Tải bản đầy đủ (.doc) (20 trang)

Sáng kiến kinh nghiệm MỘT SỐ BIỆN PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC ĐỌC HIỂU CHO HỌC SINH TRONG DẠY HỌC MÔN NGỮ VĂN BẬC THPT

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (194.36 KB, 20 trang )

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐỒNG NAI
TRƯỜNG THPT NGÔ SĨ LIÊN
Mã số:
SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
MỘT SỐ BIỆN PHÁP NÂNG CAO
NĂNG LỰC ĐỌC - HIỂU CHO HỌC SINH TRONG
DẠY HỌC MÔN NGỮ VĂN BẬC THPT
Người thực hiện: NGUYỄN VĂN CÔNG
Lĩnh vực nghiên cứu:
- Phương pháp dạy học bộ môn: Ngữ văn 

Có đính kèm: Các sản phẩm không thề hiện trong bản in SKKN
 Mô hình  Phần mềm  Phim ảnh  Hiện vật khác
Năm học: 2014 – 2015
SƠ LƯỢC LÝ LỊCH KHOA HỌC
I. THÔNG TIN CHUNG VỀ CÁ NHÂN
1. Họ và tên: Nguyễn Văn Công
2. Ngày tháng năm sinh: 17 – 04 – 1969
3. Nam, nữ: Nam
4. Địa chỉ: Trường THPT Ngô Sĩ Liên
5. Điện thoại: 0613866499(CQ); ĐTDĐ: 0908875675
6. Fax: E-mail:
7. Chức vụ: Giáo viên
8. Nhiệm vụ được giao : Tổ trưởng chuyên môn, Chủ tịch Công đoàn, dạy 3
lớp 12
9. Đơn vị công tác: Trường THPT Ngô Sĩ Liên
II. TRÌNH ĐỘ ĐÀO TẠO
- Học vị (hoặc trình độ chuyên môn, nghiệp vụ) cao nhất: Thạc sĩ Văn học
- Năm nhận bằng: 2011
- Chuyên ngành đào tạo: Văn học Việt Nam
III.KINH NGHIỆM KHOA HỌC


- Lĩnh vực chuyên môn có kinh nghiệm: Giảng dạy môn Ngữ văn
Số năm có kinh nghiệm: 21
- Các sáng kiến kinh nghiệm đã có trong 5 năm gần đây:
Phương pháp hướng dẫn học sinh đọc hiểu các bài Đọc thêm trong chương
trình Ngữ văn THPT
Rèn kĩ năng làm văn nghị luận xã hội cho học sinh qua việc dạy kiểu bài
đọc – hiểu văn bản nghị luận, chính luận
Một số kinh nghiệm về việc giảng dạy phẩm tự sự theo đặc trưng thể loại
trong chương trình Ngữ văn THPT
Nâng cao hiệu quả đọc – hiểu tác phẩm tự sự bằng phương pháp sử dụng sơ
đồ
_________________________________________________________________
Nguyễn Văn Công Trường THPT Ngô Sĩ Liên
2
SKKN: MỘT SỐ BIỆN PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC ĐỌC - HIỂU CHO
HỌC SINH TRONG DẠY HỌC MÔN NGỮ VĂN BẬC THPT

I. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Trong chương trình môn Ngữ văn bậc THPT hiện hành, các tiết đọc – hiểu
văn bản, trong đó bao gồm cả văn bản văn học và văn bản nhật dụng, chiếm một số
lượng tương đối lớn. Kĩ năng đọc – hiểu văn bản cũng là một kĩ năng cơ bản mà
giáo viên dạy Ngữ văn cần phải hình thành cho học sinh trong suốt quá trình học
tập. Đây cũng là một trong hai kĩ năng quan trọng ( cùng với kĩ năng viết – tạo lập
văn bản ) của học sinh cần thể hiện trong công tác kiểm tra, đánh giá thông qua các
kì thi mà Bộ GD&ĐT yêu cầu. Chính vì vậy, rèn luyện kĩ năng đọc – hiểu cho học
sinh như thế nào để đạt hiệu quả tối ưu là điều mà bất cứ giáo viên dạy Văn nào
cũng phải quan tâm.
Qua thực tế giảng dạy môn Ngữ văn ở trường THPT Ngô Sĩ Liên nhiều năm
nay, chúng tôi nhận thấy lối dạy văn của giáo viên vẫn còn nhiều bất cập. Giáo
viên vẫn chưa cho thấy được sự khác biệt giữa đọc hiểu văn bản và phân tích,

giảng bình truyền thống. Học sinh vẫn còn thụ động trong việc tiếp cận tác phẩm
văn học. Học sinh chủ yếu, nghe, ghi chép và tái hiện lại bài giảng. Điểm yếu nhất
của học sinh là chưa có phương pháp tự học, từ đó dẫn đến khả năng đọc hiểu rất
yếu.
Vài năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều cải tiến trong công
tác thi cử, các đề văn “mở” hơn và yêu cầu đối với kĩ năng đọc – hiểu đối với học
sinh cũng được chú ý nhiều hơn. Đặc biệt, trong năm học 2014 – 2015, với sự chỉ
đạo “đổi mới dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo định hướng phát
triển năng lực học sinh”, các bài tập đọc hiểu trở thành một phần không thể thiếu
trong các đề thi, đề kiểm tra. Và như vậy, việc tìm tòi các biện pháp để nâng cao
năng lực đọc hiểu cho học sinh là nhiệm vụ mà người giáo viên dạy Văn phải quan
tâm. Công việc này vừa giúp các tiết dạy đọc – hiểu văn bản đạt hiệu quả cao vừa
phát huy tính tích cực sáng tạo của học sinh, đồng thời giúp cho học sinh có khả
năng làm tốt kiểu bài tập đọc – hiểu trong đề thi theo yêu cầu đổi mới.
Xuất phát từ lí do đó, chúng tôi đã tăng cường nhiều biện pháp, nhiều dạng
bài tập để từng bước nâng cao năng lực đọc hiểu văn bản cho học sinh, trong đó có
chú ý đến kĩ năng làm bài tập đọc hiểu một văn bản ngắn.
Đã có nhiều tài liệu nói về đọc – hiểu văn bản trong dạy học môn Ngữ văn.
Đây là một vấn đề tương đối lớn, có thể nói là bao trùm công tác dạy văn trong
trường phổ thông. Với nhiều lí do, người viết không có tham vọng đề cập toàn bộ
những nội dung liên quan đến đọc – hiểu văn bản văn học. SKKN Một số biện
pháp nâng cao năng lực đọc hiểu cho học sinh trong dạy học môn Ngữ văn bậc
THPT chỉ là một số kinh nghiệm của người viết rút ra từ thực tế giảng dạy của bản
thân ở trường THPT Ngô Sĩ Liên. Trong phạm vi của SKKN này, người viết chỉ
mới đề cập đến một số kinh nghiệm hướng dẫn học sinh làm các bài tập đọc hiểu
văn bản ngắn, một mặt góp phần nâng cao năng lực đọc hiểu văn bản nói chung
_________________________________________________________________
Nguyễn Văn Công Trường THPT Ngô Sĩ Liên
3
cho học sinh, mặt khác giúp học sinh ( đa số là có năng lực học tập trung bình –

