Tải bản đầy đủ (.pdf) (119 trang)

Đặc điểm thơ Viễn Phương

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (4.55 MB, 119 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH





Huỳnh Thị Ngọc Yến





ĐẶC ĐIỂM THƠ VIỄN PHƯƠNG


Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số : 60 22 34




LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC




NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
TS. NGUYỄN VĂN KHA










Thành phố Hồ Chí Minh - 2010
THƯ
VIỆN



LỜI CẢM ƠN
Trước hết, tôi xin chân thành cảm ơn TS. Nguyễn
Văn Kha – người Thầy luôn nhiệt thành hướng dẫn, giúp
đỡ tôi trong quá trình thực hiện đề tài.
Xin cảm ơn Trường Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ
Chí Minh, Phòng Khoa học Công nghệ và Sau đại học,
Quý Thầy Cô ở Khoa Văn Trường Đại học Sư Phạm và
Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành
phố Hồ Chí Minh, đã tham gia giảng dạy chúng tôi trong
suốt thời gian học cao học tại Trường; Ban Giám Hiệu và
đồng nghiệp trường THPT Trần Phú đã tạo điều kiện
thuận lợi cho tôi trong công tác để tôi có thể theo học
chương trình sau đại học; Tập thể Lớp Văn học Việt
Nam khoá 18 (2007-2010) đã gắn bó, động viên tôi trong
quá trình học tập và thực hiện đề tài.
Đặc biệt, tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc đến PGS.TS
Phan Thanh Bình, gia đình nhà thơ Viễn Phương đã

nhiệt tình, cung cấp các hình ảnh, tư liệu quý về nhà thơ,
tạo điều kiện thuận lợi cho tôi hoàn thành luận văn.
Xin cám ơn gia đình đã hết sức tận tuỵ, giúp đỡ và hỗ
trợ tôi để tôi có điều kiện hoàn thành tốt luận văn của
mình.
Cuối cùng, cho tôi xin được nói lời tri ân tất cả.
Người thực hiện luận văn
HUỲNH THỊ NGỌC YẾN
MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài
Với hơn 50 năm cầm bút, cuộc đời Viễn Phương đã cống hiến trọn vẹn cho cách mạng, cho
thơ văn đến tận hơi thở cuối cùng. Đó là một nhân cách đáng được trân trọng. Với tính cách khiêm
nhường, nụ cười đôn hậu, tâm hồn thanh cao, không màng bon chen danh lợi…, nhân cách Viễn
Phương luôn toả sáng.
Đọc “Tuyển tập Viễn Phương”, người đọc sẽ không khỏi ngạc nhiên, vì số lượng tác phẩm
của ông tương đối lớn (10 tập truyện và ký, 7 tập thơ) nhưng rất ít người biết đến và nghiên cứu.
Mới đây, tác giả Mai Thuỵ Thanh Vân, với luận văn thạc sĩ của mình đã chọn và bảo vệ thành công
đề tài “Cuộc đời và sự nghiệp văn học của Viễn Phương”. Hầu hết trong các thư viện của các
trường đại học cũng như thư viện các tỉnh, thư mục về Viễn Phương rất ít, và những công trình
nghiên cứu sâu về ông cũng thật hiếm hoi. Thiết nghĩ một nhà thơ tâm huyết với đời, với nghề văn
như Viễn Phương với tấm lòng đôn hậu, thuỷ chung, ấm áp tình người, tình đời như thế cần phải
được quan tâm nghiên cứu.
Là một người con miền Nam, với tấm lòng thành kính của mình, với đề tài luận văn thạc sĩ
“Đặc điểm thơ Viễn Phương”, tôi mạnh dạn đặt vấn đề tìm hiểu thơ Viễn Phương trên hai phương
diện nội dung và nghệ thuật nhằm khẳng định có cơ sở khoa học ý nghĩa và giá trị của thơ Viễn
Phương. Bằng cách như vậy, luận văn góp phần thẩm định sức sống của những tác phẩm của nhà
thơ Nam Bộ cùng với thời gian và lòng người. Với những tham vọng như trên, luận văn là tiếng nói
tri ân nhà thơ - người đã góp công vun đắp khu vườn văn học Nam Bộ với những hoa thơm trái ngọt
cho hậu thế hôm nay và mai sau.

Đây cũng chính là ý nghĩa thực tiễn, tính cấp thiết của đề tài để góp phần đưa Viễn Phương
nói riêng và các cây bút tài hoa của miền Nam nói chung có dịp khoe sắc trong vườn hoa văn học
của dân tộc, và góp phần tạo nên cái nhìn đa chiều, đa diện và sâu sắc hơn về một cuộc đời, một tâm
hồn của nhà văn, nhà thơ, nhà giáo Viễn Phương.

2. Mục đích nghiên cứu
Với đề tài “Đặc điểm thơ Viễn Phương”, mục đích của chúng tôi hướng đến đó là:
- Tìm hiểu nội dung tư tưởng của thơ Viễn Phương thông qua những nét chủ đạo trong cảm
hứng sáng tác của nhà thơ;
- Phát hiện những tìm tòi, sáng tạo của nhà thơ Viễn Phương về phương diện nghệ thuật thơ,
góp thêm tiếng nói khẳng định sự đóng góp của ông cho thơ ca Nam Bộ, góp phần làm phong phú
nền văn học dân tộc.
3. Lịch sử vấn đề
Với 10 tập truyện và ký, 7 tập thơ, lao động nghệ thuật của Viễn Phương gắn với những giai
đoạn lịch sử sôi động của dân tộc: kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, công cuộc đổi mới, xây
dựng đất nước trong hoà bình. Thế nhưng, công trình nghiên cứu về Viễn Phương còn rất ít ỏi.
Viết lời tựa cho tập “Phù sa quê mẹ”, nhà thơ Chế Lan Viên phát hiện “nét tính cách tươi
sáng, tươi mát” trong thơ Viễn Phương. Đó là sự “lạc quan” “quán xuyến” toàn bộ thơ Viễn
Phương: “Tôi chú ý đến Viễn Phương tác giả “Đám cưới giữa mùa xuân” thấy anh lúc nào cũng
tủm tỉm cười. Giữa địa ngục của chiến tranh mà nghĩ đến mùa xuân, đến đám cưới, đó là nét lạc
quan chung của chúng ta lúc ấy, mà lại phù hợp với tính cách tươi sáng, tươi mát sau này tôi thấy
quán xuyến toàn bộ thơ của Viễn Phương” [124, tr.888].
Cũng với cách nhìn như Chế Lan Viên về Viễn Phương, Trần Thanh Đạm trong bài viết
“Vĩnh viễn nụ cười Viễn Phương”, cho rằng đó là “nét tự nhiên của người anh, đời anh”. Trần
Thanh Đạm viết: “Tôi cũng nghĩ lại có cái gì ở anh tạo ra sức quyến rũ đặc biệt ấy. Tất nhiên, đó là
vì thơ anh, văn anh, mà thơ văn của anh cũng là đời anh, người anh (…) Nhưng đó còn là và chính
là cái nụ cười rất dễ thương mà rất thâm trầm đó của anh. Phải là một con người có tâm hồn trong
trắng lắm mới có một nụ cười như vậy. Và mới có những vần thơ, câu văn như của anh. Chính cái
nụ cười ấy làm nên nhân cách và phong cách Viễn Phương trong đời và trong thơ” [124, tr.902].
Cũng trong bài viết nói trên, Trần Thanh Đạm nhìn thấy nét riêng trong thơ Viễn Phương:

“Viễn Phương là một con người rất đa mang, rất nặng lòng với quá khứ, với cách mạng, quá khứ
đấu tranh của dân tộc lẫn vào sâu sắc với thơ anh, với hồn anh, với đời anh” [124, tr.894]. Bởi cuộc
đời của Viễn Phương đã gắn bó và nặng ân tình với cách mạng: “Cũng như Tố Hữu, Viễn Phương
có một mối tình lớn nhất, thuỷ chung nhất trong thơ: đó là mối tình với cách mạng”, và chính hồn
thơ nhạy cảm, đa cảm ấy “yêu cho lắm thì càng đau buồn nhiều, nhất là trong thời gian về sau, khi
với cách mạng, con người ta đã thành vợ thành chồng, có con có cái với nhau chứ không phải như
buổi ban đầu, nhìn nhau toàn qua ánh sáng và màn sương lý tưởng” [124, tr.896].
Đất nước hoà bình, đổi mới, hồn thơ Viễn Phương càng được “gạn đục khơi trong”, như Chế
Lan Viên đã nhận xét rất tinh: “Thơ anh về sau, từ năm 1975 lại đây, đã thiên về nội tâm, trong lúc
vẫn bám vào thế giới bên ngoài” [124, tr.892]. Đó cũng chính là những tiếng vọng sâu xa của nội
tâm của Viễn Phương đối với thế giới bên ngoài bằng tấc lòng sâu nặng: hoài niệm về quá khứ, suy
ngẫm hiện tại và mơ ước tương lai.
Nhận định về giá trị nội dung cũng như nghệ thuật của thơ Viễn Phương, nhà văn Triệu Xuân
có một cái nhìn khá sâu sắc về cảm hứng cũng như bút lực của Viễn Phương: “Sau chiến tranh,
những năm cuối đời, thơ ông bay bổng hơn, long lanh tình, giàu xúc cảm, nhưng vẫn quen trong
cách thể hiện cũ”, “Ông chuyên viết ký và những chuyện người thật việc thật, những sự tích mà ông
tận mắt chứng kiến (…) tạo nên những trang văn xuôi lấp lánh văn chương, lấp lánh tình đời” [124,
tr.8]. Mai Quốc Liên cũng đánh giá cao tài năng thơ của Viễn Phương: “Thơ Viễn Phương chân
tình, đằm thắm, chân thực. Anh viết trong trào lưu thơ cách mạng - chiến đấu nhưng bằng kinh
nghiệm sống và chất tâm hồn của riêng anh. Nhiều bài thơ của anh đã nổi tiếng, trở thành bài hát
được mọi người yêu mến” [124, tr.907].
Theo Nguyễn Xuân Nam, “Sau ngày Ðại thắng mùa xuân, trong những điều kiện mới, thơ
Viễn Phương cũng có những đổi mới. Anh đang cố gắng cho câu chữ súc tích hơn, gợi nhiều hơn tả,
dành phần rộng rãi cho người đọc tưởng tượng, sáng tạo thêm” [67]. Còn nhà văn, nhà báo Mai
Văn Tạo, người đồng hương với Viễn Phương đã khái quát nét đặc sắc trong phong cách thơ của
Viễn Phương: “Thơ Viễn Phương nền nã, thì thầm, man mác, bâng khuâng, day dứt, không gút mắt,
cầu kỳ, kênh kiệu, khoa ngôn. Hình ảnh nào trong đời sống anh cũng tìm thấy chất thơ” [102] .
Nhà văn Tô Hoài tâm sự: “tôi được nhìn thấy địa đạo Củ Chi vì đã đôi ba lần đến tham
quan, có khi ăn cơm nằm võng trưa ở vườn trên xóm đất cát pha còn hoang tàn. Nhưng phải đọc
Viễn Phương mới biết thấm thía những "Mưa nấm mối", "Ông địa đạo", "Hoa trong đất", "Những

