Tải bản đầy đủ (.pdf) (126 trang)

Nghệ thuật tự sự trong truyện của Đỗ Chu những năm gần đây

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (638.76 KB, 126 trang )

( Word Converter - Unregistered )

MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Tự sự học là một trong những lĩnh vực thu hút sự quan tâm của giới
nghiên cứu gần đây. Mặc dù xuất hiện khá muộn, tới đầu những năm 60 của
thế kỉ XX, nhưng đó lại là một lĩnh vực nghiên cứu đặc thù của lí luận văn
học và đối tượng chính là nghệ thuật tự sự. Nghiên cứu nghệ thuật tự sự sẽ
giúp đi sâu khám phá về những giá trị của tác phẩm văn học.
Nghiên cứu nghệ thuật tự sự sẽ mở ra một hướng nhìn chuyên sâu về
tác phẩm từ một góc nhìn tự sự học. Đồng thời hình thành được một cách
nhìn đặc trưng của tác phẩm trong mỗi nền văn học.
Đỗ Chu là một trong những cây bút văn xuôi tiêu biểu của văn học
Việt Nam đương đại. Ông đã thu được nhiều thành công trên những phương
diện hội họa, viết văn. Đỗ Chu sáng tác trên các lĩnh vực truyện ngắn, truyện
vừa, tiểu thuyết, tùy bút… Là nhà văn trưởng thành trong cuộc kháng chiến
chống Mĩ, những tác phẩm của Đỗ Chu đã chiếm được nhiều thiện cảm với
độc giả nhiều thế hệ.
Ông sớm gây được sự chú ý của bạn đọc từ những truyện ngắn đầu tay:
Phù sa, Hương cỏ mật… với “một loạt truyện ngắn đẹp như thơ, tươi rói như
anh tân binh được cả làng văn và bạn đọc hồ hởi đón nhận, chằm bặp” [39].
Các truyện Hương cỏ mật, Mùa cá bột, Chiến sĩ quân bưu, đã sớm khẳng
định phong cách rất riêng của Đỗ Chu.
Đã có nhiều bài nghiên cứu, bài viết về Đỗ Chu trên phương diện
truyện ngắn.
Năm 2003, có luận văn Thạc sĩ “Truyện ngắn Đỗ Chu” của Trần Xuân
Trà, luận văn “Thi pháp truyện ngắn Đỗ Chu” của Nguyễn Bích Ngọc năm
2004, luận văn “Đặc sắc truyện ngắn Đỗ Chu” của Tạ Duy Kiên năm 2005.
Và gần đây nhất, năm 2008 có luận văn Thạc sĩ “Từ “chất thơ” trong tập
truyện “Hương cỏ mật”, “Phù sa” của Đỗ Chu đến “Chất văn xuôi” trong tập
truyện “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp” của Nguyễn Thị Vân. Các


luận văn đã khảo sát, khai thác rất sâu về những khía cạnh của truyện Đỗ
Chu, chủ yếu dựa trên cơ sở thi pháp học.
Nghiên cứu truyện Đỗ Chu đã có những tác giả như Ngô Thảo, Nguyễn
Văn Hạnh, Ngô Văn Phú, đã có những bài viết, những ý kiến nhận xét, đánh
giá về những truyện đầu tay của Đỗ Chu. Theo những tác giả hầu như truyện
của Đỗ Chu đều có nét chung, giàu chất thơ, mạch truyện tự nhiên. Như ý
kiến của Vương Trí Nhàn, đó là những truyện “xinh nhỏ như một bài thơ, đọc
xong lại muốn đọc lại” [34].
Tác giả Ngô Vĩnh Bình đã có những khám phá mới mẻ, tinh tế khi
nghiên cứu truyện Đỗ Chu. Trong bài “Đỗ Chu với “Mảnh vườn xưa”…[6],
Ngô Vĩnh Bình nhận ra một văn phong ổn định, “vẫn giữ được phong độ rất
Đỗ Chu, không lẫn, không trộn vào bất cứ ai”. Trong tập Mảnh vườn xưa
hoang vắng, nhà văn tập trung khai thác chiều sâu đời sống của con người,
những góc khuất của cuộc sống. Cốt truyện đều phảng phất một nỗi buồn
thương, “chất bi kịch đều đậm đặc, thương cảm”, Đỗ Chu đã “không đẩy cái
bi kia đến tột cùng cho hả”, mà nhà văn vẫn điềm tĩnh “thức tỉnh các nhân vật
của mình và hướng họ vào con đường sống”, nhà văn vẫn luôn “trung thực và
rạch ròi chỉ ra những điều được và chưa được của cuộc sống”. Ngô Vĩnh
Bình cho rằng, những truyện trong tập Mảnh vườn xưa hoang vắng thực sự
như những “trái chín cây” của nhà văn. Ông nhận ra sự tiếp nối của mạch
truyện Phù sa, Hương cỏ mật trước đó của Đỗ Chu, một văn phong trữ tình,
phóng khoáng, tinh tế. Đỗ Chu đã có sự “đằm chín” về phong cách.
Sau khi tập Một loài chim trên sóng ra đời, năm 2002 (tác phẩm đã đạt
giải thưởng Hội nhà văn năm 2003 và giải thưởng Asean năm 2004, trao tặng
ngày 12/10/2004). Đây là tập truyện mang đậm những triết lí sâu sắc, phảng
phất ý nghĩa nhân sinh qua từng tác phẩm. Đỗ Chu thêm một lần nữa khẳng
định vị trí của mình trên văn đàn. Có một số ý kiến xoay quanh tập truyện.
Tiêu biểu là Văn Chinh và Nguyễn Hoàng Sơn.
Theo Văn Chinh nhận xét, với “Một loài chim trên sóng” đã bám được
vào vỉa sâu hơn, vào mô típ thân phận con người phụ thuộc, tác động vào số

phận dân tộc, ngòi bút của Đỗ Chu lại linh hoạt bay bổng. Và ông cũng đã
thung dung đi đến “Một loài chim trên sóng” như đến một chỉnh thể truyện
ngắn đa tầng” [9].
Ở một góc nhìn khác, Nguyễn Hoàng Sơn đã có những nhận xét rất xác
đáng về truyện của Đỗ Chu “Một loài chim trên sóng” tiếp tục cái mạch của
“Mảnh vườn xưa hoang vắng”. Vẫn điềm đạm, từ tốn, thông minh và sâu sắc
như thế, Đỗ Chu hấp dẫn người đọc không phải bằng những truyện kể li kì,
dữ dội mà bằng văn chương” [39]. Với tập truyện này, “không có một sự thay
đổi kiểu xu thời trong truyện ngắn Đỗ Chu, cả về nội dung lẫn cách viết. Chỉ
có sự đào sâu, chín thêm của một phong cách sớm ổn định, thiên về trữ tình.
“Một loài chim trên sóng” thêm một lần nữa khẳng định những đóng góp của
Đỗ Chu vào văn xuôi hiện đại Việt Nam. Đỗ Chu viết ít nhưng mà tinh” [39].
Bên cạnh những bài viết về các tập truyện hay truyện cụ thể, còn có
những bài viết về phong cách, về giọng điệu và những bài viết khái quát về
truyện của Đỗ Chu.
Theo Bùi Việt Thắng nhận xét, những truyện ngắn của Đỗ Chu “đầy
chất thơ phảng phất hơi hướng Pautốpxki” [14]. Không những đậm chất thơ
mà ông còn phát hiện ra “văn Đỗ Chu tươi trẻ và luôn tạo ra sự thăng bằng
trong tầm hồn con người”. Trong quá trình tìm hiểu truyện Đỗ Chu, Bùi Việt
Thắng đã nhận thấy “truyện ngắn Đỗ Chu không nổi bật về cốt truyện, về
nhân vật. Nhà văn dường như không bám vào các hiện tượng đời sống để
miêu tả, kể chuyện, cũng không phải là mặn mà, hấp dẫn so với một số nhà
văn khác như Nguyễn Khải, Lê Minh Khuê… Lối viết của Đỗ Chu là dựa vào
những ấn tượng chủ quan – nhờ đó mà văn chương thường giàu cảm xúc, nhẹ
nhõm”. Cuối cùng Bùi Việt Thắng đi đến kết luận “với lối viết tinh tế, giọng
điệu nhẹ nhàng, Đỗ Chu không giống cô gái đoạt vương miện hoa hậu mà là
cô thanh nữ mặn mòi, duyên thầm. Đọc văn Đỗ Chu như được uống rượu
làng Vân – êm mà đậm ngấm và khi say là thật say”.
Cũng theo Lê Hương Thủy, sáng tác của Đỗ Chu “vẫn luôn có sự bám
rễ sâu xa vào hiện thực đời sống” [48], bởi lẽ các truyện của Đỗ Chu có sự