yếu ) có thể làm tốt dạng bài tập đọc hiểu trong kỳ thi quốc gia sắp tới.
II. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1. Như ta đã biết, một trong những mục tiêu cơ bản của môn Ngữ văn ở
trường phổ thông là hình thành và phát triển ở học sinh năng lực tiếp nhận văn bản
(gồm kĩ năng nghe và đọc) và năng lực tạo lập văn bản (gồm kĩ năng nói và viết).
Khái niệm “văn bản” ở đây được hiểu bao gồm cả văn bản văn học và văn bản nhật
dụng.
Tài liệu tập huấn “Dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo định
hướng phát triển năng lực học sinh” của Bộ Giáo dục và đào tạo (năm 2014) đã
xác định rõ: “Dạy học đọc hiểu là một trong những nội dung cơ bản của đổi mới
phương pháp dạy học Ngữ văn trong việc tiếp nhận văn bản. Cách dạy đọc – hiểu
không nhằm truyền thụ một chiều cho học sinh những cảm nhận của GV về văn
bản được học, mà hướng đến việc cung cấp cho HS cách đọc, cách tiếp cận, khám
phá những vấn đề về nội dung và nghệ thuật của văn bản, từ đó hình thành cho học
sinh năng lực tự đọc một cách tích cực, chủ động, có sắc thái cá nhân…”[6, 59-60]
Tài liệu cũng đã nêu rõ các nhiệm vụ và các nội dung cơ bản mà học sinh
cần đạt được trong quá trình dạy học đọc hiểu. Theo đó, HS cần thực hiện được
các nội dung: huy động vốn kiến thức và kinh nghiệm của bản thân có liên quan
đến chủ đề, thể loại văn bản; thể hiện những hiểu biết về văn bản; vận dụng những
hiểu biết về các văn bản đã đọc hiểu vào việc đọc các loại văn bản khác nhau, sẵn
sàng thực hiện các nhiệm vụ học tập, các nhiệm vụ trong đời sống yêu cầu dùng
đến hoạt động đọc hiểu.
Tài liệu cũng nhấn mạnh, việc dạy đọc hiểu không chỉ rèn luyện cho học
sinh năng lực đọc hiểu mà còn rèn luyện năng lực tạo lập văn bản, đặc biệt là năng
lực viết sáng tạo.
2. Quan điểm chỉ đạo như vậy là hết sức rõ ràng, tuy nhiên khi áp dụng vào
thực tế thì giáo viên lại gặp không ít khó khăn, lúng túng
Thực tế ở trường THPT Ngô Sĩ Liên cho thấy nhiều học sinh của nhà trường
còn rất yếu cả về năng lực đọc hiểu lẫn năng lực viết sáng tạo, chưa biết cách làm
bài, kể cả làm kiểu bài tập đọc hiểu văn bản ngắn. Một trong những nguyên nhân

chính là do giáo viên chưa chú ý dạy phương pháp đọc hiểu, nói cách khác là chưa
hình thành cho học sinh năng lực tự mình đọc và hiểu một văn bản.
Để giải quyết vấn đề này, giáo viên cần định hướng:
Xuất phát từ quan điểm lấy người học làm trung tâm, giáo viên không nên
tập trung vào việc cung cấp kiến thức một chiều mà phải cung cấp chìa khóa để
học sinh tìm đến với kiến thức, nói các khác là cung cấp phương pháp để học sinh
biết cách đọc hiểu một văn bản cụ thể, từ đó hình thành năng lực tự mình đọc hiểu
các văn bản khác.
Để giúp học sinh làm tốt các bài tập đọc hiểu, giáo viên cần giúp học sinh
nắm được thế nào là hiểu một văn bản; các yêu cầu và hình thức kiểm tra cụ thể về
_________________________________________________________________
Nguyễn Văn Công Trường THPT Ngô Sĩ Liên
4
đọc hiểu; lựa chọn những văn bản phù hợp với trình độ nhận thức và năng lực của
học sinh; xây dựng hệ thống các loại câu hỏi phù hợp theo 4 mức độ nhận biết,
thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao…
Cần giúp học sinh đạt được các mức độ hiểu:
+ Nắm được nội dung chính và các thông tin quan trọng của văn bản;
+ Nhận diện và hiểu được vai trò, tác dụng của các hình thức biểu đạt được
sử dụng trong văn bản.
+ Hiểu được các tầng ý nghĩa của văn bản được tác giả gửi gắm sau câu chữ.
+ Đánh giá được giá trị của những nội dung và hình thức biểu hiện của văn
bản.
+ Bước đầu vận dụng những gì hiểu được vào giải quyết các tình huống
tương tự trong bọc tập và cuộc sống.
3. Để góp phần nâng cao năng lực đọc hiểu văn bản cho học sinh, trước mắt
là đọc hiểu các văn bản ngắn, người viết đã đề xuất và đưa vào áp dụng các dạng
bài tập đọc hiểu trong các tiết ôn tập, các tiết tăng thêm, đồng thời tổ chức kiểm tra
thường xuyên, kiểm tra định kì bằng các bài tập tương tự.
SKKN này chính là sự hệ thống hóa các kinh nghiệm mà người viết đã có

được trong quá trình giảng dạy của bản thân vài năm gần đây, tập trung hướng đến
các nội dung sau:
+ Hình thành cho học sinh quy trình (các bước) tiến hành đọc hiểu
+ Cách huy động kiến thức về thể loại và các kiến thức liên môn để hiểu văn
bản.
+ Bước đầu viết được các văn bản ngắn liên quan đến chủ đề văn bản.
Những đề xuất của người viết trong phạm vi của SKKN này chỉ mới dừng
lại ở việc cải tiến các giải pháp đã có, ứng dụng vào thực tế của trường THPT Ngô
Sĩ Liên, áp dụng cho đối tượng học sinh có năng lực trung bình – yếu, mục đích
chủ yếu là giúp nâng cao năng lực đọc hiểu văn bản cho học sinh, từ đó cũng góp
phần nâng cao chất lượng giảng dạy môn Ngữ văn trong trường. Những nội dung
khác liên quan đến tài, chúng tôi sẽ cố gắng đề cập một cách đầy đủ và toàn diện
hơn trong thời gian sắp tới.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP
1. Giải pháp 1: Hướng dẫn học sinh thực hiện các thao tác đọc – hiểu
một văn bản ngắn
Giải pháp này (cũng như các giải pháp khác ở phần sau) được thực hiện chủ
yếu trong các tiết luyện tập, ôn tập, các tiết tăng thêm trong chương trình, ngoài ra
cũng có kết hợp thực hiện trong các tiết dạy chính khóa.
- Đầu tiên, giáo viên hướng dẫn cho học sinh thực hiện việc đọc hiểu một
văn bản theo trình tự các bước như sau:
_________________________________________________________________
Nguyễn Văn Công Trường THPT Ngô Sĩ Liên
5
+ Bước 1: Đọc văn bản ( đọc toàn bộ 1 lần ) và phân loại văn bản. Đây là
điều tưởng như đơn giản nhưng rất quan trọng, bởi vì mỗi loại văn bản sẽ có cách
đọc hiểu và yêu cầu đọc hiểu khác nhau. Học sinh cần nhận diện được văn bản văn
học (văn bản nghệ thuật) hay là văn bản thông tin; thuộc thể loại nào: truyện, thơ,
kí,…hoặc bản tin báo chí, bài viết nghiên cứu khoa học…
+ Bước 2: Tìm hiểu nội chính của văn bản bằng cách xác định câu chủ đề,

