Tải bản đầy đủ (.doc) (12 trang)

Tiểu luận Kỹ năng của luật sư khi chuẩn bị luận cứ bào chữa, bảo vệ trong giai đoạn xét xử phúc thẩm vụ án hình sự

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (115.04 KB, 12 trang )

Tiểu luận Kỹ năng của luật sư khi chuẩn bị luận cứ bào chữa, bảo vệ trong
giai đoạn xét xử phúc thẩm vụ án hình sự
A. PHẦN MỞ ĐẦU
Đối với Luật sư trước khi tiến hành bảo vệ /bào chữa cho thân chủ tại phiên tòa
xét xử buộc phải tiến hành một loạt các hoạt động như: tiếp xúc với thân chủ,
nghiên cứu hồ sơ vụ án, thu thập chứng cứ, làm việc với cơ quan điều tra, Viện
kiểm sát, hững người có liên quan, … và các công việc cần phải làm trước khi ra
phiên tòa là một điều hết sức quan trọng.
Trước khi ra phiên tòa xét xử, nếu Viện kiểm sát phải chuẩn bị cáo trạng, Hội
đồng xét xử phải chuẩn bị quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Luật sư phải chuẩn
bị bài luận cứ bào chữa, nó được coi như “ vũ khí ” pháp lý để luật sư cùng thân
chủ vượt qua cuộc “ tranh đấu ” với các cơ quan tiến hành tố tụng và các bên đối
tụng.
Bản luận cứ có thể là bản luận cứ bào chữa hoặc bản luận cứ bảo vệ, tùy thuộc
vào thân chủ mình đóng vai trò gì trong vụ án hình sự. Thông thường, Bản luận
cứ của Luật sư được chuẩn bị theo hình thức một bài nghị luận, trong đó Luật sư
đưa ra quan điểm của mình đối với việc giải quyết vụ án trên cơ sở phân tích,
tổng hợp, đánh giá chứng cứ một cách toàn diện, đầy đủ, chặt chẽ và được trình
bày một cách lôgic, khoa học.
Bản luận cứ có vai trò rất quan trọng đối với cả luật sư cũng như khách hàng của
Luật sư. Đối với luật sư, bản luận cứ thể hiện trình độ, khả năng, kinh nghiệm và
bản lĩnh nghề nghiệp, bài luận cứ là kết quả làm việc của một quá trình lao động
vất vả, là đúc kết của toàn bộ các công việc mà Luật sư đã làm trước khi ra
phiên tòa xét xử. Đối với khách hàng, bản luận cứ của Luật sư là chỗ dựa pháp
lý và tâm lý vững chắc, là “ bùa hộ mệnh ” trên trong con đường bảo vệ quyền
và lợi ích hợp pháp của mình.
1
Bản luận cứ của Luật sư có vai trò to lớn như vậy, nên kỹ năng của luật sư khi
chuẩn bị bản luận cứ là vô cùng quan trọng. Nhận thức được vấn đề đó, tôi đã
lựa chọn và xin trình bày những nghiên cứu của mình về vấn đề : Kỹ năng của
luật sư khi chuẩn bị luận cứ bào chữa, bảo vệ trong giai đoạn xét xử phúc thẩm