“thăng hoa trong nghệ thuật” cùng những “cảm quan độc đáo”, “Đỗ Chu đã
làm cho người đọc lẫn nhiều nhà nghiên cứu, phê bình phải thêm một lần nữa
khâm phục bởi những nỗ lực làm mới mình của một nghệ sĩ tâm huyết với
nghề nghiệp” [48]. Và Lê Hương Thủy kết luận, nguyên nhân khiến truyện
ngắn Đỗ Chu đến được và lắng lại với người đọc, “đó chính là bởi lối văn
giàu xúc cảm, ở chất giọng trữ tình, ở sự tạo kết những giá trị văn hóa trên
những trang viết và ý thức đổi mới ngòi bút”.
Theo Nguyên An nhận xét, “Đỗ Chu là một phong cách truyện ngắn
giàu chất thơ, tứ thơ thanh cao và bình dị vẫn có trong đời hỗn tạp mà anh là
người có công chưng cất lại, tô thắm thêm” [8].
Những ý kiến đánh giá, nhận xét trên đây chủ yếu bàn về Đỗ Chu trên
phương diện truyện ngắn. Những ý kiến đánh giá đó sẽ là cơ sở để chúng tôi
tiếp cận thế giới truyện Đỗ Chu trong quá trình thực hiện luận văn này. Ngoài
ra, chúng tôi cũng tham khảo thêm một số bài viết trước đó về truyện của Đỗ
Chu để thấy được sự tiếp nối, phát triển của một phong cách Đỗ Chu.
Cho tới nay, chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu về nghệ thuật
tự sự trong truyện của Đỗ Chu một cách hệ thống. Hầu hết chỉ dừng lại ở việc
khai thác một vài khía cạnh của tác phẩm hoặc những bài bàn về thi pháp
học, phong cách độc đáo của Đỗ Chu… Tuy nhiên, luận văn bàn về vấn đề tự
sự học, phương pháp nghiên cứu dựa vào lí thuyết tự sự học và triển khai
theo hướng làm rõ nghệ thuật tự sự trong truyện của Đỗ Chu những năm gần
đây lại chưa thấy luận văn nào đề cập. Đây là vấn đề rất mới, hiện đã được
triển khai ở một số luận án cấp độ Tiến sỹ. Vì thế, luận văn này sẽ đi sâu khai
thác và làm rõ nghệ thuật tự sự trong truyện của Đỗ Chu những năm gần đây,
giúp người đọc có cái nhìn toàn diện hơn về truyện của Đỗ Chu và qua đó
hình thành về những quan niệm về nghệ thuật tự sự trong truyện của nhà văn
đa giọng điệu này.
Với những lí do trên, chúng tôi quyết định lựa chọn đề tài “Nghệ thuật
tự sự trong truyện của Đỗ Chu những năm gần đây”. Hy vọng rằng qua
việc đi sâu tìm hiểu, luận văn sẽ góp phần nhỏ bé về việc nhận diện nghệ

thuật tự sự, xác định những giá trị trong nghệ thuật tự sự của truyện Đỗ Chu
những năm gần đây một cách hoàn thiện hơn.
2. Mục đích nghiên cứu
Chúng tôi chọn nghiên cứu vấn đề “Nghệ thuật tự sự trong truyện
của Đỗ Chu những năm gần đây” bởi đây là một trong những cây bút văn
xuôi tiêu biểu của văn học Việt Nam đương đại, có nhiều những nét độc đáo
riêng trong phong cách nghệ thuật.
Mục đích của chúng tôi là làm sáng tỏ về lí thuyết tự sự học được thể
hiện trong truyện của Đỗ Chu những năm gần đây. Và cho thấy những nét
riêng, những độc đáo của truyện Đỗ Chu. Đồng thời khẳng định phong cách
đầy cá tính sáng tạo của Đỗ Chu.
3. Nhiệm vụ nghiên cứu
Dựa trên cơ sở lý thuyết tự sự học, luận văn chúng tôi nghiên cứu một
cách có hệ thống vấn đề nghệ thuật tự sự trong truyện của Đỗ Chu trong
những năm gần đây với các phạm trù: người kể chuyện, thời gian trần thuật
và diễn ngôn tự sự.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Nghệ thuật tự sự qua các truyện của Đỗ Chu những năm gần đây
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Luận văn chủ yếu tập trung khảo sát trên 14 truyện của Đỗ Chu những năm
1980 của thế kỉ XX. Chúng được tập hợp vào các tập truyện: Tháng hai
(1985), Mảnh vườn xưa hoang vắng (1985), Mận trắng (1997), Một loài
chim trên sóng (2002) và Truyện ngắn tuyển tập (2003).
5. Phương pháp nghiên cứu
5.1. Tự sự học
5.2. Thi pháp học
5.3. Phương pháp phân tích tổng hợp
5.4. Phương pháp so sánh.
6. Dự kiến đóng góp mới

Đề tài của chúng tôi là một công trình nghiên cứu trực tiếp và có hệ
thống về nghệ thuật tự sự trong truyện của Đỗ Chu những năm gần đây, để từ
đó đi sâu khám phá thế giới nghệ thuật của nhà văn trên góc độ đối tượng kể,
thời gian trần thuật, diễn ngôn tự sự.
Việc nghiên cứu đề tài dựa trên cơ sở thực tiễn từ việc tìm hiểu tác
phẩm của Đỗ Chu. Đây không phải là mô hình tiên nghiệm. Vì thế, đề tài sẽ
đóng góp về mặt khám phá những nét mới mẻ lí thuyết tự sự học thông qua
truyện của Đỗ Chu những năm gần đây.
NỘI DUNG
Chương 1
NGƯỜI KỂ CHUYỆN
1.1. Khái niệm
Theo Từ điển thuật ngữ văn học, “Người kể chuyện là hình thức ước lệ
về người trần thuật trong tác phẩm văn học, chỉ xuất hiện khi nào câu chuyện
được kể bởi một nhân vật cụ thể trong tác phẩm. Đó có thể là hình tượng của
chính tác giả, dĩ nhiên không nên đồng nhất với tác giả ngoài đời; có thể là
một nhân vật đặc biệt do tác giả sáng tạo ra, có thể là một người biết một câu
chuyện nào đó. Một tác phẩm có thể có một hoặc nhiều người kể chuyện”
[19].
Hình thức tự sự gồm sáu mô hình, như Trần Đình Sử đã trình bày trong
cuốn Thi pháp Truyện Kiều, từ đó ta có các cách phân loại người kể chuyện:
ngôi 1, ngôi 2, ngôi 3; cũng theo Trần Đình Sử, “vai trò của người trần thuật
có hai loại: đáng tin cậy và không đáng tin cậy. Lời người trần thuật nhiều
khi không nhất trí với khuynh hướng yêu ghét của tác phẩm, tạo thành người
trần thuật không đáng tin cậy. Nếu lời của người trần thuật nhất trí với nhân
vật, với tác giả hàm ẩn trong tác phẩm thì người trần thuật là đáng tin cậy”
[40].
Người kể chuyện trong tác phẩm tự sự luôn chịu sự chi phối của các
yếu tố như: ngôi kể, điểm nhìn, ngữ điệu kể (giọng điệu), lời kể (ngôn ngữ
trần thuật)… Giới hạn luận văn này, chúng tôi chỉ đi sâu tìm hiểu yếu tố chi

