.1. Ảnh hưởng của vị trí địa lý
Thừa Thiên Huế là một tỉnh trên vùng duyên hải bắc trung bộ, nằm gọn giữa vĩ
tuyến 16-17 độ vĩ bắc và kinh tuyến 107-108 độ kinh đông trong vành đai nhiệt đới
bắc bán cầu và là khu vực chịu ảnh hưởng gió mùa châu Á. Nằm ở giữa Việt Nam,
Thừa Thiên Huế vừa chịu ảnh hưởng của gió mùa đông bắc vừa bị gió mùa tây nam
chi phối. Do vậy đây là nơi luân phiên tác động và tranh giành ảnh hưởng của các khối
không khí có nguồn gốc khác nhau theo mùa. Chính sự hội tụ của không khí lạnh từ
phía bắc tràn xuống và không khí nóng ẩm từ phía nam di chuyển lên đã gây ra mưa
lớn, dông, lốc tố trên khu vực này và hình thành những trận lũ lớn và lũ quét làm trượt
lở đất, xói lở bờ sông.
Ngoài ra, Thừa Thiên Huế có đường bờ biển dài 127 km giáp biển Đông, một bộ
phận của Tây Thái Bình Dương là ổ bão lớn nhất hành tinh nên thường chịu ảnh
hưởng của bão.
1.2.Ảnh hưởng của địa hình
Lãnh thổ Thừa Thiên Huế trải dài theo chiều tây bắc - đông nam, trong đó
khoảng 75,9% tổng diện tích là vùng núi đồi, 24,1% là đồng bằng duyên hải, đầm phá
và cồn cát được bao bọc bởi dãy núi Trường Sơn ở phía tây với độ cao từ 500-1800 m
và dãy Bạch Mã ở phía nam với độ cao từ 1200- 1450 m. Các dãy núi này có tác dụng
chắn gió mùa đông bắc và tây nam làm tăng cường mưa lớn vào mùa mưa và gây ra
hiệu ứng phơn là nguyên nhân của thời tiết khô nóng và hạn hán trong mùa hè.
Phần lớn lãnh thổ của Thừa Thiên Huế nằm ở phía đông dãy Trường sơn, địa
hình chuyển khá nhanh từ vùng núi qua vùng gò đồi xuống vùng đồng bằng nhỏ hẹp
nên có độ dốc khá lớn. Diện tích đất có độ dốc trên 25 độ chiếm 54% lãnh thổ. Do vậy
các con sông bắt nguồn từ dãy Trường Sơn đều ngắn, dốc và nhiều ghềnh thác. Chính
đặc điểm này làm cho lũ lên nhanh trong mùa mưa, có nơi xảy ra lũ quét và các con
sông không giữ được nước trong mùa ít mưa nên gây ra hạn hán và xâm nhập mặn.
Vùng ven bờ Thừa Thiên Huế chiếm khoảng 30% diện tích và hơn 80% dân số
toàn tỉnh là vùng thấp trũng có hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai án ngữ ở phía
đông, là hệ đầm phá lớn nhất nước ta, thuộc vào loại lớn trên thế giới. Hệ đầm phá này
được bảo vệ bởi các cồn đụn cát kéo dài 102 km theo phương tây bắc - đông nam từ
Cửa Việt (Quảng Trị) đến cửa Tư Hiền, cao từ 2-3m (Thuận An- Hòa Duân) đến 41-
42m (Quảng Ngạn). Nước từ các con sông trên lãnh thổ đổ vào hệ thống đầm phá
trước khi ra biển qua hai cửa Thuận An và Tư Hiền. Hai cửa này là yếu tố quyết định
đời sống của hệ đầm phá trong quá trình phát triển. Tuy nhiên chúng không ổn định ,
hình thái động lực của hai cửa thường xuyên thay đổi phức tạp. Tình trạng bồi lấp, xói
lở, đóng, mở cửa biển luôn luôn đe dọa môi truờng sống của nhân dân. Đây là khu vực
nhạy cảm nhất khi có bão lụt, sóng thần, nước dâng.
1.3.Ảnh hưởng của độ che phủ
Thảm thực vật có vai trò đặc biệt quan trọng làm giảm dòng chảy, cản trở quá
trình xói mòn, trượt lãnh thổ, lũ quét. Đến năm 2002 tỉnh Thừa Thiên Huế có 234.945
ha đất có rừng (độ che phủ là 47%), trong đó rừng tự nhiên là 177.550 ha và rừng
trồng là 57.395 ha. Diện tích đất trống đồi núi trọc chiếm khoảng 125.000 ha,tương
ứng 25% diện tích. Tuy độ che phủ là khá cao nhưng phần lớn là rừng nghèo nên khả
năng giữ nước kém.Cùng với độ dốc, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra
lũ với cường suất lớn.
1.4. Ảnh hưởng của chế độ mưa
Mưa có ảnh hưởng rất lớn đến dòng chảy lũ. Thừa Thiên Huế là một trong
những vùng mưa lớn nhất của cả nước, với lượng mưa trung bình toàn lãnh thổ khoảng
3.000 mm/năm, phân bố không đều theo không gian từ 2.800 đến 3.600 mm, thậm chí
có nơi đến 8.000-9.000 mm như ở Bạch Mã. Cường độ mưa lớn kết hợp với địa hình
dốc dễ gây ra lũ quét và trượt lãnh thổ.