các từ ngữ quan trọng và tần suất xuất hiện của chúng, tìm các ý chính…; tóm tắt
các ý chính bằng những câu văn ngắn gọn.
+ Bước 3: Nhận diện các hình thức biểu đạt trong văn bản, chỉ ra các yếu tố
hình thức nổi bật nhất và phân tích tác dụng của chúng ( tùy theo từng thể loại mà
có sự chú ý khác nhau)
+ Bước 4: Tìm hiểu mục đích và ý nghĩa của văn bản: Văn bản được viết để
làm gì? Người viết muốn nhấn mạnh, muốn gửi gắm điều gì?
+ Bước 5: Đánh giá giá trị của văn bản ( đem lại cho ta điều gì: về mặt nhận
thức, về tư tưởng, tình cảm, về cảm thụ cái hay cái đẹp…)
Lưu ý: Đây là quy trình chung có tính chất tổng thể. Tùy theo mức độ yêu
cầu, độ dài và thời gian dành cho từng bài tập cụ thể, học sinh có thể không cần
thực hiện hết hoặc đúng trình tự các bước trên nhưng phải nắm được và vận dụng
thành thục tất cả các bước.
- Sau khi học sinh nắm được ý nghĩa của từng hoạt động nêu trên, giáo viên
tổ chức cho học sinh luyện tập thông qua các bài tập cụ thể. Có loại bài tập yêu cầu
học sinh thực hiện tất cả các bước trên; có loại bài tập rèn một thao tác cụ thể.
Trước mỗi tiết luyện tập, giáo viên có nhiệm vụ chuẩn bị bài tập: bao gồm
việc chọn lựa văn bản (ngữ liệu có thể lấy trong SGK hoặc bên ngoài, mức độ nên
đi từ dễ đến khó), thiết kế các câu hỏi theo các mức độ và nội dung khác nhau,
chuẩn bị đáp án…
Tiến hành luyện tập: giáo viên giao bài tập và đặt ra yêu cầu cho các đối
tượng học sinh khác nhau ( câu hỏi vận dụng cao nên giao cho một vài em học khá
trong lớp). Khuyến khích học sinh tự lực làm bài, tự trình bày đáp án và nêu căn cứ
bảo vệ quan điểm của mình. Giáo viên nhận xét, hướng dẫn cách thức để có được
đáp án tối ưu.
Một số bài tập làm ví dụ:
Bài tập 1:
Yêu cầu: Học sinh đọc đoạn văn miêu tả hình ảnh ông lái đò ( trích Người
lái đò sông Đà – Nguyễn Tuân) sau đây và trả lời các câu hỏi:
“Ông đò Lai Châu bạn tôi làm nghề chở đò dọc sông Đà đã 10 năm liền…

Tay ông lêu nghêu như cái sào. Chân ông lúc nào cũng khuỳnh khuỳnh gò lại như
kẹp lấy cái cuống lái tưởng tượng. Giọng ông nói ào ào như tiếng nước trước mặt
ghềnh sông. Nhỡn giới ông vòi vọi như lúc nào cũng mong một cái bến xa nào đó
trong sương mù…”
_________________________________________________________________
Nguyễn Văn Công Trường THPT Ngô Sĩ Liên
6
a/ Đoạn văn được viết theo phong cách ngôn ngữ nào? Có nội dung chính là
gì?
b/ Trong đoạn văn có sử dụng những biện pháp nghệ thuật nào? Biện pháp
nào là nổi bật nhất? Nêu ngắn gọn điểm đặc sắc của biện pháp đó?
c/ Qua miêu tả, tác giả muốn nhấn mạnh điều gì ở nhân vật ông lái đò ?
d/ Đặt tiêu đề cho đoạn văn?
Giáo viên hướng dẫn học sinh tìm đáp áp tối ưu:
Câu hỏi Đáp án Căn cứ để tìm đáp án
Câu a, ý 1 Đoạn văn thuộc phong cách ngôn
ngữ nghệ thuật.
Trích “Người lái đò sông Đà” –
thuộc thể loại tùy bút
Câu a, ý 2 Đoạn văn tập trung miêu ngoại
hình đặc biệt của ông lái đò sông
Đà.
Dựa vào các từ ngữ: tay ông,
chân ông, giọng ông, nhỡn giới
ông…
Câu b, ý 1 Sử dụng các biện pháp so sánh, lặp
CP, sử dụng từ láy…
( Tay ông lêu nghêu / như…
Chân ông khuỳnh khuỳnh /
như…)

Câu b, ý 2 Biện pháp nổi bật nhất là so
sánh.
Xuất hiện rõ nhất, gây ấn tượng
nhất, có tác dụng quan trọng nhất
Câu b, ý 3 Bằng một loạt so sánh độc đáo,
hình ảnh ông lái đò hiện lên thật ấn
tượng. Đặc sắc nhất là các chi tiết
ngoại hình ông lái đò được so
sánh, liên tưởng với các yếu tố
nghề nghiệp trên sông nước (sào,
cuống lái, tiếng nước, mong một
bến xa )
Dựa vào mối liên kết từ các yếu
tố: tay – sào; chân – kẹp cuống
lái; giọng – tiếng nước…
Câu c Tác giả muốn nhấn mạnh lòng yêu
nghề, sự gắn bó với nghề nghiệp
trên sông nước của ông lái đò
Gợi ý cho HS hiểu: vì gắn bó với
nghề nên ông lái đò sau khi nghỉ
làm vẫn còn “tật”: chân lúc nào
cũng khuỳnh khuỳnh…, giọng nói
ào ào…
Câu d Ngoại hình đặc biệt của ông lái đò;
Ông lái đò đặc biệt…
Là sự cô đọng ý 2, câu a
Bài tập 2: ( kết hợp với tiết ôn tập về bài Ai đã đặt tên cho dòng sông ? )
Yêu cầu HS đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi:
“ Và như vậy, giống như sông Xen của Pa-ri, sông Đa-nuýp của Bu-đa-pét;
sông Hương nằm ngay giữa lòng thành phố yêu quý của mình… Tôi đã đến Lê-

nin-grát, có lúc đứng nhìn sông Nê-va cuốn trôi những đám băng lô xô…; mỗi
phiến băng chở một con hải âu nghịch ngợm… Tôi cuống quýt vỗ tay, nhưng sông
Nê-va đã chảy nhanh quá, không kịp cho lũ hải âu nói một điều gì… Lúc ấy, tôi
nhớ lại con sông Hương của tôi, chợt thấy quý điệu chảy lặng lờ của nó khi ngang
_________________________________________________________________
Nguyễn Văn Công Trường THPT Ngô Sĩ Liên
7
qua thành phố…Đấy là điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế,…” ( Trích Ai đã
đặt tên cho dòng sông? – Hoàng Phủ Ngọc Tường )
a/ Nội dung chính của đoạn trích ?
b/ Chỉ ra thao tác lập luận nổi bật nhất trong đoạn trích? Sử dụng thao tác
lập luận đó, nhà văn muốn nói lên điều gì ?
Giáo viên hướng dẫn HS xác định các căn cứ để tìm đáp án tối ưu:
HS cần trả lời được các ý cơ bản sau:
a/ Nội dung chính của đoạn trích: Miêu tả đặc điểm của sông Hương trong
sự so sánh với các dòng sông khác trên thế giới như sông Xen, sông Đa-nuýp, sông
Nê-va.
b/ Thao tác lập luận nổi bật nhất trong đoạn trích là thao tác so sánh
- So sánh sông Hương với sông Xen, sông Đa-nuýp để thấy sự tương đồng:
đều là những dòng sông chảy qua giữa lòng thành phố (cố đô, thủ đô)
- So sánh sông Hương với sông Nê-va để thấy sự tương phản; khác với
sông Nê-va đã chảy nhanh quá, sông Hương của Huế trôi đi thật chậm…
Với thao tác so sánh nêu trên, nhà văn muốn nhấn mạnh cái nhịp chậm rãi,
buồn bâng khuâng của dòng chảy, cái ngập ngừng vấn vương tình cảm của sông
Hương dành cho Huế…
Bài tập 3: (kết hợp trong tiết dạy bài Tiếp nhận văn học – Ngữ văn 12)
Như đã nêu, đối tượng đọc hiểu trong chương trình Ngữ văn THPT còn có
các văn bản nhật dụng như Thông điệp nhân ngày thế giới phòng chống
HIV/AIDS…, Giá trị văn học và tiếp nhận văn học…
Đối với những văn bản trên, ngoài việc hướng dẫn tìm hiểu nội dung kiến

