Tải bản đầy đủ (.doc) (118 trang)

Thế giới nghệ thuật trong thơ mai văn phấn

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (466.25 KB, 118 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐẠI HỌC VINH
HOÀNG THỊ THANH NHÀN
THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT
TRONG THƠ MAI VĂN PHẤN
LUẬN VĂN THẠC SỸ NGỮ VĂN

Nghệ An - Năm 2014
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐẠI HỌC VINH
HOÀNG THỊ THANH NHÀN
THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT
TRONG THƠ MAI VĂN PHẤN
LUẬN VĂN THẠC SỸ NGỮ VĂN
Chuyên ngành: Lý Luận Văn Học
Mã số : 60.22.01.20
Người hướng dẫn khoa học:
TS. LÊ THỊ HỒ QUANG
Nghệ An - Năm 2014
NHÀ THƠ MAI VĂN PHẤN
QUY ƯỚC VIẾT TẮT
Nxb: Nhà xuất bản
tr: Trang
TS: Tiến sĩ
Cách chú thích tài liệu trích dẫn: số thứ tự tài liệu đứng trước, số trang
đứng sau. Ví dụ: [34; 123] nghĩa là số thứ tự của tài liệu trong mục Tài liệu
tham khảo là 34, nhận định trích dẫn nằm ở trang 123 của tài liệu này.
MỤC LỤC
Trang
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài 1


2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu 1
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 6
4. Nhiệm vụ nghiên cứu 6
5. Phương pháp nghiên cứu 7
6. Đóng góp của luận văn 7
7. Cấu trúc của luận văn 7
Chương 1. KHÁI QUÁT VỀ THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT
TRONG THƠ MAI VĂN PHẤN
1.1. Giới thuyết khái niệm 8
1.1.1. Thế giới nghệ thuật 8
1.1.2. Thế giới nghệ thuật trong thơ trữ tình 9
1.2. Mai Văn Phấn và các chặng đường thơ 10
1.2.1. Tiểu sử nhà thơ Mai Văn Phấn 10
1.2.2. Các chặng đường thơ Mai Văn Phấn 14
1.3. Cơ sở hình thành thế giới nghệ thuật trong thơ Mai Văn Phấn 18
1.3.1. Về thế giới nghệ thuật thơ Mai Văn Phấn 18
1.3.2. Những cơ sở hình thành nên thế giới nghệ thuật thơ Mai Văn Phấn 19
Chương 2. HÌNH TƯỢNG CÁI TÔI VÀ HÌNH TƯỢNG THẾ GIỚI
TRONG THƠ MAI VĂN PHẤN
2.1. Hình tượng cái tôi trong thơ Mai Văn Phấn 30
2.1.1. Cái tôi giàu khát vọng và năng lượng cách tân thi ca 31
2.1.2. Cái tôi say đắm, nồng nàn trong tình yêu 36
2.1.3. Cái tôi thống nhất giữa lý tính tỉnh táo và trực giác nhạy bén 42
2.1.4. Cái tôi khao khát hướng tới một thế giới tinh thần lý tưởng “thuần
Việt”…… 48
2.2. Hình tượng thế giới trong thơ Mai Văn Phấn 54
2.2.1. Một thế giới của sự viên mãn và thuần khiết 54
2.2.2. Một thế giới của sự tương giao, hài hòa 58
2.2.3. Một thế giới của những cảm giác siêu nghiệm 62
Chương 3. PHƯƠNG THỨC XÂY DỰNG THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT

TRONG THƠ MAI VĂN PHẤN
3.1. Thể loại 66
3.1.1. Thơ lục bát 66
3.1.2. Thơ tự do 69
3.1.3. Thơ văn xuôi 71
3.1.4. Thơ cực ngắn 72
3.2. Kết cấu 73
3.2.1. Kết cấu văn bản 74
3.2.2. Kết cấu hình tượng 84
3.3. Cách sử dụng hình ảnh, biểu tượng và biện pháp tạo hình 87
3.3.1. Cách sử dụng hình ảnh, biểu tượng 87
3.3.2. Những tìm tòi trong bút pháp tạo hình 95
KẾT LUẬN 104
TÀI LIỆU THAM KHẢO 107
1
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
1.1. Mai Văn Phấn là một cây bút cách tân tiêu biểu của thơ Việt Nam
đương đại. Với ông, sáng tạo nghĩa là phải luôn đổi mới và quá trình sáng tạo
chính là “những cuộc cách mạng liên tiếp xảy ra trong mỗi nhà thơ”. Điều đó
được chứng minh rất rõ qua các chặng đường thơ của ông. Nhà thơ quan niệm
rất nhất quán: “Đổi mới thi pháp trước hết là từ chối ve vuốt những sở thích của
người đọc, nhằm tạo những sóng từ khác, những mã số khác trong không gian
thơ vừa được khám phá. Lý tưởng thi ca của sự cách tân là nhằm gọi đúng bản
chất của sự vật trong nhịp điệu đời sống hiện đại” [55; 378]. Có lẽ chính vì thế
nên khi xuất hiện, những “đứa con tinh thần” của ông luôn tạo ra những hiệu
ứng thẩm mỹ trái chiều và mạnh mẽ.
1.2. Thế giới nghệ thuật là thế giới hình tượng được sáng tạo, xây dựng
nên trong tác phấm nghệ thuật theo những nguyên tắc tư tưởng – thẩm mĩ nhất
định của người nghệ sĩ. Gắn với một thế giới nghệ thuật là một quan niệm riêng,