1.5. Mạng lưới sông suối
Toàn tỉnh có 5 con sông chính là Ô Lâu, Hương, Nông, Truồi và Bu Lu, trong
đó hệ thống sông Hương (gồm sông Hương và sông Bồ) là quan trọng nhất với diện
tích lưu vực 2.800km
2
chiếm 3/5 diện tích toàn tỉnh. Với đặc điểm ngắn và dốc và hầu
như không có vùng đệm nên thời gian truyền lũ từ thượng lưu xuống hạ lưu rất nhanh
(khoảng 4-6 giờ). Thậm chí có những trận lũ xảy ra gần đồng thời với thời gian mưa
với cường suất lớn . Đặc điểm này cho thấy sự ác liệt của lũ lụt ở Thừa Thiên Huế.
2. Thiên tai ở Thừa Thiên Huế và tình hình thiệt hại trong những năm gần đây
Thiên tai là một hiện tượng thiên nhiên gây ra các tổn thất về người và của cải
vật chất và làm xáo trộn mạnh các hoạt động của con người trên trên phạm vi tương
đối lớn. Dựa trên mức độ thiệt hại, phạm vi ảnh hưởng và tần suất xuất hiện
của chúng, có thể xếp các loại thiên tai ở Thừa Thiên Huế theo thứ tự như bảng 1.
Dưới đây sẽ trình bày lần lượt đặc điểm của các loại thiên tai.
Bảng 1. Phân loại các nhóm thiên tai ở Thừa Thiên Huế
Tác động mạnh Tác động vừa Tác động nhẹ
Lũ, lụt Lũ quét Sóng thần
Bão, ATNĐ Trượt đất Động đất
Nước dâng Xói lở bờ biển
Lốc tố Xói lở bờ sông
Hạn
Xâm nhập mặn
2.1. Lũ, lụt
Cách đây 453 năm (1553) trong tác phẩm “Ô Châu cận lục” đã nói về khí hậu
Thừa Thiên Huế như sau: “Nói về khí hậu thì rét ít, ấm nhiều, nói về địa hình thì núi
cao bể rộng. Thịnh hạ thì nhiều cơn bão lớn, trung thu thì ít cảnh trăng thanh. Nước lụt
cứ để tràn lan, không đê để chắn…”[4]. Như vậy, lũ lụt là người bạn đồng hành với
Thừa Thiên Huế từ khi khai sinh lập điạ đến nay.
Lịch sữ đã ghi nhận: Trong thế kỷ XIX từ năm 1801-1888 ở kinh thành Huế và
vùng phụ cận phải hứng chịu 40 trận lũ lớn [5], có thể kể một số trận điển hình sau
đây:
- Trận lũ năm 1811 đã tràn ngập Hoàng Cung 3,36m, phá vỡ cửa Tư Dung (Tư
Hiền).
- Năm 1818 lũ làm kinh thành Huế ngập sâu 4,2m.
- Các trận lũ liên tiếp trong hai năm 1841-1842 làm hơn 700 ngôi nhà bị sập đổ,
lăng Minh Mạng bị hư hại nặng, số lượng người chết rất nhiều.
- Trận lũ tháng X năm 1844 đã làm thiệt mạng hơn 1000 người, 2000 ngôi nhà bị
phá huỷ hoàn toàn, cột cờ ở kỳ đài bị gãy, kinh thành huế ngập sâu 4,2m.
- Nhiều trận lũ tiếp theo vào các năm 1848 và 1856 phá huỷ hơn 1000 ngôi nhà ở
Huế, 2/3 Ngọ Môn bị sup đổ.
Bước sang thế kỷ XX, Thừa Thiên Huế đã nhiều lần bị lũ tàn phá, đáng chú ý là
các trận lũ sau:
- Trận lũ từ 20-26/IX/1953 làm 500 người thiệt mạng, 1290 ngôi nhà bị trôi, 300
trâu, bò bị chết hoặc bị cuốn trôi, 80% diện tích hoa màu bị mất trắng. Tại kinh
thành Huế lũ đã phá đổ cửa Quảng Đức (sau này gọi là cửa sập).
- Sau ngày mới giải phóng một trận lũ lớn đã xảy ra ở Thừa Thiên Huế từ ngày
15-20/X/1975 gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của nhân dân.
- Từ ngày 28/X đến 1/XI/1983 một trận lũ lớn ở Thừa Thiên Huế đã làm 252
người bị chết,115 người bị thương, 2100 ngôi nhà bị sập, 1511 ngôi nhà bị trôi,
2566 con trâu bò và 20.000 con lợn bị trôi.
- Trong trận lũ lịch sử đầu tháng XI/1999 có 352 người chết, 21 người mất tích,
99 người bị thương. Số nhà bị đổ, bị cuốn trôi là 25.015 cái,1.027 trường học bị
sụp đổ, 160.537 gia súc bị chết, gia cầm bị chết lên tới 879.676 con. Tổng thiệt
hại 1.761,82 tỷ đồng.
Ngay đầu thế kỷ XXI, một trận lũ khá lớn xảy ra từ ngày 25-27/XI/2004 làm 10
người chết, thiệt hại hơn 208 tỷ đồng.
