Tải bản đầy đủ (.pdf) (258 trang)

Đặc điểm nghệ thuật của ca dao về Bác Hồ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1003.95 KB, 258 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH





NGUYỄN THỊ THUÝ KIỀU


ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT CỦA
CA DAO VỀ BÁC HỒ


LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC


NGƯỜI HƯỚNG DẪN:
TS. NGUYỄN THỊ NGỌC ĐIỆP







TP. HỒ CHÍ MINH - 2010
THƯ
VIỆN

LỜI CẢM ƠN



Tôi xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Điệp – Trường Đại học Sư
phạm thành phố Hồ Chí Minh đã rất tận tâm, nhiệt tình chỉ dẫn, giúp đỡ tôi trong suốt thời
gian thực hiện luận văn.
Ngoài ra, tôi xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ tận tình của :
- Quý thầy cô giáo
- Phòng sau Đại học trường ĐHSP TP.HCM
- Các cơ sở cung cấp dữ liệu (thư viện-trang web-các bài báo-các cá nhân có tài
liệu hỗ trợ)
- Gia đình, người thân
- Bạn bè gần xa, đồng nghiệp …

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 12 năm 2010
Tác giả

Nguyễn Thị Thúy Kiều







MỞ ĐẦU

1. Lí do chọn đề tài
Ca dao là một thể loại của văn học dân gian Việt Nam, là những sáng tác trữ tình biểu
hiện tình cảm, nỗi niềm của con người trong cuộc sống như tình bạn, tình yêu, tình cảm gia
đình, quê hương, đất nước,…Những tâm tư ấy xuất phát từ trái tim của con người. Đối tượng
mà ca dao hướng đến có thể là người bạn, người yêu, người thân, người anh hùng dân tộc…

Chủ tịch Hồ Chí Minh là đề tài vô tận cho thơ ca. Tìm hiểu về Bác bao giờ cũng là một
nhu cầu lớn và khẩn thiết của nhân dân. Hàng loạt các bài viết, các công trình nghiên cứu về
cuộc đời Bác, tấm gương đạo đức của Bác, sự nghiệp cách mạng và sự nghiệp thơ văn của
Bác…ra đời. Hình tượng Bác được xây dựng chân thật và đẹp đẽ trong nhiều loại hình nghệ
thuật như: hội họa, âm nhạc, điện ảnh, điêu khắc, sân khấu, …nhưng có lẽ thành công nhất là
thơ ca, trong đó có ca dao.
Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật lịch sử thời hiện đại được ca dao hướng đến
để nhận thức. Ca dao về Bác chiếm số lượng khá lớn trong mảng ca dao hiện đại. Thế nhưng,
hiện nay bộ phận ca dao về Người chưa được nghiên cứu bao nhiêu. Để hiểu sâu hơn mảng ca
dao này, chúng tôi chọn đề tài Đặc điểm nghệ thuật của ca dao về Bác Hồ.
Ca dao bày tỏ tình cảm, nguyện vọng, suy nghĩ của nhân vật trữ tình nhưng không phải
chỉ bày tỏ tình cảm cá nhân mà còn đại diện cho quảng đại quần chúng nhân dân. Cho nên,
khảo sát đặc điểm nghệ thuật của ca dao về Bác sẽ giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về tình cảm
của nhân dân đối với Bác.
Nghệ thuật ca dao nói chung và ca dao về Bác nói riêng rất đa dạng. Thể thơ, kết cấu,
ngôn ngữ, hình ảnh, thời gian, không gian…tất cả những đặc điểm ấy đã được các tác giả dân
gian vận dụng khá linh hoạt, góp phần làm nổi bật tình cảm của Bác đối với nhân dân cũng như
tình cảm của nhân dân đối với Bác.
Hơn nữa, đặc điểm nghệ thuật của ca dao thì hầu như đã được các nhà nghiên cứu chú ý
tới từ lâu, phân tích, mổ xẻ rất nhiều. Riêng về đặc điểm nghệ thuật của ca dao về Bác thì rải
rác chỉ một số bài viết. Chính vì thế, người viết mong muốn với đề tài luận văn này có thể góp
một phần nhỏ vào việc nghiên cứu đặc điểm nghệ thuật của bộ phận ca dao nói trên.
2. Lịch sử vấn đề
Việc tìm hiểu ca dao về Bác đã và đang được nhiều người quan tâm. Liên quan đến đề tài
“Đặc điểm nghệ thuật của ca dao về Bác Hồ” có thể kể đến các công trình nghiên cứu sau đây:
Thi Nhị có bài “Bác Hồ và nguồn ca dao mới” đăng trên Tạp chí Văn hóa dân gian số
4/1984. Bài viết chủ yếu nói về tình cảm mãnh liệt, sâu đậm của nhân dân đối với Bác Hồ kính
yêu qua ca dao. Tác giả cũng đề cập đến một đặc điểm về ngôn ngữ của mảng ca dao này, đó là
việc sử dụng phương pháp tỉ dụ quen thuộc của ca dao cổ truyền để khắc họa một cách chân
thực, gần gũi, mộc mạc hình ảnh của lãnh tụ. “ …với phương pháp tỉ dụ quen thuộc của ca dao

truyền thống, đã khắc họa một cách chân xác và nghệ thuật song lại rất gần gũi, mộc mạc hình
ảnh của lãnh tụ: Tháp Mười đẹp nhất bông sen / Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” [ 64,5]
Với hai công trình “ Suy nghĩ về cảm quan dân gian qua hình tượng Bác Hồ” đăng
trên Tạp chí Văn hóa dân gian , số 1/1990 và “ Một nét đẹp trong bức tranh văn hóa dân gian
đương đại: ca dao về Bác Hồ” đăng trên Tạp chí Văn hóa dân gian số 4/1991, Nguyễn Xuân
Lạc đã đề cập đến cảm quan dân gian đối với Bác qua ca dao. Tác giả cho rằng hình tượng Bác
Hồ trong ca dao đã được sáng tác theo cảm quan “ thần thánh hóa”. Với cảm quan này, ca dao
tìm đến những biểu trưng của cái đẹp tuyệt đối, cái đẹp toàn bích, lý tưởng để thể hiện lãnh tụ.
Và chính cảm quan ấy đã chi phối bút pháp nghệ thuật của ca dao về Bác. Đó là bút pháp thiên
về tượng trưng, khái quát hơn là miêu tả những chi tiết sống thật của con người Bác, cuộc đời
Bác.
“Để diễn tả một con người có “tầm vóc thế kỷ” như Bác, thì sử dụng bút pháp tượng
trưng và khái quát là thích hợp, bút pháp này có nhiều khả năng để tôn cao đối tượng thẩm mỹ
theo cảm quan “thần thánh hóa” của nhân dân ta. Bằng bút pháp ấy, ca dao quần chúng đã
dựng lên những hình ảnh cao đẹp, rộng lớn, hùng vĩ, thiêng liêng về Bác với nghệ thuật so sánh
ví von truyền thống đậm đà: mặt trời, vầng Thái Dương, sao Bắc Đẩu, gương Hồ Thủy, hòn
Thái Sơn, trời đất, sông bể, hoa sen, hương quế, hương trầm…bởi vì chỉ có những hình ảnh ấy
thì mới xứng đáng với tầm vóc vĩ đại của Bác và mới thỏa tấm lòng ngưỡng mộ, tôn kính, biết
ơn của nhân dân ta đối với Bác”.[34, 9]
Trần Gia Linh với bài viết “Bốn mươi lăm năm ca dao dâng Bác” đăng trên Tạp chí
Văn hóa dân gian số 1/1990 đã khẳng định: “ Ca dao diễn tả về Người như một sự thống nhất
tuyệt diệu giữa cái vĩ đại trong sự bình dị; giữa những hình ảnh kì vĩ có tính chất thần thoại với
những hình ảnh quen thuộc, gần gũi với mọi người; giữa cái tượng trưng cao độ với cái hiện
thực sâu sắc trong phương pháp biểu hiện.” [ 39,30]
Với tiểu luận “Tình cảm của nhân dân Việt Nam đối với Bác Hồ qua ca dao” trong
công trình biên soạn “Ca dao về Bác Hồ”, Nxb Văn hóa thông tin Hà Nội-2003, Trần Quang
Nhật đã có những đóng góp đáng kể trong việc khẳng định ca dao về Bác đa số sử dụng lối so
sánh. Hướng so sánh thứ nhất là “so sánh hai cuộc đời: cuộc đời lầm than của người dân mất
nước trong xiềng xích nộ lệ, dưới hai tầng áp bức bóc lột của thực dân phong kiến và cuộc đời
sống trong độc lập tự do hòa bình mà Bác và Đảng đã dành lại cho đất nước” [58, 15]. Hướng

