Tải bản đầy đủ (.doc) (70 trang)

Nét đặc sắc về nghệ thuật trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (334.33 KB, 70 trang )

PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Nền văn học của bất kỳ dân tộc nào cũng như lịch sử phát triển của dân tộc
đó, để tồn tại cho đến ngày nay, nó đều phải dựa trên cơ sở của cái cũ và phát
triển thêm cái mới. Nền văn học của dân tộc Việt Nam cũng như vậy. Ra đời
sau văn học dân gian, văn học trung đại Việt Nam có điều kiện tiếp thu những
ánh sáng và tinh hoa từ nền văn học truyền thống mà cha ông ta đã dày công
xây dựng và để lại. Do đó văn học trung đại Việt Nam đã nhanh chóng phát
triển, sớm trở thành một bộ phận lớn của nền văn học nước nhà. Có thể nói,
văn học trung đại Việt Nam đã trở thành một mảnh đất tốt tươi, sản sinh, nuôi
dưỡng biết bao nhà thơ, nhà văn ưu tú và mỗi người có một phong cách sáng
tác riêng. Nếu đọc thơ Nguyễn Du ta bâng khuâng trước những giọt lệ cao cả,
chảy mãi ngàn đời giống như Chế Lan Viên đã đúc kết: “Tố Như ơi, lệ chảy
quanh thân Kiều” thì đến với Nguyễn Trãi ta bắt gặp một nhà quân sự làm thơ
hết sức tài tình: “Nghe hồn Nguyễn Trãi phiêu diêu. Tiếng gươm khua, tiếng
thơ kêu xé lòng” (Tố Hữu).
Nguyễn Trãi là một nhà chính trị sáng suốt, một nhà quân sự lỗi lạc, một
nhà ngoại giao thiên tài, một nhà sử học, địa lý học và một nhà thơ, nhà văn
xuất sắc của văn học Việt Nam. Ở Nguyễn Trãi đã hội tụ tất cả “khí phách”,
“tinh hoa” nghĩa là những gì tốt đẹp nhất của dân tộc ta. Sinh ra và lớn lên
vào thời buổi lịch sử có nhiều biến động, cuộc đời Nguyễn Trãi cũng có nhiều
biến cố, thăng trầm. Tuy nhiên, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, ông cũng là
một tấm gương sáng, hết sức mẫu mực cho con cháu ngày sau noi theo và học
tập.
Với tư cách là một nhà văn, nhà thơ, Nguyễn Trãi đã để lại một khối lượng
tác phẩm đồ sộ - một di sản văn học quý báu muôn đời. Đúng như Phạm Văn
Đồng đã nhận xét: “…Sự nghiệp và tác phẩm của Nguyễn Trãi là một bài ca
1
yêu nước và tự hào dân tộc”. Bước vào thế giới văn chương của Nguyễn Trãi,
người đọc như được sống trong một thế giới đa thanh, đa sắc, đa điệu. Đó là
lời sang sảng, hùng khí nhưng đầy nhân nghĩa của Bình Ngô đại cáo. Đó là


tiếng nói đanh thép giống như một thứ vũ khí lợi hại, góp phần làm suy yếu
tinh thần quân địch của Quân trung từ mệnh tập. Đó còn là tiếng nói tình cảm
chân thành, nhiệt huyết của một con người suốt đời “âu việc nước”, “thân
nhàn nhưng tâm không nhàn” trong những vần thơ Quốc âm.
Có thể nói, Quốc âm thi tập là tập thơ có vị trí quan trọng trong lịch sử văn
học Việt Nam. Đây là tập thơ Nôm đầu tiên viết bằng ngôn ngữ dân tộc hiện
còn. Xuân Diệu gọi nó là “tác phẩm mở đầu nền văn học cổ điển” nước ta. Sở
dĩ có được vị trí trên vì bên cạnh giá trị nội dung, Quốc âm thi tập còn gặt hái
được những thành tựu to lớn về giá trị nghệ thuật. Tìm hiểu Nét đặc sắc về
nghệ thuật trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi sẽ góp phần giúp chúng ta
nhận thức một cách toàn diện hơn về tài năng, phẩm giá và những đóng góp
của Nguyễn Trãi trong tiến trình văn học Việt Nam.
Mặt khác, văn chương của Nguyễn Trãi từ lâu đã được đưa vào giảng dạy
trong chương trình văn học ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông,
thực hiện đề tài này sẽ góp phần phục vụ thiết thực và hiệu quả cho việc giảng
dạy thơ Nguyễn Trãi nói chung, thơ Nôm của ông nói riêng.
2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu
Nguyễn Trãi xuất hiện trên thi đàn Việt Nam với một hồn thơ đa dạng và
phong phú, đặc biệt là qua tập thơ Nôm Quốc âm thi tập. Ra đời và tồn tại hơn
sáu thế kỷ nên tác phẩm này đã được rất nhiều người quan tâm, nghiên cứu và
đánh giá. Do đó, vấn đề Nét đặc sắc về nghệ thuật trong Quốc âm thi tập của
Nguyễn Trãi không còn là vấn đề mới mẻ nữa nhưng nó luôn là mảnh đất
huyền bí, có sức hút mãnh liệt, là một dòng nước chưa bao giờ cạn đối với các
nhà nghiên cứu. Các công trình nghiên cứu, các bài viết của các tác giả đã đưa
2
ra nhiều ý kiến nhận xét, đánh giá của mình nhưng bằng cách này hay cách
khác họ đều thống nhất với nhau ở một điểm chung: Quốc âm thi tập đã gặt
hái được những thành công to lớn về mặt nghệ thuật. Một số bài viết của các
tác giả sau đây sẽ giúp chúng ta thấy rõ điều đó.
Tác giả Thanh Lãng với bài viết Quốc âm thi tập đã khẳng định: Quốc âm

thi tập là tài liệu văn học cổ nhất hiện còn lưu giữ được của nền văn học quốc
âm. Giá trị của tập thơ không chỉ hạn hẹp ở những nét đặc sắc về nội dung mà
còn ở nghệ thuật biểu hiện. Theo tác giả Thanh Lãng, với những gì mà Quốc
âm thi tập đạt được thì Nguyễn Trãi xứng đáng là ông tổ của nền văn học cổ
điển. Không những vậy, ông còn là ông tổ của nền văn học dân tộc, nhưng có
tính chất không nguyên vì đem áp dụng luật thơ ngoại quốc vào việc chế tạo
thơ văn quốc âm, cụ thể trong việc sử dụng các loại thể hoặc thuần tuý Việt
Nam như loại thơ sáu chữ hoặc dung hoà Việt – Hán như lối bảy chữ xen sáu
chữ… Tác giả bài viết còn đánh giá cao Nguyễn Trãi ở công khai sinh một
nghệ thuật dùng ngôn ngữ của dân gian. Đây là điểm mới mẻ hơn các nhà thơ
văn sống sau ông hơn ba bốn thế kỷ. Cuối cùng, Nguyễn Trãi được đánh giá là
người dựng một cái mốc trên đà tiến của ngữ ngôn – một ngữ ngôn uyển
chuyển, tế nhị trong việc diễn tả mọi tình ý một cách độc đáo [12. tr. 805].
Cũng bàn về việc sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Trãi, trong bài Một vài
nhận xét bước đầu về ngôn ngữ trong thơ Nguyễn Trãi, sau khi nhận xét về
ngôn ngữ trong thơ chữ Hán, tác giả Nguyễn Tài Cẩn – Vũ Đức Nghiêu có
nói về ngôn ngữ trong thơ Nôm: Nói đến ngôn ngữ trong thơ Nôm Nguyễn
Trãi, điểm đầu tiên nổi bật là sự phong phú của tác giả về mặt dùng từ [20, tr.
181]. Tác giả bài viết đã thống kê toàn bộ các bài trong Quốc âm thi tập và
phát hiện ra Nguyễn Trãi đã dùng hơn một vạn một ngàn lượt từ (11.067),
trong đó có tất cả 2.235 từ khác nhau. Tác giả bài viết còn thống kê chi tiết số
từ xuất hiện một lần (2.122 từ) cho đến những từ xuất hiện từ mười lần trở lên
3
(272 từ). Thế là trong kho từ của Quốc âm thi tập, gần 46 trường hợp Nguyễn
Trãi đã không dùng từ lặp lại một lần nào – một tỷ lệ khá cao nếu đem so sánh
ngay với cả thể loại truyện ký của các nhà văn hiện đại [20, tr. 182]. Điều đó
chứng tỏ khả năng vận dụng từ ngữ phong phú, điêu luyện của Nguyễn Trãi.
Cuối cùng, để làm nổi bật vai trò của Nguyễn Trãi đối với nền thơ dân tộc, tác
giả bài viết còn khẳng định: Chúng ta quý Nguyễn Trãi đã để lại cho chúng ta
khá nhiều thơ Nôm. Nhưng còn đáng quý hơn nữa là Nguyễn Trãi đã để lại cho