Nguyên nhân hình thành lũ ở Thừa Thiên Huế là do mưa lớn gây ra bởi các
hình thế thời tiết: không khí lạnh, bão và ATNĐ, hội tụ nhiệt đới, đới gió đông trên
cao và tổ hợp gữa chúng.
Lũ, lụt ở Thừa Thiên Huế có những đặc điểm sau đây:
• Mùa lũ: Phù hợp với mùa mưa, mùa lũ chính vụ kéo dài từ tháng x đến
tháng XII hàng năm.Tổng lượng dòng chảy trong mùa mưa lũ chiếm 65% tổng
lượng dòng chảy năm. Ngoài lũ chính vụ còn xuất hiện lũ tiểu mãn trong tháng
V, tháng VI và lũ sớm trong tháng VIII, Tháng IX, lũ muộn trong tháng I.
• Số trận lũ: Theo số liệu quan trắc từ 1977-2006 trên sông Hương, trung
bình hàng năm có 3,5 trận lũ lớn hơn hoặc bằng mức báo động II, năm nhiều
nhất có 7 trận, năm ít nhất có 1 trận, trong đó có 36% lũ lớn và đặc biệt lớn.
Những năm có hiện tượng La Nina số đợt lũ và đỉnh lũ lớn hơn rõ rệt.
• Thời gian kéo dài: Phụ thuộc vào tình hình mưa và thuỷ triều, thời gian
kéo dài trung bình của một đợt lũ khoảng 3-5 ngày, dài nhất 6-7 ngày.
• Thời gian truyền lũ: trung bình 5-6 giờ với khoảng cách 51 km từ thượng
nguồn (Thượng Nhật) đến hạ lưu (Kim Long).
• Biên độ lũ, cường suất lũ: phụ thuộc vào lượng mưa và cường độ mưa và
hình dạng mặt cắt sông. Biên độ lũ giao động troảng 3-5m, cường suất lũ lớn
nhất ở vùng núi khoảng 1-2m/h, ở vùng đồng bằng từ 0,5-1m/h.
• Lưu lượng lũ: Lưu lượng của trận lũ 1953 là 12.500m
3
/s và trận lũ đầu
tháng XI/1999 là 14.000m
3
/s. Tổng lượng nước trên toàn bộ các sông đổ xuống
hạ lưu từ ngày 1-6/XI/1999 là khoảng 307 tỷ m
3
làm 90% lãnh thổ vùng đồng
bằng ngập sâu trong nước từ 1-4m.
Lũ lụt là thiên tai cực kỳ nguy hiểm có cường suất lớn, sức tàn phá ác liệt, hàng
năm gây nhiều thiệt hại cho Thừa Thiên Huế.
Hình 1. Trận lũ lịch sử năm 1999 ở Thừa Thiên – Huế
2.2. Bão và ATNĐ
Bão và ATNĐ là những thiên tai xuất hiện ở Thừa Thiên Huế không nhiều,
trung bình hàng năm chỉ 0,6 cơn nhưng gây ra hậu quả nghiêm trọng phải mất nhiều
năm mới khắc phục được. Trong chuỗi số liệu lịch sữ đã ghi nhận những trận bão sau
đây:
• Ngày 19/XI/1904 một cơn bão mạnh đã tràn qua kinh thành Huế làm sập 4
nhịp cầu Tràng Tiền, làm đổ 22.027 ngôi nhà, 529 tàu thuyền bị đắm, 724
người chết.
• Bão CECIL đổ bộ vào Vĩnh Linh (Quảng Trị) ngày 16/X/1985 với sức gió
cấp 13 đã gây thiệt hại cho hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Nó đã làm đổ
214.000 ngôi nhà, 2000 phòng học, 200 cơ sở y tế, 600 cột điện cao thế, hàng
nghìn tàu thuyền bị đắm, 840 người bị chết, 100 người mất tích, 200 người bị
thương. Đây là cơn bão trong 100 năm mới xảy ra một lần.
• Ngày 18/X/1990 một cơn bão có tên là ED đã ảnh hưởng đến Thừa Thiên
Huế với tốc độ gió 100km/giờ đã làm 18 người chết và thiệt hại tài sản 56,540
tỷ đồng.
• Bão Yangsane đổ bộ vào Đà Nẵng ngày 1/X/2006 gây ra gió cấp 10, 11 ở
các huyện phía nam Thừa Thiên Huế và ngập lụt trên toàn tỉnh với tổng thiệt
hại lên tới 2.910 tỷ đồng và 10 người chết.
Theo số liệu theo dõi bão từ 1952 đến 2005 (54 năm) đã có 32 cơn bão và
ATNĐ
ảnh hưởng đến Thừa Thiên Huế, trong đó có 5 cơn bão mạnh và rất mạnh
chiếm tỷ lệ 9,4%, gồm có bão ngày 30/X/1952 vào Huế sức gió cấp 12 (122km/giờ),
bão BABS ngày 16/IX/1962: cấp 12(118km/giờ), bão TILDA ngày 22/IX cấp 13
(137km/giờ), bão PATSY ngày 15/X/1973 cấp 11 (104km/giờ) và bão CECIL ngày
16/X/1985 cấp 11 (104km/giờ).
