Tải bản đầy đủ (.pdf) (14 trang)

Báo cáo văn học Tiếp nhận Trương Lương ở Việt Nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (204.25 KB, 14 trang )

TIẾP NHẬN TRƯƠNG LƯƠNG Ở VIỆT NAM
(Khảo tư liệu từ trước tác các nhà nho Việt Nam)

ThS. Trịnh Văn Định
Phòng Quản lý NCKH, Trường ĐHKHXH&NV



1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong số những nhân cách văn hoá lớn Trung Quốc được tiếp nhận trong văn học Việt
Nam, chúng ta đã quen với những Khuất Nguyên, Đào Uyên Minh, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch
Cư Dị Và nội dung tiếp nhận những tác giả lớn này trong văn học nhà nho đã được nhiều
nhà nghiên cứu quan tâm và làm rõ. Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là, trong quá trình giao
lưu và tiếp nhận văn học, nhà nho Việt Nam tiếp nhận, ảnh hưởng từ nhiều nhân cách văn
hoá khác nhau. Tạm thời có thể phân loại thành các nhóm : nhóm nhân vật là anh hùng sáng
nghiệp tiêu biểu như: Câu Tiễn, Tần Thuỷ Hoàng, Hán Cao Tổ, Chu Nguyên Chương, ;
nhóm những triết gia, nhà tư tưởng: Lão Tử, Khổng Tử, Mạnh Tử, Trang Tử, nhóm các sử
gia, nhà văn hoá, nhà văn, nhà thơ: Khuất Nguyên, Tư Mã Thiên, Vương Anh Thạch ; và
nhóm những danh thần, danh tướng như: Lã Vọng, Trương Lương, Khổng Minh
Trong số này, chủ yếu nhóm những tác giả văn học như: Khuất Nguyên, Lý Bạch
được nghiên cứu tương đối kỹ ở Việt Nam, còn những nhóm nhân vật khác cơ hồ chưa được
nhiều nhà nghiên cứu quan tâm.
Bài viết này vẫn tiếp mạch của những người đi trước tìm hiểu những danh nhân văn hoá
Trung Hoa được các nhà Nho Việt Nam tiếp nhận nhưng người viết không tìm hiểu nhóm
tác giả văn học, mà tập trung tìm hiểu nhóm danh thần, cụ thể hơn có thể gọi là nhóm quân
sư, những đế sư. Nhóm này là một tiểu loại (đế sư) trong loại hình anh hùng thời loạn. Và
người viết chỉ đi tìm hiểu một nhân vật vốn cực kỳ lừng danh trong lịch sử-văn hoá Trung
Quốc và khu vực nhưng ở Việt Nam được biết đến trong một diện khá hẹp đó là quân sư, đế
sư Trương Lương.
Sự khác biệt cơ bản nhất giữa nhóm nhân vật là tác giả văn học, nhà thơ, nhà văn và


Trương Lương là ở chỗ, Trương Lương không phải là tác giả văn học, vì ông không để lại
trước tác. Do vậy, nhà Nho tiếp nhận ông với tư cách là một nhân vật lịch sử. Nếu như,
nhóm nhân vật văn học được các nhà Nho Việt Nam tiếp nhận thì trước tiên và chủ yếu nhất
họ chịu ảnh hưởng từ phương diện một tác giả văn học, tức phương diện nghệ thuật. Ngược
lại, tiếp nhận Trương Lương, họ hô ứng với Trương Lương trên phương diện một đế sư, một
quân sư, tức là trên phương diện tư tưởng.
Trong nhóm nhân vật mà chúng tôi tạm gọi là quân sư, đế sư có nhiều nhân vật nổi tiếng,
trong đó đáng kể nhất như: Phạm Lãi, Trương Lương, Khổng Minh Nhưng sở dĩ chúng tôi
chọn Trương Lương là bởi lẽ,trước hết, Phạm Lãi là một quân sư, một đế sư phò Câu Tiễn
diệt được nước Ngô, phục thù cho nước Việt. Nhưng nước Việt và Câu Tiễn mà Phạm Lãi
phò là một nước nhỏ trong liệt quốc, nên công lao và độ điển hình của Phạm Lãi không sánh
được với vai trò Trương Lương thiết lập đế chế Hán. Còn với Khổng Minh, ông được mệnh
danh là thần toán nhưng xét về công lao, ông không thể giúp Lưu Bị trung hưng nhà Hán.
Hơn nữa, ông là nhân vật lịch sử nhưng lại tồn tại chủ yếu với tư cách hình tượng văn học
diễn hoá cùng với quá trình diễn hoá của Tam quốc diễn nghĩa. Trong số những nhân vật
thuộc nhóm đế sư, duy có Trương Lương là nhân cách vươn tới cao nhất của loại hình nhân
cách này, vì vậy lựa chọn ông một mặt cho thấy rõ được các nhà Nho Việt Nam tiếp nhận
những gì từ ông, mặt khác có cơ sở để chúng ta khái quát hoá đặc trưng loại hình nhân cách
còn ít được biết tới này.
2. VÀI NÉT VỀ TRƯƠNG LƯƠNG.
Trương Lương (? – 189 TCN) đại thần Hán sơ. Tự Tử Phòng. Tương truyền là người
Thành Phụ (nay thuộc phía đông Bảo Phong – Hà Nam). Tổ tiên Trương Lương là người
nước Hàn. Người ông là Khai Địa làm tướng quốc của Hàn Chiêu Hầu, Tuyên Huệ Vương,
Tương Ai Vương; cha là Bình làm tướng quốc của Ly Vương, Điệu Huệ Vương. Năm thứ
hai mươi ba đời Điệu Huệ Vương, Bình chết (250 TCN). Lương còn ít tuổi, chưa từng làm
quan nước Hàn. Khi nước Hàn bị phá tan, Lương có ba trăm người tôi tớ trong nhà. Em
Lương chết, Lương không lo chôn cất, đem tất cả gia tài tìm thích khách giết vua Tần để báo
thù cho nước Hàn, bởi vì cha và ông làm tướng quốc năm đời vua Hàn. Tìm được một lực sĩ
làm một cái chùy sắt nặng một trăm hai mươi cân. Tần Thủy Hoàng đi chơi ở miền đông,
Lương và người khách rình đánh Tần Thuỷ Hoàng ở bãi cát Bác Lãng (Nay thuộc đông nam