so sánh thứ hai là “so sánh công ơn của Bác với những gì thiêng liêng nhất, kì vĩ nhất trong
cuộc sống trần gian và trong thiên nhiên vũ trụ”[ 58, 17]. “Để tỏ rõ niềm tin của mình đối với
Bác Hồ, một lần nữa qua ca dao, nhân dân ta đã dùng thủ pháp nghệ thuật so sánh. So sánh
Bác như sao Bắc Đẩu, như vầng Thái Dương soi đường chỉ lối cho nhân dân ta đi lên” [58, 30]
Với bài viết “Tìm hiểu công thức truyền thống trong một số bài ca dao mới Nam Bộ về
hình ảnh Bác Hồ” đăng trên website
, Trần Tùng Chinh đã
cho thấy ca dao về Bác có sự kế thừa một số công thức truyền thống của ca dao cổ truyền. “Các
bài ca dao mới nói chung và ca dao về Bác nói riêng còn thiếu sự trau chuốt nhưng lại thừa sự
mộc mạc tự nhiên. Tuy nhiên, những công thức truyền thống quen thuộc của ca dao xưa vẫn in
dấu và làm nên chất dân gian trong những bài ca” [4]
Theo Hà Công Tài trong bài viết “Vấn đề sưu tầm nghiên cứu thơ ca dân gian hiện
đại” đăng trong cuốn “Một thế kỷ sưu tầm nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian”, Nxb Văn
hóa thông tin, Hà Nội – 2001, thì mảng ca dao về Bác chưa được nghiên cứu bao nhiêu, dù đây
là bộ phận có khối lượng lớn nhất trong ca dao hiện đại. Khi nghiên cứu về bộ phận này, Hà
Công Tài nhận thấy rằng chúng có nhiều đặc điểm rất tiêu biểu cho ca dao thời hiện đại, từ cách
cảm nhận và phản ánh cuộc sống tới đặc điểm thi pháp, từ hoàn cảnh lưu truyền tới sự gắn bó
với truyền thống ca dao của dân tộc trong suốt trường kỳ lịch sử.
Nhìn chung, ở các công trình nghiên cứu trên, bên cạnh việc bàn về nội dung thì cũng
bàn đến thi pháp của ca dao về Bác, trong đó có một số đặc điểm nghệ thuật như kết cấu, ngôn
ngữ, hình ảnh. Tuy nhiên, vẫn chưa có một chuyên luận nào về đặc điểm nghệ thuật của ca dao
về Bác, nếu có thì có lẽ chúng tôi chưa đọc được. Đa phần, khi bàn về nghệ thuật của mảng ca
dao này, các nhà nghiên cứu nói về sự kế thừa các công thức truyền thống trong kết cấu, các
biện pháp tu từ trong ngôn ngữ và các hình ảnh thiên nhiên đã trở thành biểu tượng. Còn các
đặc điểm nghệ thuật khác thì người nghiên cứu ít chú ý.
Kế thừa thành tựu của người đi trước, chúng tôi phát triển thành một chuyên luận về Đặc
điểm nghệ thuật của ca dao về Bác Hồ. Chúng tôi hi vọng đề tài sẽ góp thêm một tiếng nói
mới về đặc điểm nghệ thuật của bộ phận ca dao này.
3. Mục đích nghiên cứu
Đây là một đề tài chưa được nghiên cứu chuyên sâu, vì thế, mục đích của việc nghiên

cứu đề tài này là hệ thống một số đặc điểm nghệ thuật chủ yếu để từ đó nhận thức rõ hơn giá trị
của bộ phận ca dao về Bác. Luận văn góp phần cung cấp một cái nhìn đầy đủ hơn về nghệ thuật
của ca dao về Bác ở ba phương diện: thể thơ, kết cấu và ngôn ngữ. Từ đó làm rõ hơn giá trị đặc
sắc của mảng ca dao này, hiểu thêm về thể loại ca dao, hiểu thêm mối tương quan giữa ca dao
về Bác với ca dao cổ truyền và ca dao hiện đại.
4. Phạm vi nghiên cứu
Chúng tôi khảo sát đề tài dựa trên một số công trình sưu tầm, tuyển chọn ca dao, cụ thể
sau đây:
- Công trình sưu tầm ca dao Nam bộ về Bác Hồ của Bùi Mạnh Nhị mang tên “Sen Tháp
Mười” do Nxb TPHCM xuất bản năm 1980. Với công trình này, tác giả đã sắp xếp ca dao theo
các chủ đề: Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ, Miền Nam ơn Bác muôn vàn Bác ơi, Lòng dân
với Bác vuông tròn thủy chung và phần cuối tác giả còn giới thiệu thêm một số bài ca dao của
các dân tộc ít người với mong muốn giới thiệu sự đa dạng, độc đáo của hệ thống ca dao về Bác
ở nhiều dân tộc trong đại gia đình Tổ quốc Việt Nam. Bộ sưu tập này gồm 145 bài của dân tộc
Kinh và 16 bài của dân tộc ít người ở Nam bộ.
- Công trình “Ca dao về Bác Hồ” của Trần Hữu Thung do Nxb Hà Tĩnh, 1981. Công
trình này bao gồm hai phần. Phần thứ nhất là một vài cảm nhận của tác giả nhân đọc ca dao về
Bác Hồ. Phần thứ hai tác giả giới thiệu các bài ca dao đã sưu tầm được nhưng không sắp xếp
theo một trật tự nhất định nào. Tất cả gồm 227 bài ca dao.
- Công trình sưu tầm “Ca dao về Bác Hồ” của Trần Quang Nhật, Nxb Văn hóa Thông
tin, Hà Nội, 2003. Tập sách gồm hai phần chính: tiểu luận và sưu tầm. Trong phần sưu tầm, để
độc giả tiện tra cứu, tác giả đã sắp xếp các bài ca dao theo chủ đề: Bác Hồ - công ơn trời biển,
Bác Hồ - mối quan hệ máu thịt với quần chúng, Bác Hồ - niềm tin tất thắng của dân tộc, Bác
Hồ - động lực thúc đẩy toàn dân thi đua chiến đấu và sản xuất, Bác Hồ trong lòng đồng bào dân
tộc ít người. Tuy nhiên, tác giả cho rằng cách sắp xếp trên đây chỉ là tương đối, bởi vì các khía
cạnh tình cảm của nhân dân đối với Bác Hồ thường đan chéo với nhau. Trong một bài ca dao
nhiều khi có cả khía cạnh này, và khía cạnh kia, cái này là nguyên nhân, cái kia là sự thể hiện
và ngược lại, khó mà phân định rạch ròi được. Tổng số bài ca dao trong tập này là 253.
- Ngoài ra, chúng tôi còn tham khảo những quyển như: “ Ca dao Bảo Định Giang”, “ Tục
ngữ ca dao Việt Nam” của Vũ Ngọc Phan, “ Ca dao chống Mỹ -tập 2”, “ Ca dao chiến sĩ -tập

5”,“ Ca dao chiến sĩ -tập 6”, “ Ca dao Đồng Tháp Mười”, “ Ca dao sưu tầm - Từ 1945 đến nay”,
ca dao Nam bộ, ca dao Nam Trung bộ, ca dao dân ca đất Quảng, ca dao Hải Hưng, ca dao ngoại
thành…
Sau khi tổng hợp, loại bỏ những bài trùng lặp, chúng tôi thống kê được tất cả 521 bài. Ở
luận văn này, người viết chỉ khảo sát ca dao về Bác Hồ của người Kinh không khảo sát ca dao
của dân tộc thiểu số.
5. Phương pháp nghiên cứu
Với đề tài này, người viết sử dụng kết hợp các phương pháp nghiên cứu như: hệ thống,
so sánh, liên ngành, thống kê.
Mỗi bài ca dao được sản sinh và tồn tại theo hệ thống ca dao cùng thể loại. Do vậy,
phương pháp hệ thống và so sánh được tiến hành dựa trên nguyên lý về mối quan hệ giữa cái
chung và cái riêng, dùng cái chung (ca dao) để hiểu cái riêng (ca dao về Bác) và từ cái riêng (ca
dao về Bác) để hiểu cái chung (ca dao), thấy được sự phong phú đa dạng và hấp dẫn của ca dao.
Đặt ca dao về Bác trong hệ thống của nó để phát hiện ra các đặc điểm chung và nét độc đáo
riêng về nghệ thuật của nó. Cụ thể là đặt ca dao về Bác vào hệ thống ca dao nói chung, hệ thống
ca dao hiện đại nói riêng. Phương pháp này giúp xác định vị trí hay “tọa độ” của ca dao về Bác
trong mối quan hệ với các bộ phận ca dao khác như ca dao cổ truyền, ca dao hiện đại để giúp
đánh giá đầy đủ giá trị và ý nghĩa của bộ phận ca dao về Bác. Những đặc điểm chung của thể
loại chi phối bộ phận ca dao này rất nhiều về mặt nghệ thuật. Từ những đặc điểm nghệ thuật
của thể loại ca dao mà nhận ra được những đặc điểm nghệ thuật phổ biến nhất của bộ phận ca
dao về Bác (chẳng hạn về dung lượng, đề tài, thủ pháp nghệ thuật). Đồng thời bộ phận ca dao
này chắc chắn có những đặc điểm riêng về mặt nghệ thuật. Từ những điểm chung và điểm riêng
đó mà xác định vị trí của nó trong một hệ thống và đánh giá được ý nghĩa của nó trong hệ thống
đó. Ca dao về Bác không tồn tại biệt lập trong nền văn học dân gian nên không thể thiếu
phương pháo so sánh khi nghiên cứu. Người viết sẽ tiếp cận đa diện để hiểu rõ bản chất và vị
trí của bộ phận ca dao này trong mối tương quan đa chiều với các bộ phận ca dao khác. Nhìn từ
nhiều góc độ sẽ giúp đánh giá chính xác và toàn diện về đặc điểm nghệ thuật của ca dao về Bác.
Trước hết người viết so sánh đặc điểm nghệ thuật giữa các bài ca dao về Bác với nhau để tìm ra
nét chung tiêu biểu. Sau đó, còn so sánh với ca dao cổ truyền và ca dao hiện đại về mặt kết cấu,
thể loại và ngôn ngữ.