Mùa bão ở Thừa Thiên Huế bắt đầu từ tháng V và kết thúc vào tháng XI mỗi
năm, trong đó tháng IX chiếm tần suất cao nhất với 31%, sau đó đến tháng X chiếm
19%, còn lại các tháng khác chiếm từ 9,4 đến 12,5%. Trung bình hàng năm có 0,6 cơn
bão ảnh hưởng trực tiếp đến Thừa Thiên Huế, năm nhiều bão nhất là 3 cơn( 1971),
năm ít bão nhất không có cơn nào. Tần suất không có bão chiếm trên 50%.
Tốc độ gió bão trung bình ở Thừa Thiên Huế là 76 km/gi tương đương với cấp
9, mạnh nhất có thể lên tới cấp 13 (137km/gi). Theo tính toán thì cứ 10 năm sẽ xuất
hiện bão cấp 10 và 20 năm thì mới có bão cấp 12. Từ năm 1991 đến nay chưa có bão
mạnh đổ bộ vào Thừa Thiên Huế. điều này khác với tình hình chung của cả nước.
Bên cạnh tác hại do gió mạnh gây ra, bão và ATNĐ còn gây ra lũ lụt do mưa
lớn. Bão kết hợp lũ là hình thế thời tiết rất nguy hiểm gây nhiều thiệt hại như cơn bão
năm 1985.
Hình 2. Đường đi của các cơn bão ảnh hưởng đến TTH từ năm 1954-2005
2.3.Nước dâng
Nước dâng là hiện tượng mực nước biển dâng cao hơn mức thuỷ triều bình
thường khi có bão ảnh hưởng. Tuỳ theo cường độ của bão, nước dâng có thể gây thiệt
hại ở vùng thấp ven biển. Ở khu vực Thừa Thiên Huế, nước dâng đã quan sát trong
cơn bão CECIL 1985 ở Thuận An 1,9m, ở Lăng Cô 1.7m và khoảng 1,0m trong cơn
bão Yangsane 2006. Nước dâng kết hợp triều cường làm mực nước biển cao 3-4m,
tràn vào đất liền 2-3km. Theo tính toán của Trương Đình Hiển [6], trong chu kỳ
khoảng 100 năm có khả năng xảy ra nước dâng ở khu vực ven biển Thừa Thiên Huế
với độ cao 2,0m.
2.4. Lốc, tố
Lốc, tố là những thiên tai thường xảy ra ở Thừa Thiên Huế. Mặc dù phạm vi
ảnh hưởng không rộng như bão nhưng sức gió trong lốc rất mạnh, đôi khi kèm theo
mưa đá, gây thiệt hại đáng kể cho địa phương. Trong những năm gần đây số cơn lốc
xảy ra trên địa bàn Thừa Thiên Huế ngày càng gia tăng, nhất là vào những năm có
hiện tượng El Nino như 1993, 1997, 2002. Từ năm 1993 đến nay trung bình hàng năm
có khoảng 4 cơn lốc. Đáng chú ý là cơn lốc ngày 25/IX/1997 với sức gió cấp 10 qua
huyện Phú Vang và thành phố Huế làm thiệt hại 8 tỷ đồng. Gần đây hai cơn lốc mạnh
cấp 10 xảy vào ngày 27/III và ngày 28/IV/2005 tại hai huyện Nam Đông Và A Lưới
để lại thiệt hại hơn 2 tỷ đồng. Thời gian xuất hiện của lốc tố thường vào thời kỳ
chuyển mùa: tháng IV, tháng V và tháng VIII, tháng IX và có thể xuất hiện nhiều vùng
trên địa bàn của tỉnh. Cơn lốc mạnh nhất đã quan sát được ở Thừa Thiên Huế là
144km/gi (cấp 13) vào ngày 7/IV/1981 ở A Lưới kèm theo mưa đá có đường kính lớn
nhất là 5cm.
2.5. Lũ quét
Theo số liệu khảo sát, trên địa bàn Thừa Thiên Huế đã có 48 điểm xảy ra lũ
quét với các loại hình sau: lũ quét nghẽn dòng, lũ quét hổn hợp. Lũ quét nghẽn dòng
thường xảy ra ở những vùng trũng giữa núi như: Hồng Kim (A Lưới), Xuân Lộc (Phú
Lộc), La Hy (Nam Đông), Khe Trái (Hương Trà). Lũ quét nghẽn dòng còn xảy tại
những công trình giao thông có khẩu độ thoát lũ kém như tại Cống Bạc ( trên quốc lộ
1A qua T.p Huế). Lũ quét hổn hợp thường xảy ra nơi hợp lưu của hai con sông như
Bảng Lảng, Hương Hồ (Sông Hương), Lại Bằng (sông Bồ). Trong trận lũ 1953 và
1999 hai làng Bảng Lảng và Lại Bằng đã bị cuốn trôi. Tần suất xảy ra lũ quét ở Thừa
Thiên Huế không lớn nhưng gây nhiều thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân.