cá tính sáng tạo riêng của mỗi tác giả. Có thể thấy, gắn liền với một quan niệm
thẩm mĩ mới mẻ, thơ Mai Văn Phấn là một thế giới nghệ thuật hết sức độc đáo.
Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào
trực tiếp bàn đến vấn đề này. Do đó, chúng tôi quyết định chọn “Thế giới nghệ
thuật trong thơ Mai Văn Phấn” làm đề tài nghiên cứu của luận văn.
2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu
Mai Văn Phấn là cây bút cách tân tiêu biểu trong văn học đương đại. Về
vấn đề thế giới nghệ thuật thơ Mai Văn Phấn, cũng đã có một số công trình, bài
viết quan tâm tìm hiểu. Sau đây chúng tôi sẽ lược thuật những ý kiến tiêu biểu.
2
2.1. Những nhận định, đánh giá về đặc trưng thế giới nghệ thuật thơ
Mai Văn Phấn
Văn Giá trong bài Thơ sinh ra để nói về niềm hy vọng của con người,
khẳng định thế giới nghệ thuật trong thơ Mai Văn Phấn là thế giới rất khó nắm
bắt với sự “Bề bộn về số lượng: 370 bài. Bề bộn về ý tưởng. Bề bộn về thi ảnh.
Bề bộn cả về thể điệu: lục bát, đường luật, tự do, thơ văn xuôi, trường ca. Lại đi
qua ba quãng tính từ những bài thơ đầu tiên cho đến hôm nay. Thế nên, để gọi
ra được “khuôn mặt” nhà thơ Mai Văn Phấn với tất cả những nét đặc sắc riêng
quả là một thử thách đối với bất cứ ai” [46; 528]. Nhà phê bình này cũng nhận
xét rất xác đáng: “Toàn bộ thơ Mai Văn Phấn đã dựng nên một thế giới phồn
sinh và hóa sinh bất định…Với người nghệ sĩ này, một xác tín hiệu hiện lên thật
nhất quán: còn sự sống là còn phồn sinh và hóa sinh bất định; và còn phồn sinh
hóa sinh bất định là còn khiến con người ta có quyền hy vọng vào những gì đẹp
đẽ và nhân bản nhất. Thơ Mai Văn Phấn hát ca niềm hy vọng không bao giờ
ngơi nghỉ ở con người” [46; 529].
Theo Đỗ Minh Tuấn: “Thế giới thơ của Mai Văn Phấn luôn luôn trong
trạng thái sẵn sàng bùng nổ. Một biến động dù thi nhân day dứt siêu hình,
những suy tưởng miên man tất cả đều có thể là nhỏ nhất như một tia sáng, một
tiếng chim Từ cuộc sống xung quanh vọng tới cũng có thể khởi động lên trong
sứ giả của một trật tự thi ca mới mẽ đang chờ” [46; 148].

Theo Nguyễn Quang Thiều, viết về thơ Mai Văn Phấn là viết về “ hiện
thực của những giấc mơ, của những câm lặng, của tưởng tượng và khát vọng.
Hiện thực này trong nghệ thuật được sinh ra để hé lộ cho ta thấy một đời sống
tâm linh, và nó tìm cách cứu vớt sự tuyệt vọng của một hiện thực khác mà con
người đang phải đương đầu” [76; 3].
3
Nguyễn Thanh Tâm trong bài Lập thể của ký ức và tưởng tượng xuyên
qua Bầu trời không mái che đã nhận định:“Thơ Mai Văn Phấn quyến luyến
người đọc không phải bằng sự mượt mà du dương của vần điệu. Sức hấp dẫn
của thơ anh nằm ở thế năng trong cấu trúc ngôn từ và hình ảnh. Đó chính là
những lập thể của kí ức và tưởng tượng, những chồng chất, đan cài, lồng hiện
của hình ảnh, hình tượng thông qua các thủ pháp nghệ thuật đã được dụng công
gia cường. Như một tình nhân khó tính, thơ Mai Văn Phấn khiến người ta mất
nhiều tâm sức để chinh phục và khi đã bén duyên thì không thể nào dứt ra
được” [46; 395].
Tác giả Lê Hồ Quang, trong bài Đặc trưng thế giới nghệ thuật trong thơ
Mai Văn Phấn, nhận định: “Thơ Mai Văn Phấn là một sự chuyển động liên tục
với những tìm tòi thi pháp đa dạng. Một khi quan niệm sáng tạo là nhằm hướng
đến “sự khác hẳn, biệt lập (đôi khi đối lập) với cái đã được định giá”, tác giả
không ngại tìm kiếm và dung nạp những cách nghĩ, cách viết mới, hiện đại, tạo
nên sự giãn nở liên tục và khá rộng rãi trong biên độ sáng tạo” [61; 1]. Và “ thế
giới thơ ông dù biến đổi hết sức đa dạng song vẫn rất nhất quán ở tinh thần vận
động hướng về cái mới, không hoàn tất, khép kín mà ngược lại, sẵn sàng “mời
gọi” những diễn dịch đa chiều” [61; 3].
Kim Chuông trong bài Mai Văn Phấn lấp lánh giữa mông lung vô thức
cho rằng: “Vũ trụ đã nằm trong trái tim thi sĩ” và “Nhà thơ luôn văng mình về
một phía xa khuất để cố nén và ôm trùm nơi hồn mình một ngoại giới mông
lung. Một vũ trụ thiên nhiên tự nhà thơ đẻ ra các dồi dào trực giác, nhưng trực
giác lại có quá trình tích lũy nào đó”[46; 275].
Nhã Thuyên trong bài Khí quyển thơ-sinh thái của Mai Văn Phấn: thơ, bầu