phối người kể chuyện là điểm nhìn trần thuật.
1.2. Điểm nhìn trần thuật
1.2.1. Khái niệm
Điểm nhìn trần thuật là một thuật ngữ được giới nghiên cứu văn học
bàn tới nhiều. Có những ý kiến khác nhau về vấn đề này. Theo Pospêlôv cho
rằng: “Trong tác phẩm tự sự, điều quan trọng là tương quan giữa các nhân vật
với chủ thể trần thuật, hay nói cách khác, điểm nhìn của người trần thuật đối
với những gì anh ta miêu tả” [37]. Theo quan niệm này, người kể chuyện và
điểm nhìn của người kể phải đi liền nhau. Nói khác đi, phải có điểm nhìn,
người kể chuyện mới có thể kể lại và dẫn dắt được câu chuyện. Điểm nhìn
giống như chiếc camera dẫn dắt người cầm bút khám phá hiện thực và đưa
người đọc đi vào thế giới nhệ thuật của tác phẩm.
Theo M.B.Khrapchenkô cho rằng: “Chân lí cuộc sống trong sáng tác
nghệ thuật không tồn tại bên ngoài cái nhìn nghệ thuật có tính cá nhân đối
với thế giới vốn có của từng nghệ sĩ thực thụ” [25]. Nguyễn Thái Hòa cũng
quan niệm: “Điểm nhìn nghệ thuật, là điểm xuất phát của một cấu trúc nghệ
thuật, hơn thế nữa là một cấu trúc tiềm ẩn được người đọc tiếp nhận bằng
thao tác suy ý từ các mối quan hệ phức hợp giữa người kể và văn bản, giữa
văn bản và người đọc văn bản, giữa người kể và người đọc hàm ẩn” [23].
Theo quan niệm này, tác giả đã chỉ ra điểm nhìn văn bản được đặt trong quan
hệ giữa người kể và văn bản và giữa văn bản với người đọc văn bản. Các tác
giả cuốn Từ điển Thuật ngữ văn học đã định nghĩa rất cụ thể về điểm nhìn
trần thuật: “Điểm nhìn trần thuật chính là vị trí đứng kể chuyện của người kể”
[19]. Chúng tôi đồng nhất với ý kiến của các tác giả Từ điển thuật ngữ văn
học, điểm nhìn trần thuật chính là vị trí mà người kể chuyện đứng quan sát để
rồi chiêm nghiệm, suy ngẫm và kể lại câu chuyện đó. Điểm nhìn trần thuật
giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong tác phẩm nghệ thuật.
1.2.2. Điểm nhìn trần thuật trong truyện của Đỗ Chu
Vấn đề điểm nhìn trần thuật trong các truyện của Đỗ Chu có thể phân
ra dưới hình thức: điểm nhìn bên trong; điểm nhìn bên ngoài; điểm nhìn di

động.
1.2.2.1. Điểm nhìn bên trong
Điểm nìn bên trong thể hiện ở cách người kể chuyện đặt điểm nhìn vào
nhân vật, tức là kể xuyên qua cảm nhận của nhân vật. “Điểm nhìn bên trong
được biểu hiện bằng hình thức tự quan sát của nhân vật “tôi”, bằng sự thú
nhận hoặc hình thức người trần thuật tựa vào giác quan, tâm hồn nhân vật để
biểu hiện cảm nhận về thế giới” [40]. Thông qua điểm nhìn từ bên trong của
nhân vật “tôi”, nhà văn cùng lúc vừa có thể miêu tả thực tại, lại vừa thể hiện
trực tiếp suy nghĩ của mình về hiện thực ấy. Phải có điểm nhìn bên trong của
các nhân vật thì cuộc sống mới hiện lên qua nhiều cái nhìn khác nhau, đồng
thời tạo cơ hội cho nhà văn phơi bày tất cả những vùng mở, vùng khuất lấp
trong thế giới tâm linh của nhân vật.
Trong truyện Đất bãi, điểm nhìn trần thuật được thể hiện qua nhân vật
“tôi”. Nhân vật “tôi” được đặt trong mối quan hệ với Nhuần – người bạn
cùng đơn vị thưở nào. Giờ Nhuần làm bảo vệ cho một viện Hóa, sắp cưới vợ.
Họ tình cờ gặp lại nhau sau vài năm xa cách. Vào một buổi chiều khi “tôi”
chuẩn bị lên tàu, vô tình gặp Nhuần, “một bàn tay rộng rãi vồ chặt lấy vai kéo
lại. Một khuộn mặt đen như đồng hun áp sát vào tôi mà cười”. Cảnh huống ấy
khiến cho nhân vật “tôi” không có lí do gì phải vội rời đi “Nhuần đã bắt được
“tôi”, anh tuyên bố cần phải trò chuyện với tôi đêm nay, có khi cả ngày mai
nữa, anh khoe vừa được phân một căn buồng, tháng tới sẽ cưới vợ, một cô kỹ
sư cùng công tác ở Viện Hóa với anh”. Thông tin ấy khiến “tôi” hết sức bất
ngờ. Từ đây, mọi cung bậc cảm xúc được cảm nhận từ trong cuộc hội ngộ
tình cờ này. Nhân vật tôi quan sát và cảm nhận về không gian phố xá vào ban
đêm với “trăng vùn vụt bay qua những làn mây mỏng như khói”, phố xá thì
đang “ngủ mê mệt trong một cái nóng như thiêu như đốt”. Cách quan sát và
tưởng tượng thật tinh tế. Từ lòng đường vắng người lại qua tới các ô cửa, lùm
cây nhuốm màu tối sẫm, phía ngoài sông, những khoảng trống các ngôi nhà
như những chiếc hộp chồng lên nhau. Tất cả tạo cho “tôi” có một vẻ gì “lạ
lẫm như đang lạc vào một khung cảnh xa xăm”. Câu chuyện được hồi cố lại

với ngày Nhuần và “tôi” còn là lính cao xạ, đóng quân trên bãi đất bên sông
Hồng, “Bếp anh nuôi đặt trong nhà bà Thắng, phía đầu bãi, ở một xóm nghèo
chừng mười nóc nhà lợp lá”. Qua cuộc trò truyện, người đọc cảm nhận được
về cuộc gặp gỡ đầy duyên nợ giữa một người cán bộ miền Nam, tập kết ra
Bắc, làm ở tàu hút bùn, trận bão vô tình đã xô đẩy họ gặp nhau. Ông Thắng
gặp được cô gái, ngoài hai mươi, “nước da bánh mật, cười nói sởi lởi, một cô
gái lớn lên ở ven một dòng sông dữ dội, nhưng tính nết lại hiền từ và nhu
nhuyễn”. Họ lấy nhau và rời làng lên bãi ở. Họ có hai cô con gái Ngân và
Nga, chính đây là đầu mối cho mọi câu chuyện sau này. Hồng – khẩu đội
trưởng cảm thấy mến và yêu cô chị, còn cô em nhút nhát nên ít người để ý,
chỉ có anh lính “em út” – Nhuần là người thầm lặng yêu Nga. Những tưởng
Hồng và Ngân sẽ nên vợ nên chồng trước sự vun đắp của cả đơn vị, nhưng
anh đã lặng thầm hy sinh trong một trận đánh. Câu chuyện được đẩy lên tới
đỉnh điểm của xúc cảm khi “Nằm trên cáng anh vẫn còn rất tỉnh táo, giọng
anh thều thào: “Cứ hẹn hò với cô Ngân trong xóm sẽ đi chơi phố với nhau,
nhắn hộ là tôi sẽ về”. Nhưng anh vĩnh viễn không bao giờ được dắt tay cô đi
trên bãi giữa, ngắm tàu thuyền qua lại ven sông. Anh đã chẳng thể về gặp cô
được nữa. Sự ra đi đột ngột ấy khiến Ngân “ôm mặt khóc nức nở khi cùng mẹ
và em mang cơm ra trận địa”, đặc biệt là những người lính – những con
người đang sống chết để bảo vệ mảnh đất này “uể oải nhai những miếng cơm
khô như cát”. Như một định mệnh, lời bông đùa của Nhuần đã trở thành lời
hẹn ước đầy ý nhị với Nga sau đó, “Anh Hồng lúc nhắm mắt đã gọi chị Ngân
không biết bao nhiêu lần. Một ngày nào đó đến lượt anh, anh sẽ gọi em, Nga
ạ”. Một mối tình tưởng chỉ thoảng qua nhưng không, nó hoàn toàn trái ngược
với những gì nhân vật “tôi” lầm tưởng. Nga đi du học ở Liên Xô, còn Nhuần
làm bảo vệ tại viện Hóa. Ngày gặp lại Nga trong tình cảnh Nga về xin việc tại
Viện. Mẹ Nga đã theo chồng vào Đà Nẵng, Nhuần đã nhận trông coi căn nhà
trên bãi. Câu chuyện kết thúc có hậu như kết cấu của truyện cổ tích: “Nhuần
và Nga, người lính trẻ nhất Khẩu đội chúng tôi và cô bé đất bãi năm nào, sớm
ấy đã rủ nhau ra ngoài sông. Họ dắt tay nhau, quấn quýt như một đôi tình