thức, từ đó trang bị cho HS những kiến thức lý luận cơ bản về vấn đề đã học (là
yêu cầu chính), GV có thể có những bài tập đọc – hiểu trong quá trình giảng dạy.
Thông qua đó, vừa cung cấp kiến thức mới, củng cố kiến thức cũ, vừa rèn kĩ năng
đọc hiểu cho HS.
Trước đây, khi dạy những bài có tính chất lý luận như bài Giá trị văn học và
tiếp nhận văn học, giáo viên thường than khó, than khổ, HS khó tiếp thu… Vì trình
độ của học sinh còn hạn chế (điều tất nhiên) nên cách dạy thường là GV giảng giải
và cho ví dụ minh họa, học sinh vô tình càng trở nên thụ động, hiểu lơ mơ…
Chúng tôi thử đổi mới bằng cách kết hợp với bài tập đọc hiểu và thấy có
hiệu quả khả quan.
VD: Khi dạy đến mục Tính chất tiếp nhận văn học của bài “Giá trị văn học
và Tiếp nhận văn học”, GV có thể ra bài tập, yêu cầu HS đọc đoạn văn bản:
“(1)Trong sự giao tiếp giữa tác phẩm và độc giả, cần chú ý tính chất cá thể
hóa, tính chủ động, tích cực của người tiếp nhận. (2)Ở đây, năng lực, thị hiếu, sở
thích của cá nhân đóng vai trò rất quan trọng; tùy theo lứa tuổi già hay trẻ, trình
độ học vấn cao hay thấp, kinh nghiệm sống nhiều hay ít mà có kết quả tiếp nhận,
cụ thể, riêng biệt cho mỗi người. (3)Thậm chí, cùng một người, lúc nhỏ đọc tác
phẩm ấy đánh giá khác, sau lớn lên đánh giá khác, về già lại đánh giá khác.
(4)Tính khuynh hướng trong tư tưởng, tình cảm, trong thị hiếu thẩm mĩ càng làm
_________________________________________________________________
Nguyễn Văn Công Trường THPT Ngô Sĩ Liên
8
cho sự tiếp nhận văn học mang đậm nét cá nhân và chính sự chủ động, tích cực
của người tiếp nhận đã làm tăng thêm sức sống của tác phẩm. (5)Tác phẩm văn
học tuy miêu tả cuộc sống cụ thể, toàn vẹn, sinh động, nhưng vẫn còn rất nhiều
điều mơ hồ chưa rõ.(6) Người đọc phải quan sát, tri giác để làm nổi lên những nét
mờ, khôi phục những chỗ còn bỏ lửng, nhận ra mối liên hệ của những phần xa
nhau, ý thức được sự chi phối của chỉnh thể đối với các bộ phận. (7)Ở đây không
chỉ có tác phẩm tác động tới người đọc, mà còn có việc tác động, tìm tòi của người
đọc đối với văn bản. (8)Thiếu sự tiếp nhận tích cực của người đọc thì tác phẩm

chưa thể hiện lên thật sinh động, toàn vẹn, hoàn chỉnh”. (SGK Ngữ văn tập 2, tr.
189).
+ Yêu cầu học sinh thảo luận và trả lời các câu hỏi:
a/ Đoạn văn bản có mấy ý chính ? ( Để giúp HS, GV cho tiếp 1 số câu hỏi
gợi mở: Câu chủ đề nằm ở đầu đoạn, giữa đoạn hay cuối đoạn? Ý chủ đề được
triển khai thành mấy ý nhỏ? Ý một gồm những câu nào? Ý 2 gồm những câu nào?
Câu nào có tính chất bắc cầu giữa 2 ý? )
b/ Đoạn văn thuộc phong cách ngôn ngữ gì? Sử dụng thao tác lập luận nào là
chủ yếu?
c/ Câu văn “Thậm chí, cùng một người, lúc nhỏ đọc tác phẩm ấy đánh giá
khác, sau lớn lên đánh giá khác, về già lại đánh giá khác” gợi cho em nhớ đến ý
kiến nào đã học? Điểm chung giữa 2 câu?
d/ Câu văn Người đọc phải quan sát, tri giác để làm nổi lên những nét mờ,
khôi phục những chỗ còn bỏ lửng, Hiểu như thế nào về những nét mờ, những chỗ
còn bỏ lửng? Vấn đề này gợi cho em nhớ đến một lí thuyết đã được giới thiệu
trong phần VHNN?
+ Chia 3 nhóm câu hỏi cho 3 đối tượng học sinh khác nhau (các câu hỏi c và
d nên dành cho học sinh khá )
+ HS thảo luận, nêu căn cứ tìm ra đáp án. GV tổng hợp, giải thích đáp án:
Đáp án:
a/ Đoạn văn có 2 ý chính:
- Tiếp nhận văn học có tính chất cá thể hóa
- Tiếp nhận văn học phụ thuộc vào tính chủ động, tích cực của người đọc
( Câu chủ đề nằm ở đầu đoạn: câu 1; có 2 ý nhỏ; ý 1 được triển khai ở các
câu 2,3; ý 2 được triển khai ở các câu 5,6,7,8; câu 4 có tính chất bắc cầu, chuyển ý)
b/ Đoạn văn thuộc phong cách ngôn ngữ khoa học (cung cấp tri thức về 1
vấn đề lí luận văn học)
Thao tác lập luận chính: phân tích
c/ Câu văn “Thậm chí, cùng một người, lúc nhỏ đọc tác phẩm ấy đánh giá
khác, sau lớn lên đánh giá khác, về già lại đánh giá khác” gợi cho em nhớ đến ý

kiến: “Tuổi trẻ đọc sách như nhìn trăng qua cái kẽ, lớn tuổi đọc sách như ngắm
_________________________________________________________________
Nguyễn Văn Công Trường THPT Ngô Sĩ Liên
9
trăng ngoài sân, tuổi già đọc sách như thưởng trăng trên đài.” của Lâm Ngữ
Đường (bài Phân tích một ý kiến bàn về văn học – Ngữ văn 12, tập 1, tr. 91).
Điểm chung giữa 2 câu là cùng diễn đạt ý: Tiếp nhận văn học phụ thuộc vào
tuổi tác, kinh nghiệm sống…
d/ Các cụm từ những nét mờ, những chỗ còn bỏ lửng trong câu (6) được
hiểu là phần nghĩa hàm ẩn của văn bản văn chương.
Vấn đề này gợi nhớ đến lí thuyết “tảng băng trôi” của Hê-min-uê đã được
giới thiệu trong phần VHNN.
Với những bài tập như ví dụ trên, HS vừa dễ tiếp thu kiến thức vừa có thêm
năng lực đọc hiểu.
2. Giải pháp 2: Vận dụng kiến thức về thể loại vào việc đọc hiểu văn bản
ngắn
Một trong những nét mới của chương trình và SGK Ngữ văn hiện hành là sự
nhấn mạnh đến việc hướng dẫn cho học sinh cách đọc văn bản theo các kiểu loại
và phương thức biểu đạt.
Mỗi loại văn bản có nội dung phản ánh, cách thể hiện riêng, phong cách
ngôn ngữ riêng. Vì vậy, khi hướng dẫn đọc hiểu một văn bản, việc đầu tiên là phải
nhắc nhở học sinh chú ý đến đặc điểm của thể loại văn bản.
a/ Đối với các văn bản thông tin: bao gồm văn bản “nhật dụng”, văn bản
thông tin – báo chí, văn bản thông tin – chính luận, văn bản thông tin – khoa học…
Học sinh cần lưu ý đặc điểm của từng loại văn bản:
- Văn bản thông tin – báo chí: nổi bật ở tính mới mẻ, chân thực của sự
kiện; thái độ tình cảm rõ ràng; ngôn ngữ thường ngắn gọn, chính xác
nhưng vẫn có sức truyền cảm…
- Văn bản thông tin – khoa học: có mục đích cung cấp thông tin khoa học,
thường sử dụng các thuật ngữ khoa học, diễn đạt rõ ràng, không dùng lối