chúng ta không phải một lối thơ Nôm bác học mà là một lối thơ Nôm viết bằng
ngôn ngữ đậm đà màu sắc dân tộc [20, tr. 183].
Tác giả Bùi Văn Nguyên với bài viết Âm vang của tục ngữ, ca dao trong
thơ quốc âm của Nguyễn Trãi đã khảo sát một cách tỉ mỉ hệ thống tục ngữ, ca
dao xuất hiện trong thơ quốc âm để thấy rằng yếu tố tục ngữ, ca dao khá đậm
đà trong nhiều câu, nhiều bài. Với 1908 câu thơ thì đã có 50 câu thơ có yếu tố
tục ngữ và khoảng 20 câu thơ có yếu tố ca dao, và nếu tính phần trăm thì yếu
tố tục ngữ chiếm khoảng 2,5 % và yếu tố ca dao chiếm khoảng 1 % [10, tr. 83].
Điều đáng ghi nhận là các hình thức vận dụng vốn cổ văn học dân gian được
thể hiện một cách linh hoạt, sáng tạo: Có chỗ như “lẫy”, có chỗ như “tập”, có
chỗ như “phỏng”, có chỗ lấy toàn cả ý, cả từ, có chỗ lấy ý mà từ có bổ sung
hay có chỗ lấy từ mà ý có bổ sung [10, tr. 88].
Đọc Quốc âm thi tập, chúng ta thấy xuất hiện trong đó nhiều hình ảnh,
nhiều thi liệu, chất liệu từ văn học dân gian. Đó chính là nhận định của đại
tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp kỷ niệm 600 năm sinh Nguyễn Trãi: Thơ
Nôm Nguyễn Trãi tiếp thu nhiều thành tựu của văn hoá dân gian, văn học dân
gian. Củ khoai, quả ổi, bè rau muống, luống dọc mùng… vốn rất xa lạ với văn
chương bác học đã được Nguyễn Trãi đưa vào thơ Nôm của mình một cách rất
tự nhiên. Tục ngữ, thành ngữ, ca dao, những đặc sắc, thanh điệu tiếng Việt, tất
cả những khả năng phong phú ấy của ngôn ngữ dân gian được Nguyễn Trãi
4
khai thác một cách tài tình để cho hình tượng thơ có nhiều màu sắc dân tộc và
lời thơ có âm điệu phong phú. Nguyễn Trãi đã sớm coi trọng việc làm giàu
ngôn ngữ và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt [12, tr. 912 – 913].
Tác giả Hoàng Tuệ với bài viết Cống hiến của Nguyễn Trãi đối với tiếng
Việt đã khẳng định: Cống hiến của Nguyễn Trãi đối với tiếng Việt, đó là một
cống hiến hết sức lớn lao [12, tr. 826]. Nguyễn Trãi trên cơ sở của thái độ quý
trọng và đề cao chất liệu của tiếng Nôm, tức tiếng Việt, văn học dân gian
truyền miệng đã sử dụng một cách thành công bộ phận từ vựng Việt, ngữ pháp
Việt, đặc biệt là tục ngữ rõ ràng là vật được quý chuộng [12, tr. 819]. Bên

cạnh đó, đọc Quốc âm thi tập, tác giả bài viết còn phát hiện ra một vấn đề
khác: vấn đề chất liệu trong tiếng Hán mà Nguyễn Trãi đã dùng nhiều [12, tr.
820]. Song dùng nhiều tiếng Hán không có nghĩa là Nguyễn Trãi nghiêng về
nền Hán văn của Trung Hoa, không có nghĩa là Nguyễn Trãi đã đồng hoá kho
từ vựng và văn liệu Hán học. Trái lại, với ý thức dân tộc sâu sắc, với tấm lòng
yêu nước nồng nàn, Nguyễn Trãi đã cố gắng xây dựng ngôn ngữ văn học dân
tộc trên cơ sở ngôn ngữ của nhân dân và ngôn ngữ của văn học dân gian [5, tr.
257]. Đây là thành tựu lớn nhất mà trong bài viết Nguyễn Trãi và tấm lòng ưu
ái “đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông”, tác giả Đinh Gia Khánh đã nhận
xét.
Nếu như tác giả trên chú ý khai thác đặc sắc nghệ thuật của quốc âm ở
phương diện ngôn ngữ thì tác giả Phạm Luận lại tiếp cận tập thơ ở phương
diện thể loại. Trong bài Nguyễn Trãi và thể thơ Việt Nam trong Quốc âm thi
tập, tác giả bài viết đã đối chiếu, so sánh khá tỉ mỉ những vần thơ quốc âm với
thơ Đường, từ đó khẳng định Nguyễn Trãi đã vận dụng thi pháp thơ Đường
một cách thành thạo. Nguyễn Trãi đã có sự sáng tạo khéo léo, tài tình: số lớn
các bài thơ đều ít nhiều có chỗ viết khác niêm luật thơ Đường. Điều này thể
hiện ở những câu 7 tiếng có cách ngắt nhịp (3/4) khác lối ngắt nhịp của thể
5
thơ Đường (4/3) [12, tr. 840], ở việc dùng câu 6 tiếng xen với câu 7 tiếng
trong bài thơ bát cú cũng như tứ tuyệt [12, tr. 841].
Cũng là tác giả Phạm Luận trong bài viết Thể loại thơ trong Quốc âm thi
tập của Nguyễn Trãi và thi pháp Việt Nam, sau khi căn cứ vào hình thức loại
biệt trong tổ chức chất liệu ngôn ngữ, tác giả đã chỉ ra ba thể thơ mà Nguyễn
Trãi sử dụng là thể luật Đường, thể thất ngôn, thể câu 6 chữ xen với câu 7
chữ. Ngoài ra, tác giả còn khẳng định trong quá trình sáng tác thơ bằng tiếng
Việt Nguyễn Trãi đã tiếp thu sâu sắc thi pháp luật Đường… [12, tr.856]. Và từ
những tiềm năng quý báu của thể thơ Trung Quốc này, Nguyễn Trãi đã có một
cố gắng để xây dựng một lối thơ Việt Nam, một thi pháp Việt Nam ở giai đoạn
văn học chữ Nôm mới bắt đầu được hình thành và phát triển [12, tr. 856]. Điều