trời và những linh hồn cho rằng thơ Mai Văn Phấn mang đến “không gian luôn
4
rộng mở đón đợi người đọc cùng sáng tạo nhưng lại không dễ dàng để gọi tên
cái “khí” của một người thơ miệt mài, nhẫn nại, trong lành và nhiệt huyết như
Mai Văn Phấn”[46; 451].
Trong luận văn Một số cách tân nghệ thuật trong thơ Mai Văn Phấn của
Nguyễn Quang Hà (Đại học Thái Nguyên) cũng đã đề cập tới một phương diện
của thế giới nghệ thuật thơ Mai Văn Phấn, đó là không gian nghệ thuật. Tác giả
luận văn cho rằng: Trong thơ Mai Văn Phấn tập trung thể hiện không gian đa
diện - biến ảo và “biểu hiện rõ nhất của không gian đa diện - biến ảo là không
gian vụt hiện chập chờn giữa thực và ảo và không gian vô thức siêu thực" [19;
59].
2.2. Những nhận định, đánh giá về nghệ thuật xây dựng, thể hiện thế
giới thơ Mai Văn Phấn
Nguyễn Hoàng Đức, khi đề cập đến sự thay đổi bút pháp thơ Mai Văn
Phấn, đã viết: “ Phải nói, anh đã thể nghiệm rất nhiều bút pháp thơ từ cổ điển
đến các khuynh hướng thơ hiện đại thế kỷ hai mươi và thơ văn xuôi. Tất cả đều
được cày xới, chiêm nghiệm, chìm đắm đến nhuần nhị. Đọc thơ anh, có cảm
giác bình thản như một nhạc công đã tu luyện thành thạo và dễ dàng biểu diễn
những khúc nhạc khó nhẹ như lông hồng” [46; 35].
Đỗ Quyên, khi đề cập tới ngôn ngữ thơ Mai Văn Phấn, cho rằng:
“Chúng ta đang bàn đến một thi giới gần như không có vốn từ vựng riêng và
lạ. Nếu lướt nhẹ trên vài câu vài bài, sẽ tưởng đây là tay viết bình dân. Đọc thơ
Mai Văn Phấn không phải tra từ điển Việt – Việt! Không khó hiểu với từng bài
lẻ nếu có được vốn tối thiểu của luật câu cú tiếng Việt ” [46; 187]. Cũng theo
tác giả Đỗ Quyên, “Mai Văn Phấn không là chủ nhân của các câu thơ, đoạn thơ
hút hồn theo nghĩa đơn tuyến. Các bài hay và khá của thi sĩ đều là những mạng
5
đan xen trên một phông văn hóa ổn cố bằng loại ngôn ngữ giản dị, chiêm
nghiệm” [46; 164].

Nhà thơ Inrasara thì cho rằng: "Chuyển động mạnh nhất ở Mai Văn Phấn
trong những năm hậu đổi mới chính là ngôn ngữ. Hết còn thứ ngôn từ sang
trọng và trịnh trọng. Ngôn ngữ thơ của Phấn đã thôi còn trau chuốt tỉ mẩn, ngày
càng hướng đến sự tự phát và ngẫu hứng. Từ đó, thơ anh cũng thôi đạo mạo với
đóng thùng" [46; 73].
Đặng Văn Sinh, khi đề cập tới tập thơ Bầu trời không mái che, đã viết:
“Ngôn ngữ siêu thực là một đặc trưng của bút pháp Mai Văn Phấn. Nó biểu
hiện ở dạng thức thơ không vần, không nhịp điệu, không đăng đối và thường
đảo ngược cấu trúc cú pháp”[46; 109].
Theo học viên Vũ Thị Thảo: “Thơ Mai Văn Phấn có nhiều bài mang hơi
thở tự do, ít khi sử dụng những dấu chấm câu, không cần tuân thủ trật tự cú
pháp, đề cao sự liên tưởng cá nhân. Để biểu đạt giấc mơ và đời sống vô thức,
lối viết tự động được xem như là phương thức hữu hiệu Đó là một cách để
thoát khỏi mọi định kiến của xã hội và luân lý, để biểu lộ niềm tin vào tính dân
chủ của ngôn ngữ, để tự do suy ngẫm về chức năng của nghệ thuật và bản chất
của quá trình sáng tạo” [46; 572].
Tuy nhiên bên cạnh những nhận định, đánh giá khẳng định giá trị thơ Mai
Văn Phấn thì vẫn còn những nhận định, đánh giá trái chiều. Chẳng hạn Đặng
Huy Giang, trong bài viết đánh giá về tập Thơ viết, đã chỉ trích cách dùng từ, kết
cấu trong thơ Mai Văn Phấn, cụ thể là trong bài Mười bài tập mùa xuân. Theo
tác giả, bài thơ chỉ là tập hợp những câu vọng cổ, rối rắm, vô nghĩa, dài dòng,
mà thôi.
Nhìn chung, những nhận định, đánh giá của các tác giả về vấn đề thế giới
6
nghệ thuật thơ Mai Văn Phấn khá cụ thể, sâu sắc và có giá trị, đưa lại cho chúng
tôi những gợi dẫn quan trọng trong việc khám phá thế giới nghệ thuật thơ Mai
Văn Phấn.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Luận văn chọn Thế giới nghệ thuật trong thơ Mai Văn Phấn làm đối tượng

nghiên cứu.
3.2. Phạm vi văn bản khảo sát
Tìm hiểu thế giới nghệ thuật trong thơ Mai Văn Phấn, luận văn khảo sát
công trình Thơ tuyển Mai Văn Phấn cùng tiểu luận và trả lời phỏng vấn (2013),
Nxb Hội Nhà văn Hà Nội. Tập thơ Hoa giấu mặt (2012), Nxb Hội Nhà văn Hà
Nội. Tập thơ Vừa sinh ra ở đó (2013), Nxb Hội Nhà văn Việt Nam.
4. Nhiệm vụ nghiên cứu
Với đề tài này, chúng tôi xác định nhiệm vụ nghiên cứu sau:
4.1. Tìm hiểu khái niệm thế giới nghệ thuật và thế giới nghệ thuật trong
thơ Mai Văn Phấn.
4.2. Tìm hiểu đặc điểm hình tượng cái tôi và hình tượng thế giới trong thơ
Mai Văn Phấn.
4.3. Tìm hiểu phương thức xây dựng thế giới nghệ thuật trong thơ Mai
Văn Phấn.
5. Phương pháp nghiên cứu
5.1. Phương pháp hệ thống
Quan niệm thế giới nghệ thuật là một chỉnh thể, xuất phát từ đặc điểm
riêng của thế giới nghệ thuật thơ Mai Văn Phấn, luận văn chú trọng tìm hiểu
những yếu tố tạo nên chỉnh thể này và những quy luật cấu tạo của nó.
7
5.2. Phương pháp so sánh
Phương pháp này giúp người viết nhận ra bản sắc riêng, thi pháp riêng của
Mai Văn Phấn khi xây dựng hình tượng cái tôi và hình tượng thế giới (so với
các nhà thơ khác).
5.3. Phương pháp thống kê, phân loại
Phương pháp này giúp người viết tìm kiếm một cách có hệ thống những
hình ảnh, biểu tượng xuất hiện nhiều lần trong thế giới nghệ thuật thơ Mai Văn
Phấn.
5.4. Phương pháp phân tích, tổng hợp
Phương pháp này giúp người viết làm rõ những nét độc đáo về thế giới

