ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP, NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG THÔNG
TIN THƯ VIỆN PHỤC VỤ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO THEO TÍN CHỈ
Phạm Đức Triển - GĐ Trung tâm TT-TL-TV
Mở đầu
Hiện nay trường đại học Hùng Vương đang tổ chức đào tạo theo hệ thống tín
chỉ, đây là phương thức đào tạo tiên tiến nhất ở nước ta cũng như trên thế giới.
Trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ, giảng viên và sinh viên cần được tạo điều kiện
tốt hơn trong việc tìm kiếm thông tin và sử dụng tài liệu tham khảo theo yêu cầu
của môn học. Đây là dạng thông tin mang tính đặc thù và đôi khi là những thông tin
độc nhất, khó tìm thấy ở nơi khác. Vì vậy, thư viện bổ sung và cập nhật những kiến
thức mới, những phương pháp giảng dạy tiên tiến làm cho việc học tập và giảng
dạy thêm sinh động và hấp dẫn. Thư viện mở rộng điều kiện học tập cho sinh viên
cả về không gian, thời gian và các lĩnh vực tri thức hơn so với khuôn khổ qui định
về nội dung, chương trình và kế hoạch đào tạo của nhà trường điều này rất thuận lợi
cho công tác đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Với nhiệm vụ lớn lao đó, việc đổi mới
phương pháp, nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin thư viện phục vụ công tác đào
tạo và NCKH của nhà trường là đặc biệt quan trọng.
Nội dung
1. Thực trạng công tác quản lý học liệu ở trường Đại học Hùng Vương
Vốn tài liệu/nguồn tin trong thư viện Đại học Hùng Vương là để phục vụ cho
công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, công tác quản lí cho người dùng tin. Như
vậy, trong đào tạo theo tín chỉ, “học liệu” chính là một bộ phận của “vốn tài liệu”
hay “nguồn tin” của thư viện Đại học Hùng Vương.
Có thể tạm phân loại nguồn học liệu đã có của Đại học Hùng Vương theo các
phương diện khác nhau :
Về loại hình, học liệu bao gồm :
- Tài liệu dạng truyền thống: Tài liệu in trên giấy như sách, báo tạp chí, bản
nhạc in …
- Tài liệu dạng hiện đại như tài liệu nghe – nhìn, tài liệu điện tử. Tài liệu
điện tử có dạng lưu trữ trên đĩa CD-ROM, bài giảng điện tử, cơ sở dữ liệu online.
Theo mục đích sử dụng. học liệu của thư viện bao gồm :
- Tài liệu bắt buộc đọc: Đề cương bài giảng, giáo trình, tập bài giảng, tài
liệu tham khảo chính;
- Tài liệu tham khảo khác.
Theo bản quyền, có thể có:
- Học liệu mở
- Học liệu được sử dụng chỉ khi được cấp quyền truy cập.
Việc phân loại trên mang tính chất tương đối, bản thân một tài liệu có thể
mang cả các đặc tính trên. Việc phân loại này còn mang ý nghĩa phục vụ cho công
tác tổ chức, quản lí kho học liệu và xây dựng các quy định về phục vụ học liệu
trong thư viện Đại học Hùng Vương. Hiện nay thư viện đã có ba kho tài liệu truyền
thống, hai kho ở cơ sở thị xã Phú Thọ và một kho ở thành phố Việt Trì, về cơ bản
các ngành đào tạo thuộc khối sư phạm mầm non và sư phạm tiểu học đã có đủ sách
và tài liệu tham khảo; có 3 phòng đọc sách tổng diện tích trên 500 m
2
; hai thư viện
điện tử với hàng chục ngàn cơ sở dữ liệu, phòng đọc điện tử 200 chỗ ngồi. Từ khi
nhà trường được nâng cấp lên đại học, mặc dù đã rất cố gắng đầu tư nhiều tỉ đồng
để nâng cấp thư viện nhưng do số lượng mã ngành và số lượng sinh viên tăng quá
nhanh nên thực tế thư viện mới chỉ đáp ứng bước đầu ở mức tối thiểu vốn tài liệu /
học liệu và các thiết bị khác phục vụ bạn đọc. Trước mắt, thư viện đã đổi mới
phương thức phục vụ theo hình thức kho mở và phục vụ ba buổi / ngày nhằm tạo
điều kiện thuận lợi và thu hút được nhiều bạn đọc đến với thư viện.
2. Thực trạng chính sách phát triển vốn tài liệu / học liệu.
Thư viện phối hợp chặt chẽ với các khoa chuyên môn lên danh sách diện bổ
sung. Diện bổ sung phải sát hợp với từng đề cương môn học theo tín chỉ của giảng
viên đã được trường Đại học Hùng Vương thông qua. Trong từng đề cương bài
giảng theo tín chỉ, giảng viên đã đưa ra danh mục tài liệu bắt buộc sinh viên đọc và
danh mục tài liệu yêu cầu đọc thêm. Đây là căn cứ quan trọng cho thư viện xây
dựng kế hoạch bổ sung theo đề tài / theo môn học.
