Tải bản đầy đủ (.doc) (200 trang)

Quan hệ giữa CQĐT và Viện Kiểm sát nhân dân trong điều tra các tội XPSH trên địa bàn huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (675.16 KB, 200 trang )

MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài
Theo qui định của pháp luật TTHS, CQĐT và Viện KSND là hai cơ
quan tiến hành tố tụng, có chức năng, nhiệm vụ khác nhau. CQĐT có chức
năng, nhiệm vụ tiến hành các hoạt động theo qui định của Bộ luật TTHS để
phát hiện tội phạm và người phạm tội, tiến hành các hoạt động điều tra, lập hồ
sơ đề nghị truy tố. Viện KSND là cơ quan có chức năng thực hành quyền
công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong TTHS để bảo đảm mọi hành vi
phạm tội phải được phát hiện nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ và xử lý công
minh, đúng pháp luật. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, các CQĐT
và Viện KSND vừa chế ước lẫn nhau, vừa có trách nhiệm phối hợp với nhau
để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động TTHS.
Từ Liêm là một huyện ngoại thành nằm ở phía Tây - Nam thành phố
Hà Nội. Trong những năm qua tình hình các loại tội phạm XPSH như trộm
cắp tài sản, cướp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm
chiếm đoạt tài sản... trên địa bàn huyện diễn ra hết sức phức tạp và là tội
phạm xảy ra chủ yếu, gây mất trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Với chức
năng, nhiệm vụ của mình, CQĐT Công an huyện Từ Liêm đã có sự nỗ lực
trong phát hiện, điều tra các vụ án về tội phạm XPSH và đã thu được những
kết quả khả quan. Thực tế cho thấy kết quả công tác điều tra các vụ án XPSH
của CQĐT đạt được, có vai trò thực sự quan trọng của Viện KSND huyện Từ
Liêm. Ngoài những hoạt động theo chức năng của mỗi cơ quan, giữa CQĐT
với Viện KSND huyện Từ Liêm trong nhiều năm qua, đã có sự quan hệ phối
hợp chặt chẽ, tạo nên sự đồng bộ nâng cao hiệu quả đấu tranh chống tội phạm
XPSH trên địa bàn huyện. Mối quan hệ này đã được thể hiện trên từng nội
dung trong điều tra các vụ án về tội phạm XPSH. Tuy nhiên do những nguyên
nhân khách quan và chủ quan, trong quan hệ giữa CQĐT và Viện KSND
6
huyện Từ Liêm trong điều tra các tội phạm XPSH vẫn còn bộc lộ những tồn
tại, hạn chế nhất định, nên quan hệ phối hợp gặp không ít những khó khăn,
vướng mắc. Từ thực tiễn công tác, chúng tôi cũng nhận thấy việc tìm hiểu


những vấn đề lí luận, khảo sát thực tiễn rút ra những bài học kinh nghiệm để
từng bước nâng cao hiệu quả mối quan hệ giữa CQĐT và Viện KSND trong
điều tra các tội phạm XPSH trên địa bàn huyện Từ Liêm là có ý nghĩa thiết
thực.
Nhìn nhận từ bình diện lý luận cho thấy, sự phổ biến của các tội phạm
XPSH xảy ra trên địa bàn, sự phức tạp trong tổ chức điều tra các tội phạm này
đã đặt ra yêu cầu lí giải một cách thấu đáo dưới góc độ lí luận về mối quan hệ
phối hợp giữa CQĐT và Viện KSND trong điều tra các tội phạm XPSH trên
một địa bàn cụ thể. Mối quan hệ giữa CQĐT và Viện kiểm sát trong điều tra
tội phạm được bàn dưới nhiều góc độ khoa học pháp lí nhưng chủ yếu là
Khoa học Luật TTHS. Chẳng hạn như: giáo trình Luật TTHS Việt Nam của
Học viện CSND [12, trang 358], cuốn: “Mối quan hệ giữa CQĐT với các cơ
quan tham gia TTHS” của Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Quang [17]. Nhìn
chung có rất ít công trình nghiên cứu, bài viết bàn về mối quan hệ giữa CQĐT
và Viện KSND trong hoạt động điều tra hình sự và có thì cũng nghiên cứu ở
phạm vi rộng, mà chưa có công trình nào nghiên cứu về quan hệ phối hợp
giữa CQĐT và Viện KSND trong điều tra một nhóm tội ở một địa bàn cấp
huyện nhất định.
Trước những đòi hỏi của tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển lí
luận về mối quan hệ giữa CQĐT và Viện KSND trong điều tra các tội phạm
XPSH trên một địa bàn cụ thể, tôi chọn đề tài: “Quan hệ giữa CQĐT và Viện
Kiểm sát nhân dân trong điều tra các tội XPSH trên địa bàn huyện Từ Liêm,
thành phố Hà Nội” một mặt làm đề tài luận văn cao học luật, mặt khác giúp
nâng cao nhận thức và năng lực của chính bản thân trong chỉ đạo hoạt động
của Viện KSND huyện Từ Liêm.
7
2. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn
Mục đích của luận văn nhằm nghiên cứu một số vấn đề lý luận và đánh
giá thực trạng của quan hệ giữa CQĐT với Viện KSND trong điều tra các tội
XPSH trên địa bàn huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội; qua đó đề xuất các giải

pháp nâng cao hiệu quả quan hệ phối hợp giữa hai cơ quan này trong đấu
tranh phòng, chống tội phạm.
Để đạt được mục đích nêu trên, luận văn có nhiệm vụ cụ thể sau đây:
- Khái quát lý luận về các tội phạm XPSH;
- Luận giải những vấn đề lý luận và cơ sở pháp lý về quan hệ giữa
CQĐT và Viện KSND cấp huyện trong điều tra các tội phạm XPSH;
- Khảo sát, thống kê số liệu phản ánh thực trạng tình hình mối quan hệ
giữa CQĐT và Viện KSND trong điều tra các tội XPSH trên địa bàn huyện
Từ Liêm, đánh giá những ưu điểm và tồn tại của mối quan hệ này;
- Đề xuất một số giải pháp chung và những kiến nghị để nâng cao chất
lượng, hiệu quả của mối quan hệ giữa CQĐT và Viện KSND huyện Từ Liêm
trong điều tra tội phạm XPSH để nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Với tư cách là một đề tài khoa học thuộc lĩnh vực khoa học pháp lý ứng
dụng, đề tài có đối tượng nghiên cứu là các vấn đề lý luận và hoạt động thực
tiễn trong quan hệ giữa CQĐT và Viện KSND trong điều tra các tội XPSH
trên địa bàn huyện Từ Liêm thành phố Hà Nội.
Về phạm vi nội dung nghiên cứu: theo qui định của Bộ luật TTHS cũng
như Pháp lệnh tổ chức ĐTHS, việc điều tra các tội XPSH thuộc thẩm quyền
của Cơ quan CSĐT, do vậy đề tài tập trung nghiên cứu các vấn đề trong mối
quan hệ phối hợp giữa Cơ quan CSĐT và Viện KSND trong điều tra các tội
XPSH. Nếu theo qui định của BLHS thì các tội XPSH được qui định ở
8
Chương XIV và có một số tội XPSH được qui định ở chương khác, đề tài chỉ
tập trung nghiên cứu các tội XPSH được qui định ở Chương XIV BLHS năm
1999.
Về phạm vi thời gian: đề tài giới hạn nghiên cứu vấn đề trong giai đoạn
từ năm 2000 đến nay và trên địa bàn huyện Từ Liêm, Hà Nội.
4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận văn
Luận văn được thực hiện trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa

Mác - Lênin về nhà nước và pháp luật, các quan điểm của Đảng và Nhà nước
ta trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm. Các phương pháp nghiên
cứu cụ thể được sử dụng để triển khai nghiên cứu đề tài bao gồm: khảo sát,
thống kê, so sánh, nghiên cứu quy phạm pháp luật dưới góc độ biện chứng,
lịch sử cụ thể.
5. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn
Là công trình đầu tiên nghiên cứu về quan hệ giữa CQĐT và Viện
KSND trong điều tra các tội XPSH trên địa bàn huyện Từ Liêm, thành phố Hà
Nội, đề tài đã có những đóng góp nhất định trên phương diện lý luận và thực
tiễn. Đề tài đã làm rõ cơ sở pháp lý, cơ sở lý luận cũng như đánh giá được
thực trạng của quan hệ này giữa CQĐT với Viện KSND trong điều tra một
nhóm tội phạm cụ thể ở một địa bàn cụ thể; qua đó đề xuất được một số giải
pháp và kiến nghị để các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn nghiên cứu có
thể ứng dụng vào thực tiễn công tác của mình, cũng như qua đó, kiến nghị với
cơ quan nhà nước hoàn thiện pháp luật về vấn đề này. Với ý nghĩa lý luận và
thực tiễn nêu trên, luận văn có thể được coi là tài liệu tham khảo tốt trong
nghiên cứu, học tập về chuyên ngành ở các cơ sở đào tạo chuyên ngành luật.
Ở phía thực tiễn, cán bộ thực tế có thể tham khảo luận văn khi giải quyết
những vấn đề do thực tiễn quan hệ phối hợp trong điều tra vụ án hình sự giữa
9
CQĐT và Viện KSND; qua đó góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng,
chống tội phạm.
6. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và các phụ
lục, luận văn được cấu trúc thành ba chương.
Chương 1. Những vấn đề lý luận chung về quan hệ giữa CQĐT và
Viện KSND trong điều tra các tội XPSH.
Chương 2. Thực trạng quan hệ giữa CQĐT và Viện KSND trong điều
tra các tội XPSH trên địa bàn huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội từ năm 2000
đến nay.

Chương 3. Một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả quan hệ giữa
CQĐT và Viện KSND trong điều tra các tội XPSH trên địa bàn huyện Từ
Liêm, thành phố Hà Nội.
10
Chương 1
NHỮNG VẤN ĐỀ LÍ LUẬN CHUNG VỀ QUAN HỆ
GIỮA CƠ QUAN ĐIỀU TRA VÀ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TRONG ĐIỀU TRA CÁC TỘI XÂM PHẠM SỞ HỮU
1.1. Những đặc trưng cơ bản trong điều tra các tội XPSH
1.1.1. Đặc điểm pháp lí của các tội phạm XPSH
Trong điều tra và kiểm sát hoạt động điều tra các tội phạm nói chung,
việc nhận thức đúng các đặc điểm pháp lí của tội phạm có ý nghĩa hết sức
quan trọng. Có hiểu đúng các qui định về các tội phạm XPSH, các cơ quan
tiến hành tố tụng mới xác định đúng phương hướng điều tra, xử lí đảm bảo
đúng yêu cầu của pháp luật.
Các tội phạm XPSH được qui định tại Chương XIV - Các tội phạm
XPSH của BLHS năm 1999, với 13 điều, từ Điều 133 đến Điều 145. Các tội
phạm XPSH có những dấu hiệu đặc trưng sau đây:
- Các dấu hiệu về khách thể của tội phạm
Các tội phạm XPSH có khách thể là quan hệ sở hữu về tài sản. Điều đó
có nghĩa là các tội phạm XPSH là những hành vi xâm hại hoặc đe doạ xâm
hại, gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu thuộc các hình thức sở hữu toàn dân; sở
hữu của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội; sở hữu tập thể; sở hữu tư
nhân; sở hữu của các tổ chức xã hội; tổ chức xã hội - nghề nghiệp; sở hữu hỗn
hợp; sở hữu chung [19, từ Điều 205 đến Điều 240].
Quyền sở hữu về tài sản là khách thể của các tội phạm XPSH nhưng
một tội phạm XPSH có thể không xâm phạm vào tất cả ba quyền năng (quyền
chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt) của chủ sở hữu. Một hành vi chỉ
cần gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại đến một trong ba quyền năng đó
cũng cấu thành tội XPSH như tội sử dụng trái phép tài sản (Điều 142) chẳng

hạn, chỉ xâm phạm đến quyền sử dụng tài sản...
11
Quyền sở hữu về tài sản bị xâm hại bởi các tội phạm XPSH là quyền sở
hữu tài sản của người khác ngoài chủ thể thực hiện tội phạm. Hành vi xâm hại
đến quyền sở hữu tài sản của chính mình không cấu thành tội XPSH.
Trong các tội phạm XPSH, khách thể loại và khách thể trực tiếp đều là
quyền sở hữu tài sản. Vì vậy, để phân biệt các tội phạm XPSH cụ thể phải
phân tích từng nội dung quyền năng pháp lí của quyền sở hữu tài sản bị xâm
hại, đồng thời phải dựa vào các dấu hiệu khác của tội phạm. Trong trường
hợp cá biệt, một số tội phạm XPSH còn xâm hại tới các quan hệ xã hội khác
được luật hình sự bảo vệ. Trong trường hợp này, hành vi xâm hại đến các
quan hệ xã hội khác phải đồng thời với quyền sở hữu tài sản mới cấu thành tội
phạm XPSH. Chẳng hạn hành vi dùng vũ lực tấn công người khác chỉ cấu
thành tội phạm cướp tài sản theo qui định tại Điều 133 BLHS khi có sự chiếm
đoạt hoặc nhằm để chiếm đoạt tài sản...
Tài sản thuộc các hình thức sở hữu được pháp luật bảo vệ là thực thể
biểu hiện khách thể của tội phạm, là đối tượng của các tội phạm XPSH. Tài
sản là đối tượng tác động của các tội XPSH có những đặc điểm riêng so với
tài sản thuộc đối tượng tác động của các tội phạm khác. Những đặc điểm đó
là:
+ Tài sản phải được thể hiện dưới dạng vật chất, có giá trị vật chất cụ
thể. Tài sản thể hiện dưới dạng phi vật chất như quyền sử dụng đất, quyền tác
giả, quyền sở hữu công nghiệp...; tài sản không có giá trị vật chất cụ thể như
nguồn nước tự nhiên, sinh vật dưới biển, thú trong rừng... không phải là đối
tượng tác động của các tội phạm XPSH. Mặt khác, tài sản là đối tượng của
các tội phạm XPSH phải có giá trị sử dụng. Tài sản không có giá trị sử dụng
như thuốc tân dược hết thời hạn sử dụng mang tiêu huỷ, động vật chết đã đem
chôn... không phải là đối tượng của các tội phạm XPSH.
12
+ Tài sản là đối tượng của các tội phạm XPSH phải có chủ sở hữu cụ