nghệ thuật trong thơ Mai Văn Phấn và có cái nhìn khái quát về thơ Mai Văn
Phấn.
6. Đóng góp của luận văn
Luận văn góp phần trong việc xác định, đánh giá những đóng góp của
thơ Mai Văn Phấn vào tiến trình thơ hiện đại Việt Nam. Đồng thời khẳng định
một phong cách thơ độc đáo - Mai Văn Phấn.
7. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, nội dung luận văn
gồm 3 chương:
Chương 1. Khái quát về thế giới nghệ thuật thơ Mai Văn Phấn
Chương 2. Hình tượng cái tôi và hình tượng thế giới trong thơ Mai Văn
Phấn
Chương 3. Phương thức xây dựng thế giới nghệ thuật trong thơ Mai Văn
Phấn
8
Chương 1
KHÁI QUÁT VỀ THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT
TRONG THƠ MAI VĂN PHẤN
1.1. Giới thuyết khái niệm
1.1.1.Thế giới nghệ thuật
Thế giới nghệ thuật là khái niệm được sử dụng khá phổ biến trong đời
sống và trong học thuật. Theo Từ điển thuật ngữ văn học, thế giới nghệ thuật là
“khái niệm chỉ tính chỉnh thể của sáng tác nghệ thuật. Thế giới nghệ thuật nhấn
mạnh rằng: sáng tác nghệ thuật là một thế giới riêng được sáng tạo ra theo các
nguyên tắc tư tưởng, khác với thế giới thực tại vật chất hay thế giới tâm lý của
con người, mặc dù nó phản ánh các thế giới ấy. Thế giới nghệ thuật có không
gian riêng, thời gian riêng, có quy luật tâm lý riêng, có quan hệ xã hội riêng,
quan niệm đạo đức, thang bậc giá trị riêng Như vậy, khái niệm thế giới nghệ
thuật giúp ta hình dung tính độc đáo về tư duy nghệ thuật của sáng tạo nghệ
thuật có cội nguồn trong thế giới quan, văn hoá chung, văn hoá nghệ thuật và cá

tính sáng tạo của nghệ sĩ” [18; 303].
Lí luận văn học (tập 2, do Trần Đình Sử chủ biên), khẳng định: “Gọi bằng
thế giới nghệ thuật bởi vì đó là cấu tạo đặc biệt, có sự thống nhất không tách rời,
vừa có sự phản ánh thực tại, vừa có sự tưởng tượng sáng tạo của tác giả, có sự
khúc xạ thế giới bên trong của nhà văn. Thế giới này chỉ có trong tác phẩm và
trong tưởng tượng nghệ thuật…Thế giới nghệ thuật là thế giới tư tưởng, thế giới
thẩm mỹ, thế giới tinh thần của con người” [68; 81]. Và “Một thế giới nghệ
thuật nhất định với tư cách là hệ thống không chỉ đặc trưng cho tác phẩm đó, mà
còn đặc trưng cho cả nhà văn nói chung…Nghiên cứu cấu trúc của thế giới nghệ
9
thuật vừa cho ta hiểu hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm, quan niệm của tác
giả về thế giới, vừa có thể khám phá thế giới bên trong ẩn kín của nhà văn, cái
thế giới chi phối sự hình thành phong cách nghệ thuật” [68; 83].
Theo Nguyễn Đăng Mạnh: “Thế giới nghệ thuật của nhà văn hiểu đúng
nghĩa của nó là một chỉnh thể, đã là chỉnh thể tất phải có cấu trúc nội tại theo
những nguyên tắc thống nhất, cũng có nghĩa là quan hệ nội tại giữa các yếu tố
phải có tính quy luật” [37, 78].
Tham khảo những định nghĩa trên, chúng tôi đi đến cách hiểu về khái
niệm thế giới nghệ thuật như sau:
Thế giới nghệ thuật là thế giới hình tượng được sáng tạo, xây dựng nên
trong tác phấm nghệ thuật theo những nguyên tắc tư tưởng – thẩm mĩ nhất định
của người nghệ sĩ. Đó là một chỉnh thể nghệ thuật sống động, cảm tính, được
xây cất bằng vật liệu ngôn từ và các phương thức, phượng tiện nghệ thuật đặc
thù. Là đứa con tinh thần của nghệ sỹ, thế giới nghệ thuật luôn hàm chứa và thể
hiện quan niệm riêng của người nghệ sỹ về thế giới, con người và bản thân sự
sáng tạo. Đó không phải là một thế giới tĩnh mà là một thế giới động, phản ánh
những biến chuyển tinh vi và phức tạp trong tư tưởng của người nghệ sĩ.
1.1.2. Thế giới nghệ thuật trong thơ trữ tình
Theo Từ điển thuật ngữ văn học, thơ trữ tình (tiếng Pháp: poesie lyrique),
là thuật ngữ dùng chỉ chung các thể thơ thuộc loại trữ tình. Trong đó, những