nói hàm ẩn, ít biểu lộ sắc thái cảm xúc
- Văn bản thông tin – chính luận: thường có lập luận, lí lẽ chặt chẽ…
Ở những văn bản loại này, tính thông tin được chú trọng nhiều hơn nên ít có
sử dụng các biện pháp tu từ, các lối nói sử dụng hàm ý bóng gió…
b/ Đối với văn bản văn học (văn bản nghệ thuật):
Do đặc điểm sử dụng phương thức phản ánh cuộc sống thông qua hình
tượng nghệ thuật nên văn bản văn học hấp dẫn ở tính hình tượng cụ thể, sinh động;
ngôn ngữ đa nghĩa, giàu cảm xúc, có sức gợi mở những liên tưởng phong phú.
Văn bản văn học chia làm 3 thể loại lớn: tự sự, trữ tình, kịch. Mỗi thể loại lại
bao gồm một số thể tài khác nhau. Chẳng hạn, thể loại tự sự có tiểu thuyết, truyện
vừa, truyện ngắn…
Đọc hiểu văn bản văn học không thể không chú ý đến đặc trưng thể loại của
nó. Cùng một thể loại nhưng thể tài khác nhau thì đặc điểm cũng khác nhau. Cũng
_________________________________________________________________
Nguyễn Văn Công Trường THPT Ngô Sĩ Liên
10
là thơ nhưng thơ tự sự, thơ hiện thực lại ít có những từ ngữ, hình ảnh bộc lộ trực
tiếp tình cảm, cảm xúc của nhà thơ, trong khi đó, thơ trữ tình lại thiên về bộc lộ
cảm xúc, tâm trạng… Đối với truyện cũng vậy, cùng là truyện ngắn nhưng có
truyện ngắn trào phúng, có truyện ngắn trữ tình…
Hiểu được điều này, học sinh sẽ tránh nhầm lẫn một cách máy móc khi cho
rằng: một đoạn văn bản truyện thì luôn dùng phương thức tự sự, một đoạn thơ thì
luôn dùng phương thức biểu cảm…
c/ Mỗi phương thức biểu đạt thường có một số hình thức văn bản cụ thể:
Ví dụ:
+ Phương thức tự sự : xuất hiện trong các tác phẩm văn học như truyện, tiểu
thuyết, kí sự… nhưng cũng được dùng trong bàn tin báo chí, sách lịch sử…
+ Phương thức miêu tả : dùng trong văn tả cảnh, tả người, tả vật, trong các
đoạn văn miêu tả của tác phẩm truyện
+ Phương thức biểu cảm: là phương thức biểu đạt chính của thơ trữ tình

nhưng cũng có mặt trong các văn bản như: tùy bút, bút kí, văn tế…
+ Phương thức thuyết minh: dùng trong các văn bản trình bày tri thức, trong
văn bản quảng cáo sản phẩm hàng hóa, trong các lời giới thiệu di tích, thắng cảnh,
nhân vật…
Điều lưu ý HS là trong một văn bản cụ thể, ngoài phương thức biểu đạt
chính, còn có thể phối hợp thêm nhiều phương thức biểu đạt khác nhau.
Ví dụ cụ thể: Yêu cầu HS xác định những phương thức biểu đạt được sử
dụng trong đoạn thơ:
“ Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá
Níu váy bà đi chợ Bình Lâm
Bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật
Và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần
Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị
Chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng
Mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm
Điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng
Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế
Bà mò cua xúc tép ở đồng Quan
Bà đi gánh chè xanh Ba Trại
Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn”
_________________________________________________________________
Nguyễn Văn Công Trường THPT Ngô Sĩ Liên
11
( Đò Lèn – Nguyễn Duy)
(Câu 1 – Đề thi tuyển sinh Đại học khối C năm 2014)
- Giáo viên cần cắt nghĩa cho HS hiểu: Đây là thơ trữ tình, phương thức biểu
đạt chính sẽ là biểu cảm. Nhưng không chỉ vậy, trong đoạn thơ còn sử dụng cả các
phương thức khác là tự sự và miêu tả ( căn cứ nhận diện: ngoài việc bộc lộ cảm
xúc của người cháu, đoạn thơ còn thuật lại những chuyện trong quá khứ qua những
sự việc cụ thể, đoạn thơ còn có những dòng miêu tả: mùi huệ trắng quyên khói

trầm thơm lắm… )
d/ HS cũng hay mắc lỗi nhầm lẫn giữa phong cách ngôn ngữ, phương thức
biểu đạt, thao tác lập luận. Giáo viên cần lưu ý HS phân biệt rõ các phương diện
này.
Xét văn bản ví dụ:
“Loài chuột nhảy béttong sống trên vùng hoang mạc khô cằn ở Úc có thể
tìm ra nước từ trong lòng đất. Chúng đi tìm những hạt cây khô mang về bỏ vào các
hố đất sâu. Chỉ cần trong hố đất có một tí nước, hạt cây sẽ hút vào ngay. Chúng
đợi cho những hạt cây này hút đầy nước rồi mới bắt đầu lấy lên ăn.
Loài thằn lằn gai (Moloch) cũng sống ở sa mạc Úc, lại có cách lấy nước
nuôi cơ thể độc đáo hơn. Chúng lấy nước từ không khí. Toàn bộ cơ thể thằn lằn
gai được bao phủ bởi những khối u cứng và gai nhọn. Những thứ này không chỉ
giúp chúng tự vệ mà còn để làm một việc quan trọng không kém – lấy nước từ
không khí nuôi cơ thể. Trên lớp da cứng của chúng có vô số lỗ nhỏ li ti nằm giữa
những hàng gai. Chỉ cần một giọt nước đọng lại trên mình thằn lằn, nó sẽ bị thấm
vào da ngay. Sau đó nước sẽ được dẫn về phía đầu, dồn vào hai túi da xốp nhỏ
nằm trong hốc miệng. Khi đó, thằn lằn gai có thể uống nước một cách dễ dàng.”
(Theo Kiến thức ngày nay)
Giáo viên cần giúp HS xác định:
+ Văn bản trên là một văn bản cung cấp tri thức, thuộc phong cách ngôn ngữ
khoa học
+ Xét về phương thức biểu đạt, văn bản sử dụng phương thức chính là thuyết
minh
+ Về thao tác lập luận, văn bản sử dụng hai thao tác chính là giài thích và so
sánh
3. Giải pháp 3: Hướng dẫn viết đoạn văn ngắn
Các bài tập đọc hiểu thường có yêu cầu học sinh thể hiện cảm nhận của
mình trong một đoạn ngắn ( 5 – 7 dòng) về vấn đề nêu trong văn bản.
Để giúp học sinh bớt lúng túng, tránh mất thời gian, giáo viên nên hướng
dẫn học sinh tập viết bằng các bước sau:

- Xác định chủ đề cần viết (thường liên quan đến một nội dung của văn
bản đã cho)
_________________________________________________________________
Nguyễn Văn Công Trường THPT Ngô Sĩ Liên
12
- Viết đoạn ngắn theo 1 trong 2 kiểu diễn dịch hoặc tổng – phân – hợp
(theo kinh ngiệm của giáo viên thì đây là 2 cấu trúc mà HS dễ thực hiện
hơn cả)
+ Đoạn diễn dịch thường có mô hình: A + B,C,D… ( trong đó A là câu chủ
đề; B,C,D… là các câu khai triển bậc 1)
+ Đoạn tổng – phân – hợp thường có mô hình: A + B,C,D… + A’ ( trong đó
A là câu chủ đề để giới thiệu đoạn văn; B,C,D…là các câu giải thích hoặc làm rõ ý
tưởng chính của đoạn văn bằng cách cung cấp các dẫn chứng, lí lẽ có liên quan; A’
là câu kết đoạn bằng cách nhắc lại nội dung/ ý tưởng chính)
Ví dụ 1: Yêu cầu HS nêu 2 tác dụng của việc tự học theo quan điểm riêng
của mình. Trả lời trong khoảng 5-7 dòng. ( mục Đọc hiểu, Đề thi minh họa-kỳ thi
THPT quốc gia năm 2015 )
- HS xác định 2 ý chủ đề ( tương ứng với 2 tác dụng của tự học ):
 tự học giúp cho ta có được kiến thức một các vững chắc nhất;
 tự học còn giúp ta rèn luyện tính độc lập trong tư duy.
- Triển khai từng ý chủ đề nêu trên theo lối diễn dịch:
Việc tự học sẽ giúp ta có được những kiến thức một cách vững chắc nhất.Vì
khi tự mình tìm đến với kiến thức, chọn lọc kiến thức với thái độ chủ động, tích
cực, ta sẽ hiểu sâu về vấn đề và nhớ lâu hơn…
Ngoài tri thức, tự học còn giúp ta tự rèn luyện nhiều phẩm chất tốt đẹp: sự
kiên trì, ý chí vượt khó…Đặc biệt, tự học giúp ta có thói quen tự suy nghĩ, tạo khả
năng tư duy sáng tạo.
- Học sinh cũng có thể kết nối 2 đoạn nhỏ trên thành 1 đoạn lớn.
Ví dụ 2: Yêu cầu HS bày tỏ suy nghĩ về vấn đề chủ quyền biển đảo Việt
Nam.

- Lập ý: theo cấu trúc tổng – phân – hợp
+ Câu mở đoạn: khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam
+ Các câu khai triển bậc 1: nêu thái độ đối với nhà cầm quyền Trung Quốc;
với quân dân ta; hành động của bản thân…
+ Kết đoạn: khẳng định niềm tin tất thắng của dân tộc ta
- Viết đoạn: Giáo viên cho HS tập viết theo mô hình trên, tuy nhiên cũng
khuyến khích những cách suy nghĩ độc lập, sáng tạo khác.
( Đoạn văn tham khảo )
Chủ quyền biển đảo Việt Nam là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Là một
người dân VN, chúng ta không thể không quan tâm đến những sự kiện diễn ra trên
biển Đông trong thời gian gần đây. Trước tình hình an nguy tới vận mệnh quốc
gia, chủ quyền dân tộc, đồng hành với toàn dân tộc, thế hệ trẻ chúng ta cùng lên
tiếng phản đối và tỏ rõ sự bất bình, phẫn nộ trước lối hành xử bất chấp lẽ phải,
_________________________________________________________________
Nguyễn Văn Công Trường THPT Ngô Sĩ Liên
13
đạo lý và luật pháp quốc tế của nhà cầm quyền Trung Quốc. Đồng thời, ta cũng
bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ với các chiến sỹ, nhân dân đang ngày đêm bất chấp
hiểm nguy để bám biển, bám tàu thuyền, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh hải thiêng liêng
của Tổ Quốc. Chúng ta sẵn sàng cống hiến tuổi trẻ của mình khi tổ quốc kêu gọi.
Tuy nhiên, chúng ta cần bình tĩnh, sáng suốt, có hành động bảo vệ tổ quốc theo
đúng luật pháp Việt Nam và quốc tế. Dân tộc ta vốn có một lòng yêu nước nồng
nàn. Chúng ta có chính nghĩa, có tinh thần anh dũng, không sợ hi sinh. Với sự
đoàn kết của toàn dân tộc, chúng ta tin tưởng chủ quyền biển đảo VN sẽ được giữ
vững, như lời Bác Hồ năm xưa đã căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng
nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
IV. HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ TÀI
SKKN này đã giúp cho giáo viên có ý thức rõ ràng hơn về việc tăng cường
các biện pháp nhằm đáp ứng được yêu cầu đổi mới về dạy học, kiểm tra đánh giá
kết quả học tập theo định phát triển năng lực học sinh theo chỉ đạo của Bộ

GD&ĐT.
Thông qua hướng dẫn của giáo viên, học sinh một mặt có thể làm tốt các bài
tập đọc hiểu văn bản bản ngắn, vừa nâng cao được năng lực đọc hiểu văn bản và
tạo lập văn bản nói chung. Chất lượng học tập của học sinh được nâng cao, kết quả
làm bài cũng tốt hơn trước rất nhiều. Đặc biệt các em đã có được phương pháp làm
bài, không còn lúng túng, nhầm lẫn khi làm các bài tập đọc hiểu như trước.
Việc tìm tòi, nghiên cứu các biện pháp dạy đọc hiểu cũng giúp giáo viên có
thêm nguồn tư liệu bổ sung cho phương pháp, kĩ thuật dạy học, qua đó cũng góp
phần làm phong phú nội dung bài dạy, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy
học bộ môn.
Áp dụng những kinh nghiệm đã nêu, kết quả giảng dạy môn Văn cuối năm
của các lớp kể từ năm học 2013 – 2014 đến nay đã có nhiều tiến bộ rõ nét. Tỉ lệ bộ
môn của cả Tổ cũng đạt trên 75 % (so với trước chỉ đạt 60 %).
Trong bối cảnh có nhiều thay đổi về cấu trúc đề thi ở thời gian qua, kết quả
thi tốt nghiệp THPT môn Văn của trường Ngô Sĩ Liên vẫn giữ vững ở mức cao,
thường vượt tỉ lệ chung của tỉnh. Năm học 2013 – 2014, tỉ lệ tốt nghiệp ở các lớp
đã dạy đạt 90% ( so với tỉ lệ 82% của tỉnh ). Ở năm học 2014 – 2015, với cấu trúc
đề thi mới, kết quả thi cuối kỳ cũng đạt mức khả quan, tỉ lệ chung của cả tổ Văn
đạt 85%, kết quả giảng dạy cuối năm ở các lớp 12 cũng đạt hơn 75%.
V. ĐỀ XUẤT, KHUYẾN NGHỊ KHẢ NĂNG ÁP DỤNG
SKKN này đã được người viết vận dụng trong quá trình giảng dạy của bản
thân hai năm gần đây, sau đó triển khai áp dụng rộng rãi trong phạm vi tổ Văn của
trường THPT Ngô Sĩ Liên. Giáo viên trong tổ tiếp tục triển khai trong giờ dạy của
mình và cũng đã thu được những kết quả khá tốt, đặc biệt rất có ích cho những
giáo viên trẻ, chưa có kinh nghiệm giảng dạy.
_________________________________________________________________
Nguyễn Văn Công Trường THPT Ngô Sĩ Liên
14
Tuy nhiên, do mới được nghiên cứu và áp dụng trong thời gian chưa lâu, lại
ở một phạm vi nhỏ là một trường phổ thông, nên đề tài chưa có được rút kinh