Phương pháp liên ngành (phương pháp ứng dụng khoa học liên ngành) là một phương
pháp đặc biệt quan trọng. Nhìn chung phương pháp này được diễn ra theo hai hướng song song.
Một là người viết tiếp cận ca dao về Bác bằng những kiến thức ngữ văn học, cụ thể là những lý
luận về phương diện nghệ thuật. Đối với hướng tiếp cận này, người viết sử dụng các phương
pháp phân tích văn học, vận dụng một cách tổng hợp các tri thức và kĩ năng cần thiết của văn
(gồm lý luận văn học, lịch sử văn học, ngôn ngữ học). Đặc biệt, ca dao về Bác là những tác
phẩm nghệ thuật ngôn từ nên phải được tiếp nhận, cảm thụ và “giải mã” thông qua ngôn ngữ
học. Đồng thời tiếp cận tác phẩm trong đời sống dân gian của nó. Hai là người viết tiến hành lí
giải, cắt nghĩa đặc điểm nghệ thuật ca dao về Bác bằng kết quả nghiên cứu của các ngành khoa
học tương cận là dân tộc học, xã hội học, tâm lý học, lịch sử học, địa lý học, văn hóa
học…Những dữ kiện đó là truyền thống, phong tục, tập quán, những đặc điểm tự nhiên, những
sử kiện lịch sử, …nhất là lịch sử dân tộc trong giai đoạn 1945 – 1975. Từ những đặc điểm tự
nhiên, lịch sử, văn hóa có liên quan đến ca dao về Bác để truy tìm, lí giải căn nguyên, cách thức
và ý nghĩa của thể loại, kết cấu, ngôn ngữ, nêu lên những chức năng tư tưởng và chức năng
nghệ thuật của chúng. Nhưng cuối cùng tất cả sẽ được xử lí theo góc độ tiếp cận của ngành ngữ
văn học, cụ thể là bộ môn Văn học dân gian.
Người viết còn sử dụng phương pháp thống kê để thống kê tần số xuất hiện của các thể
thơ, kết cấu, hình ảnh, từ ngữ. Dựa vào kết quả và những số liệu thống kê đó, người viết có thể
khái quát thành những đặc điểm nghệ thuật cụ thể.
Các phương pháp trên được kết hợp đan xen chứ không phải sắp xếp chúng kế cận nhau,
để giúp khảo sát đặc điểm nghệ thuật ca dao về Bác theo một trình tự khoa học hợp lý và có thể
nhận ra thuộc tính của đối tượng. Bởi vì, ca dao về Bác không phải là một đối tượng biệt lập mà
luôn nằm trong hệ thống ca dao nói chung và có mối quan hệ tương tác với các bộ phận ca dao
khác. Mặt khác, nghệ thuật ca dao về Bác luôn có nhiều khía cạnh, đặc điểm khác nhau mà một
phương pháp không bao quát hết được. Các phương pháp trên sẽ hỗ trợ, bổ sung cho nhau.
6. Đóng góp mới của luận văn
Luận văn góp phần đem lại một cái nhìn gần về phương diện nghệ thuật của ca dao về
Bác. Luận văn chỉ ra đặc điểm nghệ thuật của ca dao về Người ở ba phương diện: đặc điểm thể
loại, kết cấu và ngôn ngữ. Người đọc có thể thấy được những nét đặc sắc, độc đáo về nghệ thuật
cũng như những đóng góp không kém phần quan trọng của bộ phận ca dao này cho thể loại ca

dao, đặc biệt là ca dao hiện đại. Lí giải vì sao bộ phận văn học này lại có sức sống mạnh mẽ
trong lòng quần chúng nhân dân hơn 70 năm qua. Đến nay, bộ phận ca dao này vẫn còn sống
động và giúp chúng ta hiểu thêm, yêu thêm đời sống tâm tư, cách nghĩ, lối sáng tác tài hoa của
nhân dân trong việc ca ngợi người anh hùng.
7. Cấu trúc của luận văn
Ngòai phần Mở đầu, Kết luận, Nội dung luận văn có 3 chương:
Chương 1 : Khái quát về ca dao và ca dao về Bác Hồ.
Trong chương này, chúng tôi giới thiệu một cách chung nhất về khái niệm ca dao; giá trị
nội dung cũng như nghệ thuật của ca dao cổ truyền và ca dao hiện đại; khái niệm ca dao về Bác
Hồ, nội dung, đối tượng sáng tác, hoàn cảnh sáng tác, số lượng tác phẩm của ca dao về Bác Hồ.
Chương 2 : Thể thơ và kết cấu của ca dao về Bác Hồ.
Đặc điểm thể thơ được triển khai với 3 nội dung: thể lục bát, thể song thất lục bát và thể
hỗn hợp. Đặc điểm kết cấu gồm 3 nội dung: kết cấu đối thoại và kết cấu trần thuật; kết cấu đối
lập và kết cấu song hành tâm lý; kết cấu thu hẹp dần hình tượng và kết cấu miêu tả trực tiếp.
Chương 3 : Ngôn ngữ của ca dao về Bác Hồ
Chúng tôi tiếp tục đề cập đến một số đặc điểm về ngôn ngữ: sự kết hợp giữa ngôn ngữ
toàn dân và ngôn ngữ địa phương; sự kết hợp giữa ngôn ngữ văn chương và ngôn ngữ đời
thường; cách sử dụng tên riêng chỉ địa điểm; cách sử dụng ngôn ngữ trùng lặp và cách sử dụng
các biện pháp tu từ.
Cuối luận văn có Phụ lục gồm: giới thiệu đầy đủ các văn bản ca dao khảo sát và các bảng
thống kê số liệu có liên quan đến đề tài:
- Phụ lục 1 thống kê tổng số những bài ca dao về Bác Hồ, kết quả tổng số bài ca dao
không trùng lặp là 521 bài.
- Phụ lục 2 là bảng thống kê các số liệu về thể thơ của ca dao về Bác và ca dao hiện đại

- Phụ lục 3 là bảng thống kê tần số xuất hiện của ngôn ngữ trùng lặp trong ca dao về Bác
- Phụ lục 4 là bảng thống kê tần số xuất hiện các hình ảnh: tự nhiên, thực vật và nhân tạo
trong ca dao về Bác.












Chương 1
GIỚI THIỆU CHUNG VỀ CA DAO VÀ CA DAO VỀ BÁC HỒ

1.1. Ca dao
1.1.1. Khái niệm
Trong sinh hoạt văn học dân gian, có một bộ phận quan trọng là sinh hoạt ca hát, trong
đó tiêu biểu nhất là việc diễn xướng ca dao, dân ca. Để chỉ lĩnh vực ca hát dân gian, nhân dân
sử dụng các từ: ca, hò, ví, lý, hát giao duyên, hát đối đáp, hát huê tình…
Ca dao có nguồn gốc từ dân ca và có mối quan hệ chặt chẽ với dân ca. Thế nên trước khi
nêu khái niệm về ca dao, chúng ta cần hiểu dân ca là gì? “Dân ca là những bài hát và câu hát
dân gian trong đó có cả phần lời và phần giai điệu” [ 29, 411]. Khi nói đến dân ca Việt Nam,
không phải là nói đến những bài, những câu hát nhất định, mà còn là nói đến những hình thức
sinh hoạt dân ca nhất định nữa. Hay nói cách khác, đời sống tồn tại của dân ca rất đa dạng và
phong phú. Trước hết, dân ca gắn với các sinh hoạt của người bình dân như: nghi lễ, lao động
và sinh hoạt gia đình, xã hội. Ngoài ra, dân ca còn gắn với nhiều môi trường diễn xướng như:
trên cạn, dưới nước. dân ca gắn với nhiều thời điểm trong năm như: cúng tế, lễ hội, ngày
thường; gắn với mọi giai đoạn của đời người như: sinh ra, trưởng thành, cưới hỏi, tang ma…
Và dĩ nhiên, dân ca tồn tại khắp các vùng miền: Bắc, Trung, Nam, khắp các dân tộc trên đất
nước.
Bàn về khái niệm ca dao, nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra ý kiến của mình. Tuy nhiên, ở
đây chúng tôi chọn những ý kiến tâm đắc nhất.

Chu Xuân Diên nhận định: “Ca dao vốn là một thuật ngữ Hán -Việt. Theo cách hiểu
thông thường thì ca dao là lời của các bài hát dân ca đã tước bỏ đi những tiếng đệm, tiếng
láy…hoặc ngược lại, là những câu thơ có thể “bẻ” thành những làn điệu dân ca”[29, 436].
Nguyễn Xuân Kính cho rằng: “Ca dao là những sáng tác văn chương được phổ biến
rộng rãi, được lưu truyền qua nhiều thế hệ mang những đặc điểm nhất định và bền vững về mặt
phong cách. Và ca dao đã trở thành một thuật ngữ dùng để chỉ một thể thơ dân gian”[32, 79].
Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi trong Từ điển thuật ngữ văn học thì nhận
định: "dùng danh từ ca dao để chỉ riêng thành phần nghệ thuật ngôn từ (phần lời thơ) của dân
ca (không kể những tiếng đệm, tiếng láy, tiếng đưa hơi).” [24,26].
Ở mỗi tác giả, tuy cách diễn đạt có khác nhau nhưng cùng thống nhất nhau về quan điểm:
ca dao là tiếng hát tâm tình về cuộc sống của nhân dân lao động, là những sáng tác có vần điệu
được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Như vậy, giữa ca dao và dân ca không có ranh giới rõ rệt. Sự phân biệt giữa ca dao và
dân ca chỉ là ở chỗ khi nói đến ca dao, người ta thường nghĩ đến những lời thơ dân gian, còn
khi nói đến dân ca người ta nghĩ đến cả những làn điệu, những thể thức hát nhất định nữa.
Dựa vào thời điểm xuất hiện, có thể chia ca dao làm hai bộ phận chính: ca dao cổ truyền
và ca dao hiện đại.
Bàn về khái niệm ca dao cổ truyền, Chu Xuân Diên cho rằng: “…đó là bộ phận những
câu hát đã trở thành cổ truyền của nhân dân. Gọi là cổ truyền bởi vì những câu hát này được
phổ biến rộng rãi và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Gọi là cổ truyền, bởi vì những câu hát này
mang những đặc điểm nhất định và bền vững về phong cách…trở thành khuôn mẫu cho việc
sáng tác thơ ca của nhân dân ở các thế hệ sau”[29, 437]
Nguyễn Hằng Phương nhận định: “ ca dao cổ (hay ca dao cổ truyền) là khái niệm chỉ
riêng thành phần nghệ thuật ngôn từ của dân ca (không kể tiếng đệm, tiếng láy, tiếng đưa hơi)
được sáng tác từ cách mạng tháng Tám trở về trước”[71].
Tóm lại có thể nói: ca dao cổ truyền (hay còn gọi là ca dao cổ, ca dao truyền thống, ca
dao cũ, ca dao xưa) là những bài ca dao sáng tác trước cách mạng tháng Tám, mang những đặc
điểm nhất định trở thành khuôn mẫu cho việc sáng tác ca dao của nhân dân ở các giai đoạn sau.
Về khái niệm ca dao hiện đại, trong Vấn đề nghiên cứu văn học dân gian hiện đại, Chu
Xuân Diên cho rằng “Chúng tôi dùng khái niệm văn học dân gian hiện đại hay văn học dân

