MỤC LỤC
I. HIỂU BIẾT VỀ ĐỊNH KIẾN GIỚI
1. Khái niệm định kiến giới
Có thể nói, định kiến xã hội tạo nên một sự phân biệt xã hội. Đó là
sự thay đổi hình ảnh của chính mình hoặc làm méo mó, biến dạng về bản
thân khiến chủ thể mang định kiến có sự đánh giá lạc hướng về mình, tạo
nên một sự phân biệt ứng xử với người khác; hoặc đánh giá những phẩm
chất hay ứng xử của người khác tùy theo những mong đợi của chúng ta và
tạo ra sự biện minh xã hội (tạo cho chủ thể mang định kiến sự yên tâm và
giúp họ tự bảo toàn, cũng như nâng cao được giá trị của mình).
Định kiến giới cũng vậy, nó có thể làm phụ nữ hay nam giới đánh
giá không đúng hình ảnh bản thân mình cũng như đánh giá sai người khác.
Định kiến giới làm đơn giản hóa quá trình nhận thức của con người về giới
khác, ngăn cản hiểu biết chính xác những người không cùng giới tính với
mình. Có thể hiểu một cách nôm na, định kiến giới là định kiến xã hội dựa
trên cơ sở giới tính (định kiến của xã hội đối với nam giới hoặc nữ giới).
Trong một xã hội vẫn còn tồn tại bất bình đẳng đối với phụ nữ thì định kiến
giới được hiểu ngầm ẩn là định kiến đối với phụ nữ. Sau đây là một số
khái niệm về định kiến giới được đưa ra trong các tài liệu về giới.
- Định kiến giới là suy nghĩ mà mọi người có về những gì phụ nữ và
nam giới có khả năng và hoạt động mà họ có thể làm.
- Định kiến giới là tập hợp các đặc điểm mà một nhóm người, cộng
đồng cụ thể coi là thuộc tính của phụ nữ hoặc nam giới (ví dụ: nội trợ
không phải việc của đàn ông). Các định kiến giới thường không phản ánh
đúng khả năng thực tế của từng giới mà thường giới hạn những gì mà xã
hội cho phép hoặc mong đợi các cá nhân thực hiện.
- Định kiến giới là các giả định hay lòng tin được thể hiện mà không
có nguyên nhân hay công lý hay nói chung là không có lợi và có thể dẫn
đến gây hại có thể chất lẫn tâm lý cho phụ nữ và nam giới.
- Định kiến giới là việc nhìn nhận không đúng về khả năng của nam
giới hoặc nữ giới; về tính cách mà nam hoặc nữ nên có; về loại hình hoạt
động, nghề nghiệp mà nam hoặc nữ có thể làm hoặc không thể làm.
2. Đặc điểm của định kiến giới
Thứ nhất, định kiến giới được xây dựng dựa trên một sự khái quát
hóa về người khác và dùng nó để đánh giá về nam giới hoặc phụ nữ mà
không tính đến những trường hợp cụ thể. Hành vi của con người là vô cùng
phức tạp và khác nhau trong từng trường hợp nên sự khái quát hóa của ta
về con người dựa trên cơ sở giới tính của người đó thường có khả năng làm
ta bỏ qua những điểm quan trọng. Vì thế, khi dùng định kiến giới để đánh
giá về tính cách và khả năng của con người chỉ dựa trên có sở giới tính của
họ thì có nhiều khả năng những đánh giá đó là sai lầm.
Thứ hai, trong giao tiếp định kiến thường xuyên xuất hiện một cách
tự động, ngẫu nhiên mà nhiều khi ta không kiểm soát được. Ngay cả khi ý
thức của chúng ta cũng có xu hướng biện minh cho định kiến của mình, đặc
biệt khi định kiến đó lại nhằm vào phụ nữ. Định kiến cho phép ta đánh giá
người khác mà không cần nhớ chính xác những gì là căn cứ để chúng ta
đưa ra những đánh giá đó. Với sự “trợ giúp” của định kiến giới, chúng ta có
thể đánh giá về một cá nhân dựa vào việc nhận biết giới tính của họ mà
không cần tập trung quan tâm lắm đến người đó. Về lâu dài chúng ta dễ
2
chấp nhận những quan điểm đó là có cơ sở chắc chắn trên thực tế vì chúng
ta không nhận thức rằng định kiến đã góp phần tạo ra các cơ sở đó.
Thứ ba, chúng ta thường phản ứng với người đối thoại một cách
không chủ ý theo cách chúng ta chỉ lọc ra những hành vi khẳng định các
định kiến của ta về họ. Hãy tưởng tượng một phụ nữ được phỏng vấn vào
vị trí giám đốc điều hành của công ty tin học. Nếu người phỏng vấn tin
rằng phụ nữ không có khả năng quản lý công ty, nhất là một công ty mà
dường như là “độc quyền” của nam giới thì sẽ đưa ra những câu hỏi khó
hơn cho các ứng cử viên nữ và sẽ chỉ trích câu trả lời của họ nhiều hơn. Do
đó, ứng cử viên nữ sẽ có thể lúng túng hơn khi trả lời và làm cho các câu
trả lời của họ kém thành công hơn so với các ứng cử viên nam dù trong
trường hợp này họ không hè kém khả năng so với ứng viên nam. Kết quả là
người phỏng vấn đã khiến ứng viên nữ hành động theo cách phù hợp với
những định kiến của người phỏng vấn rằng phụ nữ có trình độ kém hơn
nam trong quản lý một công ty tin học.