Đặc biệt chú ý phát triển kho giáo trình – kho học liệu mà sinh viên bắt buộc
phải đọc. Trong thư viện Đại học Hùng Vương lâu nay đã có kho giáo trình, tài liệu
tham khảo và các tài liệu nội sinh chủ yếu là do các giảng viên trong nhà trường
biên soạn. Khi đào tạo theo phương pháp cũ (đào tạo theo niên chế), sinh viên tất
nhiên vẫn phải có giáo trình để học, nhưng không phải là bắt buộc, thậm chí có
trường hợp sinh viên chỉ cần học theo bài ghi trên lớp và giáo trình của thầy biên
soạn là có thể đạt kết quả của các kì thi. Còn theo phương pháp đào tạo theo tín chỉ,
yêu cầu mượn và đọc tài liệu là bắt buộc, do phương pháp dạy và học mới quy
định. Kho giáo trình bây giờ được hiểu rộng hơn, gồm cả những bài giảng của
giảng viên dạng giấy và dạng điện tử.
3. Đổi mới công tác quản lý, phục vụ học liệu và các dịch vụ thông tin
a) Công tác quản lý học liệu
Áp dụng các chuẩn nghiệp vụ tiên tiến trong xử lí tài liệu, trong tổ chức kho
tài liệu để tiến tới phục vụ liên thông giữa các thư viện đại học. Việc áp dụng các
chuẩn nghiệp vụ như phân loại theo DDC, biên mục mô tả theo AACR2 và
MARC21, đã được bộ Văn hóa – Thông tin chính thức cho phép, qua công văn số
1598/BVHTT-TV, ngày 07 tháng 5 năm 2007 “V/v áp dụng chuẩn nghiệp vụ trong
các thư viện Việt Nam”.
Quản lí học liệu theo môn học và ngành học. Trong kĩ thuật thư viện từ lâu đã
có phương pháp quản lí kho tài liệu theo môn loại của bảng phân loại thư viện – thư
mục, hoặc theo chủ đề của bảng đề mục chủ đề, đều là quản lí tài liệu theo các
ngành đào tạo, các môn học trong trường đại học.
Đại học Hùng Vương hiện nay có gần 50 mã ngành đào tạo, mỗi mã ngành có
nhiều môn học, mỗi môn học quy định phải có các tài liệu sau: Một cuốn đề cương
bài giảng, ít nhất 1 giáo trình chính, từ 1 đến 2 tài liệu tham khảo trở lên (học liệu
bắt buộc SV đọc) và một số môn có các tài liệu tham khảo tiếng nước ngoài.
Theo yêu cầu của kiểm định chất lượng đào tạo đại học, thư viện đại học phải
đáp ứng số đầu sách cho từng môn học theo chuẩn nhất định (hiện nay chuẩn này
theo quy định của từng trường, từng ngành đào tạo). Về mặt kỹ thuật, nếu thư viện
thống kê theo kí hiệu phân loại thông thường sẽ không đáp ứng được yêu cầu này.
Còn theo yêu cầu của đào tạo theo tín chỉ, thư viện phải chỉ ra nguồn tài liệu / học
liệu bắt buộc đọc và tài liệu tham khảo của từng môn học, thì kĩ thuật biên mục theo
nội dung thông thường không đáp ứng được.
Do vậy, để quản lí nguồn học liệu phục vụ đào tạo theo tín chỉ, thư viện
trường Đại học Hùng Vương cần xây dựng cơ sở dữ liệu môn học, gồm những
thông tin thư mục về tài liệu có trong thư viện cho giảng viên và sinh viên sử dụng.
Bên cạnh kí hiệu phân loại theo kĩ thuật thư viện thông thường, thư viện cần phải
nghiên cứu xây dựng một bảng kí hiệu thể hiện từng môn học trong trường Đại học
Hùng Vương để khi biên mục sẽ “phân loại” tài liệu theo “kí hiệu môn học” luôn.
Việc này sẽ rất có ích cho công tác quản lí và phục vụ học liệu cho đào tạo theo hệ
thống tín chỉ.
Ngoài việc áp dụng công nghệ thông tin vào quản trị thư viện thông thường,
cần tăng cường công nghệ quản lí nguồn học liệu số hóa. Thư viện trường phải trở
thành trung tâm tích hợp nguồn học liệu dạng số của nhà trường. Trong đào tạo theo
tín chỉ, sinh viên sẽ được sử dụng rất nhiều dạng bài giảng điện tử do giáo viên biên
soạn, không đơn thuần chỉ có dạng dữ liệu toàn văn (fulltext) mà cả dạng dữ liệu là
âm thanh và hình ảnh. Do vậy, thư viện phải có một phần mềm quản trị đủ mạnh, có
các chuẩn về nghiệp vụ Thông tin - Thư viện và về công nghệ thông tin phù hợp
tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời phải có một hạ tầng công nghệ thông tin mạnh để
đảm bảo cho giảng viên và sinh viên truy nhập tại mọi lúc và mọi nơi.
b) Công tác phục vụ học liệu:
Thư viện phải nắm vững kế hoạch đào tạo của các khoa, thậm chí cả lịch học
của từng môn học để có kế hoạch đáp ứng học liệu kịp thời. Chủ động trong việc
đảm bảo học liệu cho giảng viên và sinh viên, chuyển từ hình thức phục vụ thụ động
“phục vụ những gì mình có sẵn” sang hình thức chủ động “phục vụ theo yêu cầu”.