cảm xúc và suy tư của nhà thơ hoặc của nhân vật trữ tình trước các hiện tượng
đời sống được thể hiện một cách trực tiếp. “Tính chất cá thể hóa của cảm nghĩ
và tính chất chủ quan hóa của sự thể hiện là những dấu hiệu tiêu biểu của thơ
trữ tình. Là tiếng hát của tâm hồn, thơ trữ tình có khả năng thể hiện những biểu
hiện phức tạp của thế giới nội tâm, từ các cung bậc của tình cảm cho tới những
10
chính kiến, những tư tưởng triết học"[18 ; 317].
Lê Quang Hưng trong Thế giới nghệ thuật thơ Xuân Diệu thời kì trước
1945 cho rằng: “Thế giới nghệ thuật trong thi ca là thế giới được nghệ sỹ sáng
tạo ra bằng phương tiện ngôn từ. Nó chưa từng tồn tại trong thế giới vật chất, và
mãi mãi không bao giờ có thể biến thành thực tại vật chất. Nhưng nó lại mang
sự sống và tâm hồn chân thực của một người, một thế hệ, một thời. Đó là bản
lĩnh hình tượng của thế giới nghệ thuật - thuộc về tinh thần. Là sản phẩm sáng
tạo nghệ thuật của nhà thơ, thế giới nghệ thuật vừa phản ánh thế giới xung
quanh được cảm thấy của chủ thể. Nói theo ngôn ngữ của lý luận quen thuộc thì
nó vừa phản ánh “hiện thực”, vừa phản ánh “ý thức chủ quan” của người nghệ
sỹ” [24; 5].
Thơ trữ tình là sự bộc lộ cái chủ quan, là sự biểu hiện và cảm thụ của chủ
thể trữ tình trong một không gian, thời gian nhất định. Vì thế, thế giới nghệ
thuật trong thơ trữ tình thể hiện rõ qua hai hình tượng: hình tượng cái tôi và
hình tượng thế giới. Cái tôi là hình tượng trung tâm của thơ trữ tình, mang vẻ
đẹp độc đáo không lặp lại. Hình tượng thế giới tồn tại trong thơ trữ tình với vai
trò là khách thể để chủ thể - cái tôi trữ tình thể hiện mình. Tất nhiên, hình tượng
thế giới (cũng như hình tượng cái tôi nói trên) thực chất đều là hình tượng nghệ
thuật, chúng được xây dựng, thể hiện theo những nguyên tắc thẩm mĩ riêng của
nhà thơ.
1.2. Mai Văn Phấn và các chặng đường thơ
1.2.1. Tiểu sử nhà thơ Mai Văn Phấn
Mai Văn Phấn nhà thơ thuộc thế hệ hậu chiến, một trong những gương
mặt xuất sắc của khuynh hướng cách tân thơ Việt đương đại. Ông sinh năm

1955, tại Kim Sơn, Ninh Bình, hiện sống và làm việc tại thành phố Hải Phòng.
11
Hải Phòng - thành phố cảng, chính là nơi đã sinh ra nhiều tên tuổi tài năng như:
Văn Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Bùi Ngọc Tấn, Thi Hoàng, Đồng
Đức Bốn, Đình Kính, Dư Thị Hoàn, Mai Văn Phấn Trong đó, Mai Văn Phấn là
một gương mặt tiêu biểu.
Mai Văn Phấn vốn là một học sinh giỏi văn của trường cấp 3 Kim Sơn, là
người yêu thơ văn và bắt đầu làm thơ từ những năm 16, 17 tuổi. Đến năm 17
tuổi (1972), ông đoạt giải nhì cuộc thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc. Sau khi
tốt nghiệp phổ thông, Mai Văn Phấn lên đường nhập ngũ. Năm 1981, trở về quê
và làm việc tại Công ty Thuỷ lợi II Ninh Bình. Sau đó, học Đại học Ngoại ngữ
Hà Nội và được cử đi du học ở Liên Xô (cũ). Những năm tháng đi du học cộng
với tinh thần ham học hỏi, ông đã tiếp thu được tinh hoa nhiều nền văn hóa, văn
học trên thế giới. Đây là những kiến thức hết sức quan trọng làm nền tảng cho
hành trình sáng tạo của nhà thơ về sau.
Để hiểu hơn về tác giả này, ta hãy tìm hiểu thêm về những yếu tố có tác
động mạnh mẽ đến con người và hồn thơ ông.
Thứ nhất, yếu tố gia đình. Xuất thân trong gia đình theo đạo Thiên chúa
giáo nên từ nhỏ Mai Văn Phấn đã rất ngoan đạo. Trong một lần tâm sự với
Hoàng Hiệp, nhà thơ từng nói: “Tôi sinh ra trong gia đình theo đạo Thiên Chúa.
Từ nhỏ tôi rất ngoan đạo, thuộc kinh bổn và thông thạo Kinh Tân Ước và Cựu
Ước, các sách thánh, mê hát thánh ca… Lúc ấy cha mẹ tôi rất muốn cho tôi vào
nhà dòng để có thể đi tu lâu dài, nhưng khi nhận ra con ngựa hoang trong tâm
hồn mình, thấy sự đam mê, run rẩy quá đỗi của mình với vẻ đẹp của thiên nhiên
và con người…Tôi đã từ chối. Sau này khi du học ở Liên Xô cũ (1983-1984),
tôi đã gặp vợ tôi bây giờ – một người theo Đạo Phật. Tôi đã đến với Phật giáo
bằng tình yêu và cả sự chiều chuộng người tôi yêu nữa. Khi nghiên cứu các giáo
12
lý của các tôn giáo lớn trên thế giới, tôi nhận ra rằng: Thượng Đế chỉ có một.
Và, chắc chắn chúng ta được sinh ra và bị chi phối bởi một Đấng –Toàn - Năng.