nghiệm nhiều, mức độ đầu tư còn chưa tương xứng với yêu cầu đề ra. Hi vọng với
sự góp ý của các cấp quản lí và đồng nghiệp, người viết sẽ tiếp tục đầu tư nghiên
cứu để đề tài ngày càng có chất lượng hơn.
VI. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2007). Từ điển thuật ngữ văn
học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
2. Phương Lựu (chủ biên) (2004). LÍ LUẬN VĂN HỌC,Nxb Giáo dục, Hà Nội.
3. Trần Đình Sử (chủ biên) (2004). Tự sự học – một số vấn đề lí luận và lịch
sử, Nxb ĐHSP, Hà Nội.
4. Đinh Trọng Lạc và Nguyễn Thái Hòa (2006). Phong cách học Tiếng Việt,
Nxb Giáo dục, Hà Nội.
5. Nguyễn Thị Ảnh (1999). Tiếng Việt thực hành, Nxb Thanh niên, Tp.HCM.
6. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tài liệu tập huấn Dạy học và kiểm tra, đánh giá kết
quả học tập theo định hướng phát triển năng lực học sinh môn Ngữ văn, Hà
Nội, 2014.
VII. PHỤ LỤC
Một số bài tập nhỏ dùng để lấy điểm hệ số 1
Bài tập 1: Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:
“Nếu Kiều là người yếu đuối thì Từ là kẻ hùng mạnh, Kiều là người tủi nhục
thì Từ là kẻ vinh quang. Mỗi bước chân Kiều đều gặp phải bất trắc thì Từ ngang
dọc tự do. Suốt đời Kiều chịu đựng thì Từ bất bình, Kiều quen tiếng khóc thì Từ
quen tiếng cười. Kiều đội trên đầu nào trung, nào hiếu thì Từ “nào biết trên đầu
có ai”. Kiều lê lết trên mặt đất với bao éo le và tai họa thì Từ vùng vẫy phóng túng
tự do. Kiều là hiện thân của mối mặc cảm tự ti, còn Từ thì lòng đầy tự tôn”.
( Đọc lại Truyện Kiều – Vũ Hạnh)
a/ Nội dung đoạn văn nói về điều gì?
b/ Các biện pháp nghệ thuật nổi bật trong đoạn văn? Tác dụng của chúng?
c/ Giải thích ngắn gọn các từ “tự ti”, “tự tôn”
d/ Thao tác lập luận chính được sử dụng trong đoạn văn ?
Gợi ý trả lời:

a/ Nội dung đoạn văn so sánh sự khác biệt về tính cách, số phận giữa Kiều
và Từ Hải.
b/ Các biện pháp nghệ thuật nổi bật: sử dụng kết cấu đối lập – song hành,
biện pháp lặp CP: (nếu) Kiều …(thì) Từ…
Tác dụng: nhấn mạnh sự khác biệt giữa 2 nhân vật
_________________________________________________________________
Nguyễn Văn Công Trường THPT Ngô Sĩ Liên
15
c/ “tự ti”: sự mặc cảm, hạ thấp bản thân
“tự tôn”: đề cao, coi trọng bản thân
d/ Thao tác lập luận chính được sử dụng trong đoạn văn: so sánh
Bài tập 2:
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi:
“Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc. Kháng chiến có thắng lợi thì kiến
quốc mới thành công. Kiến quốc có thành công thì kháng chiến mới thắng lợi”.
(Hồ Chí Minh)
a/ Nội dung đoạn văn nói về điều gì?
b/ Biện pháp nghệ thuật nổi bật trong đoạn văn? Tác dụng của chúng?
c/ Em hiểu như thế nào về từ “kiến quốc”?
Gợi ý trả lời:
a/ Đoạn văn nêu mối quan hệ giữa nhiệm vụ kháng chiến (giành chính
quyền, giành độc lập tự do, lập nên chế độ mới) và nhiệm vụ kiến quốc (xây dựng
đất nước) của cách mạng nước ta.
b/ Biện pháp nghệ thuật nổi bật là đảo đối.
Tác dụng: nhấn mạnh sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa 2 nhiệm vụ.
c/ “Kiến quốc” là kiến thiết, xây dựng đất nước, bao gồm xây dựng chính
quyền, phát triển kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân…
Bài tập 3: Đọc đoạn thơ và trả lời các câu hỏi :
“Mình đi, có nhớ những ngày
Mưa nguồn suối lũ, những mây cùng mù

Mình về, có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai?
Mình về, rừng núi nhớ ai
Trám bùi để rụng, măng mai để già
Mình đi, có nhớ những nhà
Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son
Mình đi, mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái mái đình cây đa ?”
( Trích “Việt Bắc” – Tố Hữu )
1/ Nội dung chính của đoạn thơ ?
2/ Chỉ ra các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn thơ trên? Phân tích
giá trị biểu đạt của chúng.
3/ Cách sử dụng từ “mình” trong câu “Mình đi, mình có nhớ mình” đặc sắc ở
điểm nào ?
Gợi ý trả lời:
1/ Nội dung chính của đoạn thơ :
- Đây là lời của người Việt Bắc, hỏi để gợi nhắc người ra đi nhớ về những
tháng ngày kháng chiến gian khổ, nhiệm vụ kháng chiến nặng nề, đắng cay ngọt
bùi có nhau. Hỏi cũng là để gợi nhắc đến nghĩa tình cách mạng, đến những con
người Việt Bắc nghèo nhưng giàu tình nghĩa; nhớ chiến khu Việt Bắc là chiếc nôi
của cách mạng…
2/ Chỉ ra các biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn thơ trên:
- Điệp ngữ : mình đi, có nhớ, mình về, có nhớ…
_________________________________________________________________
Nguyễn Văn Công Trường THPT Ngô Sĩ Liên
16
Điệp cấu trúc CP: lặp các câu hỏi tu từ
- Các hình ảnh “mưa nguồn – suối lũ – mây cùng mù”, “cơm chấm muối – thù
nặng vai” vừa tả thực vừa có ý ẩn dụ
Hoán dụ: rừng núi nhớ ai

Các cặp tiểu đối : miếng cơm chấm muối, mối thù nặng vai…
Liệt kê : các hình ảnh, sự kiện ở cuối đoạn
Giá trị biểu đạt :  giúp tô đậm, khắc sâu kỉ niệm cũng như diễn tả nỗi lòng
day dứt của người ở lại.
3/ Đặc sắc của cách sử dụng từ “mình”:
Trong câu “Mình đi, mình có nhớ mình”, từ “mình” thứ 1 và từ “mình” thứ 2
được dùng ở ngôi thứ 2 số ít ( chỉ người ra đi ), từ mình thứ 3 vừa chỉ ngôi thứ 1
vừa chỉ ngôi thứ 2 số ít. Mình đi có nhớ đến người ở lại? có nhớ đến chính bản
thân mình trước kia…  tạo tính đa nghĩa, khơi gợi nhiều suy nghĩ sâu sắc, vừa
giúp tạo âm điệu da diết.
Bài tập 4:
Đọc đoạn thơ và trả lời câu hỏi:
“Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ chuyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái”
( Trích “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm )
a/ Nội dung chính của đoạn thơ?
b/ Phân tích những đặc sắc nghệ thuật có trong đoạn thơ trên.
Gợi ý trả lời:
a/ Nội dung chính của đoạn thơ: Tiếp tục khẳng định tư tưởng “Đất Nước
của Nhân dân”. Nhân dân là người sáng tạo, lưu giữ, phát huy tất các giá trị đẹp đẽ
về vật chất, tinh thần, bản sắc văn hóa góp phần làm nên Đất nước.
b/ Phân tích những đặc sắc nghệ thuật có trong đoạn thơ trên:
+ Sử dụng 1 loạt động từ : giữ, truyền, chuyền, gánh, đắp, be
+ Phép lặp cấu trúc : Họ + động từ + a,b,c,d
 giúp khẳng định vai trò to lớn của Nhân dân trong việc làm nên Đất nước; vừa
tạo sắc thái cụ thể, gần gũi, bình dị
Bài tập 5:

Đọc đoạn thơ và trả lời câu hỏi:
“ Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”
( Đất Nước – NĐT )
Gợi ý trả lời:
a/ Khổ thơ trên gieo vần chân, vần gián cách: máu – nấu, chiều – yêu
b/ Hai câu thơ sau gợi nhớ đến hai câu trong bài thơ Tây Tiến của Quang
Dũng:
“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
_________________________________________________________________
Nguyễn Văn Công Trường THPT Ngô Sĩ Liên
17
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
+ Điểm giống nhau giữa 2 trường hợp trên: đều diễn tả tình cảm của người
lính đối với người yêu nơi quê nhà; đều cho thấy vẻ đẹp lãng mạn trong tâm hồn
của họ.
Bài tập 6 :
Đọc đoạn thơ và trả lời câu hỏi:
“Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa”
( Trích Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên )
a/ Nội dung chính của đoạn thơ ?
b/ Chỉ ra các đặc sắc nghệ thuật của đoạn thơ ? Phân tích hiệu quả nghệ
thuật của chúng.
Gợi ý trả lời:
a/ Nội dung chính của đoạn thơ : Bộc lộ niềm khát khao mãnh liệt và niềm

hạnh phúc lớn lao của nhân vật trữ tình khi trở về gặp lại nhân dân.
b/ Các đặc sắc nghệ thuật của đoạn thơ :
+ Sử dụng liên tiếp những hình ảnh so sánh rất đẹp, rất lạ, rất gợi cảm ( 5
hình ảnh ), phối hợp với phép liệt kê ( nêu 1 loạt hình ảnh )
+ Hiệu quả : Những hình ảnh so sánh vừa đẹp vừa có sự hòa hợp, gắn bó đã
nhấn mạnh niềm hạnh phúc tột độ của nhà thơ khi trở về với nhân dân. Được trở về
với nhân dân không chỉ là niềm vui, niềm khao khát mà còn 1 lẽ tự nhiên. Về với
nhân dân là về với ngọn nguồn của sự sống, về với những gì thân thiết, sâu nặng
nhất của lòng mình.
NGƯỜI THỰC HIỆN
Nguyễn Văn Công
_________________________________________________________________
Nguyễn Văn Công Trường THPT Ngô Sĩ Liên
18
SỞ GD&ĐT ĐỒNG NAI
TRƯỜNG THPT NGÔ SĨ LIÊN
–––––––––––

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
––––––––––––––––––––––––
Đồng Nai, ngày 28 tháng 05 năm 2015
PHIẾU NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
Năm học: 2014 - 2015
–––––––––––––––––
Tên sáng kiến kinh nghiệm: Một số biện pháp nâng cao năng lực đọc – hiểu cho
học sinh trong dạy học môn Ngữ văn bậc THPT
Họ và tên tác giả: Nguyễn Văn Công Chức vụ: Giáo viên
Đơn vị: Trường THPT Ngô Sĩ Liên
Lĩnh vực: (Đánh dấu X vào các ô tương ứng, ghi rõ tên bộ môn hoặc lĩnh vực

khác)
- Quản lý giáo dục  - Phương pháp dạy học bộ môn: 
- Phương pháp giáo dục  - Lĩnh vực khác: 
Sáng kiến kinh nghiệm đã được triển khai áp dụng: Tại đơn vị  Trong Ngành

1.Tính mới (Đánh dấu X vào 1 trong 3 ô dưới đây)
-Đề ra giải pháp thay thế hoàn toàn mới, bảo đảm tính khoa học, đúng đắn

-Đề ra giải pháp thay thế một phần giải pháp đã có, bảo đảm tính khoa học,
đúng đắn 
-Giải pháp mới gần đây đã áp dụng ở đơn vị khác nhưng chưa từng áp dụng ở
đơn vị mình, nay tác giả tổ chức thực hiện và có hiệu quả cho đơn vị 
2.Hiệu quả (Đánh dấu X vào 1 trong 5 ô dưới đây)
-Giải pháp thay thế hoàn toàn mới, đã được thực hiện trong toàn ngành có hiệu
quả cao 
-Giải pháp thay thế một phần giải pháp đã có, đã được thực hiện trong toàn
ngành có hiệu quả cao 
-Giải pháp thay thế hoàn toàn mới, đã được thực hiện tại đơn vị có hiệu quả cao

-Giải pháp thay thế một phần giải pháp đã có, đã được thực hiện tại đơn vị có
hiệu quả 
-Giải pháp mới gần đây đã áp dụng ở đơn vị khác nhưng chưa từng áp dụng ở
đơn vị mình, nay tác giả tổ chức thực hiện và có hiệu quả cho đơn vị 
3.Khả năng áp dụng (Đánh dấu X vào 1 trong 3 ô mỗi dòng dưới đây)
- Cung cấp được các luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính
sách:
Trong Tổ/Phòng/Ban  Trong cơ quan, đơn vị, cơ sở GD&ĐT  Trong
ngành 
- Đưa ra các giải pháp khuyến nghị có khả năng ứng dụng thực tiễn, dễ thực hiện và
dễ đi vào cuộc sống:

Trong Tổ/Phòng/Ban  Trong cơ quan, đơn vị, cơ sở GD&ĐT  Trong ngành

_________________________________________________________________
Nguyễn Văn Công Trường THPT Ngô Sĩ Liên
19
- Đã được áp dụng trong thực tế đạt hiệu quả hoặc có khả năng áp dụng đạt hiệu quả
trong phạm vi rộng: Trong Tổ/Phòng/Ban  Trong cơ quan, đơn vị, cơ sở GD&ĐT 
Trong ngành 
Xếp loại chung: Xuất sắc  Khá  Đạt  Không xếp loại 
Cá nhân viết sáng kiến kinh nghiệm cam kết và chịu trách nhiệm không sao
chép tài liệu của người khác hoặc sao chép lại nội dung sáng kiến kinh nghiệm cũ
của mình.
Tổ trưởng và Thủ trưởng đơn vị xác nhận đã kiểm tra và ghi nhận sáng kiến
kinh nghiệm này đã được tổ chức thực hiện tại đơn vị, được Hội đồng chuyên môn
trường xem xét, đánh giá; tác giả không sao chép tài liệu của người khác hoặc sao
chép lại nội dung sáng kiến kinh nghiệm cũ của chính tác giả.
NGƯỜI THỰC HIỆN
SKKN
XÁC NHẬN CỦA TỔ
CHUYÊN MÔN
THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
Nguyễn Văn Công Nguyễn Văn Công Hoàng Văn Bắc
_________________________________________________________________
Nguyễn Văn Công Trường THPT Ngô Sĩ Liên
20

×