thể. Tài sản không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu đã tự nguyện từ
bỏ trước khi xảy ra hành vi chiếm đoạt không phải là đối tượng của các tội
phạm XPSH.
+ Tài sản là đối tượng của các tội XPSH có thể có nhiều dạng khác
nhau như những vật thể cụ thể song cũng có thể là các giấy tờ mà thông qua
đó người phạm tội có thể nhận được một số tiền hoặc tài sản như: phiếu gửi
xe; giấy tờ kí gửi, cầm đồ tài sản; thẻ thanh toán...
+ Tài sản là đối tượng của các tội phạm XPSH là những tài sản thông
thường, có thể trao đổi, mua bán một cách hợp pháp. Những tài sản có tính
chất đặc biệt như vũ khí, phương tiện quân sự, chất độc, chất nổ, chất phóng
xạ, ma tuý... là đối tượng của các tội phạm được định tại các điều luật ngoài
các tội phạm qui định tại Chương XIV không coi là đối tượng của các tội
phạm XPSH. Những vật có thực nhưng theo phong tục, tập quán chưa từng
được coi là tài sản thì hành vi chiếm đoạt cũng không cấu thành tội phạm
XPSH. Chẳng hạn: hành vi chiếm đoạt hài cốt lính Mĩ chết trận tại Việt
Nam...
Như vậy, khách thể của các tội phạm XPSH là quyền sở hữu tài sản.
Tài sản là đối tượng tác động của các tội phạm XPSH phải thoả mãn các đặc
điểm vốn có của tài sản thông thường, đồng thời thoả mãn các yếu tố về sự
tác động của hành vi, ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi XPSH.
- Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan
Trước hết, về hành vi khách quan. Các tội phạm XPSH đều có hành vi
khách quan xâm hại đến các quyền năng của chủ sở hữu tài sản. Đó là các
hành vi gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại đến các quyền chiếm hữu, sử
dụng, định đoạt tài sản của chủ sở hữu tài sản. Có thể phân loại các hành vi
XPSH thành hai loại như sau:
13
+ Hành vi XPSH có tính chất chiếm đoạt tài sản. Chiếm đoạt tài sản là
hành vi cố ý chuyển giao một cách bất hợp pháp tài sản thuộc sở hữu người
khác thành tài sản của mình hoặc một nhóm người hay người khác mà chủ thể

chiếm đoạt quan tâm. Hành vi chiếm đoạt tài sản làm mất khả năng thực hiện
cả quyền chiếm giữ, sử dụng, định đoạt của chủ sở hữu tài sản. Các hành vi
XPSH có tính chất chiếm đoạt được qui định trong BLHS trong 8 điều từ
Điều 133 đến Điều 140, bao gồm: hành vi cướp tài sản (Điều 133); hành vi
bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 134); hành vi cưỡng đoạt tài sản (Điều
135); hành vi cướp giật tài sản (Điều 136); hành vi công nhiên chiếm đoạt tài
sản (Điều 137); hành vi trộm cắp tài sản (Điều 138); hành vi lừa đảo chiếm
đoạt tài sản (Điều 139); hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều
140).
+ Hành vi XPSH không có tính chất chiếm đoạt. Những hành vi XPSH
không có tính chất chiếm đoạt được qui định từ Điều 141 đến Điều 145 BLHS
bao gồm những hành vi: hành vi chiếm giữ trái phép tài sản (Điều 141); hành
vi sử dụng trái phép tài sản (Điều 142); hành vi huỷ hoại hoặc cố ý làm hư
hỏng tài sản (Điều 143); hành vi thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng
tài sản của Nhà nước (Điều 144); hành vi vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến
tài sản (Điều 145).
Về hậu quả tác hại, đa số các tội phạm XPSH hậu quả không phải là
dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm trừ một số trường hợp cá biệt như:
Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước
(Điều 144); tội vô ý gây thiệt hạn nghiêm trọng đến tài sản (Điều 145). Hậu
quả ở các tội phạm này là những thiệt hại vật chất và ở mức độ nghiêm trọng
mới cấu thành tội phạm. Mức độ thiệt hại về vật chất cũng là ranh giới để
phân biệt tội phạm với hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu TNHS và
phân định các trường hợp thuộc các khung hình phạt khác nhau. BLHS năm
1999 qui định, giá trị tài sản bị xâm hại do hành vi chiếm đoạt gây ra là từ
14
500.000 đồng trở lên mới bị truy cứu TNHS. Tuy nhiên, có thể truy cứu
TNHH với những người chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới 500.000 đồng
nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lí hành chính về hành vi
chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt chưa được xoá án mà

còn vi phạm. Riêng với các tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, thì
thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng trở lên mới bị truy cứu TNHS.
- Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm
Các tội phạm XPSH có chủ thể là những người thoả mãn các điều kiện
chung của chủ thể tội phạm và tuỳ theo từng tội phạm mà độ tuối chịu TNHS
được xác định không giống nhau. Riêng đối với tội thiếu trách nhiệm gây
thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước (Điều 144 BLHS), chủ thể
của tội phạm phải là người có trách nhiệm quản lí tài sản của Nhà nước.
- Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm
Các tội phạm XPSH chủ yếu có cấu thành lỗi cố ý, bao gồm tất cả các
tội phạm có tính chất chiếm đoạt và một số tội không có tính chất chiếm đoạt
là: tội chiếm giữ trái phép tài sản (Điều 141); tội sử dụng trái phép tài sản
(Điều 142); tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 143 BLHS). Chỉ
có hai tội qui định tại Điều 144 và Điều 145 được qui định bởi lỗi vô ý.
Về động cơ, mục đích phạm tội, có thể các tội phạm XPSH thành hai
loại:
+ Các tội phạm có tính chất tư lợi, bao gồm: tất cả các tội phạm có tính
chất chiếm đoạt; tội chiếm giữa trái phép tài sản và tội sử dụng trái phép tài
sản;
+ Các tội phạm không có tính chất tư lợi, bao gồm: tội cố ý huỷ hoại
hoặc làm hư hỏng tài sản; tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đến
tài sản của Nhà nước; tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản.
15
Như vậy, từ những phân tích trên đây có thể hiểu: Các tội phạm XPSH
là hành vi của người có năng lực TNHS thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý,
xâm hại đến quyền sở hữu về tài sản của Nhà nước, tổ chức hoặc cá nhân.
1.1.2. Đặc điểm của hoạt động điều tra các tội phạm XPSH
Dưới góc độ của luật TTHS thì điều tra vụ án hình sự là một giai đoạn
hoạt động TTHS bắt đầu từ khi có có quyết định khởi tố vụ án hình sự đến khi
lập kết luận điều tra, đề nghị truy tố hoặc đình chỉ điều tra khi có đủ căn cứ