nhân đã hẹn ước từ bao giờ chẳng rõ”. Trong cảm nhận của “tôi”, đây là cuộc
gặp gỡ đầy duyên nợ, cuộc gặp gỡ đã đi đến hạnh phúc lứa đôi. Đọng lại
trong tâm hồn “tôi” cũng như độc giả là hình ảnh Nhuần và Nga đang hạnh
phúc bên nhau, họ như những đôi chim về xây tổ ấm, về khu “đất bãi” bên lở
bên bồi giữa “mùa cải dại ra hoa vàng rộm”. Cả đất trời đang vào xuân căng
tràn nhựa sống “Mưa tháng giêng lất phất” và những mầm non đang nhú lên
lấm tấm trên nền đất…
Không giống với những cảm nhận của nhân vật “tôi” trong truyện Đất
bãi về một thời chiến tranh, nhân vật Bằng trong truyện Quanh một bàn tiệc
cảm nhận về một hiện thực của cuộc sống: Sự đổi thay tới chóng mặt của con
người, những con người đang tìm cách ngoi lên vị thế của quyền lực. Câu
chuyện xoay quanh một bàn tiệc, trong đám cưới con gái của Hồng – người
bạn đồng học của Bằng thuở trước. Qua cảm nhận của Bằng, sự thay đổi diễn
ra thật nhanh chóng, “chả còn tìm thấy dấu vết nào của sự lam lũ một thời”.
Dấu hiệu này cho thấy Bằng ít thoát ra khỏi thế giới riêng của mình. Bằng
được dự tiệc cưới cùng mấy người bạn, nhưng họ đã thay đổi về địa vị, Linh
– phó Tiến sỹ ở Bộ Công nghệ Môi trường, mới được đề bạt cục trưởng.
Những lời chúc tụng, nhắc nhở của mọi người trong bàn tiệc, đặc biệt là của
lớp trưởng đã dẫn dắt Bằng nhớ về một quá khứ xa xăm không thể nào quên.
Bằng học cùng lớp với con ông trưởng ty, rất linh hoạt chững chạc, đó là lớp
trưởng. Nhưng có lẽ trong con người này luôn tiềm ẩn một sự vụ lợi vì thế nó
đã dẫn đến kết cục ngày hôm nay, anh tỏ ra bất mãn trước việc phải làm phó
cho một người trẻ tuổi hơn mình mà theo ngôn ngữ của anh, “họ xếp một
thằng ranh con là Tổng biên tập”. Ngày học lớp mười, khi các học sinh “đều
phải nộp đơn xin thi vào đại học”. Trong khi cả nhà trường đang tìm cách
định hướng nghề nghiệp cho học sinh thì lớp trưởng làm gương đăng kí chọn
nghề lâm nghiệp. Vì cả lớp xô vào thi Y, Dược, Bách khoa… Sự việc đó
khiến Bằng và cả lớp rất cảm phục lớp trưởng bởi lẽ “Lâm nghệp là rất vất
vả, ai cũng biết”. Nhưng Bằng đâu biết đó là sự tính toán đầy vụ lợi. Ngay
sau đó Bằng được lớp trưởng cho biết “nhà trường đang còn làm một danh

sách đặc biệt nữa, trong danh sách đặc biệt ấy tất nhiên phải có anh”. Có lẽ là
lớp trưởng sẽ được ưu tiên đi du học ở nước ngoài. Sự ngạc nhiên, ngây thơ
của Bằng còn biểu hiện sau đó khi Bằng khuyên Hồng không nên thi Lâm
nghiệp theo bước chân lớp trưởng, anh lo chị “thân gái dặm trường, vào
những ngành trèo non lội suối” vất vả, nên thi vào Sư phạm. Đó là nghề phù
hợp hơn với chị. Bằng đâu ngờ những lời thực tình đó lại là tai họa khiến sự
việc xấu sau này Bằng phải lĩnh nhận: “Chị đem tôi ra báo cáo với lớp
trưởng, rồi lớp trưởng mang tôi ra kiểm điểm phê phán, tôi hóa ra thành một
phần tử tiên cực”. Đúng vậy. Sự việc nghiêm trọng hơn khi Bằng bị trượt tốt
nghiệp, học lại một năm nữa. Lớp trưởng và Hồng đã đỗ Đại học, nhưng anh
không được đi du học, người được chọn đi học ở nước ngoài là Linh. Điều
này khiến cả lớp ngạc nhiên, nhân vật Bằng đã đọc được sự đố kị trên vẻ mặt
đầy hậm hực của lớp trưởng và những lời lẽ đầy cay đắng của anh: “Thằng ấy
là cái thá gì mà được chọn nhỉ, đúng là chả còn trời đất nào nữa”. Bất mãn là
thế, nhưng anh đâu biết bố của Linh là liệt sĩ, từng dũng cảm hy sinh để bảo
vệ quê hương. Trong lớp Linh học siêng năng, giỏi giang. Từ đây Bằng đã rút
ra một sự chiêm nghiệm cho mình, sự chiêm nghiệm mang đầy tính triết lí:
“Ấy, ở đời cái người không biết tạo dựng cho mình, thì chính đời sẽ tạo dựng
cho họ, không biết tới tương lai thì rồi tương lai sẽ tự tìm đến họ”. Sự việc
tiếp theo được diễn ra theo sự hồi cố của Bằng về khoảng thời gian năm
1968, khi anh ở chiến trường ra và gặp Linh từ nước ngoài trở về: “Anh đèo
tôi qlua các dãy phố bằng chiếc xe đạp mới toanh, anh vừa tốt nghiệp đại học
và vài tháng tới sẽ lại chào mẹ lên đường tiếp tục học thêm”. Sự việc ấy khiến
mẹ anh rất vui và xúc động. Niềm tự hào của người mẹ về người con đã làm
rạng danh dòng họ đang long lanh đọng trong mắt mẹ. Điểm nhìn của Bằng
lại hồi cố về nhân vật Hồng. Thời điểm cuối những năm 1975, khi Bằng lặn
lội lên tận huyện Thông Nông, Cao Bằng tìm chị để hỏi thăm tình hình và
giúp đỡ chị. Trước đó Bằng có dịp gặp Đài – chồng của Hồng, hai người tình
cờ gặp nhau và thân nhau. Đài bị thương nặng trong một cuộc xung phong
giải phóng thị xã ở Bình Long. Ngày cuối cùng gặp nhau, “Anh Đài nắm chặt

