Mở đầu
1. Lí do chọn đề tài
“Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông”
Không biết tự bao giờ, nhắc đến hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, người ta lại
thường ví von với hình ảnh con cò. Phải chăng đó là số phận của người phụ nữ Việt
Nam xưa kia, một thân một mình lam lũ với gánh nặng trĩu trịt trên vai?
Thạch Lam là một trong những nhà văn nổi tiếng của “Tự Lực văn đoàn” và của
văn học Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Ông có một vị trí riêng biệt trong
lịch sử văn học Việt Nam bởi nhiều thiên truyện ngắn cho đến nay và có lẽ mãi mãi
vẫn làm ta xúc động, khi mà trên đời này vẫn còn những xót xa cho số phận con
người.Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong những trang văn của Thạch Lam lại
như đi sâu vào trong tâm khảm, như nhắc nhở ta luôn nhớ đến hình ảnh của một
thời, một kiếp người từng tồn tại.
Trong những năm gần đây, giá trị của truyện ngắn Thạch Lam đã được phát hiện
lại, đã có nhiều bài nghiên cứu về Thạch Lam. Để góp một tiếng nói vào việc khẳng
định một tài năng, một nhân cách nhà văn đã từng hiến dâng cho đời nhiều áng văn
chương có sức cuốn hút lòng người làm say mê bao thế hệ bạn đọc, tôi mạnh dạn
chọn đề tài “chân dung người phụ nữ Việt Nam qua các trang văn của Thạch
Lam”.
Trong khuôn khổ của một bài tiểu luận, tôi không có điều kiện và khả năng để giải
quyết được hết mọi vấn đề của đề tài, mà chỉ đi vào một vài khía cạnh, một vài nét
về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong truyện ngắn của Thạch Lam mà tôi cho
rằng những đặc điểm ấy đã góp phần làm nên nhà văn Thạch Lam của hôm qua,
hôm nay và mai sau.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề:
Tuy rằng đã có nhiều công trình nghiên cứu về Thạch Lam và các tác phẩm của ông
nhưng nhìn chung về đề tài “chân dung người phụ nữ Việt Nam qua các trang văn
của Thạch Lam”, chưa có công trình nào nghiên cứu cụ thể. Thạch Lam viết nhiều,
và viết hay, cho ta cái nhìn sâu sắc và cụ thể về chân dung người phụ nữ Việt Nam,
tuy nhiên, các công trình nghiên cứu gần đây lại không đi vào cụ thể đề tài này. Các
nghiên cứu chỉ chỉ khám phá đề tài này trên những phương diện nhỏ, chưa thực sự
khẳng định những giá trị của đề tài này trong các tác phẩm của Thạch lam.
Với thời lượng hạn hẹp của một bài tiểu luận, trên cơ sở kế thừa, tổng hợp những
thành quả của các công trình nghiên cứu trước đó, hy vọng đề tài này mang đến cho
người đọc một cái nhìn cụ thể về “chân dung người phụ nữ Việt Nam qua những
trang văn của Thạch Lam”.
3. Phương pháp nghiên cứu:
Trên cơ sở kế thừa những thành tựu mà các công trình nghiên trước, dựa trên những
hiểu biết của bản thân, trong phạm vi một đề tài nghiên cứu nhỏ, bài tiểu luận đã sử
dụng các phương pháp nghiên cứu sau đây:
Phương pháp liệt kê phân loại: đây là phương pháp nghiên cứu thường thấy trong
các nghiên cứu khoa học. Sử dụng phương pháp này nhằm liệt kê những luận điểm,
luận cứ nhằm làm nổi bật và cụ thể hóa phạm vi mà đề tài nói đến.
Phương pháp phân tích tổng hợp, chứng minh: nhằm làm rõ những luận điểm, luận
cứ đã được liệt kê.
4. Phạm vi nghiên cứu
Với thời lượng nhỏ của một bài tiểu luận và kiến thức hạn chế của bản thân, phạm
vi của đề tài chỉ gói gọn trong một số tác phẩm của Thạch Lam như “Gió lạnh đầu
mùa”, “Hai đứa trẻ”, “Dưới bóng hoàng lan”, “Sợi tóc”, “Nhà mẹ Lê”, từ đó đi
sâu vào tìm hiểu hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong các tác phẩm trên.