theo qui định của luật TTHS. Trong giai đoạn này, CQĐT có thẩm quyền có
trách nhiệm tiến hành các hoạt động theo qui định của Bộ luật TTHS để thu
thập chứng cứ, làm rõ có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện
hành vi phạm tội và những vấn đề khác có liên quan đến việc giải quyết đúng
đắn vụ án.
Trên cơ sở qui định của luật TTHS và thực tiễn hoạt động điều tra vụ
án hình sự, khoa học ĐTHS xác định: “Điều tra vụ án hình sự là hoạt động
của CQĐT và các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra theo
luật định, được tiến hành theo thủ tục và trình tự TTHS nhằm làm rõ sự thật
của vụ án đã xảy ra theo yêu cầu của pháp luật”. Định nghĩa trên đã chỉ ra
những điểm cơ bản nhất, phản ánh bản chất của hoạt động điều tra.
Trên cơ sở phát triển khái niệm điều tra vụ án hình sự của khoa học
ĐTHS, có thể xác định: Điều tra vụ án hình sự về tội phạm XPSH là hoạt
động của CQĐT và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số
hoạt động điều tra theo luật định, được tiến hành theo trình tự, thủ tục của luật
TTHS đối với những vụ án XPSH đã xảy ra, đã được khởi tố nhằm mục đích
chứng minh sự thật khách quan của vụ án theo yêu cầu pháp luật.
Như vậy, đối tượng của hoạt động điều tra các vụ án XPSH là những
vụ án hình sự về các tội phạm XPSH đã xảy ra, đã được khởi tố. Chủ thể của
hoạt động điều tra vụ án hình sự về tội phạm XPSH là CQĐT và các cơ quan
16
được giao tiến hành một số hoạt động điều tra theo qui định về phân công,
phân cấp điều tra. Hoạt động điều tra được tiến hành theo trình tự, thủ tục của
luật TTHS, quá trình điều tra, chủ thể điều tra được áp dụng các biện pháp
theo qui định của pháp luật để làm rõ sự thật vụ án. Bản chất của hoạt động
điều tra các vụ án XPSH là quá trình nhận thức, chứng minh sự thật khách
quan của vụ án XPSH đã xảy ra theo yêu cầu pháp luật.
Từ những nội dung cơ bản về hoạt động điều tra và đặc điểm pháp lí
của các tội phạm XPSH có thể xác định, điều tra vụ án hình sự về các tội
phạm XPSH có những đặc điểm cơ bản sau đây:

- Thứ nhất, điều tra vụ án hình sự về các tội phạm XPSH là quá trình
chứng minh sự thật vụ án XPSH đã xảy ra. Quá trình điều tra, CQĐT có trách
nhiệm làm rõ các nội dung thuộc đối tượng chứng minh trong vụ án hình sự
về các tội phạm XPSH. Xét về bản chất, hoạt động chứng minh trong điều tra
các vụ án XPSH là hoạt động kết hợp chặt chẽ giữa hai mặt tư duy và thực
tiễn được qui định bằng các chế định pháp luật TTHS. Sự kết hợp đó luôn
xoay quanh những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án. Trên cơ sở qui
định tại Điều 63 Bộ luật TTHS và đặc điểm của các tội phạm XPSH có thể
xác định những vấn đề cần chứng minh trong vụ án XPSH bao gồm:
+ Có hành vi phạm tội XPSH xảy ra hay không, hành vi XPSH cụ thể
nào, tội danh và điều khoản áp dụng đối với hành vi đó, thời gian, địa điểm
xảy ra tội phạm, thủ đoạn thực hiện, công cụ, phương tiện thực hiện hành vi
XPSH;
+ Ai là người thực hiện hành vi phạm tội? Có đồng phạm hay không?
Vai trò, vị trí của từng người trong quá trình thực hiện tội phạm? Họ có năng
lực TNHS hay không? Có lỗi không? Động cơ, mục đích phạm tội là gì?
17
+ Những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS đối với từng đối tượng
theo quy định của Bộ luật hình sự (Điều 46, Điều 48); đặc điểm về nhân thân
của các đối tượng đang được điều tra.
+ Loại tài sản và giá trị tài sản bị chiếm đoạt và những thiệt hại khác về
tài sản, tính mạng, sức khoẻ con người, tác hại về chính trị, văn hoá, tư
tưởng... do hành vi phạm tội XPSH gây ra.
Một vụ án XPSH chỉ được thừa nhận đã được chứng minh trong khuôn
khổ điều tra khi chủ thể hoạt động điều tra đã thu thập được đầy đủ chứng cứ
chứng minh đầy đủ những vấn đề cần phải chứng minh nêu trên. Trong
trường hợp, chứng minh được tội phạm và người thực hiện tội phạm XPSH,
chủ thể điều tra mới lập hồ sơ đề nghị truy tố người đã có chứng cứ chứng
minh họ thực hiện tội phạm, những người không có chứng cứ chứng minh họ
thực hiện tội phạm thì không được đề nghị truy tố. Như vậy, hiệu quả của

công tác điều tra vụ án phụ thuộc vào quá trình chứng minh tội phạm XPSH.
- Điều tra vụ án hình sự về các tội phạm XPSH phải làm rõ tài sản bị
xâm hại. Việc xác định đúng giá trị tài sản bị chiếm đoạt, bị chiếm giữ, sử
dụng trái phép, bị huỷ hoại, làm hư hỏng, bị thiệt hại có ý nghĩa quan trọng
trong xác định tội phạm cũng như định khung xử lí phù hợp với qui định của
BLHS. Mặt khác, làm rõ đặc điểm tài sản bị xâm hại còn có ý nghĩa trong
truy tìm tài sản trong những vụ án XPSH có tính chất chiếm đoạt, vụ lợi.
Tổng kết kinh nghiệm quá trình đấu tranh chống các tội phạm XPSH,
TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp đã ban hành
Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày
25 tháng 12 năm 2001 hướng dẫn áp dụng một số qui định tại Chương XIV -
“Các tội phạm XPSH” của BLHS năm 1999. Theo Thông tư này có thể xác
định một số vấn đề cần chú ý khi xác định giá trị tài sản bị xâm hại trong các
vụ án hình sự về các tội phạm XPSH như sau:
18
+ Trong trường hợp làm rõ được người vi phạm ý thức được giá trị của
tài sản định xâm hại thì lấy giá trị đó làm căn cứ để truy cứu TNHS và định
khung xử lí đối với người vi phạm;
+ Nếu người có hành vi XPSH có ý định xâm phạm đến tài sản nhưng
không quan tâm đến giá trị tài sản thì lấy giá thị trường của tài sản bị xâm hại
tại địa phương vào thời điểm xảy ra tội phạm để xem xét việc truy cứu TNHS
và định khung xử lí đối với người vi phạm;
+ Trường hợp tài sản bị xâm phạm không còn, thì dựa vào lời khai của
những người biết về tài sản để xác định đó là tài sản gì; nhãn mác của tài sản;
giá trị ban đầu và giá trị còn lại của tài sản, xác định giá thực tế tại địa phương
vào thời điểm tài sản bị xâm hại... trên cơ sở đó kết luận về giá trị tài sản bị
xâm hại;
+ Trong trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng một loại hành
vi XPSH nhưng giá trị tài sản bị xâm hại dưới mức tối thiểu để truy cứu
TNHS qui định của BLHS và không thuộc các trường hợp khác để truy cứu