tay tôi chỉ nhìn nhau mà chẳng nói gì. Như thế đã là nói tất cả những điều cần
nói, là đã nói rất nhiều”. Ánh mắt anh nhìn Bằng, cái nắm tay rất chặt ấy đủ
cho Bằng hiểu về xứ mệnh của bạn mình đang truyền niềm tin cho mình,
truyền lại lời di huấn cho người đồng đội. Đó là trách nhiệm phải chăm sóc,
giúp đỡ vợ con anh. Nhiệm vụ đó được trao gửi cho người ở lại, giữa cảnh
chiến trường mưa bom bão đạn, liệu di nguyện đó có được thực hiện. Thật
may, Bằng vẫn được có ngày trở về.
Sự việc lại được quay trở lại thực tại của bữa tiệc khi lớp trưởng của
Bằng năm nào đang đắm mình trong men rượu và sinh sự với vị khách lạ
cùng bàn tiệc. Những thắc mắc trong tâm tưởng của Bằng về hai người khách
lạ trong bàn tiệc là ông già và người có vết sẹo dài giờ đã có lời giải. Sự im
lặng của hai người từ thời khắc ban đầu giờ đã được lên tiếng. Ông già ấy là
người lính lái xe cho đoàn địa chất, trước đó ông từng tham gia chiến tranh
chống Pháp. Người trẻ tuổi, “có vết sẹo chạy ngoằn ngoèo nơi cổ qua gáy”,
đó là Mẫn, người từng cõng anh Đài về trạm tiền phương, và chính Mẫn sau
này lại giúp mẹ con Hồng vào nhận mộ chồng mình. Thật lạ, chừng ấy bất
ngờ, bí ẩn giờ mới có lời giải đáp. Trong cảm nhận của Bằng, họ là những
người lính, những người luôn mang trong tim lời hứa danh dự của đồng đội.
Riêng lớp trưởng, đó là người bất mãn với chính mình, với địa vị mình đang
đứng. Nhưng anh đâu biết, lẽ sống cao đẹp nhất ở đời là hãy làm con người
bình thường và hãy biết chấp nhận những gì cuộc sống ban tặng cho mình.
Đó là lẽ sống mà Bằng đã rút ra được sau bao năm lăn lộn nơi chiến trường.
Điểm nhìn bên trong không chỉ biểu lộ trực tiếp qua những xúc cảm
của nhân vật đứng ra kể chuyện, những truyện kể theo ngôi thứ nhất, mà còn
thể hiện ở những truyện kể theo ngôi thứ ba. Điểm nhìn được tựa vào các
giác quan, tâm hồn nhân vật trong truyện để kể. Sự việc được kể theo ngôi
thứ ba sẽ ít tin cậy hơn so với ngôi thứ nhất, nhưng qua đó người đọc sẽ có
cái nhìn khách quan, bao quát hơn về sự việc được kể. Đồng thời người đọc
vẫn dễ dàng nhận ra tư tưởng của nhà văn gửi gắm trong các nhân vật. Trong
truyện Mận trắng, điểm nhìn bên trong được kể thông qua cảm nhận của

nhân vật Thuyên: “Thuyên gặp lại người chính ủy của trung đoàn mình vào
một buổi trưa khi ca nô của anh đến đậu ở khúc sông vắng vẻ này. Có lẽ dạo
đó là vào cuối năm ngoái, những chuyến đầu của tổ anh đi chở cát”. Cuộc đối
thoại giữa Thuyên và ông Tri – vị chính ủy của trung đoàn năm nào, đã gợi
nhắc Thuyên nhớ lại những kỉ niệm với Quang, với mẹ và những sự việc anh
bị thương, bị bắt giam… Truyện mở ra với việc Thuyên đã kể cho người lái
phụ của mình nghe chuyện mình bị thương: “Một thằng đâm mình buổi sáng,
ngang chiều chính nó gói mình vào một mảnh chăn rách vứt lên trực thăng.
Máu ra nhiều lắm, ướt đẫm đám cỏ mình nằm, vậy mà không hiểu sao vẫn cứ
tỉnh”. Sự việc ấy giúp ta nhận ra những đau đớn về thể xác mà Thuyên phải
hứng chịu trong những năm tháng chiến tranh. Sự khốc liệt của cuộc chiến
khiến con người ta phải đối mặt với cái chết trong từng khoảnh khắc. Trong
tâm trí của Thuyên chợt hiện về những hồi ức xa xưa, “anh nhớ đến một đêm
sâu đầy phiền muộn”. Đó là ngày anh phải vĩnh viễn mất đi người mẹ yêu
thương của mình: “Đã lâu và đã xa lắm rồi. Có lẽ lúc đó anh vừa đi bán bánh
về, những chiếc bánh giò xếp trong thúng, nóng hổi, còn mảnh buồm đậy bên
trên. Căn nhà tối om, muỗi từng đàn đập vào mặt. Trong góc giường mẹ nằm
vất vưởng như một mảnh khăn lau bàn”. Những ngày trước đó, anh đi học lớp
do bà giáo trên phố dạy là những ngày khó khăn nhất đối với Thuyên. Giờ
đây, mẹ mất, chính bà là người đã giúp Thuyên lo mai tang cho mẹ: “Hôm
sau mẹ được chôn cất tử tế là nhờ một tay bà giáo lo toan cho cả”. Sự việc
được hồi cố về những ngày anh cùng Quang đánh giặc vào những ngày đầu
năm 1972. Trong tâm tưởng của Thuyên và các đồng đội của anh lúc đó,
Quang là người trung đoàn trưởng luôn được nhắc tới “với tất cả sự kính
trọng”, còn bọn địch khi nghe nhắc tới tên anh là chúng “lè lưỡi, lắc đầu”.
Điều này được bộc lộ qua trận đánh ở Bắc Công Tum, khi có “một sư đoàn
ngụy tới bao vây”. Tình thế khó khăn khi trung đoàn do Quang chỉ huy rơi
vào ổ phục kích của địch. Quang đã chỉ huy hết sức quyết đoán, anh chỉ cho
mọi người thấy được tình hình địch ta, kế hoạch tác chiến, tương quan về lực
lượng trong trận đối đầu này. Quang tìm mọi cách để tháo vây cho đồng đội.

Trong những phút giây cam go ấy, phải đối mặt với cái chết đến bất cứ lúc
nào, Thuyên được Quang giãi bày tâm sự về chuyện Quang và cô Lân –
người con gái Thuyên cũng thầm yêu: “Với cậu mình ngượng thì đúng hơn.
Mình thành thật nói với cậu là mình xấu hổ với cậu mỗi khi nhớ tới quan hệ
giữa mình và Lân, Thuyên ạ”. Có lẽ trong chiến đấu Quang luôn tỏ ra là
người anh cả, chỉ huy tài tình, nhưng trong cuộc sống, Quang lại tỏ ra vụng
về như Quang tự nhận với Thuyên “sống thì còn tồi”. Những lời nói của
Thuyên với Quang như một lời oán trách, một lời khuyên giải về lẽ sống, về
lương tâm con người “Dũng cảm trong những trận đánh là một chuyện, trong
cuộc sống hàng ngày, trước mọi người bình thường kia lại là một chuyện,
cũng không biết sự dũng cảm nào lớn hơn sự dũng cảm nào”. Quả đúng vậy,
trong trận chiến này, Thuyên và hai đồng đội nữa của anh mới là những
người dũng cảm, Thuyên đã đề nghị Quang rút lại để mình và hai đồng đội ở
lại cầm chân bọn giặc. Họ phải đối mặt với những trận “mưa đạn cối”, những
dàn trực thăng… và lẽ dĩ nhiên Thuyên đã bị thương nặng. Từ điểm nhìn của
Thuyên, ta nhận ra sự gan góc, can trường của những người chiến sĩ như
Thuyên trong chiến tranh. Họ đã thể hiện rõ lòng dũng cảm và đức hy sinh
cao cả. Sự việc được tiếp diễn với những ngày Thuyên bị giam trên đảo Phú
Quốc: “Mỗi tuần anh cùng với bạn tù đưa xe ra ngoài phố chở nước mang về
trại”. Chuỗi ngày ở đây, Thuyên thấy mình cô đơn, nhớ nhà biết chừng nào.
Người đọc dễ nhận ra chiều sâu trong tâm hồn Thuyên qua điểm nhìn bên
trong này. Thuyên nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ những kỉ niệm tuổi thơ…
Đó là một khát vọng có một mái ấm gia đình, có một sự chở che của bà giáo
khi anh cơ nhỡ. Như một phép nhiệm màu, người giải thoát cho anh chính là
con trai bà giáo: “một tên sĩ quan ngụy tuổi còn trẻ, dáng lịch sự”. Sau một
thời gian dài hỏi cung, hắn đã ghi vào hồ sơ là “anh bị mắc chứng tâm thần,
bị thần kinh khá nặng”. Sự việc đó làm Thuyên khó hiểu và càng khó hiểu
hơn vì sau đó anh được trả tự do. Mãi sau này anh mới rõ, khi tới thăm bà
giáo, đó là con trai của bà. Trong cuộc thẩm vấn vô tình anh đã nhắc tới kỉ
niệm về những ngày học bà, được bà giúp đỡ. Đó là lí do khiến con trai bà