vụ án hình sự.
B. NỘI DUNG
1. Mục đích và yêu cầu khi chuẩn bị bản luận cứ.
a. Mục đích:
Bản luận cứ là một tài liệu quan trọng thể hiện kết quả lao động của Luật sư sau
một quá trình tích cực nghiên cứu, khai thác để tìm ra những tình tiết, chứng cứ
cần thiết phục vụ cho việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Khi viết bản luận cứ, Luật sư có điều kiện xem lại các tài liệu đã thu thập, ghi
chép được, nhờ đó mà hiểu thấu đáo hơn về nội dung vụ án. Rồi từ đó, Luật sư
cân nhắc đánh giá từng tài liệu, tình tiết, so sánh, đối chiếu và tổng hợp các
chứng cứ, nên phát hiện và sử dụng được các chứng cứ có lợi, bác bỏ được các
chứng cứ bất lợi cho thân chủ.
Bản luận cứ được chuẩn bị kỹ lưỡng, các luận cứ được sắp xếp lôgic, khoa học
là tài liệu cần thiết để Luật sư sử dụng trong quá trình bảo vệ thân chủ của mình.
Nhờ có bài luận cứ đã chuẩn bị, Luật sư sẽ trình bày các vấn đề có trọng điểm,
mà không bị bỏ sót, thiếu ý, và cũng không bị dàn trải lan man.
b. Yêu cầu:
Để có một bản luận cứ tốt cần đáp ứng được một số yêu cầu sau đây:
- Bài bào chữa, bài bảo vệ phải có bố cục chặt chẽ; viết ngắn gọn, rõ ràng, súc
tích; những vấn đề cần bảo vệ phải được ghi thành đề mục và sắp xếp chúng
theo thứ tự hợp lý.
2
- Các tài liệu, số liệu được sử dụng phải chính xác, bảo đảm độ tin cậy.
- Các quan điểm đề xuất phải rõ ràng không lập lờ nước đôi; không đổ lỗi, đổ tội
cho người khác để có lợi cho người mình bảo vệ, không vì bênh vực quyền lợi
cho thân chủ của mình mà làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của
người khác.
2. Kỹ năng của luật sư khi chuẩn bị bản luận cứ trong giai đoạn xét xử
phúc thẩm.
Nhìn chung, các kỹ năng chuẩn bị để viết Bản luận cứ bào chữa/bảo vệ trong

giai đoạn xét xử phúc thẩm tương đối giống trong giai đoạn sơ thẩm, tuy nhiên,
do tính chất và nội dung tranh tụng tại giai đoạn xét xử phúc thẩm có những
điểm khác biệt với giai đoạn xét xử sơ thẩm, nên kỹ năng chuẩn bị để viết Bản
Luận cứ bảo vệ/bào chữa trong giai đoạn xét xử phúc thẩm cũng có những điểm
khác biệt riêng. Việc chuẩn bị bản luận cứ bào chữa, bảo vệ trong giai đoạn
phúc thẩm yêu cầu Luật sư cần chú ý các kỹ năng cụ thể như sau:
a. Nghiên cứu hồ sơ, tìm hiểu nội dung vụ án:
Nếu đã tham gia từ cấp sơ thẩm thì Luật sư chỉ tiếp tục nghiên cứu và giải quyết
tiếp những vấn phát sinh sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm. Đối với Luật sư tới
giai đoạn xét xử tại cấp phúc thẩm mới tham gia, để có thể viết được Bản luận
cứ bào chữa/bảo vệ có chất lượng đòi hỏi đòi hỏi Luật sư phải thực hiện các
công việc từ những khâu đầu tiên, nhằm tìm hiểu để nắm bắt được nội dung vụ
án cũng như yêu cầu của Khách hàng.
Việc nghiên cứu các nội dung có trong hồ sơ vụ án cũng phải được tập trung vào
các tài liệu có liên quan đến việc giải quyết các yêu cầu kháng cáo, kháng nghị.
Tùy thuộc vào từng nội dung yêu cầu kháng cáo, kháng nghị và định hướng bào
chữa/bảo vệ mà Luật sư xác định các tài liệu cần nghiên cứu trong hồ sơ cho phù
hợp.
3
Để tiết kiệm công sức nghiên cứu thì việc xem xét kháng cáo cần được thực hiện
theo thứ tự như sau:
-Xác định xem chủ thể kháng cáo có hợp pháp hay không, nếu người kháng cáo
không phải là người có quyền kháng cáo theo quy định tại Điều 231 Bộ Luật tố
tụng hình sự thì việc kháng cáo đó sẽ không được Tòa án cấp phúc thẩm chấp
nhận, và trong trường hợp này không nhất thiết phải quan tâm tới nội dung
kháng cáo;
- Xem xét việc kháng cáo đó có đúng thời hạn kháng cáo theo quy định tại
Điều
234 Bộ Luật tố tụng hình sự hay không, nếu có việc kháng cáo quá hạn thì có
được Tòa án cấp phúc thẩm ra Quyết định chấp nhận kháng cáo quá hạn hay

không, trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm đã ra quyết định chấp nhận kháng cáo
quá hạn thì cần xem xét lý do chấp nhận việc kháng cáo quá hạn có chính đáng
hay không;
- Xem xét nội dung kháng cáo và lý do kháng cáo.
Đối với kháng nghị thì thường ít có sai sót về chủ thể kháng nghị, thời hạn
kháng nghị, vì vậy Luật sư cần tập trung xem xét nội dung kháng nghị có liên
quan đến quyền lợi của thân chủ hay không, lý do kháng nghị và nội dung đề
xuất giải quyết đối với vụ án được đề cập trong kháng nghị.
Đối với Bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, Luật sư cần xem xét kỹ
phần “xét thấy” và phần “quyết định” trong Bản án, quyết định của Tòa án cấp
sơ thẩm. Tại phần “xét thấy”, Luật sư cần xem xét nội dung các lập luận và
chứng cứ dùng để lập luận có phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án hay
không, các kết luận trong phần nhận định có phải là kết quả tất yếu từ các lập
luận phân tích trước đó hay không. Tại phần “Quyết định”, Luật sư cần xem xét
có việc Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng thiếu hoặc không đúng quy định của pháp
4
luật hay không, nội dung phần Quyết định có phù hợp thống nhất với nội dung
nhận định tại phần “xét thấy” hay không.
b. Gặp gỡ thân chủ, Khách hàng.
Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm, do hồ sơ vụ án đã tương đối hoàn thiện, đây là
một điểm “thuận lợi” để Luật sư có thể nắm bắt nội dung vụ án một cách nhanh
chóng và đầy đủ. Do vậy, trong giai đoạn tìm hiểu nội dung sự việc thì không
đòi hỏi nhất thiết Luật sư phải gặp gỡ thân chủ, Luật sư chỉ cần gặp gỡ thân chủ
trong các trường hợp là sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án thấy có những điểm
chưa rõ cần tìm hiểu thêm, hoặc sau khi đã xác định định hướng nội dung bào
chữa/bảo vệ thì gặp gỡ thân chủ để thống nhất về nội dung và cách xử lý phối
hợp giữa Luật sư với thân chủ tại phiên tòa phúc thẩm.
c. Chuẩn bị các tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ án và việc giải quyết vụ
án.
Để viết bài bào chữa, bài bảo vệ Luật sư phải chuẩn bị các loại tài liệu. Những