này được tác giả chứng minh qua lối kiến tạo tiết tấu, lối gieo vần lưng mà
Nguyễn Trãi sử dụng trong tập thơ của mình.
Trong bài viết Một vài nhận xét về mối quan hệ giữa thể thơ Nôm của
Nguyễn Trãi với thể thất ngôn luật ở Trung Quốc cùng với tác giả Nguyễn
Phạm Hùng, tác giả Phạm Luận cũng có những phát hiện thật xác đáng. Tác
giả bài viết cho rằng: Trong Quốc âm thi tập vừa có nhân tố hợp luật Đường,
lại vừa có nhân tố phi luật Đường [12, tr. 861]. Cụ thể ở cách hiệp vần trong
thơ chủ yếu là vần bằng, ở cấu tạo nhịp câu thơ thất ngôn rất đa dạng nhưng
phổ biến vẫn là cách ngắt nhịp 3/4, ở thể thất ngôn xen lục ngôn. Qua khảo sát
của tác giả trong 254 bài thơ quốc âm thì đã có tới 156 bài có câu thất ngôn
xen lục ngôn, chiếm 2/3 số bài trong tập. Điều này làm cho tiết điệu bài thơ
phong phú hơn rất nhiều.
Tác giả Ngô Văn Phú trong bài viết Mấy suy nghĩ về thể thơ sáu lời (lục
ngôn) xen bảy lời trong Quốc âm thi tập đã đánh giá Quốc âm thi tập là một
tập thơ quý. Quý ở ngôn ngữ thơ và từ vựng. Ngoài ra, cái quý ấy cón thể hiện
ở việc vận dụng thành công thể thơ sáu lời. Cuối cùng, bài viết đi tới nhận
6
định thật chính xác: Nguyễn Trãi không để lại những quan niệm của ông về
thơ ca, về ngôn ngữ. Nhưng qua Quốc âm thi tập của ông, ta thấy được sự
đóng góp rất lớn của ông trong lĩnh vực này, nhất là thơ tiếng Việt, trong giai
đoạn tiếng Nôm, chữ Nôm mới hình thành, phải vượt lên biết bao khó khăn về
công luận, về quan niệm, về quy luật khách quan của bản thân ngôn ngữ để tồn
tại, để đấu tranh với thứ ngôn ngữ phải mượn từ nước ngoài [12, tr. 838].
Như vậy, vấn đề Nét đặc sắc về nghệ thuật trong Quốc âm thi tập của
Nguyễn Trãi từ trước cho tới nay đã có rất nhiều công trình nghiên cứu và
đánh giá. Trên đây là một số ý kiến trong các bài viết của các tác giả nổi tiếng
là những nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình văn học… mà trong điều
kiện cho phép chúng tôi đã thu thập được. Các bài viết trên đều tiếp cận, lý
giải vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau nhưng vì một vài lý do nào đó phần lớn
mỗi bài viết chỉ mới dừng lại ở những nhận định chung hoặc đi vào tìm hiểu

một vài đặc sắc nghệ thuật như một hiện tượng riêng lẻ. Chính vì vây, với
công trình khoá luận này, trên cơ sở kế thừa và phát triển thành quả của
những người đi trước, chúng tôi muốn đưa ra một cái nhìn hệ thống và tương
đối toàn diện hơn. Từ đó khẳng định tài năng, vai trò, vị trí cũng như những
đóng góp của Nguyễn Trãi cho nền văn học dân tộc.
7
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu, tìm hiểu của đề tài là đặc sắc thơ Nôm Nguyễn Trãi
được làm rõ trên phương diện nghệ thuật.
Phạm vi nghiên cứu của đề tài là Thơ Quốc âm Nguyễn Trãi, sách do Bùi
Văn Nguyên (biên khảo, chú giải và giới thiệu), của Nxb Giáo dục, năm 2003.
4. Phương pháp nghiên cứu
Để đạt được mục đích và thực hiện nhiệm vụ mà đề tài đã đặt ra, trong
luận văn này chúng tôi kết hợp sử dụng một số phương pháp thông dụng
trong nghiên cứu văn học như:
- Phương pháp thống kê, phân loại.
- Phương pháp đối chiếu, so sánh.
- Phương pháp phân tích, chứng minh.
- Phương pháp tổng hợp.
5. Bố cục khoá luận
Ngoài phần Mục lục, phần Mở đầu, phần Kết luận và phần Tài liệu tham
khảo, luận văn của chúng tôi gồm có hai chương chính:
Chương I. NGUYỄN TRÃI – “KHÍ PHÁCH”, “TINH HOA” CỦA DÂN
TỘC VIỆT NAM
Chương II. QUỐC ÂM THI TẬP – SỰ KẾT TINH NÉT ĐẶC SẮC VỀ
NGHỆ THUẬT THƠ NÔM NGUYỄN TRÃI
8
PHẦN NỘI DUNG
CHƯƠNG I. NGUYỄN TRÃI - “KHÍ PHÁCH”, “TINH HOA” CỦA
DÂN TỘC VIỆT NAM

1.1. Vài nét về thời đại và con người Nguyễn Trãi
1.1.1. Thời đại Nguyễn Trãi - những biến động lớn lao
Mỗi cá nhân sinh ra đều gắn với một thời đại nhất định. Chính thời đại đó
đã ảnh hưởng đến phẩm chất, tài năng cũng như hệ tư tưởng, ý thức của cá
nhân. Nguyễn Trãi cũng như vậy. Nét chủ yếu về thời đại Nguyễn Trãi mà
chúng ta có thể nhận ra đó là một giai đoạn lịch sử sôi động với những biến
cố có tầm vóc lớn. Ngược dòng thời gian, quay trở về với lịch sử cuối thế kỷ
XIV đầu thế kỷ XV, chúng ta sẽ thấy rõ điều đó.
Uy thế vương triều nhà Trần (1225 – 1400) đang đi vào giai đoạn suy
vong. Tất cả danh thời “nhị đế” của nhà Trần giờ này chỉ còn là những kí ức
xa xăm, những luyến tiếc sâu sắc trong trí nhớ của nhân dân. Từ thời Trần Dụ
Tông (1341 – 1369), người ta đã thấy kế tiếp nhau leo lên ngôi là một loạt các
vị vua bất kể tuổi tác: già, trẻ, bé con con; bất kể họ có hay không có năng lực
trị vì đất nước. Chính trị rối ren, đời sống nhân dân khổ cực. Người ta thấy
một cảnh tượng hoàn toàn trái ngược trong xã hội bấy giờ là bên cạnh sự ăn
chơi trác tán; sự xa hoa hưởng thụ; sự tham ô, siểm nịnh, lộng quyền của vua
chúa trong triều là cảnh sống cơ cực: phu phen, tạp dịch, thuế nặng, tô cao cứ
đè nặng lên tầng lớp nhân dân. Mâu thuẫn nội tại đó đã tạo điều kiện thuận lợi
cho các nước láng giềng thực hiện ý đồ xâm lược. Mối hiểm hoạ cứ thế tràn
xuống từ hai miền Nam - Bắc.
Ở phía Nam, với sự suy yếu của nhà Trần; quan hệ bang giao với vương
quốc Chiêm Thành ngày một xấu đi rõ rệt. Vua Chiêm Thành đã có cơ hội tổ
9
chức những cuộc cướp phá miền biên cương. Cuộc đấu tranh giữ nước của
nhân dân hết sức gay go và quyết liệt. Dù cuối cùng thắng lợi thuộc về nhà
Trần nhưng từ trong cuộc chiến đấu này, với các cuộc hành quân phòng ngự
liên miên, nó cũng đủ làm cho nhà Trần hao người, tốn của.
Ở phía Bắc, chỉ mấy năm sau khi biết rõ nội tình nhà Trần, nhà Minh đã
tiến hành bành trướng nước ta. Chúng yêu cầu nhà Trần phải nộp thóc làm
lương quân, phải cống voi, ngựa, vàng bạc châu báu ngày một tăng về số