Hình 3. Sơ đồ phân vùng các điểm lũ quét ở TTH
2.6. Trượt lở đất
Trượt lở đất ở Thừa Thiên Huế chủ yếu xảy ra ở vùng đồi núi có độ dốc từ 30
–35 độ dọc theo quốc lộ 1A như đèo Phước Tượng, đèo Phú Gia, đèo Hải Vân, ở các
huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc và dọc theo đường Hồ Chí Minh, đường 49. Trên
đường 49 tại xã Hồng Tiến (Hương Trà) đã từng xảy ra một vụ trượt đất cực lớn vào
ngày 21/XI/1999 với khối lượng đất đá lên đến 20.000m
3
nhưng rất may là không có
thiệt hại đáng kể. Tại mũi Né ( phú lộc) trong đợt lũ đầu tháng XI/1999 đã xảy ra trượt
đất làm 13 người chết.
Theo điều tra sơ bộ toàn tỉnh có 15 vị trí trượt đất Trên sông Hương, Sông Bồ,
sông Truồi có rất nhiều điểm sạt lỡ bờ sông. Những điểm sạt lỡ nghiêm trọng là những
nơi thường xảy ra lũ quét như Bảng Lảng, Dương Hoà, Hương Hồ, Hương Thọ. Hầu
như năm nào cũng có sạt lỡ và số điểm sạt lở ngày càng gia tăng.
Hình 4. Sơ đồ phân bố các điểm sạt lở đất ở TTH
2.7. Xói lở bờ biển
Hiện tượng xói lở bờ biển Thừa Thiên Huế diễn ra thường xuyên và phức tạp,
đặc biệt tại khu vực Thuận An- Hòa Duân và cửa Tư Hiền.
Hinh 3.5
Coastal Monitoring locations in Thuan An area
Hình 5. Sơ đồ các điểm quan trắc biến động đường bờ Thuận An-Hòa Duân
Vùng biển Hải Dương-Thuận An-Hòa Duân trong 10 năm trở lại đây bị xâm
thực và sạt lở nặng nề. Bình quân hàng năm biển lấn sâu vào đất liền khoảng 5-10m,
có nơi 30m. Sau trận lũ lịch sử tháng 11/1999 sạt lở diễn ra nghiêm trọng, khu vực Hải
Dương-Hòa Duân biển xâm thực sâu hơn 100m làm hư hại cac công trình hạ tầng cơ
sở nhà nước và nhân dân như: làm sập đổ đền hải đăng, hàng loạt nhà nhà nghỉ bải tắm
Thuận An. Tổng chiều dài bị xâm thực 4km, đe dọa đến tính mạng và tài sản của hơn
1.000 hộ dân trong khu vực. Trong hình 5 trình bày sơ đồ vị trí đo đạc các điểm sạt lở
ở Thuận An-Hòa Duân.
Theo tổng kết của Trần Hữu Tuyên [7], cửa Tư Hiền được mở trở lại sau trận lũ
lịch sử tháng 11/1999, gây ra những biến động bồi xói cục bộ diễn ra mạnh mẽ. Trong
giai đoạn từ năm 200-2001, tại thôn Phú An, xã Vinh Hiền, xói lở diễn ra trên chiều
dài 440m, diện tích sạt lở là 0,76ha và tốc độ xói trung bình khoảng 17m/năm. Đoạn
bờ đối diện với đoạn bờ thôn Phú An qua lạch cửa Tư Hiền cũng bị xói sạt, diện tích là
0,5ha, chiều dài 200m, tốc độ xói trung bình là 25m/năm.
Cửa Tư Hiền và cửa Lộc Thủy liên tục bị bồi xói và đóng mở. Cửa Tư Hiền bị
thu hẹp đáng kể và cửa Lộc Thủy bị bồi lấp hoàn toàn tháng 5/2004. Hình 6 trình bày
các điểm quan trắc biến động đường bờ tại cửa Tư Hiền.
Hình 6. Sơ đồ các điểm quan trắc biến động đường bờ tại cửa Tư Hiền
2.8. Sạt lở bờ sông
Sạt lở bờ sông với chiều dài trên 36km tập trung chủ yếu dọc theo sông Bồ,
sông Hương, sông Truồi ảnh hưởng đến 2.419 hộ, trên 508 hộ phải di dời. Đặc biệt là
sạt lở hệ thống sông Hương làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan và di tích văn
hóa lịch sử quan trọng của tỉnh [3].
2.9. Hạn, xâm nhập mặn
Hạn, xâm nhập mặn là những hiện tượng thường xảy ra hàng năm, nhất là trong
những năm có hiện tượng El Nino ở Thừa Thiên Huế.Tuy không gây ra chết người
nhưng nó ảnh hưởng nghiêm trọng tới các ngành dân sinh, kinh tế như: nông nghiệp,
công nghiệp, môi trường và sức khoẻ. Khoảng cách lớn nhất mà độ mặn xâm nhập vào
sông Hương quan trắc được là khoảng 30km. Xâm nhập mặn gây hậu quả tiêu cực đến
sản xuất nông nghiệp và môi trường sinh thái ở vùng đất thấp ven sông Hương, sông
Bồ. Diện tích bị ảnh hưởng khoảng 2.000-2.500 ha [ 8 ].
Trong quá khứ có những đợt hạn nặng như 1977, 1993-1994, 1997-1998, 2002.
