Tải bản đầy đủ (.doc) (4 trang)

VIỆC PHÂN CHIA CÁC HỆ THỐNG PHÁP LUẬT TRÊN THẾ GIỚI CHỦ YẾU NHẰM MỤC ĐÍCH SƯ PHẠM

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (99.78 KB, 4 trang )

LỜI MỞ ĐẦU
Trên thế giới hiện nay có rất nhiều cách phân nhóm các hệ thống pháp luật khác
nhau. Căn cứ vào mục đích nghiên cứu của mình mà các học giả lựa chọn các tiêu chí
phù hợp để phân nhóm các hệ thống pháp luật trên thế giới.
NỘI DUNG
1. MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC PHÂN CHIA CÁC HỆ THỐNG PHÁP LUẬT TRÊN
THẾ GIỚI CHỦ YẾU NHẰM MỤC ĐÍCH SƯ PHẠM.
Sự phân chia tạo thuận lợi cho việc giới thiệu tổng quát các hệ thống pháp luật,
giúp nhà luật học có bức tranh toàn cảnh về các hệ thống pháp luật trên thế giới.
Nguyên nhân là do trên thế giới có hơn hai trăm hệ thống pháp luật khác nhau, mỗi hệ
thống có những điểm riêng biệt, ta không thể và không có thời gian nghiên cứu được
hết tất cả các hệ thống pháp luật đó. Thay vì nghiên cứu từng hệ thống pháp luật, việc
phân nhóm giúp ta sắp xếp có trật tự các hệ thống pháp luật trên thế giới, từ đó nghiên
cứu các vấn đề cốt lõi của các dòng họ pháp luật thông qua việc nghiên cứu những hệ
thống pháp luật điển hình của nó. Hơn nữa, việc phân nhóm cũng tạo thuận lợi cho
việc nghiên cứu từng hệ thống pháp luật cụ thể mà ta quan tâm. Với việc xác định
những đặc điểm của các nhóm pháp luật, khi cần nghiên cứu hệ thống pháp luật nào
đó, ta sẽ dễ dàng đi vào nội dung cụ thể của hệ thống này khi đã có những tri thức cơ
bản về hệ thống pháp luật đó nếu biết hệ thống pháp luật này thuộc dòng họ nào.
2. CÁCH LỰA CHỌN CÁC TIÊU CHÍ PHÂN NHÓM CÁC HỆ THỐNG PHÁP
LUẬT TRÊN THẾ GIỚI CÓ SỰ THAY ĐỔI THEO THỜI GIAN.
Trước đây, nhiều học giả cố tìm ra tiêu chí duy nhất (như hệ thống kinh tế, hệ
thống chính trị...) để phân loại bởi họ cho rằng đó mới là biện pháp khoa học nhất. Ví
dụ như trong quá khứ các học giả đã căn cứ vào tiêu chí hệ thống kinh tế để phân
nhóm các hệ thống pháp luật trên thế giới. Sự bất hợp lý ở chỗ xét về tiêu chí này thì
Pháp và Anh có hệ thống kinh tế tương đối giống nhau nhưng hệ thống pháp luật lại
không hề tương đồng, nếu như Anh coi trọng án lệ thì Pháp lại coi trọng pháp luật
thành văn trong việc giải quyết tranh chấp. Vì vậy xu hướng chọn duy nhất 1 tiêu chí
đang dần bị thay thế bởi một xu hướng phân chia dựa trên một vài tiêu chí khác nhau.
1
Thực tế, có nhiều cách phân loại như: Zweigert và Kotz dựa vào tiêu chí lịch sử, tầng