tài liệu này gồm: các tài liệu, chứng cứ thu thập được từ việc nghiên cứu hồ sơ
vụ án, các tài liệu, chứng cứ mới được thu thập bổ sung và các tài liệu, văn bản
pháp luật có liên quan.
* Các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án:
Nếu bào chữa cho bị cáo: Luật sư cần chuẩn bị và nghiên cứu kỹ các tài liệu,
chứng cứ xác định sự vô tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm cho bị cáo. Thông
thường cần nghiên cứu những lời khai của bị cáo có các chứng cứ xác định sự
vô tội hoặc các tình tiết làm giảm nhẹ tội cho bị cáo như hoàn cảnh, động cơ,
mục đích phạm tội đáng để Hội đồng xét xử lưu ý, vai trò của bị cáo trong vụ án
chỉ là đồng phạm chứ không phải là chủ mưu… Chuẩn bị và nghiên cứu các lời
khai của người làm chứng xác nhận những tình tiết có lợi cho bị cáo; Các lời
khai của người bị hại có nhiều mâu thuẫn về hành vi phạm tội của bị cáo; Kết
luận giám định có mâu thuẫn với các chứng cứ khác của vụ án. Nghiên cứu các
5
tài liệu xác định tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo như đã tự nguyện ngăn chặn làm
giảm bớt tác hại của tội phạm, tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, ăn năn
hối cải, thành khẩn khai báo, … hoặc các tài liệu thể hiện những điểm tốt về
nhân thân bị cáo. Nghiên cứu các tài liệu dùng để bác bỏ hoặc đề nghị giảm mức
đòi bồi thường của người bị hại.
Nếu bảo vệ cho người bị hại: Luật sư phải chuẩn bị và nghiên cứu kỹ các tài
liệu, chứng cứ xác định hành vi phạm tội của bị cáo và các tài liệu thể hiện yêu
cầu đòi bồi thường thiệt hại của thân chủ. Đó là các lời khai nhận tội của bị cáo,
những lời khai của bị cáo chối tội nhưng rất mâu thuẫn với các chứng cứ khác
của vụ án; Những lời khai buộc tội bị cáo của người làm chứng, người bị hại;
Các tài liệu về chứng thương, giám định; Các tài liệu xác định vật chứng của vụ
án cũng như các tài liệu chứng minh yêu cầu bồi thường thiệt hại như chứng từ,
hoá đơn, biên nhận…
* Các tài liệu, chứng cứ mới được bổ sung trong hồ sơ vụ án sau khi xét xử sơ
thẩm và vụ án đã được chuyển lên Tòa án cấp phúc thẩm: Bao gồm cả các tài
liệu, chứng cứ Luật sư hoặc các bên “đối tụng” thu thập được và đã xuất trình

với Tòa án cấp phúc thẩm và được Tòa án cấp phúc thẩm công nhận là chứng
cứ.
* Các tài liệu và văn bản pháp luật liên quan:
Ngoài Bộ luật hình sự, Bộ luật TTHS, Luật sư còn phải chuẩn bị các văn bản
pháp luật có liên quan đến việc bảo vệ của mình. Tuỳ vào vụ án cụ thể và Luật
sư bảo vệ cho người nào trong vụ án mà chuẩn bị các văn bản pháp luật cho phù
hợp. Đối với các Thông tư liên ngành, Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Toà
án nhân dân tối cao, Nghị định của Chính phủ… nếu cần viện dẫn, Luật sư phải
đọc kỹ và đánh dấu vào những chỗ sẽ viện dẫn.
Các tài liệu, chứng cứ này phải được chuẩn bị và nghiên cứu đầy đủ, kỹ càng và
phải được xắp xếp (đánh dấu) sao cho thuận tiện nhanh chóng trong việc tìm
kiếm sử dụng.
6
d. Xác định hướng bào chữa/bảo vệ
Sau khi đã nghiên cứu tổng hợp các chứng cứ của vụ án, Luật sư phải xác định
được định hướng bào chữa/ bảo vệ của mình. Nếu xác định phương hướng bào
chữa đúng và chuẩn bị tốt các tài liệu, chứng cứ để bảo vệ theo hướng đã vạch ra
thì Luật sư đạt được kết quả cao trong bảo vệ; ngược lại xác định hướng bào
chữa không đúng thì mặc dù có thể bỏ ra nhiều công sức để bảo vệ nhưng cũng
không thu được kết quả. Do đó, muốn bảo vệ tốt cho thân chủ Luật sư phải xác
định hướng bào chữa đúng đắn. Tuỳ thuộc vào các tài liệu, chứng cứ đã có, Luật
sư xác định bào chữa cho bị cáo theo các hướng sau đây:
- Bào chữa theo hướng thân chủ vô tội;
- Bào chữa theo hướng xin giảm nhẹ cho thân chủ như chuyển tội danh, chuyển
khung hình phạt nhẹ hơn, đề nghị điều tra bổ sung vì có vi phạm nghiêm trọng
thủ tục tố tụng; đề nghị đình chỉ vụ án nếu có căn cứ pháp luật.
Đối với bản luận cứ bảo vệ, tuỳ thuộc vào các chứng cứ của vụ án và việc Luật
sư bảo vệ cho đương sự nào trong vụ án mà xác định hướng bảo vệ cho phù hợp.
Nếu bảo vệ cho người bị hại, Luật sư phải xác định cả hướng làm rõ trách nhiệm
hình sự của bị cáo trên cơ sở đó mới yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại cho