lượng lẫn chất lượng. Trong lúc giặc Minh đang ráo riết để thực hiện ý đồ của
mình, Hồ Quý Ly đã ép Trần Thiếu Đế nhường ngôi cho mình, nhanh chóng
lật đổ nhà Trần (1400). Hồ Quý Ly lên ngôi vua với mong muốn chấn chỉnh
lại kỷ cương triều đình, bảo vệ đất nước. Nhưng ngay từ đầu, họ Hồ đã phải
đối mặt với một tình thế quá gay go – phải kế thừa một “gia tài phá sản” nặng
nề. Năm 1407, không thể chống chèo được nữa, “gia tài phá sản” ấy đã hoàn
toạn sụp đổ. Hồ Quý Ly bị quân Minh bắt, nhà Minh sát nhập nước ta vào
lãnh thổ của chúng và đổi nước ta thành quận Giao Chỉ.
Từ khi đất nước rơi vào tay giặc Minh, đế chế này đã thi hành một bộ máy
hành chính, một chế độ quan liêu hà khắc vô cùng. Những tưởng chính sách
tàn bạo của chúng sẽ thiêu chết tinh thần yêu nước, ý thức tự cường của nhân
dân ta nhưng nhà Minh đã lầm. Người trước ngã, người sau đứng lên, sự
nghiệp đấu tranh của nhân dân Việt Nam vẫn được ấp ủ trong một nhóm
người lâu nay đang họat động bí mật ở vùng thượng du Thanh Hoá mà nổi bật
nhất là thiên tài Nguyễn Trãi.
Sau mười năm (1418 – 1428) kháng chiến gian khổ “máu trộn bùn tươi”,
cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã toàn thắng. Cuộc khởi đã mở ra một kỷ nguyên
mới cho dân tộc, giang sơn thu về một mối, cả dân tộc bước vào cuộc trung
hưng lần thứ hai. Không chỉ tổ quốc dựng “đài xuân dân tộc” mà chế độ
phong kiến cũng đạt đến độ hoàng kim nhất ở nửa cuối thế kỷ XV.
10
Khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi không thể tách rời với hai tên chữ Nguyễn
Trãi. Sau khi lên ngôi hoàng đế (1428), Lê Lợi đã phong cho Nguyễn Trãi
làm Quan phục hầu, được ban quốc tính (họ Lê). Nhưng giữa lúc “trăm họ”
đang chờ đợi một cuộc sống thái bình với vua hiền, tướng giỏi thì bản chất
của chế độ đã bộc lộ. Triều đình nhà Lê đầy rẫy những mâu thuẫn gay gắt
giữa các phe phái hòng thôn tính, thanh trừ, lật đổ lẫn nhau. Bản thân Lê Lợi -
vốn là một vị tướng tài ba trên chiến trường – nay lại nghe lời ton hót của bọn
nịnh thần, sát hại một số công thần như: Trần Nguyên Hãn (1429), Phạm văn
Xảo (1430). Riêng Nguyễn Trãi cũng bị nghi ngờ và đã từng bị giam cầm

(1430). Đến đời Lê Thái Tông, tình hình chia rẽ lại càng kịch liệt. Sống trong
môi trường chật hẹp, giẫm đạp lên nhau, Nguyễn Trãi không thể có một cơ
hội nào để thi thố tài năng nữa. Cuộc đời của một con người vì dân, vì nước
này bị thời đại khép lại bằng “vụ án trại vải” mà lịch sử gọi là án “thiên cổ kỳ
oan”.
Tìm hiểu Nguyễn Trãi, chúng tôi không tìm hiểu ông như một cá nhân –
nhà trí thức yêu nước nào đó – mà tìm hiểu ông với tư cách là một nhân vật
lịch sử, một nhà văn hoá lớn với những tác phẩm đã phản ánh cả một thời đại
lịch sử, với những tư tưởng ở nhiều điểm như là phát ngôn cho cả một dân tộc
thời Nguyễn Trãi. Chính thời đại cuối Trần, đầu Lê đã tạo ra người anh hùng
– bậc vĩ nhân, làm “rạng rỡ non sông đất nước ta” như Nguyễn Trãi. Việc tìm
hiểu kĩ thời đại Nguyễn Trãi, chúng tôi nghĩ đó là một việc làm cần thiết để từ
đó có thể hiểu rõ hơn về con người, tài năng, phẩm chất của Nguyễn Trãi sau
này.
1.1.2. Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác thơ văn của Nguyễn Trãi
* “Một đời sống lộng lẫy và một kết cục quá tàn nhẫn”
Nguyễn Trãi (1380 – 1442), hiệu là Ức Trai. Cha là Nguyễn Ứng Long
(tức Nguyễn Phi Khanh), tên hiệu là Nhị Khê; vốn gốc ở làng Chi Ngại,
11
huyện Phượng Nhỡn (nay thuộc Chí Linh, Hải Dương), sau này di cư sang
làng Ngọc Ổi (sau đổi tên thành Nhị Khê), huyện Thượng Khê (nay là huyện
Thường Tín, Hà Tây). Mẹ là Trần Thị Thái, con gái quan tư đồ Trần Nguyên
Đán. Sinh ra trong một gia đình có nhiều thuận lợi cả về điều kiện vật chất và
môi trường giáo dục; song ngay từ nhỏ Nguyễn Trãi đã phải chịu nhiều mất
mát đau thương về mặt tình cảm. Lên 5 tuổi mẹ mất, lên 10 tuổi người ông
ngoại vốn gắn bó với Nguyễn Trãi ngay từ khi Nguyễn Trãi mới lọt lòng lại
qua đời. Những vui buồn của thuở thiếu thời đã in sâu vào tâm hồn Ức Trai.
Lớn lên, Nguyễn Trãi lại chứng kiến những sự đổi thay của triều đình phong
kiến mà cụ thể là nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần, xác lập địa vị thống trị của
mình (1400). Có thể nói, thời đại và gia đình trở thành hai nhân tố quan trọng

ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành, phát triển nhân cách cũng như tài năng
của Nguyễn Trãi.
Năm 1400, Nguyễn Trãi thi đỗ Thái học sinh, không đi theo quý tộc nhà
Trần mà ra làm quan cho nhà Hồ, vừa thể hiện nhiệt huyết một lòng vì dân, vì
nước, vừa thể hiện tư tưởng tiến bộ:
Một thân lẫn khuất đường khoa mục
Hai chữ mơ màng việc quốc gia.
Tuy nhiên, không bao lâu sau khi lên ngôi với những cải cách táo bạo,
năm 1407, nhà Hồ bị thất sủng. Giặc Minh chiếm lĩnh và thống trị nước ta.
Nguyễn Trãi đau đớn trước cảnh nước mất nhà tan, ông khắc sâu lời cha dặn:
Con trở về lâp chí, rửa thẹn cho nước, trả thù cho cha, như thế mới là đại hiếu.
Nguyễn Trãi trở về xuôi nhưng vừa về đến Đông Quan, ông đã bị giặc Minh
bắt giam. Suốt thời gian bị giam lỏng ở Đông Quan, mặc dù kẻ thù ra sức mua
chuộc, Nguyễn Trãi vẫn luôn giữ được tấm lòng trong sạch của mình và ấp ủ
tấm ân tình giúp vua, giúp nước:
Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược
12
Có nhân, có chí, có anh hùng.
Năm 1417, Nguyễn Trãi bỏ trốn khỏi Đông Quan, đến Lỗi Giang (Thanh
Hoá), gặp Lê Lợi và dâng Bình Ngô sách. Đó là cuốn sách bàn về chiến lược
đánh giặc Minh, với phương châm cơ bản “không nói đánh thành giỏi mà bàn
về cách đánh vào lòng người”. Đường lối chiến lược của Nguyễn Trãi được
Lê lợi và Bộ tổng tham mưu nghĩa quân chấp nhận và tiến hành thắng lợi.
Nhìn lại hành trình lịch sử gian nan mười năm đấu tranh của Nguyễn Trãi,
Đặng Thai Mai đã đánh giá cao vai trò của ông: Nguyễn Trãi không chỉ xuất
hiện như một nhà chiến lược đại tài mà còn là một nhà tổ chức cỡ lớn và cũng
là một nhà ngoại giao khôn khéo, khi cứng rắn, khi mềm dẻo nhưng không bao
giờ khoan nhượng về nguyên tắc.
Vừa tham gia trù hoạch quân mưu, giúp Lê Lợi dự thảo các văn kiện chính
trị, ngoại giao, Nguyễn Trãi đồng thời cũng phấn đấu để trở thành “nhà thơ –