ngày sống trong hố bom đìa". Cái giọng kể cười ra nước mắt, cứ tỉnh khô như không mà có, rất Ba
Phi, mà nhận ra cái triết lý sống đã tồn tại, đã chiến thắng của người Việt Nam ở một miền đất trải
liền hơn ba mươi năm chiến tranh” [35].
Có thể nói, thơ, văn Viễn Phương truyền tải hai nội dung chính: lao động và chiến đấu với
cảm hứng lãng mạn và cảm hứng sử thi là chủ đạo. Bên cạnh những vần thơ nên thơ, Chế Lan Viên
cũng nhận ra thơ Viễn Phương cũng “giàu chất thế tục và rất đời” ở bài thơ “Thích ở trần”. Nói như
Mai Quốc Liên, đó cũng là một Viễn Phương “thứ thiệt”, bởi “trữ tình đã là khó, trào phúng còn
khó và quý hơn” [124, tr.907]
Tuy nhiên, những mặt hạn chế về nghệ thuật trong thơ Viễn Phương cũng được các bạn văn
góp ý chân thành. Nhà văn Triệu Xuân nhận xét: “Trong thơ, Viễn Phương ít có sự bứt phá, thơ của
ông giản dị, thiên về tự sự, phản ánh hiện thực”. Đây có thể xem là mặt hạn chế về nghệ thuật trong
thơ Viễn Phương. Mai Quốc Liên thì nuối tiếc: “Tiếc rằng dầu khá tiếng Pháp, anh đã không tận
dụng nó để cải tiến câu thơ cho nó có nhiều chất và nhiều cách thể hiện hơn” [124, tr.907]
Tóm lại, hầu hết những nhận định trên đều xuất phát từ tấm lòng của những bạn văn, đồng
nghiệp, người cùng thời với nhà thơ qua những thăng trầm lịch sử. Nghiên cứu về thơ Viễn Phương
chưa được chú ý nhiều trong các chuyên luận nghiên cứu chuyên ngành. Mới đây (tháng 8/2009),
tác giả Mai Thụy Thanh Vân (trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) đã bảo vệ thành công
luận văn thạc sĩ với đề tài “Cuộc đời và sự nghiệp văn học của Viễn Phương” [119]. Như tên gọi
của đề tài, luận văn phác hoạ những nét chung về tiểu sử, sự nghiệp văn chương của Viễn Phương,
giúp hình dung đóng góp của Viễn Phương cho văn học cách mạng trong phạm vi địa phương Nam
Bộ nói riêng và văn học Việt Nam hiện đại nói chung.
Trên cơ sở tiếp thu những ý kiến quý báu của những nhà nghiên cứu, ý kiến của các nhà văn,
nhà thơ về tác phẩm của Viễn Phương, với lòng yêu mến và trân trọng nhà thơ của quê hương Nam
Bộ, chúng tôi mạnh dạn thực hiện đề tài “Đặc điểm thơ Viễn Phương” để đánh giá có cơ sở khoa
học về thơ của Viễn Phương, góp tiếng nói khẳng định chỗ đứng của Viễn Phương trong khu vườn
văn học Nam Bộ đầy hương sắc.
4. Phạm vi nghiên cứu
Viễn Phương sáng tác cả thơ và văn xuôi. Trong phạm vi của một đề tài luận văn thạc sĩ,
chúng tôi giới hạn khảo sát những tác phẩm thơ của ông đã được in ở trong các tập thơ:
- Mắt sáng học trò (1970)

- Nhớ lời di chúc (trường ca, 1972)
- Như mây mùa xuân (1978)
- Phù sa quê mẹ (1991)
- Gió lay hương quỳnh (2005)
Thơ Viễn Phương gắn bó với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ và cả thời kỳ xây
dựng đổi mới đất nước. Do vậy, trong quá trình nghiên cứu chúng tôi luôn đặt thơ Viễn Phương
trong mối quan hệ chặt chẽ với thơ ca trong thời kỳ này, nhằm có thêm cơ sở nhìn nhận, đánh giá và
khai thác một cách có hiệu quả những đóng góp của thơ Viễn Phương trên nhiều phương diện. Qua
đó, giúp chúng ta nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, giá trị và ý nghĩa của thơ Viễn Phương trong nền
thơ Việt Nam hiện đại.

5. Phương pháp nghiên cứu
Để triển khai đề tài, người viết sử dụng các phương pháp chính sau đây: phương pháp tiểu
sử, phương pháp cấu trúc - hệ thống, phương pháp thống kê - phân loại.
Phương pháp tiểu sử: phương pháp này được chúng tôi sử dụng chủ yếu ở chương 1 - tìm
hiểu con người tác giả, những yếu tố hình thành tài năng văn chương của Viễn Phương. Để tránh
chủ quan, phiến diện, chúng tôi chú ý tìm hiểu tiểu sử, sự nghiệp văn thơ Viễn Phương trong mối
quan hệ với thời đại, đời sống xã hội và văn hoá con người Nam Bộ.
Phương pháp cấu trúc – hệ thống: Viễn Phương sống và sáng tác trải qua những biến
động lịch sử của đất nước, dân tộc. Nghiên cứu thơ Viễn Phương trong bối cảnh lịch sử có nhiều
biến đổi, người viết luôn đặt thơ ông trong hệ quy chiếu là tư tưởng sáng tạo của người nghệ sĩ luôn
trung thành với lý tưởng cách mạng, thuỷ chung với lẽ sống mà mình đã chọn. Xuất phát từ điểm
nhìn này trong nghiên cứu, chúng tôi coi thơ Viễn Phương viết trong và sau chiến tranh là tiếng nói
của một chủ thể sáng tạo. Xác định được quan điểm này trong nghiên cứu giúp chúng tôi lý giải một
cách nhất quán thơ Viễn Phương ở các giai đoạn sáng tác khác nhau. Ngoài ra, phương pháp cấu
trúc - hệ thống giúp người viết nhìn thơ Viễn Phương trong mối tương quan với nền văn học Việt
Nam hiện đại. Tìm hiểu quá trình ổn định và phát triển của thơ Viễn Phương trong cái nền chung
của thi ca Việt Nam giúp người viết nhận ra những nét riêng không hoà lẫn của Viễn Phương so với
các nhà thơ cùng thời.
Phương pháp thi pháp học: Vận dụng tri thức về thi pháp học, luận văn khảo sát những yếu

tố hình thức mang tính nội dung biểu hiện trong thơ Viễn Phương. Từ sự hài hoà giữa hình thức và
nội dung để khẳng định thơ Viễn Phương vừa có cái Chân nhưng cũng hướng về cái Thiện, cái Mĩ.
Phương pháp thống kê – phân loại: Khảo sát phương diện hình thức của thơ Viễn Phương,
chúng tôi vận dụng phương pháp thống kê – phân loại để thẩm định, đánh giá thơ Viễn Phương một
cách khoa học và chính xác.
Ngoài những phương pháp chính trên, trong quá trình thực hiện luận văn, phương pháp so
sánh, phương pháp phân tích – tổng hợp cũng được chúng tôi sử dụng.
6. Đóng góp của luận văn
Với đề tài “Đặc điểm thơ Viễn Phương”, luận văn có những đóng góp mới sau đây:
- Từ những nét chủ đạo trong cảm hứng nghệ thuật toát lên nhân cách của nhà thơ Nam Bộ -
giàu lòng yêu nước, thuỷ chung với cách mạng, giàu lòng vị tha, nhân ái. Nhân cách gắn với những
giá trị văn hoá truyền thống – trước đó nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã tiếp thu và thể hiện hoà vào
không khí văn học trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Đến Viễn Phương, ông đã tiếp thu tinh
thần của thời đại, tiếng thơ của ông đã hoà vào không khí cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
- Về phương diện nghệ thuật, cùng với quá trình hiện đại hoá thơ ca dân tộc, thơ tự do của
Viễn Phương cũng có những đóng góp, góp phần định hình một khuôn mặt riêng cho thơ ca Nam
Bộ trên một vài phương diện như: hình ảnh, ngôn ngữ, giọng điệu.
7. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần Mở đầu (7 trang), phần Kết luận (4 trang) và Tài liệu tham khảo (8 trang), kèm
theo Phụ lục (14 trang), phần nội dung chính của luận văn (112 trang) được trình bày theo ba
chương:
Chương 1: Tiểu sử và sự nghiệp sáng tác văn chương của Viễn Phương.
Chương 2: Những nét chủ đạo trong cảm hứng nghệ thuật thơ Viễn Phương .
Chương 3: Đặc điểm thơ Viễn Phương nhìn từ phương diện hình thức thể hiện.







Chương 1
TIỂU SỬ VÀ SỰ NGHIỆP SÁNG TÁC VĂN CHƯƠNG
CỦA VIỄN PHƯƠNG

1.1. Tiểu sử nhà thơ Viễn Phương
1.1.1. Cuộc đời nhà thơ Viễn Phương (1928 - 2005)
Nhà thơ Viễn Phương tên khai sinh là Phan Thanh Viễn, sinh ngày 01 tháng 5 năm 1928 tại
tại xã Bình Ðức, quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là tỉnh An Giang). Vùng đồng bằng
chiêm trũng này quanh năm được phù sa bồi đắp, nhưng đây cũng là nơi gánh chịu thiên tai, lụt lội
hàng năm. “Thuở nhỏ tôi sống ở một xã heo hắt vùng biên giới. Trên vùng đất nghèo khổ mà năm
nào Trời cũng giáng thiên tai, lụt lội, gạo cơm còn thiếu, chữ nghĩa ai màng” [124, tr.881]. Năm
1945, khi Viễn Phương tròn 17 tuổi, đang theo học trường Colège Cần Thơ (nay là trường Châu
Văn Liêm), Cách mạng tháng Tám nổ ra, với nhiệt huyết của người thanh niên yêu nước, Viễn
Phương xếp bút nghiên lên đường theo tiếng gọi của cách mạng.
Viễn Phương hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên của tổ chức Đoàn thanh niên
xung phong. Ông đã từng là Vệ quốc quân chống Pháp ở đồng bằng Nam Bộ, làm chiến sĩ trinh sát
Chi đội 25, tham gia đánh đồn Rạch Gòi, Phong Điền, Phụng Hiệp, Bình Thuỷ, Cái Răng. Có lúc
Viễn Phương còn đột nhập vô chợ Cần Thơ nắm tình hình địch và tâm tư của người dân đô thị.
Trong thời gian này, ông bắt đầu sáng tác và bài thơ đầu tiên được đăng báo là bài “Tiếng súng
kháng địch” (đăng trên tờ báo của Khu 9 Nam Bộ). Năm 1954, trường ca “Chiến thắng Hoà Bình”
của ông được tặng giải nhì về thơ Nam Bộ. Sau hiệp định Genève, Viễn Phương về Sài Gòn hoạt
động. Giữa đô thị lớn, là trung tâm chính trị, kinh tế của chính quyền Sài Gòn, để giữ bí mật và hoạt
động có hiệu quả, Viễn Phương phải đóng nhiều vai: nhà giáo, thư ký hãng buôn, thầy cò làng
báo… nhưng ông vẫn sáng tác văn thơ với nội dung yêu nước và cổ vũ tinh thần dân tộc. Những
sáng tác của ông (với bút danh Viễn Phương) được đăng trên các báo ở Sài Gòn như Nhân loại,
Hừng sáng, Công lý…
Năm 1960, ông bị chính quyền Sài Gòn bắt và giam ở đề lao Gia Định, khám Chí Hoà, ngục
Phú Lợi. Trong tù, Viễn Phương vẫn tiếp tục dùng thơ ca để động viên các bạn tù giữ vững khí tiết
và phẩm chất cách mạng. Khi tự thuật về cuộc đời mình, Viễn Phương đã kể lại: “Vào tù, đối với
chúng tôi chỉ là sự thay đổi địa bàn hoạt động. Trong tù, tôi vẫn tiếp tục làm thơ. Tôi làm thơ không