5. Bố cục đề tài:
Đề tài ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, phần nội dung
chính của đề tài bao gồm 2 chương:
Chương I: Những vấn đề khái quát chung
Chương II: Chân dung của người phụ nữ Việt Nam qua các trang văn của Thạch
Lam
Nội dung
Chương I Những vấn đề khái quát chung
1. Vài nét về tác giả, tác phẩm:
1.1. Tác giả Thạch Lam:
Thạch Lam tên thật là Nguyễn Tường Lân, sinh ngày 7 tháng 7 năm 1910 tại Hà
Nội trong một gia đình công chức,nhưng quê gốc ông ở Quảng Nam, gốc quan lại
đã đến hồi sa sút.
Thuở nhỏ, Thạch Lam sống với gia đình ở quê ngoại, sau đó theo cha chuyển sang
Thái Bình và tiếp tục học tiểu học. Lớn lên, ông cùng gia đình chuyển ra Hà Nội.
Sau khi đỗ bằng Thành chung năm 1927 và học một năm ở Trường Canh nông,
Thạch Lam xin vào học ở Trường Albert Saraut - trường dành riêng cho con em Tây
và các gia đình quan lại, giàu có. Năm 1931, Thạch Lam đỗ bằng Tú tài phần thứ
nhất. Sau đó ông theo anh trai là Hoàng Đạo vào Sài Gòn và bắt đầu viết văn, làm
báo.
Năm 1933, Thạch Lam lập gia đình và về ở trong một căn nhà đơn sơ nhưng ấm
cúng tại làng Yên Phụ.
Cũng trong năm này, anh trai Thạch Lam là Nhất Linh thành lập nhóm “Tự lực văn
đoàn.” Thạch Lam cùng Hoàng Đạo tham gia nhóm này.
Thạch Lam mất ngày 27 tháng 6 năm 1942 vì căn bệnh lao phổi, năm ông 32 tuổi.
1.2. Tác phẩm:
Sáng tác của Thạch Lam rất gần với văn học hiện thực phê phán và phản ánh sự
phân hóa theo hướng tiến bộ của văn xuôi lãng mạn thời kỳ Mặt trận dân chủ. Tuy
nhiên, do chưa thật hiểu biết sâu sắc về đời sống nhân dân lao động, tình cảm trong
tác phẩm của ông chân thành song còn trừu tượng.
Thạch Lam có sở trường viết truyện ngắn. Văn phong của ông giản dị, trong sáng,
nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, thâm trầm. Nhiều người cho rằng ông là người đầu tiên
biết khai thác chất thơ trong đời sống hàng ngày. Truyện của Thạch Lam xa lạ với
mọi thứ hấp dẫn bề ngoài, nhiều truyện dường như không có cốt truyện song vẫn có
sức lôi cuốn riêng. Ông là cây bút có đóng góp đáng kể cho sự phát triển của thể
loại văn xuôi trong văn học Việt Nam những năm trước Cách mạng tháng Tám năm
1945.
Các tác phẩm chính của Thạch Lam như tập truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” được
xuất bản vào năm 1937; “Nắng trong vườn”, xuất bản vào năm 1938; “Sợi tóc”,
1942; truyện dài “Ngày mới”, xuất bản vào năm 1939; bình luận văn học “Theo
giòng”, 1941; bút ký “Hà Nội băm sáu phố phường”, 1943... Hầu hết sáng tác của
ông được đăng báo trước khi in thành sách.
1. Chân dung người phụ nữ Việt Nam trong văn học:
Thần thoại Hi Lạp kể rằng: “Thượng đế đã lấy vẻ đầy đặn của mặt trăng, đường
uốn cong của loài dây leo, dáng run rẩy của các loài cỏ hoa, nét mềm mại của loài
lau cói, màu rực rỡ của nhị hoa, điệu nhẹ nhàng của chiếc lá, cảm giác tinh vi của
vòi voi, cái nhìn đăm chiêu của mắt hươu, cái xúm xít của đàn ong, ánh rực rỡ của
mặt trời, nỗi xót xa của tầng mây, luồng biến động của cơn gió, tính nhút nhát của
con hươu rừng, sắc lộng lẫy của con chim công, hình nhuần nhuyễn của con chim
yểng, chất cứng rắn của ngọc kim cương, vị ngon ngọt của đường mật, khí lạnh lẽo
của băng tuyết, đức trung trinh của chim uyên ương, đem mọi thứ ấy hỗn hợp lại,
nặn thành người phụ nữ.”