Đợt hạn năm 1993-1994 đã làm một số sông suối khô nước, cây lưu niên bị chết, nước
mặn trên sông Hương xâm nhập sâu vào nội địa đã làm mất trắng 12.710 ha lúa hè thu,
ước tính mất 20.000 tấn thóc. Trong đợt hạn 2002, nước mặn vượt quá vạn niên lên tới
phà Tuần làm nhiều nhà máy, xí nghiệp phải đóng cửa nhiều ngày, ảnh hưởng không
nhỏ đến kinh tế của tỉnh. Nhờ có đập ngăn mặn Thảo Long mà tình hình xâm nhập
mặn đến nay đã được khống chế triệt để.
2.10. Sóng thần
Hầu như không có thông tin về sóng thần ở Thừa Thiên Huế, ngoài thông tin
của nhà sử học Nguyễn Quang Trung Tiến [9] cho biết ngày 15 tháng 10 năm 1897
một đợt sóng thần đã ảnh hưởng đến bờ biển Thiên Huế làm mở rộng cửa Thuận An
và lấp một phần cửa Hòa Duân. Thông tin này cần kiểm tra lại vì có thể tác giả nhầm
lẫn giữa hiện tượng nước dâng do bão và sóng thần
Hinh 3.6
Coastal Monitoring locations in Tu Hien area
Theo kết quả tính toán của TS Vũ Thanh Ca (Viện khí tượng thuỷ văn), Ths
Phạm Quang Hùng (Viện vật lý địa cầu) nếu trường hợp xảy ra động đất ở phía tây
Philippin với cường độ 9 độ Richter thì 2 giờ sau động đất sẽ xảy ra sóng thần tràn tới
bờ biển Việt Nam với độ cao 3-5m [10].
Như vậy nguy cơ sóng thần ở bờ biển Viêt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế
nói riêng là một thực tế, cần đánh giá đúng mức để có giải pháp phù hợp.
2.11. Động đất
Theo Viện vật lý địa cầu (viện khoa học và công nghệ Việt Nam) [11 ], việt
nam nằm ở rìa đông nam lục địa châu Á, trải dài trên 2.000 km, được xác định là có
tính địa chấn trung bình. Đối với Thừa Thiên Huế, theo số liệu lịch sử [12] thì vào
tháng 11 năm 1829 đã xảy một trận động đất mạnh cấp VII (theo thang động đất quốc
tế M.S.K.1964 tương đương cấp 5 độ Ricter) làm phía bắc thành bị sụt và rung động vì
động đất. Như vậy, nguy cơ động đất ở Thừa Thiên Huế là có thật, động đất có thể đạt
5 độ Richter, tối đa có thể lên 5,5 độ Richter với tần suất rất hiếm [11].
3. Thiệt hại do thiên tai trong những năm gần đây
Thiệt hại do thiên tai gây ra ở Thừa Thiên Huế từ năm 1990 đến 2006 được
trình bày trong bảng 1.
Bảng 1: Thiệt hại do thiên tai ở Thừa Thiên Huế từ 1990- 2006
Năm Người chết Tài sản (tỷ đồng)
1990 18 56,540
1991 10 20
1992 8 12
1993 6 13,540
1994 1 1,2
1995 20 60
1996 31 127,322
1997 1 10,923
1998 25 168,120
1999 352 1761,820
2000 5 73,6
2001 5 15,135
2002 9 15
2003 5 27,220
2004 10 248
2005 7 157
2006 8 2.931,09
Phân tích số liệu thiệt hại do thiên tai gây ra cho thấy: trung bình hàng năm có
29 người chết và tổn thất tài sản 316,584 tỷ đồng. Lũ lụt là thiên tai gây nhiều thiệt
hại nhất. Những năm lũ lớn như năm 1990, 1995,1996, 1998 và 1999 mỗi năm có
hàng chục người chết thiệt đến hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt đợt lũ năm 1999 là thiên
tai gây hậu quả nặng nề nhất kể từ 100 năm nay ở Thừa Thiên Huế.
Mối quan hệ giữa thệt hại về nhân mạng và tài sản do lũ lụt được biểu diễn
trong hình 7,8.
Hình 7. Quan hệ gữa đỉnh lũ năm tại Kim Long và số người chết ở TTH
Hình 8.Quan hệ giữa đỉnh lũ năm tại Kim Long và mức độ thiệt hại ở TTH
4. Các biện pháp phòng chống và giảm nhẹ thiên tai tổng hợp ở TTH
4.1. Các biện pháp đã thực hiện thời gian qua
Nằm trong vùng nhạy cảm với thiên tai, nhân dân Thừa Thiên Huế từ lâu đã có
truyền thống phòng chống thiên tai, nhất là lũ lụt, một thiên tai nguy hiểm nhất. Ngay
từ thế kỷ 19 (tháng 8/1828) vua Minh Mạng đã cho quan trắc mực nước và qui định về
mức báo động lũ [5]. Nhưng chỉ sau khi được giải phóng công tác này mới được chú
trọng. Trải qua trên 30 năm công tác phòng chống thiên tai ngày càng được cũng cố và
hoàn thiện bằng các biện pháp sau đây:
* Kiện toàn Ban chỉ huy PCLB và TKCN từ cấp tỉnh xuống cơ sở, xây dựng
các phương án phòng chống lụt bão theo phương châm “4 tại chổ”. Phân công chế độ
trách nhiệm cho các ngành và các địa phương trong công tác phòng chống thiên tai
(hình 9).