Đấng – Toàn - Năng cho con người biết được gần đúng khuôn mặt và tinh thần
của Ngài thông qua các hình thức tôn giáo mà thôi”. Qua lời tâm sự này, chúng
ta cũng phần nào thấy được ảnh hưởng của các tôn giáo và các nền văn hóa thế
giới trong thơ ông.
Thứ hai, yếu tố quê hương. Ông được sinh ra và lớn lên ở Ninh Bình, vùng
đất với nhiều truyền thống, nét đẹp văn hóa dân tộc. Ninh Bình là vùng đất giao
thoa giữa ba khu vực Tây Bắc, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Đặc
điểm đó tạo nên một nền văn hóa tương đối năng động, mang đặc trưng khác
biệt trên nền tảng văn minh châu thổ sông Hồng. Vào thế kỉ X, Ninh Bình được
xem là kinh đô, mảnh đất gắn liền với bao thăng trầm của lịch sử. Đến thế kỉ
XVI – XVII, đạo Thiên Chúa được truyền vào Ninh Bình, hình thành trung tâm
Thiên Chúa Giáo Phát Diệm, nay là giáo phận Phát Diệm đặt tại Kim Sơn.
Mảnh đất quê hương với chiều sâu truyền thống và đặc thù văn hóa ấy đã in
đậm vào tâm khảm thi nhân, tạo nên những trang viết giàu nội lực và ám ảnh.
Hiện tại, Mai Văn Phấn đang công tác và sinh sống tại thành phố Hải Phòng,
nơi được xem là quê hương thứ hai của nhà thơ. Hải Phòng là một trong các
thành phố lớn của Việt Nam, nơi có vị trí quan trọng về kinh tế, xã hội, an ninh,
quốc phòng của vùng Bắc Bộ và cả nước. Là đầu mối giao thông vận tải với hệ
thống cảng biển, Hải Phòng là thành phố phát triển mạnh về kinh tế, cũng như
đời sống, văn hóa …
Có thể thấy, yếu tố quê hương, gia đình đã ảnh hưởng, chi phối mạnh mẽ
tới nhiều phương diện nghệ thuật thơ Mai Văn Phấn. Thơ ông thể hiện tiếng nói
tri ân đối với quê nhà, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, sự gắn bó với
13
những gì bình dị của đất đai, làng mạc và khát vọng tìm kiếm, hướng về một
tiếng thơ lý tưởng "thuần Việt".
Thứ ba, yếu tố thời đại. Thế kỉ XX, XXI với sự phát triển bùng nổ của
khoa học công nghệ, xã hội phát triển, tư duy của con người cũng đổi khác.
Tương ứng với sự biến đổi của đời sống vật chất và đời sống tinh thần của con
người, thơ ca cũng đang có những thay đổi với nhiều hướng tìm tòi mạnh mẽ và

khác biệt. Nhận thức được điều này, nhà thơ tìm đến thơ ca để phản ánh hiện
thực theo cách riêng, nhằm hướng về những nét đẹp truyền thống thông qua
lăng kính của con người hiện đại.
Mai Văn Phấn là con người thông minh, tài hoa – đó là điều không thể
không nói khi bắt đầu về con người này.
Ngay từ những năm đang còn ngồi trên ghế nhà trường, tinh thần ham học
hỏi và tình yêu thơ văn đã trỗi dậy trong ông. Ý chí, nghị lực và sự kiên trì trong
học tập, sáng tạo đã giúp ông có một phông văn hóa rộng và giàu kinh nghiệm
trong cuộc sống. Sau một thời gian dài tích lũy kiến thức, ông đã cho ra mắt bạn
đọc hàng loạt ấn phẩm khẳng định sức sáng tạo dồi dào và tài năng nghệ thuật
của bản thân.
Trong bài Mai Văn Phấn: hiện thân của sự sáng tạo, nhà văn Cao Năm đã
viết: ‘‘Mai Văn Phấn dường như sinh ra là để năng động và sáng tạo, sáng tạo
không ngừng, con người hiện thân của sự sáng tạo’’[46; 33]. Ngoài tài hoa, đam
mê, tri thức, ông còn là người dũng cảm và giàu bản lĩnh trong sáng tạo. Nhà
văn Đình Kính đã từng nói : ‘‘Anh làm thơ như nghệ sỹ tự tin đi trên sợi mảnh,
bên dưới là vực sâu hiểm trở, nhưng vẫn luôn tự tin rằng mình sẽ đến được
đích’’[46 ; 10]. Mai Văn Phấn – con người luôn mạo hiểm để chinh phục đỉnh
cao nghệ thuật. Tự đổi mới và tự tái tạo không ngừng chính là phẩm chất nổi
14
bật của ông trong sáng tạo.
1.2.2. Các chặng đường thơ Mai Văn Phấn
Với sức sáng tạo dồi dào, Mai Văn Phấn đã xuất bản 11 tập thơ và trường
ca: Giọt nắng (thơ, 1992); Gọi xanh (thơ, 1995); Cầu nguyện ban mai (thơ,
1997); Nghi lễ nhận tên (thơ, 1999); Người cùng thời (trường ca, 1999); Vách
nước (thơ, 2003); Hôm sau (thơ, 2009); Và đột nhiên gió thổi (thơ, 2009); Bầu
trời không mái che (thơ, 2010); Hoa giấu mặt (thơ, 2011); Vừa sinh ra ở đó
(thơ, 2013) …Và, ông cũng gặt hái được nhiều giải thưởng : Giải thưởng cuộc
thi thơ tuần báo Người Hà Nội (1994), giải thưởng cuộc thi thơ tuần báo Văn
Nghệ (1995), giải thưởng Văn học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hải Phòng) các năm

1991, 1993, 1994, 1995 và giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010 cho
tập thơ Bầu trời không mái che.
Với sức sáng tạo dồi dào, tư duy sáng tạo không ngừng đổi mới, thơ Mai
Văn Phấn không chỉ được bạn bè trong nước quan tâm mà còn được đông đảo
bạn đọc thế giới đón nhận. Ngày 19 tháng 6 năm 2014, ba tập thơ song ngữ của
nhà thơ đất cảng Hải Phòng lọt vào top 10 tập thơ Châu Á bán chạy nhất trên
mạng AmaZon. Đó là hai tập thơ song ngữ Việt – Anh : Ra vườn chùa xem cắt
cỏ (Grass cutting in a temple garden), Những hạt giống của đêm và ngày (Seeds
of night and day) và tập thơ song Việt – Pháp : Bầu trời không mái che (A ciel
ouvert).
1.2.2.1. Từ trước 1995
Với những sáng tác đầu tay, Mai Văn Phấn đã có ý thức muốn khác và
khác so với chính ông và với người khác. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân
Nguyên nhận xét: “Vẫn trong cái vẻ lục bát nhịp nhàng muốn thành cổ điển,
người thơ đặt vào đấy một sự cân xứng trầm tĩnh khá là lạ nếu ta biết khi anh
15
xuất hiện đang ở tuổi trẻ. Câu thơ sáu tám trong cái sự chừng mực của khuôn
hình nhưng chữ dùng và nhịp thơ của người viết đã chất chứa một sự thăm dò
để bung phá” [46; 8].
Giai đoạn này có 2 tập thơ: Giọt nắng (thơ, 1992); Gọi xanh (thơ, 1995).
Với những tác phẩm này, tên tuổi Mai Văn Phấn bước đầu được khẳng định qua
các giải thưởng: Giải nhất văn nghệ thành phố Hải Phòng với bài thơ Thuốc
đắng (1991), Giải nhì (không có giải nhất) của hai tờ báo: năm 1994 của báo
Người Hà Nội với bài Nghi Tàm ; năm 1995 của báo Văn nghệ với chùm hai bài
Mười nén nhang ở ngã ba Đồng Lộc và Nhật ký đô thị hóa.
Trong giai đoạn này thơ Mai Văn Phấn thường hướng về những chủ đề
thiên nhiên, tình yêu lứa đôi, tình cảm quê hương, gia đình …, những chủ đề có
tính truyền thống. Những tác phẩm tiêu biểu của ông thời kì này có thể kể đến
Thuốc đắng, Mười nén nhang ngã ba Đồng Lộc, Em gái đi lấy chồng, Kinh cầu
ban mai, Nhật kí đô thị Ở đó, hiện thực đời sống hiện lên với những đường nét