nhận ra anh và đã cứu anh, “gia ân cho anh”, người học trò của mẹ anh ta.
Một tình huống nằm ngoài phán đoán của Thuyên, nó như một định mệnh mà
tạo hóa đã sắp đặt cho anh. Sự việc còn bất ngờ hơn, khi một lần anh tới thăm
con gái bà giáo cùng bà. Vô tình bạn của con rể bà chính là Quang. Sự thay
đổi của Quang làm Thuyên ngỡ ngàng, Quang đang mang quân hàm trung tá,
có vợ ba con. Câu hỏi của Quang khiến Thuyên như thêm phần hụt hẫng hơn:
“Tao không nghĩ là chú mày còn sống, hay thật”. Giờ đây có thể Thuyên đã
hiểu thêm về Quang, một người từng gan dạ, dũng cảm, mẫu mực nhưng anh
đã nhiều lần “đê hèn”. Trong tình yêu, anh chạy trốn Lân khi đã vụng dại với
cô, trong chiến đấu anh đã bỏ Thuyên lại để rút chạy êm thấm. Và trong cuộc
sống khi có hòa bình, anh lại rút chạy khỏi quá khứ nghĩa tình kia. Anh đã
thực sự quên ông Tri, quên Lân, quên cả Thuyên nữa. Anh đã từng được họ
gia ân nhưng anh bỗng chốc quên nó chóng vánh. Bữa tiệc hôm nay Thuyên
và Quang vô tình hội ngộ đã là bữa tiệc chia tay giữa hai người, Thuyên đã
rời đi, “anh chạy đùng đùng như kẻ bị ma đuổi”. Có lẽ Thuyên không muốn
đối mặt với người hèn nhát từng chạy trốn trước lỗi lầm mình đã gây ra.
Thuyên hồi tưởng về những ngày Quang yêu Lân, một người con gái “xinh
xắn, mềm mỏng”, một nữ thanh niên xung phong làm y tá. Mặc dù Quang đã
có vợ ở quê, nhưng anh vẫn yêu Lân, vẫn duy trì một mối tình ngang trái. Lân
đã có thai hai tháng, sẵn sàng nhận kỉ luật để về tuyến sau nuôi con. Phút chia
tay ông Tri và Lân, Quang đã “bỏ đi như một người chạy trốn”. Mọi người
đều ngỡ ngàng và thầm oán trách Quang sao bạc tình. Ông Tri đã không giữ
được bình tĩnh, ông phải gắt lên “Chúng ta còn khối thời gian để xem thằng
ấy có thành người hay không”. Quang vẫn thành danh còn thành người thì
chưa, vì anh đã chạy trốn thiên chức làm bố của mình. Anh đâu biết Lân và
con anh giờ ra sao?
Trong một chuyến đi làm việc, vô tình Thuyên được chứng kiến sự
việc, con gái Lân đã ngã xuống sông và được một người thương binh (cụt
một chân) cứu vớt. Nhưng người đó chỉ cứu được cháu gái còn mình thì bị
nước cuốn đi. Đó là đồng đội của Thuyên, bị thương khi cùng Thuyên chở

súng cối vào đất liền. Giờ Thuyên biết thêm anh ấy là chồng sắp cưới của
Lân, nhưng anh đã vĩnh viễn không trở về được nữa. Vậy là một lần nữa
Quang lại được người khác “gia ân”. Thuyên đã hiểu thấu hơn về những bất
trắc trong cuộc đời của Lân, nhìn bờ mận trổ hoa trắng, Thuyên tưởng tượng
Lân sẽ đứng ở đó và anh sẽ chạy đến với cô “anh sẽ nắm cổ tay héo hon của
cô”, anh sẽ nói cho Lân hiểu những gì mình đang nghĩ, đang dự định: “anh ấy
về cũng tôt mà chưa về thì cũng chẳng sao, đừng chờ nữa, chúng ta cứ sống
và cứ yêu như những ngày trước em đã từng yêu, từng sống. Như anh vẫn
thầm mong có một người như em, ngày ấy tuy không nói ra, không một lời
nói ra…” Những dự cảm trong chiều sâu tâm hồn Thuyên cho ta thấy rõ hơn
đức hy sinh và lòng vị tha của anh. Anh chấp nhận quá khứ đau thương để
làm tiếp phần việc mà đồng đội anh đang “chạy trốn”, anh đã dự cảm và sẽ
làm được điều đó. Anh sẽ mang lại điểm tựa cho Lân, mang lại niềm tin cho
ông Tri. Truyện khép lại với những bất ngờ và những cung bậc xúc cảm của
Thuyên, của ông Tri và của độc giả. Qua cảm nhận của Thuyên, người đọc
nhận ra chiều sâu trong tâm hồn nhân vật Thuyên và những nét đẹp mà anh
đang biểu hiện. Anh là một người lính dũng cảm trong chiến đấu và trong
cuộc sống đời thường.
Đỗ Chu sử dụng rất thành công điểm nhìn trần thuật bên trong thông
qua đó bộc lộ những tư tưởng của nhà văn qua các hình tượng nhân vật trong
truyện kể, tạo sức hấp dẫn cho thiên truyện, sự sinh động về thế giới mà nhân
vật tự cảm nhận, quan sát được.
1.2.2.2 Điểm nhìn bên ngoài
Điểm nhìn bên ngoài là cái nhìn từ bên ngoài của người kể chuyện,
nghĩa là “cái bên ngoài không phải là cái ở bên ngoài, mà là cái có thể quan
sát từ bên ngoài” [40]. Điểm nhìn bên ngoài là điểm nhìn mà người kể miêu
tả sự vật từ phía bên ngoài nhân vật, kể những điều nhân vật không biết.
Điểm nhìn bên ngoài thể hiện được tính khách quan tối đa cho trần thuật. Các
sự kiện diễn ra tự nhiên như cuộc đời vẫn thế. Điểm nhìn bên ngoài sẽ giúp
nhà văn miêu tả bao quát nhiều phương diện, góc độ của hiện thực cuộc sống