Thứ tư, vì định kiến giới là một kiểu thái độ nên không phải định
kiến lúc nào cũng được phản ánh công khai trong hành động. Trong rất
nhiều trường hợp cá nhân mang định kiến nhận ra rằng mình không thể
biểu lộ nó một cách trực tiếp, do có rất nhiều lý do ngăn cản họ thực hiện
điều này một cách rộng rãi. Ví dụ như các luật lệ, áp lực xã hội, nỗi sợ hãi
bị trả thù hoặc sợ bị người khác đánh giá về nhân cách. Những “rào cản”
này làm cho không ít cá nhân mang định kiến chỉ dám bày tỏ thái độ của
mình mà không thể hiện hành vi định kiến đối với đối tượng họ muốn
chống đối – dù là có ý thức hay vô thức. Nhưng khi không còn những rào
cản và sự kiềm tỏa như vậy thì những niềm tin, cảm giác tiêu cực thắng thế
và nó được thể hiện một cách công khai và trở thành sự phân biệt đối xử.
Có thể thấy, về nội dung, định kiến giới được xem là một trong
những biểu hiện của bất bình đẳng giới. Mặt khác, về chức năng, định kiến
giới có chức năng xác lập và duy trì những bất bình đẳng giới trong thực tế.
Định kiến giới ban đầu có thể xuất phát từ một nhận xét hoặc quan niệm về
một sự việc, hiện tượng thực tế nào đó. Định kiến giới trở thành sâu sắc
3
hơn khi hiện tượng thực tế đã biến đổi nhưng những niềm tin, những khuôn
mẫu về giới vẫn giữ nguyên – trở thành những quan niệm hay chuẩn mực
cứng nhắc, không phản ánh đúng thực tế đang diễn ra.
3. Những hình thức biểu hiện của định kiến giới
3.1. Văn học dân gian: phía sau giá trị văn hóa là những định kiến
giới
Những giá trị văn hóa dân tộc tốt đẹp thường được lưu truyền lại
trong văn học dân gian, dưới các hình thức như ca dao, tục ngữ, truyện ngụ
ngôn, truyện cổ tích, những tích tuồng, những câu hát ví… Đằng sau những
giá trị văn hóa tốt đẹp này vẫn còn chứa đựng những khuôn mẫu giới và
định kiện giới. Điều này thực sự nguy hiểm bởi hai lẽ.
Thứ nhất, sau cái bóng là giá trị văn hóa, những khuôn mẫu và định
kiến giới này trở thành “bình thường hóa”. Vì vậy nó khó được nhận biết.
Ngay cả khi được nhận biết, nó cũng khó bị xóa bỏ bởi cái gọi là “Giữ gìn
các giá trị văn hóa”.
Thứ hai, văn hóa dân gian thường được con người tiếp xúc từ rất nhỏ
thậm chí từ khi mới lọt lòng qua những câu hát, lời hò. Sự tiếp thu định
kiến giới trong ca dao, hò vè của trẻ nhỏ một cách tự động đã làm hạn chế
sự phân tích, sự phê phán của chúng ta ở tuổi trưởng thành để loại bỏ các
khuôn mẫu giới không phù hợp. Vì lí do này, cha mẹ và thầy cô giáo là
những người gần gũi nhất có thể giúp trẻ loại bỏ những khuôn mẫu giới
trong văn hóa dân gian.
Ví dụ, hát ru là hình thức văn hóa dân gian đầu tiên trẻ được tiếp cận.
Nhiều người chắc vẫn nhớ câu hát ru: “Trai thời đọc sách ngâm thơ, gái
thời giữ việc trong nhà…” hay “Phận gái yếu liễu đào tơ, lấy chồng thì
phải..” v.v…Và còn nhiều câu hát ru chứa đựng các hình mẫu giới tính.
Trong các câu hát ru, người ta thường ca ngợi vai trò người phụ nữ trong
gia đình, như biết làm “cơm dẻo, canh ngọt”, chăm sóc chồng con chu
toàn…, mà hiếm thấy hình ảnh người phụ nữ biết phân đấu để thành đạt
ngoài xã hội. Cũng như thế, hình mẫu người đàn ông tìm thấy trong các câu
hát ru thường là người biết gánh vác các việc lớn trong gia đình, có chí tiến
4
thủ… mà hiếm thấy hình ảnh người chồng biết chia sẻ với vợ trong công
việc và trong các quyết định nội trợ gia đình.