chiến sĩ”. Trong khoảng thời gian tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Trãi
đã cho ra đời tập thư binh vận - luận chiến Quân Trung từ mệnh tập nổi tiếng,
sử dụng “đao bút” như một thứ vũ khí lợi hại, góp phần làm suy yếu tinh thần
quân địch. Cuối năm 1427, đầu 1428, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, Lê
Lợi giao cho Nguyễn Trãi viết “Bình Ngô đại cáo”. Tác phẩm được đánh giá
là bản tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của dân tộc, một “áng thiên cổ hùng văn
của đất nước”.
Sau khi hoàn thành chiến lược “tâm công”, đánh quân địch từ “đáy lòng”
của chúng, Nguyễn Trãi được Lê Lợi giao cho những chức vụ trọng trách
trong triều đình. Ông hăng hái thi thố tài năng để phục vụ đất nước và phục
vụ nhân dân. Song vị anh hùng – nhà thơ tài hoa ấy đã bị bọn phản thần trù
dập, ghen ghét. Chúng tìm mọi cách khép Nguyễn Trãi vào tội gian thần, bị
Lê Thái Tổ bắt giam (1430). Năm 1435, sau khi được thả ra, Nguyễn Trãi cáo
quan, xin về ở ẩn ở Côn Sơn. Lê Thái Tổ chết, Lê Thái Tông lên ngôi,
13
Nguyễn Trãi tuy có được khôi phục chức cũ nhưng vẫn là cảnh “danh suông
vạ thực”. Năm 1437, bất đồng với Lương Đăng trong soạn nhạc, Nguyễn Trãi
lại xin về ở ẩn ở Côn Sơn lần hai. Giai đoạn này Nguyễn Trãi sáng tác tập thơ
Nôm Quốc âm thi tập thể hiện tấm lòng “tùng bách kiên trinh” và “âu việc
nước”. Khi Lê Thái Tông lớn lên, hiểu được tài năng, tâm huyết của con
người đại trung, đại hiếu này, ông lại vời Nguyễn Trãi về làm quan. Nguyễn
Trãi đang hi vọng một thời cơ mới thì thật không may chỉ sau ba năm thảm
hoạ giáng xuống. Vụ án Lệ Chi Viên đã cướp đi sinh mệnh của Nguyễn Trãi,
khiến ông không còn cơ hội thực hiện hoài bảo của mình. Đây là bi kịch lớn
nhất trong cuộc đời Nguyễn Trãi và cũng là bi kịch của cả lịch sử dân tộc Việt
Nam lúc bấy giờ. Nói như nhà nghiên cứu, phê bình văn học Đặng Thai Mai:
Một thanh thiếu niên đã được bồi dưỡng kỹ càng trong một gia đình yêu nước,
đã chia sẻ nỗi đau khổ của đất nước cùng với nhân dân; Một chí sĩ đã cống
hiến tất cả trí tuệ, nghị lực mình cho sự nghiệp giải phóng nước nhà; Một nhà
chính trị, một nhà chiến lược thiên tài, một nhà ngoại giao lão luyện, và đồng

thời cũng là một học giả uyên bác, một nhà văn, một nhà thơ lỗi lạc; Một đời
sống lộng lẫy và… một kết cục quá tàn nhẫn; Đó là vận mệnh của Nguyễn Trãi
[13, tr.20].
Nguyễn Trãi là “khí phách”, là “tinh hoa” của dân tộc, một biểu tượng rất
đẹp của thiên tài Việt Nam. Ông là một bậc toàn tài hiếm có trong lịch sử,
một bậc đại công thần khai quốc nhưng trái lại là người chịu nhiều oan khiên.
Mặc dù con người Nguyễn Trãi không còn nữa, hoạt động của ông đã thuộc
về quá khứ nhưng tấm gương về tâm hồn, đạo đức, tài năng, lý tưởng Nguyễn
Trãi sẽ còn sống mãi với non sông Việt Nam.
* Một cây bút sáng tác dồi dào
Nguyễn Trãi là một tài năng lỗi lạc hiếm có. Ông đã hướng ngòi bút của
mình theo hai hướng chữ Hán và chữ Nôm. Ở phương diện nào ông cũng có
14
những thành công nhất định. Tác phẩm của Nguyễn Trãi sau khi ông qua đời
cũng chịu nhiều số phận long đong. Những tác phẩm của Nguyễn Trãi bị lệnh
tiêu huỷ. Hai mươi hai năm sau, 1464 Lê Thánh Tông truyền lệnh sưu tầm tác
phẩm của Nguyễn Trãi nhưng rồi bị thất tán. Do đó, mãi đầu thế kỷ XIX, tác
phẩm của ông mới được tìm lại và nửa cuối thế kỷ XIX mới được khắc in.
Nhờ vào tình yêu thơ văn Nguyễn Trãi của biết bao thế hệ, những tác phẩm
ấy được bảo tồn.
Về chữ Hán có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng. Ở lĩnh vực chính trị, quân sự
có tác phẩm Quân trung từ mệnh tập, bao gồm một số thư từ văn bia, biểu
chiếu mà Nguyễn Trãi thay Lê Lợi viết để đối nội và đối ngoại. Bình Ngô đại
cáo vừa là “áng thiên cổ hùng văn” trong lịch sử, tổng kết đầy đủ và xúc động
về cuộc kháng chiến anh dũng chống giặc Minh xâm lược vừa là bản tuyên
ngôn về lòng yêu hoà bình của dân ta. Ngoài ra, Nguyễn Trãi còn soạn 28 bài
gồm: phú, chiếu, biểu, tấu, bi kí, lục…Trong đó đáng chú ý là bài Phú núi Chí
Linh, Chuyện cũ về cụ Băng Hồ. Ở lĩnh vực lịch sử, có tác phẩm Lam Sơn
thực lục và Văn bia Vĩnh Lăng: Nguyễn Trãi ghi lại quá trình khởi nghĩa Sơn,
khẳng định tư tưởng gắn bó với dân là điều kiện tiên quyết của mọi thắng lợi.

Dư địa chí là tác phẩm địa lí duy nhất còn lại ở nước ta. Ngoài giá trị địa lí,
cuốn sách còn có giá trị lịch sử và dân tộc học. Và Ức Trai thi tập là tác phẩm
văn học lớn nhất bằng chữ Hán (105 bài) thể hiện tâm sự cá nhân của Nguyễn
Trãi.
Về chữ Nôm, Nguyễn Trãi có tập đại thành Quốc âm thi tập, đánh dấu sự
trưởng thành của nền thơ ca tiếng Việt. Tác phẩm bao gồm 254 bài, nhìn một
cách tổng quát thì những bài thơ đó trước hết là để miêu tả thiên nhiên. Thiên
nhiên trong Quốc âm thi tập vừa mang vẻ đẹp thanh tao, cao nhã, vừa mang
vẻ đẹp chân chất, đơn sơ, bình dị của làng quê Việt Nam. Nguyễn Trãi ca
ngợi cảnh vật đất nước với tấm lòng tin yêu, rộng mở và gợi nhiều thi hứng
15
dạt dào. Song không chỉ đơn thuần miêu tả thiên nhiên, Nguyễn Trãi còn gửi
gắm tấm ân tình của mình ở đằng sau nó. Những bài thơ ấy đều ẩn chứa một
dấu hỏi về trách nhiệm, bổn phận của con người trước cuộc đời. Đó chính là
tâm huyết của một bậc anh hùng cứu quốc, một bậc triết nhân suốt đời “âu
việc nước”:
Bui có một niềm chăng nỡ trễ
Đạo làm con lẫn đạo làm tôi.
(Ngôn chí, bài 1)
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: Từ bài Bình Ngô đại cáo qua các
bức thư gửi các tướng tá xâm lược đến thơ chữ Hán và chữ Nôm… ngòi bút
thần của Nguyễn Trãi đã để lại cho chúng ta những tác phẩm gồm nhiều thể
văn và tất cả đều hay và đẹp lạ thường [13, tr. 15]. Nhìn chung, các tác phẩm
của Nguyễn Trãi dù là chữ Hán hay chữ Nôm thì chúng đều có sự thống nhất
về mặt nội dung. Điều đó thể hiện ở hai điểm nổi bật là tinh thần yêu nước
nồng nàn và lí tưởng đấu tranh vì chính nghĩa. Về nghệ thuật thì các tác phẩm
thể hiện sự phong phú về thể loại và có nhiều đóng góp cho nghệ thuật thơ ca
nước nhà. Những tác phẩm của Nguyễn Trãi còn lại đến ngày nay là tài sản
vô giá của văn học dân tộc, là niềm tự hào chính đáng của các thế hệ người
Việt Nam xưa nay.