gian mới để chỉ văn học dân gian thời kỳ từ sau cách mạng tháng 8 năm 1945 trở lại
đây.”[10,34]. Ca dao hiện đại (hay ca dao mới) là một bộ phận của văn học dân gian hiện đại.
Cho nên ca dao hiện đại là loại ca dao xuất hiện từ sau cách mạng tháng 8 năm 1945.
Bên cạnh đó, chúng tôi xin nhắc lại ba tiêu chí nhận diện ca dao hiện đại của Nguyễn
Hằng Phương trong “ Một cách nhận diện ca dao hiện đại” để từ đó xác định khái niệm ca dao
hiện đại:
Thứ nhất: ca dao hiện đại là những tác phẩm ca dao mang đặc điểm nghệ thuật dân gian
truyền thống, phù hợp với quan niệm nghệ thuật mới và hiện thực đời sống của nhân dân trong
thời kỳ hiện đại.
Thứ hai: ca dao hiện đại là những tác phẩm ca dao mang tâm lý sáng tác tập thể. Nói
cách khác, đối tượng được phản ánh trong tác phẩm là những hiện tượng đời sống gây tác
động vào một tập thể nhất định chứ không chỉ gây tác động vào từng cá nhân.
Thứ ba: ca dao hiện đại có thể ra đời từ nhiều nguồn: từ những sáng tác mô phỏng của
các tác giả chuyên nghiệp, từ những sáng tác của phong trào văn nghệ nghiệp dư, từ trong sinh
hoạt văn hóa dân gian. Điều quan trọng là, những tác phẩm ca dao hiện đại ấy phải được lưu
truyền rộng rãi trong dân gian bằng phương thức truyền miệng, mang ý nghĩa thẩm mỹ của
tính truyền miệng. [74,4]
Dựa vào tiêu chí nhận diện ca dao hiện đại như trên của tác giả Nguyễn Hằng Phương và
quan điểm của Chu Xuân Diên trong vấn đề nghiên cứu văn học dân gian hiện đại, chúng tôi
mạnh dạn đưa ra cách hiểu khái niệm ca dao hiện đại. Ca dao hiện đại là những tác phẩm ca
dao ra đời từ sau cách mạng tháng Tám, mang đặc điểm nghệ thuật ca dao truyền thống, phù
hợp với quan niệm nghệ thuật mới và hiện thực đời sống của nhân dân trong thời kỳ hiện đại.
Hay nói cách khác đó là những tác phẩm ca dao mang những đặc điểm nghệ thuật truyền thống
của ca dao cổ truyền được cải biên và những truyền thống nghệ thuật mới được định hình trên
cơ sở tiếp thu những truyền thống nghệ thuật cổ truyền.
Tại sao lại chọn mốc cách mạng tháng Tám để chia ra hai bộ phận ca dao như trên? Theo
người viết, cách mạng tháng Tám thành công đánh dấu một bước phát triển mới của dân tộc.
Đất nước được giải phóng, nhân dân thoát khỏi chế độ phong kiến hơn nghìn năm, giành lại
chính quyền, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đó cũng là khoảng thời gian nhân
dân được học hành, được tự do học tiếng mẹ đẻ mà không sợ bị đàn áp. Từ sau cách mạng

tháng tám lực lượng và hình thức sáng tác của ca dao có sự thay đổi. Sau cách mạng, công tác
diệt giặc dốt, bình dân học vụ phát triển làm cho hành chục triệu người dân biết đọc, biết viết
trong thời gian ngắn sau cách mạng cùng với truyền thống yêu thích thi ca vốn có lâu đời của
dân tộc, đã tạo khả năng và điều kiện sáng tác cho nhiều người trong mọi tầng lớp nhân dân.
Phần lớn người sáng tác ca dao sau thời kì này là nông dân, bộ đội. Bên cạnh đó là công nhân,
trí thức, các tầng lớp khác kể cả các em thiếu nhi, các cụ phụ lão, các bà mẹ chiến sĩ, các chị
dân quân du kích, tự vệ… Sáng tác ca dao được truyền miệng hoặc viết thành văn, có hoặc
không có tên tác giả viết trên báo liếp, báo tường, báo tay của bộ đội, của các đoàn thể nhân
dân hoặc in trên báo chí của Trung ương hoặc địa phương trong cả nước. Như vậy, hình thức
sáng tác khác biệt nhất của ca dao hiện đại và ca dao cổ truyền chính là có một số bài ca dao
được sáng tác dưới hình thức là chép lại rồi sau đó mới truyền miệng.
1.1.2. Giá trị nội dung
Ca dao cổ truyền là những sáng tác ca dao ra đời từ cách mạng tháng Tám trở về trước.
Trước cách mạng, đất nước ta chịu sự đô hộ nặng nề của chế độ phong kiến. Trong giai đoạn
đó, ca dao chủ yếu phản ánh tình yêu nam nữ, lên án tố cáo những mặt trái của xã hội cũ, không
có những bài ca ngợi lãnh tụ, người anh hùng. Còn ca dao hiện đại là những sáng tác ra đời sau
cách mạng tháng Tám. Thời kì này, dân tộc ta đã thoát khỏi ách đô hộ của phong kiến phương
Bắc nhưng lại chịu sự đàn áp của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Cho nên, ca dao giai đoạn này
chủ yếu phản ánh cuộc kháng chiến chốnh Pháp, Mỹ của dân tộc và bước đầu tiến lên xây dựng
chủ nghĩa xã hội. Tóm lại, vai trò của ca dao cổ truyền là nhằm giải tỏa nỗi lòng của người bình
dân. Từ đó, những con người lao động hiểu nhau hơn, xích lại gần nhau hơn. Đồng thời, qua ca
dao, người bình dân cũng muốn lên án cái xấu, cái ác, đề cao cái tốt, cái thiện. Phải nói rằng,
đến giai đoạn ngày nay, mảng ca dao cổ truyền vẫn còn nguyên giá trị của nó. Ca dao hiện đại
tiếp tục kế thừa và phát huy ca dao cổ truyền nhưng lồng vào đó những nội dung mới phù hợp
với điều kiện và hoàn cảnh mới.
Ca dao cổ truyền phản ánh những sinh hoạt hằng ngày, những tâm tư, tình cảm của nhân
dân lao động bị áp bức bóc lột. Đó là tâm trạng đau khổ, uất ức, thái độ phản kháng của nhân
dân lao động bị đè nặng dưới ách thống trị nặng nề của giai cấp địa chủ và chính quyền phong
kiến: Gánh cực mà đổ lên non / Còng lưng mà chạy cực còn theo sau; Trời sao trời ở không
cân / Kẻ ăn chẳng hết người lần chẳng ra;…

Ca ngợi cảnh đẹp, sản vật của quê hương, đất nước: Đường vô xứ Nghệ quanh quanh /
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ; Đồng Đăng có phố Kì lừa / Có nàng Tô Thị, có chùa
Tam Thanh; Muốn ăn mật rú vọ Trèn / Muốn xơi ốc đực thì lên Thác Đài; Lụa này thật lụa Cổ
Đô / Chính tông lụa cống các cô hay dùng;…
Tình yêu nam nữ là bộ phận phong phú nhất trong ca dao cổ truyền. Ở đây, ca dao đã
phản ánh mọi biểu hiện của tình yêu trong tất cả những chặng đường của nó: giai đoạn gặp gỡ
ướm hỏi nhau: Đến đây mận mới hỏi đào / Vườn hồng đã có ai vào hay chưa? / Mận hỏi thì
đào xin thưa / Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào; Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng / Tre
non đủ lá đan sàng nên chăng?…giai đoạn gắn bó trao đổi những lời thề nguyền, những tặng
vật cho nhau: Yêu nhau cởi áo cho nhau / Về nhà mẹ hỏi, qua cầu đánh rơi;…giai đoạn hạnh
phúc với những niềm ước mơ, những nỗi nhớ nhung: Ngó em không dám ngó lâu / Ngó qua một
chút đỡ sầu mà thôi;… hoặc sự thất bại, đau khổ với những lời than thở oán trách: Đôi ta là bạn
thong dong / Như đôi đũa ngọc nằm trong mâm vàng / Bởi chưng thầy mẹ nói ngang / Cho nên
đũa ngọc mâm vàng xa nhau;…
Ca dao cổ truyền còn phản ánh những mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình:
ông bà với con cháu: Ngó lên nuộc lạt mái nhà / Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy
nhiêu;…cha mẹ và con cái: Ân cha nặng lắm con ơi / Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu
mang; Công cha như núi Thái Sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra / Một lòng thờ mẹ
kính cha / Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con;…vợ chồng: ; Áo vá vai vợ ai không biết / Áo vá
quàng chí quyết vợ anh; Chồng em áo rách em thương / Chồng người áo gấm xông hương mặc
người;...anh em, chị em, họ hàng: Anh em như chân với tay / Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ
đần …Đó là tình cảm gia đình thiêng liêng cao quí: sự mẫu mực của cha mẹ đối với con cái,
lòng hiếu thảo của con cái dành cho ông bà, cha mẹ, anh em yêu thương, hòa thuận giúp đỡ
nhau, tình cảm thủy chung, son sắt của vợ chồng.
Dĩ nhiên ca dao cổ truyền còn nhiều nội dung khác nhưng người viết chỉ nêu vài nội
dung tiêu biểu như trên để làm nền cho việc khảo sát đối tượng chính của luận văn.
Ca dao hiện đại lên án, tố cáo tội ác của giặc Pháp, Mỹ. Những hành động đốt nhà, cướp
của phá hoại mùa màng, giết người, móc mật, ăn gan, được ca dao kể lại với lòng căm thù, uất
hận: Con ơi, mẹ dặn điều này / Mỹ Diệm một bầy giết hại bà con; Chén cơm thuốc độc hãy còn
/ Mối thù Phú Lợi núi mòn không phai… Toàn dân ta không phân biệt già, trẻ, trai, gái; dân tộc