Nguyên Dương- Hà Nam), đánh nhầm phải xe tùy tùng. Tần Thủy Hoàng nổi giận sai lùng
khắp thiên hạ, tìm người thích khách rất gấp, cốt lùng cho được Trương Lương. Lương bèn
đổi tên họ, trốn tránh ở Hạ Bì (nay thuộc phía bắc Tuy Ninh-Giang Tô). Một hôm dạo chơi ở
trên cầu Hạ Bì, Lương gặp Hoàng Thạch Công trao cho“Thái công Binh pháp“. Trong thời
kỳ nông dân khởi nghĩa mạt Tần, Lương quy phò Lưu Bang, không lâu sau đó du thuyết
Hạng Lương lập qúy tộc Hàn là Thành làm Hàn Vương, Lương nhậm chức Tư đồ. Sau khi
Hàn Vương bị Hạng Vũ giết, Lương quy phục Lưu Bang, trở thành mưu sĩ trọng yếu. Trong
thời kỳ chiến tranh Hán Sở, Lương đề xuất sách lược không lập con cháu lục quốc, liên kết
với Anh Bố, Bành Thành, trọng dụng Hàn Tín, lại chủ trương truy kích Hạng Vũ, diệt quân
Sở đều được Lưu Bang tiếp thu. Hán triều kiến lập, Lương được phong Lưu Hầu. (1). (2).
3. TRƯƠNG LƯƠNG TRONG SỰ TIẾP NHẬN CỦA CÁC NHÀ NHO VIỆT NAM.
Nhà nho là một loại hình nhân cách văn hóa ra đời và tồn tại trong một không, thời
gian đặc định. Những tri thức mà các nhà nho mỗi thời đại khác nhau tri nhận được không có
quá nhiều khác biệt. Có thể có điều chỉnh, bổ sung trong nội dung học thuyết. Nhưng về cơ
bản những nội dung cốt lõi của học thuyết và những tri thức bổ sung ngoài học thuyết mà
các nhà nho thu nhận được không quá sai biệt. Điều này sẽ quy định cách thức và tiêu chuẩn
đánh giá của các nhà nho về một nhân vật lịch sử. Tức có nghĩa là bất luận một nhân vật lịch
sử nào khi được các nhà nho phú, vịnh, hoặc đề thơ đều được nhìn từ cấu trúc, tiêu chuẩn và
lăng kính của nhà Nho và những triết thuyết khác mà nhà Nho bổ sung trong quá trình học
tập và tu tập. Quan sát hình tượng Trương Lương trong trước tác của các nhà Nho, Trương
Lương được các nhà nho nhìn từ hai trục tư tưởng cơ bản là: Nho giáo và Lão Trang.
Trước hết trục Nho gia chi phối cách nhìn của các nhà Nho đối với Trương Lương
trên hai bình diện: Lập công và lập đức. Lập công, lập đức và lập ngôn là ba tiêu chuẩn lập
thân của các nhà nho. Đến những năm cuối thế kỷ mười chín đầu thế kỷ hai mươi, nhà nho
chí sĩ Phan Bội Châu vẫn khắc cốt ghi tâm câu thơ của Viên Mai: Mỗi phạn bất vong duy
trúc bạch, lập thân tối hạ thị văn chương“ (Bữa bữa đều không quên việc phải ghi tên vào sử
sách, còn lập thân hèn nhất là bằng văn chương). Rõ ràng, trong chương trình tu dưỡng và
phấn đấu của các nhà nho, thực đơn lập công và lập đức là tiêu chuẩn sang nhất và việc lưu
danh sử sách là mục tiêu cả cuộc đời của mỗi nhà Nho.
1. Về lập công

Trong trước tác của Nguyễn Trãi, công lao vĩ đại của Trương Lương được Nguyễn
Trãi dành cho sự thán phục và Nguyễn Trãi ví mình ngang bằng với Trương Lương. Nếu
như Trương Lương giúp Hán Cao Tổ sáng nghiệp nhà Hán của Trung Quốc, thì Nguyễn Trãi
ví mình như Trương Lương giúp Lê Lợi sáng lập nghiệp đồ Đại Việt:
Trí qua mười mới khả rằng nên
Ỷ lấy nho, hầu đáng hiền
Đao bút phải dùng tài đã vẹn;
Chỉ thư nấy chép việc càng chuyên
Vệ nam mãi mãi ra tay thước
Điện Bắc đà đà yên phận tiên
Nghiệp Tiêu Hà làm khá kịp
Xưa nay cũng một sử xanh truyền
( Phận tiên: chỉ Trương Lương)
(Quốc âm thi tập – 183)
Lê Quý Đôn không chỉ say mê với công nghiệp vĩ đại của Trương Lương mà công nghiệp
này còn được tạo lập từ một nhà nho “phong lưu”
Sáng cũ một pho ba tấc lưỡi
Nhà nho như thế thực phong lưu
( Văn đàn bảo giám – Trương Lương).
Trong số các nhà nho Việt Nam, Nguyễn Công Trứ dành cho Trương Lương một sự quan
tâm đặc biệt: Trong số tất cả các nhà Nho Việt Nam, chỉ có Nguyễn Công Trứ và Phan Bội
Châu là hai tác giả duy nhất có hai bài trở lên vịnh và phú trực diện về Trương Lương. Nếu
như bài phú “Trương Lương” trong Văn đàn bảo giám được xác định chính xác là của
Nguyễn Công Trứ thì con số lên tới ba bài. Ngoài ra còn không ít lần Nguyễn Công Trứ
dẫn Trương Lương hoặc dẫn những biểu tượng gợi liên tưởng đến Trương Lương để nói lên
chí nam nhi của mình. Ông là nhà nho duy nhất Việt Nam ví mình đạt được tầm vóc Trương
Lương cả với tư cách một nhà nho và cả với cách sống thong dong của một triết nhân mang
phong cách sống Lão Trang.
Năm năm uốn lưỡi trong màn
Một mình ơn Hán nợ Hàn giả xong.