chính xác. Việc làm rõ trách nhiệm hình sự của bị cáo có thể theo hướng đề nghị
tăng nặng trách nhiệm hình sự như yêu cầu xét xử theo khung hình phạt khác
nặng hơn, trả hồ sơ điều tra bổ sung để truy tố theo tội danh khác nặng hơn…
nếu thấy cáo trạng truy tố không đúng. Nhưng cũng có thể bảo vệ theo hướng
công nhận cáo trạng truy tố đúng người, đúng tội nên bị cáo phải bồi thường cho
người bị hại. Nếu bảo vệ cho nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền
lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án thì Luật sư chuẩn bị hướng bảo vệ về dân sự
cho họ.
Cần lưu ý rằng , việc xác định hướng bào chữa/bảo vệ tại giai đoạn xét xử phúc
thẩm phụ thuộc vào nội dung, yêu cầu kháng cáo kháng nghị. Tùy vào diễn biến
trong quá trình giải quyết tại giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm và diễn biến
7
tại phiên tòa phúc thẩm, nếu không có các tình tiết, chứng cứ mới có thể làm
thay đổi tính chất, nội dung vụ án, thì đòi hỏi hướng bào chữa và kết luận trong
Bản luận cứ/bảo vệ phải thống nhất với các nội dung đã đề xuất trong đơn kháng
cáo của Khách hàng (trong trường hợp có xuất hiện các tình tiết, chứng cứ mới
có thể làm thay đổi tính chất, nội dung vụ án có lợi cho Khách hàng, thì Luật sư
có thể sửa đổi nội dung đề xuất trong Bản luận cứ/bảo vệ cho phù hợp), đồng
thời nội dung đề xuất trong Bản luận cứ bào chữa/bảo vệ phải trong phạm vi
thẩm quyền quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm quy định tại Khoản 2 Điều
248 Bộ Luật tố tụng hình sự.
Ví dụ:
- Nếu tại cấp sơ thẩm Luật sư đã bào chữa cho bị cáo theo hướng vô tội nhưng
không được Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận hoặc được Tòa án cấp sơ thẩm chấp
nhận nhưng sau đó lại bị Viện Kiểm sát kháng nghị đề nghị xét xử lại theo
hướng có tội, thì tại giai đoạn xét xử phúc thẩm Luật sư cần thống nhất với
Khách hàng/bị cáo kháng cáo kêu oan, đồng thời Luật sư chuẩn bị Bản luận cứ
bào chữa theo hướng vô tội đồng thời đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy án sơ
thẩm và đình chỉ việc giải quyết vụ án.
- Nếu tại cấp sơ thẩm Luật sư đã bào chữa theo hướng giảm nhẹ nhưng không

được Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận hoặc được Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận
nhưng sau đó lại bị Viện Kiểm sát kháng nghị đề nghị xét xử lại theo hướng
tăng nặng, thì tại giai đoạn xét xử phúc thẩm Luật sư cần thống nhất với Khách
hàng/bị cáo kháng cáo theo hướng giảm nhẹ, đồng thời Luật sư chuẩn bị Bản
luận cứ bào chữa đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm theo hướng
giảm nhẹ.
Nếu có căn cứ để xác định bị cáo có tội thì bào chữa theo hướng giảm nhẹ về
trách nhiệm hình sự và/hoặc giảm nhẹ về trách nhiệm dân sự (mức bồi thường).
Trường hợp bào chữa theo hướng giảm nhẹ thì tùy từng trường hợp cụ thể mà
Luật sư có thể bào chữa theo hướng giảm nhẹ bằng cách đề xuất thay đổi tội
8
danh, hoặc đề xuất áp dụng mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc đề xuất
chuyển sang khung hình phạt khác nhẹ hơn liền kề.
Tuỳ thuộc vào tính chất của vụ án phức tạp hay đơn giản, số lượng bị cáo nhiều
hay ít, các tài liệu chứng cứ trong vụ án đầy đủ hay còn thiếu, phù hợp hay mâu
thuẫn nhau, bị cáo nhận tội hay không nhận tội… mà bài bào chữa hoặc bài bảo
vệ của Luật sư cần viết chi tiết hay chỉ ở dạng dàn ý và nó được gửi đến Toà án
để Toà án có điều kiện xem xét kỹ các tình tiết, chứng cứ do Luật sư nêu ra hay
không cần gửi trước mà chỉ là tài liệu để sử dụng tại phiên toà. Trong trường
hợp cần gửi trước cho Hội đồng xét xử thì Luật sư phải trình bày hoàn chỉnh bài
bào chữa, bài bảo vệ.
e. Nội dung Bản luận cứ bào chữa/bảo vệ
Theo quy định tại Điều 241 Bộ Luật tố tụng hình sự về phạm vi xét xử phúc
thẩm, thì “Tòa án cấp phúc thẩm xét nội dung kháng cáo, kháng nghị. Nếu xét
thấy cần thiết thì Tòa án cấp phúc thẩm có thể xem xét các phần khác không bị
kháng cáo, kháng nghị của bản án”, như vậy, phạm vi xét xử của phúc thẩm chỉ
giới hạn trong phạm vi nội dung kháng cáo, kháng nghị và các vấn đề có liên
quan cần thiết, chứ không giải quyết lại đối với toàn bộ các nội dung mà Tòa án
cấp sơ thẩm đã giải quyết. Vì vậy, nếu nội dung Bản luận cứ/bảo vệ trong giai
đoạn xét xử sơ thẩm phải bao hàm toàn bộ các nội dung của vụ án có liên quan

đến quyền lợi của Khách hàng, thì nội dung Bản luận cứ/bảo vệ trong giai đoạn
xét xử phúc thẩm chỉ đòi hỏi phải tập trung vào những nội dung kháng cáo,
kháng nghị có liên quan đến quyền lợi của Khách hàng.
Về cơ cấu của bản Luận cứ bào chữa/bảo vệ trong giai đoạn xét xử phúc thẩm
được thiết kế giống như bản Luận cứ bào chữa/bảo vệ nói chung, bao gồm 3
phần chính là: phần mở đầu, phần nội dung và phần kết luận đề xuất.
* Phần mở đầu:
- Luật sư tự giới thiệu
9
- Nêu lý do tham gia phiên toà
* Phần nội dung:
Trong phần nội dung, đòi hỏi Luật sư phải trình bày được các nội dung cơ bản
và theo các thứ tự sau:
+ Tóm tắt sơ lược nội dung của vụ án theo quan điểm của Luật sư;
+ Tóm tắt nội dung truy tố của Viện Kiểm sát tại phiên tòa sơ thẩm (về tội danh,
mức hình phạt, mức bồi thường mà Viện Kiểm sát đã đề nghị);
+ Tóm tắt nội dung nhận định và quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm (về tội
danh, mức hình phạt, mức bồi thường);
+ Tóm tắt nội dung Kháng cáo/kháng nghị.
+ Đưa ra quan điểm giải quyết của Luật sư, trong đó Luật sư đưa ra ý kiến đồng
tình với những điểm có lợi và phản bác các điểm bất lợi trong bản án, quyết định
của Tòa án cấp sơ thẩm và/hoặc yêu cầu kháng nghị của Viện Kiểm sát và/hoặc
kháng cáo của người khác, nhằm bảo đảm quyền lợi cho Khách hàng. Thông
thường phần quan điểm giải quyết của Luật sư được cấu trúc thành hai phần như
sau:
- Luật sư đưa ra các chứng cứ, căn cứ và phân tích lập luận, chỉ ra các
điểm bất cập, mâu thuẫn, thiếu căn cứ của phía “đối tụng”, những vi phạm
nghiêm trọng thủ tục tố tụng của các Cơ quan Nhà nước …nhằm chứng minh
việc giải quyết của tòa án cấp sơ thẩm đối với thân chủ của Luật sư là không
đúng, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ;