TNHS (gây hậu quả nghiêm trọng; đã bị xử phạt hành chính; đã bị kết án
nhưng chưa được xoá án tích...), đồng thời trong các hành vi xâm phạm đó
chưa có lần nào bị xử phạt hành chính, nếu tổng giá trị tài sản của các lần bị
xâm hại bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu TNHS theo qui định của
BLHS thì người thực hiện nhiều lần cùng một loại hành vi XPSH phải bị truy
cứu TNHS về tội phạm tương ứng theo tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm
phạm, nếu: Các hành vi XPSH được thực hiện một cách liên tục; Việc thực
hiện hành vi XPSH có tính chất chuyên nghiệp (lấy tài sản do việc XPSH làm
nguồn sống chính); Với mục đích XPSH, nhưng do điều kiện, hoàn cảnh
khách quan nên việc XPSH phải được thực hiện nhiều lần mà mỗi lần xâm
phạm tài sản có giá trị dưới 500.000 đồng. Trong những trường hợp này,
không áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” theo điểm g khoản 1
19
Điều 48 BLHS và không áp dụng tình tiết tăng nặng định khung “có tính chất
chuyên nghiệp” qui định tại Khoản 2 của các điều luật tương ứng...
Ngoài việc xác định giá trị tài sản như trên, trong điều tra các vụ án
hình sự về các tội phạm XPSH còn phải làm rõ chủ sở hữu, người quản lí các
tài sản bị chiếm đoạt tức là xác định người bị hại trong vụ án. Như đã phân
tích về đặc điểm của các tội phạm XPSH, tài sản là đối tượng của các tội
phạm XPSH phải có chủ sở hữu cụ thể. Vì vậy xác định người bị hại (tổ chức
hoặc cá nhân) trong vụ án là một yêu cầu trong điều tra các vụ án XPSH. Việc
làm rõ người bị hại trong các vụ án XPSH không chỉ giúp cho việc làm rõ sự
thật của vụ án mà còn giúp truy tìm tài sản trả lại cho người bị chiếm đoạt,
giải quyết bồi thường vật chất...
- Trong điều tra các tội phạm XPSH, chủ thể điều tra phải sử dụng
đồng bộ nhiều biện pháp trong đó chủ yếu là các hoạt động theo trình tự, thủ
tục của luật TTHS. Điều tra vụ án XPSH trước hết là hoạt động ĐTHS, được
tiến hành một cách công khai theo qui định của luật TTHS. Chính vì vậy, quá
trình điều tra chủ thể điều tra phải sử dụng các biện pháp ngăn chặn, các biện
pháp điều tra theo qui định của Bộ luật TTHS. Tuy nhiên, do tính chất các tội

phạm XPSH thường diễn ra nhanh, đối tượng thường bỏ trốn sau khi thực
hiện hành vi phạm tội do vậy trong điều tra vụ án XPSH, ngoài các hoạt động
tố tụng, chủ thể điều tra còn sử dụng các hoạt động nghiệp vụ khác phục vụ
cho công tác điều tra như hoạt động nghiệp vụ trinh sát, biện pháp kỹ thuật...
Tuy vậy, để phù hợp với nguyên tắc của TTHS, kết quả của các biện pháp
ngoài tố tụng phải được chuyển hoá, thu nhận theo những thủ tục, trình tự tố
tụng bảo đảm yêu cầu về nguồn và biện pháp thu thập chứng cứ theo qui định
của luật TTHS.
- Hoạt động điều tra nói chung và điều tra các tội phạm XPSH nói riêng
rất dễ bị phiến diện, một chiều, ảnh hưởng trực tiếp đến các giai đoạn sau của
20
quá trình tố tụng. Hoạt động điều tra được tiến hành ngay sau khi phát hiện có
dấu hiệu của vụ án XPSH. Các thông tin, dấu vết của các vụ án XPSH thường
đa, phản ánh trên nhiều nguồn khác nhau. Trong khi đó, hoạt động điều tra
phải được tiến hành trong những khuôn khổ pháp lí về mặt thời hạn, biện
pháp... nên các điều tra viên dễ phiến diện, một chiều. Thực tế, khi tiến hành
điều tra, các điều tra viên thường hoạt động độc lập, tự giải quyết những vấn
đề cần phải chứng minh và thường có xu hướng buộc tội nhiều hơn gỡ tội.
Điều đó dễ đưa điều tra viên đến chỗ chỉ chú ý đến những chứng cứ buộc tội,
chứng cứ làm tăng TNHS mà bỏ quên các chứng cứ gỡ tội, chứng cứ làm
giảm nhẹ TNHS cho bị can. Mặt khác, trong quá trình điều tra các vụ án
XPSH thường tiến hành các biện pháp nghiệp vụ trinh sát hỗ trợ và các biện
pháp này được tiến hành bí mật, nên có thể dẫn đến sự chệch hướng điều tra
mà điều tra viên không lường trước. Khả năng phiến diện, một chiều, chệch
hướng điều tra luôn đạt ra những yêu cầu cho chính công tác điều tra và công
tác kiểm sát điều tra nhằm tránh những sai lầm, thiếu sót đáng tiếc xảy ra.
1.2. Khái niệm, mục đích, nhiệm vụ quan hệ giữa CQĐT với Viện
KSND trong điều tra các tội XPSH
Theo nghĩa chung nhất quan hệ có nghĩa là: “Sự gắn liền về mặt nào đó
giữa hai hay nhiều sự vật khác nhau, khiến sự vật này có thay đổi, biến đổi thì

có thể tác động đến sự vật kia” [29, trang 956]. Như vậy, khi nói đến mối
quan hệ là nói đến hai hay nhiều sự vật trong mối liên hệ, tác động qua lại lẫn
nhau, có ảnh hưởng chi phối lẫn nhau. Sự vận động, biến đổi của sự vật này
có tác động đến sự thay đổi, vận động của sự vật kia.
Mối quan hệ tất yếu, khách quan của các sự vật được lí giải thấu đáo
bởi lí thuyết hệ thống. Lí thuyết hệ thống cho rằng “Hệ thống là tập hợp các
phần tử có mối liên hệ và quan hệ với nhau, có sự tác động, chi phối lên nhau
theo các qui luật nhất định để trở thành một chỉnh thể; từ đó làm xuất hiện
21
những thuộc tính mới (còn gọi là “tính trồi” của hệ thống) mà từng phần tử
riêng lẻ không có hoặc có không đáng kể” [15, trang 33]. Bộ máy các cơ quan
nhà nước là một hệ thống mà các cơ quan, tổ chức của nó gắn kết với nhau
theo qui định pháp luật về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và tính trồi của nó là
hiệu quả thực hiện các chức năng, nhiệm vụ chung của Nhà nước lớn hơn
hiệu quả hoạt động của từng cơ quan, tổ chức trong bộ máy. Cũng có thể hình
dung trong hệ thống bộ máy nhà nước có nhiều tiểu hệ thống thực hiện các
chức năng, nhiệm vụ khác nhau của Nhà nước mà các cơ quan tiến hành tố
tụng là một trong các tiểu hệ thống đó.
Từ đó chúng ta có thể hiểu các cơ quan tiến hành tố tụng là một hệ
thống - hệ thống các cơ quan tiến hành tố tụng - trong đó mỗi cơ quan tiến
hành tố tụng là một phần tử có mối liên hệ và quan hệ với nhau, có sự tác
động chi phối lẫn nhau thành một chỉnh thể vì mục tiêu chung là đấu tranh
phòng, chống các loại tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an
toàn xã hội. Điều đó có nghĩa là, các cơ quan tiến hành tố tụng với tư cách là
những phần tử trong hệ thống tiến hành tố tụng nhất thiết phải có sự gắn kết
với nhau, chi phối, hỗ trợ lẫn nhau nhằm thực hiện mục tiêu chung của hệ
thống. Một phần tử nào đó không có mối liên hệ với các phần tử trong hệ
thống TTHS vì mục tiêu của hệ thống này thì cũng sẽ nằm ngoài hệ thống
này. Nói cách khác, các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ tồn tại như một hệ
thống chỉnh thể khi mối quan hệ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng có mối