Trương Lưu hầu là Hàn công tử
Dõi năm đời chung đỉnh đai cân.
Liều một dùi chưa giả nợ cố quân
Uốn ba tấc lấy thân thờ Hán chúa
Thuốc độc phun Tần lây đến Sở
Mùi thơm ngậm Hán trún cho Hàn
Trong năm năm gầy một mối giang san,
Đền nợ trước ơn sau đều vẹn xóng
Chàng phú quý xem bằng mây mỏng
Túi Xích Tùng riêng đủng đỉnh mái thanh sơn
Nhục vinh gác chuyện Tiêu Hàn.
(Vịnh Trương Lưu hầu I)


Cơn xung đột biết mấy lần lăn lóc
Tới Trần Lưu xảy gặp Lưu quân
Năm năm ba tấc lưỡi kinh luân
Màn thao lược vây Tần nhốt Hạng
Ơn Hán vẹn nợ Hàn chẳng vướng.
(Vịnh Trương Lưu hầu II)
Có thể nói, xét trên tổng thể, cả đề vịnh, phú, dùng điển…thì hình tượng Trương
Lương trong trước tác của Phan Bội Châu chiếm tỉ lệ nhiều hơn bất cứ nhà nho nào.
Chính Phan Bội Châu thường ngâm câu thơ của Viên Mai: “mỗi phạn bất vong duy trúc
bạch, lập thân tối hạ thị văn chương”. Phan Bội Châu đặc biệt say mê sự nghiệp Trương
Lương. Viết về hình ảnh Trương Lương trong trước tác Phan Bội Châu, ông Trần Ngọc
Vương viết: “Điều thú vị là ở Phan Bội Châu, ta lại bắt gặp hình ảnh của hai nhân vật vốn
được coi là tuyệt đỉnh trí mưu suốt cổ kim: Trương Lương và Phạm Lãi. Ông tỏ ra đặc
biệt say mê hành trạng của Trương Lương, và trong cả một quãng đời dài, suy nghĩ, tính
toán, động thái của chính ông là sự lặp lại của Trương Lương trên khá nhiều việc cụ thể”
(tr.332). Ngay từ ngày trẻ ông đã có bài phú nổi tiếng: Trương Lương từ Hán vương quy

Hàn:
Với triều Hán là mưu thần, với nhà Hàn là cố nhân.
Ơn mới tuy trọng đại; nghĩa cũ cùng ân cần

Giận ba sinh nay đã thỏa rồi;
Lòng tái tạo bắt đầu từ đấy
Đi một bước tình sâu như bể, chàng Lưu Bang chưa hẳn biết ta
Trong bài Vịnh Trương Lương ông lại viết:

Hán trướng năm đời nợ đỉnh chung
Dùi phóng một keo Tần ngã ngửa
Lưỡi đuôi ba tấc Hán bay rồng.

Như vậy, hình tượng Trương Lương trong trước tác của các nhà Nho Việt Nam xuyên
suốt và trở đi trở lại nhiều lần trong trước tác các tác giả nhà nho lớn của Việt Nam. Đặc biệt
nó nổi lên cồn cao trong sáng tác của Nguyễn Công Trứ và Phan Bội Châu. Phương diện
lập công ở Trương Lương được các nhà Nho coi như một hình mẫu để phấn đấu. Ở đó, các
nhà Nho ví mình làm được đại nghiệp như Trương Lương (Nguyễn Trãi), làm được đại
nghiệp đã giỏi nhưng thú vị và đáng phục hơn nữa là làm một cách thực phong lưu (Lê Quý
Đôn), và Nguyễn Công Trứ không chỉ cho rằng mình đã làm được như Trương Lương với tư
cách một nhà nho mà tự ví mình “cũng đáng” sánh với Xích Tùng Tử và Hoàng Thạch
Công. Tóm lại, trên phương diện lập công, lưu danh vào sử sách, các nhà Nho đều thống
nhất coi Trương Lương là hình mẫu, mẫu mực, các nhà nho đều mong muốn tu dưỡng và đạt
được đại nghiệp một cách phong lưu như Trương Lương.
2. Về lập đức.
Trương Lương với tư cách là một hình tượng văn học trong trước tác của các tác giả
nhà Nho không chỉ là hình mẫu ở phương diện lập công mà trên phương diện lập đức hình
tượng này cũng được các nhà Nho vô cùng say mê. Nếu như lập công đòi hỏi tài năng và ý
chí của các nhà nho thì ở phương diện lập đức đòi hỏi khả năng ứng xử đặc biệt tinh tế của
các nhà nho ở trong những tình huống nhạy cảm. Xử lý thế nào cho thấu tình đạt lý khi giữa

thời loạn một trạng thái thường xuyên diễn ra giữa một bên là một triều đại cũ đã suy tàn và
một triều đại mới chuẩn bị kiến lập.
Trương Lương sinh ra và lớn lên khi nước Hàn ông đã bị Tần tiêu diệt. Gia đình ông vốn
năm đời làm tể tướng nước Hàn. Khi Hàn bị tiêu diệt, ông bán cả gia sản thuê tráng sĩ mưu
giết Tần Thủy Hoàng, kế hoạch không thành công, ông được Hoàng Thạch Công tặng sánh
Thái công binh pháp ở cầu Hạ Bì, sau đó phò Lưu Bang. Trong thời gian theo phò Lưu
Bang, ông luôn muốn khôi phục nước Hàn. Từ khi Hạng Vương giết chết Hàn Vương vừa
lập lên, ông một lòng theo Hán Vương. Cuối cùng không những phò Hán vương dựng
nghiệp nhà Hán, ông còn trả thù được cho Hàn. Cụm từ Thân Hán tâm Hàn là để chỉ trạng
thái chia tách, lưỡng đôi giữa thân và tâm của Trương Lương. Trạng thái này của hình tượng
Trương Lương được các nhà nho đặc biệt say mê.
Trong Trương Lưu hầu phú, Nguyễn Hữu Chỉnh sau một hồi thong dong và thăng hoa cùng
Trương Lương, gần kết bài phú ông viết về trạng thái Thân Hán tâm Hàn của Trương
Lương:
Nghĩa thủy chung biện bạch cũng êm
Đường tiến thoái thong dong chẳng vướng.
Một lần mộng dọc ngang trong tám cõi, đủ phê pha công Hán nợ Hàn
Ba tấc lưỡi đưa đẩy ngoại năm năm, vựa lọn vẹn thù Tần oán Hạng.
Trạng thái thân Hán tâm Hàn được Nguyễn Công Trứ nhấn mạnh trong hai bài Vịnh
Trương Lưu hầu. Ở bài thứ nhất ông viết:
Năm năm uốn lưỡi trong màn
Một mình ơn Hán nợ Hàn trả xong
Trương Lưu hầu là Hàn công tử
Dõi năm đời chung đỉnh nước Hàn
Liều một dùi chưa giả nợ cố quân
Uốn ba tấc lấy thân thờ Hán chúa
Thuốc độc phun Tần lây đến Sở
Mùi thơm ngậm Hán trún cho Hàn
Trong năm năm gầy một mối giang san,
Đền nợ trước ơn sau đều vẹn xóng