1.2. Nguyễn Trãi trong lịch sử phát triển văn hoá, văn học Việt Nam
1.2.1. Nguyễn Trãi – người chiến sĩ xuất sắc trên mặt trận văn hoá
Như trên đã viết, Nguyễn Trãi sinh ra và lớn lên trong một thời kỳ lịch sử
đầy thăng trầm và biến động. Thời kỳ này đất nước đang mang trong mình
những sự suy vi về kinh tế - chính trị, sự quá độ về văn hoá. Cuộc đấu tranh
giữa mô hình văn hoá truyền thống và đổi mới diễn ra một cách gay gắt đã tác
động sâu sắc vào trái tim, tâm hồn của người con yêu nước, suốt đời “thân
nhàn nhưng tâm không nhàn” – Nguyễn Trãi. Hãy hình dung lại cái tiến trình
16
văn hoá trước đấy cho đến thời Nguyễn Trãi, chúng ta sẽ thấy được vai trò to
lớn mà vị anh hùng này đảm nhận.
Hàng ngàn năm trước Công Nguyên, trước khi bị phong kiến phương Bắc
đô hộ, người Việt đã có một lối sống riêng gắn liền với một nền văn minh độc
đáo – văn minh Đông Sơn. Nền văn minh mà cha ông đã dày công xây dựng
này đã ăn sâu vào đời sống tư tưởng của nhân dân trở thành chuẩn mực của
văn hoá đương thời. Chiến tranh ập đến, các triều đại bành trướng phương
Bắc đã ráo riết những âm mưu và hoạt động nhằm thủ tiêu nền văn hoá mà
chúng ta vừa mới tạo dựng. Khác với những dòng giao lưu văn hoá hoặc thâm
nhập văn hoá thông thường, cuộc xâm lăng và bành trướng văn hoá này thực
sự là một cuộc chiến tranh văn hoá tàn khốc nhất trong lịch sử văn hoá Việt
Nam. Bởi lẽ những chính sách văn hoá của phong kiến phương Bắc nấp sau
những tên gọi “cải cách”, “giáo hoá” là một “trò phù thuỷ” nhằm nô dịch và
đồng hoá dân tộc ta. Thực tiễn lịch sử đặt ra cho chúng ta một sự cố gắng, nỗ
lực, một câu hỏi làm sao để bảo vệ nền văn hoá nước nhà. Và trong cuộc xâm
lăng đó, phong kiến phương Bắc đã không thực hiện được nguyên vẹn ý đồ
của chúng. Chúng đã vấp phải làn sóng đấu tranh kiên cường, ý chí đấu tranh
quật khởi bảo vệ thành tựu văn hoá buổi đầu của cha ông. Tất nhiên cũng từ
trong cuộc xâm lăng đó, văn hoá đất Việt đã bị giải thể ít nhiều. Song điều
đáng ghi nhận là với bản chất thông minh, khôn khéo của những người con
dân tộc, nền văn hoá Việt Nam không dẫm chân tại chỗ mà có sự giao lưu,

tiếp biến những nét đẹp của văn hoá phương Bắc. Chính khuynh hướng tiến
bộ bảo lưu tinh hoa truyền thống, giải Hán hoá, thâu tóm những đóng góp của
yếu tố ngoại sinh đã tạo thành một dòng tạo mới, một cấu trúc văn hoá mới
với tên gọi Văn hoá Đại Việt – Thăng Long:
Duy ngã Đại Việt chi quốc
Thực thi văn hiến chi bang.
17
(Bình Ngô đại cáo)
Nền văn hoá Đại Việt được hình thành từ thế kỷ X và phát triển rực rỡ ở
thế kỷ XV. Khi nước ta giành lại được độc lập dân tộc thì Phật giáo và Thiền
là hai hệ phật giáo hưng thịnh nhất bấy giờ. Đến thời Đinh, Phật giáo trở
thành nguyên tắc chỉ đạo tâm linh cho vua. Thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, Nho
giáo đã bắt đầu du nhập, nho sĩ xuất hiện nhưng chưa nhiều. Đến thời Hậu Lê,
triều đình Đại Việt đã biết dung hợp cả ba ý thức hệ Phật – Đạo – Nho. Đến
thời Lý – Trần, ba ý thức hệ đó đã phục vụ một cách đắc lực cho đời sống tâm
linh và cả đời sống thực tiễn. Cuối thế kỷ XIV, nhà Trần suy đồi. Hồ Quý Ly
cướp ngôi, chưa trị vì được bao lâu thì lại bị giặc Minh quay trở lại chiếm
đóng. Chúng biến nước ta thành quận Giao Chỉ cùng với đó là những chính
sách văn hoá tàn bạo, man rợ không kém gì cuộc xâm lăng lần trước. Giữa
thời buổi hoạn nạn bấy giờ xuất hiện thiên tài Nguyễn Trãi mà sau này trở
thành người chiến sĩ xuất sắc trên nhiều mặt trận, trong đó có văn hoá.
Người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi đã kế tục và phát huy truyền thống
“dân tộc và thân dân” thời Lý – Trần, cố gắng để khôi phục và phát triển nền
văn hoá Đại Việt lên một bước mới. Đó là nền văn hoá yêu nước, tiến bộ, có
tính dân tộc và tính nhân dân sâu sắc, có giá trị hiện thực lớn, có tính chiến
đấu rất cao, thể hiện một cách đầy đủ nhất, mạnh mẽ nhất chủ nghĩa yêu nước
Việt Nam trong thế kỷ XV [20, tr. 43]. Vậy Nguyễn Trãi đã làm gì để phục
hưng nền văn hoá ấy?
Đối với phong kiến phương Bắc, Nguyễn Trãi đã thi hành một chính sách
ngoại giao hết sức cứng rắn nhưng cũng không kém phần mềm dẻo. Một mặt

ông bác bỏ những chính sách đồng hoá của chúng (như chính sách không cho
hát chèo ở cung đình, cấm múa hát lý liên trước xa giá…). Trong Bình Ngô
đại cáo, Nguyễn Trãi nhấn mạnh sự “dị thù” về cương vực lãnh thổ, về văn
hoá giữa hai nước Việt – Hoa:
18
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc – Nam cũng khác.
Nhưng mặt khác, Nguyễn Trãi cũng đánh giá cao nhiều biểu hiện của văn
hoá Trung Hoa. Trên cơ sở của những hiểu biết về nền văn hoá đó, Nguyễn
Trãi đã sử dụng nhiều yếu tố tích cực trong hoạt động xây dựng văn hoá Đại
Việt. Giữa một khuôn khổ của những chủ trương, chính sách mà Trung Hoa
đưa ra chúng ta thấy: Ông dựa theo thể thức của thiên Vũ cống nổi tiếng của
Trung Hoa thời xưa để viết nên Dư địa chí của nước nhà, sử dụng thể cáo và
văn tự, điển cố Trung Quốc để xây dựng nên thiên Bình Ngô đại cáo, tranh cãi
xem nên lựa chọn hoặc là thể chế nhà Chu ở phương Bắc để định ra chế độ âm
nhạc và triều nghi của cung đình nước Việt, thậm chí dùng cả những chi tiết
biểu đạt như “vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu thuấn” của văn hoá Trung Hoa
để trình bày suy tư và ước vọng của mình [12, tr. 1011].
Đối với toàn thể dân tộc Việt Nam, Nguyễn Trãi lại thi hành một chính
sách đối nội tế nhị, khéo léo. Trong Dư địa chí, Nguyễn Trãi khuyên “Người
nước ta không được bắt chước ngôn ngữ và y phục của các nước Ngô, Chiêm
để làm loạn phong tục trong nước”. Ông coi trọng việc giáo dục, luôn giành
thời gian và tâm huyết của mình vào việc răn dạy con cháu, các bậc tướng tá
trong triều và ngay cả việc góp ý cho vua chúa. Ông đã từng tranh luận với
Lương Đăng trong việc soạn nhạc. Ông cũng luôn có ý thức sử dụng nguồn
thi liệu dân tộc vào việc sáng tác văn chương. Nguyễn Trãi tắm mình vào
luồng văn hoá dân gian, gắn bó mật thiết với những sinh hoạt và truyền thống
đó một cách thắm thiết nhất.