ít người hay nhiều người; miền xuôi hay miền ngược; thành thị hay nông thôn; ở tiền tuyến hay
hậu phương,… ai ai cũng thể hiện lòng nồng nàn yêu nước, căm thù giặc sâu sắc: Thù nhà, thù
nước, thù chung / Chung vai đấu cật một lòng giết Tây; Bao giờ hết cỏ Tháp Mười / Thì dân
Nam mới hết người đánh Tây; Cho dù Mỹ Ngụy trăm tay / Quyết không chia được nước này
làm hai; Cho dù cạn nước Đồng Nai / Nát chùa Thiên Mụ không phai lòng vàng…
Cùng với phong trào chống giặc ngoại xâm, toàn dân ta còn chống giặc đói và giặc dốt.
Ca dao về tăng gia sản xuất cũng như ca dao về Bình dân học vụ trong giai đoạn kháng chiến
chống Pháp rất nhiều.
“Thống kê chưa đầy đủ, tỉ lệ ca dao về tăng gia sản xuất, tiết kiệm chiếm 10,35% và về
bình dân học vụ, học hành, diệt giặc dốt chiếm 10,15 % tổng số ca dao chống Pháp” [9, 28]:
Thu về ngọn cỏ đơm hoa / Người ra mặt trận thì ta ra đồng / Người ra trận đổ máu hồng / Ta
ra cánh đồng ta đổ mồ hôi / Rằng Hồ Chủ tịch bảo ta / Tăng gia sản xuất cũng là đánh Tây;
Chữ không có phấn có hồ / Mà sao khéo điểm khéo tô mặt người…
Sẽ là thiếu sót nếu không nói đến ca dao về thuế nông nghiệp, giảm tô, cải cách ruộng đất
và những hoạt động khác ở hậu phương. Mảng ca dao này có số lượng khá nhiều: Nông dân đã
nói là làm / Đã đi phải đến, đã bàn phải thông / Đã quyết là quyết một lòng / Đã phát là động,
đã vùng là lên / Đã lật, lật dưới lên trên / Đã chuyển là chuyển bốn bên chân trời; Bà con trong
xóm đổi công / Đêm đêm tát nước ngoài đồng vui ghê; Vì ai nên vợ xa chồng / Dân cày xa
ruộng đòn dông xa kèo;…
Một nội dung nữa khá nổi bật của ca dao hiện đại là tình cảm sâu sắc của nhân dân đối
với Đảng và nhất là đối với Bác Hồ. Đây là mảng cao dao chiếm số lượng lớn nhất trong ca dao
hiện đại: Nhớ ngày mồng ba tháng ba / Chính là ngày của Đảng ta ra đời / Đảng ra đời sáng
ngời mọi chỗ / Đảng ra đời lúa trổ nhiều bông; Bác, Đảng lập thành tên nước / Con cháu ta
tiến bước dưới cờ / Ta là con cháu Bác Hồ / Đánh tan Mỹ Ngụy cơ đồ về ta; Cụ Hồ ở giữa lòng
dân / Tuy xa, xa lắm, nhưng gần gần ghê…
Có lẽ bộ đội là người làm nhiều ca dao nhất trong hai cuộc kháng chiến. Họ viết về mình
và trước hết cho mình. Cho nên ca dao là tự tình, tự thuật, tự truyện của họ: Thằng Tây chớ cậy
xác dài / Chúng tao người nhỏ nhưng dai hơn mày; Con đi độc lập con về / Mẹ yên tâm nhé,
con về mẹ vui; Em về lo liệu việc nhà / Để anh yên dạ xông pha trận tiền; Ta đi trăng cũng đi
theo / Đường ta dốc núi đỉnh đèo trăng soi / Bây giờ trăng đã ngủ rồi / Ta đi lòng vẫn sáng

ngời ánh trăng;…
Ca dao hiện đại cũng nói nhiều đến người phụ nữ. Chiến tranh bao giờ cũng là thách thức
đối với con người, nhưng có lẽ đối với phụ nữ, thách thức đó gần như toàn diện và nặng nề
nhất, đặc biệt về mặt tình cảm riêng tư. Tuy nhiên, họ đã vượt qua những thách thức đó bằng
tinh thần làm chủ bản thân mình. Họ không than vãn như ca dao xưa: Con ơi nhớ lấy câu này /
Đầu quân cứu nước sáng ngời chí trai / Hoa thơm nhất có hoa nhài / Người thơm danh nhất là
trai chiến trường; Kề vai gánh vác sơn hà / Sao cho nổi tiếng đàn bà Việt Nam; Em về lo việc
hậu phương / Anh lo giết giặc chiến trường lập công; Anh đi gìn giữ nước non / Tóc xanh em
đợi, lòng son em chờ;…
Nội dung của ca dao cổ truyền và ca dao hiện đại có những nét tương đồng nhưng cũng
có những nét khác biệt. Tương đồng ở điểm cả hai bộ phận ca dao đều thể hiện tâm tư, tình cảm
của người bình dân: tình cảm gia đình, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu nam nữ, đồng
thời lên án những thế lực tàn bạo chà đạp lên con người. Điểm khác biệt, ca dao hiện đại thể
hiện một số nội dung mới phù hợp với hoàn cảnh xã hội hiện đại như tăng gia sản xuất, bình
dân học vụ, thuế nông nghiệp, giảm tô, cải cách ruộng đất, đặc biệt là tình cảm đối với Đảng và
Bác Hồ. Như vậy, về nội dung, ca dao hiện đại là sự nối kết, phát triển của ca dao cổ truyền chứ
không phải là một bộ phận hoàn toàn tách biệt.
1.1.3. Giá trị nghệ thuật
Ca dao cổ truyền sử dụng nhiều thể thơ khác nhau, phổ biến vẫn là thể lục bát: Thân em
như tấm lụa đào / Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai;…và song thất lục bát: Lụa làng Trúc vừa
thanh vừa bóng / May áo chàng cùng sóng áo em / Chữ tình cùng với chữ duyên / Xin đừng
thay áo mà quên lời nguyền;… Thể vãn (vãn bốn, vãn năm…) rất đắc dụng trong đồng dao:
Chi chi chành chành / Cái đanh thổi lửa / Con ngựa đứt cương / Ba vương ngũ đế… Ngoài ra,
các dạng biến thể của thể lục bát và song thất lục bát: Yêu em tam tứ núi cũng trèo / Thất bát
sông cũng lội, tứ cửu tam thập lục đèo cũng qua; Nghĩ rằng em đã có chồng rồi / Sao em chưa
có đứng ngồi vân vi / Ới thầy mẹ ơi ! cấm đoán em chi ! / Mười lăm, mười tám sao chả cho đi
lấy chồng;…cũng hay được dùng trong ca dao cổ truyền. Mỗi một thể loại đều có những tác
dụng nhất định. Nhưng nhìn chung, tất cả các thể thơ nói trên đều nhằm làm nổi bật nội dung
của văn bản ca dao.
Kết cấu chủ yếu trong ca dao cổ truyền là kết cấu theo lối đối thoại. Hầu hết ca dao về

tình yêu nam nữ là hình thức trao đổi tình cảm giữa nam và nữ. Trai gái ở nông thôn thường
gặp gỡ, tìm hiểu nhau, thổ lộ tình cảm với nhau trong những khi cùng nhau lao động, trong
những ngày hội hè, vui xuân. Hình thức thể hiện tập trung của sự giao duyên đó là những cuộc
hát đối đáp nam nữ. Ví dụ:
Đối đáp hai vế :
- Vào vườn hái quả cau non
Anh thấy em giòn muốn kết nhân duyên.
Hai má có hai đồng tiền
Càng nom càng đẹp, càng nhìn càng ưa.
- Anh đà có vợ con chưa
Mà anh ăn nói gió đưa ngọt ngào.
Mẹ già anh để nơi nao
Để em tìm vào hầu hạ thay anh.
Đối đáp một vế :
- Hỡi cô cắt cỏ một mình
Cho anh cắt với chung tình làm đôi.
Cô còn cắt nữa hay thôi
Cho anh cắt với làm đôi vợ chồng.
Song song đó là kết cấu trần thuật: Đói lòng ăn hột chà là / Để cơm nuôi mẹ mẹ già yếu
răng;…Bên cạnh đó, ca dao cổ truyền cũng hay sử dụng kết cấu đối lập: Tưởng rằng chị ngã
em nâng / Ai ngờ chị ngã, em bưng miệng cười;… và kết cấu đối ngẫu tâm lý: Lên non mới biết
non cao / Nuôi con mới biết công lao mẹ thầy;… kết cấu thu hẹp dần hình tượng: Anh đi anh
nhớ quê nhà / Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương / Nhớ ai dãi nắng dầm sương / Nhớ ai
tát nước bên đường hôm nao;…
Ca dao không chỉ bắt gặp những cách nói trau chuốt, mượt mà, ý nhị, đầy chất thơ: Đêm
trăng thanh anh mới hỏi nàng / Tre non đủ lá đan sàn nên chăng? / Đan sàng thiếp cũng xin
vâng / Tre vừa đủ lá non chăng hỡi chàng?; Nước chảy liu riu, lục bình trôi líu ríu / Anh thấy
em nhỏ xíu, anh thương…mà còn gặp những lời nói bình dân, đầy tính khẩu ngữ: Gánh cực mà
đổ lên non / Còng lưng mà chạy, cực còn chạy theo; Chồng con là cái nợ nần / Chẳng thà ở vậy
nuôi thân béo mầm; Giàu thì thịt cá cơm canh / Khó thì lưng rau đĩa muối, cúng anh tôi đi lấy

chồng;…
Một số hình ảnh trong ca dao cổ truyền đã trở thành biểu tượng. Các nhà nghiên cứu đã
kết luận “ trong ca dao, người dân lao động Việt Nam đã mượn đời sống con cò để biểu hiện
đời sống của mình” [ 32, 339]. Các hình ảnh thuyền biển, trúc mai, mận đào,…tượng trưng cho
đôi lứa yêu nhau…
Ca dao hiện đại sử dụng nhiều thể thơ khác nhau: lục bát: Bao giờ hết cỏ Tháp Mười /
Thì dân Nam mới hết người đánh Tây…, song thất lục bát: Chiếc khăn xanh viền quanh chỉ đỏ /
Bàn tay nhỏ thêu họ thêu tên / Anh vào nhập ngũ Tây Nguyên / Trao khăn em tặng tình yêu kết
tình… và thể hỗn hợp: Gió đánh cành tre / Gió đập cành tre / Chị ra mặt trận em về tải thương
/ Nhiễu điều phủ lấy giá gương / Xót tình cá nước thì thương nhau cùng / Gió đánh cành hồng /
Gió đập cành hồng / Chị về gặt lúa nuôi chồng thương binh / Chồng em vì nước hi sinh / Cánh
tay mất nửa, mối tình còn nguyên...
Ca dao hiện đại kế thừa phổ biến các dạng kết cấu của ca dao cổ truyền: kết cấu đối thoại
và trần thuật, kết cấu đối lập và đối ngẫu tâm lý, kết cấu thu hẹp dần hình tượng và miêu tả trực
tiếp.
Kết cấu đối thoại chủ yếu là kết cấu một vế:
Con ơi con ngủ cho say,
Mẹ đi phục kích canh hai mẹ về.