Cả bài vịnh trên, cảm hứng quán xuyến chính là cảm hứng “thân hán tâm hàn”. Ông
nhắc nhắc đi nhắc lại ba lần trạng thái thân hán tâm hàn này: Một mình ơn Hán nợ Hàn
trả xong, Mùi thơm ngậm Hán trún cho Hàn, Đền nợ trước ơn sau đều vẹn xong. Một sự
trả nợ, trả ân mẫu mực. Mẫu mực bằng “ba tấc lưỡi” của bậc đế sư, mẫu mực bằng diệt cả
kẻ thù diệt quốc và cả kẻ thù diệt vua vừa mới lập lên “thuốc độc phun Tần lây đến Sở”
và mẫu mực trong cả không chỉ trả ân Hàn mà còn báo ơn Hán mùi thơm ngậm Hán trún
cho Hàn và mẫu mực ở đền nợ trước ơn sau đều vẹn xóng.
Trong bài Vịnh thứ hai, cảm hứng Thân hán tâm Hàn lại trở lại trong sáng tác của
Nguyễn Công Trứ:
Tới Trần lưu xảy gặp Lưu quân
Năm năm ba tấc lưỡi kinh luân
Màn thao lược vây Tần nhốt Hạng
Ơn Hán vẹn nợ Hàn chẳng vướng,
Có thể nói, ở một góc độ nhất định, hình tượng nhân vật Trương Lương trong sáng tác
của Nguyễn Công Trứ là trạng thái Thân Hán Tâm Hàn. Quan sát hai bài vịnh, rõ ràng,
cảm hứng Thân Hán tâm Hàn chi phối đậm nhất nội dung vịnh. Đọng lại ở Nguyễn Công
Trứ, Trương Lương là hình mẫu về lối ứng xử trọn vẹn “vẹn xóng”, tinh tế giữa một triều
đại là ân nhân cũ và triều đại mới đem lại thành công cho bản thân. Với Nguyễn Công
Trứ, ở Trương Lương, lập đức nơi ông đạt đến mẫu mực. Trạng thái Thân Hán tâm Hàn
là kết tinh mẫu mực lập đức nơi Trương Lương.
Nhưng có lẽ, trong trước tác của Nguyễn Công Trứ, chuẩn mực xử lý Thân Hán tâm
Hàn có vẻ trầm và sâu sắc thì trong thời loạn trạng thái nảy trở lại đặc biệt cồn cào trong
sáng tác của Nguyễn Thượng Hiền và Phan Bội Châu.
Theo khảo sát của chúng tôi, trạng thái Thân Hán tâm Hàn gần trùng với nội dung đề
vịnh về hình tượng Trương Lương trong sáng tác của Nguyễn Thượng Hiền. Hay nói
cách khác, hình tượng Trương Lương trong trước tác của Nguyễn Thượng Hiền nổi lên
cồn cào nhất là trạng thái Thân Hán tâm Hàn.
Trong bài Hữu hoài (Lòng tưởng nhớ), Nguyễn Thượng Hiền viết:
Thân đương ngũ thế Hàn ân trọng,

Lực tận tam phân Hán tộ nguy
(Thân mang lấy ơn nước Hàn nặng đã năm đời
Sức cùng để nghiệp nhà Hán chia làm ba nước)
Trong bài Độc danh sơn phú thư hậu (Đọc bài phú danh sơn, viết mấy vần ở sau),
ông lại nhắc lại:
Ngũ niên Hán ác tài nan triển
Thất nhật Tần đình lệ vị can.
(Màn Hán năm năm, tài khôn thi thố
Sân Tần bẩy tuổi, lệ chửa ráo khô.)

Phấn lực khuông Hán tộ,
Thỉ tâm báo Hàn cừu
(Gắng sức giúp cơ đồ nhà Hán,
Quyết tâm trả mối thù cao vua Hàn)
(Ký quốc nội chư đồng chí – gửi đồng chí trong nước)
Nhưng cồn cào hơn cả và say mê hơn cả với trạng thái này thì trong số các nhà nho
Việt Nam, Phan Bội Châu vừa là nhà nho cuối cùng vừa là người say mê nhất với trạng
thái Thân Hán tâm Hàn của Trương Lương. Không tính đến những bài phú vịnh trực tiếp,
theo quan sát của chúng tôi có đến trên dưới chục lần Phan Bội Châu dẫn cụm từ này
diễn đạt ý của mình. Mặt khác, so với các nhà Nho trước đây, Phan Bội Châu cũng dành
nhiều câu chữ nhất để phú về trạng thái Thân Hán tâm Hàn này:
Với triều Hán là mưu thần, với nhà Hàn là cố nhân.
Ơn mới tuy trọng đại; nghĩa cũ cũng ân cần
Ngày xưa xin về, mưu tung hoàng đã thỏa mãn;
Nay đây xin từ biệt, chí xin đưa để phân trần.
Lưu hầu thật là không ngoan; trung với người mình phụng sự.
Mượn cái vốn giúp Lưu Bang; Làm cái nơi giúp Hàn thị
Giận muôn vàng uổng bỏ, vẫn co người thù
May tấc lưỡi hãy còn, quyết đền túc chí