hơn. Người kể ẩn mình đi, không trực tiếp xuất hiện trong tác phẩm, từ đó
quan sát và kể lại những sự việc như nó vốn có. Điều này tạo nên tính khách
quan cho tác phẩm, đôi khi tạo nền cho nhân vật kể chuyện xuất hiện. Điểm
nhìn bên ngoài giữ vai trò dẫn dắt người đọc vào không khí của truyện, có
những hình dung ban đầu về câu chuyện. Điểm nhìn bên ngoài thường xuất
hiện trong những truyện được kể ở ngôi thứ ba, thường được gọi là điểm nhìn
khách quan.
Trong các tác phẩm của Đỗ Chu, điểm nhìn bên ngoài được sử dụng
hết sức linh hoạt, không thuần nhất là điểm nhìn bên ngoài nhưng điểm nhìn
bên ngoài luôn có vai trò định hướng, dẫn dắt người đọc vào câu chuyện.
Truyện ngắn Mê lộ được mở ra bằng điểm nhìn khách quan của người
kể chuyện ẩn mình. Truyện bắt đầu bằng thời điểm hiện tại, điểm nhìn này
giúp người đọc như đang chứng kiến sự việc của thời điểm hiện tại đang diễn
ra trong thế giới truyện: “Bọn nỡm lại đã leo lên bức tường ở đầu ngõ kia rồi.
Trừ những hôm mưa gió còn thì chẳng mấy chiều là chúng không rủ nhau ra
đó. Chúng ngầm tỏ cho lũ con trai biết là chúng cũng có hội riêng, có những
trò chơi riêng”. Câu chuyện được bắt đầu từ những trò đùa nghịch của “lũ
con gái” trong xóm, chúng chơi từ chiều cho tới khi cái loa phóng thanh thôi
không phát tín hiệu nữa. Chỉ có sự xuất hiện của ông Trữ mới đủ sức khiến
chúng rút lui, thậm chí “nếu chẳng may có đứa nào mải chơi mà thấy ông bất
ngờ hiện ra thì chúng kêu thất thanh, mặt mày tái mét, chỉ mong tìm được
một cái lỗ mà chui xuống”. Cách giới thiệu về sự xuất hiện của ông Trữ khiến
câu chuyện tăng thêm phần hấp dẫn, tạo sự bí ẩn về nhân vật. Ông Trữ đã trở
thành nỗi ám ảnh cho bao người trong xóm, thậm chí với lũ trẻ, sự có mặt của
ông là một “nỗi đe dọa, là tín hiệu báo động khẩn cấp”. Từ những sự tụ họp,
vui đùa của đám trẻ con, phút chốc thay bằng cảnh “tháo chạy tán loạn”. Qua
điểm nhìn khách quan, ông Trữ hiện lên ở thời điểm hiện tại với đầy đủ nét
khác biệt. Từ cách ăn mặc tới cử chỉ, lời nói, hành động đều khác người:
“Mùa hạ ở trần, chụp chiếc lá sen lên đầu làm mũ, mùa đông khoác thêm tấm
chăn chiên Nam Định vằn đen vằn vàng nom như lốt hổ. Trên vai ông lúc nào

cũng có mang một cái ba lô bẩn thỉu rách như tổ đỉa”. Chân dung ấy đủ cho
thấy ông từng tham gia chiến trường và đã bị điên sau khi rời quân ngũ. Tất
cả những kí ức của một thời bom đạn được in đậm trong tâm trí ông, giờ đây
ông đang sống trong kí ức đấy với những giây phút nửa tỉnh nửa mê. Những
câu hỏi lũ trẻ con như những câu hỏi của một thời ông từng tham gia chiến
đấu:
- “Ai là người đã từng xông vào hầm tướng Đờ-cát trên mặt trận Điện
Biên Phủ?
- Sava, biêng! Câu hỏi thứ hai, đồng chí Hoàng Trữ bao nhiêu tuổi, huân
chương gì?”
Sự việc tiếp theo là những lời bàn tán, đồn thổi về chuyện ông Trữ bị điên,
người thì cho là ông bị điên vì tình, do ông yêu một cô gái Mèo, rồi sau này
cô thương nhớ ông rồi lăn ra chết, và hồn ma lại trở về bắt tội ông. Những lời
đồn của “miệng lưỡi thế gian” đã tạo ra bao mối nghi hoặc, thần bí về cuộc
đời ông Trữ. Có người còn nghi ông là gián điệp giả điên nên họ cho dân
quân du kích vào nghe ngóng, theo dõi ông. Họ bủa vây như sắp bắt một tên
Việt gian cỡ bự, thấy ông nửa đêm nhảy xuống hồ, mang một vật lên, nhóm
lửa…họ cho đó là tín hiệu dụ máy bay địch. Nực cười hơn nữa là chừng ấy
con người đang cảnh giác quá mức nên họ không phân biệt được ông Trữ
đang điên dại mà vẫn “nhất tề xông lên, lưỡi lê tuốt trần, súng trường lên đạn
xoành xoạch”. Kết quả là họ phát hiện ông Trữ không quần áo, đang gục đầu
khóc bên đống lá khô và cái vật họ thấy ông mang dưới đầm sen lên là một
con cá chuối. Nguyên nhân của việc ông Trữ bị điên bắt nguồn từ ngày ông
đang giữ cương vị tiểu đoàn trưởng. Do gia đình dưới quê bị quy là “thành
phần địa chủ” nên ông bị “cầm tù ngay giữa đồng đội, đồng chí của mình”.
Nhưng chưa qua đợt khủng hoảng tư tưởng , tinh thần ấy lại đến sự kiện
phong quân hàm. “Sổ sách ở trên gửi về ghi rõ ràng là như thế. Nhiều người
vui ra mặt, họ mừng cho ông, kín đáo chúc mừng ông tai qua nạn khỏi, thì ra
trời cũng có mắt, đời có vui có buồn, có oan có cởi”. Ông được phong quân
hàm thiếu tá. Trước việc công bố ấy, mọi người bàn tán khá nhiều, đặc biệt là

Đảng ủy phải họp để thảo luận. Và ngày ấy, phút giây ấy đã đến. Trữ bị đánh
tụt quân hàm từ thiếu tá như trong sổ sách cấp trên gửi về nay còn quân hàm
“thiếu úy”. Lời tuyên bố của vị Chính ủy đã làm cho cả tiểu đội “đứng im
lặng như đã hóa thành tượng đá, tai họ ù đặc”. Mặc dù viên Chính ủy sau đó
tự nhận là mình đã nhịu lời, là đọc nhầm, “bởi vì miệng tuy đọc là thiếu úy
nhưng trong đầu lại vẫn cứ đinh ninh đã đọc là thiếu tá”. Sự cố ý nhầm lẫn
của vị Chính ủy đã giết chết Trữ về tâm hồn, giết chết một tiểu đoàn trưởng
gan góc tài giỏi trong trận mạc. Thế là Trữ đã điên thật, ông Trữ đã là người
bước sang một thế giới khác, sống một thế giới thực hư, khôn dại lẫn lộn. Trữ
đâu biết sự nhầm lẫn kia là cả “một kế hoạch trả thù” được sắp đặt từ trước
của viên Chính ủy. Do hắn từng lả lơi cô Cài nhưng bị cô phản ứng làm cho
vỡ cặp kính, và sau này cô Cài yêu Trữ nên đã tạo ra cho viên Chính ủy mối
thâm thù này. Hôm nay, hắn đã trả thù Trữ một cách mạt hạng. Hắn đã khiến
Trữ chết ngay khi đang sống. Từ điểm nhìn trần thuật khách quan, người đọc
được chứng kiến những sự việc xảy ra với Trữ sau này, việc Trữ phát hiện ra
hũ vàng nơi miếu hoang, bọn kẻ gian tới hành hạ Trữ, được dân làng giải vây,
bà mẹ hiến cả số vàng cho dân làng. Bà lên tận Lạng Sơn tìm cô Cài- người
yêu của con trai bà, theo lời người con bà vẫn kể trong lúc chập chờn nửa
tỉnh nửa mê. Câu chuyện khép lại trong cảnh con trai Trữ, và Cài –vợ Trữ đã
về viếng mộ mẹ và đoàn tụ cùng Trữ. “Họ bỏ lại trong miếu cái ba lô và cái
tay nải rách nát như bỏ lại một quá khứ không cần nhắc lại”. Lời nhận định,
bình luận của người kể chuyện đã là lời kết cho câu chuyện. Đúng, quá khứ
đau thương cần phải được quên lãng, dấu tích một thời gian khổ và oan trái
cần được khỏa lấp. Giờ đây Trữ cần được sống hạnh phúc bên vợ và con trai.
Một kết thúc cho câu chuyện mang dáng dấp cổ tích thời hiện đại. Người đọc
thấy ấm lòng hơn khi chứng kiến hình ảnh anh và vợ con sóng bước bên
nhau. Từ điểm nhìn của người kể chuyện, mọi góc cạnh của thiên truyện
được hé mở khách quan và lôi cuốn người đọc.
Cả truyện Mê lộ hầu như nhà văn sử dụng điểm nhìn bên ngoài, đây là
nét đặc trưng của truyện Đỗ Chu. Phần lớn các truyện ngắn Đỗ Chu sử dụng