giấy bút chỉ âm thầm làm thơ bằng trí nhớ và chí căm thù. Thơ từ thuở ấy là đồ quốc cấm, bọn chúa
ngục luôn tìm cách huỷ hoại, nhưng thơ tù vẫn tồn tại vì nó được in sâu vào trong tim trong máu
của anh em” [89].
Năm 1962, ông ra tù và vào công tác ở chiến trường Củ Chi cho đến ngày giải phóng. Cuối
năm 1962, Hội văn nghệ khu Sài Gòn – Gia Định - Chợ Lớn thành lập, Viễn Phương được bầu làm
Tổng thư ký. Chính vùng lửa đạn nơi tuyến đầu Nam Bộ (Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, đặc biệt là
đất thép Củ Chi) là những nguồn cảm hứng thực tế đã giúp cho thơ văn Viễn Phương có sức sống
mạnh mẽ. Cũng kể từ ấy, mảnh đất Củ Chi đã trở nên máu thịt trong thơ văn của Viễn Phương,
những tác phẩm của ông ra đời trong giai đoạn này giàu tính chiến đấu và dạt dào cảm xúc. Chiến
trường Củ Chi lúc ấy vô cùng ác liệt, hồ sơ chôn dưới đất còn bị giật tung lên nên làm được bài thơ
nào, viết được bài văn nào, Viễn Phương cũng đều chép ra một bản gửi về R. R lại tiếp tục gửi ra
Hà Nội. Vì thế, tuy chiến đấu ở Củ Chi nhưng thỉnh thoảng tác phẩm của Viễn Phương cũng được
phát trên Ðài Tiếng nói Việt Nam và tuy chiến đấu ở miền Nam nhưng Viễn Phương cũng đã có vài
tập thơ văn xuất bản ở Hà Nội.
Năm 1968, “Anh hùng mìn gạt”, được dịch sang tiếng Anh và tiếng Pháp đã giới thiệu cho
bạn đọc cả nước và thế giới hiểu thêm về một vùng đất địa đạo của miền Nam anh dũng. Những
giải thưởng văn học cao quý: Truyện “Lòng mẹ” (Giải nhì cuộc thi viết cho thiếu nhi); Truyện ký
“Quê hương địa đạo” (Giải thưởng Nhà nước đợt 1 năm 2001); Truyện ký “Chuyện đời má Bảy”
(Giải nhì cuộc thi viết về Bà mẹ Việt Nam anh hùng), Văn bia “Đền Tưởng niệm Bến Dược – Củ
Chi”, càng khẳng định khả năng, bút lực của Viễn Phương ở thể loại truyện – ký.
Năm 1995, nhân kỷ niệm hai mươi năm giải phóng thành phố Hồ Chí Minh và toàn miền
Nam, Ban Giám Đốc khu di tích Bến Dược (Củ Chi) đã tổ chức cuộc thi viết “Văn bia cho Bến
Dược”. Trong số 250 tác phẩm từ khắp mọi miền Tổ quốc gửi về dự, bài văn bia của Viễn Phương
“Đời đời ghi nhớ” đã được đánh giá cao và được chọn khắc tại Đền tưởng niệm các liệt sĩ Bến
Dược.
Ngoài bút danh Viễn Phương, ông còn lấy bút danh Phương Viễn, ông sáng tác cả thơ và văn
xuôi. Bên cạnh bài thơ “Viếng lăng Bác” đã được Hoàng Hiệp phổ nhạc sống mãi trong lòng người
đọc, “Đám cưới giữa mùa xuân”, “Lá thư em gái”, “Tiếng hát dưới gầm cầu”… được giới thanh
niên, học sinh, sinh viên thời ấy yêu thích. Những tác phẩm này đã theo đường Trường Sơn đến với
bạn đọc và tuổi trẻ miền Bắc.

Vào đợt tổng công kích Mậu Thân (1968), bị địch đuổi gắt, Viễn Phương đã bỏ lại túi ba lô
của mình bên rặng dừa nước. Sau đó, chiếc ba lô có đựng những quyển bản thảo thơ của ông bị thất
lạc. Thời gian sau này, nơi chiến trường Củ Chi ác liệt, ông đã cẩn thận ngồi chép lại. Có những chi
tiết hoặc những câu thơ không nhớ rõ, ông chú thích bằng bút chì bên cạnh. Mỗi bài thơ trong cuốn
sổ đều được ông ghi rõ hoàn cảnh sáng tác của từng bài. Quyển sổ ấy đã được ông gìn giữ bên mình
hơn 30 năm. Giờ đây, tuy nó đã ố vàng theo những biến đổi của thời gian nhưng tâm tình, tấm lòng
của tác giả trong từng trang viết vẫn được gia đình gìn giữ một cách cẩn thận. Theo tôi, đó là tài liệu
quý, là bút tích của nhà thơ, đồng thời cũng thể hiện được tính cách thận trọng, một con người làm
việc rất khoa học, nghiêm túc, chỉn chu.
Trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ, Viễn Phương từng giữ các chức vụ: Ủy viên Ban chấp
hành Chi hội văn nghệ Nam Bộ, Tổng thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau khi đất nước thống nhất đến khi mất, Viễn Phương đảm nhiệm các chức vụ: Chủ tịch Hội Văn
nghệ Giải phóng Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Thành
phố Hồ Chí Minh, Phó chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam,
Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam.
Năm 2001, Viễn Phương được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
Sau một thời gian chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, Viễn Phương đã trút hơi thở cuối
cùng vào lúc 15h15 ngày 21 tháng 12 năm 2005 tại thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 77 tuổi.
1.1.2. Những yếu tố hình thành tài năng văn chương của Viễn Phương
Mảnh đất An Giang quê hương Viễn Phương là một vùng đất đai trù phú, được phù sa bồi
đắp quanh năm. An Giang cũng là tỉnh duy nhất của đồng bằng sông Cửu Long có địa hình núi xen
kẽ đồng bằng. Do vậy, điều kiện thổ nhưỡng nơi đây cũng có nhiều thuận lợi hơn so với khu vực.
Khói sương bảng lảng nơi đỉnh phù vân cùng với cảnh tượng mênh mang của mùa nước nổi đã tạo
cho con người nơi đây một tấm lòng trải rộng với thiên nhiên, cuộc sống với bao suy tư, trăn trở của
kiếp người. Và cũng chính mảnh đất miền Tây Nam Bộ này là cái nôi sản sinh ra những điệu hò,
câu hát làm say đắm lòng người: “Ngày ra đồng thi nhau gặt hái, đêm về đập lúa dưới trăng, trai
gái chia nhau hò điệu huê tình. Bên nam bên nữ đối đáp cùng nhau, chọn bạn gửi duyên đêm này
sang đêm khác. Mùa gặt tàn lại hẹn đến mùa sau”. Câu hò dìu dặt, ngân nga trước cảnh sông nước
tứ bề sẽ giúp con người xoá đi cái khoảng không rộng lớn và sự hoang vắng của cảnh vật: “Đêm rồi
đêm, trong dòng sông bàng bạc ánh trăng, ghe thương hồ rộn ràng xuôi ngược, tiếng hò dơi dơi

lướt theo nhịp chèo vỗ nước suốt canh khuya. Tiếng hò tình tứ êm đềm, ngân dài trong đêm lạnh
như nhịp thở của sông nước thái hoà…” [124, tr.353].
Có thể nói chính âm nhạc, nghệ thuật của quê hương đã ươm mầm và giúp cho tâm hồn Viễn
Phương thêm phong phú, dẫu cả cuộc đời Viễn Phương là một đứa con sống xa quê. Vì thế, trong
các tác phẩm của mình, giọng hò, tiếng hát, lời ru ngọt ngào của đồng quê Nam Bộ luôn xuất hiện
với tần số cao, như một thứ gia vị không thể thiếu mỗi khi nhắc đến.
Viễn Phương đam mê đọc sách và đến với thơ ngay từ khi còn học ở trường Collège (Cần
Thơ): “Tôi bắt đầu yêu sách, thích đọc sách và chập chững làm thơ, tôi học Lục Vân Tiên, tôi yêu
Cao Bá Quát, Phan Văn Trị, tôi thích Tản Đà, tôi mê Kiều, tôi say Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan
Viên, Lưu Trọng Lư, v.v… Lần lần, tôi biết Song An Hoàng Ngọc Phách, Ngô Tất Tố, Tô Hoài…
Danh tác nước ngoài tôi cũng đọc lỗ chỗ thơ Lamartine, Victor Hugo, truyện của Balzac rồi Paul et
Virinine, Graziela… mỗi thứ một ít. Tôi say mê đọc, có được gì đọc nấy. Nhưng thời ấy sách văn
học khó kiếm và khó mượn lắm” [124, tr.881]. Đến khi đạt giải thưởng Cửu Long Nam Bộ - Trường
ca “Chiến thắng Hoà Bình”, Viễn Phương đã trưởng thành và tự tin hơn nhiều, như chính ông tâm
sự: “…Lúc ấy tôi mười bảy tuổi, cũng đã bắt đầu thi phú rồi nhưng định hướng rõ mình sẽ làm gì
thì chưa. Năm hai mươi tuổi trong kháng chiến tôi đạt giải nhì giải thưởng Cửu Long Nam Bộ, một
giải lớn nhất về thơ trong kháng chiến lúc bấy giờ. Bắt đầu từ lúc ấy, tôi mới hoàn toàn xác định
hướng đi của mình” [53].
Để trải lòng với cuộc sống, với thơ ca, Viễn Phương cần cù, chăm chỉ như con ong đi kén
hương, hút mật, xây tổ cho đời. Quan niệm về thơ, Viễn Phương cho rằng thơ phải có ích cho đời.
Viễn Phương tâm đắc quan niệm về thơ của nhà thơ Hungari S. Pétophi: “Tôi coi thơ không phải là
một phòng khách quý tộc, nơi chỉ có người bôi dầu thơm, đánh phấn và đi ủng bóng lộn… bước
vào. Thơ là ngôi đền, mà những người áo rách và đi chân đất đều có thể vào được” [89]. Tổng kết,
đánh giá về sự nghiệp thơ ca của Viễn Phương, tôi nghĩ ông đã làm được điều mà mình tâm niệm,
bởi thơ của ông không quý tộc, không bóng lộn những sáo từ, mà thơ ông giản dị, lời lẽ mộc mạc,
gần như lời ăn tiếng nói hằng ngày của quần chúng nhân dân lao động và hơn hết là ông đã truyền
tải vào những trang viết của mình những nội dung mà chính cuộc sống lao động, chiến đấu đã yêu
cầu và thử thách.
Sinh ra và lớn lên trong khói lửa chiến tranh, người thanh niên trí thức yêu nước 17 tuổi khi
ấy (1945) đã ý thức sâu sắc quê hương bị kẻ thù xâm lược giày xéo là nỗi đau quằn quại trong tâm