Cúi đầu lạy Lưu ông; xin trở về Hàn thị

Chỉ nghĩ chim yến tổ cũ; không đành én cạnh theo bay
Hơn mười năm bèo dạt hoa trôi, chính đang chờ đợi;
Ngoài ngàn dặm non mơ nước mộng, còn tưởng nọ kia
Nay Hàn hầu đã được dựng lại, Tôi Trương Lương đâu dám trái gì.
Trong bài : Vịnh Trương Lương, Phan Bội Châu viết tiếp:
Hán trướng năm đời nợ đỉnh chung
Dùi phóng một keo Tần ngã ngửa
Lưỡi đuôi ba tấc Hán bay rồng.
Hàn dưa Bành muối mình vô dạng.
Như vậy, qua trước tác của các tác giả nhà Nho, cách ứng xử của Trương Lương đối với
nhà Hàn, ân nhân cũ và nhà Hán triều đại mới trở thành mẫu mực. Ở đó trọng lực nghiêng về
phần “Hàn” – “tâm Hàn” – phần âm, bên trong, không nhìn thấy nhưng chi phối cuộc đời
Trương Lương. Với Trương Lương, ân đức của triều đãi cũ, triều đại đã qua luôn ám ảnh và
tâm hồn gắn với triều đại này là không thể san sẻ. Đây là một trạng thái mà qua đó cho thấy
thái độ ứng xử, không phải phương diện tài năng của Trương Lương mà con người đức độ
của Trương Lương được thể hiện điển hình nhất. Tâm Hàn là cái gốc, là động lực của “thân
Hán”. Đồng thời Thân Hán tâm Hàn còn cho thấy một trạng thái mờ mờ ảo ảo, lưỡng đôi
tính và trạng thái khó có thể phân biệt rõ ràng, trạng thái dằng dai và tồn tại trong nhau.
Trạng thái “Thân Hán Tâm Hàn” cho thấy đầy đủ nhất phương diện lập đức ở Trương
Lương. “ Một mình ơn Hán nợ Hàn trả xong”, “Mùi thơm ngậm Hán trún cho Hàn” “ơn
Hán vẹn nợ Hàn chẳng vướng”, “Đền nợ trước ơn sau đều vẹn xóng”, “đủ phê pha công
Hán nợ Hàn”, “vừa lọn vẹn thù Tần oán Hạng”…là linh hồn của Thân Hán tâm Hàn, là linh
hồn lập đức nơi Trương Lương, là linh hồn lập đức nơi các nhà nho.
Tóm lại, ở phương diện lập đức, với tư cách là hình tượng văn học, trong con mắt của các
nhà Nho, cùng với lập công, Trương Lương là hình mẫu của nhân cách đức độ.
Lập công và lập đức là yêu cầu cao nhất mà các nhà nho tu dưỡng, nỗ lực và khát vọng đạt
tới. Cả hai tiêu chí này đều đạt được độ mẫu mực trong Trương Lương. Đây là hai lý do
chính diện quyết định thái độ và cảm hứng đề, vịnh, phú và dẫn tới sự tồn tại liệt tục và

mãnh liệt của hình tượng này trong sáng tác của các nhà Nho.
3. Về phong cách Lão Trang.
Hình tượng nhân vật Trương Lương không chỉ mẫu mực theo tiêu chuẩn tu dưỡng và
phấn đấu của các nhà Nho, thú vị hơn nữa Trương Lương đi vào trước tác các nhà Nho Việt
Nam và các nhà nho đặc biệt hứng thú và khâm phục phong thái mang đậm phong cách của
những nhân vật thuộc trường phái Lão Trang và nhân vật Đạo gia: thung dung, tự tại, thoát
ẩn thoắt hiện, khó lường, biến ảo. Hay nói như Nguyễn Hữu Chỉnh “chẳng tiên nhưng cũng
khác phàm”.
Trương Lương là “phận tiên”, Nguyễn Trãi khao khát ví mình như phong thái, bước đi
của Trương Lương.
Điện bắc đà đà yên phận tiên
Nghiệp Tiêu Hà làm khá kịp.
Chính Nguyễn Trãi hơn một lần thán phục Trương Lương :
Khám hạ Trương Lương chẳng khứng ở
Tìm tiên để nộp ấn phong hầu
Mang nhiều sắc thái của nhân vật Lão Trang như Nguyễn Bỉnh Khiêm còn phải buông
lời thán phục Trương Lương:
Khám hạ Lưu hầu từ Hán lộc
Cô Thành náu ân Xích Tùng chơi
Trong bài Trương Lương, Lê Quý Đôn viết dưới cảm hứng thán phục và say mê trạng
thái thong dong, phong lưu, khác phàm của Trương Lương:
Khôn thay rất mực bác Lưu hầu
Lui tới thong dong tự trước sau
Vì giận không thành mưu Bác Lãng
Nên đành phải bội ước Hồng Câu
Suy tiêu khiến giặc sinh lòng chán
Tịch Cốn theo tiên kế rất mầu
Sáng cũ một pho ba tấc lưỡi
Nhà nho như thế thực phong lưu
Có rất nhiều nhà Nho viết về trạng thái mang đậm phong cách Lão Trang này của

Trương Lương nhưng có lẽ đến và ở Nguyễn Hữu Chỉnh Trương Lương hiện lên đầy đủ sắc
thái, thần thái và phong thái của một Trương Lương “khác phàm”:
Đế sư cao một bậc, trọng đức tôn danh,
Hầu tước hậu ba muôn, luận công hành thưởng,
Đường báo quốc nhờ lưng Xích đế, tiệc Nam cung đà vẹn tiếng vin rồng;
Chước bảo thân mượn dấu Hoàng Công, miền bắc thành lại tìm nơi ấp phượng
Giá đã cao , nên đủng đỉnh công hầu;
Mình được nhẹ , nên tiêu dao ngày tháng
Rõ rỡ thư son khoán sắt, lời Nãi ông dù trỏ núi thề sông;
Thênh thênh non đá am thông, thuyền tiên tử đã quen mây mến ráng.
….Ở giang hồ thì danh sĩ phong lưu;
Vào lang miếu lại đại thần thể dạng
….
Đi lại tha hương cố quốc, lưới anh hùng khôn dò chốn hiểm thâm
Ra vào đế tử tiên ông, lồng trí thuận dễ ngự trong lại vãng
Nghĩa thủy chung biện bạch cũng êm;
Đường tiến thoái thong dong chẳng vướng.
Một lần mộng dọc ngang trong tám cõi, đủ phê pha công Hán nợ Hàn;
Ba tấc lưỡi đưa đẩy ngoại năm năm, vừa lọn vẹn thù Tần oán Hạng.
Ngẫm từ trên như Trọng Liên , Phạm Lãi nào hơn
So xuống dưới dẫu Lý Tĩnh, Khổng Minh chưa đáng
Ngôi đế sư mà danh cao sĩ, ngoại vật há còn trong bụng, nghìn thu chữ thắm chẳng phai
vàng
Nền nho giả mà giá danh thần, chẳng tiên nhưng cũng khác phàm, muôn kiếp sử xanh còn
để sáng.
Có một điều đặc biệt thú vị là, vịnh , phú đề thơ về phương diện phong thái thung
dung tự tại của Trương Lương có rất nhiều nhưng trong số các nhà nho Việt Nam chỉ duy
nhất Nguyễn Công Trứ là ví mình đạt trạng thái này:
Trong bài Vịnh Trương Lưu hầu I:
Đền nợ trước ơn sau đều vẹn xóng