- Luật sư đưa ra các chứng cứ, căn cứ, luận cứ, luận điểm nhằm bảo
vệ cho định hướng bào chữa của mình (phân tích, tổng hợp, đánh giá các chứng
cứ để chứng minh thân chủ của mình vô tội, nêu các tình tiết giảm nhẹ mà thân
chủ mình được hưởng theo quy định của pháp luật …).
10
Đối với các chứng cứ mà theo đánh giá của Luật sư là có thể gây bất lợi cho
định hướng bào chữa, bất lợi cho Khách hàng thì không sử dụng; tuy nhiên Luật
sư cũng cần chuẩn bị sẵn các nội dung nhằm đối đáp với phía đối tụng nếu phía
đối tụng sử dụng các chứng cứ này.
* Phần kết luận:
- Tóm tắt những vấn đề chính đã trình bày.
- Đưa ra đề xuất cụ thể với Hội đồng xét xử để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp
của bị cáo hoặc các đương sự. Ngoài việc nội dung đề xuất phải phù hợp với đề
nghị trong kháng cáo và trong phạm vi thẩm quyền quyết định của Tòa án cấp
phúc thẩm như đã đề cập tại phần kỹ năng “Xác định hướng bào chữa” phía trên,
thì Luật sư cần phải chú ý chỉ đề xuất những vấn đề có lợi cho Khách hàng,
ngay cả trong trường hợp đề xuất ý kiến giải quyết các vấn đề liên quan đến
đương sự khác trong cùng vụ án, thì Luật sư cũng phải tính đến việc nội dung ý
kiến đề xuất đó có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Khách hàng
của mình hay không.
- Sau khi trình bày xong phần kết luận đề xuất, Luận sư cần chào và cảm ơn theo
phép lịch sự trước khi kết thúc.
C. KẾT LUẬN
Việc bào chữa/bảo vệ của Luật sư là một quá trình đòi hỏi Luật sư phải thực
hiện nhiều hoạt động khác nhau, hoàn thiện và sử dụng nhiều kỹ năng khác
nhau. Với mỗi giai đoạn ứng với mỗi hoạt động cụ thể của Luật sư lại có những
ý nghĩa không giống nhau, tuy nhiên hoạt động nào cũng vô cùng quan trọng,
đóng góp lớn vào sự thành công hay thất bại của Luật sư.
Việc chuẩn bị bài luận cứ bào chữa/ bảo vệ cũng vậy, là hoạt động đặc thù của
luật sư, có ý nghĩa vô cùng lớn lao, Luật sư chuẩn bị tốt và có kỹ năng tốt trong

hoạt động này sẽ quyết định tới sự thành công hay thất bại của Luật sư khi tham
gia phiên tòa xét xử.
11
Trên đây là một số các nghiên cứu sơ lược của tôi về vấn đề kỹ năng của Luật sư
trong việc chuẩn bị bản luận cứ bào chữa/bảo vệ cho thân chủ trong giai đoạn
xét xử phúc thẩm vụ án hình sự.
Do vốn kiến thức còn nhiều hạn chế, do đặc thù của công việc nên thời gian khá
hạn hẹp, chắc chắn bài viết còn nhiều sai xót, vậy kính mong Quý thầy cô và các
bạn đồng nghiệp đóng góp ý kiến để bài viết của tôi được tốt hơn.
12

×