hồn mỗi người. Do đó, lý tưởng, mục tiêu sống của Viễn Phương cũng như của hàng vạn thanh niên
khác là chống xâm lược, chống áp bức, bất công, đấu tranh cho quê hương thống nhất. Trong cuộc
chiến khốc liệt ấy, biết bao xương máu các anh hùng dân tộc đã hoà quyện vào từng tấc đất quê
hương. Viễn Phương cũng vào tù, ra khám thường xuyên (nhà lao Gia Định, khám Chí Hoà, ngục
Phú Lợi…). Cũng như nhiều anh em văn sĩ khác, Viễn Phương luôn tâm niệm, ngoài súng đạn nơi
chiến trường, ngòi bút là một thứ vũ khí sắc bén có hai tác dụng lớn là đấu tranh và động viên tinh
thần, chí khí của cả dân tộc.
Tham gia kháng chiến, Viễn Phương cũng không nghĩ mình sẽ trở thành nhà thơ, mà mong
muốn của ông là được dạy con chữ cho đời. Song, do điều kiện chiến tranh khốc liệt, tất cả trường
học đều bị đạn cày, bom xới. Vì thế, muốn gieo con chữ cho đời, trước hết ông cùng những đồng
chí của mình lúc ấy đều phải cầm súng đấu tranh để giành lại nền độc lập cho đất nước. Khi nói về
những ngày hoạt động ở Củ Chi sau thời gian bị câu lưu ở Phú Lợi, Viễn Phương tâm sự: “Thiệt
tình, đi kháng chiến mình có bao giờ nghĩ sẽ thành nhà thơ, mà chỉ muốn dạy học. Ở Củ Chi, mình
cũng muốn dạy học nhưng trên mảnh đất đã qua nhiều trận càn như: Cedar Falls (bóc vỏ trái đất),
rải chất độc cho rụng lá, rồi đổ xăng, thảy napan đốt cháy cả một khu rừng cao su bạt ngàn Phú
Hoà Đông… thì còn gì là trường trại mà dạy, mà học. Bao nhiêu thầy giáo đưa từ miền Bắc vào đều
phải cầm súng trở thành những du kích địa đạo, phải chống trả với kẻ thù để giữ bổn mạng và
mạng sống của những người dân, của một vùng tổ quốc” [123].
Với hơn mười ba năm bám trụ nơi đất thép Củ Chi “sống ở hầm, ăn cơm vắt, uống nước
chai”, chứng kiến biết bao nhiêu sự mất mát, hy sinh của đồng đội, Viễn Phương càng sục sôi ý chí
đấu tranh góp sức mình cùng dân tộc quyết giành lại độc lập, tự do. Kể về thời gian khốc liệt nhất
của cuộc chiến ngày đó, Viễn Phương tâm sự: “tôi chưa hề đổ máu nhưng tôi đã tận mắt nhìn bao
nhiêu máu xương đổ ngập đất này và lúc nào tôi cũng thấy trên vai mình nặng quằn gánh nợ máu
xương. Tôi muốn được ghi, được viết lại một cách trung thực những sự tích anh hùng mà bạn bè tôi,
đồng chí tôi, các ba các má tôi đã viết bằng xương máu. Nhưng có lúc tôi thấy thơ mình bất lực và
tôi phải viết ký, viết văn” [89]. Hiện thực sống động trong cuộc sống - chiến đấu đã được Viễn
Phương quan sát tỉ mỉ, ghi chép cẩn thận, bằng trái tim nhạy cảm của một người nghệ sĩ, ông đã viết
nên những trang thơ đầy ắp tình người, tình đời.
Từ những điểm đã trình bày ở trên có thể kết luận rằng, chính mảnh đất quê hương Nam Bộ
với những làn điệu dân ca mộc mạc, niềm đam mê văn chương từ thuở ấu thơ đã góp phần hình

thành tài năng của Viễn Phương. Sự trải nghiệm trong cuộc sống chiến đấu đau thương và anh dũng
của dân tộc đã giúp Viễn Phương trở thành nhà thơ - chiến sĩ.

1.2. Sự nghiệp sáng tác văn chương của Viễn Phương
Ba mươi năm cầm súng chiến đấu, Viễn Phương đã cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân của
mình cho sự nghiệp cách mạng. Con người ấy cũng đã dành trọn cuộc đời mình cho việc sáng tác
thơ văn. Với tâm hồn nghệ sĩ, Viễn Phương đã nắm bắt chính xác những sắc thái, cung bậc của cuộc
sống, và ông đã viết – viết để trả món nợ ân tình của núi sông, bạn bè, đồng chí; viết để sống thật
với những xúc cảm của bản thân; và viết để góp thêm cho đời những bông hoa đầy hương sắc. Viễn
Phương say mê cả hai lĩnh vực: thơ và văn xuôi. Bên cạnh những sáng tác thơ mang lại vinh quang
cho ông từ những bài thơ nổi tiếng, truyện ngắn và ký của Viễn Phương cũng được đánh giá rất cao.
1.2.1. Truyện và ký của Viễn Phương
Viễn Phương không viết tiểu thuyết, nhưng truyện ngắn, truyện vừa và ký của ông lại rất đặc
sắc bởi đó là những chuyện người thật việc thật, những sự tích mà ông tận mắt chứng kiến. Bởi ông
đã chứng kiến cảnh những anh em, đồng đội thân yêu đã ngã xuống vì nợ nước, thù nhà, Viễn
Phương luôn dặn lòng gánh nợ máu xương ấy. Theo Viễn Phương, đó là sự vay trả của kiếp người.
Từ những năm 1954, các truyện ngắn “Lão Triệu”, “Tình Yên Phượng”, “Bạch đầu sơn”, “Sắc lụa
Trữ La”, “Hương tình ma”… đã được in trên các báo công khai tại Sài Gòn sau hiệp định Genève.
Sau đó, năm 1988, được Nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh tổng hợp và in thành tập
truyện “Sắc lụa Trữ La”. Tập truyện ngắn này tuy chưa thật sự đặc sắc nhưng cũng đã đánh dấu sự
ra đời của một cây bút yêu nước, bảo vệ hàng nội hoá, mượn cách nói bóng gió để vạch mặt sự giả
dối của thực dân Pháp.
Năm 1957, Viễn Phương đã xuất bản chung với Lê Vĩnh Hoà, Tiêu Kim Thủy và Ngọc Linh
tập truyện ngắn mang tên “Chiếc áo thiên thanh” (Nxb Trùng Dương). Từ đó cho đến khi qua đời,
Viễn Phương đã xuất bản 10 tập truyện và ký.
Năm 1968, “Anh hùng mìn gạt” ra mắt bạn đọc, được tái bản nhiều lần và được dịch sang
tiếng Pháp và tiếng Anh, đánh dấu những thành công bước đầu của tác giả về thể loại truyện ký.
“Anh hùng mìn gạt” là truyện về anh hùng lực lượng vũ trang Tô Văn Đực, gồm 6 chương: Đào
bom nổ chậm, Con ngựa ô dưới lòng sông Sài Gòn, Cây pháo Trung Hoà góp phần sáng kiến, Mìn
bom bi và bệ phóng ra đời, Bắt thằng Giônxơn làm tiếp tế, Mìn gạt tung hoành. Ở mỗi chương là

những sự kiện, những kỷ niệm của những anh hùng nơi đất thép. Có mất mát, có hy sinh, có cả
những giọt nước mắt tiếc thương, nhưng cả truyện luôn bừng sáng chiến công của cả đội du kích.
Ngày chiến đấu, đêm hì hục chế tạo vũ khí từ những quả bom lép của địch đã giúp người anh hùng
trẻ tuổi Út Đực sáng chế thành công mìn bom bi, giàn hoả tiễn (bệ phóng)…, nhưng thành công
nhất là loại “mìn gạt”: Gọi là “mìn gạt” vì lẽ bất câu xe cộ hay thứ chi chi, chỉ cần gạt qua cái cành
cây cắm trên đầu gạt là nó nổ cho tan tành hồn xác [124, tr.452].
Năm 1985, tập truyện ký “Quê hương địa đạo” ra đời và gây tiếng vang lớn, và được giải
thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 1 và tái bản nhiều lần. “Quê hương địa đạo” dày gần
200 trang, gồm 11 truyện và ký, hầu hết nói về cuộc sống chiến đấu và sản xuất của quân dân Củ
Chi.
Là một người sống – chiến đấu gần suốt thời chống Mỹ ở Củ Chi, Viễn Phương xem Củ Chi
là quê hương thứ hai của mình. Tình cảm, tính cách con người nơi đất thép ấy đã bổ sung rất nhiều
cho vốn sống của ông. Tập sách của Viễn Phương ngồn ngộn những chất liệu sống như vừa cắt ra từ
cuộc sống tươi rói của Củ Chi chiến đấu. Những chất liệu ấy, cuộc sống ấy, từ trang sách này qua
trang sách khác làm người đọc xúc động, cảm mến và kính phục những người con trai, con gái,
những bà má, những em bé, những cán bộ và những du kích Củ Chi can đảm, anh hùng.
“Ông địa đạo” là câu chuyện kể về kỹ thuật đào địa đạo, kinh nghiệm nằm hầm, chiến đấu,
đối mặt với quân thù của Viễn Phương: “Địa đạo Củ Chi lớp sụp, lớp đứt. Hầm hố hết bị chuột
cống moi đến bị xe tăng ủi. Phải gấp rút đào hàng loạt địa đạo mới. Từ đó tôi phát cái nghề đào địa
đạo. Địa đạo tôi đào rất tối tân. Mỗi địa đạo có bốn năm thượng, sáu bảy trầm, có nơi ngủ, nơi ăn,
nơi núp chiến đấu, nơi chứa lương thực. Để tấn nắp trầm, nắm thượng, tôi đốn cây thao lao một
ôm, khi cần tôi chống lên nắp hầm tấn cái nắp xuống thì một đại đội cũng không đánh bung được.
Kế bên tôi còn đào sẵn một đống cát, phòng khi nó bơm hơi độc thì mình đậy nắp lại rồi đổ cát lên
trên. Có địa đạo tôi cao hứng đào luôn cái giếng ở dưới. Giặc bố dài ngày, mình ở dưới địa đạo
dùng bếp dầu, nấu cơm ăn luôn” [124, tr.492]. Phải nói rằng Viễn Phương là một “ông địa đạo thứ
thiệt”, bởi ông lúc nào cũng xung phong ở lại cứ, nằm địa đạo chứ không chịu di chuyển ra khỏi
vùng bố, bởi vì “nằm địa đạo khoẻ ru”, “còn ruồng bố, mặc kệ nó. Tôi tót xuống địa đạo rồi là êm
rơ. Khoẻ thì lấy đèn cầy đọc sách báo chơi, mệt thì nằm ngủ lấy sức”. Nhưng chui địa đạo không
phải là chuyện dễ, bởi không biết những kiến thức cơ bản của chiến trường là điều vô cùng nguy
hiểm. “Chuyến đi cuối cùng của Lê Anh Xuân” là một bài học đau lòng. Do chưa có kinh nghiệm