Kết cấu trần thuật chủ yếu thuật lại tội ác của kẻ thù:
Cắc bụp, cắc bụp, xòa,
Ba thằng giặc Pháp bắt gà bắt heo.
Cắc bụp, cắc bụp, xèo,
Ba thằng giặc Pháp bắt heo, bắt gà.
Kết cấu đối lập:
Ban ngày em học trường này,
Ban đêm đến lượt mẹ thầy của em.
Ban ngày nắng rực khăn em,
Ban đêm mát dịu ánh đèn sáng soi.

Đảng đem ánh sánh ban ngày,
Soi lên cuộc sống cả hai: trẻ già.
Kết cấu thu hẹp dần hình tượng:
Cái cò cái vạc cái nông,
Nhặt cỏ ruộng đồng tát nước dùm tao.
Mồ hôi càng đổ tạt rào,
Khoai lúa thu vào càng trội hơn lên.
Tất cả cho Tổng động viên,
Phản công thắng lợi mau yên nước nhà.
Kết cấu đối ngẫu tâm lý:
Bể đông có lúc vơi đầy,
Mối thù đế quốc có ngày nào quên.
Ca dao hiện đại sử dụng nhiều hình ảnh: tự nhiên, thực vật, động vật và nhân tạo. Đặc
biệt, một số hình ảnh nhân tạo trong đời sống sinh hoạt thường nhật như: súng, cờ,
thuyền…xuất hiện với tần số cao. Tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là hình ảnh tự nhiên.
Ngôn ngữ ca dao hiện đại có sự kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ toàn dân và ngôn ngữ địa
phương, ngôn ngữ văn chương và ngôn ngữ đời thường. Cách kết hợp ấy tạo ra nhiều bài hay,
đẹp, thi vị: Đêm nay bóng núi nghiêng che / Anh canh, em gặt có ông trăng hiền sáng soi; Phá
Tam Giang nối đàng ra Bắc / Đèo Hải Vân hướng mặt vào trong; Trị Thiên đò dệt sang ngang /
Dệt thương, dệt nhớ, dệt đàng núi sông;…
Ca dao cổ truyền và ca dao hiện đại không chỉ bấy nhiêu giá trị nghệ thuật. Do phạm vi
đề tài, chúng tôi chỉ điểm xuyết vài giá trị cơ bản có liên quan trực tiếp đến đề tài, làm nền cho
việc nghiên cứu đặc điểm nghệ thuật của ca dao về Bác Hồ.
1.2. Ca dao về Bác Hồ
1.2.1. Khái niệm
Ca dao về Bác Hồ là những bài ca dao do nhân dân khắp mọi miền đất nước sáng tác về
Bác từ sau cách mạng tháng Tám. Đây là một bộ phận của ca dao hiện đại. Ở đây, người viết
quan niệm ca dao về Bác là mảng ca dao bao gồm những bài ca trực tiếp bộc lộ tình cảm của
nhân dân đối với Bác: Có ai về chốn quê nhà / Gửi lời chúc thọ Cha già mến yêu; Đếm sao cho
hết vì sao / Kể sao hết được công lao Bác Hồ;… và cả những bài ca gián tiếp nói đến Bác, tức

nói về sự việc khác nhưng có liên hệ tới Bác: Hôm qua anh đến chơi nhà / Thấy mẹ dệt vải thấy
cha đi bừa / Thấy em mải miết xe tơ / Thấy cháu i-tờ ngồi học bi bô / Thì ra vâng lệnh Cụ Hồ /
Cả nhà yêu nước thi đua phen này;…
Qua bộ phận ca dao về Bác, người thưởng thức có thể cảm nhận được lòng kính yêu, lòng
biết ơn, nỗi mong chờ, tình cảm thủy chung, niềm tin son sắt của nhân dân đối với Bác. Bên cạnh
đó, người đọc cũng bắt gặp một số nội dung khác tuy không trực tiếp hướng về Bác nhưng cũng có
liên hệ đến Bác.
Tình cảm của nhân dân ta đối với Bác Hồ - người lãnh tụ kiệt xuất của Đảng và của dân
tộc, trước hết bắt nguồn từ lòng kính yêu, tự hào và biết ơn sâu sắc về những công lao vô
cùng to lớn của Bác. Công ơn to lớn ấy được nhân dân ta so sánh với những gì thiêng liêng
nhất, kỳ vĩ nhất trong thiên nhiên nhiên vũ trụ: Núi cao là núi Thái Sơn / Ơn cao nghĩa cả là ơn
Cụ Hồ; Đếm sao cho hết vì sao / Kể sao cho hết công lao Bác Hồ; Cụ Hồ ơn đức biết bao / Ơn
dày sánh đất, đức cao sánh trời;…
Nhân dân biết ơn Bác bởi tấm lòng yêu thương mênh mông của Bác dành cho đồng bào.
Bác đã từng nói:“ Tôi có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn
toàn độc lập, dân tộc ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng
được học hành” [ 17, 20]. Cùng với lòng biết ơn sâu sắc, nhân dân ta cũng yêu thương Bác vô
vàn, xem Bác như người Cha trong đại gia đình, tự hào vì dân tộc ta có Bác: Tháp Mười đẹp
nhất bông sen / Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ; Cụ Hồ là đuốc sáng soi / Nhắc đến tên Cụ
muôn người yêu thương; Cây quế Thiên Thai mọc trên núi đá / Trầm nơi Vạn Giã hương tỏa
sơn lâm / Tên Bác Hồ thơm hơn hương quế, hương trầm / Nhìn ra phương Bắc mà thương Bác
Hồ; Dù ai đi đông đi tây / Mỗi năm tháng chín nhớ ngày mồng ba / Dù ai đi gần đi xa / Chớ
quên ngày giỗ Cha già kính yêu;…
Lòng biết ơn lãnh tụ và mối quan hệ gắn bó với lãnh tụ tất nhiên dẫn đến một niềm tin
mãnh liệt vào lãnh tụ. Nhân dân tin tưởng vào sự dẫn dắt, sụ lãnh đạo sáng suốt của Người:
Cụ Hồ yêu nước thương dân / Dắt dìu dân tộc thắng ba kẻ thù / Giặc Tây, giặc đói, giặc mù /
Cả ba thứ giặc Bác Hồ vượt qua; Sóng thần thì mặc sóng thần / Có Cha bẻ lái, có dân chống
chèo; Dân cày mà có Bác Hồ / Như thuyền có lái, như cờ gió bay;…
Sức khỏe của Bác là mối quan tâm sâu sắc của toàn dân ta. Đó là một lẽ tự nhiên như
chúng ta quan tâm , chăm sóc đến sức khỏe của ông bà, cha mẹ mình. Song, Bác là linh hồn của

dân tộc, là người cầm lái con thuyền dân tộc nên mối quan tâm đến sức khỏe của Bác còn thể
hiện lòng yêu nước của chúng ta. Vì thế, mối quan tâm ấy còn tăng gấp bội: Đường ra Việt Bắc
/ Xa lắc, xa lơ / Ai đi tôi gửi bức thư mấy hàng / Chúc Hồ Chủ tịch anh khang / Lãnh đạo dân
tộc trên đường đấu tranh; Chúc Cụ Hồ mạnh khỏe, vui tươi / Dắt dìu kháng chiến, giành độc
lập cho người Việt Nam; Chúng con ở bốn phương trời / Quay về hướng Cụ muôn lời chúc
mong / Dài lâu như suối như sông / Cụ Hồ sống mãi trong lòng chúng con;…
Kính yêu Bác, mong Bác mạnh khỏe sống lâu, hi vọng có một ngày nào sẽ được gặp
Bác… Đó là tình cảm, nguyện vọng chung của toàn dân ta. Nhưng có lẽ niềm mong mỏi ấy tha
thiết nhất ở đồng bào miền Nam. Nhân dân miền Nam khao khát được gặp Bác trong ngày
thống nhất đất nước: Đêm nằm con thấy chiêm bao / Thấy Hồ Chủ tịch đã vào nơi đây; Ngày
mai giải phóng quê mình / Miền Nam đón Bác thỏa tình ước mong; Mong ngày độc lập Cụ vô /
Thỏa lòng mong đợi, ước mơ đêm ngày; Miền Nam nhớ Bác vô cùng / Mong ngày đón Bác vào
trong Khánh Hòa;…
Như đã nêu trên, ca dao về Bác có những bài trực tiếp nói lên tình cảm của nhân dân đối
với Bác nhưng cũng có những bài nói về sự việc khác, qua đó gián tiếp nói về Bác.
Ca dao về Bác cũng nói nhiều đến anh bộ đội Cụ Hồ. Nhân dân ca ngợi anh bộ đội Cụ Hồ
cũng là ca ngợi Bác: Đồng bào trông thấy hoan hô / Hoan hô anh lính Cụ Hồ ngoan ghê / …Cụ
Hồ dân kính, dân yêu / Nên anh bộ đội dân chiều dân thương; Ai về yên Dưỡng, Hoành Mô /
mà xem quân lính Cụ Hồ sang sông / Đêm ngày mê mải chiến công / Thoáng trông như có cả
chồng em kia; Hôm qua sinh nhật Cụ Hồ / Bộ đội đánh thắng ăn to hai đồn;…
Tình yêu nam nữ, tình nghĩa vợ chồng cũng được đề cập đến trong bộ phận ca dao này.
Tuy nhiên, tình yêu ấy trong ca dao về Bác không thấy có sự cấm đoán của giai cấp thống trị,
không có những quan niệm “nam nữ thụ thụ bất thân” “ cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” …gây nên
những đau khổ bất hạnh cho đôi lứa mà tình cảm ấy vừa trong sáng, thủy chung, đậm đà vừa
gắn liền với tình yêu lãnh tụ, tình yêu nhân dân: Ai ơi chớ lấy chồng non / Chờ ngày độc lập lấy
“con Cụ Hồ”; Anh đi gìn giữ nước non / Tóc xanh em đợi lòng son em chờ / Anh đi làm lính Cụ
Hồ / Đò xưa, bến cũ đợi chờ đón anh; Cắt tấm lục đào em đề ba chữ/ Chữ trung với Bác, chữ
hiếu với mẹ, chữ nghĩa với anh / Dù xa xôi em vẫn giữ lòng thành / Có Bác chỉ đường dẫn lối
thì hai đứa mình sẽ gặp nhau;…
Cũng như ca dao hiện đại, ca dao về Người cũng thấy xuất hiện nội dung tăng gia sản