quan hệ với nhau và mối quan hệ ấy là một tất yếu khách quan.
Trong hệ thống các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam, CQĐT và
Viện KSND là hai cơ quan không thể thiếu được. Mỗi cơ quan này có chức
năng, nhiệm vụ khác nhau nhưng đều xuất phát từ mục tiêu chung của hệ
thống TTHS là chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, phát hiện nhanh
chóng, chính xác và xử lí công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để
lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, góp phần bảo vệ chế độ XHCN,
22
bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ
chức, bảo vệ trật tự pháp luật XHCN. Để thực hiện được mục tiêu chung đó,
tất yếu giữa CQĐT và Viện KSND phải tồn tại trong mối quan hệ chi phối,
tác động hỗ trợ lẫn nhau trên cơ sở mục tiêu chung.
Trong hệ thống các cơ quan tiến hành tố tụng, CQĐT có nhiệm vụ áp
dụng mọi biện pháp do Bộ luật TTHS qui định để xác định tội phạm và người
thực hiện hành vi phạm tội, lập hồ sơ đề nghị truy tố; tìm ra nguyên nhân và
điều kiện của tội phạm, kiến nghị các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các
biện pháp khắc phục ngăn ngừa. Viện KSND là một cơ quan tiến hành tố tụng
có nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTHS, thực hiện quyền
công tố, đảm bảo cho pháp luật được thực thi nghiêm chỉnh và thống nhất.
Như vậy, khi nói đến quan hệ giữa CQĐT và Viện KSND trước hết phải thấy
được quyền uy của Viện KSND đối với CQĐT. Điều này xuất phát từ đặc
điểm riêng của hoạt động TTHS. Những khuyết điểm, sai lầm trong hoạt động
điều tra của CQĐT sẽ dẫn đến những sai lệch sự thật của vụ án. Sự chế ước
của Viện kiểm sát đối với CQĐT là hoàn toàn cấn thiết, đảm bảo cho hoạt
động điều tra nói riêng và hoạt động tố tụng nói chung đạt đến mục đích, hiệu
quả cuối cùng. Ngược lại, uy quyền của Viện kiểm sát đối với CQĐT trong
hoạt động điều tra cũng không thể không có sự kiểm soát, chế ước nhằm tránh
đến sự lạm quyền. Sự chế ước ngược lại từ phía CQĐT đối với hoạt động
kiểm sát của Viện kiểm sát cũng tồn tại khách quan bằng một cơ chế pháp lí
thích hợp. Ngoài sự chế ước lẫn nhau, giữa CQĐT và Viện KSND tất yếu tồn

tại sự hỗ trợ lẫn nhau mà lí luận TTHS gọi là quan hệ phối hợp. Sự phối hợp
này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cả hai bên hoàn thành tốt nhiệm vụ của
mình. Hoạt động kiểm sát của Viện kiểm sát ngoài mang tính chế ước, nó còn
có ý nghĩa tác động đảm bảo giá trị pháp lí cho kết quả hoạt động điều tra của
CQĐT. Kết quả hoạt động điều tra tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Viện
kiểm sát thực hiện chức năng công tố của mình... Tất nhiên, mối quan hệ phối
23
hợp giữa CQĐT và Viện KSND luôn được thực hiện trên cơ sở pháp lí và
nhằm đến mục tiêu chung của hoạt động TTHS. Như vậy, giữa CQĐT và
Viện KSND luôn tồn tại mối quan hệ chế ước lẫn nhau và phối hợp với nhau
trên cơ sở qui định của pháp luật về chức năng nhiệm vụ của mỗi cơ quan và
vì mục tiêu tố tụng nói chung.
Mối quan hệ chế ước và phối hợp giữa CQĐT và Viện KSND xuất hiện
và được cụ thể hoá trong quá trình giải quyết các vụ án cụ thể mà cụ thể là
trong quá trình điều tra các vụ án hình sự. Trong điều tra vụ án hình sự nói
chung và điều tra các tội phạm XPSH nói riêng mối quan hệ này thể hiện qua
quan hệ giữa thủ trưởng, phó thủ trưởng CQĐT với viện trưởng, phó viện
trưởng Viện KSND; giữa các điều tra viên được phân công thụ lí vụ án với
kiểm sát viên được phân công tiến hành tố tụng đối với vụ án.
Với những trình bày ở trên, có thể hiểu: Quan hệ giữa CQĐT và Viện
KSND trong điều tra các tội XPSH là sự liên kết pháp lí các hoạt động chế ước
và phối hợp giữa thủ trưởng, phó thủ trưởng CQĐT, điều tra viên tiến hành
điều tra các vụ án XPSH với viện trưởng, phó viện trưởng Viện KSND, kiểm
sát viên trong việc thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động điều tra các
vụ án đó nhằm giải quyết đúng đắn vụ án hình sự về các tội phạm XPSH theo
yêu cầu pháp luật.
Định nghĩa trên khái quát những vấn đề cơ bản nhất của quan hệ giữa
CQĐT và Viện KSND trong điều tra các tội phạm XPSH trên các mặt sau
đây:
- Chủ thể của mối quan hệ là CQĐT và Viện KSND, trong đó các mối

quan hệ cụ thể có thể được chủ động xác lập từ một bên hay từ cả hai bên.
Mối quan hệ giữa hai cơ quan được cụ thể hoá bằng các hoạt động cụ thể của
thủ trưởng, phó thủ trưởng, điều tra viên với viện trưởng, phó viện trưởng,
kiểm sát viên;
24
- Quan hệ giữa CQĐT và Viện KSND trong điều tra các tội phạm
XPSH là quan hệ TTHS giữa CQĐT và Viện KSND, phát sinh trên cơ sở các
qui định pháp luật về chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan trong hoạt động
TTHS. Mối quan hệ này cũng phát sinh từ yêu cầu thực tiễn và chỉ phát sinh
trong công tác điều tra các vụ án hình sự về các tội phạm XPSH;
- Mối quan hệ giữa CQĐT và Viện KSND trong điều tra các tội phạm
XPSH bao gồm hai nội dung là quan hệ chế ước lẫn nhau và quan hệ phối hợp
hỗ trợ lẫn nhau giữa các chủ thể hoạt động điều tra và chủ thể hoạt động kiểm
sát;
- Mối quan hệ giữa CQĐT và Viện KSND trong điều tra các tội phạm
XPSH có mục đích là nhằm đến việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự theo
yêu cầu pháp luật. Những mối quan hệ giữa các chủ thể điều tra, kiểm sát
không nhằm đến mục đích này đều không phải là quan hệ giữa CQĐT và
Viện KSND theo đúng nghĩa.
Như đã trình bày ở trên, mối quan hệ giữa CQĐT và Viện KSND trong
điều tra các tội phạm XPSH là nhằm mục đích giải quyết đúng đắn các vụ án
hình sự về các tội phạm XPSH theo yêu cầu của pháp luật. Mục đích giải
quyết đúng đắn các vụ án hình sự về các tội phạm XPSH ở đây được xem xét
trên cả góc độ các vụ án cụ thể và tất cả các vụ án XPSH, được thể hiện trên
cả quan hệ chế ước và cả quan hệ phối hợp, kể cả từ phía CQĐT hay phía
Viện KSND. Quan hệ giữa CQĐT và Viện KSND trong điều tra các tội phạm
XPSH được thể hiện qua các nhiệm vụ cụ thể sau:
- Tạo điều kiện thuận lợi cho CQĐT thực hiện nhiệm vụ điều tra, giải
quyết đúng đắn các vụ án XPSH. Chúng ta đều biết rằng, giai đoạn điều tra
giữ vai trò thành bại đối với cả tiến trình TTHS. Thực tế điều tra các vụ án