Tràng phú quý xem bằng mây mỏng
Túi Xích Tùng riêng đủng đỉng mái thanh sơn
Nhục vinh gác chuyện Tiêu Hàn
Trong bài Vịnh Trương Lưu hầu II:
Ơn Hán vẹn nợ Hàn chẳng vướng,
Túi vương hầu treo gửi gánh Hoàng Công
Một mình lui tới thung dung
Trong bài Luận kẻ sĩ:
Nhà nước yên mà sĩ cũng thung dung
Bấy giờ sĩ mới tìm ông Hoàng Thạch
(Trương Lương khi nhận sách dưới cầu, Hoàng Thạch Công hẹn mười ba năm sau gặp lại. )
Trong bài cầm kỳ thi tửu,:
Thú xuất trần tiên vẫn là ta
Sánh Hoàng Thạch, Xích Tùng ở cũng đáng.
Như vậy, các nhà Nho Việt Nam không chỉ say mê phương diện lập công, lập đức của
Trương Lương mà phong thái chẳng tiên nhưng cũng khác phàm cũng là phương diện trọng
tâm hình tượng Trương Lương trong trước tác của các tác giả nhà Nho. Hầu như tất cả các
nhà nho nếu đã đề vịnh về Trương Lương thì đều đề cập đến phương diện này của ông. Các
nhà nho Việt Nam hẳn cũng tu dưỡng và phấn đấu đạt trạng thái này. Duy chỉ Nguyễn Công
Trứ là tự đánh giá mình đã đạt đến trạng thái đó. Đạng đồng tiểu dị, các nhà nho đều đồng
thanh coi Trương Lương là hình mẫu của nhà nho mẫu mực (trừ lập ngôn) và hình mẫu của
nhân vật phong cách Lão Trang.
4. LUẬN SÂU HƠN HÌNH TƯỢNG TRƯƠNG LƯƠNG TRONG TRƯỚC TÁC CỦA
CÁC TÁC GIẢ NHÀ NHO VIỆT NAM.
4.1. Bất kỳ một triết thuyết nào từng tồn tại đều xây dựng một xã hội lý tưởng và những hình
mẫu con người lý tưởng. Đạo gia: chủ trương xây dựng xã hội tiểu quốc quả dân (nước nhỏ
dân ít), con người sống vô vi theo tự nhiên, Nho giáo chủ trương xây dựng xã hội khoan hòa,
thái bình thịnh trị, hình mẫu của nó là xã hội thời Nghiêu Thuấn, vua Nghiêu Thuấn, tôi
Nghiêu Thuấn. Biện pháp để đạt được xã hội đó là con người phải học tập tri thức thánh hiền
và tu luyện bản thân theo lời dạy của tiền nhân. Nếu làm được như vậy, xã hội sẽ trở lại

trạng thái khoan hòa, thái bình thịnh trị và được coi có Đạo. Phương pháp giáo hóa để dân
chúng đạt được trạng thái đó là xây dựng các hình mẫu và nêu gương. Trong lịch sử Nho
giáo, Khổng Tử là nhà nho đầu tiên, là nhân vật hình mẫu đầu tiên và là tấm gương cho
nhiều thế hệ học trò sau này. Cả cuộc đời ông chu du nhiều nước để thuyết pháp về học
thuyết của mình, cả cuộc đời, về cơ bản là sống trong sạch, đức độ, cả cuộc đời không ngừng
rèn luyện đạo đức, cả cuộc đời học và dạy không ngừng không mỏi. Ông là hình mẫu điển
hình bậc nhất, là nhân vật hình mẫu đầu tiên trong lịch sử Nho giáo.
Các nhà Nho sau Khổng Tử của Trung Quốc cũng như Việt Nam trên con đường tiếp
bước Khổng Tử nhằm thực hiện hoài bão xây dựng xã hội lý tưởng Khổng Tử hằng mơ ước.
Tất cả họ, ngoài học tập kinh điển thánh hiền (Tứ thư, Ngũ Kinh) ra, một việc vô cùng quan
trọng khác là không ngừng tu luyện, rèn luyện bản thân, tu dưỡng tâm tính mình. Theo các
nhà nghiên cứu Nho giáo, Nho giáo từ Khổng Tử đến thời nhà Thanh tuy trải qua vô vàn
biến thiên, nhưng một nội dung không thay đổi là cái mà làm nên bản sắc của học thuyết
chính là nội dung tu dưỡng của tất cả các nhà Nho khi tham gia học thuyết này. Trong khi tu
dưỡng bản thân, ngoài những ứng xử trong giao tiếp xã hội, những nguyên tắc trong đời
sống, thì hành động, phú, vịnh một nhân vật nào đó đều có thể coi là một hành vi tu dưỡng
bản thân mình, nhắc nhở bản thân mình phải không ngừng tu dưỡng để đạt được trạng thái
hình mẫu lý tưởng thánh hiền đặt ra và hình mẫu mình đang theo đuổi. Hành vi vịnh, phú, đề
thơ Trương Lương trong trước tác của các nhà Nho đều nằm trong mục đích tu luyện, nhắc
nhở chính mình của các nhà Nho.
Mặt khác, bản thân Trương Lương là một nhân vật lịch sử vĩ đại. Ở ông nhiều tiêu chuẩn nhà
Nho đặt ra đạt đến trạng thái mẫu mực. Lập công và lập đức ở Trương Lương là một hình
mẫu mơ ước của nhiều thế hệ nhà Nho. Mỗi kẻ sĩ trong xã hội xưa, khi sinh ra trên đời có
chút chí khí đều đặt tiêu chí lập công lên hàng đầu và mục tiêu lưu danh sử sách là công việc
của cuộc đời. Vịnh, phú Trương Lương là một hành vi tu dưỡng của nhà nho, nhắc nhở
chính mình không ngừng tu dưỡng và qua đó cho thấy chí khí của mỗi nhà nho.
Từ xã hội hình mẫu (xã hội Nghiêu Thuấn), từ ông vua hình mẫu (vua Nghiêu vua
Thuấn), kết tinh thành một cặp đôi biểu tượng Vua sáng tôi hiền, đến một hình mẫu nhà nho
vĩ đại, hình mẫu đầu tiên trong lịch sử nho giáo: Khổng Tử và một phương pháp tu luyện,
xây dựng hình mẫu để nêu gương và đến việc các nhà nho tìm cho mình một hình mẫu để đề