chiến trường, chưa quen với địa hình đất trũng của đồng bằng Nam Bộ, Lê Anh Xuân và Hồng Tân
đã hy sinh ngay trong hầm địa đạo. Theo Viễn Phương, kinh nghiệm chui địa đạo vùng này thì phải:
“trước tiên phải giở nắp hầm cho tan chướng khí, sau đó phải soi cho thông mấy cái lỗ hơi rồi chui
thử xuống hầm đậy kín nắp lại xem có ngộp không? Nếu mọi sự đều ổn bấy giờ mới leo lên xem kỹ
nắp hầm và kiểm tra cành lá ngụy trang. Mọi việc đều phải chuẩn bị hết sức chu đáo, vì lúc này một
sơ suất nhỏ có thể đưa đến một tai hoạ khôn lường. Vì một khi đã xuống hầm rồi thì đẩy nắp trồi lên
đâu phải là đơn giản. Xuống hầm rồi là ở vào thế hết sức bất lợi, ở vào thế hoàn toàn bị động và
tách rời hẳn mọi liên hệ với mặt đất. Không nắm được tình hình bên trên mà đẩy nắp chui lên là
một việc quá phiêu lưu, liều lĩnh” [124, tr.708].
Đọc những trang văn của Viễn Phương, người đọc sẽ dễ dàng nhận ra tính cách, tâm hồn
nhạy cảm lãng mạn của ông qua chất hiện thực trong trang viết, lối quan sát trí tuệ, giọng văn nhẹ
nhàng, dí dỏm, đầy lạc quan ngay cả khi viết về hoàn cảnh ác liệt nhất của chiến tranh. “…Bỗng
thằng Mỹ phát hiện ra cái lỗ châu mai nhỏ bằng cái hang dế, không biết là cái gì, nó quýnh quáng
vừa la vừa lấy bàn chân đè bịt lại. Con Mơ nổ đùng một phát. Thằng Mỹ ngã cái rật. Bọn còn lại
khóc rống lên ồ ồ!” [124, tr.493]. Giọng văn của Viễn Phương khá hóm hỉnh khi kể về cách đánh
giặc của thanh niên nam nữ mới lớn, từ việc chiến thuật tiêu diệt địch đến việc mượn vũ khí bắn Mỹ
lập công và cách trả lãi bằng số lính Mỹ bị tiêu diệt. “Bà và cháu”, “Mưa nấm mối” là những
chuyện rất xúc động về những nữ thanh niên hy sinh khi đào địa đạo bị đất sụp, khi chiến đấu trong
địa đạo bị Mỹ dùng chất độc hoá học đổ xuống... “Văn nghệ trong lòng địa đạo” kể chuyện anh em
làm thơ, viết kịch trong địa đạo khi mấy chục ngàn quân Mỹ trong trận càn Cedar Fall đang băm nát
đất Củ Chi. “Trẻ thơ An Phú”, “Tiếng chào đời giữa rừng lá đỏ”, “Mùa lúa dưới bom”, “Những
ngày sống trong hố bom đìa”, “Tháng bảy mưa ngâu”... kể những chuyện sinh hoạt và chiến đấu
cũng như sức sống và niềm tin mãnh liệt của quân dân Củ Chi giữa vùng trời đạn bom. Có thể nói,
“Quê hương địa đạo” là một cuốn sách hướng dẫn sự tích, tình cảm con người trong tình huống gian
khổ, bi hùng của mảnh đất thép thành đồng. Hơi ấm trong lòng địa đạo vẫn còn ấm mãi trong lòng
những thế hệ tiếp bước và “có bao giờ các bạn đã thấy hết được chiều sâu địa đạo Củ Chi khi các
bạn chưa nhìn thấy nụ cười trong sáng vô cùng của những người tuổi thanh niên đã từ giã cõi đời
này trong những con đường địa đạo Củ Chi” [124, tr.487].
Hoà bình lập lại, mảnh đất miền Nam như hồi sinh, nhưng những ký ức chiến tranh vẫn còn
đó, những nỗi đau thương, mất mát vẫn chưa lành thịt, vì thế ngòi bút Viễn Phương không ngơi

nghỉ. Nhà văn tâm sự: “Từ sau chiến thắng 1975, tôi vẫn viết về chiến tranh. Không phải tôi quá
thiếu vốn sống đời thường mà tôi thấy cuộc chiến đấu của dân tộc ta vĩ đại quá, sự hy sinh của nhân
dân cao cả quá, mà những gì ta có được về mặt văn học, chưa tương xứng với tầm vóc vĩ đại của
cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc” [124, tr.10].
Năm 1999, tập truyện và ký “Miền sông nước” do nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí
Minh ấn hành ra mắt bạn đọc. Tập truyện ký kể về những ký ức chiến tranh, đồng thời cũng là lời tri
ân của nhà thơ đối với những đồng chí, đồng đội còn sống cũng như đã ngã xuống nơi tuyến lửa của
mảnh đất miền Nam máu thịt. Đó là những mẩu chuyện về ông Dương Tử Giang, Thiếu Sơn (“Hát
bội bến Bào”, “Hình bóng thương yêu”). Trong những ngày tháng vinh quang và gian khổ nhất,
Viễn Phương đã sống có ý nghĩa và đã làm đúng theo lời trăng trối của Dương Tử Giang: “Nếu ai
còn sống, sẽ sống và chiến đấu bằng cả sức mạnh của người đã chết” [124, tr.690]. Đó là những
mẩu chuyện kể về việc giặc “bố xuồng”, những kỷ niệm về anh em, đồng chí bạn văn như: Ba Lý,
Hoàng Anh, Lê Văn Thảo, Lê Anh Xuân, Hồng Tân… trong đợt tổng công kích Mậu Thân 1968
(“Bố xuồng”, “Văn nghệ xuống đường”, “Chuyến đi cuối cùng của Lê Anh Xuân”); kể về những
tình cảm chân thành với má Sáu và nhà văn Trang Thế Hy (“Anh Tư bù tọt và bà mẹ Củ Chi”)…
Những kỷ niệm đó tưởng chừng như đã “ngủ quên” trong ký ức bao người, nhưng Viễn Phương đã
khơi dậy, bởi: “Có một thời mỗi bản nhạc, mỗi bài thơ, mỗi áng văn đều được làm bằng máu, những
dòng máu rất tinh khiết của bạn bè đồng chí chúng ta. Thời ấy đã qua rồi, nhưng chúng ta không
được quyền quên máu” [124, tr.709].
Nối liền mạch ngầm tư tưởng ấy, năm 2000, Viễn Phương cho ra đời tập truyện và ký “Đá
hoa cương”. Những mẩu chuyện về “Cô gái giao liên”, “Tháng ngày sôi sục”, “Một góc trời khởi
nghĩa”, “Cái chết của người anh hùng”, “Khủng bố trắng”, “Tiếng hú giữa rừng Găng”, “Ông
Đẳng chém đầu Tây”, “Đôi bạn”… cũng lấy chất liệu từ cuộc sống, ca ngợi tinh thần đoàn kết,
truyền thống yêu nước giết giặc của nhân dân miền Nam.
Cuối đời, Viễn Phương đã để lại tập ký “Hình bóng thương yêu” (được Nhà xuất bản Văn
hoá Sài Gòn in vào năm 2005) với những kỷ niệm, tình cảm, bao điều tâm huyết của một người con
miền Nam được sống, chiến đấu và và được hoà quyện xương thịt mình trong từng nắm đất quê
hương.
Có thể nói, những đóng góp của Viễn Phương bằng sáng tác văn xuôi đã được nhìn nhận và
đánh giá cao. Các tập truyện và ký của Viễn Phương đã được tặng nhiều giải thưởng văn học cao

quý: Truyện “Lòng mẹ” đạt Giải nhì cuộc thi viết cho thiếu nhi do Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ
Chí Minh tổ chức; Tập truyện ký “Quê hương địa đạo” đạt nhiều giải thưởng: Giải thưởng Hội Nhà
văn thành phố Hồ Chí Minh; Tặng thưởng của Ủy Ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ
thuật Việt Nam; Giải thưởng Nhà nước đợt 1 năm 2001; Truyện ký “Chuyện đời má Bảy” đạt Giải
nhì cuộc thi viết về Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Liên hiệp Văn
học Nghệ thuật và Hội Phụ nữ thành phố tổ chức; “Văn bia Đền Tưởng niệm Bến Dược – Củ Chi”
đạt Giải nhì (không có giải nhất).
Theo tôi, Viễn Phương cũng xứng tầm khi đặt ngang hàng với các cây bút văn xuôi tiêu biểu
của Nam Bộ, vì thế nhà thơ Chế Lan Viên trong lời tựa cho tập thơ “Phù sa quê mẹ” (Nxb Văn học,
1991), viết ngày 3-7-1988, đã đánh giá cao văn xuôi Viễn Phương: “… Trước khi ra miền Bắc, thì
những năm dữ dội nhất, anh ở vùng dữ dội nhất là đất thép Củ Chi! Nhờ ở vùng này, Viễn Phương
sáng tác được nhiều bài văn xuôi rất xuất sắc. Theo tôi, anh cũng là một trong những cây bút văn
xuôi tiêu biểu của miền Nam. Tiếc rằng, các nhà phê bình nghĩ rằng anh là nhà thơ, nên không chú
ý điểm ấy!” [124, tr.892]. Cả một đời sáng tác, trong 17 đầu sách xuất bản, Viễn Phương có tới 10
tập văn xuôi. Rõ ràng bút lực viết văn của Viễn Phương đáng khẳng định và trân trọng. Tôi cho rằng
gọi ông là nhà thơ là chưa đủ, nhà văn Triệu Xuân cũng đề nghị nên gọi ông là nhà văn vì ông xứng
tầm là một nhà văn.
1.2.2. Viễn Phương với thơ ca
Trong hoàn cảnh cả nước dốc toàn lực cho cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất
nước, nhiệm vụ của văn nghệ sĩ là phải phục vụ cho mục tiêu chung của dân tộc. Thơ ca là vũ khí
tinh thần giúp người chiến sĩ vững tâm dấn thân vào thực tiễn cách mạng và kháng chiến. Chân trời
thơ của Viễn Phương được mở rộng không ngừng, theo đó, cảm hứng, bút pháp cũng được bồi
thêm. Những năm cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những bài thơ của Viễn
Phương ra đời giàu tính chiến đấu, tư duy hoà quyện cảm xúc.
Năm 1954, trường ca “Chiến thắng Hoà Bình” của Viễn Phương được xếp giải nhì giải
thưởng Cửu Long Nam Bộ (một giải lớn nhất về thơ trong kháng chiến lúc bấy giờ). Đây cũng là tín
hiệu về những thành công bước đầu của Viễn Phương về mảng thơ ca trữ tình. Phần thưởng ấy là
một món quà vô giá đối với Viễn Phương, nó cũng là chất xúc tác mạnh mẽ giúp Viễn Phương định
hướng con đường sáng tác của mình. 7 tập thơ là một thành quả đáng trân trọng và không thể phủ
nhận của một con người suốt cuộc đời luôn miệt mài vì lẽ sống, tình thương.