Trong kho tàng ca dao Việt Nam, có nhiều hình mẫu của nam giới và
phụ nữ trong các câu ca dao, trong đó phụ nữ bị nhắc đến với nhiều nét
“tính xấu” hơn nhiều lần so với nam giới. Nam giới thường được nhắc đến
với những nét “tính xấu” như: lười nhác, ngốc nghếch, xấu về ngoại hình
và cả chuyện không biết làm việc lớn mà chỉ biết… “làm bếp”. Trong khi
đó, người phụ nữ được nhắc đến với những “tính xấu” đa dạng hơn nhiều:
“nỏ” mồm, lẳng lơ, hay ăn vụng, không chồng mà chửa, lười nhác, không
biết đẻ còn, không biết dạy con, không biết lo việc nhà, không hiếu thuận
với cha mẹ chồng… Tất nhiên vấn đề cần bàn không chỉ là sự tồn tại của
một số câu ca dao mang những khuôn mẫu giới mà là khi người ta sử dụng
nó để "chỉ trích” một ai đó theo những khuôn mẫu giới này. Trong thực tế,
các câu dao luôn là lời “trích dẫn” có ‘trọng lượng” để nhận xét về hành
động của một người nam giới hay phụ nữ.
Những hình mẫu giới bắt gặp trong các câu hát ru, các câu ca dao đã
phản ánh thực tế của những thế kỷ trước. Giờ đây, trước những biến
chuyển xã hội, những hình mẫu này đã không còn phù hợp và ít nhiều gây
bất lợi trong việc hình thành các vai trò giới nhất là với trẻ nữ. Ảnh hưởng
của những khuôn mẫu giới tiêu cực là không thể tránh khỏi. Những khuôn
mẫu giới trong quá khứ không chỉ ảnh hưởng đến trẻ nhỏ mà chắc chắn còn
góp phần duy trì, củng cố niềm tin dập khuôn của người lớn.
3.2. Báo in: Một sự duy trì định kiến giới hợp pháp
Một trong những nhóm người tiếp cận đầu tiên với vấn đề giới ở
Việt Nam phải kể đến là các nhà báo. Vì vậy, về mặt lí thuyết họ là và cần
là những người nắm bắt tốt các trào lưu phát triển vấn đề giới ở Việt Nam.
Tuy nhiên, trong những thực tế còn rất nhiều những định kiến giới được
duy trì trong nội dung các bài báo. Có hai lý do chính cho tình trạng này.
Thứ nhất, nhiều người vẫn còn những niềm tin sai lầm khi tách biệt
vai trò của phụ nữ, đâu là vai trò của nam giới. Đây là thực tế không tránh
5
khỏi, khi các khuôn mẫu giới hầu như là “vô hình” bởi chúng ta đã quá
quen với nó.
Thứ hai, quá nhiều bài viết về vai trò của phụ nữ và nam giới đăng
trong những số báo là của những tác giả không chuyên về lĩnh vực giới và
thực tế việc tiếp cận với vấn đề giới còn nhiều hạn chế. Dù vì lí do gì, vấn
đề giới và phát triển vẫn cần được quan tâm hơn nữa trong lĩnh vực báo
chí.
Trong khi những rào cản công khai đối với sự tiến bộ của phụ nữ gần
như đang dần xóa bỏ 1 cách có ý thức, thì những rào cản khác, những lực
lượng tinh vi hơn vẫn tiếp tục duy trì và bảo vệ những định kiến giới đối
với nữ giới (và không loại trừ cả nam giới) dưới rất nhiều hình thức, hay cả
những hình thức được “hợp pháp hóa” như trên báo in.
Sau đây là một số quan điểm của các tác giả bài bào phân tích về vai
trò của phụ nữ và nam giới, mà chúng tôi cho rằng nó chứa đựng những
thông tin mang định kiến dựa trên khuôn mẫu giới. Những quan điểm dập
khuôn này thường không xuất phát từ những kiến thức khoa học về giới,
nhưng lại có vai trò duy trì, củng cố, giáo dục sự bất bình đẳng giới trong
xã hội một cách vô thức.
- “Tề gia nội trợ là công việc muôn thuở của người phụ nữ. Việc chợ
búa, bếp núc được gắn liền với người phụ nữ như là một thiên chức, một
trách nhiệm ẩn chứa trong đó là niềm kiêu hãnh chứ không phải là sự vất vả
đơn thuần… Người phụ nữ hạnh phúc và toàn vẹn không thể là một người
phụ nữ không biết nấu ăn” (Tại sao nhiều bạn gái bây giờ nấu ăn kém, Phụ
nữ Thủ đô, 20/27/1999).
- “Các chuyên gia tâm lí ở nhiều nước cho rằng trong thời đại bình
đẳng nam nữ vẫn nên là người chồng, người cha… đặc điểm của phái yếu là
dịu dàng, mềm mại và thường quá thương con nên hay mềm lòng, thiếu tính
kiên quyết trước những đòi hỏi của con… Đàn ông đã định làm cái gì
thường nhất định làm bằng được trong khi phụ nữ hay đắn đo, cân nhắc quá
kĩ thành ra do dự” (Ai là chủ gia đình? Phụ nữ Thủ đô, số ra 2-9/10/2002).
6