Hình 9. Sơ đồ hệ thống quản lý thiên tai ở TTH
* Xây dựng chiến lược phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai và kế hoạch hành động
2005-2010 với phương hướng chung là chủ động phòng tránh, giảm nhẹ và thích nghi
trong điều kiện sống chung với lũ với mục tiêu là: giảm số người chết và thiệt hại do
thiên tai, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, tăng cường năng lực dối phó với
thiên tai.
* Để thực hiện chiến lược nói trên Thừa Thiên Huế đã từng bước thực hiện các
biện pháp phi công trình và công trình sau đây:
- Đã xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo thiên tai từ tỉnh đến địa phương
trong đó văn phòng BCH PCLB và TKCN và trung tâm dự báo KTTV làm nòng cốt.
Trong hệ thống này có tháp báo bão ven biển và đầm phá, 50 tháp báo lũ trên toàn
tỉnh, 4 điểm đo mưa cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Từng bước trang bị thông tin lieen lạc
hiện đại, bảo đảm liên lạc thông suốt trong mọi tình huống.
- Xây dựng bản đồ ngập lụt theo lũ thiết kế 1%, 5%, 10%.
- Điều tra khảo sát các loại thiên tai, lập bản đồ vùng ảnh hưởng của chúng từ
đó xây dựng bản đồ phân vùng nhạy cảm với thiên tai.
- Trồng rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ở ven biển.
- Nhờ bố trí lại mùa vụ và cơ cấu cây trồng nên đã tránh được lũ tiểu mãn và lũ
cính vụ nên nhiêù năm liền được mùa liên tiếp.
- Năng lực phòng chống thiên tai của cộng đồng ngày càng được nâng cao
thông qua các lớp tập huấn phòng chống thiên tai dựa vào cộng đồng do các tổ chức
quốc tế tài trợ cho hầu hết các xã trên địa bàn. Nhiều xã đã xây dựng làng an toàn,
thôn an toàn về thiên tai, hoạt động rất hiệu quả.
- Phổ biến và hổ trợ nhân dân xây dựng nhà chống bão bằng vật liệu tại chổ.
Mặt khác kiểm soát chặt chẽ qui trình qui phạm xây dựng trong khu vực nguy cơ bão
lũ.
- Đã di dời hàng ngàn hộ dân trong khu vực nhạy cảm với thiên tai ở ven biển,
khu vực lũ quét, trượt lở đất đến khu định cư mới. Lập quy hoạch sử dụng đất và khai
thác tài nguyên, bố trí các khu dân cư, cơ sở hạ tầng, các công trình phòng tránh, ngăn
chặn, giảm nhẹ các loại thiên tai cho từng vùng.
- Trong chiến lược phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai của Thừa Thiên Huế thì
biện pháp công trình có một vị trí quan trọng. Đặc biệt cùng một lúc tỉnh đã xây dựng
4 hồ chứa đa mục tiêu kết hợp cắt giảm lũ và thủy lợi, thủy điện: hồ Tả Trạch, thủy
điện Bình Điền, thủy điện Cổ Bi, thủy điện A Lưới. Đã hoàn đập ngăn mặn Thảo Long
giải quyết triệt để xâm nhập mặn.
- Xây dựng đê kè biển để chống sạt lở ở Thuận An, đặc biệt đã sử dụng công
nghệ mới Stapilplage của Pháp tại Hòa Duân. Xây dựng các trường học cao tầng kiên
cố để làm nơi trú ẩn khi có bão lũ. Xây dựng nơi trú bão cho tàu thuyền của ngư dân.
* Xây dựng chính sách quản lý tổng hợp phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.
- Biện pháp quản lý tổng hợp thiên tai dựa trên các văn bản pháp qui của nhà
nước như: pháp lệnh PCLB, luật tài nguyên nước, pháp lệnh đê điều, luật bảo vệ môi
trường nhằm động viên các nguồn lực bao gồm nhân lực, vật lực, khoa học và công
nghệ, tài chính và cơ chế chính sách, phát huy tính chủ động của các cấp.
- Thiên tai xảy ra hàng năm ở Thừa Thiên Huế. Những khu dân cư nghèo, nơi
có cơ sở hạ tầng yếu kém, thu nhập bình quân đầu người thấp là những nơi rất dễ bị
tổn thương với thiên tai. Để nâng cao năng lực phòng chống thiên tai phải đi kèm vơí
chính sách xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tạm. Những năm vừa qua chính sách này
được thực hiện tốt ở TTH.
- Tỉnh đã đề ra chính sách cứu trợ thiên tai trong và sau khi bão nhằm hổ trợ
cho nhân dân khắc phục hậu quả của Thiên tai. Trích ngân sách hổ trợ 1 triệu
đồng/người chết; 500 nghìn đồng/ 1người bị thương; 500 nghìn đồng/1 nhà tốc mái; 3
triệu đồng/ đối với nhà bị sập.
- Các dự án trên địa bàn tỉnh nhất thiết phải đánh giá tác động môi trường, đặc
biệt là tác động của thiên tai. Lập quy hoạch sử dụng đất trong các vùng nhạy cảm. Tổ
chức quản lý tổng hợp vùng bờ và lưu vực sông.