Trong hai cuộc kháng chiến, Viễn Phương luôn tự hào được giữ vai trò sứ mệnh lịch sử, thực
hiện sứ mệnh vinh quang là một nhà thơ - chiến sĩ. Bên cạnh những người mẹ, người chị, người anh
du kích, thì hình tượng Bác Hồ cũng được tác giả khắc hoạ với tình cảm trân trọng, kính yêu. Có
bài tác giả viết khi bị địch giam cầm ở các trại giam Phú Lợi, Lê Văn Duyệt. Không có giấy bút,
Viễn Phương sáng tác thầm trong đầu và đọc cho các đồng chí cùng khám nghe. Kỳ diệu thay, Viễn
Phương chỉ đọc một vài lần, mọi người đều thuộc. Rồi những khi bị địch bắt đi lao động, họ lại đọc
cho bạn tù ở khám khác nghe. Cứ vậy, thơ Viễn Phương được lan truyền trong nhà tù, thậm chí còn
bay ra tận chuồng cọp nơi Côn Đảo. Bài thơ “Chúc thọ trong tù” là một minh chứng. Kể về những
kỷ niệm khó quên nơi chốn lao tù, Giáo sư Lê Quang Vịnh (nguyên trưởng ban Tôn giáo trung
ương) đã kể về những dòng thơ được khắc trên vôi bằng cái xương cá mắm, có những chữ viết bằng
máu, có những chữ viết bằng than chi chít trên vách nhà lao.
Cha già ơi
Hôm nay mười chín tháng năm
Lòng con sáng tựa đêm rằm trung thu
Con đang chúc thọ trong tù
Con đang dựng một rừng cờ trong tim
Đêm nay mộng hoá thành chim
Bay qua lưới sắt con tìm đến cha.
Ai cũng nghĩ rằng tác giả bài thơ này đã hy sinh. Nhưng trong một lần, tình cờ được gặp và đọc cả
bài thơ do GS. Lê Quang Vịnh viết lại, Viễn Phương đã nhận ra đó là bài “Chúc thọ trong tù” được
ông sáng tác trong ngục Phú Lợi, nhân ngày 19 tháng 5 năm 1960, để mừng sinh nhật Bác. Viễn
Phương đã rất xúc động vì bài thơ đã mang lại niềm tin, sự an ủi cho bạn bè, đồng chí trong những
giờ phút đau thương và tuyệt vọng nhất. Và nhà thơ cũng xem đây là “phần thưởng cao quý nhất khi
thấy thơ mình thật có ích cho đời” [89].
Trong số những bài thơ hay nhất của Viễn Phương có những bài thơ viết về Bác Hồ. Bên
cạnh bài “Chúc thọ trong tù” là bài “Viếng lăng Bác”. Mùa xuân năm 1976 lần đầu tiên ông được ra
Bắc. Cũng như nhiều người dân Nam Bộ khác, ra Hà Nội vào lăng viếng Bác là nguyện vọng thiêng
liêng của ông. Với tấm lòng của đứa con miền Nam đối với Bác, cùng với những xúc động chân
thành, bài thơ “Viếng lăng Bác” ra đời và nhanh chóng đi vào lòng bạn đọc. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp
tâm sự: “Tôi và anh Viễn Phương rất thân thiết với nhau, anh lớn hơn tôi vài tuổi. Ca khúc “Viếng

lăng Bác” chính là một dấu son đậm đà để tình bạn của chúng tôi thêm thăng hoa. Năm 1976,
chúng tôi cùng ra họp ở Hà Nội, cùng vào viếng Bác. Lúc về, cả hai rất xúc động, tự hứa với mình
sẽ làm điều gì đó. Về lại miền Nam, anh Viễn Phương đã làm bài thơ “Viếng lăng Bác”. Sau đó vài
tháng, tôi phổ nhạc cho bài thơ này. Đây cũng là ca khúc nằm trong chùm sáng tác giúp tôi nhận
giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Viễn Phương là người đầu tiên nghe bài hát này,
anh rất xúc động. Tôi có sửa một vài từ trong bài thơ của anh nên tôi rất cảm động khi anh hoàn
toàn không phiền trách gì”.
Đọc Viễn Phương, người đọc thêm thấu hiểu tấm lòng son sắt của ông với đất nước, nhân
dân và Bác Hồ kính yêu. Những trang viết của ông là những trang thơ, văn ra đời trong bão táp của
cuộc chiến tranh trên một vùng đất dữ dội nhất trong những năm tháng dữ dội nhất. Nó được viết
nên không chỉ bằng mực mà còn bằng cả nước mắt và máu.
Hoàn cảnh ác liệt của chiến tranh, bom pháo suốt ngày đêm, giặc ruồng bố thường xuyên,
biệt kích Mỹ sớm khuya rình rập, cái chết không thể lường trước, khiến con người dễ bi luỵ, nản
lòng trước những khó khăn, nhưng chính tinh thần lạc quan trước những gian nan thử thách lại là
tinh chất giúp Viễn Phương và đồng đội giữ vững lòng tin vào một ngày mai tất thắng. Xuân 1965,
những ngày bị giặc chặn đường bên bờ Cửu Long, không thể vượt sông, Viễn Phương đã “nằm chờ”
và “Đám cưới giữa mùa xuân” ra đời. Đây là lá thư tình của anh chiến sĩ giải phóng quân gửi về
người yêu ở hậu phương với bao nỗi nhớ nhung và khẳng định niềm tin tất thắng “hát bài ca giải
phóng” ngay trên “thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ ánh sao vàng”, để sau đó “tiếng súng vừa im, cử
hành lễ cưới/ Giữa mùa xuân chiến thắng của quê mình…”. Bài thơ là chất xúc tác cổ vũ mạnh mẽ
cho phong trào yêu nước của học sinh, sinh viên toàn quốc. “Đám cưới giữa mùa xuân” đã được
giải thưởng văn nghệ Đồ Chiểu lần đầu tiên cùng với bài “Quê hương” của Giang Nam, và đã được
chọn giới thiệu trong buổi lễ ra mắt tác phẩm đạt giải ở Hà Nội và ở Đài phát thanh tiếng nói Việt
Nam. Nhà thơ Chế Lan Viên đã chú ý đến tác giả của bài “Đám cưới giữa mùa xuân”, bởi: “Trong
hoàn cảnh chiến đấu ác liệt như thế mà thơ Viễn Phương lại làm thơ tình “Đám cưới giữa mùa
xuân”. Và các bài thơ khác của anh là thơ chiến đấu, song cũng là thơ tình vì bao giờ cũng thấm
đượm một hương vị dịu ngọt của tình yêu thương đối với quê hương, đồng bào, đồng đội, đồng chí.
Tình yêu thương đó là cái nền, cái hồn của mọi bài thơ đấu tranh dù quyết liệt nhất của anh” [124,
tr.903].
“Đám cưới giữa mùa xuân” tuy được bạn đọc trẻ yêu thích, song Viễn Phương không xem đó

là cái “ngưỡng” của quá trình sáng tác. Điều này càng giúp chúng ta nhìn nhận ông là một con
người rất đỗi khiêm tốn và đầy nghị lực. Không hài lòng đối với bản thân, Viễn Phương cũng không
xem đứa con tinh thần “Đám cưới giữa mùa xuân” là tác phẩm ưng ý nhất. Trong quyển sổ thơ nhật
ký của mình, Viễn Phương đã bộc bạch: “Nhiều người đã hỏi tôi có phải đây là tác phẩm ưng ý
nhất? Không đâu! Tôi chưa có được tác phẩm nào ưng ý nhất cả. Và biết bao giờ mới có được
đây?” [89].
Viễn Phương đã chiến đấu và sáng tác trong những điều kiện khó khăn và khốc liệt nhất của
chiến tranh. Tại vùng đất khốc liệt Củ Chi, xe tăng, bom, mìn ngày đêm giội xuống đầu, “giặc ủi lần
đầu cách miệng địa đạo khoảng năm tấc, giặc ủi lần sau sụp khúc địa đạo ấy luôn” [89], song tứ
thơ và mạch thơ của ông lúc nào cũng tuôn chảy. Mỗi bài thơ của ông gắn với những kỷ niệm, chiến
công, niềm vui, nỗi buồn, những tổn thất, mất mát, hy sinh của nhân dân, đồng đội. Năm 1966,
trong trận đọ sức đầu tiên giữa đồng bào, du kích Củ Chi với hơn 8000 giặc Mỹ, Viễn Phương bị kẹt
trong vòng vây địa đạo An Phú. “Hãy đến quê tôi” được tác giả sáng tác trong hoàn cảnh đó: “Đây
là trận càn ác liệt đầu tiên của giặc Mỹ ở Củ Chi. Tôi cùng anh em văn nghệ bị kẹt trong vòng vây ở
địa đạo An Phú. Anh Tư Hoan (Tư ốm) đã cho người vượt vòng bom pháo đến móc tôi ra và đến ở
Đường Long” [89]. “Hãy đến quê tôi: Củ Chi anh dũng”, “Hãy đến quê tôi: Củ Chi bất khuất”, là
một lời khẳng định, tự hào về vùng đất thép thành đồng: “Con rủ cha xung phong vào du kích”,
“Vợ hối chồng nung lửa đỏ rèn chông”, “Đất bỗng nổ tung, rừng vang tiếng thét”, “Ta đánh giặc
đêm ngày không ngơi nghỉ”… Biết bao căm hờn nung nấu khi máu đồng bào, đồng chí đã đổ
xuống. Giọng thơ hừng hực khí thế đấu tranh càng khích lệ tinh thần chiến đấu và nhiệt huyết của
anh em chiến sĩ.
Năm 1967, trong trận càn Cadar Fall “bốc vỏ quả đất” ác liệt, với hơn 45000 lính Mỹ đổ
quân bên hai bờ sông Sài Gòn, Viễn Phương bị kẹt 22 ngày trong địa đạo Phú Hòa Đông. Những
ngày nằm trong địa đạo, Viễn Phương vẫn tranh thủ sáng tác cho số báo Xuân Ngọn cờ Gia Định,
và “Người yêu dũng sĩ” ra đời ngay trong hầm địa đạo: “Trận càn càn Cadar Fall với hơn 45000
giặc Mỹ trên một địa bàn vài xã hai bên bờ sông Sài Gòn. Tôi bị kẹt trong địa đạo Phú Hoà Đông
với anh chị em đoàn văn công xung kích R. Trận càn lớn này bắt đầu từ sau Noel thế nên chui vào
địa đạo anh chị em văn công vẫn tiếp tục chuẩn bị tiết mục Tết và tôi tranh thủ làm bài thơ này cho
số báo Xuân Ngọn cờ Gia Định” [89]. Đây là mơ ước chân thành, giản dị của cô gái “người yêu
dũng sĩ”: “Dạy cỏ hoa biết cầm vũ khí”, “Dạy làm người cho lũ sói dã man”, “Bình thản ra quân