Phụ nữ là linh hồn của cuộc sống muôn loài. Hình tượng người phụ nữ là một trong
những đề tài lớn có sức hấp dẫn của Văn học thế giới. Trong văn học việt Nam,
hình tượng người phụ nữ chứa đựng nhiều vẻ đẹp. Và đây cũng là đề tài quen thuộc
để các nhà văn hướng tới, khám phá và tôn vinh.
Dù ở thời đại nào, người phụ nữ Việt Nam vẫn giữ được những nét đẹp truyền
thống. Ở giai đoạn văn học nào, hình tượng người phụ nữ Việt Nam cũng tỏa sáng
như những viên Rubi lấp lánh: đằm thắm, dịu dàng, tinh tế, duyên dáng khi thổ lộ
tình yêu; tha thiết, thủy chung.
Chương II Chân dung người phụ nữ Việt Nam qua các
trang văn của Thạch Lam
1. Chân dung người phụ nữ Việt Nam trên phông nền làng quê trước Cách
mạng
Chân dung người phụ nữ Việt Nam trong văn Thạch Lam nổi bật trên phông nền
làng quê trước Cách mạng tháng Tám.
Điểm nổi bật của loại không gian này là dễ gợi cho lòng người cảm giác trống vắng.
Cái vắng lặng nơi làng quê có thể giết chết con người trong những suy tư, buồn tủi
của cái nghèo. Hòa vào cái tĩnh mịch của đêm quê là những tiếng côn trùng hay
những âm thanh kẽo kẹt nơi bờ tre, dễ gợi cảm giác rùng mình. Và con người như
lạc lõng, rơi vào hố đen đêm tối của chính mình. Nếu như không gian thành thị bó
thít con người, dồn nén họ trong cái ngột ngạt, trong những bi kịch đau đớn thì
không gian nông thôn lại nhấn chìm con người trong sự đơn điệu, lãng quên (“Cô
hàng xén”, “gió đầu mùa”, “nhà mẹ Lê”). Con người trong không gian ấy hòa nhịp
đan quyện với những thanh âm buồn bã của đời sống, tạo thành một khúc nhạc
đồng quê tấu lên như một tiếng khóc hờ để tự ru lấy đời mình.
Làng quê về đêm cũng giống như hình ảnh cuộc sống và con người cứ chìm dần,
khuất hẳn trong bóng tối. Nó gợi sự xót xa và thương cảm của người đọc dành cho
những con người, những cuộc đời, những không gian như thế. Bóng tối càng dày
đặc, cảnh sống của con người càng thê lương theo cấp số cộng của cảnh đó thì lòng
nhân đạo của nhà văn nhìn từ cảnh và người ấy cũng theo cấp số nhân mà phát triển
lên.
Trên cái phông nền ấy, người phụ nữ hiện ra như những đốm sao băng, như Liên và
Huệ trong “đêm ba mươi”, chìm nghỉm với miếng ăn trong cuộc đời giang hồ; như
mẹ Lê, liều chết tìm gạo cho con lần cuối; như Tâm, “cô hàng xén”, tần tảo suốt
đời, nuôi mẹ nuôi em, gánh vác nhà chồng cho đến tàn phai nhan sắc; như mẹ Hiên,
vì nghèo không mua nổi áo ấm cho con nhưng lại dạy con bài học làm người –
không tham của, như bà của Thanh, hiện lên vẻ đẹp nhân từ, phúc hậu, với tình
thương cháu vô bờ bến.