Nếu hoạt động chối từ sự đô hộ của nước ngoài, không chối từ phần đóng
góp rất có thể là quan trọng về nhiều mặt của các yếu tố ngoại sinh trở thành
19
đặc sắc hằng xuyên của đất Việt, văn hoá Việt, người Việt thì Nguyễn Trãi là
một nhân vật hoạt động sôi nổi nhất, xuất sắc nhất. Giữa lúc nền văn hoá đang
có sự phân luồng, giữa lúc cả dân tộc Việt Nam đang rơi vào tình trạng “Bâng
khuâng đứng giữa hai dòng nước” thì người chiến sỹ văn hoá đã xuất hiện.
Ông trở thành “chiếc cầu, bắc nối giữa hai luồng văn hoá cung đình và dân
gian” [12, tr. 1012]. Nguyễn Trãi đã sử dụng những thành tựu của văn hoá
phương Bắc để bồi đắp cho nền văn hoá nước nhà thêm rực rỡ. Vượt ra ngoài
phạm vi dân tộc, đóng góp của Nguyễn Trãi với thế giới cũng hết sức lớn lao.
Nguyễn Trãi đã tạo điều kiện và thúc đẩy tư tưởng văn hoá nghệ thuật Nho
giáo thời đại đạt đến độ thịnh trị, ảnh hưởng rộng rãi tới nhiều nước trên thế
giới. Đánh giá cao vai trò đó, nhân dịp kỷ niệm 600 năm sinh Nguyễn Trãi
(năm 1980), tổ chức Văn hoá – khoa học và giáo dục của Liên hợp quốc
(UNESCO) đã ghi nhận Nguyễn Trãi là Danh nhân văn hoá thế giới. Đó là
danh hiệu hoàn toàn xứng đáng, một vinh quang rực rỡ mà Nguyễn Trãi đã
xây dựng cho nền văn hoá nước nhà.
1.2.2. Quốc âm thi tập – nhịp cầu nối thơ ca dân gian và thơ ca bác học
Theo các tài liệu ghi chép để lại, Quốc âm thi tập không phải là tập thơ đầu
tiên viết bằng chữ Nôm. Trước Nguyễn Trãi, vào thế kỷ XIII đã có Nguyễn
Thuyên, Nguyên Sĩ Cố làm phú bằng thơ Nôm. Tuy nhiên những tác phẩm ấy
vẫn còn ngượng nghịu, gượng ép, lúng túng trong việc sử dụng ngôn ngữ,
hình ảnh làm phương thức biểu đạt. Hơn nữa, những tác phẩm ấy hiện nay
đều không còn. Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi là tác phẩm đầu tiên viết
bằng ngôn ngữ dân tộc được giữ lại tới tận ngày nay. Xem xét vai trò của
Quốc âm thi tập, chúng tôi thấy đây là một tập thơ giữ vị trí quan trọng trong
lịch sử dân tộc Việt Nam.
Quốc âm thi tập bao gồm 254 bài, được viết ở nhiều thời điểm khác nhau
trong lúc nhà thơ về trí ẩn ở Côn Sơn. Với sự ra đời của tập thơ này, nó đã

20
khẳng định dứt khoát sự tồn tại trong thực tế dòng văn học tiếng Việt. Từ đây
dòng văn học chữ Nôm sẽ phát triển song song với dòng văn học chữ Hán,
làm cho văn học dân tộc phát triển phong phú, toàn diện và mạnh mẽ hơn.
Quốc âm thi tập được chia làm 4 mục lớn: Vô đề (192 bài); Thời lệnh môn (21
bài); Hoa mộc môn (34 bài); Cầm thú môn (7 bài). Nhìn chung, bố cục tập thơ
vẫn dựa theo công thức phổ biến thời bấy giờ nhưng đã được chỉnh lý, chọn
lọc theo ý đồ riêng của tác giả. Trong đó quan trọng nhất là mục Vô đề gồm
13 chủng loại nhỏ: từ Ngôn chí, Mạn thuật, Trần tình … đến Huấn nam tử.
Nói mục này quan trọng nhất vì nó chứa đựng đầy đủ nhất tâm tư, tình cảm và
tấm lòng sắt son của Nguyễn Trãi với đất nước với nhân dân. Qua Quốc âm
thi tập, Nguyễn Trãi muốn gửi gắm một triết lý tình thương bao la, một chủ
nghĩa nhân đạo rộng lớn đến con người và cảnh vật. Qua Quốc âm thi tập,
Nguyễn Trãi cũng muốn khẳng định vai trò to lớn của tập thơ – nhịp cầu nối
giữa hai nền thơ ca của dân tộc. Đó là thơ ca dân gian và thơ ca bác học. Nhịp
cầu ấy được thể hiện rõ nét thông qua những khám phá về nội dung và những
phát minh về hình thức nghệ thuật.
Về nội dung, tiếp thu những thành tựu của nền văn học dân gian và các tác
phẩm của nền văn học viết trước đó, Quốc âm thi tập thể hiện lòng yêu nước
thương dân với lý tưởng nhân nghĩa cao đẹp. Bên cạnh đó, tập thơ còn ca
ngợi chí khí thanh cao, cuộc đời giản dị của một vị anh hùng dân tộc. Đồng
thời qua Quốc âm thi tập, người đọc có thể nhận ra một tâm hồn phong phú,
đa dạng và rất lãng mạn của Ức Trai, một con người mẫu mực với những triết
lí giáo dục đạo đức sâu sắc. Chính nhờ Nguyễn Trãi mà những giá trị của
truyền thống, những phong tục, tập quán, những lời giáo huấn chân tình mà
sâu sắc của cha ông mới được truyền lại qua bao thế hệ.
Về phương diện nghệ thuật, Quốc âm thi tập được đánh giá là đã tạo nên
sự bứt phá của dòng thơ Nôm Việt Nam: “Đến Nguyễn Trãi với Quốc âm thi
21
tập mới là một sự bứt lên thành một tiếng Việt văn chương với nhiều sáng tạo:

vừa sử dụng nâng cao tiếng nói của nhân dân thường ngày vừa sử dụng trực
tiếp chữ Hán, hoặc dịch ra tiếng Việt một cách mạnh dạn, đồng thời cũng tiếp
nối hoặc sáng tạo một âm điệu mới cho thể thơ 8 câu 7 chữ là âm điệu câu thơ
6 chữ xen vào từng lúc” [16, tr.19]. Như vậy, khác với tập thơ chữ Hán Ức
Trai thi tập thì tập thơ Nôm Quốc âm thi tập đại thành này nhờ sử dụng ngôn
ngữ dân tộc, Nguyễn Trãi có thể bộc lộ được tâm tư tình cảm, các sắc thái trữ
tình một cách sâu sắc hơn, linh động, uyển chuyển hơn. Vì lẽ đó mà lời thơ
dung dị, gần gũi với nếp nghĩ, với lời ăn tiếng nói hằng ngày của mỗi người
dân Việt. Song không dừng lại ở việc sử dụng ngôn ngữ dân tộc, Nguyễn Trãi
còn có sự trau chuốt, gọt giũa, cách tân theo những hướng tiến bộ cả mặt ngôn
ngữ lẫn thể thơ. Nguyễn Trãi đồng thời cũng hạn chế đến mức tối đa việc vận
dụng chữ Hán, thay vào đó là ông dịch ra tiếng Việt một cách dễ nhớ, dễ
thuộc.
Nguyễn Trãi là một người có ý thức dân tộc sâu sắc, có tinh thần yêu nước
nồng nàn. Ta thấy trong Quốc âm thi tập, tác giả đã sử dụng một nguồn thi
liệu dân tộc phong phú, từ hệ thống đề tài đến thể thơ, hình ảnh thơ và hệ
thống vần thơ, nhịp điệu thơ. Điều đặc biệt đem đến thành công cho tập thơ là
tuy sử dụng chất liệu dân gian nhưng không thụ động, Nguyễn Trãi đã vận
dụng một cách sáng tạo. Chính vì vậy, Quốc âm thi tập được xem là nhịp cầu,
làm cho thơ ca dân gian và thơ ca bác học xích lại gần nhau, giúp cho thơ ca
tiếng Việt khắc phục được khuynh hướng ngoại lai và phát triển mạnh mẽ,
gần gũi với quần chúng lao động.
Tóm lại, ở một thời đại mà nền văn học chữ Hán đang thịnh hành, sự xuất
hiện và để lại dấu ấn quan trọng như Quốc âm thi tập là một thành công to lớn
của Nguyễn Trãi nói riêng, của nền văn học Việt Nam nói chung. Quốc âm thi
tập đã đánh một mốc son chói lọi vào hành trình thơ ca dân tộc. Nỗ lực xây
22
dựng một nền văn hoá, văn học được bộc lộ rõ nét ở vai trò là nhịp cầu nối hai
nền thơ ca bác học và thơ ca dân gian. Đặc biệt, với việc sử dụng một cách
linh hoạt và sáng tạo những nét nghệ thuật biểu hiện của thơ ca dân tộc,

Nguyễn Trãi đã đem đến cho tập thơ của mình một phong vị dân tộc đậm đà,
một nét thuần Việt độc đáo.
CHƯƠNG II. QUỐC ÂM THI TẬP – SỰ KẾT TINH NÉT ĐẶC SẮC VỀ
NGHỆ THUẬT THƠ NÔM NGUYỄN TRÃI
2.1. Nhìn lại thơ Nôm trong tiến trình phát triển thơ ca của dân tộc
23
Cho đến nay người ta vẫn chưa biết chính xác thơ Nôm ra đời ở thế kỷ
nào. Chỉ biết nó ra đời sau văn học viết bằng chữ Hán. Trước đó nền văn học
chữ Hán đang trên đà phát triển và thu được nhiều thành tựu rực rỡ. Nhiều thể
loại văn học, nhiều tác phẩm Hán học lớn ra đời, góp phần tích cực vào sự
nghiệp đấu tranh giành và giữ nền độc lập của dân tộc.
Năm 938, Ngô Quyền đánh tan quân xâm lược Nam Hán, thiết lập nhà
nước phong kiến Việt Nam. Đất nước độc lập, yêu cầu phải có một thứ chữ
viết riêng. Nhu cầu bức thiết ấy đã thúc đẩy sự ra đời của chữ Nôm. Chữ Nôm
được dần dần hoàn thiện và đến thế kỷ XIII, người Việt đã dùng nó vào trong
sáng tác văn chương. Các tác giả thế kỷ X – XIV đã sử dụng chữ Nôm để
Việt hoá thành công hai thể loại văn học ngoại nhập, đó là thơ Đường luật và
phú. Người có công đầu tiên trong việc này là Hàn Thuyên. Đại Việt sử ký
toàn thư đã từng ghi lại: “Nhâm ngọ (Thiên Bảo) năm thứ tư (1282). Mùa thu,
tháng tám… Bấy giờ có cá sấu đến sông Lô. Vua sai Thượng Thư Hình bộ là
Nguyễn Thuyên làm văn ném xuống sông. Con cá sấu tự mất đi. Vua cho là
việc này giống như việc của Hàn Dũ, cho đổi họ là Hàn Thuyên. Thuyên lại
giỏi làm thơ phú quốc âm. Nước ta thơ phú dùng nhiều quốc âm, thực bắt đầu
từ đây”. Lấy hiện tượng Hàn Thuyên, nhiều ý kiến cho rằng thơ Nôm Đường
luật ra đời từ đó. Tên tuổi Hàn Thuyên gắn liền với hai chữ Hàn luật. Tiếc
rằng hiện nay chưa tìm thấy thơ Nôm Đường luật của Hàn Thuyên. Song sự
kiện được ghi chép lại trong Đại Việt sử ký toàn thư, chúng ta hoàn toàn có
thể tin tưởng được. Bởi đây là một bộ sử chính thức, ghi lại những sự kiện
quan trọng của nước ta thời bấy giờ.
Sự ra đời của thơ Nôm Đường luật là một bước ngoặt lớn trong tiến trình

thơ ca Việt Nam. Từ đây, bên cạnh nền văn học viết bằng chữ Hán còn có nền
văn học viết bằng ngôn ngữ dân tộc mà thơ Nôm là thành tựu bước đầu.
24
Thơ Nôm ra đời ở thế kỷ XIII rồi ngày càng được chuẩn hoá và hoàn thiện
các mặt từ đề tài thơ, ngôn ngữ thơ … cho đến vần thơ và nhịp điệu thơ. Nhìn
lại thơ Nôm trong tiến trình thơ ca dân tộc, sau khi ra đời, thơ Nôm đã phát
triển qua các thời kỳ khác nhau gắn liền với những đặc sắc riêng.
Từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII, đây là giai đoạn phát triển đầu tiên của thơ
Nôm Đường luật. Thơ Nôm giai đoạn này đã trải qua những bước thăng trầm:
đạt được thành tựu rực rỡ ở thế kỷ XV, thành tựu lớn ở thế kỷ XVI, kém phát
triển hơn trong thế kỷ XVII. Và với sự xuất hiện trên thực tế văn bản viết tay
của Quốc âm thi tập thì tập đại thành thơ Nôm này đã trở thành “tác phẩm mở
đầu cho nền văn học cổ điển Việt Nam” (Xuân Diệu). Nói như vây, Xuân
Diệu muốn khẳng định sự đóng góp to lớn của tập thơ cả về phương diện nội
dung lẫn nghệ thuật.
Quốc âm thi tập vừa thể hiện một niềm thao thức của một cái tôi suốt đời
“âu việc nước, đêm đêm thức nhẵn nẻo sơ chung”, vừa thể hiện chí khí thanh
cao, trong sáng của một con người cống hiến hết mình cho non sông đất nước,
lại vừa là một túi thơ chứa hết mọi giang san của một tâm hồn lộng gió bốn
phương. Tác phẩm là bằng chứng ghi nhận sự nỗ lực lớn lao của Nguyễn Trãi
– nỗ lực để “xây dựng một lối thơ Việt Nam” trên cơ sở tiếp thu, vận dụng thể
thơ có sẵn ở Trung Quốc. Tuy nhiên, không tuân thủ tính quy phạm chặt chẽ
của thơ Đường, Nguyễn Trãi đã đem đến cho Quốc âm thi tập những cách tân
tiến bộ, những xu hướng phá cách trong sáng tác Đường luật Nôm. Nguyễn
Trãi đã khéo léo, tinh tế trong việc lựa chọn đề tài thơ; hạn chế tối đa ngôn
ngữ Hán, các điển tích, điển cố; tận dụng tối đa ngôn ngữ dân tộc, đặc biệt là
thành ngữ, tục ngữ, ca dao từ văn học dân gian để làm chất liệu sáng tác thơ
Nôm của mình. Gần gũi, gắn bó với quê hương làng mạc Việt Nam, Nguyễn
Trãi đã đưa vào Quốc âm thi tập những hình ảnh thơ dân giã, bình dị, khác xa
với văn chương bác học của tầng lớp quý tộc phong kiến. Nguyễn Trãi cũng

25

×