như cô giáo đến trường”… và “Hẹn cùng nhau một ngày thống nhất” với “Hai quả tim hồng giữ
hạnh phúc quê hương”. Mơ ước ấy luôn là nỗi khát khao, cháy bỏng của mỗi người dân Việt khi
đang cầm súng giết giặc gìn giữ hạnh phúc cho quê hương.
Cùng một khoảng không gian như thế, “Chất ngọc quê hương” cũng được Viễn Phương viết
trong trận càn Manhattan khi ông bị kẹt trong hầm bí mật Đường Long một tuần lễ: “Giặc đi trên
đầu, mình ở dưới đất. Sáng mình xuống hầm sớm. Độ 7 giờ nó bắn súng “dậy vùng” rồi vào lục
soát. Chiều độ 4 giờ nó rút ra trảng, mình lên lo nấu và vắt cơm. Cứ như vậy mà quầng với nó trên
tuần lễ…” [89]. “Chất ngọc quê hương” được kết tinh từ ý chí, xương máu của nhân dân, đồng đội.
Đó là những cái chết làm nên sự sống: “Hai chân gãy tay ôm thủ pháo/ Trườn mình lên đánh nát xe
tăng/ Thân đã chết, hồn say chiến đấu/ Xác cứng, tay còn siết cổ địch quân/…Tay bị thương chặt
tay mà đuổi giặc”, chính những người lính ấy đã viết nên bản anh hùng ca bất tử “Bản anh hùng
tiếng hát vọng ngàn xa”.
Qua đó, có thể khẳng định rằng, những bài thơ của Viễn Phương ra đời trong hầm địa đạo
hay sau một trận càn đều mang đến cho chúng ta những cảm xúc khó phai. Bởi chính nhà thơ là
người trong cuộc, người chứng kiến biết bao sự hy sinh của đồng bào, đồng chí, nhưng vượt lên trên
hết là “tinh thần thép” của chính nhà thơ với một trái tim luôn lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống.
Những dòng thơ ấy là minh chứng cho một con người sống trong gian khó, hiểm nguy luôn rình rập,
cái chết có thể đến trong gang tấc nhưng con người ấy luôn vượt qua bao nỗi sợ hãi, không nhụt chí
trước kẻ thù. Viễn Phương từng được mệnh danh là “ông địa đạo”, vì kỹ thuật đào địa đạo và kinh
nghiệm nằm địa đạo của ông. Kinh nghiệm xương máu ấy cũng đã giúp cho ông xem địa đạo trong
lòng đất sâu hun hút kia là nhà, là nơi làm việc và là nơi truyền cảm hứng, tinh thần lạc quan của
mình cho đồng đội, đồng bào. Có lần Viễn Phương đã tâm sự với nhà văn Tô Hoài: “Không phải tôi
dũng cảm, cũng không phải tôi nhát sợ, bạo hay hèn cũng chẳng được, mà ở trong lòng đất đã quen
rồi” [35]. Câu nói rất đỗi nhẹ nhàng, nhưng cái quen ấy chính là cái quyết tâm, là tính cách của con
người.
Bằng kinh nghiệm sống và bằng phẩm chất tâm hồn của riêng mình, Viễn Phương đã đem
đến cho bạn đọc, đặc biệt là giới trẻ, nhân dân lao động sự khích lệ và nhiệt huyết chiến đấu. “Mắt
sáng học trò” kể về đợt tổng công kích lần II với khí thế hào hùng của quân ta: Em vẫn thức, lửa tim
chờ lửa súng/ Chiếc áo trắng em đưa anh lau súng/ Mắt em đã ngời lên, anh thấy màu xanh của
lửa/ Công sự chúng mình nở hoa chiến thắng/ Nghe hơi thở dập dồn trên gạch vỡ/ Buổi quân về hột

cát cũng hồi sinh/ Giặc muốn chặn mùa xuân bằng thiết giáp/ Nhưng muôn tim mở lối đón quân
về… Những thành công vang dội ấy không chỉ có “sức quân giải phóng” mà còn “có cả lòng dân
và… mắt sáng học trò”. Bài thơ đã khẳng định tư thế đấu tranh của cả dân tộc, và được anh chị em
học sinh, sinh viên yêu thích. Tác giả rất tự hào về điều này: “Đây là một khích lệ cho người sáng
tác. Thương yêu các anh chị em học sinh sinh viên nhưng hãy nghĩ nhiều về đại đa số nhân dân lao
động” [89]. “Tiếng hát dưới gầm cầu” cũng lấy thực tế trong những ngày xuân 1968, đồng bào
nghèo khổ sống dưới gầm cầu đã vùng lên cùng các chiến sĩ ta chiến đấu đến hơi thở cuối cùng:
“Theo lời những chiến sĩ tấn công vào cầu chữ Y và còn sống trở về sau đợt 2 tổng công kích 1968
thì trong những ngày xuân anh hùng này, đồng bào nghèo khổ sống dưới gầm cầu đã vùng lên giúp
chiến sĩ ta lăn ống cống, lập chướng ngại, cùng chiến đấu chống kẻ thù” [89]. Bài thơ là tiếng hát
của nhân dân cần lao với ý thức đấu tranh tự giác: Từ gầm cầu mẹ bước ra/ Từ trong bóng tối bước
qua đầu thù/ Vùng tay xé toạc đêm mù/ Nắng hồng lên, nước ao tù thành mây… Bài thơ này đã
được giới lao động ưa thích và đã được nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn phổ nhạc, đưa lời thơ thành tiếng
hát, vang vọng mãi trong lòng người đọc.
Đặt lợi ích của đất nước, dân tộc lên trên hết chính là sự lựa chọn con đường đấu tranh giải
phóng đất nước của Viễn Phương, cũng chính là sự lựa chọn của mỗi người Việt Nam giai đoạn
này. Quan niệm thơ là vũ khí đánh giặc cứu nước của Viễn Phương chính là sự tiếp nối truyền thống
cao đẹp của thơ ca dân tộc từ Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu… đến Phan Bội
Châu và được kết tinh chói sáng ở thời đại Hồ Chí Minh. Có thể thấy, nhập cuộc và hành động
chính là vẻ đẹp của thơ ca kháng chiến nói chung và thơ cách mạng của Viễn Phương nói riêng. Dấn
thân vào con đường cách mạng, Viễn Phương đã lựa chọn dứt khoát một thái độ, một lẽ sống tích
cực, tự nguyện hoà nhập, gắn bó với cuộc sống của nhân dân và đứng ở tầm cao của thời đại anh
hùng. Những sáng tác của Viễn Phương đã góp thêm hương cho văn học cách mạng, vì thế, theo tôi,
ông xứng đáng được vinh danh là một nhà thơ – chiến sĩ.
Sau khi hoà bình thống nhất đất nước, ngòi bút Viễn Phương vẫn đều đặn viết về những dư
vị cuộc đời, các tập thơ “Như mây mùa xuân” (1978), “Phù sa quê mẹ” (1991) viết về những đổi
mới của đất nước, những hoài niệm về cuộc kháng chiến anh hùng đã qua, những chiêm nghiệm về
cuộc sống với những triết lí nhân sinh sâu sắc.
Là một người suốt đời theo đuổi con đường cách mạng, con đường thơ, Viễn Phương luôn có
ý thức trách nhiệm rất cao về ngòi bút của mình. Do vậy, Viễn Phương cũng là người luôn có nhiều

suy nghĩ, trăn trở về quan niệm văn chương và ý thức về nghề của mỗi nhà văn, nhà thơ. Ở những
năm cuối đời, Viễn Phương vẫn không ngừng suy ngẫm, trăn trở nhiều vấn đề về cuộc sống nhân
sinh, quan niệm của người cầm bút. Viễn Phương đã chuyển từ cảm hứng sử thi, chủ nghĩa anh
hùng cách mạng sang cảm hứng thế sự. Trực giác của người nghệ sĩ đã giúp nhà thơ cảm nhận sâu
sắc về xã hội, nhân sinh.
Năm 2005, tập thơ “Gió lay hương quỳnh” được in trong lúc Viễn Phương đang chống chọi với
căn bệnh ung thư vào giai đoạn cuối. Đây là tập thơ cuối cùng của một con người đã cống hiến trọn
vẹn cuộc đời mình cho Tổ quốc và cho văn chương. Thực trạng xã hội đang có những chuyển biến
dữ dội và chứa đầy những nhức nhối, xót xa: đói nghèo, bất công, thực dụng, ích kỷ, mất định
hướng… Nói với mình, với người, nghĩ về mình, về đời cũng là cách giúp Viễn Phương hiểu mình,
hiểu người hơn. Có thể nói, ý thức tự vấn để soi rọi mọi ngóc ngách của tư tưởng và tâm hồn, để
nhắc nhở người và nhắc nhở mình, là cảm hứng chủ đạo của Viễn Phương trong giai đoạn cuối đời.
Trong lời bạt cho tập thơ, Trần Thanh Đạm viết: “Đọc thơ Viễn Phương, tôi thường nhiều lúc dừng
lại nửa chừng bài thơ mà nghĩ: đây là một nhà thơ tôi đi tìm. (…) điều anh chăm lo hơn cả là làm
sao diễn tả cho được lòng mình, hồn mình một cách trung thực nhất, nhiều khi không cần trang sức,
tô vẽ gì thêm. Hình ảnh, âm thanh tự nó sẽ đến, nếu không thì cứ như dòng nước trong lành, tự tuôn
ra như sự giải bày lòng mình trên trang giấy mong tìm một sự cảm thông, một sự chia sẻ của người
bạn đồng tâm, tri kỷ” [88, tr.201].
Như hương quỳnh trong gió nhẹ, sau bao nhiêu giông bão của lịch sử, của cuộc đời, Viễn
Phương đã trở về với chính mình – một con người đời thường giản dị, một tâm hồn chan chứa yêu
thương với trái tim và cõi tâm trong sáng!
Tiếng thơ của Viễn Phương cũng như tiếng lòng, không nỉ non, không ồn ào mà nhẹ nhàng
lắng đọng, ví như lớp trầm tích, càng khơi sâu càng lộ dần chân giá trị. Qua những tập thơ của Viễn
Phương, chúng ta không lấy làm ngạc nhiên khi bắt gặp những dòng thơ với âm hưởng, nhịp điệu
quen thuộc, hình ảnh giản dị nhưng giàu cảm xúc. Đặc biệt, những năm cuối đời, thơ ông càng bay
bổng, long lanh tình đời, tình người. Nhà văn Triệu Xuân trong Lời giới thiệu “Tuyển tập Viễn
Phương” đã nhận xét rất chính xác: “Viễn Phương có năng lực viết văn xuôi trong khi ông làm rất
nhiều thơ. Điều này không phải nhà thơ nào cũng có được!” [124, tr.7].