Đa dạng hóa các hình thức phục vụ; tăng cường giờ phục vụ. Tiến tới thực
hiện mô hình mượn liên thư viện, trước hết là giữa các thư viện đại học.
Để nâng cao hiệu quả việc sử dụng tài liệu/ học liệu cho phương pháp đào tạo
theo tín chỉ, người dùng tin là giảng viên sinh viên cần được đào tạo về kiến thức
thông tin (Information Literacy) một cách bài bản. Đó là những kiến thức và kĩ năng
nhận biết nhu cầu thông tin, xác định, đánh giá và sử dụng thông tin đúng và hiệu
quả.
- Vấn đề bản quyền trong sử dụng học liệu cần được chú trọng. Các qui định về sao
chụp tài liệu, sử dụng tài liệu điện tử trực tuyến cần tuân thủ luật sở hữu trí tuệ.
Những vấn đề về bản quyền tài liệu điện tử, như giáo trình, bài giảng điện tử cần
được thể chế hóa trong nội quy phục vụ bạn đọc của thư viện.
c) Các dịch vụ thông tin
Các dịch vụ thông tin cũng sẽ được tổ chức trên cơ sở tính đến tập quán, thói
quen cũng như tâm lý đặc thù của các nhóm người dùng tin trong trường Chất
lượng của hoạt động thông tin trong trường sẽ thể hiện ở mức độ đáp ứng nhu cầu
tin của sinh viên, giảng viên, đồng thời cũng là yếu tố kích thích nhu cầu tin của họ
ngày càng phát triển sâu sắc hơn, phong phú hơn. Đó là điều kiện quan trọng để
hình thành tính tích cực trong học tập của sinh viên, cũng như khả năng cập nhật
thông tin trong bài giảng của giáo viên- yếu tố hàng đầu bảo đảm chất lượng
phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ.
Kết luận
Chuyển đổi phương thức đào tạo từ niên chế sang đào tạo theo tín chỉ là một
cuộc đổi mới toàn diện trong trường Đại học Hùng Vương – thể hiện triết lý giáo
dục lấy người học làm trung tâm, tăng tính chủ động của người học, lấy đổi mới
phương pháp dạy học và học tập làm gốc cho nên nó là một giải pháp tổng thể để
nâng cao chất lượng đào tạo. Thư viện Đại học Hùng Vương không thể đứng ngoài
cuộc. Bám sát chương trình đào tạo, lịch trình dạy và học của giảng viên và sinh
viên, thư viện Đại học Hùng Vương cần có những chiến lược phát triển vốn tài liệu/
học liệu sát hợp với ngành đào tạo và từng môn học; tổ chức và phục vụ nguồn tài
liệu với công nghệ hiện đại và phương pháp phục vụ tiện lợi nhất, theo tinh thần đáp
ứng yêu cầu thông tin của người dùng tin là giảng viên và sinh viên ở “mọi lúc, mọi
nơi”. Người cán bộ thư viện, không phải chỉ là thủ thư đơn thuần, mà phải trở thành
người tư vấn cho giảng viên, người hướng dẫn sinh viên biết tiếp cận và sử dụng
nguồn học liệu – nguồn tin phù hợp và hiệu quả nhất. Thư viện trường Đại học
Hùng Vương thực sự trở thành trung tâm học liệu – giảng đường thứ 2 của giảng
viên và sinh viên./.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Hồng Sinh (2005). Vai trò của cán bộ thư viện trường học hiện đại : Tập
san (28). - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Tp.HCM.
2. Đỗ Trung Tá (2004). Ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông để đổi mới giáo
dục đại học ở Việt Nam: Tham luận tại Hội thảo “Đổi mới giáo dục đại học Việt
Nam – Hội nhập và thách thức”. - Hà Nội
3. Nguyễn Thị Lan Thanh (2004). Thư viện các trường đại học với việc nâng cao
chất lượng giáo dục đại học: Tham luận tại Hội thảo “Đổi mới giáo dục đại học Việt
Nam – Hội nhập và thách thức”. - Hà Nội.
4. Nguyễn Thị Thư (2007). Thư viện với việc đổi mới phương pháp dạy và học ở
đại học: Tham luận tại Hội thảo "Thư viện với việc đổi mới phương pháp dạy và
học ở bậc học đại học – cao đẳng”. - Tp.HCM.