quen thuộc và giản dị: Đưa dâu qua chiếc cầu tre/ lòng anh chạm lá chua me
chạnh buồn (Em gái đi lấy chồng).
Ngoài thơ lục bát, giai đoạn này Mai Văn Phấn còn sử dụng thể thơ tự do
và thơ văn xuôi. Với hình thức tự do, phóng khoáng, thơ văn xuôi của ông đưa
đến những cảm nhận mới về thế giới: Mùa thu mang theo trận mưa giục chiếc
lá chớm vàng rụng vội. Em dọn lại căn nhà, còn anh mang chài lưới ra khơi
(Ký sự mùa thu). Và, ở đó nhà thơ thể hiện khát vọng tìm tòi, dâng hiến: Tôi
thổi vào lòng ống sáo tối đen địa ngục, để tìm ra bảy lối tới thiên đường: đồ rê
mi fa son la si” (Viết cho cây sáo).
Nhìn chung, thơ Mai Văn Phấn giai đoạn trước 1995 xét về mặt thi pháp
đã có nỗ lực tìm tòi nhưng vẫn chưa đi xa hơn hệ hình thi pháp truyền thống.
16
1.2.2.2. Từ 1995 đến 2000
Từ 1995 đến 2000, Mai Văn Phấn cho ra đời ba tập thơ: Cầu nguyện ban
mai (1997), Nghi lễ nhận tên (1999) và trường ca Người cùng thời (1999). Nhà
thơ bước đầu làm một cuộc lột xác về nội dung, tư tưởng cũng như hình thức thể
hiện. Về cảm hứng cũng như thi pháp thơ giai đoạn này đã có nhiều điểm khác
trước. Nếu giai đoạn trước, thi sỹ chủ yếu mới chỉ dừng lại ở cái hiện thực cảm
xúc bề mặt, dễ nhận biết của đời sống thì giai đoạn này, nhà thơ chủ trương
hướng về nhận thức chiều sâu nhân sinh. Do đó, hiện thực được khắc họa với
những nét gai góc, phức tạp: Lẽ phải vùi chôn trong đơn thư mặc danh/ Đồng
tiền lật ngược trang hồ sơ khởi tố/ Có mặt quỷ sau mặt người lấp ló/ Quỷ thì run
mà người thì buồn. Cuộc sống hiện đại đang dần đổi thay: Sủi bọt. Rạn nổ. Vụn
nát/ Hơi nóng bốc cao ngùn ngụt giữa trời/ Nỗi khắc khoải không còn có ý
nghĩa/ Sự đổi thay vượt quá sức mình (Từ hạt mưa); Dấu chân không nhận ra
nhau vô cảm trơn lỳ/ Cả dòng sông trúng độc từng dìm ta xuống đôi bờ/ cỏ nát
(Khúc dạo đầu). Ở đó, ý thức cá nhân và tinh thần trách nhiệm cộng đồng hòa
nhập làm một: Ta cúi xuống cuống cuồng thổi lửa/ Nhận ra mình là hòn than
cháy dở đêm qua. Ở đó, xuất hiện những nỗi đau mới và những niềm hy vọng
mới: Từ tưởng tượng/ và niềm hy vọng/ Tôi rút những mũi tên/ Ra đi tìm đích

cho ngày mai (Mũi tên bóng tối).
Về mặt thi pháp, nhà thơ Lê Xuân Đố khẳng định thơ Mai Văn Phấn giai
đoạn này “bứt phá cách tân thi pháp với nhiều cách nói và mở rộng biên độ thơ
biểu hiện nhiều vấn đề của thời cuộc, bản tính con người hiện đại và phát hiện
những nét đẹp tiềm ẩn của tình yêu, đời sống” [46; 283]. Cùng với ý thức cách
tân thi pháp, Mai Văn Phấn khát khao nhận thức hiện thực ở “bề sâu, bề sau, bề
xa” của nó. Mang đậm dấu ấn hiện đại chủ nghĩa, thơ ông giờ đây có khi chỉ là
17
những “Dàn ý” hay “Bài tập mùa xuân”, hoặc những ý tưởng bất chợt “đến
trong ý nghĩ”. Những câu chữ bề bộn, phá vỡ ranh giới thơ và văn xuôi, không
hề có dấu câu, miên man như “những ý nghĩa không sắp đặt”, “không quán
tính”, “đảo lộn mọi quy ước phổ thông”. Điều này được chứng minh qua các bài
thơ tiêu biểu như: Mười bài tập mùa xuân, Mail cho em, Những ý nghĩ không
sắp đặt, Dừng lại, Di chứng, Niệm khúc số 18…
Trong những tổ chức ngôn từ tưởng chừng như phi logic, nhà thơ đang
đến gần hơn với tiếng nói của trực giác, vô thức, tâm linh. Vì thế, Văn Giá đã
khẳng định: “Chặng thứ 2 là cả một nỗ lực bứt phá: giờ đây không trọng tự tình
nữa, mà trọng xác lập ý; hình ảnh hóa, cảm xúc hóa ý. Ở chặng này cũng đã
xuất hiện chất ảo như là sự manh nha, để rồi phát huy rõ rệt ở chặng 3” [45;
539].
1.2.2.3. Từ 2000 đến nay
Từ 2000 đến nay, Mai Văn Phấn cho ra đời hàng loạt tập thơ: Vách nước
(2003), Hôm sau (2009), Và đột nhiên gió thổi (2009), Bầu trời không mái che
(2010), Vừa sinh ra ở đó (2013) ; thể hiện sức sáng tạo dồi dào của nhà thơ.
Đây được đánh giá là giai đoạn nở rộ tài năng của thi sỹ.
Thi pháp thơ Mai Văn Phấn tiếp tục cách tân với những hình ảnh, liên
tưởng, ngôn từ lạ. Thay cho cái nhìn mang tính “nhất phiến” trước đây là một
cái nhìn “phân mảnh” đầy hoang mang, “sản phẩm” của một thời đại đầy bất an
và biến động. Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ, Không thể tin, Quay theo mái
nhà, Anh tôi, Đúng vậy, Chỉ là giấc mơ, Còn cậu hãy đứng đằng kia… phản