bậc và cách giải thích các nguồn luật, hệ tư tưởng pháp luật; R.David phân loại dựa
trên tính chất kỹ thuật và hệ tư tưởng; Constantinesco đề xuất “các yếu tố quyết định”
như : những quyết định cơ bản của pháp luật với kinh tế, hệ tư tưởng chính thức, vai
trò Nhà nước trong xã hội, quyền dân sự cơ bản, vai trò của thẩm phán…; Sunberg tìm
tòi cách phân loại dựa trên sự ảnh hưởng của từng hệ thống, mức độ pháp điển hóa, vị
trí của cá nhân và lý luận định hướng sự phát triển của pháp luật…
Dù vậy, không thể khẳng định rằng sử dụng bao nhiêu tiêu chí và phân chia các hệ
thống pháp luật trên toàn thế giới thành bao nhiêu dòng họ là chính xác. Việc phân
loại dựa trên các tiêu chí nào hoàn toàn phụ thuộc vào mục đích của việc nghiên cứu.
3. NHỮNG TIÊU CHÍ PHÂN NHÓM CỤ THỂ, SỐ LƯỢNG CÁC TIÊU CHÍ,
CÁC CÁCH SỬ DỤNG TIÊU CHÍ CÓ SỰ KHÁC NHAU NÊN KẾT QUẢ
PHÂN NHÓM CÓ SỰ KHÁC BIỆT
Học giả người Pháp, Rene David kết hợp hai tiêu chí để phân nhóm hệ thống
pháp luật là kĩ thuật pháp lí và hệ tư tưởng. Dựa vào hai tiêu chí này, Rene David phân
chia các hệ thống pháp luật trên thế giới thành dòng họ pháp luật La Mã - Giécmanh,
dòng họ common law, dòng họ pháp luật xã hội chủ nghĩa và một số hệ thống pháp luật
nhỏ khác là luật Hồi giáo, luật Hindu, luật của một số nước vùng Đông Á và một nhóm
pháp luật mới là pháp luật của các nước châu Phi.
Hai học giả người Đức là Zweigert và H.Kotz, mặc dù chỉ đưa ra tiêu chí phân
nhóm là hình thái pháp luật để phân nhóm pháp luật nhưng nội dung của tiêu chí này
lại chứa đựng nhiều tiêu chí thành phần khác nhau, gồm: Cơ sở và sự phát triển lịch sử
của hệ thống pháp luật, phương thức tư duy pháp lí nổi trội và đặc trưng về các vấn đề
pháp lí, các chế định pháp lí đặc thù, các nguồn luật mà hệ thống pháp luật này chấp
nhận và cách thức nó sử dụng các nguồn luật đó, hệ tư tưởng của hệ thống pháp luật.
Với việc sử dụng hệ tiêu chí này, Zweigert và Kotz đã phân chia các hệ thống pháp
luật trên thế giới thành dòng họ pháp luật La Mã, dòng họ pháp luật Giécmanh, dòng
họ pháp luật Bắc Âu, dòng họ common law, dòng họ pháp luật XHCN và các nhóm
pháp luật khác là luật Hồi giáo, luật Hindu, pháp luật của một số nước vùng Đông Á.
2
Tiêu chí kỹ thuật cho phép ta phân biệt các hệ thống pháp luật thuộc dòng họ

common law và civil law, nhưng không đủ xác định được sự khác biệt giữa hệ thống
pháp luật thuộc dòng họ civil law và hệ thống pháp luật thuộc dòng họ xã hội chủ
nghĩa. Tiêu chí hệ tư tưởng giúp phân biệt dòng họ pháp luật bị ảnh hưởng bởi tôn
giáo (luật Hồi giáo và luật Hindu) và dòng họ pháp luật xã hội chủ nghĩa với các dòng
họ khác. Tuy nhiên, tiêu chí này không có giá trị để phân biệt dòng họ common law và
dòng họ civil law hay dòng họ La Mã – Giécmanh theo cách phân chia của R.David
hoặc để phân biệt dòng họ pháp luật La Mã với dòng họ pháp luật Giécmanh, dòng họ
pháp luật Bắc Âu và dòng họ common law theo cách phân chia của Zweigert và Kotz.
Về tiêu chí nguồn luật, hiện nay, hầu hết các nước đều sử dụng các loại nguồn
tương tự như nhau do xu hướng hội tụ pháp luật. Tiêu chí này có thể được sử dụng để
phân biệt nguồn của dòng họ pháp luật Hồi giáo và dòng họ pháp luật Hindu với các
hệ thống pháp luật thuộc dòng họ common law, dòng họ civil law và dòng họ pháp
luật xã hội chủ nghĩa, tuy nhiên, nếu xét ở khía cạnh khái quát chung thì khó có thể
xác định được hệ thống pháp luật nào thuộc dòng họ common law và hệ thống pháp
luật nào thuộc dòng họ civil law.
Ngoài các tiêu chí trên còn một số yếu tố khác cũng có ảnh hưởng trực tiếp đến
việc xếp hệ thống pháp luật cụ thể nào đó vào dòng họ pháp luật cụ thể, như tiêu chí
mức độ chi tiết của mục tiêu, thời điểm tiến hành phân nhóm các hệ thống pháp luật...
Cũng có thể xếp một số hệ thống pháp luật vào bất cứ dòng họ pháp luật nào hoặc
không xếp vào dòng họ pháp luật nào cụ thể (những hệ thống pháp luật có tính chất
hỗn hợp và những hệ thống pháp luật đang trong giai đoạn thay đổi)...
KẾT LUẬN
Việc phân chia các hệ thống pháp luật và đưa hệ thống pháp luật vào nhóm nào đó chỉ
mang tính chất tương đối. Do đó, sẽ là sai lầm nếu khẳng định cách phân nhóm nào đó
là không chính xác. Cho đến nay, dù sử dụng nhiều tiêu chí khác nhau, các dòng họ
pháp luật được xác định vẫn rất quen thuộc đối với các nhà luật học là dòng họ
common law, dòng họ civil law, dòng họ pháp luật xã hội chủ nghĩa và một số nhón
pháp luật khác gắn với các tôn giáo khác nhau là luật Hồi giáo, luật Hindu.
3
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

***
1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật so sánh, Nxb. Công an nhân dân,
Hà Nội, 2008.
2. Michael Bogdan, Luật so sánh (bản tiếng Việt), Nxb. Kluwer, Norsredts Juridik,
Tano, 2002.
3. Trường Đại học Luật Hà Nội, Tập bài giảng Luật so sánh, 2003.
4. Zweigert and Kotz, An Introduction to Comparative Law, Oxford 1997.
4

×