điểm nhìn bên trong, điểm nhìn bên ngoài chỉ là sự thoáng qua. Trong truyện
Họa mi hót điểm nhìn bên ngoài xuất hiện ở phần đầu để giới thiệu về hai
nhân vật Lương và Thiêm. “ Thời trẻ trung tìm bạn đã khó, nay luống tuổi để
tìm ra bạn tưởng là chuyện mò kim đáy bể mới phải. Nhưng với hai ông bà
này thì không hẳn thế. Là vì chưa biết nên mới phấp phỏng dò đoán đấy thôi.
Họ có chung một khoảng trời có chung một vùng lau sậy kín đáo nhiều âu
yếm và họ biết gìn giữ nó lâu bền”. Câu chuyện về Thiêm và Lương được mở
ra từ điểm nhìn trần thuật khách quan, từ đây người kể giới thiệu về những hồ
nghi của mọi người trong khu tập thể, sao Thiêm và Lương lại cùng thức thâu
đêm suốt sáng để nói chuyện “không hiểu cái đôi ấy họ to nhỏ với nhau
những gì”. Từ người già đến trẻ con đều có những đoán định riêng, lũ trẻ chờ
đợi một đám hỉ, còn người cao tuổi thì đợi chờ nghe ngóng sự việc. Việc ông
Thiêm ngày nào cũng tới lui với bà Lương đã tạo bao nghi hoặc cho mọi
người, một người vợ chết, con ở nước ngoài không về, một người chồng hi
sinh, con gái lấy chồng. Giữa họ không có gì ràng buộc cả. Hơn nữa họ đều
biết, trước đây giữa hai người từng yêu nhau thậm chí họ từng “ăn nằm” với
nhau. Sự xuất hiện của ông Thiêm giờ đây như một sự sắp đặt của tạo hóa, lũ
trẻ trong xóm đều “thấy việc này chỉ có bị hay mà thôi. Chúng đánh hơi thấy
ngay rằng ở đây có những dấu hiệu rất không đơn giản, nghĩa là rất tuyệt
vời”. Điểm nhìn bên ngoài đã tạo nên cái nhìn khách quan, mô tả sự việc bao
quat giúp người đọc khai thác sâu hơn, nắm rõ hơn chiều sâu tâm lí của các
nhân vật. Những thái độ của mọi người trong xóm, cách giới thiệu về Thiêm
và Lương đã tạo nên sự phong phú trong thế giới truyện. Người đọc sẽ có cái
nhìn đa chiều về nhân vật. Thiêm và Lương đâu biết, đâu nghe được những
lời bàn của lũ trẻ trong xóm, hai người đâu hay thái độ của người già đang
“dò xét” quan hệ giữa họ. Ở cái tuổi “tóc muối tiêu” rồi nên việc quan hệ yêu
thương sẽ không như thời trẻ trai. Điều này cũng dễ hiểu là vì sao khi Thiêm
liên tiếp tới quán Lương là khách hàng đặc biệt của Lương đã tạo sự thắc mắc
cho mọi người. Hoàn cảnh riêng của hai người cũng được người kể vô hình
miêu tả rõ. Vì thế nó tăng thêm tính khách quan cho câu chuyện được kể.

So với điểm nhìn bên trong, điểm nhìn bên ngoài trong truyện Đỗ Chu
thể hiện rất rõ cái nhìn đa chiều của người trần thuật. không giống với cách
sử dụng điểm nhìn bên ngoài của Nguyễn Minh Châu trong truyện Chiếc
thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu chỉ thoáng qua một vài chi tiết miêu tả
sự việc khách quan, không gian miêu tả xuất hiện hai địa điểm trên bến
thuyền và tại phiên tòa, kiệm lời đối thoại của những nhân vật phụ vì thế tạo
nên một nét riêng của truyện Nguyễn Minh Châu. Cách sử dụng điểm nhìn
bên ngoài của Đỗ Chu tạo một đấu ấn rất riêng trong thế giới truyện của nhà
văn. Sự linh hoạt trong việc sử dụng điểm nhìn bên ngoài, không thuần nhất
là điểm nhìn bên ngoài nhưng điểm nhìn bên ngoài luôn có vai trò định
hướng, dẫn dắt tình tiết truyện, miêu tả các sự việc của truyện ở nhiều góc
cạnh như trong Mê lộ, thể hiện thế giới truyện phong phú, đa dạng. Đó là nét
đặc sắc trong phong cách nghệ thuật Đỗ Chu.
1.2.2.3 Điểm nhìn di động
Điểm nhìn di động có nhiều ý kiến được đưa ra xung quanh vấn đề
này. Theo Nguyễn Thái Hòa, “điểm nhìn được di động trong thời gian
kể”[23]. Nghĩa là điểm nhìn được dịch chuyển theo thời gian. Tác giả cũng
nói rõ hơn “có những truyện giữ một điểm nhìn không đổi, nhưng ngược lại
có nhiều truyện điểm nhìn thay đổi theo nhân vật, theo người kể chuyện”[23].
Theo Trần Đình Sử, “Có khi nhà văn miêu tả hành vi hoàn toàn từ bên ngoài.
Lại có khi nhà văn miêu tả hành vi từ bên trong kẻ làm hành vi ấy. Có khi
nhà văn giữ nguyên một điểm nhìn từ đầu đến cuối. Có khi điểm nhìn bên
trong được thay đổi luôn từ nhân vật này sang nhân vật khác”[40], đồng thời
Trần Đình Sử cũng đi đến kết luận: “Luân phiên điểm nhìn tạo hiệu quả đối
thoại kịch tính thầm kín”[40]. Như vậy, trong một tác phẩm, có thể nhà văn
sử dụng một điểm nhìn trần thuật. cũng có khi điểm nhìn được di chuyển từ
vị trí này sang vị trí khác. Điểm nhìn di động là điểm nhìn luôn có sự thay
đổi, không cố định ở một vị trí cụ thể nào, nhằm tạo ra sự biến hóa cho mạch
truyện, tạo cho câu chuyện kể mang tính khách quan hơn, dễ dàng lôi cuốn
được người đọc, thâm nhập vào câu chuyện. Trong truyện ngắn của Đỗ Chu

sự dịch chuyển các điểm nhìn được sử dụng rất linh hoạt trong các tình tiết
truyện.
Truyện Một loài chim trên sóng, nhà văn bắt đầu từ điểm nhìn khách
quan, giới thiệu về không gian của truyện. Một không gian của miền quê
Kinh Bắc được mở ra với hình ảnh “con sông Cầu nước trôi băng băng, con
sông già nua vốn thường uể oải lờ đờ mà nay bỗng quay cuồng với những
vùng xoáy trông đến khiếp”. Ngược dòng ấy có vài ba con thuyền “nặng
nhọc” như gồng trên mặt sông, xa xa là những bãi dâu xanh mướt. Bên trong
đê là một khung cảnh trái ngược, một sự yên bình êm ả với “cánh đồng rộng
không một bóng người, vừa gặt chiêm xong, mặt ruộng khô ráo còn trơ
những gốc rạ”. Xen vào giữa cánh đồng hoang sơ ấy là “một dãy chuôm nước
trong veo” gắn với truyền thuyết ông Gióng về trời. Từ điểm nhìn trần thuật
khách quan, nhà văn dịch chuyển sang điểm nhìn nhân vật “tôi” ( tức Bình).

×