vịnh (Trương Lương) đều nằm trong một trục tư tưởng có liên quan và chịu sự chi phối mật
thiết của Nho giáo.
Trương Lương trong trường hợp này nằm trong cấu trúc và lăng kính của nhà nho, của Nho
giáo. Trương Lương từ nhân vật lịch sử đi vào trở thành hình tượng trong trước tác của các
nhà nho, trở thành nhân vật qua đó các nhà nho thể hiện ý chí và hành vi tu dưỡng của bản
thân mình. Đây là lý do đầu tiên giải thích tại sao hình tượng Trương Lương ám ảnh xuyên
suốt trong trước tác của các nhà Nho lớn nhất của Việt Nam trong suốt thời đại thứ nhất văn
học dân tộc.
2. Nhưng Trương Lương không chỉ là hình mẫu của Nho gia, Trương Lương còn mang đậm
tinh thần triết học Lão Trang. Ở đây cần nhấn mạnh một điểm rất cơ bản và mang tính xuất
phát điểm: Trương Lương không phải là một môn đồ ngay từ đầu của phái Đạo gia. Xét kỹ
ông đi từ một anh hùng thời loạn, một kẻ sĩ, một đế sư đến với Đạo gia. Và được gia nhập
vào loại những nhân vật kiệt xuất của phái này: Xích Tùng Tử, Hoàng Thạch Công và cuối
cùng là ông - Trương Lương.
- Tư tưởng Lão Trang: tư tưởng Lão Trang là học thuyết đặc biệt trong tư tưởng Trung
Quốc cổ đại. Trước hết nó rất đặc biệt trong việc tìm ra chỗ đứng riêng biệt cho bản thân
mình. Sau thời Xuân Thu – Chiến Quốc, trào lưu tư tưởng nở rộ Trung Quốc cho ra đời
nhiều loại lý thuyết cai trị xã hội khác nhau. Nhà Tần là nhà nước phong kiến đầu tiên thực
thi một cách có hệ thống học thuyết Pháp gia vào cai trị đất nước, thời Hán định hình cơ bản
cấu trúc cai trị cũng là bí mật cai trị toàn bộ Trung Hoa (Nho Pháp tỉnh dụng, Dương nho âm
Pháp), cơ hồ đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Từ thời Hán, một sự cấu kết ngầm giữa
Pháp gia và Nho gia đã đặt nền tảng cho toàn bộ phương thức cai trị Trung Quốc (thâm Pháp
hiển Nho), các triết thuyết khác hoặc tản vào dân gian hoặc tự biến mất (Mặc gia), duy Lão
Trang tìm cho mình một chỗ đứng khác biệt. Tư tưởng Lão Trang không tham gia vào cấu
trúc cai trị cùng Pháp và Nho mà đứng ra ngoài cấu trúc chính trị này. Nếu như Pháp và Nho
dựa vào chính quyền để tồn tại, biến dạng để tồn tại cùng chính quyền thì Lão Trang tồn tại
bằng chính bản thân nó. Đây là một đặc sắc của Lão Trang. Nó không bị truy sát, cũng
không dẫn đến mâu thuẫn với các triết thuyết khác. Không những thế, sau này khi Phật giáo
vào Trung Hoa nó đã kết hợp với Phật giáo tạo ra một “đặc phẩm” Phật giáo Trung Hoa:
Thiền. Trong đó, xét ở một góc độ nào đó, tư tưởng Lão Trang là linh hồn của Thiền. Mặt

khác, số lượng nhân vật thuộc tư tưởng Lão Trang và nhân vật Đạo gia không hề đông đảo
nhưng đã là những người được liệt vào loại nhân vật Đạo gia đều là những nhân vật kiệt
xuất, có uy tín và tiếng nói vô cùng quan trọng. Hơn nữa, nếu như con người nhà nho là con
người của xã hội, là con người của những quan hệ, sống với cộng đồng thì con người Lão
Trang là con người sống với cá nhân, cái vị kỷ. Đánh giá về tư tưởng Lão Trang, ông Trần
Ngọc Vương viết: lối sống pháp tự nhiên, vô vi của những nhân vật Đạo gia là sản phẩm xét
cho cùng của một phép biện chứng sâu sắc vào bậc nhất của toàn bộ triết học loài người
trong thế giới cổ đại. Trước khi xuất hiện Phật giáo trên đất Trung Hoa, tư tưởng Lão –
Trang đã từng là ngọn đuốc đốt chính mình lên để soi cho chính mình như lời phật Tổ kêu
gọi con người, và khi Phật giáo đến Trung Quốc, bắt gặp hệ tư tưởng này, đã cùng phối kết
hợp tạo ra Thiền – một đặc phẩm của Phật giáo Trung Hoa, cho đến nay vẫn lừng danh
toàn thế giới và hình như chưa có dấu hiệu hay dự liệu trở thành quá khứ (tr.73)
Trong quá trình tồn tại và phát triển, trong lịch sử nho giáo Việt Nam, trước khi xuất
hiện loại hình nhà nho thứ ba nhà nho tài tử thì trước đó đã tồn tại hai loại hình nhà nho
chính thống: nhà nho hành đạo và nhà nho ẩn dật. Theo cố Giáo sư Trần Đình Hượu :
Đường hướng tư tưởng chung của nhà nho ẩn dật là đi từ Nho sang Trang, không phải nho
thuần túy cũng không phải Trang thuần túy. Rõ ràng, đường hướng tiến hóa của Trương
Lương không phải đi theo lối các nhà nho ẩn dật thường đi. Xét cho cùng nhà nho ẩn dật
nhiễm Lão Trang là khuynh hướng tự nhiên nhưng có phần bất đắc dĩ. Dĩ nhiên Trương
Lương không phải đi theo đường hướng này, đơn giản trước hết ông không phải là nhà nho
ẩn dật. Đương nhiên đường hướng này không phải là đường hướng hình mẫu cho các nhà
nho, đặc biệt là những anh hùng có chí khí lớn thì nó càng không phải là con đường mẫu
mực.
Đường hướng mẫu mực như đường hướng của Trương Lương đi từ một anh hùng thời
loạn, hoàn thành nhiệu vụ xuất sắc của đế sư, hay nói cách khác đi từ một nhà nho hành
xong đạo sang Trang. Đây có thể coi là con đường mẫu mực. Nếu có thể coi tuyên ngôn về
kẻ sĩ của Nguyễn Công Trứ là mẫu mực chung cho tất cả các nhà Nho thì con đường Trương
Lương đi từ Nho sang Trang mở ra con đường không phải từ ẩn dật sang Trang trở thành
hình mẫu cho tất cả các nhà Nho: Từ nhà nho hành đạo lên Trang.
Tức hữu ngũ , sĩ cư kì liệt