1.3. Những sáng tác chính của Viễn Phương

- 1953, Chiến thắng Hoà Bình (Trường ca, Sở Thông tin Nam Bộ)
- 1957, Chiếc áo thiên thanh (Truyện ngắn, in chung với Lê Vĩnh Hoà, Tiêu Kim Thuỷ, Ngọc Linh,
Nxb Trùng Dương)
- 1968, Anh hùng mìn gạt (Truyện ký, Nxb Giải phóng, tái bản nhiều lần, được dịch sang tiếng Pháp
và tiếng Anh)
- 1970, Mắt sáng học trò (Tập thơ, Nxb Giải phóng)
- 1972, Nhớ lời di chúc (Trường ca, Hội văn nghệ giải phóng miền Nam)
- 1978, Như mây mùa xuân (Tập thơ, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh)
- 1982, Lòng mẹ (Truyện thiếu nhi, Nxb Măng non)
- 1985, Quê hương địa đạo (Tập truyện và ký, Nxb Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh)
- 1988, Sắc lụa Trữ La (tập truyện ngắn, Nxb Văn nghệ)
- 1991, Phù sa quê mẹ (Tập thơ, Nxb Văn học)
- 1999, Miền sông nước (Tập truyện và ký, Nxb Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh)
- 1999, Tháng bảy mưa ngâu (Tập truyện và ký, Nxb Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh. Đã dịch
sang tiếng Anh)
- 2000, Đá hoa cương (Tập truyện và ký, Nxb Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh)
- 2002, Thơ với tuổi thơ (Thơ, Nxb Kim Đồng)
- 2003, Ngôi sao xanh (Truyện thiếu nhi, Nxb Trẻ)
- 2005, Gió lay hương quỳnh (Tập thơ, Nxb Hội Nhà văn)
- 2005, Hình bóng thương yêu (Tập ký, Nxb Văn hoá Sài Gòn)



TIỂU KẾT:

Thơ văn và cuộc đời Viễn Phương luôn thống nhất, hoà quyện. Cả cuộc đời cầm bút, Viễn
Phương đã viết, viết những tình, những sự ở đời, những điều mà ông trông thấy. Sáng tác của Viễn
Phương hướng về quê hương, Tổ quốc, bạn bè, đồng chí như một lời tri ân đối với những người đã
ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Những câu thơ, lời văn của ông luôn thanh khiết, nhẹ
nhàng, bởi nó được “mài ra từ một trái tim son”.

Bên cạnh đó, Viễn Phương là một nhà thơ, nhà văn luôn thể hiện tinh thần học tập không
ngừng, ông luôn cố gắng hoàn thiện mình trên từng chặng đường sáng tác nghệ thuật. Vì thế, thơ và
văn của ông ngày càng toả sáng hơn, đặc biệt là những năm cuối đời, những trang viết của ông càng
bay bổng và lấp lánh tình người, tình đời.



















Chương 2
NHỮNG NÉT CHỦ ĐẠO TRONG CẢM HỨNG
NGHỆ THUẬT THƠ VIỄN PHƯƠNG

Xuyên suốt tác phẩm nghệ thuật, cảm hứng của mỗi nhà văn, nhà thơ đều gắn liền với tư
tưởng, tình cảm của bản thân tạo nên những sự thăng hoa trong cảm xúc. Để xét cảm hứng chủ đạo
trong thơ Viễn Phương, trước tiên chúng ta cần tìm hiểu khái niệm: thế nào là cảm hứng, các dạng

thức cơ bản của cảm hứng trong tư tưởng sáng tạo của nhà văn, nhà thơ.
Theo Pospelov, cảm hứng (tiếng Hy Lạp cổ: pathos - một tình cảm sâu sắc, nồng nàn) để chỉ
“trạng thái hưng phấn cao độ” của người nghệ sĩ do việc “chiếm lĩnh được bản chất của cuộc sống
mà họ miêu tả”. “Sự chiếm lĩnh ấy bao giờ cũng bắt nguồn từ lí tưởng xã hội của nhà văn nhằm
phát triển và cải tạo thực tại” [91, tr.153]. Như vậy, cảm hứng chính là trạng thái tình cảm mãnh
liệt, hưng phấn cao độ của tác giả, gắn liền với một tư tưởng xác định, một sự đánh giá nhất định,
gây tác động đến cảm xúc của những người tiếp nhận tác phẩm. Bêlinxki coi cảm hứng chủ đạo là
điều kiện không thể thiếu của việc tạo ra những tác phẩm đích thực, bởi nó “biến sự chiếm lĩnh
thuần tuý trí óc đối với tư tưởng thành tình yêu đối với tư tưởng, một tình yêu mạnh mẽ, một khát
vọng nhiệt thành”. [31, tr.44-45]
Bên cạnh đó, cảm hứng thống nhất với đề tài và tư tưởng của tác phẩm. Cảm hứng gắn liền
với cảm xúc, mạch suy tưởng, đem lại cho tác phẩm một không khí xúc cảm tinh thần nhất định,
thống nhất tất cả các cấp độ và yếu tố của nội dung tác phẩm. Trong sáng tác nghệ thuật, cảm hứng
được biểu hiện ở các biến thể: cảm hứng anh hùng, cảm hứng bi kịch, cảm hứng kịch tính, cảm
hứng thương cảm, cảm hứng lãng mạn, cảm hứng trữ tình, cảm hứng châm biếm, trào lộng…
Xuyên suốt nội dung thơ Viễn Phương, ta thấy nổi bật lên ba dạng cảm hứng chủ đạo là cảm
hứng sử thi anh hùng, cảm hứng lãng mạn và cảm hứng về cái bi.
Cảm hứng sử thi anh hùng “bao hàm sự khẳng định chiến công lớn lao của một cá nhân hoặc của
cả một tập thể, sự khẳng định ý nghĩa to lớn của chiến công đó đối với sự phát triển của nhân dân,
dân tộc, nhân loại” [91, tr.155]. Đó là những anh hùng vì sự nghiệp vĩ đại của Tổ quốc, không tiếc
tuổi xuân, xương máu, đấu tranh để giành lại nền hoà bình, độc lập cho dân tộc. Khi đó, những
quyền lợi chung đã trở thành nhu cầu nội tại của cá nhân, đồng thời huy động sức mạnh, lòng dũng
cảm và ý chí của cá nhân để đạt được những chiến công hiển hách. Với cảm hứng sử thi anh hùng,
Viễn Phương đã tái tạo đời sống của hơn ba mươi năm chiến tranh thành thế giới hình tượng của tác
phẩm. Trong đó, thể hiện quan niệm của tác giả về chiến công, về bản chất, số phận và ý nghĩa của
tính cách anh hùng tạo nên những hình tượng anh hùng bất tử trong lòng dân tộc. Nói như Pospelov,
cảm hứng sử thi anh hùng “biểu hiện xu hướng của người nghệ sĩ muốn thể hiện cái cao cả của con
người làm nên chiến công vì sự nghiệp chung, muốn khẳng định tính cách của con người đó trong ý
thức xã hội, khẳng định cái đạo đức sẵn sàng lập chiến công” [91, tr. 160].
Cùng với cảm hứng sử thi anh hùng, cảm hứng lãng mạn cũng được Viễn Phương phát huy

cực độ. Cảm hứng lãng mạn là tâm trạng lãng mạn của con người, không phải xuất phát từ trí tuệ, lí
trí con người mà từ chiều sâu xúc cảm của đời sống tâm hồn. Theo Bêlinxki, cảm hứng lãng mạn là
“toàn bộ cuộc sống bên trong, cuộc sống tinh thần của con người, cái mảnh đất bí ẩn của tâm hồn
và trái tim mà từ đó vút lên những khát vọng mơ hồ vươn tới sự tốt đẹp và cao cả” [91, tr.191]. Như
vậy, cảm hứng lãng mạn xuất phát từ trạng thái phấn chấn của tâm hồn được tạo ra bởi khát vọng
hướng tới lý tưởng cao cả và được khách quan hoá trong các mặt và các hiện tượng đời sống. Cảm
hứng lãng mạn trong tư duy thơ Viễn Phương vì thế cũng mang đậm xu hướng lãng mạn – anh
hùng, phù hợp với tinh thần cách mạng của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc.
Song song đó, cảm hứng về cái bi cũng là một trong những cảm hứng chủ đạo ảnh hưởng
đậm nét đến sáng tác của Viễn Phương. Định nghĩa về cảm hứng bi kịch, Pospelov cho rằng: “tính
chất bi kịch của các tình huống và cảm xúc chủ yếu bao hàm ở những mâu thuẫn và đấu tranh bên
trong, nảy sinh trong ý thức, trong tâm hồn con người” [91, tr.170]. Pospelov cũng nhận thấy sự đấu
tranh nội tâm, đấu tranh với bản thân mình chỉ xảy ra ở những con người “có sự phát triển về đạo
đức, có phẩm chất đạo đức, có năng lực nâng những xúc động của mình, sự tự ý thức của mình lên
đến bi kịch” [91, tr.170].
Bên cạnh những vần thơ hào hùng, đậm chất sử thi, Viễn Phương còn có những vần thơ
mang tâm trạng xót xa, bi phẫn, phù hợp với mạch cảm hứng về nỗi buồn thế sự trong thơ ông.
Những bài thơ thấm đẫm nỗi buồn đau da diết ấy chính là khát vọng của thế hệ ông – nỗi buồn vì lý
tưởng chưa thực hiện được. Đó cũng chính là “nỗi đau đời” của một nhà thơ suốt đời theo đuổi lí
tưởng cách mạng.
Có thể khẳng định rằng, cảm hứng sử thi anh hùng kết hợp với cảm hứng lãng mạn, cảm
hứng về cái bi đã tạo nên những nét độc đáo trong nội dung thơ Viễn Phương. Đi sâu tìm hiểu
những nét chủ đạo trong cảm hứng nghệ thuật thơ Viễn Phương, người viết nghiên cứu các điểm nổi
bật sau: tình yêu tha thiết Tổ quốc, quê hương, lãnh tụ; ngợi ca vẻ đẹp của những tấm gương chiến
đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc; cái tôi cá nhân thấm đẫm tình yêu thương, nhân bản;
tiếng thơ của sự chiêm nghiệm.
2.1. Tình yêu tha thiết Tổ quốc, quê hương, lãnh tụ
2.1.1. Tiếng lòng tha thiết với Tổ quốc
Hình tượng Tổ quốc là hình tượng thiêng liêng trong thơ ca Việt Nam. Ngay từ rất sớm, Tổ
quốc đã hiện diện trong thơ Lý Thường Kiệt: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”. Tiếp tục truyền thống

cao đẹp ấy trong thơ văn, trong những năm tháng cả nước đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến

×