- Kết hợp với phương tiện thông tin đại chúng phổ biến kiến thức về phòng
tránh thiên tai. Phổ biến tuyên truyền các qui chế, qui định về phòng chống thiên tai
bảo vệ môi trường.
4.2. Một số đề xuất trong công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai ở TTH
Công tác phòng chống và giảm nhẹ thiên tai trong thời gian đạt được một số kết
quả nhất định, đáng khích lệ, nhưng vẫn còn một số vấn đề cần hoàn thiện sau đây:
- Mạng lưới trạm khí tượng, thủy văn, đo mưa trên địa bàn còn thưa nên một số
địa bàn xung yếu ở phía nam, phía bắc, vùng ven biển không cảnh báo được thiên tai
bão lũ. Đặc biệt không có trạm khí tượng hải văn đo gió, sóng biển, thủy triều, dòng
chảy, dòng bùn cát nên vùng ven bờ thiếu số liệu để tính toán qui luật xói lở, bồi tụ
bờ biển. Hiện nay, dự án xây dựng hệ thống quan trắc ven biển đang được triển khai
nhưng tiến độ chậm, cần đẩy nhanh tiến độ hơn nữa.
- Chưa xây dựng được cơ sở dử liệu thống nhất về thiên tai ở Thừa Thiên Huế.
Các kết quả của nhiều đề tài dự án chưa được tận dụng trong công tác phòng chống
thiên tai. Một số dự án khắc phục lũ lụt chưa hiệu quả do chưa tính hết qui luật của
thiên tai. Do vậy, muốn phòng chống thiên tai có hiệu quả phải xây dựng cơ sở dử liệu
và nghiên cứu qui luật diễn biến của chúng trên địa bàn.
- Cần nâng cao hơn nữa năng lực cảnh báo, dự báo thiên tai. Nhất là nâng cao
trình độ chuyên môn cho dự báo viên theo hướng định lượng hóa.
- Ban hành mức báo động lũ mới trên hệ thống sông Hương và xây dựng hệ
thống cảnh báo lũ nơi chưa có.
- Tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện thông tin, phương tiện cứu hộ cho cơ
sở.
- Qui định và xây dựng hành lang thoát lũ cho các vùng xung yếu.
- Thông tin bão lũ cần chuyển nhanh hơn về cơ sở.
- Hiện nay toàn tỉnh vẫn còn 1.420 hộ dân vạn đò sống trên sông nước. Đây
phần lớn là hộ nghèo, nguy cơ rủi ro do thiên tai cao. Tỉnh cần cần có kế hoạch xây
dựng khu tái định cư cho những hộ này.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Ngọc Thiện. Thừa Thiên Huế với công tác phòng chống lụt bão và giảm
nhẹ thiên tai. Báo cáo tham luận nhân dịp 60 năm ngày truyền thống phòng chống lụt
bão và giảm nhẹ thiên tai của Việt Nam. Hà Nội 2005.
2. UNDP Project DMU vie/97/002. Chiến lược và kế hoạch hành động giảm nhẹ thiên
tai ở Việt Nam. Hà Nội 2001.
3. Chi cục PCLB và QLĐĐ Thừa Thiên Huế. Báo cáo chiến lược phòng chống và
giảm nhẹ thiên tai vùng ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020. Huế 4-2007.
4. Dương Văn An. Ô Châu cận lục (bản dịch của Bùi Lương), Nxb Văn hóa Á Châu,
Sài Gòn,1961.
5. Tổng cục khí tượng thủy văn. Lịch sử KTTV Việt Nam, phần biên niên cổ đại, trung
đại, cận đại. Hà Nội 1995.
6. Trương Đình Hiển.Báo cáo nghiên cứu, khảo sát lập dự án chọn địa điểm cảng biển
nước sâu và khu công nghiệp Chân Mây tỉnh Thừa Thiên Huế. Tp.HCM, 12/1995.
7. Trần Hữu Tuyên. Động lực và xu thế bồi xói bờ biển, cửa sông dải ven biển Tư
Hiền. TASK 3.5/CCP 2005. Huế,2-2006.
8. Bộ KHCN &MT. Báo cáo tổng hợp đề án “ Nghiên cứu phương án phục hồi, thích
nghi cho vùng cửa sông ven biển Thuận An-Tư Hiền và đầm phá Tam Giang-Cầu
Hai”. Hà Nội, 7-2001.
9. Nguyễn Quang Trung Tiến. Biến động địa lý của Thuân An và các dự án đập sông
Hương trước 1975. Tạp chí thông tin khoa học và công nghệ TTH số 2/1998.
10. Vietnamnet. Sóng thần ở VN: Nguy cơ là có, nhưng không cao!.7/2006.
11. Viện vật lý địa cầu. Bản đồ phân vùng địa chấn cực đại. Hà Nội, 2004.
12. Nha khí tượng. Động đất miền Bắc Việt Nam. Hà Nội, 1968.
13.Sở KH &CN tỉnh TTH. Đặc điểm khí hậu-thủy văn tỉnh TTH. Nxb Thuận Hóa,
Huế, 2004.
14. Phan Thanh Hùng, Trần Hữu Tuyên, nguyễn Việt. Điều tra tình hình lũ quét và sạt
lở đất ở TTH. Huế, 2005.