XPSH cũng chỉ ra rằng, kết quả đạt được cũng như những sai lầm trong giải
quyết vụ án hình sự về các tội phạm XPSH thường bắt nguồn chủ yếu từ giai
25
đoạn điều tra. Trong quá trình điều tra các tội phạm XPSH, CQĐT thường
phải tiến hành đột xuất, khó định liệu từ trước do các tội phạm XPSH thường
diễn ra nhanh, bất ngờ và hấu hết được tiến hành bởi phương thức bí mật, thủ
đoạn tinh vi. Mặt khác, khi tiến hành điều tra, ngoài các biện pháp tố tụng
CQĐT có thể còn áp dụng các biện pháp nghiệp vụ khác trên cơ sở tuân thủ
các nguyên tắc tố tụng nhưng phải bảo đảm bí mật nghiệp vụ. Do vậy, khi
thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động điều tra, sự phối hợp, hỗ trợ
tạo điều kiện từ phía Viện kiểm sát là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, việc hỗ
trợ, tạo điều kiện của Viện kiểm sát đối với CQĐT không phải là sự chấp
thuận tất cả những gì CQĐT đưa ra mà sự chấp thuận, hỗ trợ vẫn phải nhằm
đến sự việc giải quyết đúng đắn vụ án. Chính vì vậy, nhiệm vụ này đòi hỏi
không chỉ sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ phía Viện kiểm sát đối với hoạt động
điều tra của CQĐT mà chính CQĐT phải tạo điều kiện thuận lợi để Viện
kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát trong điều tra các vụ án hình sự
về các tội phạm XPSH. Như vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động
điều tra các vụ án XPSH đòi hỏi sự tích cực từ cả hai phía Viện KSND và
CQĐT.
- Bảo đảm thực hiện đúng đắn quyền năng của Viện KSND trong thực
hiện nhiệm vụ công tố và kiểm sát hoạt động điều tra đối với các vụ án hình
sự về các tội phạm XPSH của CQĐT. Quyền công tố và quyền kiểm sát hoạt
động điều tra các vụ án hình sự là quyền tự thân, xuất phát từ chức năng, vai
trò, vị trí của Viện kiểm sát trong hệ thống cơ quan tiến hành tố tụng. Viện
KSND thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong
điều tra các vụ án hình sự về các tội phạm XPSH là nhằm đảm bảo mọi hành
vi phạm tội XPSH đều được khởi tố, điều tra và xử lí kịp thời; bảo đảm quyền
và lợi ích của công dân, người bị bắt, tạm giữ, bị khởi tố, tạm giam; bảo đảm
sự khách quan, toàn diện, đầy đủ, chính xác, đúng pháp luật của các hoạt

động điều tra; bảo đảm tính có căn cứ trong truy cứu TNHS đối với bị can.
26
Trong quá trình thực hiện quyền năng của mình, hoạt động của Viện kiểm sát
luôn phải bám sát các hoạt động của CQĐT. Trong khi hoạt động điều tra
thường được tiến hành trên phạm vi rộng, nhiều mảng nội dung, trong nhiều
thời điểm khác nhau đòi hỏi Viện kiểm sát phải có những hình thức phù hợp
để thực hiện nhiệm vụ của mình đồng thời cần đến sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ
phía CQĐT nhất là trong những trường hợp Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành
một số hoạt động điều tra. Tuy nhiên, quyền năng của Viện kiểm sát không
phải là tuyệt đối đối với CQĐT. Trong phạm vi quyền hạn của mình, ngoài sự
phối hợp, CQĐT còn có thể thực hiện sự chế ước ngược lại đối với Viện kiểm
sát thông qua quyền kiến nghị, đề nghị theo qui định của pháp luật nhằm bảo
vệ quan điểm đúng đắn trong giải quyết vụ án XPSH. Như vậy nhiệm vụ bảo
đảm thực hành đúng đắn quyền công tố và kiểm sát của Viện KSND trong
điều tra các vụ án XPSH cũng đặt ra những yêu cầu từ cả phía CQĐT và Viện
KSND.
- Duy trì thường xuyên sự thống nhất giữa CQĐT và Viện KSND trên
cơ sở giải quyết đúng đắn các vụ án hình sự về tội phạm XPSH. Mối quan hệ
giữa CQĐT và Viện KSND trong điều tra các vụ án XPSH không thể chỉ tồn
tại đối với từng vụ án cụ thể mà còn cần được duy trì thường xuyên, lâu dài.
Sự duy trì một mối quan hệ thống nhất thường xuyên lâu dài trước hết chỉ có
thể đạt được trên cơ sở qui định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan
và hướng dẫn liên ngành về tổ chức xây dựng quan hệ giữa hai cơ quan trong
điều tra các vụ án nói chung và điều tra các vụ án hình sự về các tội phạm
XPSH nói riêng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mỗi cơ quan, không
tránh khỏi xuất hiện hiện tượng xung đột quyền năng pháp lí, mâu thuẫn về
quan điểm xử lí. Những hiện tượng đó cần được giải quyết theo trình tự mà đã
thống nhất từ trước. Bởi vậy, một cơ chế phối hợp có tính đến đặc thù trong
điều tra các vụ án XPSH là hoàn toàn cần thiết, khắc phục hiện tượng “quyền
anh, quyền tôi” “quyền ai người ấy làm”, “việc ai người ấy chịu” hoặc thiên