xuất. Trong những ngày đầu độc lập, dân tộc ta gặp vô vàn khó khăn. Khó khăn lớn nhất chính
là nạn đói. Vấn đề cấp bách nhất của Chính phủ lâm thời là cứu đói. Ngoài giải pháp nhường
cơm sẻ áo thì tăng gia sản xuất là giải pháp giải quyết vấn đề từ gốc. Bác đã kêu gọi: “Tăng gia
sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay. Đó
là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do độc lập” (Hồ Chí Minh toàn tập). Cho
nên, ca dao về Bác không thể không đề cập đến vấn đề này: Chúng con quyết chí thi đua / Sản
xuất, tiết kiệm cho vừa lòng Cha; Cụ Hồ đã dạy dân ta / Thi đua sản xuất cũng là đánh Tây;Cụ
dạy chúng ta thi đua để mà đoàn kết / Có đoàn kết rồi mới thiệt thi đua / Anh em nông dân
mình chăm bón làm mùa / Công nhân đúc nhiều súng đạn / Bộ đội đánh mạnh giặc thua chạy
dài; …
Khó khăn thứ hai là nạn dốt. Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã
phát động phong trào bình dân học vụ nhằm xóa nạn mù chữ trong toàn dân. Trong suốt thời
Pháp thuộc, hơn 90% dân Việt Nam mù chữ, đây là một trong các quốc nạn. Chính vì thế, Bác
đã kêu gọi nhân dân "chống nạn mù chữ", “diệt giặc dốt” vì "Một dân tộc dốt là một dân tộc
yếu". Ca dao về Bác xuất hiện hàng loạt các bài cổ động cho phong trào này: Hôm qua anh đến
chơi nhà / Thấy mẹ dệt vải thấy cha đi bừa / Thấy nàng mải miết xe tơ / Thấy cháu "i - tờ" ngồi
học bi bô / Thì ra vâng lệnh Cụ Hồ / Cả nhà yêu nước "thi đua” học hành; Giỏi như đến mức
Cụ Hồ / Người còn phải học huống hồ chúng ta; Không đèn thì lấy ánh trăng / Mực bằng đậu
cút, giấy bằng lồ ô / Quyết tâm học chữ Bác Hồ / Nước nhà độc lập, tự do có ngày;…
Tóm lại, qua ca dao về Bác, người đọc có thể cảm nhận được một bức tranh tình cảm
muôn màu muôn vẻ của toàn dân đối với Bác, đồng thời có thể hình dung ra bức tranh cuộc
sống sinh động của nhân dân trong giai đoạn từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945.
1.2.2. Lực lượng sáng tác
Trong lịch sử văn học nước ta, hiếm thấy một hiện tượng độc đáo nào như thơ ca viết về
Bác. Độc đáo là bởi một dòng sông thơ đã ra đời và chảy mãi từ Một – con – Người – Đẹp. Bởi
vì, “Con người đó đã hóa thân vào dân tộc và thời đại; hơn thế nữa, con người đó đã hòa làm
một với từng người dân Việt Nam, đã sống sâu sắc trong trái tim họ…Con người đó là Chủ tịch
Hồ Chí Minh” [ 35,11]. Vâng, Bác Hồ mãi mãi là nguồn cảm hứng, là đối tượng mà nhân dân
hướng đến để bày tỏ tình cảm của mình. Ở đây, chúng tôi muốn đề cập đến một dòng chảy nhỏ,
khiêm tốn nhưng dạt dào tình cảm hòa vào dòng sông lớn của thơ ca viết về Bác Hồ, đó là dòng

ca dao về Bác.
1.2.2.1. Theo vùng miền

Từ Cao-Bắc-Lạng đến mũi Cà Mau, từ Tây Nguyên đến Bình Trị Thiên, đâu cũng có
những câu ca dao về Bác, đâu cũng có lời hát nhắc nhở đến công ơn Người. Từ đỉnh núi cao
của rừng Việt Bắc, chúng ta nghe hát: Em về giã gạo ba giăng / Anh lên múc nước Cao Bằng
về ngâm / Đến ngày mười chín tháng năm / Gói thành đôi bánh đem dâng Bác Hồ. Giữa lòng
Thủ đô Hà Nội, tiếng hát về Bác lại cất lên Một chiều nắng ấm Thủ đô / Vui sao được thấy
Bác Hồ trồng cây. Đồng bào Quảng Bình, Vĩnh Linh, Đông Anh lúc nào cũng đinh ninh lời
dạy của Bác: Ca rằng: dân tuyến Vĩnh Linh / Ghi sâu lời Bác đinh ninh đời này; Bạc màu là đất
Đông Anh / Làm theo lời Bác vẫn xanh ruộng đồng. Người Tây Nguyên muôn đời nhớ ơn Bác:
Rừng Tây Nguyên muôn đời nhớ Bác / Đã khắc tên lên bạc đeo tay; Hòa Bình dốc thẳm non
cao / Có đi tiếp vận mới biết công lao Cụ Hồ; Trường Sơn dậy tiếng Bác Hồ / Đánh cho Mỹ
cút, đánh cho Ngụy nhào; Dù cho biển cạn non mòn / Lòng dân Thuận Hóa vẫn còn trơ trơ /
Vẫn là dân của cụ Hồ / Trọn đời theo mãi ngọn cờ vàng sao.Bình Trị Thiên : Đất Trị Thiên là
đất của Cụ Hồ / Đất cha ông chi thằng Bảo Đại mà kéo Tây qua đóng đồn. Trong kho tàng ca
dao-dân ca Đà Nẵng, hình ảnh Bác Hồ chiếm một tỉ lệ không nhỏ. Điều đó có được là do tư
tưởng cách mạng của Bác đã gắn với cuộc sống và chiến đấu của người dân Đà Nẵng, gắn với
những biến đổi to lớn diễn ra trên quê hương "Trung dũng kiên cường" và đồng thời gắn với
những biến cố trọng đại, hào hùng của lịch sử dân tộc nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Người
Đà Nẵng với Bác trước hết là lòng kính yêu, ngưỡng mộ: Những đêm đại hội quê hương/ Cháu
ngồi nhớ Bác tình thương ngọt ngào / Cháu nhìn vầng trán cao cao / Nhìn đôi mắt Bác như sao
sáng ngời / Bác nhìn cháu nhỏ khắp nơi / Soi gương bóng tối cho đời thắm tươi; Bác Hồ trong
trái tim dân / Tuy xa nghìn dặm nhưng gần gần ghê…và sau đó là niềm tự hào, tin tưởng: Giặc
kia khủng bố lu bù / Lòng dân vẫn một mùa thu Bác Hồ / Tình quân dân, nghĩa đồng bào /
Ngàn câu cổ vũ ghi vào trong tim; Ngày nay được thống nhất sơn hà / Nhìn xem cờ đỏ thật là
vinh quang / Đồng bào ơi, nhớ lời Bác dặn đinh ninh / Quân dân đoàn kết, độc lập, hòa bình
muôn năm;… Bình Định: Nước sông Trà in hình núi Ấn / Dừa Trung Lương soi bóng Lại
Giang / Nhìn lên cờ đỏ sao vàng / Lòng dân ơn Bác muôn vàn Bác ơi. Phú Yên: Từ Vạn Ninh
đến Can Lâm / Lòng dân đồng điệu đồng tâm với Cụ Hồ. Khánh hòa: Gió nào bằng gió Tu