Dâu hữu tứ, sĩ chi vi tiên
Có giang sơn thời sĩ đã có tên
Từ Chu, Hán vốn sĩ này là quý
Miền hương đảng đã khen rằng hiếu đễ
Đạo lập thân phải giữa lấy cương thường
Khí hạo nhiên chí đại, chí cương
So chính khí đã đầy trong trời đất
Lúc vị ngộ, hối tàng nơi bồng tất
Hiêu hiêu nhiêu, điếu vị canh Sằn
Xe bồ luân dầu chưa gặp Thang, Văn
Phù thế giáo một vài câu thanh nghị
Cầm chính đạo để tịch tà cự bí
Hồi cuồng lan nhi chướng bách xuyên
Rồng mây khi gặp hội ưa duyên
Đem quách cả sở tồn làm sở dụng
Trong lăng miếu ra tài lương đống
Ngoài biên thùy rạch mũi can tương
Sĩ làm cho bách thế lưu phương
Trước là sĩ sau là khanh tướng.
Kinh luân khởi tâm thượng
Binh giáp tàng hung trung
Vụ trụ chi gian giai phận sự
Nam nhi đáo thử thị hào hùng
Nhà nước yên mà sĩ cũng thung dung,
Bấy giờ sĩ mới tìm ông Hoàng Thạch
….
Nếu như đường hướng tư tưởng chung của các nhà nho ẩn dật là đi từ Nho sang Trang thì
đường hướng lý tưởng của tất cả các kẻ sĩ đi từ Nho lên Trang. Ở đây rõ ràng tư tưởng Lão
Trang vừa là đích đến sau cùng vừa là cảnh giới cao nhất mà các nhà nho mơ ước đạt tới.
Trương Lương đã đi qua bước đường đầu tiên mà Nguyên Công Trứ gọi là “Đạo lập thân

phải giữ lấy cương thường” và cuối cùng khi mà “nhà nước yên mà sĩ cũng thung dung”thì
khi đó “sĩ mới tìm ông Hoàng Thạch”. Cấu trúc lý tưởng từ kẻ sĩ , nhà Nho hành đạo làm
cho bách thế lưu phương đến tìm ông Hoàng Thạch là cấu trúc lý tưởng của con người hoàn
thành nghĩa vụ với nhân quần, vượt lên để sống với cái bản ngã , cái vị kỷ. Trong lịch sử
nhân vật đạo gia, những loại người này vô cùng ít ỏi: Xích Tùng Tử (truyền thuyết), Hoàng
Thạch Công và Trương Lương. Loại người này đều thuộc loại kiệt xuất. Trong số những nhà
Nho Việt Nam Nguyễn Công Trứ luôn ví mình với Xích Tùng Tử, Hoành Thạch Công, rõ
ràng Nguyễn Công Trứ muốn liệt mình vào loại nhân vật Đạo gia kiệt xuất này. Đây là một
nguyên nhân chính yếu nữa giải thích vì sao nhóm trí thức tinh hoa say mê trạng thái thong
dong, tự do tự tại như vậy của Trương Lương. Say mê trạng thái này của Trương Lương là
say mê trạng thái hoàn hảo. Say mê Trương Lương, vịnh, phú về ông là dấu hiệu của những
nhà nho kiệt xuất. Thật không ngẫu nhiên, những nhà nho vịnh, phú, đề thơ nhiều về Trương
Lương đều là những nhân vật kiệt xuất của dân tộc: Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm,
Nguyễn Hữu Chỉnh, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Công Trứ, Cao Bát Quát, Nguyễn Thượng
Hiền, Phan Bội Châu…
4. LỜI KẾT.
Trương Lương từ nhân vật tác động vĩ đại vào lịch sử, làm xoay chuyển lịch sử đến
chuyển hóa dần sang kết tinh thành nhân vật biểu tượng của những tư tưởng triết học lớn
nhất thời đại. Đặc biệt, chất Lão Trang trong Trương Lương cực kỳ đậm nét, thậm chí chi
phối toàn bộ hành trạng của ông. Khung hướng vận động của Trương Lương theo hướng
hình mẫu hóa và thần tiên hóa. Một trong những đặc điểm nổi bật của tư tưởng Lão Trang và
cả Thiền học về cơ bản là không thể dân gian hóa. Những nhân vật kiểu Trương Lương- liệt
vào phái Lão Trang cũng không bị dân gian hóa. Sinh quyển khu trú chỉ nằm trong não trạng
của một số ít trí thức, của một nhóm trí thức nhưng lại là nhóm trí thức tinh hoa. Đây cũng là
lý do giải thích tại sao Trương Lương tồn tại trong nhóm trí thức cao cấp mà không tản vào
dân gian. Nhìn từ chiều kích này, Trương Lương khác Tào Tháo và Khổng Minh. Nét Thần
toán của hình tượng Khổng Minh gần với vu thuật dân gian hơn là những suy tư theo chiều
kích triết học kiểu Trương Lương. Nét gian hùng của Tào Tháo đơn thuần là nhìn từ góc độ
đối lập với đạo đức được điển hình hóa. Như vậy, Khổng Minh và Tào Tháo có một “giá”
riêng và một sinh quyển khu trú riêng. Trương Lương cũng có một “giá” khác, một sinh

quyển khu trú khác, xét một cách nghiêm ngặt, cao cấp hơn.
Giá đã cao nên đủng đỉnh phong hầu
Mình được nhẹ nên tiêu dao ngày tháng
(Trương Lưu hầu phú – Nguyễn Hữu Chỉnh)

×