2. Chân dung người phụ nữ Việt Nam qua những trang văn Thạch Lam
2.1. Nghèo khổ, chân chất, điển hình cho người dân quê Việt Nam trước Cách
mạng tháng Tám
Có thể nói những năm 30 của thế kỷ XX, tư tưởng xã hội Việt nam được coi như là
“một đường quành lịch sử” ( Lê Thanh), đường quành đó ảnh hưởng và soi chiếu
đến mọi vấn đề xã hội. Văn hóa dân tộc đến đây cũng rẽ sang một đường mới, sáng
tác văn học thời kỳ này bớt “khủng hoảng” hơn so với thời kỳ trước. Các văn nghệ
sĩ đã tìm được cho mình mảnh đất tốt để gieo mầm, họ đi sâu vào đời sống nơi thôn
dã hay những góc khuất của con phố, miêu tả số phận của những con người dưới
đáy, để rồi yêu thương họ, nói lên tiếng nói của họ.
Thạch Lam là một trong những thế hệ nhà văn ấy, ông đã đến, miêu tả và yêu
thương họ bằng con tim của một con người, ông hướng ngòi bút về phía lớp người
lao động bần cùng trong xã hội đương thời. Khung cảnh thường thấy trong truyện
ngắn Thạch Lam là những làng quê bùn lầy nước đọng, những phố chợ tồi tàn với
một bầu trời ảm đạm, những khu phố ngoại ô nghèo khổ, buồn, vắng ...
Trong khung cảnh ấy, các nhân vật cũng hiện lên với cái vẻ heo hút, ảm đạm của số
kiếp lầm than - đó là mẹ Lê, người đàn bà nghèo khổ, đông con, góa bụa ở phố chợ
Đoàn Thôn; là Thanh, Nga với bà nội và cây hoàng lan trong một làng quê vùng
ngoại ô; là cô Tâm hàng xén với lối đường quê quen thuộc trong buổi hoàng hôn
chập choạng, là bà mẹ nghèo khổ suốt đời lam lũ không có đủ tiền may áo lạnh cho
con, để rồi xót xa nhìn thân hình con tím tái giữa mùa giá lạnh (“Hai đứa trẻ”)
Tất cả những cảnh, những người ấy đều được mô tả bằng một số đường nét đơn sơ,
thưa thoáng nhưng vẫn hết sức chân thực.
Họ là những số phận bị xã hội lãng quên trong những góc phố huyện ẩm thấp, đầy
rác rưởi, trong những mảnh vườn cô quạnh chỉ mình ta đối thoại với ta về cái khổ.
Đó là Tâm trong “Cô hàng xén” đã sớm quàng cái khổ về mình ngay từ lúc còn rất
nhỏ cho đến khi có gia đình và cả quãng ngày dài về sau.
Chi tiết “cái vòng đen của rặng tre làng Bằng bỗng vụt hiện lên trước mặt, tối tăm
và dầy đặc” đã nhanh chóng ùa vào tâm hồn Tâm, khiến cô mường tượng ra một
không gian đằng đẵng, triền miên của cảnh khổ hiện ra trước mắt mà “buồn rầu
nhìn thấu cả cuộc đời nàng, cuộc đời cô hàng xén từ tuổi trẻ đến tuổi già, toàn khó
nhọc và lo sợ, ngày nọ dệt ngày kia như tấm vải thô sơ” của cái nghiệp mà cuộc đời
dựng lên là để dành cho cô.
Trong “Tối ba mươi”, hình ảnh Liên và Huệ - hai chị em họ xa nhà từ bao lâu nay;
một người mẹ chết, cha lấy vợ khác không biết ở đâu, người kia còn cha mẹ nhưng
không dám về, họ cô đơn trơ trọi đón xuân trong căn phòng lạnh lẽo và chạnh lòng
nghĩ đến thân phận hẩm hiu của mình. Tấn bi kịch đầy nước mắt cuộc đời hai người
con gái đáng thương lỡ sa chân xuống hố sâu tội lỗi, ngụp lặn trong bể khổ mênh
mông, chịu chấp nhận mang bàn chân mình xỏ vào đôi hài phong trần của kiếp đời
bán thân. Cùng là số phận dưới đáy nhưng ít ra Tâm trong “Cô hàng xén” vẫn có
ngôi nhà và những người thân của mình để san sẻ, còn Liên và Huệ chỉ biết ôm
quàng lấy nhau nức nở khóc, “ một nỗi buồn tủi mênh mang tràn ngập cả người”
trong đêm giao thừa.