27
về quan hệ pháp lý đơn thuần và đặc biệt tránh được hiện tượng móc nối “lách
luật” làm trái ý nghĩa đích thực của mối quan hệ giữa CQĐT và Viện KSND.
Bên cạnh một cơ chế phối hợp rõ ràng thì sự chặt chẽ, nghiêm túc trong thực
hiện cơ chế trên thực tiễn điều tra các vụ án XPSH là quan trọng. Ở đây, vai
trò của lãnh đạo các CQĐT và Viện KSND trong tổ chức, duy trì, kiểm tra
mối quan hệ giữa hai cơ quan là hết sức quan trọng bên cạnh ý thức tự giác
tuân thủ của các điều tra viên và kiểm sát viên. Nói cho cùng, có duy trì được
sự thống nhất thường xuyên giữa CQĐT và Viện KSND trên cơ sở giải quyết
đúng đắn các vụ án hình sự về tội phạm XPSH hay không phụ thuộc vào
những con người cụ thể với cơ sở một cơ chế phối hợp thống nhất và đồng bộ.
1.3. Cơ sở pháp lý của mối quan hệ giữa CQĐT và Viện Kiểm sát
nhân dân cấp huyện trong điều tra các tội XPSH
Khi nói đến cơ sở pháp lí của mối quan hệ giữa các chủ thể phải xuất
phát từ chức năng, nhiệm vụ của mỗi chủ thể, sau nữa là những ràng buộc
pháp lí các chủ thể vào mối quan hệ chung. Do đó, nghiên cứu cơ sở pháp lí
của mối quan hệ giữa CQĐT và Viện KSND cấp huyện trong điều tra các tội
phạm XPSH cần quan tâm đến hệ thống các qui định về tổ chức, chức năng,
nhiệm vụ của CQĐT cấp huyện; các qui định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ
của Viện KSND cấp huyện và các qui định về mối quan hệ giữa CQĐT và
Viện KSND cấp huyện.
- Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của CQĐT cấp huyện trong điều tra các
tội XPSH
Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của CQĐT được qui định trực tiếp và cụ
thể trong Pháp lệnh Tổ chức ĐTHS và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong
thời gian từ năm 2000 đến 2004, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của CQĐT
được thay đổi theo bởi sự ra đời của Pháp lệnh tổ chức ĐTHS năm 2004 thay
thế cho Pháp lệnh tổ chức ĐTHS năm 1989.
28
Trước khi Bộ luật TTHS năm 2004 ra đời và có hiệu lực, tổ chức,

nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống CQĐT được qui định tại Pháp lệnh Tổ
chức ĐTHS năm 1989. Theo Điều 9 Pháp lệnh này, nhiệm vụ điều tra các tội
phạm XPSH XHCN (qui định tại Chương IV BLHS năm 1985); các tội phạm
XPSH của công dân (qui định tại Chương VI BLHS năm 1985) thuộc về
CQĐT của lực lượng CSND [13, Điều 9]. Cũng theo Pháp lệnh này, CQĐT
của lực lượng CSND ở cấp huyện là đội điều tra. Đội điều tra của lực lượng
CSND cấp huyện điều tra các tội phạm XPSH khi các tội phạm này thuộc
thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện, tức các tội phạm có mức cao nhất
của khung hình phạt từ bảy năm tù trở xuống [13, Điều 9]. Sau khi có Pháp
lệnh tổ chức ĐTHS năm 1989, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) đã ban hành
một số Văn bản hướng dẫn áp dụng như: Chỉ thị số 26/BNV ngày 22 ngày 12
năm 1993 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc bổ nhiệm và phân công, quan hệ
giữa thủ trưởng, phó thủ trưởng CQĐT trong lực lượng CAND; Quyết định số
262/BNV ngày 27 tháng 5 năm 1993 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về thống nhất
tên gọi, con dấu và việc bổ nhiệm thủ trưởng, phó thủ trưởng CQĐT các cấp
của lực lượng CAND; Quy định về bổ nhiệm, miễn nhiệm và cấp giấy chứng
nhận ĐTHS trong CAND ban hành kèm theo Quyết định số 1113/2000/QĐ-
BCA ngày 7 tháng 12 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Công an...
Sau khi BLHS năm 1999 được ban hành, các tội phạm XPSH được quy
định thống nhất trong Chương XIV Bộ luật này trong đó có nhiều nội dung
sửa đổi, bổ sung quan trọng có liên quan đến thẩm quyền điều tra, ví dụ như
thay đổi về khung xử lí... Những thay đổi này là một trong các nguyên nhân
dẫn đến việc đòi hỏi phải có sự sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh tổ chức ĐTHS,
trong đó có vấn đề thẩm quyền điều tra. Trong khi chờ Pháp lệnh tổ chức
ĐTHS năm 1989 được sửa đổi, bổ sung, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành
Quyết định số 1023/2000/QĐ - BCA (V19) ngày 22 tháng 11 năm 2000 về
việc “Ban hành qui định tạm thời về phân công thẩm quyền điều tra của
CQĐT và các cơ quan khác của lực lượng Công an nhân dân được giao nhiệm
29
vụ tiến hành một số hoạt động điều tra”. Theo Quyết định này, đội CSĐT của

lực lượng CSND cấp huyện được giao nhiệm vụ điều tra các vụ án hình sự về
các tội phạm XPSH thuộc thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện. Ngoài
Đội điều tra, trong cơ cấu của lực lượng CSND cấp huyện còn có một số đơn
vị được giao tiến hành một số hoạt động điều tra đối với các vụ án XPSH đó
là Đội CSHS và Đội CSKT. Theo các văn bản về chức năng, nhiệm vụ của
hai lực lượng này thì Đội CSHS được tiến hành các hoạt động điều tra ban
đầu đối với các tội phạm XPSH của công dân còn Đội CSKT tiến hành các
hoạt động điều tra ban đầu với các tội phạm XPSH của Nhà nước, tổ chức
kinh tế, chính trị, xã hội. Trong thời hạn luật định (7 ngày) các đơn vị này
chuyển hồ sơ sang Đội CSĐT để tiếp tục điều tra.
Ngày 20 tháng 8 năm 2004, Pháp lệnh tổ chức ĐTHS được Uỷ ban
Thường vụ Quốc hội khoá XI thông qua và bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ
ngày 01 tháng 10 năm 2004 thay thế cho Pháp lệnh tổ chức ĐTHS ngày 04
tháng 04 năm 1989. Bộ Công an cũng đã ban hành Thông tư số 12/2004/TT-
BCA ngày 23 tháng 9 năm 2004 hướng dẫn thi hành một số qui định của Pháp
lệnh Tổ chức ĐTHS năm 2004 trong CAND. Theo các qui định của các văn
bản nói trên thì tổ chức của CQĐT Công an cấp huyện gồm có Đội CSĐT tội
phạm về TTXH, Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT và chức vụ, Đội CSĐT tội
phạm về ma tuý và bộ máy giúp việc CQĐT. Trong đó, Đội CSĐT tội phạm
về TTXH được phân công điều tra các vụ án XPSH được qui định tại Chương
XIV BLHS năm 1999 khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của
TAND cấp huyện. Tuy nhiên, khi nghiên cứu các quyết định về chức năng,
nhiệm vụ của lực lượng CSĐT tội phạm về TTQLKT và chức vụ thì thấy
không chỉ có lực lượng CSĐT tội phạm về TTXH có nhiệm vụ điều tra các tội
phạm XPSH mà cả lực lượng CSĐT tội phạm về TTQLKT và chức vụ cũng
điều tra các tội phạm XPSH. CSĐT tội phạm về TTQLKT và chức vụ điều tra
với các tội phạm XPSH được thực hiện thông qua việc lợi dụng tư cách pháp
nhân, lợi dụng các hoạt động giao dịch kinh tế. Qua các qui định nêu trên của
30

×