chiếu một cái nhìn nghịch dị, hài hước, không kém phần tỉnh táo về một thế giới
bị xô lệch, con người bị biến dạng, trở nên méo mó, không khác gì những sản
phẩm “chế tác từ đồ phế thải”.
18
Giai đoạn này, nhà thơ tiếp tục dung nạp những thủ pháp, kĩ thuật viết
mới, phức tạp theo hướng hiện đại chủ nghĩa và hậu hiện đại chủ nghĩa. Song
bên cạnh đó, tư tưởng và nỗ lực hướng đến một lối viết “tự nhiên/ như đi trên
đất”, giản dị, “thuần Việt”, ngày càng hiển lộ rõ nét trong Những bông hoa mùa
thu, Cửa mẫu, Hình đám cỏ…, và gần đây nhất là những tác phẩm trong tập
Vừa sinh ra ở đó.
1.3. Cơ sở hình thành nên thế giới nghệ thuật trong thơ Mai Văn Phấn
1.3.1. Về thế giới nghệ thuật trong thơ Mai Văn Phấn
Mai Văn Phấn trong một tiểu luận đã viết: “Thơ ca đang chuyển động
trong một thế giới đa chiều, đa cực. Trách nhiệm của mỗi nhà thơ phải khám
phá cho được không gian nghệ thuật của chính mình, nếu thực sự muốn tồn tại
trong không gian mới của thời đại” [55; 275]. Với ý thức sáng tạo mạnh mẽ, độc
đáo, Mai Văn Phấn đã sớm nỗ lực xây dựng một thế giới nghệ thuật riêng cho
mình.
Thế giới nghệ thuật trong thơ Mai Văn Phấn được xây dựng bởi nhiều yếu
tố: nhân vật, không gian, thời gian, ngôn từ, thể loại, giọng điệu, âm thanh và
màu sắc…Nhưng do phạm vi đề tài, chúng tôi tập trung làm rõ hình tượng cái
tôi, hình tượng thế giới và những phương thức nghệ thuật xây dựng thế giới
hình tượng trên.
Hình tượng cái tôi là nhân vật trung tâm của tác phẩm mang vẻ đẹp độc
đáo, không lặp lại. Hình tượng cái tôi trong thơ Mai Văn Phấn được thể hiện ở
các phương diện: Cái tôi giàu khát vọng và năng lượng cách tân thi ca; cái tôi
thống nhất giữa lý tính tỉnh táo và trực giác nhạy bén; cái tôi nồng nàn, say đắm
trong tình yêu và cái tôi khao khát hướng tới một thế giới tinh thần "thuần Việt".
Hình tượng cái tôi trong thơ Mai Văn Phấn luôn vận động hướng về phía trước
19

để mang lại cho người đọc những cảm giác mới lạ, không lặp lại. Hình tượng
thế giới chính là sự khúc xạ hiện thực qua lăng kính chủ quan của nhà thơ. Hình
tượng thế giới trong thơ Mai Văn Phấn được thể hiện qua các phương diện cơ
bản: Một thế giới của sự viên mãn và thuần khiết; một thế giới của sự tương
giao, hài hòa và một thế giới của cảm giác siêu nghiệm. Để xây dựng hình
tượng cái tôi và hình tượng thế giới, Mai Văn Phấn đã sử dụng khá đa dạng và
linh hoạt các phương thức, phương tiện nghệ thuật. Tiêu biểu là cách tổ chức
văn bản, cách sử dụng hình ảnh, biểu tượng và bút pháp tạo hình độc đáo.
Có thể thấy, thế giới nghệ thuật trong thơ Mai Văn Phấn biến đổi đa dạng,
phong phú song vẫn nhất quán ở tinh thần vận động về cái mới, mở ra một chân
trời tiếp nhận rộng rãi cho độc giả.
1.3.2. Những cơ sở hình thành nên thế giới nghệ thuật trong thơ Mai
Văn Phấn
1.3.2.1. Bối cảnh lịch sử - xã hội Việt Nam sau 1975
Văn học là tấm gương phản ánh hiện thực qua các giai đoạn, thời kì. Các
giai đoạn phát triển của nền văn học nước nhà thường gắn liền với mốc phát
triển của lịch sử dân tộc. Văn học và lịch sử dân tộc có mối quan hệ khăng khít
với nhau. Trải qua bao thăng trầm dân tộc, đất nước ta ngày càng đi lên và cùng
với sự phát triển của dân tộc là sự phát triển trong tư duy của con người.
Năm 1975, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là một
bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc, kết thúc vẻ vang ba mươi năm chiến
tranh giải phóng và bảo vệ tổ quốc, chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa đế
quốc, thực dân hơn một thế kỷ trên đất nước ta, hoàn thành cách mạng dân tộc
dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước và đưa nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Tuy nhiên, nhân dân ta vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức: chiến tranh vẫn

×