Bông / Sức nào bằng sức nhân dân Cụ Hồ;…
Ca dao miền Nam về Bác là một bộ phận không nhỏ trong dòng chảy của ca dao Bác Hồ.
Công ơn của Đảng, Bác Hồ luôn luôn canh cánh trong lòng mỗi người: Việt Nam chỉ một cơ đồ
/ Miền Nam treo ảnh Bác Hồ trong tim; Miền Nam muôn thuở một lòng / Ngày đêm luôn nhớ
công ơn Bác Hồ. Sống dưới nanh vuốt của kẻ thù, đồng bào càng thấm công ơn này. Đồng bào
miền Nam cũng như đồng bào trên khắp mọi miền đất nước đều bày tỏ nỗi nhớ thương và lòng
biết ơn vô hạn về Người. Nhân dân khắp các tỉnh thành miền Nam đều có ca dao về Người: Bao
giờ thống nhất non sông / Cần Thơ gửi vú sữa kính dâng lên Bác Hồ; Ta là con cháu Bác Hồ /
Nghe tin đồng khởi reo hò đi ngay (Bến Tre), Ai xây, ai đắp, ai bồi / công ơn của Bác chói
ngời Bạc Liêu; Đêm qua nằm ngủ con mơ / Thấy tàu của Bác cập bờ Cà Mau. Đồng Tháp có
một vinh dự lớn là được cụ Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh của Bác Hồ kính yêu chọn làm nơi
hoạt động yêu nước trong những năm tháng cuối đời và yên nghỉ tại đó. Nhân dân ở đây đã thay
mặt cho đồng bào cả nước đưa tiễn Người và hết sức bảo vệ ngôi mộ, chống mọi âm mưu xảo
quyệt của kẻ thù. Phải chăng, trong nỗi niềm khao khát chờ trông ngày thống nhất, người dân
Đồng Tháp Mười còn có mong đợi riêng: Ngày ấy được đón Bác về viếng thăm nơi yên nghỉ
cuối cùng của người cha thân yêu. Và niềm tin ấy bật lên thành lời, thành nỗi trông ngóng:
Trông trời, trông đất, trông mây,
Trông ngày đón Cụ vui vầy Bắc Nam.
Không chỉ nhân dân trong nước mà cả kiều bào ở nước ngoài cũng có ca dao về Bác.
Dù ở xa nhưng lúc nào họ cũng hướng về quê hương, đất tổ, nơi có Cụ Hồ đang dắt dìu kháng
chiến với nhân dân Chúng con ở bốn phương trời / Quay về hướng Cụ muôn đời chúc mong;
Cụ Hồ yêu nước thương nhà / Dắt dìu dân tộc thắng ba kẻ thù;…Em Nguyễn Ở, một em bé ở
Xa-côn bên Thái Lan đã viết nhân kỉ niệm ngày sinh của Bác: Hôm nay mười chín tháng năm /
Chúng em sung sướng hơn rằm Trung Thu;…
Như vậy, trên đất nước ta đâu đâu cũng có ca dao về Bác Hồ. Nhân dân ở khắp các tỉnh
thành, từng khu vực, miền, vùng đất đều có nhu cầu thổ lộ tình cảm của mình đến Bác. Mỗi địa
phương có một cách biểu hiện tình cảm khác nhau đối với lãnh tụ. Tất cả những khía cạnh tình
cảm ấy đã hòa vào, góp vào làm phong phú hơn cho nội dung mảng ca dao về Bác Hồ nói
chung. Đó là sự kế thừa và tiếp nối truyền thống của ca dao - dân ca trong việc ca ngợi lãnh tụ,
những nhân vật lịch sử vĩ đại mà Bác Hồ là một người như thế.

1.2.2.2. Theo tầng lớp
Tác giả những bài ca dao về Bác không phân biệt tầng lớp, địa vị, ngành nghề. Họ là bộ
đội, dân công, thiếu snh quân, công nhân, nông dân, thầy giáo, học sinh,…
Có lẽ đối tượng làm ca dao về Bác nhiều nhất chính là các anh bộ đội, mà ngày ấy nhân
dân ưu ái, tin yêu gọi là anh bộ đội Cụ Hồ. Các anh sáng tác ca dao về Bác trong mọi hoàn
cảnh: lúc hành quân ra mặt trận, mặc dù “đường xa, súng nặng oằn vai”, “gian nan cơm vắt
muối vừng”, mặc dù phải đi “trăm núi ngàn khe”, “qua mấy dốc mấy đèo”, nhưng vẫn luôn
nghe “lời Bác vang vọng non sông”, luôn “thấy Bác mãi còn dõi theo”, tâm hồn luôn rực sáng
lý tuởng cách mạng cao cả mà Bác và Đảng đã truyền thụ, lại thương “Bác vì đất nước, vì niềm
vui chung” mà “tóc xanh bạc trắng đôi miền” nên anh đã hạ quyết tâm: Dù cho giọt máu cuối
cùng / Con tin vào Bác vững lòng tiến lên / Con thề: diệt sạch xâm lăng / Hai miền Nam Bắc
cùng xanh đất trời; Bác ơi cháu quyết cắm cờ / Lên trên đồn giặc như thơ Bác mừng. Cũng
vậy anh bộ đội ở xa, giữa bốn bề mênh mông sông nước, thiếu thốn mọi thứ, vẫn tâm niệm
những lời giáo huấn của Bác, vững vàng cầm chắc tay súng canh giữ biển trời cho Tổ quốc:
Đảo xa sóng dội bốn bề / Lắng nghe lời Bác vọng về biển khơi.
Tinh thần đó được thể hiện ở người dân công tiếp vận: Ta là con cháu Bác Hồ / Nghe tin
tiếp vận đan bồ đi ngay; Ngày nay vâng lệnh Bác Hồ / dân công “dô hò” bạt núi ta đi / mấy
năm kháng chiến trường kì / Vai gánh càng dẻo, chân đi càng bền . Em thiếu sinh quân nói
riêng với Bác rằng: Cháu là em bé phương xa / Theo anh vệ quốc xa nhà đã lâu / Qua bao vực
thẳm truông dài / Giúp anh vệ quốc diệt loài thực dân. Người công nhân cầu đường thấy rõ
trách nhiệm của mình: Cầu này ta bắc chóng xong / Cho xe chóng chạy, cho lòng Bác vui; Bạt
rừng xẻ núi mở đường / Chở hàng vào tận chiến trường, Bác vui; Cầu đường mạch máu chúng
ta / Giặc mà phá đứt thì ta nối liền… / Tuân theo lời dạy Cha già / Cầu đường giữ vững, dân ta
thắng thù;…
Thấm nhuần lời dạy của Bác “thi đua sản xuất cũng là đánh Tây”, vừa ích nước, vừa lợi
nhà, người nông dân ngày đêm lăn lộn trên đồng ruộng không quản mưa nắng nhọc nhằn,
quyết tâm làm ra nhiều thóc gạo chi viện cho tiền tuyến để bộ đội ăn no đánh thắng: Qua nương
xuống ruộng lên đồi / Ta cuốc, ta xới, ta cười, ta ca / Rằng: Hồ Chủ tịch dạy ta / Tăng gia sản
xuất cũng là đánh Tây;…
Với nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng “trăm năm trồng người”, người thầy giáo vẫn thấm

nhuần lời khuyên của Bác trong từng trang giáo án: Chúng con khuya sớm chuyên cần / Nguyện
vì lợi ích trăm năm trồng người / Trống trường báo một ngày vui / Từng trang giáo án thấm lời
Bác khuyên. Noi gương thầy, cảm thụ những lời truyền dạy của thầy, các bạn học sinh cũng
làm ca dao bày tỏ tình cảm của mình đến với Bác: Mái trường ngói đỏ hây hây / Cây cao bóng
cả tình này Bác che;...
Tóm lại, dù là người nông dân hay công nhân, bộ đội hay dân công, học sinh hay thầy
giáo, nhưng ở họ đều có một điểm chung đó là tình yêu thương chân thành dành cho Bác. Họ đã
thổ lộ điều đó bằng ca dao với tất cả tấm lòng của mình.
1.2.2.3.Tuổi tác
Nhân dân ta, ai ai cũng có thể làm ca dao về Bác. Họ không phân biệt tuổi tác, từ cụ già
tóc bạc đến các em nhỏ đều cất lên tiếng nói tình cảm của mình về Bác bằng ca dao.
Đây là ước mơ có ngày được gặp Bác của một cụ già cao tuổi: Ước gì đời sống thêm
năm / Ước gì mắt sáng để trông Bác Hồ / Đêm khuya chợp mắt tôi mơ: / Lúa vàng thêm mát Cụ
Hồ đứng bên. Qua cuộc đối đáp với anh dân công, một ông lão đã cho biết vì sao tuổi đã cao
mà lão vẫn tham gia vào đội dân công. Lão cho rằng con trai đã đi dân công, rồi dâu, cháu cũng
đi nên lão cũng đan vội đôi bồ để đi vận tải coi như đó là chút nghĩa đền đáp với Cụ Hồ: Lão
đan vồi vội đôi bồ / Sắm sanh cái gậy lão dô hò lão đi.
Dù chưa một lần được gặp Bác nhưng những bà mẹ miền Nam vẫn khẳng định một lòng
một dạ đi theo con đường cách mạng mà Bác đã vạch ra: Con ra thưa với Bác Hồ / Đất này chỉ
một lá cờ vàng sao. Ngày giải phóng Sài Gòn, Bác đã đi xa, đồng bào miền Nam không còn
được đón Bác vào thăm cho thỏa lòng âm thầm mong đợi bấy lâu. Nhưng được tự do ngắm
nghía ảnh Bác từ lâu phải cất giấu, nay đột nhiên xuất hiện, đồng bào cũng cảm thấy sung
sướng lắm, tưởng như Bác vẫn còn đó với non sông, đất nước. Một bà má miền Nam đã thay
mặt nhân dân nói lên điều đó: Giữa ngày giải phóng thành đô / Bỗng đâu tấm ảnh Bác Hồ hiện
ra / Lần đầu được gặp Cha già / Muôn ngàn con mắt trẻ già nhìn no / Má rằng: thương tiếc Cụ
Hồ / Hôm nay thấy Cụ, hết lo, hết sầu / Cụ Hồ tài lớn, đức cao / Nghìn năm vẫn sáng như sao
trên trời
Chúng ta hãy nghe mấy lời tâm huyết của người vợ nông thôn nhắn gửi chồng qua bài ca
dao Nghe lời Bác dạy thi đua / Thử xem ai được, ai thua phen này / Chàng đi ra trận đánh Tây
/ Ruộng để em cày, thóc lúa em gieo / Nghèo thì em biết phận nghèo / Nắng sớm mưa chiều, em

chẳng quản công / Sao cho lúa tốt đầy đồng / Bộ đội no lòng yên chí xông pha / Con thơ cùng
với mẹ già / Chàng cứ tin chắc ở nhà có em…
Một anh lính coi kho đã sáng tác ca dao hứa với Bác rằng: Tôi là anh lính coi kho /
Quanh năm chỉ việc cân, đo, giữ hàng / Nhà kho lại ở trong hang / Bốn bề núi thẳm rừng

×